“Một kẻ giết người vô hình” sinh ra từ xe cộ và các quy trình công nghiệp mà chúng ta đang không mảy may biết đến. Nhà báo về môi trường Tim Smedley, thông qua quyển sách Giành lại không khí sạch, đã kể một câu chuyện đầy đủ về những gì đã xảy ra với không khí mà chúng ta đang hít thở, bao gồm nó là gì, hóa chất nào có hại, chúng đến từ đâu và quan trọng nhất, chúng ta có thể làm gì với chúng. Giữa những con số thống kê đáng sợ, Tim Smedley hé mở hy vọng vẫn còn cho hành tinh.
Sách lọt vào danh sách rút ngắn của
giải thưởng Royal Society Science Book Prize 2019 – giải thưởng tôn vinh các
quyển sách hay về khoa học và những tác giả không chỉ là người viết, mà còn là
những nhà tiên phong.
*
CHƯƠNG 1
Đại Sương Mù
London 1952
Cả cha và mẹ tôi đều sinh năm 1952. Ông ngoại của tôi, Selwyn Bate, là luật sư địa phương ở Tamworth, thành phố quê hương của tôi, và là giảng viên tại Trường Luật Birmingham. Thỉnh thoảng – mặc dù cố gắng tối đa để tránh điều đó – ngoại tôi vẫn phải đi đến London. Dì Claire của tôi nhớ mỗi khi ngoại đi tàu tới London mang theo Bộ Luật của Elizabeth, được viết trên da cừu, để giải quyết tranh chấp tại Tòa án Tối cao. Ông ngoại ghét thủ đô. Quá đông đúc và quá bẩn. Ông thường tắm rửa ngay mỗi khi trở về nhà từ London. Khi nghe những câu chuyện này, tôi đã từng giả định rằng đó là một kiểu hợm hĩnh nghịch lý. Vì là một người Lancaster, sống tại Tamworth thuộc vùng miền trung, ông chỉ muốn nam tiến đến đó là hết mức bởi không thích miền nam nước Anh. Sau đó, tới khi tôi biết về vụ Đại Sương Mù năm 1952, tôi đột nhiên hiểu được ý nghĩa của việc ông ngoại Bate tránh London như bệnh dịch hạch.
Thời tiết đầu mùa đông ở London vào năm 1952 rất lạnh, với tuyết rơi dày đặc trên toàn miền nam nước Anh. Để giữ ấm, người London phải đốt một lượng lớn than trong nhà của họ. Trong những thời điểm đặc biệt lạnh như thế này, ban đêm hầu hết các hộ gia đình đều “tiếp thêm những lớp than mới” vào lò sưởi để nó có thể cháy đến sáng. Điện được cung cấp bởi các nhà máy điện nội thành tại Battersea và South Bank, các nhà máy này đốt than và xả khói từ các ống khói cao hơn các ngọn tháp của nhà thờ. Vào mùa đông, không chỉ người ta đốt nhiều nhiên liệu hơn và tạo ra nhiều khói hơn, mà còn điều kiện “nghịch nhiệtI ” cũng sẽ xảy ra: nếu không khí gần mặt đất lạnh hơn không khí ở trên cao, nó sẽ bị giữ lại ở tầng thấp. Với bầu trời trong xanh, không có gió và mặt đất ẩm ướt, sương mù cũng hình thành. Và London từ lâu đã nổi tiếng với biệt hiệu “soup đậu” theo kiểu nói tiếng lóng của người vùng cực Đông của London (ý chỉ sương mù ô nhiễm London có màu vàng và đặc như soup đậu) được lãng mạn hóa trong những câu chuyện của Dickens và Conan Doyle và những bức tranh của Turner và Monet (người thích đến thăm vào mùa đông vì bị hút hồn bởi màu vàng u uẩn của sương khói ảo ảnh London).
Vào Thứ sáu ngày 5 tháng 12 năm 1952, làn sương mù dày đặc quen thuộc lại xuất hiện trên khắp London. Đám sương mù ấy cứ trơ ì đó, không bay lên cao được vào ngày hôm sau, hoặc ngày tiếp sau đó. Hiện tượng nghịch nhiệt kéo dài đã cho thấy nồng độ khói bụi tăng cao tới 56 lần so với mức độ bình thường. Các hồ sơ chính thức cho thấy tầm nhìn ở một số nơi giảm chỉ còn một thước Anh, mức thấp nhất từng được ghi nhận trong thành phố. Mọi người thậm chí không thể nhìn thấy đôi chân của mình. Do sương mù mà nhiều hành khách bị hổng chân từ những cây cầu xuống sông Thames băng giá và hụt chân rơi từ những thềm ga xuống đường ray khi tàu đang lao tới. Trong vòng 12 giờ kể từ khi khói bụi xuất hiện, hàng ngàn người bắt đầu gặp vấn đề về hô hấp và số ca nhập viện tăng đáng kể.
Theo hồ sơ ghi nhận của Met OfficeI , dải khói bụi kéo dài 13 dặm và chứa các chất gây ô nhiễm bao gồm: 1.000 tấn hạt khói (mà ngày nay chúng ta gọi là “carbon đen” hoặc PM10), 2.000 tấn carbon dioxide, 140 tấn acid clohydric và 14 tấn fluorine. Điều tồi tệ nhất trong địa ngục đó chính là 370 tấn lưu huỳnh dioxide ngưng tụ bởi các hạt nước trong sương mù đã biến đổi thành 800 tấn acid sulphuric. Nó cứ treo lơ lửng như thế này, dày đặc trong không khí, trong 5 ngày.
Tại Nhà hát Sadler’s Wells, vở opera La Traviata đã phải dừng lại do khán giả không còn có thể nhìn thấy sân khấu. Tại chợ gia súc Smithfield, những người nông dân phải đeo những chiếc mặt nạ làm từ vải bao bố tẩm whisky cho những con bò để cố gắng bảo vệ chúng. Khói bụi dính lên những tấm kính chắn gió như những vết sơn, buộc tài xế phải bỏ mặc phương tiện của mình. Phóng viên Phố Fleet của tờ báo Northern Whig đưa tin vào Thứ bảy ngày 6 tháng 12, “Nó đã len lỏi vào các cửa và văn phòng, nơi đèn đã bật sáng cả ngày… “Làn sương khói dày đặc” không những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người dân, mà các hóa chất độc hại nó mang theo còn ăn sâu vào cấu trúc của các tòa nhà, đốt cháy và “nhuộm đen” cây cối”. Có một sự giễu cợt đầy lo lắng trong những bản tường thuật đầu tiên. Tờ Daily Telegraph đưa tin về thương vong đầu tiên: “Một chú vịt trời, được cho rằng đã bị che khuất bởi màn sương, đã đâm vào ngài John Maclean khi ông đang trên đường về nhà tại đường Ifield, Fulham. Cả hai đều bị thương nhẹ.” Tờ The Times thậm chí còn đưa một dòng tít giễu cợt hơn, tuyên bố rằng “Làn sương mù là những người Briton cổ đại. Họ đã gặp thuyền của tổ tiên bộ tộc Boadicea… họ đi lại xung quanh… một cách tự do trước khi bất cứ ai nghe về vấn đề giảm khói ô nhiễm”. Và có lẽ để dẫn đầu xu thế, phát ngôn chính trị ban đầu từ Đảng Bảo thủ của Churchill rất cao tay. Harold Macmillan, Bộ trưởng Bộ Nhà ở, nói với Hạ viện rằng “những cân nhắc quy mô rộng về kinh tế cần được đưa vào xem xét” – nói theo cách khác, những nhu cầu của công nghiệp được ưu tiên hơn những mối lo ngại về thời tiết.
Roy Parker, một sinh viên năm ba tại Đại học Kinh tế London vào thời điểm đó, hồi tưởng lại tại “Đại Sương Mù: 50 năm sau sự kiện màn sương khói khổng lồ London 1952”, một hội thảo dành cho các nhân chứng của sự kiện được tổ chức tại Trung tâm Lịch sử Sức khỏe Cộng đồng vào ngày 10 tháng 12 năm 2002, khi đó các báo cáo tin tức hầu hết chỉ quan tâm đến việc hủy bỏ các sự kiện thể thao: cả tôi lẫn họ đều không dành nhiều sự chú ý cho những hệ lụy về sức khỏe của con người. Tôi đáng lẽ ra đã phải nhận ra mức độ nghiêm trọng của thảm họa ấy, bởi vì cha của tôi, khi đó là một người điều khiển đầu máy hơi nước, và trước đó bị nhiễm khói độc một phần trong cuộc chiến tranh 1914-1918, đã có rất nhiều triệu chứng của việc hít phải bụi than và lưu huỳnh. Hầu hết thời gian ông đều gặp khó khăn trong việc hô hấp. Lúc đó ông 56 tuổi, và khi chúng tôi gặp nhau vào cuối tuần, ông đang ở trong tình trạng hết sức đau đớn, thở hổn hển để lấy hơi, chật vật, [nhưng] kiên quyết rằng mình sẽ đi làm bằng xe đạp… Thật khó để đánh giá mức độ phổ biến của bệnh viêm phế quản mãn tính đối với tầng lớp lao động công nghiệp ở đất nước này… Trong gia đình tôi, tất cả đàn ông đều có những triệu chứng như vậy.
Đến ngày thứ tư, thái độ của công chúng đã thay đổi. Tờ Hartlepool NorthernDaily Mail gọi nó là “màn sương mù đen đặc… dày đặc đến mức xe tuần tra của cảnh sát cũng bị tê liệt, và họ phải xử lý những cuộc gọi khẩn cấp 999 bằng cách đi bộ”. Số gia súc tại chợ Smithfield khi đó cũng đang chết dần, những con còn lại cũng bị mổ thịt sớm “theo yêu cầu của chủ”. Một phóng viên Phố Fleet viết cho một trong số những bài báo sáng Thứ hai tuyên bố: “Đây không phải là sương mù bình thường: nó chứa mọi thứ hổ lốn – bữa khai vị, cá, món ngọt, món mặn, cà phê đen và vẻ cau có của người bồi bàn. Nó làm cho mắt cay, cho hơi thở trở nên hôi thối… Tại Quảng trường Trafalgar tôi có thể nghe thấy tiếng của những hồ phun nước, nhưng chúng vô hình… [một người đồng nghiệp của tôi] tìm thấy một người đàn ông đang tìm ga tàu điện ngầm trong khi đang ở giữa Cầu Blackfriars.”
