Book trailer

Hãy cùng ước mơ: Hướng tới tương lai tốt đẹp hơn cho nhân loại

Published

on

Hãy cùng ước mơ là tác phẩm truyền cảm hứng mang tính thực tế cao. Trong sách, Đức Giáo hoàng Phanxicô lí giải nguyên nhân xảy ra những cuộc khủng hoảng trên toàn cầu cũng như khơi gợi cho độc giả biết cách để cùng nhau chung tay biến thế giới trở thành nơi an toàn hơn, công bình hơn, lành mạnh hơn.

Hãy cùng ước mơ được viết trong thời gian phong tỏa kéo dài do đại dịch Covid-19. Vi rút thường là một nguyên nhân gây bệnh, nhưng lần này, Covid-19 làm cho cả thế giới phát bệnh, không chỉ về mặt y tế mà ngay cả mặt kinh tế, xã hội và mối quan hệ giữa con người với nhau đều tê liệt. Câu hỏi đặt ra là, điều gì có thể giúp ta vượt qua khủng hoảng kế tiếp, nếu điều đó xảy ra?

Con người có thể học được nhiều điều từ một cuộc khủng hoảng

Ở phần mở đầu của Hãy cùng ước mơ, Đức Giáo hoàng trình bày việc con người có thể học được điều gì từ một cuộc khủng hoảng, làm sao để vượt qua những biến động xảy ra trong đời sống cá nhân nói riêng và thế giới nói chung. Bằng sự chân thành hiếm có, ngài chia sẻ về ba cuộc khủng hoảng trong đời đã khiến ngài thay đổi nhiều như thế nào để trở thành một người tốt hơn. Ngài cho rằng bản chất cốt lõi của bất kì cuộc khủng hoảng nào chính là nằm ở việc buộc chúng ta phải đưa ra lựa chọn: ta sẽ phạm sai lầm nghiêm trọng nếu như cố gắng quay trở lại trạng thái trước khi xảy ra khủng hoảng. Nhưng nếu ta có can đảm thay đổi, ta có thể vươn lên từ khủng hoảng để trở thành một con người tốt hơn trước đây.

Tiếp đến, Đức Giáo hoàng Phanxicô đưa ra lời chỉ trích gay gắt, đầy thuyết phục về những hệ thống và tư tưởng đã góp phần tạo ra cuộc khủng hoảng hiện nay, từ một nền kinh tế toàn cầu bị ám ảnh về lợi nhuận để rồi chẳng màng việc gây hại cho con người và môi trường, đến những chính trị gia kích động và lợi dụng nỗi sợ hãi của người dân để gia tăng quyền lực cho bản thân bằng tiền dân. Ngài nhắc nhở chúng ta rằng nghĩa vụ đầu tiên của con người chính là phụng sự cho người khác, đặc biệt là cho người nghèo và những người ở bên lề xã hội, giống như cách Chúa Jesus đã từng làm trước đây.

Đừng để nỗi đau từ đại dịch trở nên vô ích

Với bố cục được chia làm ba “thời” rõ ràng: quan sát, lựa chọn, và hành động, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã chỉ ra vô vàn thách thức mà nhân loại sẽ phải đối mặt trong tương lai, vì nó mà chúng ta có thể trở nên tốt đẹp hơn hoặc tụt hẳn lại phía sau. Ngài cảnh báo ta về những vách đá đầy rẫy hiểm nguy, song vẫn tiếp tục đồng hành và thắp lên ngọn đuốc soi sáng con đường phía trước. Đồng thời, ngài đề xuất mỗi người nên có lối tư duy mới và xác định những hành động khác biệt mà ta có thể thực hiện, để góp phần thay đổi tương lai thế giới. Đây là thời điểm để ta mơ lớn, để suy nghĩ lại các giá trị ưu tiên, những điều ta coi trọng, mong muốn và kiếm tìm. Một điều ta có thể tin tưởng: cùng ước mơ và ra sức biến ước mơ thành hiện thực sẽ là chiếc cầu đưa chính ta và toàn nhân loại tới tương lai tốt đẹp hơn bao giờ hết.

