Trà chiều

9 phim điện ảnh dựa trên cuộc đời thật của các nhà văn nổi tiếng

Published

on

Đối với người đọc, các cuốn sách có sức hút hơn cả, được phù phép từ trí tưởng tượng và những câu từ quyến rũ, lôi kéo chúng ta bước vào một thế giới mới, trải nghiệm một cuộc đời mới và những giá trị mới. Nhưng đôi khi, vượt ra ngoài bản thân cuốn sách, cuộc đời của những vị tác gia, những người đã khai sinh ra các câu chuyện, cũng có sức hấp dẫn không kém.

Những vị nghệ thuật gia bị dày vò bởi trớ trêu cuộc sống, những người kiên định vượt qua số phận, và những người dùng văn chương để lấp đầy nội tâm trống rỗng của mình. Chúng ta khao khát tìm hiểu về cuộc đời các nhà văn vì hiểu thêm về họ là tiến gần một chút đến giá trị đằng sau câu chữ; hoặc đơn giản là vì bản tính tò mò của con người mà thôi – ai mà chẳng muốn biết thêm chút ít về cuộc sống lạ thường của một vĩ nhân!

Với sự tò mò nguyên bản ấy, Bookish xin giới thiệu tới các độc giả 9 tác phẩm điện ảnh lấy cảm hứng từ chuyện đời thật – việc thật của các nhà văn nổi tiếng trên thế giới.

1. Mary Shelley (2017)

Bước vào thế giới của Mary Shelley, bạn sẽ được thưởng ngoạn một bữa tiệc thị giác: ánh nến chờn vờn và bút lông sột soạt, áo choàng thời Regency, và (tất nhiên) những thước phim đầy tính thẩm mỹ, khắc họa quá trình viết cuồng nhiệt, say mê nhưng kỷ luật khổ ải. À, thêm các quý ông quý cô xinh như hoa, diễn giải văn chương với thứ tiếng Anh nhấn âm ngân nga chuẩn mực.

Nhưng thay vì nhồi sọ chúng ta – và nhồi nhét Mary Shelley – vào trong bức nền đặc sệt chất cổ điển và quá vãng, thì phim và nhân vật trung tâm lại được tô điểm bằng các nét bút hiện đại, với lối diễn xuất tinh tế và thông minh của Elle Fanning. Cuộc đời của Mary được kể lại từ những ngày cô dành thời gian sáng tác bên cạnh mộ mẹ mình tại nghĩa trang London (mẹ của cô, Mary Wollstonecraft là một nữ tác gia nữ quyền nổi tiếng trong thế kỷ XVIII, người đã viết tác phẩm Minh chứng về Quyền của Phụ nữ); đến khi cô gặp Percy Bysshe Shelley, một trong những nhà thơ tài năng nhất Anh Quốc – một quý ông trẻ tuổi, đẹp trai và là người tình tận tụy của Chủ nghĩa Lãng mạn ong bướm. Với những vần thơ tinh tế, một đức tin mãnh liệt vào ái tình tự do, chàng đã thuyết phục Mary bỏ trốn cùng mình, sẵn sàng cho những cuộc phiêu lưu hương sắc và văn thơ lồng lộng trước mắt.

Hóa ra cuộc sống đầy những bất ngờ không ai mong muốn. Mary, lúc này mới 16 tuổi, đã mang thai. Bi kịch hôn nhân giữa Mary và Peter xuất hiện, và phim nhấn mạnh sự khác biệt giữa lý thuyết và thực tế của bình đẳng giới. Từ đó, những bất mãn, khổ đau, kiềm nén và nhất là sự qua đời của đứa con đã kết tinh lại trong tác phẩm nổi tiếng nhất của Mary Shelley: Frankenstein.

Phim là một lời khẳng định và gợi nhắc cần thiết về tài năng và di sản văn học của Mary Shelley, cũng như đưa người xem khám phá thế giới văn chương Anh Quốc thế kỷ XIX – một thời đại giàu có về mặt tinh thần, vừa quyến rũ theo lối cổ kính mà sục sôi lý tưởng hiện đại.

2. Wilde (1997)

“Sự đồi bại,” Oscar Wilde nói, “là một chuyện hoang đường do những kẻ đạo đức bịa đặt ra để lý giải cho sự quyến rũ và tò mò của người khác.” Bản thân Oscar Wilde cũng được kha khá người công nhận là người đàn ông đồi bại (và quyến rũ) nhất – một nghệ sĩ thiên bẩm, kẻ phải chịu đày đọa hi sinh vì những gông cùm lễ nghĩa trong xã hội Victorian.

Trong thời đại của Wilde, đồng tính dù trái pháp luật nhưng vẫn tương đối phổ biến. Đa số họ kiềm nén xúc cảm của mình, hoặc giữ các mối quan hệ kín tiếng và tránh xa quan tòa nhất có thể. Oscar Wilde chỉ xui xẻo khi rơi vào lưới tình với Alfred Douglas, một chàng trai trẻ phù phiếm, rỗng tuếch và bốc đồng – người lợi dụng mối quan hệ với Wilde để khiêu khích cha mình và danh tiếng của Wilde để trục lợi cá nhân. Dĩ nhiên là cha của Alfred, một hầu tước giàu có và quyền uy, đã làm mọi cách để tống Oscar Wilde vào tù rồi.

