Phía sau trang sách

Tuyết: Thứ tro trắng chôn lấp những hi vọng

Sau thành công vang dội của “Tên tôi là Đỏ”, Orhan Pamuk tiếp tục chứng tỏ ông là ứng cử viên sáng giá cho giải Nobel với “Tuyết” – tác phẩm được Margaret Atwood ca tụng là “cuốn sách không thể thiếu của thời đại chúng ta”.

Published

on

Tiểu thuyết tựa lối đi nhỏ xuyên qua bầu không khí mờ ảo được tuyết che phủ để tìm đến trái tim của những kẻ khắc khổ bị đóng băng từ tận bên trong. Những con người ấy, những người sống trong vòng tay của tuyết, ngày ngày đắm chìm vào cái lạnh buồn bã đẹp vô hạn, liệu họ thấy gì từ tinh thể sáu cạnh huyền ảo tinh khôi, hay chưa kịp chạm đến đã vỡ tan. Tôi cứ tưởng có thể bắt gặp cảnh tượng này ở mọi nơi có tuyết. Nhưng tôi phải chờ đến Kars, thành phố tuyết, khi cái đẹp và sự đổ vỡ cách nhau chỉ trong gang tất mới cảm nhận rõ ràng được. Và lắm lúc, Orhan Pamuk đẩy ranh giới đó về zero, biến mọi chuyện trở nên khó đoán sau bức màn trắng xóa. Tuyết hội tụ đủ các yếu tố làm nên tên tuổi Orhan Pamuk, mặt khác cũng chứa đựng những bí mật của riêng nó.

Tóm tắt tác phẩm:

Tiểu thuyết xoay quanh hành trình kiếm tìm hạnh phúc đích thực đời mình của thi sĩ Ka – một người sống lưu vong sau mười hai năm trở về quê nhà để gặp mặt người bạn học Ipek. Xen lẫn câu chuyện tình yêu là bức tranh chính trị đẫm mùi khói súng ở thành phố biên giới Kars diễn ra giữa các thế lực Hồi giáo cực đoan và nhà nước thế tục với những khát vọng khó hiểu của những kẻ lãnh đạo (Lam và Sunay Zaim). Điểm tô bức tranh rối rắm đó là tin đồn về những cô gái tự sát để phản đối lệnh cấm khăn trùm đầu cùng số phận bi thảm của những thiếu niên Hồi giáo trẻ trung vô tình trở thành nạn nhân hay bất đắc dĩ phải làm nhân chứng cho tấn thảm kịch. Tất cả diễn ra trên nền cơn bão tuyết suốt ba ngày ba đêm biến Kars thành một màu trắng chết chóc.

Giống như Patrick Modiano của những con phố Paris, Mạc Ngôn gắn bó với miền đất Cao Mật hay như Dublin qua ngòi bút James Joyce; Orhan Pamuk là nhà văn sinh ra từ một thành phố – đứa con của Istanbul. Những trang viết của ông thấm đẫm tình yêu và nỗi nhớ với cố đô văn hiến, trong gần như tất cả các tác phẩm của mình: từ tiểu thuyết lịch sử Pháo đài Trắng, hay như Cuốn sách Đen viết tại New York, cho tới dấu ấn nghệ thuật của Tên tôi là Đỏ, cùng câu chuyện tình yêu tại Bảo tàng Ngây thơ và đỉnh cao phải kể tới Istanbul – Hồi ức và thành phố. Ngay từ những trang đầu của Istanbul, Orhan Pamuk đã khẳng định:

Conrad, Nabokov, Naipaul – những nhà văn này được biết đến là do đã thành công trong việc thiên di giữa các ngôn ngữ, quốc tịch, văn hóa, xứ sở, đại lục, và ngay cả nền văn minh. Trí tưởng tượng của họ lấy dưỡng chất từ sự lưu vong, một sự nuôi dưỡng được chiết ra không phải từ gốc rễ, mà từ việc không có gốc rễ. Tuy nhiên, sự tưởng tượng của tôi đòi hỏi tôi phải ở lì trong cùng một thành phố, cùng một con đường, cùng một căn nhà, nhìn mãi vào một cảnh tượng. Số phận của Istanbul là số phận của tôi. Tôi gắn liền với thành phố này bởi vì nó đã làm cho tôi trở thành tôi như bây giờ.

Điều này biến Tuyết trở thành tác phẩm đặc biệt của ông, xét về mặt bối cảnh. Lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất tính tới thời điểm hiện tại, Orhan Pamuk để cho câu chuyện không xảy ra ở Istanbul mà ở Kars. Kars là tên thành phố biên giới phía đông bắc của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời trong tiếng Thổ, kar lại có nghĩa là tuyết. Kars có thể được coi như là nước Thổ thu nhỏ, với một cộng đồng đa sắc tộc gồm người Thổ, người Kurd, người Azerbaijan và cả người Armenia – đây đã từng là thủ đô của Armenia và cũng chính tại đây họ rơi vào cuộc thảm sát. Cùng một thời điểm, ở Kars luôn tồn tại các thế lực Hồi giáo chính trị mâu thuẫn với nhà nước thế tục lẫn một bộ phận nhỏ người dân theo đạo Cơ đốc. Bằng cách mượn tuyết để xóa đi các dấu vết đặc trưng của Kars, nhà văn biến Kars thành một thực thể sống nơi ông thỏa sức tạo nên các ý niệm của mình. Thành phố bị tuyết chia cắt bây giờ trông cứ như con rùa khổng lồ cõng trên lưng hòn đảo, làm cho hòn đảo tách biệt với đại dương. Nếu đồng nhất Orhan Pamuk với Istanbul, thì Kars sẽ là người bạn đặc biệt của ông, thành phố thổ lộ cho ông nhiều hơn vẻ bề ngoài của nó. Khi trở lại với vẻ bề ngoài, mặc dù nhà văn luôn phủ nhận mình là nhà hoạt động chính trị, nhưng Kars, với các đặc điểm kể trên, rõ ràng là mảnh đất màu mỡ cho những chính khách phô diễn tài năng. Orhan Pamuk không hề giấu diếm toàn cảnh bức tranh chính trị ấy, tuy vậy, lại chẳng dễ dàng để lần ra quan điểm của ông. Xét về nội dung, điểm này cũng đặc biệt không kém. Nhưng liệu chỉ có chính trị?

Không khó tìm thấy câu trả lời. Nó nằm ngay lối vào câu chuyện, những dòng miêu tả một người đàn ông giữa lúc say ngủ:

Ông sống lưu vong đã được mười hai năm bên Đức song chưa bao giờ bận tâm nhiều đến chính trị. Lòng đam mê đích thực, mọi suy nghĩ của ông, là đều dành cho thi ca.

