Book trailer

Kiến trúc Hiện đại miền Nam Việt Nam: Cái nhìn độc đáo của tác giả nước ngoài về kiến trúc Việt Nam

Published

on

Kiến trúc Hiện đại miền Nam Việt Nam là một cuốn sách tập hợp những tác phẩm nhiếp ảnh kiến trúc đẹp mắt, giúp người đọc có dịp chiêm ngưỡng những thành tựu vĩ đại của người dân miền Nam Việt Nam trong việc phát triển phong cách kiến trúc hiện đại giữa thế kỉ 20 – một phong cách kiến trúc khiến cả thế giới phải trầm trồ.

Kiến trúc hiện đại của miền Nam Việt Nam rất độc đáo nhưng lại chưa có nhiều tác phẩm nghiên cứu về thời kỳ kiến trúc này của các học giả và kiến trúc sư Việt Nam. Mãi đến vài năm trở lại đây, các học giả Việt Nam mới bắt đầu nghĩ đến việc trình bày vấn đề này trước thế giới.

Tuy nhiên, Kiến trúc Hiện đại miền Nam Việt Nam lại thể hiện cái nhìn độc đáo của hai người nước ngoài về kiến trúc hiện đại của miền Nam Việt Nam: Mel Schenck – kiến trúc sư người Mỹ, đảm nhận phần nội dung cho quyển sách; và Alexandre Garel – nhiếp ảnh gia người Pháp, đảm nhận phần hình ảnh.

Miền Nam Việt Nam đã đón nhận chủ nghĩa hiện đại trong kiến trúc theo lối linh hoạt, sáng tạo

Đối với người Mỹ, Việt Nam gợi nhắc đến một cuộc chiến hơn là một đất nước. Và không ai nhận thấy trong lúc chiến tranh diễn ra, người Việt cũng tất bật xây dựng các khu chung cư, nhà ở, công trình công cộng nhằm kiến thiết một quốc gia mới. Thế giới đã không dự đoán được phong cách kiến trúc này lại mang màu sắc chủ nghĩa hiện đại hơn là phỏng theo các thiết kế truyền thống Việt Nam, hay tiếp nối lối kiến trúc thuộc địa.

Kiến trúc hiện đại đại diện cho tinh thần của thời đại công nghiệp, bao hàm nhiều nhánh khác nhau, từ những ngôi nhà phong cách thảo nguyên của Frank Lloyd Wright ở Mỹ đến những tòa nhà kính cao tầng và nhà hộp kim hiện diện trên khắp thế giới ngày nay.

Trong ba thập kỷ từ sau khi Nhật Bản chiếm đóng Việt Nam trong Thế Chiến II, các kiến trúc sư ở miền Nam đã phát triển một phiên bản kiến trúc hiện đại phù hợp với khí hậu nhiệt đới, và qua đó phản ánh bản sắc văn hóa của một nước Việt Nam vừa giành độc lập.

Với số lượng khổng lồ và chất lượng đỉnh cao của các công trình hiện đại được xây dựng trên khắp miền Nam Việt Nam sau Thế Chiến II, Việt Nam đã trở thành một trung tâm kiến trúc hiện đại tuy chưa được công nhận trên thế giới. Quan trọng hơn cả là khi tiếp nhận kiến trúc hiện đại vào văn hóa Việt, nó đã trở thành lối kiến trúc bản địa cho hầu hết các căn nhà ở khắp miền Nam Việt Nam.

Sự giao thoa giữa đặc và rỗng tạo ra một phiên bản kiến trúc sống động hơn và do đó, trở thành phong cách nổi bật của chủ nghĩa kiến trúc hiện đại.

Tác phẩm kiến trúc đầy ắp tư liệu, dễ tiếp cận với bạn đọc phổ thông

Với mong muốn kiến trúc hiện đại miền Nam Việt Nam sẽ được thế giới ghi nhận, hai tác giả Mel Schenck và Alexandre Garel đã dành rất nhiều công sức tìm kiếm, chọn lọc thông tin từ những nguồn tài liệu cũ, quý hiếm để đưa vào sách. Quá trình tìm kiếm thông tin hết sức khó khăn vì ngay cả trong thư viện trường đại học hay thư viện công cộng, cũng đều không có đủ tư liệu học thuật hàn lâm tối thiểu về các công trình được đề cập trong sách. Tuy nhiên, chính việc thiếu hụt tư liệu nền tảng đó đã trở thành động lực, thúc đẩy nhóm tác giả nghiên cứu sơ bộ để xây dựng cơ sở dữ liệu hơn 400 công trình kiến trúc hiện đại ở miền Nam Việt Nam và vẫn tiếp tục cập nhật các phát hiện mới mỗi ngày.

Từ cơ sở dữ liệu hơn 400 công trình đó, nhóm tác giả đã lựa chọn hơn 150 công trình kiến trúc hiện đại ở Việt Nam giữa thế kỉ 20 để trình bày trong sách. 150 công trình là số lượng khổng lồ mà hiện nay, chưa có sách nghiên cứu nào về kiến trúc hiện đại miền Nam Việt Nam đạt đến con số này. Đây là một minh chứng cho sự tuyển lựa số lượng trong kiến trúc hiện đại Việt Nam, chứng tỏ người Việt tiếp thu chủ nghĩa hiện đại hơn hầu hết các nền văn hóa khác trên thế giới. Một tác phẩm khác gần nhất về chủ đề này là bài nghiên cứu khoa học mang tên Kiến trúc hiện đại của Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh công bố vào tháng 8 năm 2017, cũng chỉ mới có 40 công trình được phân tích và liệt kê.

Tuy vậy, Kiến trúc Hiện đại miền Nam Việt Nam không phải là một tác phẩm học thuật khó tiếp cận. Để tác phẩm đến được với nhiều bạn đọc phổ thông, tác giả Mel Schenck đã cố gắng lược bỏ nhiều thuật ngữ kiến trúc chuyên dụng. Ông chỉ giữ lại một số ít biệt ngữ không thể thiếu trong việc mô tả kiến trúc và giải thích ý nghĩa rõ ràng ngay từ đầu sách. Cách ông giải thích những thuật ngữ này giúp người đọc dễ dàng nắm bắt được sự phong phú và trừu tượng của kiến trúc hiện đại Việt Nam.

Phát triển kiến trúc hiện đại là cách người miền Nam hướng về tương lai

Kiến trúc hiện đại Việt Nam là một câu chuyện cần được thế giới công nhận, và sự công nhận này phải bắt đầu từ các kiến trúc sư, các nhà sử học, nhà giáo dục và những người đam mê kiến trúc trên thế giới, đặc biệt là cộng đồng kiến trúc tại Việt Nam. Độc giả của Kiến trúc Hiện đại miền Nam Việt Nam sẽ khám phá ra rằng kiến trúc hiện đại miền Nam Việt Nam sẽ lấp đầy khoảng trống giữa chủ nghĩa công năng của Phong cách Quốc tế và nhiệm vụ tìm kiếm bản sắc, tinh thần vốn bị khuyết thiếu trong kiến trúc hiện đại trên toàn thế giới.