Đang đứng trên đỉnh cao danh vọng – sau khi vở kịch Tầm quan trọng của sự thành tâm (The Important of Being Earnest) mở màn thành công rực rỡ vào năm 1895, Wilde đột ngột bị kết tội “dung tục bẩn tưởi” (một sự ám chỉ bóng gió đến mối quan hệ đồng tính) và ngồi tù vài năm đến khi chết trong sự nghèo khổ và sa sút. Một thế kỷ sau, danh tiếng của ông lại lần nữa vút bay trong văn đàn nói riêng và văn hóa đại chúng nói chung, bằng chứng là tác phẩm điện ảnh tiểu sử Wilde tái hiện tại những thăng trầm trên sân khấu và trong cuộc sống của ông.

Wilde có sự tham gia của Stephen Fry – một tác giả và diễn viên hài người Anh. Ngoại hình của Fry có nhiều điểm tương đồng với Oscar Wilde, và ông cũng là người đồng tính. Stephen Fry đem đến chiều sâu và sự lịch lãm, nói lên những điều cần nói về về vị “tác gia đồi bại” kia: rằng ông là một người theo chủ nghĩa lý tưởng, với khiếu hài hước và tài năng bẩm sinh, xuất hiện trong một xã hội coi trọng đạo đức giả hơn là sự trung thực thuần túy.

3. The Hours (2002)

Ba người phụ nữ, ba thời đại, ba địa điểm. Ba lần cố tự tử, hai lần thành công. Một trong ba người ấy là nữ nhà văn Virginia Woolf.

The Hours, do Stephen Daldry đạo diễn và dựa trên cuốn tiểu thuyết đoạt giải Pulitzer của Michael Cunningham, không cố ép ba câu chuyện này thành một tuyến song song. Phim là lăng kính nghiền ngẫm về ba mảnh đời khác biệt, riêng lẻ, với mối dây liên kết duy nhất là Virginia Woolf – người đã viết một cuốn sách nhỏ có tựa đề Căn phòng của riêng ta (A Room of One’s Own), và (theo một cách nào đó) đã khởi xướng chủ nghĩa nữ quyền hiện đại. Trong sách, bà đúc kết: trong suốt tiến trình lịch sử, phụ nữ vốn không sở hữu một căn phòng riêng, mà phải liên tục di chuyển khắp căn nhà, dưới yêu cầu của người chồng và các thành viên khác trong gia đình. Qua ba mảnh đời riêng biệt, ta nhận ra sự tự do cá nhân của người phụ nữ đã mở rộng rất nhiều, nhưng trách nhiệm của con người và tội lỗi vẫn là sự thật chi phối đời sống.

Nicole Kidman, trong vai Virginia Woolf, là người phụ nữ bị bao vây bởi những cơn bệnh tâm thần dai dẳng. Bà vật lộn với ác quỷ trầm cảm, hướng cái nhìn tuyệt vọng, giận dữ vào khoảng không trống rỗng, đôi mắt thất thần, gợi lên cuộc chiến dữ dội sâu trong nội tâm: một bộ óc thông minh, lý lẽ đang chống lại hệ thống neuron mắc lỗi, tác giả của những cơn dằn vặt và đau đớn triền miên. Và đến khi cuộc chiến tới hồi kết, cũng là khi Virginia Woolf viết lá thư vĩnh biệt tới người chồng Leonard, và vươn mình vào dòng nước đục ngầu của dòng sông Ouse.

The Hours là tác phẩm suy ngẫm về tính bền bỉ của các kết nối, khả năng hạn định của con người, giấc mơ hạnh phúc khó nắm bắt, và đôi khi là lời mời gọi khó chống cự của thần chết.

4. Tolkien (2019)

Tolkien mở màn tại chiến hào Somme, giữa khung cảnh hoành tráng và bi thương của Thế chiến thứ nhất. Chàng thiếu úy trẻ J. R. R. Tolkien đang mê sảng vì sốt cao và kiệt sức; anh lao qua những con đường đẫm máu, đầy bùn, tuyệt vọng tìm kiếm một người bạn, một đồng minh mà anh có thể tin tưởng. Giữa chiến hào tanh mùi máu ấy, đột nhiên anh nhìn thấy một ngọn lửa, một ngọn lửa giống như hơi thở của rồng. Cuối cùng anh sẽ thấy, vâng, đúng là một con rồng sừng sững trước mắt anh.

