Trà chiều

Nàng là phúc lành tôi được ân hưởng để có thể lần nữa lại viết

Tác phẩm mới của anh sẽ thắng giải Akutagawa, sẽ thành best-seller, anh sẽ nhận được nhiều tiền tác quyền. Từ giờ đến lúc đó, hãy để em lo chi phí sinh hoạt của chúng mình.

Published

on

Tôi nhớ em.

Tôi muốn bắt đầu giản dị như thế. Vì chính nỗi nhớ ngập tràn ấy thôi thúc tôi viết đôi dòng cho em sau gần hai năm hầu như không viết gì.

Tôi yêu cách em yêu. Yêu cách em thật mạnh mẽ, dứt khoát tiến đến bên người ấy dù chân trần có phải vấy bẩn bụi cát nóng bỏng hoang mạc. “Em vẫn sẽ bước đi.”

“Dù có thể em sẽ gây nhiều phiền hà cho anh, em hứa sẽ cố gắng sống hết mình. Hãy giúp em nhé.”

Trong bốn năm cuối đời ấy, em đã sống như thế nào? Ở vùng quê đó, ngày ngày nhìn ống khói kiêu hãnh vươn lên trời cao, chiều chiều ra biển ngắm hoàng hôn; và thỉnh thoảng, một người đàn ông lạ mặt có nốt ruồi đen thật to dưới cánh mũi phải sẽ đến thăm em. Là ai nhỉ? Em không thể nào nhớ tên người này. Dường như anh ta đã đến thăm em vào hôm qua hoặc hôm kia, tuần trước hoặc tháng trước. Như cát trôi qua kẽ tay, rơi xuống bãi biển rồi hòa vào bọt trắng xóa hoặc bẹp dí dưới gót chân người, em không thể nhớ chút kí ức nào về người ấy. Chỉ có cảm giác thân quen khó hiểu. Tựa như một đứa trẻ khi mới chào đời có thể dễ dàng phát âm “a” chẳng phải vì tiện lợi về mặt sinh học, hay vì “a” là âm tiết đầu tiên trong bảng chữ cái; mà vì nó đã đem kí ức về chữ “a” từ thế giới trước sang thế giới này. Em – một người phụ nữ bắt đầu đi ngược chiều tiến trình sinh học ở độ tuổi ba mươi để trở về là một đứa trẻ nguyên sơ chưa biết gì về thế giới, có lẽ em đã cảm nhận như thế khi đối diện người đàn ông ấy chăng?

Và rồi cái chết của em được nhắc đến chỉ bằng một lời thoại đơn giản giống như nàng Gelsomina trong La Strada. Không có những hình ảnh sau cùng về những ngày cuối đời em. Nhưng nỗi buồn vẫn thấm sâu trong tôi khi nhớ đến những giọt nước mắt của em – khoảnh khắc em thốt ra tên người đàn ông không phải xa lạ ấy, khi cuối cùng kí ức đã chịu quay về với em trong giây phút nhỏ nhoi: “Shinji!”

“Quả nhiên, em biết là Shinji có tài mà. Anh viết hay quá.”

Vẫn là em.

Ngay cả lúc đã ở giai đoạn cuối của căn bệnh Alzheimer, đã quên đi cách thực hiện những sinh hoạt hằng ngày đơn giản nhất, thậm chí quên đi chính bản thân mình là ai, trong thời khắc ngắn ngủi kịp nhớ ra ấy, em vẫn không quên động viên người đàn ông em luôn yêu thương từ lần đầu gặp gỡ. Người cùng thích loại nước uống giống em. Người đã bắt trọn chiếc hộp bé xíu ấy trong cú ném tạo thành vòng cung hoàn hảo của em. Người luôn tự ti trước em nhưng em vẫn không ngừng khen ngợi, khích lệ người ấy. Người là tác giả của cuốn tiểu thuyết em yêu thích nhất – “Angelica chân trần vấy cát”. Tôi thật sự ghen tị với Mamiya Shinji khi người phụ nữ anh yêu thương nhất trên đời cũng là độc giả hâm mộ trung thành nhất của anh.

Như ống khói đứng thẳng vươn cao giữa trời, kiêu hãnh và bộc trực, Angelica nghĩ rằng mình đã yêu người đàn ông ấy mất rồi.

“Nếu cứ nhớ mấy dòng đó, cô sẽ bị não phẳng đấy.”