Khi sương mù biến mất vào ngày thứ năm – Thứ ba ngày 9 tháng 12, báo cáo về các bệnh viện quá tải bắt đầu tràn về, và sự nghiêm trọng của sự kiện trở nên rõ ràng. Giống như thảm họa tại Donora, Pennsylvania xảy ra 4 năm trước đó, các nhà tang lễ hết sạch quan tài và không còn hoa ở cửa hàng. Do tắc nghẽn giao thông và tầm nhìn gần như bằng không, số người chết tại nhà còn cao hơn số người kịp đi đến bệnh viện. Rosemary Merrit hồi tưởng lại với đài BBC World Service vào năm 2012 rằng cha của cô đi bộ một dặm rưỡi qua làn sương từ nơi làm việc đến nhà. Đêm hôm đó “ông ho nặng đến mức người ông trở nên tái xanh, và mẹ cô phải đánh thức hàng xóm dậy để cứu giúp… họ không thể đưa ông đến bệnh viện bởi lúc đó không hề có xe cứu thương”. Ông qua đời vào ngày hôm sau. Thi thể của ông được đặt ở phòng phía trước trong nhà họ trong suốt 3 tuần cho đến khi một người khâm liệm làm việc quá sức cuối cùng cũng có thể chôn cất ông, ngay trước Giáng sinh. “Tôi không bao giờ còn muốn ở trong căn phòng phía trước đó”, cô nói. “Nó luôn luôn lạnh lẽo.”
Chỉ tính riêng trong tuần đó, 4.703 người đã chết ở London – nhiều hơn 3.000 trường hợp so với bình thường. Một thảm họa môi trường, chính màn sương mù nổi tiếng của thành phố đã gây ra thương vong cho người dân London nhiều hơn bất cứ chiến dịch đánh bom 5 ngày nào của Đức chỉ vài năm trước đó. Không chỉ có người già và những người có sức đề kháng kém bị tổn hại. Một chiếc xe cứu thương chở một thủy thủ 21 tuổi đang phục vụ quân ngũ; vị bác sĩ chữa trị cho anh ấy, Horace Pile, về sau tường thuật lại trong bộ phim tài liệu Killer Fog của UK Channel 4 vào năm 1999 rằng ông “chưa từng thấy điều tương tự ở bất cứ người trẻ nào ở độ tuổi đó, với những khó khăn về hô hấp và tim dần ngừng hoạt động một cách tuyệt vọng”. Khi xe cứu thương đến nơi, bệnh viện đã đầy ắp các bệnh nhân. Và cả bệnh viện thứ hai cũng vậy. Vào lúc xe cứu thương xuất phát đến bệnh viện thứ ba, người thủy thủ đã chết trên đường đi. Con số thương vong cuối cùng được tin rằng có thể đạt mức từ 8.000 đến 12.000, cộng thêm hàng ngàn trường hợp mắc các vấn đề sức khỏe kéo dài cả đời bao gồm các bệnh về phổi và tim.
Vào những năm 1930 và 1940, hệ thống giao thông công cộng trên mặt đất của London chủ yếu là những chiếc xe điện không phát thải, bao gồm cả xe hai tầng. Tuy nhiên, chúng liên tục bị thay thế bởi các phương tiện chạy bằng động cơ đốt trong. Xe buýt chạy diesel thế chỗ chiếc xe điện cuối cùng ở London vào ngày 5 tháng 6 năm 1952, chỉ 5 tháng trước Đại Sương Mù. Tính đến tháng 12, 8.000 chiếc xe buýt chạy diesel mới đã được vận hành, tiếp tục thải thêm khói vào làn sương mù mùa đông. Tiến sĩ Barry Gray, một bác sĩ hô hấp tại Bệnh viện King’s College, người đã được phỏng vấn trong phim tài liệu Killer Fog, miêu tả sự chuyển đổi từ xe điện sang xe buýt chạy diesel trong những năm 1950 như “một thảm họa có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người dân ở London”.
Sau những trải nghiệm cá nhân với tư cách là một học sinh trong thảm họa Đại Sương Mù, Roy Parker đã cống hiến sự nghiệp của mình cho việc nghiên cứu về ô nhiễm môi trường. Anh đã tính toán rằng có khoảng 12 triệu hộ gia đình đốt lửa bằng than tại Vương Quốc Anh vào năm 1952. Ngoài ra còn có 20.000 tàu lửa chạy hơi nước đốt than chất lượng thấp, trong khi riêng nhà máy năng lượng Battersea đã đốt 10.000 tấn than mỗi tuần. Ý tưởng về việc không có xe hơi chạy bằng xăng hoặc dầu diesel trên đường ngày nay cũng khó để hình dung như việc loại bỏ tàu lửa chạy bằng hơi nước và đốt lửa bằng than đối với một người dân ở London vào những năm 1950. Nhưng thật đáng ngạc nhiên, trong chỉ hơn một thập kỷ, đó chính xác là điều đã xảy ra. Năm 1952, Ủy ban về Ô nhiễm Không khí báo cáo rằng có một sự liên quan giữa ô nhiễm và các bệnh về đường hô hấp, từ đó đặt nền móng cho Đạo luật Không khí sạch của Vương Quốc Anh (1956). Quá trình hiện đại hóa hoàn toàn hệ thống đường sắt của Anh được công bố vào năm 1955, đánh dấu thời đại của động cơ hơi nước chạy bằng than chấm dứt. Nhà máy năng lượng Battersea sau cùng cũng đóng cửa vào năm 1975. Cho đến cuối thập niên 1970, đặc sản “soup đậu” của London đã trở thành dĩ vãng. Giáo sư Peter Brimblecombe đã chủ trì buổi hội thảo các nhân chứng của sự kiện tại Trung tâm Lịch sử Y tế Công cộng vào năm 2002. Tôi hỏi ông liệu có một cảm xúc chung tại sự kiện, rằng giờ đây vấn đề ấy đã được giải quyết sau 50 năm thảm họa Đại Sương Mù không? “Ôi tất nhiên rồi”, ông trả lời ngay lập tức. “Tôi nghĩ rằng chắc chắn là có cảm giác ấy… họ tin rằng mọi thứ đã thay đổi rất nhiều.”
London: những năm 2010
Vào một buổi sáng tháng 4 lạnh lẽo năm 2016, tại Quảng trường Trafalgar của London, một người biểu tình đã trèo lên công trình biểu tượng của thành phố, Đài tưởng niệm Nelson. Alison Garrigan đã lên kế hoạch cho việc này trong nhiều tháng. Trong ánh bình minh dịu nhẹ, cô cùng một đồng phạm đã đeo chiếc mặt nạ phòng độc trắng bóng loáng lên khuôn mặt màu đen được phủ bởi bồ hóng của Đô đốc Nelson. Là một nhà hoạt động xã hội kỳ cựu của tổ chức Hòa Bình Xanh, cô hy vọng sẽ làm nổi bật lên tình trạng ô nhiễm không khí ở London. Đại học Y Hoàng gia và Đại học Hoàng gia về Nhi khoa và Sức khỏe Trẻ em gần đây đã ước tính rằng mỗi năm có tới 40.000 ca chết sớm do ô nhiễm không khí tại Anh Quốc, 10.000 trong số đó là người London. Trẻ em ở một số Giành lại không khí sạch 27 khu vực bị ô nhiễm của London có dung tích phổi thấp hơn 5 đến 8% so với mức trung bình của độ tuổi. Vào năm 2013, Ella KissiDebrah, chín tuổi, đến từ phía nam London, đã tử vong sau khi nhập viện nhiều lần vì bệnh hen suyễn, dẫn đến một cuộc điều tra về tác hại của ô nhiễm không khí.I Vào tháng 1 năm 2017, nữ Nam tước Jones của Viện Quý tộc đã đưa ra cáo buộc “Tội vô trách nhiệm của một chính phủ không có mong muốn bảo vệ sức khỏe của công dân” trong một bài báo trên tờ The Times “Kêu gọi hạn chế giao thông sau tình trạng khói bụi kéo dài 10 ngày khiến 300 người chết”.
Nếu cho rằng London đã giải quyết được vấn đề này vào những năm 1970, thì điều gì đã trở nên tồi tệ đến vậy? Trong cuốn cẩm nang bảo tồn năm 1972 Trận chiến mới của nước Anh, tác giả H. F. Wallis đưa ra lời cảnh báo từ lịch sử: “Khói bụi kiểu Los Angeles – gây ra bởi tác động của ánh sáng mặt trời lên hơi xăng – có thể xảy ra ở Vương Quốc Anh… những chiếc xe mới trên đường vẫn có thể đầu độc không khí ở mức độ như hiện tại và tất nhiên, chúng sẽ còn xuất hiện nhiều hơn.”
Wallis lưu ý rằng giữa năm 1957 và 1967 “mạng lưới đường sắt của công ty Đường sắt Anh giảm mạnh từ 14.622 dặm xuống chỉ còn dưới 10.000 dặm” trong khi một phần năm các dịch vụ xe buýt biến mất. Mọi người không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển sang xe cá nhân. Vào thời điểm viết bài, chỉ có 14 triệu chiếc ô-tô trên đường phố tại Vương Quốc Anh. Vào cuối năm 2017, đã có 37,7 triệu phương tiện được cấp phép tại nơi này, khoảng 31 triệu trong số đó là xe hơi. Và 12,4 triệu trong số đó – gần bằng với tổng số xe ở thời của Wallis – là những chiếc xe động cơ diesel.
Khi Giáo sư David Newby bắt đầu nghiên cứu về ô nhiễm không khí vào đầu những năm 2000, ông cho rằng – giống như những người sống sót qua sự kiện Đại Sương Mù – ô nhiễm không khí tác động lên sức khỏe đã là tin tức của ngày hôm qua. Cho đến những năm 1990 và 2000, những nhà máy điện than nội thành tại Victoria từng làm London ngạt thở đã chuyển đổi thành các trung tâm văn hóa; nhà máy điện Tate Modern và Battersea giờ đây “nhả ra” tiền của du khách, không phải khói. Những nhà máy ấy chính là những di tích cao chót vót cho một thời kỳ khai sáng của chúng ta. Nhưng Newby, hiện là giáo sư tim mạch tại Trung tâm Nghiên cứu Xuất sắc của Quỹ Tim mạch Vương Quốc Anh, khi đó đã chuẩn bị thực hiện một nghiên cứu có thể thay đổi hoàn toàn hiểu biết của ông, và chúng ta, về ô nhiễm không khí. Vào năm 2007, Newby và đội ngũ của ông tuyển những tình nguyện viên khỏe mạnh, đưa họ vào một căn buồng phơi nhiễm, cố định họ trên một chiếc xe đạp và bảo họ bắt đầu đạp. Chiếc buồng sau đó được bơm đầy khí thải động cơ diesel. “Mọi người nghi ngờ chuẩn mực đạo đức của tôi”, ông thừa nhận. “Nhưng tôi chỉ ra rằng mức độ ô nhiễm bên ngoài, trên con đường họ đi đến nơi nghiên cứu có lẽ còn tồi tệ hơn.” Những gì họ phát hiện ra đã thực sự gây sốc. Khi bị phơi nhiễm với mức độ khí thải động cơ thông thường trên đường phố, máu trở nên đặc hơn và có khả năng bị đông. Những dấu hiệu của áp lực lên tim xuất hiện ngay lập tức. Huyết áp tăng và các động mạch bị mỏng đi rõ rệt. Nó rất giống với hút thuốc lá – thứ mà Newby gọi là “ô nhiễm không khí tự gây ra” – ngoại trừ việc, với ô nhiễm trên đường phố, không có lựa chọn từ bỏ. “Mọi người đang hấp hối không phải do hen suyễn mà do bệnh tim và đột quỵ gây ra bởi ô nhiễm không khí… Rất nhiều người cảm thấy ngạc nhiên, trong đó có tôi.”
