Book trailer

Ngược thời gian quay về mùa xuân Sài Gòn năm 1950

Published

on

Tiếp nối tinh thần từ tập I, Tùy bút – Hồi ký – Giai thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa (Tập II) tiếp tục giới thiệu những bài viết đặc sắc đă đăng trên các giai phẩm xuân phát hành tại Sài Gòn từ thập niên 1940 cho đến giữa thập niên 1970, trong đó bao gồm một số bài thơ. Tuyển tập không ngoài mục đích giúp độc giả có thể tiếp cận, thưởng thức những bài viết hay, giàu cảm xúc và tư liệu của các nhà văn, nhà báo ở miền Nam ngày xưa với tính tự sự cao, bộc bạch nhiều nỗỉ niềm sâu kín, tiết lộ những câu chuyện độc đáo lạ kỳ đã từng nghe thấy trên đưòng đời.

Tùy bút – Hồi ký – Giai thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa (Tập II) được chia thành 2 phần: Văn xuôi và Thơ. Phần Văn xuôi gồm 30 bài viết, trong đó mảng bài viết về thời chống Pháp, đời sống trong những ngày tản cư, chuyện ăn Tết của những tác giả gốc Bắc mang đến nhiều tư liệu hay, lạ và xúc động. Mảng bài “Tết trong tù” trên các báo xuân xưa thì luôn sinh động lạ kỳ, đậm tình người, tình yêu nước và ý chí vượt khó.

Trong khi đó, mảng bài về đời sống Sài Gòn, lục tỉnh xưa đầy lạc quan và trào lộng. Người đọc nhờ đó có cái nhìn cận cảnh về nét sinh hoạt, xã hội của người dân Sài Gòn thuở đó. Mảng bài “đưòng rừng” thì đặc sắc, huyền hoặc, đọc lại vẫn hay.

Tùy bút – Hồi ký – Giai thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa (Tập II)

Phần Thơ gồm 27 bài thơ, là phần được bổ sung so với Tùy bút – Hồi ký – Giai thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa tập I. Thơ Tết thường lắng đọng, trữ tình. Được sáng tác cách đây hơn nửa thế kỷ song một số bài đã có hơi thở hiện đại, một số thi sĩ đã thể hiện được tầm nhìn xa, vượt thời. Các bài thơ được sáng tác trong thời chiến, nhiều bài buồn man mác nhưng hào sảng, chân thật, không làm dáng, không bi lụy. Đó là câu chuyện về người con nhớ mẹ, nhớ quê dịp Tết về mà người Sài Gòn xưa và nay đều có thể đồng cảm. Đó còn là câu chuyện của người lính mắc kẹt trong chiến tranh, nhưng vẫn rất thi vị và lãng mạn để cảm thưởng cảnh sắc đất trời mùa xuân.

Bên dĩa mứt gừng và chén trà thơm ngày Tết, tuyển tập Tùy bút – Hồi ký – Giai thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa (Tập II) là món quà xuân nhiều cảm xúc và thấm đậm tình người mà chúng ta có thể thưởng thức qua từng trang sách. Qua các bài viết, độc giả không chỉ được đọc lại gần bốn mươi tờ báo xuân trải dàỉ qua gần ba mươi cái Tết trên đất Sài Gòn xưa, mà còn có cơ hội nhìn lại, chiêm nghiệm về con người, xã hội Việt Nam thời trước.

Chúng ta đang ở thời bình, ký ức về mùa xuân thời chiến, mùa Tết trong chiến trận dường như chỉ được gợi qua lời ông bà, cha mẹ. Vì thế, việc có một tuyển tập bài viết chỉn chu, hấp dẫn, tư liệu tốt như Tùy bút – Hồi ký – Giai thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa (Tập II) xưa ví như một thức quà đáng trân trọng ngày Tết, nơi ta được ngược dòng thời gian khi lật giở từng trang sách, tìm về ngày hôm qua của đất nước, của cha ông.

