Trà chiều

Brain on Fire – Căn bệnh hiếm gặp suýt hủy hoại đời một cô gái trẻ

Vào năm Susannah 24 tuổi, dù mọi thứ xung quanh (công việc, tình yêu, gia đình) đều đang rất tuyệt vời, nhưng tinh thần cô đột nhiên trở nên tồi tệ, suy sút và có những triệu chứng rất giống bệnh nhân tâm thần (mental illness).

Published

on

Brain on Fire không phải là một phim xuất sắc nếu xét về mặt ngôn ngữ điện ảnh, cách kể chuyện… Nhìn vào điểm số từ Rotten Tomatoes (13%) và Imdb (7.6), ta có thể phần nào hình dung sơ lược đánh giá về phim từ phía giới phê bình và khán giả phổ thông. Với sự chênh lệch điểm số như thế này, có thể tạm rút ra nhận định rằng phim không được lòng giới phê bình và đồng thời lại khá được lòng khán giả. Dù vậy, Brain on Fire là phim độc lập và được trình chiếu lần đầu tiên trong khuôn khổ LHP Toronto International Film Festival (TIFF). Tại buổi họp báo của phim trong TIFF, một nhà báo đã nhận xét rằng Brain on Fire quả là có đề tài nhắm đến liên hoan phim, là kiểu phim dễ được chấp nhận tại các nơi như liên hoan phim hơn. Thế nhưng, Brain on Fire đã thất bại trong chính mặt trận mà lẽ ra bộ phim chiếm được nhiều ưu thế.

Brain on Fire dựa trên câu chuyện có thật về Susannah Cahalan, phóng viên tờ báo New York Post. Vào năm Susannah 24 tuổi, dù mọi thứ xung quanh (công việc, tình yêu, gia đình) đều đang rất tuyệt vời, nhưng tinh thần cô đột nhiên trở nên tồi tệ, suy sút và có những triệu chứng rất giống bệnh nhân tâm thần (mental illness). Cô đã được các bác sĩ tâm thần (psychiatrist) chẩn đoán rằng cô mắc bệnh bipolar disorder (rối loạn lưỡng cực), hoặc schizophrenia (tâm thần phân liệt). Bằng thao tác tự tra cứu trên mạng, chính Susannah cũng từng tin rằng mình bị mắc một trong hai căn bệnh này. Thế nhưng, không một bác sĩ nào cho Susannah biết chính xác cô mắc căn bệnh nào cũng như nguồn gốc, nguyên nhân của nó. Những tưởng rằng cuộc đời Susannah sẽ kết thúc tại bệnh viện tâm thần nào đó, thậm chí là cái chết thì một kì tích đã xuất hiện. Viết đến đây, tôi phân vân không biết nên tiếp tục kể câu chuyện đời thực của Susannah hay không vì nếu tôi tiếp tục kể, 100% khả năng bạn sẽ biết toàn bộ câu chuyện và bị ảnh hưởng cảm xúc rất lớn khi xem phim. Tuy nhiên, nếu không kể hết câu chuyện của Susannah, tôi sẽ khó lòng triển khai bài phân tích chủ yếu đi sâu vào khía cạnh biên kịch của phim. Vì vậy, tôi tách đoạn ở đây. Từ đoạn phía dưới trở xuống sẽ tiết lộ toàn bộ nội dung câu chuyện, bạn nên cân nhắc trước khi tiếp tục đọc.  