Vài dòng đơn giản nhưng hàm chứa cả cuốn sách. Người đàn ông ấy tên Kerim Alakuşoğlu, vì không ưa cho lắm nên ông tự gọi mình là Ka. Một người đàn ông sống lưu vong song chưa bao giờ bận tâm chính trị, và suy nghĩ của ông hướng về thi ca. Thi ca, chính thi ca mới là điểm đích thực cần quan tâm chứ chẳng phải chính trị hay bất cứ điều gì khác. Như vậy, nhà văn không ngần ngại gợi ý cho chúng ta, những độc giả bị khung cảnh của Kars làm choáng ngợp, rằng chúng ta phải tiếp cận cuốn sách theo hướng văn chương, hãy tìm kiếm chất thơ đằng sau mỗi câu chuyện, chớ để vẻ ngoài chính trị kia đánh lừa mà vô tình ta biến thành người lưu vong ở Kars.

Ka quay về Kars nhằm kiếm tìm hạnh phúc sau những năm dài tha hương và cũng tại đây, nhà thơ bị kéo vào một cuộc đảo chính, bị kẹp vào giữa Hồi giáo chính trị và giới quân sự Thổ. Bi kịch xảy đến buộc một người Âu hóa như ông đối mặt với sự lựa chọn tâm linh. Ông đã phải đấu tranh nội tâm rất lâu giữa việc tin hay không tin vào Thượng đế. Cho đến lúc Ka chết, tôi tin cán cân vẫn chưa ngã hẳn về bên nào. Càng bất hạnh hơn khi không những không có được hạnh phúc, Ka còn chẳng thể quay về được thời điểm bất hạnh trước kia. Cuộc đời ông cứ trượt dài trong nỗi bế tắc. Vào những giây phút hạnh phúc ngắn ngủi của mình, Ka sống với nỗi âu lo bất hạnh thường trực nhưng tại những giờ khắc đen tối nhất nhà thơ lại cảm thấy hạnh phúc. Cảm xúc hỗn loạn đã đưa Ka vào thế giới đa chiều của tuyết – tinh thể sáu cánh trong suốt có tâm chính giữa với ba trục tưởng tượng xoay tròn nhiều vòng trong không trung trước khi chạm đất – niềm cảm hứng để lần đầu tiên sau bốn năm Ka mới viết được thơ, bài thơ đề tên Kar – Tuyết.

Để làm việc đó, ông vẽ ra một tinh thể tuyết riêng dựa theo hình các bông tuyết trong sách vở, sau đó ông xếp tất cả các bài thơ sáng tác ở Kars lên chỗ của chúng. Hệt như cấu trúc của cuốn thơ mới, tất cả những gì đã biến con người ông thành thi sĩ Ka, được vẽ lên tinh thể tuyết này. Theo quan điểm của ông, mỗi người phải có một bông tuyết như vậy, một dạng bản đồ tâm linh của cuộc đời. Các trục HỒI ỨC, LÝ TRÍ và TUỞNG TUỢNG Ka mô phỏng từ sơ đồ cây tri     thức con người của Bacon. Ông cũng viết rất cụ thể và tường tận về những nỗ lực của mình nhằm giải thích ý nghĩa của các điểm trên nhánh rẽ của hình lục lăng này.

Ảnh: listelist.com

Căn tính của Ka, cái chất làm nên con người ông cô đọng trong Tuyết thông qua những cái tên và những liên tưởng. Có lẽ vì vậy, định mệnh đã an bài cho Tuyết và Ka cùng một kết cục. Ông không thể hoàn thành được nó, dù sau khi trở lại Đức thời gian của ông còn nhiều. Số phận hay là Thượng đế mà ông chẳng thực lòng tin đã vĩnh viễn khép lại mong muốn hóa thân thành bông tuyết của Ka: là Ka chứ không phải là kar hay Kars, không phải là Tuyết. Trước khi kịp chạm đất, bông tuyết của ông bị cơn gió làm vỡ thành nhiều mảnh và ông sẽ mãi khuyết đi một phần của mình. Ông chẳng bao giờ tìm lại được phần linh hồn mất đi đó, bởi nó đã biến mất sau khi tuyết ở Kars tan chảy. Ôm theo sự mất mát ấy, Ka sống trong nỗi cô đơn những năm cuối đời, một cuộc đời dang dở Kars trao cho ông đồng thời lấy mất của ông. Cuối cùng tuyết sẽ lại tan. Rồi Ka chết.

Hà cớ gì Ka phải đi đến lựa chọn sống còn như vậy? Không chọn hay chọn cả hai có được chăng? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần xoáy sâu vào đời sống ở Kars: Hồi giáo chính trị, nước Thổ thế tục, những chiếc khăn trùm đầu và cả về những số phận dở dang khác. Trước tiên là xung đột đức tin, và nói tới đức tin không thể thiếu Hồi giáo, thứ có vị trí đặc biệt quan trọng trong văn chương Orhan Pamuk, xuất hiện với tần suất gần như tuyệt đối. Nhưng phải tới Tuyết, tôn giáo này được đẩy lên cực độ, trở nên sống còn của toàn tiểu thuyết. Orhan Pamuk có một tình yêu đặc biệt với đất nước ông, nhà văn đưa Kars trở về màu sắc đặc trưng của Thổ Nhĩ Kỳ: cái ngã ba của thế giới, từ thành Troy cổ đại cho tới những Consantinople rồi Istanbul và những Erzurum, Kars; nơi suy nghĩ con người luôn chia làm hai như eo Bophorus vĩ đại. Tại đất nước này, người ta hoặc sống trong đức tin mãnh liệt về một Thượng đế chí tôn hoặc quay lưng lại với nó. Khi hai thái cực chẳng thể dung hòa, xung đột xảy ra và máu sẽ đổ. Cuộc đối đầu giữa hai nhân vật Lam và Sunay Zaim, những vụ khủng bố của phe Hồi giáo và những cuộc đảo chính của phe thế tục, là một ví dụ điển hình của nước Thổ. Lam và Sunay Zaim, gọi chung là nhà hoạt động chính trị, sẽ chẳng bao giờ hình dung ra hậu quả to lớn họ tạo ra từ lời nói con con. Rồi lúc bọn họ chết, thì đó là chết cho lý tưởng, cho những điều họ bảo vệ, không lâu sau sẽ trở thành những huyền thoại, tượng đài được tôn vinh kính ngưỡng. Vậy còn những người như Necip, Fazil thì sao? Đây mới là tầng lớp hứng chịu hậu quả nặng nề nhất. Cả hai chỉ là những học sinh tôn giáo trẻ trung đầy nhiệt huyết, đang sống những tháng ngày hồn nhiên nhất của cuộc đời. Ở cái tuổi ấy, Thượng đế mới manh nha tồn tại trong đức tin các cậu bé. Chẳng phải khi xưa chính Muhammad cũng phải tới bốn mươi tuổi mới nhận được thiên khải đó ư. Đoàng một phát, trái tim non nớt của Necip vỡ vụn, tôi cảm nhận được lúc ấy, tận sâu thẳm trong Fazil đã bắt đầu xuất hiện vết nứt. Chàng trai mãi mãi chẳng tìm thấy đức tin được nữa, vầng trăng lưỡi liềm chàng hằng ao ước thẫm một màu máu. Chàng gục ngã ngay trước cổng thiên đàng, thiên đàng màu trắng có bông tuyết nhỏ tan vào giữa con ngươi và Thượng đế của chàng biến mất khi còn chưa thành hình. Hỡi tuyết kia, ai cho ngươi rơi trên những ước vọng?

