Top sách hay

8 cuốn sách viết về Sài Gòn: Mau khỏe mạnh nhé Sài Gòn ơi!

Published

on

Tháng sáu vừa qua, tình hình dịch bệnh có nhiều biến chuyển phức tạp, đặc biệt là tại Sài Gòn. Với những người trong cuộc, nhịp sống của thành phố tất sẽ có nhiều thay đổi: đường phố bớt đông đúc, dân công sở không phải đối diện với “khung giờ mắc kẹt” thường nhật; cuộc sống đơn giản hóa và gò mình cho vừa cái khuôn đi làm – về nhà chuẩn mực; hàng quán đã ngừng phục vụ khách, cũng không còn bóng dáng những cô dì họp chợ trong ngõ, lại càng vắng vẻ những buổi tụ tập bạn bè.

Nắng Sài Gòn vẫn vàng, nhưng không khí đã bớt rộn ràng hẳn. Người ta hoài niệm về những ngày Sài Gòn vẫn còn “sung sức” và cầu chúc thành phố sớm ngày hồi phục, lại trở về nguyên bản một Sài Gòn rạng rỡ.

Bookish gửi tặng đến bạn 8 cuốn sách hay viết về Sài Gòn – những khảo cứu về một Hòn ngọc Viễn Đông trong quá khứ, tản văn về tình người Sài Thành hiện tại. Nếu bạn là một “Saigoneer” đang (bất đắc dĩ) trải nghiệm những ngày tịnh tâm ở nhà, hãy tìm đọc những trang sách này, để tìm thấy nét đẹp của một thành phố không ngừng vươn cao phát triển, nhưng vẫn giữ được tấm lòng thân thiện, hiếu khách trong từng góc đường ngõ phố.

Sài Gòn ơi, chóng “khỏe mạnh” nhé!

1. Bộ sách Sài Gòn – Chuyện đời của phố

Sài Gòn, cũng như bất cứ thành phố nào trên thế gian, giấu trong lòng nó hàng ngàn ký ức. Có loại ký ức hiện hữu, chẳng hạn một bức tranh xưa, một tờ báo cũ, một món nữ trang; cũng có loại ký ức thuộc về tinh thần, chỉ có thể sống trong niềm thương nỗi nhớ của người hoài niệm. Mà dù là loại ký ức nào thì chúng cũng đang dần bị thất tán, lãng quên. Thật may, Sài Gòn còn có một người tình như Phạm Công Luận.

Có thể nói Sài Gòn – Chuyện đời của phố là một tác phẩm khảo cứu công phu, nghiêm túc, với rất nhiều tư liệu quý hiếm mà thậm chí thư viện hay bảo tàng quốc gia cũng không có được. Bên cạnh đó cuốn sách cũng có thể coi như một áng văn chương mềm mại, tinh tế và thâm trầm.

Văn Phạm Công Luận trong Sài Gòn – Chuyện đời của phố dường như hòa làm một với rêu phong. Độc giả đã quen lối văn hùng biện, triết luận của anh trong Nếu biết trăm năm là hữu hạn, Những lối về ấu thơ… khó có thể nhận ra anh trong cuốn sách này, nhưng thật ra anh luôn có ở đó. Những câu văn anh giấu mình, khiêm nhượng trước sự mênh mông của đời phố và đời người.

2. Sài Gòn trăm bước (Sách ảnh)

Lắng nghe Sài Gòn, lắng nghe thời gian chậm. Một nhánh sông, một góc phố, một con đường, một gánh hàng khi tĩnh lặng, khi nhịp sống giãn ra nửa đêm về sáng bỗng nghe Sài Gòn thở. Nhịp đều, nhịp đều thong dong không hối hả, không sợ ngày mai thì sẽ muộn. Sài Gòn muôn đời vẫn còn đó, với tất cả những gì rất đặc trưng của “Hòn ngọc Viễn Đông” một thời, dù cho vật đổi sao dời, Sài Gòn không thể khác.

Bạn có nghe gì không? Con chim bồ câu gù trên gác mái nhà thờ Đức Bà. Bạn có thấy gì không? Bến cảng Nhà Rồng xôn xao sóng nước. Bạn có ước gì không? Những đại lộ thênh thang đông tây trải dài đến tận chân trời. Sài Gòn bề thế, Sài Gòn xênh xang phát triển. Tận hưởng cái mới với những ai yêu Sài Gòn, nhưng đôi khi vẫn thao thức, mơ về một hồn Sài Gòn muôn niên cũ.

Phố dài với những ngôi nhà – khu nhà công tư, kiến trúc đủ sức vượt qua thăng trầm năm tháng, chấp luôn những thành phố hút hồn cư dân bốn biển năm châu. Đường lớn thênh thang không cần thiết phải hàng hàng lớp lớp biệt thự đủ màu đủ kiểu khoe tiền khoe sắc. Dòng sông Sài Gòn và những nhánh sông, kênh rạch Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tàu Hủ, Bùng B sẽ giữ được hồn ào ạt nước như xưa, để không phải bị mặc định bằng cống hộp, để không phải vô tình biến phố thành sông. Cây xanh Sài Gòn sẽ phải được đầu tư trồng mới, và quay về, quay về như một chứng nhân không thể thiếu trên những con đường đúng chuẩn đúng mực. Những gì cần giữ lại, phải được giữ lại và tôn tạo đúng mức. Những gì cần làm mới, phải được làm trong sự hài hòa hợp lý của một Sài Gòn muôn mặt mà không hề đánh mất cái riêng. Rất sẽ sàng, rất thao thức như một người con tha thiết yêu Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh, tôi đã cảm được cái tình của kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng sau khi đọc Sài Gòn trăm bước của anh.

