Trà chiều

Game of Thrones (Trò Chơi Vương Quyền) – Từ người hùng đến hư vô

Published

on

From zero to hero – đó là những suy nghĩ chủ đạo của tôi trong phần lớn thời gian theo dõi hành trình của Dany. Gần như những suy nghĩ này không thay đổi cho đến khi tôi chạm phải kết thúc sau cùng. Đoạn kết tối hậu ấy không chỉ thay đổi toàn bộ cục diện của Game of Thrones, nó cũng đảo chiều toàn bộ tâm tư tình cảm của tôi dành cho các nhân vật nhưng có lẽ là ít theo hướng mong muốn của George R.R. Martin hoặc Dumb và Dumber (cho phép tôi bất nhã tạm gọi hai nhà biên kịch đại tài của chúng ta với biệt danh trìu mến như vậy).

Ba lần bị spoil

Long Shot

Khi khởi sự xem GOT vào những ngày đầu tiên của mùa hè năm nay, tôi xác định sẽ tự phân tích xem những điểm nổi tiếng ở GOT mà mọi người vẫn thường hay ca ngợi thực hư thế nào, những đánh giá đúng đến bao nhiêu: rằng kịch bản thông minh, ngập tràn twist, series rất chịu khó giết nhân vật để thay máu mới… Tôi muốn một lần nữa cố gắng xem phim với lí trí như ngày xưa. Lẽ dĩ nhiên, một trong những nỗi khổ khi sống ở thời đại công nghệ thông tin mà bạn xem phim chậm hơn đại đa số khán giả gần một thập kỉ thì chuyện bị spoil là không thể tránh khỏi. Giống như câu ngụ ngôn “khi bạn không nhận thức điều gì đó, nó không tồn tại” và ngược lại, một khi bạn đã có nhận thức về nó, đi đâu bạn cũng sẽ thấy nó – thứ mà ngày xưa dù ở ngay trước mắt, bạn cũng không để ý. Trong trí nhớ mơ hồ, tôi có cảm giác rằng trước đây mình đã xem rất nhiều phim đề cập đến GOT hoặc có tình tiết nhân vật bàn luận, trao đổi về GOT. Những khi ấy, vì chưa xem một tập GOT nào nên tôi không hề bị spoil, việc phải tri nhận nội dung của bộ phim gốc mình đang xem đã đủ khiến trí não tôi bận bịu để quên đi những chi tiết hé lộ tác phẩm khác mà nó đề cập trong vài tình tiết không quan trọng. Thế nhưng, từ mùa hè năm nay, mọi chuyện đã bắt đầu đổi khác. Với ý thức rằng GOT chiếm được cảm tình của phần đông khán giả vì tình tiết bất ngờ, tôi cố gắng tránh bị spoil trong quá trình xem phim đến mức tối đa bằng cách không bao giờ search từ khóa “Game of Thrones” trên Google hay Youtube dù là để tìm hình hay nhạc, vì tôi sợ các công cụ thông minh này sẽ ghi nhớ lịch sử tìm kiếm của tôi và sau đó, trong quá trình tôi tìm kiếm một thứ gì khác, nó sẽ vô tình đề xuất cho tôi các kết quả tìm kiếm có liên quan hoặc tiết lộ một tình tiết quan trọng của GOT. Mọi chuyện khá suôn sẻ khi tôi xem season đầu tiên, nhưng đến vài tập đầu của season 2, dù cẩn thận đến mấy, tôi đã bắt đầu vấp phải cú spoil đầu tiên trong tình huống tôi không mấy ngờ tới. Đó là từ phim hài – lãng mạn Long shot với sự tham gia diễn xuất của Charlize Theron và Seth Rogen. Trải nghiệm xem phim của tôi khá ổn cho đến khi Charlotte Field (Charlize Theron) tâm sự rằng cô đã khóc khi xem cảnh một con rồng của khaleesi hóa thành White Walker – về sau, tôi mới biết rằng đó là chi tiết nằm ở tập cuối cùng của season 7 mà lúc đó, tôi lại chỉ mới xem đến vài tập đầu của season 2. Tâm trạng của tôi lúc đó khá bực bội vì tôi hiểu được sự bất ngờ rúng động của Charlotte, nhưng đồng thời tôi cũng hiểu rằng mình sẽ không còn sửng sốt nữa khi tự thân xem đến tình tiết ấy.

Lần thứ hai, tôi vấp phải cú spoil khác có lẽ là khi xem đến season 3 hoặc 4, trong một ngữ cảnh tôi cũng không thể ngờ tới. Đó là khi tôi đang chat với một người bạn trên Instagram. Tôi chỉ đơn thuần muốn gửi cho bạn biểu tượng “<3”, nhưng bỗng Instagram trả lại một loạt ảnh động các cặp đôi hôn nhau để gợi ý tôi sử dụng. Một trong những hình ảnh đó là cảnh Daenerys và Jon hôn nhau. Tôi sửng sốt và vội vàng tắt màn hình. Ở season 3 hoặc 4, hai nhân vật ấy vẫn chưa gặp nhau. Đến season 7 (tức gần cuối phim), họ mới gặp và yêu nhau. Khi xem vài season đầu của phim, đôi khi tôi cũng hình dung sẽ ra sao nếu Jon và Daenerys gặp nhau? Hai nhân vật dường như ở hai đầu thế giới với điều kiện thời tiết hoàn toàn khác biệt nhưng lại có nhiều điểm tương đồng về mô thức tự sự: cả hai đều xuất thân từ gia đình quý tộc nhưng vì những lí do khác nhau, không được mọi người công nhận và trọng vọng ngay từ đầu, qua những nỗ lực tự thân, dần dần cả hai từng bước đi lên, chiếm được vị trí cao, có được sự tin cậy từ nhiều người trong cộng đồng của họ. Tôi nhớ rằng tôi đã có một linh cảm mơ hồ về tình yêu của hai nhân vật này từ rất sớm, có lẽ ở season 2, vào lúc trước cả khi Jon gặp Ygritte. Việc ảnh gif ấy vô tình spoil tôi đã chính thức xác nhận dự cảm đó. Ở đây, chi tiết spoil này có cả mặt tích cực lẫn tiêu cực. Tích cực ở việc nó giúp tôi có thêm động lực theo dõi phim để xem hai người gặp nhau và phát triển mối quan hệ như thế nào. Tiêu cực ở chỗ nó khiến tôi dự đoán được trước nhiều tình tiết liên đới, chẳng hạn: khi Jon gặp và yêu Ygritte, tôi đã biết thế nào Ygritte cũng phải chết hoặc không còn yêu anh nữa thì Jon mới đến với Daenerys; và khi Jon mất ở cuối season 5, tôi đã đoán chắc Jon sẽ được hồi sinh lại ở season 6.

Fast & Furious Presents: Hobbs & Shaw

Lần thứ ba – cũng là lần sau cuối, tôi vấp phải cú spoil lớn nhất trong sự nghiệp xem phim của mình nói chung khi xem Fast & Furious Presents: Hobbs & Shaw – vào thời điểm ấy, tôi đang xem đến season 6 của GOT. Trong mid credit của Hobbs & Shaw, nhân vật Locke (Ryan Reynolds) đã tiết lộ đoạn kết của GOT trong một tràng dài liên miên bất tận, liến thoắng không ngừng rằng Jon làm tình với cô ruột của mình rồi sau đó giết cô. Tôi đã mong đó không phải là một cái spoil thật nhưng rốt cuộc, mọi thứ đều diễn ra đúng như vậy ở season 7 và trong đại kết cục của season 8. Lẽ đương nhiên nó ảnh hưởng rất nhiều đến việc thưởng thức phim của tôi vì sự bất ngờ không còn nữa. Nhưng tôi đã luôn thưởng thức với hi vọng mọi thứ có thể khác đi.