Bác sĩ Souhel Najjar đã đến với Susannah trong lúc bệnh tình của cô tưởng chừng đi vào ngõ cụt, không lối thoát cho sự phục hồi. Ông là người duy nhất đã ngồi xuống bên gia đình Susannah, trò chuyện cùng họ về bệnh tình của cô trong suốt gần một tiếng đồng hồ – đây là khoảng thời gian dài gấp bốn lần so với bất kì bác sĩ nào từng thăm khám bệnh của cô trước đó. Bằng việc lắng nghe kĩ lưỡng những miêu tả triệu chứng từ gia đình Susannah, kết hợp với quan sát của bản thân, bác sĩ Souhel đã dự đoán rằng trường hợp của Susannah không phải là mental illness hay neurological illness – những nhóm bệnh cô không có tiền sử trước đó mà là biological illness, không phải là bệnh về tâm thần mà là bệnh về sinh lí. Ông quyết định cho Susannah thực hiện bài kiểm tra vẽ đồng hồ – đây vốn là bài kiểm tra dành cho những bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer, chủ yếu áp dụng cho người già; trước đó, hầu như không ai áp dụng bài kiểm tra này cho nhóm bệnh có triệu chứng bên ngoài như Susannah, cũng như cho những đối tượng có độ tuổi như cô. Nhưng khi Susannah thực hiện bài kiểm tra vẽ đồng hồ, chìa khóa để giải mã căn bệnh của cô đã hiện ra. Tất cả các con số đều nằm ở phía bên phải đồng hồ còn bên trái thì trống trơn. Điều đó có nghĩa là bán cầu não phải điều khiển chức năng của phần cơ thể bên trái đã bị tê liệt. Đó cũng là hình ảnh tượng trưng cho cách Susannah đã nhìn thế giới ở thời điểm ấy: chỉ một nửa, không đầy đủ, dẫn đến nhận thức bị sai lệch. Sau khi lấy tủy não và xét nghiệm, bác sĩ Souhel đã có kết luận chính thức về trường hợp của Susannah: cô bị mắc bệnh  Anti-NMDA receptor encephalitis (tạm dịch: bệnh viêm não do tự miễn thụ thể NMDA). Từ đó, Souhel đã tiến hành các phương pháp trị liệu cho Susannah và sau một năm, cô hoàn toàn khỏi bệnh. Trong quá trình dần hồi phục, Susannah đã viết hồi kí Brain on Fire: My Month of Madness kể lại khoảng thời gian cô mắc bệnh và điều trị. Bộ phim Brain on Fire dựa trên cuốn hồi kí này để chuyển thể thành phim.    

Vậy là, thông qua việc kể lại chuyện đời của Susannah, tôi vừa vi phạm nguyên tắc cơ bản của viết review phim: không tiết lộ toàn bộ nội dung phim. Đây là điều tôi cố gắng tránh trong những bài review phim kể từ sau năm 2011 đến nay. Thế nhưng, điều này cũng minh chứng cho việc kịch bản phim bám rất sát vào câu chuyện đời thực. Vậy nên, những ai đã biết câu chuyện đời thực của Susannah Cahalan sẽ có thể đối mặt với nguy cơ rất khó tìm được niềm vui từ việc khám phá cốt truyện khi xem Brain on Fire. Đây cũng chính là vấn đề lớn nhất mà bộ phim gặp phải.