3. Cảnh sắc phố thị Sài Gòn – Chợ Lớn 

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Sài Gòn, đối với họa sĩ Phạm Công Tâm, những cảnh những người của vùng đất này đã trở nên gắn bó thân thuộc như một phần máu thịt. Tình yêu với nơi chôn nhau cắt rốn khiến anh không ngại bỏ rất nhiều thời gian qua lại, quan sát mọi ngóc ngách của vùng đất này, rồi miệt mài bên giá vẽ, để sau cùng cho ra đời tập tranh – ký họa Cảnh sắc phố thị Sài Gòn – Chợ Lớn sinh động và đầy cảm xúc.

Trong tập sách này, độc giả bắt gặp không phải là một Sài Gòn xưa êm đềm trong hoài niệm của nhiều người mà là một Sài Gòn – Chợ Lớn hôm nay đang chuyển mình, phát triển với những di sản kiến trúc, nhiều tòa nhà mới nổi tiếng, những con đường, góc phố hay khu dân cư đông đúc với tấp nập kiểu mưu sinh,…

Bên cạnh các bức tranh vẽ nhiều màu sắc, tác giả còn bổ sung những lời chú thích ngắn gọn, cung cấp thêm nhiều thông tin hữu ích về lịch sử của một thành phố. Cảnh sắc phố thị Sài Gòn – Chợ Lớn không chỉ là món quà dành cho những người yên mến, gắn bó với vùng đất này mà còn trở thành tấm danh thiếp của Sài Gòn gửi đến bạn đọc gần xa.

4. Nhớ sao xe cộ Sài Gòn

Sài Gòn tuy là một thành phố trẻ nhưng ẩn chứa trong đó rất nhiều dấu ấn văn hoá, lịch sử mà càng tìm hiểu càng thấy dường như không bao giờ tường hết được. Mỗi góc phố, hàng cây, viên gạch cũng có thể trở thành chứng nhân lịch sử. Chọn đề tài xe cộ Sài Gòn, Ngô Kế Tựu đã khai thác một khía cạnh thú vị để người yêu Sài Gòn hiểu thêm về vùng đất này.

Chiếc xe gắn bó với đời sống con người. Và Sài Gòn dường như là nơi sử dụng nhiều loại xe nhất cả nước từ bao lâu nay. Trong phạm vi gần 200 trang sách, Ngô Kế Tựu đã tái hiện khá nhiều phương tiện giao thông của Sài Gòn từ thế kỷ 19. Từ những chiếc xe giờ chỉ còn là dĩ vãng, như chiếc xe kéo mà Tam Lang đã viết trong “tôi kéo xe”, sau đó thay bằng chiếc xích lô đạp, nhanh chóng xoá đi hình ảnh của kiếp “ngựa người”, chiếc xe ngựa xuất hiện từ năm 70 của thế kỷ 19, xe điện nay chỉ còn là “dấu xưa”… cho đến chiếc xe đạp đầy kỷ niệm của nữ sinh Sài Gòn trong tà áo dài trắng, chiếc xe lam ồn ào xả khói mù mịt, xe hoa kiệu cưới, ga xe lửa Sài Gòn mà nay là khuôn viên khách sạn New World, chiếc xe máy Mobylette đời màu vàng xuất hiện tại đường phố Sài Gòn vào giữa thập niên 50 của thế kỷ 20, cùng thời với chiếc Velo Solex…

Viết về những thứ quá gần gũi, quá quen thuộc thì dễ nhàm, nhưng Nhớ sao xe cộ Sài Gòn thì lại cuốn hút và vô cùng đồng cảm, bởi anh viết bằng trái tim, bằng tình cảm của một người thích lang thang phố thị, nhiều khi thui thủi một mình trên đường chỉ có xe làm bạn, hoặc đã từng trông chiếc xe đò về quê như trông một người tình.

5. Sài Gòn, những biểu tượng

Khởi đầu từ ý tưởng bài viết trong phần Biên khảo của nhà nghiên cứu Hà Vũ Trọng về biểu tượng kiến trúc và điêu khắc trên các công trình mang hình thái Đông Dương, Sài Gòn, những biểu tượng ra đời.

Biểu tượng, từ đây không dừng lại ở khía cạnh vật thể, mà triển khai rộng hơn những gì phóng chiếu từ nội hàm lịch sử, văn hóa thị dân; là khởi sinh, tiếp biến cho đến tổng hòa những dấu chỉ nội tại để nhận diện/nhận biết Sài Gòn. Đó là những tiêu điểm văn hóa, nhân văn, bao gồm những chuyển động trong giáo dục, văn chương, nghệ thuật mang tính đặc thù của thị dân, theo đó, là sự tỏa sáng của những nhân vật, cả nổi tiếng và vô danh, phát lộ những gì được xem là biểu trưng cho linh hồn của nơi chốn.