Một hình tam giác quá bất cân xứng

Giờ đây, sau khi đã xem xong GOT được hơn mười ngày, ngẫm nghĩ lại tôi mới phát hiện cả ba tình tiết bị spoil ấy đều là về Daenerys Targaryen – nàng vốn không phải là nhân vật tôi yêu thích ngay từ đầu. Với tôi, cốt truyện “from zero to hero” đã trở nên quá nhàm chán khi xem nhiều phim Hollywood theo công thức kiểu Save the cat, hơn nữa hàng năm chúng ta còn được nhồi thêm biết bao nhiêu phim của Marvel và Disney với câu chuyện tương tự. Chính vì thế, câu chuyện của Dany và một số nhân vật khác có nội dung gần giống nhau trong GOT như Jon Snow, Arya Stark, Bran Stark (với Arya và Bran thì câu chuyện còn là một dạng coming of age, hình thành dựa trên việc luyện tập kĩ năng)… đã không tạo nên quá nhiều sự yêu thích đặc biệt trong tôi nhưng khi ở trong tổng thể chung của GOT, nó vẫn đủ hấp dẫn để theo dõi. Ngược lại, khi xem GOT, tôi thích các câu chuyện về hành trình sa đọa (descent) hoặc chuộc lỗi (redemption) hơn như câu chuyện của Jaime Lannister, Theon Greyjoy, The Hound (redemption) hoặc Tyrion Lannister (descent)… Một người đang ở vị trí thuận lợi trong cuộc đời họ, có một chỗ đứng và đỉnh cao nhất định rồi dần sa sút; trong vô thức hay bằng sự chủ đích, cố gắng chuộc lỗi, cố gắng vươn lên những điều tốt đẹp hơn trước đây… mô thức này nếu diễn giải dưới dạng hình học sẽ tạo ra một hố lõm, một đường cong có đỉnh nằm phía dưới – nhưng đây cũng chính là hình ảnh của một khuôn miệng cười; vì vậy, trong ngôn ngữ thị giác, nó tượng trưng cho niềm vui sau cùng. Tôi còn nhớ trong lớp học “Mĩ thuật cơ bản” ngày xưa mình từng tham gia ở FPT Arena, thầy phụ trách lớp có nói rằng chính vì lẽ đó, trong tranh tôn giáo vẽ cảnh thân xác Chúa Jesus được môn đồ dìu xuống sau khi đã bị đóng đinh trên Thánh giá, thường bố cục tranh ít khi nào nằm theo một đường cong lõm xuống – đó không phải là chuyện vui. Ngược lại, bố cục luôn nằm theo đường cong trồi lên vốn mang cấu trúc thị giác tương tự một khuôn miệng đang mím môi buồn bã.

Nếu như các câu chuyện khởi nguồn từ sự sa đọa và kết thúc là hành động chuộc lỗi đi theo mô thức đường cong lõm thì ngược lại, các câu chuyện với nhân vật ở xuất phát điểm thấp – cố gắng vươn lên – đạt được thành công – rồi từ trên đỉnh cao rơi xuống hố sâu khôn cùng… lại diễn ra theo đường cong lồi – xét trong ngôn ngữ thị giác, đó đương nhiên là chuyện buồn.

Đáng tiếc thay, câu chuyện của Daenerys Targaryen lại đi theo đường cong lồi. Nàng từ một người dường như không có gì thành một người gần như có tất cả, rồi cuối cùng, mọi thứ bỗng chốc hóa hư không. Dù chúng ta đã được chuẩn bị từ những season trước đó một vài dấu hiệu sơ khởi nhưng vẫn không thể nào thoát khỏi cơn bàng hoàng khi chứng kiến sự điên loạn của nàng bùng phát ở tập 5 season 8. Nếu diễn giải chính xác hơn, Dumb và Dumber đã không cho câu chuyện của nàng đi theo đường parabol lồi mà đi theo hình tam giác có độ dài hai cạnh bên quá chênh lệch nhau. Ta có thể tạm diễn giải rằng lựa chọn này là do hai nhà biên kịch muốn tạo sự bất ngờ sửng sốt, bởi lẽ theo cấu trúc của đường parabol lồi thì quá trình thăng tiến và quá trình sa đọa sẽ đồng đều nhau dẫn đến việc khán giả được chuẩn bị trước quá nhiều nên không bất ngờ nữa. Có thể thấy, sự lựa chọn nào cũng có ưu – khuyết điểm riêng. Tuy nhiên, cá nhân tôi lại hình dung rằng mình thích câu chuyện của nàng đi theo hướng parabol lồi hơn. Tôi nghĩ nó nên là hướng câu chuyện phát triển bởi lẽ theo tâm lí thông thường của con người, không ai tốt lên trong một ngày, cũng không ai tệ hẳn đi trong một đêm. Mọi thứ cần phải có thời gian thích hợp để phát triển. Trong bài báo Game of Thrones’ author George R.R. Martin determined to finish book by 2016 trên tạp chí Entertainment Weekly, tác giả George R.R. Martin cũng từng phát biểu rằng:

“It’s easy to do things that are shocking or unexpected, but they have to grow out of characters. They have to grow out of situations. Otherwise, it’s just being shocking for being shocking. But this is something that seems very organic and natural, and I could see how it would happen.”

“Xây dựng tình tiết sốc hoặc bất ngờ thì rất dễ, nhưng nó phải khởi nguồn từ nhân vật. Nó phải khởi nguồn từ những tình huống. Nếu không thì chỉ đơn thuần là làm sốc để cho sốc thôi. Tuy nhiên, nó phải là thứ gì đó dường như rất hợp lí và tự nhiên mà tôi có thể hình dung sẽ diễn ra như thế nào.”

