Trà chiều

Angel’s Egg – Nghệ thuật kể chuyện bằng thị giác độc đáo của Oshii Mamoru

Đạo diễn Oshii Mamoru đã truyền tải xuất sắc câu chuyện về sự sống và cái chết, nỗi cô đơn thuộc về bản chất tồn tại của mỗi người.

Published

on

Thông qua đề tài hậu tận thế, bộ phim hoạt hình Angel’s Egg (tên tiếng Nhật: Tenshi no Tamago, tạm dịch: Quả trứng của thiên thần, sản xuất năm 1985) của đạo diễn Oshii Mamoru đã truyền tải xuất sắc câu chuyện về sự sống và cái chết, nỗi cô đơn thuộc về bản chất tồn tại của mỗi người.

Trong một thành phố bỏ hoang – nơi dường như sự sống không còn tồn tại, có cô gái luôn mang theo một quả trứng bên mình. Ngày qua ngày, cô lang thang khắp nơi để tìm thức ăn, nước uống, những chiếc bình hình cầu. Bất kể đi đâu, làm gì, cô cũng không rời quả trứng ấy. Nó nằm bên trong lớp váy cô, ngay phần bụng, cô vừa đi vừa ôm nó như thể đó chính là bào thai của cô. Một hôm, cô gặp chàng trai xa lạ trên phố. Anh chất vấn cô về thứ bên trong quả trứng và muốn cô phá vỡ nó để tìm hiểu. Cô nổi giận và không chấp nhận ý tưởng này.

Đó là câu chuyện chính của Angel’s Egg: một câu chuyện có vẻ khá bài bản với một nhân vật có một mục tiêu và một nhân vật khác chống lại mục tiêu đó. Tuy nhiên, đạo diễn Oshii Mamoru từng phát biểu rằng cách tiếp cận phim của ông khác với công thức Hollywood thông thường; đối với ông thị giác là yếu tố quan trọng nhất, sau đó mới đến câu chuyện và nhân vật nằm ở vị trí cuối cùng. Có lẽ vì vậy mà câu chuyện trong Angel’s Egg rất mỏng, thiếu đi những nút thắt kịch tính; cả bộ phim chỉ có hai nhân vật và hai nhân vật ấy đều vô danh, không có tính cách rõ ràng, thoại rất ít. Do đó, nếu chỉ phân tích Angel’s Egg dựa trên những diễn biến chính, ta sẽ bỏ qua rất nhiều lớp nghĩa Oshii truyền tải thông qua những hình ảnh đơn lẻ, rải rác xuất hiện trong phim, đôi khi không dính líu thật chặt đến cốt truyện.

Dưới nghệ thuật thị giác độc đáo của Oshii, những hình ảnh xuất hiện trong phim được nâng thành biểu tượng và nỗi ám ảnh của nhân vật để thay phiên nhau cung cấp cho ta manh mối về một câu chuyện khác, dường như đã bị ẩn đi dưới câu chuyện chính. Khi câu chuyện đó không tồn tại rõ ràng trong phim, ta chỉ còn thấy những phản chiếu về các mảnh rời của chúng khi đã bị tách ra khỏi tổng thể. Việc quan sát những phản chiếu này khiến ta như bước vào công việc của người “nhìn bóng đoán vật”. Những cái bóng không phải lúc nào cũng cung cấp cho ta dự tưởng chính xác nhất về chủ sở hữu của nó. Như hiện tượng những từ đồng âm dị nghĩa, một cái bóng có thể là kết quả từ nhiều phiên bản vật chất khác nhau vì ở đây, chi tiết đã bị xóa mờ, chỉ còn lại hình khối tổng thể. Nhưng chính sự mơ hồ ấy đã khiến việc thưởng thức Angel’s Egg trở thành một trải nghiệm thú vị cho người xem.

Khung hình đầu tiên của Angel’s Egg cho ta thấy một hình ảnh rất ấn tượng và mang nhiều ngữ nghĩa. Đó là cận cảnh, góc máy chính diện một đôi tay trẻ thơ như đang nâng niu vật nào đó vô hình. Bàn tay ấy dần chuyển thành đôi tay thô kệch của người lớn, rồi nó co chặt lại như đang bóp nát thứ gì đó. Một tiếng “rắc” vang lên khiến ta liên tưởng thứ vô hình ấy chính là quả trứng. Một sự nâng niu rồi phá vỡ. Cảnh đầu tiên này đã tiết lộ cấu trúc trong câu chuyện chính của toàn bộ phim. Đôi tay nhỏ nhắn ấy có thể là đôi tay của cô gái, bàn tay người lớn sậm màu ấy có thể thuộc về chàng trai. Nhưng cách giữ nguyên khung hình và chỉ bằng một động tác tay xoay vòng cho sự biến đổi từ tay này thành tay kia có thể là một gợi ý của Oshii rằng: cô gái và chàng trai có khả năng chỉ là một cá thể; người này có thể đã tạo ra người kia, người kia có thể chỉ là phản chiếu của người này. Ngoài ra, nó cũng có thể diễn giải thành hai lớp nghĩa như sau. Lớp nghĩa thứ nhất có lẽ nhằm ám chỉ đến câu chuyện Chúa đã tạo ra thế giới, nhưng rồi vì phẫn nộ trước những tội ác của loài người, Ngài đã hủy diệt địa cầu bằng trận Đại hồng thủy – đây cũng là câu chuyện chàng trai kể cho cô gái nghe; và ở cuối phim, thế giới họ sống cũng có một trận mưa lớn. Lớp nghĩa thứ hai có vẻ như ít liên quan đến phim hơn nhưng tôi cảm nhận nó có thể hiểu là: trẻ con đôi khi lại biết gìn giữ những điều quan trọng hơn người lớn. Điều này khiến tôi suy tư về câu hỏi tại sao chúng ta thường có khuynh hướng muốn phá hủy những thứ ta đã từng trân trọng? Mỗi người có lẽ sẽ có một cách lý giải khác nhau nhưng ở bộ phim này, Oshii đã rất tinh tế khi chọn quả trứng làm hình ảnh biểu tượng. Quả trứng gợi cho ta cảm giác mong manh, sự sống chứa đựng trong nó khiến ta luôn muốn nâng niu bảo vệ; nhưng đồng thời, nó cũng có thể chứa đựng nỗi sợ hãi của ta, là thứ ta muốn lẩn tránh vì không thấy được cụ thể bên trong. Có lẽ chính sự song hành hai cảm giác đối nghịch ấy khiến ta muốn hủy diệt những thứ mình từng trân trọng.

