Chuyện người cầm bút

Linda Lê – Khi nỗi buồn lấp lánh như những hạt ngọc nơi khóe mắt

Linda Lê là một tác giả cần phải đọc với những ai luôn băn khoăn, trăn trở về nghề viết

Published

on

Tuần trước, khi đọc những dòng tin ngắn gọn thông báo về sự ra đi của Linda Lê, trong lòng tôi bồi hồi nhớ đến nhiều câu chuyện cũ. Buổi tối hôm đó, tôi đã đọc lại Vượt sóng – một tác phẩm bày tỏ nhiều băn khoăn, trăn trở về nghề viết rất hay của bà. Tôi nhận ra nhiều điều bà viết vẫn rất đúng và chưa bao giờ cũ. Đó không chỉ là câu chuyện của riêng nhân vật Antoine Sorel, hay của bà, đó có lẽ còn là câu chuyện chung của những người cầm bút.

Tôi biết đến Linda Lê lần đầu tiên vào năm 2011 do một bạn văn giới thiệu. Khi ấy, tôi còn loay hoay trong việc định hình văn phong, chưa đủ tự tin để đánh giá những gì mình viết liệu có ổn không, cần phải sửa chữa những gì cho lần tới, làm sao để tạo dựng phép tu từ độc đáo hơn. Thế là, bạn giới thiệu cho tôi cuốn Vu khống của Linda Lê và hết lời ca ngợi bà. Thời điểm đó, Việt Nam chỉ mới có hai tác phẩm của bà được dịch và xuất bản là Vu khống Lại chơi với lửa. Bạn nói cả hai cuốn đều hay nhưng tôi nên bắt đầu đọc Vu khống trước, rằng việc đọc văn của bà sẽ giúp tôi ngộ ra rất nhiều điều về văn chương có ích cho cách hành văn của tôi. Nhưng ở thời điểm ấy, khi tôi tìm thì cả hai quyển này cũng đều đã khan hiếm trên thị trường, hầu như không còn bất kì bản in nào nữa. Bạn đã cho tôi mượn hai quyển này với lời dặn dò tôi sớm đọc để trả lại bạn vì tuy bạn luôn sẵn sàng cho mọi người mượn sách (thậm chí là tặng) nhưng với hai quyển này thì bạn đặc biệt muốn giữ lại chỉ đơn giản vì trong đó có nhiều ghi chú riêng tư bên lề trang sách mà bạn không muốn bất kì ai đọc được. Tôi biết hai cuốn sách đó rất quí giá với bạn. Tôi nhớ rằng mình đã cố tình đặt cả hai quyển ở vị trí luôn lọt vào tầm mắt mỗi lần nhìn tủ sách để sớm đọc và trả lại bạn. Nhưng tôi không nhớ rõ vì sao mình đã không đọc vào thời điểm ấy – ngay khi bạn vừa mới cho mượn. Tôi cứ đọc những quyển sách khác rồi quên bẵng đi sự tồn tại của chúng trên kệ sách từ lúc nào không hay. Cho đến lúc không còn giữ được liên lạc với bạn, tôi vẫn chưa kịp đọc để trả lại bạn như lời đã hứa. Và tận bây giờ, sau mười một năm, cả hai quyển này vẫn ở trên kệ sách của tôi, tôi vẫn chưa đọc – nhưng nó ở đó giống như một lời nhắc nhở rằng Linda Lê là một trong những tác giả bạn tôi vô cùng yêu mến.

Có tồn tại khái niệm gọi là “diễn viên của một bộ phim”, “nghệ sĩ của một tác phẩm”, tức là người diễn viên sau khi đóng xong một vai diễn trong một bộ phim thì không thoát vai được, không thể tiếp tục diễn một vai khác trong một phim khác – hoặc nếu có diễn thì vẫn không để lại ấn tượng; “nghệ sĩ của một tác phẩm” cũng tương tự như thế. Nếu hiểu như thế thì đối với Linda Lê, trong vai trò là người đọc, tôi đang tạm giữ chức danh gọi là “độc giả của một tác phẩm”. Khi nghĩ đến danh xưng này, tôi cảm thấy hơi buồn cười một chút vì từ đó đến nay, tôi chưa nghe bất kì ai gọi như thế, có lẽ đơn thuần vì thông thường người ta sẽ không biến việc này thành một danh từ mà chỉ đơn giản giữ nó ở mức là một động từ, cách nói này sẽ phổ biến hơn: “Tôi chỉ mới đọc một tác phẩm của tác giả A,” đại loại như thế. Khi giữ mọi thứ ở mức động từ tức là các hành động ấy còn trong trạng thái tiếp diễn, có thể thay đổi, nó không cứng nhắc và gò vào một cái khung như khi đã được định danh. Thực tế ấy cũng phản ánh nguyên nhân vì sao người ta không có nhu cầu lập danh từ cho hành động này: đơn giản vì ở vị thế của một người đọc, việc phá vỡ định danh “độc giả của một tác phẩm” là điều rất dễ dàng, đọc là một hành động dễ dàng, dễ hơn viết hay bất kì hoạt động nghệ thuật nào khác rất nhiều – bạn chỉ cần đọc thêm một tác phẩm nữa của người đó thôi thì cái danh xưng “độc giả của một tác phẩm” sẽ không còn đúng nữa. Ấy vậy mà từ lúc đọc Vượt sóng vào đầu năm 2018 đến nay đã bốn năm, tôi vẫn chưa tìm được cách để thay đổi điều đó dù rằng trong tay có sẵn phương tiện là hai quyển sách bạn cho mượn. Điều này khiến tôi cảm thấy mình không có đủ tư cách để viết cảm nhận về bà – cho dù chỉ là dưới góc nhìn cá nhân – bởi lẽ sách bà đã viết so với số lượng một cuốn tôi đọc được thì khoảng cách quá lớn. Tuy nhiên, ở thời điểm này tôi lại cảm thấy thôi thúc muốn viết về bà, viết cho bà. Tôi nghĩ có lẽ bà cũng có thể thông cảm mà bỏ qua cho người “độc giả của một tác phẩm” như tôi.