Brain on Fire giữ nguyên toàn bộ tên người thật, địa điểm thật – vốn vẫn còn tồn tại trong đời thực lên phim. Điều đó khiến cho phim bị vướng vào mối ràng buộc chặt chẽ với thực tế, biên độ sáng tạo thêm được cho phép để tăng tính hấp dẫn của câu chuyện bị thu hẹp lại. Đương nhiên, không phải lúc nào việc tôn trọng nguyên tác sít sao cũng sẽ khiến bộ phim kém hấp dẫn bởi có rất nhiều câu chuyện đời thực kịch tích không thua gì phim. Thế nhưng, trong trường hợp của Susannah Cahalan với quyển tự truyện Brain on Fire thì lại khác. Căn bệnh hiếm gặp mà Susannah mắc phải đã hủy hoại trí nhớ của cô trong suốt những tháng mắc bệnh. Cô chỉ có kí ức rất mơ hồ về thời gian điều trị bệnh. Những chuyện cô viết trong Brain on Fire phần lớn dựa vào kí ức của người thân, những người đã chứng kiến cô trong thời gian bị bệnh, những cuộn băng ghi hình tại bệnh viện. Bằng thao tác phỏng vấn, tổng hợp thông tin, những kĩ năng của một nhà báo, Susannah đã viết lại câu chuyện của mình như một người quan sát từ bên ngoài hơn là một người trải nghiệm thực tế. Đây cũng là điều bản thân cô chia sẻ trong nhiều cuộc phỏng vấn. Chính vì vậy, dù chưa đọc Brain on Fire nhưng qua những thông tin đó, tôi nghĩ rằng quyển sách sẽ trình hiện từng bước suy sụp bên ngoài của Susannah khi bị căn bệnh tác động hơn là nội tâm bên trong, thế giới quan đầy bí ẩn, khó thâm nhập của cô trong những ngày ấy. Dù điều này có thực sự đúng với quyển sách hay không thì chính bộ phim Brain on Fire đã thể hiện chính xác đặc tính đó. Vậy nên, thay vì là cuốn phim tâm lí sống động về một cô gái đang hạnh phúc không may mắc phải căn bệnh hiếm gặp – điều mà lẽ ra Brain on Fire có thể làm được, bộ phim đã trở thành đoạn video minh họa mang tính giáo khoa về căn bệnh anti-NMDA receptor encephalitis. Vì lẽ đó, ở Brain on Fire, người xem không thấy được câu chuyện độc lập của một cá nhân mà chỉ thấy câu chuyện tiêu biểu của một cá thể đại diện cho một tập thể. Nếu chỉ tiếp xúc chủ thể trên khía cạnh miêu tả diễn biến của căn bệnh, hầu như không có nhiều khác biệt trong câu chuyện giữa Susannah Cahalan và Emily Gavigan (một bệnh nhân cũng mắc căn bệnh tương tự như Susannah, đã được chẩn đoán đúng bệnh nhờ người nhà xem chương trình về Susannah), hay bất cứ bệnh nhân anti-NMDA receptor encephalitis nào khác. Bộ phim đã thất bại ở mặt khắc họa tâm lí cá nhân.

Tuy nhiên, có thể điều thất bại nói trên cũng nằm trong chủ ý của đạo diễn Gerard Barrett. Trong buổi họp báo ra mắt phim tại TIFF, Barrett đã chia sẻ rằng anh không muốn áp đặt quá nhiều thứ thuộc về phong cách cá nhân lên bộ phim, như thế sẽ mất đi tính thông tin khách quan. Barrett muốn làm Brain on Fire với ý định nâng cao nhận thức cá nhân của người xem về căn bệnh lạ này. Quả thực, về mặt thị giác và phong cách kể chuyện, Brain on Fire không mang chút dấu ấn cá nhân nào, bộ phim hoàn toàn trung tính. Tôi nghĩ chính điểm này đã giết chết bộ phim. Có lẽ Barret đã quên rằng cảm xúc cá nhân cũng là một dạng thông tin quan trọng; khi một thông tin gắn liền với cảm xúc, thông tin đó sẽ trở nên dễ nhớ, dễ tiếp thu hơn rất nhiều. Tuy nhiên, tôi vẫn đồng cảm với quyết định của Barrett khi chợt nhớ đến những bộ phim truyền hình tôi yêu thích kể về những căn bệnh lạ một cách bình dị nhưng vẫn để lại nhiều cảm xúc như: One litre of tear, Taiyou no uta… Rõ ràng, phong cách nghệ thuật cá nhân áp đặt lên những góc máy, thị giác của bộ phim không phải là yếu tố lớn ảnh hưởng đến thành công của dòng phim loại này. Khi xét đến tất cả các nguyên nhân khiến cho Brain on Fire không thể trở thành bộ phim đáng nhớ hơn, tôi nhận ra thất bại cốt lõi vẫn nằm ở kịch bản phim. Việc quá trung thành với câu chuyện đời thực đã khiến Brain on Fire vướng phải một số lỗi cơ bản trong cấu trúc kể chuyện.