Với sự thật đau buồn này, tôi tin rằng Orhan Pamuk đang muốn cho cả thế giới, đặc biệt là thế giới phương Tây thấy rằng: Hồi giáo không phải tà giáo, và vẫn còn đó rất nhiều cậu trai như Necip, những người không bao giờ bị bạo lực vấy bẩn.

Nếu có một điểm tương đồng được tất cả những người ngồi đầu và giữa phòng     thống nhất, thì Necip nhận ra có đạn thật sau loạt súng thứ ba, song cậu lại hiểu sự kiện đó theo một hướng riêng.

Hai giây trước khi trúng đạn, cậu đứng dậy và nói đủ to để nhiều người nghe thấy (tuy không được thu vào băng video):“Dừng lại, đừng bắn! Súng có đạn thật đấy!”

Những gì mọi người trong phòng đến lúc này đã cảm thấy bằng trái tim nhưng lý trí vẫn cố cưỡng lại, thế là đã được nói ra.

Phía bên kia thành phố là Kadife và cuộc chiến giữa những chiếc khăn trùm đầu. Khác với những bạn bè đồng trang lứa của mình, Kadife không chọn cách tự tử để phản đối. Cô ví việc mình tháo khăn trùm đầu như là biểu tượng đấu tranh. Những người phụ nữ, đặc biệt những cô bé như Kadife chẳng còn có thể sống đời bình thường được nữa. Họ sống trong sự dở dang do cái bóng quá lớn của chiếc khăn tạo ra. Họ trở thành quả bóng mà dù Hồi giáo chính trị hay Nhà nước thế tục đều muốn đá về cầu môn đối phương. Chẳng ai đứng ra nhận lấy trách nhiệm về những thiếu nữ tự tử cả, chỉ toàn đổ lỗi lẫn nhau. Kadife, có lẽ cô cũng không nhận ra mình cũng chỉ là quả bóng. Cứ cho rằng cô là quả bóng gai góc đi nữa, thì điều cô làm được bất quá làm xước chân các nhà hoạt động chính trị. Cuối cùng rồi cô sẽ bị đá đi. Nếu may mắn, cô giữ được cuộc sống. Còn không, quả bóng xì hơi và xẹp xuống. Nó muôn đời nằm đó trên sân, đừng mơ có ai nhặt lấy, suy cho cùng ai lại muốn quả bóng xẹp chứ. Cho tới khi một đợt tuyết mới rơi xuống, lấp đi cái hố quả bóng tạo ra, và làm mọi thứ đều trông trăng trắng giống nhau. Dưới lớp tuyết dày, tôi tưởng chừng không thể bắt kịp những phụ nữ ấy, tuyết làm cho họ bí ẩn hơn và đẹp hơn, nhưng điều đó chỉ làm cho đàn ông say đắm họ hơn. Ka đã yêu họ, tôi cũng yêu họ.

“Ông xem xét cuộc đời quá đỗi đơn giản,” Kadife bác lại. “Thay cho tự sát vì tình, người ta chỉ cần đợi ít lâu là tình yêu sẽ không còn giằng xé. Nghèo đói cũng không phải nguyên nhân thực thụ. Những người không chịu nổi đòn roi có thể lấy trộm ít tiền của chồng rồi bỏ trốn, như thế giản dị hơn nhiều.”

“Thôi được vậy lý do thực sự là gì?”

“Tất nhiên lý do thực sự của mọi cuộc tự sát là lòng kiêu hãnh. Ít nhất thì với    đàn bà.”

“Vì lòng kiêu hãnh của họ bị tổn thương trong tình yêu?”

“Ông không hiểu gì hết!” Kadife đáp. “Phụ nữ không tự sát vì lòng kiêu hãnh của họ bị tổn thương, mà để chứng tỏ họ kiêu hãnh chừng nào.”

Như một nguyên lý nhị nguyên tất yếu, tình yêu ở Kars ra đời từ sự chia rẽ và cùng lúc sự chia rẽ làm tình yêu càng thêm mãnh liệt. Với những người phụ nữ và những người đàn ông đặc biệt như thế, dễ dàng nhận ra tình yêu giữa sẽ không đi theo logic thông thường. Đó không phải là thứ tình cảm theo kiểu phương Tây mà cũng chẳng phải ngôn tình phương Đông, nó mang màu sắc nước Thổ rõ rệt. Tại Kars, tính cách Thổ phát lộ hơn bao giờ hết trong mối tình của Ka, Ipek, Lam và Kadife.


Nếu buộc phải mô tả tình yêu ở Kars, tôi không có cách nào tốt hơn mượn bông tuyết của Ka. Trong bông tuyết của tôi, cũng có ba trục toạ độ: Lý trí, Tưởng tượng và Hồi ức; những tình cảm, những câu chuyện trên ba trục sẽ ảnh hưởng lẫn nhau tuỳ theo mức độ liên quan xa gần. Tình yêu, sẽ là tâm của bông tuyết. Nó giữ cho tinh thể trong suốt ấy xoay vòng trong không trung đủ để các trục giao thoa với nhau nhưng không đủ để xoá bỏ các trục. Sau đó nó sẽ hoặc tan chảy hoặc hoà vào tầng tầng lớp lớp các bông tuyết ngày đêm phủ lấy Kars. Kết quả tạo ra thật mỹ mãn, bức tranh tình yêu trở nên trắng và lạnh, đẹp và mờ ảo hơn bao giờ hết. Cuối cùng, khi tuyết ngừng rơi, tình yêu không biến mất mà chuyển vào những dạng hình khác bí ẩn không kém trong vòng tuần hoàn của tuyết. Rất khó duy trì một cân bằng xúc cảm tinh tế đến như vậy suốt cuốn tiểu thuyết, và Orhan Pamuk lần nữa chứng minh tài năng của ông.

Ka luôn luôn trải nghiệm một khoảnh khắc hạnh phúc trong kinh sợ, cốt để sự bất hạnh nối tiếp không quá lớn. Do vậy mà lúc này trong khi ôm Ipek – vì tình yêu thì ít mà vì nỗi sợ sinh ra từ đó thì nhiều – ông tin rằng cô sẽ khước từ ông, rằng sự gần gũi đang nảy nở sẽ đột ngột tan vỡ, và niềm hạnh phúc không xứng đáng của ông sẽ biến thành sự khước từ và tủi hổ xứng đáng, song cũng nhờ thế mà ông sẽ tìm được thanh thản cho mình.