Hình ảnh đôi bàn tay xuất hiện ở đầu phim

Ánh sáng cũng là yếu tố cần lưu ý trong Angel’s Egg. Cả thành phố diễn ra câu chuyện dường như ngập trong bóng tối, không có chút ánh sáng. Phân cảnh duy nhất người xem thấy được ánh sáng thiên nhiên là một trong những cảnh đầu phim: cô gái bị đánh thức bởi tiếng kêu từ khối cầu lơ lửng trên bầu trời, cô bước đến một nơi tương tự khung cửa sổ để ngắm cảnh vật bên ngoài chìm trong buổi hoàng hôn đỏ rực. Sự thiếu vắng ánh sáng đã tô đậm lên không khí mục ruỗng hậu tận thế, nhấn mạnh cảm giác những sinh hoạt đời thường của con người từ lâu đã rời xa nơi này.

Trong thành phố vô minh ấy, cô gái cô đơn lang thang mỗi ngày để tìm lương thực nuôi sống mình. Đó là mục tiêu kéo cô ra khỏi nơi cư ngụ, nhưng đó cũng là hành vi buộc cô phải bảo vệ quả trứng cẩn thận hơn trước những mối đe dọa từ bên ngoài. Quả trứng là thứ quý giá giúp cô thoát khỏi tình trạng đơn độc, cũng là thứ giúp cô tìm được lẽ sống. Một trong những điều cô lo sợ là những người đàn ông như tượng đá, tay cầm cây lao móc. Họ ngồi hoặc đứng khắp thành phố như chờ đợi một cuộc săn lớn nơi đại dương. Và rồi con mồi của họ: những đàn cá hay bóng của những đàn cá có hình dạng như cá vây tay cũng xuất hiện. Những người đàn ông điên cuồng đuổi theo những chiếc bóng của đàn cá bơi lướt qua mặt đường, vách tường để rồi những lưỡi câu của họ chạm leng keng vào gạch đá, phá hủy những ngọn đèn, những ô cửa sổ mà vẫn không thể bắt được bóng một con cá nào. Trong cảnh này, cô gái đã nói một thông tin quan trọng cho chàng trai và cũng là cho chúng ta: “Đàn cá không còn ở đây nữa, vậy mà họ vẫn đuổi theo chúng. Những động vật như cá chẳng nơi đâu còn nữa…” Đây có thể là một thông điệp của Oshii Mamoru về bảo vệ môi trường. Nhưng đồng thời, nghĩ rộng ra, đàn cá cũng có thể tượng trưng cho thứ con người luôn khao khát, nhưng chúng chỉ là những cái bóng, những ảo ảnh. Con người đã tàn phá chính quê hương của mình chỉ vì những điều vô nghĩa.

Bóng những đàn cá đi qua thành phố

Tại sao Oshii lại chọn cá mà không phải bất cứ động vật nào khác để nói lên điều đó? Trong phim xuất hiện khá nhiều hình ảnh bọt khí tròn nổi lên trong nước, chúng có hình dạng tương tự như những quả trứng. Có lẽ, đây cũng là lí do Oshii chọn cá. So với những động vật khác, ta rất dễ quan sát sự sống của cá biểu hiện qua hơi thở khi luồng khí ấy được tạo hình rõ ràng trong nước. Nước điêu khắc thứ vốn vô hình như hơi thở thành thứ hữu hình, cũng giống như quả trứng là trạm chuyển tiếp giữa cái chưa tồn tại và cái sắp tồn tại. Chàng trai và cô gái cũng đã từng có một cuộc trò chuyện về hơi thở khi cô ôm quả trứng vào lòng, lắng nghe âm thanh của nó.

“Cô có nghe thấy gì không?”

“Tôi nghe thấy. Đó là một tiếng thở rất khẽ.”

“Đó chỉ là hơi thở của cô thôi.”

“Tôi nghe thấy tiếng vỗ cánh. Nó hẳn đang mơ được bay trên bầu trời cao rộng.”

“Đó chỉ là tiếng gió thổi ngoài kia.”

Đây không chỉ là cuộc đối thoại đơn thuần về quả trứng, nó còn là cuộc đối thoại giữa sự sống và sự phủ nhận sự sống, giữa ý thức và vật chất, giữa dự tưởng và thực tế.

Khi chàng trai và cô gái đi qua cửa hang nơi cô sống, cỡ cảnh toàn cho thấy hình ảnh cửa hang có sự tương đồng về thị giác với âm hộ phụ nữ. Đó vốn là nơi sự sống phôi thai. Nhưng khi tiến vào trong, ta lại thấy ngay bộ xương khô lớn có cấu trúc tựa như một con Leviathan bị mắc cạn.  Ngoài ra, trong hang còn rất nhiều xương của động vật đã chết nhưng chỉ có duy nhất một quả trứng tượng trưng cho sự sống. Điều đó lại càng khắc sâu trong ta cảm giác cuộc sống mong manh như thế nào giữa cái chết còn hiển nhiên hơn cả hiển nhiên.  

