Trà chiều

Ngày mai, anh sẽ hẹn hò với em của ngày hôm qua

Sân ga hay những chuyến tàu có thể tượng trưng cho sự ly biệt, cũng có thể tượng trưng cho sự tương phùng, có thể mang người thân đi xa cũng có thể mang người thân đến gần. Giống như trăng khuyết rồi lại tròn.

Published

on

Trong văn hóa xem phim đại chúng, thỉnh thoảng chúng ta vẫn thường nghe câu trách móc như thế này: “Những gì hay nhất trong phim có trên trailer hết rồi,” hoặc “Ai làm trailer tệ quá, spoil hết nội dung phim từ đầu đến cuối khiến cho lúc xem phim không thấy hấp dẫn nữa.” Có lẽ, phần lớn các nhà sản xuất phim sẽ luôn cố gắng tránh phát hành những loại trailer thuộc dạng kể trên bởi việc bảo toàn sự ngây thơ cho khán giả nhằm giúp họ thưởng thức trọn vẹn bộ phim luôn là điều tối cần thiết. Dù vậy, Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You (ぼくは明日, 昨日のきみとデートする, Ngày mai anh sẽ hẹn hò với em của ngày hôm qua) lại cố tình cho khán giả xem phần trailer tuy rất hấp dẫn nhưng vừa “trưng ra hết những gì hay nhất trên phim” vừa “tiết lộ gần như toàn bộ nội dung phim từ đầu đến cuối”. Tôi chắc chắn rằng đây là việc làm có ý thức của nhà sản xuất chứ không phải lỗi lầm vô tình mắc phải bởi lẽ ngay từ tên gốc của nguyên tác Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You – chính cái tên ấy cũng đã tiết lộ nội dung cốt lõi của phim cho khán giả biết. Và với câu chuyện có nội dung đơn giản như thế này, cũng thật khó làm trailer mà không spoil phần lớn nội dung bởi đây là câu chuyện dày dặn vì chi tiết, không phải tình tiết. Do đó, chỉ cần lấy một, hai tình tiết chính yếu ra làm trailer, xem như phần lớn nội dung phim đã bị tiết lộ. Thậm chí, trong poster phim, nhà sản xuất cũng spoil luôn một điều rất quan trọng qua câu tagline: “Để yêu nhau chỉ vỏn vẹn trong ba mươi ngày, chúng tôi đã gặp nhau.” Cho dù có một khán giả nào đó phớt lờ không xem trailer hay poster thì họ cũng vẫn không thể hoàn toàn bước vào bộ phim với sự ngây thơ thuần túy bởi chính tên phim đã tiết lộ mấu chốt quan trọng nhất của câu chuyện. Vậy thì, để một người tiếp xúc với bộ phim như một tờ giấy trắng tinh, người đó phải vừa không xem trailer, poster, vừa không biết tên phim. Điều đó hẳn khó lòng xảy ra được. Tuy nhiên, với Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You – việc bảo toàn sự ngây thơ trước khi xem không phải là điều tối quan trọng.

Tháng mười năm ngoái, trong một lần lang thang Youtube, tôi tình cờ lướt mắt thấy tiêu đề Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You. Tiêu đề này ngay lập tức thu hút tôi bởi ấn tượng về mặt nghịch lí của nó. Sao lại có thể như thế được? Vậy là, tôi bấm vào video để xem trailer. Và khi xem trailer, tôi đã phần nào hiểu ra nội dung chính của phim. Thế nhưng, có điều gì đó từ những hình ảnh ấy khiến tôi muốn xem phim này ngay lập tức. Tuy nhiên, khi phát hiện ra tháng mười hai phim mới được công chiếu (tức là sau hai tháng từ thời điểm tôi xem trailer), tôi cảm thấy ngán ngẩm vì tôi biết khi phim chiếu xong, mình lại phải đợi một khoảng thời gian khá dài nữa mới được xem bản chất lượng trên mạng. Sau đó, có những khoảng thời gian tưởng chừng như tôi đã gần quên mất bộ phim này trong cuộc sống bộn bề, và chính xác hơn là lộn xộn của mình. Vào những ngày đầu tháng tám năm nay, khi đã tạm giải quyết xong một phần hỗn độn, cái tên Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You không hiểu sao lại đột nhiên nảy ra trong đầu tôi. Tôi thử tìm kiếm và phát hiện phim đã có bản đẹp, phụ đề hẳn hoi. Thế là, tôi xem phim này vào tối khuya, rạng sáng ngày hôm qua. Tôi xem xong lúc bốn giờ sáng. Lồng ngực cảm thấy nặng nề, trái tim bồi hồi xao xuyến, nỗi buồn như những sợi chỉ quấn thành từng vòng trên người tôi cho đến khi tôi bị bao bọc trong nó như một con sâu đang thu mình vào cái kén tưởng chừng mỏng manh nhưng vững chắc. Và chiều nay, khi nghe bài hát chủ đề của phim Happy End bản cover do Kona Milk trình bày, đồng thời đọc lyric, có nhiều đoạn đã khiến tôi rươm rướm nước mắt, tôi nhớ lại cảm giác đau buồn nhưng ấm áp vây lấy mình khi vừa xem xong phim cách đó mười mấy tiếng.

Tình yêu và thời gian

Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You thuộc dạng phim romance lấy thời gian làm chủ đề. Câu chuyện thực hành một trò chơi với thời gian. Lý thuyết về vũ trụ song song, những tuyến thời gian khác nhau cùng tồn tại, vòng lặp thời gian, du hành thời gian… là những nội dung thường được khai thác với chủ đề thời gian. Người ta có thể kết hợp chủ đề thời gian với bất cứ thể loại nào, từ hành động (Edge of Tomorrow, In Time), rom-com (Groundhog Day, About Time), drama (The Time Traveler’s Wife), mystery (Time Renegades, Signal), coming of age (If I Fall), đến kinh dị (Happy Death Day)… Dù là nội dung nào trong tổ hợp về chủ đề thời gian, chúng ta đều có thể thấy một trong những vấn đề nổi trội mà câu chuyện thường đề cập là sự kết nối giữa người với người diễn ra như thế nào khi họ bất đắc dĩ (hoặc không bất đắc dĩ) rơi vào trò chơi (hay trò đùa) của thời gian. Do đó, những phim lấy thời gian làm chủ đề và đồng thời cũng thuộc thể loại romance trở thành sự kết hợp vô cùng hoàn hảo bởi cả hai đều có một điểm chung mấu chốt: sự kết nối. Vì tổ hợp “thời gian + romance” là thứ dung dịch khiến người ta dễ bị nhấn chìm trong xúc động nên đã có vô vàn phim romance với nội dung “một đôi tình nhân yêu nhau nhưng gặp phải vấn đề rắc rối về thời gian” tương tự như Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You. Có thể tạm kể đến một vài ứng cử như: Il Mare (2000), Kimi ni Shika Kikoenai (2007), Kimi no Na wa (2016)…Trong giới hạn những phim romance kết hợp thời gian mà tôi đã xem, tôi nhận thấy điểm chung của các phim thường là để cho cặp tình nhân ở hai tuyến thời gian khác nhau: trong Il Mare, Sung Hyun sống ở năm 1997, Eun Joo sống ở năm 1999; trong Kimi ni Shika Kikoenai, Ryo và Shinya sống cách nhau một tiếng đồng hồ; trong Kimi no Na wa, Taki và Mitsuha sống cách nhau ba năm… Và có lẽ, vẫn còn nhiều phim romance với nội dung tương tự nhưng tôi không nhớ ra hoặc không thể liệt kê hết.

Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You cũng đặt hai nhân vật yêu nhau vào hai tuyến thời gian khác nhau. Thế nhưng, điểm đặc biệt của Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You là tuyến thời gian của hai nhân vật không chỉ khác nhau mà chiều vận động của nó còn ngược nhau: tương lai của người này là quá khứ của người kia. Trong ba phim tôi đã liệt kê ở trên, hai tuyến thời gian khác biệt thực chất vẫn nằm trên cùng một đường thẳng tuyến tính, chỉ cần dùng một phép dịch chuyển với việc cộng hay trừ đi hằng số cách biệt (hai năm, một tiếng, ba năm) là đã có thể qui đổi từ tuyến thời gian của người này sang tuyến thời gian của người kia. Nhưng trong trường hợp của Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You, hai tuyến thời gian không nằm trên cùng một đường thẳng, chúng nằm ở hai đường song song với chiều chuyển động ngược nhau. Do đó, vấn đề không chỉ đơn thuần là sự cách biệt thời gian mà còn là chính hằng số cách biệt ấy sẽ ngày càng tăng theo thời gian. Trong câu chuyện này, hằng số cách biệt đã trở thành biến số cách biệt được tính bằng bội số mười năm theo mỗi lần gia tăng. Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You đặt ra một qui luật rằng vì ở hai tuyến thời gian trái chiều vận động nên Minamiyama Takatoshi và Fukuju Emi chỉ có thể gặp nhau năm năm một lần trong khoảng thời gian ba mươi ngày (tròn một chu kì trăng). Câu chuyện chính diễn ra ở thời điểm cả hai đều hai mươi tuổi và có khoảng thời gian ba mươi ngày bên nhau trước khi lại đi qua chiều thời gian ngược nhau với số tuổi cách biệt lớn dần: khi Takatoshi hai mươi lăm tuổi, Emi mười lăm tuổi; khi Takatoshi ba mươi tuổi, Emi mười tuổi; khi Takatoshi ba mươi lăm tuổi, Emi năm tuổi; và ngược lại, Emi cũng tương tự như thế. Do đó, mốc thời gian ba mươi lăm tuổi sẽ là lần cuối cùng cả hai gặp nhau vì nếu người này tiến thêm nhiều hơn năm năm nữa thì sẽ đến thời điểm người kia chưa chào đời. Sau cột mốc ba mươi lăm, hai đường thẳng song song ấy sẽ không còn giao nhau nữa và cứ đi mãi đến điểm cáo chung trong đơn độc.

Cấu trúc hai hồi giản dị

Toàn bộ nguyên tắc vận hành thời gian được Emi giải thích đơn giản trong một cảnh phim mà nếu chia theo cấu trúc ba hồi, nó sẽ nằm ngay điểm midpoint. Lẽ đương nhiên, có thể chia Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You theo cấu trúc ba hồi nhưng ở đây, tôi sẽ mạo muội chia phim theo cấu trúc hai hồi vì xét trên nhiều yếu tố, tôi thấy Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You giống cấu trúc hai hồi hơn là ba hồi.

Cả ba phim cùng thể loại với Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You mà tôi đã liệt kê là Il Mare (2000), Kimi ni Shika Kikoenai (2007), Kimi no Na wa (2016)đều thuộc dạng cấu trúc ba hồi và sẽ rất gượng ép khi chia nó thành hai hồi. Bởi lẽ điểm midpoint của ba câu chuyện này đều là những tình tiết thúc đẩy câu chuyện đến cao trào để giải quyết vấn đề ở hồi ba. Trong khi đó, điểm midpoint của Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You dù vẫn mang tính chất thúc đẩy câu chuyện nhưng cao trào sau đó đến nhanh và vấn đề cũng nhanh chóng được giải quyết (Takatoshi chấp nhận tình trạng cả hai không thể thay đổi được gì và cố gắng tận hưởng những ngày cuối cùng với Emi), do đó hồi ba của phim (nếu chia phim theo cấu trúc ba hồi thì hồi ba bắt đầu từ sau cảnh Emi biến mất vào ngày thứ ba mươi của Takatoshi) dường như bị hòa lẫn vào hồi hai vì nó quá ngắn và chỉ mang tính chất là vọng âm của những gì đã diễn ra chứ không giải quyết lại vấn đề đã được giải quyết ở hồi hai – nghĩa là đưa ra giải pháp mới và kết thúc bộ phim. Theo những gì tôi đã tìm hiểu về cấu trúc ba hồi, hình như không có phim nào thuộc cấu trúc ba hồi mà toàn bộ vấn đề đã được giải quyết hết ở hồi hai cả. Hơn nữa, nếu chia bộ phim thành ba hồi thì phải đến gần phân nửa phim (phút thứ bốn mươi mốt – đoạn giới thiệu tiêu đề phim) mới là điểm kết thúc hồi một vì toàn bộ phân đoạn trước đó vẫn chỉ mang tính giới thiệu, chưa nêu ra vấn đề nhân vật cần giải quyết. Và theo tôi được biết, hình như cũng chẳng có phim cấu trúc ba hồi nào mà đến gần phân nửa phim mới hết hồi một. Vì vậy, đó là những lí do vững chắc khiến tôi xếp Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You vào dạng phim cấu trúc hai hồi mà không có gì đắn đo.

Cấu trúc hai hồi giống như một tấm gương để ta đối chiếu những gì tương đồng và tương phản ở hồi một và hồi hai. Tôi cảm thấy nó giống như cấu trúc dùng để hướng người xem đến sự so sánh và thông qua sự so sánh đó, cảm xúc được nảy sinh. Lẽ đương nhiên, trong cấu trúc ba hồi cũng đính kèm phép so sánh giữa hồi một và hồi ba để khán giả thấy được sự thay đổi của nhân vật, câu chuyện hay tình huống. Tuy nhiên, phép so sánh trong cấu trúc ba hồi không phải là thứ tạo cảm xúc chủ đạo, nó chỉ là thứ góp thêm gia vị cho cảm xúc, thứ tạo cảm xúc chủ đạo trong cấu trúc ba hồi là cao trào. Trong khi đó, với cấu trúc hai hồi, phép so sánh lại chính là thứ tạo cảm xúc chủ đạo vì hồi hai sẽ không ngừng nhắc nhở người xem nhớ lại hồi một, so sánh những gì xảy ra ở hồi hai với hồi một. Mulholland Drive là ví dụ tiêu biểu cho cấu trúc hai hồi. Chính sự so sánh giữa giấc mơ và thực tế trong hồi một và hồi hai là thứ tạo cảm xúc chủ đạo cho người xem; giấc mơ càng đẹp, thực tế càng buồn bã thì sự so sánh càng đau đớn. Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You cũng tương tự như thế. Hồi một là mười lăm ngày đầu tiên hoàn toàn hạnh phúc khi Takatoshi không hề hay biết người con gái anh yêu ở tuyến thời gian ngược chiều với anh, hồi hai là mười lăm ngày cuối cùng vui buồn lẫn lộn khi anh đã biết ra sự thật. Ngay từ cách chia ba mươi ngày hai người bên nhau thành cột mốc mười lăm – mười lăm cũng cho thấy rõ ý đồ so sánh của Nanatsuki Takafumi – tác giả cuốn tiểu thuyết gốc.

