KOMOaudio

Đời du nữ: Câu chuyện của một ả đàn bà nghiện đàn ông

“Cho dù tôi đã sống cả đời trong thế giới này với thân phận du nữ, nhưng không vì thế mà tôi kết thúc đời mình với trái tim vẩn đục”

Published

on

Câu chuyện về các nàng kĩ nữ, dù là cổ đại hay hiện đại, thường được khai thác dưới hai góc nhìn: hoặc là những cô gái đoan trang vì bi kịch nhất thời mà phải đưa chân ngọc nhúng chàm đen, rồi thân xác bị vùi dập trong phấn trắng son đỏ; hoặc về những người phụ nữ tham vọng, sử dụng nhan sắc để khống chế đàn ông đu đưa như con rối vô tri vô giác. Phần lớn người Á Đông vẫn không chấp nhận việc đàn bà bị khống chế bởi chữ “dục”, vậy nên kĩ nữ – biểu tượng của nhục dục và sa đọa – cứ thế mà được thi ca hóa.

Thế mà, từ nước Nhật xa xôi và phù phiếm, Ihara Saikaku đã gián tiếp cười dài khi khắc họa một nàng du nữ (kĩ nữ) hoàn toàn trái ngược với hai hình mẫu trên. Thoạt tiên, số phận nàng cũng có những bước đường sa cơ lỡ vận.

“Xuất thân từ một gia đình tử tế, nàng làm thị nữ cho một phu nhân ở triều đình. Nhưng sau đó bị đuổi đi vì tội vụng trộm tình ái lúc mới 12 tuổi.

Không bao lâu, gia đình nàng sa sút, nàng bị bán vào ‘thành phố không đêm’ Shimabara ở Kyoto.”

“Shimabra chính là một Yukaku (du quách), ở đó bắt đầu cuộc đời lưu lạc khắp xứ của người đàn bà đa tình. Nàng lần lượt là du nữ, là tình nhân của một nhà sư, là thầy dạy viết thư, hầu phòng, hầu gái, ca nữ, gái nhà tắm, trà thất và khi xuống tận đáy, làm cả gái điếm đường.”

– Trích chương 1, Saikaku và thế gian đa tình.

Nàng du nữ này không “bán mình vì số phận”. Nàng say sưa thú vui nhục thể đến mê loạn, đến ám ảnh, đến tình nguyện để chữ “sắc” nuốt trọn tâm trí. Nàng như một con nghiện thuốc không ngừng tìm cách cai, nhưng ngựa đã lỡ quen đường cũ. Trong năm trăm người chồng một đêm của nàng, có lãnh chúa oai phong nhất vùng, có chàng nhân sĩ học rộng tài cao, có kẻ du thủ du thực, có vị trụ trì một năm ăn mặn vài lần, và có lão già thất thập cổ lai hy. Kẻ khác hành nghề vì kế sinh nhai, vì đường đời đưa đẩy. Nàng hành nghề vì nàng “hám sắc”.

1. Câu chuyện về một ả đàn bà nghiện đàn ông

Nàng du nữ là một kẻ nghiện đàn ông và nghiện làm tình với đàn ông, chấm hết.  

So sánh đơn giản, nếu một kẻ sắp chết đói nhìn thấy một bức họa đồ ăn, từ trong dạ dày của gã sẽ râm ran, dồn dập những cơn sóng dịch vị. Từng thớ thịt mỡ màng trước mắt gã sẽ mang sức quyến rũ ngàn cân. Có gì mà gã không dám hi sinh để được phập răng vào miếng thịt, thỏa mãn cơn đói ngấu của mình? Tương tự, nàng du nữ luôn trong tình trạng gọi bỗ bã là “thiếu hơi trai”. Chỉ cần liếc mắt thấy một cánh tay rắn chắc, cảm nhận một cái đụng chạm hững hờ là đã khiến xuân tình trong mắt nàng ta lúng liếng. Thứ nhục dục này như thuốc phiện, thỏa mãn ham muốn nhất thời nhưng hủy hoại dần dần thân thể và tinh thần của nàng. Những lúc kịp tỉnh táo, nàng ta sẽ vùng dậy bỏ trốn như một kẻ nghiện choàng tỉnh sau cơn say, giãy giụa để cứu vớt lấy tâm trí thanh tịnh. Nhưng không, nàng ta là một con nghiện, mà cuộc đời này rất giỏi trong việc chu cấp thuốc cho con nghiện. Cứ như thế, nàng ta tiếp tục sa ngã. Hai mươi tư phần truyện ngắn là hai mươi tư lần nàng ta sa ngã.

Nhưng nàng ta lại là một con nghiện hời hợt.

