Book trailer

V. – Khi người đọc lạc trong Hoang tưởng và Hoài nghi

“Một cuốn sách rực rỡ và hỗn loạn”, “tiểu thuyết độc đáo số một xuất bản năm 1963”, “không một độc giả nào hay một tiểu thuyết nào của Mỹ lại không bị biến đổi hay bị thách thức bởi tác phẩm đáng kinh ngạc này”… đó chỉ là một vài trong số rất nhiều lời thán phục dành cho V. – tác phẩm đầu tay của nhà văn Mỹ Thomas Pynchon.

Published

on

Ra đời khi nhà văn mới là chàng thanh niên 26 tuổi, V. – cuốn sách đồ sộ kiến thức và đa tầng biểu tượng của Pynchon cho đến lúc này vẫn được hàng triệu học giả và người đọc khắp thế giới nghiên cứu và giải nghĩa.

V. là tác phẩm giành giải thưởng William Faulkner Foundation Award cho tiểu thuyết ra mắt xuất sắc nhất và được đề cử cho Giải thưởng sách Mỹ National Book Award năm 1964. V. kể về Benny Profane, một thanh niên hậu đậu, nay đây mai đó, vừa xuất ngũ Hải quân Mỹ đang trong quá trình tái hòa nhập đời sống New York cùng một hội nghệ sĩ lông bông mất gốc; và Herbert Stencil, một nhà phiêu lưu hoang tưởng truy tìm nhân vật bí ẩn tên “V.” được nhắc tới trong nhật ký của người cha. Hai cốt truyện xoay quanh hai tình trạng đối lập tột cùng: tình trạng hỗn loạn ngẫu nhiên của hiện tại (Profane) và tình trạng trật tự hoang tưởng cưỡng ép của quá khứ (Stencil). Hai nhân vật lẫn chức năng của họ, tuy vậy, đều được Thomas Pynchon khắc hoạ một cách mỉa mai, tự trào, đầy tính châm biếm. Hai trạng thái đối lập này dần tịnh tiến về phía nhau và giao thoa tại cuối truyện, khi Stencil và Profane hội ngộ, rồi khởi sự hành trình cuối cùng tìm kiếm V.

Thomas Ruggles Pynchon Jr. là một trong những tiểu thuyết gia quan trọng nhất của Mỹ kể từ Chiến tranh thế giới thứ II. Tuy là một sinh viên ngành kỹ thuật xuất sắc tại trường đại học, năm thứ hai ông đã nghỉ học để gia nhập Hải quân Mỹ trong hai năm, một khoảng thời gian đã để lại dấu ấn sâu đậm cho các câu chuyện của ông sau này.

Năm 1957, ông quay lại học tại Đại học Cornell, có lẽ đây chính là thời điểm ông được tiếp nhận ảnh hưởng của Vladimir Nabokov. Có một điều chắc chắn là, những tưởng tượng có tính cách tân của ông, sử dụng các chủ đề về việc diễn giải những mấu chốt, những trò chơi, và mật mã có thể xuất phát từ Nabokov, còn giọng văn linh hoạt của Pynchon có thể được phát triển từ chứng hoang tưởng trong thi ca. 

Về đời tư, Thomas Pynchon là một người sống ẩn dật, tránh mọi tiếp xúc với công chúng lẫn giới truyền thông. Suốt bốn thập kỷ ông tránh né gần như mọi cuộc phỏng vấn, ảnh chụp ông chưa từng được phép in trên bìa sách, và chữ ký của ông có thể đáng giá tới hàng chục nghìn đô. Rất nhiều giả thuyết đã nổi lên về hành tung hay thậm chí nhân thân của ông. Có người nghĩ ông chính là nhà văn J. D. Salinger, có người đoán thực chất có một bút nhóm sáng tác dưới tên Thomas Pynchon, thậm chí có người còn cho ông chính là… tay sát nhân hàng loạt Unabomber (!).

Mọi thông tin cá nhân về ông dường như đã chấm dứt quanh năm 1963, tức là đúng khoảng thời gian ông sáng tác V. – tiểu thuyết đầu tay.

Điểm đặc trưng về kết cấu trong các tiểu thuyết của Thomas Pynchon là vô cùng nhập nhằng chồng chéo. Thông thường Pynchon để cốt truyện của mình tự trương nở thành hình xuyên suốt tiểu thuyết thay vì vạch ra một cốt truyện mạch lạc ngay từ đầu. Đường đi diễn tiến của câu chuyện dường như có sự sống riêng, chúng ẩn hay hiện, chúng tẽ nhánh hay tụ hội, chúng bị triệt tiêu hay được tô đậm lên hoàn toàn một cách tình cờ và ngẫu nhiên, buộc người đọc từ bỏ thói quen thông thường khi đọc sách là “cố gắng liên kết dữ kiện để hiểu, thay vào đó hãy thả lỏng cơ quan thần kinh, ngồi vào ghế sau và tận hưởng chuyến tàu lượn siêu tốc mà tác giả cầm lái” (lời khuyên từ Cẩm nang đọc sách của Thomas Pynchon).