Phong cách kiến trúc này thể hiện việc tìm kiếm một bản sắc Việt Nam độc lập vượt khỏi chủ nghĩa thực dân, kết hợp với lối kiến trúc truyền thống Việt Nam mà không sao chép, từ đó thể hiện cái nhìn hướng đến tương lai, thay vì nhìn về quá khứ của người dân miền Nam.

Bằng sự tinh tường của một kiến trúc sư hơn 50 năm kinh nghiệm, Mel Schenck đã khái quát được những nét đặc trưng nổi bật của kiến trúc miền Nam Việt Nam, giúp người đọc cảm nhận vẻ đẹp kiến trúc và trân trọng hơn không gian mình sinh sống, nhất là trong bối cảnh các công trình cũ vào một lúc nào đó có thể bị các công trình mới thay thế.

Tác phẩm Kiến trúc Hiện đại miền Nam Việt Nam sẽ được thảo luận trong khuôn khổ của chương trình Trà đàm 2: Tính hiện đại và chủ nghĩa hiện đại trong kiến trúc với kiến trúc sư Mel Schenck vào lúc18:30 ngày 10.03.2023 tại Nam Thi House (152 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, Tp. HCM).

Trích đoạn

Trong khi hầu hết các tòa nhà cao tầng theo Phong cách Quốc tế của kiến trúc hiện đại thế giới đều có lớp vỏ bề mặt bằng kính và kim loại nhẵn bóng, thì kiến trúc hiện đại Việt Nam lại phô bày rất nhiều điểm nhấn ở mặt tiền, vì vậy chúng tôi cho rằng kiến trúc hiện đại Việt Nam thường có tính chi tiết cao. Cấu trúc vỏ kép và việc áp dụng thành phần lam gió (brise-soleil) đem đến bố cục đa dạng giữa các khoảng hở và phần nhô ra ở mặt tiền khiến cho công trình trở nên hấp dẫn với mức độ chi tiết cao.”

***

Phong cách kiến trúc hiện đại của kiến trúc sư người Pháp gốc Thụy Sĩ Le Corbusier thường chuộng ô khối, kỹ thuật này bao gồm các bức tường lửng vuông góc với tường bao ngoài của mặt tiền nhằm ngăn cản ánh nắng mặt trời làm nóng phần tường bao ngoài. Brise-soleil là một thuật ngữ tiếng Pháp dùng để chỉ các thành phần chắn nắng, và dù do Le Corbusier khởi phong, kỹ thuật này lại được các kiến trúc sư Brazil, Ấn Độ và Việt Nam sử dụng hiệu quả hơn cả nhằm giảm thiểu tác động của ánh nắng vùng khí hậu nhiệt đới.”

***

Các tòa nhà hình thành từ bố cục tương tự như tác phẩm âm nhạc hay nghệ thuật. Vào thời cổ đại, cấu tạo bắt nguồn từ những tiền lệ, quy tắc và trật tự. Kiến trúc hiện đại đã mượn ý tưởng và triết lý về việc kết hợp các bộ phận và lắp ráp chúng thành một bố cục mang tính trừu tượng hài hòa với đầy đủ chức năng. Khi các phong cách kiến trúc hiện đại toàn cầu theo đuổi sự tối giản với bố cục đơn giản, thì kiến trúc hiện đại Việt Nam lại cầu kỳ hơn và do đó, bố cục hài hòa là mục tiêu cơ bản của thiết kế Việt Nam.”

Nhận định

“Cuốn sách của một người Mỹ làm chúng ta phải đi chậm lại, hồi tưởng, nghĩ suy về những điều giản dị, tinh tế và nhuần nhị trên đường phố, được thực hiện bởi chính khối óc và đôi bàn tay của người Việt, những người Việt của một thời đã qua.”

– Nguyễn Ngọc Sơn, Giảng viên Đại học Kiến trúc TP. HCM

“Điều hiển nhiên xác thực là Mel Schenck say mê và có một tình yêu lớn với kiến trúc hiện đại miền Nam Việt Nam. Dưới góc nhìn tinh tường của một kiến trúc sư giàu kinh nghiệm tại Mỹ, cùng lối tư duy sắc sảo của một nhà nghiên cứu chuyên sâu có nhiều năm sinh sống tại Việt Nam, Mel Schenck đã đem đến cho bạn đọc trong và ngoài nước nguồn dữ liệu phân tích quý giá về các công trình kiến trúc hiện đại nơi đây.

Thông qua từng trang sách được trau chuốt kỹ lưỡng, những di sản kiến trúc của thế hệ kiến trúc sư Việt Nam thời kỳ vàng son sẽ phần nào giúp chúng ta hình dung rõ hơn nét đặc trưng của nền kiến trúc hiện đại mang đậm dấu ấn Việt.”

– Đàm Vũ, Kiến trúc sư KIENTRUC O

Về tác giả

Mel Schenck là một kiến trúc sư người Mỹ với hơn 50 năm kinh nghiệm quản lý thiết kế và xây dựng các dự án quy hoạch và xây dựng phức tạp. Ông lấy bằng cử nhân Kiến trúc tại Đại học Montana năm 1970, bằng Thạc sĩ Kiến trúc tại Đại học California ở Berkeley năm 1981, và là thành viên của Hiệp hội Sử gia Kiến trúc Hoa Kỳ.

Mel Schenck

Alexandre Garel sinh ra tại Pháp nhưng hiện đang sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2011. Anh ghi dấu ấn trong lĩnh vực sáng tạo tại Việt Nam và Pháp với tư cách là một nhiếp ảnh gia kiến trúc, phóng viên ảnh và nhiếp ảnh gia du lịch.

Alexandre Garel

Book trailer

Rời khỏi Sài Gòn – Hành trình một nhân viên ngân hàng đưa 113 thường dân rời đi vào tháng 4/1975

Trong những ngày tháng Tư nhiều biến động nhất của lịch sử, một nhân viên ngân hàng 27 tuổi đã thực hiện một nhiệm vụ tưởng chừng bất khả thi. Rời khỏi Sài Gòn – cuốn hồi ký chân thực, đầy kịch tích của Ralph White – là minh chứng sống động về sức mạnh của tình người và một quyết định nhân văn vượt lên trên mọi mệnh lệnh.

