Trà chiều

Một góc nhìn chính trị về Giải Nobel Văn chương 2019

Giải Nobel Văn học 2018 và 2019 – trao cho Olga Tokarczuk và Peter Handke – được công bố cùng thời điểm, nguyên nhân vì kết quả năm ngoái bị trì hoãn bởi vụ scandal liên quan đến người chồng của một thành viên viện hàn lâm.

Published

on

Trong hơn một thế kỷ qua, Giải Nobel Văn chương vốn dĩ luôn là màn trình diễn gây tranh cãi, khi phía phê bình chỉ trích những người nhận giải là quá ít tiếng tăm, quá Âu hóa, quá trọng nam, quá thử nghiệm, hay đơn giản chỉ là không xứng đáng với vinh dự bậc nhất trong giới văn chương. Và thứ Năm vừa rồi, Nobel đã đặt chân vào vũng bùn lầy lội hoàn toàn mới khi trao giải cho một nhà văn khuynh-hướng-cánh-tả, Peter Handke, người đã đứng lên phát biểu một bài ca ngợi tại tang lễ của Slobodan Milosevic1, cựu lãnh đạo Nam Tư, người từng hầu tòa vì tội ác chiến tranh.

Năm nay đáng nhẽ phải là cú tái khởi động của Ủy ban Nobel, sau vụ scandal khó coi dính líu đến bạo hành tình dục và sai lầm tài chính, buộc Ủy ban Nobel phải trì hoãn Giải Nobel Văn chương 2018. Năm nay, Viện hàn lâm Thụy Điển đối diện với những kỳ vọng lớn lao và áp lực mạnh mẽ, bởi họ đã hứa hẹn sẽ trao không chỉ một mà đến hai giải thưởng.

Bên cạnh Handke – người nhận Giải Nobel 2019 vào thứ Năm, tiểu thuyết gia Olga Tokarczuk cũng nhận Giải Nobel 2018. Cả hai nhà văn đều đến từ Trung Âu, đều nổi tiếng bởi những quan điểm chính trị bộc trực và thỉnh thoảng trái chiều. Nhưng chính giải thưởng dành cho Handke mới là yếu tố khai hỏa những phản ứng dữ dội, trong đó có lời khiển trách hiếm hoi từ một tổ chức văn học khác, PEN America.

Chủ tịch PEN America, tiểu thuyết gia Jennifer Egan phát biểu trong một tuyên ngôn đại diện cho tổ chức: “Chúng tôi chết lặng trước sự lựa chọn một nhà văn, người đã sử dụng phát ngôn công chúng của mình để đục khoét lịch sử và công khai gửi cứu trợ đến những kẻ gây ra tội ác diệt chủng, như cựu Tổng thống Serbia Slobodan Milosevic và thủ lĩnh Bosnian Serb Radovan Karadzic. Ngay tại thời điểm mà chủ nghĩa dân tộc và lãnh đạo chuyên quyền đang trỗi dậy, những thông tin đánh lạc hướng lan rộng khắp thế giới, cộng đồng văn học xứng đáng nhiều hơn là quyết định này. Chúng tôi hối tiếc sâu sắc lựa chọn của Ủy ban Nobel trong lĩnh vực Văn chương.”

Khi được hỏi về quyết định của viện hàn lâm liên quan đến Handke, Mats Malm – thành viên và thư ký thường trực của viện – phát biểu quyết định này dựa trên những lập trường văn chương và thẩm mỹ, bổ sung rằng: “Tôn chỉ của Viện hàn lâm không phải là cân bằng giữa chất lượng văn chương và những cân nhắc chính trị.”

Trong khi giải thưởng của Handke bị một số phe phái lên án, rất nhiều người trong giới văn chương đã hân hoan chúc mừng Tokarczuk, một tiểu thuyết gia và nhà thơ thử nghiệm từ Ba Lan, người được cả độc giả và giới phê bình yêu quý.

Handke đến từ nước Áo, mẹ ông là người Slovenia. Ông có quan điểm tán thành chủ nghĩa dân tộc và đã công khai bày tỏ hoài nghi về vụ tàn sát người Hồi giáo trong Chiến tranh Balkan. Tokarczuk là người thường xuyên phê bình thành viên chủ nghĩa dân tộc cánh-tả tại Ba Lan, những người đã quy kết bà là kẻ phản bội. Chủ biên người Ba Lan của bà đã từng phải thuê vệ sĩ để bảo vệ bà.

Một số tác gia xuất chúng khác, trong số đó có Hari Kunzru và Salman Rushdie, cũng phê bình quyết định lựa chọn Handke, người từ chối mọi liên hệ thông qua chủ biên người Mỹ. Về phần Tokarczuk, bà có vẻ chẳng mấy bận tâm. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Ba Lan Gazeta Wyborcza vào thứ Năm, Tokarczuk nói bà rất vui khi nhận giải Nobel cùng với Handke. “Tôi cũng rất vui khi Peter Handke nhận giải cùng tôi, tôi rất coi trọng ông ấy. Thật tuyệt vì Viện hàn lâm Thụy Điển đã đánh giá cao văn học Trung Âu. Tôi mừng là chúng tôi vẫn còn bám trụ được.”

