Giới thiệu sách

Để hiểu vì sao Charles Dickens là một tên tuổi vĩ đại, chắc chắn hãy đọc “Hai Kinh Thành”

Người ta nói cứ mười người Anh Quốc biết đọc thì có một người đọc Charles Dickens và kể lại cho chín người khác cùng nghe.

Published

on

Chi tiết tác phẩm

Có lẽ không quá khi nhận xét rằng “nhà văn quốc dân” Charles Dickens chính là tiểu thuyết gia Anh nổi tiếng nhất mọi thời đại. Một bộ óc thiên tài, nỗ lực sáng tác miệt mài, nhiệt tâm với công chúng, lòng nhân ái bao la, tất cả đã hợp lực để đưa ông trở thành một hiện tượng văn chương sánh cùng thời đại. Trong số những tác phẩm để lại ảnh hưởng sâu rộng như Oliver Twist (1837), A Chrismas Carol (1843), Great Expectations (1861)… thì Hai Kinh Thành (A Tale of Two Cities1859) chính là tiểu thuyết mà nhà văn tự nhận hay nhất mình từng chắp bút. Đặt trong bối cảnh cuộc Cách mạng Pháp và Thời kỳ Khủng bố (Reign of Terror) cuối thế kỷ 18 loạn lạc, Hai Kinh Thành đã hé lộ những góc khuất nhập nhằng giữa lý tưởng ái quốc và lòng hận thù mù quáng, khám phá những mưu mô hận thù cộng sinh cùng tình yêu lý tưởng.

Charles Dickens sinh ra tại miền quê Portsmouth năm 1812 trong một gia đình tám anh chị em tương đối khá giả. Tuy nhiên lên mười hai tuổi, ông bị gửi vào công xưởng đóng giày sau khi cha ông bị giam giữ vì nợ nần chồng chất. Điều kiện lao động khổ nhọc, cộng thêm thái độ hờ hững từ phía cha mẹ đã khắc sâu những năm tháng đen tối trong tâm trí cậu bé non nớt: “Không gì có thể diễn tả nỗi khổ tâm thầm kín của tôi… cảm giác bị bỏ mặc và tuyệt vọng hoàn toàn; nỗi nhục nhã tôi cảm thấy khi ở vị trí ấy… Toàn bộ bản tính của tôi bị sầu đau và bẽ bàng xuyên thủng.” Tuy vậy chính khoảng thời gian đó đã mài giũa trong ông một lòng bền gan trì chí, với “ý thức rằng mọi sự đều khả thi bằng quyết tâm bền bỉ”; đồng thời làm nảy sinh những quan điểm sắc sảo về công bình và cải cách xã hội, xương sống cho văn nghiệp của ông sau này.

Khởi nghiệp với nghề viết báo, Charles Dickens đã có cơ hội xuất bản các tiểu thuyết đầu tay của mình dưới dạng nhiều kỳ trên tạp chí khi ông hơn hai mươi tuổi. Hoạt động phát hành này đã giúp ông tiếp cận một lượng độc giả lớn chưa từng thấy – đưa lại khả năng tác động và truyền cảm hứng mạnh mẽ không ai sánh bằng. Về phương diện này, ông không đơn thuần là một nhà văn mà còn trở thành một nhân vật công chúng. Các tiểu thuyết của Dickens khéo léo đáp ứng thị hiếu đa dạng của độc giả, liên tục được tái dựng cốt truyện và nhân vật theo tâm tư phản hồi của người đọc. Không mưu cầu ngược dòng, phá cách, ông là người “chiều chuộng đám đông”; ấy thế mà trong tất cả những tác gia Anh Charles Dickens vẫn được mệnh danh là “the inimitable – người không thể bắt chước.”

Không phải ngoại lệ, Hai Kinh Thành cũng được in thành từng hồi trên tuần san All The Year Round do Dickens chủ biên trong vòng nhiều tháng. Xoay quanh số phận của hai cha con bác sĩ Manette gắn liền với hai người đàn ông Sydney Carton và Charles Darnay trải dài khắp London và Paris cuối thế kỷ 18, Hai Kinh Thành là một thiên truyện tuy đồ sộ nhưng có tốc độ dồn dập, kịch tính, cấu thành bởi liên tiếp các biến cố. Bằng việc phát hành dàn trải, nhà văn có cơ hội lắng nghe và tiếp thu cảm nhận của thời cuộc, cho phép độc giả có tiếng nói đối với diễn tiến câu chuyện. Như tác giả John Forster của cuốn tiểu sử The Life of Charles Dickens đã nhận xét: “Dickens cho các nhân vật của ông sự sống, không phải bằng cách miêu tả họ mà cho phép họ miêu tả chính mình.”

Để tăng độ đáng tin cậy cho cuốn tiểu thuyết lịch sử thứ hai từng sáng tác, Charles Dickens chủ yếu tham chiếu trên tác phẩm The French Revolution: A history của nhà sử học Thomas Carlyle, người có tầm quan trọng rất lớn đối với các diễn biến lịch sử thực tế và tạo hình nhân vật trong Hai Kinh Thành; cũng như tham khảo “hai thùng các tông sách từ Thư viện London.” Cùng với bàn tay tạo tác thiên tài, cuộc Cách mạng Pháp hiện lên dưới ngòi bút Charles Dickens thật sống động như ghim thẳng vào tâm trí người đọc. Ai có thể quên cảnh lầm than của khu phố Saint Antoine: “Ở mọi góc đường, ra vào mọi ngưỡng cửa, đứng trong mọi cửa sổ, quấn mình bằng mọi thứ áo xống rách rưới phần phật trong gió, là những con người đã bị xay nghiền, tán nhừ trong cỗ máy bần cùng. Cái cỗ máy đã nhào nặn họ là cỗ máy biến người trẻ thành già; lũ nhi đồng có bộ mặt lão niên và giọng nói nghiêm trọng; và trên mọi gương mặt trẻ con lẫn người lớn, hằn sâu trên những nếp nhăn tuổi tác, đều lồ lộ một dấu hiệu: Đói.”

