Trà chiều

Game of Thrones (Trò Chơi Vương Quyền) – Từ người hùng đến hư vô

Published

on

From zero to hero – đó là những suy nghĩ chủ đạo của tôi trong phần lớn thời gian theo dõi hành trình của Dany. Gần như những suy nghĩ này không thay đổi cho đến khi tôi chạm phải kết thúc sau cùng. Đoạn kết tối hậu ấy không chỉ thay đổi toàn bộ cục diện của Game of Thrones, nó cũng đảo chiều toàn bộ tâm tư tình cảm của tôi dành cho các nhân vật nhưng có lẽ là ít theo hướng mong muốn của George R.R. Martin hoặc Dumb và Dumber (cho phép tôi bất nhã tạm gọi hai nhà biên kịch đại tài của chúng ta với biệt danh trìu mến như vậy).

Ba lần bị spoil

Long Shot

Khi khởi sự xem GOT vào những ngày đầu tiên của mùa hè năm nay, tôi xác định sẽ tự phân tích xem những điểm nổi tiếng ở GOT mà mọi người vẫn thường hay ca ngợi thực hư thế nào, những đánh giá đúng đến bao nhiêu: rằng kịch bản thông minh, ngập tràn twist, series rất chịu khó giết nhân vật để thay máu mới… Tôi muốn một lần nữa cố gắng xem phim với lí trí như ngày xưa. Lẽ dĩ nhiên, một trong những nỗi khổ khi sống ở thời đại công nghệ thông tin mà bạn xem phim chậm hơn đại đa số khán giả gần một thập kỉ thì chuyện bị spoil là không thể tránh khỏi. Giống như câu ngụ ngôn “khi bạn không nhận thức điều gì đó, nó không tồn tại” và ngược lại, một khi bạn đã có nhận thức về nó, đi đâu bạn cũng sẽ thấy nó – thứ mà ngày xưa dù ở ngay trước mắt, bạn cũng không để ý. Trong trí nhớ mơ hồ, tôi có cảm giác rằng trước đây mình đã xem rất nhiều phim đề cập đến GOT hoặc có tình tiết nhân vật bàn luận, trao đổi về GOT. Những khi ấy, vì chưa xem một tập GOT nào nên tôi không hề bị spoil, việc phải tri nhận nội dung của bộ phim gốc mình đang xem đã đủ khiến trí não tôi bận bịu để quên đi những chi tiết hé lộ tác phẩm khác mà nó đề cập trong vài tình tiết không quan trọng. Thế nhưng, từ mùa hè năm nay, mọi chuyện đã bắt đầu đổi khác. Với ý thức rằng GOT chiếm được cảm tình của phần đông khán giả vì tình tiết bất ngờ, tôi cố gắng tránh bị spoil trong quá trình xem phim đến mức tối đa bằng cách không bao giờ search từ khóa “Game of Thrones” trên Google hay Youtube dù là để tìm hình hay nhạc, vì tôi sợ các công cụ thông minh này sẽ ghi nhớ lịch sử tìm kiếm của tôi và sau đó, trong quá trình tôi tìm kiếm một thứ gì khác, nó sẽ vô tình đề xuất cho tôi các kết quả tìm kiếm có liên quan hoặc tiết lộ một tình tiết quan trọng của GOT. Mọi chuyện khá suôn sẻ khi tôi xem season đầu tiên, nhưng đến vài tập đầu của season 2, dù cẩn thận đến mấy, tôi đã bắt đầu vấp phải cú spoil đầu tiên trong tình huống tôi không mấy ngờ tới. Đó là từ phim hài – lãng mạn Long shot với sự tham gia diễn xuất của Charlize Theron và Seth Rogen. Trải nghiệm xem phim của tôi khá ổn cho đến khi Charlotte Field (Charlize Theron) tâm sự rằng cô đã khóc khi xem cảnh một con rồng của khaleesi hóa thành White Walker – về sau, tôi mới biết rằng đó là chi tiết nằm ở tập cuối cùng của season 7 mà lúc đó, tôi lại chỉ mới xem đến vài tập đầu của season 2. Tâm trạng của tôi lúc đó khá bực bội vì tôi hiểu được sự bất ngờ rúng động của Charlotte, nhưng đồng thời tôi cũng hiểu rằng mình sẽ không còn sửng sốt nữa khi tự thân xem đến tình tiết ấy.

Lần thứ hai, tôi vấp phải cú spoil khác có lẽ là khi xem đến season 3 hoặc 4, trong một ngữ cảnh tôi cũng không thể ngờ tới. Đó là khi tôi đang chat với một người bạn trên Instagram. Tôi chỉ đơn thuần muốn gửi cho bạn biểu tượng “<3”, nhưng bỗng Instagram trả lại một loạt ảnh động các cặp đôi hôn nhau để gợi ý tôi sử dụng. Một trong những hình ảnh đó là cảnh Daenerys và Jon hôn nhau. Tôi sửng sốt và vội vàng tắt màn hình. Ở season 3 hoặc 4, hai nhân vật ấy vẫn chưa gặp nhau. Đến season 7 (tức gần cuối phim), họ mới gặp và yêu nhau. Khi xem vài season đầu của phim, đôi khi tôi cũng hình dung sẽ ra sao nếu Jon và Daenerys gặp nhau? Hai nhân vật dường như ở hai đầu thế giới với điều kiện thời tiết hoàn toàn khác biệt nhưng lại có nhiều điểm tương đồng về mô thức tự sự: cả hai đều xuất thân từ gia đình quý tộc nhưng vì những lí do khác nhau, không được mọi người công nhận và trọng vọng ngay từ đầu, qua những nỗ lực tự thân, dần dần cả hai từng bước đi lên, chiếm được vị trí cao, có được sự tin cậy từ nhiều người trong cộng đồng của họ. Tôi nhớ rằng tôi đã có một linh cảm mơ hồ về tình yêu của hai nhân vật này từ rất sớm, có lẽ ở season 2, vào lúc trước cả khi Jon gặp Ygritte. Việc ảnh gif ấy vô tình spoil tôi đã chính thức xác nhận dự cảm đó. Ở đây, chi tiết spoil này có cả mặt tích cực lẫn tiêu cực. Tích cực ở việc nó giúp tôi có thêm động lực theo dõi phim để xem hai người gặp nhau và phát triển mối quan hệ như thế nào. Tiêu cực ở chỗ nó khiến tôi dự đoán được trước nhiều tình tiết liên đới, chẳng hạn: khi Jon gặp và yêu Ygritte, tôi đã biết thế nào Ygritte cũng phải chết hoặc không còn yêu anh nữa thì Jon mới đến với Daenerys; và khi Jon mất ở cuối season 5, tôi đã đoán chắc Jon sẽ được hồi sinh lại ở season 6.