Tôi nghĩ đây cũng chính là điều GOT đã làm được từ season 1 đến season 5 khi có tác phẩm của Martin làm kim chỉ nam. Khán giả không ngừng bị bất ngờ nhưng đồng thời vẫn không khỏi trầm trồ, thán phục và chấp nhận những tình tiết bước ngoặt ấy. Nguyên nhân là vì Martin đã không bóp méo nhân vật ông tạo ra một cách bất tự nhiên để gây sốc. Các tình tiết bất ngờ diễn ra không phải vì ý định chủ quan của một nhân vật nào mà là hệ quả từ một chuỗi những lựa chọn của nhiều nhân vật liên đới nhau nhưng thoạt tiên, ta sẽ không nhìn ra được tác động qua lại. Điển hình nhất là Red Wedding. Khi thử trả lời câu hỏi vì sao Red Wedding diễn ra, ta sẽ nhận thấy rất nhiều nhân vật liên can trong bức tranh đó. Tuy rằng việc thuật lại sau đây sẽ rất dài nhưng để làm rõ luận cứ cho luận điểm của mình, tôi sẽ tóm tắt một chút. Đầu tiên, nguyên nhân hẳn nhiên là Robb Stark vì anh đã hủy hôn ước với nhà Frey. Nhưng Walder Frey sẽ không vì chuyện đó mà giết Robb ngay – ông có động cơ nhưng chưa đủ mạnh, nếu ông hành động ta sẽ thấy phi lí. Bên cạnh đó, Robb lúc này đang giam giữ Jamie Lannister. Jamie vì muốn về lại bên Cersei đã bất chấp giết người họ hàng của dòng họ mình đến đưa tin, đồng thời giết luôn cả người lính gác nhà Karstark để tẩu thoát. Không được bao lâu thì Jamie bị bắt lại, sau hành động đó dĩ nhiên cả doanh trại, đặc biệt là lãnh chúa Rickard Karstark rất phẫn nộ và muốn giết anh. Nhưng Jamie lại là một con tin chiến tranh quan trọng, đặc biệt là với Catelyn Stark vì bà cho rằng cả Sansa lẫn Arya đều đang còn làm con tin ở King’s Landing. Sợ Jamie bị nhà Karstark giết, bà đã thả Jamie và bắt anh hứa phải đưa hai người con gái của bà quay về nhà an toàn. Quyết định này khiến sự phẫn nộ trong quân đoàn của Robb càng thêm dâng cao, khi qua Riverrun, Rickard Karstark lại giết thêm hai đứa trẻ vô tội nhà Lannister để phần nào nguôi mối thù với dòng họ này. Nhưng hành động đó khiến Robb – một người quá nguyên tắc với những chuẩn mực đạo đức, danh dự đã quyết định xử tử Rickard Karstark bất chấp lời khuyên của người nhà. Việc này khiến Robb bị giảm gần một nửa lượng quân số và buộc phải nghĩ cách để bù lại số lượng hao hụt đó. Ở gần nơi ấy là Twins và nhà Stark nghĩ rằng giao ước ngày xưa với nhà Frey phần nào vẫn có thể cứu chuộc bằng sự thay thế cho vị trí của Robb là người chú Edmure Tully, hôn lễ đã được ấn định với sự chấp thuận của Walder Frey – một người ngay từ đầu Catelyn có cảnh báo với Robb rằng rất tự kiêu, dễ cáu giận và không đáng tin. Cuối cùng, tiệc hôn lễ đã trở thành buổi thảm sát khi lộ ra rằng Walder Frey và Roose Bolton đã phản bội nhà Stark bằng cách lập liên minh với Tywin Lannister. Kết quả, Walder Frey cai quản Riverrun, Roose Bolton có được Winterfell, cả hai đều có thêm sự bảo trợ từ gia tộc hùng mạnh Lannister.

Như vậy, khi nhìn lại toàn bộ chuỗi sự kiện dẫn đến Red Wedding, ta có thể thấy câu trả lời sẽ là những cái tên: Robb Stark, Catelyn Stark, Rickard Karstark, Tywin Lannister, Jamie Lannister, Walder Frey, Roose Bolton… Chưa kể, ta còn có thể tính thêm Talisa Maegyr vì đã là nhân tố khiến Robb bội ước, Brienne of Tarth vì đã thề nguyện phục vụ cho Catelyn Stark bởi lẽ nếu không có Brienne thì Catelyn cũng chẳng có ai thân cận đủ tin cậy lẫn khả năng để thực hiện nhiệm vụ hộ tống Jamie về King’s Landing. Như vậy, để một sự kiện bất ngờ là Red Wedding diễn ra, ta có khoảng chín nhân vật cùng tham gia tác động vào. Trong quá trình đó, từng nhân vật vẫn là chính họ và chỉ đơn thuần hành động theo tính cách của họ với những động cơ, lợi ích riêng. Mọi thứ diễn ra rất tự nhiên, không hề để lộ dấu vết khiên cưỡng hay sắp đặt.

Tuy nhiên, khi thử đặt câu hỏi tại sao King’s Landing bị thiêu trụi dù tiếng chuông đầu hàng đã vang lên, ta lại chỉ thu về được một câu trả lời duy nhất: do Daenerys Targaryen đã hóa điên hoặc chí ít về cơ bản, nàng đã thay đổi mục tiêu ưu tiên. Ta lại thử tiếp tục hỏi vì sao Dany đột ngột hóa điên trong thời gian ngắn ngủi như vậy? Ta có thể đưa ra một vài cái tên là lí do như: Cersei Lannister, Tyrion Lannister, Varys, Jon Snow, Viserion, Rhaegal, Missandei, Ser Jorah… nhưng không một lí do nào thật sự thuyết phục ta, kể cả khi đã cộng gộp cùng lúc sự tác động của những lí do này, kể cả khi từ những season trước đó, nàng đã nhiều lần có quyết định độc đoán và chớm bộc lộ dấu hiệu mất lí trí… Tất cả vẫn không đủ vì mọi thứ diễn ra quá nhanh và vội vã một cách hời hợt, không giống với nhịp điệu tiến triển câu chuyện mà Martin đã xây dựng từ những phần trước đó. Tôi không phải nằm về phía ý kiến cho rằng việc Dany hóa điên là bất hợp lí và đang mong chờ phần truyện tiếp theo của Martin ra đời để có một kết cục khác cho nàng. Tôi tin rằng việc Dany hóa điên rồi cuối cùng nàng chết cũng nằm trong dụng ý của chính Martin. Nhưng có lẽ, Martin sẽ xây dựng tiến triển này chậm rãi hơn, phức tạp hơn, hợp lí hơn, cả cái chết của nàng cũng vậy. Chính vì thế, khi được biết thông tin ban đầu HBO vốn mong muốn GOT sẽ có 10 season, mỗi season vẫn là 10 tập nhưng không đạt được thỏa thuận với Dumb và Dumber vì hai nhà biên kịch này nhất quyết dừng lại ở season 8 với 6 tập để dứt áo ra đi, chuyển sang làm dự án phim truyền hình Star Wars cho Disney, tôi không sao tránh khỏi cảm giác buồn bực và tức tối. Khi xem GOT 8, tôi cảm giác rất rõ sự qua loa gấp rút của một người muốn làm cho xong để còn làm những việc khác. Vấn đề lớn nhất của phần cuối là nó phải giải quyết quá nhiều việc quan trọng trong một thời gian rất ngắn ngủi; ở những season trước, ta có thể thấy mỗi season chỉ có một hoặc hai đại sự kiện diễn ra trong 10 tập, nhưng season 8 lại có đến ba sự kiện quan trọng (The Great War, The Last War, cái chết của Daenerys) diễn ra chỉ trong vòng 6 tập. Vì vậy, tôi không thể tránh khỏi cảm giác tiếc nuối như bao người khi nghĩ về GOT. Thật đáng tiếc cho một series huyền thoại đã được nhiều người gầy công xây dựng suốt gần một thập kỉ để rồi nhận kết thúc như vậy. Tính đến thời điểm hiện tại, điểm trên Rotten Tomatoes cho bảy phần trước của GOT luôn nằm ở mức ~ 90%, nhưng phần 8 lại chỉ có 58%. Lẽ ra, chỉ cần chậm rãi và từ tốn hơn, GOT đã để lại nốt nhạc đẹp sau cùng trong lòng khán giả.

