Chuyện người cầm bút

Điều cần thiết là “Phép thuật”: Lời khuyên viết lách từ Haruki Murakami

Ngoài ra: Tài năng, Tập trung, và Sức bền

Published

on

WHAT’S NEEDED IS MAGIC: WRITING ADVICE FROM HARUKI MURAKAMI
Emily Temple

Bài viết gốc được đăng ngày 14 tháng Một năm 2019, kỷ niệm sinh nhật 70 tuổi của nhà văn Haruki Murakami.

Nếu bạn tin được điều này, thì tiểu thuyết gia người Nhật, người cuồng mèo và là nhà biên niên sử dị hợm Haruki Murakami đã tròn 70 tuổi vào cuối tuần này. 70! Nhưng tôi cho rằng chúng ta nên tin vào điều đó, vì bất chấp ma thuật sáng tạo tươi trẻ trong văn chương của ông, vị tác giả bán chạy quốc tế đã cho ra đời 14 tiểu thuyết cùng vài truyện ngắn ngoại hạng, và không ngoa khi nói ông là một trong những nhà văn đương đại nổi tiếng nhất thế giới. Để chúc mừng sinh nhật ông, và như là món quà cho những ai hy vọng sẽ trở thành một nhà văn như Murakami ở tuổi 70, tôi đã thu thập vài lời khuyên viết lách hữu ích nhất của ông ấy dưới đây.

Đọc.

Tôi nghĩ thử thách đầu tiên đối với người tham vọng thở trành tiểu thuyết gia là việc đọc hàng tấn tiểu thuyết. Xin lỗi khi bắt đầu bằng một nhận định thông thường như thế, nhưng chẳng có cách rèn giũa nào thiết yếu hơn cả. Để viết một cuốn tiểu thuyết, trước hết bạn phải hiểu được, ở mức độ vật lý, cách chúng được khớp nối lại với nhau… Điều đặc biệt quan trọng là kinh qua càng nhiều tiểu thuyết càng tốt trong khi bạn còn trẻ. Tất cả mọi thứ nằm trong tầm với của bạn – những cuốn tiểu thuyết vĩ đại, những cuốn tiểu thuyết không-mấy-vĩ đại, những tiểu thuyết dở tệ, đó chẳng phải là vấn đề (không hề!) miễn là bạn tiếp tục đọc. Hấp thu càng nhiều câu chuyện càng tốt trong khả năng bạn có thể. Trình diện bản thân trước các tác phẩm tuyệt vời. Với các tác phẩm xoàng xĩnh cũng vậy. Đây là nhiệm vụ tối quan trọng của bạn.

– trích từ tiểu luận “Vậy tôi sẽ viết về điều gì đây?” của Murakami năm 2015, bản dịch của Ted Goossen

Nắm lấy những từ ngữ cũ và làm mới chúng lần nữa.

Một trong những nghệ sĩ piano jazz ưa thích mọi thời đại của tôi là Thelonious Monk. Một lần, khi ai đó hỏi làm thế nào ông có thể khiến chiếc piano phát ra âm thanh đặc biệt nhất định, Monk chỉ vào những phím đàn và nói: “Nó không thể tạo thêm nốt nhạc mới mẻ nào. Khi anh nhìn vào phím đàn, mọi nốt nhạc đã ở sẵn đó. Nhưng nếu rót đủ ý nghĩa vào trong nốt nhạc, chúng sẽ ngân vang theo cách khác nhau. Anh phải lựa chọn những nốt anh thực sự muốn!”

Tôi thường nhớ lại những từ này khi đang viết, và tự nhủ bản thân, “Đúng thế. Không có từ nào mới. Việc của chúng ta là đem lại những ý nghĩa mới và âm bội đặc biệt cho những từ hết sức thông thường.” Tôi thấy yên lòng với ý nghĩ này. Điều đó có nghĩa là những khoảng không rộng mở, vô danh vẫn đang ẩn nấp phía trước chúng ta, những vùng đất màu mỡ vẫn đang chờ ta đào xới.

– trích từ tiều luận “Sứ giả Jazz” của Murakami năm 2007

Giải thích rõ ràng.

[Khi viết,] Tôi có một số ý tưởng và ghép từng mảnh lại với nhau. Đó là cốt truyện. Rồi tôi diễn giải cốt truyện cho độc giả. Anh phải rất tử tế khi giảng giải điều gì đó. Nếu anh nghĩ, Ổn thôi; tôi biết điều đó, thì thật là kiêu ngạo. Ngôn từ đơn giản và ẩn dụ, phúng dụ tốt. Vậy, đó là những gì mà tôi làm. Tôi giải thích rất chi li và tỏ tường.  

– trong một bài phỏng vấn với John Wray cho tờ The Paris Review năm 2004

Chia sẻ những giấc mơ của bạn.

Mơ mộng là chuyện thường ngày của các tiểu thuyết gia, nhưng sẻ chia giấc mơ còn là nhiệm vụ quan trọng hơn đối với chúng tôi. Ta không thể là tiểu thuyết gia mà không có ý thức chia sẻ điều gì.

– trích diễn từ nhận Giải thưởng Catalunya quốc tế của Murakami năm 2011

Viết để khám phá.

Bản thân tôi, khi viết, không hề hay biết ai đã làm việc đó. Độc giả và tôi bình đẳng. Khi bắt đầu viết một câu chuyện, tôi chẳng hề biết cái kết và cũng không rõ chuyện gì xảy đến kế tiếp. Nếu ban đầu xảy ra một vụ mưu sát, tôi không biết ai là kẻ sát nhân. Tôi viết sách bởi vì tôi muốn tìm ra. Nếu tôi biết ai là hung thủ, thì câu chuyện được viết ra sẽ chẳng vì mục đích gì.

– trong một bài phỏng vấn với John Wray cho tờ The Paris Review năm 2004

Tích trữ mọi thứ để đưa vào tiểu thuyết của bạn.

