Phía sau trang sách

The Fix – Quốc gia tái thiết: Hy vọng vẫn còn

“The Fix” gồm 10 bài viết như những case study về cách mà các quốc gia đã vượt qua khủng hoảng của mình.

Published

on

Chi tiết tác phẩm

Trong cuốn The Fix – Quốc gia tái thiết, tác giả Jonathan Tepperman đôi lần lặp đi lặp lại trạng thái “Thế giới đang bước đi trên một lưỡi dao cạo”, và vô hình chung, đây không hẳn là sự trùng hợp. Một cách vui vẻ để nhìn nhận, đứng trước mạng lưới thông tin dày đặc được cập nhật 24/7 về tình hình thế giới hiện nay, đôi khi hình tượng hạt dẻ mà chú lười Sid trong Kỷ băng hà (Ice Age) vô ý cắm vào tảng băng để từ đó vũ trụ thành ra nứt nẻ lại hiện ra. Cho đến ngày nay, khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á hay Mùa xuân Ả Rập vừa tạm nguôi đi; thì ngay lập tức mùa hạ kinh hoàng năm 2014 khi Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ra Biển Đông lại đến. Không những thế, sự lớn mạnh của Nhà nước Hồi giáo cực đoan IS, đại dịch chết chóc Ebola, sự thiếu hụt tài nguyên khí đốt, Hy Lạp phá sản hay Chủ nghĩa bản địa bài ngoại ở những nơi di dân chạy trốn chiến tranh Vùng Vịnh… cũng giáng những nỗi kinh hoàng lên đời sống con người. Ở ngay những thời khắc này, chính các sự kiện ấy là thứ hạt dẻ làm nứt vũ trụ, chỉ khác lần này không còn nằm trên màn ảnh 2D và được Disney tạo ra (sự thật rằng nó vừa mua đứt 21st Century Fox); mà đó đã dần thành hình trong thế giới thực – một thế giới của con người, vì con người; và dĩ nhiên, do con người.

The Fix tuy nhiên là một tập hợp những điều tươi sáng hơn thế. Cuốn sách gồm 10 bài viết như những case study về cách mà các quốc gia đã vượt qua khủng hoảng của mình. Lấy 10 chủ để nổi bật nhất nền địa – chính trị những năm vừa qua, Jonathan Tepperman một cách tài tình dẵn dắt người đọc qua những câu chuyện tái thiết của các quốc gia thuộc 4 châu lục; băng qua tình cảnh bất bình đẳng của Brazil, nạn tham nhũng ở Singapore, chủ nghĩa Hồi giáo Cực đoan ở Indonesia, những vết thương nội chiến của Rwanda hay lời nguyền tài nguyên của Bostwana. Bên cạnh đó, ông cũng lần mò đi tìm nguyên nhân lý giải vì sao Canada mở rộng cánh tay với người tị nạn, cách Hàn Quốc tăng trưởng – tăng trưởng nữa – tăng trưởng mãi để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, cách Mexico khởi động lại guồng máy chính phủ, cách Mỹ bùng nổ cách mạng Đá phiến hay phương pháp tháo gỡ nút thắt của New York sau vụ khủng bố 11/9. Nhìn nhận một cách khách quan, The Fix cắt ngang sự ảm đạm như một tia nắng (Adam Grant), và mang một chút hy vọng cho những ai vẫn đang mong muốn những điều tốt đẹp hơn – dĩ nhiên là thực tế hơn.

Trong vai trò Trưởng ban biên tập của Văn phòng Bộ ngoại giao, Jonathan Tepperman tiếp cận đọc giả dưới góc nhìn của một chuyên gia lành nghề. Như một bác sỹ giải phẫu tận tụy từng vấn đề, bằng kinh nghiệm và các mối quan hệ cá nhân, The Fix cung cấp cho người đọc những thông tin đúng đắn, thức thời, đôi khi ngay cả tuyệt mật từ chính những người trong cuộc; và chính yếu tố này làm nên tính thực tế và sinh động cho cuốn sách. Lấy ví dụ như trường hợp cách Mexico tháo gỡ guồng máy chính phủ ngay giữa những cuộc chống đối bè phái, mà theo Jonathan viết, đó đều là những “hoàn cảnh vụn trộm” hay những “cuộc dàn xếp bí mật” giữa 3 đảng phái nhà nước; và nếu không dùng bất cứ một mối quan hệ nào để tiếp cận những cá nhân chủ chốt từng tham gia các hội nghị trên, khó lòng để hiểu được cách chúng vận hành gỡ rối ra sao. Do đó, cá nhân người viết ở góc độ nào và đóng góp ra sao ít nhiều tạo sự thức thời cho cuốn sách này.