Published

on

Rời khỏi Sài Gòn, tác phẩm vừa được Phương Nam Book liên kết xuất bản, là một câu chuyện về lòng dũng cảm phi thường nảy sinh từ một con người bình thường, một lát cắt sống động về những ngày cuối cùng của cuộc chiến được kể lại từ góc nhìn của một người trong cuộc. Ralph White không được lệnh phải làm người hùng, nhưng đứng trước lằn ranh sinh tử của những người đồng sự, ông đã chọn làm điều đúng đắn, viết nên một trong những câu chuyện nhân văn và kịch tính nhất về những ngày tháng Tư năm 1975.

Người cứu tinh bất đắc dĩ giữa lòng đô thị rối ren

Khi Ralph White, một nhân viên ngân hàng trẻ tuổi của Chase Manhattan, nhận nhiệm vụ tạm thời chuyển từ chi nhánh Bangkok đến Sài Gòn vào giữa tháng 4 năm 1975, ông chỉ nghĩ đó là một cuộc phiêu lưu ngắn ngày. Nhiệm vụ chính thức của ông có hai phần mâu thuẫn: giữ cho chi nhánh Sài Gòn hoạt động càng lâu càng tốt để thể hiện sự ổn định, đồng thời chuẩn bị sơ tán cho vài nhân viên cấp cao người Việt khi tình hình trở nên không thể cứu vãn. Với tính cách của một thanh niên 27 tuổi đam mê phiêu lưu, thích lái máy bay và mô tô, White không phải là hình mẫu của một chiến lược gia dày dạn kinh nghiệm. Ông chỉ là một quân cờ được cấp trên cử đi, một người có thể hy sinh nếu mọi chuyện không thành.

Thế nhưng, Sài Gòn mà White đối mặt không giống như những gì ông được nghe kể. Ẩn sau vẻ ngoài dường như vẫn bình lặng của thành phố, không khí căng thẳng bao trùm khắp nơi. Đồng thời, những khó khăn từ phía đại sứ quán Mỹ khiến cho mọi kế hoạch sơ tán chính thức gần như bị đóng băng. White nhanh chóng nhận ra sự thật phũ phàng: những lời hứa hẹn từ Tòa Đại sứ chỉ là lời nói suông. Ông và các nhân viên của mình đang đơn độc.

Bước ngoặt quyết định đã đến khi một nữ nhân viên trẻ tuổi hỏi ông trong lúc tuyệt vọng rằng liệu họ có bị bỏ lại để rồi phải đối diện với cái chết hay không. Khoảnh khắc đó đã biến một nhiệm vụ công việc thành một sứ mệnh lương tâm. Không chút do dự, Ralph White hứa rằng ông sẽ không bỏ mọi người ở lại. Lời hứa đó đã ràng buộc số phận của ông với 113 con người, bao gồm toàn bộ nhân viên ngân hàng và gia đình họ. Từ một nhân viên ngân hàng vô danh, ông trở thành người bảo trợ bất đắc dĩ, gánh trên vai sinh mạng của cả một “gia đình” mà ông vừa mới “nhận nuôi”. Cuộc phiêu lưu đã kết thúc, nhường chỗ cho một cuộc chạy đua sinh tử.

Cuộc chạy đua với thời gian và bộ máy hành chính

Khi đã quyết định sẽ đưa tất cả mọi người đi, Ralph White lao vào một cuộc chiến thực sự, không phải với súng đạn, mà với sự thờ ơ của bộ máy hành chính và thời gian đang cạn dần. Trở ngại lớn nhất của ông chính là Tòa Đại sứ Mỹ. Đại sứ Graham Martin đã từ chối tiến hành một cuộc sơ tán quy mô lớn, cho rằng hành động đó sẽ gây hoảng loạn và làm suy sụp tinh thần chiến đấu. Chính sách chính thức chỉ cho phép sơ tán công dân Mỹ và những người Việt có mối quan hệ trực tiếp với người Mỹ. Các nhân viên của Chase Manhattan, vì là người Việt không có mối quan hệ trực tiếp, nên hoàn toàn không đủ điều kiện.

May mắn thay, giữa bộ máy hành chính cứng nhắc ấy, vẫn có những người tốt. White tình cờ khám phá ra một mạng lưới sơ tán bí mật, được vận hành bởi một nhóm nhỏ các nhân viên ngoại giao và quân sự Mỹ quả cảm. Họ hành động âm thầm sau lưng đại sứ, liều lĩnh cả sự nghiệp của mình để làm điều đúng đắn. Những cái tên như Shep Lowman và Kenneth Moorefield đã trở thành tia hy vọng le lói. Bên cạnh đó, nhờ vào sự nhanh nhạy, White đã tự xây dựng một mạng lưới thông tin của riêng mình. Ông kết bạn với Nga, một cô gái điếm 17 tuổi thông minh; nhờ đó, ông nhận được thông tin tình báo quý giá từ người anh trai của cô.

Đỉnh điểm của sự căng thẳng diễn ra tại Trung tâm Kiểm soát Sơ tán (ECC) ở sân bay Tân Sơn Nhất. Sau khi xoay xở để có được những chuyến xe buýt quân sự đưa người của mình vượt qua các trạm kiểm soát, White đối mặt với rào cản cuối cùng: giấy tờ. Không có giấy phép xuất cảnh, không có thị thực, 113 người của ông không thể lên máy bay. Trong khoảnh khắc quyết định, khi đối mặt với một vị phó lãnh sự, White đã đưa ra một câu trả lời táo bạo và đầy tính nhân văn. Khi được hỏi về mối quan hệ với những người này, ông khẳng định: “Họ là gia đình của tôi.” Ông cam kết chịu trách nhiệm tài chính và bảo trợ cho tất cả 113 người. Bằng sự quyết đoán và lòng chân thành không thể lay chuyển, ông đã thuyết phục được vị phó lãnh sự, biến một quy trình hành chính lạnh lùng thành một hành động cứu người. Đó là khoảnh khắc mà 113 nhân viên và người thân của họ chính thức trở thành gia đình của Ralph White.

Di sản của lòng nhân ái và sự quả cảm

Rời khỏi Sài Gòn vượt xa khuôn khổ của một cuốn hồi ký lịch sử thông thường. Sức hấp dẫn của tác phẩm không chỉ nằm ở câu chuyện phi thường mà còn ở giọng văn độc đáo của Ralph White – một giọng văn ngắn gọn, dứt khoát, pha lẫn sự châm biếm và dí dỏm. White không tự tô vẽ mình thành một người hùng hoàn hảo. Ông thẳng thắn kể về những lúc sợ hãi, những quyết định bốc đồng, và cả sự may mắn đến khó tin đã giúp ông thành công. Chính sự tự giễu và khiêm tốn này đã khiến ông trở thành một người kể chuyện đáng tin cậy, gần gũi, giúp độc giả có thể đồng cảm sâu sắc với hành trình của ông.