Cửa hang nơi cô gái sinh sống

Sau khi chàng trai đập vỡ quả trứng, cảnh cô gái nằm ngủ trên giường xuất hiện ở đầu phim được lặp lại. Từng động tác của cô khi vừa tỉnh dậy đều giống hệt phân cảnh đầu phim. Điều này khiến người xem dễ lầm tưởng thời gian đã quay ngược nhưng thực tế, câu chuyện vẫn tiếp diễn. Điểm khác biệt duy nhất là cô gái không tìm thấy quả trứng trên giường, cô phát hiện trứng đã vỡ trên nền đất. Ở đây, việc lặp lại giống hệt góc máy, từng động tác khi cô gái vừa thức dậy có tác dụng xóa mờ lằn ranh giữa hiện thực và giấc mơ. Có khả năng quả trứng vốn đã bị vỡ, và từ đầu phim đến phân đoạn này chỉ là giấc mơ của cô nhằm đánh lừa chính mình rằng quả trứng vẫn nguyên vẹn, cô vẫn đang ấp nó, bảo vệ nó. Tuy nhiên, cô không thể tự lừa dối mình mãi. Khi chàng trai xuất hiện trong giấc mơ, tính hiện thực dần trở lại, mối đe dọa dành cho quả trứng bắt đầu gia tăng. Có lẽ đó cũng là lí do ngay từ đầu, cô gái chạy trốn chàng trai. Thế nhưng, rồi cũng đến lúc quả trứng trong giấc mơ vỡ nát. Cô phải tỉnh dậy, đối diện với thực tế đau lòng ấy.

Cảnh cô gái thức dậy ở đầu phim

Oshii đã rất khéo khi chọn phân cách hai mốc sự kiện quan trọng nhất trong phim bằng giấc ngủ và sự tỉnh thức của cô gái, khiến ta luôn có cảm giác không chắc chắn giữa mơ và thực. Chàng trai có khả năng là người xuất hiện trong giấc mơ của cô gái; nhưng đồng thời, điều ngược lại cũng có thể xảy ra. Chàng trai có thể là người cuối cùng còn sống trong thế giới ấy. Cô gái thực chất chỉ là giấc mơ hay ảo giác do anh tạo ra vì quá cô đơn. Hình ảnh đôi bàn tay chạm vào quả trứng vô hình ở đầu phim có thể là một ám hiệu rằng: thực tế, quả trứng đó đã mất đi. Chàng trai chỉ tái tạo lại quả trứng bằng cách cho cô gái giữ gìn nó trong giấc mơ.

Nhập nhằng giữa những phiên bản khác nhau của hiện thực và giấc mơ, cô gái liên tục hỏi chàng trai cả trong mơ lẫn ngoài đời thực: “Anh là ai?” Câu hỏi ấy dường như không chỉ đơn giản để lấy được thông tin lý lịch cơ bản của chàng trai, nó như muốn phơi bày đến tận cùng thân phận anh, mục đích tồn tại của anh. Nó bỗng dưng trở thành độ rỗng vô tận khi chính anh cũng hỏi lại cô rằng “cô là ai” và cả hai đều không trả lời được câu hỏi của đối phương. Rồi nó chuyển hóa thành vực sâu hun hút khi chàng trai nói về con chim của Noah và sự lãng quên.

“Tất cả những loài động vật trên Trái Đất đều chết. Những con chim, gia cầm, thú hoang, tất cả những loài bò trên mặt đất và tất cả con người. Chỉ có Noah và những loài động vật trên con thuyền của ông là sống sót. Rồi ông cho một con bồ câu do thám xem nước đã rút bớt trên mặt đất chưa. Ông đợi thêm bảy ngày và lại cho nó bay đi… nhưng nó không trở về nữa. Con chim đã đậu nơi đâu? Hay là nó đã kiệt sức và bị những làn nước nuốt chửng? Không ai biết được. Mọi người chỉ có thể chờ nó quay trở lại. Chờ đợi và dần chán nản vì chờ đợi. Họ quên rằng đã phóng con chim đi, quên rằng đã từng có một con chim. Họ thậm chí cũng quên rằng có cả một thế giới đã chìm dưới nước. Họ quên mình từ đâu đến, mình đã phiêu bạt bao lâu, mình đang đi về đâu. Đó là chuyện đã xảy ra rất lâu trước khi những loài động vật bắt đầu hóa thạch. Con chim tôi từng nhìn thấy, tôi cũng không nhớ rõ đã thấy nó ở đâu hoặc khi nào, chuyện đã từ rất lâu rồi. Có lẽ đó chỉ là một giấc mơ.  Có lẽ tôi, cô và đàn cá chỉ tồn tại trong ký ức của một người đã mất. Có lẽ không ai thực sự tồn tại và chỉ có mưa rơi ngoài kia. Có lẽ con chim ấy chưa từng tồn tại.”

Lời thoại này của chàng trai không khác gì một áng văn tự sự đẹp và buồn, một bài thơ u uất. Có lẽ cả bộ phim cũng chỉ là một giấc mơ trong một giấc mơ. Hình ảnh chàng trai chúng ta thấy có thể không phải là hình ảnh thực của chàng trai đang nằm mơ giấc mơ chồng chéo nhiều tầng này. Người ta có thể tự tái tạo hình ảnh của chính mình trong giấc mơ. Suy cho cùng, đôi bàn tay xuất hiện đầu phim có vẻ như là hình ảnh hiện thực nhất ta thấy được.

Cả chàng trai và cô gái đều có đôi mắt tam bạch nhãn với tròng đen khá nhỏ. Họ luôn cúi đầu và ngước mắt nhìn lên đối phương khi trò chuyện. Tại sao họ không thể nhìn thẳng mặt nhau? Những lúc không đối thoại, hầu như họ cũng luôn cúi đầu và ngước mắt lên để quan sát xung quanh. Chi tiết này phần nào cho ta cảm giác về sự rụt rè, khép mình của họ với đối phương, với cuộc sống, với chính mình.