Qua việc trao giải cho hai nhà văn châu Âu danh tiếng, viện hàn lâm dường như đã phớt lờ những lời chỉ trích trong quá khứ rằng giải thưởng đã trở nên quá Tây phương và trọng Âu châu. Kể từ giải thưởng đầu tiên được trao vào năm 1901, phần lớn người thắng cuộc là người châu Âu và những tác giả nói ngôn ngữ Anh. Trong lịch sử, phụ nữ cũng không được đại diện đúng mực. Trong số 116 người chiến thắng Giải Nobel Văn học, Tokarczuk là người phụ nữ thứ 15.

Một số người theo dõi văn chương đã trông chờ rằng năm nay, viện hàn lâm sẽ lựa chọn ít nhất một nhà văn không phải người châu Âu; có lẽ sẽ trao giải cho những cái tên phổ biến, trong số đó là tiểu thuyết gia người Kenya Ngũgĩ wa Thiong’o, nhà văn Trung Quốc Tàn Tuyết và nhà thơ người Syria Adunis.

Trong một phát biểu thực hiện năm nay, Anders Olsson, người dẫn dắt ủy ban văn học của viện hàn lâm, thừa nhận rằng tính đa dạng hẳn nên trở thành một ưu tiên và ngụ ý ủy ban sẽ cân nhắc việc đa dạng hóa về mặt địa lý và giới tính khi đưa ra lựa chọn của mình.

“Thời gian trước đây, chúng ta đã có, hẳn nên nói là, một quan điểm văn chương hướng về phương Tây, và giờ chúng ta đã phổ cập cái nhìn của mình ra toàn thế giới,” ông nói trong một bài phỏng vấn video. “Thời gian trước đây, chúng ta đã quá trọng-nam-giới. Hiện nay chúng ta đã có rất nhiều nữ nhà văn thật sự xuất sắc, vì thế giải thưởng và cả quá trình liên quan đến giải thưởng càng trở nên căng thẳng với quy mô rộng lớn hơn.”

Viện hàn lâm đã trì hoãn giải thưởng năm ngoái vì scandal liên quan đến người chồng của một thành viên viện – người bị kết tội cưỡng hiếp và rò rỉ tên của những người chiến thắng. Đây là cuộc khủng hoảng dẫn đến sự ra đi của thành viên ban quản trị và đòi hỏi đến sự can thiệp từ nhà vua Thụy Điển. Sau scandal, viện hàn lâm đã đưa ra nhiều điều chỉnh trong tổ chức, bao gồm việc bổ nhiệm năm cố vấn độc lập để bình chọn người xứng đáng.

Thậm chí, một nhóm những nhân vật có tầm ảnh hưởng văn hóa tại Thụy Điển đã thiết lập một giải thưởng thay thế, the New Academy Prize (tạm dịch Giải Tân Hàn Lâm) để lấp đầy khoảng trống và chứng minh rằng việc tìm kiếm người chiến thắng có thể được thực hiện theo phong cách công khai, đối lập với sự vận hành trong bóng tối của viện hàn lâm. Người chiến thắng được họ lựa chọn là Maryse Conde, nhà văn chuyên viết tiểu thuyết lịch sử từ Guadeloupe.

Về Peter Handke

Handke sinh năm 1942 tại miền nam nước Áo. Cả cha đẻ và cha dượng ông đều phục vụ trong quân đội Đức Wehrmacht. Sau khi mẹ ông tự tử vào năm 1971, Handke thi thoảng sẽ viếng thăm Nam Tư. Phần lớn tuổi thơ ông trải qua tại một Berlin sứt sẹo sau chiến tranh và sau đó, ông học luật tại Đại học Graz. Ông bỏ học năm 1965, sau khi tiểu thuyết đầu tay The Hornets (tạm dịch Những con ong bắp cày) được một chủ biên nhận in. Hiện nay, thành tựu của ông bao gồm tiểu thuyết, luận văn, kịch bản và những tác phẩm kịch khác. Ông hiện sống tại Chaville, vùng ngoại ô Paris kể từ năm 1990.

Peter Handke được vinh danh bởi “công trình có sức ảnh hưởng lớn cùng tài nghệ ngôn ngữ khéo léo để khám phá vùng ngoại biên và đặc trưng riêng biệt của trải nghiệm loài người.”

Những nhà phê bình văn học đã mô tả công trình của ông là avant-garde2, nhưng Handke phủ nhận cái nhãn ấy, tự nhìn nhận mình là một “nhà văn cổ điển bảo thủ.”

Những tác phẩm mà ông dành nhiều thập kỉ để viết, xuất bản lần đầu tại Đức bao gồm A Sorrow Beyond Dreams (tạm dịch Nỗi buồn hơn cả những giấc mơ), tiểu thuyết ngắn dựa trên cái chết của mẹ ông đã nhận được sự hoan nghênh từ giới phê mình. Khi bình tác phẩm trên tờ The New York Times năm 1975, Michael Wood gọi đây là “lễ truy điệu hoành tráng dành cho những sinh mệnh Đức và Áo bị chôn vùi” và “bài viết xuất sắc nhất mà tôi từng được đọc trong nhiều năm.”