Về mặt nội dung, các tiểu thuyết của Thomas Pynchon là hỗn độn những chỉ dấu kì bí, những hình ảnh biểu tượng, những văn bản đa nghĩa khó lý giải. Nhân vật chính trong tiểu thuyết của ông thường mắc chứng “hoang tưởng xã hội” – tức ý thức về “một mạng lưới âm mưu siêu phàm, mờ ám và rộng lớn, tiếp tay cho hành động của một nhân vật quái ác xấu xa nhất.” (định nghĩa của học giả Richard Hofstadter trong The Paranoid Style in American Politics). Có thể thấy thời kỳ đầu sáng tác, Thomas Pynchon tận dụng cốt truyện hoang tưởng này khá thường xuyên. Trong Gravity Rainbow (1973), nhân vật Tyrone Slothrop tin rằng tên lửa V-2 và toán điệp viên có ý định trực tiếp tấn công mình. Với The Crying of Lot 49 (1966), nhân vật Oedipa Mass bắt đầu nhìn thấy chỉ dấu của tổ chức bí mật Tristero khắp mọi nơi. Tương tự với V., Herbert Stencil cũng liên tưởng, xâu chuỗi bất kì bằng chứng nào dù ngẫu nhiên nhất về V. mà ông ta có thể tìm thấy để trả lời câu hỏi V. là ai… Đó là cách Thomas Pynchon xây dựng thế giới riêng trong các tiểu thuyết của ông và cũng là cách ông thâu nhận thế giới thực tế bên ngoài: một thế giới nhìn từ góc độ này thì ngập tràn ẩn ý và chỉ dấu đến những âm mưu mờ ám, nhưng từ góc độ khác cũng là một thế giới vô tri chẳng mang ý nghĩa to lớn nào; tại đó, con người ưa tìm kiếm một thứ logic hoang tưởng hơn là chấp nhận một trạng thái trống rỗng.

V. là ai? V. mang ý nghĩa gì? Đó là những câu hỏi sẽ không có hai độc giả nào trả lời giống nhau. Theo hành trình hoang tưởng của Herbert Stencil, đó có thể là người đẹp Victoria Wren sống ở Ai Cập thế kỷ 19; đó có thể là người phụ nữ đồng tính ấu dâm xuất hiện ở Paris năm 1919; đó có thể là Vera Meroving với con mắt hình đồng hồ xuất hiện ở Nam Phi năm 1922… Mỗi lần xuất hiện cô ta lại được gắn thêm một bộ phận giả, mỗi lần xuất hiện cô ta lại trở nên lạnh lùng hơn, nhiệt tình chính trị hơn, thiếu nữ tính hơn, trừu tượng hơn, vô danh hơn, nói tóm lại, trở thành V. Nhìn theo cơn hoang tưởng hủy diệt của thời đại khát khao bạo lực, V. có lẽ chính là biểu tượng cho sự suy đồi từ hữu tri xuống vô tri của con người: giống loài ngày càng hành động/bị đối xử như một thứ hình nhân vô hồn. Trong hóa thân cuối cùng, V. mang tên Linh Mục Xấu Xa là một người phụ nữ với tất cả các bộ phận trên cơ thể được thay thế bằng đồ vật. Hình ảnh một hình nhân giống hệt con người bị mắc kẹt tại khu vực bị trúng bom gợi ta nhớ đến những hình nộm mà Mỹ cho sản xuất để đánh giá mức độ công phá của bom nguyên tử vào thời kỳ Chiến Tranh Lạnh. Thông điệp này từng xuất hiện ở chương trước khi Thomas Pynchon cũng giới chiệu cho ta hai nhật vật người máy SHOCK và SHROUD trong phòng thí nghiệm mà Benny Profane làm việc, các hình nộm được chế tạo “giống hệt như con người” để sử dụng trong các bài kiểm tra chống chịu va đập và đo mức độ phóng xạ nguyên tử. Trong một cuộc trò chuyện hoang tưởng giữa Profane và SHROUD, tên người máy nói rằng: “Tôi và SHOCK chính là cậu và mọi người một ngày nào đó.” Con người có thể là gì trong đời này ngoài việc liên tiếp đóng vai những đối tượng thí nghiệm vô hồn cho bạo lực?