Trong đại dịch Covid, Đức Giáo hoàng nhận thấy sự tàn nhẫn và những bất công trong xã hội được phơi bày rõ nét hơn. Nhưng ngài cũng nhận ra sự linh hoạt, lòng hào phóng, tính sáng tạo của rất nhiều con người chính là nhân tố giúp xã hội, nền kinh tế, và cả hành tinh của chúng ta thoát khỏi cơn nguy kịch. Bằng giọng văn trực diện mang tính thuyết phục cao, Đức Giáo hoàng Phanxicô kêu gọi mọi người đừng để nỗi đau trở nên vô ích.

Lời kêu gọi thay đổi thế giới đầy sức thuyết phục của Đức Giáo hoàng

Thông qua tác phẩm Hãy cùng ước mơ, Đức Giáo hoàng đề xuất một kế hoạch vừa mang tính truyền cảm hứng, vừa có thể thực thi để xây dựng một thế giới tốt hơn cho toàn nhân loại bằng cách đặt người nghèo và cả hành tinh này vào vị trí trung tâm của lối tư duy mới. Khi xây dựng kế hoạch này, ngài không chỉ dựa vào sách thánh, mà còn lấy tư liệu từ những phát kiến mới nhất của các nhà khoa học, kinh tế học, nhà hoạt động xã hội và các nhà tư tưởng lỗi lạc. Không chỉ dừng lại ở việc đơn thuần kê toa thuốc, ngài còn cho độc giả thấy rằng khi những con người bình thường chung sức hành động bất kể khoảng cách khác biệt sẽ có thể tạo ra những khả năng phi thường hiếm thấy.

Trong suốt chiều dài quyển sách, Đức Giáo hoàng cung cấp cho độc giả rất nhiều góc quan sát bất ngờ, thông tuệ về giá trị của lối tư duy phá vỡ truyền thống, về việc tại sao chúng ta cần phải nhanh chóng tăng cường vai trò của phụ nữ trong vị trí lãnh đạo ở Nhà thờ và xã hội, về những gì ngài đã học được khi đi khắp hang cùng ngõ hẻm ở Buenos Aires cùng những người nhặt rác và nhiều thành phần khác trong xã hội.

Hãy cùng ước mơ là một sự khải thị, một lời kêu gọi hành động; và trên hết, tác phẩm mang lại nguồn vui thú cho người đọc khi thưởng thức. Những dòng trong sách cho người đọc tiếp xúc với một Đức Giáo hoàng Phanxicô ở khía cạnh cá nhân nhất, sâu sắc nhất và tràn đầy đam mê nhất. Khi đọc tác phẩm này bằng một tấm lòng rộng mở, chúng ta có thể thay đổi thế giới.    

Trích đoạn

“Từ cuộc khủng hoảng này, chúng ta có thể trở nên tốt hơn hoặc tệ đi. Ta có thể trượt dài về sau, hoặc có thể tạo ra điều gì đó mới mẻ. Hiện tại, điều ta cần là cơ hội để thay đổi và tạo không gian cho những điều mới.”

***

“Đây là thời điểm để ta mơ lớn, để suy nghĩ lại các giá trị ưu tiên, những điều ta coi trọng, mong muốn và kiếm tìm, và cũng để cam kết hành động trong mỗi ngày sống vì những điều ta mơ ước.”

