Phía sau trang sách

Murakami Haruki giới thiệu tác phẩm “Sanshiro” của Natsume Soseki

Published

on

Tôi thừa nhận, mình mới thực sự nghiêm túc hứng thú với văn chương Natsume Soseki khi đã bước vào tuổi trưởng thành. Thời gian từ khi tôi tốt nghiệp đại học đến khi kết hôn, tôi hiếm khi để mắt tới các tác phẩm của ông, nói nghe không chính xác lắm, vì thực ra tôi đã kết hôn trước khi tốt nghiệp. Lý do chính là vì khi ấy tôi nghèo.

Vậy tại sao trước khoảng thời gian đó tôi vẫn chưa đọc Soseki? Tôi không thể nhớ rõ, nhưng có lẽ nguyên do lớn nhất là vì thuở thiếu thời, tôi bị ám ảnh bởi ngoại văn và đơn giản là không thèm đọc các tiểu thuyết Nhật ngữ. Một lý do khác có lẽ là vì tôi không có nhiều cảm xúc với các tiểu thuyết Soseki chúng tôi học tại trường (vấn đề ở đây là cách chọn lựa tác phẩm). Một lần khác, giữa những năm 1960 đầy biến động, khi tôi còn thanh niên, đọc Soseki không phải mốt: chẳng mang lại sự ngưỡng mộ hay lời tán dương nào cả. Đó là thời kỳ cải cách và biến đổi văn hóa, thời của Che Guevara và Jimi Hendrix. Ngày nay, dĩ nhiên, Natsume Soseki là biểu tượng của tiểu thuyết gia Nhật Bản đương đại, một nhân vật mang tầm vóc quốc gia, nhưng các tác phẩm của ông đã không được đón nhận nồng nhiệt vào thời điểm đó, tôi nghĩ vậy, ít nhất là trong thế hệ trẻ.

Tôi kết hôn năm 1972 với một người bạn cùng lớp đại học (đến nay vẫn còn là vợ tôi). Cô ấy tốt nghiệp trước tôi và đi làm công việc của một người đọc bản thảo theo hợp đồng với một công ty xuất bản. Tôi đã làm hàng loạt các công việc bán thời gian, mỗi tuần vài ngày khi còn học đại học để kiếm đủ tiền trả phần nợ còn lại trước khi tốt nghiệp – thu ngân ở một cửa hàng băng đĩa, phục vụ bàn, những việc đại loại như vậy. Khi có thời gian, tôi làm việc nhà – giặt ủi, nấu nướng, mua sắm, chăm sóc lũ mèo. Tôi là kiểu mẫu người chồng của gia đình. Cuộc sống khó khăn, nhưng tôi không để tâm mấy, trừ việc là chúng tôi không đủ tiền mua sách.

Như tôi đã nói, chúng tôi nghèo, hay thậm chí nên nói là phải cố gắng tằn tiện chi tiêu. Chúng tôi dự định mở một câu lạc bộ nhạc jazz. Với chúng tôi, sống cuộc đời an nhàn với công việc được trọng vọng ở những công ty được trọng vọng đơn giản không phải một lựa chọn. Viễn cảnh đó không thu hút chúng tôi. Vậy nên hai chúng tôi làm việc chăm chỉ và dành dụm tiền. Nếu không trả được tiền máy sưởi, chúng tôi trải những đêm giá rét bằng cách ngủ với lũ mèo, ve vuốt nhau. Nếu đồng hồ báo thức hỏng, chúng tôi chẳng thể mua một cái mới. Nhưng chúng tôi trẻ khỏe và khát khao, chúng tôi có một mục tiêu.

Dù vậy thì không thể mua sách: thực sự rất khó khăn. Không chỉ không mua được, chúng tôi còn thường xuyên phải bán những cuốn mình có để trang trải cuộc sống. Những ngày đó (và giờ không còn nữa) tôi thực sự đã thèm khát sách. Tôi đọc ngấu nghiến cuốn này sang cuốn khác như chạy đua với thời gian. Tôi thấy như thể đó là cách duy nhất mình có thể tiếp tục sống, vậy nên việc không thể mua thêm sách mới rất đau lòng và bóp nghẹt tôi như là không được hít thở không khí trong lành.

Tôi chóng phải đọc lại sách cũ. Và khi không còn sách để đọc lại lần hai, tôi bắt đầu đọc những cuốn còn lại trong kệ của vợ tôi. Chuyên ngành của cô ấy là văn học Nhật Bản, nên cô ấy có rất nhiều quyển tôi chưa từng đọc. Trong số đó có hai tuyển tập “Trọn bộ tác phẩm” khiến tôi tò mò: một là của nhà thơ Miyazawa Kenji (1896–1933) và hai là của Natsume Soseki. Vợ tôi ban đầu dự định viết luận văn tốt nghiệp về Miyazawa Kenji. Cô ấy để dành tiền và mua được trọn bộ các tác phẩm, nhưng rồi giữa chừng cô ấy bỏ dở (tôi không rõ tại sao) và chuyển sang Soseki. Một người bạn của cô đã lấy Soseki làm đề tài luận văn và không còn dùng đến những cuốn sách nữa, nên vợ tôi có thể mua lại với giá rẻ. Đó là giá trị của tính thực tế. Cô ấy cũng có nhiều sách của Tanizaki Junichiro (1886–1965), tác phẩm kinh điển của thế kỷ mười một Truyện Genji, và Thế giới văn chương cho Nam và Nữ của nhà xuất bản Iwanami. Tất cả đều rất khác với sở thích văn chương của tôi, nhưng ít nhất là không có sự trùng lặp – không chút nào.

Vì không còn gì để đọc, lúc có thời gian rảnh tôi tìm đến những quyển sách này, dù không thực sự hứng thú. Miyazawa Kenji, thật lòng mà nói, không ảnh hưởng nhiều đến tôi, và ít nhất tôi ngày ấy cũng chẳng thấy được điều gì có thể thích ở Truyện Genji. Soseki và Tanizaki, trái lại, không tệ. Và cũng vì các tiểu thuyết của Soseki và Tanizaki luôn khiến tôi liên hệ đến cuộc sống nghèo khổ của một cặp vợ chồng son vừa mới 22. Chỗ chúng tôi trong nhà rất lạnh, và nước trong bồn rửa nhà bếp thường đóng băng vào mùa đông. Đồng hồ báo thức bị hỏng, vậy nên muốn biết giờ giấc tôi phải liếc qua cái đồng hồ trước cửa hiệu thuốc lá dưới chân đồi (khi ấy tôi vẫn còn hút thuốc). Chúng tôi có một cửa sổ lớn ở hướng nam, vậy nên chí ít cũng có chút ánh sáng lọt vào, nhưng đường tàu sắt quốc gia Chuo chạy ngang qua cửa sổ, gây ồn kinh khủng (tương tự như căn hộ của Dan Aykroyd cạnh đường tàu cao tốc trong bộ phim Blues Brothers). Khi có đình công và tàu ngưng chạy trong 24 giờ, người khác đều cảm thấy rất bất tiện, nhưng riêng tôi thì nhẹ nhõm vô cùng. Có những lúc tàu chở hàng chạy ngang qua cho tới lúc mặt trời mọc.

Đây chính là hoàn cảnh tôi đã đọc các tác phẩm của Soseki, là lý do mà đối với tôi, chúng ăn sâu vào ký ức việc đọc trong khi nằm dài trong nắng và nghe tiếng gào rú của những chuyến tàu cao tốc ngang qua. Tất nhiên không phải lúc nào mặt trời cũng đổ nắng, nhưng đó là ấn tượng lưu lại mạnh mẽ nhất. Lũ mèo nằm cạnh tôi, ngủ ngoan. Khi ấy tôi không đọc toàn bộ các tác phẩm của Soseki mà chọn những tác phẩm quan trọng nhất, và trong số đó có những quyển tôi thích hơn số còn lại. Những tiểu thuyết yêu thích nhất của tôi là ba cuốn tạo nên cái được gọi là “tuyển tập” đầu tiên của ông ấy, Sanshiro, Sore kara (Rồi sau đó), và Mon (Cánh cổng). Tôi đặc biệt nhớ cảm giác liên hệ mạnh mẽ mà tôi có với Mon, câu chuyện về hai vợ chồng trẻ sống trong điều kiện vô cùng thiếu thốn.