Nỗi buồn trăng khuyết

Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You có lẽ là một trong những phim tôi đã xem mà tiêu đề xuất hiện rất trễ trong phim. Phải đến phút thứ bốn mươi mốt, đêm tối ngày mười lăm – tức là hết hồi một, tiêu đề phim mới chầm chậm hiện lên bên phải khung hình trong góc toàn khẽ tilt lên cao nhẹ nhàng để thấy vầng trăng tròn trong lúc đôi tình nhân hôn nhau ở sân ga. Đây có lẽ là một trong những cảnh xuất hiện tiêu đề phim mà tôi thích nhất vì bản thân tiêu đề trong cảnh này cũng là công cụ để kể chuyện. Nó như thứ tín hiệu thông báo cho người xem biết rằng kể từ thời điểm này, mạch phim sẽ thay đổi, một bí mật sắp sửa được tiết lộ. Mặt trăng cũng là hình ảnh dùng để kể chuyện trong phim. Trăng tròn tượng trưng cho hạnh phúc viên mãn, trăng khuyết tượng trưng cho hạnh phúc sắp sửa đến hồi kết thúc.

Trong Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You, trăng tròn ngay ngày mười lăm – điểm mốc chính giữa khoảng thời gian Takatoshi và Emi bên cạnh nhau, điều đó có nghĩa là trước ngày mười lăm và sau ngày mười lăm thì trăng bắt đầu khuyết. Như vậy, hình ảnh trăng khuyết thực chất cũng có thể tượng trưng cho thời kì hạnh phúc chớm nở. Tuy nhiên, đạo diễn Miki Takahiro đã cao tay ở chỗ ông cố tình biến trăng khuyết trở thành biểu tượng có ý nghĩa duy nhất là sự chia ly trong phim một cách tự nhiên.

Ở mười bốn ngày đầu tiên (đối với Takatoshi), dù cũng có những cảnh đôi tình nhân hẹn hò trong đêm tối nhưng Takahiro không bao giờ lia máy lên bầu trời để thông báo cho người xem biết mặt trăng lúc đó như thế nào. Mặt trăng bắt đầu xuất hiện vào đêm tối ngày mười lăm hôm cả hai cùng xem phim. Khi Takatoshi đã ngủ, Emi lẳng lặng nhìn vầng trăng tròn qua khung cửa sổ rồi khóc một mình và Takatoshi tỉnh dậy. Sau đó, hai người hôn từ giã ở sân ga – đây là cảnh tiêu đề phim hiện ra, người xem lại thấy trăng tròn xuất hiện. Và kể từ ngày mười lăm trở đi, vào những cảnh đêm tối, thỉnh thoảng đạo diễn Takahiro lại cho thấy hình ảnh trăng khuyết dần trên bầu trời như một cách để thông báo ngầm rằng ngày chia ly của đôi bạn trẻ đã đến gần. Nhìn hình ảnh mặt trăng dần khuyết đi cho đến khi chỉ còn là một đường cong rất mảnh, người xem càng thấy xót xa hơn cho đôi tình nhân.

Có một nguyên tắc rằng những hình ảnh được sử dụng trong một câu chuyện (cả với điện ảnh và văn học) chỉ nên có một ý nghĩa duy nhất do người sáng tác tự thiết lập, bởi lẽ nếu có hai hoặc ba ý nghĩa hoàn toàn trái ngược nhau cho một hình ảnh, điều đó khiến hình ảnh ấy giảm đi tính biểu tượng hoặc sức gợi cảm trong lòng khán giả. Vậy nên, ở Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You, nếu ngay từ những ngày đầu khi Takatoshi và Emi vừa mới quen nhau hạnh phúc (theo ý nghĩ của Takatoshi) mà đạo diễn đã cho người xem thấy hình ảnh trăng khuyết thì hình ảnh ấy sẽ giảm đi rất nhiều sức nặng khi nó xuất hiện lại trong những ngày cuối cùng của Takatoshi khi ở cạnh Emi. Hơn nữa, việc quá khứ của người này là tương lai của người kia còn dẫn đến một sự thật đau lòng khác: những gì là lần đầu tiên với Takatoshi thì lại là lần cuối cùng với Emi và ngược lại. Do đó, điểm khởi đầu câu chuyện kể dưới góc nhìn của Takatoshi thì cũng đồng thời là điểm kết thúc với Emi. Ở phân đoạn hai người hẹn hò lần đầu tiên, khi Emi đồng ý làm bạn gái của Takatoshi, cảnh này đã kết thúc bằng góc toàn cho thấy khung cảnh công viên được gắn đèn neon vàng lấp lánh khắp nơi, góc máy có chiều hướng giống với cảnh toàn hiện ra tiêu đề nơi sân ga vì cũng được tilt nhẹ nhàng lên cao, chỉ khác là nó không lên đủ cao để thấy mặt trăng. Sau khi Emi biến mất trong ngày thứ ba mươi của Takatoshi, bộ phim được kể lại theo trình tự thời gian của Emi bằng những đoạn montage ngắn gọn nhưng khơi mở thêm vài chi tiết mà ở những cảnh tương tự khi kể dưới trình tự thời gian của Takatoshi không có: Emi bâng khuâng đi tìm phòng học để gặp Takatoshi trong ngày đầu tiên gặp anh, Emi đã thực sự khóc khi cắt tóc cho Takatoshi, Emi bỏ chocolate vào nước sốt bò cho Takatoshi… và trong ngày hẹn hò đầu tiên của Takatoshi, Emi đã khóc khi ngẩng nhìn vầng trăng khuyết trên bầu trời bởi vì đó cũng là ngày hẹn hò cuối cùng của nàng.

