Sáng tác

Truyện ngắn: Hai người phụ nữ (Amos Oz)

“Có lẽ một chuyện gì đó rất tệ hại đã xảy ra với cả hai chúng ta mà không thể cứu vãn được.”

Published

on

TWO WOMEN
Amos Oz

Sáng sớm, khi mặt trời chưa mọc, tiếng gù của đôi chim bồ câu trong bụi cây bắt đầu trôi qua ô cửa sổ để mở. Âm thanh khàn khàn, đều đều và miên man ấy vỗ về cô. Làn gió nhẹ se sẽ thổi qua những ngọn cây thông và tiếng gà gáy lanh lảnh trên sườn đồi. Xa xa vọng lại tiếng chó sủa và một con khác đáp lại. Những thanh âm ấy đánh thức Osnat trước cả khi chuông báo thức kịp reng. Cô ra khỏi giường, tắt chuông, tắm rửa và thay quần áo đi làm. Đúng năm rưỡi, Osnat đến khu kibbutz1 giặt ủi làm việc. Trên đường, cô đi ngang qua căn hộ của Boaz và Ariella, khi ấy vẫn khóa cửa và tắt đèn. Hẳn là họ còn đang ngủ. Ý nghĩ ấy chẳng gợi lên trong Osnat cảm giác ganh tị hay tổn thương nhưng đâu đó, cô cảm thấy có chút ngỡ ngàng mông lung: chừng như mọi việc đã xảy ra với ai đó chứ không phải với cô, và hình như nó đã xảy ra từ nhiều năm trước chứ không phải mới hai tháng rồi. Khi đến kibbutz giặt ủi, Osnat bật đèn lên vì ánh nắng hôm nay còn uể oải quá. Rồi cô cúi xuống đống đồ đang đợi, bắt đầu tách riêng quần áo màu ra khỏi quần áo trắng, vải bông ra khỏi vải sợi. Mùi cơ thể chua lòm bốc lên từ mớ đồ dơ, quyện với mùi bột xà phòng. Osnat làm việc ở đây một mình. Cô để chiếc radio ra rả cả ngày để xua tan nỗi đơn độc, mặc dù tiếng o o của những chiếc máy giặt đã nuốt chửng mọi giai điệu lẫn tiếng nói trên đài. Đúng bảy rưỡi, cô giặt xong mẻ đồ đầu tiên, trút quần áo ra và xếp lại, sau đó xuống nhà ăn tập thể để ăn sáng. Lúc nào cũng vậy, Osnat cứ đi chầm chậm, như thể cô không biết chắc mình sẽ đi đâu hoặc cũng không mấy bận tâm. Ở kibbutz của chúng tôi, Osnat là một người phụ nữ vô cùng trầm lặng.

Hồi đầu hè, Boaz thú nhận với Osnat anh đã qua lại với Ariella Barash suốt tám tháng và thấy rằng cả ba người họ không thể tiếp tục sống trong sự lừa dối nữa. Hắn quyết định chia tay và chuyển sang nhà của Ariella. “Em có phải là trẻ con nữa đâu. Em biết chuyện này vẫn xảy ra như cơm bữa mà, kibbutz của chúng ta cũng thế thôi. May là chúng ta chưa có con chứ không thì mọi chuyện sẽ lôi thôi hơn nhiều.” Boaz sẽ mang theo chiếc xe đạp nhưng để lại cái radio. Hắn muốn cuộc chia tay này êm ái như những tháng ngày họ đã sống với nhau. Nếu Osnat nổi giận, hắn hoàn toàn thông cảm được, mặc dù thật ra, cô chẳng có gì để tức giận cả. “Anh không cố tình tổn thương em. Chuyện với Ariella, cứ đến là đến thôi. Mọi chuyện chỉ có thế.” Nhưng dù sao đi nữa, hắn cũng rất áy náy. Hắn dọn đi ngay và để lại cho cô không chỉ là chiếc radio mà tất cả mọi thứ, kể cả cuốn album, những chiếc gối thêu và bộ pha cà phê – món quà cưới của họ.

“Vâng”, Osnat đáp.

“Ý em là sao?”

“Đi,” cô nói, “anh đi đi.”