Trái ngược với nỗi bần cùng này là sự xa hoa ngạo ngược của giới quý tộc. Chúa công Monseigneur không thể uống sô-cô-la cho trôi họng nếu không có sự trợ giúp của bốn người hầu. Đám bác sĩ làm giàu nhờ kê đủ thứ thuốc đắt giá cho những căn bệnh tưởng tượng không hề có thật.  Đám quân sư mách nước không phát minh được giải pháp làm việc nghiêm túc để tiệt trừ một căn nguyên nào trong những chuyện nan giải của quốc gia.  Đám triết gia vô đạo muốn cải tổ thế giới bằng mồm và dùng lá bài xây tháp chống trời tán chuyện… Đỉnh điểm là việc xe ngựa của ngài Hầu tước Marquis sau khi vô tình cán chết đứa bé một người nông dân, ngài chỉ hờ hững thảy một đồng tiền vàng và nói: “Ta rất lấy làm lạ, lũ dân chúng các ngươi không biết lo thân và lo cho con cái. Lũ bay không đứa này thì đứa khác cứ mãi cản đường ta. Không biết lũ bay có gây thương tích gì cho mấy con ngựa của ta không.”(!)

Những kẻ như Marquis đã gieo gió gặt bão, lòng hận thù sục sôi của công dân Pháp quốc đã đạt đến điểm tới hạn và kết cục là sự kiện tấn công ngục Bastille, mở màn cho cuộc trả thù cuồng loạn sôi máu hận khắp thành Paris. Nhưng chính tại thời điểm này, lòng cảm thông với giới cơ hàn của Charles Dickens đã xói mòn rất nhanh và thay vào đó là một tâm trạng bàng hoàng ghê rợn. Cái máy chém, biểu tượng của nền Cộng hòa, không một ngày nào khô máu, nó tự động hóa việc lấy mạng, rẻ rúng hóa sinh mệnh con người, nó là hiện thân chuẩn xác của cụm từ “hay là Chết” mà Dickens đã thêm vào khẩu hiệu của Nền Cộng Hòa Hợp Nhất Bất Khả Phân Ly: Tự do, Bình đẳng, Bác ái, hay là Chết. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến hình tượng ám ảnh “bánh xe đá mài” dùng để mài khí giới: Bánh xe đá mài đang được quay điên cuồng bởi hai người đàn ông; vòng quay dữ dội hất ngược mái tóc dài của họ ra sau phơi bày hai bộ mặt tàn bạo và khủng khiếp hơn cả phường man di mọi rợ. Trong lúc đó mấy người đàn bà nâng cốc rượu kề môi hai tên này cho chúng uống; rượu giọt đỏ như vang, rượu giọt đỏ như huyết, thêm dòng tia lửa bắn ra từ phiến đá mài, khiến cả không gian hung ác này như tràn trề máu lửa.”

Tuổi thơ nghèo khó đã hình thành trong Charles Dickens những mầm mống đầu tiên về công bình xã hội, nhưng với ông bình đẳng không phải là luôn ủng hộ tầng lớp cơ hàn. Dickens lên án giới quý tộc tàn ngược nhưng đồng thời cũng phê phán những nhà cách mạng khát máu. Ông cảm thông với người nghèo khi bị người giàu chà đạp và ông cảm thông với người giàu vô tội khi bị người nghèo đẩy lên đoạn đầu đài: Cứ đập bẹp nhân tính một lần nữa thì lập tức nó sẽ oằn oại sinh sôi ngay dưới nhát búa trong cùng hình thù đã bị biến dạng méo mó đó. Cứ gieo xuống cũng một thứ hạt giống đặc quyền tham tàn và bạo ngược thì nhất định nó sẽ mọc ra thứ trái quả tương tự. Charles Dickens chống lại mọi hình thức áp bức ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào và ông cũng nhìn thấy trước kết cục chung quyết cho những kẻ áp bức: “tất cả rồi sẽ đều bỏ mạng dưới cỗ máy trừng phạt này trước khi nó bị loại bỏ không còn dùng tới”. Nhưng Dickens chưa bao giờ là một người yếm thế bi quan. Trong một câu chuyện bị bao trùm bởi vô vàn mảng tối, mảng tối của đêm đen, của ngục tù, của mưu hèn kế bẩn, người ta lại thấy rực rỡ hơn hết ánh sáng đến từ tấm lòng của Lucie Manette, hành động hi sinh của Sydney Carton, hay thậm chí những lời nguyện cầu nhỏ bé của bà vợ Jerry Cruncher. Tất cả những điều đó đều quý báu hơn địa vị cao sang hay lý tưởng mù quáng, vì cuộc cách mạng của tình yêu thương mới là cuộc cách mạng vĩ đại và hào hùng hơn tất thảy.

Quan trọng hơn, Charles Dickens không chỉ đơn thuần dạy chúng ta phê phán những kẻ ác tâm mà còn phải nhìn thấu những động cơ rất người ẩn sâu trong họ. Trong tuyến phản diện của Hai Kinh Thành nổi lên một nhân vật phức tạp  đa diện đầy ấn tượng mà thông qua đó Dickens đã chuyển tải thông điệp này. Là Công dân tận tụy của nền Cộng hòa, mụ vợ Defarge áp dụng kĩ thuật đan len điêu luyện để mã hóa tên của những kẻ quý tộc mà mụ muốn đưa lên máy chém. Ta dễ dàng cảm thông với người cha ám sát gã Chúa công đã cán chết con mình, thương hại bác sĩ Manette bị tống vào ngục Bastille vì dũng cảm đứng lên tố cáo hai anh em Hầu tước. Nhưng ta cũng có thể hoàn toàn thấu hiểu tham vọng cháy bỏng của mụ Defarge là xóa sổ dòng họ đã giáng họa lên gia đình mụ.Cả đời chúng ta chỉ toàn thấy chị em phụ nữ khổ sở thôi, con cái họ cũng khổ sở, toàn nghèo đói, rách rưới, đói khát, đau ốm, cơ cực, áp bức và bị bỏ mặc đủ kiểu thôi mà?” Defarge là sản phẩm và cũng là nạn nhân của bàn tay thế cuộc: thời loạn nhồi nhét vào đầu mụ đầy ý thức về sự bất công và lòng hận thù giai cấp đậm sâu, nhào nặn mụ thành loài hổ dữ sắt đá; nhưng đồng thời cũng triệt tiêu trong mụ lòng xót thương, dù là xót thương cho chính mình. Cũng vì những lý do ấy mà nhân vật này từng được bầu chọn là một trong năm tạo tác xuất sắc nhất của Charles Dickens, đồng thời cũng nằm trong số nhân vật phản diện bất hủ trong lịch sử văn học.