Về tác giả:

Nhà báo Phạm Công Luận không còn là cái tên xa lạ với độc giả, đặc biệt là những ai dành tình yêu cho những tác phẩm viết về Sài Gòn, đậm chất quê hương.

Dành trọn tình cảm cho mảnh đất Sài Gòn quê hương, nhà báo Phạm Công Luận cho ra đời quyển sách Tùy bút – Hồi ký – Giai thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa (Tập II), sau rất nhiều tác phẩm viết về Sài Gòn đã xuất bản. Chủ đề tương đồng nhưng không lặp lại, không nhàm chán, quyển sách tiếp tục mang lại hình ảnh một Sài Gòn quen thuộc song điểm xuyến thêm những nét nhấn của thời gian. Sài Gòn, vì lẽ đó, trở nên quen mà lạ, càng đọc càng bồi hồi.

Trong ký ức của nhiều người Sài Gòn xưa, những tờ báo xuân không đơn thuần là một món ăn tinh thần không thể thiếu mà còn là nét văn hóa riêng biệt của ngày Tết cổ truyền Việt Nam. Để rồi mỗi khi nhớ về Tết xưa, người ta lại bồi hồi trong không khí chộn rộn của những tờ báo xuân. Tuyển tập Tùy bút – Hồi ký – Giai thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa của nhà báo Phạm Công Luận là một món quà ngày Tết để mọi người ngồi lại lắng đọng, cùng nhau lật giở trang sách để lần về một trang thời đại xưa của Sài Gòn, thành phố ta đang sống.

Gió thoáng lạnh rồi năm sắp hết
Quê người nhiều lúc chạnh niềm riêng
Thấy đòn bánh Tết cành mai Tết
Tôi nhớ quê xưa nhớ mẹ hiền

– trích Về quê ăn Tết của Trần Ngọc Hưởng, đăng trên báo Tiếng nói dân tộc xuân Kỷ Dậu 1969 –

*

Tác phẩm Tùy bút – Hồi ký – Giai thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa được Phương Nam Book phát hành. Bạn có thể mua sách giảm 10% tại:

Click to comment

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Book trailer

Thơm thảo xôi chè: 30 thức quà ngọt ngào hương đồng gió nội

Published

on

By

Thơm thảo xôi chè là món quà dễ thương dành tặng những ai đam mê nấu nướng. Ngoài việc hướng dẫn tỉ mỉ công thức nấu ăn, tác giả còn khéo léo thuật lại cuộc phiêu lưu ẩm thực qua hành trình tìm kiếm các sản vật quý địa phương.

Dù cuộc sống ngày càng hiện đại, các món xôi chè vẫn là thức quà đặc trưng của người Việt, vừa thể hiện tấm lòng thơm thảo của con cháu trong việc thờ cúng tổ tiên vừa là món ăn dân dã trong cuộc sống thường ngày.

Cuốn sách dù đơn sơ, mộc mạc nhưng đã phần nào truyền tải thành công tình yêu nghề của người đầu bếp và trên tất cả là sự tinh tế của nền ẩm thực nước nhà.

Vừa học cách nấu ăn vừa trải nghiệm du lịch khắp bốn phương

Bốn năm sau khi ra mắt quyển sách ẩm thực Hương Bếp Nhà với chủ đề bánh thuần Việt, Trần Thị Hiền Minh trở lại với Thơm thảo xôi chè, mang đến cho độc giả những trải nghiệm mới với các món xôi, chè vừa truyền thống vừa hiện đại; vừa mang đậm bản sắc Việt vừa thể hiện tinh thần quốc tế thông qua chương văn hóa chè xôi các nước.

Trong Thơm thảo xôi chè, người đọc sẽ tìm thấy những món xôi, món chè hoặc rất quen thuộc, hoặc lạ đến ngỡ ngàng. Có những món chúng ta chỉ nghe loáng thoáng trên mạng xã hội hay xem qua video của các travel bloggers; có những món thoạt nghe hết sức phức tạp nhưng xắn tay làm thì thấy dễ vô cùng.