Bạn có nhớ phân cảnh trong bộ phim E.T. của Steven Spielberg nơi E.T. lắp ráp một thiết bị dẫn truyền từ đống phế liệu mà cậu lôi ra khỏi gara của mình? Có một cái dù, một cái đèn chân đế, mấy cái bình rồi chảo, máy ghi âm – tôi xem bộ phim đã lâu, vì vậy tôi không thể nhớ hết mọi thứ, song cậu xoay xở để ghép tất cả những đồ gia dụng lại với nhau theo một phương thức để rốt cuộc tạo thành cỗ máy kỳ cục hoạt động đủ tốt để liên lạc với hành tinh quê nhà cách xa hàng ngàn năm ánh sáng của mình. Tôi đã nhận được cú hích lớn từ phân cảnh đó khi xem trong rạp, nhưng giờ đây tôi nhận ra rằng việc gắn kết một cuốn tiểu thuyết hay cũng gần giống như vậy. Thành tố chủ chốt không phải là chất lượng của chất liệu – thứ ta cần là phép thuật. Nếu phép thuật hiện diện, những vấn đề ngày thường căn bản nhất và ngôn ngữ đơn sơ nhất cũng có thể biến thành một thiết bị vi tế đáng kinh ngạc.

Tuy vậy, trước hết và quan trọng nhất, là những gì chất đống trong gara của bạn. Phép thuật không thể vận hành nếu gara trống trơn. Bạn phải thu thập nhiều thứ linh tinh để dùng nếu và khi E.T. mời gọi!

– trích từ tiểu luận “Vậy tôi sẽ viết về điều gì đây?” của Murakami năm 2015, bản dịch của Ted Goossen

Những vòng lặp hữu ích.

Khi ở chế độ viết tiểu thuyết, tôi dậy lúc bốn giờ sáng và làm việc từ năm đến sáu tiếng. Buổi chiều, tôi chạy mười cây số hoặc bơi một ngàn năm trăm mét (hoặc làm cả hai), sau đó tôi đọc một ít và nghe chút nhạc. Tôi đi ngủ lúc chín giờ tối. Tôi giữ thói quen này mỗi ngày mà không thay đổi. Sự lặp lại bản thân nó trở thành điều quan trọng; nó là một dạng thôi miên. Tôi thôi miên chính mình để đạt tới cảnh giới ý thức sâu hơn. Nhưng để giữ được sự lặp lại như vậy trong một thời gian dài – từ sáu tháng đến một năm – thì đòi hỏi một sức mạnh thể chất và tinh thần đủ tốt. Theo lẽ đó, viết một cuốn tiểu thuyết dài tựa như huấn luyện sinh tồn. Thể lực cũng cần thiết giống như sự nhạy cảm nghệ thuật.

– trong một bài phỏng vấn với John Wray cho tờ The Paris Review năm 2004

Tập trung vào một điều tại một thời điểm.

Nếu tôi được hỏi phẩm chất quan trọng nhất kế tiếp [sau tài năng] của một tiểu thuyết gia là gì, thì cũng dễ thôi: tập trung – khả năng tập trung tất cả tài năng có hạn của bạn vào bất cứ điều gì quan trọng ngay tại thời điểm ấy. Nếu không tập trung, bạn không thể hoàn thành bất cứ điều gì có giá trị, trong khi, nếu bạn có thể tập trung hiệu quả, bạn sẽ có thể bù đắp cho một tài năng chập chờn hay thậm chí là sự thiếu vắng tài năng… Ngay cả một tiểu thuyết gia đầy tài năng và đầu óc ngập tràn những ý tưởng mới mẻ tuyệt vời cũng có khi chẳng thể viết ra được một cái gì nếu, ví dụ, anh ta đang chịu nhiều đau đớn vì cái răng sâu.

– trích Tôi nói gì khi nói về chạy bộ

Mặc dù tôi viết các bài tiểu luận đan xen với các tác phẩm hư cấu, trừ khi hoàn cảnh bắt buộc nếu không thì, tôi tránh làm bất cứ việc gì khác khi đang viết một cuốn tiểu thuyết… Cố nhiên, chẳng có quy tắc nào nói rằng cùng một chất liệu thì không thể sử dụng cho một bài tiểu luận và một câu chuyện, nhưng tôi nhận thấy rằng việc đúp lên như vậy làm suy yếu tiểu thuyết của tôi theo cách nào đó.

– trích từ tiểu luận “Vậy tôi sẽ viết về điều gì đây?” của Murakami năm 2015, bản dịch của Ted Goossen

Vun đắp sức bền.

Sau tập trung, điều quan trọng nhất kế tiếp đối với một tiểu thuyết gia là, thật rõ ràng, sức bền. Nếu bạn tập trung viết ba hoặc bốn giờ một ngày và cảm thấy mỏi mệt sau một tuần, bạn sẽ không thể viết một tác phẩm dài. Điều cần thiết cho một nhà văn viết tiểu thuyết – ít nhất là cho ai đó mong muốn viết một tiểu thuyết – là nghị lực để tập trung mỗi ngày trong nửa năm, hay một năm, hay hai năm.

– trích Tôi nói gì khi nói về chạy bộ

Thử nghiệm với ngôn ngữ

Đặc quyền vốn thuộc về tất cả các nhà văn là thử nghiệm khả năng của ngôn ngữ theo mọi cách họ có thể tưởng tượng ra – mà nếu không có tinh thần phiêu lưu đó, không điều gì mới mẻ có thể ra đời.

– trích “Sự ra đời của cuốn tiểu thuyết bên bàn ăn của tôi”, bản dịch của Ted Goossen năm 2015

Hãy tự tin.

Điều quan trọng nhất là sự tự tin. Bạn phải tin rằng bạn có khả năng kể chuyện, để nhắm vào huyết mạch, để làm cho các mảnh của câu đố khớp nối với nhau. Nếu không có sự tự tin đó, bạn chẳng đi đến đâu. Nó giống như quyền anh. Khi bạn thượng đài, bạn không thể leo ra trở lại. Bạn phải chiến đấu cho đến khi trận đấu kết thúc.

– trích từ một bài giảng năm 1992 tại Berkeley, cũng được chép trong Haruki Murakami và Âm nhạc trong Ngôn từ của Jay Rubin

Viết từ phe của quả trứng.

[Đây] là điều mà tôi luôn giữ trong tâm trí khi viết tiểu thuyết. Tôi chưa bao giờ đi xa đến mức viết nó lên một tờ giấy và dán nó lên tường: Thay vào đó, nó được khắc lên bức tường tâm trí tôi, và đại ý nó là thế này:

“Khi chọn giữa một bức tường cao, vững chắc và một quả trứng đập vào nó, tôi sẽ luôn đứng về phe quả trứng.”

Vâng, dù cho bức tường có thể đúng và quả trứng có thể sai thế nào chăng nữa, tôi sẽ  đứng cùng quả trứng. Ai đó khác sẽ phán xét cái gì đúng và cái gì sai; có lẽ thời gian hay lịch sử sẽ định đoạt. Giả nếu có một tiểu thuyết gia, vì lẽ nào đó, đã viết các tác phẩm mà đứng về phía bức tường, thì những tác phẩm như vậy sẽ có giá trị gì chăng?