Các bài viết của quy hoạch sư Nguyễn Đỗ Dũng, dịch giả Trần Đức Tài, nhà nghiên cứu Huỳnh Như Phương, nhà thơ Du Tử Lê, nhà báo Lưu Vĩ Lân, Nguyễn Quốc Việt về cảnh quan tinh thần, đời sống con người Sài Gòn trong quá khứ cho đến các cảm nhận, thao thức về cuộc chuyển dời hôm nay của các tác giả: Phan Triều Hải, Nam Thụ, Bảo Uyên, Nguyễn Cường, Trương Gia Hòa… đặt trong cảm thức không gian biểu tượng, phần nào, như đã nói, có thể gợi mở hứng thú cho những cuộc kiếm tìm dấu chỉ văn hóa đô thị Sài Gòn trong thời gian tới.

Sài Gòn, những biểu tượng là cách tiếp chạm nhỏ nhẹ, bặt thiệp và truyền cảm hứng với một vấn đề lớn lao của đô thị. Sài Gòn trong tập sách này, dù là quá khứ xa hay hiện tại gần, dù là tiếng nói nghiêm cẩn của khoa học hay là những xúc cảm bay bổng, dù nói về con người hay cửa nhà, di sản hay môi trường… thì đều hàm chứa những tâm tình và nỗ lực tìm tòi hiểu biết.

6. Sài Gòn phong lưu

Sự phong lưu không nhất thiết phải đặt trên nền tảng sung túc vật chất hay phô trương những thú chơi dị biệt, càng không phải là sự phóng khoáng vung trời theo lố nghĩ phổ biến… mà chính ở tâm thế sống thanh đạm, phong thái lịch thiệp, biết tận hưởng thời gian và không gian, hướng đến cái tao nhã trong khí quyển tinh thần.

Phong lưu hướng đến sự hài hòa nội tâm, sự khoan hào với tha nhân, sự thăng hoa trong sáng tạo và không ướng vào những thứ vọng động xu thời. Tuyển tập này là một gợi mở để cùng suy tư sâu hơn về một chiều kích giá trị tính cách thị dân Sài Gòn.

7. Sài Gòn tản văn – Ngon vì nhớ

Ẩm thực là nghệ thuật, bởi thế nó cũng là một nếp văn hóa đặc trưng của Sài Gòn. Sự giao thoa của nhiều bản sắc văn hóa vùng miền trong nước và thế giới đã góp phần làm ẩm thực Sài Gòn thêm phong phú sắc màu. Sự phong phú ấy không dừng lại ở một món ăn ngon mà là câu chuyện về món ăn, thức uống, một chỗ ngồi, một con phố, một tên người… Tất cả hương vị đặc trưng ấy luôn làm say lòng những ai đã một lần đến Sài Gòn, và hơn nữa là sự thơm ngon trên trang viết của những ai yêu Sài Gòn.

Ngon vì nhớ là những cung bậc cảm xúc của người viết yêu mến Sài Gòn muốn trải lòng mình. Những ai yêu mến ẩm thực Sài Gòn cũng sẽ tìm thấy hương vị cuộc sống qua từng trang viết và nhớ những góc bàn, hẻm phố thân quen đã ngồi.

8. Ký ức một ảnh viện Sài Gòn – Câu chuyện Viễn Kính

Ảnh viện không đơn thuần là nơi làm dịch vụ ghi chép hình ảnh, nơi diễn ra những giao dịch nhất thời giữa những người cần ảnh với thợ chụp ảnh, đó là một kho tàng ký ức về con người và nơi chốn, một nguồn dữ liệu nhân học, nhân trắc học, xã hội học, sử liệu cộng đồng.

Nhưng đó lại có thể không hơn gì một đống tro tàn sau những bể dâu thời cuộc.

Ký ức một ảnh viện Sài Gòn hay Câu chuyện Viễn Kính có thể xem như một dự án du khảo được tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên thực hiện trong suốt gần một năm. Cuốn sách hơn 220 trang là một câu chuyện đồ sộ về nhiếp ảnh, những hình ảnh quý giá một thời vàng son lẫn cay đắng của lịch sử.

Ông Đinh Tiến Mậu, nhân vật chính của câu chuyện – chủ hiệu ảnh Viễn Kính tiếng tăm của Sài Gòn, kể về sản nghiệp của một đời thợ ảnh cứ như không có chuyện vậy, nhẹ tênh, phẳng phiu, liền lạc. Như chẳng có chuyện gì, tay thợ ảnh ấy từng trở thành chứng nhân của lịch sử hay có ảnh đăng trên những trang báo hàng đầu. Như chẳng có chuyện gì, ảnh viện của ông là chỗ chụp chân dung của các ngôi sao hàng đầu làng giải trí miền Nam.

Hết.

Ảnh đầu bài: Tranh ký họa trong tác phẩm Cảnh sắc phố thị Sài Gòn – Chợ Lớn

Top sách hay

Những cuốn sách New York Times khuyên đọc khi đến Hà Nội

Published

on

By

Nhật ký Đặng Thùy TrâmNỗi buồn chiến tranhThơ Hồ Xuân Hương… là những cuốn sách New York Times khuyên khách nước ngoài nên đọc khi đến Hà Nội.