Tuy nhiên, tình bạn giữa Handke và Slobodan Milosevic cùng lời bình luận của ông – dường như giảm thiểu sức nặng của những vụ thảm sát người Hồi giáo Bosnia tại Serbia – dẫn đến việc ông bị lên án. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2006, ông nói về Milosevic: “Tôi nghĩ ông ấy là một người đàn ông bi kịch. Không phải là anh hùng, chỉ là một con người bi kịch thôi. Tôi là nhà văn, không phải là thẩm phán.”

Cũng trong cuộc phỏng vấn này, ông nói mình không hề trông đợi việc nhận Giải Nobel, nguyên nhân đến từ chính vụ tranh cãi này. “Khi tôi còn trẻ hơn thì tôi đã để tâm đấy. Nhưng hiện nay tôi nghĩ là tất cả đã chấm hết sau những lời bình luận về vụ Nam Tư rồi.”

Trong năm ấy, ông được lựa chọn là người chiến thắng giải thưởng danh giá của Đức – Giải Heinrich Heine, nhưng quyết định đã bị thu hồi giữa những phẫn nộ từ phía công chúng. Đáp lại cơn thịnh nộ này, Handke khẳng định rằng ông chưa bao giờ phủ định hoặc giảm thiểu những cuộc thảm sát tại Nam Tư. Khi Handke nhận Giải International Ibsen năm 2014, ông phải đối mặt với những người chống đối ngay tại lễ trao giải.

Tại Mỹ, Farrar, Straus và Giroux đã xuất bản những bản dịch của Handke từ năm 1970, bắt đầu với tuyển tập Kaspar and Other Plays (tạm dịch Kaspar và những vở kịch khác), theo sau đó là tiểu thuyết The Goalie’s Anxiety at the Penalty Kick (tạm dịch Mối lo âu của thủ môn trước những cú đá penalty). Kể từ đó, FSG đã phát hành hơn 15 cuốn sách được viết bởi Handke.

“Handke là một trong những người chú trọng văn phong, tạo nên những vần văn tuyệt vời nhất ở Đức, người đã dành cả sự nghiệp của mình để thám hiểm cả thế giới tự nhiên và thế giới của ý thức con người với sự chính xác tinh xảo, sự hóm hỉnh và đầy dũng khí,” chủ tịch của FSG, Jonathan Galassi phát biểu.

Về Olga Takarczuk   

Tokarczuk sinh năm 1962 tại Sulechow, Ba Lan, là con gái của hai giáo viên. Cha của bà cũng là thủ thư trường, và chính trong thư viện, Tokarczuk đã tìm thấy tình yêu văn chương, ngấu nghiến hết cuốn sách này đến cuốn sách khác.

Nhà văn Ba Lan Olga Tokarczuk nhận Giải Nobel Văn chương 2018 “vì khả năng sáng tạo lối tường thuật, cùng sự say mê tường tận, đại diện cho việc băng qua những ranh giới như một hình thức sự sống.”

Bà theo học chuyên ngành tâm lý tại Đại học Warsaw, sau đó từng làm việc như một nhà tâm lý học trị liệu nhưng cảm thấy mình không phù hợp với công việc. Bà ghi nhận trong một bài phỏng vấn rằng bà từ bỏ công việc sau khi nhận ra bà “còn loạn thần kinh hơn cả bệnh nhân của mình.”

Tokarczuk xuất bản cuốn sách đầu tiên, một tập thơ năm 1989. Năm 1993, bà giành được rất nhiều lời khen ngợi khi xuất bản tiểu thuyết đầu tiên The Journey of the Book-People (tạm dịch Cuộc du hành của Người-Sách), một câu chuyện hư cấu kể về những nhân vật đang kiếm tìm một cuốn sách bí ẩn ở Pyrenees, lấy bối cạnh tại Pháp và Tây Ban Nha thế kỷ 17. Cuốn sách được trao Giải Polish Publisher’s cho tiểu thuyết đầu tay.

Nhưng bước đột phá thật sự của bà được cho là tiểu thuyết thứ ba Prawiek i inne czasy, hay Primeval and Other Times (tạm dịch Thời nguyên sinh và những thời đại khác). Xuất bản lần đầu năm 1996, cuốn sách kể về câu chuyện ba thế hệ của một gia đình người Ba Lan, từ 1914 đến khởi nguyên của kỳ Đại Đồng năm 1980.

Năm 2018, bà trở thành tác giả Ba Lan đầu tiên đoạt Giải Man Booker International với tiểu thuyết Flights (tạm dịch Những chuyến bay), do Jennifer Croft dịch và được Riverhead xuất bản tại Hoa Kỳ. Croft bình luận, “Tác phẩm của bà vừa phổ thông vừa rất Ba Lan.” Là một sê-ri 116 mẩu truyện ngắn về những nhân vật đang trên đường lưu chuyển hoặc ly hương, cuốn sách được khen ngợi là một liều thuốc văn chương, giải độc cho sự cô lập văn hóa, chủ nghĩa bài ngoại và chủ nghĩa dân tộc.

Tokarczuk viết, “Tính lưu động, tính di động và cảm giác viễn vông – đó là những phẩm chất khiến chúng ta trở nên văn minh. Người man rợ không du ngoạn. Họ đơn giản chỉ đi từ địa điểm này sang địa điểm khác hoặc thực hiện những cuộc cướp bóc.”