Đôi mắt tam bạch nhãn của cô gái và chàng trai

Phân cảnh cuối phim khi máy quay từ từ đi xa khung hình chàng trai đứng lẻ loi bên bờ biển cho thấy vùng đất xung quanh trống vắng, hoang liêu ở cấp độ vĩ mô hơn khiến tôi nhớ đến cảnh kết với chuyển động máy tương tự trong Into the wild (2007). Cảnh toàn được tạo ra từ động tác zoom out dần xóa nhòa sự gần gũi với đối tượng ghi hình, nhấn chìm ta trong nỗi cô đơn của không gian mênh mông. Nhưng ở Angel’s Egg, cú máy ấy đã cung cấp cho người xem một thông tin vô cùng quan trọng: đó là lần đầu tiên ta được thấy tổng thể vùng đất này, nó là một hòn đảo nằm giữa đại dương mà nhìn từ xa trông giống như hình dạng của một con thuyền bị lật úp. Phải chăng đó chính là con thuyền của Noah?

Oshii Mamoru vốn nổi tiếng vì cách kể chuyện mang tính triết lí trong những bộ phim có hơi hướng khoa học viễn tưởng mà đỉnh cao chói lọi là serie Ghost in the Shell, Kerberos… Angel’s Egg là phim thuộc giai đoạn đầu tiên trong sự nghiệp ông tự đạo diễn và viết kịch bản (trước đó, Oshii đạo diễn loạt phim hoạt hình Urusei Yatsura chuyển thể từ manga của Takahashi Rumiko); dù vậy, ở tác phẩm này, ta đã thấy những đặc trưng trong phong cách của ông được xác lập khá rõ ràng. Ở thời điểm mới ra đời, Angel’s Egg không nhận được đánh giá tích cực từ giới phê bình. Tuy nhiên, qua thời gian, bộ phim dần khẳng định được vị trí trong gia tài sự nghiệp của Oshii Mamoru. Brian Ruh, một chuyên gia nghiên cứu văn hóa Nhật Bản đương đại đã cho rằng tác phẩm này là “một trong những bộ phim đẹp và giàu thi tính nhất dưới hình thức hoạt họa.” Trong một bài báo trên tạp chí Senses of Cinema về Oshii, tác giả Richard Suchenski cũng có nhận xét rằng bộ phim là “sự chắt lọc tinh túy nhất từ cả yếu tố thần thoại nằm trong mặt thị giác và phong cách thường thấy của Oshii,” “Patlabor 2 có thể tinh tế hơn, Ghost in the Shell có thể quan trọng hơn, và Avalon có thể mang phức cảm thần thoại nhiều hơn, nhưng Angel’s Egg với công nghệ thấp và vẽ tay vẫn là tác phẩm mang đậm tính cá nhân nhất của Oshii.”

Kodaki

Bài viết đã được đăng trong sách Điện ảnh Nhật Bản và Việt Nam đương đại: Giao lưu văn hóa và ảnh hưởng do TS. Đào Lê Na chủ biên, NXB. Thông tin và Truyền thông ấn hành năm 2019.

Click to comment

Viết bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Trà chiều

Phía sau Ngày của Mẹ: Câu chuyện lịch sử bị lãng quên

Published

on

Ít ai biết rằng, Ngày của Mẹ khởi nguồn như một phong trào của những người phụ nữ mong muốn mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân Mỹ. Nguồn gốc bị lãng quên ấy xuất phát từ hai nhà hoạt động suốt đời cống hiến những nỗ lực cải thiện y tế, phúc lợi và hòa bình. Hiểu về lịch sử Ngày của Mẹ - để thêm trân trọng và tìm thấy cảm hứng từ đó.

Ai là người sáng lập ra Ngày của Mẹ?

Việc tạo ra một ngày lễ quốc gia dành riêng cho mẹ phần lớn là công lao của ba người phụ nữ: Julia Ward Howe, Ann Reeves Jarvis, và con gái của Ann - Anna M. Jarvis.

Ann Reeves Jarvis

Được nhiều người gọi trìu mến là “Mẹ Jarvis”, Ann Reeves Jarvis là một người nội trợ trẻ sống ở vùng núi Appalachian, từng giảng dạy trong lớp học Kinh Thánh mỗi Chủ nhật. Nhưng bên cạnh đó, bà còn là một nhà hoạt động xã hội suốt đời. Vào giữa thế kỷ 19, bà đã tổ chức các “Câu lạc bộ hành động của những người Mẹ” (“Mothers’ Day Work Clubs”) tại West Virginia nhằm chống lại điều kiện sống mất vệ sinh nghiêm trọng lúc bấy giờ. Mẹ Jarvis lo lắng trước tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong quá cao - thậm chí trở nên tràn lan tại khu vực này, đồng thời mong muốn hỗ trợ và giáo dục các bà mẹ đang gặp khó khăn nhất.

Trong thời kì nội chiến Hoa Kỳ, bà tiếp tục tổ chức các đoàn phụ nữ, khuyến khích họ cùng giúp đỡ, bất kể chồng con họ đang đứng về phe nào. Sau chiến tranh, bà đề xuất tổ chức một “Ngày tình thân của những người Mẹ” (Mothers’ Friendship Day) - với hy vọng hàn gắn những rạn nứt giữa các gia đình từng đứng ở hai chiến tuyến: Liên minh miền Nam và Liên bang miền Bắc.

Julia Ward Howe

Julia Ward Howe là một nhà thơ và nhà cải cách nổi tiếng. Trong thời kỳ Nội chiến, bà tình nguyện làm việc cho Ủy ban Vệ sinh Hoa Kỳ, góp phần mang lại môi trường sạch sẽ cho các bệnh viện và đảm bảo điều kiện vệ sinh trong việc chăm sóc thương binh, bệnh binh. Năm 1861, bà sáng tác bài thánh ca nổi tiếng của thời Nội chiến – “The Battle Hymn of the Republic”, lần đầu được phát rộng rãi vào tháng 2 năm 1862. 