Chầm chậm dạo qua ba chương sách, độc giả sẽ thấy hình như mình cũng đang đi du lịch từ các ô ruộng bậc thang trập trùng Tây Bắc vào đến Hà thành, ghé ngang qua Cố đô Huế và miền Trung trong những ngày mưa phùn giá rét rồi ùa vào ruộng đồng miền Tây Nam bộ. Đồng thời, người đọc cũng sẽ có cảm giác chính bản thân mình đang trải nghiệm những chuyến du lịch bụi, lang thang hết phố ẩm thực nọ tới phố ẩm thực kia ở Thái Lan hay những con hẻm dài đầy quán vỉa hè tấp nập ồn ào của Malaysia.

Quyển sách ẩm thực công phu với 3 năm tâm huyết thực hiện

Thơm thảo xôi chè ra đời trước tiên bắt nguồn từ chính nhu cầu đơn sơ của người hảo món xôi chè, rồi thêm vào đó chút tình say sưa của người yêu ẩm thực truyền thống, sau được gia tăng thêm bằng nhiều đam mê của người “trót sa chân” vào thế giới của sắc, hương và vị.

Để thực hiện quyển sách Thơm thảo xôi chè, tác giả Trần Thị Hiền Minh và team Bếp Cô Minh đã mất 3 năm thực hiện bằng nhiều chuyến công tác để truyền tải những nét văn hóa ẩm thực giàu đẹp của Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Mỗi món ăn đều được tinh tuyển từ câu chuyện của một vùng đất, của những con người...

Khi chụp ảnh các món trong sách, tác giả muốn sử dụng đúng nguyên liệu địa phương, nhằm tái hiện rõ nét nhất cảm xúc và cảm nhận khi tiếp xúc với các chất liệu văn hóa đó, nên thời gian chụp ảnh và hoàn thiện quyển Thơm thảo xôi chè đã kéo dài lâu hơn dự kiến. Kết quả là một quyển sách ẩm thực không chỉ hấp dẫn về nội dung mà còn đẹp về hình thức đã ra mắt bạn đọc.

Hành trình khám phá ẩm thực đầy mới mẻ và sáng tạo từ các món xôi chè

Chưa cần nhắc gì tới truyền thống ẩm thực Việt Nam thì xôi với chè đã là hai món luôn có mặt trong danh sách yêu thích của bao thế hệ già trẻ lớn bé. Sáng mát ăn xôi mặn, trưa nóng ăn chè đá, chiều mát dạo phố ăn xôi ngọt, khuya về lành lạnh lại ăn chén chè nóng thì mới trọn vẹn một ngày.

Chúng ta có thể dễ dàng mua xôi, chè ở bất kỳ con đường nào, góc phố nào trên khắp dải đất hình chữ S này nên việc đồ xôi, nấu chè ở nhà dường như không cần thiết lắm. Thế nhưng, tác giả Trần Thị Hiền Minh lại cho rằng: “Nếu có thể dành chút thời gian ‘lăn vào bếp’ để chế biến một món ăn hợp khẩu vị; có độ ngọt nhè nhẹ để không phải vừa ăn vừa liếc nhìn cái cân thì đấy cũng là một thú vui trong cuộc sống bộn bề này vậy.”

Mỗi trang sách là một trải nghiệm đáng giá gửi đến những ai chưa (hoặc không) bao giờ từ chối được sự ngọt ngào của những gánh xôi, hàng chè – nét duyên góp phần kiến tạo văn hóa ẩm thực nước nhà. Tiêu đề quyển sách mang lại cho người đọc nhiều cảm xúc ở từ “thơm thảo” – cụm từ này như truyền tải tấm lòng của tác giả với bao tâm sức đã dành ra để gửi những trang viết đầy sắc màu sinh động đến bạn đọc. Và xôi chè như bước ra khỏi món ăn thuần túy, đưa mỗi chúng ta về với những hoài niệm, những kỷ niệm tuổi thơ mà ai cũng một lần trải qua, và luôn mong có dịp được quay về.

