Phía sau trang sách

Vòm rừng: Bản hùng ca Moby Dick trên cạn

Với Vòm rừng, Richard Powers đã tiến hành một khảo sát tương đối sâu rộng vào sự tương hỗ giữa con người và cây cỏ.

Published

on

Khi thế giới kết thúc lần đầu tiên, Noah đã đưa tất cả động vật, từng cặp mỗi loài, và đưa chúng lên con thuyền thoát hiểm của Ngài để đi sơ tán. Nhưng điều buồn cười là: Ngài để mặc cây cối chết.

Một điều thú vị là vào ngày The Overstory (hay tựa chuyển ngữ Vòm rừng) được xướng tên chiến thắng giải Pulitzer 2019, giới vận động hành lang – những người theo dõi tin tức văn chương thế giới – gọi đây là một trò đùa. Điều giễu nhại rằng tuy là cuốn sách viết về cây cối và các mối quan hệ tương hỗ, nhưng với bề dày (gần 600 trang sách khổ 24), điều này tương tự như việc mặc màu đỏ vào đám tang. Nhìn nhận một cách khách quan, dù nhà xuất bản có dán nhãn FSC (The Mark of Responsible Forestry(1)) hay không đi nữa, thì với chiều dày nguyên bản này, Vòm rừng ít nhiều gây được sự chú ý nhờ vẻ ngoài sử thi, mà như Margaret Atwood so sánh – như bản hùng ca Moby Dick trên cạn. 

The Overstory như đúng tên gọi của nó, vừa là bài hùng ca tầng tầng lớp lớp khoảng xanh (story đồng âm với storey = tầng), nhưng cũng đồng thời là câu chuyện dài dằng dặc những đời người (story = câu chuyện). Với Vòm rừng, Richard Powers đã tiến hành một khảo sát tương đối sâu rộng vào trong những loài sinh vật bất động này, ở đó ông phân tích mối tương quan giữa chúng, mà quan trọng hơn hết, là sự tương hỗ giữa con người và cây cỏ. Bằng sự nhạy cảm của văn chương và cái thực tế của những bằng chứng khoa học, Vòm rừng là tổng hòa của hiện trạng đi xuống kèm theo nỗ lực cuối cùng trong mối quan hệ hài hòa giữa Mẹ thiên nhiên với loài homo sapiens bé nhỏ. Như Ann Patchett nhận xét, đây thật sự là một trong những cuốn tiểu thuyết hay nhất thời kì này.

*

Vòm rừng là câu chuyện của chín cá thể khác nhau, đều có liên kết với những loài thực vật nhất định trong tuổi thơ hay tuổi trưởng thành. Đó là dòng họ Hoel hơn mười đời chụp ảnh cây dẻ. Đó là gia đình nhà Ma người Hồi, di cư từ Trung Quốc sang Mỹ nhằm tránh những biến động chính trị. Đó còn là cậu bé Adam – đứa trẻ say mê học hỏi và những mánh lới của tuổi trưởng thành. Là cặp đôi Ray và Dorothy với những bất trắc tình yêu. Là Douglas – cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam. Là Neelay – người Ấn và cha đến thung lũng Sillicon nước Mỹ. Là Patricia Westerford – tiến sỹ thực vật học và Olivia, cô nàng vừa trải qua những biến động tuổi trưởng thành: ly hôn, chết lâm sàng cho đến giác ngộ. Thoạt tưởng mỗi một người họ không có sợi dây liên hệ nào với nhau; nhưng bằng độ dài sử thi và sự sắp đặt tình tiết khéo léo, Richard Powers đã tạo nên bản đồ những mối quan hệ với thiên nhiên thông qua những nhân vật này, như trình tự diễn biến của một cái cây: từ gốc rễ, thân, ngọn và cuối cùng hóa thân thành những hạt giống.

Nhưng tại sao là chín, liệu số lượng chín nhân vật ở đây có ý nghĩa gì? Theo thần thoại Bắc Âu, Yggdrasil (còn được gọi là Mímameiðr hay Lérað, trong tác phẩm này Richard Powers gọi là Mimas) là “Cây thế giới”, một cây thần khổng lồ nối liền chín thế giới trong vũ trụ. Cây Thế giới có mối liên hệ mật thiết với các giai đoạn sáng thế, thành trụ và hoại diệt của nhân loại. Cây Thần dạy chúng ta rằng cây cối gắn liền với số phận của nhân loại, và mỗi người nắm giữ trách nhiệm phải coi sóc quá khứ, ghi nhớ những gì đã mất, đồng thời trân trọng thế giới tươi đẹp phồn vinh này, khoảnh khắc hiện tại, trong khi hướng tới một viễn cảnh trong tương lai. Và như thế chín mảnh ghép được kết nối với nhau, như chín địa hạt riêng tụ chung vào một cây lớn, từ đó câu chuyện thành hình.

Lưu ý: Nội dung dưới đây tiết lộ nhiều tình tiết quan trọng của tác phẩm Vòm rừng.

1. Gốc rễ

Một cách tuần tự, Richard Powers khắc họa sự đối nghịch hay thân thuộc của thực vật với con người. Trong giai đoạn gốc rễ, ông đi tuyến tính vào từng nhân vật, vào từng ngóc ngách đời sống của khoảng thời gian kéo dài; những sợi dây liên kết mỏng manh nhất bắt đầu thành hình.

Nếu cây dẻ nhà Hoel đứng đó như chứng nhân cho cuộc tình đời đầu giữa Jørgen với Vi – ông bà cụ kỵ của Nick; thì Patricia và cha cô là những người lắng nghe thực vật từ sớm: học hỏi, thí nghiệm và đọc Aldo Leopold để hiểu cách thức cây cối giao tiếp. Nếu nhà Adam chọn bốn loài cây đại diện cho từng đứa con của gia đình họ; thì cũng từ cây sồi già to lớn một buổi tan học, Neelay vì nỗi sợ vô cùng trẻ con đã gắn đời mình với chiếc xe lăn không thể đi lại. Những nhân vật này gắn bó với loài cây từ thuở ấu thời; từ sâu trong họ một sợi dây liên kết hình thành. Cây cối như điềm báo, như là phúc lành đối với trẻ con. Chúng đứng đó, rực rỡ hay tàn lụi cũng đồng thời dự báo số phận của những đứa trẻ. Chúng trở thành máu mủ, mao mạch; chúng ẩn hiện trong số phận và định mệnh của mỗi một người. Thế mới có chuyện khi cây du chết, Leigh – chị cả của Adam – mất liên lạc và không bao giờ trở lại một tối mùa xuân; hay khi Jørgen gieo sáu hạt cây dẻ chỉ có năm hạt nảy mầm, và người con đầu tiên chết.