Tinh túy trong câu chữ, sắc bén trong hình ảnh, chan chứa trong ý nghĩa, Hai Kinh Thành là thiên truyện đau thương nhưng đầy tình người, vén màn cho bao thế hệ độc giả không chỉ những sự kiện chính trị xã hội đẫm máu mà còn cả những biến cố trọng đại của bao kiếp người phía sau. Để hiểu thêm những góc khuất của một giai đoạn lịch sử loạn lạc, hãy đọc Hai Kinh Thành; để đồng cảm cùng những kiếp người khổ nạn, hãy đọc Hai Kinh Thành; để hiểu vì sao Charles Dickens là một tên tuổi vĩ đại, chắc chắn hãy đọc Hai Kinh Thành.

Vĩnh Ngân

Click to comment

Viết bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Book trailer

Sách mới của nhà báo Phạm Công Luận về tranh biếm họa trên báo chí

Published

on

By

Cuốn sách biên khảo Biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975 (tác giả Phạm Công Luận, Phương Nam Book phát hành) giúp độc giả hiểu rõ hơn về báo chí ngày trước qua những giai thoại kể chuyện thời sự hóm hỉnh, những bức tranh biếm họa mang đến tiếng cười nhẹ nhàng đầy trí tuệ.

Biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975 được thực hiện khá công phu với các bài viết, bài trích và rất nhiều hình ảnh biếm họa phong phú. Tác giả vẫn tập trung vào thế mạnh lâu nay của anh là viết về đời sống văn hóa xã hội trên đất Sài Gòn - Gia Định xưa, lần này là chủ đề tranh biếm họa báo chí Việt Nam từ cả thế kỷ trước cho đến năm 1975.

Tiếp nối mảng đề tài biếm họa trên báo chí miền Nam

Tựa sách Biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975 là phần cảm hứng tiếp nối từ tác phẩm đã xuất bản Sài Gòn phong vị báo xuân xưa, trong đó có phần nói về biếm họa trên các giai phẩm xuân trước 1975. Nhà báo Phạm Công Luận nhận thấy đây là thể loại đồ họa báo chí hấp dẫn độc giả, có hàm lượng nội dung phong phú, đặc biệt là ở các nhật báo. Tác giả tiếp tục đi sâu vào đề tài này trong tập sách mới, nhằm trình bày bức tranh rộng hơn về biếm họa báo chí miền Nam trước đây.

Bìa sách Biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975. Ảnh: Phương Nam Book

Quyển sách biên khảo Biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975 tiếp nối mạch cảm hứng và tình yêu bền bỉ như nguồn nước không bao giờ cạn mà tác giả Phạm Công Luận dành cho mảnh đất Sài thành. Sách được Phương Nam Book phát hành khổ lớn với hơn 200 trang, 30 bài viết, và hơn 4000 tranh, in màu chất lượng toàn bộ.

Tác giả Phạm Công Luận mở đầu quyển sách bằng những dòng hồi tưởng về một thời tuổi thơ vui tươi, êm đềm: “Từ năm 1971, tôi sung sướng khi có thể xem tranh vui và biếm họa thường xuyên trên báo Thiếu Nhi ra hằng tuần, rất mê hai nhân vật Tí Xíu và Tí Ti do Vương Nghiêm và Nguyễn Tài vẽ. Ba tôi mỗi ngày mua hai tờ nhật báo là Sóng Thần và Điện Tín, tờ nào cũng có biếm họa. Không thể quên những buổi tối, ba và bác Mười Thọ hàng xóm ngồi với nhau bên ly rượu ngũ gia bì nhỏ xíu, bình luận thời sự và nhắc đến tranh biếm của Tuýt, Chóe, Ớt... những cái tên khá tức cười nhưng vẽ châm biếm rất thâm sâu”.

Quá khứ là một hiện thực luôn sống động trong hồi ức của tác giả Phạm Công Luận. Cuốn sách mới này gồm hai phần, phần đầu đưa ra cái nhìn khái quát giúp độc giả hiểu rõ hơn về sự xuất hiện và các giai đoạn phát triển của thể loại tranh biếm họa trên báo chí tiếng Việt. “Trên các số báo Nông Cổ Mín Đàm thịnh hành ở Nam Kỳ khoảng năm 1917 tuy có vài bức tranh vẽ có dáng dấp biếm họa nhưng thực chất là tranh minh họa mục “Cải lương tiếu quại”...”, Phạm Công Luận viết.

Lần giở những trang sách, bạn đọc sẽ được thưởng thức mảng nội dung thú vị như câu thơ nhại Kiều: “Trăm năm trong cõi người ta/ Ông Quỳnh, ông Hiếu khéo là cợt nhau!...”. Tinh thần thể thao tưng bừng trên tuần báo “Thể Thao Đông Dương” (số 1 ngày 9.9.1943), có đoạn chú thích: “Tôi đã nói với ông, khi giơ tay lên thì thót bụng vào, mà ông không nghe”. Tờ báo “Sài Gòn Mới số xuân Đinh Dậu 1957” có mẩu chuyện: “- Cô giáo: Trong thân thể có bộ phận gì hở trò Tý?/- Dạ, có xương, thịt, mỡ, gầu, tái nạm và gân với sụn ạ./- Trời! Thế ra trò nói chuyện phở tái?/- Vâng vì ba em làm hàng phở ạ.”...

Các phần trong sách gợi lại những điều lý thú, giúp độc giả tiếp cận thể loại báo chí có sức nặng biểu đạt, nêu bật những vấn đề đặt ra cho xã hội, mạnh dạn giễu cợt những thói hư tật xấu của người đời, hay châm biếm chính sách và chính khách. Phần “Sự đời lắm nỗi” với một số bài báo đặc sắc trên các tờ báo có tiếng thời bấy giờ, minh họa tranh ngắn, những câu chuyện dí dỏm được tuyển chọn: Phong tục cưới gả năm… con Bò, Làm cách nào để kiếm được người chồng “lý tưởng”?, Gia đình Ba Lém, Trằn trọc trên giường… Tất cả nội dung vừa quen thuộc gần gũi vừa chứa đựng nhiều mảng ký ức của cuộc sống một thời không còn nữa.

Tài năng của những họa sĩ biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975

Với tập sách mới, Phạm Công Luận vẫn giữ được mạch cảm xúc tự nhiên kết hợp với nguồn tư liệu dồi dào, luôn có khám phá mới và chi tiết mới, giữ được thế mạnh của một cây viết sinh ra và lớn lên ở thành phố này. Hơn hết, trong điều kiện nguồn tư liệu báo chí Sài Gòn trước 1975 hiếm hoi và tản mát, nhưng tác giả vẫn nỗ lực tìm tòi, góp nhặt để cuối cùng cho ra đời một công trình biên khảo lớp lang và thông tin đầy đặn.