Cuốn sách còn là một minh chứng mạnh mẽ về di sản của lòng nhân ái và sự kết nối giữa người với người. Ralph White luôn khiêm tốn khi nói về vai trò của mình, ông nhấn mạnh rằng những người hùng thực sự là các nhân viên ngoại giao Mỹ đã liều mình giúp đỡ. Tuy nhiên, tình cảm mà ông dành cho 113 người mà ông đã cứu là không thể phủ nhận: “Tôi không có con cái, và 113 người được tôi bảo trợ vào ngày 24 và 25/4/1975 là gia đình duy nhất mà tôi từng có.” Mối liên kết đó không hề chấm dứt khi máy bay cất cánh. Nhiều người trong số họ đã tiếp tục làm việc cho Chase tại Mỹ và có một cuộc sống mới. Cuộc đời của Nga – cô gái được ông gửi đến sống cùng mẹ mình, tốt nghiệp trung học và đại học rồi trở thành giáo viên – chính là cái kết đẹp cho một câu chuyện đầy bão tố.

Rời khỏi Sài Gòn không chỉ mang đến góc nhìn cận cảnh về một giai đoạn lịch sử đầy biến động, mà còn là câu chuyện truyền cảm hứng về sức mạnh của một cá nhân. Tác phẩm của Ralph White là một lời nhắc nhở rằng lịch sử không chỉ được tạo dựng bởi những trận chiến hay những quyết định chính trị vĩ mô, mà còn được dệt nên từ vô số hành động quả cảm và đầy tình nhân ái của những con người bình thường.

Trích đoạn

“Ở Việt Nam, họ thường đứng trước tên. Hai người phụ nữ họ Nguyễn không có quan hệ họ hàng gì với nhau. Trong lần đến Việt Nam với vai trò là người phụ trách của American Express, tôi biết được rằng khoảng 40% người Việt sử dụng cái họ đó, dòng dõi của triều đại phong kiến cuối cùng. Nó được phát âm với một âm tiết duy nhất. Âm vị ng hiện diện trong tiếng Anh ở cuối các từ như running. Bí quyết để phát âm họ Nguyễn mở đầu bằng âm vị ng là gốc lưỡi chạm nhẹ lên vòm miệng. Hay đọc từ running câm và nâng đầu lưỡi lên trước khi phát âm. Cách đọc cũng tương tự với tên Nga, vốn là một trong những tên nữ phổ biến ở Việt Nam. Người Việt đánh giá cao việc một người Mỹ nỗ lực phát âm đúng tên họ. Họ đã quen với chuyện bị đọc sai tên.”

***

“Đó là một cái kén văn minh giữa bạo lực lan tràn và nỗi đau cộng hưởng từ chiến tranh; một khu rừng văn minh nho nhỏ với những chiếc bàn nằm rải rác giữa những cây chuối, hoa bụi và một vài cây đa non. Đồ ăn tại đó vừa bình dân vừa có phần cao cấp. Trải nghiệm của tôi chủ yếu là bữa sáng, với bánh sừng bò, cà phê Pháp và không gian lịch sử. Quán cà phê sân vườn tại Continental là một góc nhìn thoáng qua về thiên đường đầy cám dỗ mà ký ức không nỡ buông bỏ.”

***

“Tôi không có con cái, và 113 người được tôi bảo trợ vào ngày 24 và 25/4/1975 là gia đình duy nhất mà tôi từng có. Tôi không ngừng suy đoán cuộc sống của họ đã thay đổi như thế nào kể từ khi gặp tôi. Và cuộc sống của tôi đã biến chuyển ra sao kể từ khi gặp họ.”

Nhận xét của báo chí

“Những gì White khiêm tốn gọi là ‘15 phút tỏa sáng’ của mình chính là minh chứng cho lòng nhân đạo sâu sắc của ông… Đúng như những gì ông đã viết ‘Không chỉ là những người tị nạn, nhân viên, cộng sự, họ chính là gia đình tôi.’”

Publisher Weekly

“Một câu chuyện độc đáo, kịch tính về Chiến tranh Việt Nam... White đã thuật lại câu chuyện đầy cảm hứng của mình bằng sự dí dỏm, hào hoa, khiêm nhường và một cảm nhận đầy lôi cuốn về thời gian và địa điểm.”

Kirkus Reviews

“Một câu chuyện nghẹt thở, quá đỗi phi thường đến mức khó tin.”

OprahDaily.com

Về tác giả

Ralph White, một chuyên gia tài chính kiêm tác giả người Mỹ, người được giao nhiệm vụ đóng cửa Chi nhánh Chase tại Sài Gòn trong những ngày cuối cùng của mùa xuân năm 1975. Năm 1981, ông trở lại trụ sở chính của Chase tại New York để đảm nhận vai trò tại Phòng Kế hoạch Chiến lược Quốc tế và giữ chức Phó Chủ tịch tại đây. Sau khi hoàn thành chương trình MBA tại Đại học Columbia, ông tiếp tục phát triển sự nghiệp trong ngành tài chính, đồng thời thành lập Columbia Fiction Foundry, một cộng đồng viết văn dành cho cựu sinh viên Columbia. Hiện ông đang sinh sống tại New York và Litchfield, Connecticut.

Kodaki

Đọc bài viết

Giới thiệu sách

Tủ sách đầu đời cho trẻ từ 0 đến 6 tuổi

Published

on

Việc nuôi dưỡng thói quen đọc sách cho trẻ nhỏ là mối quan tâm lớn của nhiều bậc phụ huynh, bởi độ tuổi từ 0 - 6 là giai đoạn vàng các bé bắt đầu phát triển về mặt nhận thức, cảm xúc và ngôn ngữ từ thế giới xung quanh. Chính vì thế, để tạo điều kiện cho bé tiếp xúc với sách từ sớm thì sách thiếu nhi - cụ thể là sách tranh - chính là trợ thủ đắc lực của các bậc phụ huynh.

Với những hình ảnh sống động, màu sắc rực rỡ đi kèm với những câu chuyện đơn giản và dễ hiểu, sách tranh sẽ giúp trẻ nhỏ gieo mầm thói quen đọc sách, nuôi dưỡng sự yêu thích với sách từ nhỏ. Cùng với đó, trẻ sẽ được kích thích trí tưởng tượng bay xa, khả năng tư duy độc lập, học cách phản hồi và nhận biết cảm xúc qua hành vi ứng xử đời thường, đồng thời rèn luyện thêm về ngôn ngữ một cách tự nhiên qua việc lắng nghe và tương tác cùng cha mẹ trong giờ đọc sách. Đặc biệt, việc cùng nhau đọc sách còn mang lại những khoảnh khắc gắn kết đầy ấm áp, giúp cha mẹ thấu hiểu con hơn và tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Vì thế, sách tranh không chỉ là món đồ giải trí đơn thuần mà còn là một phương tiện giáo dục hiệu quả cho trẻ mà phụ huynh nào cũng nên có trên kệ sách nhà mình.