V. là một tác phẩm oai vệ, xuyên vượt những hang cùng ngõ hẻm bất khả thấu đối với người thường. Không có nhiều tác phẩm có khả năng ám ảnh tâm trí tỉnh thức hay mê mộng, nhưng đây là một tác phẩm như vậy (Báo Time).

Hết.

Tao Đàn

Click to comment

Viết bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Giới thiệu sách

Yêu trong tỉnh thức – món quà Valentine ý nghĩa cho chính mình

Ngày lễ tình nhân Valentine thường được gắn liền với những món quà lãng mạn, những lời tỏ tình ngọt ngào. Nhưng giữa bộn bề những xúc cảm ấy, bạn đã bao giờ tự hỏi, tình yêu đích thực là gì? Liệu bạn đã yêu đúng cách, yêu đúng người, và quan trọng hơn cả, đã yêu thương chính mình hay chưa?

Published

on

Valentine năm nay, hãy dành tặng bản thân bạn món quà tinh thần ý nghĩa nhất: học cách yêu thương chính mình và xây dựng một tình yêu tỉnh thức, bền vững. Tình yêu đích thực không phải là sự bồng bột, mù quáng, mà là một hành trình trưởng thành và thấu hiểu, bắt đầu từ việc nhận thức rõ giá trị của bản thân, lắng nghe tiếng nói bên trong và đặt ra những ranh giới lành mạnh.

Yêu trong tỉnh thức là yêu bằng cả trái tim và lý trí, là sự kết hợp hài hòa giữa cảm xúc và sự sáng suốt. Đó là khi ta đủ tỉnh táo để nhận ra giá trị của bản thân, đủ mạnh mẽ để đặt ra những ranh giới trong tình yêu, và đủ khôn ngoan để lựa chọn một người phù hợp, cùng nhau xây dựng một mối quan hệ lành mạnh, bền vững. Bookish xin giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bản chất của tình yêu, cách xây dựng một tình yêu tỉnh thức, lý trí, và quan trọng nhất, là học cách yêu thương chính mình trước khi mở lòng với người khác.

***

Hãy kể tôi nghe sự thật về tình yêu

Tình yêu là thứ mang lại ý nghĩa cho cuộc sống, nhưng các mối quan hệ cũng đặt ra cho chúng ta nhiều thử thách tình cảm lớn nhất trong đời. Hãy kể tôi nghe sự thật về tình yêu là những câu chuyện đời thường được kể từ chính phòng khám của Susanna Abse, nhà trị liệu tâm lý giàu kinh nghiệm với hơn 30 năm đồng hành cùng các cặp đôi.

Điểm độc đáo của tác phẩm nằm ở cấu trúc thú vị, sáng tạo. Mười ba chương sách, tựa như mười ba cánh cửa hé mở, dẫn dắt người đọc bước vào thế giới nội tâm đầy phức tạp của các cặp đôi. Không đi theo lối mòn với lý thuyết hàn lâm, Abse khéo léo lồng ghép những câu chuyện đời thường vào lăng kính của những câu chuyện cổ tích, thần thoại quen thuộc, tạo nên sự gần gũi, dễ hiểu nhưng cũng không kém phần sâu sắc. Mỗi câu chuyện như một nốt trầm, nốt bổng, vang lên đầy ám ảnh, khơi gợi nhiều suy ngẫm về bản chất của tình yêu, về cách ta vun vén và cả phá hoại chính hạnh phúc của mình.

Không chỉ dừng lại ở việc kể chuyện, Abse còn khéo léo lồng ghép lý thuyết tâm lý vào từng câu chữ, từng tình huống cụ thể, giúp người đọc, dù không am hiểu về tâm lý học, cũng dễ dàng tiếp cận những khái niệm như chuyển giao, kháng cự, hay phóng chiếu. Câu chuyện về cặp vợ chồng trẻ luôn bất đồng trong cách nuôi dạy con cái bỗng trở nên sáng rõ khi ta hiểu về những “kịch bản vô thức” từ chính gia đình gốc của họ. Hay nỗi sợ hãi cam kết, sự lặp lại những mô hình tan vỡ trong tình yêu của cô gái trẻ cũng được lý giải thấu đáo qua lăng kính của những tổn thương thời thơ ấu.