Đầu tiên, đó là cách chọn điểm nhìn. Brain on Fire có point of view không đồng nhất. Ở hồi I cho đến khoảng trường đoạn năm của hồi II sau midpoint một chút, phim được kể dưới góc nhìn của Susannah, đoạn mở đầu phim thậm chí còn bắt đầu bằng giọng voice over của cô. Thế nhưng từ cuối hồi II cho đến gần kết thúc phim ở hồi III – phần quan trọng nhất của câu chuyện, phim lại chuyển sang góc nhìn omniscience, hoàn toàn bỏ rơi góc nhìn của Susannah. Vấn đề khó khăn nhất của cô được giải quyết hoàn toàn bởi người khác (cụ thể ở đây là gia đình, bác sĩ Souhel), không phải từ chính cô. Nguyên nhân là do ở thời điểm căn bệnh tiến triển nặng, Susannah đã mất đi ý thức. Trong đời thực, Susannah thừa nhận rằng việc chữa khỏi căn bệnh của cô hoàn toàn do nỗ lực gia đình và may mắn khi cô có cơ duyên được bác sĩ Souhel chữa trị. Phép màu kì diệu này khi đưa vào phim lại không mấy xúc động bởi theo mạch của câu chuyện, khán giả không thấy thỏa mãn do vấn đề của nhân vật chính lại được giải quyết dựa vào may mắn. Yếu tố mang tính cơ duyên nếu xuất hiện ở hồi I hoặc muộn lắm là đầu hồi II sẽ dễ dàng được khán giả chấp nhận; tuy nhiên, ở thời điểm mang tính quyết định như hồi III, khi yếu tố này đột nhiên xuất hiện thì khán giả lại dễ cảm thấy chưng hửng. Đây là lỗi deus ex machina thường gặp trong kịch bản phim. Ví dụ điển hình thường gặp của lỗi này là câu chuyện về một người đàn ông nghèo khó cần một khoản tiền để làm việc gì đó, ông tìm mọi cách để kiếm đủ số tiền nhưng không đạt được mục đích, cho đến cuối phim ông trúng vé số độc đắc và có đủ số tiền mong muốn. Trong câu chuyện này, tấm vé số độc đắc chính là deus ex machina. Cách giải quyết vấn đề bằng deus ex machina sẽ khiến người xem cảm thấy không thỏa mãn vì sự may mắn đến một cách quá tình cờ, đúng lúc – rõ ràng có bàn tay sắp đặt của biên kịch ở đây. Trong đời sống thực tế, dù những chuyện như vậy thỉnh thoảng vẫn xảy ra nhưng tâm lí của người theo dõi dành cho một bộ phim hay một câu chuyện thường sẽ trông đợi vấn đề được giải quyết bằng chính nỗ lực của nhân vật hơn là cơ may. Quay trở lại câu chuyện trong ví dụ, giả sử ngay từ đầu người đàn ông đã biết đâu là tấm vé số trúng giải độc đắc, ông ta cố gắng bằng mọi cách để sở hữu tấm vé phục vụ cho mục đích của mình và ở hồi ba, ông ta có được tấm vé ấy. Khi thay đổi câu chuyện như vậy, lúc này tấm vé số không còn là deus ex machina nữa, nó trở thành mục tiêu cụ thể (goal) của ông để đạt được ước mơ (big dream). Và như thế, câu chuyện trở nên thuyết phục hơn, nhiều cảm xúc hơn với khán giả. Nếu không thể bỏ được deus ex machina ra khỏi câu chuyện thì vấn đề ở đây là thay đổi cách thức, thời điểm nó xuất hiện để nó không còn là deus ex machina nữa. Vấn đề của Brain on Fire cũng tương tự như vấn đề trong câu chuyện ví dụ này. Trên thực tế, bác sĩ Souhel chính là người đã mang đến phép màu cho Susannah và bộ phim cũng không thể loại bỏ bác sĩ ra khỏi câu chuyện được vì ông chính là mấu chốt để chữa trị căn bệnh của Susannah – vấn đề rắc rối lớn nhất mà nhân vật phải đối diện. Tuy nhiên, bác sĩ Souhel xuất hiện quá muộn: ông xuất hiện ở hồi ba, nhanh chóng chữa khỏi bệnh cho Susannah và sau đó phim kết thúc chóng vánh đến mức người xem chưa kịp thấy mối liên hệ giữa ông và Susannah. Như vậy, sẽ ra sao nếu để bác sĩ Souhel xuất hiện sớm hơn? Lúc Susannah chưa bị bệnh hoặc chỉ mới chớm bệnh, ông đang ở đâu? Rõ ràng, nếu kể câu chuyện về Susannah theo góc nhìn của cô hay thậm chí theo góc nhìn omniscience thì bác sĩ Souhel không thể xuất hiện sớm hơn một cách tự nhiên được. Nhưng chính bác sĩ Souhel là người đã giải quyết vấn đề ở hồi ba. Vì vậy, tôi nghĩ đến một cách giải quyết là đổi lại người kể chuyện: câu chuyện Brain on Fire sẽ được kể dưới góc nhìn của bác sĩ Souhel ngay từ hồi I. Như thế, có thể khiến bộ phim dẫn dắt cảm xúc khán giả tốt hơn không?