Nhận xét của giới chuyên môn

“Được đầu tư chỉn chu, Thơm thảo xôi chè hứa hẹn có cả phiên bản tiếng Anh dành cho du khách quốc tế. Để khi nhắc đến Việt Nam, bên cạnh phở, bún chả, bánh mì, bánh xèo,… các món xôi chè sẽ được du khách tìm hiểu thêm vì sự đa dạng sắc màu và những nét độc đáo riêng biệt.”

Lại Minh Duy,
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Giám đốc TST tourist

“Tôi tin rằng niềm khát khao gìn giữ các giá trị văn hóa trong từng món ăn, trong những món xôi chè mà cô Hiền Minh đã trải nghiệm và thực hiện sẽ tạo nên giá trị lớn lao cho cuốn sách này”.

Trần Thị Minh Tâm,
Nguyên Bếp trưởng Khách sạn Rex

“Bằng lối văn kể chuyện mộc mạc, dễ thương, những món ngon đã được lồng ghép trong bao câu chuyện từ ký ức tuổi thơ cho đến thời điểm hiện tại. Tất cả đã khơi dậy trong tôi sự tò mò, phấn khích muốn hơn một lần được nếm những dĩa xôi, chén chè ngon ngọt, thắm đượm tình quê”.

– Nhà báo Thanh Hương,
Phó Trưởng ban Điều hành Kênh HTV1 Đài Truyền Hình TP. HCM

Thơm thảo xôi chè của đầu bếp Hiền Minh là một cuốn sách vô cùng dễ thương dành cho những tín đồ hảo ngọt, hảo nếp. Cuốn sách này cũng có sức hút lạ lùng đối với những người đam mê nấu nướng bởi không chỉ đẹp về hình thức, sách còn đặc biệt hấp dẫn về nội dung. Không chỉ hướng dẫn các công thức nấu ăn đơn giản, dễ thực hiện; tác giả đã khéo léo dệt nên hành trình ‘phiêu lưu’ ẩm thực đầy mới mẻ và sáng tạo từ các món xôi chè dân dã đến món mỹ vị trứ danh, từ đó góp phần lan tỏa cảm hứng gìn giữ nét văn hóa ẩm thực tuy bình dị nhưng không kém phần tinh tế của xôi, chè.”

– Trần Đình Phương,
Giám đốc Sản xuất Công ty TNHH Truyền thông Bee (Bee Comm)

Trong cuốn sách trước, chị đã dành hết tâm huyết chia sẻ những bí quyết, mẹo hay, cách làm bánh đến những câu chuyện trong chuyến ngao du về miền ký ức tuổi thơ thì ở cuốn sách này, chị lại cho tôi thấy vẻ dung dị của những ‘gánh xôi, hàng chè’. Tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng chính nó lại thể hiện rõ nét văn hóa lúa nước đặc trưng của người Việt. Tôi hy vọng nhiệt huyết và niềm đam mê của chị sẽ được lan tỏa rộng rãi và tiếp lửa cho các thế hệ đầu bếp trẻ biết gìn giữ nét văn hóa ẩm thực vô cùng đặc sắc của dân tộc mình.”

– Đầu bếp Cẩm Thiên Long,
Phó Chủ tịch Hội Đầu bếp Chuyên nghiệp Sài Gòn

Về tác giả

Trần Thị Hiền Minh sinh 17/08/1974 tại Hà Nội và lớn lên tại Sài Gòn. Là cháu nội của nhiếp ảnh gia và nhà làm phim Nguyễn Lan Hương (Hương Ký), thuở còn đi học, đầu bếp Hiền Minh đã thể hiện năng khiếu và niềm đam mê với ẩm thực, đặc biệt là các món tráng miệng và món bánh Việt.