***

“Cuộc khủng hoảng Covid trông có vẻ đặc biệt vì nó ảnh hưởng đến toàn thể nhân loại, nhưng nó chỉ đặc biệt vì ta có thể nhìn thấy được. Trong khi có hàng ngàn cuộc khủng hoảng khác cũng thảm khốc không kém, nhưng đủ khuất tầm nhìn để nhiều người vờ như chúng chẳng hề hiện hữu. Chẳng hạn, hãy nghĩ về những cuộc chiến tranh diễn ra đó đây trên thế giới; về việc sản xuất và buôn bán vũ khí; về hàng trăm ngàn người tị nạn đang chạy trốn khỏi sự đói nghèo, thiếu thốn cơ hội; và cả biến đổi khí hậu. Những bi kịch này có vẻ xa vời với chúng ta, chúng chỉ là một phần của tin tức hằng ngày, và đáng buồn thay, nó không đủ sức để thúc đẩy ta thay đổi lịch trình và giá trị ưu tiên. Nhưng cũng như đại dịch Covid, những khủng hoảng này tác động đến toàn nhân loại.”

Về tác giả

Đức Giáo Hoàng Phanxicô tên thật là Jorge Mario Bergoglio, sinh ngày 17.12.1936, được thụ phong Linh mục vào năm 1969, từ đó đảm nhận nhiều vai trò khác nhau trong Giáo hội. Năm 1998, ngài trở thành Tổng Giám mục Tổng giáo phận Buenos Aires. Đến năm 2001, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II tấn phong ngài làm Hồng y. Năm 2013, ngài được bầu làm Giám mục Roma, trở thành vị Giáo hoàng thứ 266 của Giáo hội Công giáo, lấy tên hiệu Phanxicô.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Tiến sĩ Austen Ivereigh là nhà văn và nhà báo người Anh, tác giả của hai cuốn tiểu sử về Đức Giáo Hoàng Phanxicô: The Great Reformer (tạm dịch: Nhà cải cách vĩ đại, 2014) và Wounded Shepherd (tạm dịch: Mục tử mang thương tích, 2019). Ông là Nghiên cứu sinh về Lịch sử Giáo hội đương đại tại Campion Hall, Đại học Oxford.

Tiến sĩ Austen Ivereigh

Book trailer

Bi cảm cái đẹp và cái chết trong tiểu thuyết Người đẹp ngủ mê của văn hào Kawabata Yasunari

Published

on

Người đẹp ngủ mê – tiểu thuyết kinh điển của cố nhà văn Nhật Bản Kawabata Yasunari vừa được Phương Nam Book tái bản phát hành – khắc họa thái độ phản tỉnh của một người thực hành thiền định để đi đến giác ngộ về dục tính của chính mình và ý nghĩa của nhân sinh.

Người đẹp ngủ mê được Kawabata Yasunari viết và xuất bản vào năm 1961 khi ông 62 tuổi. Tác phẩm này dựa trên một kịch bản sân khấu kabuki với nhan đề Những mỹ nữ của Eguchi, công diễn khoảng thế kỷ 17 ở Nhật Bản.

Ông lão Eguchi 67 tuổi và nỗi lòng cô đơn trống trải

Tác phẩm kể về những lần ghé thăm của ông lão Eguchi, 67 tuổi, đến ngôi nhà đặc biệt với những trinh nữ xinh đẹp, tuổi chưa đến hai mươi, được gây mê bằng thuốc ngủ liều cao, hoàn toàn khỏa thân trong tình trạng ngủ say. “Nếu chỉ cần lay nhẹ mà cô gái đã thức dậy thì ngôi nhà này đâu còn gì bí ẩn nữa. Các vị khách đến đây ‘giống như ngủ với một ông Bụt vô hình’. Đối với các ông già, ngủ với một người đẹp không khi nào tỉnh thức là một mối cám dỗ, một cuộc phiêu lưu, một niềm vui thú mà họ tin mình còn thực hiện được.”