Khoảng năm 1870, Julia đã kêu gọi tổ chức riêng một “Ngày của Mẹ vì hòa bình” (“Mother’s Day for Peace”) để tôn vinh hòa bình và chấm dứt chiến tranh. Trong bản “Tuyên ngôn Ngày của Mẹ” (“Mother’s Day Proclamation”) do bà viết, Julia cảm thấy rằng chính những người mẹ - những người phải gánh chịu và thấu hiểu cái giá phải trả của chiến tranh - cần phải cùng nhau lên tiếng chống lại sự tàn khốc và sự phí hoài cuộc sống vì súng gươm. 

“Ngày của Mẹ” theo góc nhìn của Julia từng được tổ chức tại Boston và một vài nơi khác trong khoảng 30 năm nhưng nhanh chóng biến mất vào những năm trước Thế chiến thứ nhất.

Không có gì mới mẻ diễn ra trong phong trào này cho đến năm 1907, khi cô Anna M. Jarvis ở Philadelphia tiếp tục giương cao ngọn cờ ấy. 

Anna M. Jarvis

Sau khi mẹ qua đời vào năm 1905, cô Anna M. Jarvis ở Philadelphia đã ấp ủ ước nguyện tưởng nhớ cuộc đời đầy cống hiến của mẹ mình. Cô bắt đầu vận động một ngày lễ toàn quốc nhằm tôn vinh tất cả những người mẹ. “Tôi hy vọng và cầu nguyện rằng rồi sẽ có ai đó, vào một lúc nào đó, lập nên một ngày tôn vinh mẹ - để ghi nhận những cống hiến vĩ đại mẹ dành cho nhân loại trong mọi khía cạnh của cuộc sống,” Anna từng khẳng định - “Mẹ xứng đáng với điều đó.” 

Ý tưởng của Anna không xoay quanh những công việc xã hội như mẹ cô từng theo đuổi, mà thiên về việc tôn vinh vai trò thiêng liêng của người mẹ và những hy sinh thầm lặng trong mái ấm gia đình. Cô không ngừng gửi điện tín, thư từ, và gặp gỡ trực tiếp các nhân vật có tầm ảnh hưởng cũng như các tổ chức xã hội để thuyết phục họ ủng hộ. Dù tổ chức lớn hay nhỏ, cô đều kiên trì gửi thư trình bày ý tưởng của mình. Bằng chính tiền túi, Anna viết, in và phát hành hàng loạt tập sách ca ngợi Ngày của Mẹ.

Vì sao Ngày của Mẹ ở Mỹ lại rơi vào tháng 5?

Tháng 5 năm 1907, Anna tổ chức buổi lễ tưởng niệm để tưởng nhớ hành trình hoạt động không ngơi nghỉ của mẹ tại nhà thờ Giám Lý ở Grafton, West Virginia – nơi bà từng giảng dạy. Một năm sau, vào ngày 10 tháng 5, một buổi lễ chính thức nhân Ngày của Mẹ được tổ chức tại chính nhà thờ đó, lần này để vinh danh tất cả những người mẹ. Từ đây, ý tưởng dành riêng Chủ nhật thứ hai của tháng 5 để tôn vinh mọi người mẹ - dù còn sống hay đã khuất - bắt đầu hình thành.

Nỗ lực của Anna dần gây được sự chú ý. Thị trưởng Philadelphia là người đầu tiên tuyên bố tổ chức Ngày của Mẹ tại địa phương. Từ đó, Anna tiếp tục hành trình vận động ở thủ đô Washington, D.C. Các chính trị gia ở đây nhanh chóng nhận thấy đây là một đề xuất đáng giá và bày tỏ sự ủng hộ công khai.

West Virginia là bang đầu tiên chính thức công nhận ngày này. Sau đó, nhiều bang khác cũng làm theo. Việc các bang liên tiếp đưa ra tuyên bố công nhận Ngày của Mẹ đã dẫn đến việc Hạ nghị sĩ J. Thomas Heflin (bang Alabama) và Thượng nghị sĩ Morris Sheppard (bang Texas) cùng đệ trình một nghị quyết lên Quốc hội nhằm công nhận Ngày của Mẹ là ngày lễ trên toàn quốc. Cả hai viện của Quốc hội đều thông qua nghị quyết.

Đến năm 1914, Tổng thống Woodrow Wilson đã ký ban hành đạo luật chính thức công nhận Chủ nhật thứ hai của tháng 5 là ngày lễ quốc gia với tên gọi “Ngày của Mẹ” - dành riêng cho “người mẹ tuyệt vời nhất trên đời: mẹ của bạn.”

Trong những năm đầu tiên, Ngày của Mẹ được tổ chức một cách mộc mạc và đầy thành kính - thường là qua các buổi lễ nhà thờ để tưởng nhớ và vinh danh các bà mẹ, dù còn sống hay đã qua đời.

Ngọt ngào xen lẫn đắng cay khi kế thừa Ngày của Mẹ

Theo nhiều tài liệu, điều duy nhất mà Anna mong muốn là tưởng nhớ mẹ mình - người mà cô tin là người khởi xướng thực sự của Ngày của Mẹ. Nhưng khi ngày lễ trở nên phổ biến, Anna dần cảm thấy thất vọng khi nó bị thương mại hóa: người ta gửi thiệp, tặng hoa một cách máy móc. Thậm chí cô không đồng tình khi các tổ chức phụ nữ hay hội từ thiện dùng Ngày của Mẹ để gây quỹ - điều khá mâu thuẫn nếu nhìn vào lý tưởng y tế cộng đồng mà mẹ cô từng theo đuổi.

Năm 1948, Anna Jarvis qua đời tại một viện dưỡng lão trong tình trạng sa sút trí tuệ.