Và có một thực tế đa số những cuốn non-fiction ăn khách ngày nay được viết bởi những nhà báo lăn xả hơn những chuyên gia trong ngành. Có thể kể đến như Bad Blood của John Carreyrou, The Shock Doctrine của Naomi Klein, Secret Formula của Frederick L. Allen hay Seven Days in the Art Work của Sarah Thornton,… Đơn giản là vì, dưới góc độ của một nhà báo, nó đòi hỏi người viết cung cấp những thông tin giật gân, có thể gây bất ngờ hay chính những điều ngay cả người đọc không thể màng tới; và cũng chính lẽ đó, chưa chắc là những thông tin chính xác. Trong khi đó, Jonathan Tepperman giữ vững vai trò hai mang của mình – ông tìm tòi như một nhà báo, nhưng khẳng định như một chuyên gia. Cách xây dựng của ông đi từ những điều nhỏ nhặt nhất, như thể cách giải quyết bất bình đẳng ở Brazil bằng chính sách Bolsa Família, khi hỏi tổng thống Lula của nước này đâu là mấu chốt của vấn đề, ngài tổng thống đã không ngần ngại trả lời: “Người hiểu rõ nhất người nghèo thật sự cần gì là những người như mẹ ông – ấy là bản thân người nghèo”. Rõ ràng nhận thấy, Jonathan bằng cách tiếp cận trực tiếp và thức thời làm cho vấn đề một cách sáng tỏ, không đi vòng tránh né, đoán già đoán non hay tin tưởng vào những nhận định ở phía phủ định để phù hợp với con đường xây dựng cuốn sách như trường hợp của nhiều nhà báo khác.

Ảnh: Foreignpolicy.com

Cạnh đó, với các vấn đề trong cuốn sách này, Jonathan không chỉ nêu ra vấn đề, trình bày những cách giải quyết; ông cùng đó nêu bật điểm yếu hay cách áp dụng ra sao vào các nền chính trị khác. Do đó với The Fix, người đọc không mang cảm giác đây là cuốn sách tâng bốc giả tạo những sáng kiến cá nhân; khi một cách thẳng thắn, những điểm yếu của cai trị độc tài, của chủ nghĩa thực dụng, của lối từ bỏ cái hoàn hảo lấy cái có thể chấp nhận được vẫn tồn tại trong này. Jonathan không dè chừng, không sợ hãi và phơi bày chúng như những điểm yếu cần có của muôn mặt vấn đề. Đơn cử như chương về cách mạng Đá phiến của Mỹ, ông không ngần ngại chỉ ra đâu là lý do tuy nằm trên một mỏ đầy những trầm tích đá phiến với một hàm lượng gấp rất nhiều lần Mỹ nhưng lục địa già lại từ chối cơ hội khai thác này, để rồi vẫn bị Nga nắm chui khi phụ thuộc nhập khẩu hơn 1/3 khí đốt từ đất nước này. Hay bởi những đặc tính rất Trung Quốc: ngại mạo hiểm, ưa đi tắt đón đầu và thiếu nguồn khích lệ thị trường tự do đã khiến công cuộc khai thác đá phiến ở đây giậm chân tại chỗ cho đến ngày nay.

Ở một mặt khác, ông không tôn vinh quá đà hay cố lý tưởng hóa bất cứ một cá nhân hay đường lối, chính sách nào. Chẳng hạn như ngay khi vừa cho thấy một nước Mỹ sẵn sàng nghiên cứu những đường hướng mới trong cuộc cách mạng đá phiến, ông liền quay ngoắc phê phán lối thụ động đối mặt với khủng bố trong cơn ảo danh chống phá giữa các đảng phái làm tê liệt nghị trường Washington; để chính bộ máy địa phương như New York phải căng mình đứng ra lo liệu. Hay một mặt khác, ông không ngần ngại cho thấy lối cai trị độc tài của Lý Quang Diệu để đưa Singapore ra khỏi con đường tham nhũng; hay Park Chunghee tiếp tay những chaebol (tập đoàn gia đình) dần dần làm lũng đoạn kinh tế Hàn Quốc khi chỉ vừa khởi sắc. Đây đều không phải những điều đáng khen hay nên học tập trong một thế giới tiến gần đến dân chủ hóa, tự do hóa ngày nay; nhưng với những bước phát triển ngay từ bữa đầu, đây thực sự là cuộc tiểu phẫu đi sâu vào lòng vấn đề, không vòng tránh, không giảm nhẹ. Một lối viết dũng cảm, mạnh mẽ và phơi bày.

