Chi tiết tác phẩm
Trích từ: Quốc gia tái thiết
Tác giả: Jonathan Tepperman
Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book
Xuất bản: Tháng 12.2019
Giới thiệu sách:
Con người hiện đang sở hữu
nhiều công nghệ tối tân và có khả năng sống lâu hơn bao giờ hết. Chúng ta đã thừa
kế di sản của hàng triệu năm tiến hóa, và đó là một phước lành vượt xa khả năng
hiểu biết của chính chúng ta. Song, không ít nhà nghiên cứu cho rằng xã hội loài
người đang bước vào thời kỳ suy giảm đáng báo động. Tình trạng dân nhập cư, người
tị nạn, sự nghèo đói và bệnh tật gia tăng đã gây nên nỗi kinh hoàng khắp thế giới.
Các chính phủ đã đối mặt với những vấn đề nan giải đó ra sao?
Trong tác phẩm Quốc gia tái thiết, trưởng ban biên tập của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jonathan Tepperman đã nêu ra mười vấn đề khó khăn, tưởng như vô vọng, mà các quốc gia phải đối mặt, đồng thời giới thiệu mười giải pháp tiềm năng dựa trên những câu chuyện thành công từ các nhà lãnh đạo và chính phủ khác nhau trên thế giới.
1
LỢI ÍCH CHO MỌI NGƯỜI
Brazil đã san sẻ sự giàu có của nó như thế nào
“NGHE NÀY.” LULA
TỰA THÂN HÌNH CHẮC NỊCH trên tay vịn ghế ngồi và ghé mặt lại gần tôi, trừng
mắt. “Đôi khi tôi làm cho những người bạn học thức của tôi phiền lòng khi nói
ra. Nhưng người thầy số một trong đời tôi chính là người đàn bà đã sinh ra và
chết đi trong mù chữ: mẹ tôi,” ông nói. “Với tất cả sự kính trọng dành cho các
chuyên gia và học giả, họ chẳng biết gì về người nghèo cả. Họ biết nhiều về
những con số thống kê, nhưng điều đó khác hẳn, anh hiểu không? Với người trí thức, việc dúi vào tay người nghèo 50
đô la là việc từ thiện; một học sĩ không có ý niệm gì về việc người nghèo có
thể làm gì với nó. Nhưng đó là vì tại trường đại học, họ không dạy bạn phải
quan tâm tới người nghèo như thế nào. Và đó là vì hầu hết các chuyên gia không
bao giờ trải qua những gì mà người nghèo chịu đựng mỗi ngày. Họ không bao giờ
phải đi làm với cái bụng đói. Họ không bao giờ sống trong ngôi nhà ngập nước,
hoặc phải chờ xe buýt ba tiếng đồng hồ. Với các chuyên gia, một vấn đề xã hội
như bất bình đẳng chỉ là những con số. Nhưng tôi tiếp lấy vấn đề xã hội đó và
biến nó thành một vấn đề chính trị, vấn đề thực tế. Và rồi tôi cố gắng giải
quyết nó.”
Đó là vào tháng 12 – mùa hè ở Brazil – Lula và tôi ngồi
trong văn phòng riêng bề bộn của ông ở Ipiranga, một khu trung lưu hơi nhếch
nhác của São Paulo. Tôi đến để hỏi ngài cựu Tổng thống Brazil – tên chính thức
là Luiz Inácio Lula da Silva, mặc dù không ai gọi ông như vậy – rằng ông đã làm
điều đó như thế nào. Làm cách nào Lula đã biến bất bình đẳng thành điều mà ông
vừa mô tả như là vấn đề có thể xử lý về mặt chính trị – và rồi giải quyết nó
thành công một cách đáng ngạc nhiên như vậy?
Cảm giác
muốn tìm kiếm câu trả lời thật cấp bách. Suy cho cùng, sự bất bình đẳng thu
nhập đã bùng nổ trên khắp thế giới trong những năm gần đây, trở thành nguồn cơn
bất an vô cùng trên thế giới. Vực thẳm ngăn cách giữa giới siêu giàu và phần
còn lại có vẻ mở rộng không vãn hồi ở hầu khắp mọi nơi. Và không ai biết phải
làm gì với nó.
Một lý do cho sự bất lực này là tăng trưởng kinh tế – từ
lâu được coi như chìa khóa để cải thiện sự thịnh vượng nói chung – đã không còn
có tác dụng như mong đợi. Mặc dù các chính khách thường đổ lỗi cuộc khủng hoảng
bất bình đẳng hiện nay cho Đại suy thoái và những dư chấn của nó, giả thuyết
này không đứng vững được. Vì nếu bạn nhìn vào nhiều quốc gia với khoảng cách
thu nhập đã mở rộng khủng khiếp trong vài năm qua, bạn sẽ đi đến phát hiện lạ
thường: danh sách này bao gồm một vài nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh nhất
thế giới, như Trung Quốc.
Điều này có nghĩa là việc đưa các nền kinh tế đang chệch
choạng của thế giới trở lại đúng đường hướng không thôi sẽ không giúp ích nhiều
để thu hẹp các hố sâu thu nhập. Nó có thể chỉ càng tạo ra thêm nhiều Trung Quốc
mà thôi. Để thật sự giải quyết vấn đề bất bình đẳng đòi hỏi cách tiếp cận sáng
tạo và thông minh hơn nhiều.
Cuộc săn lùng chiến lược đã được tiến hành tốt, với các
chuyên gia và các nhà lãnh đạo quốc gia ngày càng tuyệt vọng đang nặn óc tìm
câu trả lời. Trong số những giải pháp được đề xuất đến nay, nổi tiếng nhất có
lẽ là của Thomas Piketty, nhà kinh tế học siêu sao người Pháp đã kêu gọi áp đặt
một loại thuế tài sản toàn cầu trong tác phẩm best-seller năm 2014 của mình.
Không khó
để hiểu vì sao có nhiều người say mê ý tưởng này đến vậy. Nó đơn giản một cách
cảm động, một tuyệt chiêu lấy của người giàu chia cho kẻ nghèo. Nhưng có hai
vấn đề lớn với kế hoạch của Piketty, cũng như những phương pháp cực đoan tương
tự đối với sự bất bình đẳng. Thứ nhất, chúng sẽ không bao giờ có tác dụng, vì
những lý do chính trị lẫn chuyên môn; giới tinh hoa toàn cầu quá giỏi trong
việc bảo vệ lợi ích của mình và né tránh những khoản thuế được cho là phải
đóng.
Và thứ hai, những chiến lược gây tranh cãi như vậy là quá
mức cần thiết.
Trong khoảng chục năm qua, Brazil đã chứng tỏ có một cách
tốt hơn, ít cực đoan hơn, và thân thiện với thị trường hơn nhiều để chống lại
sự bất bình đẳng. Phương pháp này đã được thử thách, và nó có hiệu quả.
Người đàn ông ngồi đối diện tôi trong ngày nóng nực ấy ở Ipiranga là người đã làm cho điều đó xảy ra, đã chủ trì một trong những cuộc cải biến xã hội thành công nhất, ít gây xáo trộn nhất mà thế giới từng chứng kiến.
TRONG ĐỜI THỰC, thậm chí còn hơn cả tiểu thuyết, mọi chuyện
thường diễn ra theo những kịch bản có thể dự báo trước. Người đẹp lấy được
chồng giàu. Chính trị gia gây quỹ được nhiều hơn với mái tóc dầy hơn thắng
cuộc. Người giàu càng giàu thêm, và số còn lại bị chơi xỏ. Những chiến thắng
khó khăn và bất ngờ thì cực hiếm hoi.
Song họa hoằn chúng vẫn xảy ra, và đây là một trong những
trường hợp như vậy. Vì thế trước khi giải thích điều này diễn ra như thế nào –
Brazil đã thành công ra làm sao – thật đáng để xem xét điều gì khiến cho cái
kết có hậu này có vẻ khó tin, và do đó, truyền cảm hứng đến vậy.
Trước hết là bối cảnh của câu chuyện. Thật khó để hình dung
Brazil ngày nay có thể là hình mẫu cho bất cứ cái gì. Quốc gia này là một mớ
hỗn độn, tan tác bởi cuộc khủng hoảng này đến cuộc khủng hoảng khác. Khi mọi
chuyện bung bét, quốc hội bị tê liệt và các lực lượng chính trị lao đao bởi các
vụ bê bối tham nhũng cấp thượng tầng. Bản thân Lula đã bị nghi ngờ khi trở
thành đối tượng của một cuộc điều tra mở rộng.