“Dù như thế thật thì cũng đáng mà. Với người bình thường như tôi thì sự kích thích từ những chuyện ái tình phóng đãng kiểu này rất quan trọng.”

Và em cùng người đàn ông viết những dòng ấy đã có một mối tình khắc cốt ghi tâm, buồn bã nhưng ấm áp. Về sau, anh ấy sẽ viết rằng: “Cuộc sống thật kì lạ, ngay cả trong những ngày thậm tệ, thỉnh thoảng ta vẫn có thể thấy được viễn cảnh tươi đẹp nhất. Đó là điều tôi đã hiểu ra.”

Vào những ngày đầu mới quen nhau, lúc em vừa mắc bệnh, có lần anh ấy đã trách em gọi nhầm tên vị hôn phu cũ khi em ôm anh và nói lời yêu thương. Anh bảo rằng điều đó chứng tỏ trong tiềm thức của em, vào những lúc em sợ hãi nhất, người em cần không phải là anh mà là vị cựu hôn phu kiêm bác sĩ đương nhiệm chữa trị căn bệnh của em. Anh muốn chia tay vì nghĩ rằng sẽ tốt hơn khi em ở cạnh người đàn ông kia, rằng tình cảm em dành cho anh thực chất chỉ là sự thúc đẩy nhất thời do căn bệnh mang lại. Nhưng em nhanh chóng nhận ra sự thật không phải như thế. Với đôi mắt buồn nhưng dứt khoát, cái cúi đầu xin lỗi thật sâu nhưng cương nghị, em đường hoàng nói với người cũ rằng: “Tôi vô cùng biết ơn những việc bác sĩ đã làm cho tôi. Thực sự, thực sự rất cảm kích. Nhưng người tôi yêu là Mamiya Shinji. Sự tồn tại của anh ấy tiếp thêm sức mạnh cho tôi sống hơn bất kì ai khác. Tôi xin lỗi.”

Em luôn thẳng thắn, rõ ràng như thế. Ngay sau đêm đầu tiên ái ân với Shinji trong lúc đã đính hôn cùng Yuuichi, vào buổi sáng khi vừa tỉnh dậy, em quyết định sẽ hủy hôn ước.

“Em sẽ hủy hôn ước. Em không hủy để đòi anh cưới em đâu. Chỉ là em đã quyết định vậy thôi.”

“Khoan đã. Anh nghĩ là em nên… suy nghĩ lại.”

“Em không có thời gian suy tính đâu. Em phải thông báo với anh ấy, rồi bố mẹ anh ấy vì có nhiều thứ cần phải hủy lắm.”

“Nhưng mà… em đừng làm vậy. À, chẳng hạn, chúng ta có thể tiếp tục thế này đến tận trước ngày cưới của em mà?”

“Em đã quyết định bước xuống tàu tốc hành và đi bộ trên sa mạc. Dù ngày mai chuyện với anh chẳng đi đến đâu, em cũng sẽ không quay đầu lại. Đưa em chìa khóa đi.”

Ban đầu, tôi cũng ngỡ ngàng trước tình yêu mãnh liệt em dành cho Shinji; vì sao một bác sĩ thông minh, thành đạt, xinh đẹp, dịu dàng như em lại yêu người đàn ông dường như chẳng có gì ngoài khiếu hài hước này, vì sao em quá tha thiết với tình yêu ấy đến nỗi một người như em lại phải chủ động trước một người quá bị động như anh… Câu trả lời đã có sẵn ngay từ đầu: vốn dĩ, tình yêu thực sự không nằm ở lí trí, không phải là phạm trù để đặt câu hỏi về nguyên nhân và kết quả.

“Em không biết những điều mình làm đúng hay sai, không biết liệu một ngày nào đó em có tìm được đáp án không. Chẳng ai biết cả. Nhưng em bị bản năng thúc đẩy phải đi ngược lại mọi khuôn khổ lí trí.”

Em yêu bằng bản năng nhưng lại biết suy nghĩ thực tế cho người mình yêu.

“Tác phẩm mới của anh sẽ thắng giải Akutagawa, sẽ thành best-seller, anh sẽ nhận được nhiều tiền tác quyền. Từ giờ đến lúc đó, hãy để em lo chi phí sinh hoạt của chúng mình.”