The Fix mang trong bản thân thế mạnh không chỉ của những chính sách cứu vớt khỏi cơn bĩ cực chính trị; mà còn chứa trong mình câu chuyện lịch sử của từng quốc gia dính líu ít nhiều trong này. Jonathan bằng cách nghiên cứu sâu rộng đi thẳng vào những mâu thuẫn, cách nó hình thành; đôi khi là những tập quán, phong tục tồn tại xa xưa ở những vùng đất ta chưa từng biết. Ông đi sâu vào nghiên cứu các gacaca (toà án hương thôn của Rwanda), kgotla (phiên giải quyết giữa các tù trưởng Bostwana), đặc điểm Hồi giáo cực đoan nửa vời của Indonesia hay khởi thủy một nền Canada trắng của Canada,… Do đó, nhìn chung, The Fix phù hợp người đọc ở nhiều góc nhìn. Nếu không quá chú trọng đến cách những quốc gia tái thiết – vì có lẽ đó là việc của những người chuyên trách hơn – thì cuốn sách này cho ta góc nhìn tuy chỉ một giai đoạn nhỏ, nhưng đều là những thời khắc chính trị quan trọng của những nơi chốn này. Quốc gia tái thiết đứng giữa hai bờ quá khứ – tương lai. Nếu thấy quá xa trước tương lai bất định, cứ nhảy ngược trở về quá khứ để xem cuộc nội chiến giữa 2 tộc người Tutsi và Hutu ở Rwanda tạo nên hơn 130.000 tội phạm diệt chủng và cần hơn 200 năm mới xử lý hết. Hay quay về thời khắc Singapore vừa được trao trả độc lập, với sự đồi bại và tội ác ngút trời: hội tam hoàng và những hội kín người Hoa công khai điều hành ổ hút và nhà thổ, tay chân chém giết tranh giành địa bàn khắp các đường phố,…

Thế nhưng không thể nói The Fix không có điểm yếu. Thứ nhất, nhìn chung các vấn đề trong cuốn sách này đều là các case study, do đó chúng đều là những giải pháp chỉ trên bề mặt, không một hướng đi cụ thể. Tuy Jonathan đã rất cố gắng đúc kết rất nhiều điểm chung, rất nhiều phương hướng có thể soi rọi cho những nền chính trị khác; nhưng nó là điều bất khả cho nền chính trị của các đất nước quá khác xa nhau. Nhưng như một bài học cuối cùng ông đúc kết lại, đôi khi ta phải từ bỏ cái hoàn hảo để lấy cái có thể chấp nhận được; và ở riêng điều này, The Fix tỏ ra có tác dụng. Không hoàn toàn vô ích khi học hỏi Canada về cách dang tay hỗ trợ và giữ lại người tị nạn hay cách chính quyền thành phố New York tự cứu lấy mình khỏi những lo toan khủng bố đè nặng.

Thứ hai, điểm yếu ở tính địa phương. Ở đây, hầu như 10 bài viết đều gắn liền với 10 cá nhân tổng thống xuất sắc – những người đoán đầu và chịu thử thách. Cùng đi với đó là những hoàn cảnh chính trị mà như Jonathan đôi khi thừa nhận, là rất đặc biệt, có một không hai. Chính những điều này làm nên tích chất manh mún của mỗi vấn đề. Như thể ở trường hợp Indonesia: ta không thể nói lực lượng Hồi giáo ở những khu vực vùng vịnh như Iran, Iraq hay Syria không có đường lối cứng rắn như ở Indonesia để rồi áp dụng bài học ấy ở các nước này. Hay một Bắc Triều để vươn mình phát triển như Nam Triều của ngày hôm nay, thì đào đâu ra các chaebol – gia độc gia đình để được nhà nước dù cho độc tài rót vốn, miễn thuế hay thúc đẩy phát triển? Cho nên nhìn chung, với những case study rất nhỏ và cụ thể tỏ tường thế này, một góc nào đó cho thấy The Fix vẫn chỉ là câu trả lời cho những vấn đề thức thời. Nó không bao quát, không làm nên định lý chung, không thành quỹ tích cho những đường đi vì một thế giới sẽ đẹp đẽ hơn.

Và điều cuối cùng, phụ thuộc tâm lý hơn bất cứ vấn đề nào khác của cuốn sách này. Rằng, con người với một bản chất luôn thích khám phá, bóc trần những điều tăm tối hơn là hy vọng. Dẫu cho phần đầu Jonathan một cách tinh quái nêu bật lên những lần ranh hiểm nguy trước khi đi vào giải quyết, nhưng với thời lượng quá chông chênh nhau đâm ra thiếu đi tác dụng. Không thể trách ai, chỉ trách ông quá lạc quan viết nên cuốn sách e quá tươi sáng cho những con người ủ dột của ngày hôm nay.

Đồng hồ tận thế (Doomsday Clock) vừa nhích thêm 20 giây đến khoảng cách diệt vọng của xã hội loài người, làm giảm khoảng cách xuống còn 100 giây đến thời điểm nửa đêm của ngày cuối cùng. Theo đó, Nhóm nhà Khoa học Hạt Nhân Mỹ cho rằng, hai hiểm họa diệt vong là chiến tranh hạt nhân và biến đổi khí hậu thúc sẽ đẩy càng nhanh quá trình diễn tiến. Chúng còn tăng lên khi có hàng loạt các mối đe dọa khác, khi chiến tranh thông tin trên không gian mạng đang làm ảnh hưởng khả năng đối phó một cách hiệu quả của xã hội. Và The Fix, với nguồn thông tin đầy ắp của mình, lướt qua như một tia sáng cho thấy vẫn có thể phần nào kiểm soát tình hình chừng nào chúng ta vẫn còn cố gắng và xắn tay áo lên để rồi hành động. Như đoạn mở đầu của ông trong cuốn sách này, rằng:

“Từ bỏ hy vọng tất nhiên là nỗi cám dỗ – nhất là vào thời điểm dường như có quá nhiều điều bất ổn xảy ra với thế giới này. Tuy nhiên, vấn đề với nỗi tuyệt vọng là nó chẳng có ích gì. […]

May thay cho chúng ta, nó cũng dư thừa nữa. Không một thử thách nào (dù có vẻ nghiêm trọng đến mấy) là thật sự không thể vượt qua. Giải pháp cho sự bế tắc […] đã có sẵn ngoài kia.