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Times, Tokarczuk nói rằng bà đặt bút viết cuốn tiểu thuyết này từ hơn một thập kỷ trước, ngay trước vụ Brexit và những phong trào chủ nghĩa dân tộc diễn ra khắp châu Âu. “Tôi viết cuốn sách này khi thế giới hướng về việc mở rộng vòng tay với tất cả mọi người. Hiện nay, chúng ta lại chứng kiến Liên Minh Châu Âu có lẽ sẽ bị suy yếu dần bởi nhiều chính sách từ những quốc gia như Ba Lan và Hungary, một lần nữa tập trung vào biên giới của họ.”

Bà đồng thời nhắc đến chính sách nhập cư càng ngày càng khắt khe tại Mỹ. “Mười hai năm trước đây, không hề có ai đề cập đến cái ý tưởng xây tường hay ranh giới – cái ý tưởng đầu tiên được thực hiện bởi chế độ độc tài. Vào thời điểm bấy giờ, tôi phải thừa nhận rằng mình đã dám chắc chúng ta đã đi qua cái thời của chủ nghĩa chuyên chế rồi.”

Tại Ba Lan, Tokarczuk là nhân vật có sức ảnh hưởng với tính cách thẳng thắn, được biết đến bởi quan điểm chính trị đối lập với đảng Luật lệ và Công Lý cánh hữu. Bà gặp phải với nhiều lời chỉ trích sau khi xuất bản The Books of Jacob (tạm dịch Những cuốn sách của Jacob), lấy bối cảnh thế kỷ 18 tại Ba Lan, ủng hộ sự đa dạng văn hóa, và đạt giải thưởng văn học hàng đầu tại Ba Lan – Giải Nike năm 2015. Mặc dù được độc giả và nhà phê bình đón nhận, tiểu thuyết đã thu hút nhiều lời lên án sắc bén từ những nhóm chủ nghĩa đế quốc, và Tokarczuk phải chịu đựng những chiến dịch quấy rối, những lời dọa giết và kêu gọi trục xuất. Vào tháng Một, bà thực hiện một bài viết quan điểm trên tờ Times bàn về tình trạng của quốc gia sau vụ mưu sát một vị thị trưởng dẫn đầu đảng Tự do. “Tôi lo lắng về tương lai gần của chúng ta.”

Trong tháng này, khi được hỏi về các tác phẩm của Tokarczuk, Piotr Glinski – bộ trưởng bộ văn hóa Ba Lan – đáp rằng ông đã thử đọc nhưng chưa bao giờ kết thúc bất cứ cuốn sách nào của bà. Vào thứ Năm, Glinski đã chúc mừng Tokarczuk. “Đây là bằng chứng rằng văn hóa Ba Lan được toàn thế giới coi trọng,” ông viết trên Twitter. Donald Tusk, chủ tịch Hội đồng Châu Âu và cựu thủ tướng Ba Lan, cũng đưa ra lời chúc mừng trong một tweet. Ông bổ sung rằng, ông đã đọc xong hết tất cả những cuốn sách của bà.

Nobel văn chương từng gặp phải những scandal nào khác?

Một số người lúc nào cũng gièm pha về người nhận giải, hoặc ít nhất phán xét những người này không hợp với gu thưởng thức của họ. Năm 2016, khi Bob Dylan3 chiến thắng, ông là nhạc sĩ đầu tiên có vinh dự này. Giải thưởng của ông đã kéo theo hàng tuần tranh luận rằng liệu một người viết nhạc có nên đạt giải thưởng văn học không. Tiểu thuyết gia Jodi Picoult viết trên Twitter: “Tôi rất mừng cho Bob Dylan, #NhưngLiệuĐiềuNàyCóNghĩaLàTôiCóThểĐạtGiảiGrammy?”

Giải thưởng trong năm tiếp theo là một sự lựa chọn truyền thống hơn, được trao cho Kazuo Ishiguro, nhà văn Anh được biết đến với tiểu thuyết The Remains of the Day (Tạm dịch Tàn dư của ngày), kể về một quản gia phục vụ Lãnh chúa Anh trong những năm trước Thế chiến thứ II.

Hết.

Mèo Heo dịch từ The New York Times.

Chú thích:

  1. Slobodan Milosevic là Tổng thống Serbia (1989 – 1997) và Tổng thống Cộng hòa Liên bang Nam Từ (1997 – 2000). Sau Chiến tranh Kosovo năm 1999, ông bị khối quân sự NATO do Mỹ dẫn đầu lật đổ và bị buộc tội diệt chủng tại tòa án xử các tội phạm chiến tranh. Theo cáo buộc của phương Tây, ông đã tham gia tích cực vào việc thảm sát nhiều thường dân ở Sarajevo và Sebrenica. Phải đến năm 2015, tòa án quốc tế mới tuyên bố không có đủ chứng cứ để kết tội ông, nhưng khi đó ông đã mất gần 10 năm.
  2. Avant-garde là phong cách thử nghiệm, đột phá hoặc không chính thống áp dụng trong nghệ thuật, văn hóa và xã hội. Những đặc trưng cơ bản của nó là phi truyền thống, cách tân thẩm mỹ cùng sự phản đối ban đầu, thậm chí nó có thể đưa ra những lời phê bình trong mối quan hệ giữa người sản xuất và người tiêu dùng. Avant-garde tranh đấu với giới hạn thông thường về quy chuẩn hoặc nguyên trạng.
  3. Bob Dylan là ca sĩ, nhạc sĩ, diễn viên, họa sĩ, nhà văn và nhà biên kịch người Mỹ. Ông là một trong những nghệ sĩ có ảnh hưởng nhất tới nền âm nhạc nói riêng và văn hóa thế giới nói chung trong suốt năm thập kỷ trở lại đây.