Em chân thành như thế, tha thiết như thế. Dù chuyện gọi nhầm tên anh chỉ vì căn bệnh ác nghiệt ấy, chẳng phải lỗi do em, nhưng em đã tự trách mình rất nhiều. Khoảng thời gian chín tháng xa nhau, có lẽ em đã lẩm nhẩm tên anh rất nhiều lần.

Tiểu thuyết em thích đọc nhất là “Angelica chân trần vấy cát” do anh viết.

Họ của mẹ em khi chưa lấy chồng là Mishima.

Tên ngôi đền nơi anh bị bỏ rơi lúc nhỏ là Matsushiro.

“Tiểu thuyết yêu thích nhất. Họ thời con gái của mẹ. Tên ngôi đền anh bị bỏ rơi. Hãy chia tay khi em không trả lời được ba câu hỏi đó anh nhé.”

Em đã tự nhủ với mình: “Nếu một ngày nào đó, mày không trả lời được ba câu hỏi này nữa, mày nên chết đi.”

Rồi em gặp lại anh, kết hôn với anh, và khi bệnh tình đột ngột trở nặng, trước lúc ngất đi, em đã thốt lên tên anh: “Shinji.”

“Shinji.”

“Shinji.”

“Có phải là anh không, Shinji?”

Vậy là nỗi niềm băn khoăn ngày xưa của cả anh và tôi đều đã được giải tỏa. Ngay trước lúc bất tỉnh và cả khi đã mất ý thức, em vẫn chỉ gọi thầm mỗi tên anh. Phân cảnh ấy khiến tôi ấm áp. Chỉ bằng việc quan sát tình yêu vĩ đại đó – tuy không phải dành cho mình nhưng tôi cũng có cảm giác chính mình được yêu. Đó có lẽ là lí do vì sao đến tận bây giờ tôi vẫn thích xem phim tình yêu như thế. Để gợi nhắc tôi rằng tình yêu chân thành có thể vẫn đang hiện hữu đâu đó. Em rất hoàn hảo, mọi điều về em đều tốt đẹp, nhưng không hiểu sao sự hoàn hảo không tì vết đó chẳng hề khiến tôi mảy may cảm thấy em không thực. Ngược lại, với tôi, em rất thực. Tôi luôn cảm giác có thể em đang tồn tại đâu đó. Chỉ là một người như em vốn không dành cho tôi. Nếu em thực sự có mặt trên cuộc đời này, em xứng đáng với những điều tốt đẹp hơn. Không biết bao lần, Shinji cũng tự nhủ như thế.

“Suốt hai mươi năm tôi chẳng có động lực để viết bất kì ý tưởng hay thậm chí một chữ nào. Thế rồi một người phụ nữ đã khiến tôi có động lực ấy thêm lần nữa. Nhưng người cần ở bên cạnh người phụ nữ không thể thay thế ấy vốn dĩ không phải là tôi.”

“Nàng là phúc lành tôi được ân hưởng để có thể lần nữa lại viết. Chẳng cần nghi ngờ gì, nàng chính là một thiên thần.”

Và thiên thần ấy không chỉ cho anh tình yêu hay trở thành nàng thơ của anh, nàng còn là người vợ hiền lúc nào cũng ưu tiên quyền lợi vì anh, lúc nào cũng nghĩ cách hỗ trợ anh sáng tác. Khi hai vợ chồng mới kết hôn, dọn vào căn hộ khang trang hơn phòng trọ trước đây của anh nhưng lại chỉ có hai gian phòng, nàng đã bảo đồng nghiệp anh nơi công ty cũ đến phụ dọn nhà rằng hãy để giường ngủ trong phòng khách kiêm nhà bếp thay vì để sang hẳn một phòng riêng.

“Mình có nên để bàn ở đây thay vì giường không? Em biết đấy, anh viết ở đâu cũng được mà.”

“Không cần anh. Như vậy được rồi. Em muốn anh có một chỗ đàng hoàng để viết, để anh có thể tạo ra những tác phẩm thật hay.”