Chỉ một mảnh ghép nữa là bức tranh hoàn chỉnh: Orhan – người kể chuyện. Cũng giống nhiều tiểu thuyết khác của mình, Orhan Pamuk lại xuất hiện trong Tuyết khi cơn bão đã tan, khi mọi việc đi đến hồi kết. Nhưng như vậy không có nghĩa là vai trò của ông không quan trọng. Nhà văn duy trì bản thể của mình ở lằn ranh giữa cái bên trong và bên ngoài, giữa thế giới tiểu thuyết và thế giới thực. Việc dung hòa hai thái cực dẫn tôi tới câu hỏi lớn về sự tồn tại: liệu một nhà văn sẽ làm đến mức nào để giữ hay loại bỏ sự hiện diện của mình đối với độc giả? Nếu ở Tên tôi là Đỏ, tiếng nói của cậu bé Orhan yếu ớt chỉ có thể cảm thán mà không thế thay đổi câu chuyện thì tại Tuyết, bóng dáng người kể chuyện Orhan Pamuk dường như có mặt trong cả tiểu thuyết mặc dù thứ ông tạo ra được chỉ là những dòng tự sự từ ký ức của thi sĩ Ka bạn ông. Điều này tạo cho tôi một nghi ngờ liệu rằng đó có phải là Ka hay là Op (rút gọn theo cách của Ka) hay phải chăng Ka chính là Op. Tuy vậy, tôi không cố đào sâu tìm hiểu chân tướng vì đó có thể là cạm bẫy hay lối cụt mà một khi dấn bước, tôi sẽ tìm thấy con người khác không chỉ của Ka hay Op mà còn của tôi. Tôi càng nghi ngờ hơn và càng không dám nghi ngờ. Tôi chấp nhận rằng cũng như tôi, Op đã bỏ một phần của ông ấy lại ở Kars.

Ảnh: IMDb.com

Để kết thúc, tôi xin mượn lời Fazil nói với Orhan ở cuối tác phẩm:

“Nếu ông để tôi xuất hiện trong một cuốn tiểu thuyết nói về Kars thì tôi muốn nói với độc giả rằng họ không nên tin những gì ông viết về tôi, về tất cả chúng tôi. Không ai hiểu được chúng tôi khi xa cách như thế.”

Vì vậy bạn cũng đừng tin tôi mà hãy dấn thân vào Tuyết để tìm niềm tin của riêng mình.

Hết.

3V

Xem tất cả những bài viết của 3V tại đây.


Phía sau trang sách

Thế giới nội tâm u uẩn của những người phụ nữ dưới ngòi bút Dazai Osamu

Published

on

Thường người ta vẫn nghĩ rằng có phụ nữ mới hiểu nhau. Ít khi nào mà một người đàn ông có thể hiểu rõ chân tơ kẽ tóc người phụ nữ, đặc biệt là những rung động thầm kín tế vi hay những khát khao mãnh liệt. Trong chừng mực nào đó, một Don Juan hay Casanova có thể trở thành bậc thầy trong việc am hiểu tâm lý người phụ nữ để chinh phục, ghi dấu tình trường. Nhưng đặt mình vào thế đứng, vị trí của những người phụ nữ để cùng họ đồng cảm, đấu tranh vượt lên trên số phận đến mức viết được những tác phẩm kinh điển thì những văn hào đó chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ta có thể kể đến Nguyễn Du khi sáng tác “Đoạn trường tân thanh” (Truyện Kiều), Tào Tuyết Cần viết “Hồng lâu mộng”, Gustave Flaubert viết “Bà Bovary”, Tolstoy viết “Anna Karenina” và Dazai Osamu khi viết “Tà dương” hay “Nữ sinh”.

Dazai Osamu (1909-1948) là một nhà văn nổi tiếng của văn học Nhật Bản hiện đại. Kiệt tác “Thất lạc cõi người” của ông đã trở thành tác phẩm bán chạy nhất trong lịch sử văn học Nhật Bản với hơn mười triệu bản in. Tuy cuộc đời 39 năm ngắn ngủi của Dazai trải qua nhiều nỗi bi kịch với năm lần tự sát, nghiện thuốc giảm đau, ly dị vợ…nhưng tác phẩm của ông luôn chan chứa cái nhìn ấm áp trân trọng về những người phụ nữ. Những tác phẩm xuất sắc của Dazai như “Thất lạc cõi người”, “Tà dương”, “Người vợ Villon” mà chúng tôi dịch là “Vợ gã hoang đàng” đều được dựng thành phim. Trong đó “Nhân gian thất cách” (Thất lạc cõi người) đã được nhiều lần chuyển thể điện ảnh. Vì đây là tiểu thuyết tự thuật về cuộc đời Dazai nên thường cuộc đời Dazai được lồng ghép vào trong phim. Mới đây nhất bộ phim “Nhân gian thất cách và 3 người đàn bà trong cuộc đời Dazai” (人間失格 太宰治と3人の女たち) do nam diễn viên Oguri Shun đóng vai chính mới được công chiếu vào tháng 9 năm 2019 đã gây một làn sóng đồng cảm với Dazai trên toàn cõi Á Châu.

Như chúng tôi đã nhận định trong bài “Mưa trên thánh giá” (Lời tựa cho “Nữ sinh” lần tái bản thứ sáu, Nxb Hội nhà văn và Công ty Sách Phương Nam, trang 9):

“Con chim trước khi bay vào khu rừng sâu âm u hoang phế trong ánh chiều tà sắp tắt còn để lại một tiếng kêu thương ngân dài. Dazai đúng là như vậy. Từ mảnh tàn dư của văn chương vô mệnh (“Độc tiểu thanh ký” của Nguyễn Du “chi phấn hữu thần liên tử hậu, văn chương vô mệnh lụy phần dư”), cả một thế giới nội tâm u uẩn hiện ra không riêng gì Dazai mà của cả tinh thần Nhật Bản. Những người phụ nữ trong tác phẩm của ông từ thiếu nữ mười bốn tuổi nhẫn nhục cam chịu rồi phản kháng đến những người phụ nữ trung niên vẫy vùng giữa buổi tà dương đều không thoát ly khỏi dòng lịch sử với những buộc ràng thân phận gần như đến mức phi nhân. Với chính bản thân Dazai nữa, công cuộc sinh tồn đã là một trường đấu tranh mà để sống còn được đã là một chiến công hiển hách. Nhưng niềm trân trọng cùng sự xót xa thương cảm của Dazai đưa vào văn chương đã làm cho những dáng hình bé nhỏ kia và chính mình trở nên bất tử. Đó cũng chính là ân sủng của đau thương dành cho một đời văn ngắn ngủi. Nỗ lực âm thầm và đầy đau đớn của Dazai đã làm chúng ta nhận ra cả tiếng dế hắt hiu vọng lên từ xương cốt, những tiếng thét gào nhẫn nhục trong đêm câm, những giọt rượu mềm môi chát đắng và những giọt lệ nhỏ trên máu xương đều là lời ru ngọt của đoạn trường”.