Chất lượng không khí kém không chỉ là vấn đề quá khứ. Trên thực tế, có nhiều hạt ô nhiễm trong không khí ở thời điểm hiện tại hơn trong khoảng thời gian cuộc Đại Sương Mù xảy ra ở London. Sự khác biệt ở đây đó là hạt vật chất/ bụi (PM) từ các nguồn ô nhiễm hiện đại là quá nhỏ để có thể nhìn thấy.
Gần hai phần ba dân số tại Anh Quốc đang sống ở những khu vực có mức độ ô nhiễm không khí vượt ngưỡng cho phép của Liên minh Châu Âu. Dan Thorpe, ban ngày là giáo viên tiểu học địa phương, thời gian còn lại là một ủy viên hội đồng được bầu của quận Greenwich, nói với tôi: “Trường học của tôi, Tiểu học Windrush, nằm ngay bên cạnh Đập Sông Thames, vì vậy chúng tôi có phà Woolwich và vòng xuyến ở một đầu, khu công nghiệp thì ở phía sau… họ xếp các xe tải chở hàng nặng [lên phà], và khi họ vào vòng xuyến, chỉ cần một sự cố nhỏ là giao thông sẽ bị dồn ứ và bạn có một sự cố [ô nhiễm] nghiêm trọng sau đó… Một khi bạn biết được chuyện gì đang xảy ra thì đó giống như là một tình huống thảm họa rồi.”
Là một người miền nam London, thuộc gia đình lâu đời tại đây, Nick Hussey đã lớn lên với việc đua xe đạp. Trong khi bạn bè hứng thú với bóng đá, thần tượng của anh là nhà vô địch Tour de France Miguel Induráin và Greg LeMond. Kể từ đó, anh đạp xe thường xuyên và giấc mơ đua xe dần nhường chỗ cho một cuộc sống bình thường hơn của một người đạp xe đi làm. Vào tháng 5 năm 2005, ở tuổi 32 và đang sống tại London, cơn “sốt hoa cỏ” hay còn gọi là viêm mũi dị ứng của anh bắt đầu. “Tôi vẫn còn nhớ cảm giác đau nhói, cay xè trong mắt và không thể thở bình thường”, anh nói với tôi. “Không lâu sau đó, tôi bắt đầu gặp vấn đề với việc ăn một số loại thực phẩm. Tôi dường như đang phải vật lộn với một vấn đề histamine lớn. Tôi bắt đầu cảm thấy khó khăn khi đạp xe, đặc biệt là trong những tháng trời nóng. Nhưng những điều này dường như không khớp với sốt hoa cỏ. Tôi đã không thực sự hiểu về điều này.” Sinh sống gần một tuyến đường lớn ở phía tây nam London, việc hô hấp của anh chuyển biến xấu đến mức anh đã hai lần phải vào Khoa Tai nạn và Cấp cứu. “Hệ thống Y tế Quốc gia thực ra đã kiểm tra xem tôi có điều gì không ổn khá nhanh. Họ phát hiện ra rằng thực chất tôi có dung tích phổi lớn hơn nhiều so với dung tích phổi trung bình, vì vậy tôi đáng ra không nên có vấn đề về hô hấp. Họ làm các xét nghiệm và thu hẹp nguyên nhân. Họ loại trừ phấn hoa. Họ loại trừ chế độ ăn.” Cuối cùng, một chuyên gia trong một căn phòng tư vấn xám xịt của bệnh viện đã đưa tin. “Ông ấy chỉ nói: “Phải, đó là ô nhiễm không khí: chào mừng đến London.” Giống như đó là điều bình thường nhất trên đời, như thể ông ta thấy nó xảy ra hàng ngày.” Anh ấy nghe có vẻ khó chịu khi nói với tôi. “Nếu điều đó đơn giản và rõ ràng đến vậy, tại sao chúng ta không biết nhiều hơn về nó? Và tại sao mọi người lại không cảm thấy giận dữ hơn về điều này?”
Theo luật của Liên minh Châu Âu, một thành phố được phép vi phạm giới hạn phát thải nitrogen dioxide (NO2 ) tính theo trung bình giờ tối đa 18 lần trong một năm dương lịch. Năm 2016, London chỉ trong vòng 7 ngày đã vượt qua giới hạn cho phép hàng năm đó. Trong năm 2017, con số giảm xuống còn 5 ngày, số thời gian được phép vi phạm hàng năm được sử dụng hết vào ngày 5 tháng 1. Vào tháng 10 năm 2017, kế hoạch cắt giảm ô nhiễm NO2 của chính phủ mờ nhạt đến nỗi nó bị Tòa án Tối cao coi là bất hợp pháp và không thỏa đáng. Ngay cả Hội đồng Nhân quyền của Liên Hợp Quốc cũng vào cuộc, đưa ra một báo cáo dài 22 trang về ô nhiễm không khí tại Anh Quốc, trong đó ước tính rằng tác động của không khí chất lượng kém khiến nước Anh tốn khoảng 18,6 tỷ bảng Anh mỗi năm cho chi phí y tế. Bản báo cáo năm 2017 của tổ chức này đã chỉ trích: “Ô nhiễm không khí tiếp tục hoành hành tại Anh Quốc… Trẻ em, người già và những người có vấn đề về sức khỏe từ trước có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh, tàn tật và tử vong, và rủi ro càng tăng cao đối với người nghèo và dân tộc thiểu số.”
Thay vì học hỏi từ những bài học trong cuộc Đại Sương Mù, vào những năm 2000, London trở thành trung tâm toàn cầu của khói thải diesel, một trong những nguồn NO2 và hạt vật chất gây ô nhiễm lớn nhất.I Vào năm 1950, có khoảng 35 triệu ô-tô trên toàn cầu. Ngày nay, chỉ tính riêng ở Anh Quốc lượng ô-tô đã gần bằng con số trên. Trong khi đó, các lò sưởi đốt than và củi trong hộ gia đình, vốn đã bị nghiêm cấm ở các vùng nội thành bởi Đạo luật Không khí sạch, đang trở lại một cách bất ngờ. Được đổi tên thành “các lò đốt sinh khối” sử dụng “nhiên liệu tái tạo”, chúng được khuyến khích sử dụng một cách tích cực. Một tài liệu tham vấn của chính phủ vào năm 2018 đã thừa nhận rằng sự “gia tăng đốt cháy các loại nhiên liệu rắn trong các hộ gia đình cũng đang có tác động đến chất lượng không khí và hiện là nguồn phát thải PM lớn nhất quốc gia”. Tại trung tâm London, việc đốt gỗ củi là nguồn gây ra 31% PM2.5 có nguồn gốc từ đô thị – có lẽ là lần đầu tiên kể từ những năm 1950.
Báo cáo của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc kết luận, “Qua việc không hành động một cách khẩn trương và hiệu quả nhất có thể, cũng như không thực hiện mọi biện pháp có thể để làm giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và gia tăng tuổi thọ, chính phủ Anh Quốc đã thất bại trong việc hoàn thành nghĩa vụ bảo vệ tính mạng, sức khỏe và sự phát triển của trẻ em trong phạm vi quyền hạn của mình”. Trong số 51 thị trấn và thành phố của Anh Quốc được liệt kê trong cơ sở dữ liệu chất lượng không khí năm 2018 của WHO, có 44 thành phố và thị trấn vi phạm các giới hạn PM2.5 theo khuyến cáo của WHO.
Hiện tượng “Ngày tận thế vì ô nhiễm không khí” tại Bắc Kinh
Năm 2008, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Bắc Kinh đã đưa ra một quyết định gây tranh cãi. Ở một quốc gia không có dữ liệu chính thức nào về ô nhiễm không khí được cung cấp đến người dân, Đại sứ quán Hoa Kỳ đã lắp đặt một cảm biến ô nhiễm không khí trên sân thượng, cụ thể là máy đo MetOne BAM 1020 và Ecotech EC9810. Cũng trong năm đó, họ thiết lập một tài khoản Twitter, @beijingair, để tự động đăng tải nồng độ PM2.5 theo trung bình giờ, cập nhật hàng giờ trong ngày. Mặc dù nhiều lần bị chính quyền Trung Quốc yêu cầu gỡ bỏ, đại sứ quán vẫn tiếp tục đăng tải chỉ số PM2.5. Phó Thủ tướng về Bảo vệ Môi trường Wu Xiaoqing phát biểu trong một cuộc họp báo: “Các nhà ngoại giao có nghĩa vụ tôn trọng và tuân thủ các quy định và luật pháp [địa phương]… Chúng tôi mong muốn các đại sứ quán và lãnh sự quán sẽ tôn trọng luật pháp Trung Quốc và ngừng đăng tải dữ liệu về chất lượng không khí.” Mark Toner, thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đáp trả: “Chúng tôi cung cấp cho cộng đồng người Mỹ, cùng với nhân viên đại sứ quán và lãnh sự quán của chúng tôi… thông tin mà họ có thể sử dụng để đưa ra các quyết định thường nhật tốt hơn liên quan đến sự an toàn của các hoạt động ngoài trời.”I
Những lý do đằng sau hành động ấy là rõ ràng. Bầu trời khắp Trung Quốc và đặc biệt là tại phía bắc tỉnh Hà Bắc, đang dần xám xịt theo năm tháng. Năm 2004, nhà báo Trung Quốc Chai Jing đã hỏi một đứa trẻ rằng em đã từng nhìn thấy những ngôi sao bao giờ chưa? Câu trả lời của em là chưa. Em đã bao giờ nhìn thấy bầu trời xanh chưa? “Chỉ xanh nhạt thôi”, đứa bé nói. Vậy còn những đám mây trắng? “Chưa.” Cho đến năm 2009, Cục Bảo vệ Môi trường Trung Quốc đã thực hiện dự án thí điểm tại các thành phố lớn của mình để theo dõi “khói mù” – một cách nói giảm nói tránh cho khói bụi, trước khi khói bụi chính thức được thừa nhận là có tồn tại – và phát hiện ra số ngày có khói mù hàng năm dao động từ mức thấp 51 ngày lên mức cao 211 ngày trong năm.