Hơn nữa,
mãi cho đến rất gần đây, ý tưởng rằng Brazil có thể có điều gì đó để dạy thế
giới về sự bất bình đẳng ắt hẳn nghe như một chuyện đùa. Trong nhiều thập kỷ,
đất nước này không chỉ có vấn đề với sự bất bình đẳng mà thôi – bản thân nó là vấn đề. Quốc gia lớn nhất Mỹ Latin
này nằm trong số những nơi chốn bất bình đẳng nhất hành tinh, tình trạng đồng
nghĩa với sự bất công xã hội tàn tệ. Hẳn nhiên rồi, nó được phú cho một nền dân
số lớn, trẻ trung và dồi dào tài nguyên thiên nhiên (bao gồm vị trí thứ tám thế
giới về dự trữ nước ngọt và nằm trong số các quốc gia có trữ lượng lớn nhất về
dầu và khí đốt xa bờ). Nhưng khi nói tới việc phân phối của cải, Brazil làm tệ
hơn mức mà bạn có thể tưởng tượng; ngay cả một Haiti bé nhỏ, chìm trong tăm tối
còn công bằng hơn. Xuyên suốt những năm 1980 và 1990, mặc dù Brazil đã chuyển
từ chế độ độc tài sang dân chủ và những cải cách táo bạo của Tổng thống
Fernando Henrique cuối cùng đã đưa mức lạm phát phi mã xuống tầm kiểm soát, đại
bộ phận dân chúng cùng khổ của nó vẫn kẹt cứng trong cảnh cơ hàn ở nông thôn và
các khu ổ chuột ở thành thị trong khi một thiểu số may mắn vút bay trên những
siêu đô thị không thể quản lý của quốc gia bằng trực thăng riêng. Khi thế kỷ
mới bắt đầu ló dạng, khoảng một phần ba dân số Brazil sống lay lắt dưới lằn
ranh đói nghèo của thế giới (thường được định nghĩa bằng mức sống dưới 2 đô la
một ngày), và khoảng 15% dân chúng sống cảnh bần cùng (dưới 1,25 đô la mỗi
ngày).
Nhưng đó là thời khắc mà Brazil rốt cuộc bắt đầu thay đổi, thoạt đầu chậm chạp và sau đó với tốc độ khủng khiếp kể từ năm 2003. Đến năm 2011 nền kinh tế của nó, nhờ có những cải cách của Cardoso và sự khích lệ sau đó của Lula, đã tăng trưởng với tốc độ đáng kể 4% một năm và tỉ lệ thất nghiệp xuống thấp kỷ lục. Và lần này, phúc lợi đã thật sự được sẻ chia rộng rãi. Trong cùng giai đoạn này, gần bốn mươi triệu người Brazil đã thoát khỏi đói nghèo để gia nhập tầng lớp trung lưu. Thu nhập bình quân hộ gia đình tăng vọt lên 27%. Và, có lẽ ấn tượng nhất, mức độ bất bình đẳng hạ thấp đột ngột – trong khi nó đang tăng lên ở hầu khắp mọi nơi.
ĐIỀU GÂY KINH NGẠC không kém tốc độ của cuộc chuyển biến
này là nhân dạng của người đàn ông chịu trách nhiệm nhiều nhất về nó.
Trước khi dính phải các vụ bê bối gần đây, Lula đã trở
thành hình tượng nổi bật – trong năm 2012 ông rời nhiệm sở với tỉ lệ ủng hộ
87%, không lâu sau khi Tổng thống Obama gọi ông là “nhà chính trị được yêu mến
nhất hành tinh” – đến nỗi thật khó để nhớ việc ông từng là nhân vật gây phân
cực ra sao vào năm 2002, khi chiến dịch đưa ông vào chức vụ tổng thống bắt đầu
khởi động. Râu ria tua tủa và ánh mắt dữ dội, với thân thể của một công nhân
bốc vác thấp bè, ứng viên này gây hoang mang cho giới tinh anh Brazil, các tập
đoàn, các nhà đầu tư, và nhiều đối tác ngoại quốc của nó – nhất là Mỹ.
Vấn đề nằm
ở cá nhân con người. Trong khi vị tiền nhiệm của Lula, Cardoso, là người chủ
trương ôn hòa và một học sĩ lịch thiệp, Lula lại xù xì và thô ráp đến mức người
ta có thể tưởng tượng được nơi ông có một điều gì đó mà ông không hề cố gắng
che giấu. Thực vậy, ông là người con kiêu hãnh của miền đông bắc cơ cực của đất
nước. Sinh năm 1945 tại bang Pernambuco khô cằn sỏi đá, Lula là con thứ bảy
trong tám anh chị em. Gia đình ông lay lắt cơ hàn và càng khốn đốn hơn nữa khi
mà, không lâu sau khi Lula chào đời, cha ông bỏ nhà ra đi và chết trong cảnh
nát rượu. Điều này đã đẩy cả gia đình lâm vào bế tắc đến nỗi vị tổng thống
tương lai đã buộc phải bỏ học sau khi xong lớp hai để đi đánh giày. Năm mười
tuổi ông tự học đọc, và năm mười bốn tuổi Lula bằng cách nào đó đã tìm được
việc làm trong một nhà máy, nơi ông mất ngón tay út trái sau vụ tai nạn lao
động. Không lâu sau đó, ông đã để hết tâm trí vào phong trào lao động mạnh mẽ ở
Brazil và tìm thấy thiên hướng của mình. Thăng tiến nhanh chóng qua các cấp bậc
của Công đoàn Luyện kim São Bernardo, Lula đã trở thành nhà lãnh đạo của tổ
chức này vào tuổi ba mươi. Và vào năm 1980 – thời điểm Brazil vẫn còn bị thống
trị bởi tập đoàn quân sự – ông đã giúp sáng lập Đảng Công nhân cánh tả (được
biết đến là đảng PT, viết tắt tiếng Bồ Đào Nha) trong niềm hy vọng trao cho
tầng lớp bị áp bức tiếng nói mạnh mẽ hơn trên vũ đài chính trị quốc gia.
Đến thời điểm cuộc bầu cử năm 2002, Lula đã ra tranh cử
tổng thống – và thất bại – những ba lần. Dù không bao giờ là một nhà Marxist
(khác với nhiều đồng chí trong đảng PT), các chiến dịch trước đó của ông nổi
bật lên bởi lời kêu gọi quốc hữu hóa ngành công nghiệp và cho vỡ nợ quốc gia.
Với luận điệu như vậy cộng với gốc gác cần lao và chiến dịch vận động cùng lời
hứa xóa bỏ đói nghèo, Lula đã hoàn toàn làm kinh hãi giai cấp giàu có ở Brazil
và các nhà tư bản nước ngoài khi ông rốt cuộc nổi bật lên trong các cuộc thăm
dò ý kiến. Như Mac Margolis, nhà báo kỳ cựu ở Rio, nhớ lại, sự trỗi dậy của
Lula khiến cho nhiều người Brazil – vốn lo sợ “người đàn ông râu ria bù xù của
liên minh cánh tả sẽ giành được ghế tổng thống và biến Brazil thành một Cuba
ngoại cỡ” – toát mồ hôi hột.
Bất chấp
việc bản thân Lula quả quyết rằng “Brazil đã thay đổi, đảng Công nhân đã thay
đổi, và tôi đã thay đổi,” ít người tin vào điều đó. Ở Hoa Kỳ, đảng viên Cộng
hòa Henry Hyde, chủ tịch Ủy ban Quan hệ Quốc tế Hạ viện, đã cáo buộc ông là một
“người cực đoan thân Castro.” Còn Goldman Sachs bắt đầu công bố một “Lula thử
biểu” với mục đích theo dõi rủi ro cho các nhà đầu tư nếu đảng PT giành thắng
lợi. Ngay cả George Soros cũng đã cảnh báo rằng chiến thắng của Lula sẽ mang
đến sự hỗn loạn. Các ngân hàng ngoại quốc dễ hoảng sợ bắt đầu cắt giảm tín
dụng. Và nền kinh tế yếu ớt của Brazil, vốn vừa bắt đầu hồi phục, đã quay đầu
lặn sâu. Các chỉ số chứng khoán chính lao dốc 30%. Các nhà đầu tư cũng bắt đầu
bán tháo cổ phần, khiến cho dòng vốn 12 tỉ đô la chảy ồ ạt ra khỏi quốc gia chỉ
trong vài tháng. Và đồng real của Brazil giảm giá trị 40% so với đồng đô la Mỹ,
chạm mức thấp chưa từng có vào thời điểm sắp khép lại năm 2002.
Song người Brazil đã đủ mệt mỏi với kết cấu xã hội phong kiến ở quốc gia này và nỗi đau đớn gây ra bởi các cải cách cấu trúc và những biện pháp khắc khổ cần thiết nhưng không được lòng người của Cardoso khiến cho Lula rốt cuộc vẫn giành chiến thắng. Khi người đàn ông xù xì của liên minh chuẩn bị nhậm chức và nền kinh tế tiếp tục oằn mình dưới phong ba bão táp, quốc gia này đã chuẩn bị tinh thần cho một cuộc đương đầu bi tráng tất phải đến.
NHƯNG MỘT SỰ THỂ KHÔI HÀI đã xảy ra: cơn đại chấn đó không bao giờ đến.