Ngoài tiểu viết tiểu thuyết tự thuật (tư tiểu thuyết – 私小説) miêu tả trải nghiệm cá nhân, Dazai còn nổi tiếng về những tác phẩm xuất sắc miêu tả tâm lý và khắc họa tâm tình thời đại của người phụ nữ, từ một cô bé nữ sinh đến một người vợ đảm của nhà thơ nghèo. Tất nhiên không có một tác phẩm hư cấu nào gây đồng cảm và kinh ngạc cho độc giả mà không dựa vào trải nghiệm có thật. Như tác phẩm “Nữ sinh” được sáng tác dựa trên nhật ký của một độc giả nữ tên là Ariake Shizu (lúc bấy giờ 19 tuổi) gửi cho Dazai vào tháng 9 năm 1938, Dazai đã viết lại thành một truyện vừa nói về biến chuyển nội tâm của một nữ sinh 14 tuổi gói gọn trong vòng một ngày từ lúc thức dậy đến khi đi ngủ. Tâm lý bi quan trầm uất của một thiếu nữ tuổi dậy thì được ngòi bút xuất sắc của Dazai khắc họa bằng một văn phong vô cùng tinh tế. Ngay cả văn hào Kawabata Yasunari (người được giải thưởng Nobel văn chương đầu tiên của Nhật Bản với các kiệt tác “Xứ tuyết”, “Ngàn cánh hạc”, “Cố đô”…) cũng không tiếc lời khen ngợi. Và chính nhật ký của Ariake cũng đã trở thành một tư liệu văn học quý và được trưng bày tại bảo tàng văn học cận đại Aomori vào tháng 2 năm 2000. Cô bé nữ sinh trong tác phẩm vẫn mơ ước sống một cuộc đời đẹp đẽ mặc dù bắt đầu dần dần nhận thấy cuộc đời có nhiều cảnh trái ngang. “Cái lối giáo dục đạo đức ở trường lớp với những luật lệ của cuộc đời này vốn khác nhau quá xa, mà tôi biết rằng dần dần sự khác biệt này còn trở nên rộng lớn hơn nữa. Nếu như tuyệt đối tuân thủ theo những bài học đạo đức ở trường người đó sẽ bị xem là kẻ ngu ngốc lập dị, không thể thành đạt và trở nên bần cùng…Tôi muốn cái thứ đạo đức này nhanh chóng thay đổi. Nếu được vậy thì tôi sẽ không còn phải đê tiện và sống nhỏ giọt từ ngày này qua tháng khác không phải vì mình mà để chiều lòng người”…Đến tận bây giờ câu nói này vẫn gợi cho chúng ta suy ngẫm nhiều điều về giáo dục, nơi cách biệt giữa giáo điều và thực tiễn ngày càng sâu xa hơn.

Tà dương” được bình chọn là tác phẩm hay nhất của văn học Nhật Bản viết về thời hậu chiến nói về một gia đình quý tộc sa sút và sự can đảm đấu tranh để sống còn. Người mẹ quý tộc chết đi như chấm dứt tất cả sự đẹp đẽ của thời vàng son dĩ vãng. Chỉ còn lại Naoji ngập ngụa trong sự tự hủy lưu đày để cố gắng xóa nhòa đi cốt cách quý tộc nơi mình nhưng cuối cùng cũng phải tự sát vì “cuối cùng em vẫn là quý tộc”. Chỉ riêng Kazuko khi thức tỉnh rằng “con người được sinh ra vì tình yêu và cách mạng” mới quyết tâm sinh con với nhà văn Uehara, can đảm sống tiếp dù chỉ là một “nạn nhân” trong thời đại mới. Trong bức thư cuối cùng gửi Uehara, Kazuko đã viết: “Cuối cùng em đã hiểu tại sao có hòa bình, chiến tranh, các nghiệp đoàn, thương mại, chính trị trong cuộc đời này. Chắc là ông không biết đâu, phải không? Vì thế mà ông cứ bất hạnh mãi. Để em nói cho ông biết nhé. Đó là vì phụ nữ đẻ ra những đứa con ngoan”.

(Tất cả những trích dẫn được lấy từ tác phẩm “Tà dương” và “Nữ sinh” của Dazai Osamu, Hoàng Long dịch, nxb Phương Nam tái bản năm 2023 và 2024.)

Những đứa con ngoan đó chăm chỉ học hành trở thành những người con ưu tú của gia đình và dân tộc. Chính người con ngoan đó mới trở thành chính trị gia, nhà kinh doanh lỗi lạc và rồi từ đó chiến tranh, các cuộc chiến thương mại châm ngòi cho máu xương và hoang tàn đổ nát trên mặt đất này. Từ đó mặt đất chỉ còn đầy “nạn nhân”. Những người như Uehara tuy phóng đãng mà vô hại. Một đứa con ngoan nào đó có thể trở thành tội đồ cho cả nhân gian. Biết làm sao mà nói. Cuối cùng như nữ nhà văn Kakuta Mitsuyo trong bài cảm nhận về tác phẩm “Tà dương” đã phải thở than “đúng là cuộc đời này không có đạo lý nào cả”. Câu nói của Kazuko thật táng đởm kinh hồn, đủ khiến cho bao nhiêu tư tưởng gia phải ôm đầu xiểng liểng. Cái niềm kiêu hãnh ngất trời đó thật đúng là một bài ca nữ quyền chói lọi.

Bộ phim “Tà dương” với nữ diễn viên Miyamoto Mayu đóng vai Kazuko

Độc giả lúc mới đọc tác phẩm của Dazai thường cảm thấy sự suy sụp tự hủy và nhu nhược ủy mị. Có lẽ vì cái bóng quá lớn của đời tư được phản ánh trong “Thất lạc cõi người” đã khiến chúng ta trở nên thiên kiến. Nhưng khi đã đủ trải nghiệm cuộc đời để bình tâm đọc lại chúng ta sẽ nhận ra được hai điều cốt tủy.

Thứ nhất là tuy cuộc đời đầy đau thương và nhiều lần tìm đến cái chết nhưng tác phẩm của Dazai luôn mạnh mẽ đến mức ngạc nhiên. Như nhà văn Kakuta Mitsuyo đã nhận ra lúc mới đọc thì thấy có vẻ ủy mị yếu đuối nhưng khi đã từng trải đọc lại đều thấy tê người. Như câu kết truyện “Vợ gã hoang đàng”: “Nửa người nửa ngợm cũng không sao. Miễn mình còn sống là được rồi anh ạ”*. Câu nói này phải chăng hàm nghĩa dù bị đày đọa đau thương, dù nhân gian chối bỏ thì cuối cùng sự sống còn luôn là một chiến công hiển hách, đầy kiêu hãnh phẩm giá mà những con người yếu đuối tuyệt đối không thể hình dung.