Ngày của Mẹ hiện nay

Ngày của Mẹ vẫn bền bỉ tồn tại và không ngừng phát triển. Cũng giống như khởi nguồn ngày lễ bắt đầu từ sự sáng tạo của nhiều người phụ nữ, Ngày của Mẹ trong thời đại hiện nay tôn vinh sự đa dạng trong vai trò của người mẹ hiện đại. Chúng ta nhớ ơn những người mẹ đã đấu tranh để cải thiện cuộc sống của con cái bằng nhiều cách - từ phúc lợi xã hội đến lý tưởng phi bạo lực. Và hơn hết, chúng ta thấu hiểu, trân trọng tinh thần dũng cảm cùng đức hy sinh quý giá vô ngần dành cho con trẻ từ lúc chúng mới lọt lòng.

Hà Nhi dịch từ Almanac

Đọc bài viết

Trà chiều

Văn hóa đọc tại Việt Nam: Hành trình tỉnh thức trong thời đại mất tập trung

Khi cả thế giới đang quay cuồng trong cơn lốc của tốc độ, của công nghệ số và mạng xã hội, văn hóa đọc – vốn là một hoạt động tĩnh tại, cô độc và đòi hỏi sự kiên nhẫn – bỗng trở thành hiện tượng lạ giữa đời sống hiện đại.

Published

on

Một cú chạm màn hình có thể đưa bạn tới bất kỳ đâu: từ buổi hòa nhạc ở Vienna đến một bữa ăn đường phố ở Bangkok, từ những khoảnh khắc riêng tư của người xa lạ đến bản tin thời sự lúc rạng đông. Nhưng càng dễ dàng kết nối, chúng ta lại càng khó khăn trong việc lắng nghe chính mình. 

Và trong cuộc hành trình ấy, đọc sách - hành động tưởng như đã cũ kỹ, đang âm thầm trở lại như một nơi trú ẩn cuối cùng của tâm hồn hiện đại.

Văn hóa đọc không chỉ là việc “đọc sách”

Văn hóa đọc không nên được định nghĩa đơn giản chỉ là hành vi tiếp nhận văn bản in ấn, cần phải nhìn nó như là một cấu trúc hệ giá trị, nơi người đọc không chỉ tiêu thụ thông tin, mà còn tương tác với tri thức, phản tư, và từ đó tạo ra tầng sâu văn hóa cá nhân. Nên hiểu đọc là một hành vi văn hóa, không chỉ là kỹ năng.

Thế nhưng, tại Việt Nam, hành vi đọc nhiều khi bị giản lược thành “hoạt động học thuộc”. Cái gốc của việc đọc để hiểu mình và hiểu thế giới vẫn còn mờ nhạt trong đời sống học đường lẫn đời sống đô thị.

Chúng ta từng được dạy rằng đọc là để biết nhiều hơn. Nhưng biết không đồng nghĩa với hiểu. “Biết” là quá trình tiếp nhận và lưu trữ dữ liệu dưới dạng thông tin. “Hiểu” vượt lên trên điều đó - nó đòi hỏi sự tham gia của trải nghiệm cá nhân, khả năng phân tích, đồng cảm và cả những va chạm nội tâm. Một tác phẩm có giá trị không chỉ cung cấp tri thức ngoại tại, mà còn tạo điều kiện cho chủ thể tiếp nhận được soi chiếu, phản tỉnh từ đó nhận diện những lớp ẩn sâu của bản thể qua hình ảnh của người khác trong trang sách. 

Khi một đứa trẻ đọc Những tấm lòng cao cả, em sẽ không chỉ học đạo đức, mà bắt đầu cảm nhận được trái tim nhân loại. Khi một thiếu niên lần đầu đọc Người xa lạ của Camus, cậu ấy có thể không lý giải nổi thế giới, nhưng sẽ bắt đầu đặt câu hỏi về nó và về chính mình.

Vấn đề không nằm ở việc thiếu sách, mà thiếu “thái độ văn hóa” với sách

Mặc dù Việt Nam có hơn 30.000 đầu sách xuất bản mỗi năm (theo Cục Xuất bản), thế nhưng lượng sách bán ra tập trung chủ yếu ở thể loại giải trí, ngôn tình, self-help, còn các dòng sách triết học, văn hóa, nhân văn… chiếm tỷ lệ nhỏ hơn. Ta không thiếu sách, ta thiếu một nền tảng thẩm mỹ và nhân văn để lựa chọn sách một cách có chủ đích.

Nguyên nhân không chỉ nằm ở thời đại số làm thay đổi thói quen tiếp nhận thông tin, mà còn nằm ở cách giáo dục về đọc sách. Tại nhiều trường học, việc đọc vẫn gắn liền với hình thức kiểm tra, chấm điểm, làm bài văn nghị luận sách giáo khoa - điều khiến đọc sách trở thành một “nghĩa vụ” hơn là một hành trình khám phá. Gia đình, các bậc phụ huynh còn chưa thực sự nghiên cứu và đặt mối quan tâm lớn lao cho việc giáo dục con trẻ dẫn đến việc các em phụ thuộc quá nhiều vào các thiết bị công nghệ. 

Nhưng tín hiệu đáng mừng là trong những năm gần đây, chúng ta chứng kiến sự nở rộ của các phong trào đọc sách tự phát, không phải từ chỉ đạo hành chính, mà từ những con người đang đi tìm lại bản thân giữa cơn hỗn loạn của thông tin.

Đáng chú ý, sự phát triển của nền tảng số cũng không còn là lực cản, mà đang dần trở thành đòn bẩy cho việc tiếp cận sách: audio book, book podcast, nền tảng chia sẻ tóm tắt sách hay các cộng đồng đọc sách online đang lan tỏa mạnh mẽ. Sách không còn là một vật thể bất động mà trở thành dòng chảy đồng hành với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, âm thanh và cảm xúc.

Tất cả đang làm sống lại một giá trị xưa cũ: sự tĩnh lặng nội tâm. Đọc sách giờ đây không chỉ là tiếp nhận thông tin, mà là một hành động phản kháng với sự phân tán, ồn ào, và tiêu dùng giải trí mang tính chất "mì ăn liền".