Mỗi chương truyện là những lần ông lão Eguchi ghé thăm ngôi nhà đặc biệt này. Mỗi lần, ông lại ngủ với những cô gái khác nhau. Màn đêm tối buông xuống, hơi thở êm dịu của những cô gái, gió thỉnh thoảng thổi qua mái nhà, tiếng sóng biển ầm ầm đập vào vách đá, Eguchi có những hồi tưởng, những hoài niệm khắc khoải khác nhau về những người đàn bà đã đi qua đời ông. Một ẩn dụ rõ ràng về sự tiếc nuối những văn hóa, những vẻ đẹp xưa kia ở Nhật Bản chỉ có thể gợi nhớ lại qua những khung cảnh, những hình ảnh tương tự, gần giống như thế.

Việc ngủ cạnh những cô gái trong ngôi nhà đặc biệt đã khiến tâm tưởng ông lão Eguchi tìm ra những cung bậc cảm xúc hết sức khác thường trong khi vẫn tôn trọng quy định của ngôi nhà. “Nàng ngủ, nàng không nói, nàng chẳng thấy khuôn mặt ông, chẳng nghe giọng nói ông... Và số phận ông nàng cũng chẳng mảy may biết đến”. Hơn hết, nhân vật chính cô đơn trong chính tâm thức của mình. “Một nỗi cô đơn buồn bã trào lên. Nhưng hơn cả nỗi cô đơn hay nỗi buồn rầu, chính là nỗi cô chiếc tuyệt vọng của tuổi già như thể đông lạnh hẳn trong ông”.

Điểm cốt lõi của tiểu thuyết Người đẹp ngủ mê bắt nguồn từ nhân vật chính tự chiêm nghiệm về chính con người thực sự của mình. Ở hành trình đó, tác giả Kawabata Yasunari đã tạo ra các cuộc gặp gỡ, sự quan sát của ông lão Eguchi về vẻ đẹp thể xác của các cô gái. Tác phẩm không chỉ đơn thuần tràn ngập những mỹ từ như “bàn tay mịn và đẹp, mái tóc trinh trắng, đôi má ửng đỏ, cổ và vai trông tươi và trẻ…”, mà là sự suy tưởng về quy luật của thời gian, sự sống và cái chết, nỗi hoài niệm quá khứ, khao khát tương lai, lãng quên cuộc sống hiện tại. Phải chăng, hình ảnh của một đời sống xã hội đầy tổn thương khiến con người ta dễ rơi vào tâm trạng cô đơn, nỗi tiếc nhớ xót xa những tháng ngày chưa sống mà đã qua đi.

Bi cảm cái đẹp và cái chết

Càng về sau, tác giả Kawabata Yasunari đi sâu vào bản thể và ký ức xa xăm nhất của nhân vật chính, Eguchi tìm lại được những cảm xúc tinh thần thuần túy. Ông lão tin rằng, ở trong ngôi nhà đặc biệt này, chắc có những lão già không những buồn rầu nhìn lại thời trai trẻ nay đã xa xưa mà còn tìm cách lãng quên những điều xấu xa, những việc độc ác đã làm dọc theo chiều dài cuộc đời họ. Nhìn từ khía cạnh này, Eguchi nhiều lần xuất hiện cảm giác rằng những người đẹp ngủ mê phải chăng là sự hiện thân của một vị Bụt nào đó, trong các truyền thuyết xưa cũ.

Cũng trong tác phẩm này, Kawabata nhận định: “Trên thế gian không có gì cao quý bằng con người. Trong loài người không có gì vinh dự bằng thân thể trong trắng của người nữ. Tuy nhiên, để chiếm đoạt, sở hữu nó người ta phải phá hủy sự trinh khiết đó”Người đẹp ngủ mê chính là thứ cảm giác không thể nhầm lẫn mách bảo ta rằng Kawabata đã khéo léo sử dụng vẻ đẹp của ngôn từ cần thiết cho tác phẩm. Đỉnh điểm, ông đã khắc họa thành công cái đẹp của tấm thân trần – nó dường như trở thành biểu tượng cao quý của tính nữ vĩnh hằng, dù có được sở hữu trong tay thì vẫn muôn đời là bí mật.