Liệu đây có phải là cách mà Richard Powers khẳng định cây cối có một linh hồn bất diệt, và chúng gắn bó với thực thể con người – loài homo sapiens – bằng sợi dây vô hình nhưng mạnh mẽ? Không dừng ở đó, ông tiếp tục nêu bật sợi dây này ở các nhân vật không gắn bó với cây cối từ đầu. Chẳng phải nhờ một cây đa to lớn mà Douglas thoát nạn từ chiếc máy bay? Cũng chẳng phải cây sồi trong vở Macbeth là dấu mốc cho cuộc hôn nhân nhiều sóng gió của Dorothy và Ray? Hay với Olivia, tiếng nói của những hiện thân chẳng phải là yếu tố khiến đời cô rẽ một bước ngoặt vô cùng to lớn, khiến cô từ một cá thể mất dấu giữa dòng, bỗng trở nên có lý tưởng và sống có trách nhiệm? Richard Powers sử dụng các yếu tố văn chương một cách tài tình để cho ta thấy cây cối – bằng cách nào đó – gắn bó với con người hơn cách ta vẫn thường nghĩ. Thực vật gắn bó mật thiết, một kiểu tâm linh thần giao cách cảm với loài người, bí ẩn nhưng kỳ diệu, lạ lẫm nhưng thẫm sâu.

2. Thân

Với Vòm rừng, Richard Powers đã đi một vòng rất lớn trong lịch sử: từ nội chiến Nam – Bắc Mỹ 1864 đến Thế chiến thứ hai, từ công cuộc khai thác thuộc địa, Cách mạng 1911, thảm sát 1927, chiến tranh Việt Nam đến khủng bố 11/9 ; cây cối đứng đó như hiện thân chứng kiến con người qua bao biến đổi. Cây cối đứng đó vẫy chào cảm thông vào ngày Nick phát hiện ra cả gia đình chết do ngộ độc khí gas. Cây ăn sáng – loài dâu tằm không nhả tơ – là điểm tựa cho phát súng tự kết liễu của Ma thì Adam cũng từng khóc lóc khi cha cậu cho trồng cái cây còn giữ nguyên vải bọc rễ. Cây tương tác với các nhân vật, cây đóng vai trò quan trọng như những mạch nguồn nuôi dưỡng sự sống. Nhưng thực tế, con người đang làm gì với ngôi nhà nguyên thủy của tổ tiên?

Richard Powers phân ra hai thế đối đầu: nếu một bên là những cá thể riêng lẻ góp chút sức tàn vào công cuộc bảo vệ tổ tiên – thì phía bên kia là hệ thống công chính, là luật pháp chặt chẽ nhưng phục vụ chỉ những điều trước mắt, quên cả gốc rễ, quên cả tổ tiên. Ở đây, dễ thấy nguồn gốc phần lớn các nhân vật đều là dân nhập cư: Nick – Hà Lan, Ma – đạo Hồi, Neelay – Ấn Độ. Họ là những người dễ bị trục xuất, luôn phải cúi đầu, lắng nghe và đồng thuận. Thế nhưng đứng trước sự phá hủy ấy, họ bật dậy như không còn gì để mất.

Từ đấu tranh bất bạo động đến phá hủy máy móc (thiết bị của chính quyền công chính), từ đóng giả thú rừng giương biểu ngữ thu hút báo chí đến xây dựng trại Cascadia ngăn cản bước tiến của đoàn giết cây; tất cả bọn họ đứng đó như hiện thân của lẽ phải. Họ yêu và cảm nhận tình cảm của cây một cách thiêng liêng. Họ vận động và không ngừng đấu tranh cho mục tiêu phía trước, như lời trăn trối của Olivia trong những phút cuối cùng: Những thứ chúng ta có sẽ không bao giờ kết thúc. Phải không? Richard, lại một lần nữa, rất lý trí khi cho thấy vai trò của từng nhân vật trong cách giải thích vai trò của những tổ tiên nguyên thủy này. Nếu Ray – một luật sự về quyền sở hữu – mang cho người đọc những phân vân về việc liệu cây có quyền sở hữu những thứ nó sản sinh ra cho loài người; thì Patricia lại là một nhân vật đưa ra rất nhiều những phát kiến khoa học khiến ta bất ngờ như trong những cuốn sách thường thức khoa học. Nếu Adam – một tiến sỹ khoa học thống kê, đưa ra những nhận xét thức thời về tính bầy đàn, về hiệu ứng bàng quan; thì Neelay như cách cho thấy những khát vọng của con người đã quá mục ruỗng, khi phải nhìn thấy thiên nhiên từ những pixel nhân tạo.

Nhưng nếu mỗi một người họ có thể từ bỏ danh tiếng, địa vị, tài sản như Neelay, Mimi, Adam hay thậm chí mạng sống như Olivia, Patricia; thì phía bên kia – những người mang danh đại diện cho chính quyền liên bang, cho sự đoàn kết của tộc người cư xử ra sao? Họ đứng đó và xịt hơi cay hay đổ chất cay vào mắt người biểu tình ôn hòa, họ đánh và giam giữ trái phép, họ đàn áp và tra tấn trong mức độ ghê rợn nhất. Một điểm phải nhìn nhận ở Richard Powers trong cuốn sách này rằng, ông không nhắm hay phê phán bất cứ một cá nhân riêng lẻ nào. Dễ thấy ông cho những người đốn rừng một lý do hợp lý để đối đầu với phản ứng của giới cấp tiến vì môi trường – để nuôi vợ con họ, để kiếm tiền và đóng thuế cho nền công chính. Nhưng giới lãnh đạo pháp luật, tòa án, chính quyền bang và đầy đủ những cơ quan mang danh liêm chính khác cư xử ra sao? Họ không làm gì khác ngoài tra tấn và áp đặt, bóc lột và trừng phạt để không cần hiểu.

3. Ngọn

Cuối cùng, sau những cố gắng của họ: của việc ngồi 200 feet trên cao Mimas để giữ không cho bọn đốn rừng chặt cây, của việc đi khắp thế giới làm lạnh hạt giống trên chiếc thuyền ark, của việc đốt cháy máy móc, thiết bị như cách cuối cùng thu hút sự chú ý của báo giới; họ được gì? Có chăng là bản án hai lần 70 năm cho Adam vì tội khủng bố trong nước, có chăng là cái chết tự kết liễu của Paricia giữa hội nghị Sửa nhà khi đã quá căm phẫn vì tội ác loài người và sự ra đi của chồng bà – Denis. Hay có chăng là Neelay, khi nhận thức đã quá trễ với trò chơi giờ đây người ta không quan tâm gì hơn doanh thu của nó.