Theo lẽ thường, phụ nữ – đặc biệt là phụ nữ phong kiến – thường bị vấn vương bởi chữ tình, cảm xúc lúc nào cũng đầy ắp, chực chờ trào dâng. Nàng du nữ đã trải qua trăm ngàn bể dâu cuộc đời, nếm thử đủ loại khổ đau khinh nhục. Người khác lâm vào hoàn cảnh của nàng còn biết oán thán, tuyệt vọng, hổ thẹn. Còn những lời tâm sự của nàng ta lại vô cùng hời hợt, chỉ thi thoảng buông vài câu hờn trách lấy lệ. Nói nàng trơ trẽn cũng chẳng phải – nàng quá điềm tĩnh và phẳng lặng để hành xử như một kẻ trơ trẽn đích thực. Thật là một lối hành văn quá đỗi… đàn ông! Có câu nói vui: “Đàn ông đổi tình yêu lấy tình dục, đàn bà đổi tình dục lấy tình yêu”, nhưng câu này chẳng thể áp dụng được cho bản thân nàng.

2. Nàng du nữ kia, rốt cuộc nàng muốn gì?

Một lời khuyên phổ biến dành cho những người viết văn là nhất định phải để nhân vật chính có một mục tiêu, khiến anh ta/ cô ta có thứ mà theo đuổi, truy cầu. Bất kể người đó muốn gì – danh vọng, sự nghiệp, công lý, báo thù – mục tiêu sẽ tạo động lực cho anh ta/ cô ta tiến về phía trước, thúc đẩy tiến độ câu chuyện, làm tiền đề cho sự đổi thay và tiến bộ.

Nhưng nàng du nữ của Ihara Saikaku chẳng muốn gì cả.

Có lẽ nàng ta cũng chẳng thực sự ham mê sắc dục. Nàng ta bị trói buộc bởi sắc dục, nhưng trong mắt nàng, nó chẳng đáng giá hơn chiếc kimono vải mỏng của đám gái già là bao. Ở đàn ông, nàng ta không tìm kiếm sự yêu chiều hoặc nịnh bợ. Nàng ta chẳng mê mẩn tiền bạc, hôn nhân hay sắc đẹp trường tồn. Nàng ta cũng chẳng nỗ lực thay đổi. Từ khoảnh khắc nàng ta là Tayu (cấp bậc cao nhất của nghề du nữ) đến lúc lạc bước đứng đường, nàng ta vẫn là một kẻ nông cạn và dục tình. Đời cho nàng ta một chục cú tát, nhưng phấn son chẳng mảy may trôi đi trên gương mặt trơ lì và vô cảm ấy.

Nhưng giá trị văn học của nàng nằm ở việc nàng chẳng muốn gì cả.

Nhiều người mặc định rằng, “đam mê hoặc mục tiêu là bẩm sinh, người ta sẽ tự nhận biết mình muốn điều gì”. Chẳng có câu nào làm tôi hãi hùng hơn câu ấy. Đam mê với tôi là kết tinh từ quá trình cọ sát và học hỏi từ thế giới bên ngoài. Bạn có thể có năng khiếu mĩ thuật, nhưng nếu không có cơ hội tiếp xúc với bút màu và cọ vẽ, bạn sẽ không khám phá và phát huy được tài năng. Hoặc giả cha mẹ bạn không có điều kiện, xã hội không khuyến khích, xung quanh cũng toàn là những lời cấm cản, phê bình khiến bạn nhụt chí, sớm muộn gì chút năng khiếu ấy cũng bị thui chột và dập tắt.

Cuộc sống người phụ nữ phong kiến bé bằng cái giếng, hoặc chính xác hơn là bé như cái cửa sổ bồi giấy nhìn ra khoảng trời vuông bằng cái sân gạch. Bạn nhận xét rằng kĩ nữ tự do hơn tiểu thư ư? Các nàng tự do chỗ nào, khi cái cửa số ấy chỉ chuyển từ căn phòng khuê các sang quán rượu lầu xanh? Bức tường che không xây từ gạch vữa hay giấy bồi mà xây từ định kiến, đạo lý mà xã hội gán lên người phụ nữ, như một tấm biển định giá lạnh lùng và suồng sã. Trong một thời đại mà phụ nữ phải tuân theo những lề thói bất công, nơi mà phẩm hạnh của tiểu thư được cân đo bằng của hồi môn, nơi mà giá trị của kĩ nữ được đong đếm bằng những xu tiền bèo bọt, nơi mà người định đoạt số phận họ là các quý ông “chồng nhiều đêm” hoặc “chồng một đêm”, họ hoàn toàn không có cơ hội mở rộng khoảng trời của mình. Các nàng hoặc là chết dần chết mòn, hoặc là trôi thản nhiên như một mảng bèo, chẳng muốn và chẳng có gì cả.

“Cho dù tôi đã sống cả đời trong thế giới này với thân phận du nữ, nhưng không vì thế mà tôi kết thúc đời mình với trái tim vẩn đục” không phải là một lời phán định lạc quan hay phân trần về phẩm giá của nàng du nữ, mà chỉ là một lời hứa suông, phơi bày bản chất vô định của nàng.

Tinh thần của nàng đã bị xã hội giết chết. Cả người nàng chỉ còn là thân xác, một thứ thân xác có ý thức, có cá tính nhưng không có cốt lõi tồn tại.

3. Giá trị của Đời du nữ nằm trong bối cảnh hay vượt ra khỏi bối cảnh?

Bạn sẽ nghĩ, Đời du nữ chỉ có giá trị phê phán xã hội đương thời, cảm thương cho số phận người phụ nữ phong kiến bị vùi dập. Ngày nay, nam nữ bình quyền rồi nên nó chẳng còn giá trị gì nữa.