Với tôi, tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Soseki, Kokoro (Lòng người), có chút gì đó chưa thỏa mãn, và dù rất thích các tác phẩm về sau này được đánh giá cao về chiều sâu tâm lý, tôi không bao giờ hoàn toàn đồng cảm được với những nỗi thống khổ sâu sắc của tri thức đương thời trong đó. “Cứ nói mãi về những chuyện này thì có nghĩa lý gì cơ chứ?” Tôi hay tự hỏi như thế. Theo hướng này, tôi có phần hơi khác với những người đọc Soseki thông thường. Dù vậy, chắc chắn rằng, “trải nghiệm Soseki” tôi có khi ấy, dù đến muộn màng, vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi đến tận bây giờ, và bất cứ khi nào có cơ hội đọc lại các tiểu thuyết của Soseki, tôi vẫn cứ ngạc nhiên trước giá trị của chúng. Soseki vẫn luôn là cái tên đầu tiên bật ra trong đầu tôi khi được hỏi về tác giả Nhật Bản yêu thích nhất.

Khi tôi có được “trải nghiệm Soseki”, phong trào sinh viên đã đi qua giai đoạn mãnh liệt nhất, bầu không khí đã nhanh chóng chuyển sang ôn hòa hơn. Khuôn viên trường đại học vẫn còn đầy biểu ngữ viết những khẩu hiệu chính trị, nhưng khả năng xảy ra một cuộc cách mạng đơn giản đã tan biến (chứ không phải là bắt đầu nhen nhóm, dĩ nhiên), và hy vọng vào cải cách đã nhanh chóng phai nhạt. Những biểu ngữ của lý tưởng hầu hết đều đã bị xếp xó. Janis Joplin, Jimi Hendrix, và Jim Morrison qua đời. Trong bầu không khí vô vọng, tan hoang này, thế giới của những tác gia như Soseki và Tanizaki lần nữa mang lại một ý nghĩa mới. Chúng tôi như hít thở được bầu không khí ấy. Hay ít nhất, tôi cảm thấy như vậy khi nhìn lại từ hoàn cảnh đầm ấm của mình bây giờ. Dù sao chăng nữa, đó chính là cuộc hội ngộ đúng nghĩa đầu tiên của tôi với Soseki. Với riêng tôi, Sanshiro chính là mẫu tiểu thuyết để đọc trên hiên nhà ngập nắng. Dù hoang mang lạc lối, nhân vật chính tựu trung có tầm nhìn hướng về tương lai. Cậu ấy nhẹ ngẩng đầu, và bầu trời cao rộng mở ra trước mắt cậu. Đây chính là ấn tượng mà cuốn sách mang lại. Và thực sự, các nhân vật của cuốn tiểu thuyết không ngừng hướng về bầu trời trong xanh, mà những biến cố xoay quanh họ là phần trọng tâm của câu chuyện.

Những tiểu thuyết thế này hiếm thấy trong văn nghiệp của Soseki – hay có lẽ tôi nên nói là hoàn toàn không tồn tại. Hầu hết các nhân vật chính của ông phải đối mặt với những mâu thuẫn rất đời thực. Họ nếm trải sự khổ não về việc nên sống thế nào, và phải đối diện với những quyết định cuộc đời họ buộc phải đưa ra. Họ đấu tranh quyết liệt để tìm ra chỗ cho mình giữa ước muốn đối lập tiền hiện đại và hiện đại, giữa tình yêu và đạo đức, giữa Tây phương và Nhật Bản. Họ dường như chẳng có thời gian để ngắm nhìn bầu trời. Thay vào đó, những nhân vật xuất hiện trong tiểu thuyết khác của Soseki dường như lúc nào cũng cúi nhìn xuống đất khi bước đi. Những nhân vật trong các tác phẩm về sau này khiến người đọc cảm tưởng họ cũng chịu đựng những cơn đau dạ dày nghiêm trọng nhưng chính tác giả (dù lạ lùng thay, ngòi bút của Soseki không bao giờ mất đi nét hài hước tự nhiên.)

Tuy vậy, nhân vật chính của Sanshiro lại rất khác biệt. Cậu ấy chật vật tìm kiếm vị trí cho riêng mình giữa những cảnh huống rối ren, nhưng cậu không bao giờ hoàn toàn phải đối diện với chúng như vấn đề của chính mình. Trái lại, cậu chấp nhận chúng một cách tự nhiên, với sự cam chịu lãnh đạm của một cậu thanh niên, như thể chấp nhận một điều gì đó hoàn toàn nằm ngoài bản thân. “À, được thôi, đó là lẽ tự nhiên,” cậu có vẻ như vậy. Đau dạ dày chưa kịp thâm nhập vào thế giới của cậu. Tôi nghĩ Sanshiro chính là tiểu thuyết mình yêu thích nhất vì nó miêu tả những chuyển biến tự nhiên của tâm lý nhân vật chính với văn phong dịu dàng vô cùng. Sanshiro nhìn cuộc đời trôi qua như cách mà cậu nhìn mây trắng trôi trên bầu trời. Ánh nhìn vô ưu của cậu cuốn ta theo trước khi kịp nhận ra điều ấy, và rồi ta quên phải khắt khe đánh giá cậu.

Dĩ nhiên, lối sống vô lo, không ràng buộc như thế không thể kéo dài mãi. Một người chợt sẽ nhìn lại và thừa nhận “Mình chưa từng quyết định điều gì cả”, nhưng chuyện này chỉ có thể kéo dài trong một giai đoạn ngắn ngủi – và có lẽ là hạnh phúc của cuộc đời. Cuối cùng, dù muốn hay không, ai cũng mang gánh nặng của trách nhiệm, và một khi ngày đó đến, chẳng còn thể nào mãi ngắm nhìn mây trời nữa. Đây chính là điều đã xảy ra với Daisuke, nhân vật chính trong tiểu thuyết tiếp theo của Soseki, Sore kara (Rồi sau đó), và thậm chí còn bi kịch hơn với Sosuke, nhân vật chính của tác phẩm sau đó, Mon (Cánh cổng). Cùng với nhau, ba tiểu thuyết tạo thành bộ ba mà Soseki hoàn thành như một chuỗi tiểu thuyết đăng từng phần ngắn trên báo trong ba năm, tinh tế khắc họa thanh xuân – và kết thúc thanh xuân – của những tri thức trẻ sống vào thời Minh Trị. Chúng ta có thể gọi ba cuốn tiểu thuyết này là “Tuyển tập Trưởng thành”. Sự trưởng thành của chính Soseki với tư cách một nhà văn trong ba năm ấy cũng nhanh một cách bất ngờ, như một bộ phim tua nhanh.

Nhưng hãy để tôi quay lại với Sanshiro. Nhân vật chính của tiểu thuyết này vẫn còn đang đứng trước bình minh cuộc đời. Cậu vẫn chưa ý thức được những gánh nặng rồi đây mình sẽ phải gánh chịu, và điều này chính là điều đã tạo nên một Sanshiro: một thanh niên trẻ vẫn còn thời giờ để vô tư ngắm nhìn trời xanh mây trắng. Điều chúng ta nhìn thấy không phải là tai ương, mà là điềm báo tai ương sắp đến, những khổ đau vẫn còn chưa thành hình. Soseki chẳng vội vã chút nào với tiểu thuyết này. Ông đứng sau thúc đẩy Sanshiro, giục cậu tiến về phía trước, ép cậu đến những bất hạnh hay thất bại trước giờ chúng đến. Ông chẳng chỉ trích cũng chẳng ngợi ca Sanshiro. Ông đơn thuần để Sanshiro là chính Sanshiro, xây dựng cậu như cậu vốn vậy, tự do và ung dung rỗi rãi, và đây chính là điểm ta thấy được tất cả sự vĩ đại của Soseki.