Hãy kể tôi nghe sự thật về tình yêu không né tránh những góc khuất, những góc tối trong tình yêu. Abse thẳng thắn phơi bày sự thật phũ phàng: tình yêu không phải lúc nào cũng màu hồng, không phải cứ cho đi là sẽ nhận lại, và đôi khi, chính sự kỳ vọng thái quá, sự ích kỷ, chiếm hữu mới là thứ giết chết tình yêu.

***

Tình yêu, hạnh phúc có tồn tại?

Trong tác phẩm Tình yêu, hạnh phúc có tồn tại?, nhà phân tâm học Guy Corneau đã đặt ra một câu hỏi đầy trăn trở về khả năng đạt được sự thân mật thực sự trong cuộc sống trưởng thành. Corneau cho rằng những rào cản ngăn trở chúng ta đến với hạnh phúc trong tình yêu thường bắt nguồn từ những tổn thương trong quá khứ, đặc biệt là từ mối quan hệ với cha mẹ. Ông sử dụng những câu chuyện cổ tích và thần thoại để minh họa cho những xung đột tâm lý, giúp người đọc hiểu rõ hơn về “phức cảm của người cha” ở phụ nữ và “phức cảm của người mẹ” ở nam giới.

Theo Corneau, chìa khóa để mở cửa hạnh phúc trong tình yêu chính là học cách yêu thương bản thân, đối diện và chữa lành những tổn thương trong quá khứ. Chỉ khi ta yêu thương và chấp nhận bản thân, ta mới có thể mở lòng và xây dựng một mối quan hệ lành mạnh với người khác. Tình yêu, hạnh phúc có tồn tại? không chỉ là một cuốn sách tâm lý, mà còn là một hành trình khám phá bản thân, giúp người đọc tìm thấy câu trả lời cho riêng mình về tình yêu và hạnh phúc.

***

Yêu lành – Chuyện tình yêu dưới góc nhìn Phật giáo

Tiến sĩ Charlotte Kasl, trong cuốn sách Yêu lành – Chuyện tình yêu dưới góc nhìn Phật giáo, đã kết hợp tinh hoa triết lý Phật giáo và tâm lý học phương Tây để mang đến một góc nhìn mới mẻ về tình yêu và các mối quan hệ. Cuốn sách hướng dẫn người đọc cách yêu thương bằng chánh niệm và tự nhận thức, tránh xa các áp lực xã hội và những lý tưởng hời hợt. Kasl nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu rõ bản thân, chữa lành những tổn thương trong quá khứ để có thể bước vào một mối quan hệ với sự toàn vẹn và chân thật nhất.

***

Nghệ thuật yêu – Truy vấn về bản chất tình yêu

Nghệ thuật yêu – Truy vấn về bản chất tình yêu của Erich Fromm là một tác phẩm kinh điển về tình yêu, đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ và được hàng triệu độc giả yêu thích. Fromm khẳng định rằng yêu là một nghệ thuật, đòi hỏi sự học hỏi, rèn luyện và tinh thông. Ông phân tích các hình thái của tình yêu, từ tình yêu đồng loại, tình mẫu tử đến tình yêu lãng mạn, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bản chất của tình yêu và cách để yêu thương thật trọn vẹn.

***

Yêu, cần phải học

Trong cuốn sách Yêu, cần phải học, chuyên gia Trần Hải Hiền – với hơn mười năm kinh nghiệm hàn gắn các mối quan hệ tình cảm – đã chia sẻ những bài học quý giá về tình yêu và hôn nhân, giúp các cặp đôi xây dựng một mối quan hệ lành mạnh và bền vững. Cuốn sách cung cấp những lời khuyên thực tế về cách giải quyết mâu thuẫn, cách giao tiếp hiệu quả và cách duy trì sự lãng mạn trong tình yêu.

***

Chữa lành trái tim – Dành cho bạn, người xứng đáng được yêu thương

Chữa lành trái tim – Dành cho bạn, người xứng đáng được yêu thương là một cuốn sách dành cho những ai đang mang trong mình những tổn thương về tình yêu. Với những bí kíp thực tế và lời khuyên chân thành, cuốn sách giúp bạn đọc nhận diện những mối quan hệ độc hại, học cách yêu thương bản thân và chữa lành những vết thương lòng, để sẵn sàng mở lòng cho một tình yêu mới.

Kodaki

Đọc bài viết

Giới thiệu sách

Phạm Công Luận và những trang văn ý nghĩa dịp đầu năm cho người yêu sách

Published

on

Những năm gần đây, hầu như vào mỗi dịp Tết, độc giả lại được thưởng thức các tác phẩm mới nhất của nhà báo Phạm Công Luận do Phương Nam Book xuất bản. Với lối viết đầy ắp chiêm nghiệm, tác phẩm của Phạm Công Luận như món quà tinh thần ý nghĩa, đưa người đọc trở về những ký ức đẹp đẽ, những giá trị xưa cũ.