Tác phẩm Người đẹp ngủ mê đã giúp cho tác giả Kawabata Yasunari trở thành tiểu thuyết gia người Nhật đầu tiên và người châu Á thứ ba đoạt giải Nobel Văn học năm 1968 với lời ca ngợi của Viện Hàn Lâm Thụy Điển rằng: “Ông là người tôn vinh cái đẹp hư ảo và hình ảnh u uất của hiện hữu trong đời sống thiên nhiên và trong định mệnh con người”.

Một điểm đặc biệt, ở chương cuối, ông lão Eguchi trong cơn mộng mị nửa tỉnh nửa mê đã gợi nhớ về hình ảnh người mẹ của mình. Người đàn bà đầu tiên: “Mẹ”. Ý nghĩ này bất ngờ xẹt qua đầu ông như tia chớp. “Không phải mẹ thì ai vào đấy nữa”. Ý thức và lý trí ông đã tê liệt, và hình như nước mắt ứa ra từ khóe mắt già nua. Ông chỉ còn nhớ được đã mò mẫm tìm vú mẹ rồi lăn ra ngủ những ngày thơ ấu. Cũng giống như ông lão Eguchi nhớ về mẹ, đứa con dù lớn vẫn là con của mẹ. Có lẽ, cảm thức cô đơn trong chính tác phẩm văn chương của Kawabata thường phản ánh từ chính cuộc sống thời thơ ấu mồ côi từ năm 2 tuổi và cái tuổi trẻ thấm đẫm nước mắt của chính tác giả.

Sau tất cả, tiểu thuyết Người đẹp ngủ mê đem lại những cảm xúc thẩm mỹ độc đáo, đồng thời để lại nhiều khoảng trống, nhiều băn khoăn để độc giả tự khám phá bằng trình độ thưởng thức của mình. Người đẹp ngủ mê chứa đựng nhiều đối cực: tuổi già – tuổi trẻ, cái đẹp – cái chết, tội lỗi – trong sạch, tha hoá – nguyên sơ… Vì vậy, Kawabata Yasunari dẫn dắt độc giả qua tầng tầng lớp lớp ngữ nghĩa vận động không ngừng, tạo nên sự khác biệt trong cảm nhận khi đọc tác phẩm.

Nếu một vài độc giả cảm thức tác phẩm thanh hay tục đều xuất phát từ hình tượng nghệ thuật phức tạp, ngôn từ đa nghĩa. Đôi khi, độc giả sẽ có những cảm xúc kinh hãi vì những suy nghĩ xấu xa của ông già Eguchi. Hay bạn sẽ thương xót cho vẻ đẹp của thân xác những người đẹp ngủ mê đang bị làm ô uế… Song dù sao, người đọc cần một trí tuệ sáng suốt, thấy đúng, thấy rõ những sai lầm của nhân vật chính để từ đấy lĩnh hội được các giá trị đích thực chân – thiện – mỹ của tác phẩm.

Trích đoạn

“Ngay vào thời điểm này trong năm, hai hay ba hoa mẫu đơn mùa đông nở dưới mặt trời ấm áp bên chân hàng rào cao bằng đá của một tu viện cổ ở Yamato. Những đóa trà hoa trắng nở trong vườn gần mái hiên ngôi nhà Shisendo. Vào mùa xuân, ra đời những chùm hoa đậu tía, những đóa đỗ quyên trắng ở thành phố Nara và ở Đền Trà Hoa ở Kyoto, những cánh hoa trà rụng đầy vườn.”