Loài người bị bệnh rồi” – câu nói của Ma với chú gấu trong lần cắm trại khi chúng đến tấn công, hay cậu bé Adam, bằng những suy nghĩ trẻ con, cũng thốt lên: “Loài người bị bệnh nặng rồi. Giống loài này sẽ không còn tồn tại lâu. Đó là một thí nghiệm sai lầm. Chẳng bao lâu nữa thế giới sẽ quay trở lại với những trí thông minh lành mạnh, những trí thông minh tập thể. Bầy đoàn và nhóm đông. Bằng một con mắt chỉ chăm chăm đời sống ngoại vi, Douglas trả thù Adam vì đứng trước Olivia sắp chết nhưng không làm gì; cũng tương tự thế, cái chết của Patricia như tiếng thét câm lặng để từ đó Neelay tỉnh thức, làm một cái gì khác hơn trò chơi chính ông tạo ra, nơi không gì hơn những pixel ảo. Như Patricia hay Mimi nói: “Chẳng có sinh vật nào tẩy chay nhanh hơn Homo sapiens. Loài người là giống du côn. Luật pháp là công cụ bắt nạt, và đúng như thế, cuối cùng trong cuốn sách này, những người phản đối vì môi trường mệt dần, họ tan hoang và rã rời, họ bất động và không niềm tin chống đối. Tất cả đã rệu rã, tất cả đã quá muộn; vì hiệu ứng bàng quan, vì nhận thức kế thừa? Không ai biết được, chỉ biết thêm một cái cây đốn hạ, tổ tiên ngã xuống, và loài người đang triệt đi chính cội nguồn mình từ một tỉ rưỡi năm trước.

4. Những hạt giống

Những hy vọng được nhen nhóm trong phần cuối này, dẫu không nhiều nhặn gì mấy, nhưng Richard Powers ít nhiều mang một niềm tin vào cuối cuốn sách. Đó có thể là những công trình dựng nên từ thân cây chết của Nick với sự cộng tác của những người mới, được ghi nhận từ những vệ tinh trên cao – một trong những cảm biến do Neelay làm giúp đo lường bất cứ thông tin nào mới từ môi trường; là sự buông bỏ của Mimi trước quá khứ sai lầm trong sự hy sinh của Adam, Douglas; là cặp vợ chồng già Ray – Dorothy trong những ngày cuối lần mò học cách nhận biết phân loại cây cối. Không đơn thuần Richard Powers để chính những hy vọng nhen nhóm dần tàn này vào cuối, vào phần những hạt giống; vì rõ ràng hạt giống là thứ bắt nguồn, chúng mang bộ gene, bay cao bay xa; nhằm đến một ngày nào đó, chính những cố gắng riêng lẻ nhỏ nhoi ấy, sẽ làm nhận thức một lần thức dậy, thay đổi và đúng đắn hơn.

*

Với Vòm rừng, Richard Powers đã viết nên một biên niên sử về cây cối trong mối quan hệ đầy biến động với xã hội loài người, với loài homo sapiens nhỏ nhoi nhưng tham vọng. Bằng sự tinh tế của văn chương kết hợp với lý trí rành mạch của những ngành khác, ông viết nên Vòm rừng bằng cả trái tim và lý trí mình. Như Thoreau dạo bước trong khu rừng của những ngày này, Richard Powers kết cấu tiểu thuyết trong bốn giai đoạn phát triển của cây, để từ đó cho thấy hy vọng vẫn còn, dẫu nhỏ nhoi nhưng nhen nhóm. Dẫu còn đó những khai thác tâm lý chưa sâu, sự kiểm soát nhân vật chưa quá chặt chẽ đôi khi dẫn đến trạng thái mỏi mệt của những chi tiết thừa thãi trong các tiểu thuyết đoạt giải Pulitzer (nhược điểm mà đa số người đọc từ chối theo dõi); Vòm rừng rõ ràng là cuốn sách mà mỗi chúng ta nên đọc một lần, dẫu là người yêu quý hay cảm thấy bình thường trước tự nhiên, bởi lẽ, từ một tỉ rưỡi năm trước, chúng ta và cây cối là một. Hùng vĩ, nhạy cảm và bao quát; Vòm rừng lồng lộng mà đầy ý nghĩa.

Hết.

Ảnh đầu bài: I Love Books

Chú thích:

  1. FSC (The Mark of Responsible Forestry): Nhãn chứng nhận và cung cấp thông tin nguồn gốc, chất liệu bao bì và sản phẩm, chứng minh sản phẩm đã đóng góp vào công cuộc bảo vệ rừng.

Đọc tất cả bài viết của bí


Những bài viết có cùng chủ đề môi trường & thiên nhiên




Phía sau trang sách

Những thương hiệu quốc dân ‘vang bóng một thời’

Theo VnExpress – Xà bông Cô Ba, máy may Sinco, nước ngọt Con Cọp, kem đánh răng Hynos và Dạ Lan từng là những cái tên dẫn đầu thị trường, nhưng dần sa sút khi công ty chủ quản bỏ thương hiệu hoặc bán vốn cho đối tác.

Published

on

Xà bông Cô Ba là nhãn hiệu do ông Trương Văn Bền thành lập năm 1932 ở khu vực chợ hóa chất Kim Biên (quận 5, TP HCM).

Trong cuốn Sài Gòn tạp pín lù, học giả Vương Hồng Sển nói rằng hình ảnh in trên bao bì viên xà bông là cô Ba Thiệu, con thầy Thông Chánh, quê gốc Trà Vinh. Bà là người đăng quang cuộc thi hoa hậu đầu tiên tổ chức năm 1865 ở Sài Gòn. Tuy nhiên, cũng có thông tin khác cho rằng người phụ nữ này là vợ ông Trương Văn Bền. Ảnh: Sách Made in Sài Gòn/Phương Nam Book

Xà bông Cô Ba được ưa chuộng khắp miền Nam lúc bấy giờ nhờ chất lượng tốt, giá thành phải chăng. Theo lời học giả Vương Hồng Sển, xà bông "bán chạy vo vo", sản xuất đến đâu hết đến đó. Thương hiệu này có giai đoạn đánh bật sự độc quyền của Hãng xà bông Marseille (Pháp).