Hiểu được điều đó, Bookish xin được giới thiệu đến phụ huynh một số combo sách tranh đặc sắc, được chia theo từng độ tuổi cụ thể từ 0 đến 6 tuổi, giúp việc lựa chọn sách cho bé trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.

SÁCH TRANH DÀNH CHO BÉ TỪ 0 - 3 TUỔI

Ở độ tuổi từ 0 - 3, dù chưa thể tự tư duy độc lập nhưng đây là giai đoạn đầu đời mà trẻ luôn tò mò và hứng thú về thế giới xung quanh, từ đó thị giác, xúc giác và khả năng nhận diện hình ảnh phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, sách tranh đóng vai trò như “chiếc cầu nối” đầu tiên giữa trẻ và thế giới. Những cuốn sách được thiết kế riêng cho các bé ở độ tuổi này thường ít chữ, nhiều hình và có yếu tố tương tác, nhằm giúp bé tạo nền tảng cho tư duy đa chiều, khả năng quan sát và phát triển cảm xúc.

Dưới đây là hai combo sách nổi bật, được nhiều phụ huynh lựa chọn khi bắt đầu cho bé làm quen với sách:

Combo Từ Điển Muôn Loài

Từ Điển Muôn Loài là bộ sách tranh dành cho trẻ sơ sinh và mầm non. Nội dung trong sách mở ra một hành trình kỳ thú, đưa bé khám phá thế giới động vật thông qua các hình ảnh minh họa dễ thương và đầy màu sắc sinh động kèm với những hình dán tương tác gần gũi.

Điểm nổi bật của bộ sách nằm ở sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố học tập và giải trí, mang lại trải nghiệm đọc sách đầy hứng thú cho trẻ. Các hình dán tương tác cho phép bé tự tay dán hình, chọn đúng các con vật theo gợi ý, giúp việc đọc trở thành một trò chơi học tập nhẹ nhàng. Nội dung được trình bày bằng từ ngữ đơn giản, dễ hiểu và có tính lặp lại cao, hỗ trợ bé ghi nhớ hiệu quả và phát triển ngôn ngữ tự nhiên. Không chỉ vậy, thiết kế bắt mắt với những trang màu sắc rực rỡ, hình ảnh sống động sẽ kích thích thị giác và tăng sự chú ý ngay từ những lần đầu tiếp xúc với bộ sách.

Bộ sách nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các bậc phụ huynh. Nhiều người chia sẻ rằng sau khi mua sách về, các bé rất hào hứng khám phá hình ảnh ngộ nghĩnh, từ đó thêm yêu thích việc đọc và học hỏi về các loài vật xung quanh. Những nhận xét này cho thấy Từ Điển Muôn Loài không chỉ hấp dẫn về mặt hình ảnh, mà còn tạo ra môi trường tương tác hiệu quả, khuyến khích trẻ làm quen với sách và phát triển kỹ năng nhận biết, vận động.

Combo Tommy Cá Sấu Nhỏ

Tommy Cá Sấu Nhỏ là bộ sách tranh không lời gồm 5 tập, kể về những chuyến phiêu lưu đầy sáng tạo của chú cá sấu nhỏ hiếu động tên Tommy. Tác giả của bộ sách, Eddy Coubeaux, là một họa sĩ chuyên nghiệp người Bỉ, từng xuất bản nhiều tập truyện tranh tại Châu Âu. Với nét vẽ dí dỏm, sinh động và lối kể chuyện mở, Eddy mang đến một thế giới vừa gần gũi vừa đầy bất ngờ cho các độc giả nhí.

Bộ sách không chỉ gây ấn tượng về mặt thẩm mỹ mà còn mang lại nhiều lợi ích nổi bật cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ. Nhờ việc không có lời thoại, trẻ được khuyến khích tự kể chuyện theo cách riêng, từ đó phát triển trí tưởng tượng và tư duy hình ảnh một cách linh hoạt. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để cha mẹ cùng con tương tác, đặt câu hỏi, tạo nên những giờ kể chuyện thú vị và đầy gắn kết. Những chuyến phiêu lưu của Tommy cũng nhẹ nhàng lồng ghép các giá trị giáo dục mềm như tình bạn, tinh thần khám phá và sự sáng tạo – những bài học quý giá cho trẻ trong giai đoạn phát triển đầu đời.

Nhiều phụ huynh đánh giá cao bộ truyện vì khả năng khơi gợi trí tưởng tượng, phát triển tư duy độc lập và nuôi dưỡng niềm yêu thích kể chuyện cho trẻ. Với những khung truyện màu sắc, sinh động và phần thoại bỏ trống, Tommy Cá Sấu Nhỏ không chỉ là một bộ sách tranh giải trí mà còn là công cụ giáo dục trực quan, vừa học vừa chơi vô cùng bổ ích.

Sách tranh cho bé từ 0-3 tuổi không cần quá nhiều chữ hay có nội dung phức tạp. Điều quan trọng nhất là tạo nên môi trường đọc sách thú vị, gần gũi và mang tính khám phá để nuôi dưỡng tình yêu sách từ những bước đầu tiên. Hai combo sách trên chính là lựa chọn tuyệt vời để mở đầu hành trình ấy cho trẻ nhỏ.

SÁCH TRANH DÀNH CHO BÉ TỪ 3 - 6 TUỔI

Từ 3 đến 6 tuổi là giai đoạn trẻ bắt đầu khám phá thế giới bằng khả năng ngôn ngữ, cảm xúc và tư duy độc lập. Ở độ tuổi này, trẻ không chỉ bị thu hút bởi hình ảnh mà còn bắt đầu quan tâm đến những câu chuyện, nhân vật và bài học ẩn sau mỗi trang sách. Những sách tranh cho bé 3-6 tuổi không chỉ dừng lại ở chức năng giải trí, mà còn trở thành công cụ giáo dục hiệu quả: nuôi dưỡng trí tưởng tượng, dạy trẻ cách nhận biết cảm xúc, giao tiếp và giải quyết các tình huống thường nhật.

Nếu bạn đang tìm kiếm những phương pháp giáo dục cảm xúc cho trẻ hoặc dạy kỹ năng sống, dưới đây là các tựa sách đáng cân nhắc:

Combo Cùng Bé Lớn Khôn – Berry và Dolly

Berry và Dolly là bộ sách thiếu nhi nổi tiếng của Hungary, nằm trong series BOGYÓ ÉS BABÓCA do nữ tác giả Bartos Erika viết lời và minh họa. Bộ truyện đã được chuyển thể thành phim hoạt hình vào năm 2010 và nhanh chóng trở thành người bạn thân thiết với nhiều em nhỏ trên toàn thế giới.