Trà chiều

Sự kiện giao lưu & ký tặng: Bước Qua Nước Mắt, Tự Khắc Trưởng Thành

Published

on

Nhân dịp ra mắt tác phẩm mới Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành, Nhà Sách Phương Nam và Phương Nam Book phối hợp cùng tác giả Anh Khang tổ chức sự kiện giao lưu và ký tặng vào lúc 16g00, thứ Bảy ngày 16.11.2024 tại sân khấu A – Đường sách TP. Hồ Chí Minh (Nguyễn Văn Bình, P. Bến Nghé, Q.1, TP. HCM).

Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành là tác phẩm kỷ niệm hơn một thập kỷ viết văn của tác giả Anh Khang. Anh gọi đây là một “cuốn sách làm lành” – thay vì “chữa lành” như cách gọi thường thấy trong xã hội hiện đại. Tác phẩm được chia làm hai phần, mở đầu bằng “Độc thoại” với những dòng tư lự đơn lẻ như tự trấn an “đứa trẻ bên trong đang ăn vạ trên đường trưởng thành”, rồi sang đến “Đối thoại” là những lời tâm can san sẻ cùng Gen Z lẫn Gen Z(à) để tìm sự ủi an. Mỗi câu, mỗi lời tâm tình thủ thỉ đều quá đỗi chân thành, như chính lời tác giả tự nhận thì đây “chính là những ghi chép trong lúc ‘khóc một trận đã đời’, rồi từ nay, chỉ nhìn về phía trước”.

Kể từ khi xuất bản tác phẩm đầu tay Ngày trôi về phía cũ… vào năm 2012, đến nay Anh Khang đã trở thành “tác giả triệu bản” với nhiều tác phẩm nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả. Anh còn được bạn đọc thương tặng tên gọi “nhà văn của những nỗi buồn tuổi trẻ” vì những chia sẻ sâu sắc và đầy cảm thông trong từng trang sách. Sách Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành đánh dấu sự trở lại của Anh Khang sau 4 năm tạm vắng mặt trên văn đàn, đồng thời cũng là món quà tri ân dành tặng cho thế hệ độc giả đã trưởng thành cùng những bài viết của anh.

Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành – tác phẩm mới nhất của tác giả Anh Khang do Phương Nam Book liên kết xuất bản.

Đến với sự kiện giao lưu và ký tặng, độc giả sẽ có cơ hội trò chuyện cùng nhà văn Anh Khang và lắng nghe anh chia sẻ về những thăng trầm trong quá trình sáng tác cuốn Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành. Đặc biệt, sự kiện còn chào đón sự góp mặt của ca sĩ - nhà văn Hamlet Trương.

Giao Lưu & Ký Tặng: Bước Qua Nước Mắt, Tự Khắc Trưởng Thành

  • Thời gian: 16:00 – Thứ bảy, ngày 16.11.2024
  • Địa điểm: Sân khấu A – Đường sách TP. Hồ Chí Minh (Nguyễn Văn Bình, P. Bến Nghé, Q.1, TP. HCM)
  • Vào cửa tự do

Về tác giả: Quách Lê Anh Khang

  • Công việc chính là làm báo, công việc phụ là làm mệt mình bằng những cảm xúc đa mang. Mọi nghề nghiệp đã và đang làm như phóng viên, biên tập viên, PR, MC... đều có vẻ khá nghiệp dư, nhưng lại rất chuyên nghiệp trong vai trò làm “người độc thân nhạy cảm”.
  • Ngày sinh: 11/8
  • Cung Hoàng đạo: Sư Tử (Leo)
  • Cử nhân khoa Báo chí & Truyền thông – Đại học KHXH&NV TP.HCM
  • Sách đã xuất bản:
    • Ngày trôi về phía cũ... (2012)
    • Đường hai ngả, người thương thành lạ (2013)
    • Buồn làm sao buông (2014)
    • Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và... Em (2015)
    • Thương mấy cũng là người dưng (2016)
    • Trời vẫn còn xanh, em vẫn còn anh (2017)
    • Người xưa đã quên ngày xưa (2018)
    • Những năm tháng đó, có tôi yêu người (2019)
    • Thả thính chân kinh (2020)
    • Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành (mới xuất bản – năm 2024)
Đọc bài viết

Trà chiều

Sự kiện giao lưu THÓI QUEN CÁ NHÂN MỚI VỚI “ATOMIC HABITS” TRONG THỜI ĐẠI SỐ

Published

on

By

Hưởng ứng Tuần lễ Sách và Chuyển đổi số, Nhà sách Phương Nam phối hợp cùng Đường sách TP. Hồ Chí Minh tổ chức sự kiện giao lưu vào lúc 17g ngày 28.10.2024 với chủ đề Thói quen cá nhân mới với “Atomic Habits” trong thời đại số cùng hai diễn giả là: bác sĩ Vũ Phi Yên, dịch giả Trần Quỳnh Như.