Fast & Furious Presents: Hobbs & Shaw

Lần thứ ba – cũng là lần sau cuối, tôi vấp phải cú spoil lớn nhất trong sự nghiệp xem phim của mình nói chung khi xem Fast & Furious Presents: Hobbs & Shaw – vào thời điểm ấy, tôi đang xem đến season 6 của GOT. Trong mid credit của Hobbs & Shaw, nhân vật Locke (Ryan Reynolds) đã tiết lộ đoạn kết của GOT trong một tràng dài liên miên bất tận, liến thoắng không ngừng rằng Jon làm tình với cô ruột của mình rồi sau đó giết cô. Tôi đã mong đó không phải là một cái spoil thật nhưng rốt cuộc, mọi thứ đều diễn ra đúng như vậy ở season 7 và trong đại kết cục của season 8. Lẽ đương nhiên nó ảnh hưởng rất nhiều đến việc thưởng thức phim của tôi vì sự bất ngờ không còn nữa. Nhưng tôi đã luôn thưởng thức với hi vọng mọi thứ có thể khác đi.

Một hình tam giác quá bất cân xứng

Giờ đây, sau khi đã xem xong GOT được hơn mười ngày, ngẫm nghĩ lại tôi mới phát hiện cả ba tình tiết bị spoil ấy đều là về Daenerys Targaryen – nàng vốn không phải là nhân vật tôi yêu thích ngay từ đầu. Với tôi, cốt truyện “from zero to hero” đã trở nên quá nhàm chán khi xem nhiều phim Hollywood theo công thức kiểu Save the cat, hơn nữa hàng năm chúng ta còn được nhồi thêm biết bao nhiêu phim của Marvel và Disney với câu chuyện tương tự. Chính vì thế, câu chuyện của Dany và một số nhân vật khác có nội dung gần giống nhau trong GOT như Jon Snow, Arya Stark, Bran Stark (với Arya và Bran thì câu chuyện còn là một dạng coming of age, hình thành dựa trên việc luyện tập kĩ năng)… đã không tạo nên quá nhiều sự yêu thích đặc biệt trong tôi nhưng khi ở trong tổng thể chung của GOT, nó vẫn đủ hấp dẫn để theo dõi. Ngược lại, khi xem GOT, tôi thích các câu chuyện về hành trình sa đọa (descent) hoặc chuộc lỗi (redemption) hơn như câu chuyện của Jaime Lannister, Theon Greyjoy, The Hound (redemption) hoặc Tyrion Lannister (descent)… Một người đang ở vị trí thuận lợi trong cuộc đời họ, có một chỗ đứng và đỉnh cao nhất định rồi dần sa sút; trong vô thức hay bằng sự chủ đích, cố gắng chuộc lỗi, cố gắng vươn lên những điều tốt đẹp hơn trước đây… mô thức này nếu diễn giải dưới dạng hình học sẽ tạo ra một hố lõm, một đường cong có đỉnh nằm phía dưới – nhưng đây cũng chính là hình ảnh của một khuôn miệng cười; vì vậy, trong ngôn ngữ thị giác, nó tượng trưng cho niềm vui sau cùng. Tôi còn nhớ trong lớp học “Mĩ thuật cơ bản” ngày xưa mình từng tham gia ở FPT Arena, thầy phụ trách lớp có nói rằng chính vì lẽ đó, trong tranh tôn giáo vẽ cảnh thân xác Chúa Jesus được môn đồ dìu xuống sau khi đã bị đóng đinh trên Thánh giá, thường bố cục tranh ít khi nào nằm theo một đường cong lõm xuống – đó không phải là chuyện vui. Ngược lại, bố cục luôn nằm theo đường cong trồi lên vốn mang cấu trúc thị giác tương tự một khuôn miệng đang mím môi buồn bã.

Nếu như các câu chuyện khởi nguồn từ sự sa đọa và kết thúc là hành động chuộc lỗi đi theo mô thức đường cong lõm thì ngược lại, các câu chuyện với nhân vật ở xuất phát điểm thấp – cố gắng vươn lên – đạt được thành công – rồi từ trên đỉnh cao rơi xuống hố sâu khôn cùng… lại diễn ra theo đường cong lồi – xét trong ngôn ngữ thị giác, đó đương nhiên là chuyện buồn.

Đáng tiếc thay, câu chuyện của Daenerys Targaryen lại đi theo đường cong lồi. Nàng từ một người dường như không có gì thành một người gần như có tất cả, rồi cuối cùng, mọi thứ bỗng chốc hóa hư không. Dù chúng ta đã được chuẩn bị từ những season trước đó một vài dấu hiệu sơ khởi nhưng vẫn không thể nào thoát khỏi cơn bàng hoàng khi chứng kiến sự điên loạn của nàng bùng phát ở tập 5 season 8. Nếu diễn giải chính xác hơn, Dumb và Dumber đã không cho câu chuyện của nàng đi theo đường parabol lồi mà đi theo hình tam giác có độ dài hai cạnh bên quá chênh lệch nhau. Ta có thể tạm diễn giải rằng lựa chọn này là do hai nhà biên kịch muốn tạo sự bất ngờ sửng sốt, bởi lẽ theo cấu trúc của đường parabol lồi thì quá trình thăng tiến và quá trình sa đọa sẽ đồng đều nhau dẫn đến việc khán giả được chuẩn bị trước quá nhiều nên không bất ngờ nữa. Có thể thấy, sự lựa chọn nào cũng có ưu – khuyết điểm riêng. Tuy nhiên, cá nhân tôi lại hình dung rằng mình thích câu chuyện của nàng đi theo hướng parabol lồi hơn. Tôi nghĩ nó nên là hướng câu chuyện phát triển bởi lẽ theo tâm lí thông thường của con người, không ai tốt lên trong một ngày, cũng không ai tệ hẳn đi trong một đêm. Mọi thứ cần phải có thời gian thích hợp để phát triển. Trong bài báo Game of Thrones’ author George R.R. Martin determined to finish book by 2016 trên tạp chí Entertainment Weekly, tác giả George R.R. Martin cũng từng phát biểu rằng:

“It’s easy to do things that are shocking or unexpected, but they have to grow out of characters. They have to grow out of situations. Otherwise, it’s just being shocking for being shocking. But this is something that seems very organic and natural, and I could see how it would happen.”