“Read Your Way Around the World” là loạt bài của New York Times giới thiệu những cuốn sách nên đọc khi đến một thành phố, địa điểm nào đó trên thế giới. Sau các thành phố như Paris, Rome, Tokyo… hành trình đọc sách này dừng chân tại Hà Nội.

Trong bài viết mới đăng tải trên The New York Times, Hà Nội hiện lên là một thành phố không ngừng đổi mới: “Hà Nội luôn là thành phố của những câu chuyện cổ tích và huyền thoại. Tên gọi trước đây, Thăng Long, có nghĩa là “Rồng bay lên”, xuất phát từ câu chuyện vua Lý Thái Tổ nhìn thấy ​​một con rồng vàng bay lên khi ông dời đô đến đây vào năm 1010. Thành phố này hiện là trung tâm của văn học Việt Nam - quê hương của nhiều nhà văn, lễ hội văn học và hội chợ sách… Hà Nội cũng là một thành phố của sự mất mát và sinh tồn: Nó đã bị phá hủy hết lần này đến lần khác từ Kháng chiến chống Pháp, sau đó là Chiến tranh chống Mĩ, khi hàng nghìn tấn bom dội xuống thành phố. Nhưng một khi đến Hà Nội, bạn sẽ cảm nhận được năng lượng của một thành phố không ngừng đổi mới”.

Nên đọc gì trước khi xếp hành lí đến Hà Nội?

Việt Nam thường được nhìn qua lăng kính chiến tranh, nhưng nơi đây có hơn 4.000 năm lịch sử và văn hóa. Một cuốn sách thú vị để đi sâu vào là The Food of Vietnam (Món ăn Việt Nam) của Luke Nguyễn. Chương về Hà Nội là lời giới thiệu hấp dẫn về những món ăn tinh túy của thành phố, chẳng hạn như chả cá, bún chả, bánh cuốn và phở.

Hà Nội là thành phố của các nhà thơ, trong đó có Hồ Xuân Hương, người có những bài thơ táo bạo và kích thích tư duy đã được dịch và xuất bản tại Mĩ trong tập Spring Essence: The Poetry of Ho Xuan Huong.

Đối với thi ca đương đại, tờ The New York Times giới thiệu tập The Women Carry River Water (Những người đàn bà gánh nước sông) của Nguyễn Quang Thiều. Nếu bạn thích tìm hiểu Hà Nội qua tiểu thuyết, Dumb Luck (Số đỏ) của Vũ Trọng Phụng - một tiểu thuyết châm biếm lấy bối cảnh Hà Nội thời thuộc địa - được coi là một tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam.

Understanding Vietnam (Hiểu Việt Nam) của Neil L. Jamieson đưa ra một đánh giá sâu sắc về đất nước chúng ta thông qua thơ ca và tiểu thuyết. Hanoi: Biography of a City (Hà Nội: Tiểu sử một đô thị) của William Stewart Logan, và Hanoi of a Thousand Years (Hà Nội nghìn năm) của Carol Howland, cả hai đều khám phá cuộc sống và lịch sử của thành phố cổ kính này.

Trải nghiệm những khía cạnh khác của thành phố qua sách

Người dân Hà Nội đã trải qua vô số cuộc chiến tranh và những thách thức hàng ngày để tồn tại. Hầu hết sách về Hà Nội chưa được dịch sang Mĩ. Trong số ít tác phẩm được dịch có The Sorrow of War (Nỗi buồn chiến tranh) của Bảo Ninh. Tác phẩm kể về Kiên, một chàng trai Hà Nội ra trận và trở về là một người đàn ông bị tổn thương. Bảo Ninh hiện là một trong những nhà văn lớn của Việt Nam. Tập truyện ngắn gần đây nhất của ông, Hanoi at Midnight (Hà Nội lúc nửa đêm), ghi lại cuộc sống phức tạp của người dân nơi đây.

The General Retires and Other Stories (Tướng về hưu và những chuyện khác) của Nguyễn Huy Thiệp cũng là tác phẩm đáng thưởng thức, với nội dung, bối cảnh là người dân Hà Nội. Behind the Red Mist (Trong sương hồng hiện ra) của Hồ Anh Thái, là một cuốn sách sáng tạo và kích thích tư duy khác.

Để hiểu thêm về Hà Nội, New York Times đặc biệt giới thiệu Last Night I Dreamed of Peace (Nhật ký Đặng Thùy Trâm), cuốn nhật kí của liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm, người đã hi sinh trên chiến trường Miền Nam ở tuổi 27 khi đang làm nhiệm vụ trong cuộc chiến tranh chống Mĩ. Cuốn nhật kí của cô đã được một sĩ quan tình báo quân đội Mĩ, Frederic Whitehurst, mang về. Ba mươi lăm năm sau, vào năm 2005, cuốn nhật kí đã được trả lại cho gia đình cô ở Hà Nội, sau đó được xuất bản và được quốc tế đón nhận.

Một nhà văn nữ khác được giới thiệu là Lê Minh Khuê với tập truyện ngắn The Stars, The Earth, The River (Những ngôi sao, Trái đất, Dòng sông) chủ yếu lấy bối cảnh là những khu dân cư của tầng lớp lao động ở Hà Nội và mô tả một thành phố đang trở nên đông đúc.