Tác phẩm Atomic Habits – Thay đổi tí hon, hiệu quả bất ngờ của tác giả James Clear đã trở thành hiện tượng sách bán chạy toàn cầu và tiếp tục khẳng định vị thế tại thị trường Việt Nam với 8 lần tái bản do Phương Nam Book phát hành. Atomic Habits cung cấp phương pháp khoa học và thực tiễn để xây dựng thói quen tốt, loại bỏ thói quen xấu, tạo nên thay đổi lớn từ những điều nhỏ bé – đây là các yếu tố then chốt để có một cuộc sống thành công và hạnh phúc. Tuy nhiên, hành trình thay đổi bản thân thường đầy chông gai và dễ dàng khiến chúng ta nản lòng khi chưa đạt được mục tiêu.

Thông qua Atomic Habits,tác giả James Clear khẳng định rằng mục tiêu chỉ là đích đến cuối cùng, trong khi hệ thống mới chính là con đường, là phương tiện đưa chúng ta tới đích. Hai người có thể cùng đặt mục tiêu chạy marathon, nhưng hệ thống luyện tập, chế độ dinh dưỡng và cách họ xây dựng tinh thần kiên trì mới là yếu tố quyết định ai sẽ cán đích thành công. Mục tiêu cung cấp cho ta hướng đi, nhưng hệ thống mới là thứ giúp ta tiến về phía trước. Việc tập trung vào hệ thống giúp chúng ta không bị áp lực bởi kết quả cuối cùng, mà tận hưởng quá trình nỗ lực và trưởng thành từng ngày.

Tập trung vào hệ thống còn giúp chúng ta duy trì động lực và sự kiên trì trong suốt hành trình. Mỗi bước tiến trong hệ thống, dù là nhỏ bé đến đâu, cũng là một chiến thắng, giúp củng cố niềm tin và sự quyết tâm. Ngược lại, nếu chỉ chăm chăm vào mục tiêu cuối cùng, chúng ta dễ dàng bị nản chí khi gặp phải khó khăn hoặc khi tiến độ chậm hơn mong đợi. Hệ thống cho phép chúng ta chia nhỏ mục tiêu lớn thành những bước nhỏ dễ thực hiện, giúp quá trình thay đổi trở nên ít áp lực và dễ dàng duy trì hơn.

Một hệ thống tốt không chỉ giúp đạt được mục tiêu mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài. Khi đã hoàn thành mục tiêu chạy marathon, hệ thống luyện tập và chế độ dinh dưỡng lành mạnh vẫn sẽ tiếp tục mang lại lợi ích cho sức khỏe và tinh thần. Hệ thống không chỉ là công cụ để đạt được mục tiêu nhất thời, mà còn là cách sống, là nền tảng cho sự thành công và hạnh phúc bền vững. Xây dựng một hệ thống tốt chính là đầu tư cho bản thân mình để gặt hái được lợi nhuận lâu dài và vô giá.

Tuy nhiên, việc xây dựng được hệ thống những thói quen tốt trong thời đại số đầy biến động và nhiều cám dỗ như ngày nay là cả một thử thách. Vì vậy, buổi giao lưu Thói quen cá nhân mới với “Atomic Habits” trong thời đại số do Phương Nam tổ chức hy vọng sẽ giúp độc giả tham dự hiểu rõ hơn về cách áp dụng các quy luật trong sách vào cuộc sống hàng ngày, và đặc biệt là cách thích nghi những thói quen này trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. Buổi giao lưu cũng là dịp để kết nối độc giả với hai dịch giả của cuốn sách, tạo nên một diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm và truyền cảm hứng cho hành trình thay đổi tích cực của mỗi cá nhân.

Buổi giao lưu Thói quen cá nhân mới với “Atomic Habits” trong thời đại số nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Sách và Chuyển đổi số được tổ chức từ ngày 25 –  31.10.2024, kỷ niệm 72 năm Ngày truyền thống Ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam (10.10.1952 – 10.10.2024) và hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 10.10. Tuần lễ Sách và Chuyển đổi số bao gồm triển lãm, trưng bày, hội thảo, giao lưu tác giả và nhiều hoạt động tương tác, góp phần thúc đẩy văn hóa đọc trong thời đại số.

Thói quen cá nhân mới với “Atomic Habits” trong thời đại số:

• Thời gian: 17g00 – Thứ hai, ngày 28.10.2024

• Địa điểm: Sân khấu A – Đường sách TP. Hồ Chí Minh

• Vào cửa tự do

Bác sĩ, Nhà tâm lý Vũ Phi Yên

Chị Vũ Phi Yên là Tiến sĩ - Bác sĩ, chuyên gia Tâm lý học lâm sàng và Huấn luyện viên tâm lý tại trung tâm Better Living. Chị đã có quá trình học, nghiên cứu và thực hành suốt 14 năm trong lĩnh vực Y khoa, chuyên ngành Di truyền học. Không chỉ dừng lại ở cách tiếp cận con người thiên về thể chất, chị còn tự bổ sung cách tiếp cận về tinh thần qua những học hỏi và nghiên cứu Tâm lý học. Năm 2014, chị đã hoàn thành chứng chỉ Thạc sĩ Tâm lý lâm sàng của trường Tâm lý Thực hành Paris, Pháp.