(*Nguyên văn “人非人でもいいじゃないの。私たちは、生きていさえすればいいのよ”. Từ “nhân phi nhân” (人非人) nghĩa là tuy mang hình dáng con người nhưng đi chệch khỏi con đường làm người, nửa người nửa ngợm, không có phẩm giá con người)

Phim “Vợ gã hoang đàng” với nữ diễn viên Takako Matsu đóng vai chính

Như câu thơ của Ibaraki Noriko, một nhà thơ nữ Nhật Bản:

Cho dù vấp ngã bao lần

Tôi cũng phải tiếp tục sống

Dù không biết vì sao

Nhưng sống mới có thể bênh vực loài đang sống

この失敗にもかかわらず
私もまた生きてゆかねばならない
なぜかは知らず
生きている以上 生きものの味方をして

Thứ hai là tác phẩm của Dazai luôn khắc họa vẻ đẹp tâm hồn những người phụ nữ Nhật Bản với lòng trân trọng cảm thông. Điều lạ lùng là tất cả những nhân vật nhà thơ, họa sĩ, nhà văn trong tác phẩm Dazai vốn là những kẻ được trời ban cho khả năng thiên phú tìm kiếm cái đẹp và sống vì nó thì lại hết sức tầm thường dung tục, ham luyến hư danh còn những người phụ nữ của họ thì lại vô cùng đẹp đẽ dù trong hoàn cảnh giản dị hay cao sang. Trong “Tà dương” Naoji đã nhìn thấy nét đẹp dịu dàng đời thường của vị phu nhân họa sĩ “Bầu trời chiều mùa đông Tokyo xanh ngắt, nàng ôm con gái ngồi bên cửa sổ như chẳng để làm gì. Cái gương mặt nghiêng nghiêng đoan chính với những đường nét thanh tú nổi bật lên nền trời, đẹp như một bức tranh chân dung thời Phục Hưng”. Ngoài ra cung cách hành xử của người vợ của nhà thơ Otani trong truyện “Vợ gã hoang đàng” lúc nghe tin chủ quán rượu đến đòi nợ, khi đút khoai cho con ăn nơi chiếc ghế đá sứt mẻ bên bờ ao công viên Inokashira cho đến khi trả hết nợ và chờ chồng mình trở về hay phu nhân của nhà văn trong tác phẩm “Một ngày trọng đại”, vợ của ký giả trong truyện “Người vợ”…đều được khắc họa cao quý vô song. Đặc biệt là người vợ họa sĩ trong tác phẩm “Tiếng dế nỉ non” đã không chịu nổi sự thay đổi biến chất vì hư vinh của chồng mình đã quyết tâm chia tay “Vì em cảm thấy rằng tự sát chính là thứ tội lỗi ghê gớm nhất cho nên em nghĩ sau khi chia tay anh mình sẽ cố gắng sống thử cách sống mà mình cho là đúng đắn một thời gian xem sao. Anh làm cho em hãi sợ. Có lẽ trên thế gian này, cách sống của anh là đúng đắn đấy. Tuy nhiên em không thể nào tiếp tục sống như vậy được nữa”.

Tại sao những người phụ nữ trong tác phẩm của Dazai lại đẹp đến thế? Có lẽ vì trong sâu thẳm tim mình họ luôn có một thứ ánh sáng dù hiu hắt chiếu soi, trong tâm tư mình có một tiếng lòng đẹp đẽ không bao giờ tắt đi bất chấp hoàn cảnh, thời đại. Như câu kết của tác phẩm “Tiếng dế nỉ non”:

Khi em tắt đèn nằm ngửa nhìn lên trần nhà thì nghe dưới lưng em có tiếng dế kêu rền rĩ. Tiếng dế kêu ở dưới hành lang bên ngoài nhưng nghe vang vọng ngay từ dưới lưng em khiến em cảm thấy tiếng dế như nỉ non từ trong xương sống của em vậy. Em định sẽ sống cả đời với tiếng kêu hiu hắt nhỏ bé kia cất giữ mãi trong xương cốt. Có lẽ trên thế gian này, anh đã làm đúng còn em mới là người sai chăng? Thế nhưng em lại không biết mình sai ở đâu, sai như thế nào và tại sao mình sai nữa”.

Có lẽ cuộc đời này không có đúng sai. Chỉ có những gã đàn ông dung tục, những đứa con ngoan và những người phụ nữ đẹp đẽ đang cùng nhau tranh đấu và sống theo kiểu của riêng mình thôi chăng? Không có một đáp án chung cho tất cả mọi người. Như thế chúng ta phải dùng chính đôi mắt của mình để phân biệt giá trị xem điều gì là phù hợp hay không phù hợp. Từ đó mà tiếp tục hiên ngang sống. Sự mạnh mẽ quyết đoán đó ngạc nhiên thay lại toát ra từ những con người nhỏ bé, yếu đuối, “dù biết thua cuộc nhưng vẫn không ngừng đấu tranh”.

Đó có lẽ là điều Dazai Osamu muốn gửi gắm qua tác phẩm.

Và độc giả chúng ta cũng cần đọc kỹ để tìm ra những câu văn ngời sáng chứa đựng tiếng lòng đẹp đẽ của những người phụ nữ nói riêng và thân phận con người nói chung để khích lệ chính mình bước tiếp. Ý chí sống truyền đời đó sẽ không bao giờ tắt nghỉ và chỉ duy nhất văn chương mới có thể gọi tên. Ngay cả trong thời đại công nghệ thay đổi chóng mặt, thách thức và cải hoán các giá trị cũ hôm nay, khi con thuyền cuộc đời chới với biển sâu thì chúng ta vẫn luôn có thể tìm thấy ánh sáng niềm tin nơi ngọn hải đăng từ những tác phẩm văn học chân chính.

Sài Gòn, ngày 6/3/2025

Hoàng Long

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Có một thời ở Chợ Lớn: Những gam màu ký ức

Published

on

Có một thời ở Chợ Lớn là một trong hai tác phẩm mới nhất của nhà báo Phạm Công Luận do Phương Nam Book liên kết xuất bản dịp năm mới Ất Tỵ 2025. Chỉ một thời gian ngắn sau khi phát hành, sách sớm nhận được tình cảm của độc giả và lọt vào top sách bán chạy trong tuần tại Nhà Sách Phương Nam. Bên cạnh bản thân tác giả Phạm Công Luận, góp phần vào sự thành công của Có một thời ở Chợ Lớn không thể không kể đến họa sĩ Phạm Công Tâm với nhiều hình ảnh minh họa đẹp và đầy tinh tế, cũng như đội ngũ Phương Nam Book đã biên tập, thiết kế nhằm đưa tác phẩm đến tay độc giả theo cách chỉn chu nhất.