*

Ariella Barash là một người phụ nữ đã ly dị chồng, cao ráo, mảnh mai, với chiếc cổ thanh thoát, mái tóc bồng bềnh nhiều tầng và đôi mắt biết cười, trong đó có một con từng bị lé kim. Cô làm việc trong một trang trại gà và quản lý Phòng Văn hóa của kibbutz, chịu trách nhiệm tổ chức cưới hỏi, lễ kỷ niệm và kỳ nghỉ cho xã viên. Bên cạnh đó, cô còn mời diễn giả đến giảng dạy vào những buổi tối thứ Sáu và đặt phim chiếu trong nhà ăn vào tối thứ Tư. Ariella nuôi một con mèo già và một con chó nhỏ, hình như là chó con. Cả ba chung sống hòa bình với nhau trong căn hộ của cô. Con chó thường bị con mèo hăm he nên lịch thiệp nhường cho nó hẳn cả chiếc giường rộng. Con mèo phớt tỉnh người bạn chung nhà, lững thững đi qua mặt con chó như thể nó là kẻ vô hình. Suốt cả ngày, hai con vật hục hặc trong căn hộ của Ariella, mèo nằm trên sofa còn chó nằm trên thảm, “nước sông không phạm nước giếng”.

Trước đó, Ariella đã kết hôn với Ephraim – một quân nhân. Được một năm, anh bỏ cô để chạy theo một cô lính trẻ. Mối quan hệ của cô với Boaz bắt đầu vào cái ngày anh đến nhà cô, mặc chiếc áo ba lỗ đi làm đẫm mồ hôi loang lổ vết dầu máy. Ariella đã nhờ anh ghé ngang để sửa hộ cái vòi nước bị hỏng. Anh đeo một chiếc thắt lưng da có khóa bằng kim loại. Khi Boaz cúi xuống sửa vòi, cô dịu dàng vuốt ve tấm lưng rám nắng của anh mấy lần, cho đến khi anh quay lại mà hai tay vẫn không rời chiếc tua vít và mỏ lết. Kể từ hôm đó, anh thường lẻn sang căn hộ của cô, lúc thì nửa tiếng, lúc lại một tiếng. Người trong kibbutz Yekhat phát giác ra sự vụng trộm này và chẳng buồn giữ bí mật. Họ xì xầm: “Đúng là một cặp trái khoáy; anh ta thì câm như hến còn chị ta thì miệng mồm như tép nhảy.” Roni Shindlin – cái gã chuyên đùa cợt ví von: “Đúng là chạch đẻ ngọn đa.” Không ai nói gì với Osnat, chỉ có mấy người bạn của cô vẫn luôn bày tỏ sự cảm thông, rằng cô không hề cô đơn, và dù cô cần bất cứ thứ gì, từ những thứ nhỏ nhất… họ cũng sẵn lòng giúp đỡ.

Rồi Boaz chất đồ lên chiếc giỏ xe đạp và dọn sang căn hộ của Ariella. Buổi chiều, hắn sẽ từ ga-ra trở về nhà, thay đồ lao động ra rồi đi tắm. Ngay ngoài bậc cửa, hắn luôn hỏi vọng vào: “Hôm nay ở nhà có chuyện gì không?” Ariella sẽ đáp với vẻ ngạc nhiên: “Chuyện gì là chuyện gì? Chẳng có gì hết. Anh tắm đi rồi mình uống cà phê.”

*

Trong hộp thư riêng nằm phía bên trái, cách xa cái thùng thư gần với cửa ra vào nhà ăn tập thể, Ariella tìm thấy một tờ giấy nhắn được gấp lại. Trên đó là nét chữ viết tay tròn trịa, điềm tĩnh của Osnat:

Boaz hay quên uống thuốc huyết áp. Anh ấy cần uống vào mỗi sáng và tối trước khi đi ngủ. Buổi sáng, anh ấy còn phải uống nửa viên thuốc cholesterol. Chị đừng cho anh ấy ăn tiêu đen hay nhiều muối trong rau trộn, nên ăn phô mai ít béo nhưng đừng thêm thịt bò. Anh ấy có thể ăn gà và cá, nhưng đừng nêm nhiều gia vị quá. Và không nên để ảnh dùng quá nhiều đồ ngọt.
Osnat
T.B: Boaz nên uống ít cà phê đen lại.