Đồng thời, trong nhiều năm qua, chị Yên cũng tham gia viết, dịch rất nhiều đầu sách tâm lý cho các đơn vị xuất bản khác nhau – trong đó, có nhiều tác phẩm luôn đứng trong danh sách bán chạy do Phương Nam Book xuất bản như: Atomic Habits – Thay đổi tí hon, hiệu quả bất ngờ; Tình yêu, hạnh phúc có tồn tại?, Metahuman – Siêu Nhân Loại…

Đọc bài viết

Book trailer

5 tựa sách cho ngày hè nhàn rỗi

Published

on

By

5-tua-sach-cho-ngay-he-nhan-roi

Từ những cuốn sách phơi bày hậu chứng chiến tranh cho đến những cuốn tiểu thuyết ghi lại thân phận nhỏ bé, mong manh, trôi dạt của con người... Các tác phẩm sau là lựa chọn tuyệt vời cho một ngày hè nhàn rỗi, để tìm thêm lại những phong vị mới.

Đuổi theo ánh sáng – Oliver Stone

Là biên kịch và đạo diễn từng 3 lần đoạt giải Oscar với những tác phẩm nổi tiếng như Express Midnight, Scarface, Salvador, Platoon... cũng như những người ngoại đạo, hành trình vươn đến đỉnh cao trong môn nghệ thuật thứ 7 của Oliver Stone luôn không dễ dàng. Đuổi theo ánh sáng là cuốn hồi ký được ông chắp bút, đưa ta đi từ những ngày đầu tiên ở nước Mỹ huyền diệu, đến tuổi trưởng thành nhiều mới mẻ trong chiến tranh Việt Nam và hành trình nếm mật nằm gai để vươn đến hào quang của Hollywood.

Trong cuốn sách này, ta sẽ thấy bên cạnh một cái tên được ngợi ca cũng là một con người bất toàn, mắc nhiều tội lỗi và cũng có lúc tưởng chừng buông xuôi. Thế nhưng chính quyết tâm, nỗ lực và sức mạnh nội tại đã giúp cho ông vẫn luôn duy trì tình yêu với quỹ đạo đời mình. Đó cũng là một bài học xoay quanh thông điệp luôn luôn vươn lên, từ đó tìm thấy ý nghĩa cho cuộc đời mình.

Với cách viết chân thành, gần gũi, đan kết với nhiều hình tượng, cảnh huống được lấy ra từ các thần thoại cũng như tác phẩm văn chương, phim ảnh nổi tiếng... Đuổi theo ánh sáng không chỉ đơn thuần là một cuốn hồi ký, mà cũng đồng thời là một tác phẩm văn xuôi hấp dẫn về một thời đoạn của tuổi trẻ lạc lối và tuổi trưởng thành không ngừng bỏ cuộc. Một tác phẩm vượt ra khỏi biên giới thể loại để mang đến câu chuyện phổ quát và thông điệp ý nghĩa cho những cá nhân vẫn đang chật vật trên con đường sự nghiệp của bản thân mình.

Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm – Le Thi Diem Thuy

Thuộc thế hệ thứ 2 của những cây bút “di dân”, Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm tuy có dung lượng tương đối khiêm tốn, nhưng nội dung mà nó truyền tải lại vô cùng lớn về mặt cảm xúc cũng như ấn tượng đến từ người đọc. Đó là hành trình tìm lại cội nguồn, xác định bản lai diện mục của một cá nhân với lai lịch “dị thường” qua thứ văn chương đẹp đẽ, thơ mộng với nhiều hình ảnh ám ảnh nối nhau cho đến vô cùng. Le Thi Diem Thuy sở hữu ma thuật của từ ngữ, để nhào nặn nó thành những ấn tượng không thể nào phai.

Cõi người và thân phận ấy cũng mong manh như con bướm suốt đời lưu cữu trong thứ thủy tinh trong suốt và nhìn thấu được. Kiếp người di dân cũng mãi tạc ghi vào mã gene mình ám ảnh về nước, dẫu là cái hồ trong khu dân cư hay thứ nước biển mặn chát của những con thuyền lênh đênh trên biển... thì cũng hình thành ở họ nỗi sợ nguyên thủy về số phận mình và thân phận mình giữa dòng chìm nổi. Le Thi Diem Thuy nắm bắt được chúng một cách tinh tế, và dàn trải ra giữa các trang viết một cách chân thành mà không lên gân.

Về mặt văn chương, Le Thi Diem Thuy cùng Ocean Vuong là 2 nhà văn đại diện cho khả năng nắm bắt được từng khoảnh khắc và cấp đông nó cho đến vĩnh cửu. Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm hay Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian là các tác phẩm có nhiều tầng nghĩa, làm xúc động cả những ký ức cá nhân hay nỗi đau cộng đồng. Và sức ám ảnh ấy sẽ lại khởi đầu mỗi khi những dòng chữ đầu tiên hiện ra và người đọc bị cuốn theo dòng nước ấy.

Những kẻ tuyệt vọng – Minh Tran Huy

Văn chương di dân khắc ghi trong lòng người đọc rất nhiều ấn tượng xoay quanh chủ nghĩa hiện thực, thế nhưng với Minh Tran Huy, cô đã làm điều đó một cách văn chương và vị nghệ thuật đến không ngờ đến. Ở Những kẻ tuyệt vọng ta sẽ không tìm thấy những gia đình tan nát của các thuyền nhân, ta cũng không thấy những chật vật hòa nhập với cuộc sống mới một cách hiển hình... mà thay vào đó là sự giao hòa của những tâm thức với các câu chuyện mang tính đại diện khác lạ.