2018 là một năm tôi đang ở điểm trũng của cuộc đời và việc đọc Vượt sóng ở thời điểm đó đã mang lại cho tôi sự khích lệ đáng kể. Ngay từ những trang đầu của quyển sách, ta biết được nhà văn tài năng Antoine Sorel – nhân vật trung tâm của câu chuyện đã tự sát bằng cách nhảy lầu. Một phóng viên trẻ mến mộ tác phẩm của Sorel đã hết sức bàng hoàng, anh quyết định tìm hiểu toàn bộ cuộc đời Sorel trước đó để biết được nguyên nhân vì sao câu chuyện đau lòng này lại diễn ra. Giống như tác phẩm Nhật kí chim én của Amélie Nothomb, câu chuyện khởi sự bằng một cái chết, bằng sự tiếc nuối khôn nguôi của người ở lại – đặc biệt khi người đó chỉ vừa mới biết và mến mộ người quá cố – nhưng có lẽ cuộc sống phần nào cũng tương tự như thế. Thông qua cuộc gặp gỡ giữa người phóng viên và những thân nhân của Sorel, bức tranh về cuộc đời nhà văn bất hạnh này dần sáng tỏ. Có thể thấy Linda Lê gửi gắm rất nhiều tâm tư về văn chương, về việc viết, việc đọc thông qua cuộc đời của Sorel.

Sorel rất nghèo khó, anh phải làm nhiều công việc cực khổ kiếm sống để đổi lại vài giờ ngắn ngủi được đọc sách. Dù vậy, chỉ cần có khoảng thời gian ít ỏi đắm mình vào văn chương với anh đã là hạnh phúc.

“Anh bắt đầu công việc lúc bình minh và chỉ lên giường vào một giờ sáng, mệt lả đến mức anh ngủ thiếp đi sau khi chỉ đọc được hai trang sách. Dù cực khổ anh vẫn hạnh phúc vì đã trốn xa bố anh.

Mỗi khi anh lãnh lương, anh mua gom những cuốn tiểu luận nói về những chủ đề khác nhau ở các cửa hiệu sách cũ. Vào mỗi Chủ nhật, ngày nghỉ duy nhất của anh, anh ngồi dính vào chiếc ghế cứng mà Malek cho anh mượn và đắm chìm vào những trang sách ấy, chúng làm anh quên mọi thứ. Anh không còn là đứa con trai của Martin. Anh không còn là tên túng thiếu không có lấy một đồng để mua sách nếu Malek không cho anh ăn miễn phí. Anh không phải bị rét cóng trong căn phòng băng giá của anh vào mùa đông đến mức anh phải ủ người trong chiếc áo khoác anorac, mang những đôi găng tay hở ngón và thòng vào chân nhiều đôi vớ. Anh không còn là gã bồi bàn quán cà phê chạy lăng xăng để thỏa mãn khách, chạy từ bếp ra sảnh nhiều đến nỗi chân của anh rộp những bọng nước. Anh không còn là người thanh niên bị buộc phải làm việc trong khi đó anh ước ao trở thành sinh viên văn khoa, chỉ quan tâm đến việc ghi chú các trang sách, biết rõ tiểu sử của các nhà tri thức bách khoa, dịch các truyện thơ tiếu lâm cổ trung đại sang ngôn ngữ hiện đại và tìm hiểu các nhà hình thức chủ nghĩa Nga.”

Tuy vậy, Sorel lại không tự tin vào tài năng văn chương của mình và gần như xa rời mọi cuộc giao lưu với giới văn sĩ Pháp.

“Thậm chí sau khi xuất bản vài cuốn sách, anh vẫn không có được niềm tin vào tài năng viết văn sẽ được giới văn học công nhận, nhất là anh không bao giờ đặt chân lên Paris mỗi tuần và không tới lui những quán cà phê nơi tụ tập của các nhà văn. Anh không rời Le Havre – ở tỉnh vẫn dễ dàng xoay xở hơn khi không giàu có. Anh luôn kiếm được vài ba đồng đây đó, anh xoay xở với những gì anh có, buổi trưa anh ăn bánh mì thịt nguội trét bơ hay dùng những miếng rau củ chiên, và tối anh ăn mì ăn liền. Món sang của anh đó là thuốc lá và rượu. Vào những lúc anh xuống tinh thần, anh đi ngắm sóng vỗ vào đê biển.”

“Antoine chỉ đến những bữa tiệc cocktail vì có rượu ngon để uống. Anh không bắt chuyện làm quen với một ai. Khi ai hỏi anh về công việc, anh thậm chí không trả lời anh viết sách. Isabelle kể lại cho Jean những chuyện đó và cho rằng anh không phải là một người biết hòa đồng.”

Giống như phần lớn mọi nhà văn, anh không có được sự ủng hộ từ bậc song thân.

Với người cha thì:

“Hẳn ông dám đánh cược năm ăn một rằng con trai ông sẽ thất bại, nó sẽ chết trẻ, và chẳng làm được gì khác ngoài việc làm thất vọng những độc giả của mình qua việc chỉ ra hai thực tế: họ chỉ là trò bịp, họ cố thổi phồng nhân sinh quan của cá nhân, nhưng họ chỉ đẻ ra những thứ tiểu tiết.”