“Xây dựng tình tiết sốc hoặc bất ngờ thì rất dễ, nhưng nó phải khởi nguồn từ nhân vật. Nó phải khởi nguồn từ những tình huống. Nếu không thì chỉ đơn thuần là làm sốc để cho sốc thôi. Tuy nhiên, nó phải là thứ gì đó dường như rất hợp lí và tự nhiên mà tôi có thể hình dung sẽ diễn ra như thế nào.”

Tôi nghĩ đây cũng chính là điều GOT đã làm được từ season 1 đến season 5 khi có tác phẩm của Martin làm kim chỉ nam. Khán giả không ngừng bị bất ngờ nhưng đồng thời vẫn không khỏi trầm trồ, thán phục và chấp nhận những tình tiết bước ngoặt ấy. Nguyên nhân là vì Martin đã không bóp méo nhân vật ông tạo ra một cách bất tự nhiên để gây sốc. Các tình tiết bất ngờ diễn ra không phải vì ý định chủ quan của một nhân vật nào mà là hệ quả từ một chuỗi những lựa chọn của nhiều nhân vật liên đới nhau nhưng thoạt tiên, ta sẽ không nhìn ra được tác động qua lại. Điển hình nhất là Red Wedding. Khi thử trả lời câu hỏi vì sao Red Wedding diễn ra, ta sẽ nhận thấy rất nhiều nhân vật liên can trong bức tranh đó. Tuy rằng việc thuật lại sau đây sẽ rất dài nhưng để làm rõ luận cứ cho luận điểm của mình, tôi sẽ tóm tắt một chút. Đầu tiên, nguyên nhân hẳn nhiên là Robb Stark vì anh đã hủy hôn ước với nhà Frey. Nhưng Walder Frey sẽ không vì chuyện đó mà giết Robb ngay – ông có động cơ nhưng chưa đủ mạnh, nếu ông hành động ta sẽ thấy phi lí. Bên cạnh đó, Robb lúc này đang giam giữ Jamie Lannister. Jamie vì muốn về lại bên Cersei đã bất chấp giết người họ hàng của dòng họ mình đến đưa tin, đồng thời giết luôn cả người lính gác nhà Karstark để tẩu thoát. Không được bao lâu thì Jamie bị bắt lại, sau hành động đó dĩ nhiên cả doanh trại, đặc biệt là lãnh chúa Rickard Karstark rất phẫn nộ và muốn giết anh. Nhưng Jamie lại là một con tin chiến tranh quan trọng, đặc biệt là với Catelyn Stark vì bà cho rằng cả Sansa lẫn Arya đều đang còn làm con tin ở King’s Landing. Sợ Jamie bị nhà Karstark giết, bà đã thả Jamie và bắt anh hứa phải đưa hai người con gái của bà quay về nhà an toàn. Quyết định này khiến sự phẫn nộ trong quân đoàn của Robb càng thêm dâng cao, khi qua Riverrun, Rickard Karstark lại giết thêm hai đứa trẻ vô tội nhà Lannister để phần nào nguôi mối thù với dòng họ này. Nhưng hành động đó khiến Robb – một người quá nguyên tắc với những chuẩn mực đạo đức, danh dự đã quyết định xử tử Rickard Karstark bất chấp lời khuyên của người nhà. Việc này khiến Robb bị giảm gần một nửa lượng quân số và buộc phải nghĩ cách để bù lại số lượng hao hụt đó. Ở gần nơi ấy là Twins và nhà Stark nghĩ rằng giao ước ngày xưa với nhà Frey phần nào vẫn có thể cứu chuộc bằng sự thay thế cho vị trí của Robb là người chú Edmure Tully, hôn lễ đã được ấn định với sự chấp thuận của Walder Frey – một người ngay từ đầu Catelyn có cảnh báo với Robb rằng rất tự kiêu, dễ cáu giận và không đáng tin. Cuối cùng, tiệc hôn lễ đã trở thành buổi thảm sát khi lộ ra rằng Walder Frey và Roose Bolton đã phản bội nhà Stark bằng cách lập liên minh với Tywin Lannister. Kết quả, Walder Frey cai quản Riverrun, Roose Bolton có được Winterfell, cả hai đều có thêm sự bảo trợ từ gia tộc hùng mạnh Lannister.

Như vậy, khi nhìn lại toàn bộ chuỗi sự kiện dẫn đến Red Wedding, ta có thể thấy câu trả lời sẽ là những cái tên: Robb Stark, Catelyn Stark, Rickard Karstark, Tywin Lannister, Jamie Lannister, Walder Frey, Roose Bolton… Chưa kể, ta còn có thể tính thêm Talisa Maegyr vì đã là nhân tố khiến Robb bội ước, Brienne of Tarth vì đã thề nguyện phục vụ cho Catelyn Stark bởi lẽ nếu không có Brienne thì Catelyn cũng chẳng có ai thân cận đủ tin cậy lẫn khả năng để thực hiện nhiệm vụ hộ tống Jamie về King’s Landing. Như vậy, để một sự kiện bất ngờ là Red Wedding diễn ra, ta có khoảng chín nhân vật cùng tham gia tác động vào. Trong quá trình đó, từng nhân vật vẫn là chính họ và chỉ đơn thuần hành động theo tính cách của họ với những động cơ, lợi ích riêng. Mọi thứ diễn ra rất tự nhiên, không hề để lộ dấu vết khiên cưỡng hay sắp đặt.