Bạn có chắc không?

Bi kịch của nàng du nữ xuất phát từ việc nàng nghiện đàn ông và nàng sống cuộc đời không mục đích. Nó tương tự như thứ bi kịch mà nhiều người hiện đại mắc phải. Ihara Saikaku mở đầu câu chuyện bằng những lời châm biếm về bản chất phù phiếm của con người – những kẻ miệng thì thao thao bất tuyệt về khát vọng đổi đời và chạm tay vào giấc mộng phù hoa, nhưng lúc nào cũng đầu hàng trước những cám dỗ trước mắt. Những kẻ như thế thời nay nhan nhản. Họ hối hả hưởng thụ những cuộc chơi kích thích ngắn hạn để tự gây tê bản thân, quên đi mục tiêu lâu dài.  Tôi không dám chắc cuộc đời họ có kết thúc như nàng du nữ không, nhưng số phận của họ hẳn là một bản bi kịch của sự hời hợt.

Nhưng Saikaku châm biếm chứ không phán xét. Khi đọc sách, tôi chưa một lần căm ghét nàng du nữ, cũng chẳng thương cảm gì nàng ta. Cảm xúc tôi dành cho nàng ta chắc chẳng khác gì khi ngắm một bức tranh trừu tượng: tò mò, khó hiểu và… hơi thích thú. Saikaku là một nhà văn rất “người” – đối với ông, vẻ đẹp của con người có thể lấn áp hoa đào nở tháng ba. Một chút sắc hồng phơn phớt điểm tô trên màn mưa xuân làm sao có thể so sánh được với sự phức tạp, đa tình, lố bịch, bi thương trong tâm trí và số phận con người?

Bạn có thể đánh giá Đời du nữ theo nhiều cách, hoặc như bản phân tích tâm lí của một ả đàn bà phong lưu, hoặc như một áng văn phê phán xã hội thời bấy giờ. Nhưng với tôi, Đời du nữ là một lời cảnh tỉnh, đồng thời cũng là một bài thơ tôn thờ vẻ đẹp rất đỗi trần tục và tầm thường của con người. Chính cái sự vừa châm biếm, vừa chấp nhận, vừa ngụ ngôn, vừa ca ngợi đã làm nên giá trị vượt thời gian của tác phẩm.

*

“Nhục thể con người ta rồi sẽ thối rữa, xương cốt sẽ thành tàn tro và được chôn lấp dưới cây cỏ. Chỉ có cái tên là còn lại.”

Điều duy nhất tôi nuối tiếc là, Ihara Saikaku cuối cùng cũng chẳng cho nàng lấy một cái tên.

Hết.

Mèo Heo


Những bài viết cùng chủ đề



Cafe sáng

Nhà sách Phương Nam ra mắt nền tảng số tích điểm KOMO+ và ứng dụng sách nói bản quyền KOMOaudio

Published

on

nen-tang-so-KOMO

Trong tháng 10, Nhà Sách Phương Nam ra mắt nền tảng số KOMO với hai ứng dụng KOMO+ và KOMOaudio. Hiện tại, 2 ứng dụng đã có mặt trên Google Play và App Store, cung cấp cho người dùng nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn.

Chỉ với chiếc điện thoại smartphone, khách hàng dễ dàng tích điểm đổi quà thông qua ứng dụng KOMO Plus và trải nghiệm 7 ngày nghe miễn phí sách nói có bản quyền với KOMOaudio.

Ứng dụng KOMO+ đáp ứng thói quen tích điểm, mua sắm thông minh từ khách hàng

KOMO+ (đọc là KOMO Plus) là ứng dụng khách hàng thân thiết, thay thế thẻ tích điểm. Khi cài đặt ứng dụng KOMO Plus, tất cả khách hàng của hệ sinh thái Phương Nam có thể tích điểm, đổi điểm nhận nhiều ưu đãi, các khuyến mãi hấp dẫn chỉ dành riêng cho thành viên KOMO.

Điểm thưởng tích lũy càng cao kèm theo quyền lợi thiết thực theo từng hạng: Hạng tiêu chuẩn (Classic); Hạng bạc; Hạng Vàng; Platinum; Diamond.

Quét mã QR tải ngay KOMOPlus.

Cứ mỗi hóa đơn thanh toán, khách hàng sẽ có thể tích lũy điểm và sử dụng đổi điểm rộng rãi trên các nền tảng của hệ sinh thái Phương Nam, với nhiều quyền lợi hấp dẫn: Sử dụng điểm để đổi lấy ebook, mua hàng trên website thương mại điện tử nhasachphuongnam.com.

Việc ra mắt ứng dụng tích điểm, đổi quà qua ứng dụng KOMO Plus là một trong những nỗ lực của Nhà sách Phương Nam nhằm mang đến trải nghiệm mua sắm thông minh, giúp khách hàng có thể hưởng nhiều ưu đãi nhân dịp sinh nhật, KOMO Day hoặc các dịp lễ đặc biệt trong năm.

Trong thời gian sắp tới, khách hàng còn có thể trải nghiệm thêm tính năng mới trên KOMO Plus: đọc hàng ngàn ebook tiếng Việt và tiếng Anh có bản quyền, chơi game trúng thưởng 100%...