Với người mẹ thì:

“Bà cảm thấy tiếc cho trí thông minh của anh, anh đã không trèo lên địa vị cao trong xã hội, anh lại chọn cuộc sống mộng mơ trong túng quẫn. Những cuốn sách không mang lại may mắn, bà nói thế. Càng đọc, anh càng trở nên gần như điên loạn. Giá như anh tự bằng lòng với việc đọc thôi, đằng nay anh lại đi vào con đường viết sách. Bà không đọc báo, bà không thể hình dung người ta có thể sống bằng văn chương. Tại sao Antoine không có một nghề nghiệp nào như bao người quen khác? Bà ấy đỏ mặt tía tai khi người ta hỏi về anh. Và khi những cuốn tiểu thuyết đầu tay của anh ra đời, một vài người nói với bà rằng thằng Antoine “của bà” muốn làm “như Parisian” nhưng đâu dễ. Bà còn không được tặng sách, dù gì bà cũng chẳng đọc, vì bà không tán thành chuyện Antoine chọn con đường sự nghiệp nhiều rủi ro như vậy, theo bà đa số các nhà văn chỉ là những người làm công bấp bênh. Anh đã có thể gửi sách đến cho bà, xem như để cho bà biết tin tức, vì anh đã bỏ đi sống ở đâu bà cũng không biết.”

Tuy nhiên, Sorel cũng có một quãng thời gian hạnh phúc, đáng nhớ với vợ. Linda Lê đã khắc họa mối tình này rất kĩ lưỡng, có thể thấy ở đây là một khuôn mẫu điển hình của tình yêu giữa nhà văn và độc giả. Thông qua hình ảnh của Isabelle – vợ của Sorel, Linda Lê cũng cho thấy kiểu độc giả lí tưởng của một nhà văn sẽ là người như thế nào. Gia đình của Isabelle không có đam mê văn chương như cô, thói quen đọc của họ khác hẳn cô.

“Cô tự nhủ có lẽ cô không có cùng gen với bố. Cô đam mê nghệ thuật và văn chương, nhưng những nhà thơ cô ngưỡng mộ là những “tên xấu xa” dưới con mắt bố cô, họ tự cho mình quyền được nhàn rỗi và vô trách nhiệm, sống bám xã hội. Dĩ nhiên ông không đọc những tác phẩm của họ, ông chỉ đọc những tạp chí về trang trí nội thất, để bắt kịp các xu hướng mới, ông cũng đọc các báo về kinh tế để biết nên đầu tư vào nơi nào. Kiểu nói văn vẻ về tình yêu, theo như ông ấy nói, là thứ keo dán, ngay ông có lẽ cũng rất tiết kiệm những lời nói yêu đương. Mẹ của cô đặt mua một nguyệt san về chiêm tinh học, để bà có thể trao đổi trong những bữa tiệc trà về những tiên đoán của một bà tiên tri nổi tiếng (“Theo như quan sát vị trí của Pluton, đảng xã hội sẽ thua đậm trong cuộc bầu cử”), về tính thực dụng của Xử Nữ, sự kiên cường của Bạch Dương, sự công minh của Bảo Bình. Bà cũng đặt mua một tuần báo chủ yếu nói về các đám cưới hoàng gia và các ngôi sao quay lại sàn diễn với những bài hát đánh dấu quãng đời niên thiếu của bà.”

Có thể thấy chỉ bằng việc miêu tả thói quen đọc của từng người, Linda Lê đã phác họa được khoảng cách khác biệt giữa các thành viên trong gia đình lớn như thế nào. Chính vì vậy, Isabelle dễ dàng tìm thấy sự đồng điệu trong tâm hồn với Antoine và cô đã yêu anh trước hết bằng tình yêu của một độc giả với một tác giả.

“Khi được biết anh là tác giả của hai cuốn tiểu thuyết và một tuyển tập thơ được xuất bản với số lượng ít ỏi nhưng được những người am hiểu khen ngợi, dù không may đấy không phải là những người có tầm ảnh hưởng lớn, cô đã hứa sẽ mua các tác phẩm của anh và đọc chúng một cách say mê, bởi vì cô biết chắc rằng nếu như vậy cô sẽ được khai sáng về tinh thần. Cô cũng biết chắc rằng sau khi đọc xong cô đủ khôn khéo để gửi cho Sorel một bức thư sẽ lay động anh.

Ngay sáng hôm sau, cô nhanh chóng đi ra một hiệu sách để mua cho mình ba cuốn sách đó. Chúng đóng bụi trên một kệ sách ở phía cuối trong một góc tối của cửa tiệm. Cô mang chúng về nhà, đặt chúng gần chiếc gối và trong nhiều đêm liên tiếp, cô đắm mình vào việc đọc chúng và ngày càng bị chinh phục. Cô nghĩ: “Tôi sẽ có được người đàn ông này. Cho dù gia đình họ hàng sẽ không thích.” Cô chưa bao giờ làm những gì người khác bắt cô làm. Nếu cô đã sống như những người phụ nữ dại khờ trong cái thế giới của mình, cô sẽ chỉ là một cô bé đáng thương, chỉ nghĩ đến việc có được những bộ đầm như những minh tinh màn bạc được các thợ săn ảnh chụp, đi chơi với những tên trẻ tuổi trong những chiếc xế hộp của chúng và lui tới những nơi cần đến để được người ta chú ý. Cô không phải là những phụ nữ kiều diễm không có đầu óc, với tương lai mù mịt, một con búp bê đẹp nhưng không có tầm nhìn sâu. Cô đón nhận những thông điệp chứa đựng trong các tác phẩm của Sorel dù văn chương của anh không phải kiểu văn chương truyền tải thông điệp: anh viết nhiều về bản thân mình, nhưng anh không phải là một người ngạo mạn và không thiếu sự chua cay. Ngay từ đầu cô xếp anh trong số những nhà văn có tài, có cái nhìn sáng suốt và đã phải làm việc rất nhiều để viết ra những tác phẩm hoàn hảo.”

“Trong những bài phỏng vấn của anh với một số báo, anh không nói nhiều về anh mà cũng không tỏ ra mình quan trọng. Anh nói rằng anh luôn bị bao vây bởi những nghi vấn, chúng đè nặng lên anh và đã rất nhiều lần anh có ý định buông tất cả để sống bụi. Chính điều này đã làm anh trở nên thân thuộc dưới con mắt cô. Cô tiếc vì đã không đọc sách của anh sớm hơn, trong khi đó cô luôn đi tìm những gì mới, cô không thể sống nếu cô không tự mình đi khắp nơi tìm cái đẹp ẩn náu, cô thấy trong thơ ca những lí lẽ để không phải đi theo con đường của bố mẹ cô. Cô hãnh diện đã không như hai chị em gái mình, xa lạ với nghệ thuật, không như bố của cô, hám tiền, và không như mẹ của cô chỉ làm những công việc nhàm chán, như chuẩn bị thực đơn cho bữa tiệc hay lương thưởng cho người hầu, vào những lúc bà không xem tử vi, chắc rằng mình đang làm những thứ siêu việt.”