Chịu trách nhiệm thiết kế bìa và trình bày sách Có một thời ở Chợ Lớn là họa sĩ t.hờ. Trong bài phỏng vấn hôm nay, Bookish sẽ cùng anh t.hờ chia sẻ với bạn đọc về quá trình "lên đồ" cho Có một thời ở Chợ Lớn cũng như những câu chuyện bên lề thú vị trong quá trình sản xuất cuốn sách này.

  • Bookish: Anh có thể chia sẻ điều gì đã dẫn đến quyết định lựa chọn hình ảnh chùa Ôn Lăng và chợ Bình Tây làm ảnh bìa sách ở 2 phiên bản bìa mềm và bìa cứng?

Họa sĩ t.hờ: Nhắc đến Chợ Lớn, chắc hẳn 9 trên 10 người trong chúng ta sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh của chùa bà Ôn Lăng và chợ Bình Tây – hai công trình kiến trúc đặc trưng nhất của mảnh đất Chợ Lớn Sài Thành.

Đối với chùa bà Ôn Lăng, đây có thể coi là công trình mang đậm nét đặc trưng của kiến trúc Trung Hoa nhất giữa lòng Sài Gòn. Không chỉ là nơi chiêm bái của người dân địa phương và du khách gần xa, chùa bà Ôn Lăng còn là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa và tôn giáo như lễ hội Đoan Ngọ, lễ hội Trung Thu, lễ hội Thanh Minh, lễ hội Tết Nguyên Đán,… Chùa bà Ôn Lăng là một trong những ngôi chùa có ý nghĩa lịch sử và văn hóa quan trọng của Thành phố Hồ Chí Minh nói chung và mảnh đất Chợ Lớn nói riêng.

Còn về chợ Bình Tây, đây không chỉ là một ngôi chợ sở hữu lối kiến trúc độc đáo mang đậm dấu ấn văn hoá Á Đông của người châu Á ở đất Sài Thành, mà còn là nơi được biết tới là nơi trao đổi đồ cổ và buôn bán sỉ lớn nhất của người dân gốc Hoa ở Chợ Lớn. Dù hiện tại chợ Bình Tây đã có nhiều sự thay đổi về cơ sở hạ tầng nhưng những giá trị tinh thần, lịch sử và văn hoá vẫn còn được lưu giữ cho đến ngày nay.

Chính vì lẽ đó, chùa bà Ông Lăng và chợ Bình Tây đã được mình chọn lựa để đưa lên 2 phiên bản bìa của Có một thời ở Chợ Lớn.

  • 2 ấn bản bìa mềm và bìa cứng có sự khác biệt gì về hình ảnh minh họa trong sách không?

Để đảm bảo sự chính xác về thông tin của các bài viết thì phần hình ảnh và nội dung bên trong của 2 phiên bản không có gì thay đổi.

  • Liệu có ẩn ý nào phía sau việc sử dụng 2 tông màu nóng - lạnh cho 2 phiên bản bìa sách?

Nhắc đến Chợ Lớn, người ta sẽ nghĩ ngay đến những tone màu rực rỡ như chính sắc màu chủ đạo trong cuộc sống của người dân nơi này – màu đỏ rực của những chiếc đèn lồng gốc Hoa, màu đỏ thẫm của những lớp mái ngói vươn màu thời gian hay màu đỏ tươi của những chú lân trong các lễ hội,… Bên cạnh đó, ta không thể không nhắc tới sắc vàng của những bức tường vững chải chạy dọc các con phố, của những món đồ trang trí bóng bẩy mỗi dịp Tết đến xuân về.

Thế nhưng, không vì thế mà Chợ Lớn vắng đi những phút giây lắng đọng. Dạo quanh Chợ Lớn, người ta vẫn có thể dễ dàng bắt gặp những tòa chung cư lâu đời trên đại lộ Trần Hưng Đạo hay từ chính trong nét kiến trúc phương Đông được tạo nên từ kỹ thuật xây dựng của Tây phương trong lối kiến trúc độc đáo của ngôi chợ Bình Tây xuất hiện trên bản bìa mềm.

  • Có câu chuyện ngoài lề nào thú vị trong quá trình thiết kế cho cuốn sách này mà anh ấn tượng không?

Mình cho rằng đó là một “bài học” thú vị nhiều hơn.

Như các bạn cũng biết, trước khi “Có một thời ở Chợ Lớn” ra đời, tác giả Phạm Công Luận đã từng cho ra mắt một quyển sách cùng chủ đề đó là “Hồi ức Phú Nhuận”. Do cả 2 quyển một chủ đề nên với vai trò là người thiết kế bìa cho cả hai, mình mong muốn tạo được nét tương đồng trên bìa khi 2 quyển sách được đặt cạnh nhau để nhấn mạnh “tính chất văn hóa” của 2 quyển sách này. Chính vì vậy, mình đã chủ đích đem cái gần gũi, thân thương nhưng cũng mang trong mình những lắt cắt lịch sử mà mình từng thể hiện trong bìa của”Hồi ức Phú Nhuận” mang vào quyển “Có một thời ở Chợ Lớn” lần này.

Nhưng rồi mình nhận ra, mỗi vùng đất sẽ mang trong mình một vẻ đẹp riêng. Nếu như Phú Nhuận là mảnh đất của những ký ức tuổi thơ thân thương, của những giai kỳ hào nhoáng của một Sài Thành hoa lệ, thì Chợ Lớn sẽ là những đất của những khu mua sắm xa hoa, của những quán ăn nức tiếng, và của sự hào sảng, phóng khoáng của người dân Chợ Lớn Sài Gòn.

Vậy nên, mình cho rằng đó là bài học mình của bản thân mình: Để nhấn mạnh, nếu không thể tương-đồng thì chúng ta có thể chọn tương-phản.

Bookish xin cảm ơn họa sĩ t.hờ vì đã dành thời gian chia sẻ. Chúc anh nhiều sức khỏe và đạt được thành công trong năm mới Ất Tỵ 2025.

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Sứ đoàn Iwakura và những người phụ nữ đầu tiên rời khỏi Nhật Bản

Published

on

Sứ đoàn Iwakura là một phái đoàn ngoại giao quan trọng của Nhật Bản được thành lập vào năm 1871, nhằm mục đích tìm hiểu về các quốc gia phương Tây, thu thập kiến thức về công nghệ, khoa học, và hệ thống chính trị của các quốc gia này để áp dụng vào việc cải cách Nhật Bản.

Phái đoàn này được tổ chức dưới sự lãnh đạo của Iwakura Tomomi, một quan chức cao cấp của chính phủ Minh Trị. Được đánh giá là một trong những sự kiện lớn nhất của lịch sử châu Á cuối thế kỷ 19, sứ mệnh Iwakura chủ trương “Bunmei kaika” (văn minh khai sáng) đã chuyển sức mạnh của lưỡi gươm samurai sang năng lực của trí tuệ. Sứ đoàn gồm khoảng 100 thành viên, trong đó có nhiều nhân vật chính phủ cao cấp. Ngoài số kể trên còn có các du học sinh phục vụ cho việc thông dịch, thông tin. Họ đã đi thăm Hoa Kỳ và hàng chục các quốc gia châu Âu khác nhau như Anh, Pháp, Đức, Áo, Ý, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Thụy Điển và Nga.