Mỗi dịp xuân về, Phạm Công Luận lại mang đến cho bạn đọc những góc nhìn mới mẻ về văn hóa, lịch sử và đời sống Sài Gòn xưa. Tác giả khéo léo dẫn dắt người đọc vào hành trình ngược dòng thời gian, khám phá những khía cạnh đa dạng của đời sống Sài Gòn, từ thương mại, sản xuất, báo chí đến văn hóa, ẩm thực và những câu chuyện đời thường. Lối viết giàu hình ảnh, kết hợp hài hòa giữa chất liệu lịch sử, văn hóa và những câu chuyện kể gần gũi đã ghi dấu ấn đặc biệt trong lòng người đọc. Tác phẩm của Phạm Công Luận không chỉ đơn thuần là những trang sách ghi lại ký ức, mà còn là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, gợi nhắc những giá trị truyền thống tốt đẹp, đồng thời khơi dậy niềm tự hào về một Sài Gòn hoa lệ, năng động. Dưới đây là những tác phẩm của Phạm Công Luận, ra mắt độc giả vào các dịp Tết gần đây:

Made In Sài Gòn

Made in Sài Gòn đưa độc giả vào một hành trình khám phá lịch sử sản xuất và kinh doanh của Sài Gòn từ đầu thế kỷ 20. Cuốn sách tập trung vào bộ nhận diện thương hiệu của các sản phẩm xưa, sử dụng hình ảnh nhãn hiệu, tranh vẽ, quảng cáo trên báo chí làm tư liệu minh họa. Qua đó, tác giả Phạm Công Luận tái hiện lại bức tranh kinh tế Sài Gòn một thời, từ những sản phẩm tiêu dùng quen thuộc đến những ngành công nghiệp quan trọng. Made in Sài Gòn không chỉ là câu chuyện về hàng hóa, mà còn là câu chuyện về sự sáng tạo, thích ứng của người Sài Gòn trong bối cảnh kinh tế biến động, đồng thời hé lộ phần nào cách thức thiết kế đồ họa của các họa sĩ Việt, Hoa và Pháp trên đất Sài Gòn gần một trăm năm trước.

***

Biếm Họa Trên Báo Chí Sài Gòn Trước 1975

Cuốn sách Biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975 là công trình biên khảo công phu với 30 bài viết và hơn 4000 bức tranh, khắc họa một phần lịch sử báo chí Sài Gòn trước 1975. Phạm Công Luận dẫn dắt người đọc từ những biếm họa đầu tiên trên Nông Cổ Mín Đàm đến những họa sĩ tên tuổi như Tuýt, Chóe, Ớt… Sách không chỉ giới thiệu các tác phẩm biếm họa đặc sắc mà còn phân tích bối cảnh xã hội, chính trị được phản ánh qua từng nét vẽ. Tác giả cũng khéo léo lồng ghép những giai thoại, câu chuyện bên lề thú vị về giới làm báo Sài Gòn xưa, làm sống dậy một thời kỳ sôi động của báo chí miền Nam. Biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975 là nguồn tư liệu quý giá, giúp bạn đọc hiểu thêm về lịch sử, văn hóa và xã hội Sài Gòn qua lăng kính hài hước, châm biếm.

***

Sài Gòn Phong Vị Báo Xuân Xưa

Sài Gòn phong vị báo Xuân xưa là tuyển tập các bài viết, hình ảnh, trích dẫn từ các tờ báo Xuân Sài Gòn giai đoạn 1930-1975. Phạm Công Luận đã dày công sưu tầm, biên soạn để tái hiện lại không khí Tết xưa, từ nội dung báo chí đến thị hiếu độc giả. Cuốn sách đưa người đọc trở về những ngày Tết rộn ràng, thưởng thức những bài viết đặc sắc của các cây bút lừng lẫy một thời như Tản Đà, Phan Khôi, Bùi Thế Mỹ… bên cạnh những mẩu chuyện vui, giai thoại thú vị. Sài Gòn phong vị báo Xuân xưa không chỉ là bức tranh toàn cảnh về báo Xuân Sài Gòn mà còn là hành trình khám phá văn hóa Tết truyền thống, gợi nhớ những ký ức đẹp đẽ về một thời đã qua.