“Trong suốt nhiều ngày, Isabelle hoàn thiện bức thư trong đó cô nói với Sorel rằng cô như bị phê thuốc sau khi đọc xong sách của anh. Cô chỉ có một ham muốn: kết bạn với anh. Cô viết nhiều về tính khí nóng nảy của cô, về việc cô cảm thấy cô đơn trong chính gia đình mình, một gia đình vô cảm trước cái đẹp, chỉ quan tâm đến “những thú vui trần tục”, cô viết về nhu cầu được thăng hoa và tình yêu của cô đối với những tác phẩm nghệ thuật đã giúp cô cách xa những thứ “vật chất tầm thường”. Việc liên lạc thư từ giữa hai người sẽ mang lại cho cô nhiều niềm vui lớn. Antoine sẽ giúp cô khai sáng. Những điều anh viết từ ngòi bút của anh dù nhỏ thôi cũng chứa đựng vô vàn điều hay…”

Tình yêu đẹp tuyệt vời là thế; tuy nhiên, khi hai người đã đến được với nhau thì cảnh tượng đau lòng tương tự như nhân vật Hộ trong tác phẩm Đời thừa của Nam Cao một lần nữa lại diễn ra.

“Nhiều đêm cô khóc, vùi đầu vào gối, trong khi đó, anh ngồi ở bàn làm việc chỉnh sửa bản viết tay mà anh tính vứt vào thùng rác. Cô thấy qua thái độ đó một lời trách móc thầm lặng nhắm vào cô: do sống chung anh đã phải hy sinh cuộc sống độc lập và nỗi đam mê viết của anh ngày càng lụi dần. Trước khi trở thành vợ của Sorel, cô không biết rằng có một đối thủ sẽ như thế nào, cô nói, cô nhanh chóng khám phá ra một đối thủ mang tên văn chương, và đó là một đối thủ có sức mạnh đáng gờm.”

Cuối cùng, Sorel rơi vào cảm giác chán nản không thể kháng cự nổi nữa:

“Anh la lớn anh chán ngấy cuộc đời này. Anh sẽ kết liễu nó nếu như anh đủ can đảm. Ngay những cuốn sách cũng không an ủi anh phần nào. Anh luôn tìm kiếm trong những cuốn kinh điển anh đã đọc nhiều lần lí do để bám lấy ảo tưởng rằng anh phải hoàn thành một nhiệm vụ trên thế gian này, rằng việc anh đam mê viết là hoàn toàn chính đáng, rằng chưa phải là mất tất cả khi nào anh vẫn còn tìm thấy câu chữ để có thể trấn an nỗi sợ hãi bên trong mình và quyết chiến với sự giả tạo bên ngoài. Nhưng ở tuổi ba mươi, anh có cảm giác ‘thể xác và tâm hồn’ đã kiệt quệ, như theo ai đó đã nói… Jean không còn nhớ là ai. Những năm tháng cực khổ đã vắt kiệt mọi sức lực của anh. Nhà văn không quan tâm đến tiền vì với anh, nuôi mộng bất tử là điều hoang tưởng. Anh đã sống cả một thập niên mà thậm chí không có gì để bỏ bụng và anh đã viết sách vào những lúc có lẽ anh nên bắn một phát vào đầu thay vì sống lay lắt như vậy. Nếu anh không chết ngay, ít ra anh cũng không muốn tham gia cuộc chơi của những người hợm hĩnh, mà anh không đi tìm nữa, như những tác giả trẻ mong muốn được đứng phía trước sân khấu, anh mong muốn có những thứ thỏa mãn nho nhỏ này khi đọc những phê bình ca ngợi anh. Hai cuốn tiểu thuyết đầu của anh chưa đủ táo bạo, anh tỏ ý tiếc nuối. Anh là người đánh giá khắt khe nhất, anh không tự cho mình là một người độc nhất vô nhị, nhưng anh cũng không ra vẻ khiêm tốn như những người thích tìm kiếm những lời ca ngợi. Anh hành xử không như một người tài năng thiên phú cảm thấy mình ưu việt. Anh không bao giờ đi rải những lời ca thán khi anh lại bị những thừa phát bám gót, anh không bao giờ nghĩ mình là nạn nhân của chủ nghĩa bài xích thơ ca khi sách của anh không được ai biết đến. Khi anh bị trầm cảm nặng, anh trốn trong nhà, tắt điện thoại sau khi báo cho các em trai biết anh cần được ở một mình, và trong những ngày như thế, anh cố gắng bằng mọi cách chiến thắng tình trạng mệt mỏi này và tránh làm phiền bất kì ai. Anh tin tưởng vào khả năng kháng cự của mình: nó chỉ phản bội anh nếu anh không tập hợp đủ năng lượng để sáng tác. Những tác phẩm của anh ra đời trong những giây phút kiệt quệ chán nản như thế.”

Và cuối cùng, anh đã chọn đến giải pháp là kết liễu chính cuộc đời mình.

Nhưng khác với nhân vật của mình, Linda Lê đã không lựa chọn giải pháp này. Dù đời sống có khó khăn thế nào, bà vẫn quyết tâm theo đuổi văn chương đến cùng, làm một nhà văn chuyên nghiệp chỉ sống bằng việc viết. Nhìn vào văn nghiệp của bà, ta có thể thấy cứ đều đặn một, hai năm bà lại cho ra mắt một tác phẩm. Vào năm ngoái, tác phẩm mới của bà có tên Toutes les colères du monde: La colère cũng vừa được xuất bản. Và bằng cách lao động miệt mài như thế, dù phải ra đi ở một độ tuổi vẫn còn trẻ, bà đã thực sự chiến thắng được tử thần với những tác phẩm sống mãi trong lòng người đọc.