Là tác phẩm điện ảnh xoay quanh cuộc đời của nhà văn John Ronald Reuel Tolkien (tác giả của Chúa tể của những chiếc nhẫnThe Hobbit), có sự tham gia diễn xuất của Nicholas Hoult và Lily Collins, Tolkien đã cân bằng được những giai đoạn tươi sáng và khổ đau trong đời của Tolkien: từ thời niên thiếu mồ côi nhưng đầy màu sắc bên những người bạn cùng hoàn cảnh; đến trải nghiệm trong Thế chiến thứ nhất; mối tình với Edith Bratt (Lily Collins) được đắp bối từ quá khứ tương đồng; niềm đam mê dành cho âm điệu, ý nghĩa ngôn ngữ, tình yêu với thần thoại và tiểu thuyết (được truyền từ người mẹ). Tuy tác phẩm không nhận được sự tán đồng từ gia đình nhà văn, nhưng đây cũng là một phim đáng quan tâm nếu bạn là người yêu thích và muốn tìm hiểu thêm về cha đẻ của những tác phẩm huyền bí được hàng triệu độc giả trên thế giới yêu thích.

5. Thất lạc cõi người (2019)

“Các tác gia vĩ đại có thể là những con người tệ hại” – chân lý trên từng là chuyện ai ai cũng thấu hiểu. Còn thời bây giờ, những người từng là nhà văn vĩ đại, nếu vô tình phát ngôn ra những lời vi phạm tiêu chuẩn đạo đức (phân biệt giới tính hay phân biệt chủng tộc), chắc chắc sẽ được cư dân mạng tự hào mà bấm nút “cancel” trong tíc tắc.

Dazai Osamu, nếu sống trong thời nay, hẳn là một ứng cử viên “sáng giá”. Được tôn vinh là một trong những tiểu thuyết gia hậu chiến tranh vĩ đại nhất Nhật Bản, với các tác phẩm nổi bật Thất lạc cõi ngườiTà dương, Dazai đồng thời là một gã trăng hoa nghiện ngập hết thuốc chữa, với những câu chuyện tình ái gây sốc văn đàn Nhật, kết quả là đứa con ngoài giá thú với người tình Shizuko Ota, và cuối cùng tự tử đôi với người tình Tomie Yamazaki. Trong phim điện ảnh tiểu sử Thất lạc cõi người, thay vì lên án những tội lỗi của ông, phim lại ca tụng và phủ một lớp màn hào nhoáng lên cái tình sử chẳng đáng lấy làm tự hào ấy. Bộ phim tràn đầy những dấu chỉ thị giác lộng lẫy, và dành sự cảm thông cho bản thân Dazai (dù có chút sắc thái hài hước đen).

Thất lạc cõi người không giành được được sự tán đồng của giới chuyên môn. Thay vì đi sâu khai thác đời sống nội tâm khổ đau, những gánh nặng tâm tưởng và sự tài tình trong văn chương của Dazai, bộ phim lại tập trung vào chuyện tình trường của ông với vợ và các người tình. Tài tử Shun Oguri thể hiện Dazai như thể ông là một tay tán gái điệu nghệ, lời lẽ tán tỉnh ngọt xớt, và lợi dụng phụ nữ để phát triển sự nghiệp văn chương của mình. Cuối cùng, Dazai Osamu thực sự – người đã chắp bút cho những tác phẩm lay động hàng triệu trái tim kể cả sau khi ông mất – biến mất hoàn toàn đằng sau những bức cliché kệch cỡm.

Một số gợi ý khác dành cho người yêu điện ảnh và văn học

Shirley (2020)

Dựa trên Shirley: A Novel (cuốn sách nổi tiếng của Susan Scarf Merrell), Shirley là câu chuyện “tương đối hư cấu” dựa trên những tình tiết thật trong cuộc đời của tiểu thuyết gia Shirley Jackson. Một tác phẩm lạ lùng, nhưng hoàn toàn phù hợp với những gì chúng ta – các độc giả hiện đại – biết về bà: một người phụ nữ cho rằng thực tế và các luật lệ đi kèm thật tẻ ngắt và vô vị.

Capote (2005)

Capote theo dấu hành trình của Truman Capote khi ông đang viết về vụ giết người tai tiếng tại Kansas và đào sâu vào tâm lý của hai tên tội phạm Perry Smith và Richard Hickock. Càng biết nhiều về vụ án đẫm máu, càng thấu hiểu về hai kẻ giết người “máu lạnh”, Capote càng lún sâu vào câu chuyện – một câu chuyện kinh thiên động địa, mang đến cho ông tiền tài và danh tiếng, cùng cuốn tiểu thuyết phi hư cấu bán chạy Máu lạnh, nhưng cũng đồng thời tàn phá tinh thần và thúc đẩy ông bước gần hơn đến cái chết.

Becoming Jane (2007)

Được chuyển thể từ cuốn sách cùng tên, Becoming Jane ra đời dựa trên các bức thư và cuốn sách Jane Austen để lại, tường thuật tuổi 20 của bà cùng mối tình chớm nở với vị luật sư trẻ tuổi Thomas Langlois Lefroy. Mối tình này là cảm hứng chính cho tiểu thuyết Kiêu hãnh và định kiến, và Lefroy cũng là hình mẫu cho nhân vật Mr. Darcy.