Ứng dụng sách nói bản quyền, giọng đọc giàu cảm xúc KOMOaudio

Song hành với KOMO Plus, Nhà sách Phương Nam đã nghiên cứu và cho ra mắt ứng dụng KOMOaudio với danh mục sách đa dạng, phong phú, đầy đủ bản quyền. Đặc biệt, nội dung sách được đội ngũ sản xuất thực hiện kỹ lưỡng với âm thanh chất lượng, giọng đọc giàu cảm xúc của nhiều voice talent khác nhau, phục vụ nhu cầu nghe sách nói của người dùng Việt Nam.

Khách hàng có thể nghe chương đầu hoàn toàn miễn phí để trải nghiệm ứng dụng và đánh giá phần nào về tác phẩm trước khi quyết định mua sách.

Khách hàng có thể nghe miễn phí sách nói có bản quyền trên KOMOaudio.

Với một người yêu sách nhưng cuộc sống hiện đại bận rộn, KOMOaudio có thể đáp ứng nhu cầu giải trí, nghe sách nói không giới hạn, mọi lúc mọi nơi của bạn. Người dùng có thể nghe sách nói online hoặc offline vào bất kỳ thời gian nào và ở bất cứ đâu: lúc chờ và đi xe buýt, chạy bộ buổi sáng, nấu cơm, làm việc nhà, lái xe…

KOMOaudio còn có tính năng hẹn giờ, tự động tắt, đáp ứng nhu cầu người dùng có thói quen nghe sách trước khi ngủ. Ngoài ra, ứng dụng sẽ điều chỉnh chất lượng streaming dựa theo chất lượng mạng trong thời điểm nghe để đảm bảo không ngắt quãng do đường truyền.

Để thưởng thức những cuốn sách mới, được cộng đồng yêu thích nhất hiện nay trên ứng dụng KOMOaudio, khách hàng chỉ cần tải KOMOaudio trên Google Play/Appstore là đã có thể trải nghiệm nghe miễn phí tất cả các sách nói có bản quyền trong 7 ngày.

Ngay bây giờ, khách hàng có thể truy cập vào website: http://komo.vn/ để biết thêm thông tin về nền tảng số KOMO với hai ứng dụng KOMO Plus và KOMOaudio; hoặc tải trực tiếp ứng dụng trên Google Play/App Store theo link bên dưới:

- KOMO Plus: http://komo.vn/chuyen-de/komo+.html

- KOMOaudio: http://komo.vn/chuyen-de/komo_audio.html

Mọi thắc mắc, quý khách hàng vui lòng liên hệ qua số hotline: 1900 6656.

Hoặc inbox trực tiếp fanpage: Nhà Sách Phương Nam.

Đọc bài viết

KOMOaudio

Hành trình thay đổi đất nước của Sứ đoàn Iwakura

Published

on

By

Dựa trên chuyến đi của Đại đế Nga Peter đến các nước Tây Âu để học hỏi vào thế kỷ 19, Sứ mệnh Iwakura mở ra công cuộc Duy Tân Minh Trị đã làm thay đổi Nhật Bản một lần và mãi mãi với cuộc hành trình kéo dài 1 năm 10 tháng (1871 – 1873).

Được đánh giá là một trong những sự kiện lớn nhất của lịch sử châu Á cuối thế kỷ 19, sứ mệnh Iwakura chủ trương “Bunmei kaika” (văn minh khai sáng) đã chuyển sức mạnh của lưỡi gươm samurai sang năng lực của trí tuệ do công tước Iwakura Tomomi dẫn đầu, với khoảng 50 thành viên, gồm nhiều nhân vật chính phủ cao cấp. Ngoài số kể trên còn có các du học sinh phục vụ cho việc thông dịch, thông tin. Họ đã đi thăm Hoa Kỳ và hàng chục các quốc gia châu Âu khác nhau, như: Anh, Pháp, Đức, Áo, Ý, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Thụy Điển và Nga.

Có tầm quan trọng bởi đây là lần đầu tiên mà một quốc gia phương Đông tự mình tham gia vào hệ thống thương lượng quốc tế, trong khi ở thời điểm đó vấn đề ngoại giao chỉ được giới hạn trong mối liên hệ giữa một nhóm người có chung một nền văn hóa hoặc về ngôn ngữ như Mỹ với bất cứ cường quốc châu Âu nào; hoặc các quốc gia nói tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Ý, hay tiếng Tây Ban Nha với nhau, nơi ngôn ngữ quốc tế không gây ra những sự bất tiện.

Iwakura Tomomi (người mặc trang phục truyền thống) cùng 4 phó sứ (từ trái sang) Kido Takayoshi, Yamaguchi Masuka, Ito Hirobumi và Okubo Toshimichi. Ảnh: Ishiguro Keisho sưu tầm

Một góc nhìn mới

Nói về chuyến Tây du khảo cứu quan trọng này, tư liệu từ phía Nhật Bản tương đối đầy đủ, chủ yếu nằm trong 5 tập Beto Kairan Jikki (Báo cáo về chuyến đi của đoàn đại sứ đặc biệt đến Mỹ và châu Âu) do sử gia Kume Kumitake và cũng đồng thời là người trải nghiệm thực địa viết nên.