Tôi mong trong một ngày gần nhất, mình sẽ không còn là “độc giả của một tác phẩm” của bà nữa. Vì bà xứng đáng được ta dành nhiều thời gian hơn, đọc đi đọc lại, để đắm chìm vào văn chương, đắm chìm vào thế giới mà ở nơi đó, nỗi buồn cũng thật lấp lánh, tựa như những hạt ngọc nơi khóe mắt.

Kodaki

Click to comment

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chuyện người cầm bút

Elvis Phương: Âm nhạc là sự lựa chọn duy nhất của tôi từ năm 16 tuổi

Ở tuổi này mà Elvis Phương còn nhớ và thuộc gần 100 bài hát thì cuộc đời, kỉ niệm của chính mình làm sao mà quên được.

Published

on

By

Dòng đời là những trang viết trải lòng của danh ca Elvis Phương về chính cuộc đời mình. Hơn 60 năm ca hát, Elvis Phương đã trải qua nhiều thăng trầm để được thành danh và đứng vững trên sân khấu cho đến tận ngày nay. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về những tâm tư của danh ca Elvis Phương xoay quanh Dòng đời, Bookish đã có buổi phỏng vấn độc quyền với nam danh ca.

Trong quyển hồi ký Dòng đời, Elvis Phương có nhắc đến việc cha mình cấm cản đi theo nghiệp ca hát. Vậy đến thời điểm nào, cha ông nguôi ngoai và chấp nhận việc ông theo đuổi ước mơ ca hát?

Hai năm sau khi Elvis Phương bị ba mình đuổi ra khỏi nhà thì một buổi tối sau khi đi hát xong, lúc trở về nhà nơi Elvis Phương đang mướn và ở cùng với ban nhạc thì thấy má của Elvis Phương ngồi sẵn trong nhà và bà nói: “Ba nói nhớ Phương và muốn con về nhà.” Thế là được trở về nhà. Vui sướng vô cùng vì biết rằng mình sẽ được tiếp tục hát để theo đuổi ước mơ dù má chả nói những điều như mình đã tự nghĩ nhưng cho trở về nhà là chắc cho đi hát rồi…

Được biết, ông là ca sĩ đầu tiên về nước, thời gian đầu, Elvis Phương nhận được tình cảm, sự đón nhận từ khán giả như thế nào? Ông có thể chia sẻ kỷ niệm ấn tượng với khán giả khi về Việt Nam?

Elvis Phương là một trong những ca sĩ về nước rất sớm; từ 1996 rồi 1998 để quay hai cuốn video nhưng mãi đến 2000 mới được hát live lần đầu vào ngày 20 và 21 tháng 5 năm 2000. Cả hai đêm hát đều sold out nhưng điều đáng nói nhất là tình cảm của khán thính giả dành cho Elvis Phương là động lực duy nhất khiến Elvis Phương quyết định mua nhà để được ở lâu dài và mãi đến tận hôm nay. Elvis Phương nhớ và nhớ rất rõ dư âm của hai đêm hát tại nhà hát Bến Thành lúc đó và sự yêu thương của khán thính giả đã làm Elvis Phương choáng ngợp sung sướng; có nhiều gia đình cả ba thế hệ đều đi xem Elvis Phương hôm đó. Sự bày tỏ lòng yêu thương của khán thính giả là một kỉ niệm đẹp cho lần trở về đầu tiên và được hát tại Việt Nam của Elvis Phương.

Ông từng mổ tim, cơn thập tử nhất sinh vào năm 1998, lúc đó ông cũng đã 53 tuổi. Nhưng tại sao, ông không lựa chọn cuộc sống an dưỡng mà tiếp tục sự nghiệp ca hát, hầu như ngày nào cũng đi hát?

Đối với Elvis Phương hát cũng giống như thở và mình phải cần thở mới được sống. Đúng vào tháng 5 năm 1998 Elvis Phương đã trải qua một cuộc giải phẫu tim phải nói là thập tử nhất sinh lúc đó. Elvis Phương đúng 53 năm tuổi mà dòng họ của mình từ ông nội, đến ba và người chú – em của ba – đều mất vào tuổi 53.

Phải nói là cuộc giải phẫu mười phần nguy hiểm nhưng khi được bình phục. Elvis Phương cảm thấy mình như được hồi sinh và niềm khao khát được hát lại cháy bỏng như những ngày đầu… Thế là hát và hát mãi đến tận bây giờ. Sự lựa chọn duy nhất của Elvis Phương từ lúc 16 tuổi đến ngày hôm nay: còn sống là còn hát.  

Sự nghiệp ca hát hơn 62 năm - một quãng đường dài và đồ sộ, khi viết cuốn hồi ký Dòng đời, làm sao ông có thể nhớ lại hết chi tiết cụ thể chuyện nhiều năm đã qua, sau đó xây dựng cấu trúc nội dung mạch lạc, tường thuật cho độc giả?

Elvis Phương không những nhớ một chuyện, mà cả trăm, cả nghìn câu chuyện. Vợ Elvis Phương hay đùa “phải chi Bố nhớ và giữ được tiền như những câu chuyện của đời Bố dù bao nhiêu năm đã trôi qua thì tốt biết mấy.”

Tài liệu và hình ảnh thì còn giữ được nhiều vô số kể. Bây giờ những lúc rảnh rỗi ngoài giờ đi hát thì Elvis Phương lại viết, lại ghi lại. Viết ra để làm gì? Chỉ biết viết vì kỉ niệm cả một đời đi hát thì nhiều quá; có những điều càng nhớ và viết ra thì thấy thú vị vô cùng. Ở tuổi này mà Elvis Phương còn nhớ và thuộc gần 100 bài hát thì cuộc đời, kỉ niệm của chính mình làm sao mà quên được.