Bạn chỉ cần phải biết nhìn vào đâu để sửa sai mà thôi.”

Hết.

Ngô Thuận Phát

Xem tất cả những bài viết của Ngô Thuật Phát tại đây.


Có thể bạn sẽ thích những bài viết sau:


Click to comment

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Phía sau trang sách

Trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình với Metahuman – Siêu nhân loại

Published

on

By

Những khi nhìn lại chính bản thân mình, những điều đã hoàn thành lẫn những điều còn dở dang, nếu đâu đó trong bạn xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực về chính mình, có lẽ tác phẩm Metahuman – Siêu nhân loại của bác sĩ Deepak Chopra sẽ giúp bạn điều chỉnh lại suy nghĩ ấy, để thấy rằng tiềm năng của con người là vô hạn.

Có bao giờ bạn tự hỏi, tại sao những phim hài lãng mạn dù lặp lại các kiểu mô típ quen thuộc về câu chuyện, nhân vật thường vẫn dễ dàng thu phục được công chúng? Trong Metahuman – Siêu nhân loại, Deepak Chopra – tác giả người Ấn Độ từng được tạp chí Time vinh danh là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất ở thế kỉ 20 – đã có cách lí giải vô cùng thuyết phục dựa trên cơ chế tâm lí, ý thức về hiện thực của con người.

Dòng phim hài lãng mạn thường kể câu chuyện về một anh chàng hay cãi nhau với một cô nàng, để rồi cuối phim anh mới nhận ra cô chính là tình yêu đích thực của đời mình. Chopra cho rằng tất cả chúng ta đều yêu thích khoảnh khắc giác ngộ của nhân vật trong phim: “Giờ tôi đã hiểu rồi. Đó là người tôi yêu.”

Chính vì thực tại ta đang sống là một thứ khó hiểu, khó nắm bắt nên ta lại càng tìm được nhiều niềm vui khi chứng kiến nhân vật có thể hiểu được một vấn đề nan giải, thấy được sự thật bấy lâu nay cứ chìm khuất trong lớp sương mờ trước mắt anh hay cô ta. Và tác phẩm Metahuman – Siêu nhân loại cũng có thể mang đến cho người đọc niềm vui tương tự khi lần lượt giải mã nhiều vấn đề về hiện thực ta đang sống.

Những giới hạn của bản thân không phải là điều tiêu cực như bạn nghĩ

Deepak Chopra

Chúng ta vẫn thường quen thuộc với quan niệm thế giới chia làm hai phần gồm: vật chất và ý thức. Từ đây, hình thành hai trường phái triết học chủ đạo là duy vật và duy lí. Nhưng trong Metahuman – Siêu nhân loại, Deepak Chopra đã định nghĩa lại về thế giới. Ông cho rằng thế giới chỉ có duy nhất một thứ là ý thức, và vật chất cũng là do ý thức tạo nên. Vật chất, hay những gì chúng ta nghĩ là rắn chắc, bền vững, khó thay đổi – bao gồm cả cơ thể, tâm trí và những tiềm năng của chúng ta – kì thực đều là do ý thức quyết định. Vì thế, chừng nào ý thức còn muốn tiếp tục điều chỉnh, chừng đó tiềm năng của con người còn vô hạn và có thể mở rộng đến khôn cùng.

Nhưng trong cuộc sống hằng ngày, giới hạn an toàn lại là thứ khiến chúng ta thấy thoải mái, đồng thời đây cũng là cơ chế để bảo vệ con người. Chopra lấy ví dụ nếu một người muốn trở thành họa sĩ, anh tham dự một lớp học mĩ thuật. Giả sử lớp học đó có thể cho anh xem hết tất thảy mọi bức tranh đã được vẽ trong lịch sử nhân loại, cảm thấu được vẻ đẹp của từng bức thì khả năng cao là sau khi học xong, anh sẽ không thể vẽ được nữa. Ở đây, chính giới hạn về hiểu biết mĩ thuật có thể lại là động lực khiến người họa sĩ muốn sáng tạo.

Như vậy, bản thân sự giới hạn không phải là một điều tiêu cực. Nó chỉ tiêu cực khi bị cố định trong một cái khuôn. Ngược lại, nếu ta biết được giới hạn nhưng vẫn có nhận thức rằng biên độ của giới hạn có thể thay đổi thì tiềm năng của con người sẽ không ngừng mở rộng.