Lula quả thực đã nhậm chức với cuộc cách mạng nung nấu
trong đầu. Nhưng nó hóa ra là một kiểu chuyển biến rất khác so với điều mà
những người bảo thủ chỉ trích ông lo sợ. Cả những thất bại trước đó lẫn những
phản ứng xấu xí dành cho chiến thắng sau cùng của ông đều không làm suy yếu cam
kết của Lula đối với việc thay đổi xã hội. Nhưng – và xem ra đây là chữ nhưng then chốt của toàn bộ câu chuyện –
chúng đã thay đổi sâu sắc cách thức ông
hoạch định để làm cho sự thay đổi ấy diễn ra. Tất cả những sự thất bại và tranh
cãi bủa vây đã thúc đẩy Lula nghiêm túc tiến hành tự vấn lương tâm. Giữa những
năm 1993 và 2001, ông và José Graziano da Silva, một nhà nông học hói đầu đậm
râu gốc Mỹ vốn là một trong những cố vấn thân cận nhất của ông (dù cùng họ
Silva, hai người này không phải họ hàng), đã đi khoảng 90.000 kilômét khắp
Brazil trong những chuyến vi hành mà họ gọi là caravanas da cidadania. Và vị chính khách đã xuất hiện như một
người ôn hòa, đầy tinh thần hòa giải, và lọc lõi về chính trị hơn nhiều khiến
hầu hết mọi người không kịp nhận ra.
Trong tất
cả những bài học mà thất bại đã dạy cho vị tổng thống mới, bài học quan trọng
nhất là ông sẽ không bao giờ tiến xa nếu cố cai trị vì lợi ích của chỉ một phần
Brazil mà thôi. Nếu muốn sử dụng quyền hành mới được trao để thật sự thay đổi
tình hình, trước hết ông phải lôi kéo về mình nhiều người hoài nghi có thế lực.
Và điều này có nghĩa là phải tìm một phương án để đảm bảo sao cho công cuộc
thay đổi làm lợi cho mọi người.
Và thế là kẻ kích động quần chúng đã hóa thân thành Người
hòa giải vĩ đại. Lula gạt bỏ tất cả những diễn ngôn về vỡ nợ và tái phân phối
của cải ra khỏi từ vựng của mình. Ông cắt tóc và bắt đầu mặc com lê. Và ông
chấn chỉnh bản thân thành hình tượng mà Margolis gọi là “CEO-whisperer, người
bạn của tầng lớp trung lưu, [và] người bênh vực nền dân chủ thị trường trọng
pháp.” Dù bước dịch chuyển về phía tầng lớp trung lưu này đã gây ra nhiều tiếng
lầm bầm trong nội bộ đảng PT – “nhiều thành viên trong đảng, và người trong các
hiệp hội thương mại, hoàn toàn không thích ý tưởng này,” Lula nhớ lại – ông vẫn
giữ vững niềm tin. Vào ngày nhậm chức, Lula đã cam kết bảo lưu các chính sách
tài chính và tiền tệ chặt chẽ của Cardoso. Và không lâu sau lễ nhậm chức vào
tháng 1 năm 2003, ông bắt đầu hành động, chỉ định Henrique Meirelles – cựu ủy
viên quản trị được trọng vọng của BankBoston và thành viên trong đảng của
Cardoso, đảng PSDB – điều hành ngân hàng trung ương Brazil. Ông cũng bổ nhiệm
Antonio Palocci, một người ôn hòa khác, làm bộ trưởng tài chính. Đoạn Lula bắt
đầu chĩa mũi dùi vào ngân sách quốc gia trương phình của Brazil, cắt giảm chi
tiêu khoảng 4 tỉ đô la trong năm đầu và áp đặt một mục tiêu thặng dư ngân sách
thậm chí khắt khe hơn mức Quỹ Tiền tệ Quốc tế đề nghị.
Kết quả
nhìn thấy ngay lập tức. Nhiều địch thủ từng công kích ông xuyên suốt chiến dịch
năm ngoái đã im hơi lặng tiếng. Vào tháng 3 năm 2003, Mohamed El-Erian, giám
đốc điều hành của quỹ đầu tư trái phiếu khổng lồ PIMCO, tuyên bố rằng những
nước đi đầu tiên của ngài tổng thống – “từ công bố chính sách, đến bổ nhiệm, và
thi hành” – là “rất tốt.” Các thị trường tán thành điều đó; trong vòng sáu
tháng sau lễ nhậm chức của Lula, giá trị trái phiếu Brazil đã tăng lên 20%.
Ngay cả Goldman Sachs cũng ngượng ngùng thừa nhận rằng những cảnh báo trước đó
của nó là sai lầm.
Tuy nhiên, cùng lúc ve vãn những gã lắm tiền nhiều của, Lula còn dốc sức trên một mặt trận khác, chuẩn bị sử dụng vốn liếng chính trị đang lên của mình để tiến hành một chiến dịch phúc lợi xã hội mới vô cùng tham vọng. Triển khai vài tháng sau khi đắc cử, chiến dịch Fome Zero (Không còn đói nghèo) bao gồm hơn bốn mươi chương trình khác nhau được điều hành bởi gần hai mươi bộ của chính phủ. Nhưng sáng kiến đứng ở vị trí nòng cốt của chiến dịch là Bolsa Família (Trợ cấp gia đình), một nỗ lực chống đói nghèo vốn mang tính đột phá với quy mô, sự tham vọng, và thiết kế của nó.
BOLSA FAMÍLIA KẾT HỢP vài sáng kiến tỏ ra có tính quyết
định đối với thành công cuối cùng của chương trình – cả trên phương diện chính
sách cũng như chính trị.
Trước hết, thay vì cấp cho người nghèo hàng hóa hay dịch
vụ, như hầu hết chương trình phát triển khác lúc bấy giờ, Bolsa Família thử làm
một điều gì đó táo bạo hơn nhiều: chỉ đưa tiền mà thôi. Brazil thật sự đã bắt
đầu thử nghiệm phương pháp này vài năm trước đó. Năm 1995, hai thành phố
Campinas và Brasília đã thực thi các chương trình phát-tiền-mặt trên cơ sở thử
nghiệm. Chúng tỏ ra có hiệu quả trong việc cải thiện đói nghèo đến mức sớm được
mô phỏng bởi hơn một trăm chính quyền địa phương khác. Và Tổng thống Cardoso đã
cho thử nghiệm kế hoạch tương tự trên quy mô toàn quốc vào năm 2001, dù số tiền
phát ra rất nhỏ và việc thực hiện có sai sót. Tuy vậy, kết quả vẫn đầy hứa hẹn
khiến cho Lula, nghe theo lời khuyên của Graziano, quyết định gộp tất cả chương
trình khác nhau này vào một sáng kiến quốc gia mới được tổ chức hợp lý – và mở
rộng ra trên quy mô lớn hơn nhiều so với hình dung của hầu hết chuyên gia.
Bất chấp
sự thành công của những thử nghiệm Campinas và Brasília, Bolsa Família gây
tranh cãi kịch liệt khi Lula lần đầu thực hiện vào tháng 10 năm 2003. Lúc bấy
giờ, hầu hết các chuyên gia và tổ chức quốc tế vẫn coi ý tưởng đưa tiền cho
người nghèo là một sai lầm nguy hiểm. Đơn giản là theo trực giác, nó có vẻ gì đó kỳ khôi. Nó cũng ra mặt
thách thức nhiều thập kỷ nghiên cứu khoa học xã hội và những gì mà Ngân hàng
Thế giới từ lâu coi là cách làm tốt nhất. “Các chuyên gia không chấp nhận ý
tưởng này,” Lula nhớ lại. “Họ thích cho người nghèo nhu yếu phẩm hàng ngày,
hoặc làm cái gì đó cho họ hơn.” Như Lena Lavinas, nhà kinh tế học tại Đại học
liên bang Rio de Janeiro, nói với tôi, đó là vì lý lẽ cho rằng “người nghèo
không biết dùng nguồn lực một cách đúng đắn.” Dịch ra: người ta cho rằng người
nghèo sẽ tiêu hoang số tiền vào rượu chè, thuốc lá, hoặc những món đồ lòe loẹt
vô giá trị. Các nhà làm chính sách, không phải người dân, biết rõ nhất, vì vậy
họ nên là người ra quyết định.
Thế nhưng ba cái nhìn sáng suốt đã thuyết phục Lula và các
cố vấn của ông bác bỏ ý niệm này. Thứ nhất, kinh nghiệm của chính Brazil đã
chứng tỏ rằng các nỗ lực trên quy mô lớn nhằm giảm đói nghèo thông qua phân
phối hàng hóa, như chương trình lương thực đồ sộ mà Cardoso đã thực hiện vào
cuối những năm 1990, thường rơi tõm vào các khuôn mẫu rắc rối và đắt đỏ. Việc
cấp nhu yếu phẩm cho người nghèo là cực kỳ phức tạp, tốn kém, và không hiệu
quả. Nó cũng đòi hỏi một bộ máy quan liêu cồng kềnh, vốn tạo ra vô số cơ hội
cho sự tham nhũng – vấn nạn kinh niên ở Brazil.