“Lần đầu tiên tôi để ý đến nó, khi thực sự bắt đầu nhìn thấy là vào cuối những năm 1990”, doanh nhân người Mỹ Manny Menendez nói khi chúng tôi gặp nhau ở Bắc Kinh vào tháng 12 năm 2017. Manny đã làm việc tại Trung Quốc kể từ khi đất nước này mở cửa biên giới cho phép thương mại quốc tế, là người đàm phán cho thỏa thuận liên doanh đầu tiên giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vào năm 1980. “Tôi nhớ vào những ngày đầu tiên… hoạt động công nghiệp diễn ra ở trung tâm thành phố, vì như vậy rất dễ [tiếp cận]. Từ quan điểm bền vững hoặc thiết kế đô thị, điều đó đơn giản là không hiệu quả.” Manny thừa nhận, nhiều thập kỷ làm việc ở Trung Quốc đã gây ra cho anh những vấn đề về sức khỏe. “Tôi bị thở khò khè. Tôi có khẩu trang nhưng lại không sử dụng nhiều. Nếu tình trạng khí thải trở nên tồi tệ và chỉ số PM2.5 thực sự cao…” Anh dừng lại để ho khi nói điều này, như thể bị kích động bởi ý nghĩ đó, “… thì tôi sẽ bị thở khò khè kéo dài ít nhất một tuần đến 10 ngày. Nó không hết hẳn”. Manny có những đối tác kinh doanh đã cùng gia đình chuyển ra khỏi Bắc Kinh vì “không muốn con cái họ lớn lên với các vấn đề về hô hấp”.
Khi Viện Công vụ & Môi trường (IPE), một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Bắc Kinh, công bố Chỉ số Chất lượng Không khí Minh bạch (AQTI) đầu tiên vào năm 2010, không có dữ liệu về chất lượng không khí hàng ngày tại bất kỳ thành phố nào tại Trung Quốc. Bản báo cáo của IPE đã phải sử dụng dữ liệu của ngành công nghiệp và các thông tin ít ỏi có trong “Báo cáo về Tình trạng Môi trường tại Trung Quốc” hàng năm của chính phủ, trong đó không đưa ra mức độ chi tiết nào ngoài tỷ lệ các thành phố (không nêu tên) đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia (không xác định) từ cấp độ 1 cho đến 3. Đáp lại, bản báo cáo đầu tiên của IPE đã không khoan nhượng, gây ngạc nhiên cho nhiều người ở Trung Quốc và giới quan sát phương Tây: “Trong những năm gần đây, ô nhiễm không khí đã trở thành một trong những vấn đề môi trường cấp bách mà các thành phố tại Trung Quốc phải đối mặt”. Với tuyên bố vào năm 2010, IPE trở thành một trong những tổ chức đầu tiên công khai phát biểu về điều này. “Chất lượng không khí kém không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm triệu cư dân đô thị mà còn đe dọa đến sức khỏe và sự an toàn của họ. Trung Quốc đang trải qua giai đoạn phát triển công nghiệp và đô thị nhanh chóng, cũng chính là nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm không khí tại nhiều thành phố của nước này… Hiện tại, Trung Quốc chưa xây dựng được một mạng lưới theo dõi sức khỏe và ô nhiễm không khí quốc gia toàn diện.” Không giống như bản báo cáo mơ hồ của chính phủ, IPE liệt kê các “thủ phạm” chính: “Ô nhiễm khói than… các vấn đề về ô nhiễm lưu huỳnh dioxide (SO2 ) và hạt bụi phát tán tại khu vực thành thị… số lượng xe cơ giới làm gia tăng mức độ nghiêm trọng của ô nhiễm khí thải. Các vấn đề ô nhiễm không khí như khói mù, sương mù quang hóa và mưa acid… đang nghiêm trọng hơn theo từng ngày.”
Trong khi đó, thiết bị giám sát chất lượng không khí của Đại sứ quán Hoa Kỳ vẫn tiếp tục đăng bài. Bản thân ứng dụng Twitter đã bị chặn bởi Đại Tường lửa của Trung Quốc vào năm 2009, nhưng dù vậy một số ứng dụng trên điện thoại di động và Weibo (ví như bản tiếng Trung của Twitter) vẫn đăng các chỉ số trên @beijingair. Nếu chỉ số PM2.5 vượt quá 200 microgram trên một mét khối không khí (µg/m3), tài khoản @beijingair sẽ tự động đưa ra cảnh báo “rất có hại cho sức khỏe”; trên 400 µg/m3, cảnh báo trở thành “nguy hiểm”. Tuy nhiên, với mức trên 500 µg/m3, được cho là khó có thể xảy ra đến mức tài khoản được lập trình một cách bất cẩn để thông báo rằng không khí “tệ kinh khủng”. Vào ngày 18 tháng 11 năm 2010, điều không thể đã xảy ra. Cảnh báo “tệ kinh khủng” đầu tiên được đưa ra vào lúc 8 giờ tối, khi chỉ số tăng lên 503 µg/m3 (và đạt đỉnh vào ngày hôm sau ở mức 569 µg/m3) – khiến cho cả Đại sứ quán Hoa Kỳ và chính quyền Trung Quốc phải lúng túng. Nó được nhanh chóng sửa đổi thành “vược quá mức hiển thị”, nhưng đã quá muộn. Cảnh báo “tệ kinh khủng” được lan truyền mạnh mẽ. “Mạng xã hội Trung Quốc bắt đầu dành sự quan tâm và đăng tải lại cảnh báo này trên Weibo”, Kate Logan, giám đốc của IPE, hồi tưởng lại khi tôi đến thăm văn phòng IPE tại Bắc Kinh. “Người dân Trung Quốc đã bắt đầu để ý.”
Sau đó, “Ngày tận thế vì ô nhiễm không khí” xảy ra vào năm 2013. Nếu như Đại sứ quán Hoa Kỳ từng khiến người dùng Twitter xôn xao về chỉ số 500 µg/m3 vào năm 2010, thì vào ngày 12 tháng 1 năm 2013, nó đã báo cáo chỉ số hơn 800 µg/m3. Ngay cả Cục Bảo vệ Môi trường Bắc Kinh, lúc này đã bắt đầu miễn cưỡng công bố vài chỉ số chính thức, cũng cho thấy mức PM2.5 vượt quá 700 µg/m3. Liam Bates, một người Anh gốc Thuỵ Sĩ đang sinh sống tại Bắc Kinh, hồi tưởng: “Cảm giác như lúc đó đang là 6 giờ chiều, mặt trời đang lặn và mọi thứ bắt đầu tối dần – nhưng thực chất chỉ mới là giờ ăn trưa. Chuyện đó thật điên rồ. Thực sự có cảm giác như ngày tận thế – khi ấy đang là giữa ban ngày, và bầu trời dần chuyển màu đen kịt… mọi người bắt đầu hoảng hốt… Ngay cả những người [trước đây] nghi ngờ cũng nghĩ, “chết rồi, chuyện này thật là kinh khủng”.”
Từ ngày 10 đến 14 tháng 1, chỉ số µg/m3 không bao giờ ở dưới mức ba chữ số; mức trung bình cả tháng ở vào khoảng 200 µg/m3. Để làm rõ hơn về điều này, nó còn dày đặc hơn cả không khí ở bên trong một phòng hút thuốc thông thường tại sân bay (167 µg/m3, theo một nghiên cứu năm 2012 của Hoa Kỳ). Ngưỡng an toàn cho sức khỏe hàng ngày do WHO thiết lập chỉ ở mức 25 µg/m3. Trong khoảng thời gian xảy ra “Ngày tận thế vì ô nhiễm không khí”, tờ South China Morning Post cho biết Bệnh viện Nhi Bắc Kinh đang tiếp nhận hơn 7.000 bệnh nhân mỗi ngày, với số trẻ em đang được điều trị bệnh hô hấp cao nhất trong vòng 5 năm.
Vào năm xảy ra “Ngày tận thế vì ô nhiễm không khí”, Trường Quốc tế Bắc Kinh, một trường tư thục dành cho con cái của người nước ngoài và người dân địa phương giàu có, đã dựng lên một mái vòm áp lực khổng lồ trên sân chơi ngoài trời để tránh bầu không khí giờ đây không thể thở được của thành phố. Cấu trúc mái vòm được nâng đỡ bởi những chiếc quạt áp suất khổng lồ thanh lọc không khí, cho phép những học sinh trả phí được tiếp tục vui chơi “ngoài trời”. Cũng trong năm đó, những lon nước được bơm đầy không khí nén không chứa PM, bao gồm nhiều “hương vị”, trong đó có “Tây Tạng Nguyên chất”, đã được bày bán trên đường phố ở Bắc Kinh. Nó đáng ra đã là một tác phẩm nghệ thuật trình diễn hoàn hảo, nếu không vì thực tế là người làm ra những chiếc lon này, Chen Guangbiao, là một doanh nhân ở đỉnh cao của sự bùng nổ kinh tế Trung Quốc. Anh này sau đó đã bán được 12 triệu lon, thu về 7 triệu đô-la (hơn 5 triệu bảng Anh). Người dân đang cần một bầu không khí sạch hơn và sẵn sàng trả tiền cho nó.