Cuộc đời của ông trải qua nhiều thăng trầm. Khi viết xong quyển hồi ký Dòng đời và nhìn lại tất cả một cách hệ thống, ông cảm nhận điều gì là quan trọng nhất trong cuộc sống và sự nghiệp của mình? Chặng đường nào đối với ông là đáng nhớ nhất?

Đáng nhớ nhất là phải nhớ tất cả, vì cuộc đời ca hát của Elvis Phương thật là có quá nhiều thăng trầm. Đọc đi đọc lại Dòng đời, Elvis Phương vẫn thấy, vẫn cảm nhận trong cuộc sống và sự nghiệp của mình, tất cả những chặng đường đã trải qua đều quan trọng.

Có thăng, có trầm mới có Elvis Phương ngày hôm nay. Elvis Phương chưa bao giờ cảm thấy là mình không muốn hát và còn hát thì còn nhớ. Nhớ tất cả để cảm thấy cuộc đời mình còn thật nhiều may mắn. Điều gì cần nhớ thì phải nhớ thôi. Nhất là âm nhạc và những bài hát đã đi theo mình cả cuộc đời…

Cảm ơn những chia sẻ chân tình từ danh ca Elvis Phương. Chúc ông có thật nhiều sức khỏe dồi dào để tiếp tục thăng hoa với âm nhạc.

Danh ca Elvis PhươngMC Minh Đức tại buổi giao lưu, ra mắt sách Dòng đời ngày 9.9.2023
Danh ca Elvis Phương kí tặng bạn đọc tại buổi giao lưu, ra mắt sách Dòng đời ngày 9.9.2023
Đọc bài viết

Chuyện người cầm bút

Lê Nguyễn Nhật Linh: Chiến thắng vẻ vang nhất là khi ta vượt qua chính mình

Việc gì mình muốn làm thì hãy làm và làm với lòng nhiệt huyết hết sức có thể, đừng chờ đợi kết quả vì nhiều khi kết quả còn hơn cả mong đợi của mình. Có lòng, dốc sức thì sẽ được toại nguyện.

Published

on

Sáng ngày 27.8, tại Đường Sách TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra buổi giao lưu cùng tác giả Lê Nguyễn Nhật Linh – chị đã có ba tựa sách do NXB Trẻ phát hành được tái bản nhiều lần: Đến Nhật Bản học về cuộc đời, Nín đi con, Giá ngày tháng ấy có người hiểu tôi.  

Nhắc đến Lê Nguyễn Nhật Linh, bạn đọc hẳn sẽ thường nhớ đến tác phẩm Đến Nhật Bản học về cuộc đời của chị. Quyển sách này đến nay đã đạt đến con số gần 30.000 bản in. Bên cạnh đó, chị Lê Nguyễn Nhật Linh còn là một nhà thiết kế kim hoàn rất thành công.

Quyết tâm trở thành người tốt vì đã được gặp nhiều người tốt

Tại buổi giao lưu, Nhật Linh không chỉ chia sẻ về những trải nghiệm xoay quanh tập tản văn Đến Nhật Bản học về cuộc đời mà còn có những chia sẻ sâu sắc về cuộc sống, tâm lý, con đường lập nghiệp và sáng tác. Một số bạn đọc đến tham dự tại buổi giao lưu chia sẻ rằng những dòng chị viết cả trên sách lẫn trên mạng xã hội đã đem lại những giá trị tích cực, trở thành nguồn động viên lớn với những ai đang trải qua giai đoạn khó khăn trong cuộc đời.

Ở phần chia sẻ những cảm nhận về nước Nhật, Nhật Linh cho biết, đối với chị, năng lượng của nước Nhật là hòa khí. Năm 16 tuổi, lần đầu tiên đến Nhật, chị đã có một ước mơ và quyết tâm: chị muốn mình trở thành người tốt vì đã gặp được rất nhiều người tốt ở Nhật; tuy có những người chị chỉ có cơ hội được gặp họ một lần, nhưng chị vẫn nhớ mãi sự tử tế và ấm áp ở họ. Giai đoạn ấy, chị đã dốc hết lòng phấn đấu vì: “Khi đại diện cho một quốc gia đến một quốc gia khác, bạn sẽ muốn nỗ lực cố gắng nhiều hơn; bởi lẽ khi đó, sự phát triển của bản thân sẽ trở thành sự phát triển của quốc gia.”

Trước câu hỏi tại sao những trang viết của Nhật Linh chắt lọc rất nhiều trải nghiệm sâu sắc về cuộc sống, có phải là do cuộc đời chị đã quá chông chênh, Nhật Linh chia sẻ rằng sự chông chênh đó không phải là câu chuyện của riêng chị. Bất cứ một người trẻ tự lập nào bước vào hành trình cuộc đời thì con đường đều sẽ có ít nhiều chông gai. Bản thân chị đã từng có những cột mốc nghĩ rằng mình trầm cảm. Vào năm đầu tiên học đại học, khi phải xa cha mẹ, quê hương – sự thay đổi môi trường đột ngột khiến chị chông chênh. Giai đoạn thứ hai là khi chị đi du học ở nước Nhật. Đây cũng là sự thay đổi môi trường nhưng ở mức độ tàn khốc hơn. Sự mất thăng bằng thường xuyên khiến chị cạn kiệt về năng lượng. Bây giờ – khi đã vượt qua và nhìn lại thời điểm đó – chị nhận ra rằng mỗi độ tuổi có một áp lực khác nhau và ta phải chiến đấu với nó. Nếu muốn sống một cuộc đời như mơ thì phải nỗ lực, mà bản thân sự nỗ lực vốn dĩ đã không phải là một điều đơn giản. “Khi chúng ta chiến đấu với chính mình và chiến thắng thì đó mới là chiến thắng vẻ vang nhất,” chị chia sẻ.  