Nó là một sự tổng hợp giữa nhật ký, thông tin nghe được từ các chuyến thăm, nhưng cũng có phần hạn chế bởi các quan điểm của người chắp bút. Vì vậy, Sứ đoàn Iwakura do Ian Nish chủ biên như một mảng khác để hoàn thiện thêm hành trình quan trọng này, đến từ góc nhìn của phía Tây phương.

Học giả, nhà nghiên cứu về Nhật Bản Ian Nish.
Nguồn: The Telegraph

Như Ian Nish chia sẻ, tác phẩm này được tổng hợp từ hội nghị ba năm họp một lần của Hiệp hội Nghiên cứu Nhật Bản ở châu Âu diễn ra vào năm 1997, trùng đúng kỷ niệm 125 năm chuyến đi diễn ra. Tại đó nhiều nhà nghiên cứu đã tìm về các tư liệu vẫn còn lưu trữ tại các quốc gia phương Tây, như nhật ký của các chính khách, báo chí địa phương, những lá thư trao gửi nội bộ giữa các đại sứ quán… có so sánh với tác phẩm của Kume Kumitake và báo chí Nhật Bản. Qua đó nhìn lại cuộc du khảo này trên phương diện lịch sử, chính trị và quan hệ quốc tế, cũng như làm rõ vai trò của sứ đoàn và phản ứng của phương Tây đối với sự kiện này.

Có thể thấy rằng thách thức đặt ra tương đối lớn, bởi lẽ nhiệm vụ của sứ đoàn Iwakura có tầm quan trọng đối với Nhật Bản hơn là các nước mà họ đến thăm, nên nguồn tư liệu có thể là không đầy đủ. Vì vậy trừ các quốc gia có tầm vóc lớn như: Mỹ, Anh, Pháp, Đức… thì những trải nghiệm tại các nước nhỏ hơn như: Hà Lan, Đan Mạch, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha… gần như không được đề cập trong các văn kiện còn lại. Một điểm bất ngờ của cuốn sách này là bài nghiên cứu về cuộc viếng thăm Thụy Điển của đoàn thám hiểm, với những tiết lộ mới được bật mí, những tưởng đã không tồn tại trong suốt nhiều năm.

Qua đó các nhà nghiên cứu đã làm rõ được nhiều yếu tố, mà một trong số đó là các mục tiêu của phía Nhật Bản. Theo đó ngoài việc giới thiệu với phương Tây những gương mặt lãnh đạo mới, kết thân với giới lãnh đạo phương Tây, tìm hiểu và đánh giá sự phát triển, nhận thức, các bài học của họ trong mọi lĩnh vực để tìm ra mô hình khả thi chuyển đổi xã hội phong kiến lâu đời thành quốc gia hiện đại; thì mong muốn đàm phán lại những hiệp ước từng ký tương đối bất lợi cũng được coi là một trong những vai trò được đặt lên hàng đầu trong chuyến đi.

Bởi lẽ, trước khi lên đường, vào năm 1858, Nhật Bản đã phải ký các Hiệp ước hòa bình và hữu nghị với Mỹ để mở cửa và thúc đẩy thêm giao thương thương mại. Sau đó Anh, Pháp theo chân và cũng đòi hỏi những điều tương tự. Các nước phương Tây như Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch… cũng ký một hiệp ước chung, dẫn đến một trong những mục đích lớn được các nhà nghiên cứu đặt ra là liệu có phải nó nhằm hướng đến việc xem lại các hiệp ước sao cho phù hợp hơn trước bối cảnh chế độ phong kiến đã bị phế truất, và chế độ mới của giai đoạn Minh Trị vừa mới bắt đầu.

Phái đoàn Iwakura (cánh trái) trong buổi tiếp kiến Tổng thống Pháp. Tranh minh họa của James E. Taylor

Do đó, có thể khẳng định động cơ của sứ đoàn thay đổi theo thời gian và theo suy nghĩ của những người có liên quan. Ngay từ ban đầu khi ở nước Mỹ, có thể thấy Iwakura có lần đề cập đến việc đàm phán một hiệp định mới với Tổng thống Grant bằng việc kêu gọi một sự xem xét của toàn liên minh bao gồm châu Âu cũng như Mỹ. Chính việc khước từ lời kêu gọi này mà nhiều khả năng nhiệm vụ đàm phán ở các quốc gia châu Âu lui lại, để việc thu thập thông tin được đưa lên một vị trí cao hơn.

Vì thế ở Anh, sứ đoàn có đôi lần nhắc đến yếu tố chỉnh sửa hiệp định, nhưng họ không muốn bản thân quyết định, mà chỉ chủ yếu muốn nghe quan điểm từ phía nước Anh hơn là thúc đẩy đi đến cuối cùng. Tại đây họ cũng gặp phải một yêu cầu kép là phải mở rộng cảng hơn nữa cho các tàu châu Âu và nhanh chóng khoan dung tôn giáo, chấm dứt diệt đạo. Điều này rồi sẽ liên tục trở lại ở các nước khác, như Hà Lan – nơi họ chịu sự chỉ trích mạnh mẽ trong việc dập tắt tôn giáo, hay các cuộc gặp với Liên minh Phúc Âm ở Đức, Thụy Điển.