Tuy nhiên, khi thử đặt câu hỏi tại sao King’s Landing bị thiêu trụi dù tiếng chuông đầu hàng đã vang lên, ta lại chỉ thu về được một câu trả lời duy nhất: do Daenerys Targaryen đã hóa điên hoặc chí ít về cơ bản, nàng đã thay đổi mục tiêu ưu tiên. Ta lại thử tiếp tục hỏi vì sao Dany đột ngột hóa điên trong thời gian ngắn ngủi như vậy? Ta có thể đưa ra một vài cái tên là lí do như: Cersei Lannister, Tyrion Lannister, Varys, Jon Snow, Viserion, Rhaegal, Missandei, Ser Jorah… nhưng không một lí do nào thật sự thuyết phục ta, kể cả khi đã cộng gộp cùng lúc sự tác động của những lí do này, kể cả khi từ những season trước đó, nàng đã nhiều lần có quyết định độc đoán và chớm bộc lộ dấu hiệu mất lí trí… Tất cả vẫn không đủ vì mọi thứ diễn ra quá nhanh và vội vã một cách hời hợt, không giống với nhịp điệu tiến triển câu chuyện mà Martin đã xây dựng từ những phần trước đó. Tôi không phải nằm về phía ý kiến cho rằng việc Dany hóa điên là bất hợp lí và đang mong chờ phần truyện tiếp theo của Martin ra đời để có một kết cục khác cho nàng. Tôi tin rằng việc Dany hóa điên rồi cuối cùng nàng chết cũng nằm trong dụng ý của chính Martin. Nhưng có lẽ, Martin sẽ xây dựng tiến triển này chậm rãi hơn, phức tạp hơn, hợp lí hơn, cả cái chết của nàng cũng vậy. Chính vì thế, khi được biết thông tin ban đầu HBO vốn mong muốn GOT sẽ có 10 season, mỗi season vẫn là 10 tập nhưng không đạt được thỏa thuận với Dumb và Dumber vì hai nhà biên kịch này nhất quyết dừng lại ở season 8 với 6 tập để dứt áo ra đi, chuyển sang làm dự án phim truyền hình Star Wars cho Disney, tôi không sao tránh khỏi cảm giác buồn bực và tức tối. Khi xem GOT 8, tôi cảm giác rất rõ sự qua loa gấp rút của một người muốn làm cho xong để còn làm những việc khác. Vấn đề lớn nhất của phần cuối là nó phải giải quyết quá nhiều việc quan trọng trong một thời gian rất ngắn ngủi; ở những season trước, ta có thể thấy mỗi season chỉ có một hoặc hai đại sự kiện diễn ra trong 10 tập, nhưng season 8 lại có đến ba sự kiện quan trọng (The Great War, The Last War, cái chết của Daenerys) diễn ra chỉ trong vòng 6 tập. Vì vậy, tôi không thể tránh khỏi cảm giác tiếc nuối như bao người khi nghĩ về GOT. Thật đáng tiếc cho một series huyền thoại đã được nhiều người gầy công xây dựng suốt gần một thập kỉ để rồi nhận kết thúc như vậy. Tính đến thời điểm hiện tại, điểm trên Rotten Tomatoes cho bảy phần trước của GOT luôn nằm ở mức ~ 90%, nhưng phần 8 lại chỉ có 58%. Lẽ ra, chỉ cần chậm rãi và từ tốn hơn, GOT đã để lại nốt nhạc đẹp sau cùng trong lòng khán giả.

Goodbye my Queen

Dù Dany đã bị hai nhà biên kịch cưỡng chết vội vàng ở season cuối nhưng tình cảm tôi dành cho nàng đột nhiên thay đổi, những khoảng trống thờ ơ trước đây bỗng nhiên được lấp đầy bằng sự quan tâm trìu mến và nỗi xót xa. Nhiều ngày trôi qua sau kết thúc tôi đã biết trước khi xem ấy, tôi vẫn không thể tránh khỏi cảm giác bần thần, thẫn thờ. Tôi tự hỏi đi hỏi lại chính mình rằng vì sao nàng hóa điên, vì sao người yêu của nàng có thể dứt khoát, lạnh lùng xuống tay với nàng như thế? Tôi tìm được vài câu trả lời nhưng cũng không thể xoa dịu được chính mình. Bởi lẽ, dù nhanh hay chậm, sớm hay muộn, tôi vẫn có dự cảm rằng kết thúc của nàng sẽ không thay đổi. Nó như một hệ quả tất yếu ngay từ lúc nàng vừa sinh ra. Nó như định mệnh của chính nàng. Tôi xót xa khi mường tượng lại toàn bộ hành trình cuộc đời nàng. Nàng là công chúa của một vương triều đã quá vãng, phải lưu vong cùng người anh trai khinh thường phụ nữ, không tôn trọng chính em gái mình – anh ta bị mù quáng bởi mục tiêu tối thượng duy nhất là giành lại Ngai Sắt. Sau khi anh trai và chồng nàng mất, nàng chẳng còn người thân, nàng hoàn toàn trơ trọi trong thế giới ấy. Niềm an ủi duy nhất là ba con rồng đã bước ra cùng nàng trong lửa và tro tàn. Nàng rất cố gắng nỗ lực để tồn tại, để từ một người gần như chẳng có gì trở thành Mother of Dragons, The Breaker of Chains, Mhysa và cuối cùng là Nữ hoàng. Rồi nàng gặp một người khiến nàng tạm quên đi Ngai Sắt, khiến nàng chấp nhận dự phần vào cuộc chiến rất xa xôi ở phương Bắc vốn không có trong kế hoạch ban đầu của nàng dù khi ấy nàng đã ở rất gần phương Nam, khiến nàng mất đi quân lực và những thân hữu tin cậy nhất…, những mất mát đó xứng đáng được đáp trả bằng một tình yêu lớn lao từ đối phương. Nhưng qua những gì thể hiện trên màn ảnh, Jon cho tôi thấy rằng anh là một người yêu vô cùng hời hợt, quá thiếu sự nồng ấm sẻ chia và quá thừa lí trí, những mối bận tâm bao đồng. Khi ngẫm nghĩ lại, tôi nhận ra Jon chưa bao giờ làm được điều gì cho Dany ngoài những phút ái ân ban đầu. Về sau, anh chỉ luôn miệng nói: “She is/ You’re my Queen,” quan tâm ý kiến của người ngoài hơn là của nàng, anh cũng bỏ mặc nàng mà không an ủi sau những mất mát lớn lao ở trận The Great War; khi biết nàng là cô ruột của mình, anh cũng bắt đầu gượng gạo trong việc thể hiện tình cảm, điều đó minh chứng tình yêu của anh không đủ lớn để vượt qua chuẩn mực đạo đức anh tự gò mình vào. Khi nàng van xin anh đừng tiết lộ sự thật về thân thế anh cho Sansa, Arya và đồng thời yêu cầu Bran, Sam giữ bí mật, anh đã khước từ nguyện vọng của nàng với lí do họ là người nhà của anh, anh cần phải cho họ biết. Trong một clip trên Youtube đăng lại trích đoạn này, có bình luận của một khán giả khiến tôi chú tâm, đại ý của bình luận đó là: “Khi Jon từ chối Dany vì anh bảo Sansa, Arya là người nhà của anh, tôi ước gì Dany đã nói với anh rằng ‘Em cũng là người nhà của anh mà.’” Đó là một sự thật cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, đúng về lí trí lẫn tình cảm. Dany là cô ruột của Jon, đồng thời cũng là người anh yêu – nhưng hai thực tế này cộng gộp lại với nhau vẫn không đủ khiến anh thấy Dany thực sự là người nhà để có thể bỏ qua lí trí và tận hiến trong tình yêu ấy. Nếu người yêu của Dany là Jamie, có lẽ nàng đã không chết như thế.