Để người mình yêu có được một ngày hạnh phúc trọn vẹn

Ban đầu, khi vừa xem phim xong, tôi đã nghĩ rằng cả Takatoshi và Emi đều hạnh phúc và đau khổ như nhau. Cả hai sẽ vui vẻ trong những ngày đầu tiên và buồn bã trong những ngày cuối cùng của mình. Nhưng khi ngẫm nghĩ kĩ lại, không mất quá nhiều thời gian để tôi nhận ra rằng Emi mới là người chịu khổ nhiều hơn. Nỗi đau đến cuối cùng với cả hai có lẽ đều như nhau nhưng ngay từ đầu, việc chuyện tình của họ nương theo trình tự thời gian của Takatoshi cũng đã là một thiệt thòi cho Emi. Nàng phải cố gắng cư xử sao cho phù hợp với những lần đầu tiên của anh dù đó là những lần cuối cùng của nàng, mỗi buổi sáng trước khi gặp Takatoshi, nàng phải cố gắng ghi nhớ rằng những gì đã xảy ra vào ngày hôm qua với nàng, thực chất chưa xảy ra với Takatoshi, nàng phải tự điều chỉnh bản thân, cách xưng hô từ thân thiết đến xa lạ với Takatoshi. Emi đã khổ sở như thế trong mười lăm ngày Takatoshi chưa biết sự thật. Và trong mười lăm ngày Takatoshi biết sự thật, nàng lại phải cố gắng ghi nhớ những việc bản thân mình chưa làm. Nàng là người từ đầu đến cuối, trong suốt ba mươi ngày ấy, đã luôn phải đối diện với sự thật rằng mỗi ngày trôi qua, sẽ càng đến gần ngày nàng cách xa người yêu mãi mãi. Trong khi đó, Takatoshi ít nhất đã có mười lăm ngày hạnh phúc trọn vẹn và khi biết được sự thật, anh cũng không phải khổ sở khi nhớ ngày mai mình sẽ làm gì, anh được ở bên cạnh người yêu theo tiến trình tâm lí bình thường từ xa lạ đến thân thiết. Vậy nên, đúng như Takatoshi đã nhận ra: Emi phải kiên cường, mạnh mẽ và đau đớn như thế nào để mỉm cười với anh dù trong lòng buồn bã. Có một chi tiết rất hay mà tôi thích là vào ngày đầu tiên hẹn hò với Emi, theo lời hướng dẫn của người bạn thân, Takatoshi đã tự khám phá trước những nơi anh sẽ dẫn Emi đến vài tiếng sau đó để chắc chắn rằng cuộc gặp gỡ sẽ trở nên hoàn hảo vì anh chỉ toàn dẫn cô đến những nơi mà anh đã tìm thấy điều gì đó thú vị. Takatoshi vui mừng vì dường như việc làm này đã có hiệu quả bởi trông Emi rất vui. Thế nhưng, anh nào đâu biết rằng sự khám phá trước vài tiếng rồi vờ như mình cũng mới đến lần đầu ấy vẫn là điều quá nhỏ nhoi so với việc Emi mà anh sẽ gặp hôm nay thực chất đã gặp anh trong hai mươi bảy ngày rồi nhưng vẫn phải vờ như chỉ mới gặp anh ngày thứ ba để anh có được một ngày hạnh phúc trọn vẹn.

Cấu trúc vòng tròn đã được sử dụng trong rất nhiều câu chuyện đến nỗi đôi lúc tôi thấy hơi nhàm chán và dường như nó mất tác dụng gây nên một thứ cảm xúc đặc biệt nào đó cho tôi. Tuy nhiên, trong Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You, cấu trúc vòng tròn đã phát huy tối đa tác dụng ở cảnh kết thúc đến nỗi tôi nhận ra rằng không thể có kiểu kết thúc nào xúc động hơn cho phim, đến nỗi tôi nghĩ rằng cấu trúc vòng tròn được sinh ra để áp dụng cho những câu chuyện như Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You. Cảnh kết phim cho thấy ngày cuối cùng của Emi – cũng là ngày đầu tiên của Takatoshi đã diễn ra dưới góc nhìn của Emi như thế nào. Nàng quay lại căn phòng mà Takatoshi sẽ trọ trong tương lai để từ biệt, nàng đến chuyến xe điện để gặp anh lần cuối, nàng lặng lẽ nhìn anh và rồi sợ anh phát hiện mình đang nhìn trộm, nàng lấy một quyển sách ra để đọc. “Mình đã đến bên anh.” Nàng tự nhủ. Cảnh này khiến tôi nhớ đến một trong những phân đoạn cuối cùng của phim Ima, ai ni yukimasu (2004), Mio trên chuyến tàu đến gặp Takumi đã viết trong quyển nhật kí rằng: “Bây giờ, em sẽ đến gặp anh.” Ở tình thế này, Emi lại có phần giống Mio của khi ấy, cả hai đều biết mối duyên của mình chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn ngủi và rồi để lại nhiều tiếc nhớ, đau buồn hơn là hạnh phúc nhưng vẫn quyết định sẽ đến bên người mình yêu chỉ để nhận lấy thứ hạnh phúc quý giá và ngắn ngủi ấy.

Không phải What, điều quan trọng là How

Trong Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You, khó khăn lớn nhất và duy nhất mà hai nhân vật phải đối diện là thời gian – đây là thứ vốn không thể giải quyết được, đến cuối cùng quả nhiên cả hai thậm chí cũng chẳng tìm cách giải quyết nó. Do đó, external conflict của phim trở thành thứ không tồn tại dù nó có xuất hiện bởi lẽ Takatoshi và Emi đều chấp nhận nó như sự thật hiển nhiên. Như vậy, bộ phim chỉ có internal conflict của Takatoshi trong việc chấp nhận nghịch lí thời gian (Emi không có internal conflict vì ngay từ đầu nàng đã biết sự thật và chấp nhận nó). Thế nhưng, internal conflict của Takatoshi cũng được giải quyết rất nhanh chóng. Vậy nên, tôi tạm kết luận rằng Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You không phải là câu chuyện thu hút người xem dựa trên mâu thuẫn và cách giải quyết mâu thuẫn. Với kiểu câu chuyện như thế này, “What” không phải là câu hỏi quan trọng, câu hỏi quan trọng ở đây là “How”. Ở phút thứ năm mươi mốt trong bộ phim dài một tiếng năm mươi phút, người xem đã biết được toàn bộ sự thật và gần như nắm rõ phần lớn câu chuyện phía sau qua cuốn nhật kí ghi ngược ngày mà Takatoshi đã đọc. Do đó, điều cuốn hút tâm trí người xem ở hồi hai không phải là “cái gì sẽ diễn ra” mà là “họ sẽ đối diện với những ngày đó như thế nào”.

Nếu một bộ phim mà câu hỏi “What” là quan trọng nhất thì chứng tỏ rằng đó là phim plot driven; trong khi đó, nếu câu hỏi “How” là quan trọng nhất thì phần lớn phim sẽ là character driven. Với tôi, Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You là character driven dù rằng xếp nó vào plot driven cũng không hẳn sai vì có thể đến phút cuối, nhiều người xem vẫn còn hi vọng một điều gì đó khác biệt sẽ diễn ra. Tuy nhiên, ngay từ đầu, bộ phim đã cuốn hút tôi bằng nhân vật và suốt quá trình theo dõi phim, điều duy nhất cuốn hút tôi vẫn là nhân vật. Bộ phim mở đầu bằng cảnh quá quen thuộc trong thể loại phim tình cảm: trên một chuyến tàu, chàng trai đã tình cờ nhìn thấy một cô gái xinh đẹp đứng đối diện mình, nàng mỉm cười bâng quơ trong ánh nắng nhẹ nhàng hắt vào từ khung cửa sổ khiến trái tim chàng xao xuyến, nhận ra mình đã trúng tiếng sét ái tình mất rồi. Quen thuộc quá phải không nào?