Ariella Barash viết vài dòng trả lời Osnat, với nét chữ sắc cạnh và chất chứa sự bất an. Cô bỏ mảnh giấy vào hòm thư:

Cảm ơn chị. Chị thật tử tế khi đã viết thư cho tôi. Boaz còn bị ợ nóng nhưng anh cứ bảo không sao hết. Tôi sẽ thử làm những việc chị đã dặn nhưng anh ấy không hề dễ tính chút nào. Anh ấy không hề để tâm đến sức khỏe, và cũng vô tâm với rất nhiều chuyện khác nữa. Chị biết mà phải không. Ariella B.

Osnat trả lời:

Nếu chị đừng cho anh ấy ăn thức ăn chiên, đồ chua hoặc cay, ảnh sẽ hết ợ nóng.
Osnat.

Vài ngày sau, Ariella Barash trả lời:

Tôi vẫn thường tự hỏi, rốt cuộc, chúng tôi đang làm gì vậy? Anh ấy thì chôn chặt cảm xúc còn lòng tôi thì không thể nào yên được. Ảnh bao dung với con chó của tôi nhưng không thể chịu nổi con mèo. Chiều nào từ ga-ra về, Boaz cũng hỏi tôi: Hôm nay có chuyện gì không? rồi đi tắm, uống chút cà phê đen, và ngồi lên ghế của tôi đọc báo. Khi tôi thử mang cho anh ấy tách trà thay vì cà phê, ảnh liền nổi đóa lên và cằn nhằn rằng tôi hãy thôi làm mẹ của anh ấy đi. Sau đó Boaz thiếp đi, tờ báo rơi xuống sàn. Bảy giờ tối, anh thức dậy nghe tin tức trên đài. Vừa nghe, anh vừa nựng nịu con chó và lẩm bẩm mấy lời âu yếm. Nhưng khi con mèo nhảy lên đùi anh và vòi vĩnh được cưng chiều thì Boaz lại hất nó ra với vẻ ghét bỏ khiến tôi xấu hổ vô cùng. Khi tôi nhờ anh sửa cái ngăn kéo bị kẹt thì anh ấy không chỉ sửa mà còn tháo nó ra và gắn vào hai cánh cửa tủ kêu cọt kẹt, rồi cười nhăn nhở hỏi liệu có nên sửa luôn nền nhà hay mái nhà không. Tôi tự hỏi trước đây, điều gì ở anh ấy đã thu hút tôi vậy và có lẽ bây giờ vẫn còn một chút chăng, nhưng tôi không tìm được câu trả lời nào rõ ràng. Thậm chí sau khi tắm xong, móng tay anh ấy vẫn xỉn màu dầu máy còn bàn tay thì thô ráp và nứt nẻ. Sau khi Boaz cạo râu, dưới cằm vẫn còn lún phún vài cọng. Có thể vì lúc nào anh ấy cũng ngái ngủ, ngay cả khi Boaz đang thức thì trông anh vẫn có vẻ buồn ngủ nên tôi luôn phải cố gắng đánh thức anh dậy. Nhưng tôi chỉ giữ cho ảnh tỉnh táo được một chút, chắc chị biết sao rồi đấy, không phải lúc nào tôi cũng làm được. Không một ngày nào mà tôi không nghĩ đến chị, Osnat ạ. Tôi tự hỏi liệu chị có thể tha thứ cho những việc tôi đã làm với chị không. Thỉnh thoảng, tôi tự nhủ phải chăng Osnat cũng chẳng quan tâm lắm, phải chăng chị hết yêu anh ấy rồi? Làm sao mà biết được. Có lẽ chị nghĩ rằng thật ra tôi đã chọn lựa như thế. Nhưng thực sự chúng tôi đâu hề có sự lựa chọn. Đó đơn thuần là sự lôi cuốn giữa người đàn ông và người đàn bà, đột ngột xảy ra và thậm chí có chút ngớ ngẩn. Chị có nghĩ giống tôi không? Nếu như chị có con rồi, hẳn chúng ta sẽ chịu nhiều tổn thương hơn thế. Vậy còn anh ta? Thật ra anh ta đang nghĩ gì? Liệu có ai nói cho tôi biết được không? Chị biết rất rõ Boaz nên ăn gì và không nên ăn gì. Nhưng chị có biết lòng ảnh đang nghĩ gì? Hay là, rốt cuộc anh ta có cảm xúc gì không? Có lần, tôi từng hỏi Boaz có hối hận không và anh ta đáp: “Em nhìn đi, anh đang ở đây với em. Không phải với cô ta.” Tôi mong chị biết điều này, Osnat ạ. Gần như đêm nào sau khi Boaz ngủ say, tôi cũng trằn trọc trên giường, nhìn ánh trăng lọt qua khe rèm chiếu vào căn phòng tối của chúng tôi và tự hỏi, nếu tôi là chị thì mọi chuyện sẽ thế nào. Tôi ngưỡng