Thứ hai,
một vài cuộc nghiên cứu học thuật có tính bước ngoặt (mà về sau được xác nhận
bởi hàng loạt nghiên cứu tiếp theo) bắt đầu củng cố điều mà Lula đã biết rất
rõ: rằng người hiểu rõ nhất người nghèo thật
sự cần gì là những người như mẹ ông – ấy là, bản thân người nghèo. Nghiên
cứu mới cũng chứng tỏ rằng, khi được trao cơ hội, các gia đình cơ cực thường
không chi tiêu hoang phí. Hầu hết chi tiêu khá hợp lý – nhất là khi số tiền ấy
rơi vào tay người mẹ, không phải những người cha, như trong chương trình Bolsa
Família.
Cuối cùng, Lula nhận thức rằng làn sóng tư hữu hóa đã quét
qua Mỹ Latin trong những năm tám mươi và chín mươi – khi các chính phủ bán tháo
hầu hết mọi thứ từ sân bay và nhà máy năng lượng cho đến các nhà cung ứng dịch
vụ – đã bỏ mặc hàng trăm triệu dân thường tụt lại phía sau, vì quá nghèo để
tham gia vào nền kinh tế thị trường đang rộng mở. Lula và đội ngũ cố vấn của
ông cho rằng thay vì trải qua cơn ác mộng tái quốc hữu hóa các doanh nghiệp lớn,
cách tốt nhất và đơn giản nhất để đảo ngược quá trình chặn cửa người nghèo này
là cho một ít tiền mặt vào túi họ.
Vậy đó là điều mà họ quyết tâm làm.
NHƯ NGÀI TỔNG THỐNG và những phụ tá đã đặt định, tư cách để
được hỗ trợ theo chương trình Bolsa Família rất đơn giản. Bất kỳ gia đình nào
có thể chứng minh đang sống trong cảnh nghèo cùng cực – bấy giờ được định nghĩa
là dưới 50 real (khoảng 42 đô la) một người mỗi tháng – sẽ đủ tư cách nhận
tiền, cũng như những gia đình nghèo vừa phải vốn kiếm ít hơn 100 real mỗi đầu
người.
Nhưng Lula cũng quyết định rằng Bolsa Família không đơn
giản là phát tiền khơi khơi như thế. Tham gia vào chương trình là điều dễ dàng,
nhưng để lưu lại với nó đòi hỏi phải làm việc. Những người tham gia sẽ phải đáp
ứng vài điều kiện, hay contrapartidas (trách
nhiệm bên tương ứng): đảm bảo rằng tất cả các con từ 6 đến 15 tuổi phải có mặt
ở trường ít nhất 85% thời gian; đảm bảo mọi đứa con dưới 7 tuổi được chủng
ngừa; và cam đoan rằng cả mẹ lẫn con đều đi kiểm tra y tế đều đặn. (Thai phụ
cũng được yêu cầu đi khám thai và nuôi con bằng sữa mẹ.)
Lula có
hai lý do rất thông minh để áp đặt những quy tắc ấy. Thứ nhất, trong khi bản
thân ông có thể đào ra con đường thoát khỏi đói nghèo bằng chín đầu ngón tay
của mình, ông biết rằng ông là một cá biệt may mắn khi làm được điều đó. Với
hầu hết người Brazil, nhân khẩu học là định số: nếu bạn sinh ra trong nghèo
đói, bạn cũng sẽ chết trong nghèo đói. Thực vậy, các nghiên cứu học thuật đương
thời chứng tỏ rằng mối tương quan giữa số tiền cha mẹ kiếm được so với mức thu
nhập sau này của con cái họ cao hơn ở Brazil so với hầu hết các quốc gia khác.
Lý do cho sự thiếu cơ hội vươn lên này là nhiều người Brazil cảm thấy buộc phải
để cho các con đi làm thay vì đến trường, ngay cho dù làm như vậy là tước đoạt
của chúng những công cụ có thể giúp chúng cải thiện cuộc sống sau này. Lula
quyết tâm phá tan cái bẫy nhiều thế hệ này bằng cách chống lại sự nghèo đói hôm
nay và ngày mai. Nói bằng ngôn ngữ
thực tế, điều đó có nghĩa là tạo điều kiện – và đòi hỏi – các bậc cha mẹ trao
cho con cái những lợi thế lớn lao, dưới dạng giáo dục, chăm sóc y tế, và dinh
dưỡng, hơn là chính họ từng được hưởng.
Nhưng động cơ của Lula trong việc thiết kế Bolsa Família
theo cách ông đã làm chỉ phần nào liên quan tới chính sách. Người hòa giải vĩ
đại vừa tìm thấy nhiệt huyết với con đường trung dung này cũng đang ấp ủ một tư
duy chiến lược: ông biết rằng điều kiện chặt chẽ đi kèm chương trình viện trợ
của ông sẽ khiến nó dễ thuyết phục phần còn lại của xã hội hơn. Và ông biết
mình cần mọi sự giúp đỡ có thể tìm được. Trước Lula, hầu hết các chương trình
cứu trợ xã hội ở Brazil mang hình thức kế hoạch bảo hiểm vốn làm lợi một cách
bất xứng cho các tầng lớp trung và thượng lưu (khó lòng đủ tư cách được hưởng
trợ cấp chính phủ nếu bạn không làm việc trong nền kinh tế chính quy). Với
Bolsa Família, đây là lần đầu tiên một Tổng thống Brazil thật sự đưa việc chống
đói nghèo và bất bình đẳng vào trung tâm nghị trình (dù các chính trị gia trước
đây từng làm điệu bộ với nó.) Điều này gần như đảm bảo một trận chiến khó
tránh.
Quả nhiên,
sự phản đối bắt đầu nổi lên ngay khi chương trình được giới thiệu vào đầu tháng
10 năm 2003. Bolsa Família chẳng những công khai thách thức thông lệ lâu nay,
vả chăng một vài nhà kinh tế học còn biện luận rằng chính phủ nên đầu tư vào cơ
sở hạ tầng như trường học thay vì chăm lo người nghèo bằng cách đưa tiền cho
họ. Số khác nói rằng không nên chỉ bảo các bậc cha mẹ phải làm gì với con cái
họ. Và các ngài học giả bảo thủ thì cảnh báo rằng việc trao tiền mặt sẽ tạo ra
một tầng lớp sống bám vào phúc lợi, mà tiếng Bồ Đào Nha gọi là assistencialismo. (Đừng bao giờ quên sự
kiện rằng ý tưởng trao tiền mặt đã được ấp ủ đầu tiên bởi thần tượng của cánh
hữu, nhà kinh tế học người Mỹ Milton Friedman.) Như Tereza Campello, Bộ trưởng
Phát triển Xã hội, nhớ lại, trong ngày đầu của chương trình Bolsa Família,
những người chỉ trích liên tục công kích bà bằng một châm ngôn lạc hậu rằng dạy
người ta cách câu thì hơn cho cá. “Phe đối lập cáo buộc chúng tôi sắp sửa tạo
ra một đám người lười biếng,” Lula nói với tôi.
Hiến pháp
Brazil cho tổng thống khả năng thực hiện Bolsa Família bằng chính thẩm quyền
hành pháp của mình. Nhưng luật cũng quy định rằng ông cần sự phê chuẩn của quốc
hội để thay mới chương trình trong vòng 1 năm. Điều đó có nghĩa Lula phải đảm
bảo có được sự ủng hộ rộng rãi nếu muốn chương trình mang chữ ký của ông sống
sót – và contrapartidas là chìa khóa
để ông đạt được nó. “Ý tưởng ở đây là chứng minh rằng chúng tôi không trao tiền
khơi khơi,” Lula giải thích với tôi. “Chúng tôi phải xây dựng lòng tin, ngay cả
trong số những người hoài nghi về chương trình này.” Như Ariel Fiszbein và
Norbert Schady, hai nhà kinh tế học của Ngân hàng Thế giới, ghi lại, điều kiện
giúp Lula thực hiện điều đó chính là tạo ấn tượng phổ biến rằng Bolsa Família
không phải là chiêu dỗ dành người nghèo, nhưng đúng ra là một kiểu giao ước xã
hội mới theo đó những người thụ nhận phải làm phần việc của mình. Việc bắt
người thụ hưởng thể hiện “bằng chứng rõ ràng của sự cam kết” với “những hành vi
tích cực” mà chương trình yêu cầu khiến họ cảm thấy xứng đáng hơn, tạo cho công
chúng cảm tưởng rằng họ đã kiếm được số tiền đó.