Goodbye my Queen

Dù Dany đã bị hai nhà biên kịch cưỡng chết vội vàng ở season cuối nhưng tình cảm tôi dành cho nàng đột nhiên thay đổi, những khoảng trống thờ ơ trước đây bỗng nhiên được lấp đầy bằng sự quan tâm trìu mến và nỗi xót xa. Nhiều ngày trôi qua sau kết thúc tôi đã biết trước khi xem ấy, tôi vẫn không thể tránh khỏi cảm giác bần thần, thẫn thờ. Tôi tự hỏi đi hỏi lại chính mình rằng vì sao nàng hóa điên, vì sao người yêu của nàng có thể dứt khoát, lạnh lùng xuống tay với nàng như thế? Tôi tìm được vài câu trả lời nhưng cũng không thể xoa dịu được chính mình. Bởi lẽ, dù nhanh hay chậm, sớm hay muộn, tôi vẫn có dự cảm rằng kết thúc của nàng sẽ không thay đổi. Nó như một hệ quả tất yếu ngay từ lúc nàng vừa sinh ra. Nó như định mệnh của chính nàng. Tôi xót xa khi mường tượng lại toàn bộ hành trình cuộc đời nàng. Nàng là công chúa của một vương triều đã quá vãng, phải lưu vong cùng người anh trai khinh thường phụ nữ, không tôn trọng chính em gái mình – anh ta bị mù quáng bởi mục tiêu tối thượng duy nhất là giành lại Ngai Sắt. Sau khi anh trai và chồng nàng mất, nàng chẳng còn người thân, nàng hoàn toàn trơ trọi trong thế giới ấy. Niềm an ủi duy nhất là ba con rồng đã bước ra cùng nàng trong lửa và tro tàn. Nàng rất cố gắng nỗ lực để tồn tại, để từ một người gần như chẳng có gì trở thành Mother of Dragons, The Breaker of Chains, Mhysa và cuối cùng là Nữ hoàng. Rồi nàng gặp một người khiến nàng tạm quên đi Ngai Sắt, khiến nàng chấp nhận dự phần vào cuộc chiến rất xa xôi ở phương Bắc vốn không có trong kế hoạch ban đầu của nàng dù khi ấy nàng đã ở rất gần phương Nam, khiến nàng mất đi quân lực và những thân hữu tin cậy nhất…, những mất mát đó xứng đáng được đáp trả bằng một tình yêu lớn lao từ đối phương. Nhưng qua những gì thể hiện trên màn ảnh, Jon cho tôi thấy rằng anh là một người yêu vô cùng hời hợt, quá thiếu sự nồng ấm sẻ chia và quá thừa lí trí, những mối bận tâm bao đồng. Khi ngẫm nghĩ lại, tôi nhận ra Jon chưa bao giờ làm được điều gì cho Dany ngoài những phút ái ân ban đầu. Về sau, anh chỉ luôn miệng nói: “She is/ You’re my Queen,” quan tâm ý kiến của người ngoài hơn là của nàng, anh cũng bỏ mặc nàng mà không an ủi sau những mất mát lớn lao ở trận The Great War; khi biết nàng là cô ruột của mình, anh cũng bắt đầu gượng gạo trong việc thể hiện tình cảm, điều đó minh chứng tình yêu của anh không đủ lớn để vượt qua chuẩn mực đạo đức anh tự gò mình vào. Khi nàng van xin anh đừng tiết lộ sự thật về thân thế anh cho Sansa, Arya và đồng thời yêu cầu Bran, Sam giữ bí mật, anh đã khước từ nguyện vọng của nàng với lí do họ là người nhà của anh, anh cần phải cho họ biết. Trong một clip trên Youtube đăng lại trích đoạn này, có bình luận của một khán giả khiến tôi chú tâm, đại ý của bình luận đó là: “Khi Jon từ chối Dany vì anh bảo Sansa, Arya là người nhà của anh, tôi ước gì Dany đã nói với anh rằng ‘Em cũng là người nhà của anh mà.’” Đó là một sự thật cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, đúng về lí trí lẫn tình cảm. Dany là cô ruột của Jon, đồng thời cũng là người anh yêu – nhưng hai thực tế này cộng gộp lại với nhau vẫn không đủ khiến anh thấy Dany thực sự là người nhà để có thể bỏ qua lí trí và tận hiến trong tình yêu ấy. Nếu người yêu của Dany là Jamie, có lẽ nàng đã không chết như thế.

Tôi biết rằng Jon chỉ đang làm điều anh tin là đúng, nhưng xét trên khía cạnh tâm lí con người bình thường, hành động đó lại thiếu tính thuyết phục. Game of Thrones vốn nổi tiếng ở việc đã xây dựng được chiều sâu tâm lí phức tạp cho nhân vật; ở thế giới của GOT, không ai hoàn toàn tốt, cũng không ai hoàn toàn xấu. Thế nhưng, cách season 8 kết thúc cho thấy rằng Jon không phát triển được tâm lí cũng như thay đổi bất cứ điều gì về quan điểm, cách đối nhân xử thế dù đã trải qua biết bao sự kiện khốc liệt. Hầu như tất cả những nhân vật trong GOT đều trải qua một hành trình trưởng thành, ta thấy được sự thay đổi của họ nhưng lại không nhận ra chút khác biệt nào từ Jon qua mỗi mùa, anh như một khối bất động phẳng lì đứng trơ trong tuyết năm này qua tháng nọ dù thậm chí tuyết còn có thể tan rã thành nước hoặc đông cứng thành khối băng, nhưng Jon thì không. Cũng như nhiều người, trong một thế giới đầy rẫy sự dối trá như GOT, ban đầu tôi cũng đã thích một người chân thành, thẳng thắn, ưu tiên lợi ích nhân loại hơn là lợi ích cá nhân như Jon. Nhưng đồng thời, tôi cũng đã trông đợi sự trưởng thành hay thay đổi của Jon khi các quan điểm anh cho là đúng đắn bị thách thức. Tuy nhiên, sau khi đã bị đồng đội phản bội, giết rồi được hồi sinh, anh vẫn là Jon của ngày hôm qua. Điều đó khiến tôi bắt đầu chán nản. Thậm chí, giống như nhân vật Beric Dondarrion từng giải bày rằng mỗi lần được hồi sinh, ông lại thấy mình yếu đi một chút; tôi cũng nhận ra điều tương tự ở Jon nhưng không phải về mặt thể lực mà là về mặt trí tuệ và tình cảm. Jon dường như dễ bị tác động bởi ý kiến của người khác hơn, cứng nhắc hơn trong những lựa chọn của mình mà không suy tính trước sau (trong tập thuyết phục Cersei lập giao ước đình chiến, chính Dany cũng có phần phiền lòng khi anh cứ một mực nhắc với Cersei rằng Dany mới là nữ hoàng của anh)… Với những lí do này, Jon cùng Tyrion Lannister trở thành nhân vật ban đầu tôi vốn yêu thích nhưng khi kết thúc, bỗng hóa căm ghét. Cả hai đúng là “bastard” theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tôi còn giận Jon vì dường như anh chưa từng đề cập với Dany về sự tồn tại của Aemon Targaryen. Nếu như nàng biết rằng một người chú của mình vẫn còn sống sau cuộc thảm sát vương triều Targaryen và phục vụ tận tụy ở Night’s Watch phần lớn cuộc đời như thế, biết đâu nàng đã có được chút an ủi, biết đâu những bài học Aemon từng dạy Jon cũng sẽ hữu ích cho Dany. Khi xem GOT, tôi vẫn luôn hi vọng có ngày Dany gặp được Aemon để biết rằng nàng không đơn độc, tôi nóng lòng tưởng tượng cuộc hội ngộ đó sẽ diễn ra như thế nào. Nhưng đáng tiếc rằng khi Dany đến được phương Bắc, chú nàng đã qua đời.