mộ sự điềm tĩnh của chị. Giá tôi có thể có một chút sự điềm tĩnh đó. Thỉnh thoảng tôi trở dậy, mặc quần áo và đi ra cửa, chợt nghĩ sẽ đến chỗ chị lúc nửa đêm và giải thích tất cả. Nhưng tôi có thể nói gì bây giờ? Tôi đứng ngoài ban công cả mười phút, nhìn lên bầu trời đêm trong veo và tìm kiếm chòm sao Đại hùng, rồi lại thay đồ ra, leo lên giường và tiếp tục trằn trọc. Boaz đang ngáy rất say sưa. Thốt nhiên, tôi cảm giác như mình đi lạc vào một nơi nào đó, thậm chí biết đâu là phòng của chị. Nhưng mong chị hãy hiểu cho, chuyện này chỉ xảy ra với tôi vào ban đêm, khi tôi không thể chợp mắt và không hiểu nổi rốt cuộc chuyện gì đã xảy ra và tại sao lại như thế. Tôi chỉ cảm thấy có điều gì đó vô cùng gần gũi với chị. Tôi muốn đến tiệm giặt làm chung với chị. Chỉ hai chúng ta thôi. Lúc nào tôi cũng mang theo những mảnh giấy dặn dò của chị trong túi và lấy ra đọc đi đọc lại. Tôi muốn chị hiểu rằng tôi trân trọng từng câu, từng chữ chị viết và thậm chí, ngưỡng mộ cả những điều chị không viết. Mọi người trong kibbutz bàn tán về chúng tôi. Họ ngạc nhiên về Boaz. Họ nói tôi chỉ tình cờ đi ngang, cúi xuống và lôi anh ấy ra khỏi tay chị. Còn Boaz thì đâu quan tâm đến chuyện gì khác ngoài căn nhà để đi về mỗi ngày và chiếc giường để ngủ mỗi đêm. Hôm nọ, khi đến gần văn phòng, Roni Shindlin nháy mắt với tôi, cười toe toét và bảo: Thế nào, nàng Mona Lisa, chân nhân vẫn bất lộ tướng chứ hả? Tôi nín lặng và bỏ đi, lòng xấu hổ vô cùng. Rồi tôi về nhà và khóc. Có những đêm sau khi Boaz ngủ say, tôi lại khóc một mình, không phải và không chỉ vì anh ấy, mà vì tôi và chị. Có lẽ một chuyện gì đó rất tệ hại đã xảy ra với cả hai chúng ta mà không thể cứu vãn được. Thỉnh thoảng, tôi hỏi anh ấy: Cái gì vậy Boaz? Và nhận được câu trả lời: Có gì đâu. Tôi bị hút vào cái sự trống rỗng ấy – như thể anh ấy chẳng có gì để nói cả, hệt như anh ấy được sinh ra từ sa mạc cô đơn. Nhưng mà, tại sao tôi lại kể với chị mấy chuyện này nhỉ? Tôi biết chị sẽ buồn khi nghe vậy và tôi không bao giờ muốn khoét sâu thêm nỗi đau của chị. Ngược lại, tôi chỉ muốn chia sẻ với chị nỗi cô đơn khi cố gắng hiểu anh ấy thêm một chút. Hình như sáng nay, lúc anh ấy đang ngủ say, cuộn người lại như em bé nằm trong bụng mẹ, con chó nằm dưới chân còn con mèo đang nằm trên bàn, đôi mắt vàng vàng của ảnh vẫn dõi theo đôi tay tôi đang viết không ngừng dưới ánh đèn bàn. Tôi biết việc này là vô nghĩa. Tôi biết mình phải ngừng viết, thậm chí, chị sẽ không muốn đọc bức thư dài tận bốn trang này. Có lẽ chị sẽ xé và ném nó đi. Có lẽ chị sẽ nghĩ rằng tôi mất trí rồi mà đúng là thế thật. Chúng ta có thể gặp nhau nói chuyện được không? Không phải về chế độ ăn uống hay thuốc thang cho Boaz. (Tôi thật sự đã cố gắng nhắc nhở anh ấy đừng quên. Tôi đã cố, nhưng không phải lúc nào cũng được. Chị biết cái tính cứng đầu của Boaz mà, hình như anh ấy nghĩ nó không cần thiết hay đúng hơn là chẳng quan tâm.) Chúng ta có thể trò chuyện về những thứ khác nhau, như các mùa trong năm hay thậm chí bầu trời đêm đầy sao vào những tối mùa hè này. Tôi rất thích tìm hiểu về các vì sao và tinh vân. Có lẽ chị cũng thế chăng. Tôi sẽ chờ thư hồi âm và mong chị sẽ chia sẻ với tôi chị đang nghĩ gì, Osnat ạ. Chỉ hai từ thôi. Tôi đợi. Ariella B.