“Cô gái ngủ mê man như chết nhưng thời gian sinh tồn của nàng đâu có ngưng chảy, vậy nàng có giữ được thời gian đó không hay là nó chảy tuột vào một vực sâu không đáy? Nàng không phải là một búp bê sống, vì không thể có búp bê sống trên thế gian này; nàng được biến thành một đồ chơi sống, để các cụ già đã mất năng lực đàn ông không bị cảm thấy xấu hổ. Không, không phải một đồ chơi: đối với các cụ, nàng chính là cuộc sống. Một cuộc sống người ta có thể sờ mó được, một cách tự tin”.

“Dù say ngủ, nàng vẫn sống, nói cách khác, ý thức nàng bị vùi sâu trong giấc ngủ đậm đặc nhưng thân xác nàng vẫn sinh động trong nữ tính của mình.”

Về tác giả

Chân dung văn hào Nhật Bản Kawabata Yasunari năm 1969

Kawabata Yasunari (1899–1972) sinh ra ở Osaka, mồ côi năm lên 2 tuổi. Từ đó, ông và chị sống lần lượt cùng ông bà ngoại và gia đình người dì. Kawabata Yasunari là tiểu thuyết gia người Nhật đầu tiên và người châu Á thứ ba đoạt giải Nobel Văn học (năm 1968).

Những sáng tác văn chương, những tiểu luận mỹ học và phê bình văn học của Kawabata Yasunari, qua thời gian vẫn luôn đem lại hấp lực mạnh mẽ đối với nhiều nhà phương Đông học trên khắp các châu lục, có sức lôi cuốn rộng rãi độc giả trên thế giới, phản ánh nhiều phương diện của văn hóa Nhật cũng như những rung cảm đầy đam mê mà tinh tế của tâm hồn Nhật.

Đọc bài viết

Giới thiệu sách

Lớn lên trên đảo vắng – Cuộc phiêu lưu kịch tính của gia đình Robinson

Published

on

Lớn lên trên đảo vắng

Trên đường sang châu Mỹ lập nghiệp, gia đình Robinson không may bị đắm tàu và trôi dạt vào một hoang đảo. Tại đây, họ đã phải bắt đầu một cuộc sống mới đầy gian khó, khi phải tự làm nhà, săn bắn, trồng trọt, thuần hóa thú hoang… Mỗi ngày với họ đều là một chuyến phiêu lưu kỳ thú nhưng cũng không kém phần nguy hiểm. Với sự ưu đãi của thiên nhiên và tinh thần kiên cường vượt qua nghịch cảnh, gia đình Robinson không chỉ sống sót mà sau nhiều năm lưu lạc trên đảo vắng, họ còn xây dựng được cho mình một cơ ngơi đáng kể.

Dưới ngòi bút miêu tả chân thực của tác giả Johann David Wyss, Lớn lên trên đảo vắng không chỉ bày ra trước mắt độc giả vẻ đẹp của một thế giới tự nhiên hoang sơ, trù phú mà còn là lời ca ngợi những đức tính tuyệt vời của con người. Đó là tinh thần phiêu lưu dũng cảm, sự thông minh tài trí, tính cần cù chăm chỉ và lòng tốt, sự quan tâm giữa các thành viên trong gia đình với nhau. Nhờ vậy mà đây đã trở thành một trong những tác phẩm được yêu thích nhất của trẻ em trên toàn thế giới, còn nhiều lần được dựng thành phim cũng như chuyển thể thành truyện tranh và trò chơi điện tử.

Johann David Wyss (28/5/1743 - 11/1/1818) sinh ra ở Bern, Thụy Sĩ. Ông vốn là mục sư nhưng sau này đã trở thành một tác giả nổi tiếng. Được truyền cảm hứng từ tác phẩm Robinson Crusoe của Daniel Defoe, nhưng Wyss muốn viết một câu chuyện chứa đựng những bài học thú vị, bổ ích về cuộc sống thiên nhiên hoang dã dành riêng cho trẻ em, nên đã cho ra đời tiểu thuyết Lớn lên trên đảo vắng. Tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên bằng tiếng Đức năm 1812, và sau đó hai năm, đã được dịch sang tiếng Anh, rồi lần lượt là nhiều thứ tiếng khác.