Theo những phim tình cảm thông thường, chàng trai sẽ chẳng dám tỏ tình với cô gái ngay vì như thế thì đường đột quá, cô sẽ bỏ chạy mất. Nếu một chàng trai tinh ranh, hẳn sẽ tìm ra lí do nào đó hợp lí để làm quen với nàng trước. Nếu một chàng trai trông có vẻ khù khờ, thường sẽ bỏ qua cơ hội lần đầu tiên và rồi tình cờ gặp cô gái lần thứ hai hay thứ ba, họ cảm thấy đây là mối lương duyên (đặc biệt những phim châu Á hay có kiểu tình cờ gặp ba lần nghĩa là rất có duyên với nhau) và thế là quen nhau. Nói chung, quá trình chàng trai cưa cẩm cô gái sẽ mất rất nhiều công đoạn với kha khá khó khăn. Tuy nhiên, Takatoshi xuất hiện đầu phim dù có vẻ khù khờ qua mái tóc dài và cử chỉ lóng ngóng đã thu hết can đảm chạy theo cô gái xa lạ, xin địa chỉ mail với lí do rất thẳng thắn là: “Tớ đã lỡ thích cậu mất rồi.” Cô gái không cho Takatoshi địa chỉ mail vì cô không có điện thoại nhưng lại tỏ ra rất dễ dàng chấp nhận anh. Takatoshi và Emi đã trò chuyện với nhau cho đến khi một chuyến tàu khác cập bến, Emi hứa ngày mai họ sẽ gặp lại. Mọi chuyện sau đó diễn ra rất nhanh chóng, thuận lợi. Đến ngày thứ ba, cả hai đã chính thức hẹn hò. Mọi thứ đều nhẹ nhàng, không có chút gì kịch tích. Tuy nhiên, tác giả đã khéo léo gieo những hạt mầm bí ẩn nho nhỏ xung quanh Emi khiến người xem không thể tránh khỏi việc bị cô thu hút với một số chi tiết như: tại sao Emi lại dễ dàng khóc như thế, tại sao Emi có thể biết trước những nơi Takatoshi sẽ đến, tại sao đôi lúc Emi lại nhìn Takatoshi bằng ánh mắt buồn đến nao lòng… Từ những phút đầu tiên của phim, tôi đã thích cả hai người. Tôi thích một Takatoshi vụng về nhưng chân thành. Tôi thích một Emi dịu dàng nhưng u buồn. Vì cả hai không có nhiều thời gian (và Emi là người hiểu rõ điều đó nhất) nên họ trân trọng từng giây phút bên nhau. Ngẫm nghĩ lại, cả bộ phim đôi lúc chỉ đơn thuần như một phim tài liệu sống động kể về ba mươi ngày hạnh phúc giản dị của họ.

Ánh nắng mờ ảo

Nếu phải chọn ra một tông màu chủ đạo trong phim, tôi sẽ chọn… màu nắng. Với tôi, bộ phim dường như không chủ ý nhấn mạnh một tông màu đặc biệt nào mà chỉ có sự đối lập ánh sáng giữa ngày và đêm nối tiếp nhau. Ánh nắng trong phim rất đẹp. Vào những cảnh ban ngày, có thể nhận thấy rõ đạo diễn Takahiro có phần cố ý quay dư sáng một chút để tạo ra những điểm lóa sáng rất nhẹ và không đến mức trở thành điểm cháy sáng trong khung hình. Những điểm lóa sáng này mang đến không khí mờ ảo. Hai cảnh quay trong hai lần Emi đến phòng học của Takatoshi đều sử dụng ánh sáng như thế và Emi chính là người ngồi ở vùng sáng mờ ảo trong khi Takatoshi lại đứng ở vùng tối hơn trong khung hình. Điều này có lẽ cũng ngầm ám chỉ rằng dường như nàng mong manh và hư ảo hơn anh. Ở những cảnh cả hai vui chơi ban ngày, nắng không có nhiều điểm lóa như trong phòng học nhưng màu sắc được chỉnh tương tự như khi dùng filter Glow trong Photoshop: tia nắng viền mềm mại quanh thân người và hậu cảnh mờ trong ánh sáng lung linh khiến mọi vật xung quanh trông có vẻ hơi nhòe nhưng hiền hòa. Tất cả hiệu ứng này tạo ra cảm giác ấm áp, có chút gì đó không thực và buồn bã, rất hợp với không khí câu chuyện.

Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You là phim đầu tiên tôi xem có sự tham gia của Komatsu Nana. Em đã khiến tôi vô cùng kinh ngạc trước vẻ đẹp, thần thái và kĩ năng diễn xuất. Emi được Nana thể hiện thật hoàn hảo từ ánh mắt, cử chỉ đến giọng nói. Ở Nana, quả nhiên toát ra một khí chất gì đó rất riêng biệt trong từng khuôn hình. Từng góc quay trên khuôn mặt em đều đẹp nhưng có một số góc, trông em lại hơi khác em thông thường. Em đúng là một diễn viên đầy tiềm năng và tôi tự nhủ sẽ xem thêm nhiều phim của em nữa trong tương lai. Với Fukushi Sota, trước đó tôi đã theo dõi cậu trong phim Kyou wa Kaisha Yasumimasu (2014).Cách diễn của Sota trong Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You cũng không có nhiều khác biệt so với Kyou wa Kaisha Yasumimasu nhưng vì cả hai vai diễn đều khá tương đồng nhau nên có thể xem như Sota đã hoàn thành tốt vai trò của mình trong Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You.

Nếu thời gian là một vòng lặp vĩnh viễn

Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh rằng Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You một lần nữa cho thấy sức công phá kì diệu như thế nào của cấu trúc hai hồi nếu biết áp dụng vào đúng câu chuyện thích hợp. Ở thời buổi mà hầu hết những phim hay câu chuyện mang tính giải trí đều tuân theo cấu trúc ba hồi để tạo nên sự hấp dẫn thì một phim cấu trúc hai hồi giản dị như Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You thật sự mang đến cho tôi cảm giác được đắm chìm trong làn gió mới tươi mát. Tuy nhiên, tôi vẫn phải tự nhắc nhở mình rằng cấu trúc như thế nào không quan trọng bằng việc mình muốn kể câu chuyện gì, tại sao mình muốn kể nó, điều gì là có ý nghĩa với mình. Có lẽ, xuất phát điểm cho ý tưởng độc đáo của Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You chỉ đơn thuần là câu chuyện về một đôi tình nhân cố gắng để không đi lướt qua nhau, bỏ lỡ nhau dù rằng vận mệnh đã qui định họ phải đi ngược chiều nhau mãi mãi.

Bên cạnh mặt trăng, một hình ảnh khác cũng được sử dụng lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong phim là sân ga, những chuyến tàu, những đường ray. Tôi rất thích hình ảnh kết phim với những dòng credit chạy trên hai đường ray song song với nhau. Sân ga hay những chuyến tàu có thể tượng trưng cho sự ly biệt, cũng có thể tượng trưng cho sự tương phùng, có thể mang người thân đi xa cũng có thể mang người thân đến gần. Giống như trăng khuyết rồi lại tròn. Nếu cho rằng thời gian là một vòng lặp vĩnh viễn, vậy thì cảnh kết phim cũng sẽ là cảnh mở đầu cho câu chuyện của một Takatoshi khác, một Emi khác dù họ vẫn là chính họ và vẫn lặp lại ba mươi ngày theo trình tự như trong quyển sổ ghi chép. Nhưng như Takatoshi đã nhận ra, điều đó nào có quan trọng khi từng khoảnh khắc ở bên nhau, họ đều dành hết trọn vẹn tình yêu của mình, bản thể của mình cho người kia.