Nội dung xoay quanh những câu chuyện đời thường của đôi bạn thân là cậu bé ốc sên Berry và cô bé bọ rùa Dolly trong những năm tháng mẫu giáo. Những niềm vui, mâu thuẫn nhỏ, sự buồn bã hay sẻ chia đều được tác giả truyền tải qua lăng kính trong trẻo, giản dị và gần gũi với tâm lý trẻ nhỏ. Ngoài ra, bộ sách còn khéo léo đưa vào các chủ đề “khó nói” như sự đố kỵ, sợ hãi, ăn năn hay mất mát, từ đó gửi gắm những bài học nhẹ nhàng về cảm xúc, kỹ năng sống và cách ứng xử với người xung quanh.

Đây là điểm nổi bật của bộ sách Berry và Dolly khi kết hợp hài hòa giữa hình ảnh minh họa tươi sáng cùng với nội dung giáo dục về cảm xúc, phù hợp với lứa tuổi mẫu giáo. Đồng thời, các nhân vật được khắc họa dễ thương, gần gũi, giúp trẻ dễ dàng đồng cảm và hình thành kỹ năng giải quyết vấn đề qua từng tình huống cụ thể. Qua đó, bộ sách cũng góp phần phát triển trí tưởng tượng và trí thông minh cảm xúc (EQ) cho trẻ thông qua trải nghiệm đọc phong phú.

Combo Thỏ Nhí Ham Học Hỏi (song ngữ Việt – Anh)

Tiếp nối thành công từ bộ truyện thiếu nhi Tommy Cá Sấu Nhỏ, họa sĩ Eddy Coubeaux trở lại với loạt truyện mới đầy thú vị và giàu sáng tạo mang tên Thỏ Nhí Ham Học Hỏi. Nhân vật chính Thỏ Nhí là một người bạn mới đáng yêu, luôn háo hức khám phá thế giới xung quanh thông qua những trải nghiệm gần gũi và không kém phần thú vị.

Bộ sách mang đến nhiều lợi ích thiết thực cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Trước hết, sách được trình bày dưới dạng song ngữ Anh - Việt, giúp trẻ bước đầu làm quen với tiếng Anh thông qua những câu chuyện nhẹ nhàng, tạo nền tảng ngoại ngữ từ sớm một cách tự nhiên. Bên cạnh đó, nội dung sách được xây dựng xoay quanh những tình huống đầy tính khám phá như vẽ tranh, làm bánh, bay liệng trên bầu trời, giúp kích thích trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo ở trẻ. Và mỗi câu chuyện đều lồng ghép những bài học ý nghĩa về kỹ năng học hỏi, tinh thần làm việc nhóm và cách vượt qua thử thách, từ đó nuôi dưỡng tinh thần chủ động và khả năng thích ứng trong cuộc sống hàng ngày.

Combo Tủ sách Chồi Non

Tủ Sách Chồi Non là bộ sách thiếu nhi đặc biệt dành cho trẻ trong độ tuổi mầm non, mang đến niềm vui đọc sách và đồng hành cùng tuổi thơ của bé qua những câu chuyện nhẹ nhàng, gần gũi mà giàu tính giáo dục. Sách được chấp bút bởi những tác giả nổi tiếng từng chạm đến trái tim của biết bao em nhỏ, và cả những người lớn đã từng là trẻ con.

Bộ sách là sự kết hợp tinh tế giữa nội dung sâu sắc và hình minh họa sinh động. Với nét vẽ hiện đại, tươi sáng từ các họa sĩ trẻ yêu sách tranh góp phần kích thích trí tưởng tượng, đưa các em bước vào thế giới đầy màu sắc của cảm xúc và khám phá. Không chỉ dừng lại ở những câu chuyện đơn thuần, mỗi trang sách còn khơi gợi lòng biết ơn, tình cảm gia đình và những giá trị nhân văn sâu sắc, đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng cảm xúc và phát triển nhân cách cho trẻ trong giai đoạn đầu đời.

Combo Công Chúa Áo Đen

Công Chúa Áo Đen là bộ truyện tranh đặc biệt dành cho những bé gái yêu thích hình mẫu công chúa hiện đại không chỉ dịu dàng mà còn dũng cảm, năng động và độc lập. Thay vì hình tượng quen thuộc “công chúa chờ được giải cứu”, bộ sách mở ra thế giới của những nàng công chúa biết hành động, tự quyết định vận mệnh và lên tiếng bảo vệ điều đúng đắn.

Bộ truyện ghi điểm nhờ phá vỡ khuôn mẫu truyền thống, mang đến hình ảnh cô công chúa bản lĩnh, độc lập và đầy cá tính. Được sáng tác bởi bộ đôi tác giả Shannon & Dean Hale và minh họa bởi họa sĩ gốc Việt LeUyen Pham – người từng đoạt giải thưởng Newbery Honor, truyện không chỉ hấp dẫn về mặt hình ảnh mà còn sâu sắc trong nội dung. Mỗi tập truyện đều xoay quanh hình mẫu nhân vật nữ truyền cảm hứng được đại diện bởi công chúa Mộc Lan, mang đến thông điệp tích cực về sự tự tin và lòng dũng cảm – những phẩm chất cần thiết cho trẻ trong quá trình hình thành nhân cách và khám phá bản thân.

Đây là lựa chọn lý tưởng cho các bé yêu thích phiêu lưu, hành động, và mong muốn tìm thấy hình mẫu truyền cảm hứng trong chính các nhân vật mình yêu mến.

Combo Trường Học Khủng Long

Nếu bé nhà bạn yêu thích thế giới khủng long và đang chuẩn bị bước vào môi trường học tập đầu tiên, Trường Học Khủng Long chắc chắn sẽ là người bạn đồng hành lý tưởng. Bộ sách tranh vui nhộn gồm 5 tập, xoay quanh những tình huống hài hước, gần gũi tại lớp học của những “học sinh khủng long” đáng yêu. Qua từng câu chuyện, trẻ không chỉ bật cười vì những trò tinh nghịch của các nhân vật mà còn học được cách ứng xử, hợp tác và giải quyết vấn đề trong môi trường tập thể.

Trường Học Khủng Long không chỉ hấp dẫn bởi nét vẽ tươi vui mà còn ghi điểm nhờ những bài học tinh tế được lồng ghép trong từng câu chuyện cụ thể. Chẳng hạn, ở tập truyện "Diplo Ơi, Cậu Là Người Hùng", trẻ được học về lòng dũng cảm và sự tử tế thông qua hình ảnh chú khủng long Diplo dù bị trêu chọc vẫn âm thầm giúp đỡ bạn bè. Hay trong tập "Bạn Thân Là Vậy Đó, Tricé" giúp trẻ nhận diện những cảm xúc mâu thuẫn trong tình bạn và học cách giải quyết khéo léo.