***

Những Bức Tranh Phù Thế

Những bức tranh phù thế là tập hợp 33 tản văn của Phạm Công Luận, đan xen giữa những câu chuyện gia đình, kỷ niệm cá nhân và những mảnh ký ức về Sài Gòn xưa. Tác giả khéo léo kết nối “chuyện nhà” và “chuyện phố,” dẫn dắt người đọc qua những miền ký ức ngọt ngào, từ những món quà vặt tuổi thơ đến những góc phố thân quen. Cuốn sách được minh họa bởi họa sĩ Marcelino Trương với những gam màu trầm ấm, tạo nên một không gian hoài niệm sâu lắng. Những bức tranh phù thế không chỉ là những lát cắt về cuộc sống thường nhật mà còn là bức tranh về Sài Gòn xưa qua lăng kính ký ức, chạm đến trái tim người đọc bằng những chi tiết giản dị, chân thực.

***

Có Một Thời Ở Chợ Lớn

Có một thời ở Chợ Lớn tái hiện lại bức tranh đa văn hóa, sôi động của khu Chợ Lớn sầm uất một thời. Phạm Công Luận đã dành nhiều năm tìm hiểu, ghi chép lại những câu chuyện đời thường, những nét sinh hoạt đặc trưng của cộng đồng người Hoa tại Sài Gòn. Từ những người nông dân cần cù đến những thương gia giàu có, từ những nghệ nhân tài hoa đến những võ sư lừng danh, tất cả đều góp phần tạo nên bức tranh đa sắc màu của Chợ Lớn. Cuốn sách không chỉ là câu chuyện về quá khứ mà còn là lời tri ân đến những đóng góp của cộng đồng người Hoa trong sự phát triển của Sài Gòn.

***

Với Ngày Như Lá, Tháng Như Mây

Với ngày như lá, tháng như mây là tập tản văn của Phạm Công Luận, viết về Sài Gòn những năm 1990 qua lăng kính ký ức. Tác giả đưa người đọc trở về với những ngày tháng tuổi trẻ đầy mộng mơ, với những niềm vui giản dị, những kỷ niệm khó quên. Từ ngôi nhà thân thương, mái trường đầy ắp kỷ niệm đến những góc phố quen thuộc, tất cả đều được tái hiện sống động qua ngòi bút giàu cảm xúc của tác giả. Cuốn sách được minh họa bởi họa sĩ Đức Lâm, người từng gắn bó với nhiều ấn phẩm dành cho thiếu nhi, tạo nên sự kết hợp hài hòa giữa văn và họa.

***

Tùy Bút - Hồi Ký - Giai Thoại Trên Báo Xuân Sài Gòn Xưa (tập I & II)

Tùy bút - Hồi ký - Giai thoại trên báo Xuân Sài Gòn xưa (tập I & II) là tuyển tập những bài viết đặc sắc trên báo Xuân Sài Gòn từ những năm 1950 đến 1970. Phạm Công Luận đã khéo léo lựa chọn, sắp xếp để tạo nên bức tranh toàn cảnh về đời sống xã hội, văn hóa, lịch sử qua từng giai đoạn. Từ những câu chuyện lịch sử thú vị đến những giai thoại về giới báo chí, nghệ sĩ, cuốn sách mang đến cho người đọc những góc nhìn đa chiều về Sài Gòn xưa. Tập II được bổ sung thêm phần thơ, làm phong phú thêm nội dung và cảm xúc cho tác phẩm. Tùy bút - Hồi ký - Giai thoại trên báo Xuân Sài Gòn xưa là nguồn tư liệu quý giá, đồng thời là món quà tinh thần ý nghĩa cho những ai yêu mến Sài Gòn và muốn tìm hiểu về văn hóa, lịch sử của thành phố này.

Kodaki

Đọc bài viết

Giới thiệu sách

Có một thời ở Chợ Lớn: Ký ức vàng son về Chợ Lớn qua lăng kính của Phạm Công Luận

Published

on

Có một thời ở Chợ Lớn – tác phẩm nghiên cứu văn hóa mới nhất của nhà báo Phạm Công Luận do Phương Nam Book liên kết xuất bản – đã mở ra cánh cửa thời gian đưa người đọc trở về Chợ Lớn của những ngày xưa cũ.

Sau thành công của những tác phẩm như bộ sách Sài Gòn – Chuyện đời của phố (5 tập), Hồn đô thị, Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn: Ký Ức Rực Rỡ, Phạm Công Luận tiếp tục khai thác đề tài đô thị Sài Gòn, nhưng lần này tập trung vào một khu vực đặc thù là Chợ Lớn. Tiếp nối Hồi ức Phú Nhuận, Có một thời ở Chợ Lớn là tác phẩm thứ hai của Phạm Công Luận được triển khai theo hướng đặt trọng tâm vào một mảnh ghép nhỏ đã góp phần tạo nên bức tranh lớn về Sài Gòn.