Tất nhiên, việc đơn giản công bố những điều kiện chính thức
là chưa đủ; phải có cả hình phạt cho người không tuân thủ. Với mục đích đó, các
kiến trúc sư của Bolsa Família đã thiết kế một hệ thống các mức phạt tăng dần
cho những người không làm tròn phần việc của mình. Những người phá luật sẽ nhận
được lời cảnh cáo; nếu họ vẫn không tuân thủ, phúc lợi sẽ bị đình chỉ, và nếu
vấn đề tiếp diễn, họ rốt cuộc sẽ bị gạt khỏi chương trình.
Trong khi sắc lệnh như vậy trông có vẻ tốt trên giấy, Lula
sớm phát hiện ra rằng để mọi người thật sự coi trọng chúng đòi hỏi liều thuốc
mạnh hơn: bằng cớ không thể chối cãi là ban hành luật. Năm 2004, chính quyền
Lula trở nên bận tâm tới việc mở rộng phạm vi chương trình (số người thụ hưởng
tăng từ 3,8 triệu gia đình, hay gần 16 triệu người, vào cuối năm 2003 lên gần
gấp ba năm 2006) đến nỗi nó đã thôi chú ý nhiều tới việc liệu những người thụ
hưởng mới này có giữ vững cam kết của mình. Khi mà, một phần năm trôi qua,
chính phủ phát hiện ra rằng chỉ có 55% số trường công lập Brazil báo cáo việc
những người thụ hưởng Bolsa Família có đáp ứng được chỉ tiêu cho con đến
trường, bèn quyết định tạm thời đình chỉ những nỗ lực giám sát hoàn toàn.
Lựa chọn
này có thể gây cảm tưởng về sự quan liêu; chính quyền chỉ đang cố mua thời gian
để dọn nhà cho ngăn nắp. Và điều đó quả thật là một thảm họa. Ngày 17 tháng 10,
chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử thành phố toàn quốc, Fantástico, chương trình thời sự tối Chủ nhật nổi tiếng đã phát
phóng sự điều tra về những người nhận không xứng đáng đã lạm dụng chương trình
Bolsa Família. (Hãy nghĩ tới những lời ta thán thời Reagan về các nữ hoàng phúc
lợi lái Cadillac và bạn sẽ hình dung ra giọng điệu của bài phóng sự.) Cả thế
giới truyền thông Brazil nhao nhao nhảy vào câu chuyện, lên án chính phủ từ
khắp mọi nơi. Công chúng đùng đùng nổi giận; chỉ trong một tuần sau bài phóng
sự của Fantástico, chính phủ đã nhận
được vài ngàn lời kêu ca giận dữ.
Cảm nhận sự nguy hiểm, Lula quyết định đương đầu trực diện
với những người chỉ trích. “Chúng tôi đã rút ra bài học nào từ thời khắc này?
Sự khiêm tốn,” ông nói với tôi. “Bạn phải thừa nhận rằng một chương trình rất
lớn sẽ có những sai sót. Bạn phải thú nhận chúng. Và sau đó bạn phải sửa chữa.”
Với mục đích đó, Lula lập ra Bộ Phát triển Xã hội mới (được biết đến bởi từ
viết tắt tiếng Bồ của nó, MDS) để tập trung giám sát Bolsa Família. Rời bỏ
truyền thống chính trị bảo trợ bấy lâu của Brazil, ông bố trí nhân lực cho bộ
mới với các nhà kỹ trị được đào tạo tới nơi tới chốn (bao gồm nhiều thành viên
của đảng PSDB đối lập) thay vì những cánh hẩu cùng đảng phái. Vào tháng 1 năm
2005, ông đích thân chủ trì một chiến lược liên bộ hoàn toàn mới nhằm cải thiện
việc thực thi Bolsa Família; trong số những biện pháp khác, ông thiết lập một
cơ quan đăng kiểm thống nhất toàn quốc để theo dõi mọi người từng hưởng trợ cấp
chính phủ dưới mọi hình thức, tập trung vào các tiêu chuẩn thích hợp của Bolsa
Família, tiến hành các cuộc kiểm toán chính quy và kiểm tra đột xuất, lập ra
các ủy ban giám sát công dân và những đường dây nóng, và yêu cầu người tham gia
chương trình phải được chứng thực lại mỗi 2 năm.
Đến giữa năm 2006, việc giám sát và thực thi đã cải thiện mạnh mẽ: vào tháng 6 năm đó, MDS đã gạt khoảng nửa triệu người nhận không đủ tư cách ra khỏi danh sách. Người Brazil chú ý, và bị ấn tượng. Làn sóng chỉ trích Bolsa Família nhanh chóng lắng dịu, và sự ủng hộ của công luận dành cho chương trình bắt đầu tăng lên. Thật vậy, một phân tích năm 2010 về dữ liệu thăm dò và luận bàn của truyền thông đối với Bolsa Família của Kathy Lindert và Vanina Vincensini, hai chuyên gia từ Ngân hàng Thế giới, cho thấy rằng bằng việc áp đặt những điều kiện viện trợ nghiêm ngặt, chính quyền Lula đã hợp pháp hóa Bolsa Família với các cử tri Brazil, tạo ra sự nhiệt tình rộng khắp đối với nó từ cả hai đầu của phổ chính trị.
CŨNG HỮU DỤNG như là contrapartidas
trong việc nâng cao tính phổ biến của Bolsa Família, có hai sự đổi mới khác
tỏ ra quan trọng không kém.
Thứ nhất,
với tất cả tham vọng của mình, Bolsa Família đã, và vẫn rẻ bèo so với hầu hết
các chương trình phúc lợi xã hội ở Brazil và nhiều nơi khác. Hôm nay, hơn một
thập niên sau thực hiện, Bolsa Família đã vươn ra với khoảng 14 triệu gia đình,
chừng 55 triệu người Brazil – một con số khổng lồ. Song vì Lula và đội ngũ cố
vấn của ông nhận ra rằng chỉ cần một số tiền rất nhỏ để tạo nên một khác biệt
rất lớn trong cuộc sống một gia đình nghèo, các khoản thanh toán cá nhân (vốn
khác nhau tùy theo thu nhập và số nhân khẩu trong gia đình) là rất nhỏ: mỗi
người nhận bình quân chừng 65 đô la một tháng, và mức trợ cấp cao nhất là 200
đô la. Kết quả, “tổng số tiền chi cho Bolsa Família” – bất chấp quy mô của nó –
“là con số không,” như lời của Yoshiaki Nakano, chủ nhiệm khoa kinh tế của Viện
nghiên cứu Getúlio Vargas Foundation ở São Paulo. Đây tất nhiên là lối nói
cường điệu, nhưng không nói quá. Sự thật là một trong các chương trình chống
đói nghèo tham vọng nhất thế giới hiện tiêu tốn của người đóng thuế Brazil chưa
tới phân nửa của một phần trăm tổng GDP 2,2 ngàn tỉ đô la của đất nước – ít hơn
nhiều so với mức 12% mà chính phủ chi cho trợ cấp hưu trí, chẳng hạn (một cơ
chế hỗ trợ kém tiến bộ hơn nhiều). Mặc dù khó có thể thực hiện những so sánh
chính xác trên bình diện quốc tế, song có bằng chứng cho thấy rằng Bolsa
Família là một trong những chương trình chống đói nghèo rẻ nhất so với bất kỳ
đâu. Thực vậy, nghiên cứu năm 2011 của chính phủ Anh xác nhận rằng chương trình
Bolsa Família tiêu tốn của quốc gia ít hơn 30% mỗi đầu người so với các chương
trình viện trợ truyền thống, một phần nhờ chi phí hành chính tối thiểu của nó.
Một khía cạnh sau cùng trong thiết kế của Bolsa Família
cũng giúp Lula giành được sự ủng hộ rộng khắp: chương trình có kết cấu sao cho
rốt cuộc nó sẽ làm lợi cho tất cả người
Brazil, chứ không chỉ tầng lớp dưới cùng. Như Lula giải thích khi ông lần đầu
giới thiệu Bolsa Família, “Khi hàng triệu người có thể đến siêu thị để mua sữa,
mua bánh mì, nền kinh tế sẽ hoạt động tốt hơn. Những người cùng khổ sẽ trở
thành người tiêu dùng.” Bằng việc trao tiền để người nghèo chi tiêu theo cách
họ muốn, Lula đã tạo ra điều mà Lavinas, nhà kinh tế học phúc lợi ở Rio, gọi là
“một phương pháp chống đói nghèo thân thiện với thị trường.” Thực vậy, chính
cây bút Joge Castaneda, cựu bộ trưởng ngoại giao bảo thủ của Mexico, người đã
trở thành ký giả chuyên mục và tự nhận là nhà phê bình nghiêm khắc đối với lực lượng
cánh tả Mỹ Latin, đã gọi Bolsa Família là một “chương trình phúc lợi sáng tạo”
rất “tân tự do… như người ta có thể hiểu.”
Phương diện này của chiến dịch chống đói nghèo của Lula đã
gây kinh ngạc cho những người chỉ trích ở cánh hữu, vốn vẫn hoài nghi ông.