Bản đồ quãng đường đã đi của sứ đoàn Iwakura. Ảnh: Digital museum of the history of Japanese in New York.

Đoàn cũng có nhiều nữ sinh trẻ tuổi theo du học, phục vụ cho việc giáo dục phụ nữ sau này. Trong số những người thuộc sứ đoàn có năm cô gái rất trẻ tham gia vào chuyến đi. Chuyến công du này đã thay đổi vận mệnh của từng người trong số họ nói riêng và cả dân tộc Nhật Bản nói chung.

Năm cô gái đồng hành cùng Sứ đoàn Iwakura gồm: Tsuda Umeko, Nagai Shigeko, Yoshimasu Ryoko, Yamakawa Sutematsu và Ueda Teiko. Trong đó, nhỏ nhất là Tsuda Umeko, lúc đó chỉ mới 6 tuổi, lớn nhất là Ueda Teiko và Yoshimasu Ryoko, 14 tuổi. Trong chuyến công du này, họ không có quyền quyết định theo ý mình mà phải nghe theo sự sắp xếp của cha mẹ và gia đình để đến một vùng đất xa lạ, gánh trên vai trách nhiệm lớn lao với nước nhà.

Trước khi được đưa sang Mỹ, họ không được học tiếng Anh hay văn hóa để thích nghi với môi trường sống ở nước ngoài. Đặt chân lên đất khách, họ bị báo chí bủa vây và gọi là "những cô công chúa kỳ lạ đến từ phương Đông". Những cô gái trẻ cảm thấy lạc lõng, cô đơn và sợ hãi khi tiếp nhận nền văn minh mới. Tệ hơn, sau đó họ phải tách nhau ra và được gửi đến các nhà nuôi dưỡng khác nhau. Sau một thời gian, hai người chị lớn tuổi nhất dần không chịu được cuộc sống ở nơi đất khách quê người và được đưa trở lại về quê nhà. Ba cô gái còn lại bao gồm Yamakawa Sutematsu, Nagai Shigeko và Tsuda Umeko đã kiên cường trụ lại, chăm chỉ nỗ lực học tập và làm nên lịch sử. Họ chính là ba trong số năm người phụ nữ đầu tiên rời khỏi Nhật Bản và cũng là những người phụ nữ thành công nhất thời Minh Trị.

Tsuda Umeko

Tsuda Umeko sinh ra trong một gia đình quan chức và được cử tham gia vào Sứ đoàn Iwakura sang Mỹ du học vào năm 1871 khi chỉ mới 6 tuổi. Dù phải học cách tự lập khi còn quá nhỏ, bà đã nỗ lực không ngừng và tốt nghiệp Học viện Aarcher Institute. Bà về nước vào năm 1892 và làm giáo viên dạy tiếng Anh của trường chuyên dành cho các nữ quý tộc.

Umeko đã dành cả cuộc đời mình để cống hiến cho giáo dục, đặc biệt là giáo dục nữ giới. Năm 1900, với sự trợ giúp của hai người bạn, bà mở trường Joshi Eigaku Juku (Trường Anh ngữ cho nữ sinh), chính là tiền thân của Đại học Tsuda hiện nay. Những cống hiến lớn lao của bà đã được chính phủ Nhật Bản ghi nhận, hình ảnh của bà cũng được in trên tờ tiền 5000 yên phát hành vào năm 2024.

Nagai Shigeko

Nagai Shigeko sinh năm 1862 trong một gia đình quan chức Mạc phủ Tokugawa. Năm 1871, bà được đưa sang Mỹ sinh sống và học tập tại nhà của nhà sử học John Stevens Cabot Abbott. Năm 1878, bà nhập học trường Nghệ thuật tại Đại học Vassar và theo học chuyên ngành âm nhạc.

Khi trở về nước, bà kết hôn với Uryu Sotokichi và trở thành một trong những những giáo viên dạy piano đầu tiên ở Nhật Bản. Bà cũng là một trong những người sáng lập, dạy âm nhạc phương Tây tại Đại học Nghệ thuật Tokyo.

Yamakawa Sutematsu

Yamakawa Sutematsu sinh ra trong một gia đình Samurai truyền thống hỗ trợ Mạc phủ Tokugawa trong Chiến tranh Boshin. Gia đình bà ở phe thua trận trong cuộc nội chiến cuối cùng kết thúc thời kỳ Samurai của Nhật Bản và rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Để giảm bớt miệng ăn trong nhà, người anh trai đã tự ý quyết định đưa bà tới Mỹ mà không hỏi ý kiến của bà.

Ở Mỹ, bà đã cố gắng học tập và đạt thành tích xuất sắc, sau đó ghi danh lịch sử khi trở thành người phụ nữ có học vị cao nhất Nhật Bản lúc bấy giờ. Bà là người phụ nữ Nhật đầu tiên có bằng Đại học.

Sau khi tốt nghiệp, bà học thêm về nghiệp vụ y tá và trở về Nhật Bản vào tháng 10 năm 1882. Khi trở lại quê nhà, Sutematsu gặp khó khăn trong việc giao tiếp khi không thể đọc hoặc viết tiếng Nhật. Sau đó, bà kết hôn với Oyama Iwao. Khi chồng bà được thăng chức, bà được cũng thăng cấp theo và trở thành Công chúa Oyama vào năm 1905. Thuở ấy, bà là một người có địa vị cao trong xã hội. Bằng kiến thức của mình, Sutematsu đã tư vấn cho Hoàng hậu về các phong tục phương Tây. Bà cũng sử dụng vị trí xã hội của mình để kêu gọi, quyên góp cho giáo dục phụ nữ. Bà là người góp công lớn trong việc thành lập nên Đại học Tsuda cùng với hai người bạn Tsuda Umeko và Nagai Shigeko.

Yamakawa Sutematsu, Nagai Shigeko và Tsuda Umeko đã mang kiến thức học được từ chuyến đi cùng Sứ đoàn Iwakura để truyền bá cho nữ giới ở quê nhà. Họ cùng nhau thực hiện một kế hoạch lớn lao, đó là mở trường học dành cho phụ nữ thuộc mọi tầng lớp trong xã hội. Dù ngay từ lúc bắt đầu đã gặp rất nhiều khó khăn, nhưng họ vô cùng quyết tâm và đã thành công. Họ là những người đã đặt nên nền móng để xây dựng nên nền giáo dục vì phụ nữ tại Nhật Bản, phất lên ngọn cờ chiến đấu vì nữ quyền, quyền được học tập làm việc, theo đuổi đam mê của bản thân.

Phỏng theo bài viết của Ái Thương trên Kilala.vn

Đọc bài viết

Cafe sáng