Thông qua từng câu chuyện, bộ sách không chỉ khơi gợi sự thích thú khi đọc mà còn là công cụ hỗ trợ phụ huynh dạy con những kỹ năng ứng xử và cảm xúc đầu đời một cách tự nhiên.

Từ sách tranh giáo dục cảm xúc đến những câu chuyện hài hước, phiêu lưu sáng tạo, mỗi combo sách trên không chỉ đơn thuần giúp bé giải trí mà còn khơi dậy nhiều bài học quý giá về tình bạn, sự sẻ chia và niềm yêu thích học hỏi. Việc lựa chọn sách tranh cho bé từ 3-6 tuổi không chỉ là mua một cuốn truyện – đó là đầu tư cho hành trình phát triển tâm hồn và tư duy của trẻ.

Mỗi giai đoạn phát triển của trẻ đều đi kèm với những nhu cầu, khả năng tiếp nhận và cách học hỏi rất khác nhau. Chính vì vậy, việc lựa chọn sách phù hợp với độ tuổi không chỉ giúp trẻ cảm thấy hứng thú khi đọc, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng trí tuệ, cảm xúc và kỹ năng xã hội ngay từ những năm đầu đời.

Một cuốn sách phù hợp sẽ mở ra cánh cửa của trí tưởng tượng, khơi gợi sự tò mò và dạy trẻ những bài học nhỏ bé nhưng đầy ý nghĩa. Và quan trọng hơn cả, sách không chỉ là “người thầy đầu tiên”, mà còn có thể trở thành “người bạn đồng hành” cùng cha mẹ trong hành trình lớn lên của con.

Gợi ý nhỏ dành cho phụ huynh, hãy dành thời gian đọc sách cùng con mỗi ngày – đặt câu hỏi, gợi mở câu chuyện, để giờ đọc sách không chỉ là hoạt động học tập, mà còn là thời gian gắn bó, sẻ chia đầy yêu thương giữa các thành viên trong gia đình.

Quý Nghĩa

Đọc bài viết

Giới thiệu sách

Mono no aware và tinh thần Phật giáo: Cái đẹp của sự tàn phai trong văn học Nhật Bản

Published

on

Trong không gian văn hóa Nhật Bản, hiếm có khái niệm nào lại thấm đẫm linh hồn dân tộc như mono no aware – cảm xúc mẫn cảm trước vẻ đẹp mong manh của vạn vật, và sự buồn bã dịu dàng trước sự tàn phai không tránh khỏi. Nhưng điều đáng chú ý là ẩn sau cảm xúc mang tính thẩm mỹ ấy lại là một cái nhìn rất gần với tinh thần Phật giáo – nơi mọi vật đều là vô thường, là khổ, là vô ngã. Tinh thần này không chỉ xuất hiện trong thơ cổ hay nghệ thuật truyền thống, mà còn hiện diện sâu sắc trong những tác phẩm văn học hiện đại – đặc biệt là nơi những nhà văn sống vào thời đại rối loạn như Dazai Osamu, Mori Ōgai hay Higuchi Ichiyō.

Trong bài viết này, Bookish sẽ đi sâu phân tích năm tác phẩm: Thất lạc cõi người, Tà dương, Nữ sinh (Dazai Osamu), Nhạn (Mori Ōgai), và Một mùa thơ dại (Higuchi Ichiyō) – để thấy rõ cách mà mono no aware hòa quyện với tinh thần Phật giáo, trở thành một kiểu thức mỹ học mang chiều sâu triết lý, không phải của sự tuyệt vọng, mà là của cái nhìn tỉnh thức trước lẽ vô thường của đời người.

Mono no aware – từ mỹ học đến minh triết

Trước hết, cần hiểu mono no aware không chỉ là một cảm thức thẩm mỹ, mà còn là một lối nhìn thế giới. Nó xuất phát từ việc ý thức được rằng mọi vật đều sẽ tàn phai, và từ đó khơi lên một cảm xúc buồn dịu, mềm mại, nhưng không hề bi lụy. Đây cũng chính là một biểu hiện văn hóa của tư tưởng vô thường (anicca) trong Phật giáo – rằng mọi hiện tượng đều sinh diệt, không gì trường cửu. Nhưng khác với thái độ tiêu cực hoặc trốn chạy, mono no aware khuyến khích con người chấp nhận, yêu thương, và sống sâu sắc trong khoảnh khắc hiện tại.

Chính vì thế, khi phân tích những nhân vật văn học chìm đắm trong u hoài, cô đơn, hoặc cảm giác tách biệt với thế giới, ta không nên vội gán cho họ một màu sắc bi quan tuyệt đối. Trái lại, trong sự đổ vỡ và tha hóa ấy, vẫn có những khoảnh khắc tỉnh thức, nơi cái đẹp của sự sống lặng lẽ hiện ra, dù chỉ trong một khoảnh khắc phù du.

Dazai Osamu – Trong cái chết là sự thấu hiểu cuộc sống

1. Thất lạc cõi người – Khi “vô thường” trở thành định mệnh

Nhân vật Yozo trong Thất lạc cõi người là hiện thân của một linh hồn lạc lối, sống giữa lo sợ bị phơi bày và khát vọng được yêu thương. Cuộc đời của Yozo như một chuỗi tan rã kéo dài – từ sự giả vờ vui tươi, đến những lần tự tử thất bại, đến cảnh cuối cùng bị tống vào nhà thương điên. Nhưng chính trong sự tan rã ấy, cái nhìn mono no aware hiện ra một cách rõ rệt: sự chấp nhận rằng Yozo không thể “hòa nhập” không phải là một lời phán xét, mà là một cách Dazai cho nhân vật được tồn tại đúng như bản thể mong manh của mình.

Câu văn nổi tiếng: “Bây giờ tôi đã trở thành một con người mất quyền làm người” không chỉ là lời tuyệt vọng, mà còn là một sự tỉnh thức. Yozo – kẻ đã chạm đáy cuộc đời – cuối cùng lại là người thấu hiểu rõ nhất bản chất vô thường, vô ngã của nhân dạng. Anh là kẻ nhìn thấu sự rỗng không trong cấu trúc xã hội, đạo đức, nhân cách. Dazai không tô điểm, không rao giảng, chỉ để nhân vật tồn tại trong đổ vỡ, và chính ở đó mà ý niệm Phật giáo được vang lên như một dư âm lặng lẽ: cái tôi không thực có, và khổ đau là lẽ tự nhiên.