Khi lần đầu đọc Sanshiro năm hai mươi hai tuổi, chính bản thân tôi cũng không nhận thức được những gánh nặng sắp đến. Tôi vừa mời kết hôn, vẫn còn là sinh viên. Dù khi ấy nghèo khó thế nào, dù còi tàu réo rắt bên ngoài ra sao, tôi vẫn nằm ườn dưới nắng với hai chú mèo vừa mềm vừa ấm ngủ cạnh bên.

Tôi lớn lên trong vùng ngoại ô yên tĩnh của thành phố Kobe và đến Tokyo năm mười tám tuổi khi vào đại học Waseda. Ban đầu tôi không tha thiết đến Tokyo lắm và dự định một hành trình dễ thở hơn ở một trường cao đẳng địa phương, nhưng vào phút cuối tôi lại bắt đầu thấy muốn xa nhà và thử thách bản thân – sống độc lập lần đầu tiên trong đời. Tôi thu dọn đồ đạc và từ biệt bạn gái. Đã gửi trước những kiện hành lý lớn đến ký túc xá, tôi chỉ mang theo mình một chiếc giỏ xách khi lên chuyến tàu shinkansen mới mở ở ga Osaka. Trong túi là bản bìa mềm cuốn Trường âm nhạc (The Music School) của John Updike vẫn còn đọng lại nơi tâm trí tôi như một phần của khoảng thời gian đặc biệt ấy. (Rất đau lòng phải nhắc đến chuyện John Updike vừa qua đời trước khi tôi viết lời giới thiệu này vài ngày.)

Tôi đã làm những điều mà ta thấy Sanshiro làm ở mở đầu tiểu thuyết, đến Tokyo từ tỉnh lẻ để học đại học, dù các chi tiết thì khác. Sanshiro được viết năm 1908, tôi đến Tokyo năm 1968, đúng sáu mươi năm sau. Đi từ Kobe đến Tokyo bằng tàu hơi nước khi ấy mất khoảng mười lăm hay hai mươi tiếng. Với tôi, trên tàu điện shinkansen, chỉ mất có bốn tiếng. Đi từ Kyushu xa xôi đến Tokyo, Sanshiro mất hai ngày đường. Nói cách khác, chúng tôi lớn lên trong môi trường rất  khác nhau. Vị trí xã hội của sinh viên đại học cũng khác. Bất kỳ ai vào đại học vào thời của Sanshiro cũng rất được trọng vọng, nhưng vào thời của tôi, chẳng có gì là đặc biệt. Hệ thống giáo dục cũng khác biệt. Sanshiro vừa tốt nghiệp “trường cao đẳng” (kotogakko), gần với đại học giáo dục khai phóng ngày nay, và cậu đã hai mươi hai tuổi (tuổi tính theo phương Tây) khi nhập học đại học, để học vào chuyên ngành, trong khi tôi mới mười tám. Tuy vậy, có lẽ không có quá nhiều khác biệt giữa chúng tôi, trong nỗi háo hức ở một thành phố xa lạ rộng lớn, khởi đầu một cuộc đời mới.

Không cần phải nói, cuộc tình thoáng qua của Sanshiro đã không xảy đến với tôi trên đường đến Tokyo trên chuyến tàu shinkansen. Cậu ấy qua đêm ở một quán trọ, còn tôi chỉ ngồi bốn tiếng trên tàu cao tốc. Thật sự thì, chuyện tương tự với trải nghiệm Sanshiro đã xảy đến với tôi. Để tiến kiệm chi phí, tôi đã bắt chuyến tàu tốc hành chậm hơn, chuyến Kodama, dừng nhiều chặng hơn chuyến Hikari thông thường, và tại một điểm dừng – Shizuoka, tôi nghĩ – một phụ nữ trẻ đã đến ngồi cạnh tôi. Khoang tàu gần như trống, và cô ấy có thể dễ dàng chọn một ghế hai người ngồi một mình, nhưng cô ấy quyết định ngồi cạnh tôi. Cô ấy là một phụ nữ ngoài đôi mươi xinh đẹp – chưa đến hai lăm – không hẳn là một mỹ nhân, nhưng đủ hấp dẫn. Không ngạc nhiên, việc có cô ấy ngồi cạnh khiến tôi khá căng thẳng.

Khi đã yên vị, cô ấy mở lời với nụ cười thân thiện. Tôi đến từ đâu? Định đi đâu? Cô ấy nói chuyện rất cởi mở, thẳng thắn, và tôi trả lời thành thực nhất có thể. Tôi nói mình đến từ Kobe và sắp học đại học ở Kobe, sẽ học chuyên ngành văn học, rằng tôi thích đọc sách, chắc sẽ sống ở ký túc xá trong khu Mejiro, chuyện tôi là con một, vân vân và vân vân. Tôi không nhớ chi tiết. Thậm chí ngay lúc đó đầu óc của tôi cũng không tập trung, các câu trả lời của tôi có vẻ lạc đề.

Dù thế nào, cô ấy cũng đã ngồi cạnh tôi suốt đường đến Tokyo. Chúng tôi nói chuyện suốt, tôi nhớ cô ấy đã mua cho tôi ít thức uống. Chúng tôi bước xuống sân ga khi tàu đến Tokyo. “Chúc may mắn ở trường, học chăm nhé,” cô ấy nói với tôi, và rồi đi mất với một cái vẫy tay. Đó là kết thúc câu chuyện. Tôi không rõ tại sao cô ấy lại chọn ngồi kế mình trong toa tàu gần như trống ấy. Có thể cô ấy chỉ muốn có người trò chuyện cùng và thấy một thằng nhóc như tôi sẽ không nguy hại gì (tôi khá chắc là thế). Hay có thể cô có em trai trạc tuổi tôi. Dù lý do là gì, cô ấy đã bỏ tôi lại sân ga Tokyo với cảm giác kỳ lạ, gần như là lâng lâng. Đó là khởi đầu cuộc sống mới của tôi ở Tokyo, phảng phất mùi hương phụ nữ, mùi hương diệu kỳ của một phụ nữ trẻ, như là điềm báo cho những việc sắp đến. Không nghi ngờ gì, những mùi hương như thế đã giúp tôi quyết định hướng đi đời mình từ thời điểm ấy.

Giờ thì tôi đã đọc Sanshiro vài lần rồi, và lần nào nó cũng gợi tôi nhớ về giai đoạn đó của cuộc đời mình. Cuốn sách luôn làm sống dậy trong tôi cảm giác lạ lùng ngày mới lên Tokyo và nhận thấy mình đang từ từ mà chắc chắn xa rời những con đường quê, khỏi cuộc sống tôi đã bỏ lại phía sau, xa cả hệ giá trị mà tôi biết đến trước đó. Thực sự, tôi không biết chắc có gì tồn tại thay thế những điều ấy không. Tôi vừa mang cảm giác khấp khởi tự do, vừa sợ hãi cô đơn, như một nghệ sĩ nhào lộn vừa bỏ qua một cú nhào lộn trước khi biết chắc có cú tiếp theo để thực hiện.

Điều biến Sanshiro thành một tiểu thuyết xuất sắc như vậy, với tôi chính là cách nhân vật chính, Sanshiro, không bao giờ cởi mở bày tỏ mâu thuẫn giữa niềm vui và nỗi sợ của mình. Điều ấy không hiển hiện ra bên ngoài – theo kiểu “tâm lý phức tạp” của tiểu thuyết hiện đại. Trong câu chuyện, Sanshiro luôn là một người quan sát. Cậu chấp nhận và để mọi chuyện trôi ngang qua cuộc đời mình. Đôi khi cậu cũng có nhận xét điều này điều kia tốt xấu, về sở thích sở ghét của bản thân, thi thoảng lại miêu tả lại những ấn tượng của mình với ngôn ngữ mượt mà đáng kể, nhưng luôn chỉ ở dạng “đề xuất kết án”. Cậu ấy dành nhiều năng lượng tinh thần hơn cho việc quan sát và suy nghĩ. Cậu không mặn mà gì chuyện nhặt nhạnh chất liệu cho một quyết định được đưa ra về sau. Bước chân của cậu không hề nhẹ nhàng; thực ra, cậu có thể lóng ngóng, nhưng đồng thời cũng chẳng khập khiễng bước đi. Soseki đã thành công trong việc xây dựng chàng trai tỉnh lẻ ngây thơ – nhưng cơ bản vẫn tri thức và, được chu cấp dư dả theo cách của riêng mình – với một quan điểm tự do và cởi mở.