Colette (2018)

Colette xoay quanh cuộc hôn nhân và cán cân quyền lực giữa nữ tác gia người Pháp Colette và người chồng ích kỷ (kẻ đánh cắp các tác phẩm của bà và xuất bản chúng dưới tên mình), những thách thức của bà khi đối diện với rào cản và vòng quây nghĩa vụ, và hành trình phi thường của một người phụ nữ tìm được tiếng nói, giá trị của mình trong xã hội Paris thế kỷ XIX.  

Hết.

Mèo Heo dịch và tổng hợp.

Trà chiều

Văn hóa đọc tại Việt Nam: Hành trình tỉnh thức trong thời đại mất tập trung

Khi cả thế giới đang quay cuồng trong cơn lốc của tốc độ, của công nghệ số và mạng xã hội, văn hóa đọc – vốn là một hoạt động tĩnh tại, cô độc và đòi hỏi sự kiên nhẫn – bỗng trở thành hiện tượng lạ giữa đời sống hiện đại.

Published

on

Một cú chạm màn hình có thể đưa bạn tới bất kỳ đâu: từ buổi hòa nhạc ở Vienna đến một bữa ăn đường phố ở Bangkok, từ những khoảnh khắc riêng tư của người xa lạ đến bản tin thời sự lúc rạng đông. Nhưng càng dễ dàng kết nối, chúng ta lại càng khó khăn trong việc lắng nghe chính mình. 

Và trong cuộc hành trình ấy, đọc sách - hành động tưởng như đã cũ kỹ, đang âm thầm trở lại như một nơi trú ẩn cuối cùng của tâm hồn hiện đại.

Văn hóa đọc không chỉ là việc “đọc sách”

Văn hóa đọc không nên được định nghĩa đơn giản chỉ là hành vi tiếp nhận văn bản in ấn, cần phải nhìn nó như là một cấu trúc hệ giá trị, nơi người đọc không chỉ tiêu thụ thông tin, mà còn tương tác với tri thức, phản tư, và từ đó tạo ra tầng sâu văn hóa cá nhân. Nên hiểu đọc là một hành vi văn hóa, không chỉ là kỹ năng.

Thế nhưng, tại Việt Nam, hành vi đọc nhiều khi bị giản lược thành “hoạt động học thuộc”. Cái gốc của việc đọc để hiểu mình và hiểu thế giới vẫn còn mờ nhạt trong đời sống học đường lẫn đời sống đô thị.

Chúng ta từng được dạy rằng đọc là để biết nhiều hơn. Nhưng biết không đồng nghĩa với hiểu. “Biết” là quá trình tiếp nhận và lưu trữ dữ liệu dưới dạng thông tin. “Hiểu” vượt lên trên điều đó - nó đòi hỏi sự tham gia của trải nghiệm cá nhân, khả năng phân tích, đồng cảm và cả những va chạm nội tâm. Một tác phẩm có giá trị không chỉ cung cấp tri thức ngoại tại, mà còn tạo điều kiện cho chủ thể tiếp nhận được soi chiếu, phản tỉnh từ đó nhận diện những lớp ẩn sâu của bản thể qua hình ảnh của người khác trong trang sách. 

Khi một đứa trẻ đọc Những tấm lòng cao cả, em sẽ không chỉ học đạo đức, mà bắt đầu cảm nhận được trái tim nhân loại. Khi một thiếu niên lần đầu đọc Người xa lạ của Camus, cậu ấy có thể không lý giải nổi thế giới, nhưng sẽ bắt đầu đặt câu hỏi về nó và về chính mình.

Vấn đề không nằm ở việc thiếu sách, mà thiếu “thái độ văn hóa” với sách

Mặc dù Việt Nam có hơn 30.000 đầu sách xuất bản mỗi năm (theo Cục Xuất bản), thế nhưng lượng sách bán ra tập trung chủ yếu ở thể loại giải trí, ngôn tình, self-help, còn các dòng sách triết học, văn hóa, nhân văn… chiếm tỷ lệ nhỏ hơn. Ta không thiếu sách, ta thiếu một nền tảng thẩm mỹ và nhân văn để lựa chọn sách một cách có chủ đích.

Nguyên nhân không chỉ nằm ở thời đại số làm thay đổi thói quen tiếp nhận thông tin, mà còn nằm ở cách giáo dục về đọc sách. Tại nhiều trường học, việc đọc vẫn gắn liền với hình thức kiểm tra, chấm điểm, làm bài văn nghị luận sách giáo khoa - điều khiến đọc sách trở thành một “nghĩa vụ” hơn là một hành trình khám phá. Gia đình, các bậc phụ huynh còn chưa thực sự nghiên cứu và đặt mối quan tâm lớn lao cho việc giáo dục con trẻ dẫn đến việc các em phụ thuộc quá nhiều vào các thiết bị công nghệ. 