– trích diễn từ nhận Giải thưởng Jerusalem của Murakami năm 2009

Quan sát thế giới của bạn.

Suy ngẫm về những gì bạn thấy. Tuy nhiên hãy nhớ rằng, ngẫm không phải để vội vàng định đoạt cái nào đúng cái nào sai hay ưu nhược điểm của những việc, những người mà bạn đang quan sát. Cố gắng dùng ý thức kiềm chế những xét đoán về giá trị – đừng vội kết luận. Cố gắng kiềm chế một cách có ý thức những đánh giá giá trị. Điều quan trọng không phải là đi đến kết luận rõ ràng mà là vẫn giữ được các chi tiết cụ thể của một tình huống nhất định… Tôi cố gắng giữ lại một hình ảnh hoàn chỉnh nhất có thể của cảnh tôi đã quan sát, người tôi đã gặp, trải nghiệm mà tôi đã kinh qua, xem nó như là một “mẫu” độc nhất, một ca kiểm thử. Tôi có thể trở lại và ngắm nhìn nó sau này, khi cảm xúc của tôi đã lắng xuống và khung cảnh bớt bức bách hơn, lần này dò xét nó từ nhiều góc độ khác nhau. Cuối cùng, nếu và khi dường như điều đó là cần thiết, thì tôi có thể tự mình rút ra kết luận.

– trích từ tiểu luận “Vậy tôi sẽ viết về điều gì đây?” của Murakami năm 2015, bản dịch của Ted Goossen

Cố đừng làm tổn thương bất kỳ ai.

Tôi luôn giữ trong tâm trí để mà “không có mũi bút nào quá sắc bén” khi tôi viết. Tôi chọn lời sao cho ít người bị tổn thương nhất, nhưng điều đó cũng khó đạt được. Bất kể thứ gì được viết ra, đều có khả năng làm tổn thương hoặc xúc phạm ai đó. Giữ tất cả những điều ấy trong tâm trí, tôi cố gắng hết sức để viết ra gì đó mà không làm tổn thương bất kỳ ai. Đây là một phẩm hạnh mà mỗi nhà văn nên làm theo. 

– trích chuyên mục tư vấn của Murakami năm 2015

Đưa độc giả của bạn vào một cuộc hành trình.

Khi tôi viết Cuộc săn cừu hoang, tôi đã tin chắc rằng một câu chuyện, một monogatari, không phải là thứ bạn tạo ra. Nó là một thứ gì đó mà bạn kéo ra từ bản thân. Câu chuyện đã ở đó, bên trong bạn. Bạn không thể tạo nên nó, bạn chỉ có thể mang nó ra. Điều này đúng với tôi, ít nhất thì: đó là câu chuyện tự phát. Với tôi, một câu chuyện là phương tiện đưa độc giả đến nơi nào đó. Bất cứ thông tin nào bạn cố truyền đạt, bất cứ điều gì mà bạn cố dẫn dắt cảm xúc người đọc hướng về, thì điều đầu tiên bạn phải làm là đưa độc giả vào trong phương tiện. Và phương tiện – câu chuyện – monogatari – phải có sức mạnh khiến mọi người tin tưởng. Trên tất cả, đó là những điều kiện mà câu chuyện phải đáp ứng.

– trích từ một bài giảng năm 1992 tại Berkeley, cũng được chép trong Haruki Murakami và Âm nhạc trong Ngôn từ của Jay Rubin

Viết để làm sáng tỏ con người.

Tôi chỉ có một lý do để viết tiểu thuyết, và đó là vạch trần phẩm giá của tâm hồn cá nhân và chiếu ánh sáng lên nó. Mục đích của một câu chuyện là gióng lên hồi chuông báo động, để giữ ánh sáng được tôi rèn trên Hệ Thống nhằm ngăn nó quấn lấy tâm hồn ta vào lưới nhện để rồi làm mất đi phẩm giá. Tôi hoàn toàn tin rằng đó chính là công việc của tiểu thuyết gia, nhằm tiếp tục cố gắng soi tỏ tính độc nhất trong tâm hồn mỗi cá nhân bằng cách viết nên những câu chuyện – những câu chuyện về sự sống và cái chết, những câu chuyện tình yêu, những câu chuyện khiến con người ta khóc than và run lên vì sợ hãi và rung lên bởi tiếng cười. Đó là lý do tại sao chúng ta tiếp tục, ngày qua ngày, bịa ra những điều hư cấu với sự nghiêm túc tuyệt đối.

– trích diễn từ nhận Giải thưởng Jerusalem của Murakami năm 2009

Dù gì đi chăng nữa, tất cả phải bắt đầu bằng tài năng…

Trong mọi cuộc phỏng vấn, tôi luôn được hỏi phẩm chất quan trọng nhất một tiểu thuyết gia phải có là gì. Câu trả lời hiển nhiên: tài năng. Cho dù bạn nhiệt tình và nỗ lực viết lách như thế nào chăng nữa, nếu bạn hoàn toàn thiếu vắng tài năng văn chương, bạn có thể quên đi việc trở thành một tiểu thuyết gia. Đây phần nhiều là điều kiện tiên quyết hơn là một phẩm chất cần thiết. Nếu bạn không có nhiên liệu, ngay cả chiếc xe tốt nhất cũng không thể chạy.

– trích Tôi nói gì khi nói về chạy bộ

Viết lách tương tự như khi cố gắng tán tỉnh một người phụ nữ. Có nhiều thứ phải luyện tập, song đa phần là thiên phú. Dù sao thì, chúc may mắn.

– trích chuyên mục tư vấn của Murakami năm 2015

… trừ khi bạn làm việc thật chăm chỉ!

Những nhà văn được ban phước với tài năng thiên bẩm có thể viết rất dễ dàng, bất kể những việc họ làm – hay không làm. Giống như nước từ dòng suối thiên nhiên, các câu văn cũng trào ra như thế, và với rất ít hay chẳng cần nỗ lực, các nhà văn này vẫn có thể hoàn thành một tác phẩm. Thật không may, tôi không nằm trong số này. Tôi phải đập liên hồi vào một tảng đá với cái đục và đào một cái hố sâu trước khi tôi có thể xác định được nguồn sáng tạo của mình. Mỗi khi bắt đầu tiểu thuyết mới, tôi phải nạo ra một hố khác. Song, khi đã duy trì nếp sống này trong nhiều năm, tôi trở nên sành sỏi, cả về kỹ thuật lẫn thể chất, trong việc mở những hố trên đá và định vị các mạch nước mới. Ngay khi tôi nhận thấy một nguồn đang cạn dần, tôi chuyển sang nguồn khác. Nếu những người dựa vào một dòng suối tài năng tự nhiên đột ngột thấy nguồn của họ cạn kiệt, thì họ sẽ gặp rắc rối.