Những người phụ nữ ăn mặc theo kiểu phương Tây đến Hoa Kỳ vào năm 1871 với sứ mệnh Iwakura.
Nguồn ảnh: Kameda Kinuko.

Dẫu vậy cũng theo các nhà nghiên cứu, góc nhìn hậu thế không nên khắt khe nếu những bước đầu trên trường ngoại giao quốc tế của sứ đoàn Iwakura có phần loạng choạng, bởi họ gần như không có điểm chung nào đối với phương Tây. Trong khi tiếng Nhật không phải là ngôn ngữ quốc tế, hệ thống tương tác văn hóa của Nhật cũng không gắn bó (mà còn kình chống) với thế giới quan Latin - Thiên chúa giáo… Vì vậy thất bại hay việc chưa đạt được những mục tiêu chính trị có phần dễ hiểu.

Điều này còn chưa kể đến tình hình rắc rối trong nội bộ nước Nhật khi sứ đoàn tiến hành các chuyến du khảo, cũng như những sự đối lập về nền tảng tư duy giữa các thành viên khi buổi chuyển giao giữa chế độ Phong kiến và Minh Trị Duy Tân vừa mới xảy ra trong thời gian ngắn.

Thay đổi ở Nhật Bản

Các bài viết lớn và được nghiên cứu nhiều nhất là ở ba cường quốc của thời bấy giờ gồm Hoa Kỳ, Anh và Pháp. Ở đó sứ đoàn nhìn thấy tinh thần tự do, phóng khoáng của Mỹ, sức mạnh từ cuộc cách mạng công nghiệp của Anh và sự phóng khoáng, tinh tế, thanh lịch tràn ngập nghệ thuật ở Pháp. Ở mỗi điểm dừng họ được chào đón một cách long trọng, được đón tiếp bởi những vị nguyên thủ hàng đầu đất nước, và quan trọng nhất là nhận ra được một thành công chung của các nước này dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, giáo dục, phát triển mạnh mẽ, và một thể chế chính trị dân chủ.

Phái đoàn Ngoại giao Nhật Bản trình tài liệu cho Tổng thống Mỹ Ulysses S. Grant. Tranh minh họa của James E. Taylor.

Ở các nước khác họ có những mối quan tâm riêng biệt hơn. Chẳng hạn ở Đức và Bỉ, sứ đoàn Iwakura quan tâm nhiều hơn đến sức mạnh quân sự cũng như cơ sở hạ tầng giao thông. Trong khi ở Ý, nghệ thuật và các nghệ nhân lại khiến cho họ mê mẩn hơn cả. Đây là tương quan có tính hai chiều, khi Bỉ cũng muốn Nhật Bản trở thành đối tác về mặt quân sự, để xuất khẩu vốn và làm giảm xuống ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế 1867. Cùng trong lúc đó, Ý muốn Nhật Bản mở rộng đường hơn cho những thương nhân ngành lụa, vì ý thức được vai trò quan trọng của vấn đề này…

Từ đó sau khi trở về phương Tây từ năm 1868, Nhật Bản đã có những bước tiến lớn mang tính nhảy vọt. Một trong số đó là việc coi trọng giáo dục kỹ thuật. Theo các thống kê, từ năm 1868 đến năm 1902, Nhật Bản đã cấp hơn 11.000 visa du học, biến đây trở thành “đợt thủy triều du học” đầu tiên đến từ châu Á.

Không ngừng ở đó, họ cũng thuê thêm hai vị chuyên gia xây dựng kế hoạch giáo dục tổng quát, từ đó hình thành đại học kỹ thuật. Vào giai đoạn này, chính quyền Minh Trị cũng thuê từ 500 cho đến 600 những người từ nước ngoài về làm việc cho chính phủ mình. Tính đến năm 1890, Nhật để thuê khoảng 3.000 chuyên viên tư vấn thường xuyên làm việc tại Nhật ở mọi lĩnh vực cũng như ngành nghề.

Hình minh họa châm biếm một samurai chui đầu vào nòng súng tại buổi đến thăm nhà máy sản xuất súng của Krupp. Hình ảnh Peter Pantzer cung cấp.

Những gì có được từ cuộc du khảo cũng có ảnh hưởng đến các quan điểm về mặt chính trị một cách sâu sắc. Theo đó, sau chuyến viếng thăm nước Nga, họ sớm nhận ra nếu Nhật Bản phải liên quan tới một quốc gia khác thì đó không phải là Triều Tiên mà chính là Nga. Vì vậy khi việc tranh cãi ác liệt về việc có nên tấn công nhắm vào Triều Tiên, phái chủ hòa gồm những thành viên đã từng tham dự chuyến du khảo này đã kịch liệt phản đối, từ đó thay đổi quan điểm của riêng chính phủ trong việc can dự vào các vấn đề mang tính bành trướng.