Có lòng, dốc sức thì sẽ được toại nguyện

Bên cạnh Đến Nhật Bản học về cuộc đời, Lê Nguyễn Nhật Linh còn có một tác phẩm khác cũng đặc biệt không kém là Giá ngày tháng ấy có người hiểu tôi với đề tài về trầm cảm. Chị Linh cho rằng khi phải thường xuyên ở trong tình trạng không ai hiểu mình, người ta sẽ dễ mắc bệnh trầm cảm. Bất kì ai cũng có thể rơi vào giai đoạn phải đối mặt với cảm giác không được thấu hiểu này. Nguyên nhân chỉ đơn giản là vì ta không thể chia sẻ với người khác. Khi cứ để tình trạng này tiếp diễn thì nếu ở mức độ nhẹ nhàng, ta sẽ thấy nó chỉ là một khối đá; còn nếu ở mức độ nặng nề, nó sẽ trở thành khối u. Và nếu không tìm cách thay đổi, ta sẽ rơi xuống đáy. Mỗi người lại có một cái đáy khác nhau. Ta phải luôn quan sát những cảm xúc của bản thân để ý thức được rằng những điều ấy có ổn không.

Để tháo gỡ cảm giác đó, chị Linh cho rằng rất khó đúc kết thành vài từ khóa ngắn gọn. Mỗi chúng ta là những thế giới khác nhau. Có những người chỉ vài ngày thôi là đã đi qua được một biến cố. Nhưng có những người lại mất cả vài tháng, hay thậm chí là vài năm. Không có một công thức chung nào cả, nhưng nếu chúng ta cố gắng giữ ý thức thấu hiểu bản thân thì sẽ tìm được cách tháo gỡ. Bước đầu tiên là phải đặt câu hỏi cho bản thân – đây là một hình thức tự trò chuyện với chính mình để tìm giải pháp. Nếu như đến chính ta còn không muốn nói chuyện với ta thì làm sao có thể trông mong người khác sẽ đến giúp ta giải quyết vấn đề.

Hãy đặt thật nhiều câu hỏi khi chúng ta mắc kẹt trong những vấn đề của bản thân. Nhưng cách đặt câu hỏi rất quan trọng. Khi biết cách đặt câu hỏi đúng thì ta mới có thể tìm được câu trả lời then chốt. Những câu hỏi nên có sự cân bằng giữa lí trí và cảm xúc; nếu là chuyện liên quan đến người khác thì cần tránh suy diễn mà cố gắng trực tiếp hỏi đối phương. Khi đã đến cái đích của sự rõ ràng, ta sẽ tránh được tình trạng rối tung rối mù. Sau đó là đến giai đoạn quyết định. Mọi quyết định của chúng ta đều có thể sai và đúng, không thể lúc nào cũng đúng được. Nhưng nếu đã quyết định sai thì hãy cố gắng học nhiều nhất từ cái sai đó. Quá trình này sẽ giúp ta hiểu được nhiều hơn về bản thân. Và một khi đã hiểu bản thân, ta sẽ có thể học được cách hiểu và giúp đỡ người khác.

Cuối buổi giao lưu, Nhật Linh bật mí rằng Đến Nhật Bản học về cuộc đời sẽ được dịch sang tiếng Nhật, dự kiến xuất bản ở Nhật vào cuối năm nay. Chị cũng đưa ra lời khuyên cho những bạn trẻ từ kinh nghiệm nghề nghiệp của mình rằng: “Việc gì mình muốn làm thì hãy làm và làm với lòng nhiệt huyết hết sức có thể, đừng chờ đợi kết quả vì nhiều khi kết quả còn hơn cả mong đợi của mình. Có lòng, dốc sức thì sẽ được toại nguyện. Nếu không đặt trái tim mình vào công việc đã lựa chọn mà chỉ làm hời hợt qua loa thì sẽ không có kết quả như ý.”

Hoàng Đức Nhiên

Đọc bài viết

Chuyện người cầm bút

Kazuo Ishiguro: Lộ trình đọc cho người mới bắt đầu

Published

on

Nhà văn người Anh gốc Nhật Kazuo Ishiguro là một trong những tác giả Anh ngữ được giới chuyên môn đánh giá cao nhất hiện nay: cây bút 68 tuổi này đã hai lần được vinh danh trên tạp chí Granta chuyên đề Những tiểu thuyết gia trẻ nổi bật nhất ở Anh năm 1983 và 1993; và sau đó, hành trang của ông lần lượt có thêm giải Booker, Nobel, và tước hiệp sĩ.

Đối diện với văn nghiệp đồ sộ của Kazuo Ishiguro, hẳn không ít người băn khoăn nên bắt đầu đọc từ tác phẩm nào trước. Bài viết dưới đây được dịch từ The Guardian sẽ cung cấp cho người đọc một lộ trình hợp lí để khám phá thế giới của Kazuo Ishiguro.

Điểm xuất phát

Hai cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Ishiguro là Cảnh đồi mờ xámMột họa sĩ phù thế đều có mối liên hệ trực tiếp đến gốc gác Nhật Bản vốn ít nhiều đã trở nên xa lạ với nhà văn – gia đình ông chuyển đến nước Anh khi ông mới năm tuổi và ông không về thăm lại Nhật Bản trong suốt gần 30 năm, dù đến thời điểm đó ông đã là một tác giả có tiếng tăm. Cả hai cuốn tiểu thuyết đều khai thác góc nhìn của Ishiguro về những con người chiêm nghiệm lại cuộc đời mình trong nỗi hoang mang, tiếc nuối, để lại cho độc giả nhiều suy ngẫm.

Cả hai đều là tác phẩm chất lượng, cuốn sau có sự cải thiện so với cuốn đầu tiên, nhưng chính ở cuốn tiểu thuyết thứ ba cũng có cùng chủ đề mới thực sự đúng nghĩa là điểm khởi đầu để tiếp cận văn nghiệp của ông: tiểu thuyết Tàn ngày để lại.