Sách nói phù hợp cho bạn khi dạo quanh thành phố

Nhà thơ Phùng Quán từng viết “Trong khó khăn, tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”. Thơ ca là một trụ cột của đời sống Việt Nam và khi dạo quanh Hà Nội, bạn có thể nghe Lanterns Hanging on the Wind (Đèn lồng treo trong gió), một chương trình đọc thơ song ngữ phát trên đài phát thanh một số đại học Mĩ, gồm hai phần tôn vinh thơ ca Việt Nam với tác phẩm của Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Nguyễn Quang Thiều, Giang Nam...

Trong khi dành thời gian ở Hà Nội, bạn có thể đi trên đường Hai Bà Trưng, ​​được đặt theo tên của hai nữ tướng đã cưỡi voi lãnh đạo một đội quân chủ yếu là phụ nữ chống lại sự đô hộ của nhà Đông Hán vào khoảng năm 40 sau Công nguyên. Sách nói Bronze Drum (Trống đồng) của Phong Nguyễn, qua giọng đọc của Quyen Ngo, kể câu chuyện về Hai Bà Trưng.

Những địa danh văn học và hiệu sách nên ghé qua

Phố 19/12 của Hà Nội, nơi được gọi với cái tên “Phố sách”, dành riêng cho sách và những người bán sách, nằm ngay cạnh Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò. Đây là nơi trưng bày và bán các đầu sách của các nhà xuất bản, công ty sách. Con phố này từng là một khu chợ sầm uất - chợ Âm phủ - được đặt tên theo những ngôi mộ tập thể của các nạn nhân thiệt mạng trong Kháng chiến chống Pháp.

Văn Miếu, nơi từng tổ chức lễ hội Ngày Thơ Việt Nam (diễn ra vào Nguyên Tiêu, hai tuần sau ngày Tết Việt Nam), là một địa điểm không thể bỏ qua. Khi bạn ở đó, hãy đứng ở một trong những khoảng sân cổ kính, nhắm mắt lại và tưởng tượng mình đang nghe các nhà thơ Việt Nam đọc cho hàng nghìn người Hà Nội nghe, những người coi Ngày thơ là một điểm khởi đầu tốt đẹp trong năm mới của họ.

Ở phía tây của thành phố, Bảo tàng Văn học sẽ giúp bạn làm quen với nhiều nhà văn và nhà thơ hàng đầu Việt Nam. Một quán cà phê sách vừa được mở trong khuôn viên bảo tàng sẽ là một nơi tốt để thư giãn.

Phố Đinh Lễ với các hiệu sách truyền thống san sát nhau, mỗi hiệu sách đều có một loạt sách tiếng Anh nhỏ. Một góc đường Nguyễn Xí bày bán nhiều sách cũ.

Để có thời gian vui vẻ, hãy bắt một chiếc xe ôm và để tài xế đưa bạn đến Hồ Tây và chùa Trấn Quốc. Trên đường đi, yêu cầu tài xế ghé qua Bookworm Hanoi - một trong những nhà sách ngoại văn được ưa chuộng.

Cuốn sách giúp bạn khám phá xa hơn phạm vi Hà Nội

Dưới Tán Chò Nâu Sài Gòn là tuyển tập bút ký điền dã của một nhà thơ, nhà báo người Mỹ viết về Sài Gòn, được xuất bản dưới dạng sách song ngữ. Tuyển tập gồm 8 đoản khúc, xoay quanh những điều bình dị như cây chò nâu, tiệm tạp hóa, lục bình, sở thú… cho đến những chủ đề “khó nhằn” như tục thờ cá Ông, đồn điền cao su, nghề nấu rượu… Tất cả được viết bằng giọng văn vừa dí dỏm, khoa học nhưng không kém phần thơ mộng.

Vốn là người yêu thiên nhiên và thơ ca, dễ thấy rằng Paul Christiansen đặc biệt quan tâm đến những điều tạo nên nét đẹp mộc mạc, bình dị của mảnh đất hình chữ S. Tác giả tìm thấy cảm hứng từ việc đi dạo dưới bóng cây râm mát của sở thú, trăn trở về cá voi ngoài đại dương lẫn những con thú bị nhốt trong chuồng, thích thú ngắm nhìn lục bình trôi và những quả chò nâu xoay vòng trong gió…

Dưới Tán Chò Nâu Sài Gòn

Những bài viết của Paul Christiansen độc đáo ở chỗ có sự đan xen giữa óc quan sát tinh tế của một nhà thơ và góc nhìn chuyên sâu của một nhà nghiên cứu về những cảnh quan, nghi lễ, sự thật lịch sử vẫn còn bị dân bản địa thờ ơ.

Hai bài viết đầu tiên, Sở thú Sài GònTạp hóa và cửa hàng tiện lợi, đưa người đọc tái khám phá những địa điểm quen thuộc dưới một lăng kính mới. Trong mắt nhà thơ người Mỹ, ngay cả những dây dầu gội, sữa tắm treo trước các tiệm tạp hóa trông thật lạ lẫm, được anh ví như “rêu bằng nhôm mọc trên cây hay những tấm màn bằng xâu chuỗi để che hậu cảnh”.