Nhưng nét thân thiện của Bolsa Família chỉ là một biểu hiện của đường lối phi
chính thống tài tình mà Lula sẽ theo đuổi suốt nhiệm kỳ tổng thống của mình.
Như Bernardo Sorj, nhà xã hội học tại Đại học São Paulo, đã diễn đạt với tôi
vào một chiều nọ ở Rio, tài năng của Lula như một chính trị gia – và bí mật
thành công của ông – là xem thường các tín điều truyền thống. Thiên khiếu lớn
nhất của Lula, Sorj nói, là khả năng “không ở cánh tả lẫn cánh hữu, nhưng là
một biến hóa sinh động, và một người hoàn toàn thực tế.” Né tránh ý thức hệ,
cách tiếp cận cơ bản của Tổng thống Lula là “làm cho mọi người hạnh phúc.”
Là người
nghiên cứu Lyndon Johnson (Tổng thống Hoa Kỳ thứ 36) kỹ lưỡng, Lula – người
thậm chí đã thông tỏ thói quen của LBJ trong việc gây bối rối và dụ hoặc người
đối thoại (trong suốt buổi phỏng vấn, ngài tổng thống nhiều lần chạm tay tôi để
nhấn mạnh câu chuyện, sau đó bắt đầu siết chặt bắp tay, và rồi, về cuối buổi
gặp mặt, nắm tay tôi liền mấy phút) – đồng thời còn là bậc thầy vận động lôi
kéo, người thậm chí đã xoay sở để thu phục các nhân vật quốc tế đối lập như
Tổng thống George W. Bush. Xuyên suốt nhiệm kỳ của mình, Lula đã tìm cách giữ
vững các nguyên tắc nền tảng, mà ông phụng sự qua những chính sách xã hội tiến
bộ, đồng thời (đặc biệt ở nhiệm kỳ đầu) chấp nhận thương đau để “tôn trọng các
quy tắc căn bản của nền kinh tế tự do hiện đại,” như cách diễn đạt của Sorj.
Trước tiên “thuần hóa” những kẻ cực đoan trong đảng, Lula sau đó cam đoan đi
cam đoan lại với những thành phần kinh tế chủ chốt – các nhà đầu tư và các
chính phủ nước ngoài – thông qua những chính sách kinh tế vĩ mô bảo thủ. Ông
cũng ve vãn các doanh nghiệp lớn bằng cách, chẳng hạn, đưa ra những khoản vay
lãi suất thấp cho các công ty lớn từ Ngân hàng phát triển quốc gia Brazil thuộc
sở hữu nhà nước.
Kết quả
là một danh hiệu độc đáo của cái mà El-Erian của PIMCO gọi là “chủ nghĩa dân
túy theo nguyên tắc tài chính.” Lula không ngần ngại về điều mình làm. “Tôi
không cảm thấy xấu hổ khi nói với bạn rằng dưới thời cầm quyền của tôi, mọi
người đều thắng, từ người nghèo nhất cho đến người giàu nhất,” ông thổ lộ. Từ
chối bị trói buộc bởi vấn đề đảng phái hay giai cấp, ngài tổng thống trước sau
luôn tìm cách đạt được những thành quả lớn nhất cho số đông nhất. Ông biết mục
tiêu này đôi khi có thể mất phương hướng. “Đôi khi những người bạn cũ tìm đến
tôi và nói, ‘Coi nào, Lula! Ông từng là một công nhân ngành thép! Ông không khó
chịu khi các chủ ngân hàng đang làm ra nhiều lợi nhuận đến thế ư?” ông kể lại.
“Tôi sẽ nói, ‘Không – điều tôi lo lắng là liệu họ có đang thua lỗ hay không.’ Nếu có một điều mà tôi không lấy làm xấu hổ, đó
là lợi nhuận. Nhưng tôi muốn mọi người biết rằng triết lý của tôi, từ thâm tâm,
là của một người mẹ. Không ai công bằng hơn một người mẹ. Ngay cho dù có ba
trăm đứa con, bà sẽ đối xử với tất cả như nhau. Đó là điều tôi thường nói với
người dân: rằng tôi cai trị vì tất cả. Và tôi cảm thấy rất tự hào rằng tôi duy
trì quan hệ tốt đẹp với mọi người: từ những điền chủ lớn nhất cho đến những
người không ruộng đất; từ những chủ nhà băng lớn nhất cho đến nhân viên của
họ.”
Chiến lược ấy thành công rực rỡ. Tính thực dụng không
thương xót và cách tiếp cận mọi-người-cùng-thắng của Lula hẳn đã, trong vòng
vài năm, biến ông thành “thần tượng của mọi người,” Sorj nói. “Ông đã xoay sở
để trở thành người hùng tại Davos và tại
Diễn đàn Xã hội Thế giới” – một phiên bản dân túy của Diễn đàn kinh tế thế giới
ở Thụy Sĩ. “Và đó là một kỳ công không dễ dàng.”
*
TRONG
KHI CÁC MỸ TỪ bao dung trước sau như một của Lula hữu ích về mặt chính trị,
người Brazil (như bao người dân khác) vẫn biết rằng nói thì dễ hơn làm. Chính
việc tạo ra những thành quả mà rốt cuộc Lula đã thu phục được người dân. Với
những thành quả đó – từ mức tăng trưởng GDP bình quân gần 4% xuyên suốt nhiệm
kỳ đến thành công vang dội trong cuộc chiến chống đói nghèo và bất bình đẳng –
là cực kỳ ấn tượng. Dù chi phí dành cho Bolsa Família có thể nhỏ bé, nhưng sức
tác động của nó tỏ ra thật to lớn. Chẳng những nó sau cùng đã vươn ra tới hơn
một phần tư tổng dân số (và 85% người nghèo), nhưng số tiền thanh toán, dù ít
ỏi, đã làm tăng gấp đôi thu nhập của các gia đình cơ cực nhất. Trong 3 năm đầu
tiên, Bolsa Família đã cắt giảm mức nghèo đói cùng cực xuống 15%, và đến năm
2014, tỉ lệ người Brazil sống trong cảnh bần cùng đã giảm từ 9% xuống dưới 3% –
mức độ mà Ngân hàng Thế giới coi là tương đương với thành tích xóa đói giảm
nghèo. Cùng lúc đó, Bolsa Família đã giúp đưa tổng cộng 36 triệu người thoát
khỏi đói nghèo, tạo ra điều mà Matias Spektor, nhà khoa học chính trị và cây
bút chuyên mục của tờ báo lớn nhất Brazil, Folha
de São Paulo, mô tả với tôi là “cuộc chuyển biến mười năm lớn nhất đối với
kết cấu giai cấp của một quốc gia kể từ trường hợp Nhật Bản sau Thế chiến II.”
Về phần bất bình đẳng, các nghiên cứu gần đây đã quy công
Bolsa Família cho việc giúp thu hẹp khoảng cách thu nhập tổng thể xuống một
phần ba và xếp nó là nhân tố đóng góp quan trọng thứ hai cho sự chuyển biến này
sau sự tăng trưởng kinh tế nói chung. Theo Tereza Campello, Bộ trưởng Phát
triển Xã hội, thu nhập của 20% dân nghèo nhất Brazil đã tăng lên 6.2% giữa
những năm 2002 và 2013; trong khi thu nhập của 5% dân giàu nhất Brazil chỉ tăng
có 2.6%. (Điều này tương phản sâu sắc với tình hình ở Hoa Kỳ, nơi, trong cùng
giai đoạn, thu nhập của 10% dân giàu nhất tăng 2.6% trong khi thu nhập của 10%
dân nghèo nhất giảm 8.6%.) Bất chấp chính phủ Brazil đã tiến hành một số chương
trình hỗ trợ xã hội quan trọng khác bao gồm các biện pháp tăng lương tối thiểu
đột xuất, và bất chấp nền kinh tế tăng trưởng cũng giúp ích đáng kể, hầu hết
chuyên gia đồng ý rằng Bolsa Família xứng đáng được ghi công lớn vì đã cải
thiện toàn diện cuộc sống người nghèo trong nước. Bolsa Família cũng tỏ ra là
tấm đệm đỡ quan trọng khi mức tăng trưởng của Brazil đã chững lại trong những
năm gần đây. Nền kinh tế tổng thể của quốc gia có thể bị tổn thương hôm nay,
nhưng nhờ có lớp giảm xóc do Bolsa Família mang lại, đại đa số dân chúng không
– hay chí ít không khốn khổ nhiều như họ đã từng với nhiều cuộc khủng hoảng
trong quá khứ của quốc gia.