Điểm đánh giá: 9/10
Kodaki

Click to comment

Viết bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Trà chiều

Vũ Đằng kết đôi cùng “nàng Kiều” Trình Mỹ Duyên trong Chợ Tết Tình Quê

Published

on

By

Nam diễn viên Vũ Đằng sẽ sánh đôi cùng “nàng Kiều” Trình Mỹ Duyên trong bộ phim phát sóng vào ngày mùng một Tết nguyên đán Ất Tỵ.

Chợ Tết Tình Quê là câu chuyện tình cảm của một đôi bạn trẻ diễn ra trong những ngày giáp Tết Ất Tỵ ở cù lao An Bình (tỉnh Vĩnh Long). Gia Bảo (Vũ Đằng đóng) là một chàng công tử chính hiệu, chán chường cuộc sống xa hoa, xô bồ nơi phố thị cũng như muốn thoát khỏi sự kìm kẹp của mẹ, Bảo bỏ nhà đi bụi vào một buổi chiều tháng chạp. Anh xuôi về miền Tây sông nước, nơi có làng nghề gốm đỏ, làm nhang, trồng trái cây, hoa kiểng để tìm lại những ký ức thời thơ ấu, khi gia đình còn trọn vẹn. Tình cờ gặp được Vũ Nghi (Trình Mỹ Duyên), Bảo choáng váng và thậm chí ghét bỏ, nhiều lần cản trở, gây tai họa cho cô vì hiểu lầm cô là người thực dụng, lợi dụng tình nghĩa của bà con dưới quê để kiếm danh.

Vũ Nghi vốn là người sinh ra ở cù lao An Bình. Cô mồ côi cha mẹ, sống với người cậu từ bé nên tính cách cứng cỏi, đạt giải một hoa khôi nhưng từ chối mọi sự săn đón của các đại gia mà muốn đi lên từ thực lực. Vũ Nghi hoạt động như một hot streamer trên mạng xã hội, sở hữu những trang cá nhân có lượt theo dõi khủng. Chương trình thực tế 100 nghề của cô nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng, trong đó có những tập quảng bá về ngành nghề truyền thống cũng như du lịch sinh thái ở quê hương Vĩnh Long. Hoàn cảnh đưa đẩy cả hai thành cặp đôi “oan gia ngõ hẹn”, ban đầu là ghét nhau, sau dần dần cảm mến rồi tiến tới tình yêu.

Bên cạnh chuyện tình của cặp trai tài gái sắc Gia Bảo – Vũ Nghi, đạo diễn Quách Khoa Nam và biên kịch Phan Ngọc Diễm Hân còn dẫn dắt khán giả màn ảnh nhỏ tham quan cù lao An Bình cũng như những miền quê xinh đẹp, trù phú của tỉnh Vĩnh Long. Người xem sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp bình dị của làng nghề gốm đỏ, làm nhang, những làng hoa Tết sum suê, vườn trái cây trĩu quả… Không khí của phim diễn ra trong những ngày giáp Tết, thời khắc mùa Xuân hiện hữu đẹp nhất với những màu sắc, mùi vị đặc trưng của xứ Nam Bộ.

Khi nhận được kịch bản Chợ Tết Tình Quê, diễn viên Vũ Đằng  cảm thấy rất lo lắng vì nhân vật không có chút gì giống mình ở ngoài đời. “Với một thanh niên 28 tuổi thì ai lại không muốn thành công và được nhiều cô gái vây quanh nhưng Gia Bảo thì ngược lại, anh trốn tránh hết tất cả. Tuy nhiên, tôi đọc kỹ kịch bản, tìm cách thấu hiểu và cảm thông với nhân vật. Tôi đặt ra những câu hỏi “Tại sao?” và tìm cách giải đáp để làm dày lý lịch  để khi ra bối cảnh không còn khúc mắc với nhân vật” – anh chia sẻ. Tuy nhiên, đây không phải là điều làm khó Vũ Đằng mà chính việc hóa trang mới tạo cho anh nhiều trở ngại nhất trong quá trình thực hiện phim. Trước đó ít lâu, anh vừa hoàn thành một phim cổ trang, phải cạo đầu ba vá cho phù hợp nên sang Chợ Tết Tình Quê, Vũ Đằng không kịp để tóc trở lại bình thường, vậy nên ekip thực hiện quyết định cho anh đội tóc giả. Việc hóa trang tóc cho anh trước khi vào cảnh quay mất hơn một giờ, thêm nữa, thời tiết cũng khá nóng nên Vũ Đằng cũng không thực sự thoải mái với bộ tóc khi diễn. “Nó có thể rớt ra bất cứ lúc nào hoặc sai phom dáng nếu mình xoay đầu quá nhiều. Có một số cảnh nặng về tâm lý hay cần động tác hình thể nhiều thì buộc mình phải quên đi chuyện đội tóc giả để nhập tâm hơn. Nếu đội quá lâu thì bộ tóc cũng làm tôi cảm thấy đau đầu. Khi diễn những cảnh cuối cùng của phim, tôi thực sự thở phào nhẹ nhõm vì… được cởi hẳn và tạm biệt bộ tóc giả từ đây!”- anh dí dỏm.

Ngoài ra, phim còn có sự tham gia của các diễn viên: Quang Thái, Hoài An, Thanh Bình, Lê Trang…

Bộ phim do PNF sản xuất kéo dài 20 tập, phát sóng lúc 20h từ thứ hai đến thứ bảy hàng tuần trên kênh THVL1, khởi chiếu từ mùng 1 Tết nguyên đán Ất Tỵ (tức 29.01.2025)

Đọc bài viết

Trà chiều

“Hành trình Anh Hùng” ẩn trong Xứ Cát

Published

on

    Dựa trên công trình nổi tiếng Người hùng mang ngàn khuôn mặt của Joseph Campbell và các tương đồng trong lĩnh vực tâm lý học của Jung và Freud, tác giả Christopher Vogler đã cho độc giả một cái nhìn khác về cấu trúc tương đồng của hàng triệu câu chuyện từ cổ chí kim qua cuốn Hành trình người viết vừa được ra mắt.

Một cuốn sách quan trọng

       Cấu trúc nói trên xuất hiện từ các truyện cổ dân gian đến tiểu thuyết hiện đại, từ những bài đồng dao quen thuộc đến các bộ phim “làm mưa làm gió” tại Hollywood… Hành trình người viết không chỉ là một cuốn sách giúp ta nhận ra những rường mối quan trọng của nghệ thuật kể chuyện, mà song song đó còn là bài học để mỗi độc giả có được khả năng là một người viết.

       Vốn là một người tư vấn cốt truyện của Hollywood và đã kinh qua hàng nghìn kịch bản trong cuộc đời mình, Vogler có khả năng nhìn thấy những mối liên kết cũng như những điểm suy yếu trong các tác phẩm. Từ những đúc rút và kho kinh nghiệm bản thân có được, ông đã tạo nên cuốn sách vô cùng hấp dẫn. Để kiếm chứng điều đó, hãy thử lần ngược siêu phẩm Xứ cát chuyển thể tiểu thuyết khoa học viễn tưởng cùng tên của Frank Herbert do đạo diễn Denis Villeneuve thực hiện và so nó với những gì được tổng kết lại, để xem hành trình anh hùng của Vogler có giao điểm nào với Paul Atreides – người thanh niên đã làm nên những khoảnh khắc vô cùng chói lọi.