Không chỉ khái quát toàn cảnh về lịch sử hình thành và phát triển, Có một thời ở Chợ Lớn còn khắc họa sinh động đời sống thường nhật, văn hóa, tinh thần của cộng đồng người Hoa qua nhiều thế hệ ở Chợ Lớn. Từng trang sách như những thước phim quay chậm, tái hiện lại không gian Chợ Lớn nhộn nhịp, những con hẻm chằng chịt, những gánh hàng rong, quán ăn thơm lừng hương vị đặc trưng và cả những con người đã làm nên linh hồn của vùng đất này.

Chuyện đời, chuyện phố giữa lòng Chợ Lớn

Có một thời ở Chợ Lớn được xây dựng dựa trên những câu chuyện mà tác giả ghi chép lại trong quá trình tìm hiểu, tiếp xúc với cộng đồng người Hoa tại Chợ Lớn. Những mẩu chuyện nhỏ, những chi tiết đời thường được tái hiện một cách sinh động, tạo nên góc nhìn toàn cảnh về cuộc sống của người Hoa ở Chợ Lớn. Từ những người buôn bán nhỏ lẻ, những người lao động chân tay, cho đến những trí thức, nghệ sĩ, doanh nhân thành đạt, mỗi người đều có một câu chuyện riêng, góp phần tạo nên sự đa dạng và phong phú của cộng đồng.

Qua ngòi bút tài hoa và sự am hiểu sâu sắc, Phạm Công Luận đã tái hiện lại Chợ Lớn như một địa danh thân thương, một vùng đất giao thoa văn hóa, một dòng chảy lịch sử cuộn trào giữa lòng Sài Gòn hoa lệ. Nơi đây, cộng đồng người Hoa đã nhập cư, rồi phát triển, tạo nên một bản giao hưởng đa âm sắc với những nét văn hóa độc đáo, nền ẩm thực phong phú và những câu chuyện đời thường thấm đẫm tình người.

Trong những bài viết như Chuyện đời mái chín Oai Hên, Tìm về gốc tích ông bá hộ xường – Lý Tường Quang, Học người Hoa cách làm ăn, Phạm Công Luận đã khéo léo lồng ghép những câu chuyện cá nhân vào bối cảnh lịch sử, văn hóa của Chợ Lớn, giúp người đọc hiểu rõ hơn về quá trình hình thành và phát triển của vùng đất này. Những câu chuyện về những ngày đầu nhập cư gian khó, những nỗ lực vươn lên trong cuộc sống của người Hoa, những nét văn hóa đặc trưng được tái hiện một cách chân thực, tạo nên sự đồng cảm và xúc động cho người đọc.

Thông qua những câu chuyện đời thường, Phạm Công Luận đã gửi gắm thông điệp về sự quan trọng của tình làng nghĩa xóm, của sự đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng. Đây là những giá trị truyền thống quý báu mà người Hoa luôn gìn giữ và phát huy.

Hương vị Chợ Lớn thấm đẫm ký ức

Ẩm thực Chợ Lớn là một phần không thể thiếu trong bức tranh văn hóa của vùng đất này. Trong Có một thời ở Chợ Lớn, Phạm Công Luận đã dành nhiều bài viết để giới thiệu về những món ăn đặc trưng, những hương vị độc đáo của Chợ Lớn. Từ những món ăn đường phố bình dân như bột chiên, bánh hẹ, chè… đến những món ăn cầu kỳ, tinh tế trong các nhà hàng sang trọng như nhà hàng Ái Huê Đệ Nhất Tửu Lâu, nhà hàng Bách Hỉ – tất cả đều được tác giả miêu tả một cách chi tiết và hấp dẫn.

Những bài viết như Những tiệm trà sâm và bức tượng gỗ tiệm Vạn Tế Đường, Xóm cũ thơm mùi thính rang, Món ăn Hoa trong mắt một người Hoa, Ăn rong Chợ Lớn sẽ đưa người đọc bước vào thế giới ẩm thực phong phú, đa dạng của Chợ Lớn. Phạm Công Luận không chỉ miêu tả hương vị món ăn mà còn kể những kỷ niệm gắn liền, khiến cho mỗi món ăn đều trở nên gần gũi, thân thương.

Thông qua đó, người đọc sẽ được trải nghiệm một hành trình ẩm thực thú vị qua những trang sách, khám phá nhiều bí quyết chế biến, những câu chuyện thú vị đằng sau mỗi món ăn. Hương vị Chợ Lớn không chỉ là sự hòa quyện của các loại gia vị, mà còn là sự kết tinh của văn hóa, lịch sử và tâm hồn người Hoa nơi đây.