Sự tự do và cởi mở này, đi cùng với mối nguy hiểm ẩn sau bối cảnh, đều là bản chất tuổi trẻ của riêng Sanshiro, và có lẽ, của chính Nhật Bản, giai đọa chuyển-giao-thế-kỷ được biết đến như “trung-hậu Minh Trị”. Trong dấu chân và ánh nhìn tràn đầy sức trẻ của Sanshiro, ta có thể thấy những điểm tương đồng với một quốc gia trong giai đoạn tăng trưởng bùng nổ, nhịp đập tăng cao của nó khi bỏ lại hệ thống lỗi thời, hít sâu bầu không khí văn hóa Tây phương mới lạ, và tự vấn về định hướng và mục tiêu tương lai của mình. Nhưng cả trong dấu chân hay ánh nhìn ta đều không thấy được sự nhất quán mạnh mẽ. Hiện tại chuyện tưởng như ở thế cân bằng, nhưng chẳng ai biết trước điều gì sắp xảy đến khiến họ vấp ngã.

Tuy vậy, có một nhân vật có vẻ cảm thấy được mối nguy sắp đến. Giáo sư Hirota, vị tiền bối kỳ lạ mà Sanshiro tình cờ gặp mặt trên tàu lửa nội ô Tokyo, cũng là người thầy tương lai, dự đoán mộ số phận không mấy dễ dàng của Nhật Bản. Nhật Bản có thể vênh váo như cường quốc hạng nhất sau chiến thắng trong chiến tranh Nga – Nhật (năm 1905, chỉ ba năm trước sự ra đời của cuốn tiểu thuyết), nhưng vẫn là một đất nước với bộ rễ còn nông cạn. Người Nhật có gì để khoe khoang ở nước ngoài? Đỉnh Phú Sĩ? Nó chẳng hơn gì một thực thể tự nhiên đã luôn tồn tại ở đó. Người Nhật đâu làm ra nó. Nhật có thể tạo nên ấn tượng một nước đã hiện đại hóa, Giáo sư chỉ ra, nhưng đó chỉ là bề mặt. Về mặt tâm lý, đất nước vẫn còn đặt một chân rất sâu trong thế giới tiền hiện đại.

Sanshiro không đặc biệt yêu nước, nhưng những lời nói của người đàn ông lạ đã xúc phạm đến cậu, và cậu làm hết sức để biện hộ cho đất nước mình: “Nhưng mà từ bây giờ, Nhật Bản sẽ dần dần mạnh lên, phải vậy không?” Người đàn ông đáp lại lạnh lùng “Nhật Bản rồi sẽ suy vong.” Sanshiro sốc, nhưng đồng thời cũng ngưỡng mộ người đàn ông. Cậu ấy nghĩ, hẳn rồi, người Tokyo có khác. Chẳng ai ở đảo Kyushu quê cậu (một vùng đặc biệt bảo thủ) dám thốt lên những lời kinh hoàng như vậy. “Nhật Bản rồi sẽ suy vong.” Nhưng Sanshiro chẳng bao giờ tự hỏi “Tại sao?”

Cậu phải nhìn thế giới với nhãn quan rộng mở hơn, Giáo sư khuyên răn Sanshiro, và quan trọng hơn, cậu phải khắt khe với chính mình. Có thể ông ấy đang cố tình khiêu khích, nhưng những lời của ông dần trở thành lời tiên tri dọc theo câu chuyện – lời cảnh báo – với cả yểu mệnh tiềm tàng của Nhật Bản, cũng như với giới hạn tâm lý của tri thức Minh Trị trẻ tên Sanshiro.

Sanshiro được cho một lời tiên đoán khác, trực tiếp hơn về mặt tình ái. Đó là từ người phụ nữ cậu gặp trên tàu mà tình cờ khi dừng chân ở Nagoya cậu đã chia sẻ căn phòng. Khi từ biệt sáng hôm sau, cô nhìn cậu vẻ biết tuốt và nói “Anh đúng là một gã nhát gái”, vừa giễu nhại vừa thất vọng về chuyện cậu đã không thể có xíu xiu chủ động nào với cô vào đêm hai người ở cùng. Sanshiro “cảm giác như vừa bị ném thẳng từ trên cao xuống đất” khi nghe điều này. Hai tai cậu nóng bừng bừng trong hồi lâu; cậu biết điều ngăn mình chạm vào cô gái khuya vừa rồi không phải là giới hạn đạo đức mà đơn giản là sự thiếu tự tin. Bản năng phụ nữ của cô ấy đã bắt thóp được điểm yếu kinh khủng nhất của cậu.

Một cách mãnh liệt nhất, Sanshiro tin vào hai lời tiên tri/cảnh báo kia từ tận đáy lòng khi hòa mình vào cuộc sống mới ở Tokyo. Về mặt này, từ Kyushu đến Tokyo là chuyến tàu đầu tiên trong chuỗi nghi thức chuyển mình của Sanshiro. Nói theo kiểu thần thoại, hai lời tiên tri thuộc mô tuýp quen thuộc quan trọng của chàng hoàng tử ngây thơ đặt chân vào rừng sâu. Liệu Sanshiro có vượt qua hai lời tiên tri này trên chặng đường trưởng thành? Liệu anh hùng trẻ tuổi này có dấn thân vào rừng sâu bí ẩn, chiến đấu với cái bóng của chính mình, và giành lấy cho bản thân chí ít một phần túi khôn đang chờ cuối con đường?

Chẳng có câu trả lời dễ dàng nào chờ đợi độc giả của Sanshiro, cuốn tiểu thuyết chỉ chứa đựng những chỉ dẫn mơ hồ nhất của bí ẩn. Nhân vật chính chẳng có mấy dấu hiệu sẵn sàng đối đầu với một ai hay giành lấy thứ gì đó về tay mình. Thực sự, anh ta vẫn chưa rõ ngoài kia có gì để mình giành lấy. Biến một người như thế thành một anh hùng huyền thoại thực sự bất khả. Về mặt này, Sanshiro khá khác biệt với tiêu biểu của thể loại bildungsroman của văn học châu Âu đương đại, trong đó một nam/nữ thanh niên tầm tuổi Sanshiro từ tỉnh lẻ, còn ngây thơ – đối mặt với rất nhiều trở ngại, chịu đựng nhiều tổn thương và thất bại, thiết lập được những giá trị tinh thần và tình cảm mới, trưởng thành và vượt qua cánh cổng bước vào một xã hội rộng lớn hơn, giờ đây đã là một “công dân” đủ lông cánh, như trong Jean-Christophe của Romain Rolland, hay L’Éducation Sentimentale của Flaubert.

So với những tiểu thuyết này, quá trình trưởng thành của Sanshiro không đều đặn liên tục mấy. Cậu vấp ngã, cậu vỡ mộng, nhưng dù chuyện không xảy đến như cậu đã kỳ vọng, câu chuyện không bao giờ nói rõ liệu chừng ấy trải nghiệm có tích tụ lại mà đánh gục Sanshiro, hay, vạch ra một tiêu chuẩn rõ ràng đâu là định nghĩa “gục ngã” trong tâm trí của Sanshiro. Đối mặt với tình huống trước mắt mình, nếm trải những khổ đau nó mang lại, yêu cầu một câu trả lời từ nó: những điều ấy hoàn toàn không có ở Sanshiro. Khi chuyện không lường trước xảy đến, Sanshiro đơn giản chỉ cảm thấy ngạc nhiên, cảm động, bối rối hay ấn tượng.