Không chỉ quá khứ, tương lai; hiện tại cũng là thứ không thể nắm bắt

Phần lớn chúng ta có một quan niệm phổ biến rằng: “Tương lai, quá khứ là thứ chúng ta không thể nắm bắt. Tương lai thì chưa đến. Quá khứ thì đã qua. Chỉ có hiện tại là thứ duy nhất ta có thể nắm bắt được.” Quan niệm này có lẽ hợp lí đến nỗi không nhiều người trong chúng ta đặt nghi vấn về tính đúng đắn của nó, hay thử tự một lần phản biện lại.

Tuy nhiên, Deepak Chopra lại có suy nghĩ hoàn toàn khác biệt về vấn đề này. Ông cho rằng không chỉ tương lai và quá khứ, ngay cả hiện tại – mà ta nghĩ là mình đang sống trong nó – cũng là thứ khó nắm bắt. Bởi lẽ, hiện tại cũng giống như sự im lặng. Khi bạn cất lời, sự im lặng biến mất; tương tự, khi bạn có nhận thức về hiện tại dù là dưới dạng hình ảnh, cảm xúc, hay suy nghĩ, nó cũng đã biến mất ở khoảnh khắc ấy, nhường chỗ cho một hiện tại khác ở ngay sau đó. Vì vậy, nếu nói rằng thực tại là thứ có thể nắm bắt thì chẳng khác nào nói là bạn có thể biết trước suy nghĩ tiếp theo của mình.

Phản biện này có lẽ cũng là tư duy nền tảng cho khái niệm về thực tế ảo được trình bày trong sách. Thực tế mà chúng ta đang sống, ta nghĩ rằng đó là một thực tế vững chắc, được kết cấu dựa trên những nhu cầu đầu tiên về vật chất, sau đó là tinh thần – thực tế ấy, hóa ra lại không vững chắc như ta nghĩ. Rất có thể, đó chỉ là một thực tế do ý thức, nhu cầu của chúng ta tạo ra, thứ mà Chopra gọi rằng đó là thực tế ảo. Để vươn đến tầm vóc siêu nhân loại, ta phải học cách vượt qua thực tế ảo ấy, hướng đến một thực tế thật – đó chính là thứ thực tế mà tác giả gọi là siêu hiện thực.

Trong Metahuman – Siêu nhân loại, Deepak Chopra không cố gắng áp đặt độc giả phải đồng thuận quan điểm của mình. Ông luôn đưa ra nhiều ý kiến, quan điểm đối lập từ những học giả, các nguồn kiến thức khác nhau về cùng một vấn đề để người đọc có thể rộng đường tư duy, tiếp nhận nhiều luồng tư tưởng, tự lựa chọn đáp án cho những câu hỏi cá nhân của chính mình. Thông qua đó, Deepak Chopra cung cấp một cách nhìn khác về hiện thực, giúp mỗi người chúng ta xua tan lớp sương ảo ảnh do tự thân tạo ra từ những định kiến, trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.

Nguồn: L'Officiel

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Thành phố những lục địa bay: Khi Đà Lạt không là Đà Lạt

Published

on

By

Đà Lạt luôn là điểm dừng chân lí tưởng cho những tâm hồn yêu cái lạnh. Nếu không thể đến Đà Lạt ngay lúc này, quyển sách Thành phố những lục địa bay – tác phẩm viết về Đà Lạt mới nhất của nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo để người đọc tận hưởng không khí Đà Lạt ngay tại nhà.

Dù tuổi thơ gắn liền với quê hương Ninh Thuận và chỉ đến Đà Lạt khi trở thành sinh viên Văn khoa Đại học Đà Lạt, Nguyễn Vĩnh Nguyên đã dành cho Đà Lạt một tình yêu tha thiết với nhiều tác phẩm ghi dấu trong lòng bạn đọc như: Đà Lạt, một thời hương xa; Đà Lạt, bên dưới sương mù; Với Đà Lạt, ai cũng là lữ khách Lần này trở lại với Thành phố những lục địa bay, anh tiếp tục viết về Đà Lạt với nhiều khám phá, tìm tòi mới trong nghệ thuật kể chuyện.

Vẻ đẹp thành phố sương mù hiện ra trong sự mơ hồ của chữ “và”

Trong lối tường thuật của Thành phố những lục địa bay, Nguyễn Vĩnh Nguyên đặt rất nhiều ý nghĩa trong chữ “và”. “Và” không chỉ là sự bao hàm giữa cái này và cái kia. “Và” còn có thể vừa mang ý nghĩa liệt kê, vừa mang ý nghĩa đồng thời. Chính vì vậy, những chi tiết nối liền bằng “và” theo cách Nguyễn Vĩnh Nguyên sử dụng cho người đọc cảm giác chúng có thể lần lượt xuất hiện, hoặc song song tồn tại. Sương mù hay chính bản thân Đà Lạt dường như đã trở thành một câu văn có cấu trúc gắn kết bởi chữ “và”. Ngay từ lời ghi chú ngắn ở đầu truyện, tác giả đã dụng công viết những câu văn có sự xuất hiện của nhiều chữ “và” để tạo ra cảm giác mơ hồ về ranh giới. Ta hãy thử khảo sát một vài trường hợp.