Đất nước thống nhất, công ty của ông Trương Văn Bền hoạt động theo mô hình doanh nghiệp nhà nước với tên gọi Nhà máy công tư hợp doanh xà bông Việt Nam, sau đó đổi tên thành Công ty Sản xuất và Thương mại Phương Đông. Sản phẩm xà bông Cô Ba dần vắng bóng khỏi thị trường. Ảnh: Sách Made in Sài Gòn/Phương Nam Book

Cuối năm 2017, Công ty Bất động sản An Dương Thảo Điền mua 48,68% cổ phần Công ty Phương Đông. Lãnh đạo công ty nói rằng Xà bông Cô Ba vẫn có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng nên sẽ khôi phục dây chuyền sản xuất với sản lượng ước tính vài chục tấn mỗi năm, chủ yếu để bảo tồn thương hiệu gần trăm tuổi.

Chia sẻ với VnExpress, lãnh đạo An Dương Thảo Điền từng nói: "Tham gia ngành hàng tiêu dùng nhanh là cuộc chơi đòi hỏi vốn lớn và nhiều rủi ro, trong khi đây không phải thế mạnh của chúng tôi nên phương án được ưu tiên là hợp tác với các nhà sản xuất, phân phối có kinh nghiệm. Chúng tôi sẽ đóng góp công thức, bản quyền thương hiệu... để thành lập một liên doanh khôi phục Xà bông Cô Ba".

Trong ảnh là tòa nhà từng là trụ sở của xà bông Cô Ba nằm ở số 20 đường Kim Biên, bên hông chợ Kim Biên.

Nước ngọt Con Cọp có mặt ở hầu hết hàng quán ăn uống trước năm 1975 do tập trung vào phân khúc tiêu dùng bình dân, trong khi Coca-Cola thời đó ở phân khúc cao hơn. Đây là sản phẩm của Usine Belgique, nhà máy sản xuất nước giải khát lớn nhất miền Nam, thuộc tập đoàn BGI (Pháp). Nhà máy này cũng là nơi ra đời của bia Lade trái thơm và bia 33 Export.

Tờ áp phích có dòng chữ "nước ngọt Con Cọp mỗi chai, là nguồn vui mạnh kéo dài tuổi xuân" quen thuộc với người tiêu dùng. Ảnh tư liệu

Hai năm sau ngày đất nước thống nhất, Tập đoàn BGI chuyển quyền sở hữu và bàn giao toàn bộ nhà máy cho nhà nước với tên gọi Nhà máy nước ngọt Chương Dương. Nhãn hiệu Con Cọp biến mất từ đó, thay bằng các dòng sản phẩm xá xị mang thương hiệu Chương Dương. Ảnh lật sau là vị trí Công ty nước ngọt BIG nay là trụ sở công ty nước giải khát Chương Dương, 606 Võ Văn Kiệt.

Máy may Sinco ban đầu được nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật Bản, sau đó có nhà máy lắp ráp và đặt trụ sở chính trên đường Trần Hưng Đạo (quận 1 ngày nay). Nơi đây từng là biểu tượng quen thuộc của người dân Sài Gòn với biểu tượng máy may bàn đạp trên nóc tòa nhà. Hiện nay, tòa nhà đang được sử dụng làm cơ sở cho một phòng khám. Ảnh: Lynn Roylance

Trước ngày đất nước thống nhất, Sinco có đại lý phân phối khắp nội thành Sài Gòn và các tỉnh. Trong các tờ rơi quảng cáo, thương hiệu này giới thiệu ưu điểm chính là "may khéo, thêu đẹp, sửa chữa miễn phí" và cam kết bảo hành 20 năm. Sinco nổi tiếng với độ bền cao, thao tác đơn giản nên được nhiều gia đình và xưởng dạy nghề may ưa dùng.

Sau giải phóng, Sinco được quốc hữu hóa và trở thành Xí nghiệp liên hiệp Máy may Sinco. Doanh nghiệp này được cổ phần hóa những năm đầu 2000 và chuyển hướng sản xuất máy móc phục vụ công nghiệp và nông nghiệp như dây chuyền giết mổ gia cầm, chế biến lúa gạo, tiêu… Trụ sở công ty cũng được dời về huyện Bến Lức, Long An. Ảnh tư liệu

Hynos là hãng kem đánh răng do một người Mỹ gốc Do Thái thành lập và chuyển giao cho ông Huỳnh Đạo Nghĩa sau khi về nước.

Ông chủ mới nhanh chóng cải tiến mẫu mã và đưa Hynos tới gần người tiêu dùng bằng phương thức tiếp thị độc lạ thời đó: phát nhạc quảng cáo ra rả trên loa phóng thanh gần các cửa hàng bách hóa và đặt biển quảng cáo ở những vị trí đắc địa của Sài Gòn.

"Nụ cười anh Bảy Chà" và đoạn quảng cáo "trồng lúa mới có gạo mà ăn, thế mà có người đã phải trồng răng mới có răng mà ăn" làm nên thời kỳ hoàng kim của Hynos vào những năm cuối thập niên 60. Ảnh: Sách Made in Sài Gòn/Phương Nam Book

Không chỉ nổi tiếng trong nước, Hynos còn được bán sang các nước trong khu vực Đông Nam Á và Hong Kong, trở thành một trong những biểu tượng thương mại đương thời.

Thực hiện chính sách quốc hữu hóa sau ngày giải phóng, Hynos được nhà nước tiếp quản và sáp nhập với một công ty cùng lĩnh vực thành Xí nghiệp Kem đánh răng Phong Lan, sau đó đổi tên thành Công ty Hóa phẩm P/S. Công ty có giai đoạn chiếm tới 60% thị phần kem đánh răng ở miền Nam. Ảnh: Bill Mullin

Giữa năm 1997, Tập đoàn Unilever đề nghị lập liên doanh trên tinh thần "win-win" với tổng vốn đầu tư hơn 17 triệu USD.

Trong thời gian hợp tác, Hóa phẩm P/S chỉ đảm nhận việc gia công vỏ hộp bằng nhôm mà không được sản xuất kem đánh răng như trước. Sáu năm sau ngày bắt tay, công ty bị đánh bật khỏi liên doanh kèm cam kết về sau không được sử dụng thương hiệu nổi tiếng bậc nhất lúc bấy giờ trên bất kỳ sản phẩm nào.

Đầu năm 2007, những lãnh đạo cũ thành lập Công ty cổ phần P/S để gầy dựng lại hoạt động kinh doanh. Công ty ban đầu gia công vỏ nhôm cho các doanh nghiệp dược phẩm, sau đó sản xuất kem đánh răng mang dòng chữ Hynos cùng hình ảnh quen thuộc "nụ cười anh Bảy Chà". Hàng hóa được tiêu thụ trong các khách sạn, resort và cũng xuất hiện rải rác trên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Tommy Japan/Flickr

Tương tự Hynos, kem đánh răng Dạ Lan cũng có một thời lừng lẫy đầu thập niên 90 khi chiếm tới 90% thị phần từ Đà Nẵng trở ra phía Bắc. Thương hiệu này từng có lợi nhuận vài lượng vàng mỗi ngày.