Trên thực tế, “Ngày tận thế vì ô nhiễm không khí” không phải là một sự kiện ô nhiễm không khí đơn lẻ. Nó chỉ là điều tồi tệ nhất trong số những điều xảy ra đều đặn vào mỗi mùa đông. Trong vòng 30 năm tính đến 2015, tỷ lệ ung thư phổi ở Trung Quốc đã tăng thêm 465%, trong giai đoạn mà thực chất tỷ lệ hút thuốc lá lại giảm xuống. Vào năm 2013, một bé gái 8 tuổi ở tỉnh Giang Tô trở thành bệnh nhân ung thư phổi trẻ nhất Trung Quốc; bác sĩ điều trị cho cô tin rằng nguyên nhân là do phơi nhiễm với ô nhiễm không khí. Trong Cuộc đua Marathon Bắc Kinh 2015, 6 người lên cơn đau tim do mức độ PM2.5 vào ngày hôm ấy. Một bài báo trong năm đó chỉ ra rằng vào những ngày tồi tệ nhất ở Bắc Kinh, một người dân bình thường hít thở phải không khí bị ô nhiễm sẽ tương đương với việc hút 25 điếu thuốc lá. Ngày tồi tệ nhất được ghi nhận vào năm 2015 tại thành phố Thẩm Dương của Trung Quốc đã chứng kiến mức ô nhiễm PM đạt tới 1.400 µg/m3 (gần bằng 3 ngày “tệ kinh khủng” cộng lại) – tương đương với việc hút 64 điếu thuốc lá. Ngay cả những người khỏe mạnh và hút thuốc thường xuyên nhất cũng sẽ gặp khó khăn với tần suất dày đặc này.I Sự khác biệt đương nhiên là tại thành phố Thẩm Dương, nơi khói thuốc tác động lên trẻ sơ sinh và người ốm yếu liên tục.
Tình trạng khói bụi tại Trung Quốc đã gói gọn những vấn đề trong cả quá khứ lẫn hiện tại của London: than nội địa và khói thải từ nhiên liệu rắn, ô nhiễm do hoạt động công nghiệp và khói thải từ phương tiện giao thông hiện đại. Trung Quốc chỉ có 18 triệu phương tiện giao thông vào năm 2001. Cho đến năm 2015, số lượng phương tiện đã đạt 279 triệu.
Delhi: năm 2017
Vào ngày 6 tháng 11 năm 2017, Vua Philippe và Nữ hoàng Mathilde của nước Bỉ đã tham dự một buổi lễ tại Delhi. Trong khi đang tưởng niệm những người lính Ấn Độ đã chiến đấu tại Flanders trong Thế chiến thứ nhất, một màn sương đã che phủ đội lính danh dự, gợi nhớ lại đám khói từ hỏa lực pháo binh và khí mù tạt của thế kỷ trước. Tuy nhiên, đây không hề là một kế hoạch tái hiện. Vào thời điểm 11 giờ sáng ngày hôm đó, nồng độ PM2.5 tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Delhi đã đạt mức độ gây ngạt thở 986 µg/m3. Khi Thủ tướng Modi cùng cặp đôi hoàng gia Bỉ chuẩn bị chụp ảnh, họ còn không thể nhìn thấy đội lính danh dự. Ngày hôm sau, chỉ số PM đạt đỉnh 1.486 µg/m3 – một trong những mức cao nhất từng được ghi nhận. Chỉ số không giảm xuống dưới mức ba chữ số cho đến ngày 17 tháng 11 (và kể cả đến lúc đó thì cũng chỉ xê dịch một chút).
Theo Trung tâm Khoa học và Môi trường, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Delhi, “những nguyên nhân chính dẫn đến kiểu khói bụi này tại Delhi và vùng lân cận là các phương tiện giao thông; hoạt động xây dựng không được kiểm soát và khói bụi đường phố; việc đốt rác, đốt rơm rạ của nông dân ở các bang Punjab, Haryana… trong điều kiện thời tiết gần như lặng gió; sự khởi đầu của mùa đông; và đương nhiên là, pháo nổ tại lễ hội ánh sáng Diwali”. Trước tình trạng này, Arvind Kejriwal, thủ hiến của thành phố, đã yêu cầu các trường học đóng cửa trong 3 ngày, tạm dừng hoạt động xây dựng và phá dỡ trong 5 ngày và đóng cửa nhà máy than Badarpur tại trung tâm thành phố trong 10 ngày. Báo chí quốc tế đã đăng tải những dòng tiêu đề như “Tôi cảm thấy bất lực”: Cư dân Delhi trong cuộc khủng hoảng khói bụi (tờ Guardian, ngày 8 tháng 11 năm 2017) và “Chất lượng không khí tại New Delhi tệ hơn cả việc hút 50 điếu thuốc mỗi ngày” (tờ Sky News, ngày 11 tháng 11 năm 2017).
Vào ngày 19 tháng 11, kênh truyền hình Ấn Độ NDTV đã khởi phát chương trình tranh luận với phần giới thiệu đầy cảm xúc: “Trong tuần này, nếu bạn sinh sống ở Bắc Ấn Độ, có lẽ bạn đang ước là không phải một màn khói bụi độc hại đã lần lượt bao trùm xuống khắp các thành phố. Dù vậy, cuộc sống dường như vẫn tiếp diễn bình thường. Khi chất lượng không khí chuyển từ nghiêm trọng sang rất kém, chúng ta thực ra lại ăn mừng… Có một sự im lặng đến từ các nhà lãnh đạo khi các bộ trưởng môi trường phát biểu rằng “ít nhất thì nó cũng không tệ như thảm họa Popol”, ngay cả khi hàng loạt nghiên cứu chỉ ra rằng hàng triệu người Ấn Độ đang chết dần chết mòn vì đợt ô nhiễm này. Làm thế nào để chúng ta, với tư cách là các công dân, và các chuyên gia về chăm sóc sức khỏe của chính phủ, có thể cùng nhau tìm cách cứu lấy bản thân khỏi tình trạng khẩn cấp về sức khỏe này?”
Vào ngày 22 tháng 11, tôi đặt chân đến Delhi. Khi chuyến bay của tôi bắt đầu hạ cánh, hai cánh của máy bay cắt qua một dải mây xám xịt đang chờ bên dưới. Tuy nhiên, khi chúng tôi xuống thấp hơn, dải màu xám trông quá phẳng và đều đó có thể là mây. Và nó trong mờ – có thể nhìn xuyên qua để thấy được các tòa nhà, như những viên sỏi dưới đáy của một vũng bùn. Tôi nhận ra rằng hôm đó là một ngày nắng, không có mây: đây là màn khói bụi.
Tại sân bay, tôi tìm một thẻ SIM địa phương cho điện thoại của mình và gọi taxi – hối hận vì không sử dụng phương tiện giao thông công cộng, nhưng chiếc taxi là cần thiết để biết được về câu chuyện lúc bấy giờ của Delhi. Tôi cần phải nhìn tận mắt những con đường. Giao thông di chuyển theo kiểu dừng‑đi gián đoạn, hiếm khi có ít hơn bốn hoặc năm hàng xe, và bất kể có bao nhiêu làn đường đi chăng nữa, mỗi lái xe đều cố gắng lấp đầy những khoảng trống nhỏ nhất vừa xuất hiện, tìm kiếm một lợi thế vô hình. Ở ghế sau của chiếc taxi, máy đo Laser Egg của tôi hiển thị nồng độ PM2.5 trên 300 µg/m3: mức độ mà cá nhân tôi chưa từng trải qua. Tôi tập trung làm mọi thứ chậm nhất có thể để kiểm soát nhịp thở và nhịp tim của mình. Trong những ngày sau đó, tôi dần quen thuộc với một âm thanh xuất hiện liên tục trên đường phố Delhi: tiếng khạc khô khan do viêm xoang. Những người lái xe và đi bộ đều buộc phải loại bỏ dịch nhầy bằng cách nhổ nó xuống đất. Điều đó có vẻ thô lỗ nếu nó không thật sự cần thiết. Tại nhiều thời điểm trong chuyến đi, tôi cũng bất đắc dĩ phải làm vậy.
Tại phòng B&B của tôi, chủ nhà Vandana chào đón tôi bằng bánh mì nướng và trà nóng (cô ấy hẳn là hiểu rất rõ về người Anh). “Thật là một ngày tuyệt vời để đến nơi này”, Vandana kêu lên. “Màn khói bụi đã biến mất!” “Biến mất ư?” Tôi ngạc nhiên trả lời, nghĩ đến màu trắng đục ảm đạm trên bầu trời và chỉ số trên máy đo của tôi. “Ồ phải. Tuần trước nó ở vào khoảng 1.000”, cô nói, ý muốn nhắc đến AQI.I “Nhưng bây giờ chỉ còn 200 hoặc khoảng đó. Màn khói bụi đã biến mất cách đây một vài ngày.” Dù vậy, cô ấy vẫn khuyên tôi nên mua khẩu trang, kể cả khi tôi chỉ đi bộ bên đường. “Cổ họng của cậu có thể sẽ cảm thấy đau rát vào cuối ngày”, Vandana nói, “nhưng nếu chuyện đó xảy ra – chỉ cần đun một ít nước ấm và súc miệng. Giống như đi tắm vậy. Thông thường thì nó sẽ có hiệu quả”. Khi cô ấy rời đi để tôi dỡ đồ, tôi quay sang chiếc máy lọc không khí trong nhà và tăng thêm một nấc. Nhưng như chiếc màn cửa dập dờn bên khung cửa sổ lỏng lẻo, tôi biết rằng nó sẽ không có nhiều tác dụng. Khi tôi đi ngủ, máy đo không bao giờ giảm xuống dưới mức 70 µg/m3. Sáng hôm sau, một số ít công nhân đang dùng tay phá dỡ từng viên gạch một của khối nhà đối diện căn hộ nơi tôi đang ở. Họ thắp lửa để giữ ấm và nấu ăn. Tôi không thể nhìn thấy họ đang đốt thứ gì nhưng nó có mùi ngọt đến khó chịu. Chỉ số trên máy đo vượt mức 200 µg/m3.
Sau đó, tại Viện Công nghệ Ấn Độ [IIT], những bãi cỏ rộng lớn và những con đường riêng ôm lấy những khối nhà vững chắc từ thập niên 1970 của các ban ngành, chỉ một số ít cao hơn ba tầng, trải dài đến tận chân trời; trên tầng hai của dãy nhà dành cho ngành Kỹ thuật Xây dựng Dân dụng, tôi tìm đến cánh cửa màu nâu với bảng tên “Giáo sư Mukesh Khare”.
“Tôi gia nhập IIT Delhi với tư cách là giáo sư vào năm 1991, và làm việc trong lĩnh vực chất lượng không khí kể từ đó”, Giáo sư Khare nói với tôi. “Delhi từng gặp vấn đề với CO [carbon monoxide] vào những năm 1990. Nhưng… vấn đề hiện nay là NO2 và CO, xuất phát từ nhiên liệu nhiệt độ cao, và cả PM2.5. Diesel cũng là một nguyên nhân khác.” Gần đây Delhi đã được xếp hạng là thành phố lớn ô nhiễm nhất thế giới xét về ô nhiễm không khí xung quanh. Nồng độ PM2.5 trung bình hàng năm theo tài liệu chính thức tại Delhi vào năm 2014 là 153 µg/m3, gấp 15 lần so với khuyến nghị của WHO, với nồng độ hàng ngày thường vượt quá 550 µg/m3 (cao hơn mức “tệ kinh khủng” 500 của Bắc Kinh).