Có khi “và” đảm nhận nhiệm vụ liệt kê hai chức năng đồng thời tồn tại:
“Mặt nước cất giữ trong nó những bí mật bị vùi chôn và trang sức cho thành phố một vẻ mơ màng hư ảo. 

Có khi “và” là một trạng thái ở giữa như cách tác giả mô tả tầm nhìn của một người khi quan sát hồ nước chìm trong sương mù.
“Hồ, vì thế nằm giữa cái thấy và không thấy.”

Đôi khi, “và” còn mang nghĩa không hẳn là “cái này”, cũng không hẳn là “cái kia” như trong câu văn sau đây:
“Còn thi sĩ, anh là kẻ đã đến đây vào Thời đại Buồn nôn với sự thơ mộng và giả thơ mộng được vẽ vời và phóng đại.”

Như vậy ở đây, Đà Lạt hiện ra là một thành phố vừa thơ mộng, vừa không hẳn thơ mộng. Chính vì không có tính chất nào vẹn toàn thuộc về chủ thể – chủ thể ở đây có thể hiểu là cả một thành phố –  nên mới cần có nhiều chữ “và”. “Và” như một phương thức để khẳng định thành phố luôn mang trong mình từng tính chất đã được liệt kê, nhưng đồng thời cũng không hoàn toàn nắm giữ trọn vẹn bất kì tính chất nào. Chính vì lẽ đó, tác giả đã đưa ra nhận định chung về hình ảnh Đà Lạt được tái hiện trong Thành phố những lục địa bay là: “Đà Lạt chính là Đà Lạt. Nhưng Đà Lạt cũng không là Đà Lạt.”  

Trò chơi giữa có và không khiến người đọc say mê

Những chuỗi truyện trong Thành phố những lục địa bay cho người đọc thấy một điều rằng: Sự thật và giai thoại luôn đan xen lẫn nhau về cùng một đối tượng. Ở tác phẩm này, hồ nước chính là khởi nguồn cho mọi sự nhòa lẫn, bất phân định về ranh giới.

Có lẽ, tác giả chọn hồ làm đối tượng để khởi đầu tác phẩm cũng vì hồ là thứ có thể phản chiếu như gương, tạo ra phiên bản thứ hai của thế giới, tạo ra lằn ranh giữa thực và ảo. Hiểu theo cách đó, ta có thể thấy rằng hồ cũng có nhiệm vụ tương tự như chức năng ngữ pháp của chữ “và” trong cấu trúc câu. Nếu “và” là cầu nối trên câu chữ thì “hồ” chính là một phóng chiếu sang hình ảnh của “và”, là sự gắn kết giữa những miền “thực” và “ảo” trong tác phẩm. Và vì vậy, với tác giả, hồ là: “Một thứ nước đôi, không chắc hư cấu, cũng chẳng hiện thực.” 

Hầu hết những con người xuất hiện trong tác phẩm đều vô danh, họ chỉ được gọi bằng các chức danh nghề nghiệp như: thi sĩ, nhà nhân học, quy hoạch gia, chàng nhạc sĩ, nhà thám hiểm, ngài khâm sứ, đan sĩ, hoàng đế, nhà biên khảo, nhà văn… Bằng cách đó, con người hòa vào những địa danh vốn cũng không được đặt tên riêng trong tác phẩm như: Hồ, Suối, Thác, Đồi, con đập…

Giữa những mơ hồ về thân phận của con người và nơi chốn, nước – một “nhân vật” vô danh khác trong tác phẩm – lại nổi lên như một đối tượng dẫn lối cho tất cả mọi thứ. “Nước đã xuyên qua vách ngăn của da thịt, để con người trở nên trong suốt và tự do.” Có lẽ vì thẩm thấu được mọi thứ nên nước dường như là phương tiện duy nhất có thể xuyên qua vách ngăn phân định giữa thực và ảo được tạo ra bởi những lớp sương mù – vốn cũng là thứ thoát thai từ nước mà thành.

Và theo dòng chảy của nước, trò chơi giữa có và không trong Thành phố những lục địa bay cứ thế diễn ra khoan thai, chậm rãi, nhưng nhiều day dứt. Tuy nhiên, dẫu có nhiều màn sương mơ hồ được giăng ra, người đọc cũng sẽ khó mà hoặc thậm chí là không muốn thoát ra khỏi thứ khiến mình đang băn khoăn ấy. Bởi lẽ, bằng chính việc không chối bỏ sự mơ hồ, dần dần ta sẽ nhìn rõ được mọi thứ. Thành phố những lục địa bay chính là một cái nhìn thấu suốt về Đà Lạt giống như thế.

Nguồn: L'Officiel

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Tiếng Kiều đồng vọng: Thế giới như một khoảng không chật hẹp

Published

on

By

Sự tổn thương sẽ mang lại những tia lấp lánh cho con người trưởng thành dường như chưa bao giờ là bài học cũ kĩ. Tiểu thuyết Tiếng Kiều đồng vọng (tên cũ Mưa ở kiếp sau) của Đoàn Minh Phượng chính là tiếng vọng đến từ một cuộc đời như thế.