Bolsa
Família cũng đã tạo ra những bước tiến dài về phía mục tiêu của Lula là chấm
dứt vòng luẩn quẩn đói nghèo giữa các thế hệ: bằng việc giúp gia tăng tỉ lệ
tiêm chủng lên đến 99% dân số, bằng việc hạ thấp tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em ở
những vùng nghèo nhất Brazil xuống 16%, và bằng việc gia tăng 26% khả năng đạt
được mức-cân-nặng-theo-độ-tuổi lành mạnh. Tỉ lệ tử vong trẻ em đã giảm xuống
40% trong thập kỷ qua, đặc biệt tỉ lệ tử vong vì suy dinh dưỡng đã giảm 58% –
một trong những mức giảm ấn tượng nhất từng thấy ở bất cứ đâu. Trong khi đó, số
trẻ em bị buộc phải đi làm thay vì đến trường đã giảm 14%. Những người thụ
hưởng Bolsa Família giờ đây tự hào có tỉ lệ tốt nghiệp cao gấp đôi con em nghèo
nằm ngoài chương trình, và sáng kiến này được ghi nhận đã cải thiện tỉ lệ đến
trường ở những vùng nghèo khổ nhất nước lên 14%. Một hệ quả đáng vui mừng: tỉ
lệ biết chữ toàn quốc cũng tăng lên.
Chương trình này cũng đã tạo ra những thay đổi ít hiển
nhiên hơn và khó tiên đoán hơn – dù không kém phần quan trọng – trong cuộc sống
và thái độ của những công dân nghèo nhất. Nghiên cứu chứng tỏ rằng Bolsa
Família đã trao cho phụ nữ Brazil nhiều quyền hạn hơn bằng việc để họ làm chủ
các trương mục ngân hàng của gia đình; chẳng hạn, phụ nữ tham gia Bolsa Família
có thêm 10% cơ hội để khẳng định đặc quyền đối với vấn đề tránh thai trong hôn
nhân. Và chương trình dường như đã tạo tác động mạnh mẽ đến cảm thức tự chủ của
người nghèo. Một khảo sát gần đây tiến hành với 1400 người thụ hưởng Bolsa
Família trong ba thành phố khác nhau cho thấy rằng thay vì cảm thấy xấu hổ bởi
sự lệ thuộc vào chương trình của chính phủ, ba phần tư số người thụ hưởng nói
rằng họ tự hào được tham gia chương trình và rằng, bằng việc tạo điều kiện để
họ chăm lo cho gia đình một cách tử tế mà không phải ngửa tay xin xỏ, Bolsa
Família đã giúp họ “sống cuộc sống tự quyết và có phẩm cách hơn.”
Những người Brazil ghi danh trong chương trình thậm chí đã biểu đạt niềm tin sâu sắc hơn vào nền dân chủ của đất nước. Đây có vẻ là một kết quả kỳ lạ đối với chương trình phúc lợi, nhưng Spektor giải thích rằng Bolsa Família – vốn, nhờ có sự giám sát chặt chẽ và dùng thẻ ngân hàng điện tử để chuyển tiền, đã đánh bay tham nhũng một cách đáng khâm phục1 – “phá vỡ các cơ chế chính trị giam hãm người nghèo quá lâu trong cảnh bần cùng. Bolsa đã tống cổ những ông trùm móc ngoặc với chính quyền xuống địa ngục vì bỗng nhiên bạn có một nhóm rất nhỏ những người ở Brasília xa tít mù – tất cả đều có học vị tiến sĩ từ các trường đại học phương Tây – trao tiền trực tiếp cho người nghèo.” Trong cuộc trò chuyện của chúng tôi, Lula diễn đạt thẳng thừng hơn: “Một phần lý do Bolsa Família thành công như vậy là vì tiền được trao trực tiếp, không qua trung gian. Người nhận chỉ cần cầm thẻ tới ngân hàng để rút tiền nên họ không nợ ân huệ từ bất kỳ ai, dù đó là tổng thống, thống đốc, đại biểu quốc hội, hay thị trưởng.” Cuối cùng, đúng như Lula đã hứa, Bolsa Família mang đến sự kích thích đáng kể cho toàn bộ nền kinh tế. Bằng việc trao người nghèo tiền để chi tiêu, chương trình đã làm gia tăng mức tiêu thụ nội địa, một động lực kinh tế đặc biệt quan trọng đối với quốc gia như Brazil, vốn lảng tránh hầu hết hoạt động nhập khẩu. Trong khi phần lớn tiền được chi cho thức ăn, Lula nói rằng “trong số những người nhận phúc lợi theo chương trình Bolsa, 80% mua ti vi, 79% mua tủ lạnh, và 50% mua máy giặt. Bởi vậy cái dường như là chương trình chỉ dành cho người sống trong điều kiện của thế kỷ 18 đã giúp đáp ứng nhu cầu của các nhà sản xuất hiện đại, tạo ra hàng triệu việc làm. Mọi người đều thắng.” Điều này nghe có vẻ khoa trương, nhưng những con số không biết nói dối: các nhà kinh tế học tính toán rằng, kể từ khi thực thi, Bolsa Família đã gia tăng mức tăng trưởng GDP 1,78 real với mỗi 1 real chi tiêu.
DANH SÁCH DÀI những thành tựu hợp lại đã làm cho Bolsa
Família được ưa thích một cách khó tin ở Brazil; các cuộc thăm dò cho thấy tỉ
lệ tán thành nó vào khoảng 75%. Mọi người đều hạnh phúc với nó, Lavinas nói với
tôi. “Người nghèo vì họ bớt nghèo, và người giàu vì chương trình này quá rẻ nên
họ chẳng để tâm.” Ngay cả tầng lớp trung lưu, theo truyền thống là bộ phận bảo
thủ nhất trong số cử tri Brazil, cũng chấp nhận Bolsa Família. Như Spektor lý
giải, nhóm này “lớn lên trong một đất nước vốn luôn trở nên tồi tệ hơn. Khi
Brazil dân chủ hóa [vào giữa những năm 1980], bạo lực gia tăng, bất bình đẳng
gia tăng, lạm phát gia tăng. Chúng tôi bị cuốn vào suy nghĩ rằng mọi chuyện
thật khủng khiếp. Nếu bạn hy vọng về một tương lai, bạn cần học tiếng Anh và
biến khỏi đây. Giờ thì, bỗng nhiên, tôi lại thích ở đây hơn bất kỳ nơi nào
khác. Và đó là nhờ Bolsa.”
Sự hăng
hái trên mọi lĩnh vực như thế lần đầu được biểu thị trong suốt chiến dịch tái
tranh cử của Lula năm 2006. Bất chấp các số liệu tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và
sự ân cần vươn tay về cả cánh hữu lẫn cánh tả, Lula đã phải đương đầu với trận
gió ngược dữ dội nổi lên trong cuộc đua. Hàng loạt các vụ bê bối tham nhũng gây
bẽ mặt đã nổ ra trong năm 2005 và 2006, dẫn đến sự từ chức bắt buộc của nhiều
người trong đội ngũ cố vấn cấp cao của ông. (Không liên quan tới những luận
điệu gần đây xung quanh công ty dầu khí nhà nước, Petrobras, vụ bê bối lớn nhất
cũng được biết đến là mensalão, là
những cáo buộc cho rằng chính phủ đã thanh toán lợi tức hàng tháng cho các đồng
minh trong quốc hội để mua chuộc sự ủng hộ của họ.) Những cáo buộc đã giáng một
đòn nặng nề vào số phiếu của Lula, và nhiều nhà phân tích bắt đầu tiên đoán
rằng ông sẽ thua trong hiệp đầu tiên (Brazil tổ chức bầu cử chia làm hai giai
đoạn). Vậy mà khi người Brazil sau cùng đi bỏ phiếu, Lula chẳng những sống sót
qua vòng đầu; ông nghiền nát đối thủ của mình, Geraldo Alckmin của đảng PSDB,
tới 22 điểm trong cuộc đua thêm.
Lý giải? Bất chấp tất cả nỗi tức giận và bối rối trước thái
độ thờ ơ rõ ràng của Lula với nạn hối lộ (sự thờ ơ sau này sẽ khiến ông gặp rắc
rối hơn nữa), sau cùng vẫn có nhiều người Brazil chọn bỏ phiếu cho ví tiền của
họ. Đặc biệt là với những người nghèo và ít học, đối tượng hưởng lợi nhiều nhất
từ Bolsa Família. Theo một cuộc phân tích bầu cử được thực hiện bởi hai học giả
Mỹ, Wendy Hunter và Timothy J. Power, 60% những người kiếm ít hơn năm lần mức
lương tối thiểu chọn người đương chức trong năm đó, và Lula giành được tới 85%
số phiếu của vùng đông bắc kém phát triển.