Osnat để lá thư nằm chờ trong hộp. Cô quyết định không trả lời. Cô đọc nó hai lần, gấp lại rồi bỏ vào ngăn kéo. Lúc này, Osnat đứng lặng thinh, nhìn ra ngoài cửa sổ. Ba con mèo đang ở bên hàng rào: một con bận nhay nhay cái chân; một con sà thấp người xuống đất hoặc cũng có thể đang lơ mơ gật gù nhưng đôi tai vẫn lay lay một cách đầy cảnh giác, như thể luôn sẵn sàng đón bắt mọi âm thanh mong manh nhất; còn con thứ ba đang rượt theo cái đuôi, xoay mòng mòng và nhẹ nhàng nằm ngửa ra vì nó còn quá nhỏ. Một cơn gió dịu dàng thoáng qua, chỉ vừa đủ làm nguội tách trà. Osnat rời khung cửa sổ, ngồi xuống ghế sofa, thẳng lưng, đặt hai tay lên đầu gối và nhắm mắt lại. Buổi tối sẽ sớm đến thôi, Osnat sẽ thưởng thức nhạc trên đài và đọc một cuốn sách. Sau đó, cô thay quần áo, gấp bộ đồ mặc nhà lại gọn gàng, sắp sẵn quần áo đi làm ngày mai, leo lên giường và chìm vào giấc ngủ. Kể từ hôm nay, giấc ngủ của cô sẽ thôi mộng mị. Và cô sẽ thức dậy trước khi báo thức reo. Những chú chim bồ câu sẽ đánh thức cô.

Hết.

Phương Hạ dịch

Ảnh đầu bài: Vô đề, Pinchas Abramovich | Photo © The Israel Museum, Jerusalem

Nguyên tác Two Woman, Amos Oz đăng trên tạp chí Harper’s.

Chú thích:

  1. Kibbutz (tiếng Do Thái) là một cộng đồng nông thôn độc nhất vô nhị trên thế giới hiện vẫn còn tồn tại ở Israel, một hệ thống kinh tế xã hội dựa trên nguyên tắc sở hữu chung tài sản, bình đẳng và hợp tác trong mọi mặt của đời sống; thực hiện lý tưởng một xã hội công bằng – nguồn: Thạc sĩ Trần Thị Thu Hương, IAMES.

Sáng tác

Thơ: Lau nước mắt và lại đi… (Lavender So Blue)

Published

on

Em có biết không?
Tự do từ đâu mà có
Câu chuyện từ đâu mà được kể
Những bài báo vui buồn từ đâu mà viết ra
Em có biết không?
Niềm tin từ đâu mà có
Mảnh đất này còn bao sự diệu kỳ
Đâu phải chỉ có những xót xa
Lấy trời làm nhà
Đất làm chăn ấm
Gió gội mái đầu xanh và biển bạc tắm ướt đẫm da vàng
Chốn thị phi
Người cô độc than khóc
Kẻ lỡ làng đi tìm tri kỷ
Còn ta chỉ là người hay khóc
Lau nước mắt và lại đi…

Lavender So Blue

Đọc bài viết

Sáng tác

Truyện ngắn: Những chiếc lá zombie (Điển Tuyết)

Published

on

Tôi quyết định đổi nơi làm việc, dù Wyandotte là một nơi chốn vô cùng bình yên suốt 5 năm qua. Tôi không định nói lời chia tay đồng nghiệp. Bọn họ quá bận rộn để đọc và hồi đáp một email chia tay giữa mùa Covid. Ai cần tôi thì họ sẽ vẫn liên lạc thôi.