Ông Trịnh Thành Nhơn, người sáng lập Dạ Lan, tự nhận thương hiệu của mình thời đó "là con gái đang độ tuổi xuân sắc" nên được nhiều doanh nghiệp nước ngoài như Colgate, Unilever, P&G đặt vấn đề hợp tác.

Năm 1995, Dạ Lan ký hợp đồng liên doanh với Colgate - thương vụ mà ông Nhơn gọi là "sai lầm lớn nhất cuộc đời". Thương hiệu khi đó được định giá 3,2 triệu USD và ông nắm 30%, đồng thời giữ chức phó tổng giám đốc trong công ty liên doanh.

Chưa đầy một năm hợp tác, Colgate bảo Dạ Lan càng kinh doanh càng lỗ nên cần nhường chỗ cho sản phẩm mang nhãn hiệu của họ. Colgate sau đó thông báo đã dùng hết vốn góp và vay ngân hàng. Khi ông Nhơn đồng ý góp thêm 10 triệu USD với điều kiện được làm tổng giám đốc, có toàn quyền điều hành, đối tác bác bỏ và khơi mào việc phá sản. Ảnh: Ông Trịnh Thành Nhơn cung cấp

Sau vài lần đàm phán căng thẳng, Colgate mua lại cổ phần của ông Nhơn với giá 5 triệu USD kèm điều kiện ông không được tham gia ngành hàng này trong 5 năm tiếp theo.

Ông Nhơn nỗ lực vực dậy thương hiệu Dạ Lan từ khoảng 2016, nhưng tự thừa nhận khoảng cách với những đơn vị dẫn đầu như P/S hay Colgate còn rất xa.

Ông cho biết mỗi ngày đều cố gắng phát triển lại Dạ Lan để bàn giao cho thế hệ sau này. "Tôi không can tâm nhìn con cái tiếp quản một công ty thua lỗ triền miên do mình gây nên. Khi tiền bạc bây giờ không phải là ưu tiên hàng đầu, tôi có một điều bất di bất dịch là không được để mất thương hiệu Dạ Lan bằng bất cứ giá nào", ông nói. Ảnh: Anh Nguyên

Phương Đông - Quỳnh Trần (Theo VnExpress)

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Thế giới nội tâm u uẩn của những người phụ nữ dưới ngòi bút Dazai Osamu

Published

on

Thường người ta vẫn nghĩ rằng có phụ nữ mới hiểu nhau. Ít khi nào mà một người đàn ông có thể hiểu rõ chân tơ kẽ tóc người phụ nữ, đặc biệt là những rung động thầm kín tế vi hay những khát khao mãnh liệt. Trong chừng mực nào đó, một Don Juan hay Casanova có thể trở thành bậc thầy trong việc am hiểu tâm lý người phụ nữ để chinh phục, ghi dấu tình trường. Nhưng đặt mình vào thế đứng, vị trí của những người phụ nữ để cùng họ đồng cảm, đấu tranh vượt lên trên số phận đến mức viết được những tác phẩm kinh điển thì những văn hào đó chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ta có thể kể đến Nguyễn Du khi sáng tác “Đoạn trường tân thanh” (Truyện Kiều), Tào Tuyết Cần viết “Hồng lâu mộng”, Gustave Flaubert viết “Bà Bovary”, Tolstoy viết “Anna Karenina” và Dazai Osamu khi viết “Tà dương” hay “Nữ sinh”.

Dazai Osamu (1909-1948) là một nhà văn nổi tiếng của văn học Nhật Bản hiện đại. Kiệt tác “Thất lạc cõi người” của ông đã trở thành tác phẩm bán chạy nhất trong lịch sử văn học Nhật Bản với hơn mười triệu bản in. Tuy cuộc đời 39 năm ngắn ngủi của Dazai trải qua nhiều nỗi bi kịch với năm lần tự sát, nghiện thuốc giảm đau, ly dị vợ…nhưng tác phẩm của ông luôn chan chứa cái nhìn ấm áp trân trọng về những người phụ nữ. Những tác phẩm xuất sắc của Dazai như “Thất lạc cõi người”, “Tà dương”, “Người vợ Villon” mà chúng tôi dịch là “Vợ gã hoang đàng” đều được dựng thành phim. Trong đó “Nhân gian thất cách” (Thất lạc cõi người) đã được nhiều lần chuyển thể điện ảnh. Vì đây là tiểu thuyết tự thuật về cuộc đời Dazai nên thường cuộc đời Dazai được lồng ghép vào trong phim. Mới đây nhất bộ phim “Nhân gian thất cách và 3 người đàn bà trong cuộc đời Dazai” (人間失格 太宰治と3人の女たち) do nam diễn viên Oguri Shun đóng vai chính mới được công chiếu vào tháng 9 năm 2019 đã gây một làn sóng đồng cảm với Dazai trên toàn cõi Á Châu.

Như chúng tôi đã nhận định trong bài “Mưa trên thánh giá” (Lời tựa cho “Nữ sinh” lần tái bản thứ sáu, Nxb Hội nhà văn và Công ty Sách Phương Nam, trang 9):

“Con chim trước khi bay vào khu rừng sâu âm u hoang phế trong ánh chiều tà sắp tắt còn để lại một tiếng kêu thương ngân dài. Dazai đúng là như vậy. Từ mảnh tàn dư của văn chương vô mệnh (“Độc tiểu thanh ký” của Nguyễn Du “chi phấn hữu thần liên tử hậu, văn chương vô mệnh lụy phần dư”), cả một thế giới nội tâm u uẩn hiện ra không riêng gì Dazai mà của cả tinh thần Nhật Bản. Những người phụ nữ trong tác phẩm của ông từ thiếu nữ mười bốn tuổi nhẫn nhục cam chịu rồi phản kháng đến những người phụ nữ trung niên vẫy vùng giữa buổi tà dương đều không thoát ly khỏi dòng lịch sử với những buộc ràng thân phận gần như đến mức phi nhân. Với chính bản thân Dazai nữa, công cuộc sinh tồn đã là một trường đấu tranh mà để sống còn được đã là một chiến công hiển hách. Nhưng niềm trân trọng cùng sự xót xa thương cảm của Dazai đưa vào văn chương đã làm cho những dáng hình bé nhỏ kia và chính mình trở nên bất tử. Đó cũng chính là ân sủng của đau thương dành cho một đời văn ngắn ngủi. Nỗ lực âm thầm và đầy đau đớn của Dazai đã làm chúng ta nhận ra cả tiếng dế hắt hiu vọng lên từ xương cốt, những tiếng thét gào nhẫn nhục trong đêm câm, những giọt rượu mềm môi chát đắng và những giọt lệ nhỏ trên máu xương đều là lời ru ngọt của đoạn trường”.