“A Targaryen alone in the world is a terrible thing.”

Khi câu chuyện của Dany kết thúc, tôi mới nhận ra rằng số 0 không chỉ sinh ra người hùng; ngay từ đầu, vốn dĩ số 0 đã có thể tự sinh ra chính nó – một số 0 khác.

From zero to hero.

From hero to ash.

Nhưng chẳng phải đó cũng là cách cuộc đời này vận hành sao? Chúng ta đến thế giới này với hai bàn tay trắng, thậm chí ngay từ lúc đầu còn chưa có hình hài cố định, ta dần định hình mình trong thế giới, và rồi sau cùng, tất cả chúng ta đều trở về cát bụi. Vậy nên, đã đến lúc tôi nói lời tạm biệt.

Tạm biệt Nữ hoàng của tôi.

Tạm biệt một tình yêu phải mất quá lâu tôi mới nhận ra.

***

Bạn có thể tìm đọc sách Trò Chơi Vương Quyền (bản dịch tiếng Việt của Game of Thrones) đã xuất bản ở Việt Nam những tập sau đây:

Click to comment

Viết bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Trà chiều

Mặt trái của “Manifest”: Khi tư duy tích cực có thể phản tác dụng

“Manifest” – từ khóa của năm 2024 do từ điển Cambridge bình chọn, đã trở thành một cơn sốt trong giới trẻ, lan tỏa mạnh mẽ trên khắp các nền tảng mạng xã hội. Nhưng liệu manifest có thực sự là con đường thần kỳ dẫn đến hạnh phúc?

Published

on

Manifest, hay luật hấp dẫn, đại diện cho một niềm tin vào sức hút kỳ diệu của vũ trụ, vào một thế lực lớn lao và quyền năng hơn chính bản thân, có thể giúp ta đạt được mọi mong muốn. Từ ước mơ về một cuộc sống giàu sang, một tình yêu viên mãn đến khát khao thành công trong sự nghiệp, tất cả dường như đều nằm trong tầm tay chỉ với sức mạnh của suy nghĩ tích cực.

Nhằm mang đến cho bạn đọc một cái nhìn đa chiều về trào lưu này, Bookish xin giới thiệu bài viết được dịch từ tạp chí Psychology Today, phân tích những mặt trái tiềm ẩn của manifest, giúp chúng ta tránh sa vào những cạm bẫy tư duy.

***


“Manifest” đang là một trong những trào lưu thịnh hành nhất ở lĩnh vực sách self-help. Tác phẩm MANIFEST - 7 Bước Để Thay Đổi Cuộc Đời Bạn Mãi Mãi (2022) của Roxie Nafousi đã ngay lập tức trở thành hiện tượng bán chạy toàn cầu khi vừa ra mắt. Cuốn sách này từng có mặt trong danh sách bán chạy nhất của Sunday Times nhiều tuần liền, và được không ít người nổi tiếng tìm đọc.

Tuy nhiên, cuốn sách của Nafousi lại thuộc về một trường phái self-help lâu đời hơn, vốn cổ súy cho ý tưởng về “luật hấp dẫn”. Luật này cho rằng chính suy nghĩ của chúng ta quyết định những gì ta thu hút trong cuộc sống như may rủi, giàu nghèo, ốm đau hay khỏe mạnh, những mối quan hệ độc hại hay tốt đẹp. Tôi cho rằng mặc dù việc nhiều người thích những cuốn sách kiểu này là điều dễ hiểu, nhưng manifest lại là một xu hướng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Những ví dụ tiêu biểu nhất về sách self-help theo luật hấp dẫn là The Secret - Bí Mật (2006) của Rhonda Byrne và Think and Grow Rich - Nghĩ Giàu Và Làm Giàu (1937) của Napoleon Hill. Những cuốn sách này đẩy ý tưởng kiểm soát tâm trí (được ủng hộ bởi nhiều trường phái triết học cổ đại như Khắc kỷ, cũng như các chuyên gia trị liệu nhận thức hành vi – CBT) đi xa hơn. Các tác giả đưa ra quan niệm có thể tạm gọi là học thuyết “tâm trí chế ngự vật chất”, khẳng định rằng suy nghĩ của chúng ta có sức mạnh toàn năng, không chỉ quyết định cảm xúc mà còn định hình cả thế giới bên ngoài.

Đúng là có bằng chứng cho thấy rằng tư duy lạc quan tốt hơn tư duy bi quan; và ở một mức độ nào đó, tâm thế và thái độ tích cực có thể dễ khiến ta thành công hơn, ít gặp vấn đề về sức khỏe và các mối quan hệ hơn – nhìn chung là ta có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đơn cử là, cha đẻ của tâm lý học tích cực, Martin Seligman, đã viết rất nhiều về chủ đề này. Seligman cho rằng tư duy bi quan và cái mà ông gọi là “sự bất lực tự ứng nghiệm” chính là nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, khiến ta bị giảm tuổi thọ, đạt thành tích kém cỏi hơn và gặp nhiều tai họa hơn trong cuộc đời – bởi lẽ, luôn lo sợ những điều này xảy ra có thể biến chúng thành sự thật. [i] Lợi ích của việc hình dung những mục tiêu tích cực và việc chúng ta đạt được kết quả mong muốn cũng đã được nghiên cứu rộng rãi.

Tuy nhiên, nhóm người ủng hộ trào lưu manifest lại đưa ra những tuyên bố cực đoan hơn nhiều. Thông thường, các tác phẩm của họ đều dựa trên những niềm tin huyền bí đáng ngờ, được cho là đúc kết từ một số nguyên lý vật lý lượng tử (mặc dù chưa từng có bằng chứng khoa học nào củng cố cho những tuyên bố này).

Truyền thống self-help này bắt nguồn từ khoảng mấy chục năm cuối thế kỷ 19, khởi đầu với phong trào “chữa lành bằng tâm trí” ở Mỹ. Những người theo phong trào này tin rằng mọi bệnh tật đều bắt nguồn từ tâm trí. Do đó, suy nghĩ lành mạnh sẽ có tác dụng chữa lành. Người thợ đồng hồ Mỹ Phineas Parkhurst Quimby (1802–1866) là một trong những người đầu tiên nêu rõ ý tưởng này. [ii] Quimby cho rằng tất cả bệnh tật chẳng qua chỉ là một niềm tin sai lầm biểu hiện ra thành các triệu chứng vật lý. Nếu chấp nhận rằng bệnh tật chỉ nằm trong tâm trí, chúng ta có thể dễ dàng tự chữa lành cho mình.