Nói cách khác, hãy đối mặt với sự thật: cuộc sống về cơ bản là không công bằng. Nhưng, ngay cả trong tình thế bất công, tôi nghĩ vẫn khả thi khi tìm kiếm một kiểu công bằng.

– trích từ tiểu luận “Tiểu thuyết gia đang chạy” của Murakami năm 2008, bản dịch của Philip Gabriel

Hết.

3V dịch.

Bài gốc được thực hiện bởi Emily Templet, đăng tại Literary Hub.

*

Xem tất cả những bài viết của 3V.


Muôn màu của Haruki Murakami





Click to comment

Viết bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Chuyện người cầm bút

Kazuo Ishiguro: “Tôi chưa bao giờ là một nhà viết văn xuôi vĩ đại”

Nhân kỉ niệm 20 năm ra mắt tiểu thuyết Mãi đừng xa tôi, tác giả đoạt giải Nobel Văn chương người Anh gốc Nhật Kazuo Ishiguro đã nói về vai trò của nhà văn trong thế giới hậu sự thật, và lý do tại sao ông “không phải là một nhà viết văn xuôi vĩ đại”.

Published

on

Bán chạy vì giống tiểu thuyết Young Adult

40 năm qua, Ishiguro là một trong những cây viết được đánh giá cao qua hàng chục tiểu thuyết, nhưng có lẽ không cuốn sách nào được yêu thích và nổi tiếng hơn cuốn sách thứ 6 Mãi đừng xa tôi. Nó bán chạy hơn bất kì tác phẩm nào khác trong văn nghiệp ông, đồng thời cũng được chuyển thể thành phim điện ảnh lẫn kịch sân khấu.  

Vẫn tìm được độc giả mới sau 20 năm xuất bản, cuốn tiểu thuyết này được Ishiguro ghi nhận là đã khởi đầu cho một chuỗi ngẫm nghĩ và định hình nên những tác phẩm tiếp theo như Người khổng lồ ngủ quên hay Klara và mặt trời sau này. Ông cho biết bộ 3 tác phẩm đều xoay quanh một sự thật cơ bản và không thể tránh khỏi là tất cả chúng ta đều sẽ chết, nhưng ta hiện sống như thể không bao giờ chết.

Xuất phát từ góc nhìn này, Mãi đừng xa tôi lấy bối cảnh một xã hội giả tưởng nơi trẻ em được nhân bản vô tính để cung cấp các cơ quan khỏe mạnh nhằm kéo dài cuộc sống cho người khác. Sau 2 hay 3 lần hiến không tự nguyện, những đứa trẻ sẽ hoàn thanh xong sứ mệnh và chết đi. Nhưng cũng có tin đồn rằng trong một số trường hợp nếu chứng minh được bản thân đang yêu, thì chúng sẽ được phép sống.

Chính niềm tin vô căn cứ này rằng đã tạo nên mạch vận động chính cho cuốn tiểu thuyết. Ishiguro giải thích: “Chúng ta dường như không bao giờ chấp nhận số phận và luôn khao khát tìm ra lối thoát đặc biệt. Tôi nghĩ điều đó không phải vì ta cứ muốn sống mãi, mà bởi chúng ta không muốn đối mặt với nỗi đau, nỗi buồn và sự cô đơn đi kèm cái chết. Chúng ta sợ mất đi những người thân yêu. Chúng ta sợ sự chia ly.”

Tựa đề cuốn tiểu thuyết là một bài hát mà người kể chuyện, Kathy H, phát đi phát lại trong thời gian cô ở trường nội trú Hailsham của những người nhân bản. Nó vừa là một hiện hữu vật lí dưới dạng cuộn băng cassette bị mất, vừa là lá bùa hộ mệnh - một biểu tượng của thời điểm trước khi cô biết cuộc sống của mình và của những người bạn như Tommy và Ruth sẽ phát triển như thế nào. Ishiguro đã sáng tác ra bài hát, sau đó được người bạn và cộng sự của ông - ca nhạc sĩ dòng jazz Stacey Kent thu âm. 

Mãi đừng xa tôi đã trải qua một thời kỳ thai nghén dài và chỉ tồn tại như những suy nghĩ và ghi chép về một nhóm sinh viên có tuổi thọ khác biệt rõ rệt so với những người cùng trang lứa – có lẽ cũng tương tự như tác hại của một thảm họa hạt nhân gây ra. Bước đột phá đến thông qua sự kết hợp của các yếu tố bên ngoài và thời điểm: sự quan tâm của xã hội đối với những lợi ích và nguy cơ tiềm ẩn của nhân bản trong giai đoạn mà hình ảnh chú cừu Dolly liên tục xuất hiện. 

Nói về điều này, Ishiguro cho biết: “Tôi cho phép bản thân sử dụng những gì mà theo truyền thống có thể được coi là phép ẩn dụ. Đó không phải vì tôi quá dũng cảm để tạo ra lối đi mới hay gì cả. Tôi nghĩ bầu không khí xung quanh thay đổi là nguyên nhân chính cho điều này, bởi thế hệ nhà văn tiếp sau - những người trẻ hơn tôi khoảng 15 tuổi như David Mitchell hoặc Alex Garland chẳng hạn – lại thấy nó không có gì kì lạ. Họ lấy cảm hứng từ đủ mọi nơi và tôi thực sự thích tác phẩm của họ.”

Thế hệ đề cao sáng tạo

Bên cạnh sự đột phá về thể loại là tiểu thuyết khoa học viễn tưởng phản địa đàng, Ishiguro từ đó cũng phát hiện ra một thể loại mới. Theo đó, lượng độc giả của Mãi đừng xa tôi đã vượt xa các tiểu thuyết khác của ông, bao gồm cả Tàn ngày để lại, và từ đó thu hút nhiều độc giả hơn đến các buổi đọc sách. Ông cho biết: "Tôi nghĩ một trong những lý do khiến tác phẩm này nổi bật vì nó giống như một cuốn sách YA trước khi thể loại này trở thành loại sách rất được yêu thích. Nó không nhất thiết dành cho những người trẻ tuổi, nhưng nó có rất nhiều thứ mà bây giờ đã trở thành đặc trưng của dòng chảy này: những đứa trẻ ở trường, các cảm xúc phức tạp, sự đố kỵ, tranh giành, nông nổi... Tôi nghĩ đó là một phần lý do khiến Mãi đừng xa tôi tiếp tục tìm được lượng độc giả mới."