Ngoài ra, như đã đề cập, một vấn đề nữa của kịch bản phim là chưa thật sự khắc họa được mối quan hệ giữa các nhân vật xoay quanh trung tâm là Susannah. Phim chỉ mới dừng lại ở việc miêu tả sơ lược mối quan hệ giữa cô và gia đình, người yêu, bác sĩ Souhel mà chưa nêu bật được nét đặc trưng riêng trong sự kết nối của họ. Brain on Fire khắc họa mối quan hệ giữa Susannah với các đồng nghiệp tạm ổn nhưng tuyến nhân vật đồng nghiệp chỉ xuất hiện đến khoảng trường đoạn ba của bộ phim và gần như biến mất ở các điểm quan trọng nhất trong câu chuyện. Gia đình, người yêu, bác sĩ Souhel – những người đã ở bên cạnh Susannah trong những thời điểm quan trọng nhất mà lẽ ra nếu mối quan hệ giữa họ và Susannah được khắc họa chi tiết hơn thì có thể câu chuyện sẽ được dẫn dắt bằng nhiều cảm xúc hơn.        

Brain on Fire không phải là một phim hay nhưng nếu xét trên khía cạnh cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức về căn bệnh Anti-NMDA receptor encephalitis, nó có thể là tia hi vọng cho ai đó đang mắc phải hoặc có người thân mắc phải căn bệnh này nhưng bị chẩn đoán sai lầm. Nó cũng là lời nhắc nhở về việc cơ thể chúng ta phức tạp ra sao, tinh vi ra sao, và vì quá phức tạp, quá tinh vi, y học vẫn thường bỏ sót những trường hợp hỏng hóc tế vi ở một góc khuất nào đó mà số đông hiếm khi mắc phải. Nhưng những cơ thể ấy, những con người với cơ thể ấy, bất cứ ai cũng đều cần sự cứu rỗi, nhìn nhận và thấu cảm. Với ý nghĩa đó, Brain on Fire không phải là một phim dở và có lẽ không hẳn là một trải nghiệm không xứng đáng dành thời gian cho nó.

Điểm đánh giá: 6/10
Kodaki

Click to comment

Viết bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Trà chiều

Sứ Đoàn Iwakura đạt Giải thưởng sách Quốc Gia 2024

Published

on

Giải thưởng Sách Quốc gia là giải thưởng do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức hàng năm, trao giải cho những cuốn sách (bộ sách) có giá trị nổi bật về nội dung tư tưởng, tri thức, thẩm mỹ nhằm tôn vinh tác giả, dịch giả, nhà khoa học và người làm công tác xuất bản.

Tối ngày 29.11.2024 tại lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần VII, tác phẩm Sứ Đoàn Iwakura - Chuyến Tây Du Khảo Cứu Nhằm Canh Tân Nhật Bản Thời Minh Trị (Ian Nish biên soạn, Nguyễn Hoàng Mai - Nguyên Tâm dịch) hân hạnh được vinh danh giải Khuyến khích.

Sứ Đoàn Iwakura là tác phẩm nghiên cứu tập hợp nhiều tư liệu giá trị, giúp độc giả hiểu rõ hơn về chuyến du khảo nhằm canh tân Nhật Bản thời Minh Trị dưới góc nhìn của người phương Tây. Để có một đường lối phát triển đất nước hoàn toàn mới, người Nhật đã khởi động chuyến công du gọi là Sứ mệnh Iwakura thăm Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu. Đây là một chuyến đi lịch sử có tầm quan trọng đến mức khi nhắc về Minh Trị Duy Tân, người ta lập tức nhớ đến chuyến đi này.