Khi tôi đến thăm Viện Nghiên cứu Đường bộ Trung tâm (CRRI), Tiến sĩ Niraj Sharma, nhà khoa học trưởng cấp cao về môi trường, người đã nghiên cứu về khí thải đường bộ trong suốt 25 năm qua, vừa nói vừa thò tay vào ngăn kéo bàn của mình. “Tôi rất thích sưu tầm những mẩu báo được cắt ra”, ông giải thích. “Cậu có thể lướt qua những thứ này.” Ông lôi ra một tập dày những bài báo mà ông ấy đã cẩn thận cắt. Tôi đọc thành tiếng một vài tờ trong số đó: “Chất lượng không khí cải thiện đôi chút tại Delhi, một lần nữa ở mức rất kém”, “Ô nhiễm suy giảm tại Delhi vào dịp lễ hội ánh sáng, nhưng chất lượng không khí vẫn tệ, vượt quá mức độ an toàn”, “Chính phủ thông báo rằng ô nhiễm không khí tăng vọt sau khi bắn pháo hoa”, “Tốc độ gió thấp khiến chất lượng không khí Delhi rất kém”, “Delhi, ngươi đang giết ta”, “Khói bụi làm ngạt thở thành phố, các bác sĩ tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe”. Ông có đồng ý với điều đó không, tôi hỏi – đó có phải là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe? “Đúng. Lần này thì là có. Lần đầu tiên sau 25 năm, khoảng 10 ngày trước, tôi cảm thấy như bị nghẹt thở khi ở ngoài trời… Tôi đã từng cảm thấy khó chịu [trước đây] nhiều lần, nhưng giờ đây tôi cảm thấy như đang bị bóp nghẹt.”
Dân số của Delhi, thành phố lớn thứ hai trên thế giới tại thời điểm viết bài, được Liên Hợp Quốc dự báo sẽ tăng từ 24,9 triệu vào năm 2014 lên 36 triệu vào năm 2030. Khi thành phố mở rộng, số lượng ô-tô và đường sá cũng vậy. Tiến sĩ Sharma nói với tôi rằng trong năm 2010, số lượng phương tiện giao thông ở Delhi là khoảng 6 triệu; “Giờ đây con số là 10 triệu.” Ô nhiễm do phương tiện giao thông được xác định là chiếm khoảng 72% tổng lượng ô nhiễm không khí tại Delhi, so với chỉ 23% vào năm 1970-1971. Các thành phố khác của Ấn Độ đã không chọn cách phát triển tương tự. Greater Mumbai chỉ tăng từ 1 triệu đến 1,7 triệu xe so với cùng kỳ, mặc dù có dân số đông tương tự với 20,7 triệu người.
Shubhani, một nữ doanh nhân ở Delhi, nói với tôi: “Hằng năm bạn thấy rằng những đứa trẻ phải sử dụng máy xông mũi họng, chúng bị ho, ốm yếu – đặc biệt là những bé nhỏ tuổi. Một trong những người bạn của tôi có con phải liên tục sử dụng một loại thuốc nào đó. Và thực sự không còn gì khác [như một nguyên nhân], ngoài không khí mà chúng ta hít thở.” Mong muốn cho tôi xem một số bằng chứng, cô ấy tìm kiếm hình ảnh đã lưu trên điện thoại của mình. Đó là trang nhất của một tờ báo từ vài tháng trước, cho thấy các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Ấn Độ: năm 1990, năm nguyên nhân hàng đầu là tiêu chảy, biến chứng đường hô hấp dưới, biến chứng trước sinh, bệnh lao và sởi. Cho đến năm 2016, bệnh tim đột nhiên đứng đầu danh sách, chiếm 8,7% tổng gánh nặng bệnh tật, so với chỉ 3,7% vào năm 1990. Đứng thứ hai là bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, sau đó lại là tiêu chảy, rồi đến biến chứng đường hô hấp dưới, rồi đến đột quỵ. Mọi nguyên nhân mới xuất hiện trong danh sách đều có sự liên kết mạnh mẽ với ô nhiễm không khí.I Người đứng đầu phòng thí nghiệm không khí trong Ban Kiểm soát Ô nhiễm Trung ương nói với tờ Hindustan Times vào tháng 7 năm 2017 rằng Delhi đã không có một ngày nào trong 535 ngày trước đó có chất lượng không khí được đánh giá là “tốt”.
Jyoti Pande Lavakare là một nhà kinh tế, nhà báo tài chính và tự nhận mình là một “bà mẹ trường trung học tại Delhi”, hỗ trợ điều hành một đội ngũ trong chiến dịch dành cho các bậc cha mẹ đang lo lắng. Tại ngôi nhà của cô trong một khu phố trung lưu nhiều cây cối, các công viên công cộng xuất hiện giữa mọi dãy nhà, được tưới nước quá mức. Bảo vệ ngồi ở bên ngoài mỗi cổng ra vào. Những khu phố như vậy đáng lẽ ra phải không bị ảnh hưởng bởi thứ gì đó phiền phức như ô nhiễm, song máy đo của tôi vẫn hiện chỉ số 280 µg/m3. Những tia nắng vỡ vụn soi rọi không gian ngoài trời trông giống như bụi bặm trong một căn gác mái. Jyoti nói với tôi rằng một số đại sứ quán nước ngoài hiện phân loại Delhi là một “bài toán khó” – họ không gửi các nhà ngoại giao cùng gia đình đến Delhi nữa. United Airlines gần đây đã hủy các chuyến bay đến Delhi trong khoảng thời gian tồi tệ nhất của đợt khói mù tháng 11. “Nó dần được hình thành trong cộng đồng quốc tế như là một bí mật mở”, cô nói. “Nó trở thành thứ mà mọi người đều biết đến nhưng không muốn thảo luận.” Điện thoại của cô ấy reo vang với nhạc chuông là bài Yellow của Coldplay. “Tôi sẽ nhận cuộc gọi nếu đó là từ các bác sĩ”, cô ấy nói một cách hối lỗi. “Ổn rồi, nó không phải… Đó là điều kỳ lạ, Tim. Giờ đây tôi tham gia cuộc chiến đấu này vì lý do cá nhân. Mẹ tôi mới đây được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi. Bà là một công dân Delhi lâu năm. Chúng tôi không có tiền sử mắc bệnh ung thư trong gia đình mình… bà không phải là người hút thuốc. Bà chỉ hít thở bầu không khí của Delhi.”
Chỉ vài ngày sau khi tôi rời Delhi, một trận đấu cricket quốc tế được tổ chức tại thủ đô – trận đấu kinh điển giữa Ấn Độ và Sri Lanka – đã chứng kiến mức khói bụi tệ đến nỗi trọng tài đã tạm dừng trận đấu trong 20 phút để tham khảo ý kiến các bác sĩ của hai đội. Đó là trường hợp đầu tiên được ghi nhận của một trận đấu cricket quốc tế bị tạm dừng do khói bụi. Trận đấu lại tiếp tục nhưng hai cầu thủ giao bóng rời sân và phàn nàn về việc khó thở. “Chúng tôi có những cầu thủ ra sân rồi nôn mửa”, huấn luyện viên của đội Sri Lanka phàn nàn với các phóng viên. “Có cả bình oxy ở trong phòng thay đồ.”
Hiện tượng “sương mù quang hóa” tại LA
Màn khói bụi đầu tiên xuất hiện tại Los Angeles là vào năm 1943. Nhiều người khi ấy lo sợ rằng đó là một cuộc tấn công hóa học của Nhật Bản, khiến cho đường phố trở nên hoảng loạn. Nhưng trên thực tế, hiểm họa ấy lại xuất phát từ chính nơi này và sự xuất hiện của nó là có thể dự đoán được. Los Angeles, giống như Mexico City và Bắc Kinh, là một chiếc bẫy ô nhiễm tự nhiên. Khu vực này có địa hình dạng lòng chảo (với diện tích khoảng 1.630 dặm vuông) bị bao quanh bởi một vành núi cao, chính vành núi này đã giữ không khí lại ở phía dưới. Đầu thế kỷ XX, khói bốc lên từ các nhà máy thép, nhà máy hóa chất và lò đốt chất thải dần dần lấp đầy lòng chảo. Sau màn khói bụi năm 1943, các cơ quan chính phủ đã nhờ đến Tiến sĩ Arie Haagen-Smit, một nhà hóa sinh học tại Viện Công nghệ California, để điều tra những gì đang xảy ra. Nghiên cứu sau đó của ông đã phát hiện ra quá trình gây ô nhiễm ozone và đặt ra cụm từ “sương mù quang hóa”.
Bài viết “Kiểm soát ô nhiễm không khí tại Los Angeles” của Haagen-Smit, được xuất bản trong ấn bản tháng 12 năm 1954 của tờ Engineering and Science, kết luận rằng: “Phân tích hóa học của màn khói bụi cho thấy sự hiện diện của một lượng lớn các chất thành phần, trong đó có lưu huỳnh dioxide và bụi, được biết đến như những “kẻ gây rối” ở các khu công nghiệp khác nhau… Phát hiện về quá trình oxy hóa quang hóa của chất hữu cơ đi kèm với sự hình thành ozone đã [cung cấp] thêm bằng chứng khoa học cho sự cần thiết của việc kiểm soát khí thải hydrocarbon.” Cáo phó của Haagen-Smit trên tờ New York Times, năm 1977, có ghi: “Ông đã đương đầu với ngành công nghiệp dầu mỏ và ô-tô trong một cuộc chiến gần như tay đôi chống lại ô nhiễm từ nhiên liệu bị đốt cháy… thuyết phục ngành công nghiệp lọc sạch khói thải từ các ống khói nhà máy, thúc giục các nhà máy ô-tô phát triển phần cứng làm giảm khí thải và nhấn mạnh sự cần thiết của việc phải có kế hoạch kiểm soát phát triển công nghiệp.” Tuy nhiên, có một điều ông không thể ngăn cản, đó là tình yêu của thành phố dành cho xe hơi. Tiến sĩ Devra Davis ước tính rằng cho đến năm 1955, khoảng một nửa trong số 5 triệu dân của thành phố có một chiếc ô-tô, đốt cháy tổng cộng 58.000 tấn nhiên liệu mỗi năm. Los Angeles trước đó được biết đến với những chiếc xe điện, với 1.500 dặm đường ray, nhưng – giống như ở London – chúng đã bị gỡ bỏ để nhường chỗ cho ô-tô. Davis viết rằng, vào năm 1954, “những ngọn lửa trại khổng lồ được thắp lên khi những chiếc xe và tàu điện từng một thời chạy tại Hollywood bị tẩm dầu hỏa và đốt cháy”. Nếu có một hình ảnh tóm gọn sự sai lầm của việc ủng hộ nhiên liệu hóa thạch thay vì điện khí hóa vào giai đoạn giữa thế kỷ XX, thì đó chắc chắn là hình ảnh này.