       Theo Vogler, nói thật gọn ghẽ thì hành trình anh hùng bắt đầu khi nhân vật chính được giới thiệu ở THẾ GIỚI BÌNH PHÀM nhận được TIẾNG GỌI PHIÊU LƯU. Ban đầu họ MIỄN CƯỠNG, thậm chí buông lời TỪ CHỐI, nhưng do nhận được sự khích lệ từ SƯ PHỤ để VƯỢT QUA RÀO CẢN ĐẦU TIÊN, mà họ đã tiến vào Thế Giới Đặc Biệt - nơi họ sẽ gặp các KHẢO THÍ, ĐỒNG MINH VÀ KẺ THÙ. Sau đó họ TIẾP CẬN HANG ĐỘNG TRONG CÙNG, vượt qua rào cản thứ hai, nơi phải chịu đựng KHỔ HÌNH. Họ vượt qua, chiếm lĩnh PHẦN THƯỞNG và bị truy đuổi trên ĐƯỜNG VỀ với Thế Giới Bình Phàm. Không dừng ở đó, họ vượt qua rào cản thứ ba, trải nghiệm HỒI SINH và được chính trải nghiệm đó biến đổi. Cuối cùng họ TRỞ VỀ CÙNG THẦN DƯỢC, cùng lợi ích hoặc kho báu có lợi cho Thế Giới Bình Phàm.

Hành trình người viết không chỉ là một cuốn sách giúp ta nhận ra những rường mối quan trọng của nghệ thuật kể chuyện, mà song song đó còn là bài học để mỗi độc giả có được khả năng là một người viết. Ảnh: N.M.

Chặng đường phân tích      

       Áp vào Xứ cát, THẾ GIỚI BÌNH PHÀM của chuỗi phim này bắt đầu ở một hành tinh cách xa Trái Đất - nơi mà mọi thứ đều như không tưởng với những tiến bộ liên hành tinh và những thực thể vô cùng kỳ dị. Ở đó Công tước Leto của Gia tộc Atreides – người cai trị hành tinh đại dương Caladan - là nhân vật chính và nổi bật nhất. Nơi ông cai trị là phiên bản khác của một Trái Đất ngay bây giờ đây, với cây xanh bao phủ tươi tốt, với biển cả vỗ sóng và bầu không khí vô cùng trong lành. Về mặt chính trị, nhà Atreides được cư dân vô cùng ủng hộ vì mang đến sự bình yên và cân bằng. Sơ lược qua những nét này, có thể thấy Herbert (và cả Villeneuve) đã làm rất tốt trong việc xây dựng bối cảnh có tính đối lập liền ngay sau đó, để nhân vật chính bước vào hành trình của bản thân mình.

THẾ GIỚI BÌNH PHÀM của chuỗi phim này bắt đầu ở một hành tinh cách xa Trái Đất, nơi mọi thứ tươi tốt bất ngờ. Ảnh: Screen Rant

       Như đã nói trên, TIẾNG GỌI PHIÊU LƯU nhanh chóng xuất hiện khi Hoàng đế Shaddam của toàn đế chế nhanh chóng bí mật liên minh với nhà Harkonnen nhằm tránh khỏi sự uy hiếp mà rất có thể trong tương lai gần Leto sẽ tự đạt được. Vậy là một cuộc tàn sát được lên kế hoạch. Thoạt nhìn, có thể thấy Herbert dùng một motif vô cùng thân quen trong các sử thi từ cổ chí kim, khi đó là tranh giành quyền lực, đấu đá lẫn nhau. Và để tạo ra 2 phe kình chống, ông cho một bên lăng kính tích cực, còn phía còn lại tiến hành liên minh, và cũng vì thế mà thế trận ấy nhanh chóng cân bằng. Ta thấy điều này trong rất nhiều nơi, từ Tam quốc diễn nghĩa đến Con ngựa thành Troy, từ bộ Shogun đến bộ Taiko…Một điểm chung khác là sự báo hiệu cho câu chuyện dịch chuyển, khi người cha Leto nhanh chóng mất mạng để Paul Atreides – người con trai cả - sẽ thay bản thân bảo vệ gia đình, trả thù cho điều đã mất. Do đó mà Paul quyết định lên đường.

Herbert dùng một motif vô cùng thân quen trong các sử thi từ cổ chí kim, khi đó là tranh giành quyền lực, đấu đá lẫn nhau. Ảnh: LA Times

       Ở đây ta có thể thấy có những cổ mẫu vô cùng truyền thống được Herbert sử dụng. Trong đó Paul là anh hùng bị động – một người được đặt vào tình thế không thể khác hơn, và suốt hành trình sau đó từng bước học hỏi sẽ khiến cho anh dần dần chủ động. Đối diện trước trọng trách đặt lên bản thân, Paul dường như không có được động lực nào – một điều cũng là một chặng đường khác trên hành trình anh hùng. Rất may mẹ anh – Lệnh bà Jessica – người vừa là SƯ PHỤ, vừa là ĐỒNG MINH nhưng cũng có khi là kẻ ĐEO MẶT NẠ và cả BÓNG ĐÊM đã nâng đỡ anh và hướng anh theo con đường đúng đắn. Quê nhà tan tác trong khi bản thân thì bị truy sát, anh sớm VƯỢT QUA RÀO CẢN ĐẦU TIÊN để giữ được mạng sống nhờ vào những cận thần trung thành với mình. Hành trình này dễ thấy không quá phức tạp, và Herbert sẽ lại dồn nhiều sức hơn ở phía sau.

Paul và mẹ mình, thoạt nhìn, chính là 2 cổ mẫu anh hùng và sư phụ theo cấu trúc của Vogler. Ảnh: Den of Geek

       Chính khi bước vào THẾ GIỚI ĐẶC BIỆT - ở chiều rộng hơn là một cuộc sống không còn uy quyền của cha, không còn hành tinh Caladan mình vốn quen thuộc, anh đã gặp được những người bản địa Arrakis - những chiến binh thiện nghệ sống nơi sa mạc gọi là Fremen. Như vậy kể từ lúc này thì chặng thứ 2 của hành trình anh hùng chính thức bắt đầu. Cả Herbert và Villeneuve đều dành rất nhiều thời lượng cho giai đoạn này, để khắc ghi một hành tinh mới với loài sâu cát và quy luật sinh tồn ở thế giới mới, với các chi tiết như dịch nhầy sâu, với hương dược, với cách tạo nước và những con người mắt xanh biêng biếc có kỹ năng phi thường… Trong chương đoạn này, những cuộc KHẢO THÍ mà ĐỒNG MINH và KẺ THÙ liên tục xuất hiện cũng được diễn ra. Chẳng hạn KHẢO THÍ nằm ở chi tiết Paul phải chiến đấu với một người Fremen để chứng minh mình thuộc về nơi này trước khi được họ cứu giúp. Đối với những người bản địa, anh vừa là ĐỒNG MINH nhưng cũng là KẺ THÙ khi đã giết chết một trong số họ để mà bước tiếp.