Giáo phái chữa bệnh bằng tâm trí nổi bật nhất là Giáo hội Khoa học Kitô giáo, do Mary Baker Eddy (1821–1910) sáng lập. Cuốn kinh thánh trước tác của Eddy, Science and Health with Key to the Scriptures (1875) (Tạm dịch: Khoa học và Sức khỏe với Chìa khóa giải mã Kinh Thánh), hiện đã bán được hơn 9 triệu bản. Giống như Quimby, các tín đồ Khoa học Kitô giáo tin rằng bệnh tật có thể chữa khỏi chỉ bằng cầu nguyện. Thần học của Eddy dựa trên quan niệm thần bí cổ xưa rằng thực tại thuần túy là tâm linh và thế giới vật chất chỉ là ảo ảnh. [iii] Do đó, bệnh tật không gì khác hơn là một lỗi lầm của tâm trí – hậu quả của việc sai lầm khi đặt niềm tin vào vật chất và giác quan. Những tín đồ Khoa học Kitô giáo cực đoan hoàn toàn bác bỏ mọi can thiệp y tế và phẫu thuật. Không có gì ngạc nhiên khi phương pháp chăm sóc sức khỏe này đã khiến cho nhiều thành viên giáo phái và con cái của họ phải vong mạng.

Nhà triết học và tâm lý học William James (1842–1910) cũng rất quan tâm đến ý tưởng về nguồn gốc tâm lý của bệnh tật. Trong The Varieties of Religious Experience (1902) (Tạm dịch: Muôn mặt kinh nghiệm tôn giáo), ông mô tả phong trào chữa lành bằng tâm trí là một “quan điểm sống lạc quan”:

Những người dẫn dắt phong trào này tin tưởng sâu sắc vào năng lực chữa lành của một tâm trí khỏe mạnh, vào khả năng chiến thắng của lòng can đảm, hy vọng và niềm tin, đồng thời khinh miệt sự nghi ngờ, sợ hãi, lo lắng và mọi trạng thái tinh thần căng thẳng, dè dặt thái quá.. [iv]

Chúng ta có thể thấy rõ ràng là trong các nguyên lý của phong trào chữa lành bằng tâm trí có chứa đựng hạt giống của tư duy tích cực. Tư duy tích cực lần đầu tiên được phổ biến là trong tác phẩm The Power of Positive Thinking (1952) (Tạm dịch: Sức mạnh của tư duy tích cực) của mục sư người Mỹ Norman Vincent Peale. Cuốn sách này có tầm ảnh hưởng, nhưng đồng thời cũng gây tranh cãi.

Một nhà tư tưởng “chữa lành bằng tâm trí” quan trọng khác là Prentice Mulford (1834–1892) –  ông đã đặt ra các nguyên tắc của “luật hấp dẫn”. Trong Thoughts are Things (1889) (Tạm dịch: Tư duy là Vạn vật), Mulford giải thích rằng suy nghĩ tích cực thu hút kết quả tích cực và suy nghĩ tiêu cực thu hút kết quả tiêu cực. William Walker Atkinson sau đó cũng đưa ra những tuyên bố tương tự trong Thought Vibration or the Law of Attraction in the Thought World (1906) (Tạm dịch: Sóng Tư tưởng và Luật hấp dẫn trong Thế giới Tinh thần). Tác giả self-help đầu tiên kết hợp ý tưởng tâm linh của luật hấp dẫn với khát vọng vật chất hữu hình là Napoleon Hill. Công thức này hóa ra lại cực kỳ sinh lời. Hill đã xuất bản cuốn sách bán chạy nhất của trong sự nghiệp của ông là Think and Grow Rich! vào năm 1937. Tác phẩm này đã trở thành khuôn mẫu cho một loại sách self-help mới khi tập trung vào việc theo đuổi tiền bạc.

Thông điệp của Hill rất đơn giản: Tất cả chúng ta đều có thể trở nên giàu có nếu khao khát đủ lớn. Nếu tập trung chuyên chú vào những suy nghĩ về tiền bạc và sự sung túc, vũ trụ sẽ tạo ra sự cộng hưởng kỳ diệu với tiềm thức và gửi đến vô vàn tài lộc. [v] Để trở nên giàu có, chúng ta chỉ cần nuôi dưỡng một khát khao rõ ràng. Khi đó, suy nghĩ của chúng ta, “như những thỏi nam châm, sẽ thu hút vô số nguồn lực, con người và hoàn cảnh phù hợp với bản chất của những suy nghĩ chủ đạo đó.” Nếu “từ tính hóa tâm trí” và trở nên “nhạy bén với tiền bạc”, chúng ta sẽ trở thành triệu phú ngay lập tức.

Không có gì ngạc nhiên khi một thông điệp như vậy lại an ủi những độc giả đang vật lộn với hoàn cảnh kinh tế suy thoái trong cuộc Đại khủng hoảng. Nhưng thông điệp còn nhiều mơ hồ này vẫn tiếp tục hấp dẫn cho đến tận ngày nay. The Secret của Byrne đã xào nấu lại ý tưởng này. “Bí thuật” của cô ấy, không gì xa lạ, chính là luật hấp dẫn. Các nguyên tắc của luật này cứ được nhắc đi nhắc lại. Suy nghĩ của chúng ta, rõ ràng là có tần số riêng. Chúng ta phát ra tần số này vào vũ trụ và từ đó thu hút mọi thứ cùng tần số với suy nghĩ của mình. The Secret tràn ngập những câu chuyện về việc bất ngờ nhận được séc qua thư và những biến chuyển kỳ diệu trong cuộc sống cá nhân của một người. Cuốn sách đưa ra lời hứa hẹn rằng rằng độc giả có thể dễ dàng thu hút 10 triệu đô la, bởi vì “Bí thuật có thể cho bạn bất cứ điều gì bạn muốn.” Bởi “Bạn là thỏi nam châm mạnh mẽ nhất trong Vũ trụ!… Suy nghĩ của bạn sẽ trở thành hiện thực!” [viii]

Nhiều người trong chúng ta có thể thấy những lời hứa hẹn thái quá về sự chuyển đổi dễ dàng này là đáng ngờ. Nhưng tệ hơn nữa, học thuyết của Byrne và những người ủng hộ nguyên lý “tâm trí chế ngự vật chất” lại có xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân. Về cốt lõi, họ quan niệm rằng những người gánh chịu bất hạnh phải tự nhận trách nhiệm cho những đau khổ của mình, bao gồm cả chuyện ung thư, hiếp dâm, tai nạn xe hơi và bạo lực. Chẳng hạn như, Byrne thẳng thừng cho rằng mọi tai ương trong cuộc sống là do chúng ta không chịu suy nghĩ tích cực và không truyền tải đủ mạnh mẽ những mong muốn về vật chất xa xỉ vào vũ trụ. Byrne và nhiều chuyên gia làm giàu đã đóng góp cho cuốn sách của cô còn khẳng định chắc nịch rằng quy luật hấp dẫn cũng có thể áp dụng với 6 triệu người Do Thái bị sát hại trong thảm họa Holocaust. Rõ ràng, chính “những suy nghĩ về nỗi sợ hãi, sự chia ly và bất lực” của người Do Thái đã khiến họ “hiện diện ở nơi lầm lạc vào một thời điểm sai trái”. [ix] Tác giả của The Secret khẳng định chắc nịch: “Mọi trải nghiệm đều bắt nguồn từ những suy nghĩ dai dẳng trong chính bạn.” [x] Đây rõ ràng là những luận điệu vô cùng đáng lo ngại, và tôi ngạc nhiên rằng những tuyên bố dối trá, hoàn toàn không thể biện minh này lại không vấp phải quá nhiều chỉ trích.