Từ năm 1950 đến 1970, dân số miền nam California đã tăng gấp đôi, trong khi số lượng phương tiện giao thông tăng gấp ba. Ronald Reagan đã kêu gọi cư dân vào năm 1974 hạn chế “di chuyển bằng xe hơi ngoại trừ trường hợp thực sự cần thiết” và lái xe chậm hơn để giảm thiểu khí thải, nhưng lời kêu gọi của ông hầu như không có tác dụng. Các nghiên cứu ở California vào những năm 1980 đã bắt đầu kiểm tra các tác động tới sức khỏe của ô nhiễm khí thải phương tiện giao thông và phát hiện ra tỷ lệ chết sớm do bệnh tim mạch cao bất ngờ.
Mary Nichols, chủ tịch Hội đồng Tài nguyên không khí (CARB) từ năm 1979 đến 1983, hồi tưởng, “chỉ riêng việc giảm lượng [các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, hay VOC] trong không khí… đã gây ra rất nhiều tranh cãi, và nó đã vướng phải kiện tụng. Điều đó đồng nghĩa với việc dành hàng giờ tại các phiên điều trần với những công ty như Southern California Edison, những công ty đã chiến đấu quyết liệt cùng rất nhiều các chuyên gia khoa học từ nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm thuyết phục rằng chúng ta không nên cố gắng [kiểm soát khí thải]”. Ở tình trạng tồi tệ nhất của nó, màn khói bụi tại LA “thiêu đốt phổi khi bạn hít phải và có mùi rất tệ – nó thực sự có mùi và vị – và không khí thì đáng ra không nên có đặc điểm đó”, Nichols nói. “Nó có vị của hóa chất và công nghiệp. Và nó cũng thật xấu xí – bạn có thể nhìn thấy nó, nó khiến cho mọi thứ trong tầm nhìn trở nên u ám. Và bạn có thể thấy những hậu quả mà nó để lại, trên các tòa nhà, các di tích, nơi nó ăn mòn đá và cẩm thạch. Và theo như cảm nhận của con người lẫn động vật – bởi vì thú nuôi cũng trải qua điều này – hơi thở trở nên đau đớn, khó nhọc và khả năng ở ngoài trời của chúng ta bị giảm thiểu. Mọi người được khuyên không nên đi ra ngoài… họ bị mắc kẹt trong chính ngôi nhà của mình.”
Sam Atwood là một phóng viên nhật báo trong những năm 1980 tại tờ San Bernardino Sun và tờ Santa Fe New Mexican. Năm 1990, ông đã giành một giải thưởng báo chí quốc gia cho một loạt tám bài về ảnh hưởng sức khỏe của khói bụi. “Vào năm 1987, cơ hội để làm việc cho một tờ báo tại Nam California xuất hiện”, ông nhớ lại, “vì vậy tôi đã bay đến để phỏng vấn – và bạn vẫn có thể có trải nghiệm này vào thời nay… bạn biết đấy, bạn đang thực sự bay thẳng vào một màn khói bụi… Dãy núi San Gabriel thật đẹp, nó cách sân bay chưa đến 10 dặm nhưng bạn hoàn toàn không thể nhìn thấy nó… tôi gần như bắt đầu lên cơn hoảng loạn và suy nghĩ, mình đang làm gì ở đây… mình sẽ hít phải những thứ này ư?!”
Máy bay của Sam hạ cánh khi đang có một trong nhiều cảnh báo khói bụi Giai đoạn 1, báo hiệu nồng độ ozone ở mức cao: “Ở mức đó, bất cứ ai cũng sẽ cảm nhận được ảnh hưởng, rất khó để Giành lại không khí sạch 47 hít thở sâu, bạn cảm thấy như có một quả tạ đè nặng trên ngực và không thể phủ nhận thực tế là chất lượng của không khí đang ảnh hưởng đến tất cả ai hít thở nó.” Los Angeles, ông nói, “đã luôn luôn có vấn đề ozone ở mức kinh khủng và nó sẽ tiếp tục là thử thách lớn nhất đối với chúng ta”.
Từ năm 2012 đến 2014, Los Angeles đã có 81 ngày nồng độ ozone ở mức “báo động đỏ”; ngược lại, toàn bộ tiểu bang Florida chỉ có một. Suzanne Paulson, giáo sư tại UCLA (Đại học California, Los Angeles) và giám đốc của Trung tâm Không khí Sạch, giải thích rằng vấn đề ngày nay “vẫn là những chiếc ô-tô sử dụng động cơ đốt trong [cùng với] các nguồn khác như xe địa hình, phương tiện sử dụng cho hoạt động xây dựng, máy bay, tàu hỏa và tàu thủy: chúng tôi có một lượng hàng hóa khổng lồ được vận chuyển đến Los Angeles, khoảng một nửa trong số đó được đưa từ châu Á đến Hoa Kỳ và được nhập vào thông qua các cảng tại Los Angeles và Long Beach”. Tóm lại, Paulson nói, “nếu chúng ta đột nhiên loại bỏ được tất cả việc đốt cháy, thì chúng ta gần như sẽ giải quyết được triệt để [ô nhiễm không khí]”.
Bản báo cáo về Tình trạng Không khí năm 2016 của Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ đã phát hiện ra có 12 thành phố tại California ghi nhận sự gia tăng ô nhiễm ozone so với cùng kỳ năm trước, trong đó Los Angeles đứng đầu danh sách “ô nhiễm nhất” của 15 trong số 16 bản báo cáo gần đây. Trong năm 2016, 5 thành phố tại các quốc gia phương Tây đã có những đợt ô nhiễm hàng ngày ngắn hạn tồi tệ nhất kể từ khi tiến hành việc báo cáo, phần lớn là do sự gia tăng của những cơn hạn hán vào mùa hè và những đám cháy rừng, mặc dù đó không phải là những nguồn duy nhất. Những ngày có nồng độ hạt ô nhiễm cao thường là hậu quả của việc sử dụng lò sưởi củi để giữ ấm, bão bụi, cháy rừng và các loại hình thời tiết đã giữ lại khí thải từ các nhà máy điện, xe tải, xe buýt, tàu hỏa, tàu thủy và các nguồn liên quan tới hoạt động công nghiệp. Trên toàn quốc, cứ 10 người Mỹ thì có hơn 4 người (44%) sống ở các hạt có nồng độ ô nhiễm ozone hoặc hạt ở mức không tốt cho sức khỏe, tỷ lệ này cao hơn so với giai đoạn từ năm 2009-2011. Chỉ riêng PM2.5 đã gây ra số ca tử vong hàng năm cao gấp đôi so với tai nạn giao thông ở Mỹ. Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ cũng cảnh báo về những thế lực mạnh mẽ đang tìm cách “làm suy yếu Đạo luật Không khí sạch [Hoa Kỳ]… và suy giảm khả năng của quốc gia trong việc chiến đấu vì một bầu không khí lành mạnh”. Với việc chính quyền Trump lên nắm quyền, họ sẽ sớm chứng minh điều này là đúng.
Paris: khí thải NOx độc hại
Khi tôi đặt chân đến văn phòng của tổ chức Airparif tại bờ nam sông Seine, Amélie Fritz đã xin lỗi vì vẻ ngoài mệt mỏi của mình. Hôm ấy là một ngày sau sự kiện “Journée sans Voiture – Ngày không xe hơi” của thành phố, hiện là một sự kiện diễn ra hàng năm trong đó Paris cố gắng thuyết phục cư dân của mình di chuyển mà không sử dụng xe hơi trong một ngày. Fritz, một nhà sinh học môi trường tại Airparif, tổ chức giám sát chất lượng không khí chính thức của thành phố, đã nói chuyện với các nhà báo cho tới tận đêm khuya. Cô ấy đã thực hiện cuộc phỏng vấn truyền hình cuối cùng tại nhà của mình – “Tôi đã quá mệt mỏi để ở lại làm việc, vì vậy tôi nói: Được rồi, nhưng bạn phải đến nhà tôi ngay bây giờ.”
Cô ấy chỉ cho tôi lên trên tầng để đến văn phòng của cô, ở trong là một cái bàn tràn ngập những bản báo cáo và các bài báo khác nhau. “Paris khá là may mắn nếu xét về điều kiện địa lý”, cô mở đầu. “Vùng đất có địa hình rất bằng phẳng, chúng tôi không bị bao quanh bởi những ngọn núi, không có ngành công nghiệp “đồ sộ” nào, đây cũng không phải là một khu công nghiệp, có nhiều gió và mưa – điều này khá tốt cho chất lượng không khí… Nhưng nếu khi bầu trời xuống thấp, không có gió – thì về cơ bản, không khí giống như khi bạn vẫn để xe chạy trong gara nhà mình vậy.”
Từ ngày 30 tháng 11 đến ngày 17 tháng 12 năm 2016, khu vực Paris mở rộng đã trải qua một trong những giai đoạn ô nhiễm kéo dài và dữ dội nhất trong vòng một thập kỷ. Nồng độ PM10 cao do các nguồn phát thải địa phương từ giao thông và lò sưởi tại gia, cộng với việc trời lặng gió, đã khiến cho toàn bộ Paris như bị mắc kẹt trong gara với một chiếc xe vẫn đang chạy. Vào Thứ tư ngày 30 tháng 11, chỉ số PM2.5 hàng giờ tại Saint-Denis, trung tâm Paris, đạt mức cao nhất là 195 µg/m3, trong khi NO2 đạt đỉnh ở mức gây khó thở 283 µg/m3 tại Quảng trường Nhà hát lớn vào ngày hôm sau. Tình hình cải thiện vào cuối tuần, nhưng sau đó chỉ số lại tăng trở lại vào tuần sau. Tất cả các phương tiện giao thông công cộng cùng với các chương trình cho thuê xe đạp và xe điện công cộng của thành phố đã được cung cấp miễn phí để cố gắng ngăn chặn cư dân sử dụng xe hơi của họ. Hơn 2.000 trẻ em bị bệnh hen suyễn đã được điều trị ở các phòng cấp cứu tại bệnh viện của Paris. Đến ngày 8 tháng 12, trang nhất của tờ nhật báo 20 Minutes đã đăng dòng tít “La fumée tue” (Màn khói giết người). Kênh tin tức truyền hình France 24 bình luận rằng “chính quyền địa phương và chính phủ hiện đang bất đồng ý kiến, đổ lỗi cho nhau về mức độ ô nhiễm hiện nay”, trong khi trang web của chiến dịch “Ngăn chặn ô nhiễm” tuyên bố: “Sống ở Paris trong thời kỳ ô nhiễm cao điểm này tương đương với việc hít khói từ 8 điếu thuốc mỗi ngày trong căn phòng rộng 20 mét vuông.”