2. Tà dương – Cái đẹp cuối cùng trong tàn phai

Mono no aware trong Tà dương không nằm ở cốt truyện, mà ở giọng văn – một thứ u buồn chảy như ánh chiều tà. Gia đình quý tộc đang tàn lụi dần, mẹ mất, em trai trượt dốc vì chủ nghĩa hư vô, còn Kazuko - người con gái – cố vùng vẫy để tự mình sống. Nhưng trong tất cả, Dazai vẫn dành những khoảnh khắc đầy thi vị: ánh nắng cuối chiều, một bông hoa quỳnh nở lúc đêm khuya, một mảnh thư gửi tình nhân trong hy vọng mong manh.

Những chi tiết ấy – như một đóa hoa nở rộ ngay trước khi tàn – chính là hình ảnh tiêu biểu cho tinh thần mono no aware. Chúng không phủ nhận đau khổ, nhưng cũng không để nó che khuất hoàn toàn cái đẹp của kiếp người. Dazai, trong Tà dương, chạm gần hơn với từ bi và vô thường của Phật giáo: con người yếu đuối, nhưng cũng vì thế mà họ trở nên đáng yêu, đáng thương, và đáng được cứu chuộc.

3. Nữ sinh – Ý thức nữ tính và khoảnh khắc hiện tại

Khác với hai tiểu thuyết trên, Nữ sinh là một dạng nhật ký văn học, ghi lại những cảm xúc vụn vặt, rất nữ tính, của một cô gái tuổi mới lớn. Nhưng chính trong cái vụn vặt ấy lại hiện ra tinh thần mono no aware một cách rõ ràng: mỗi buổi sáng đi học, mỗi lần mưa rơi, mỗi cơn gió nhẹ thổi qua, đều được cô gái ghi lại như một điều thiêng liêng.

Cô gái trong Nữ sinh không hiểu được cuộc đời, không lý giải được bản thân, nhưng cô cảm nhận được cái đẹp trong hiện tại. Những điều cô viết ra không để phân tích, mà để giữ lại khoảnh khắc – một kiểu hành động rất gần với thiền quán (mindfulness). Ở đây, ta thấy tinh thần Phật giáo không còn là lý thuyết, mà là cảm nhận trực tiếp từ chính thân - tâm con người – điều mà Dazai đã diễn đạt một cách tự nhiên, không cần gượng ép.

Mori Ōgai – Cái nhìn tĩnh lặng trước chia lìa

Nhạn – Một cánh chim lặng lẽ giữa kiếp người

Nhạn là truyện ngắn kể về Otama – một phụ nữ trẻ, làm lẽ cho một người đàn ông giàu có, sống trong cô đơn. Nàng đem lòng yêu Okada, một sinh viên nghèo trọ gần nhà, nhưng tình cảm đó lặng lẽ, tuyệt vọng, và rồi lụi tàn khi Okada rời đi. Không có bi kịch ầm ĩ, không có xung đột gay gắt – chỉ là một cái nhìn lặng lẽ về một mối tình không thành.

Tựa đề “Nhạn” – loài chim di cư – là một ẩn dụ hoàn hảo cho tinh thần mono no aware: con chim đến rồi đi, tình cảm đến rồi tàn, tất cả chỉ như cơn gió thoảng. Nhưng điều khiến Nhạn gần với Phật giáo là thái độ của Otama: nàng không oán trách, không níu kéo, mà chấp nhận trong tĩnh lặng. Nàng không được “giải thoát” theo nghĩa tôn giáo, nhưng lại thể hiện một phẩm chất từ bi – biết yêu mà không chiếm hữu, biết đau mà không gây khổ cho ai.

Giọng văn của Mori Ōgai tiết chế đến mức cực độ, gần như thiền định – không để cảm xúc tràn lấp câu chữ. Chính sự tiết chế ấy làm tăng hiệu ứng aware: cảm giác xót xa vì những gì không thể nói ra, không thể giữ lại, chỉ còn ngân vọng như tiếng nhạn bay qua bầu trời vắng.

Higuchi Ichiyō – Cái đẹp của tuổi thơ và sự trượt dốc

Một mùa thơ dại – Trẻ thơ cũng biết buồn

Tác phẩm của Higuchi Ichiyō thường xoay quanh những thiếu nữ nghèo, sống ở rìa xã hội, giữa thời kỳ Minh Trị chuyển giao. Trong Một mùa thơ dại, nhân vật Nobu – một cô bé mới lớn – bắt đầu cảm nhận những rung động đầu đời, những đau khổ mơ hồ, và sự chia lìa mà chính cô cũng chưa hiểu rõ.

Ichiyō không miêu tả những bi kịch lớn, mà dừng lại ở những cảm xúc thoảng qua: một lần bị mẹ trách oan, một lần nhìn bạn thân xa cách, một lần đứng dưới mưa không biết vì sao mình khóc. Những tình tiết ấy nhỏ bé, nhưng lại mang đậm tinh thần mono no aware, vì chúng nắm bắt được sự trượt nhẹ của tâm hồn – từ vô tư đến hoài nghi, từ thơ dại đến tổn thương.

Phật giáo hiện diện nơi đây như một bóng mờ: không phải là giáo lý, mà là sự thức tỉnh về bản chất khổ đau của đời người, bắt đầu từ rất sớm. Nhưng Ichiyō không viết để than vãn – bà viết để giữ lại những khoảnh khắc đó, như thể nếu ta chăm chú nhìn đủ lâu, ta sẽ thấy được cái đẹp dịu dàng trong cả những giây phút buồn nhất.

Khi văn học là thiền quán

Từ những tác phẩm kể trên, ta có thể nhận thấy rằng mono no aware không chỉ là một thái độ thẩm mỹ, mà còn là một lối sống, một cách nhìn thế giới – rất gần với tinh thần Phật giáo. Nó không biện hộ cho sự yếu đuối hay khổ đau, mà chỉ đơn giản nói rằng: đời là vậy – và nếu ta đủ tinh tế, ta có thể thấy được vẻ đẹp ngay cả trong sự mất mát.

Cả Dazai, Mori Ōgai, lẫn Ichiyō đều không giảng đạo, không kêu gọi vượt thoát, mà để nhân vật của họ ở lại trong cõi khổ, và chính trong sự ở lại ấy mà hiện ra vẻ đẹp nhân văn sâu xa. Họ không cho ta con đường giải thoát, nhưng cho ta cái nhìn biết thương – biết xót xa, biết im lặng, biết yêu những gì đang tàn phai.

Và đó chính là lý do vì sao văn học Nhật Bản – dù viết về những điều nhỏ bé, vụn vặt, thậm chí là tuyệt vọng – vẫn khiến người đọc thấy được một niềm an ủi mơ hồ: vì cái khổ đã được thấu hiểu, và cái đẹp vẫn còn trong từng hơi thở cuối cùng.

Hải Đăng

Đọc bài viết

Cafe sáng