Ông nói điều này khiến cho bản thân cảm thấy thú vị, khi nó dường như tách khỏi dòng chung là các tiểu thuyết văn chương xuất hiện trước những năm 1990 để thuộc về thế hệ mới là những tên tuổi ông được đặt cùng trong danh sách Granta's Best of Young British Novelists năm 1983, gồm Martin Amis, Salman Rushdie, Julian Barnes và Pat Barker. Ở giai đoạn đó, ông chia sẻ, “Chúng tôi tuy lạ lẫm với giới xuất bản khi đó nhưng khá tự hào vì mình là những người sáng tác văn chương thực thụ và hiểu giá trị của văn chương”. Khi được hỏi vì sao Doris Lessing cũng viết một cách linh hoạt rất nhiều thể loại nhưng không bị coi nhẹ, Ishirguro nói: “Chà, tôi cho rằng bà ấy chẳng quan tâm cải tiến, đổi mới gì đâu! Bà ấy chỉ đuổi theo trí tưởng tượng của mình mà thôi. Margaret Atwood cũng vậy nhưng thuộc thời này. Ý tôi là, những người này, họ không quan tâm đến kiểu sứ mệnh xây dựng một trào lưu mới”.

Nhưng khi bối cảnh văn học bắt đầu thay đổi, Ishiguro đã ở vị trí thuận lợi, xét về mặt ảnh hưởng và tính khí, để tận dụng lợi thế từ sự “nới lỏng của các dây buộc”. Ông đã đọc và sáng tác truyện tranh dẫu trước đó còn tương đối mơ hồ về thuật ngữ "tiểu thuyết đồ họa", nhưng niềm đam mê âm nhạc và phim ảnh suốt đời đã mang đến cho ông một góc nhìn khác về ý tưởng kết hợp các phong cách viết và thể loại. Người ông hâm mộ gồm Bob Dylan, Miles Davis, Picasso cũng như Stanley Kubrick trong điện ảnh.

"Tôi chưa bao giờ là một nhà viết văn xuôi vĩ đại"

Mặc dù nhiệt tình đón nhận dòng chảy của các thể loại và phong cách mới, nhưng Ishiguro vẫn kiên quyết một cách đáng kinh ngạc về những hạn chế của mình. Khi nói về sở thích của ông đối với câu chuyện kể ngôi thứ nhất và cam kết tạo ra những giọng nói đặc biệt sẽ thiết lập nên tông điệu và nội dung cho các tiểu thuyết của mình, ông đã đưa ra một tuyên bố thẳng thừng: "Tôi chưa bao giờ là một nhà viết văn xuôi vĩ đại cả". Ông giải thích thêm “Đôi khi tôi đọc nhiều cuốn sách mà bản thân thấy kinh ngạc trước vẻ đẹp của thứ văn xuôi được in ở đó. Tôi chẳng thể nào viết ra được chúng”.

Nói về trách nhiệm của mình với tư cách một nhà văn, Ishiguro cho biết: “Tôi khá hoài nghi sức mạnh khơi gợi cảm xúc ở người đọc mà người ta hay ngợi ca tôi, hay Uỷ ban Nobel đã từng trích dẫn khi gọi tên tôi. Sách của tôi không cho độc giả biết thêm điều gì. Nếu họ muốn biết về các sự kiện, thì chẳng phải đã có các sử gia ở đó rồi sao?” Nhưng trong vài năm trở lại đây, ông ngày càng lo ngại rằng việc khơi dậy những phản ứng cảm xúc mạnh mẽ có một chiều hướng đen tối hơn nhiều, khi chúng bị lợi dụng cho những múc đích khác nhau.

Ông nói thêm: “AI sẽ trở nên rất giỏi trong việc điều khiển cảm xúc. Tôi nghĩ chúng ta đang ở bờ vực của điều đó. Hiện tại, chúng ta chỉ nghĩ đến việc AI xử lý dữ liệu hoặc làm gì đó khô khan. Nhưng rất sớm thôi, AI sẽ có thể tìm ra cách tạo ra một số loại cảm xúc nhất định ở con người - tức giận, buồn bã, cười đùa.” Cũng vì AI có khả năng cũng sẽ có tác động đáng kể đến nghệ thuật sáng tạo nên Ishiguro gần đây đã kêu gọi chính phủ Anh bảo vệ tác phẩm của các nhà văn và nghệ sĩ khỏi sự săn mồi của các tập đoàn công nghệ, mô tả kỷ nguyên hiện tại là “khoảnh khắc ngã ba đường”.

Đối mặt với câu hỏi rằng trong một xã hội hậu sự thật được hỗ trợ bởi AI và thuật toán, liệu tiểu thuyết có đủ sức gây ấn tượng về mặt cảm xúc không? Ông trả lời: “Nếu tôi triển khai công nghệ đó để phục vụ một chính trị gia hoặc một tập đoàn lớn muốn bán dược phẩm, bạn sẽ không nghĩ đó là điều gì đáng chú ý cả. Nhưng nếu dùng nó để mà kể chuyện, thì nó sẽ được đánh giá rất cao. Chính nó khiến tôi ngày càng cảm thấy không thoải mái, bởi tôi chưa được khen ngợi về phong cách đáng kinh ngạc hoặc vì tiểu thuyết của mình giúp vạch trần những bất công lớn trên thế giới. Thay vào đó tôi được khen ngợi vì làm cho mọi người khóc”. Ông cười lớn và sau đó nói: “Họ đã trao cho tôi Nobel Văn chương chỉ vì điều đó”.

Ngô Minh dịch từ The Guardian

Đọc bài viết

Chuyện người cầm bút

Băng: Hành trình lạc lối trong thế giới hậu tận thế

Published

on

By

Tiểu thuyết Băng của tác giả Anna Kavan là một câu chuyện giả tưởng độc đáo, kể về mối tình tay ba tuyệt vọng đan xen với bối cảnh hậu tận thế ảm đạm do thảm họa sinh thái và chính trị gây ra.