Theo cơ quan y tế công cộng quốc gia (Santé publique France), ô nhiễm không khí giết chết 48.000 người mỗi năm tại Pháp, 34.000 trong số đó được cho là những cái chết “có thể tránh được”: “Ở các khu vực đô thị có hơn 100.000 dân, kết quả cho thấy, trung bình, có sự suy giảm 15 tháng tuổi thọ mỗi 30 năm do PM2.5; trong những khu vực [có dân số] từ 2.000 đến 100.000, độ suy giảm tuổi thọ trung bình là 10 tháng; ở các vùng nông thôn, trung bình, tuổi thọ được ước tính sẽ giảm đi 9 tháng.” Nhưng điều quan trọng là những phát hiện này không chỉ liên quan đến các đợt cao điểm như vào tháng 12 năm 2016. Một nghiên cứu của cơ quan y tế công cộng quốc gia về 17 thành phố tại Pháp từ năm 2007 đến 2010 khẳng định, “chính sự phơi nhiễm hàng ngày và lâu dài với ô nhiễm đã có ảnh hưởng lớn nhất đến sức khỏe, trong khi các đỉnh điểm ô nhiễm chỉ có ảnh hưởng không đáng kể”.
Nhiều vấn đề trong số đó bắt đầu vào những năm 1970. Chợ Les Halles bị phá hủy để nhường chỗ cho những con đường rộng hơn dọc theo bờ sông Seine và một đường hầm dưới lòng đất được xây dựng để giúp cho trung tâm Paris trở nên dễ tiếp cận hơn bằng ô-tô. Thành phố sau đó được bao quanh bởi một đường vành đai, Boulevard Périphérique, được hoàn thành vào năm 1973. Thay vì làm giảm tắc nghẽn giao thông, con đường này lại thu hút nhiều phương tiện hơn. Trong năm 2010, khoảng 3,6 triệu cư dân vùng Île-de-France (những người sống ở khu vực xung quanh Paris) có khả năng bị phơi nhiễm với NO2 có nguồn gốc từ giao thông vượt quá giá trị giới hạn hàng năm, đồng thời mức độ NO2 ngoài đường cũng đã tăng lên hàng năm kể từ năm 1997. Trong khi vấn đề về PM2.5 tại Paris có vẻ không đáng kể khi so sánh với Delhi hoặc Bắc Kinh, vấn đề NOx (NO2 + NO) tại đây còn tồi tệ hơn ở cả hai thành phố. Báo cáo thường niên của Airparif năm 2010 giải thích, “sự gia tăng của nồng độ nitrogen dioxide, cả trong không khí và trên các tuyến đường có thể liên quan đến nguồn phát thải NO2 chính đến từ các phương tiện giao thông chạy bằng diesel. Mặc dù các bộ lọc hiện đang được trang bị cho hầu hết các loại xe diesel mới có góp phần làm giảm lượng phát thải hạt ô nhiễm, nhưng chúng cũng làm tăng đáng kể lượng khí thải NO2 . Hiện tại, việc tỷ lệ NO2 trong khí thải NOx đang tăng lên đều đặn đã được xác nhận”. Quy trình cảnh báo người dân Paris về mức độ ô nhiễm cao đã được kích hoạt vào 44 ngày đặc biệt trong năm 2012. Cho đến năm 2013, đã có 14,6 triệu chuyến đi bằng ô-tô trong khu vực Île-de-France mỗi ngày, ước tính 65% trong số đó diễn ra tại Paris.8 Bản báo cáo năm 2017 của Airparif phát hiện ra rằng nồng độ NO2 trên các con đường lớn cao gấp đôi so với những con đường ở xa và cũng thường gấp đôi giới hạn hàng năm của EU.
Amélie cho biết, ô nhiễm không khí tại Paris hiện nay là sự kết hợp của “NO2 cùng với PM10 và PM2.5. Vẫn còn một số vấn đề tồn đọng với benzen. Và với nồng độ ozone bên ngoài thành phố, ở cấp độ khu vực… Đồng thời cũng có khá nhiều khói được thải ra từ hoạt động nông nghiệp và đốt củi”. Cô ấy nói với tôi rằng ô nhiễm không khí hiện nay là “một trong những mối quan tâm chính [của công chúng]” – nó thực sự chỉ đứng thứ hai xếp sau việc làm. Vì vậy, về cơ bản đây là một mối quan ngại lớn và người dân đang rất lo lắng về sức khỏe của họ”. Cuộc thăm dò ý kiến được thực hiện bởi Airparif khẳng định rằng một nửa số cư dân tại Paris lo ngại về việc nồng độ NO2 vượt quá ngưỡng an toàn cho sức khỏe.
Vào năm 2017, Clotilde Nonnez, một cư dân Paris và là một giáo viên yoga 56 tuổi, đã thực hiện một việc chưa từng có tiền lệ khi đưa chính phủ Pháp ra tòa vì không bảo vệ cô khỏi tác động của ô nhiễm không khí. Sinh sống ở Paris đã được 30 năm, cô nhận thấy sức khỏe của mình ngày càng suy giảm mặc dù chế độ ăn uống và tập luyện của cô vô cùng lành mạnh. Khi nó trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết vào đợt khói bụi tháng 12 năm 2016, cô nghi ngờ rằng có một mối liên kết. Bác sĩ của cô xác nhận điều đó.
“Bác sĩ điều trị cho tôi nói rằng không khí tại Paris ô nhiễm đến mức chúng ta như đang hít thở không khí bị thối rữa”, cô nói với France Info. “Cô ấy có những bệnh nhân khác cũng có tình trạng giống như tôi, bao gồm cả trẻ em và em bé sơ sinh nữa. Bác sĩ tim mạch của tôi cũng nói điều tương tự.” Luật sư của Nonnez, François Lafforgue, nói với báo Le Monde rằng cần phải có hành động để ngăn chặn 48.000 cái chết của người Pháp mỗi năm: “Chúng tôi đang chỉ trích chính phủ vì chúng tôi nghĩ rằng những vấn đề y tế mà các nạn nhân của ô nhiễm phải gánh chịu là hậu quả của sự thất bại trong các hành động của chính quyền nhằm giải quyết ô nhiễm không khí.”
Vào ngày 15 tháng 2 năm 2017, Ủy ban Châu Âu đã gửi cảnh cáo cuối cùng tới Pháp vì đã không giải quyết các vi phạm liên tục về ngưỡng giới hạn NO2 ở 19 vùng chất lượng không khí, trong đó có Paris. Lời cảnh cáo tuyên bố: “Luật pháp của EU về chất lượng không khí xung quanh và làm sạch không khí tại châu Âu (Chỉ thị 2008/50/EC) đặt ra các ngưỡng chất lượng không khí không thể bị vượt quá ở bất cứ nơi nào trong Liên minh Châu Âu và buộc các quốc gia thành viên phải hạn chế sự phơi nhiễm của công dân đối với các chất có hại gây ô nhiễm không khí. Bất chấp nghĩa vụ này, chất lượng không khí vẫn còn là một vấn đề [tại Paris]… Trong tổng lượng NOx thải ra từ phương tiện giao thông, khoảng 80% đến từ các phương tiện chạy bằng diesel.”
Ô nhiễm không khí: vấn đề toàn cầu
Năm thành phố được đề cập ở trên chỉ tóm gọn về những gì đã trở thành vấn đề toàn cầu cho đến những năm 2010. Ô nhiễm không khí đã vượt qua hệ thống vệ sinh yếu kém và nguồn nước bẩn để trở thành yếu tố môi trường hàng đầu dẫn đến tử vong sớm trên thế giới. Theo ước tính mới nhất từ WHO thì có khoảng 4,2 triệu người chết vì ô nhiễm không khí ngoài trời hàng năm, lớn hơn nhiều so với con số của HIV/AIDS, bệnh lao và tai nạn xe hơi cộng lại. Theo số liệu của WHO năm 2018, 9 trong 10 người trên toàn thế giới hiện đang hít thở không khí chứa hàm lượng chất gây ô nhiễm cao. Unicef tin rằng hai tỷ trẻ em đang sống ở những khu vực có mức độ ô nhiễm vượt quá tiêu chuẩn chất lượng không khí theo khuyến nghị của WHO, trong khi gần 600.000 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong hàng năm do các bệnh mà ô nhiễm không khí gây ra hoặc làm trầm trọng thêm.
Đây rõ ràng là một vấn đề không chỉ giới hạn ở châu Âu, Ấn Độ, Trung Quốc hay Mỹ. Theo cơ sở dữ liệu về ô nhiễm không khí xung quanh của WHO, thành phố ô nhiễm nhất thế giới vào năm 2016 là Zabol ở Iran. Đại diện của châu Phi trong “top 50 thành phố ô nhiễm nhất” là Bamenda ở Cameroon, Kampala ở Uganda và Kaduna ở Nigeria (mặc dù WHO rất muốn chỉ ra rằng “Châu Phi và một số khu vực ở Tây Thái Bình Dương thiếu trầm trọng dữ liệu về ô nhiễm không khí”). Cao độ lớn của các thành phố Nam Mỹ như Bogotá, Colombia cũng đồng nghĩa với việc chúng sẽ bị bóp ngạt bởi ô nhiễm khí thải diesel vốn bị mắc kẹt trong các bồn địa. Trên thực tế, gần như tất cả – 97% – các thành phố ở các nước thu nhập thấp và trung bình không đáp ứng được các hướng dẫn của WHO về chất lượng không khí.
Cả thế giới đều gặp vấn đề về khói bụi gây ô nhiễm không khí. Nếu có thứ gì đó có thể cháy được – và đặc biệt nếu nó là nhiên liệu hóa thạch – thì chúng ta sẽ vui vẻ đốt nó, và rất ít quan tâm đến những gì có trong làn khói hay việc nó sẽ đi về đâu. Vậy thì, có những gì ở trong làn khói đó? Và nó sẽ đi về đâu?
-Còn tiếp-
Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.
Ảnh đầu bài: Tòa nhà cao tầng ở Sài Gòn bị che mờ bởi lớp bụi sáng ngày 19.11.2019.
Chụp bởi Thanh Nguyen/VnExpress