Bút Sơn - cha đẻ của nhân vật Xã Xệ. Ảnh: Phương Nam Book

Theo Phạm Công Luận: Biếm họa báo chí Sài Gòn trước 1975 là cả một khoảng trời và trên đó có rất nhiều ngôi sao lớn nhỏ khác nhau, phát ra những luồng ánh sáng riêng biệt, rất lạ và rất đẹp. Những người tài hoa đó, tác giả của “Bé Ngôn – Bé Luận”, “Anh Tám Sạc-ne”, “Anh Năm Trật Búa” nay ở đâu? Còn Đức Khánh, Văn Hiếu, Diệp Đình, Bình Thành, Hưng Hội, Cẩm Đường, Tám Bờm... là những ai, đang còn sống hay đã mất?”. Đây chính là lý do anh chọn đề tài này với mong muốn tô đậm cá tính người cầm cọ phải đánh cược sự tự do cá nhân để bộc lộ quan điểm qua một bức tranh biếm, và tờ báo cũng phải đánh cược cả vận mạng để phát hành.

Ở phần chương “Họa sĩ biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975”, tác giả Phạm Công Luận bộc lộ tình cảm trân trọng tài năng của các họa sĩ biếm thông qua những trang viết giới thiệu đầy đủ lai lịch, nêu bật phong cách cá nhân, những tác phẩm ấn tượng của một số họa sĩ vẽ biếm họa, minh họa trên báo chí. Đọc cuốn sách này, bạn sẽ biết thêm về họa sĩ Hoàng Lập Ngôn vẽ ký họa chân dung văn nghệ sĩ theo lối “Tướng tinh họa” với những nét to, gồ ghề, cá tính. Họa sĩ Hưng Hội được người làm báo và giới họa sĩ thập niên 1940 đánh giá cao. Hình họa của ông rất vững, nét vẽ sinh động, gọn gàng, tạo hình nhân vật sắc sảo, thể hiện tốt nội dung.

Họa sĩ Văn Hiếu và chùm tranh liên hoàn "Bé Ngôn - Bé Luận". Ảnh: Phương Nam Book

Hay tên tuổi họa sĩ Văn Hiếu được nhiều người từng sống ở miền Nam trước 1975 biết đến. Trên một số tờ báo, họa sĩ vẽ nhiều bức biếm họa hài hước, ý nhị với nét vẽ sinh động, duyên dáng. Nói về Văn Hiếu, nhà thơ Lý Thụy Ý, từng là Thư ký Tòa soạn báo Văn Nghệ Tiền Phong khoảng thời gian gần 1975 đánh giá: “Nếu nói đến Văn Nghệ Tiền Phong phải nói đến họa sĩ Văn Hiếu. Anh rất nổi tiếng thời đó, cha đẻ của ‘Bé Ngôn - Bé Luận’ rất hài hước, đáng yêu. Văn Hiếu vẽ biếm họa... thần sầu!”.

Biếm họa trên Báo chí Sài Gòn trước 1975 giúp độc giả cảm nhận rõ tài năng của các họa sĩ biếm, họ không chỉ vẽ đẹp, hài hước mà còn có những ý tưởng rất sâu sắc. Các họa sĩ thể hiện những câu chuyện biếm họa giai đoạn thập niên trước bám sát hành trình của đời sống xã hội, của thời cuộc, của nền chính trị và theo được những bước thăng trầm của đời sống văn hoá người Việt những năm hậu chế độ thuộc địa.

Nhà báo Phạm Công Luận bộc bạch: “Họa sĩ biếm đáng được kính nể. Họ có thể vẽ tranh, vẽ nhân vật rất sinh động, lại biết cách diễn đạt khúc chiết ý tưởng của chính họ qua các hình tượng. Ngôn ngữ tranh biếm cô đọng, có khi không cần lời, chỉ cần một biểu tượng là có thể nhận diện ra một kế hoạch, một âm mưu, một tham vọng hay vấn đề lớn của một con người, một chính khách. Dáng nằm của một người nghèo có thể thấy cả cuộc đời bất hạnh”.

Quyển sách Biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975 cung cấp cho độc giả những tư liệu quý giá về thể loại tranh biếm họa, minh họa… Để từ đó, người đọc sẽ hiểu rõ thêm về báo chí ngày trước qua những trích lọc, những câu thoại ghi chép thời sự hóm hỉnh phản ánh trong những bức tranh đậm chất biếm. Biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975 xứng đáng là quyển sách dành cho những độc giả quan tâm đến đời sống văn hóa xã hội của đô thị miền Nam xưa và từ đó góp phần lưu giữ những ký ức đang dần mai một.

Trích đoạn

“Biếm họa báo chí những năm 1954, 1955, 1956 tiếp tục xuất hiện đều trên các báo xuân như Quê Hương, Thần Chung, Tiếng Chuông, Tin Điển, Xuân Mai... đa số về chuyện sinh hoạt đời thường. Một số tranh không ký tên tác giả, chỉ có tên của cơ sở chế bản thường là Cliche Dầu trên đường Huỳnh Thúc Kháng chuyên làm bản kẽm cho báo chí trong nhiều năm trước 1975”.

“Họa sĩ Hưng Hội lúc đó là cây cọ đang lên, về biếm và minh họa thường xuyên cho Nam Kỳ tuần báo của nhà văn Hồ Biểu Chánh, ngoài ra còn vẽ bìa sách và minh họa cho các tờ báo khác. Trên báo, Hưng Hội thể hiện tay nghề vẽ biếm không thua kém các họa sĩ Pháp cùng thời. Các nhân vật của ông, từ các cô thiếu nữ, các thầy thông thầy ký, người lao động... thật linh hoạt và sống động qua từng cử chỉ, cách biểu cảm. Tranh của ông vừa cổ vũ phong trào thể thao rèn luyện sức khỏe, vừa châm biếm nhẹ nhàng và cười cợt vui tếu những hoạt động phi thể thao, khi hội đánh tứ sắc vẫn thu hút hơn đám đánh bóng bàn, môn "quyền thuật" vẫn tồn tại ở các gia đình đa thê mà trọng tài là đức lang quân”.