Băng không tuân theo lối kể chuyện truyền thống. Thay vào đó, Kavan sử dụng nhiều hình ảnh ẩn dụ và biểu tượng để dẫn dắt người đọc vào thế giới nội tâm của các nhân vật. Cuốn sách mang đến cho người đọc trải nghiệm đầy ám ảnh, khơi gợi những suy tư về bản chất con người và tương lai của thế giới. Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về Băng, Bookish đã có cuộc phỏng vấn với Tâm Anh – dịch giả của quyển sách. 

Băng là một tác phẩm không viết theo lối tuyến tính thông thường. Điều này có khiến bạn gặp phải khó khăn nào trong quá trình dịch tác phẩm sang tiếng Việt không? Nếu có thì bạn đã vượt qua được bằng cách nào?

Khó khăn lớn nhất là ban đầu chính mình cũng thấy tương đối hoang mang, không nắm bắt được câu chuyện. Đến khoảng một phần ba sách rồi nhưng mình không thực sự hiểu tác giả muốn nói về điều gì. Thật tình cờ, khoảng thời gian ấy mình tham dự một buổi giao lưu trực tuyến với dịch giả Trần Nguyên của tác phẩm Bà Dalloway. Trong phần thảo luận, dịch giả An Lý đặt một câu hỏi liên quan đến bút pháp unreliable narrator, tạm dịch là người kể chuyện không đáng tin cậy. Lần đầu tiên mình nghe thấy khái niệm này, nhưng không cần viện đến định nghĩa hay tra cứu thêm, ngay khoảnh khắc đó trong đầu mình như reo vang “Eureka!” Đây chính là cách mình tiếp cận phần còn lại của tác phẩm. Mình không còn quá áp lực chú tâm vào việc lần theo một cốt truyện mạch lạc, mà tự đặt mình vào vị trí người lắng nghe một câu chuyện mơ hồ, đứt quãng, không nhân quả, không đầu cuối của nhân vật tường thuật dường như đã đạt đến đỉnh cao của thuật thao túng tâm lý ở chỗ anh ta đánh lừa được cả chính bản thân. Từ đây, mình đọc hiểu tác phẩm dễ dàng hơn và cảm giác thoải mái hơn với việc chuyển ngữ sang tiếng Việt. Dĩ nhiên đây chỉ là cách tiếp cận tác phẩm của riêng mình, và mình chắc chắn rằng còn rất nhiều cách phân tích Băng khác không chỉ của các nhà phê bình, nghiên cứu mà của từng độc giả. Nhưng điều mình đúc kết được là người dịch cần hiểu và có cảm giác thân thuộc với tác phẩm. 

Trong bức tranh hậu tận thế mà tác giả đã khắc họa, điều gì khiến bạn cảm thấy ấn tượng nhất? Đồng thời, có điều gì khiến bạn cảm thấy gần gũi với bối cảnh hiện đại ngày nay và lo sợ rằng viễn cảnh trong Băng cũng sẽ sớm xảy đến với nhân loại không?

Mình rất thích những đoạn mô tả “băng” trong tác phẩm, đây dường như là một nhân vật còn sinh động hơn “cô gái”. Tuy nhiên hiện tượng băng tràn đi khắp nơi có lẽ trái ngược với biến đổi khí hậu ngày nay – ấm lên toàn cầu dẫn đến băng tan. Dẫu vậy, mình nghĩ chi tiết này trong sách và tình trạng biến đổi khí hậu thực tế chia sẻ nhiều điểm chung: tác động quy mô toàn cầu và sức ảnh hưởng đến mọi người, không ai tránh được, song chịu thiệt thòi nhất sẽ là những nhóm người yếu thế. Mình nghĩ tác giả cố tình chọn chi tiết ngược với thực tế để câu chuyện không bị trói buộc trong lớp nghĩa duy nhất về biến đổi khí hậu mà đa tầng nghĩa, giàu tính khái quát hơn.

Có lẽ viễn cảnh trong Băng sẽ không xảy ra, ít nhất là trong tương lai gần. Nhưng mình lo lắng rằng chúng ta sẽ không hành động kịp thời để ngăn chặn các thảm họa khí hậu mà khoa học đã cảnh báo nhiều thập kỷ qua.

Bạn tâm đắc nhất điều gì về văn phong của Anna Kavan, cũng như cách tác giả xây dựng câu chuyện?

Mình có cảm giác gắn bó và kết nối kỳ lạ với “cô gái” – nhân vật nữ được kể từ góc nhìn của người nam. Mình nghĩ ngôi kể và góc nhìn này đã khắc họa rất tốt cái theo mình cảm nhận là tính nam độc hại. Không khí vô định mất phương hướng ban đầu khiến mình chật vật về sau khi nghĩ lại, chính là điểm khiến cho tác phẩm hấp dẫn đối với mình – chỉ trong những lần đọc đi đọc lại và suy ngẫm về sau, mình mới càng hiểu hơn những điều mà trước đó chưa mảy may thoáng qua tâm trí mình.

Dịch giả Tâm Anh

Việc câu chuyện này không có một nhân vật nào được đặt tên mang lại cho bạn cảm giác gì khi dịch?

Cũng như lối kể không tuyến tính, đó là cảm giác mơ hồ mất định hướng. Và mình nghĩ đây là chủ đích của tác giả. Một người bạn của mình gần đây đọc sách cũng nói đến điểm này, và rằng bạn ấy cảm nhận như thể có hai nhân vật hóa ra chính là một (các bạn đọc sẽ rõ mình sợ tiết lộ mất).

Bạn có gặp phải những từ hoặc cụm từ nào trong bản gốc khiến bạn cân nhắc rất kỹ lưỡng khi dịch không? Ví dụ, có cụm từ hay câu văn nào có thể hiểu theo nhiều nghĩa hay không?

Có một điểm là xuyên suốt cuốn sách tác giả dùng rất nhiều tính từ “white” – trắng, tuy nhiên nếu chỉ dịch đơn thuần là “trắng” trong tiếng Việt thì đôi khi vừa không nhịp nhàng, thuận tai, lại vừa như thiếu đi nét nghĩa nào đó. Do đó trong một số trường hợp mình có cân nhắc và mượn đến một số sắc thái trắng trong tiếng Việt mà mình nghĩ là phù hợp để dịch tính từ “white”. Còn về cụm từ làm khó mình thì cũng có kha khá, đa số mình đều tham khảo nhiều từ điển Anh-Anh lẫn Anh-Việt để tìm nét nghĩa tương đương nhất. Rất nhiều chỗ tra theo từng từ đơn lẻ sẽ bị sai nghĩa, vì phải tra cứu đúng cả cụm từ (ngữ) mới ra nghĩa chính xác.