Các chức vụ đang đảm nhiệm:

  • Phó Chủ tịch Chi hội Đầu bếp Chuyên nghiệp Sài Gòn
  • Thành viên Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển Ẩm thực Việt Nam

Công tác giảng dạy:

  • Giảng viên trường Đại học Nguyễn Tất Thành
  • Giảng viên trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng
  • Giảng viên trường Đại học Sư phạm – Kỹ thuật
  • Đầu bếp Trần Thị Hiền Minh – Food Blogger kênh Youtube BẾP CÔ MINH với hơn 212.000 người đăng ký và Fanpage BẾP CÔ MINH gần 200.000 người theo dõi.
Đọc bài viết

Book trailer

Linh đinh tình phù sa: Đượm một chữ tình, mấy ai dễ quên?

Published

on

By

Linh đinh tình phù sa tập hợp 12 truyện ngắn lấy bối cảnh miền Tây sông nước của nhà văn Tống Phước Bảo. Vạn muôn mảnh đời cơ cực hiện lên rõ nét; nhưng dù ngặt nghèo, chông chênh cách mấy, thì đâu đó vẫn đượm lên một chữ “tình” mà cơ hồ chẳng ai thoát được.

Chữ tình quấn lấy những nhân vật trong Linh đinh tình phù sa, dắt dìu họ đi qua nỗi buồn, dẫn họ chạm đến niềm vui. Chữ tình khiến họ đắng đót với nỗi đau nhưng cũng là niềm thương để họ bám víu mà sống cho trọn đoạn đời phù sinh. Bởi chưng, người miệt thứ buồn đó rồi lại vui đó, như sóng nước xứ này vơi rồi lại đầy, như phù sa châu thổ muôn đời vẫn dâng người những mùa màng tốt tươi.

Sông nước nói thay cái tình của con người

Tống Phước Bảo rất xem trọng yếu tố thiên nhiên, nhà văn dùng thiên nhiên để nói lên tâm tư con người. Ngay từ cách đặt tiêu đề, anh đã cho người đọc thấy rõ điều đó. 12 tiêu đề cho 12 truyện ngắn đều lấy những yếu tố thuộc về thiên nhiên, mùa màng để đặt tên: Như lục bình trôi, Mùa so đũa trổ bông, Dòng trôi, Đò qua sông vắng, Câu hát linh đinh, Ráng chiều cù lao, Mây về cố quận, Chiếu không, Mưa miền Cố Giang, Cách một quãng đồng, Ong bầu đậu đọt mù u, Con cá làm ra con mắm.

Chính vì vậy, những đoạn miêu tả sông nước trong truyện không đơn thuần là miêu tả phong cảnh để làm tiền đề dẫn nhập vào truyện hay giới thiệu phân cảnh mới; ngược lại, phần nào đó, đã chính là truyện, bởi lẽ từng biến động của sông nước cũng là từng biến động của lòng người.

Sông nước không chỉ đem lại nguồn cảm hứng cho Tống Phước Bảo kể chuyện mà còn thúc đẩy nhà văn tìm cách vận dụng chữ sáng tạo để diễn tả lại một khái niệm quen thuộc. Chẳng hạn như, thay vì viết “tận cùng”, “cuối cùng”, tác giả sẽ lựa chọn viết chữ “cạn cùng” nhiều hơn để diễn tả ý niệm về việc chạm đến điểm kết thúc:

“Má bảo thôi cứ vậy mà để má sống khỏe thêm chừng nào hay chừng đó, nhà làm gì có trăm triệu đồng mà chạy chữa, ai rồi cũng tới lúc heo may gõ ngang đời mình, cạn cùng cuộc đời má muốn nằm ở đất quê.”

Vừa đậm chữ tình miền Tây, vừa đậm chữ nhã văn chương

Trong Linh đinh tình phù sa,Tống Phước Bảo đã vận dụng linh hoạt, nhuần nhuyễn những phương ngữ miền Tây nhưng không hề khiến cho độc giả cảm thấy suồng sã; ngược lại, những câu chữ vẫn rất đậm tính văn chương, có sự thể nghiệm sáng tạo trong cách kể chuyện.