Tiếng Kiều đồng vọng kể về cuộc đời của Mai. Mai sinh ra và lớn lên với mẹ Liên ở Hà Nội. Từ nhỏ, cô không biết cha mình là ai và luôn mong muốn được gặp cha. Cơ hội cuối cùng cũng đến khi dì Lan – em gái của Liên từ Huế vào Hà Nội thăm hai mẹ con đã tiết lộ cho Mai địa chỉ của cha Mai ở Sài Gòn. Từ đây, Mai phải lựa chọn rời xa tổ ấm để lên nơi phồn hoa đô thị nhiều cạm bẫy dối trá với ước vọng được đón nhận tình yêu thương từ cha mà bấy lâu cô thiếu thốn.

Trưởng thành từ sự tổn thương

Ảnh: Facebook Tao Đàn

Thông qua hành trình tìm cha của Mai, ta còn thấy xuất hiện một hành trình khác, cũng quan trọng không kém: hành trình tìm lại bản ngã của chính cô - một người luôn bị mắc kẹt trong những câu hỏi thuộc về quá khứ. Có lẽ, khi người ta bắt đầu học cách đưa ra câu trả lời cho những nghi vấn trớ trêu mà số phận đặt ra, dù tiếng vọng cuối cùng chưa hẳn là một đáp án tiệm cận nhất với sự thật thì rốt cuộc, ta cũng dần tiến đến sự trưởng thành bản ngã - thời khắc cái tôi cá nhân phải tự phá vỡ vỏ trứng bảo bọc an toàn tưởng chừng vững chắc như một thành trì nhưng hóa ra lại chỉ mong manh như một làn sương dệt từ những mơ hồ bất quyết. Chỉ khi thành trì ấy sụp đổ, làn sương ấy lùi lại phía sau con người vừa bước ra từ sự tổn thương, chính khi ấy ta mới có thể nhìn rõ hơn thế giới với trọn vẹn hương sắc của nó. Tiếng Kiều đồng vọng chính là tiếng vọng đến từ một cuộc đời như thế. Sự tổn thương sẽ mang lại những tia lấp lánh cho con người trưởng thành dường như chưa bao giờ là bài học cũ kĩ.

Nội dung cơ bản của Tiếng Kiều đồng vọng có nhiều yếu tố tương tự với bộ phim Hạt mưa rơi bao lâu do Đoàn Minh Phượng làm đạo diễn và biên kịch, sản xuất năm 2005. Cả hai người con trong tác phẩm này đều không rõ cha mình là ai, đều tự thân tìm hiểu câu chuyện quá khứ vì cùng có người mẹ trung thành tuyệt đối với sự im lặng. “Những kỷ niệm khác nằm trong niềm im lặng của mẹ tôi, niềm im lặng dài hai mươi hai năm, dài bằng đời tôi và nửa đời của mẹ.” Mai đã từng cảm thán như thế về sự im lặng của mẹ. Im lặng là một từ khóa quan trọng, được lặp lại nhiều lần trong Tiếng Kiều đồng vọng. Bản thân Hạt mưa rơi bao lâu cũng có tên phim trong tiếng Anh là Bride of Silence. Như vậy, có thể thấy rằng, sự im lặng hay thân phận của người phụ nữ bị mất tiếng nói trong xã hội là chủ đề có sức ám ảnh lớn với tác giả Đoàn Minh Phượng. Khi những người con sống dưới cái bóng im lặng của người mẹ, họ càng có thôi thúc mạnh mẽ hơn trong việc đi tìm câu trả lời cho một quá khứ bất minh. Thoát khỏi sự im lặng, tự cất lên tiếng nói cho chính mình – đó là một trong những bước đầu tiên để trưởng thành, như cách Mai đã dứt khoát nói với mẹ vào ngày cô rời đi rằng: "Con hai mươi hai tuổi, con trưởng thành đã bốn năm rồi mẹ."

Nước bao bọc kí ức để tiếng nói được cất lên

Ảnh: Facebook Tao Đàn

Mưa ở kiếp sau (tên cũ của Tiếng Kiều đồng vọng) là một tiêu đề gợi hình; trong khi đó, Tiếng Kiều đồng vọng lại là một tiêu đề gợi âm. Thử tìm cách lí giải sự thay đổi này, ta sẽ nhận ra một số điều thú vị.

Ở phần mở đầu tác phẩm, Đoàn Minh Phượng có trích dẫn lời bài hát Within you, Without you của nhóm The Beatles do George Harrison sáng tác với phần lời như sau:

“Ngày sẽ đến khi em nhận ra chúng ta đều là nước.
Cuộc đời trôi bên trong em và bên ngoài em...”

Câu gốc bài này trong tiếng Anh là:

“And the time will come when you see we're all one.
And life flows on within you and without you.”