Nhưng tín hiệu đáng mừng là trong những năm gần đây, chúng ta chứng kiến sự nở rộ của các phong trào đọc sách tự phát, không phải từ chỉ đạo hành chính, mà từ những con người đang đi tìm lại bản thân giữa cơn hỗn loạn của thông tin.

Đáng chú ý, sự phát triển của nền tảng số cũng không còn là lực cản, mà đang dần trở thành đòn bẩy cho việc tiếp cận sách: audio book, book podcast, nền tảng chia sẻ tóm tắt sách hay các cộng đồng đọc sách online đang lan tỏa mạnh mẽ. Sách không còn là một vật thể bất động mà trở thành dòng chảy đồng hành với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, âm thanh và cảm xúc.

Tất cả đang làm sống lại một giá trị xưa cũ: sự tĩnh lặng nội tâm. Đọc sách giờ đây không chỉ là tiếp nhận thông tin, mà là một hành động phản kháng với sự phân tán, ồn ào, và tiêu dùng giải trí mang tính chất "mì ăn liền".

Văn hóa đọc trong thời đại “siêu dữ liệu”

Thách thức lớn nhất với văn hóa đọc trong thời đại kỹ thuật số không phải là sự biến mất của sách giấy, mà là sự thoái hóa khả năng tập trung, năng lực phản tư và thái độ nghiêm túc của con người với tri thức. Chúng ta sống trong thời đại mà nội dung có thể bị tiêu thụ như thức ăn nhanh, nơi mọi người “đọc để phản ứng”, thay vì “đọc để cảm nghiệm”. Bởi vậy, chọn đọc - nhất là đọc sâu, đọc chậm giờ đây không chỉ là một lựa chọn mang tính trí tuệ, mà còn là một cách gìn giữ bản thân trước sự xao nhãng của thế giới hiện đại.

Đọc là kháng cự lại tốc độ. Là từ chối cái dễ. Là chọn cái sâu - dù biết nó chậm.

Văn hóa đọc giờ đây không chỉ là sách, mà còn là cách ta sống. Không chỉ là hành động cá nhân. Nó phản ánh cả một văn hóa. Một đất nước biết trân trọng sách là một đất nước không dễ bị lãng quên ký ức. Một thế hệ đọc sách là một thế hệ có nội lực.

Ở Việt Nam, từng có một thế kỷ mà sách được đọc bằng ánh đèn dầu, được chép tay, được truyền tay như những báu vật. Sách đi qua chiến tranh, qua đói nghèo, qua đạn bom, nhưng vẫn sống. Vấn đề của hôm nay không phải là thiếu sách, mà là quá nhiều thứ giành giật tâm trí ta khỏi sách.

Vấn đề sâu xa hơn: ta không còn coi đọc là một phần của việc sống đẹp. Thế giới đang dần lãng quên sự im lặng, sự chậm rãi, sự suy tư. Trong truyền thống tư tưởng phương Đông, đọc không phải là phương tiện để đạt được cái bên ngoài, mà là trở về với cái bên trong. Từ thời Lão - Trang, việc học, việc đọc vốn gắn liền với sự tĩnh tại của tâm. Đọc là tu thân. Đọc là dưỡng khí. Đọc là hành động đi ngược lại với sự xao động của đời sống, để khơi mở “minh tâm kiến tánh”, thấy lại chân diện mục của chính mình. 

Ngày xưa, các nho sĩ khi đọc sách thường đặt một bát nước trong veo bên cạnh, để “nếu tâm xao động thì nước đục” như một cách tự phản tỉnh. Người đọc không chỉ là kẻ truy cầu tri thức, mà còn là người gìn giữ đạo lý, tiết tháo và sự lặng thầm bền bỉ của văn hóa.

Trong thời đại siêu kết nối hiện nay, nghịch lý lớn nhất là con người càng lúc càng rỗng hơn giữa vô số dữ liệu. Chúng ta “biết” rất nhiều thứ nhưng lại hiểu rất ít điều, và càng ít sống sâu. Văn hóa đọc nếu được xem là một hệ sinh thái văn hóa bền vững - chính là cơ chế tự phòng vệ của trí tuệ trước sự tha hóa của thị hiếu và tốc độ.

Bởi vì đọc không chỉ là để “biết”, mà để nghi ngờ cái mình biết. Không chỉ để “giỏi lên”, mà để hiểu mình và hiểu người hơn. Và không chỉ để có tri thức, mà để trở nên người hơn trong thế giới ngày càng thiếu vắng chất người. 

Đọc - tự bản thân nó là một hành động kháng cự lại sự lãng quên, sự cạn mỏng và cả sự dễ dãi. Nó khơi mở lại điều tưởng như đã mất: một chiều sâu văn hóa không thể số hóa, không thể sao chép, thứ văn hóa được chưng cất từ mỗi lần lật trang, từ mỗi khoảnh khắc im lặng tự đối diện chính mình. Để được sống với một trái tim có lớp lang. 