Thế là, cảnh tượng trong căn phòng ấy có đôi chút kì lạ, khi bạn vừa mở cửa bước vào tổ ấm của họ, bạn sẽ thấy cùng lúc không gian chung để tiếp khách với dãy bếp và bàn ghế ở tay trái, trong khi bên tay phải lại là không gian riêng với chiếc giường ấm cúng nơi hai người ân ái mỗi đêm. Nhưng với Nao, điều đó không kì lạ, hay ngại ngùng, hay bất tiện; nàng có một không gian riêng tư hơn cần bảo vệ, vốn dĩ được thiết lập không phải cho nàng: không gian để chồng nàng đắm chìm vào thế giới riêng trong trang viết. Vào những đêm anh thức khuya viết lách, nàng mở cửa thật khẽ đủ để nhìn anh đang chăm chú gõ chữ trên máy tính; khi ấy, nàng sẽ mỉm cười thật tươi, khuôn mặt rạng rỡ vẻ tự hào, thì thầm không thành tiếng mà chỉ mấp máy môi rằng: “Cố lên anh nhé.” Rồi nàng lặng lẽ đóng cửa phòng, ra giường ngủ nằm nhắm mắt đợi anh. Nhưng nàng không ngủ hẳn. Khi anh viết xong, khi anh nằm xuống giường cạnh nàng, nàng sẽ vờ như vô thức mà dịu dàng quay sang ôm anh, mũi nàng khẽ chạm vào gò má anh cảm nhận mùi cơ thể quen thuộc. Đến khi ấy, nàng mới mỉm cười đi vào giấc ngủ.

Trên tất cả, nàng đã cho anh một mái ấm gia đình đúng nghĩa khi quyết định sẽ sinh con, sẽ để lại cho anh món quà cuối cùng sau khi nàng qua đời.

“Cứ nắm tay thế này mãi anh có mỏi không?”

“Em muốn buông tay à?”

“Không! Em thích như thế này.”

“Dù sao, ban nãy mình cũng đã buông tay ở quán ăn rồi.”

“Em tự hỏi mình có thể nhớ được khoảnh khắc này đến khi nào?”

“Em sẽ quên thôi, dù gì cũng chẳng phải dịp đặc biệt.”

“À, em đã quyết định sẽ có con với anh. Em từng nghĩ rằng nếu sức khỏe tốt hơn, em mới mong mỏi điều ấy. Nhưng bây giờ, khi biết rằng tình hình chẳng thể tiến triển tốt, ngược lại, em càng muốn có con với anh hơn.”

“Thật ư?”

“Vì con chúng mình sẽ là điều duy nhất mình có chung, đúng không anh?”

“Ừm, tất nhiên rồi.”

“Từ lúc em chào đời, rồi dần dần trở thành bác sĩ, phục vụ vì lợi ích của mọi người, gặp được anh, có cuốn tiểu thuyết dựa trên cuộc đời em, và bây giờ em muốn tạo một ghi chú để đánh dấu tình yêu của chúng mình.”

“Một ghi chú?”

“Em biết đứa trẻ không thể là một ghi chú, nhưng… nhưng em muốn con chúng mình sống trên đời này. Anh có thể giúp em được không? Dù chỉ là một khoảng thời gian ngắn ngủi với con, cả ba chúng ta có thể sống bình yên bên nhau. Em nghĩ lí do đó đáng để mình cố gắng.”

Kitazawa Nao.

Tên của nàng Nao (尚) trong tiếng Nhật, có một nghĩa là “vẫn còn” (still). Điều này khiến tôi nhớ đến tiêu đề một tác phẩm cũng về người phụ nữ mắc bệnh Alzheimer “Still Alice”. Nao cũng vậy. Nàng vẫn là Nao kể cả khi đã mất đi hết kí ức. Một Nao kiên cường nhưng dịu dàng, điềm tĩnh và dứt khoát, lúc nào trong nàng cũng ngập tràn tình yêu thương và trách nhiệm.

Vào một ngày bình thường nào đó, thiên thần ấy đã lặng lẽ từ biệt cõi đời này.

Như ống khói đứng thẳng vươn cao giữa trời, kiêu hãnh và bộc trực, Angelica nghĩ rằng mình đã yêu người đàn ông ấy mất rồi.

Tôi cũng đã yêu em mất rồi.

Kodaki

Click to comment

Viết bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Trà chiều

Sứ Đoàn Iwakura đạt Giải thưởng sách Quốc Gia 2024

Published

on

Giải thưởng Sách Quốc gia là giải thưởng do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức hàng năm, trao giải cho những cuốn sách (bộ sách) có giá trị nổi bật về nội dung tư tưởng, tri thức, thẩm mỹ nhằm tôn vinh tác giả, dịch giả, nhà khoa học và người làm công tác xuất bản.