Ngoài tiểu viết tiểu thuyết tự thuật (tư tiểu thuyết – 私小説) miêu tả trải nghiệm cá nhân, Dazai còn nổi tiếng về những tác phẩm xuất sắc miêu tả tâm lý và khắc họa tâm tình thời đại của người phụ nữ, từ một cô bé nữ sinh đến một người vợ đảm của nhà thơ nghèo. Tất nhiên không có một tác phẩm hư cấu nào gây đồng cảm và kinh ngạc cho độc giả mà không dựa vào trải nghiệm có thật. Như tác phẩm “Nữ sinh” được sáng tác dựa trên nhật ký của một độc giả nữ tên là Ariake Shizu (lúc bấy giờ 19 tuổi) gửi cho Dazai vào tháng 9 năm 1938, Dazai đã viết lại thành một truyện vừa nói về biến chuyển nội tâm của một nữ sinh 14 tuổi gói gọn trong vòng một ngày từ lúc thức dậy đến khi đi ngủ. Tâm lý bi quan trầm uất của một thiếu nữ tuổi dậy thì được ngòi bút xuất sắc của Dazai khắc họa bằng một văn phong vô cùng tinh tế. Ngay cả văn hào Kawabata Yasunari (người được giải thưởng Nobel văn chương đầu tiên của Nhật Bản với các kiệt tác “Xứ tuyết”, “Ngàn cánh hạc”, “Cố đô”…) cũng không tiếc lời khen ngợi. Và chính nhật ký của Ariake cũng đã trở thành một tư liệu văn học quý và được trưng bày tại bảo tàng văn học cận đại Aomori vào tháng 2 năm 2000. Cô bé nữ sinh trong tác phẩm vẫn mơ ước sống một cuộc đời đẹp đẽ mặc dù bắt đầu dần dần nhận thấy cuộc đời có nhiều cảnh trái ngang. “Cái lối giáo dục đạo đức ở trường lớp với những luật lệ của cuộc đời này vốn khác nhau quá xa, mà tôi biết rằng dần dần sự khác biệt này còn trở nên rộng lớn hơn nữa. Nếu như tuyệt đối tuân thủ theo những bài học đạo đức ở trường người đó sẽ bị xem là kẻ ngu ngốc lập dị, không thể thành đạt và trở nên bần cùng…Tôi muốn cái thứ đạo đức này nhanh chóng thay đổi. Nếu được vậy thì tôi sẽ không còn phải đê tiện và sống nhỏ giọt từ ngày này qua tháng khác không phải vì mình mà để chiều lòng người”…Đến tận bây giờ câu nói này vẫn gợi cho chúng ta suy ngẫm nhiều điều về giáo dục, nơi cách biệt giữa giáo điều và thực tiễn ngày càng sâu xa hơn.

Tà dương” được bình chọn là tác phẩm hay nhất của văn học Nhật Bản viết về thời hậu chiến nói về một gia đình quý tộc sa sút và sự can đảm đấu tranh để sống còn. Người mẹ quý tộc chết đi như chấm dứt tất cả sự đẹp đẽ của thời vàng son dĩ vãng. Chỉ còn lại Naoji ngập ngụa trong sự tự hủy lưu đày để cố gắng xóa nhòa đi cốt cách quý tộc nơi mình nhưng cuối cùng cũng phải tự sát vì “cuối cùng em vẫn là quý tộc”. Chỉ riêng Kazuko khi thức tỉnh rằng “con người được sinh ra vì tình yêu và cách mạng” mới quyết tâm sinh con với nhà văn Uehara, can đảm sống tiếp dù chỉ là một “nạn nhân” trong thời đại mới. Trong bức thư cuối cùng gửi Uehara, Kazuko đã viết: “Cuối cùng em đã hiểu tại sao có hòa bình, chiến tranh, các nghiệp đoàn, thương mại, chính trị trong cuộc đời này. Chắc là ông không biết đâu, phải không? Vì thế mà ông cứ bất hạnh mãi. Để em nói cho ông biết nhé. Đó là vì phụ nữ đẻ ra những đứa con ngoan”.

(Tất cả những trích dẫn được lấy từ tác phẩm “Tà dương” và “Nữ sinh” của Dazai Osamu, Hoàng Long dịch, nxb Phương Nam tái bản năm 2023 và 2024.)

Những đứa con ngoan đó chăm chỉ học hành trở thành những người con ưu tú của gia đình và dân tộc. Chính người con ngoan đó mới trở thành chính trị gia, nhà kinh doanh lỗi lạc và rồi từ đó chiến tranh, các cuộc chiến thương mại châm ngòi cho máu xương và hoang tàn đổ nát trên mặt đất này. Từ đó mặt đất chỉ còn đầy “nạn nhân”. Những người như Uehara tuy phóng đãng mà vô hại. Một đứa con ngoan nào đó có thể trở thành tội đồ cho cả nhân gian. Biết làm sao mà nói. Cuối cùng như nữ nhà văn Kakuta Mitsuyo trong bài cảm nhận về tác phẩm “Tà dương” đã phải thở than “đúng là cuộc đời này không có đạo lý nào cả”. Câu nói của Kazuko thật táng đởm kinh hồn, đủ khiến cho bao nhiêu tư tưởng gia phải ôm đầu xiểng liểng. Cái niềm kiêu hãnh ngất trời đó thật đúng là một bài ca nữ quyền chói lọi.

Bộ phim “Tà dương” với nữ diễn viên Miyamoto Mayu đóng vai Kazuko

Độc giả lúc mới đọc tác phẩm của Dazai thường cảm thấy sự suy sụp tự hủy và nhu nhược ủy mị. Có lẽ vì cái bóng quá lớn của đời tư được phản ánh trong “Thất lạc cõi người” đã khiến chúng ta trở nên thiên kiến. Nhưng khi đã đủ trải nghiệm cuộc đời để bình tâm đọc lại chúng ta sẽ nhận ra được hai điều cốt tủy.