Sách The Defiant Muse: Vietnamese Feminist Poems from Antiquity to the Present (Nàng thơ thách thức: Những bài thơ về nữ quyền Việt Nam từ xưa đến nay) sẽ đưa bạn đến nhiều vùng miền của Việt Nam, cũng như đi vào trái tim và khối óc của dân tộc, bằng truyền thống thơ ca phong phú của Việt Nam.

Nguồn: Văn nghệ Quân đội | Thành Nam dịch từ The New York Times

Đọc bài viết

Top sách hay

Học cách yêu thương người thân với những câu chuyện cảm động nhất về gia đình

Published

on

By

Gia đình là cội nguồn của yêu thương, miền an yên, chỗ dựa tinh thần luôn sẵn sàng ở đó khi ta cần. Tuy nhiên, không phải lúc nào ta cũng biết cách yêu thương và hỗ trợ người thân sao cho đúng đắn. Những quyển sách dưới đây của Phương Nam Book đều là các câu chuyện cảm động về gia đình, giúp bạn có thể tự soi chiếu và học cách yêu thương những người thân của mình.  

Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm

Tác phẩm là một lát cắt sâu về đời sống của thế hệ người Việt thứ hai trong hành trình vật lộn để trưởng thành và hội nhập tại đất Mỹ trong thời hậu chiến. Nhân vật chính trong truyện là “Tôi” – một cô bé 6 tuổi theo ba mình lên thuyền vượt biên cùng dòng người xa lạ để tìm cuộc sống mới, bỏ lại mẹ cô cùng người anh trai bị chết đuối cách đó không lâu nơi làng chài xơ xác, mặn mùi muối biển.

Sau vài năm bôn ba, cuối cùng gia đình họ cũng được đoàn tụ, nhưng rồi những bức bối, tủi hờn, bế tắc trong cuộc sống bắt đầu tác động thô bạo và làm méo mó từng phận người dù họ vẫn luôn cố gắng chống cự. “Tôi tìm thấy ở ba tôi sức chịu đựng khủng khiếp, chịu đựng, chôn chặt, im lặng và tôi thấy phải viết ra những gì mình đã sống, đã chôn chặt, nếu không, sẽ không chịu nổi”.

Với Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm, chiến tranh không bao giờ kết thúc, cho dù trên danh nghĩa, nó đã lùi xa. Và những mảnh vỡ của nó vẫn luôn còn lưu trú trong đất đai, cỏ cây, trong những sâu xa vô thức cùng ý thức của con người.

Hôm nay mẹ có vui không?

Quyển sách Hôm nay mẹ có vui không? là câu chuyện của tác giả về quá trình tìm lại chính mình, tự chữa lành, là con đường thoát khỏi trầm cảm, tìm lại niềm vui, sự cân bằng, thanh thản trong tâm hồn, giải phóng bản thân khỏi những áp lực của hành trình làm mẹ và đồng hành cùng con vượt qua những khiếm khuyết không mong muốn.

Hôm nay mẹ có vui không? không là một cuốn sách nuôi dạy con khuôn mẫu. Nó mang dáng dấp của một cuốn nhật ký của bản thân tác giả hơn, nơi chị nhìn lại, suy ngẫm, và viết nên chính cuộc đời mình. Đó không đơn thuần là hành trình làm mẹ, đó còn là hành trình của người phụ nữ hiện đại, sai lầm rồi trưởng thành, sống vì con, vì gia đình, và vì cả chính mình.

Người cha im lặng

Người cha im lặng là quyển tự truyện phác họa lại hành trình đặc biệt của một gia đình người Việt sinh sống ở Pháp, sau khi người cha mất đi giọng nói vì một cơn tai biến mạch máu não.

Chuyến hành trình này không chỉ giúp những người con lần tìm lại quá khứ của người cha, tìm về nguồn cội cũng như khám phá ra những bí mật "động trời" của gia đình, mà còn hòa giải được những xung đột rất đời thường, những bất đồng ngôn ngữ và văn hóa giữa các thế hệ trong cùng một gia đình người Việt xa xứ.

Có mẹ trong đời

Không có tham vọng đúc kết hay đưa ra lời giáo huấn trực tiếp nào, tự thân những câu chuyện trong Có mẹ trong đời tìm cách đi vào trái tim người đọc bằng những tình cảm tự nhiên, ngọt ngào, những tâm tình ấm áp; nhẹ nhàng đánh thức trong mỗi người niềm hạnh phúc lớn lao – được có mẹ trong đời. Sách còn là lời thầm thì nhỏ nhẹ, nhắc nhỏ ta rằng, việc thực hành đạo hiếu không thuần túy là trách nhiệm, mà là một cách thế tắm mình trong suối nguồn an lạc.

Có cha trong đời

Có cha trong đời là món quà tinh thần rất quý giá cho những người đang làm cha. Lối dạy dỗ con cái, việc lấy chính cuộc đời mình nêu gương từ những người cha trong các hồi ức sẽ là cẩm nang quý giá để giúp ta làm tốt thiên chức với con cái, trách nhiệm với cuộc đời.