Tối ngày 29.11.2024 tại lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần VII, tác phẩm Sứ Đoàn Iwakura - Chuyến Tây Du Khảo Cứu Nhằm Canh Tân Nhật Bản Thời Minh Trị (Ian Nish biên soạn, Nguyễn Hoàng Mai - Nguyên Tâm dịch) hân hạnh được vinh danh giải Khuyến khích.

Sứ Đoàn Iwakura là tác phẩm nghiên cứu tập hợp nhiều tư liệu giá trị, giúp độc giả hiểu rõ hơn về chuyến du khảo nhằm canh tân Nhật Bản thời Minh Trị dưới góc nhìn của người phương Tây. Để có một đường lối phát triển đất nước hoàn toàn mới, người Nhật đã khởi động chuyến công du gọi là Sứ mệnh Iwakura thăm Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu. Đây là một chuyến đi lịch sử có tầm quan trọng đến mức khi nhắc về Minh Trị Duy Tân, người ta lập tức nhớ đến chuyến đi này.

Sách dày 427 trang, gồm 11 chương tổng hợp các bài viết của Ian Nish và 12 chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ quốc tế khu vực Nhật Bản và Đông Á. Tám chương đầu, độc giả sẽ cùng phái đoàn đi qua tám cường quốc từ Mỹ, Anh, Pháp, Bỉ, Đức, Nga, Thụy Điển và Italy. Bản ghi chép của những học giả góp phần tái hiện hành trình tìm kiếm “văn minh khai sáng” của sứ đoàn Iwakura tại trời Âu dưới góc nhìn của người phương Tây. Ba phần còn lại trong ấn phẩm là bài phân tích, nhận định của chuyên gia lịch sử, đánh giá tình hình nước Nhật sau chuyến công du.

Để hiểu thêm về một lát cắt lịch sử quan trọng của Nhật Bản, cũng như đọc thêm về chuyến đi được mệnh danh là “Chuyến công du lịch sử thay đổi nước Nhật”, mời bạn tìm đọc sách tại đây hoặc tại hệ thống các nhà sách Phương Nam trên toàn quốc.

Đọc bài viết

Trà chiều

Nhà Sách Phương Nam đồng hành cùng các bạn học sinh tham gia cuộc thi ‘F1 in Schools’

Published

on

F1 in Schools là một giải đấu mang tính giáo dục, cạnh tranh toàn cầu do Formula One kết hợp với chương trình quốc tế STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học). Giải đấu được tổ chức hàng năm dành cho học sinh trung học với mục đích giới thiệu kỹ thuật cho những người trẻ tuổi trong một môi trường thú vị. Mỗi đội thi (từ 3 - 6 học sinh) phải thiết kế và chế tạo một chiếc xe đua Công thức 1 cỡ nhỏ từ Khối mô hình F1 chính thức bằng các công cụ thiết kế CAD/CAM.

Năm 2024, ADUA Racing - đội bao gồm các học sinh cấp 2 của trường British International School Ho Chi Minh City đã vinh hạnh giành được cơ hội tham gia vòng chung kết cuộc thi F1 in Schools ở Dubai, Ả Rập Saudi. Đây là đội duy nhất đại diện Việt Nam tham gia vòng chung kết năm nay.

Những nỗ lực rèn luyện, khả năng sáng tạo, tư duy học tập đáng ngưỡng mộ của các em học sinh trong giải đấu này phù hợp với định hướng và giá trị cốt lõi mà Nhà Sách Phương Nam luôn muốn đem lại cho các bạn đọc và khách hàng trên toàn quốc.

Vì vậy, Nhà Sách Phương Nam hân hạnh trở thành nhà tài trợ đồng hành cùng đội thi ADUA Racing trên hành trình vươn ra thế giới. Nhà Sách Phương Nam hy vọng nỗ lực này sẽ góp phần ươm mầm cho những tài năng tương lai, khuyến khích người trẻ phát triển tư duy độc lập, sáng tạo.

Nhà Sách Phương Nam luôn chú trọng hỗ trợ, khuyến khích thế hệ trẻ phát huy tối đa tiềm năng của bản thân. Bên cạnh đó, hệ thống Nhà Sách Phương Nam vẫn luôn nỗ lực trên hành trình kết nối bạn đọc đến với thế giới tri thức thông qua những cuốn sách hay và các hoạt động ý nghĩa.

Cảm ơn sự ủng hộ của các độc giả và khách hàng đã tạo điều kiện để Nhà Sách Phương Nam tiếp tục đồng hành cùng thế hệ trẻ trên những chặng đường đầy ý nghĩa trong tương lai.