Văn hóa đọc trong thời đại “siêu dữ liệu”

Thách thức lớn nhất với văn hóa đọc trong thời đại kỹ thuật số không phải là sự biến mất của sách giấy, mà là sự thoái hóa khả năng tập trung, năng lực phản tư và thái độ nghiêm túc của con người với tri thức. Chúng ta sống trong thời đại mà nội dung có thể bị tiêu thụ như thức ăn nhanh, nơi mọi người “đọc để phản ứng”, thay vì “đọc để cảm nghiệm”. Bởi vậy, chọn đọc - nhất là đọc sâu, đọc chậm giờ đây không chỉ là một lựa chọn mang tính trí tuệ, mà còn là một cách gìn giữ bản thân trước sự xao nhãng của thế giới hiện đại.

Đọc là kháng cự lại tốc độ. Là từ chối cái dễ. Là chọn cái sâu - dù biết nó chậm.

Văn hóa đọc giờ đây không chỉ là sách, mà còn là cách ta sống. Không chỉ là hành động cá nhân. Nó phản ánh cả một văn hóa. Một đất nước biết trân trọng sách là một đất nước không dễ bị lãng quên ký ức. Một thế hệ đọc sách là một thế hệ có nội lực.

Ở Việt Nam, từng có một thế kỷ mà sách được đọc bằng ánh đèn dầu, được chép tay, được truyền tay như những báu vật. Sách đi qua chiến tranh, qua đói nghèo, qua đạn bom, nhưng vẫn sống. Vấn đề của hôm nay không phải là thiếu sách, mà là quá nhiều thứ giành giật tâm trí ta khỏi sách.

Vấn đề sâu xa hơn: ta không còn coi đọc là một phần của việc sống đẹp. Thế giới đang dần lãng quên sự im lặng, sự chậm rãi, sự suy tư. Trong truyền thống tư tưởng phương Đông, đọc không phải là phương tiện để đạt được cái bên ngoài, mà là trở về với cái bên trong. Từ thời Lão - Trang, việc học, việc đọc vốn gắn liền với sự tĩnh tại của tâm. Đọc là tu thân. Đọc là dưỡng khí. Đọc là hành động đi ngược lại với sự xao động của đời sống, để khơi mở “minh tâm kiến tánh”, thấy lại chân diện mục của chính mình. 

Ngày xưa, các nho sĩ khi đọc sách thường đặt một bát nước trong veo bên cạnh, để “nếu tâm xao động thì nước đục” như một cách tự phản tỉnh. Người đọc không chỉ là kẻ truy cầu tri thức, mà còn là người gìn giữ đạo lý, tiết tháo và sự lặng thầm bền bỉ của văn hóa.

Trong thời đại siêu kết nối hiện nay, nghịch lý lớn nhất là con người càng lúc càng rỗng hơn giữa vô số dữ liệu. Chúng ta “biết” rất nhiều thứ nhưng lại hiểu rất ít điều, và càng ít sống sâu. Văn hóa đọc nếu được xem là một hệ sinh thái văn hóa bền vững - chính là cơ chế tự phòng vệ của trí tuệ trước sự tha hóa của thị hiếu và tốc độ.

Bởi vì đọc không chỉ là để “biết”, mà để nghi ngờ cái mình biết. Không chỉ để “giỏi lên”, mà để hiểu mình và hiểu người hơn. Và không chỉ để có tri thức, mà để trở nên người hơn trong thế giới ngày càng thiếu vắng chất người. 

Đọc - tự bản thân nó là một hành động kháng cự lại sự lãng quên, sự cạn mỏng và cả sự dễ dãi. Nó khơi mở lại điều tưởng như đã mất: một chiều sâu văn hóa không thể số hóa, không thể sao chép, thứ văn hóa được chưng cất từ mỗi lần lật trang, từ mỗi khoảnh khắc im lặng tự đối diện chính mình. Để được sống với một trái tim có lớp lang. 

Và nếu phải chọn một hành động lặng lẽ nào đó để định nghĩa tinh thần của một dân tộc đang muốn trở mình từ bên trong, thì đó hẳn phải là: đọc sách.

Ngọc Trâm

Đọc bài viết

Trà chiều

Vẻ đẹp từ những cuộc đời bình thường

Không cần phải nổi bật, bạn vẫn có thể sống một đời ý nghĩa.

Published

on

Làm người bình thường giờ đây bị ngầm hiểu là một thất bại trong một thế giới say mê những con người xuất chúng. Từ những giải vàng trong các trường tiểu học đến danh hiệu “nhân viên xuất sắc của tháng”; từ những tấm hình, thước phim được chọn lựa kĩ càng để đăng trên Instagram đến cuộc đua trở thành “phiên bản rực rỡ nhất của chính mình”, văn hóa của chúng ta không ngừng nâng cao chuẩn mực cho những tính từ “thành công”, “xứng đáng” hoặc thậm chí là “đủ”. Nhưng liên tục chạy đua để trở thành người xuất chúng liệu có khiến chúng ta hạnh phúc hơn hay chỉ đang gieo thêm lo âu, mặc cảm và đứt gãy trong kết nối giữa người với người?

Ẩn giấu trong những cuộc đời không mấy nổi bật vẫn tồn tại sự bình yên sâu lắng, đích đến đáng quý, thậm chí là vẻ đẹp đáng tôn vinh. Có lẽ đã đến lúc ta nên giành lại chân lý ấy - rằng không cần rực rỡ để sống một đời đáng sống.

Những chuẩn mực ngày càng leo cao

Ngay cả trẻ con giờ đây cũng không thoát khỏi chuỗi dài những kì vọng từ gia đình và xã hội. Trước kia, thời chúng ta đi học, “trung bình” được coi là nền tảng để phấn đấu, không có gì đáng xấu hổ. Nhưng nhìn xem, lũ trẻ bây giờ đang bị áp lực phải trở thành những người có thành tựu từ khi còn chưa học được cách chơi đùa vô tư. Giành được điểm A vẫn bị coi là chưa đủ tốt nếu chúng không mang thêm giải thưởng, tham gia hoạt động ngoại khóa và trong vai những người dẫn dắt, lãnh đạo đội nhóm. Những rào chắn vô hình không ngừng cao lên, vì thế chẳng ngạc nhiên khi những sinh viên mới bước vào ngưỡng cửa đại học hay thị trường lao động đã kiệt sức thay vì hạnh phúc. 