Đọc bài viết

KOMOaudio

5 cuốn sách giúp bạn lấy lại thói quen tốt để cân bằng sức khỏe trong mùa hè này

Published

on

By

Mùa hè đến, thời tiết nắng nóng kèm theo những cơn mưa bất chợt, độ ẩm không khí thay đổi thất thường dễ khiến cơ thể chúng ta không thích ứng kịp. Nhức mỏi cơ, đau đầu, uể oải, viêm xoang mũi, dị ứng thời tiết dường như ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt hằng ngày của nhiều người, đặc biệt là những ai có cơ địa nhạy cảm. Nhưng thay vì đổ lỗi cho thời tiết và cơ địa, bạn hoàn toàn có thể cải thiện tình trạng sức khỏe của mình bằng những thói quen rất đơn giản, đơn giản đến nỗi ai trong chúng ta cũng từng nghĩ điều đó không quan trọng.

Loạt sách dưới đây sẽ nhắc nhở bạn về những thói quen đơn giản nhưng cực kỳ hữu ích, giúp bạn cân bằng sức khỏe trong thời tiết khắc nghiệt của mùa hè năm nay.

1. Khỏe hơn 10 tuổi nhờ uống nước đúng cách

Nếu vẫn nghĩ uống nước là một việc đơn giản thì chúng ta đã bỏ qua một cách chăm sóc sức khỏe vô cùng hiệu quả. Vì thiếu 1-2% thì cơ thể sẽ bị khát cháy, các cơ quan nội tạng đều sẽ bị thiếu độ ẩm lẫn dinh dưỡng, dẫn đến không thể thực hiện được chức năng của mình, dễ tổn thương, kéo theo đó là bệnh tật, lão hoá, thiếu sinh lực, bất an, dễ căng thẳng. Việc uống nước, bổ sung và đảm bảo độ ẩm vô cùng quan trọng cho cả thể chất lẫn tinh thần của chúng ta, nhưng có vẻ như chúng ta đều chưa làm đúng.

Không chỉ trang bị những hiểu biết cơ bản như trên cho bạn đọc, Khỏe Hơn 10 Tuổi Nhờ Uống Nước Đúng Cách còn chia sẻ thêm nhiều phân tích chuyên sâu được đúc kết sau nhiều năm hành nghề của bác sĩ Seung-Nam Lee. Từ những phương pháp bổ sung nước, tăng cường độ ẩm cho cơ thể đúng đắn, mở rộng hơn chúng ta có thể thay đổi cả thói quen sinh hoạt của mình. Khi ăn thức ăn ta sẽ lựa chọn và điều chỉnh các loại thực phẩm phù hợp để bổ sung oxy và nước, khi uống cà phê, rượu bia, ta sẽ biết cách làm thế nào để cân bằng độ ẩm và ngăn ngừa các sự cố đáng tiếc.

Khỏe Hơn 10 Tuổi Nhờ Uống Nước Đúng Cách là một cuốn cẩm nang toàn diện về chăm sóc sức khỏe thông qua yếu tố cơ bản nhất: nước. Với cách viết đơn giản, dễ hiểu, thông tin ngắn gọn cùng với những kiến thức bổ sung thú vị, bác sĩ Seung-nam Lee hy vọng sẽ giúp cho tất cả mọi người trong hành trình thay đổi thói quen và chăm sóc sức khỏe một cách đúng đắn nhất để phòng trừ bệnh tật, chống lão hoá và luôn giữ một tinh thần tươi trẻ.

2. Lưu Thông Máu Tốt Hóa Giải Bách Bệnh

"Việc lưu thông máu có thể hoá giải bách bệnh" - điều đó có thật không? Liệu rằng dòng chảy âm thầm của máu có thật sự tạo ra tác động ở cả mặt thể chất lẫn tinh thần? Trong suốt quá trình tích góp kinh nghiệm chậm rãi và phong phú trong hơn một thập kỷ, Akiyoshi Horie nhận ra được sự liên hệ mật thiết giữa cơ thể với tinh thần và việc lưu thông máu thật sự ảnh hưởng triệt để đến thân-tâm ta mỗi ngày.

Lưu Thông Máu Tốt Hóa Giải Bách Bệnh sẽ mang lại cho người đọc những phương pháp cải thiện lượng máu trong cơ thể. Tác giả cũng đồng thời chỉ ra những sai lầm thường mắc phải của mọi người về vấn đề này. Lấy ví dụ như khi nghĩ đến “lưu thông máu tốt” mọi người thường nghĩ đến việc máu chảy đều, nhưng thật ra đó chính là cải thiện chất lượng máu. Tương tự, mục đích của cuốn sách không phải là để “máu chảy thông thuận” mà là “lượng máu tràn trề”. Chính vì vậy, qua từng chương được xây dựng rõ ràng, có sự phát triển dần từ đơn giản đến nâng cao, người đọc sẽ đi qua những khái niệm căn bản nhất, các thiên kiến cần được thay đổi đến những thói quen sinh hoạt, chế độ ăn uống để hỗ trợ máu lưu thông tốt, cơ thể tràn trề sinh lực và khỏe mạnh.

Không có một phương thuốc nào, từ Đông y đến Tây y có thể chữa lành bách bệnh. Cơ thể là sự hiện diện trung thực nhất. Tinh thần và thể trạng hiện tại của bạn là hệ quả tích luỹ suốt từ chuỗi ngày sinh hoạt thường nhật. Vậy nên bên cạnh việc đưa ra thông tin hữu ích cùng những phương pháp y học được chắt lọc từ phương Đông ngàn năm lẫn hiện đại để giúp gia tăng chất lượng máu lưu thông, tác giả còn động viên và tạo động lực để mỗi người chủ động chăm sóc sức khỏe của mình. Akiyoshi Horie đã cho chúng ta phương tiện, điều cần thiết ở đây chính là mỗi người hãy cố gắng áp dụng triệt để và sống thật mạnh khỏe, tươi trẻ, vượt qua bệnh tật và tận hưởng hạnh phúc gia đình tròn đầy.