Đọc bài viết

Giới thiệu sách

Năm tuần trên khinh khí cầu – Chuyến du lịch độc đáo xuyên qua châu Phi hoang dã

Published

on

Năm tuần trên khinh khí cầu

Năm tuần trên khinh khí cầu kể câu chuyện về ba người Anh với tham vọng băng qua châu Phi, từ Đông sang Tây, trên một chiếc khinh khí cầu. Tiến sĩ Samuel Fergusson, nhà khoa học thông tuệ, là trưởng đoàn, đồng hành cùng ông có người hầu cận trung thành Joe và anh bạn thợ săn thiện xạ Dick Kennedy. Bộ ba dấn thân vào biết bao cuộc phiêu lưu hấp dẫn và không kém phần kỳ lạ: chạm trán với người bản địa và những loài động vật nguy hiểm, gặp sự cố với khinh khí cầu, đồng thời phải vật lộn với những bất lợi về thời tiết. 

Xuyên suốt cuốn sách Năm tuần trên khinh khí cầu, tác giả Jules Verne đã mô tả một cách sinh động những đặc điểm về hệ thực vật, động vật, địa lý và con người châu Phi qua con mắt của thế kỷ XIX. Được xuất bản lần đầu vào năm 1863, Năm tuần trên khinh khí cầu là sự kết hợp tuyệt vời của các yếu tố như nhân vật thông minh, sáng tạo, những kiến thức khoa học và công nghệ đi trước thời đại, đặc biệt là cốt truyện đầy hấp dẫn hé lộ viễn cảnh về một thế giới chưa được biết tới, tất cả đã làm nên chất phiêu lưu đặc trưng và tạo tiền đề cho những tác phẩm sau này của Jules Verne.

Tác phẩm văn học Năm tuần trên khinh khí cầu. Ảnh: Đinh Tị Books

Ngày 31/1/1863, Năm tuần trên khinh khí cầu chính thức ra mắt và ngay lập tức nổi tiếng khắp nước Pháp và sau đó là toàn thế giới. Mọi người đều hết sức kinh ngạc khi độc giả có cảm giác được trải nghiệm thực tế những điều trong sách. Một độc giả còn gửi thư tới nhà xuất bản để hỏi: “Tôi rất mong nhận được một câu trả lời từ ngài, Tiến sĩ Samuel Fergusson thật sự có thể ngồi trên khinh khí cầu để bay xuyên qua châu Phi ư…”

Năm tuần trên khinh khí cầu do Đinh Tị Books phát hành. Bản dịch đầy đủ từ dịch giả Ngụy Thanh Tuyên giúp truyền tải trọn vẹn tinh thần của bản gốc. Bởi, dịch giả Ngụy Thanh Tuyên đã có kinh nghiệm chuyển ngữ thành công rất nhiều tác phẩm cả kinh điển, trong số đó có thể kể đến Hai vạn dặm dưới đáy biển 80 ngày vòng quanh thế giới.

Trích đoạn

“Samuel thân mến ạ!” Người thợ săn nói. “Dự án gì đó của anh thật điên rồ! Nó không khả thi! Nó chẳng có vẻ gì là nghiêm túc hay thực tế hết!”

“Tại sao lại không?”

“Chà, vì rủi ro, vì trở ngại đủ kiểu.”

“Về chuyện trở ngại,” Fergusson nghiêm giọng nói. “Trở ngại tồn tại là để ta vượt qua. Còn rủi ro và nguy hiểm ư? Ai dám tự vỗ ngực tuyên bố ta đây chẳng bao giờ gặp nguy? Chúng ta chỉ nên thấy hiện tại qua tương lai mà thôi, vì tương lai chẳng qua chỉ là hiện tại xa hơn một chút.”

Đọc bài viết

Cafe sáng