Đọc bài viết

Trà chiều

Sự kiện giao lưu & ký tặng: Bước Qua Nước Mắt, Tự Khắc Trưởng Thành

Published

on

Nhân dịp ra mắt tác phẩm mới Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành, Nhà Sách Phương Nam và Phương Nam Book phối hợp cùng tác giả Anh Khang tổ chức sự kiện giao lưu và ký tặng vào lúc 16g00, thứ Bảy ngày 16.11.2024 tại sân khấu A – Đường sách TP. Hồ Chí Minh (Nguyễn Văn Bình, P. Bến Nghé, Q.1, TP. HCM).

Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành là tác phẩm kỷ niệm hơn một thập kỷ viết văn của tác giả Anh Khang. Anh gọi đây là một “cuốn sách làm lành” – thay vì “chữa lành” như cách gọi thường thấy trong xã hội hiện đại. Tác phẩm được chia làm hai phần, mở đầu bằng “Độc thoại” với những dòng tư lự đơn lẻ như tự trấn an “đứa trẻ bên trong đang ăn vạ trên đường trưởng thành”, rồi sang đến “Đối thoại” là những lời tâm can san sẻ cùng Gen Z lẫn Gen Z(à) để tìm sự ủi an. Mỗi câu, mỗi lời tâm tình thủ thỉ đều quá đỗi chân thành, như chính lời tác giả tự nhận thì đây “chính là những ghi chép trong lúc ‘khóc một trận đã đời’, rồi từ nay, chỉ nhìn về phía trước”.

Kể từ khi xuất bản tác phẩm đầu tay Ngày trôi về phía cũ… vào năm 2012, đến nay Anh Khang đã trở thành “tác giả triệu bản” với nhiều tác phẩm nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả. Anh còn được bạn đọc thương tặng tên gọi “nhà văn của những nỗi buồn tuổi trẻ” vì những chia sẻ sâu sắc và đầy cảm thông trong từng trang sách. Sách Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành đánh dấu sự trở lại của Anh Khang sau 4 năm tạm vắng mặt trên văn đàn, đồng thời cũng là món quà tri ân dành tặng cho thế hệ độc giả đã trưởng thành cùng những bài viết của anh.

Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành – tác phẩm mới nhất của tác giả Anh Khang do Phương Nam Book liên kết xuất bản.

Đến với sự kiện giao lưu và ký tặng, độc giả sẽ có cơ hội trò chuyện cùng nhà văn Anh Khang và lắng nghe anh chia sẻ về những thăng trầm trong quá trình sáng tác cuốn Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành. Đặc biệt, sự kiện còn chào đón sự góp mặt của ca sĩ - nhà văn Hamlet Trương.

Giao Lưu & Ký Tặng: Bước Qua Nước Mắt, Tự Khắc Trưởng Thành

  • Thời gian: 16:00 – Thứ bảy, ngày 16.11.2024
  • Địa điểm: Sân khấu A – Đường sách TP. Hồ Chí Minh (Nguyễn Văn Bình, P. Bến Nghé, Q.1, TP. HCM)
  • Vào cửa tự do

Về tác giả: Quách Lê Anh Khang

  • Công việc chính là làm báo, công việc phụ là làm mệt mình bằng những cảm xúc đa mang. Mọi nghề nghiệp đã và đang làm như phóng viên, biên tập viên, PR, MC... đều có vẻ khá nghiệp dư, nhưng lại rất chuyên nghiệp trong vai trò làm “người độc thân nhạy cảm”.
  • Ngày sinh: 11/8
  • Cung Hoàng đạo: Sư Tử (Leo)
  • Cử nhân khoa Báo chí & Truyền thông – Đại học KHXH&NV TP.HCM
  • Sách đã xuất bản:
    • Ngày trôi về phía cũ... (2012)
    • Đường hai ngả, người thương thành lạ (2013)
    • Buồn làm sao buông (2014)
    • Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và... Em (2015)
    • Thương mấy cũng là người dưng (2016)
    • Trời vẫn còn xanh, em vẫn còn anh (2017)
    • Người xưa đã quên ngày xưa (2018)
    • Những năm tháng đó, có tôi yêu người (2019)
    • Thả thính chân kinh (2020)
    • Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành (mới xuất bản – năm 2024)
Đọc bài viết

Cafe sáng