“Một bài viết trên báo Tia Sáng có nêu: “Biếm họa không thể thay đổi được thế giới, nhưng biếm họa có thể mang đến cho chúng ta tiếng cười trí tuệ, tiếng cười mà con người cần có để tự hoàn thiện chính mình.””

Vai trò của biếm họa báo chí đã được ông Kofi Annan, cựu Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc phát biểu tại tổ chức mà ông lãnh đạo năm 2006 như sau: “Các họa sĩ biếm họa có ảnh hưởng lớn đến cách nhìn về nhau giữa các nhóm người khác nhau. Họ có thể khuyến khích chúng ta nhìn nhận lại bản thân một cách nghiêm túc và tăng cường sự đồng cảm với những đau khổ và thất vọng của người khác. Nhưng họ cũng có thể làm ngược lại. Tóm lại, họ có một trách nhiệm lớn” ông nói với các họa sĩ biếm họa từ khắp nơi trên thế giới tập trung tại New York. Ông còn cho biết: “Họ có thể giúp chúng ta suy nghĩ rõ ràng hơn về công việc của họ và cách chúng ta phản ứng với nó. Và có lẽ chúng ta có thể giúp họ suy nghĩ về cách họ có thể sử dụng ảnh hưởng của mình, không phải để củng cố định kiến hay thổi bùng đam mê, mà để thúc đẩy hòa bình và hiểu biết. Chắc chắn, họ có thể giúp đỡ lẫn nhau để làm điều đó" (trình bày tại hội thảo “Unlearning Intolerance: Cartooning for Peace” tại Trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York vào ngày 16.10.2006).

Đánh giá về sách

“Ngay lần đầu lật xem tập bản thảo Luận trao tay ở quán cafe hôm ấy, tôi đã thấy sướng củ tỉ... khi được nhìn thấy cả một bầu trời tuổi thơ tái hiện. Kìa là những tên tuổi quen thuộc Văn Hiếu, Vương Nghiêm, Đức Khánh, rồi là Tuýt, Ớt, Chóe... với những phong cách vẽ không ai lẫn được với ai... Hơn nửa thế kỷ trước, tôi và bạn cùng trang lứa (như anh chị em nhà Luận) đã bị mê hoặc bởi tranh vẽ của họ. Mãi hôm nay mới được xem lần nữa những bức tranh đăng báo một thời gắn với tuổi thơ chúng tôi, tưởng chừng không bao giờ thấy lại nữa. Cảm ơn Luận nhiều. Và sẽ còn cảm ơn tác giả nhiều nữa, khi ta lật từng trang sách…” – Họa sĩ Đức Lâm.

Cuốn sách sẽ không chỉ dành cho lứa “già” như Satế đọc để chậm rãi tìm về những ngày xưa của mình. Lớp trẻ đang lớn yêu tranh vui, thích biếm họa sẽ tìm thấy trong đó bút tích quý giá của những họa sĩ tiền bối mở đường. Sẽ hiểu rõ thêm về báo chí ngày trước qua những câu thoại ghi chép thời sự hóm hỉnh, chọc ngoáy thông minh. Cuốn sách, chuyên khảo về tranh vui, biếm họa này đáng lý đã phải “góp mặt” trên các kệ sách từ lâu. Satế ghi tạm ít dòng ở đây, cảm ơn công phu, tâm huyết lần này của Phạm Công Luận đặt vào sách: món quà quý dành cho cộng đồng” Satế - Nguyễn Văn Thưởng.

Về tác giả

Chân dung nhà báo Phạm Công Luận - Tác giả sách Biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975

Nhà báo Phạm Công Luận là tác giả của những tựa sách gây tiếng vang và được tái bản nhiều lần như Nếu biết trăm năm là hữu hạn (viết chung với Đặng Nguyễn Đông Vy - bút danh Phạm Lữ Ân), Những lối về ấu thơ, Chú bé Thất Sơn. Không chỉ nổi bật trong thể loại tản văn, ông còn là một cây bút gạo cội sở hữu lượng tác phẩm dồi dào, mang đến cho độc giả nhiều tập sách chuyên khảo, hồi ký về Sài Gòn giàu giá trị như Sài Gòn – Chuyện đời của phố (5 tập), Phong vị báo xuân xưa, Sài Gòn – Ngoảnh lại trăm năm, Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn: Ký ức rực rỡ (in chung với Họa sĩ Lâm Nguyễn Kha Liêm)...

Đọc bài viết

Book trailer

“Hiệu ứng điện áp” và những giải pháp ý tưởng để bứt tốc phát triển trong năm mới

Published

on

By

Tác phẩm Hiệu ứng điện áp (Phương Nam Book & NXB Văn Hóa Dân Tộc) của giáo sư kinh tế học John A.List thể hiện góc nhìn đa chiều về điều kiện cần và đủ để những ý tưởng nhỏ có thể bứt tốc phát triển ở quy mô rộng hơn.

Hiệu ứng điện áp bàn về tính khoa học của việc mở rộng quy mô: Vì sao một số ý tưởng thất bại trong khi các ý tưởng khác lại có thể thành công, làm thế nào để phát huy sáng kiến mới hiệu quả… Từ đó, tác giả rút ra kết luận rằng thành công hay thất bại không phải là “canh bạc” may rủi, mà luôn có những lý do xác đáng khi ta nhận ra vấn đề vào đúng thời điểm. Trong một số trường hợp, bạn có thể tìm được giải pháp để cân nhắc việc phát triển ý tưởng thành một cơ hội ở quy mô lớn hơn, hoặc có thể lập tức từ bỏ để bắt đầu phương án mới.

Ý tưởng bắt đầu từ “cơn đau” của người dùng

Câu hỏi quan trọng nhất đối với bất kỳ ai đang có ý định đặt cược tất cả vào ước mơ, kỳ vọng của mình là: “Tôi có thể phát triển ý tưởng của mình như thế nào, những thách thức và cơ hội khi tôi chuyển đổi quy mô kinh doanh từ nhỏ đến lớn sẽ là gì…”. Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu lĩnh vực kinh tế học, giáo sư John A. List đã đưa ra hàng loạt hướng dẫn cụ thể, giúp người đọc “gỡ rối” những ý tưởng chưa tốt và tận dụng tối đa cơ hội để phát huy những ý tưởng tuyệt vời.