Cuốn sách kể về chuyện tình vô cùng tươi đẹp của Lise và chàng Louis đầy những khát khao nhưng hành trình đến được với nhau cũng đã trải qua không ít khó khăn cũng như thách thức. Từ Việt Nam đến những lâu đài nước Pháp, từ những công viên bên bờ sông vắng lặng đến tàn tích lâu đài của thời Trung cổ... Cuốn sách xé toạc những đường biên không – thời gian để mang đến một tác phẩm lạ lẫm, thách thức, không ngừng chờ được giải đáp.

Điều ta tìm thấy trong tiểu thuyết này là sự giao thoa của Đông với Tây, của quá khứ với hiện đại, của Á và Âu trong sự tương đồng và phát triển thêm từ Trọng Thủy – Mỵ Châu đến Tristan - Iseult, hay bộ tứ Tấm Cám – Lọ Lem – Bạch Tuyết – Công chúa ngủ trong rừng.... Mang đậm màu sắc của Angela Carter trong không khí Gothic được phối trộn với trọng tâm di dân, đây là cuốn tiểu thuyết được đẩy đến đường biên của những thể nghiệm, đòi hỏi một sự truy tầm giá trị sâu xa hơn việc thưởng thức. Có thể nói Minh Tran Huy đã viết nên một tác phẩm ấn tượng, độc đáo và không thể quên.

Khát khao cây cỏ - Michael Pollan

Từ trước đến nay, trong các tác phẩm nghiên cứu, con người luôn chứng minh mình là chủ nhân của mọi thứ, là đối tượng tác động, là tác nhân chủ chốt... Nhưng với Khát khao cây cỏ, Michael Pollan đã thực hiện điều ngược lại, khi đặt ra một câu hỏi vô cùng thách thức, rằng thực vật nghĩ gì về ta, liệu con người có thật là phía nắm chuôi, quyết định mọi thứ cho giống loài vốn được ngầm hiểu là không có trí thông minh hay nhạy bén này?

Câu hỏi nói trên đã được giải đáp qua 4 phần lớn xoay quanh loài táo, tulip, cần sa và khoai tây, gắn với khát khao vị ngọt, vẻ đẹp, niềm hứng thú và sự an toàn. Từ các rừng táo ở nước Mỹ đến các thùng container trồng cần sa nhân tạo ở Amsterdam, từ ngày hiện tại trong công nghệ biến đổi gen ở khoai tây cho đến nhiều thế kỷ trước khi cơn sốt tulip vẫn còn là thứ gì đó cực kỳ bùng nổ... Pollan từng bước dẫn ta vào mạng lưới gắn kết đặc biệt, để biết con người xét cho đến cùng chỉ là một cực của các mối quan hệ, trong tính chủ động cũng như bị động.

Những câu chuyện về Johnny Hạt Táo, đặc tính có kế hoạch theo trường phái Apollo hay hoang dã của Dionysus... đã đưa người đọc không chỉ lướt qua lịch sử mà các loài cây gắn liền, mà cũng đồng thời là một biên niên sử về các khao khát và niềm đắm say của nhân loại này. Có thể xem đây là một tác phẩm rực rỡ, bao quát và choáng ngợp về mối gắn kết giữa con người cùng tự nhiên.

Con đường thủy vào Trung Hoa - Milton Osborne

Những ngày gần đây câu chuyện xoay quanh sông Mekong bỗng nóng trở lại trong việc xây dựng kênh đào Phù Nam và những được – mất sau đó. Chính điều này cũng đưa ta về lại với quá khứ của hơn 100 năm trước, khi những người Pháp tiên phong đã cố gắng tìm con đường thủy cho việc giao thương nối liền từ điểm tận cùng đổ ra biển Đông trên đất An Nam với thượng nguồn từ dãy Himalaya ở nơi đầu mút Trung Quốc.

Con sông hùng vĩ phần nào dự báo tầm vóc của cuộc thám hiểm, và quả đúng như thế, những gì được Milton Osborne kể lại có thể được xem như một bằng chứng lịch sử, nhưng cũng có thể quan niệm đó là một cuốn tiểu thuyết phiêu lưu nói gót những Thuyền trưởng Corcoran hay tác phẩm của Conrad danh tiếng... Những khó khăn, thách thức; sự thịnh vượng, trù phú nhưng cũng nguy hiểm chết người của miền nhiệt đới... cho ta thấy rằng con đường khai sáng của nơi mẫu quốc chưa khi nào là dễ, chưa cần bàn đến niềm tin, ý dân hay là những thứ thuộc về tư tưởng.

Bằng việc khai thác nguồn sử liệu phong phú và cách kể chuyện cuốn hút, Con đường thủy vào Trung Hoa là một tác phẩm đáng đọc, nên đọc, để biết về những khó khăn của con đường khai sáng văn minh, cũng như sự huyền diệu của miền nhiệt đới từ trăm năm trước hay trăm năm sau vẫn mãi như vậy.

Đọc bài viết

Cafe sáng