Mạng xã hội chỉ đổ thêm dầu vào lửa, đốt cháy cuộc đua kì vọng ấy hơn. Không dừng lại ở việc lướt xem những khoảnh khắc rực rỡ của người khác, chúng ta bắt đầu so sánh với cuộc đời chưa được đánh bóng của bản thân. Đọc được câu chuyện về những bạn trẻ 22 tuổi khởi nghiệp, đi du lịch vòng quanh thế giới, tự sắm nhà riêng - ta cảm thấy mình tụt lại vì mỗi ngày chỉ dậy đi làm và thanh toán hóa đơn. Những điều ấy trước kia từng được coi là phi thường, nay bỗng hóa tiêu chuẩn tối thiểu.

Ngay cả trong đời sống riêng, áp lực vẫn len lỏi. Ta phải là những người yêu lý tưởng, cha mẹ dịu dàng, giỏi chăm sóc bản thân và công dân đầy chánh niệm - tốt nhất là xong hết trước 9 giờ sáng. Người ta truyền nhau một quan niệm hiện đại, rằng: bạn đang lãng phí tiềm năng nếu không tối ưu từng giây phút của cuộc đời mình.

Nhưng nếu tiềm năng không phải là một chiếc thang để leo, mà là một không gian để ta an trú thì sao?

Phẩm giá ẩn sau lựa chọn một đời an yên

Hãy đổi cách ta kể câu chuyện. Sẽ ra sao nếu một cuộc sống “tầm trung” lại chính là một công việc đủ nuôi sống bản thân, những mối quan hệ đầy yêu thương, và một mái nhà rộn tiếng cười xen lẫn tiếng bát đũa? Không phải thứ để ta trốn chạy khi nhắc đến, mà là điều đáng để gìn giữ và trân trọng đúng không?

Thật tuyệt khi bạn xuất hiện trên mạng xã hội với những khoảnh khắc như vậy, dù cho chẳng có lời tán dương nào. Chúng ta vẫn luôn cần một người bạn chân thành, một người lạ biết cảm thông, và một đồng nghiệp đáng tin cậy. Những vai trò ấy hiếm khi xuất hiện trên mạng xã hội, nhưng chúng là sợi chỉ âm thầm dệt nên kết cấu bền chặt của xã hội -  điều mà danh vọng và tiền bạc đôi khi không thể làm được.

Hãy nghĩ về những giáo viên, lao công, y tá, tài xế, đầu bếp, điều dưỡng - những con người mà công việc thầm lặng của họ vẫn đang giữ cho thế giới vận hành. Họ có thể không bao giờ được gọi tên rộng rãi, nhưng công sức của họ chạm đến cuộc sống của biết bao người. Những tên gọi nghề nghiệp nghe có vẻ “bình thường”, nhưng những gì họ làm được thì không hề nhỏ bé.

Bình thường không có nghĩa là tầm thường. Đó là sự biết đủ với những gì bạn có, thay vì liên tục đem so với những cuộc đời khác. Đó là việc bạn hiểu rằng mình không thất bại chỉ vì không xuất chúng - chỉ cần là một con người đã luôn là điều đặc biệt. 

Những đánh đổi phía sau niềm tin phải trở nên xuất chúng

Bị cuốn vào cuộc đua theo đuổi sự vĩ đại thường dẫn ta đến tình trạng kiệt sức, lo âu và cô đơn. Chủ nghĩa cầu toàn gây ra chứng tê liệt cảm xúc, còn việc so sánh khiến ta đánh mất niềm vui. Ai cũng có thể “trên mức trung bình” - rõ ràng về mặt thống kê quan niệm này sai. Ấy vậy mà xã hội vẫn tiếp tục bán giấc mơ ấy, và ta vẫn tiếp tục mua nó, rồi cảm thấy mình chưa bao giờ đủ.

Ở một góc độ khác, việc tôn vinh thành công thái quá cũng hình thành một tâm thức thiếu hoàn thiện: nếu chỉ có một vài người ở đỉnh cao, thì phần còn lại ắt phải là kẻ thua cuộc. Nhưng cuộc sống đâu phải là một bảng xếp hạng, nó là bức tranh khảm đầy những niềm vui nhỏ bé, những khoảnh khắc yên tĩnh, và những kết nối thành thật giữa con người với nhau.

Ta chỉ thực sự sống trong hiện tại khi ngừng đuổi theo những cột mốc tiếp theo. Ta có thể tìm thấy sự đủ đầy, không phải trong việc trở nên khác biệt, mà trong cảm giác được thuộc về gia đình, cộng đồng và chính bản thân mình.

Viết lại định nghĩa “cuộc đời ý nghĩa”

Định hình lại những gì là cốt lõi của cuộc sống đòi hỏi sự can đảm - nhất là trong nền văn hóa đầy rẫy phô trương. Nó đồng nghĩa với việc khước từ lối sống "cày cuốc", chọn thầm lặng thay vì tiếng tăm, chọn sống sâu thay vì sống gấp, chọn sống đúng với hệ giá trị riêng của bản thân thay vì đứng trên những tiếng vỗ tay hào nhoáng.

Một cuộc đời ý nghĩa không được xây nên từ giải thưởng hay thuật toán mà được dệt từ những cuộc trò chuyện chân thật, những thói quen bồi đắp nên chúng ta, những bữa cơm trong gian bếp, những bước đi chậm rãi, những cử chỉ tử tế nhỏ nhoi - và nghỉ ngơi mà không mang theo cảm giác tội lỗi.

Hà Nhi dịch từ Psychology Today

Đọc bài viết

Cafe sáng