Hiệu ứng điện áp có hai phần nội dung chính:

  • Phần đầu vạch ra năm dấu hiệu quan trọng để bạn tự đánh giá tiềm năng của một ý tưởng trước khi mở rộng quy mô lớn.
  • Phần thứ hai tập hợp những câu chuyện kinh doanh điển hình để gợi mở cho người đọc bốn giải pháp cơ bản để tối ưu, nhân rộng sáng kiến ra thực tế.

Thông qua đó, tác giả truyền tải thông điệp rằng mọi ý tưởng sáng tạo luôn có một mục tiêu tích cực, xuất phát từ sự hiểu biết, mong muốn thay đổi chất lượng tư duy của con người. Đó là động lực khiến chúng ta luôn muốn học hỏi, quan sát mọi thứ.

Hiệu ứng điện áp không chỉ dành cho những độc giả quan tâm đến lĩnh vực kinh tế, mà còn hướng đến bất kỳ ai thích “vui chơi” cùng những ý tưởng mới. Tác giả cho rằng dù là nhà sáng lập, giám đốc điều hành, công nhân viên chức, nhà nghiên cứu, phụ huynh hay học sinh, sinh viên… thì mỗi chúng ta đều có thể viết ra “một bụng” ý tưởng mới, mang lại sự thay đổi tích cực trong cộng đồng.


Với lối viết dễ hiểu, ngắn gọn, John A. List giúp người đọc hiểu thêm về những bài học kinh doanh thực tiễn, các từ khóa trong lĩnh vực kinh tế như: dữ liệu thông tin, chi phí cơ hội, kinh tế học hành vi, văn hóa làm việc nhóm, xu hướng thế kỷ 21… Bên cạnh đó, tác phẩm còn lí giải những quyết định kinh doanh quan trọng trên thực tế như việc Disneyland có ý tưởng nên hay không khi áp dụng thu phí vào cổng ở các khu vực trò chơi, hay câu chuyện đằng sau sự thành công của Instagram với hơn 1 tỷ người dùng…

Không chỉ phân tích các trường hợp thành công, Hiệu ứng điện áp còn mổ xẻ cả những thất bại trong quá trình biến một ý tưởng thành bước đột phá. Đó có thể là bài học từ đầu bếp, doanh nhân nổi tiếng Jamie Oliver khi chuỗi nhà hàng của ông phải đóng cửa, McDonald’s với cú thất bại đầy “sang chảnh” khi thử nghiệm món burger phức tạp có tên – Arch Deluxe, nội tình trong việc Travis Kalanick tuyên bố từ chức CEO Uber…

Mỗi câu chuyện thành công hay thất bại được đề cập trong sách đều hé lộ hình mẫu cho những điều kiện cần và đủ nhằm giúp người đọc biết khi nào là thời điểm thích hợp để ứng dụng một ý tưởng trên quy mô lớn hoặc chỉ dừng lại ở việc phát triển trong phạm vi nhỏ. Dựa trên những nghiên cứu về tâm lý học và kinh tế học hành vi, John A. List chỉ ra rằng, một trong những yếu tố quan trọng giúp ý tưởng thành công là bạn phải hiểu rõ đối tượng và “pain point” (điểm đau) của khách hàng. Dưới đây là một câu chuyện ví dụ từ trong sách Hiệu ứng điện áp để bạn dễ hình dung.

Vào năm 1965, giám đốc của một siêu thị Kmart ở Indiana (tiểu bang miền Trung Tây nước Mỹ) nảy ra sáng kiến cực kỳ thông minh. Trên kệ các mặt hàng khó bán, anh lắp đặt chiếc đèn nhấp nháy màu xanh, treo bảng giảm giá. Cùng lúc, nhân viên thu ngân phát loa thông báo: “Siêu thị Kmart thông tin đến quý khách hàng đang mua sắm: Áo khoác nam ở quầy trưng bày số 3, đang giảm 50%. Mua liền tay kẻo hết hàng!”. Mẹo bán hàng này nhanh chóng lan tỏa rộng rãi, chẳng bao lâu, các siêu thị Kmart trên toàn nước Mỹ đều bắt đầu chạy chương trình “Đèn xanh nhấp nháy đặc biệt” và đạt được những thành công về mặt doanh số. Sáng kiến quảng cáo này có thể được coi là hiện thân đầu tiên của hình thức mà ngày nay chúng ta gọi là “flash sale”.


Hay câu chuyện của Rafael Ilishayev và Yakir Gola – những người trẻ thích làm “cú đêm” vì có sở thích vừa chơi game, vừa tán gẫu thâu đêm. Vào những buổi tối khuya thời sinh viên năm hai, họ thường lê bước tới cửa hàng tạp hóa còn mở cửa gần nhất để mua đồ ăn khi đói bụng cồn cào, nhưng đôi lúc chẳng mua được gì. Việc này liên tục xảy ra khiến nhóm bạn nảy ra ý tưởng đơn giản: mở một cửa hàng tiện lợi có dịch vụ giao hàng tận nơi. Với một cái tên được đặt rất khéo là “Gopuff”, công ty của họ giống như một Amazon thu nhỏ dành cho những sinh viên thích ăn vặt. Điểm khác biệt là khách hàng sẽ được giao sản phẩm trong 30 phút. Chẳng lâu sau đó, Gopuff đã chiếm được một thị phần trong phân khúc ngách của ngành giao đồ ăn nhanh. Công ty mở rộng quy mô với khoảng 7000 nhân viên, doanh thu ước tính của họ là 250 triệu đô la (năm 2019).

Qua những ví dụ trên, tác giả cho rằng nguyên tắc căn bản nhất để thực hiện “cú hích” ý tưởng là: Hiểu rõ nhu cầu của khách hàng. Từ đó, John A. List kết luận rằng: “Để thành công trên sân khấu, người diễn viên phải hiểu rõ khán giả của mình. Những câu chuyện hài hước có thể khiến một nhóm khán giả cười không thể nhặt nổi mồm ở nơi này nhưng rất có thể tắt ngấm ở nơi khác. Tương tự, một ý tưởng có thể thành công với nhóm khách hàng này nhưng lại hoàn toàn thất bại trước một nhóm khác. Đây là yếu tố giúp bạn bắt đầu hiểu chính xác “cơn đau” của người dùng, rồi mới lần mò giải pháp để triển khai ý tưởng thành công trên quy mô lớn.”