Thông qua đó, có thể thấy tác giả đã có dụng ý khi thay “one” bằng “nước”. Nước rõ ràng là một hình ảnh rất quan trọng với Đoàn Minh Phượng trong tác phẩm này vì bản thân “mưa” ở tiêu đề cũ cũng là một yếu tố thuộc nước. Vậy dưới ngòi bút của tác giả, nước mang ý nghĩa gì?

“Một câu chuyện không có lời giống như một cơn mưa không có giọt nước từ trời. Tôi sẽ đi tìm lời cho những gì tôi biết.”

Như vậy, nước trong tác phẩm này tượng trưng cho “lời,” cho kí ức – là điều Mai luôn tìm kiếm, đồng thời cũng là điều bao bọc Mai như cách cô ví von: “Tôi còn là loài cá đầu to nằm còng queo trong lòng đại dương chật hẹp, trong bụng của người mẹ chửa hoang.” Vì “sự im lặng” của mẹ Mai là nguồn cơn khởi phát cho hành trình của Mai nên có thể xem như “nước” – một  hiện thân của “lời” – chính là đích đến, đồng thời là phương tiện để Mai hiện thực hóa mục tiêu của mình.

Do đó, so với Mưa ở kiếp sau, Tiếng Kiều đồng vọng là một tiêu đề thể hiện sự chuyển biến tích cực. Mai không còn chờ “mưa”/ “lời giải đáp” ở kiếp sau nữa, cô tìm nó ngay trong kiếp này để cất lên thành một tiếng vọng, phá tan sự im lặng của mẹ cô, của những phận nữ nhi bị mất đi tiếng nói ở thế hệ trước.

Một giọng văn mềm mại nhưng ngầm cuộn sóng bên trong

Tiếng Kiều đồng vọng vẫn kể chuyện theo lối tuyến tính, nhưng khi trình bày các sự kiện diễn ra trong cái khuôn đó, Đoàn Minh Phượng vẫn cho phép dòng tự sự của nhân vật chảy miên man tự do, đi đi về về giữa quá khứ và hiện tại. Chính vì thế, dòng chảy tâm thức của nhân vật tuy được giọng văn mềm mại dẫn dắt nhưng vẫn ngầm cuộn sóng bên trong bởi lẽ chỉ cần rẽ qua một bước ngoặt nhỏ, sự kiện đau lòng nào đó trong quá khứ lại đột ngột ập đến; hoặc ngược lại, khi đang đắm chìm trong hồi tưởng êm đềm, bất thình lình hiện thực phũ phàng xâm chiếm và hủy hoại ta. Người đọc như bước đi trong mê cung, chỉ có thể tri nhận thế giới như một khoảng không chật hẹp trước mắt, không thể biết điều gì sẽ chờ đợi mình trong ngã rẽ kế tiếp.

Ở một thế giới mơ hồ thì những cái tên - vốn dĩ là phép định danh chống lại sự mơ hồ - càng được Đoàn Minh Phượng dụng công để có thể hòa quyện trong bầu không khí hư ảo. Ta có thể thấy tác giả không vội vàng giới thiệu tên họ, lai lịch đầy đủ của nhân vật ngay từ đầu theo lối kể chuyện tiểu sử quen thuộc. Nhân vật hiện lên thoạt tiên với những tâm tư, cuộc sống ập ngay trước mắt độc giả. Những thông tin bên lề sẽ đến sau. Mãi đến chương bốn, trong đoạn đối thoại với mẹ, người đọc mới biết nhân vật chính tên Mai. Nếu để ý kĩ, ta sẽ thấy hầu như những nhân vật trong truyện đều có tên gắn với một loài hoa: Mai, Liên, Lan, Quỳnh... Và Chi - một nhân vật đặc biệt trong tác phẩm này thì tên cô lại có nghĩa là “cành”, không phải là loài hoa đích thực mà có thể là cành cho bất cứ loài hoa nào.  

Những giấc mơ cũng là một yếu tố quan trọng trong Tiếng Kiều đồng vọng. Thông qua đó, Đoàn Minh Phượng xây dựng một thế giới tổn thương, quái lạ với những buổi tiệc kì dị của giới nhà giàu, có phần nào đó mang không khí tương đồng buổi tiệc của hội kín quí tộc mà Stanley Kubrick đã đặc tả rất kĩ lưỡng trong phim Eye Wide Shut (1999).

Sống trong thế giới hiện đại, những cô Kiều dưới ánh sáng thị thành dường như không còn giữ nổi tâm trí tỉnh táo. Họ hồ như đều có chung một dòng máu điên loạn và chỉ biết lặng nhìn dòng chảy ấy trôi qua nhiều kiếp người. Vì vậy, tiếng kêu của họ có thể không đứt ruột như người xưa do nỗ lực chôn vùi cảm xúc, nhưng lại trở thành những tiếng vọng được cộng hưởng vào nhau nên còn mãi ngân nga rất lâu sau khi Tiếng Kiều đồng vọng đã kết thúc.

Đọc bài viết

Cafe sáng