Trong căn hộ này, mỗi một inch đều chất chứa nhiều kỉ niệm, kỉ niệm của tôi những năm tháng hậu chia tay Stovall. Lúc này là vào cuối đông, nhưng cây phong ngoài cửa sổ vẫn còn nguyên những chiếc lá khô cong như hồi cuối thu. Gió vùng này thổi rất mạnh, nhưng lạ lùng làm sao, những chiếc lá phong khô héo, chết lâu ngày kia vẫn không chịu lìa cành. Cứ như thể chúng vẫn đang sống, sống đời zombie của giống loài thực vật. Màu nâu, màu nâu cong, là màu mới của sự sinh tồn chăng?

Căn hộ của tôi chất đầy thùng các tông để mở. Thật khó quyết định những gì cần mang theo đến nơi ở mới. Mất cả tuần liền, tôi chỉ ngồi phân loại mọi thứ ra thành hai loại: cần và rất cần. Thật, có thứ gì trong căn hộ này mà tôi không cần đâu?

Soạn mãi soạn mãi, rồi không rõ thế nào mà tôi vớ phải tập ảnh Stovall chụp khi chúng tôi còn chung sống. Mới chừng hai chục năm trước đây thôi. Có một tấm tôi mỉm cười với khuôn miệng rộng, gương mặt rạng rỡ, phía sau là vườn mai vàng lộng lẫy. Lúc đó, chúng tôi vừa cưới xong, đang bắt tay vào trang trí căn nhà đầu tiên của cả hai. Stovall chụp lại mọi thứ trong nhà, kể cả những vật dụng bình thường nhất, chẳng hạn như chiếc bàn chải đánh răng bằng gỗ tre của tôi. Cảm giác hạnh phúc chầm chậm dâng lên trong tôi, Stovall luôn luôn đáng tin cậy, luôn luôn hết lòng yêu thương tôi. Làm sao tôi có thể bỏ đi kỉ niệm đầu tiên êm ấm này? Đã bao lần, tôi đã định bỏ tập ảnh nhưng...

Năm năm trước, chúng tôi ly hôn. Stovall hỏi tôi liệu có cách nào khác không vì chuyện đâu có đến nỗi nào, tình yêu của chúng tôi chỉ nhạt đi như bất kỳ đôi lứa nào, rồi sẽ ấm áp lại nhanh thôi mà.

Tôi nhìn sâu vào mắt anh, trả lời: “Em biết điều anh muốn là gì.” Và tôi dọn ra khỏi nhà, mặc cho Stovall ôm đầu đau khổ. Anh vẫn gọi cho tôi thường xuyên trong năm đầu tiên, cố thuyết phục tôi quay trở lại, ngay cả khi biết tôi đã có mối quan hệ mới. Anh thôi làm chuyện vô vọng khi tôi qua lại đến người đàn ông thứ ba. Dù vậy, mỗi khi cần nhau tư vấn về thiết kế mĩ thuật, chúng tôi vẫn ôm điện thoại sôi nổi như không hề có bất kỳ xáo trộn gì trong đời sống tình cảm. Chúng tôi rất hòa hợp với nhau trong nghề nghiệp. À, kỳ thực là trong hầu như tất cả mọi mặt, ngoại trừ việc tôi không thể...

Stovall vừa lấy vợ hồi năm ngoái. Họ kết hôn khi bé Hermes vừa chập chững bước đi. Tôi đã bật khóc như mưa khi biết tin anh yêu Ariana, một người bạn thân thiết của cả hai. Tôi thấy tim mình đau đớn đến không khóc được khi Hermes ra đời, và phải nói là tận cùng của sụp đổ khi nhận được thiệp cưới của hai người họ.

Rất nhanh, tôi chúc mừng Stovall. Anh và Ariana không thể tìm thấy người bạn nào tốt hơn tôi nữa, tôi chứng minh cho cả thế giới thấy mình là một người cũ văn minh. Tôi thậm chí còn tay trong tay với Greg, người tình thứ 6, thứ 7 gì đó, đến dự đám cưới của Stovall và vẽ các họa tiết trên váy cưới giúp Ariana.