3. Vận Động Đúng Cách Cơ Thể Không Mệt Mỏi

Phần lớn mọi người đều cảm thấy càng lớn tuổi cơ thể càng “dễ mệt mỏi”, “mãi không hết mệt” và đa phần đều từ bỏ ý định cải thiện tình trạng ấy vì cảm thấy đây là vấn đề tuổi tác. Tuy nhiên, sự mệt mỏi đó là do chúng ta đang lựa chọn “cách hoạt động gây mệt mỏi” thông qua những “ngộ nhận” mà ta không thể ý thức được và những “cách sử dụng cơ thể” thiếu chuyên nghiệp vẫn được áp dụng trong vô thức.

Trong cuốn sách này, tác giả đề cập tới những hành động mà mọi người thường cảm thấy “Khó khăn = Mệt mỏi” trong cuộc sống thường ngày, đồng thời đối chiếu với cấu tạo vốn có của cơ thể và giới thiệu những “cách sử dụng cơ thể không mệt mỏi”. Hy vọng thông qua cuốn sách nay, bạn có thể làm dịu bớt dù chỉ là chút ít những “mệt mỏi” của bản thân.

4. Muốn Sống Lâu Đừng Ngồi Quá Nhiều

Cứ mỗi 1 tiếng đồng hồ ngồi, tuổi thọ của bạn sẽ giảm đi 22 phút! Ngồi ăn. Ngồi làm việc. Ngồi xem ti vi, đọc sách. Ngồi trò chuyện với gia đình và bạn bè… Tất cả những việc đó diễn ra trong cuộc sống thường nhật của chúng ta, chẳng khi nào chúng ta nghĩ nó đặc biệt. Tuy nhiên, ngồi chính là một tác nhân gây ra nhiều bệnh tật và rút ngắn tuổi thọ.

Nói một cách chính xác, việc ngồi quá nhiều sẽ gây tổn hại tới sức khỏe của chúng ta. Nhưng vấn đề là ngày càng có nhiều người dành phần lớn thời gian trong ngày ở tư thế ngồi. Chỉ cần bạn đứng dậy khỏi ghế, tuổi thọ sẽ được kéo dài!

Tác giả Koichiro Oka - một chuyên gia nghiên cứu về Khoa học Sức khỏe hành vi và Dịch tễ học hành vi sẽ giải thích cho các bạn hiểu được tầm quan trọng của việc đứng dậy và đi lại sau mỗi lần ngồi quá lâu. Với các phương pháp khắc phục, hướng dẫn luyện tập các bài tập đơn giản và dễ thực hiện, hy vọng rằng cuốn sách này sẽ giúp nhiều người nhận ra vấn đề của thói quen ngồi quá nhiều và quyết định đứng lên để thay đổi.

5. Sống Xanh Như Những Lá Trà

Trong cuốn sách thú vị này, bạn sẽ được khám phá kho tàng ý tưởng về sự đơn giản, tiết kiệm, các phương pháp tự chế và cả trí tuệ của người Nhật. Chính tác giả đã áp dụng điều mà cô gọi là ‘Green tea living’ - gồm ăn thực phẩm ít calo, tập thể dục và thiền định... vào cuộc sống. Cô cũng đưa ra lời khuyên về việc thường xuyên ăn súp miso, sử dụng phương pháp bấm huyệt, thử dùng dầu ô-liu cho da khô, massage da mặt bằng thìa và các gợi ý để sống cuộc sống thanh đạm.

Trong cuốn sách thú vị này, bạn sẽ được khám phá kho tàng ý tưởng về sự đơn giản, tiết kiệm, các phương pháp tự chế và cả trí tuệ của người Nhật. Chính Kayaki đã áp dụng điều mà cô gọi là ‘Green tea living’ - gồm ăn thực phẩm ít calo, tập thể dục và thiền định... vào cuộc sống. Cô cũng đưa ra lời khuyên về việc thường xuyên ăn súp miso, sử dụng phương pháp bấm huyệt, thử dùng dầu ô-liu cho da khô, massage da mặt bằng thìa và các gợi ý để sống cuộc sống thanh đạm.

Trà xanh không chỉ có lợi cho tim mạch, nó còn có thể được dùng như một loại mỹ phẩm chống lão hóa, như biện pháp ngừa sâu răng và loại bỏ mùi hôi miệng, như công cụ làm sạch, làm phân bón cho cây, và còn là chiến thuật giảm cân (bằng cách uống một cốc trà trước bữa tối). Sống Xanh Như Những Lá Trà của Kayaki quả thật vô cùng hữu ích và sáng tạo cho một cuộc sống thân thiện với môi trường.

Hi vọng rằng qua gợi ý trên đây, bạn có thêm lý do để dành thời gian quan tâm đến cơ thể để sống vui khỏe, tận hưởng mùa hè cùng người thân và gia đình.

Đọc bài viết

Cafe sáng