Vậy tại sao những cuốn sách như Think and Grow Rich!, The Secret, và giờ là Manifest của Nafousi lại hấp dẫn nhiều người đến vậy? Tất nhiên, ai mà chẳng thích được nghe rằng mình có thể giàu sang mà không cần động tay động chân, rằng những tấm séc 10 triệu đô la sẽ tự động bay vào hộp thư chỉ cần ta nghĩ đủ nhiều về tiền. Những cuốn sách cho rằng mọi sự tự hoàn thiện bền vững đều đòi hỏi nỗ lực, kiên trì và thời gian thường ít hấp dẫn hơn – mặc dù có lẽ thông điệp đó lại thực tế hơn.

Tuy nhiên, tôi cho rằng không chỉ vì chúng ta khao khát những giải pháp nhanh chóng, dễ dàng mà những cuốn sách như thế này mới trở nên phổ biến; một yếu tố quan trọng khác là mong mỏi từ ngàn đời nay của con người về việc tự làm chủ cuộc sống. Tư duy vũ trụ kỳ diệu được cổ súy bởi những người theo trường phái “chữa bệnh bằng tâm trí” giúp chúng ta nuôi dưỡng khát vọng toàn năng, bất khả chiến bại và quyền làm chủ thế giới vật chất. Nó đánh vào mong muốn nguyên thủy của chúng ta là khả năng tự bảo vệ mình trước hai mối đe dọa là sự tổn thương và tình trạng mất kiểm soát.

Phép thuật tư duy trong những cuốn sách này cũng mang tính chất thoát ly thực tại. Nó cho phép ta mơ mộng về những cuộc đời khác, nơi ta là nhân vật chính trong truyện cổ tích – thành đạt, giàu có, quyến rũ và luôn tự tin trong giao tiếp xã hội. Ngoài ra, thời điểm những cuốn sách này được xuất bản và tạo nên tiếng vang cũng rất đáng chú ý: sách của Hill ra đời trong thời kỳ Đại khủng hoảng, sách của Byrne ra đời ngay trước khủng hoảng tài chính, còn sách của Nafousi nổi lên năm 2022 – một năm đầy biến động với những ảnh hưởng kéo dài của đại dịch Covid, bất ổn kinh tế gia tăng, khủng hoảng chi phí sinh hoạt trầm trọng và chiến tranh Ukraine kinh hoàng.

Vấn đề tôi thấy là: Mặc dù đọc những cuốn sách này có thể mang lại cảm giác hy vọng nhất thời, thậm chí là sự kỳ vọng hão huyền, nhưng thực tế cuối cùng cũng sẽ ập đến. Chúng ta sẽ cảm thấy tồi tệ hơn khi những khoản tiền hứa hẹn không xuất hiện. Không một vấn đề nào được giải quyết. Ta chẳng học được gì mới mẻ về bản thân và cũng chẳng thu được bài học hữu ích nào để thực sự tiến bộ. Hơn nữa, việc đánh giá quá cao khả năng thay đổi tâm lý và năng lực cá nhân, đồng thời đánh giá thấp bối cảnh kinh tế và xã hội mà ta đang sống, sẽ khiến ta phải trả giá. Khi mọi thứ không diễn ra như mong đợi, ta sẽ chìm trong cảm giác tội lỗi và xấu hổ.

***

Tư liệu tham khảo

[i] See Martin Seligman, Learned Optimism: How to Change Your Mind and Your Life (London, Boston: Nicholas Brealey Publishing, 2006).

[ii] Phineas Parkhurst Quimby, The Quimby Manuscripts: Containing Messages of New Thought, Mesmerism and Spiritual Healing from the Author, edited by Horatio W. Dresser (s.p.: Pantianos Classics, 1921), p. 73

[iii] Mary Baker Eddy, Science and Health With Key to the Scriptures (Boston: The Writings of Mary Baker Eddy, 2000), p. viii.

[iv] William James, The Varieties of Religious Experience (Cambridge, MA: Harvard University Press, 1985), pp. 92–3.

[v] Napoleon Hill, Think and Grow Rich!: The Original Version, Restored and Revised (Anderson, SC: The Mindpower Press, 2007), p. 9.

[vi] Ibid., p. 21.

[vii] Ibid.

[viii] Rhonda Byrne, The Secret, 10th anniversary edition (London and New York: Simon & Schuster, 2016), p. xv, 7, 9.

[ix] Ibid., p. 28.

[x] Ibid., p. 43.

***

Khi những ảo tưởng về một cuộc sống hoàn hảo nhờ manifest tan vỡ, ta thường chìm trong thất vọng và tự trách bản thân. Việc đánh giá quá cao sức mạnh của suy nghĩ mà quên đi nỗ lực thực tế chính là nguyên nhân dẫn đến thất bại. Tuy nhiên, không thể phủ nhận sức hút và sự phổ biến của manifest. Nếu biết vận dụng một cách tỉnh táo, kết hợp với hành động thiết thực và kế hoạch rõ ràng, manifest có thể trở thành một công cụ hữu ích, giúp ta củng cố niềm tin, duy trì động lực và rút ngắn con đường đến với mục tiêu. Suy cho cùng, tư duy tích cực luôn là một yếu tố quan trọng trên hành trình hoàn thiện bản thân, nhưng chìa khóa then chốt vẫn nằm ở sự cân bằng giữa giấc mơ và hiện thực, giữa niềm tin và hành động. Đó cũng chính là thông điệp mà Bookish mong muốn gửi gắm đến bạn đọc.

Nguồn: Psychology Today

Kodaki dịch

Đọc bài viết

Trà chiều

Lễ hội Đường sách Tết Ất Tỵ 2025 thu hút đông đảo bạn đọc tại TP HCM

Published

on

Ngày 27.01.2025 (tức 28 Tết), Lễ hội Đường sách Tết Ất Tỵ 2025 chính thức khai mạc. Lễ hội thu hút sự quan tâm và yêu thích của người dân cũng như khách du lịch thành phố. Đường sách được tổ chức với quy mô lớn, có nhiều không gian văn hoá, nghệ thuật đặc sắc, hứa hẹn sẽ trở thành điểm vui chơi và mua sắm náo nhiệt trong mùa Tết.

Lễ hội lần thứ 15 có chủ đề Non sông gấm hoa, vui xuân thái hòa. Năm 2011, lễ hội Đường sách Tết lần đầu được tổ chức tại đoạn đường Mạc Thị Bưởi (nối Đồng Khởi và Nguyễn Huệ, quận 1). Từ năm 2023 đến nay, hoạt động này được tổ chức trên trục đường Lê Lợi, đoạn từ giao lộ Nguyễn Huệ đến bùng binh Quách Thị Trang, dài khoảng 400 m. Lễ hội tổ chức trên khu vực có tổng diện tích 11.200 m2, thu hút nhiều đơn vị tham gia kiến tạo không gian văn hóa, nghệ thuật, nổi bật trong số đó có Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam (gọi tắt là Công ty Phương Nam hoặc PNC).