Điều này không chỉ đến từ nước Nga và các dự cảm bị xâm lược của những người Nhật, mà còn đến từ nước Pháp trước đó, khi họ nhận ra đế quốc lớn này thu được nhiều nguồn nguyên liệu lớn đến từ thuộc địa, nhưng còn quá sớm để đánh giá được tính hiệu quả của bước đi này. Chuyến thăm viếng này cũng làm thay đổi nhận thức về tự do tôn giáo, từ đó tạo những điều kiện thuận lợi để mở cửa Nhật Bản.

Bởi lẽ một trong những lý do ban đầu cho việc bức hại Kitô giáo ở Nhật là các nhà lãnh đạo lo sợ nó sẽ cho phép các nước phương Tây xâm chiếm Nhật Bản để bảo vệ những người đồng đạo. Thế nhưng bằng việc sứ đoàn không bị tổn hại khi mạo hiểm đi vào đất nước có tôn giáo đối nghịch, thì chính phủ Nhật Bản đã yên tâm rằng Kitô giáo không phải là đoàn quân tiên phong xảo quyệt của một cường quốc phương Tây. Từ đó tháo gỡ nút thắt của cả hai bên vốn đã tồn tại từ lâu.

Quãng đường đã đi của Sứ đoàn Iwakura. Nguồn Digital Museum of the History of Japanese in New York.

Qua cuốn sách này, thêm một lần nữa có thể khẳng định về tầm nhìn xa của riêng nước Nhật trong các chính sách canh tân thời Minh Trị, từ đó mở ra một chương sử mới trong lịch sử Nhật Bản. Không chỉ nhìn nhận từ phía chủ quan, Sứ đoàn Iwakura còn là góc nhìn đến từ khách quan để thêm lần nữa xóa tan huyền thoại về những vấn đề xoay quanh chuyến đi lịch sử, góp phần giải mã cho sự thành công cũng như tiến bộ một cách nhanh chóng của đất nước này đối với thế giới. 

Nguồn: Người Đô Thị | Minh Anh

Đọc bài viết

Book trailer

Hồi ức Phú Nhuận: Trải nghiệm hành trình đa chiều qua lịch sử của một quận đô thị độc đáo

Published

on

By

Hồi ức Phú Nhuận – tác phẩm mới nhất của nhà báo Phạm Công Luận – không dừng lại trong phạm vi ghi chép dáng dấp cơ bản của một vùng đất, mà còn phần nào đó giúp người đọc nhận diện đời sống đô thị đất Sài Gòn, trong trăm năm qua.

Trong Hồi ức Phú Nhuận, Phạm Công Luận cố gắng ghi nhận dòng chảy thời gian đi qua một vùng đất bằng việc sưu tầm và viết lại những hồi ức tản mạn không chỉ của riêng tác giả – một người sinh ra và lớn lên gắn bó với vùng đất này, mà còn từ lời kể của nhiều cư dân Phú Nhuận qua các thế hệ.

Tinh thần Phú Nhuận xưa được tái hiện sống động

Phú Nhuận là một trong những quận nội thành quan trọng áp sát trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. Sau hơn 300 năm hình thành và phát triển, từ xuất thân nhỏ bé là một vùng đất cằn cỗi, một gò đất hoang với vài hộ gia đình lưu dân tới khẩn hoang lập ấp, Phú Nhuận đã vươn mình trở thành một quận hoàn toàn đô thị hóa. Nơi đây có một cuộc sống đa dạng với nhiều sắc thái, có lịch sử ngang bằng với đô thị Sài Gòn, có một số nhân vật được trọng nể vì những đóng góp cho xã hội trên nhiều mặt và có những địa chỉ khiến người từ các nơi khác phải tìm đến…

Trong những bài viết của Hồi ức Phú Nhuận, tinh thần Phú Nhuận xưa hiện lên rõ nét qua những câu chuyện hoài niệm về các con đường ngày xưa, có con đường từng trải qua bảy lần thay tên (đường Nguyễn Văn Trỗi), có con đường từng đi ngang quán xá và trại lính (đường Võ Tánh ngày xưa, nay là Hoàng Văn Thụ); là những quán ăn, tiệm cà phê mà tác giả luôn mong “lớn nhanh để đĩnh đạc bước vào” nhưng “không bao giờ có cơ hội đó nữa vì tất cả đều đã đóng cửa qua thời gian”...

Chính vì những lẽ đó, Hồi ức Phú Nhuận tuy là kí ức riêng của tác giả nhưng lại bắt được dòng hơi thở chung của đời sống đô thị Sài Gòn xưa và nay.

Những trang viết giàu cảm xúc, đầy ắp tư liệu

Hồi ức Phú Nhuận gồm 60 bài viết về Phú Nhuận theo trục thời gian trải dài từ xưa đến nay, bao quát đủ mọi mặt trong đời sống của quận đô thị này, được tác giả chia thành chín phần: Mấy nẻo đường quen, Nơi chốn đi về, Dưới mái trường xưa, La cà quán xá, Giải trí và rèn luyện thân thể, Cơ sở làm ăn, Dập dìu tài tử giai nhân, Ôn chuyện xưa; và phần Phụ lục điểm qua sáu giai đoạn hình thành và phát triển của Phú Nhuận.