Học cách gạn lọc và dám buông bỏ những ý tưởng “khó nuốt”

Trong Hiệu ứng điện áp, giáo sư John A.List dành hẳn một chương để chia sẻ về việc từ bỏ ước mơ hoặc lựa chọn chưa phù hợp để giành chiến thắng dài hạn. Tác giả lấy ví dụ thực tiễn từ chính câu chuyện chơi golf thời trung học của mình. Vào một mùa thu, cậu bạn John A. List về thăm nhà và có cơ hội đọ sức đánh golf với hai bậc đàn anh là Steve Stricker (ĐH Illinois) và Jerry Kelly (ĐH Hartford). Cả hai người họ đều có sự nghiệp lâu dài và thành công tại PGA Tour (một giải đấu quốc tế, quy mô lớn được tổ chức dành cho các Golfer chuyên nghiệp).


Sau khi cuộc so tài kết thúc, John A. List có điểm golf chênh lệch khá cao so với đối thủ đàn anh. Đêm hôm đó, cậu nằm thao thức và tự vấn bản thân, nhận thấy rằng mình chỉ chơi tốt khi là golf thủ sinh viên, còn khi thi đấu ở cấp độ chuyên nghiệp thì không thể. Vậy nên, cậu quyết định từ bỏ ước mơ. Tác giả thừa nhận rằng bước ngoặt ấy thực sự rất khó khăn. Bởi lẽ vào thời niên thiếu, gia đình John A.List thường hay lấy câu nói của Huấn luyện viên bóng chày huyền thoại Vince Lombardi để truyền cảm hứng cho ông: “Người chiến thắng không bao giờ bỏ cuộc. Người bỏ cuộc không bao giờ chiến thắng.”

Khi từ bỏ ước mơ golf thủ chuyên nghiệp, John A. List đã chuyển hướng sang lĩnh vực mới là kinh tế. Năm 1992, ông tốt nghiệp ngành kinh tế tại Đại học Wisconsin (Mỹ), lấy bằng thạc sĩ ở Đại học Stevens Point (Mỹ), nhận bằng tiến sĩ ở Đại học Wyoming (Mỹ). Sau đó, tác giả nộp đơn đến 150 trường đại học để ứng tuyển vị trí giảng dạy cơ hữu, nhưng 149 trường đã từ chối. Tuy nhiên, John A. List vẫn tiếp tục kiên trì tham gia những hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế học. Cuối cùng, ông thành danh với sự nghiệp giáo dục tại ngôi trường Đại học Central Florida (Mỹ).


Thông qua những trải nghiệm của mình, John A. List cho rằng khi bạn thử sức ở bất kỳ một  lĩnh vực nào cũng đều sẽ gặp khó khăn, thử thách để rồi phải đấu tranh với những hoài nghi, mệt mỏi quẩn quanh trong tâm trí. Và cũng sẽ có lúc, dù đã mãi cố gắng nhưng bạn vẫn không thể đạt được mục tiêu. Nếu công việc lựa chọn không khơi dậy được chút hứng thú hay đam mê nào trong con người bạn, liệu đó có phải là lúc để buông bỏ mọi thứ? Tác giả cho rằng trong trường hợp như thế, điều tốt nhất bạn có thể làm là từ bỏ. Đó vốn không phải là việc dễ dàng, nhưng đôi khi bạn cần phải biết cách thả đi những kỳ vọng vượt quá tầm với của bản thân:

“Cuối cùng, dù bạn đang định chấm dứt việc kinh doanh hay một cuộc hôn nhân hoặc bất cứ điều gì khác, việc từ bỏ cần song hành cùng sự can đảm để có thể thực hiện một bước tiến lớn. Bài học ở đây là dù sự thay đổi có thể rất đáng sợ, nhưng một khi đã vượt qua, mọi người thường sẽ hạnh phúc hơn.”

Qua câu chuyện từ bỏ ước mơ của bản thân, khi bàn về tầm vĩ mô của việc doanh nghiệp từ bỏ một ý tưởng thiếu tính khả thi trong thực tiễn, John A. List cho rằng: Giải pháp từ bỏ tối ưu nên là một phần trong chiến lược khi mở rộng quy mô, chứ không phải là nút bấm hoảng loạn mà ta nhấn vào khi không còn lựa chọn nào khác. Reid Hoffman một doanh nhân công nghệ, một nhà đầu tư kiêm tác giả sách người Mỹ cho rằng: “Bạn có thể dễ dàng từ bỏ một sản phẩm thất bại; nhưng sẽ khó hơn nhiều khi từ bỏ một sản phẩm không có tiềm năng mở rộng quy mô vì đây là một quyết định có tính chiến lược.”


Ở những chương cuối, Hiệu ứng điện áp còn cung cấp cho độc giả cái nhìn bao quát về văn hóa làm việc nhóm; cách trọng dụng nhân tài trong thời đại số; cách học hỏi, đánh giá và phân tích dữ liệu để nắm bắt những kiến thức mới trong mọi mặt đời sống xã hội. John A. List chia sẻ:

“Bạn và tôi sẽ trải qua những trở ngại và thất bại khi phát triển ý tưởng của mình. Tuy nhiên, chúng ta đang có một cơ hội thực thụ để học hỏi từ những bước đi sai lầm và dành nặng lượng để phát triển những chương trình tiềm năng mang tới sự thay đổi trong đời sống con người.”

Hiệu ứng điện áp là sách kinh tế có tiêu đề mang tính vật lý học, thế nhưng John A. List đã chọn góc nhìn dễ hiểu để kiến giải vấn đề theo hướng phù hợp với mọi đối tượng độc giả: những người thất bại trong việc kinh doanh, vừa mới nghỉ việc hoặc đang trong giai đoạn gap year, dù là bất cứ ai cũng đều sẽ có thêm nhiều góc nhìn để soi chiếu, chia sẻ.

Hiệu ứng điện áp sẽ giúp những ý tưởng tuyệt vời của độc giả có giải pháp bứt tốc phát triển ở quy mô bền vững. Trong sách, John A. List trích lại lời Thomas Edison từng nói rằng: “Tôi không thất bại. Tôi chỉ tìm ra 10.000 cách nhưng chưa thành công.” Không ai biết điều gì sẽ xảy ra trong tương lai, nhưng có một điều chắc chắn là nếu Edison từ bỏ sau 5, 10 hoặc 100 lần thất bại, chúng ta đã không thể sống trong kỷ nguyên của bóng đèn điện như ngày nay. Vì vậy, bạn cần phải nhớ rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào chúng ta cũng phải đối mặt với sự từ chối, thất bại và học cách cố gắng để tìm hướng đi mới cho riêng mình. Điều quan trọng là trước khi mở rộng quy mô doanh nghiệp, hay dự án thì bạn cần phải mở rộng tư duy của chính mình. Ý tưởng tốt luôn phải bắt nguồn từ mục đích tốt. Đó là cách duy nhất để trường tồn với thời gian.