Những tác phẩm trong tập truyện ngắn Linh đinh tình phù sa thường có lối vào đề trực diện, nhanh gọn, đúng như tính cách thật thà, thẳng thắn của người miền Tây. Chẳng hạn, truyện Như lục bình trôi đã bắt đầu ngay bằng cảnh xung đột, thể hiện được lập tức vấn đề cốt lõi mà nhân vật phải đối diện chỉ bằng một câu văn đơn giản: “Một tối, má Dũng hoảng hồn khi thấy thằng con quấn cái mền, lấy cây son của chị nó tô môi đỏ choét, đứng trong phòng mà múa hát.”

Bên cạnh đó, cách trình bày đối thoại của những truyện ngắn trong Linh đinh tình phù sa cũng là điểm đặc biệt cần phải nhắc đến. Thoại của các nhân vật không được đặt trong ngoặc kép mà viết liền mạch với lời kể chuyện. Ngoặc kép vốn là một yếu tố thị giác giúp người đọc dễ xác định được thoại bắt đầu từ đâu đã bị tác giả loại bỏ. Nguyên nhân có lẽ là vì khi làm như thế thì tâm tư bên trong và tiếng nói thốt ra bên ngoài của nhân vật sẽ bị tách biệt. Thế nhưng, các nhân vật miền Tây trong truyện vốn không phân tách cái bên trong và cái bên ngoài rạch ròi như thế. Họ chân chất, trong-ngoài hay trước-sau đều như một nên để thoại nối liền lời dẫn truyện chính là để tâm tình của họ miên man hơn, hòa lẫn vào nhau như cách mọi dòng sông ngoài kia vốn đều là một, ranh giới do con người tự đặt ra chỉ là để dễ bề phân định nơi chốn.

Lời cảm thán cho phận người linh đinh được bộc bạch chân chất

Linh đinh tình phù sa mang đến cho người đọc bầu không khí ấm cúng như đang tham gia vảo một cuộc trà dư tửu hậu thân mật giữa bạn bè – trong đó, mọi người cùng góp chuyện và đưa ra những lời bình luận. Cảm giác này được hình thành là do Tống Phước Bảo thường xuyên vừa kể chuyện, vừa bình luận. Hãy thử khảo sát đoạn văn sau:

“Trai tráng xứ Xà No lên thành thị kiếm đường mưu sinh. Đàn bà thì ngược về Long Xuyên hay Cần Thơ đi ở đợ. Nghe xót xa gì đâu đó chèn! Nhưng mà cái thắt thẻo nhất là con gái Xà No nức tiếng da trắng dáng xinh, mặt sáng như trăng gieo neo phận mình vào mấy cái quán xanh đỏ đèn màu trên Sài Gòn. Mấy cái quán đêm hay ngày thì cũng tối thui, âm u. Ờ, âm u như đời của đàn bà con gái xứ Xà No.”

“Nghe xót xa gì đâu đó chèn!”, và “Ờ, âm u như đời của đàn bà con gái xứ Xà No,” là hai câu cảm thán của riêng người viết được chen vào. Trong những trang văn ngày xưa, kiểu lời bình như thế này rất thường gặp. Nhưng trong văn học đương đại sau này, lối viết chen ngang câu cảm thán không còn xuất hiện thường xuyên.

Quay ngược lại dòng lịch sử văn chương, khi chủ nghĩa hiện đại ra đời đã nhấn mạnh yếu tố cách tân kĩ thuật, những đại tự sự mang tính thời đại; sau đó là chủ nghĩa hậu hiện đại xuất hiện với tính chất vừa tiếp nối vừa tìm cách phản biện chủ nghĩa hiện đại bằng việc nhấn mạnh hơn đến tiểu tự sự, tính cá nhân độc nhất hơn là tính đại diện thời đại, bên cạnh đó là những phá cách nhiều hơn nữa trong lối kể chuyện. Trải qua một tiến trình văn chương như thế, ở những tác phẩm sau này, để câu chuyện có vẻ mang tính khách quan, lời bình của người viết thường sẽ ít xuất hiện.