Tập ảnh này là thứ duy nhất còn sót lại về cuộc hôn nhân đầu tiên và duy nhất của tôi. Chỉ cần bỏ nó vào trong đống lửa dưới sân chung cư thì tôi có thể thực sự kết thúc cơn đau kéo dài suốt 20 năm của mình rồi.

Nhưng không, không, Stovall và tôi của ngày xưa không có tội tình gì để bị đốt cháy thành than tro như vậy cả. Ký ức đó vẫn có đời sống riêng của nó, như những chiếc lá phong khô đét trên cành kia, tuy khô tàn héo rũ nhưng thượng đế vẫn xót thương gìn giữ chúng bình yên xuyên suốt mùa đông dập dìu mưa tuyết và gió bão. Vào mùa thu, bằng một phép màu nào đó, những chiếc lá sẽ lại xanh tươi, sẽ lại đỏ rực trên cành. Chỉ là không biết những chiếc lá nâu khô cong kia sẽ biến đi đâu và biến đi vào lúc nào mà thôi.

Khi dọn đến nơi ở mới, Boize, tôi tìm mãi không thấy tập ảnh cũ của Stovall, dù đã lục tung tất cả các thùng các-tông và cẩn thận bài trí lại mọi thứ y nguyên như trong căn hộ cũ ở Wyandotte.

Bằng một phép màu nào đó, tập ảnh đã không cánh mà bay. Tôi chắc chắn mình không vì say khướt mà ném nó vào đống lửa ngoài sân. Chỉ nhớ mang máng vào buổi chiều cuối cùng tôi đã ngồi tựa đầu vào cây phong lộng gió rất lâu. Với tập ảnh trong tay.

Điển Tuyết

Đọc bài viết

Sáng tác

Truyện ngắn: Hồi ức (Điển Tuyết)

Published

on

Đôi mắt của Hắc Ám không rõ đang buồn hay đang vui. Bầu trời từ từ sầm tối. Âm nhạc của những buổi chiều muộn nhân lên nỗi niềm trong cô. Những thước phim buồn trong đời chiếu lại trong tâm trí. Cuộc đời nhiều phút bất ngờ quá, và lòng người, như ngàn năm vẫn vậy, là thứ ẩn tiềm nhiều bất trắc.

Một cuộc gọi. Phía đầu dây bên kia là một khách hàng cần sự giúp đỡ.

“Cảm ơn cô! Không có cô tôi không biết làm sao!” Người khách hàng trẻ tuổi nói sau khi xong việc.

Hắc Ám vui nhẹ, tạm quên những đau đớn hằn sâu trong lòng. Tình người của những năm tháng này xa xôi như vậy đó, xa như một ngọn nến leo lét cháy trong đêm mịt mù, chỉ nhoi nhói lên chút hy vọng.

Một cuộc gọi khác. Phía đầu dây bên kia là một người quen cần nói một điều gì đó. Những lời nói như cứa vào lòng Hắc Ám, khiến cô toàn thân run rẩy. Cô bấm nút tắt, chặn và không quên xóa luôn số của người ta.

Danh bạ của cô bây giờ chỉ còn những cuộc gọi của khách hàng và những số điện thoại tiếp thị. Cô đã đến tình trạng bất kỳ lời nói chớm trách hờn, chớm mỉa mai, chớm châm chọc nào cũng làm cho bản thân thấy phẫn uất.

“Sao ngươi ghét người quá vậy?” Ai đó hiện ra trong giấc mơ.

“Ừ! Kệ đi!” Hắc Ám buồn rầu.

Nếu sự im lặng có tác dụng làm cho ai đó đỡ phải ngại ngùng mở lời hoặc đỡ phải ngượng ngùng nhận sai, nó có tác dụng hủy diệt đi tình thương và niềm tin của Hắc Ám – người phải chịu đựng sự im lặng phi lý và đôi khi, cả những lời lẽ không thể tàn nhẫn hơn mà con người đã dành cho nhau.

Điều khủng khiếp nhất chưa dừng lại đó. Hắc Ám của những năm tháng về sau này cũng lấy phương thức tệ hại đó để áp dụng với người khác. Còn tàn nhẫn hơn.

Điển Tuyết

Đọc bài viết

Cafe sáng