Việc những người Brazil với cuộc sống được đổi thay nhờ
chính sách của chính phủ muốn đền đáp nhà hảo tâm của mình xem ra không có gì
đáng ngạc nhiên. Nhưng bất chấp gốc gác của mình, màn trình diễn mạnh mẽ của
Lula giữa những người nghèo năm 2006 đã thật sự phá vỡ khuôn khổ bầu cử trước
kia. Trước năm đó, hầu hết các cử tri nghèo lảng tránh ông và đảng PT, mà họ
coi là một đảng phái của những trí thức. Trên thực tế, dù xuất thân từ cánh tả,
hầu hết những người ủng hộ Lula trong bốn chiến dịch trước đều đến từ những
tỉnh giàu hơn của đất nước. Người nghèo đã luôn nhìn ông, theo lời Spektor, như
“một gã có hàm râu buồn cười, hứa hẹn cách mạng. Và vì họ đã bị chơi xỏ bởi hệ
thống chính trị Brazil bấy lâu nay,” những lời hứa này “có vẻ điên rồ đối với
họ.” Bởi vậy họ đã cự tuyệt Lula – cho đến năm 2006, đó là khi Bolsa Família vẽ
lại bản đồ cử tri.
Sự đổi ý
này không gây phương hại tới các chính khách khác ở Brazil, và trong những năm
sau đó, gần như tất cả họ đã nhiệt thành kế tục sáng kiến của Lula. Tổng thống
Dilma Rousseff, người kế nhiệm được chọn lựa cẩn thận của Lula, đã mở rộng phạm
vi chương trình và gia tăng mức phúc lợi lên vài lần. Bà thậm chí khởi xướng
chương trình Busca Ativa (Chủ động Tìm kiếm), đưa các nhân viên xã hội gan dạ
đến các ngõ ngách xa xôi nhất đất nước – đôi khi bằng thuyền đi xuyên rừng –
tìm kiếm thêm nhiều người nghèo để ghi vào danh sách. Và cả hai đối thủ của bà
trong cuộc tranh cử năm 2014 đều hứa hẹn sẽ mở rộng Bolsa Família hơn nữa. Làm
khác đi tức là “tự sát về chính trị,” nói như Thiago de Aragão, một cố vấn
chính trị ở Brasília.
Sự hăng hái này không có nghĩa là Bolsa Família hoàn hảo.
Trong khi chương trình giúp Brazil đạt được bước tiến lịch sử, quốc gia này vẫn
còn có quá nhiều bất công. Dưới bàn tay vụng về của người được Lula che chở,
mức tăng trưởng kinh tế đã chững lại và nợ quốc gia tăng lên vùn vụt. Và mặc
cho tầm với rộng lớn của Bolsa Família, khoảng 28 triệu người Brazil vẫn đang
sống trong đói nghèo. Một vài chuyên gia lo ngại rằng bằng việc tập trung thái
quá vào nhu cầu của trẻ em, chương trình đã làm ngơ các bậc phụ huynh (những
người bị cắt đứt hoàn toàn phúc lợi khi con họ đến tuổi mười bảy). Các học giả
nữ quyền như Maxine Molyneux của Đại học College London cảnh báo rằng “bằng
việc đặt điều kiện ‘về trách nhiệm làm mẹ tốt’ để trao tiền”, các sáng kiến như
Bolsa Família đã củng cố hơn nữa vai trò giới tính truyền thống. Lavinas, trong
số những điều khác, chỉ ra rằng trong khi chính phủ Brazil đã làm tốt việc đưa
trẻ em đến trường, nó thật sự kém cỏi trong việc cải thiện chất lượng giáo dục
– một trong nhiều lý do khiến đám đông người Brazil ồ ạt đổ xuống đường phản
đối các dịch vụ kém cỏi của chính quyền vào năm 2013.
Tác động
tích cực của Bolsa cũng bị giảm đáng kể bởi hệ thống thuế phản tiến bộ của
Brazil, vốn dựa dẫm quá đáng vào thuế tiêu thụ; những mức phí này, vốn đánh vào
hầu như mọi mặt hàng có thể tưởng tượng và nhiều loại dịch vụ, ngốn hết một
phần lớn – lên đến 55%, theo một vài ước tính – vốn liếng của Bolsa Família.
Cuối cùng, các nhà phân tích tài chính công kích Bolsa Família đã giảm bớt bất
công với cái giá của sự tăng trưởng tổng thể, trong khi một số người Brazil vẫn
khăng khăng cho rằng biện pháp trao tiền mặt chỉ khiến người ta lệ thuộc hơn
vào nó mà thôi.
Bolsa Família, nói cách khác, tất nhiên có thể và nên được
cải thiện. Ngoài ra đất nước này còn vô cùng cần đến những cải cách về thuế,
chăm sóc y tế, và giáo dục, cũng như đầu tư thật nhiều vào cơ sở hạ tầng. Nhưng
rất nhiều chứng cứ đã bác bỏ ít nhất là hai cáo buộc sau cùng được liệt kê ở
trên. Những số liệu thống kê của chính phủ cho hay rằng 75% số người trưởng
thành nhận trợ cấp Bolsa Família có làm việc, và với những người nói chung
không làm – họ sống trong những khu vực có quá ít cơ hội việc làm. Phát hiện
này không gây nhiều ngạc nhiên khi bạn xét đến sự kiện rằng, như Wendy Hunter
chỉ ra, các khoản trợ cấp của Bolsa Família ít ỏi đến độ “không ai có đầu óc
tỉnh táo sẽ chịu nhận chúng thay vì có một việc làm tử tế.”
Sau nữa cũng đừng ngạc nhiên khi mà, mặc cho sự bất toàn
của mình, những người hâm mộ chương trình có số lượng áp đảo hơn những người
chỉ trích nó. Nancy Birdsall, giám đốc Trung tâm Phát triển Toàn cầu (nhóm
chuyên gia cố vấn của Washington), đã gọi Bolsa Família “gần như là viên đạn
thần kỳ cho sự phát triển mà bạn có được.” Những người tán thưởng khác đi từ New York Times, vốn cho rằng Bolsa
Família “có lẽ là chương trình chống đói nghèo của chính phủ quan trọng nhất mà
thế giới từng thấy,” cho đến The
Economist, quả quyết nó là “một thành công choáng váng.”
Tuy
nhiên, có lẽ bằng chứng tốt nhất cho sự tài hoa của thiết kế Bolsa Família –
cũng như cách tiếp cận phi chính thống, dành-cho-mọi-người mà Lula thường trình
bày và sau đó phổ biến nó – là sự kiện rằng kể từ khi thực thi chương trình,
hơn sáu mươi ba quốc gia đã cử chuyên gia tới Brazil để sao chép mô hình. Trên
thực tế, chỉ trong vài năm khởi đầu Bolsa Família, Bộ Phát triển Xã hội bị dìm
trong hàng đống thư xin lời khuyên từ nước ngoài đến nỗi nó đã tổ chức các hội
nghị chuyên đề mỗi năm hai lần về cách thức tổ chức chương trình tương tự ở nơi
khác. Từ thời điểm những dòng này được viết, ít nhất bốn mươi quốc gia khác đã
đi theo bước ấy, bao gồm hầu hết các quốc gia Mỹ Latin cũng như Bangladesh,
Indonesia, Ma Rốc, Nam Phi, và Thổ Nhĩ Kỳ (và còn nhiều nơi khác nữa).
Sức hấp dẫn của Bolsa Família thậm chí đã lan sang thế giới giàu có. Vào tháng
4 năm 2007, thị trưởng Michael Bloomberg – một chính trị gia khác nổi tiếng với
thái độ phớt lờ những tín điều chính thống và thu tóm những ý tưởng tốt nhất từ
bất kỳ đâu có thể tìm được – đã triển khai Cơ hội cho Thành phố New York
(Opportunity NYC), chương trình trao tiền có điều kiện theo kiểu Bolsa Família
đầu tiên của thế giới phát triển, trên cơ sở thử nghiệm. Những chương trình như
Bolsa Família phức tạp và vận hành tốn kém hơn ở các nước giàu có, vì các lý do
hiển nhiên, và chương trình thí điểm ở New York đúng như dự báo đã bị chỉ trích
bởi những người bảo thủ (vốn cằn nhằn về chi phí và sự kiện rằng nó trả tiền để
người ta làm điều mà đằng nào họ cũng làm) cũng như tự do (những người gọi nó
là cử chỉ hạ cố). Thế nhưng một phân tích của Trung tâm nghiên cứu đói nghèo
quốc gia (NPC) thuộc Đại học Michigan cho thấy rằng dù có vài khiếm khuyết,
chương trình đã có sức tác động đặc biệt tốt với những gia đình tham dự. Đó là
lý do mà cả New York lẫn Memphis gần đây đã triển khai một chương trình thử
nghiệm nữa lấy cảm hứng từ Bolsa Família, gọi là Family Rewards 2.0, vốn dựa
trên nỗ lực đầu tiên của Bloomberg, và của Lula trước đó – thêm một bằng chứng
nữa, nếu cần, về sức hấp dẫn toàn cầu của cuộc thể nghiệm vĩ đại ở Brazil.
Chú thích:
- Một điều đáng ghi nhận là mặc dù thanh danh của Lula đã bị tổn hại bởi cuộc điều tra tham nhũng gần đây, không một ai đặt vấn đề về sự thành công hay tính chính trực của Bolsa Família.
-Còn tiếp-
Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.