Trong văn học Việt Nam, vì những ảnh hưởng từ văn học phương Tây, lối văn có kèm lời bình cũng ít xuất hiện dần. Tuy vậy, phong cách vừa kể chuyện vừa bình luận có lẽ lại là một trong những đặc điểm quan trọng của văn học phương Đông. Khi chọn cách viết truyền thống như thế này, Tống Phước Bảo đã có ý thức quay về cội nguồn phương Đông, giống như cách Nguyễn Du cũng thường cất lên tiếng than, lời bình của chính mình về phận đời xót xa của phụ nữ trong Truyện Kiều: “Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.”  

Như vậy, mối quan hệ tam giác chứa đựng nhiều khoảng cách giữa người viết – nhân vật – người đọc đã không được tạo ra trong Linh đinh tình phù sa. Thay bằng hình tam giác, ta có một vòng tròn – vòng tròn mà bạn bè ngồi quây quần bên nhau để kể chuyện. Ở đó, có lúc thì nhân vật lên tiếng (qua những lời thoại), có lúc thì người viết lên tiếng (qua lời kể và bình), còn người đọc tuy lúc nào cũng im lặng lắng nghe cuộc đối thoại tung hứng đầy tự do, hào sảng giữa người viết và nhân vật nhưng hẳn là trong lòng luôn có những tiếng nói đồng cảm – tiếng nói này tuy vô thanh nhưng sẽ còn vang vọng mãi trong tâm trí kể cả khi những trang cuối cùng của quyển sách đã khép lại từ rất lâu.

Trích đoạn

Sóng nước bưng biền vậy chứ nó thấm thía nỗi buồn lắm, nó gợn vỗ nhẹ hều vậy đó, mà nó vỗ miên trường suốt cả cuộc đời. Vỗ bạc trắng mái đầu hồi nào hổng hay.

(trích Như lục bình trôi)

Hò ơi... Canh chầy tơ tưởng tưởng tơ. Chiêm bao thấy bậu... Hò ơi chớ chiêm bao thấy bậu, dậy rờ chiếu không!

(trích Chiếu không)

Thời gian không bao giờ đi lạc, bốn mùa cứ tuần tự xuân hạ thu đông rồi lại xuân. Chỉ mỗi con người ta là cứ đi lạc về những nẻo xa hun hút.

(trích Đò qua sông vắng)

Nhận xét

Nhà văn Võ Diệu Thanh

“Văn của Linh đinh tình phù sa là một chữ tình được viết rất lả lướt bằng chính những vết thương. Vết thương có bao giờ mà không chân phương. Nhưng đó lại là một quần thể thương tật có thể cất lên tiếng lòng du dương, mượt mà điệu nghệ. Đốp chát đấy nhưng chất tình lành lặn và mang một sức sống bền bỉ.”  

– Nhà văn Võ Diệu Thanh

Về tác giả

Tống Phước Bảo còn có bút danh Trúc Thiên, là hội viên Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện sinh sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Giải thưởng:

- Giải C Trại sáng tác “Hình ảnh chiến sĩ Cảnh sát Nhân dân”, Bộ Công an, 2022;
- Giải B giải thưởng “Cây bút vàng”, Bộ Công an, 2021;
- Tặng thưởng Văn xuôi, tạp chí Văn nghệ Quân đội, 2020;
- Giải Nhất cuộc thi Tạp bút “Thành phố tôi yêu”, báo Thanh Niên, 2020;
- Giải Nhất cuộc thi Tạp bút “Quê nhà dấu yêu” báo Áo Trắng, 2020;
- Giải Nhất cuộc thi Truyện ngắn “Một nửa làm đầy thế giới”, NXB VH-VN Tp. HCM, 2019;

Và một số giải thưởng khác.