Một chia sẻ thực lòng là dịch cuốn này mình còn rất non tay nên bản dịch sau cuối trên tay độc giả hiện nay cũng có sự trợ giúp biên tập, hiệu đính của một dịch giả uy tín. Bản thân mình trong quá trình dịch đã tự học được rất nhiều và khi đối chiếu với bản thảo dịch đã biên tập lại càng học thêm được nhiều điều hơn. Mình hy vọng nhờ được biên tập kỹ lưỡng như vậy nên cuốn sách xuất bản là một bản dịch trọn vẹn, hoàn thiện, cho độc giả một trải nghiệm đọc xứng đáng.

Bạn có lời nhắn nhủ nào cho những ai muốn đọc/ sắp sửa đọc tác phẩm này không? Chẳng hạn như, trước khi đọc cần phải chuẩn bị một tâm thế ra sao để việc thưởng thức tác phẩm được diễn ra trọn vẹn nhất?

Mình nghĩ với hầu hết các tác phẩm chứ không riêng gì Băng, ta có thể cứ thế bắt đầu đọc và thả mình theo câu chuyện, nếu cần tra cứu thông tin bổ trợ thì tìm kiếm thêm sau. Tuy nhiên nếu cảm giác đọc mà hoang mang không hiểu, không nắm bắt được, mình thường sẽ tìm đến các bài viết, thường là các bình luận trên The New Yorker, The New York Times hoặc một trang gần gũi hơn, tổng hợp nhiều ý kiến như Goodreads, đọc qua một số ý chính về cách tiếp cận tác phẩm, sau đó thử áp dụng vào cuốn sách mình đang đọc. Với riêng Băng, mình nghĩ các bạn đừng quá chú trọng đến cốt truyện hay một thông điệp nào. Mình cảm giác chỉ đến khi đọc xong và ngẫm lại, đọc đi đọc lại nhiều lần nữa, trong mình mới ngờ ngợ được những gì tác giả muốn nói (với một độc giả là mình, còn với người khác có lẽ bà lại nói điều khác).

Cảm ơn Tâm Anh vì đã mang đến cho Bookish một buổi trò chuyện ý nghĩa. Chúc bạn luôn thành công và gặt hái nhiều thành tựu trong tương lai.

Đọc bài viết

Chuyện người cầm bút

Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi: Biến mất cũng có thể là một điều rất đẹp

Published

on

By

Nhà văn Nguyễn Hoàng Mai vừa ra mắt bạn đọc tập truyện ngắn Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi về chủ đề tình yêu và những nỗi trăn trở của người trẻ. Tác phẩm tạo nên sức hút riêng với lối văn trầm tĩnh, sâu lắng. Bookish đã có cuộc trò chuyện cùng nhà văn để giúp bạn đọc hiểu hơn về tác phẩm này.

Nguyễn Hoàng Mai là tác giả của hai tác phẩm đầy cảm xúc về tuổi trẻ: Đung đưa trên những đám mây (tiểu thuyết, 2018), Bây giờ mình đi đâu (tập truyện ngắn, 2019). Bên cạnh đó, cô còn là đồng dịch giả của tác phẩm nghiên cứu Sứ đoàn Iwakura viết về chuyến du khảo nhằm canh tân Nhật Bản thời Minh Trị, vừa được Phương Nam Book phát hành trong năm 2023.

Năm 2023 vừa qua có vẻ là một năm bội thu trong lĩnh vực văn chương với Mai. Bạn vừa ra mắt tác phẩm đồng dịch thuật là Sứ đoàn Iwakura vào tháng 7 thì đến cuối năm lại ra mắt tập truyện ngắn Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi vào ngày có số đôi đặc biệt là 12.12. Được biết, công việc của Mai ở Nhật cũng rất bận rộn; vậy bạn thu xếp thời gian ra sao để vẫn có thể vừa làm việc vừa sáng tác với năng lượng dồi dào như thế?

Thật ra hai tác phẩm được ra mắt vào năm nay Sứ đoàn Iwakura và tập truyện ngắn Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi đều là quả muộn của quá trình viết lách từ rất nhiều năm về trước. Việc tác phẩm ra mắt vào ngày có số đôi 12.12 tuy ngẫu nhiên nhưng trở thành điểm trùng hợp khá thú vị. Trong thời gian tôi viết Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi có những cột mốc đều gắn với con gắn liền với con số 12. Sau này tìm hiểu thì tôi mới biết khái niệm về “con số thiên thần” (Angel Number) 1212 nhằm mục đích dẫn lối đến sự mạnh mẽ dấn thân, tiến tới sự trưởng thành trong tâm thức, để sau này khi đối mặt với những sóng gió kinh khủng nhất cũng không thể làm bản thân gục ngã.

Công việc và cuộc sống ở Nhật cũng khá nhanh và bận rộn nhưng tôi luôn tìm kiếm một khoảng trời riêng, để tự do viết nên thế giới qua những trải nghiệm của chính mình. Thực ra quá trình viết cũng là quá trình tôi tự đối mặt với cảm xúc của mình, tìm ra con đường hướng tới sự an lành, bình yên trong tâm trí.

Nhân vật Mimi đã biến mất trong tiểu thuyết Đung đưa trên những đám mây, và trong tập truyện ngắn Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi vừa ra mắt của bạn cũng có rất nhiều nhân vật biến mất. Tại sao Mai không cho họ hiện hữu lâu hơn?

Thời gian viết tập truyện, tôi đã gặp một cô gái – có thể gọi là nàng thơ cũng được – người lúc nào cũng nói về sự biến mất của chính mình. Điều đó làm tôi suy nghĩ, ngẫu nhiên cũng đã chạm vào những điều trong tâm tư của chính tôi. Một người lúc nào cũng suy nghĩ sự biến mất có lẽ luôn luôn chiêm nghiệm về sự tồn tại của mình. Có lẽ họ là những người mà đã nếm trải quá nhiều về sự vô thường trong kiếp người, và cảm giác mất mát lần lượt những thứ quan trọng trong đời.