Thứ nhất là tuy cuộc đời đầy đau thương và nhiều lần tìm đến cái chết nhưng tác phẩm của Dazai luôn mạnh mẽ đến mức ngạc nhiên. Như nhà văn Kakuta Mitsuyo đã nhận ra lúc mới đọc thì thấy có vẻ ủy mị yếu đuối nhưng khi đã từng trải đọc lại đều thấy tê người. Như câu kết truyện “Vợ gã hoang đàng”: “Nửa người nửa ngợm cũng không sao. Miễn mình còn sống là được rồi anh ạ”*. Câu nói này phải chăng hàm nghĩa dù bị đày đọa đau thương, dù nhân gian chối bỏ thì cuối cùng sự sống còn luôn là một chiến công hiển hách, đầy kiêu hãnh phẩm giá mà những con người yếu đuối tuyệt đối không thể hình dung.

(*Nguyên văn “人非人でもいいじゃないの。私たちは、生きていさえすればいいのよ”. Từ “nhân phi nhân” (人非人) nghĩa là tuy mang hình dáng con người nhưng đi chệch khỏi con đường làm người, nửa người nửa ngợm, không có phẩm giá con người)

Phim “Vợ gã hoang đàng” với nữ diễn viên Takako Matsu đóng vai chính

Như câu thơ của Ibaraki Noriko, một nhà thơ nữ Nhật Bản:

Cho dù vấp ngã bao lần

Tôi cũng phải tiếp tục sống

Dù không biết vì sao

Nhưng sống mới có thể bênh vực loài đang sống

この失敗にもかかわらず
私もまた生きてゆかねばならない
なぜかは知らず
生きている以上 生きものの味方をして

Thứ hai là tác phẩm của Dazai luôn khắc họa vẻ đẹp tâm hồn những người phụ nữ Nhật Bản với lòng trân trọng cảm thông. Điều lạ lùng là tất cả những nhân vật nhà thơ, họa sĩ, nhà văn trong tác phẩm Dazai vốn là những kẻ được trời ban cho khả năng thiên phú tìm kiếm cái đẹp và sống vì nó thì lại hết sức tầm thường dung tục, ham luyến hư danh còn những người phụ nữ của họ thì lại vô cùng đẹp đẽ dù trong hoàn cảnh giản dị hay cao sang. Trong “Tà dương” Naoji đã nhìn thấy nét đẹp dịu dàng đời thường của vị phu nhân họa sĩ “Bầu trời chiều mùa đông Tokyo xanh ngắt, nàng ôm con gái ngồi bên cửa sổ như chẳng để làm gì. Cái gương mặt nghiêng nghiêng đoan chính với những đường nét thanh tú nổi bật lên nền trời, đẹp như một bức tranh chân dung thời Phục Hưng”. Ngoài ra cung cách hành xử của người vợ của nhà thơ Otani trong truyện “Vợ gã hoang đàng” lúc nghe tin chủ quán rượu đến đòi nợ, khi đút khoai cho con ăn nơi chiếc ghế đá sứt mẻ bên bờ ao công viên Inokashira cho đến khi trả hết nợ và chờ chồng mình trở về hay phu nhân của nhà văn trong tác phẩm “Một ngày trọng đại”, vợ của ký giả trong truyện “Người vợ”…đều được khắc họa cao quý vô song. Đặc biệt là người vợ họa sĩ trong tác phẩm “Tiếng dế nỉ non” đã không chịu nổi sự thay đổi biến chất vì hư vinh của chồng mình đã quyết tâm chia tay “Vì em cảm thấy rằng tự sát chính là thứ tội lỗi ghê gớm nhất cho nên em nghĩ sau khi chia tay anh mình sẽ cố gắng sống thử cách sống mà mình cho là đúng đắn một thời gian xem sao. Anh làm cho em hãi sợ. Có lẽ trên thế gian này, cách sống của anh là đúng đắn đấy. Tuy nhiên em không thể nào tiếp tục sống như vậy được nữa”.

Tại sao những người phụ nữ trong tác phẩm của Dazai lại đẹp đến thế? Có lẽ vì trong sâu thẳm tim mình họ luôn có một thứ ánh sáng dù hiu hắt chiếu soi, trong tâm tư mình có một tiếng lòng đẹp đẽ không bao giờ tắt đi bất chấp hoàn cảnh, thời đại. Như câu kết của tác phẩm “Tiếng dế nỉ non”:

Khi em tắt đèn nằm ngửa nhìn lên trần nhà thì nghe dưới lưng em có tiếng dế kêu rền rĩ. Tiếng dế kêu ở dưới hành lang bên ngoài nhưng nghe vang vọng ngay từ dưới lưng em khiến em cảm thấy tiếng dế như nỉ non từ trong xương sống của em vậy. Em định sẽ sống cả đời với tiếng kêu hiu hắt nhỏ bé kia cất giữ mãi trong xương cốt. Có lẽ trên thế gian này, anh đã làm đúng còn em mới là người sai chăng? Thế nhưng em lại không biết mình sai ở đâu, sai như thế nào và tại sao mình sai nữa”.

Có lẽ cuộc đời này không có đúng sai. Chỉ có những gã đàn ông dung tục, những đứa con ngoan và những người phụ nữ đẹp đẽ đang cùng nhau tranh đấu và sống theo kiểu của riêng mình thôi chăng? Không có một đáp án chung cho tất cả mọi người. Như thế chúng ta phải dùng chính đôi mắt của mình để phân biệt giá trị xem điều gì là phù hợp hay không phù hợp. Từ đó mà tiếp tục hiên ngang sống. Sự mạnh mẽ quyết đoán đó ngạc nhiên thay lại toát ra từ những con người nhỏ bé, yếu đuối, “dù biết thua cuộc nhưng vẫn không ngừng đấu tranh”.

Đó có lẽ là điều Dazai Osamu muốn gửi gắm qua tác phẩm.

Và độc giả chúng ta cũng cần đọc kỹ để tìm ra những câu văn ngời sáng chứa đựng tiếng lòng đẹp đẽ của những người phụ nữ nói riêng và thân phận con người nói chung để khích lệ chính mình bước tiếp. Ý chí sống truyền đời đó sẽ không bao giờ tắt nghỉ và chỉ duy nhất văn chương mới có thể gọi tên. Ngay cả trong thời đại công nghệ thay đổi chóng mặt, thách thức và cải hoán các giá trị cũ hôm nay, khi con thuyền cuộc đời chới với biển sâu thì chúng ta vẫn luôn có thể tìm thấy ánh sáng niềm tin nơi ngọn hải đăng từ những tác phẩm văn học chân chính.