Và nếu phải chọn một hành động lặng lẽ nào đó để định nghĩa tinh thần của một dân tộc đang muốn trở mình từ bên trong, thì đó hẳn phải là: đọc sách.

Ngọc Trâm

Đọc bài viết

Trà chiều

Vẻ đẹp từ những cuộc đời bình thường

Không cần phải nổi bật, bạn vẫn có thể sống một đời ý nghĩa.

Published

on

Làm người bình thường giờ đây bị ngầm hiểu là một thất bại trong một thế giới say mê những con người xuất chúng. Từ những giải vàng trong các trường tiểu học đến danh hiệu “nhân viên xuất sắc của tháng”; từ những tấm hình, thước phim được chọn lựa kĩ càng để đăng trên Instagram đến cuộc đua trở thành “phiên bản rực rỡ nhất của chính mình”, văn hóa của chúng ta không ngừng nâng cao chuẩn mực cho những tính từ “thành công”, “xứng đáng” hoặc thậm chí là “đủ”. Nhưng liên tục chạy đua để trở thành người xuất chúng liệu có khiến chúng ta hạnh phúc hơn hay chỉ đang gieo thêm lo âu, mặc cảm và đứt gãy trong kết nối giữa người với người?

Ẩn giấu trong những cuộc đời không mấy nổi bật vẫn tồn tại sự bình yên sâu lắng, đích đến đáng quý, thậm chí là vẻ đẹp đáng tôn vinh. Có lẽ đã đến lúc ta nên giành lại chân lý ấy - rằng không cần rực rỡ để sống một đời đáng sống.

Những chuẩn mực ngày càng leo cao

Ngay cả trẻ con giờ đây cũng không thoát khỏi chuỗi dài những kì vọng từ gia đình và xã hội. Trước kia, thời chúng ta đi học, “trung bình” được coi là nền tảng để phấn đấu, không có gì đáng xấu hổ. Nhưng nhìn xem, lũ trẻ bây giờ đang bị áp lực phải trở thành những người có thành tựu từ khi còn chưa học được cách chơi đùa vô tư. Giành được điểm A vẫn bị coi là chưa đủ tốt nếu chúng không mang thêm giải thưởng, tham gia hoạt động ngoại khóa và trong vai những người dẫn dắt, lãnh đạo đội nhóm. Những rào chắn vô hình không ngừng cao lên, vì thế chẳng ngạc nhiên khi những sinh viên mới bước vào ngưỡng cửa đại học hay thị trường lao động đã kiệt sức thay vì hạnh phúc. 

Mạng xã hội chỉ đổ thêm dầu vào lửa, đốt cháy cuộc đua kì vọng ấy hơn. Không dừng lại ở việc lướt xem những khoảnh khắc rực rỡ của người khác, chúng ta bắt đầu so sánh với cuộc đời chưa được đánh bóng của bản thân. Đọc được câu chuyện về những bạn trẻ 22 tuổi khởi nghiệp, đi du lịch vòng quanh thế giới, tự sắm nhà riêng - ta cảm thấy mình tụt lại vì mỗi ngày chỉ dậy đi làm và thanh toán hóa đơn. Những điều ấy trước kia từng được coi là phi thường, nay bỗng hóa tiêu chuẩn tối thiểu.

Ngay cả trong đời sống riêng, áp lực vẫn len lỏi. Ta phải là những người yêu lý tưởng, cha mẹ dịu dàng, giỏi chăm sóc bản thân và công dân đầy chánh niệm - tốt nhất là xong hết trước 9 giờ sáng. Người ta truyền nhau một quan niệm hiện đại, rằng: bạn đang lãng phí tiềm năng nếu không tối ưu từng giây phút của cuộc đời mình.

Nhưng nếu tiềm năng không phải là một chiếc thang để leo, mà là một không gian để ta an trú thì sao?

Phẩm giá ẩn sau lựa chọn một đời an yên

Hãy đổi cách ta kể câu chuyện. Sẽ ra sao nếu một cuộc sống “tầm trung” lại chính là một công việc đủ nuôi sống bản thân, những mối quan hệ đầy yêu thương, và một mái nhà rộn tiếng cười xen lẫn tiếng bát đũa? Không phải thứ để ta trốn chạy khi nhắc đến, mà là điều đáng để gìn giữ và trân trọng đúng không?

Thật tuyệt khi bạn xuất hiện trên mạng xã hội với những khoảnh khắc như vậy, dù cho chẳng có lời tán dương nào. Chúng ta vẫn luôn cần một người bạn chân thành, một người lạ biết cảm thông, và một đồng nghiệp đáng tin cậy. Những vai trò ấy hiếm khi xuất hiện trên mạng xã hội, nhưng chúng là sợi chỉ âm thầm dệt nên kết cấu bền chặt của xã hội -  điều mà danh vọng và tiền bạc đôi khi không thể làm được.