Nhân vật người mẫu Mộc Anh mang nhiều mâu thuẫn, vừa dự cảm được vừa rất sợ sự biến mất. Nhân vật tôi đã cho cô ấy thấy biến mất cũng có thể rất đẹp, không cần phải quá sợ hãi, vì cô ấy luôn có người một người hiểu mình ở bên cạnh. Biến mất cũng có thể hiểu về cách hình dung đến cái chết. Hành trình sống của mỗi người là hành trình đi về cái chết. Nghe có vẻ bi quan nhưng có lẽ, ai cũng phải đối mặt với cái chết – sự thật này – dù sớm hay muộn. Suy nghĩ về thời gian sống còn lại, giúp người ta có thể sống một cách đam mê, dũng cảm, chân thành hơn.

Vì biết chắc một ngày nào đó, mình sẽ biến mất nên có thể sống một cách rực rỡ. Mộc Anh là một nhân vật luôn phải đấu tranh giữa những cám dỗ cuộc sống phồn hoa, nhưng một ngày cô ấy đã thức tỉnh tìm đến Tokyo – vùng đất mà cô tin mình có thể được chữa lành. Thời khắc những cánh hoa anh đào rơi trở thành điều kỳ diệu, một khoảnh khắc cũng có thể trở nên vĩnh hằng trong tâm trí những người trẻ mơ mộng ấy.

Những truyện ngắn trong Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi lấy bối cảnh trải dài khắp các tỉnh thành ở nước Nhật. Bạn đã thực sự đi qua hết những địa điểm đề cập trong sách hay có nơi nào bạn chưa kịp đến và chỉ viết dựa trên sự hứng thú, nghiên cứu về nơi đó không? Trong các địa danh được đề cập trong sách, đâu là những nơi để lại cho Mai nhiều ấn tượng và kỉ niệm sâu sắc nhất?

Nhật Bản là quốc đảo có hình thể trải dài từ Bắc xuống Nam, gần giống như dáng hình của đất nước Việt Nam mình. Mỗi tỉnh thành của xứ sở này lại có những đặc sản riêng, màu sắc thiên nhiên, văn hóa lễ hội riêng biệt. Mỗi tỉnh thành như một nét vẽ, mảng màu kỳ diệu, hài hòa trong bức tranh tổng thể. Khi viết Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi, tôi đã có một chút tham vọng, muốn độc giả chỉ qua những trang sách, những con chữ, vẫn có thể cảm nhận bằng giác quan, hình dung nên những câu chuyện, cảnh sắc, trải nghiệm về những nơi chốn tôi từng đặt chân đến.

Trong những tỉnh thành đó, để lại ấn tượng sâu đậm nhất có lẽ là Tokyo và Kyoto, hai thành phố có vẻ đối lập như những tấm gương phản chiếu cho nhau về lịch sử, văn hóa, phong cảnh, tính cách con người. Nơi chứa đựng nhiều kỷ niệm mang màu sắc cá nhân nhất là Tokyo sôi động, nhiệt huyết, nơi tôi đã trải qua hơn 7 năm tuổi trẻ của chính mình. Nơi lưu giữ một phần trái tim, tâm hồn tôi lại là Kyoto trầm mặc, có khả năng thấm sâu vào lòng người như hơi rượu sake ngày mưa, như những trang sách tuyệt đẹp trong tiểu thuyết Cố Đô của Kawabata Yasunari.

Ở tập truyện ngắn lần này, Mai thể hiện sự trưởng thành khá rõ trong lối viết ở cách chọn bối cảnh và những nghiên cứu kĩ lưỡng về nghề nghiệp của nhân vật được thể hiện qua các chi tiết trong truyện. Bên cạnh đó, Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi còn có sự đa dạng về sắc thái tình yêu và những xu hướng tính dục khác nhau, không chỉ đơn thuần là tình yêu giữa hai người khác giới như nhiều tác phẩm khác trên thị trường hiện nay. Tại sao bạn lại có sự lựa chọn này?

Thông qua chủ đề khá nhạy cảm của giới trẻ là tình dục và giới tính, tôi đã muốn khắc họa sâu hơn gương mặt muôn vẻ của Tình yêu và Thanh Xuân Tuổi trẻ những ngọt ngào, mới mẻ, mơ mộng, đầy khát khao khám phá thế giới.

Về tình yêu, tôi đã luôn hiểu đó là khái niệm diệu kỳ bắt nguồn từ bên trong vẫn luôn ở đấy, nguồn sống bao trùm, tràn ngập thế giới này. Tình yêu luôn thuần khiết, mang năng lượng chữa lành vượt qua những ranh giới như: giới tính, vật chất, tuổi tác, khoảng cách địa lý v.v... Tôi đã nghĩ như vậy, muốn đem thông điệp đó vào tác phẩm của mình. Chúng ta luôn có vô vàn tình yêu trong trái tim mình. Chúng ta có bản năng yêu thương, có thể cho đi tình yêu vô điều kiện miễn là trước tiên chúng ta biết chấp nhận và yêu thương bản thân vô điều kiện. Sau khi trải qua những tháng năm tuổi trẻ ở cả Việt Nam và xứ sở Mặt Trời Mọc, tôi đã suy nghĩ, chiêm nghiệm như vậy.

Sau tập truyện ngắn Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi, trong năm 2024, Mai có ấp ủ những dự định sáng tác mới nào không?

Giai đoạn này, tôi vẫn đang dành thời gian lắng đọng, trau chuốt lại bản thảo tiểu thuyết viết từ năm 21 tuổi. Cùng với đó là dự án kết hợp cùng một ca sĩ nhạc sĩ Gen Z viết cuốn sách về âm nhạc đường phố với bối cảnh là những khu ổ chuột Sài Gòn, một câu chuyện rất thật, khắc họa những nhân vật trẻ, cá tính, nhiều vấp ngã nhưng luôn biết cách đứng lên đầy mạnh mẽ. Với tập truyện này tôi muốn thể nghiệm một chút thay đổi trong phong cách viết, gai góc, hài hước, gần gũi hơn nhưng nếu có thể chạm sâu vào trái tim những người trẻ, gieo trong họ một câu chuyện truyền cảm hứng về sự nỗ lực không ngừng nghỉ, rằng đừng bao giờ ngừng tin tưởng vào bản thân, đừng bao giờ dập tắt ngọn lửa đam mê khi còn trẻ.

Tận sâu trong tôi vẫn còn nhiều nguồn cảm hứng sáng tác, muốn viết thêm về Tokyo, kể những câu chuyện theo những cách khác nhau, nhưng có lẽ theo một tâm thế tỉnh thức hơn.

Cảm ơn Mai đã dành thời gian trò chuyện với Bookish, chúc bạn có một hành trình thật rực rỡ trong năm mới.

Đọc bài viết

Cafe sáng