Trích đoạn

“Văn hóa mà bạn nuôi dưỡng không chỉ ảnh hưởng tới lựa chọn và cuộc sống của nhân viên và giúp doanh nghiệp của bạn đạt được điện áp cao – mà còn có khả năng thẩm thấu sâu rộng vào bên trong xã hội và định hình những lựa chọn cùng cuộc sống của những con người bạn chưa từng gặp.”

“Tài năng của con người là thứ rất khó, nếu không muốn nói là không thế, tăng quy mô. Ngành nhà hàng đã tiếp thu bài học này một cách đầy khó khăn, vậy nên rất nhiều đầu bếp tài ba trên thế giới đã khôn ngoan khi đảm bảo sự thành công của họ bằng danh tiếng và chất lượng hơn là khả năng mở rộng quy mô.”

“Ứng dụng này cực kỳ dễ dùng. Bạn chỉ cần chụp ảnh rồi đăng lên, sau đó người khác sẽ thấy ngay ảnh của bạn. Không cần hướng dẫn phức tạp, và ngay cả những người không đăng ảnh cũng có thể tham gia ứng dụng với vai trò là người theo dõi. Sự đơn giản và dễ dùng chính là thành phần không thể thay thế của Instagram, và ứng dụng này, giờ đây đã có tới hơn 1 tỷ người dùng, vẫn hoạt động trơn tru như khi có 100 người dùng đầu tiên.”

Đánh giá về sách

“Tuyệt vời, thiết thực với rất nhiều dữ liệu nghiên cứu mới mẻ... Nếu muốn góp sức thay đổi thế giới, hoặc đơn giản là đưa ra những quyết định sáng suốt trong cuộc đời. Hiệu ứng điện áp chính là dành cho bạn.” Angela Duckworth, CEO của CHARACTER LAB, tác giả cuốn sách best-seller GRIT

“Với các nguyên lý khoa học cùng các nhận định chuyên nghiệp được đúc rút từ những câu chuyện ít ai biết đến ở Thung lũng Silicon hay các tổ chức phi chính phủ tại châu Phi, cuốn sách lấp đầy khoảng cách giữa dạng sách khởi nghiệp và sách quản lý khi cho thấy bất kỳ ý tưởng nào cũng có thể phát huy tiềm năng của chính mình.” – Scott Cook, Nhà đồng sáng lập công ty phần mềm INTUIT

Hiệu ứng điện áp đã cho thấy để một ý tưởng tạo ra hiệu ứng lan tỏa, nó phải đạt được trạng thái “điện áp cao” – khả năng nhân rộng trên quy mô lớn. Và chỉ khi nắm bắt được quy tắc hoạt động của việc mở rộng, chúng ta mới có thể thúc đẩy những đổi thay tích cực trong cộng đồng, trong công ty, trong gia đình, hoặc trong xã hội nói chung. Khi những ý tưởng tuyệt vời được nhân rộng, tất cả chúng ta đều là người chiến thắng.” Wall Street Journal

Về tác giả

Giáo sư kinh tế học John A. List - tác giả quyển sách "Hiệu ứng điện áp", Phương Nam Book phát hành.

John A. List là giáo sư ưu tú chuyên ngành kinh tế học của Kenneth C. Griffin thuộc Đại học Chicago. Ông từng phục vụ trong Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Hoa Kỳ và nhận được nhiều giải thưởng cùng danh hiệu cao quý, trong đó có giải thưởng John Kenneth Galbraith. Ngoài ra ông còn là đồng tác giả, cùng với Uri Gneezy, cuốn sách bán chạy trên toàn cầu – The Why Axis.

Đọc bài viết

Giới thiệu sách

Lớn lên trên đảo vắng – Cuộc phiêu lưu kịch tính của gia đình Robinson

Published

on

Lớn lên trên đảo vắng

Trên đường sang châu Mỹ lập nghiệp, gia đình Robinson không may bị đắm tàu và trôi dạt vào một hoang đảo. Tại đây, họ đã phải bắt đầu một cuộc sống mới đầy gian khó, khi phải tự làm nhà, săn bắn, trồng trọt, thuần hóa thú hoang… Mỗi ngày với họ đều là một chuyến phiêu lưu kỳ thú nhưng cũng không kém phần nguy hiểm. Với sự ưu đãi của thiên nhiên và tinh thần kiên cường vượt qua nghịch cảnh, gia đình Robinson không chỉ sống sót mà sau nhiều năm lưu lạc trên đảo vắng, họ còn xây dựng được cho mình một cơ ngơi đáng kể.

Dưới ngòi bút miêu tả chân thực của tác giả Johann David Wyss, Lớn lên trên đảo vắng không chỉ bày ra trước mắt độc giả vẻ đẹp của một thế giới tự nhiên hoang sơ, trù phú mà còn là lời ca ngợi những đức tính tuyệt vời của con người. Đó là tinh thần phiêu lưu dũng cảm, sự thông minh tài trí, tính cần cù chăm chỉ và lòng tốt, sự quan tâm giữa các thành viên trong gia đình với nhau. Nhờ vậy mà đây đã trở thành một trong những tác phẩm được yêu thích nhất của trẻ em trên toàn thế giới, còn nhiều lần được dựng thành phim cũng như chuyển thể thành truyện tranh và trò chơi điện tử.

Johann David Wyss (28/5/1743 - 11/1/1818) sinh ra ở Bern, Thụy Sĩ. Ông vốn là mục sư nhưng sau này đã trở thành một tác giả nổi tiếng. Được truyền cảm hứng từ tác phẩm Robinson Crusoe của Daniel Defoe, nhưng Wyss muốn viết một câu chuyện chứa đựng những bài học thú vị, bổ ích về cuộc sống thiên nhiên hoang dã dành riêng cho trẻ em, nên đã cho ra đời tiểu thuyết Lớn lên trên đảo vắng. Tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên bằng tiếng Đức năm 1812, và sau đó hai năm, đã được dịch sang tiếng Anh, rồi lần lượt là nhiều thứ tiếng khác.

Đọc bài viết

Cafe sáng