Ở Tokyo, Sanshiro gặp lại Giáo sư Hirota, người anh tình cờ gặp trên tàu, và bắt đầu xem ông ấy là thầy. Không có nhiều dấu hiệu chuyện Sanshiro thấy được một phương pháp để học điều gì đó quan trọng từ người thầy đã dẫn dắt cậu vào một cuộc đời đẳng cấp hơn. Cậu chỉ đơn giản quan sát Giáo sư như quan sát một đám mây kỳ vĩ trôi ngang bầu trời. Cậu cũng làm tương tự với vòng tròn quan hệ bé nhỏ của mình, nhìn họ như những đám mây đẹp đẽ và thú vị. Cậu có chút gì hướng theo lối sống của Giáo sư, nhưng chẳng bao giờ cậu xem đó là tấm gương để noi theo. Cậu rơi vào lưới tình với một trong số những cô bạn đồng trang lứa, Mineko xinh đẹp và thông minh (cô có vẻ bị thu hút bởi vẻ ngây thơ tột độ của Sanshiro), nhưng chẳng chút nào chủ động kéo cô về thành của mình. Cả về đời sống tinh thần lẫn tình ái, cậu luôn giữ mình trong một giới hạn an toàn. Không lần nào cậu buộc mình vào với lý trí.

Có thể Sanshiro ấp ủ quá ít khát khao trưởng thành của một người trẻ, hay cậu chẳng có chút khái niệm gì về điều làm nên một “công dân”. Từ quan điểm Tây phương, biểu hiện của cậu có lẽ quá thiếu chín chắn và vô trách nhiệm, cả trên phương diện cá nhân lẫn xã hội. Cậu đã hai mươi hai tuổi (và hai mươi ba theo tuổi Nhật), và là một sinh viên tại Đại học hoàng gia Tokyo dưới thời Minh Trị, cậu thuộc vào tầng lớp tinh hoa, sẽ góp phần gánh vác những trọng trách quốc gia. Làm thế nào một nhân vật như thế có thể khoanh tay đứng đó, thiếu chính kiến, không thể tự chọn hướng đi đời mình? Nếu một bạn đọc nước ngoài hỏi tôi câu ấy, tôi có lẽ không thể trả lời gì ngoài, “Có lẽ anh nói đúng.” Tuy vậy, thật lòng thì, kiểu khoanh tay lãnh đạm với đời gợi nhiều suy tư cả về tư duy lẫn đạo đức trong vỏ bọc xúc cảm mềm mỏng nhất có thể như thế, lạ lùng thay, lại rất thoải mái với tôi và hầu hết độc giả Nhật Bản.

Theo nghĩa này, có thể định nghĩa Sanshiro như một tiểu thuyết về sự lớn lên mà không có trưởng thành. Sanshiro ngây thơ bước chân vào một thế giới mới, và dần người lớn hơn nhờ gặp gỡ những người mới, có những trải nghiệm mới, nhưng chuyện cậu có bao giờ trưởng thành được đến mức bước ra xã hội như một “công dân trưởng thành” theo lối hiểu của người phương Tây vẫn còn là dấu hỏi lớn. Chẳng có tác động ngoại cảnh nào từ xã hội thúc đẩy cậu làm điều ấy, vì xã hội Nhật Bản đã chuyển từ chế độ phong kiến sang quân chủ chuyên chế tồn tại đến Thế chiến thứ hai mà không chứng kiến quá trình trưởng thành của tầng lớp trung lưu. Đây là điều mà tôi cảm thấy rõ rệt.

“Sự hiện đại” Tây hóa theo nghĩa đó chưa bén rễ vào Nhật Bản thời Minh Trị, cũng như đến nay vẫn chưa từng bén rễ. Tốt hay xấu gì thì khái niệm “công dân trưởng thành” không quan trọng với chúng tôi lắm (không ai dám khẳng định thế nào là tốt, xấu). Đây có lẽ chính là lý do Sanshiro đã trở thành một tác phẩm kinh điển bất hủ với người Nhật, luôn thu hút một lượng độc giả ổn định đồng cảm sâu sắc qua hàng năm trời. Tôi khó mà ngăn những suy nghĩ ấy khi đọc cuốn tiểu thuyết.

Là một độc giả chăm chỉ và nhà nghiên cứu xuất sắc văn chương Anh ngữ, Soseki hẳn nắm rõ khái niệm phương Tây bildungsroman, và lối kể chuyện của ông mượt mà đúng chất Jane Austen. Ông sẵn sàng áp dụng cấu trúc tiểu thuyết phương Tây như kiểu mẫu và biến đổi chúng theo cách của riêng mình. Thực tế, với vốn kiến thức vững vàng về cả hai nền văn hóa (phương Tây và Nhật Bản), ông chính là tác giả có thể cho ra một sự kết hợp hoàn hảo: Soseki cực kỳ sành sỏi văn chương Anh ngữ, và vài tác phẩm trong tuyển tập “Trọn bộ tác phẩm” của ông thể hiện trình độ tiếng Anh bậc thầy, nhưng ông cũng viết thơ haiku suốt thời trẻ và được đào tạo bài bản về những tác phẩm Trung Hoa kinh điển.

Kết quả là, trong Sanshiro, bất chấp cấu trúc Tây phương của nó, quan hệ nhân quả đôi khi không rõ ràng, yếu tố hữu hình và siêu hình kết hợp, khẳng định và phủ nhận gần như khó phân biệt. Đây hiển nhiên là lựa chọn có chủ đích của tác giả, và Soseki mượt mà dẫn dắt câu chuyện trong khi vẫn giữ sự mơ hồ căn bản này bằng cách đưa vào tác phẩm của mình khiếu hài hước phức tạp độc đáo, phong cách tự do, lối mô tả chân thực và trên tất cả là sự trung thực giản đơn của nhân vật chính.

Soseki vẫn luôn được biết đến như “nhà văn quốc dân” của Nhật Bản, và tôi sẽ không tranh cãi về danh hiệu này. Dưới dạng tiểu thuyết phương Tây hiện đại, ông đã khéo léo và chính xác chuyển tải nhiều dạng thức và chức năng của tâm thức Nhật Bản ông quan sát được quanh mình, điều mà ngày nay chúng ta dễ dàng nhận thấy. Ông đã làm điều ấy với sự trung thực tột cùng, và do đó, cũng gặt hái thành công tuyệt vời.

Sanshiro là tiểu thuyết duy nhất của Soseki viết về tuổi trưởng thành của một chàng trai trẻ. Một tiểu thuyết có lẽ không đặc biệt quan trọng trong văn nghiệp của ông, nhưng ông đã phải viết ít nhất một tác phẩm như thế. Thực sự mọi tiểu thuyết gia đều có một tác phẩm như thế. Trường hợp của tôi chính là Rừng Na Uy (1987). Tôi không đặc biệt muốn đọc lại nó, hay có mong muốn viết một cuốn tiểu thuyết tương tự, nhưng tôi cảm thấy nếu hoàn thành nó, tôi sẽ tiến được một bước xa hơn, rằng sự tồn tại của tác phẩm đó sẽ tạo nền tảng vững chắc cho những tác phẩm về sau của tôi. Cảm xúc ấy rất quan trọng với tôi, và tôi tưởng tượng (dựa trên kinh nghiệm bản thân) Soseki cũng từng cảm thấy như thế với Sanshiro. Tôi rất nóng lòng muốn thấy phản ứng của độc giả nước ngoài với Soseki – đặc biệt là với Sanshiro – trong bản dịch chính xác và sinh động này. Tôi sẽ rất vui nếu bạn đọc yêu thích cuốn sách. Nó là một cuốn sách yêu thích của tôi, và tôi ngờ rằng chính bạn sẽ thấy, dù bạn đến từ đâu trong thế giới này, tuổi trẻ của bạn thành hình và định hướng ra sao, phong vị đặc biệt của giai đoạn quan trọng trong đời mà ta trải qua ấy đều như nhau.

Hết.