Với giọng văn trầm tĩnh, giàu cảm xúc và tư liệu đầy đặn, 60 bài viết như những thước phim ngắn được bật lên, lần lượt đưa người đọc tìm về những tinh túy đã từng hiện diện ở Phú Nhuận: có một số thứ dù còn tồn tại nhưng ít nhiều thay đổi qua thời gian, có một số thứ tuy đã biến mất nhưng vẫn ẩn tàng trong kí ức của người Phú Nhuận và trong những góc khuất của đời sống.

Tùy bút vốn là thể loại để người viết có thể tự do tung hứng theo cảm xúc. Nhưng ở Hồi ức Phú Nhuận, Phạm Công Luận đã viết không chỉ dựa vào cảm xúc đơn thuần mà còn có sự nghiên cứu, phóng chiếu với những tư liệu thực tế đúng như thao tác thường thấy ở nhà báo chuyên nghiệp.

Bộ sưu tập công phu về đời sống Phú Nhuận

Phạm Công Luận khảo sát về Phú Nhuận ở đủ mọi khía cạnh: lịch sử, văn hóa, tâm lý, lối sống, giải trí, kinh doanh… Qua đó, những giá trị Phú Nhuận đã từng tồn tại, nay trở lại trong ký ức và niềm thương cảm về thân phận một vùng đất mà mỗi người, mỗi thế hệ người dân đã gắn bó bằng những cách khác nhau.

Trong Hồi ức Phú Nhuận, tác giả còn cung cấp những thông tin thú vị mà nhiều khi chính người Phú Nhuận chưa hẳn đã biết: Nhà văn Hồ Biểu Chánh đã sống ở Phú Nhuận những năm cuối đời, sau khi ông mất, con đường có ngôi nhà ông ở (trước đây vốn là con hẻm), đã được đặt lại theo tên ông, trở thành đường Hồ Biểu Chánh như ngày nay; tiệm phở Bắc Huỳnh thuộc hàng cao cấp, dù chỉ tồn tại ngắn ngủi nhưng rất tiếng tăm, khi đột nhiên đóng cửa năm 1982 đã khiến nhiều người vô cùng tiếc nuối; đầu thế kỉ 20, nhà thuốc Ông Tiên ở Phú Nhuận là “nhà bào chế và kinh doanh thuốc Đông dược có tiếng trên toàn cõi Đông Dương”…    

Khi nhắc đến một vùng đất, không thể không đề cập đến những con người đã và đang gắn bó ở đó. Chính vì vậy, trong Hồi ức Phú Nhuận, Phạm Công Luận dành hẳn hai phần để viết về những người đã chọn Phú Nhuận làm nơi an cư: phần Dập dìu tài tử giai nhân dành cho giới nghệ sĩ, phần Ôn chuyện xưa dành cho những người Phú Nhuận trong kí ức tác giả.

Bên cạnh đó, cuốn sách còn có phần tranh của họa sĩ Phạm Công Tâm, Trương Ánh Mai cùng ảnh tư liệu phong phú từ nhiều nguồn khác nhau. Sự kết hợp hài hòa giữa những trang viết đa chiều, giàu cảm xúc và phần hình ảnh được đầu tư chăm chút khiến Hồi ức Phú Nhuận thực sự là món quà quý để người đọc tìm về di sản văn hóa của Phú Nhuận, để hòa điệu, tri ân những độc giả luôn nặng lòng với quận đô thị này.

Trích đoạn

Các nghệ sĩ của Sài Gòn một thuở, những bóng sắc huyền thoại, những danh ca một thời, những nhà văn nhà báo của nửa thế kỷ trước từng sống ở đây hầu như không còn ai ở lại cư xá này, trừ căn nhà 215D/16 năm xưa của nghệ sĩ Năm Châu, nay đã ngăn thành hai căn cho gia đình hai người con và đổi thành địa chỉ mới.

(Trích Cư xá của các nghệ sĩ)

Trong hơn 20 năm trước 1975, nhà hàng bò bảy món Ánh Hồng tuy tọa lạc trên con đường nhỏ ở Phú Nhuận nhưng tiếng tăm vang ra khắp Sài Gòn – Gia Định. Nhiều người, nhất là giới văn nghệ sĩ biết tiếng nhà hàng này, đã từng đến thưởng thức bảy món bò của bà Tư Lái, bếp chính. Tuy vậy, không mấy ai biết gốc gác của nó.

(Trích Nhà hàng bò bảy món Ánh Hồng danh tiếng Sài thành)

Về tác giả

Nhà báo Phạm Công Luận là tác giả của những tựa sách gây tiếng vang và được tái bản nhiều lần như Nếu biết trăm năm là hữu hạn, Những lối về ấu thơ, Chú bé Thất Sơn. Không chỉ nổi bật trong thể loại tản văn, ông còn là một cây bút gạo cội sở hữu lượng tác phẩm dồi dào, mang đến cho độc giả nhiều tập sách chuyên khảo, hồi ký về Sài Gòn giàu giá trị như Sài Gòn – Chuyện đời của phố (5 tập), Phong vị báo xuân xưa, Sài Gòn – Ngoảnh lại trăm năm…

Đọc bài viết

Cafe sáng