Hãy nghĩ về những giáo viên, lao công, y tá, tài xế, đầu bếp, điều dưỡng - những con người mà công việc thầm lặng của họ vẫn đang giữ cho thế giới vận hành. Họ có thể không bao giờ được gọi tên rộng rãi, nhưng công sức của họ chạm đến cuộc sống của biết bao người. Những tên gọi nghề nghiệp nghe có vẻ “bình thường”, nhưng những gì họ làm được thì không hề nhỏ bé.

Bình thường không có nghĩa là tầm thường. Đó là sự biết đủ với những gì bạn có, thay vì liên tục đem so với những cuộc đời khác. Đó là việc bạn hiểu rằng mình không thất bại chỉ vì không xuất chúng - chỉ cần là một con người đã luôn là điều đặc biệt. 

Những đánh đổi phía sau niềm tin phải trở nên xuất chúng

Bị cuốn vào cuộc đua theo đuổi sự vĩ đại thường dẫn ta đến tình trạng kiệt sức, lo âu và cô đơn. Chủ nghĩa cầu toàn gây ra chứng tê liệt cảm xúc, còn việc so sánh khiến ta đánh mất niềm vui. Ai cũng có thể “trên mức trung bình” - rõ ràng về mặt thống kê quan niệm này sai. Ấy vậy mà xã hội vẫn tiếp tục bán giấc mơ ấy, và ta vẫn tiếp tục mua nó, rồi cảm thấy mình chưa bao giờ đủ.

Ở một góc độ khác, việc tôn vinh thành công thái quá cũng hình thành một tâm thức thiếu hoàn thiện: nếu chỉ có một vài người ở đỉnh cao, thì phần còn lại ắt phải là kẻ thua cuộc. Nhưng cuộc sống đâu phải là một bảng xếp hạng, nó là bức tranh khảm đầy những niềm vui nhỏ bé, những khoảnh khắc yên tĩnh, và những kết nối thành thật giữa con người với nhau.

Ta chỉ thực sự sống trong hiện tại khi ngừng đuổi theo những cột mốc tiếp theo. Ta có thể tìm thấy sự đủ đầy, không phải trong việc trở nên khác biệt, mà trong cảm giác được thuộc về gia đình, cộng đồng và chính bản thân mình.

Viết lại định nghĩa “cuộc đời ý nghĩa”

Định hình lại những gì là cốt lõi của cuộc sống đòi hỏi sự can đảm - nhất là trong nền văn hóa đầy rẫy phô trương. Nó đồng nghĩa với việc khước từ lối sống "cày cuốc", chọn thầm lặng thay vì tiếng tăm, chọn sống sâu thay vì sống gấp, chọn sống đúng với hệ giá trị riêng của bản thân thay vì đứng trên những tiếng vỗ tay hào nhoáng.

Một cuộc đời ý nghĩa không được xây nên từ giải thưởng hay thuật toán mà được dệt từ những cuộc trò chuyện chân thật, những thói quen bồi đắp nên chúng ta, những bữa cơm trong gian bếp, những bước đi chậm rãi, những cử chỉ tử tế nhỏ nhoi - và nghỉ ngơi mà không mang theo cảm giác tội lỗi.

Hà Nhi dịch từ Psychology Today

Đọc bài viết

Trà chiều

“Cạm bẫy tiện lợi” của AI

Published

on

Vào thứ Sáu ngay trước ngày khai mạc Hội sách Thiếu nhi Bologna, OpenAI đã tung ra công nghệ tạo hình ảnh mới tích hợp trong GPT-4o. Công nghệ này giới thiệu các khả năng đa phương thức tiên tiến, cho phép người dùng tạo ra những hình ảnh vô cùng chi tiết bằng nhiều phong cách nghệ thuật đa dạng. Gần như ngay lập tức, người dùng đã thử tạo hình ảnh theo phong cách thẩm mỹ đặc trưng của Studio Ghibli và thử nghiệm với nhiều phong cách minh họa sách thiếu nhi kinh điển. Độ chính xác của kết quả và khả năng bắt chước các họa sĩ minh họa nổi tiếng của công nghệ này đã thực sự gây sốc cho những người đang tề tựu tại Bologna.

Nổi bật trong các tiếng nói quan ngại về những bước tiến mới này là Nurgül Senefe, họa sĩ minh họa người Thổ Nhĩ Kỳ. Bà là nhà sáng lập của tổ chức vận động Illustrator’s Platform và Mạng lưới ZNN, một công ty đại diện tác giả và họa sĩ minh họa, đồng thời là Tổng Thư ký của Diễn đàn Họa sĩ Minh họa Châu Âu. Bà Senefe chia sẻ với tờ Publisher Weekly rằng, “sự lười biếng trong nhận thức” đang đe dọa khiến con người ngày càng phụ thuộc vào AI.

Bà Nurgül Senefe. Nguồn: Diễn đàn Họa sĩ Minh họa.

Từ kinh nghiệm điều hành một tổ chức với 400 nhân sự đang tận tâm bảo vệ quyền của họa sĩ minh họa và xây dựng những phương thức kinh doanh bền vững, bà Senefe cho rằng: “Điểm yếu lớn nhất của con người là cảm giác vui sướng đến từ sự tiện lợi mà AI mang đến”.