Tôi biết rằng Jon chỉ đang làm điều anh tin là đúng, nhưng xét trên khía cạnh tâm lí con người bình thường, hành động đó lại thiếu tính thuyết phục. Game of Thrones vốn nổi tiếng ở việc đã xây dựng được chiều sâu tâm lí phức tạp cho nhân vật; ở thế giới của GOT, không ai hoàn toàn tốt, cũng không ai hoàn toàn xấu. Thế nhưng, cách season 8 kết thúc cho thấy rằng Jon không phát triển được tâm lí cũng như thay đổi bất cứ điều gì về quan điểm, cách đối nhân xử thế dù đã trải qua biết bao sự kiện khốc liệt. Hầu như tất cả những nhân vật trong GOT đều trải qua một hành trình trưởng thành, ta thấy được sự thay đổi của họ nhưng lại không nhận ra chút khác biệt nào từ Jon qua mỗi mùa, anh như một khối bất động phẳng lì đứng trơ trong tuyết năm này qua tháng nọ dù thậm chí tuyết còn có thể tan rã thành nước hoặc đông cứng thành khối băng, nhưng Jon thì không. Cũng như nhiều người, trong một thế giới đầy rẫy sự dối trá như GOT, ban đầu tôi cũng đã thích một người chân thành, thẳng thắn, ưu tiên lợi ích nhân loại hơn là lợi ích cá nhân như Jon. Nhưng đồng thời, tôi cũng đã trông đợi sự trưởng thành hay thay đổi của Jon khi các quan điểm anh cho là đúng đắn bị thách thức. Tuy nhiên, sau khi đã bị đồng đội phản bội, giết rồi được hồi sinh, anh vẫn là Jon của ngày hôm qua. Điều đó khiến tôi bắt đầu chán nản. Thậm chí, giống như nhân vật Beric Dondarrion từng giải bày rằng mỗi lần được hồi sinh, ông lại thấy mình yếu đi một chút; tôi cũng nhận ra điều tương tự ở Jon nhưng không phải về mặt thể lực mà là về mặt trí tuệ và tình cảm. Jon dường như dễ bị tác động bởi ý kiến của người khác hơn, cứng nhắc hơn trong những lựa chọn của mình mà không suy tính trước sau (trong tập thuyết phục Cersei lập giao ước đình chiến, chính Dany cũng có phần phiền lòng khi anh cứ một mực nhắc với Cersei rằng Dany mới là nữ hoàng của anh)… Với những lí do này, Jon cùng Tyrion Lannister trở thành nhân vật ban đầu tôi vốn yêu thích nhưng khi kết thúc, bỗng hóa căm ghét. Cả hai đúng là “bastard” theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tôi còn giận Jon vì dường như anh chưa từng đề cập với Dany về sự tồn tại của Aemon Targaryen. Nếu như nàng biết rằng một người chú của mình vẫn còn sống sau cuộc thảm sát vương triều Targaryen và phục vụ tận tụy ở Night’s Watch phần lớn cuộc đời như thế, biết đâu nàng đã có được chút an ủi, biết đâu những bài học Aemon từng dạy Jon cũng sẽ hữu ích cho Dany. Khi xem GOT, tôi vẫn luôn hi vọng có ngày Dany gặp được Aemon để biết rằng nàng không đơn độc, tôi nóng lòng tưởng tượng cuộc hội ngộ đó sẽ diễn ra như thế nào. Nhưng đáng tiếc rằng khi Dany đến được phương Bắc, chú nàng đã qua đời.

“A Targaryen alone in the world is a terrible thing.”

Khi câu chuyện của Dany kết thúc, tôi mới nhận ra rằng số 0 không chỉ sinh ra người hùng; ngay từ đầu, vốn dĩ số 0 đã có thể tự sinh ra chính nó – một số 0 khác.

From zero to hero.

From hero to ash.

Nhưng chẳng phải đó cũng là cách cuộc đời này vận hành sao? Chúng ta đến thế giới này với hai bàn tay trắng, thậm chí ngay từ lúc đầu còn chưa có hình hài cố định, ta dần định hình mình trong thế giới, và rồi sau cùng, tất cả chúng ta đều trở về cát bụi. Vậy nên, đã đến lúc tôi nói lời tạm biệt.

Tạm biệt Nữ hoàng của tôi.

Tạm biệt một tình yêu phải mất quá lâu tôi mới nhận ra.

***

Bạn có thể tìm đọc sách Trò Chơi Vương Quyền (bản dịch tiếng Việt của Game of Thrones) đã xuất bản ở Việt Nam những tập sau đây:

Click to comment

Viết bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Trà chiều

Sự kiện giao lưu & ký tặng: Bước Qua Nước Mắt, Tự Khắc Trưởng Thành

Published

on

Nhân dịp ra mắt tác phẩm mới Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành, Nhà Sách Phương Nam và Phương Nam Book phối hợp cùng tác giả Anh Khang tổ chức sự kiện giao lưu và ký tặng vào lúc 16g00, thứ Bảy ngày 16.11.2024 tại sân khấu A – Đường sách TP. Hồ Chí Minh (Nguyễn Văn Bình, P. Bến Nghé, Q.1, TP. HCM).

Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành là tác phẩm kỷ niệm hơn một thập kỷ viết văn của tác giả Anh Khang. Anh gọi đây là một “cuốn sách làm lành” – thay vì “chữa lành” như cách gọi thường thấy trong xã hội hiện đại. Tác phẩm được chia làm hai phần, mở đầu bằng “Độc thoại” với những dòng tư lự đơn lẻ như tự trấn an “đứa trẻ bên trong đang ăn vạ trên đường trưởng thành”, rồi sang đến “Đối thoại” là những lời tâm can san sẻ cùng Gen Z lẫn Gen Z(à) để tìm sự ủi an. Mỗi câu, mỗi lời tâm tình thủ thỉ đều quá đỗi chân thành, như chính lời tác giả tự nhận thì đây “chính là những ghi chép trong lúc ‘khóc một trận đã đời’, rồi từ nay, chỉ nhìn về phía trước”.