Tàn ngày để lại kể câu chuyện về Stevens – một quản gia người Anh với tất cả mọi hàm nghĩa của từ này: tận tụy, chỉn chu, trung thành, và trên hết, luôn luôn có một ý thức mãnh liệt về phẩm giá nghề nghiệp. Mong muốn cải thiện chất lượng phục vụ tại dinh thự và chấm dứt những sa sút hiện tại, Stevens dấn thân vào một cuộc hành trình đi qua Miền Tây nước Anh. Mỗi chặng trên cuộc hành trình mở ra một cánh cửa nối về quá khứ, và dần dà hành trình ấy làm hé lộ những mất mát và nuối tiếc theo sau những ảo tưởng của một đời người.

Lạ lùng thay, Tàn ngày để lại vừa bi vừa hài, “vừa đẹp đẽ vừa tàn nhẫn,” như lời nhận xét của Salman Rushdie. Tác phẩm này đã thắng giải Booker và bản phim chuyển thể với sự góp mặt của ngôi sao Anthony Hopkins và Emma Thompson cũng được đánh giá là thành công khi có đến tám đề cử Oscar.

Ishiguro thừa nhận rằng ông đã viết cùng một cuốn tiểu thuyết đến những ba lần, để ngày càng tiệm cận hơn đến điều ông muốn truyền tải. Kết quả là một cuốn sách hoàn hảo về mọi mặt đã ra đời.

Chặng thử thách

Sau khi đã đạt được thành công với chủ đề vừa nêu trên, ở cuốn tiểu thuyết kế tiếp, nhân vật chính của Ishiguro không phải là một người nhìn về quá khứ nữa, mà đang ở giữa nguồn cơn hoang mang. Tiểu thuyết The Unconsoled kể về nhạc công Ryder, anh đến một vùng nào đó ở trung tâm châu Âu để tham dự một buổi hòa nhạc, nhưng rồi mọi thứ xung quanh anh lại biến hóa khôn lường. Nếu so sánh với ba tác phẩm đầu tiên của Ishiguro thì có thể nhận thấy cuốn tiểu thuyết này vận hành theo nguyên tắc của một giấc mơ vì thời gian, không gian và nhân dạng thường xuyên thay đổi. Những người đầu tiên đọc quyển sách này đã phải thất kinh, James Wood – cây bút phê bình của tờ The Guardian cũng nằm trong số đó – nhận xét rằng quyển sách này đã “tự mở ra một thể loại tồi tệ”. Nhưng đây cũng chính là tác phẩm thể hiện rõ ràng nhất quan điểm sâu sắc của Ishiguro về việc không ai trong chúng ta thực sự biết cuộc đời mình sẽ đi về đâu; điều đó khiến nó càng mang dáng dấp của một kiệt tác hơn, với bầu không khí Kafka thời đương đại.

Tiểu thuyết ở giai đoạn hậu Nobel

Khi thắng giải Nobel năm 1948, nhà thơ TS Eliot từng phát biểu rằng: “Giải Nobel là một tấm vé tiễn người ta đến thẳng huyệt mộ của mình. Chẳng có ai làm thêm được gì cả sau khi nhận giải.” Ishiguro thắng giải Nobel Văn chương năm 2017; lúc đó, ông đã viết một bài diễn văn nhận giải dễ thương, khiêm tốn có nhan đề là My Twentieth Century Evening and Other Small Breakthroughs (Tạm dịch: Buổi xế chiều trong thế kỉ thứ hai mươi của tôi và những bước đột phá nho nhỏ khác). Năm kế tiếp sau đó, ông được phong tước hiệp sĩ.

Tiểu thuyết Klara and the Sun (Tạm dịch: Klara và Mặt trời) xuất bản năm 2021 không có dấu hiệu nào cho thấy rằng Ishiguro đã trở thành một người hữu danh vô thực hay một nhà hiền triết đạo mạo. Người kể chuyện lần này (toàn bộ tiểu thuyết của Ishiguro đều được viết ở ngôi thứ nhất) là Klara, một AI hoạt động dựa trên nguồn năng lượng mặt trời, cô ngây thơ nhưng trung thành, được mua về để dốc hết lòng chăm sóc cho một cô bé. Giống như những tác phẩm khác của Ishiguro, tiểu thuyết này cũng có văn phong trung tính, điềm tĩnh, không bao giờ đi thẳng vào những sự kiện được đề cập; tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể cảm nhận rõ những sự kiện ấy và thấy đau lòng. Một lần nữa, nó tạo ra dư chấn theo lối khác thường mà không một tiểu thuyết gia nào làm được ngoài Ishiguro.

Nếu như bạn chỉ có thể đọc một tác phẩm, đó sẽ là…  

Thoạt đọc qua nội dung, tiểu thuyết Mãi đừng xa tôi có vẻ như thuộc thể loại khoa học viễn tưởng: tác phẩm kể về những bản sao vô tính, được tạo ra chỉ với mục đích duy nhất là để hiến tạng cho đến chết. Tuy nhiên, câu hỏi cốt lõi được đặt ra là tất cả chúng ta phải chọn cách sống như thế nào khi đều biết rằng thời gian của ta là giới hạn và không ai thoát được án tử.

Kathy, Ruth và Tommy xuất thân từ một ngôi trường đặc biệt: trường nội trí Hailsham. Những con người ở đó đều có chung một số phận được định đoạt. Họ chấp nhận số phận, nhưng vẫn khát khao trì hoãn. Với giọng điệu bình thản như mặt biển sóng ngầm, câu chuyện kể về một hiện thực đáng sợ diễn ra trong một thế giới “giả tưởng”, nhưng cũng không xa lắm thế giới “thật tưởng” mà chúng ta đang sống. Câu chuyện ám ảnh chúng ta bởi tiếng kêu đau đớn đến xé lòng về tình yêu và hạnh phúc. Nó buộc chúng ta phải suy nghĩ lại về giá trị Người của chính mình.

Hoàng Đức Nhiên dịch

Đọc bài viết

Cafe sáng