Mạng lưới ZNN hoạt động như một cầu nối trung gian giữa họa sĩ và bên đặt hàng, giúp thiết lập các quy chuẩn tối ưu cho ngành, đồng thời giám sát quy trình đặt hàng tác phẩm. Công việc của họ nay càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết khi AI ngày một tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực sáng tạo.

“Đặc biệt với trí tuệ nhân tạo, chúng tôi đang nỗ lực xây dựng một nền tảng để đại diện cho quyền lợi của họa sĩ minh họa”, bà Senefe cho biết.

Khi khảo sát các thành viên trong tổ chức, bà Senefe thường đưa ra một câu hỏi lấy ví dụ từ bộ phim Ma trận (The Matrix), hỏi họ sẽ chọn viên thuốc nào – đỏ hay xanh. “Mọi người đều nói, ‘Tôi sẽ chọn viên màu đỏ’, bà kể lại, dùng phép ẩn dụ này để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ chính mình “tỉnh táo nhận thức về những gì đang diễn ra hôm nay”.

Mối bận tâm hàng đầu của bà Senefe xoay quanh chính bản chất của con người. “Nếu bạn không ý thức được hành vi của mình, nó sẽ dần định hình nên tính cách của bạn.” Dù vấp phải sự phản đối từ nhiều chuyên gia sáng tạo – “Mọi người nói chúng ta không sử dụng AI tạo sinh, chúng ta chống lại nó”, bà vẫn quan sát thấy người ta tiếp tục thử nghiệm công nghệ này và ghi nhận rằng một số người cho biết nó “khá tiện lợi”.

Bà Senefe nhận định: Yếu tố tiện lợi này chính là mấu chốt của vấn đề. Bà cũng đưa ra các ví dụ tương tự trong đời thực. “Nếu bạn để ý, tôi chắc chắn bạn sẽ thấy ở ga tàu điện hoặc nhà ga xe lửa, mọi người xếp hàng dài hàng mét chỉ để đi thang cuốn, nhưng tại sao họ không leo thang bộ cơ chứ?” Các ví dụ khác bao gồm sự lệ thuộc của xã hội vào thức ăn nhanh, bất chấp những rủi ro sức khỏe đã được chứng minh, hay việc nhiều bậc cha mẹ dùng máy tính bảng làm "người giữ trẻ kiểu mới cho con” khi quá tải hay xao nhãng.

Họa sĩ Hayao Miyazaki, đồng sáng lập Studio Ghibli luôn thể hiện sự phản đối mạnh mẽ đối với AI trong sáng tạo. Trong bộ phim tài liệu Never - ending man: Hayao Miyazaki năm 2016, khi được giới thiệu về một dự án hoạt hình sử dụng AI, ông Hayao Miyazaki đã thẳng thừng chỉ trích công nghệ này. Ông gọi nó là "một sự xúc phạm đến cuộc sống" và nhấn mạnh rằng nghệ thuật không chỉ là kỹ thuật mà còn là cảm xúc, trải nghiệm và tinh thần con người.

Bà Senefe tỏ ra lo lắng về một khả năng trong tương lai, nơi những người làm sáng tạo cuối cùng sẽ phải “làm việc cho máy móc”, khi các nhà xuất bản có khả năng chọn AI thay vì sản phẩm của con người vì chúng “quá tiện lợi, rẻ, hiệu quả và nhanh chóng”.

“Dần dà, chúng ta sẽ quen xem cái ‘chưa đủ’ là đủ, ‘không đẹp’ là đẹp, ‘phi nghệ thuật’ là nghệ thuật. Điều này sẽ kéo tụt mặt bằng giá trị của nhận thức chung, hiểu biết và sự chấp nhận của xã hội, làm thay đổi cả một lĩnh vực mà chúng ta thậm chí không hề hay biết”.

Để mô tả quá trình bình thường hóa đáng lo ngại này, bà Senefe đã đặt hàng một bức tranh minh họa dựa trên ẩn dụ về con ếch trong nồi nước đang nóng dần lên, không nhận ra mối nguy hiểm đang cận kề. Bức tranh này đặt ra một câu hỏi nhức nhối: “Bạn sẽ dùng AI một cách có ý thức và để máy móc phục vụ cho bạn, hay bị AI thống trị và trở thành tay chân cho máy móc?”

“Thử thách lớn nhất của chúng ta trong cuộc đối đầu với AI chính là sự lười biếng trong nhận thức”, bà Senefe kết luận. Bà cho rằng, cũng như sự nghiện ngập và các thói quen độc hại khác, sự phụ thuộc vào AI có thể bén rễ từ từ và len lỏi vào đời sống một cách khó nhận biết nếu giới chuyên môn sáng tạo không duy trì cảnh giác.

Hoàng Thảo dịch từ Publishers Weekly

Đọc bài viết

Cafe sáng