Murakami Haruki

Trần Nguyễn Tâm Anh dịch.
Ảnh trong bài: Tao Đàn

*

Muôn màu của Haruki Murakami





Click to comment

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Phía sau trang sách

Trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình với Metahuman – Siêu nhân loại

Published

on

By

Những khi nhìn lại chính bản thân mình, những điều đã hoàn thành lẫn những điều còn dở dang, nếu đâu đó trong bạn xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực về chính mình, có lẽ tác phẩm Metahuman – Siêu nhân loại của bác sĩ Deepak Chopra sẽ giúp bạn điều chỉnh lại suy nghĩ ấy, để thấy rằng tiềm năng của con người là vô hạn.

Có bao giờ bạn tự hỏi, tại sao những phim hài lãng mạn dù lặp lại các kiểu mô típ quen thuộc về câu chuyện, nhân vật thường vẫn dễ dàng thu phục được công chúng? Trong Metahuman – Siêu nhân loại, Deepak Chopra – tác giả người Ấn Độ từng được tạp chí Time vinh danh là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất ở thế kỉ 20 – đã có cách lí giải vô cùng thuyết phục dựa trên cơ chế tâm lí, ý thức về hiện thực của con người.

Dòng phim hài lãng mạn thường kể câu chuyện về một anh chàng hay cãi nhau với một cô nàng, để rồi cuối phim anh mới nhận ra cô chính là tình yêu đích thực của đời mình. Chopra cho rằng tất cả chúng ta đều yêu thích khoảnh khắc giác ngộ của nhân vật trong phim: “Giờ tôi đã hiểu rồi. Đó là người tôi yêu.”

Chính vì thực tại ta đang sống là một thứ khó hiểu, khó nắm bắt nên ta lại càng tìm được nhiều niềm vui khi chứng kiến nhân vật có thể hiểu được một vấn đề nan giải, thấy được sự thật bấy lâu nay cứ chìm khuất trong lớp sương mờ trước mắt anh hay cô ta. Và tác phẩm Metahuman – Siêu nhân loại cũng có thể mang đến cho người đọc niềm vui tương tự khi lần lượt giải mã nhiều vấn đề về hiện thực ta đang sống.

Những giới hạn của bản thân không phải là điều tiêu cực như bạn nghĩ

Deepak Chopra

Chúng ta vẫn thường quen thuộc với quan niệm thế giới chia làm hai phần gồm: vật chất và ý thức. Từ đây, hình thành hai trường phái triết học chủ đạo là duy vật và duy lí. Nhưng trong Metahuman – Siêu nhân loại, Deepak Chopra đã định nghĩa lại về thế giới. Ông cho rằng thế giới chỉ có duy nhất một thứ là ý thức, và vật chất cũng là do ý thức tạo nên. Vật chất, hay những gì chúng ta nghĩ là rắn chắc, bền vững, khó thay đổi – bao gồm cả cơ thể, tâm trí và những tiềm năng của chúng ta – kì thực đều là do ý thức quyết định. Vì thế, chừng nào ý thức còn muốn tiếp tục điều chỉnh, chừng đó tiềm năng của con người còn vô hạn và có thể mở rộng đến khôn cùng.

Nhưng trong cuộc sống hằng ngày, giới hạn an toàn lại là thứ khiến chúng ta thấy thoải mái, đồng thời đây cũng là cơ chế để bảo vệ con người. Chopra lấy ví dụ nếu một người muốn trở thành họa sĩ, anh tham dự một lớp học mĩ thuật. Giả sử lớp học đó có thể cho anh xem hết tất thảy mọi bức tranh đã được vẽ trong lịch sử nhân loại, cảm thấu được vẻ đẹp của từng bức thì khả năng cao là sau khi học xong, anh sẽ không thể vẽ được nữa. Ở đây, chính giới hạn về hiểu biết mĩ thuật có thể lại là động lực khiến người họa sĩ muốn sáng tạo.

Như vậy, bản thân sự giới hạn không phải là một điều tiêu cực. Nó chỉ tiêu cực khi bị cố định trong một cái khuôn. Ngược lại, nếu ta biết được giới hạn nhưng vẫn có nhận thức rằng biên độ của giới hạn có thể thay đổi thì tiềm năng của con người sẽ không ngừng mở rộng.

Không chỉ quá khứ, tương lai; hiện tại cũng là thứ không thể nắm bắt

Phần lớn chúng ta có một quan niệm phổ biến rằng: “Tương lai, quá khứ là thứ chúng ta không thể nắm bắt. Tương lai thì chưa đến. Quá khứ thì đã qua. Chỉ có hiện tại là thứ duy nhất ta có thể nắm bắt được.” Quan niệm này có lẽ hợp lí đến nỗi không nhiều người trong chúng ta đặt nghi vấn về tính đúng đắn của nó, hay thử tự một lần phản biện lại.

Tuy nhiên, Deepak Chopra lại có suy nghĩ hoàn toàn khác biệt về vấn đề này. Ông cho rằng không chỉ tương lai và quá khứ, ngay cả hiện tại – mà ta nghĩ là mình đang sống trong nó – cũng là thứ khó nắm bắt. Bởi lẽ, hiện tại cũng giống như sự im lặng. Khi bạn cất lời, sự im lặng biến mất; tương tự, khi bạn có nhận thức về hiện tại dù là dưới dạng hình ảnh, cảm xúc, hay suy nghĩ, nó cũng đã biến mất ở khoảnh khắc ấy, nhường chỗ cho một hiện tại khác ở ngay sau đó. Vì vậy, nếu nói rằng thực tại là thứ có thể nắm bắt thì chẳng khác nào nói là bạn có thể biết trước suy nghĩ tiếp theo của mình.

Phản biện này có lẽ cũng là tư duy nền tảng cho khái niệm về thực tế ảo được trình bày trong sách. Thực tế mà chúng ta đang sống, ta nghĩ rằng đó là một thực tế vững chắc, được kết cấu dựa trên những nhu cầu đầu tiên về vật chất, sau đó là tinh thần – thực tế ấy, hóa ra lại không vững chắc như ta nghĩ. Rất có thể, đó chỉ là một thực tế do ý thức, nhu cầu của chúng ta tạo ra, thứ mà Chopra gọi rằng đó là thực tế ảo. Để vươn đến tầm vóc siêu nhân loại, ta phải học cách vượt qua thực tế ảo ấy, hướng đến một thực tế thật – đó chính là thứ thực tế mà tác giả gọi là siêu hiện thực.

Trong Metahuman – Siêu nhân loại, Deepak Chopra không cố gắng áp đặt độc giả phải đồng thuận quan điểm của mình. Ông luôn đưa ra nhiều ý kiến, quan điểm đối lập từ những học giả, các nguồn kiến thức khác nhau về cùng một vấn đề để người đọc có thể rộng đường tư duy, tiếp nhận nhiều luồng tư tưởng, tự lựa chọn đáp án cho những câu hỏi cá nhân của chính mình. Thông qua đó, Deepak Chopra cung cấp một cách nhìn khác về hiện thực, giúp mỗi người chúng ta xua tan lớp sương ảo ảnh do tự thân tạo ra từ những định kiến, trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.

Nguồn: L'Officiel

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Thành phố những lục địa bay: Khi Đà Lạt không là Đà Lạt

Published

on

By

Đà Lạt luôn là điểm dừng chân lí tưởng cho những tâm hồn yêu cái lạnh. Nếu không thể đến Đà Lạt ngay lúc này, quyển sách Thành phố những lục địa bay – tác phẩm viết về Đà Lạt mới nhất của nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo để người đọc tận hưởng không khí Đà Lạt ngay tại nhà.

Dù tuổi thơ gắn liền với quê hương Ninh Thuận và chỉ đến Đà Lạt khi trở thành sinh viên Văn khoa Đại học Đà Lạt, Nguyễn Vĩnh Nguyên đã dành cho Đà Lạt một tình yêu tha thiết với nhiều tác phẩm ghi dấu trong lòng bạn đọc như: Đà Lạt, một thời hương xa; Đà Lạt, bên dưới sương mù; Với Đà Lạt, ai cũng là lữ khách Lần này trở lại với Thành phố những lục địa bay, anh tiếp tục viết về Đà Lạt với nhiều khám phá, tìm tòi mới trong nghệ thuật kể chuyện.