Sách dày 427 trang, gồm 11 chương tổng hợp các bài viết của Ian Nish và 12 chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ quốc tế khu vực Nhật Bản và Đông Á. Tám chương đầu, độc giả sẽ cùng phái đoàn đi qua tám cường quốc từ Mỹ, Anh, Pháp, Bỉ, Đức, Nga, Thụy Điển và Italy. Bản ghi chép của những học giả góp phần tái hiện hành trình tìm kiếm “văn minh khai sáng” của sứ đoàn Iwakura tại trời Âu dưới góc nhìn của người phương Tây. Ba phần còn lại trong ấn phẩm là bài phân tích, nhận định của chuyên gia lịch sử, đánh giá tình hình nước Nhật sau chuyến công du.

Để hiểu thêm về một lát cắt lịch sử quan trọng của Nhật Bản, cũng như đọc thêm về chuyến đi được mệnh danh là “Chuyến công du lịch sử thay đổi nước Nhật”, mời bạn tìm đọc sách tại đây hoặc tại hệ thống các nhà sách Phương Nam trên toàn quốc.

Đọc bài viết

Trà chiều

Nhà Sách Phương Nam đồng hành cùng các bạn học sinh tham gia cuộc thi ‘F1 in Schools’

Published

on

F1 in Schools là một giải đấu mang tính giáo dục, cạnh tranh toàn cầu do Formula One kết hợp với chương trình quốc tế STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học). Giải đấu được tổ chức hàng năm dành cho học sinh trung học với mục đích giới thiệu kỹ thuật cho những người trẻ tuổi trong một môi trường thú vị. Mỗi đội thi (từ 3 - 6 học sinh) phải thiết kế và chế tạo một chiếc xe đua Công thức 1 cỡ nhỏ từ Khối mô hình F1 chính thức bằng các công cụ thiết kế CAD/CAM.

Năm 2024, ADUA Racing - đội bao gồm các học sinh cấp 2 của trường British International School Ho Chi Minh City đã vinh hạnh giành được cơ hội tham gia vòng chung kết cuộc thi F1 in Schools ở Dubai, Ả Rập Saudi. Đây là đội duy nhất đại diện Việt Nam tham gia vòng chung kết năm nay.

Những nỗ lực rèn luyện, khả năng sáng tạo, tư duy học tập đáng ngưỡng mộ của các em học sinh trong giải đấu này phù hợp với định hướng và giá trị cốt lõi mà Nhà Sách Phương Nam luôn muốn đem lại cho các bạn đọc và khách hàng trên toàn quốc.

Vì vậy, Nhà Sách Phương Nam hân hạnh trở thành nhà tài trợ đồng hành cùng đội thi ADUA Racing trên hành trình vươn ra thế giới. Nhà Sách Phương Nam hy vọng nỗ lực này sẽ góp phần ươm mầm cho những tài năng tương lai, khuyến khích người trẻ phát triển tư duy độc lập, sáng tạo.

Nhà Sách Phương Nam luôn chú trọng hỗ trợ, khuyến khích thế hệ trẻ phát huy tối đa tiềm năng của bản thân. Bên cạnh đó, hệ thống Nhà Sách Phương Nam vẫn luôn nỗ lực trên hành trình kết nối bạn đọc đến với thế giới tri thức thông qua những cuốn sách hay và các hoạt động ý nghĩa.

Cảm ơn sự ủng hộ của các độc giả và khách hàng đã tạo điều kiện để Nhà Sách Phương Nam tiếp tục đồng hành cùng thế hệ trẻ trên những chặng đường đầy ý nghĩa trong tương lai.