Kể từ khi xuất bản tác phẩm đầu tay Ngày trôi về phía cũ… vào năm 2012, đến nay Anh Khang đã trở thành “tác giả triệu bản” với nhiều tác phẩm nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả. Anh còn được bạn đọc thương tặng tên gọi “nhà văn của những nỗi buồn tuổi trẻ” vì những chia sẻ sâu sắc và đầy cảm thông trong từng trang sách. Sách Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành đánh dấu sự trở lại của Anh Khang sau 4 năm tạm vắng mặt trên văn đàn, đồng thời cũng là món quà tri ân dành tặng cho thế hệ độc giả đã trưởng thành cùng những bài viết của anh.

Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành – tác phẩm mới nhất của tác giả Anh Khang do Phương Nam Book liên kết xuất bản.

Đến với sự kiện giao lưu và ký tặng, độc giả sẽ có cơ hội trò chuyện cùng nhà văn Anh Khang và lắng nghe anh chia sẻ về những thăng trầm trong quá trình sáng tác cuốn Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành. Đặc biệt, sự kiện còn chào đón sự góp mặt của ca sĩ - nhà văn Hamlet Trương.

Giao Lưu & Ký Tặng: Bước Qua Nước Mắt, Tự Khắc Trưởng Thành

  • Thời gian: 16:00 – Thứ bảy, ngày 16.11.2024
  • Địa điểm: Sân khấu A – Đường sách TP. Hồ Chí Minh (Nguyễn Văn Bình, P. Bến Nghé, Q.1, TP. HCM)
  • Vào cửa tự do

Về tác giả: Quách Lê Anh Khang

  • Công việc chính là làm báo, công việc phụ là làm mệt mình bằng những cảm xúc đa mang. Mọi nghề nghiệp đã và đang làm như phóng viên, biên tập viên, PR, MC... đều có vẻ khá nghiệp dư, nhưng lại rất chuyên nghiệp trong vai trò làm “người độc thân nhạy cảm”.
  • Ngày sinh: 11/8
  • Cung Hoàng đạo: Sư Tử (Leo)
  • Cử nhân khoa Báo chí & Truyền thông – Đại học KHXH&NV TP.HCM
  • Sách đã xuất bản:
    • Ngày trôi về phía cũ... (2012)
    • Đường hai ngả, người thương thành lạ (2013)
    • Buồn làm sao buông (2014)
    • Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và... Em (2015)
    • Thương mấy cũng là người dưng (2016)
    • Trời vẫn còn xanh, em vẫn còn anh (2017)
    • Người xưa đã quên ngày xưa (2018)
    • Những năm tháng đó, có tôi yêu người (2019)
    • Thả thính chân kinh (2020)
    • Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành (mới xuất bản – năm 2024)
Đọc bài viết

Trà chiều

Sự kiện giao lưu THÓI QUEN CÁ NHÂN MỚI VỚI “ATOMIC HABITS” TRONG THỜI ĐẠI SỐ

Published

on

By

Hưởng ứng Tuần lễ Sách và Chuyển đổi số, Nhà sách Phương Nam phối hợp cùng Đường sách TP. Hồ Chí Minh tổ chức sự kiện giao lưu vào lúc 17g ngày 28.10.2024 với chủ đề Thói quen cá nhân mới với “Atomic Habits” trong thời đại số cùng hai diễn giả là: bác sĩ Vũ Phi Yên, dịch giả Trần Quỳnh Như.

Tác phẩm Atomic Habits – Thay đổi tí hon, hiệu quả bất ngờ của tác giả James Clear đã trở thành hiện tượng sách bán chạy toàn cầu và tiếp tục khẳng định vị thế tại thị trường Việt Nam với 8 lần tái bản do Phương Nam Book phát hành. Atomic Habits cung cấp phương pháp khoa học và thực tiễn để xây dựng thói quen tốt, loại bỏ thói quen xấu, tạo nên thay đổi lớn từ những điều nhỏ bé – đây là các yếu tố then chốt để có một cuộc sống thành công và hạnh phúc. Tuy nhiên, hành trình thay đổi bản thân thường đầy chông gai và dễ dàng khiến chúng ta nản lòng khi chưa đạt được mục tiêu.

Thông qua Atomic Habits,tác giả James Clear khẳng định rằng mục tiêu chỉ là đích đến cuối cùng, trong khi hệ thống mới chính là con đường, là phương tiện đưa chúng ta tới đích. Hai người có thể cùng đặt mục tiêu chạy marathon, nhưng hệ thống luyện tập, chế độ dinh dưỡng và cách họ xây dựng tinh thần kiên trì mới là yếu tố quyết định ai sẽ cán đích thành công. Mục tiêu cung cấp cho ta hướng đi, nhưng hệ thống mới là thứ giúp ta tiến về phía trước. Việc tập trung vào hệ thống giúp chúng ta không bị áp lực bởi kết quả cuối cùng, mà tận hưởng quá trình nỗ lực và trưởng thành từng ngày.

Tập trung vào hệ thống còn giúp chúng ta duy trì động lực và sự kiên trì trong suốt hành trình. Mỗi bước tiến trong hệ thống, dù là nhỏ bé đến đâu, cũng là một chiến thắng, giúp củng cố niềm tin và sự quyết tâm. Ngược lại, nếu chỉ chăm chăm vào mục tiêu cuối cùng, chúng ta dễ dàng bị nản chí khi gặp phải khó khăn hoặc khi tiến độ chậm hơn mong đợi. Hệ thống cho phép chúng ta chia nhỏ mục tiêu lớn thành những bước nhỏ dễ thực hiện, giúp quá trình thay đổi trở nên ít áp lực và dễ dàng duy trì hơn.

Một hệ thống tốt không chỉ giúp đạt được mục tiêu mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài. Khi đã hoàn thành mục tiêu chạy marathon, hệ thống luyện tập và chế độ dinh dưỡng lành mạnh vẫn sẽ tiếp tục mang lại lợi ích cho sức khỏe và tinh thần. Hệ thống không chỉ là công cụ để đạt được mục tiêu nhất thời, mà còn là cách sống, là nền tảng cho sự thành công và hạnh phúc bền vững. Xây dựng một hệ thống tốt chính là đầu tư cho bản thân mình để gặt hái được lợi nhuận lâu dài và vô giá.