Vẻ đẹp thành phố sương mù hiện ra trong sự mơ hồ của chữ “và”

Trong lối tường thuật của Thành phố những lục địa bay, Nguyễn Vĩnh Nguyên đặt rất nhiều ý nghĩa trong chữ “và”. “Và” không chỉ là sự bao hàm giữa cái này và cái kia. “Và” còn có thể vừa mang ý nghĩa liệt kê, vừa mang ý nghĩa đồng thời. Chính vì vậy, những chi tiết nối liền bằng “và” theo cách Nguyễn Vĩnh Nguyên sử dụng cho người đọc cảm giác chúng có thể lần lượt xuất hiện, hoặc song song tồn tại. Sương mù hay chính bản thân Đà Lạt dường như đã trở thành một câu văn có cấu trúc gắn kết bởi chữ “và”. Ngay từ lời ghi chú ngắn ở đầu truyện, tác giả đã dụng công viết những câu văn có sự xuất hiện của nhiều chữ “và” để tạo ra cảm giác mơ hồ về ranh giới. Ta hãy thử khảo sát một vài trường hợp.

Có khi “và” đảm nhận nhiệm vụ liệt kê hai chức năng đồng thời tồn tại:
“Mặt nước cất giữ trong nó những bí mật bị vùi chôn và trang sức cho thành phố một vẻ mơ màng hư ảo. 

Có khi “và” là một trạng thái ở giữa như cách tác giả mô tả tầm nhìn của một người khi quan sát hồ nước chìm trong sương mù.
“Hồ, vì thế nằm giữa cái thấy và không thấy.”

Đôi khi, “và” còn mang nghĩa không hẳn là “cái này”, cũng không hẳn là “cái kia” như trong câu văn sau đây:
“Còn thi sĩ, anh là kẻ đã đến đây vào Thời đại Buồn nôn với sự thơ mộng và giả thơ mộng được vẽ vời và phóng đại.”

Như vậy ở đây, Đà Lạt hiện ra là một thành phố vừa thơ mộng, vừa không hẳn thơ mộng. Chính vì không có tính chất nào vẹn toàn thuộc về chủ thể – chủ thể ở đây có thể hiểu là cả một thành phố –  nên mới cần có nhiều chữ “và”. “Và” như một phương thức để khẳng định thành phố luôn mang trong mình từng tính chất đã được liệt kê, nhưng đồng thời cũng không hoàn toàn nắm giữ trọn vẹn bất kì tính chất nào. Chính vì lẽ đó, tác giả đã đưa ra nhận định chung về hình ảnh Đà Lạt được tái hiện trong Thành phố những lục địa bay là: “Đà Lạt chính là Đà Lạt. Nhưng Đà Lạt cũng không là Đà Lạt.”  

Trò chơi giữa có và không khiến người đọc say mê

Những chuỗi truyện trong Thành phố những lục địa bay cho người đọc thấy một điều rằng: Sự thật và giai thoại luôn đan xen lẫn nhau về cùng một đối tượng. Ở tác phẩm này, hồ nước chính là khởi nguồn cho mọi sự nhòa lẫn, bất phân định về ranh giới.

Có lẽ, tác giả chọn hồ làm đối tượng để khởi đầu tác phẩm cũng vì hồ là thứ có thể phản chiếu như gương, tạo ra phiên bản thứ hai của thế giới, tạo ra lằn ranh giữa thực và ảo. Hiểu theo cách đó, ta có thể thấy rằng hồ cũng có nhiệm vụ tương tự như chức năng ngữ pháp của chữ “và” trong cấu trúc câu. Nếu “và” là cầu nối trên câu chữ thì “hồ” chính là một phóng chiếu sang hình ảnh của “và”, là sự gắn kết giữa những miền “thực” và “ảo” trong tác phẩm. Và vì vậy, với tác giả, hồ là: “Một thứ nước đôi, không chắc hư cấu, cũng chẳng hiện thực.” 

Hầu hết những con người xuất hiện trong tác phẩm đều vô danh, họ chỉ được gọi bằng các chức danh nghề nghiệp như: thi sĩ, nhà nhân học, quy hoạch gia, chàng nhạc sĩ, nhà thám hiểm, ngài khâm sứ, đan sĩ, hoàng đế, nhà biên khảo, nhà văn… Bằng cách đó, con người hòa vào những địa danh vốn cũng không được đặt tên riêng trong tác phẩm như: Hồ, Suối, Thác, Đồi, con đập…

Giữa những mơ hồ về thân phận của con người và nơi chốn, nước – một “nhân vật” vô danh khác trong tác phẩm – lại nổi lên như một đối tượng dẫn lối cho tất cả mọi thứ. “Nước đã xuyên qua vách ngăn của da thịt, để con người trở nên trong suốt và tự do.” Có lẽ vì thẩm thấu được mọi thứ nên nước dường như là phương tiện duy nhất có thể xuyên qua vách ngăn phân định giữa thực và ảo được tạo ra bởi những lớp sương mù – vốn cũng là thứ thoát thai từ nước mà thành.

Và theo dòng chảy của nước, trò chơi giữa có và không trong Thành phố những lục địa bay cứ thế diễn ra khoan thai, chậm rãi, nhưng nhiều day dứt. Tuy nhiên, dẫu có nhiều màn sương mơ hồ được giăng ra, người đọc cũng sẽ khó mà hoặc thậm chí là không muốn thoát ra khỏi thứ khiến mình đang băn khoăn ấy. Bởi lẽ, bằng chính việc không chối bỏ sự mơ hồ, dần dần ta sẽ nhìn rõ được mọi thứ. Thành phố những lục địa bay chính là một cái nhìn thấu suốt về Đà Lạt giống như thế.

Nguồn: L'Officiel

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Tiếng Kiều đồng vọng: Thế giới như một khoảng không chật hẹp

Published

on

By

Sự tổn thương sẽ mang lại những tia lấp lánh cho con người trưởng thành dường như chưa bao giờ là bài học cũ kĩ. Tiểu thuyết Tiếng Kiều đồng vọng (tên cũ Mưa ở kiếp sau) của Đoàn Minh Phượng chính là tiếng vọng đến từ một cuộc đời như thế.

Tiếng Kiều đồng vọng kể về cuộc đời của Mai. Mai sinh ra và lớn lên với mẹ Liên ở Hà Nội. Từ nhỏ, cô không biết cha mình là ai và luôn mong muốn được gặp cha. Cơ hội cuối cùng cũng đến khi dì Lan – em gái của Liên từ Huế vào Hà Nội thăm hai mẹ con đã tiết lộ cho Mai địa chỉ của cha Mai ở Sài Gòn. Từ đây, Mai phải lựa chọn rời xa tổ ấm để lên nơi phồn hoa đô thị nhiều cạm bẫy dối trá với ước vọng được đón nhận tình yêu thương từ cha mà bấy lâu cô thiếu thốn.

Trưởng thành từ sự tổn thương

Ảnh: Facebook Tao Đàn

Thông qua hành trình tìm cha của Mai, ta còn thấy xuất hiện một hành trình khác, cũng quan trọng không kém: hành trình tìm lại bản ngã của chính cô - một người luôn bị mắc kẹt trong những câu hỏi thuộc về quá khứ. Có lẽ, khi người ta bắt đầu học cách đưa ra câu trả lời cho những nghi vấn trớ trêu mà số phận đặt ra, dù tiếng vọng cuối cùng chưa hẳn là một đáp án tiệm cận nhất với sự thật thì rốt cuộc, ta cũng dần tiến đến sự trưởng thành bản ngã - thời khắc cái tôi cá nhân phải tự phá vỡ vỏ trứng bảo bọc an toàn tưởng chừng vững chắc như một thành trì nhưng hóa ra lại chỉ mong manh như một làn sương dệt từ những mơ hồ bất quyết. Chỉ khi thành trì ấy sụp đổ, làn sương ấy lùi lại phía sau con người vừa bước ra từ sự tổn thương, chính khi ấy ta mới có thể nhìn rõ hơn thế giới với trọn vẹn hương sắc của nó. Tiếng Kiều đồng vọng chính là tiếng vọng đến từ một cuộc đời như thế. Sự tổn thương sẽ mang lại những tia lấp lánh cho con người trưởng thành dường như chưa bao giờ là bài học cũ kĩ.