Đọc bài viết

Trà chiều

Sự kiện giao lưu & ký tặng: Bước Qua Nước Mắt, Tự Khắc Trưởng Thành

Published

on

Nhân dịp ra mắt tác phẩm mới Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành, Nhà Sách Phương Nam và Phương Nam Book phối hợp cùng tác giả Anh Khang tổ chức sự kiện giao lưu và ký tặng vào lúc 16g00, thứ Bảy ngày 16.11.2024 tại sân khấu A – Đường sách TP. Hồ Chí Minh (Nguyễn Văn Bình, P. Bến Nghé, Q.1, TP. HCM).

Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành là tác phẩm kỷ niệm hơn một thập kỷ viết văn của tác giả Anh Khang. Anh gọi đây là một “cuốn sách làm lành” – thay vì “chữa lành” như cách gọi thường thấy trong xã hội hiện đại. Tác phẩm được chia làm hai phần, mở đầu bằng “Độc thoại” với những dòng tư lự đơn lẻ như tự trấn an “đứa trẻ bên trong đang ăn vạ trên đường trưởng thành”, rồi sang đến “Đối thoại” là những lời tâm can san sẻ cùng Gen Z lẫn Gen Z(à) để tìm sự ủi an. Mỗi câu, mỗi lời tâm tình thủ thỉ đều quá đỗi chân thành, như chính lời tác giả tự nhận thì đây “chính là những ghi chép trong lúc ‘khóc một trận đã đời’, rồi từ nay, chỉ nhìn về phía trước”.

Kể từ khi xuất bản tác phẩm đầu tay Ngày trôi về phía cũ… vào năm 2012, đến nay Anh Khang đã trở thành “tác giả triệu bản” với nhiều tác phẩm nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả. Anh còn được bạn đọc thương tặng tên gọi “nhà văn của những nỗi buồn tuổi trẻ” vì những chia sẻ sâu sắc và đầy cảm thông trong từng trang sách. Sách Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành đánh dấu sự trở lại của Anh Khang sau 4 năm tạm vắng mặt trên văn đàn, đồng thời cũng là món quà tri ân dành tặng cho thế hệ độc giả đã trưởng thành cùng những bài viết của anh.

Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành – tác phẩm mới nhất của tác giả Anh Khang do Phương Nam Book liên kết xuất bản.

Đến với sự kiện giao lưu và ký tặng, độc giả sẽ có cơ hội trò chuyện cùng nhà văn Anh Khang và lắng nghe anh chia sẻ về những thăng trầm trong quá trình sáng tác cuốn Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành. Đặc biệt, sự kiện còn chào đón sự góp mặt của ca sĩ - nhà văn Hamlet Trương.

Giao Lưu & Ký Tặng: Bước Qua Nước Mắt, Tự Khắc Trưởng Thành

  • Thời gian: 16:00 – Thứ bảy, ngày 16.11.2024
  • Địa điểm: Sân khấu A – Đường sách TP. Hồ Chí Minh (Nguyễn Văn Bình, P. Bến Nghé, Q.1, TP. HCM)
  • Vào cửa tự do

Về tác giả: Quách Lê Anh Khang

  • Công việc chính là làm báo, công việc phụ là làm mệt mình bằng những cảm xúc đa mang. Mọi nghề nghiệp đã và đang làm như phóng viên, biên tập viên, PR, MC... đều có vẻ khá nghiệp dư, nhưng lại rất chuyên nghiệp trong vai trò làm “người độc thân nhạy cảm”.
  • Ngày sinh: 11/8
  • Cung Hoàng đạo: Sư Tử (Leo)
  • Cử nhân khoa Báo chí & Truyền thông – Đại học KHXH&NV TP.HCM
  • Sách đã xuất bản:
    • Ngày trôi về phía cũ... (2012)
    • Đường hai ngả, người thương thành lạ (2013)
    • Buồn làm sao buông (2014)
    • Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và... Em (2015)
    • Thương mấy cũng là người dưng (2016)
    • Trời vẫn còn xanh, em vẫn còn anh (2017)
    • Người xưa đã quên ngày xưa (2018)
    • Những năm tháng đó, có tôi yêu người (2019)
    • Thả thính chân kinh (2020)
    • Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành (mới xuất bản – năm 2024)
Đọc bài viết

Cafe sáng