Tuy nhiên, việc xây dựng được hệ thống những thói quen tốt trong thời đại số đầy biến động và nhiều cám dỗ như ngày nay là cả một thử thách. Vì vậy, buổi giao lưu Thói quen cá nhân mới với “Atomic Habits” trong thời đại số do Phương Nam tổ chức hy vọng sẽ giúp độc giả tham dự hiểu rõ hơn về cách áp dụng các quy luật trong sách vào cuộc sống hàng ngày, và đặc biệt là cách thích nghi những thói quen này trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. Buổi giao lưu cũng là dịp để kết nối độc giả với hai dịch giả của cuốn sách, tạo nên một diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm và truyền cảm hứng cho hành trình thay đổi tích cực của mỗi cá nhân.

Buổi giao lưu Thói quen cá nhân mới với “Atomic Habits” trong thời đại số nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Sách và Chuyển đổi số được tổ chức từ ngày 25 –  31.10.2024, kỷ niệm 72 năm Ngày truyền thống Ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam (10.10.1952 – 10.10.2024) và hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 10.10. Tuần lễ Sách và Chuyển đổi số bao gồm triển lãm, trưng bày, hội thảo, giao lưu tác giả và nhiều hoạt động tương tác, góp phần thúc đẩy văn hóa đọc trong thời đại số.

Thói quen cá nhân mới với “Atomic Habits” trong thời đại số:

• Thời gian: 17g00 – Thứ hai, ngày 28.10.2024

• Địa điểm: Sân khấu A – Đường sách TP. Hồ Chí Minh

• Vào cửa tự do

Bác sĩ, Nhà tâm lý Vũ Phi Yên

Chị Vũ Phi Yên là Tiến sĩ - Bác sĩ, chuyên gia Tâm lý học lâm sàng và Huấn luyện viên tâm lý tại trung tâm Better Living. Chị đã có quá trình học, nghiên cứu và thực hành suốt 14 năm trong lĩnh vực Y khoa, chuyên ngành Di truyền học. Không chỉ dừng lại ở cách tiếp cận con người thiên về thể chất, chị còn tự bổ sung cách tiếp cận về tinh thần qua những học hỏi và nghiên cứu Tâm lý học. Năm 2014, chị đã hoàn thành chứng chỉ Thạc sĩ Tâm lý lâm sàng của trường Tâm lý Thực hành Paris, Pháp.

Đồng thời, trong nhiều năm qua, chị Yên cũng tham gia viết, dịch rất nhiều đầu sách tâm lý cho các đơn vị xuất bản khác nhau – trong đó, có nhiều tác phẩm luôn đứng trong danh sách bán chạy do Phương Nam Book xuất bản như: Atomic Habits – Thay đổi tí hon, hiệu quả bất ngờ; Tình yêu, hạnh phúc có tồn tại?, Metahuman – Siêu Nhân Loại…

Đọc bài viết

Book trailer

5 tựa sách cho ngày hè nhàn rỗi

Published

on

By

5-tua-sach-cho-ngay-he-nhan-roi

Từ những cuốn sách phơi bày hậu chứng chiến tranh cho đến những cuốn tiểu thuyết ghi lại thân phận nhỏ bé, mong manh, trôi dạt của con người... Các tác phẩm sau là lựa chọn tuyệt vời cho một ngày hè nhàn rỗi, để tìm thêm lại những phong vị mới.

Đuổi theo ánh sáng – Oliver Stone

Là biên kịch và đạo diễn từng 3 lần đoạt giải Oscar với những tác phẩm nổi tiếng như Express Midnight, Scarface, Salvador, Platoon... cũng như những người ngoại đạo, hành trình vươn đến đỉnh cao trong môn nghệ thuật thứ 7 của Oliver Stone luôn không dễ dàng. Đuổi theo ánh sáng là cuốn hồi ký được ông chắp bút, đưa ta đi từ những ngày đầu tiên ở nước Mỹ huyền diệu, đến tuổi trưởng thành nhiều mới mẻ trong chiến tranh Việt Nam và hành trình nếm mật nằm gai để vươn đến hào quang của Hollywood.

Trong cuốn sách này, ta sẽ thấy bên cạnh một cái tên được ngợi ca cũng là một con người bất toàn, mắc nhiều tội lỗi và cũng có lúc tưởng chừng buông xuôi. Thế nhưng chính quyết tâm, nỗ lực và sức mạnh nội tại đã giúp cho ông vẫn luôn duy trì tình yêu với quỹ đạo đời mình. Đó cũng là một bài học xoay quanh thông điệp luôn luôn vươn lên, từ đó tìm thấy ý nghĩa cho cuộc đời mình.

Với cách viết chân thành, gần gũi, đan kết với nhiều hình tượng, cảnh huống được lấy ra từ các thần thoại cũng như tác phẩm văn chương, phim ảnh nổi tiếng... Đuổi theo ánh sáng không chỉ đơn thuần là một cuốn hồi ký, mà cũng đồng thời là một tác phẩm văn xuôi hấp dẫn về một thời đoạn của tuổi trẻ lạc lối và tuổi trưởng thành không ngừng bỏ cuộc. Một tác phẩm vượt ra khỏi biên giới thể loại để mang đến câu chuyện phổ quát và thông điệp ý nghĩa cho những cá nhân vẫn đang chật vật trên con đường sự nghiệp của bản thân mình.

Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm – Le Thi Diem Thuy

Thuộc thế hệ thứ 2 của những cây bút “di dân”, Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm tuy có dung lượng tương đối khiêm tốn, nhưng nội dung mà nó truyền tải lại vô cùng lớn về mặt cảm xúc cũng như ấn tượng đến từ người đọc. Đó là hành trình tìm lại cội nguồn, xác định bản lai diện mục của một cá nhân với lai lịch “dị thường” qua thứ văn chương đẹp đẽ, thơ mộng với nhiều hình ảnh ám ảnh nối nhau cho đến vô cùng. Le Thi Diem Thuy sở hữu ma thuật của từ ngữ, để nhào nặn nó thành những ấn tượng không thể nào phai.

Cõi người và thân phận ấy cũng mong manh như con bướm suốt đời lưu cữu trong thứ thủy tinh trong suốt và nhìn thấu được. Kiếp người di dân cũng mãi tạc ghi vào mã gene mình ám ảnh về nước, dẫu là cái hồ trong khu dân cư hay thứ nước biển mặn chát của những con thuyền lênh đênh trên biển... thì cũng hình thành ở họ nỗi sợ nguyên thủy về số phận mình và thân phận mình giữa dòng chìm nổi. Le Thi Diem Thuy nắm bắt được chúng một cách tinh tế, và dàn trải ra giữa các trang viết một cách chân thành mà không lên gân.