Nội dung cơ bản của Tiếng Kiều đồng vọng có nhiều yếu tố tương tự với bộ phim Hạt mưa rơi bao lâu do Đoàn Minh Phượng làm đạo diễn và biên kịch, sản xuất năm 2005. Cả hai người con trong tác phẩm này đều không rõ cha mình là ai, đều tự thân tìm hiểu câu chuyện quá khứ vì cùng có người mẹ trung thành tuyệt đối với sự im lặng. “Những kỷ niệm khác nằm trong niềm im lặng của mẹ tôi, niềm im lặng dài hai mươi hai năm, dài bằng đời tôi và nửa đời của mẹ.” Mai đã từng cảm thán như thế về sự im lặng của mẹ. Im lặng là một từ khóa quan trọng, được lặp lại nhiều lần trong Tiếng Kiều đồng vọng. Bản thân Hạt mưa rơi bao lâu cũng có tên phim trong tiếng Anh là Bride of Silence. Như vậy, có thể thấy rằng, sự im lặng hay thân phận của người phụ nữ bị mất tiếng nói trong xã hội là chủ đề có sức ám ảnh lớn với tác giả Đoàn Minh Phượng. Khi những người con sống dưới cái bóng im lặng của người mẹ, họ càng có thôi thúc mạnh mẽ hơn trong việc đi tìm câu trả lời cho một quá khứ bất minh. Thoát khỏi sự im lặng, tự cất lên tiếng nói cho chính mình – đó là một trong những bước đầu tiên để trưởng thành, như cách Mai đã dứt khoát nói với mẹ vào ngày cô rời đi rằng: "Con hai mươi hai tuổi, con trưởng thành đã bốn năm rồi mẹ."

Nước bao bọc kí ức để tiếng nói được cất lên

Ảnh: Facebook Tao Đàn

Mưa ở kiếp sau (tên cũ của Tiếng Kiều đồng vọng) là một tiêu đề gợi hình; trong khi đó, Tiếng Kiều đồng vọng lại là một tiêu đề gợi âm. Thử tìm cách lí giải sự thay đổi này, ta sẽ nhận ra một số điều thú vị.

Ở phần mở đầu tác phẩm, Đoàn Minh Phượng có trích dẫn lời bài hát Within you, Without you của nhóm The Beatles do George Harrison sáng tác với phần lời như sau:

“Ngày sẽ đến khi em nhận ra chúng ta đều là nước.
Cuộc đời trôi bên trong em và bên ngoài em...”

Câu gốc bài này trong tiếng Anh là:

“And the time will come when you see we're all one.
And life flows on within you and without you.”

Thông qua đó, có thể thấy tác giả đã có dụng ý khi thay “one” bằng “nước”. Nước rõ ràng là một hình ảnh rất quan trọng với Đoàn Minh Phượng trong tác phẩm này vì bản thân “mưa” ở tiêu đề cũ cũng là một yếu tố thuộc nước. Vậy dưới ngòi bút của tác giả, nước mang ý nghĩa gì?

“Một câu chuyện không có lời giống như một cơn mưa không có giọt nước từ trời. Tôi sẽ đi tìm lời cho những gì tôi biết.”

Như vậy, nước trong tác phẩm này tượng trưng cho “lời,” cho kí ức – là điều Mai luôn tìm kiếm, đồng thời cũng là điều bao bọc Mai như cách cô ví von: “Tôi còn là loài cá đầu to nằm còng queo trong lòng đại dương chật hẹp, trong bụng của người mẹ chửa hoang.” Vì “sự im lặng” của mẹ Mai là nguồn cơn khởi phát cho hành trình của Mai nên có thể xem như “nước” – một  hiện thân của “lời” – chính là đích đến, đồng thời là phương tiện để Mai hiện thực hóa mục tiêu của mình.

Do đó, so với Mưa ở kiếp sau, Tiếng Kiều đồng vọng là một tiêu đề thể hiện sự chuyển biến tích cực. Mai không còn chờ “mưa”/ “lời giải đáp” ở kiếp sau nữa, cô tìm nó ngay trong kiếp này để cất lên thành một tiếng vọng, phá tan sự im lặng của mẹ cô, của những phận nữ nhi bị mất đi tiếng nói ở thế hệ trước.

Một giọng văn mềm mại nhưng ngầm cuộn sóng bên trong

Tiếng Kiều đồng vọng vẫn kể chuyện theo lối tuyến tính, nhưng khi trình bày các sự kiện diễn ra trong cái khuôn đó, Đoàn Minh Phượng vẫn cho phép dòng tự sự của nhân vật chảy miên man tự do, đi đi về về giữa quá khứ và hiện tại. Chính vì thế, dòng chảy tâm thức của nhân vật tuy được giọng văn mềm mại dẫn dắt nhưng vẫn ngầm cuộn sóng bên trong bởi lẽ chỉ cần rẽ qua một bước ngoặt nhỏ, sự kiện đau lòng nào đó trong quá khứ lại đột ngột ập đến; hoặc ngược lại, khi đang đắm chìm trong hồi tưởng êm đềm, bất thình lình hiện thực phũ phàng xâm chiếm và hủy hoại ta. Người đọc như bước đi trong mê cung, chỉ có thể tri nhận thế giới như một khoảng không chật hẹp trước mắt, không thể biết điều gì sẽ chờ đợi mình trong ngã rẽ kế tiếp.

Ở một thế giới mơ hồ thì những cái tên - vốn dĩ là phép định danh chống lại sự mơ hồ - càng được Đoàn Minh Phượng dụng công để có thể hòa quyện trong bầu không khí hư ảo. Ta có thể thấy tác giả không vội vàng giới thiệu tên họ, lai lịch đầy đủ của nhân vật ngay từ đầu theo lối kể chuyện tiểu sử quen thuộc. Nhân vật hiện lên thoạt tiên với những tâm tư, cuộc sống ập ngay trước mắt độc giả. Những thông tin bên lề sẽ đến sau. Mãi đến chương bốn, trong đoạn đối thoại với mẹ, người đọc mới biết nhân vật chính tên Mai. Nếu để ý kĩ, ta sẽ thấy hầu như những nhân vật trong truyện đều có tên gắn với một loài hoa: Mai, Liên, Lan, Quỳnh... Và Chi - một nhân vật đặc biệt trong tác phẩm này thì tên cô lại có nghĩa là “cành”, không phải là loài hoa đích thực mà có thể là cành cho bất cứ loài hoa nào.  

Những giấc mơ cũng là một yếu tố quan trọng trong Tiếng Kiều đồng vọng. Thông qua đó, Đoàn Minh Phượng xây dựng một thế giới tổn thương, quái lạ với những buổi tiệc kì dị của giới nhà giàu, có phần nào đó mang không khí tương đồng buổi tiệc của hội kín quí tộc mà Stanley Kubrick đã đặc tả rất kĩ lưỡng trong phim Eye Wide Shut (1999).

Sống trong thế giới hiện đại, những cô Kiều dưới ánh sáng thị thành dường như không còn giữ nổi tâm trí tỉnh táo. Họ hồ như đều có chung một dòng máu điên loạn và chỉ biết lặng nhìn dòng chảy ấy trôi qua nhiều kiếp người. Vì vậy, tiếng kêu của họ có thể không đứt ruột như người xưa do nỗ lực chôn vùi cảm xúc, nhưng lại trở thành những tiếng vọng được cộng hưởng vào nhau nên còn mãi ngân nga rất lâu sau khi Tiếng Kiều đồng vọng đã kết thúc.

Đọc bài viết

Cafe sáng