Sài Gòn, ngày 6/3/2025

Hoàng Long

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Có một thời ở Chợ Lớn: Những gam màu ký ức

Published

on

Có một thời ở Chợ Lớn là một trong hai tác phẩm mới nhất của nhà báo Phạm Công Luận do Phương Nam Book liên kết xuất bản dịp năm mới Ất Tỵ 2025. Chỉ một thời gian ngắn sau khi phát hành, sách sớm nhận được tình cảm của độc giả và lọt vào top sách bán chạy trong tuần tại Nhà Sách Phương Nam. Bên cạnh bản thân tác giả Phạm Công Luận, góp phần vào sự thành công của Có một thời ở Chợ Lớn không thể không kể đến họa sĩ Phạm Công Tâm với nhiều hình ảnh minh họa đẹp và đầy tinh tế, cũng như đội ngũ Phương Nam Book đã biên tập, thiết kế nhằm đưa tác phẩm đến tay độc giả theo cách chỉn chu nhất.

Chịu trách nhiệm thiết kế bìa và trình bày sách Có một thời ở Chợ Lớn là họa sĩ t.hờ. Trong bài phỏng vấn hôm nay, Bookish sẽ cùng anh t.hờ chia sẻ với bạn đọc về quá trình "lên đồ" cho Có một thời ở Chợ Lớn cũng như những câu chuyện bên lề thú vị trong quá trình sản xuất cuốn sách này.

  • Bookish: Anh có thể chia sẻ điều gì đã dẫn đến quyết định lựa chọn hình ảnh chùa Ôn Lăng và chợ Bình Tây làm ảnh bìa sách ở 2 phiên bản bìa mềm và bìa cứng?

Họa sĩ t.hờ: Nhắc đến Chợ Lớn, chắc hẳn 9 trên 10 người trong chúng ta sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh của chùa bà Ôn Lăng và chợ Bình Tây – hai công trình kiến trúc đặc trưng nhất của mảnh đất Chợ Lớn Sài Thành.

Đối với chùa bà Ôn Lăng, đây có thể coi là công trình mang đậm nét đặc trưng của kiến trúc Trung Hoa nhất giữa lòng Sài Gòn. Không chỉ là nơi chiêm bái của người dân địa phương và du khách gần xa, chùa bà Ôn Lăng còn là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa và tôn giáo như lễ hội Đoan Ngọ, lễ hội Trung Thu, lễ hội Thanh Minh, lễ hội Tết Nguyên Đán,… Chùa bà Ôn Lăng là một trong những ngôi chùa có ý nghĩa lịch sử và văn hóa quan trọng của Thành phố Hồ Chí Minh nói chung và mảnh đất Chợ Lớn nói riêng.

Còn về chợ Bình Tây, đây không chỉ là một ngôi chợ sở hữu lối kiến trúc độc đáo mang đậm dấu ấn văn hoá Á Đông của người châu Á ở đất Sài Thành, mà còn là nơi được biết tới là nơi trao đổi đồ cổ và buôn bán sỉ lớn nhất của người dân gốc Hoa ở Chợ Lớn. Dù hiện tại chợ Bình Tây đã có nhiều sự thay đổi về cơ sở hạ tầng nhưng những giá trị tinh thần, lịch sử và văn hoá vẫn còn được lưu giữ cho đến ngày nay.

Chính vì lẽ đó, chùa bà Ông Lăng và chợ Bình Tây đã được mình chọn lựa để đưa lên 2 phiên bản bìa của Có một thời ở Chợ Lớn.

  • 2 ấn bản bìa mềm và bìa cứng có sự khác biệt gì về hình ảnh minh họa trong sách không?

Để đảm bảo sự chính xác về thông tin của các bài viết thì phần hình ảnh và nội dung bên trong của 2 phiên bản không có gì thay đổi.

  • Liệu có ẩn ý nào phía sau việc sử dụng 2 tông màu nóng - lạnh cho 2 phiên bản bìa sách?

Nhắc đến Chợ Lớn, người ta sẽ nghĩ ngay đến những tone màu rực rỡ như chính sắc màu chủ đạo trong cuộc sống của người dân nơi này – màu đỏ rực của những chiếc đèn lồng gốc Hoa, màu đỏ thẫm của những lớp mái ngói vươn màu thời gian hay màu đỏ tươi của những chú lân trong các lễ hội,… Bên cạnh đó, ta không thể không nhắc tới sắc vàng của những bức tường vững chải chạy dọc các con phố, của những món đồ trang trí bóng bẩy mỗi dịp Tết đến xuân về.

Thế nhưng, không vì thế mà Chợ Lớn vắng đi những phút giây lắng đọng. Dạo quanh Chợ Lớn, người ta vẫn có thể dễ dàng bắt gặp những tòa chung cư lâu đời trên đại lộ Trần Hưng Đạo hay từ chính trong nét kiến trúc phương Đông được tạo nên từ kỹ thuật xây dựng của Tây phương trong lối kiến trúc độc đáo của ngôi chợ Bình Tây xuất hiện trên bản bìa mềm.

  • Có câu chuyện ngoài lề nào thú vị trong quá trình thiết kế cho cuốn sách này mà anh ấn tượng không?

Mình cho rằng đó là một “bài học” thú vị nhiều hơn.

Như các bạn cũng biết, trước khi “Có một thời ở Chợ Lớn” ra đời, tác giả Phạm Công Luận đã từng cho ra mắt một quyển sách cùng chủ đề đó là “Hồi ức Phú Nhuận”. Do cả 2 quyển một chủ đề nên với vai trò là người thiết kế bìa cho cả hai, mình mong muốn tạo được nét tương đồng trên bìa khi 2 quyển sách được đặt cạnh nhau để nhấn mạnh “tính chất văn hóa” của 2 quyển sách này. Chính vì vậy, mình đã chủ đích đem cái gần gũi, thân thương nhưng cũng mang trong mình những lắt cắt lịch sử mà mình từng thể hiện trong bìa của”Hồi ức Phú Nhuận” mang vào quyển “Có một thời ở Chợ Lớn” lần này.

Nhưng rồi mình nhận ra, mỗi vùng đất sẽ mang trong mình một vẻ đẹp riêng. Nếu như Phú Nhuận là mảnh đất của những ký ức tuổi thơ thân thương, của những giai kỳ hào nhoáng của một Sài Thành hoa lệ, thì Chợ Lớn sẽ là những đất của những khu mua sắm xa hoa, của những quán ăn nức tiếng, và của sự hào sảng, phóng khoáng của người dân Chợ Lớn Sài Gòn.

Vậy nên, mình cho rằng đó là bài học mình của bản thân mình: Để nhấn mạnh, nếu không thể tương-đồng thì chúng ta có thể chọn tương-phản.

Bookish xin cảm ơn họa sĩ t.hờ vì đã dành thời gian chia sẻ. Chúc anh nhiều sức khỏe và đạt được thành công trong năm mới Ất Tỵ 2025.

Đọc bài viết

Cafe sáng