Về mặt văn chương, Le Thi Diem Thuy cùng Ocean Vuong là 2 nhà văn đại diện cho khả năng nắm bắt được từng khoảnh khắc và cấp đông nó cho đến vĩnh cửu. Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm hay Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian là các tác phẩm có nhiều tầng nghĩa, làm xúc động cả những ký ức cá nhân hay nỗi đau cộng đồng. Và sức ám ảnh ấy sẽ lại khởi đầu mỗi khi những dòng chữ đầu tiên hiện ra và người đọc bị cuốn theo dòng nước ấy.

Những kẻ tuyệt vọng – Minh Tran Huy

Văn chương di dân khắc ghi trong lòng người đọc rất nhiều ấn tượng xoay quanh chủ nghĩa hiện thực, thế nhưng với Minh Tran Huy, cô đã làm điều đó một cách văn chương và vị nghệ thuật đến không ngờ đến. Ở Những kẻ tuyệt vọng ta sẽ không tìm thấy những gia đình tan nát của các thuyền nhân, ta cũng không thấy những chật vật hòa nhập với cuộc sống mới một cách hiển hình... mà thay vào đó là sự giao hòa của những tâm thức với các câu chuyện mang tính đại diện khác lạ.

Cuốn sách kể về chuyện tình vô cùng tươi đẹp của Lise và chàng Louis đầy những khát khao nhưng hành trình đến được với nhau cũng đã trải qua không ít khó khăn cũng như thách thức. Từ Việt Nam đến những lâu đài nước Pháp, từ những công viên bên bờ sông vắng lặng đến tàn tích lâu đài của thời Trung cổ... Cuốn sách xé toạc những đường biên không – thời gian để mang đến một tác phẩm lạ lẫm, thách thức, không ngừng chờ được giải đáp.

Điều ta tìm thấy trong tiểu thuyết này là sự giao thoa của Đông với Tây, của quá khứ với hiện đại, của Á và Âu trong sự tương đồng và phát triển thêm từ Trọng Thủy – Mỵ Châu đến Tristan - Iseult, hay bộ tứ Tấm Cám – Lọ Lem – Bạch Tuyết – Công chúa ngủ trong rừng.... Mang đậm màu sắc của Angela Carter trong không khí Gothic được phối trộn với trọng tâm di dân, đây là cuốn tiểu thuyết được đẩy đến đường biên của những thể nghiệm, đòi hỏi một sự truy tầm giá trị sâu xa hơn việc thưởng thức. Có thể nói Minh Tran Huy đã viết nên một tác phẩm ấn tượng, độc đáo và không thể quên.

Khát khao cây cỏ - Michael Pollan

Từ trước đến nay, trong các tác phẩm nghiên cứu, con người luôn chứng minh mình là chủ nhân của mọi thứ, là đối tượng tác động, là tác nhân chủ chốt... Nhưng với Khát khao cây cỏ, Michael Pollan đã thực hiện điều ngược lại, khi đặt ra một câu hỏi vô cùng thách thức, rằng thực vật nghĩ gì về ta, liệu con người có thật là phía nắm chuôi, quyết định mọi thứ cho giống loài vốn được ngầm hiểu là không có trí thông minh hay nhạy bén này?

Câu hỏi nói trên đã được giải đáp qua 4 phần lớn xoay quanh loài táo, tulip, cần sa và khoai tây, gắn với khát khao vị ngọt, vẻ đẹp, niềm hứng thú và sự an toàn. Từ các rừng táo ở nước Mỹ đến các thùng container trồng cần sa nhân tạo ở Amsterdam, từ ngày hiện tại trong công nghệ biến đổi gen ở khoai tây cho đến nhiều thế kỷ trước khi cơn sốt tulip vẫn còn là thứ gì đó cực kỳ bùng nổ... Pollan từng bước dẫn ta vào mạng lưới gắn kết đặc biệt, để biết con người xét cho đến cùng chỉ là một cực của các mối quan hệ, trong tính chủ động cũng như bị động.

Những câu chuyện về Johnny Hạt Táo, đặc tính có kế hoạch theo trường phái Apollo hay hoang dã của Dionysus... đã đưa người đọc không chỉ lướt qua lịch sử mà các loài cây gắn liền, mà cũng đồng thời là một biên niên sử về các khao khát và niềm đắm say của nhân loại này. Có thể xem đây là một tác phẩm rực rỡ, bao quát và choáng ngợp về mối gắn kết giữa con người cùng tự nhiên.

Con đường thủy vào Trung Hoa - Milton Osborne

Những ngày gần đây câu chuyện xoay quanh sông Mekong bỗng nóng trở lại trong việc xây dựng kênh đào Phù Nam và những được – mất sau đó. Chính điều này cũng đưa ta về lại với quá khứ của hơn 100 năm trước, khi những người Pháp tiên phong đã cố gắng tìm con đường thủy cho việc giao thương nối liền từ điểm tận cùng đổ ra biển Đông trên đất An Nam với thượng nguồn từ dãy Himalaya ở nơi đầu mút Trung Quốc.

Con sông hùng vĩ phần nào dự báo tầm vóc của cuộc thám hiểm, và quả đúng như thế, những gì được Milton Osborne kể lại có thể được xem như một bằng chứng lịch sử, nhưng cũng có thể quan niệm đó là một cuốn tiểu thuyết phiêu lưu nói gót những Thuyền trưởng Corcoran hay tác phẩm của Conrad danh tiếng... Những khó khăn, thách thức; sự thịnh vượng, trù phú nhưng cũng nguy hiểm chết người của miền nhiệt đới... cho ta thấy rằng con đường khai sáng của nơi mẫu quốc chưa khi nào là dễ, chưa cần bàn đến niềm tin, ý dân hay là những thứ thuộc về tư tưởng.

Bằng việc khai thác nguồn sử liệu phong phú và cách kể chuyện cuốn hút, Con đường thủy vào Trung Hoa là một tác phẩm đáng đọc, nên đọc, để biết về những khó khăn của con đường khai sáng văn minh, cũng như sự huyền diệu của miền nhiệt đới từ trăm năm trước hay trăm năm sau vẫn mãi như vậy.

Đọc bài viết

Cafe sáng