Năm 2025 đánh dấu kỷ niệm 15 năm Công ty Phương Nam tham gia Lễ hội Đường sách Tết với gian hàng lớn, đẹp, giàu cảm xúc. Sau buổi lễ khai mạc, gian hàng của Phương Nam vinh dự đón tiếp các lãnh đạo Thành phố đến tham quan: ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Thanh Nghị - Phó Bí thư Thường Trực Thành ủy TP.HCM, ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM cùng đại diện lãnh đạo Sở, ngành. Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cũng ghé thăm các gian hàng của Nhà Sách Phương Nam tại Lễ hội Đường sách Tết. Đại diện Công ty Phương Nam đón tiếp đoàn lãnh đạo và các vị khách quý là ông Nguyễn Hữu Hoạt - Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Đến với các gian hàng của PNC tại Đường sách Tết, khách tham quan có thể tìm mua những đầu sách best-seller giá trị và đầy ý nghĩa do Phương Nam Book liên kết xuất bản; trải nghiệm khu vực sách nói KOMO Audio tiện lợi và hiện đại; đắm chìm trong những giai điệu bất hủ tại quầy băng đĩa Phương Nam Film; cũng như mang về nhà những món đồ chơi, quà lưu niệm đa dạng mẫu mã đến từ các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. Là thương hiệu có bề dày 43 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, Công ty Phương Nam tự hào là đơn vị uy tín, chất lượng và luôn nỗ lực để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Lễ hội Đường sách Tết Ất Tỵ 2025 là cơ hội để PNC tiếp tục phục vụ khách hàng và bạn đọc với những sản phẩm cũng như dịch vụ chất lượng cao.

Trong suốt thời gian diễn ra Lễ hội Đường sách Tết Ất Tỵ 2025, khách tham quan sẽ có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với nhiều tên tuổi nổi tiếng trong làng sách, tham gia các chương trình thú vị để nhận nhiều lì xì hấp dẫn, và tận hưởng không khí du xuân tràn đầy niềm vui. Tết này, đừng quên ghé chơi với Nhà Sách Phương Nam nha!

Thời gian: Từ 27/01/2025 – 02/02/2025

Địa điểm: Đường Lê Lợi, Quận 1, TP HCM

Một số hình ảnh trong ngày khai mạc Lễ hội Đường sách Tết Ất Tỵ 2025:

Đọc bài viết

Trà chiều

Vũ Đằng kết đôi cùng “nàng Kiều” Trình Mỹ Duyên trong Chợ Tết Tình Quê

Published

on

By

Nam diễn viên Vũ Đằng sẽ sánh đôi cùng “nàng Kiều” Trình Mỹ Duyên trong bộ phim phát sóng vào ngày mùng một Tết nguyên đán Ất Tỵ.

Chợ Tết Tình Quê là câu chuyện tình cảm của một đôi bạn trẻ diễn ra trong những ngày giáp Tết Ất Tỵ ở cù lao An Bình (tỉnh Vĩnh Long). Gia Bảo (Vũ Đằng đóng) là một chàng công tử chính hiệu, chán chường cuộc sống xa hoa, xô bồ nơi phố thị cũng như muốn thoát khỏi sự kìm kẹp của mẹ, Bảo bỏ nhà đi bụi vào một buổi chiều tháng chạp. Anh xuôi về miền Tây sông nước, nơi có làng nghề gốm đỏ, làm nhang, trồng trái cây, hoa kiểng để tìm lại những ký ức thời thơ ấu, khi gia đình còn trọn vẹn. Tình cờ gặp được Vũ Nghi (Trình Mỹ Duyên), Bảo choáng váng và thậm chí ghét bỏ, nhiều lần cản trở, gây tai họa cho cô vì hiểu lầm cô là người thực dụng, lợi dụng tình nghĩa của bà con dưới quê để kiếm danh.

Vũ Nghi vốn là người sinh ra ở cù lao An Bình. Cô mồ côi cha mẹ, sống với người cậu từ bé nên tính cách cứng cỏi, đạt giải một hoa khôi nhưng từ chối mọi sự săn đón của các đại gia mà muốn đi lên từ thực lực. Vũ Nghi hoạt động như một hot streamer trên mạng xã hội, sở hữu những trang cá nhân có lượt theo dõi khủng. Chương trình thực tế 100 nghề của cô nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng, trong đó có những tập quảng bá về ngành nghề truyền thống cũng như du lịch sinh thái ở quê hương Vĩnh Long. Hoàn cảnh đưa đẩy cả hai thành cặp đôi “oan gia ngõ hẹn”, ban đầu là ghét nhau, sau dần dần cảm mến rồi tiến tới tình yêu.

Bên cạnh chuyện tình của cặp trai tài gái sắc Gia Bảo – Vũ Nghi, đạo diễn Quách Khoa Nam và biên kịch Phan Ngọc Diễm Hân còn dẫn dắt khán giả màn ảnh nhỏ tham quan cù lao An Bình cũng như những miền quê xinh đẹp, trù phú của tỉnh Vĩnh Long. Người xem sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp bình dị của làng nghề gốm đỏ, làm nhang, những làng hoa Tết sum suê, vườn trái cây trĩu quả… Không khí của phim diễn ra trong những ngày giáp Tết, thời khắc mùa Xuân hiện hữu đẹp nhất với những màu sắc, mùi vị đặc trưng của xứ Nam Bộ.

Khi nhận được kịch bản Chợ Tết Tình Quê, diễn viên Vũ Đằng  cảm thấy rất lo lắng vì nhân vật không có chút gì giống mình ở ngoài đời. “Với một thanh niên 28 tuổi thì ai lại không muốn thành công và được nhiều cô gái vây quanh nhưng Gia Bảo thì ngược lại, anh trốn tránh hết tất cả. Tuy nhiên, tôi đọc kỹ kịch bản, tìm cách thấu hiểu và cảm thông với nhân vật. Tôi đặt ra những câu hỏi “Tại sao?” và tìm cách giải đáp để làm dày lý lịch  để khi ra bối cảnh không còn khúc mắc với nhân vật” – anh chia sẻ. Tuy nhiên, đây không phải là điều làm khó Vũ Đằng mà chính việc hóa trang mới tạo cho anh nhiều trở ngại nhất trong quá trình thực hiện phim. Trước đó ít lâu, anh vừa hoàn thành một phim cổ trang, phải cạo đầu ba vá cho phù hợp nên sang Chợ Tết Tình Quê, Vũ Đằng không kịp để tóc trở lại bình thường, vậy nên ekip thực hiện quyết định cho anh đội tóc giả. Việc hóa trang tóc cho anh trước khi vào cảnh quay mất hơn một giờ, thêm nữa, thời tiết cũng khá nóng nên Vũ Đằng cũng không thực sự thoải mái với bộ tóc khi diễn. “Nó có thể rớt ra bất cứ lúc nào hoặc sai phom dáng nếu mình xoay đầu quá nhiều. Có một số cảnh nặng về tâm lý hay cần động tác hình thể nhiều thì buộc mình phải quên đi chuyện đội tóc giả để nhập tâm hơn. Nếu đội quá lâu thì bộ tóc cũng làm tôi cảm thấy đau đầu. Khi diễn những cảnh cuối cùng của phim, tôi thực sự thở phào nhẹ nhõm vì… được cởi hẳn và tạm biệt bộ tóc giả từ đây!”- anh dí dỏm.

Ngoài ra, phim còn có sự tham gia của các diễn viên: Quang Thái, Hoài An, Thanh Bình, Lê Trang…

Bộ phim do PNF sản xuất kéo dài 20 tập, phát sóng lúc 20h từ thứ hai đến thứ bảy hàng tuần trên kênh THVL1, khởi chiếu từ mùng 1 Tết nguyên đán Ất Tỵ (tức 29.01.2025)

Đọc bài viết

Cafe sáng