Trận chiến của Paul trước một chiến binh Fremen chính là một cuộc KHẢO THÍ. Ảnh: Screen Rant

Những vòng lặp kép      

       Thế nhưng KHẢO THÍ không dừng ở đó, mà sau đấy liên tục là những bài học để cưỡi sâu cát, những trận oanh tạc vì phát hiện ra căn cứ bên dưới lòng đất của người Fremen… Chúng liên tục xuất hiện để thử thách Paul, để rồi cuối cùng anh được mọi người nhận ra chính là vị Thánh ghi trong sử sách toàn cõi ngân hà. Đa số thời lượng của phần 2 tương ứng với HANG ĐỘNG TRONG CÙNG – nơi anh chứng minh bản thân và giành được quyền vươn lên dẫn đầu. Ta thấy ở đây Herbert rất tài tình khi song song với những bước tiến về mặt quyền lực, thì cõi lòng Paul cũng chịu tra tấn trong những thay đổi của bản thân mình. Có thể nói tuy chặng đầu tiên của HÀNH TRÌNH ANH HÙNG đã gần hoàn thành xong với nhân vật này ở phía bên ngoài, nhưng thật ra một HÀNH TRÌNH ANH HÙNG khác cũng đang mở ra trong nội tâm anh, khi phải chứng kiến mục đích thật sự của mẹ anh – Lệnh bà Jessica, cuộc hôn phối với Công chúa của vua Shaddam và những biến động bên trong Chani.

Chani cũng là một nhân vật có hành trình anh hùng song song khác. Ảnh: Collider

       Khép lại 2 phần phim của Villeneuve, hiện Paul và Xứ cát đang dừng trước “trận đánh” quyết định để mang về PHẦN THƯỞNG và dần tiến đến HÀNH TRÌNH TRỞ VỀ. Tuy khép lại tại đây nhưng có thể thấy Xứ cát là bộ tác phẩm đậm tính sử thi mà mỗi nhân vật lại tự sở hữu một HÀNH TRÌNH ANH HÙNG riêng biệt. Ta thấy nó trong Chani mà “con đường” cô đi chính là tình cảm với Paul và trách nhiệm với cộng đồng Fremen của mình. Ta thấy nó trong Lệnh bà Jessica và tham vọng của bà với nhóm tôn giáo Bene Gesserit. Trong khi đó một nhân vật mới – em gái của Paul – cũng sắp xuất hiện. Và tuy chỉ mới nằm trong bụng mẹ nhưng nó cũng đang dần có những HÀNH TRÌNH ANH HÙNG nhất định, trong việc nhất tề chi phối và biến các nhân vật xung quanh mình trở nên phức tạp.

Ở phần 2, Lệnh bà Jessica là một nhân vật vô cùng bí hiểm. Ảnh: Screen Rant

       Ngoài điều đó ra, Herbert cũng rất thành công trong việc “đeo mặt nạ” cho các nhân vật, để ta không thể lường trước đường đi nước bước của bản thân họ. Chẳng hạn phút trước Paul và Chani còn rất mặn mà, nhưng ngay sau đó mọi chuyện đổi khác khi anh chấp nhận lấy Công chúa như đại diện cho chiến thắng của mình. Lệnh bà Jessica cũng nằm trong “ngã ba” ấy, khi không ai biết một cách rõ ràng bà đang từng bước leo lên theo quyền lực của con trai mình, hay chính bà mới là kẻ thao túng tất cả, trả thù cho điều đã mất? Và nếu điều ấy là thật, hóa ra cổ mẫu anh hùng mà ta xác định ngay từ ban đầu đã đổi bản chất. Paul từ mẫu bị động chuyển sang chủ động với chính những gì mà mình học hỏi, nhưng nếu vai trò của mẹ anh lớn hơn, thì hóa ra Paul chỉ là một kiểu anh hùng xúc tác – người có vị trí là bàn đạp cho hình tượng khác bước lên vũ đài danh vọng. Áp chính lý thuyết của Vogler vào Xứ cát bản phim của Villeneuve, ta thấy vì sao mà tác phẩm này thành công vang dội trong các năm qua. Dù biết một cách khái quát đó là trùng trùng lớp lớp âm mưu, nhưng khi được phân tích dưới cổ mẫu và những điểm nút quan trọng của hành trình anh hùng, ta sẽ lại thấy những chi tiết này hiện ra phức tạp, gắn kết ra sao.

Ngô Minh

Đọc bài viết

Trà chiều

Sứ Đoàn Iwakura đạt Giải thưởng sách Quốc Gia 2024

Published

on

Giải thưởng Sách Quốc gia là giải thưởng do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức hàng năm, trao giải cho những cuốn sách (bộ sách) có giá trị nổi bật về nội dung tư tưởng, tri thức, thẩm mỹ nhằm tôn vinh tác giả, dịch giả, nhà khoa học và người làm công tác xuất bản.

Tối ngày 29.11.2024 tại lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần VII, tác phẩm Sứ Đoàn Iwakura - Chuyến Tây Du Khảo Cứu Nhằm Canh Tân Nhật Bản Thời Minh Trị (Ian Nish biên soạn, Nguyễn Hoàng Mai - Nguyên Tâm dịch) hân hạnh được vinh danh giải Khuyến khích.

Sứ Đoàn Iwakura là tác phẩm nghiên cứu tập hợp nhiều tư liệu giá trị, giúp độc giả hiểu rõ hơn về chuyến du khảo nhằm canh tân Nhật Bản thời Minh Trị dưới góc nhìn của người phương Tây. Để có một đường lối phát triển đất nước hoàn toàn mới, người Nhật đã khởi động chuyến công du gọi là Sứ mệnh Iwakura thăm Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu. Đây là một chuyến đi lịch sử có tầm quan trọng đến mức khi nhắc về Minh Trị Duy Tân, người ta lập tức nhớ đến chuyến đi này.

Sách dày 427 trang, gồm 11 chương tổng hợp các bài viết của Ian Nish và 12 chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ quốc tế khu vực Nhật Bản và Đông Á. Tám chương đầu, độc giả sẽ cùng phái đoàn đi qua tám cường quốc từ Mỹ, Anh, Pháp, Bỉ, Đức, Nga, Thụy Điển và Italy. Bản ghi chép của những học giả góp phần tái hiện hành trình tìm kiếm “văn minh khai sáng” của sứ đoàn Iwakura tại trời Âu dưới góc nhìn của người phương Tây. Ba phần còn lại trong ấn phẩm là bài phân tích, nhận định của chuyên gia lịch sử, đánh giá tình hình nước Nhật sau chuyến công du.

Để hiểu thêm về một lát cắt lịch sử quan trọng của Nhật Bản, cũng như đọc thêm về chuyến đi được mệnh danh là “Chuyến công du lịch sử thay đổi nước Nhật”, mời bạn tìm đọc sách tại đây hoặc tại hệ thống các nhà sách Phương Nam trên toàn quốc.

Đọc bài viết

Cafe sáng