Chợ Lớn: Nơi giao thoa văn hóa Việt - Hoa

Không chỉ dừng lại ở việc miêu tả những nét văn hóa đặc trưng của người Hoa, Phạm Công Luận còn phân tích sâu về ý nghĩa, nguồn gốc. Tác giả giải thích rõ ràng những khác biệt trong văn hóa của các nhóm người Hoa khác nhau như người Quảng Đông, người Triều Châu, người Phúc Kiến, người Hải Nam, người Hẹ, giúp người đọc có cái nhìn toàn diện hơn về văn hóa Chợ Lớn.

Có một thời ở Chợ Lớn còn nói về sự giao thoa văn hóa giữa người Việt và người Hoa. Phạm Công Luận đã khéo léo trong việc tái hiện quá trình này diễn ra một cách tự nhiên, hài hòa, làm phong phú thêm đời sống văn hóa của cả hai cộng đồng. Tác giả chỉ ra những điểm tương đồng và khác biệt trong văn hóa của hai dân tộc, đồng thời nhấn mạnh sự tôn trọng và học hỏi lẫn nhau.

Từ đó, Chợ Lớn hiện lên như một minh chứng sống động cho sự giao thoa văn hóa thành công. Nơi đây, người Việt và người Hoa cùng chung sống, cùng làm việc, cùng chia sẻ những giá trị văn hóa. Họ ảnh hưởng lẫn nhau trong ngôn ngữ, ẩm thực, kiến trúc, lối sống,... tạo nên một nét văn hóa đặc trưng riêng của Chợ Lớn. Phạm Công Luận đã sử dụng nhiều ví dụ cụ thể để minh chứng cho luận điểm của mình: từ những món ăn đường phố đến những ảnh hưởng ngôn ngữ mang đậm dấu ấn của cả hai nền văn hóa.

Có một thời ở Chợ Lớn như một lời tri ân đến những người đã góp phần tạo nên một Chợ Lớn phồn hoa, đa dạng và đầy sức sống. Đây là một cuốn sách đáng đọc cho những ai yêu mến Sài Gòn, muốn tìm hiểu về văn hóa, lịch sử và con người của vùng đất Chợ Lớn.

***

Trích đoạn

Đến giờ, tôi vẫn thấy khi nói thằng “phì lũ” sướng hơn là gọi thằng mập hay thằng béo, “láng coóng” nghe đã hơn sáng trưng. Những từ gọi tên món ăn như phá lấu, há cảo, hoành thánh, xí quách… thì không từ tiếng Việt nào thay thế được, vì nó đã được dung nạp vào tiếng Việt, trong ngôn ngữ nói của người Việt miền Nam. Khi nhắc đến những từ này, không ai nghĩ mình đang nói tiếng Hoa…

(Trích Những từ ngữ nổi trôi)

Kinh Tàu Hủ có một nhánh phía bên phải ngả sang khu vực nay là bệnh viện Chợ Rẫy tạo thành một vùng lầy lội. Tại vùng này, người Tiều nghèo khổ đã tận dụng những khoảnh đất cao để trồng rau làm rẫy. Nhờ tính cần cù của họ, vùng đất lầy lội này được cải tạo thành một khu trồng rau lớn cung cấp rau xanh cho cả Chợ Lớn và Bến Nghé…

(Trích Rẫy Tiều)

***

Về tác giả

Nhà báo Phạm Công Luận là tác giả của những tựa sách gây tiếng vang và được tái bản nhiều lần như Nếu biết trăm năm là hữu hạn, Những lối về ấu thơ, Chú bé Thất Sơn. Không chỉ nổi bật trong thể loại tản văn, ông còn là một cây bút gạo cội sở hữu lượng tác phẩm dồi dào, mang đến cho độc giả nhiều tập sách chuyên khảo, hồi ký về Sài Gòn giàu giá trị như Sài Gòn – Chuyện đời của phố (5 tập), Phong vị báo xuân xưa, Sài Gòn – Ngoảnh lại trăm năm…

***

Thông tin tác phẩm

  • Tựa chính: Có một thời ở Chợ Lớn
  • Tác giả: Phạm Công Luận
  • Thể loại: Văn hóa – Tham khảo
  • Giá bìa: 299.000đ (Bìa mềm); 399.000đ (Bìa cứng)
  • Sách do Phương Nam Book và NXB Văn hóa Dân tộc liên kết xuất bản
Đọc bài viết

Cafe sáng