Sách đã xuất bản:

- Cả một trời thương (2018);
- Mình gọi nhau là cưng (2019);
- Les từng Cen-ti-mét (2020);
- Sài Gòn còn thương thì về (2021);
- Hỗn kỳ đài (2021);
- Biết vọng cố hương biết thương xứ mình (2022);

Cùng hơn 20 đầu sách in chung.

Đọc bài viết

Book trailer

Think Big: Bước chuyển thần kỳ trong sự nghiệp bắt đầu từ nghĩ lớn

Published

on

By

Nếu đang gặp khó khăn trong việc phát triển sự nghiệp, độc giả sẽ tìm thấy lộ trình phù hợp cho riêng mình khi đọc Think Big – cuốn sách kĩ năng tổng hợp rất nhiều kiến thức khoa học hữu ích về hành vi con người của Tiến sĩ Grace Lordan.

Trong nhịp sống hối hả ngày nay, nhiều người trong chúng ta luôn mơ ước tìm ra lối tắt để nhanh chóng gặt hái một sự nghiệp rực rỡ cho riêng mình; nhưng rồi những lịch trình “bào sức” khiến bạn nhanh chóng nản chí, những thất bại đầu tiên làm bạn bớt kỳ vọng hơn, và ngờ vực rằng thành công là điều gì đó quá xa tầm với. Tuy nhiên với Think Big, Tiến sĩ Grace Lordan lại có cách diễn giải rất khác về phương thức tiếp cận thành công dựa trên những hiểu biết khoa học về hành vi con người và chuyển hóa chúng thành một khuôn khổ đơn giản, nhưng đủ sức tạo ra sự khác biệt lớn cho cuộc sống chúng ta.

Những hướng dẫn thiết thực dựa trên nền tảng vững chắc từ khoa học hành vi

Có thể bạn biết mình muốn tiến đến đâu trong nấc thang sự nghiệp, chỉ là bạn không biết phải làm thế nào để đi được đến đó. Hoặc bạn mông lung không rõ mình muốn tiến đến đâu – chỉ là bạn biết chắc mình không thuộc về vị trí hiện tại. Hoặc bạn biết mình định tiến đến đâu, và có thể vạch ra đường hướng trên giấy trắng mực đen, nhưng các yếu tố bên ngoài lại đang cản trở bạn như môi trường làm việc, đồng nghiệp, cấp trên… Dù đang ở hoàn cảnh nào, bạn cũng đều sẽ tìm ra được những hướng dẫn thiết thực để cải thiện hiệu quả công việc trong Think Big. Tác phẩm giúp người đọc từng bước xây dựng sự nghiệp mơ ước, cũng như cách thực hiện điều đó qua việc áp dụng những kiến thức khoa học hành vi.

Là một bộ môn liên ngành, khoa học hành vi tìm hiểu lý do tại sao mọi người lại đưa ra một lựa chọn nào đó, đồng thời xác định xem chúng ta có thể thực hiện những điều chỉnh nào với môi trường xung quanh để đạt được một kết quả khác. Khoa học hành vi cũng có thể giúp lý giải tại sao mọi người lại thường “sảy chân” trong hành trình sự nghiệp.

Đồng thời, khoa học hành vi còn giúp giải thích tại sao một số người không tham gia vào cuộc đua nghề nghiệp ngay từ đầu, hay những người khác bỏ cuộc ngay khi vừa thoáng thấy bóng dáng thất bại. Khoa học hành vi cho thấy chúng ta nên nghĩ lớn và đặt mục tiêu cho tương lai, đồng thời chỉ ra rằng việc thực hiện những bước nhỏ đều đặn sẽ giúp hỗ trợ cho việc nghĩ lớn, thúc đẩy chúng ta chạm đến mục tiêu mình mong muốn.

Thay đổi đến từ việc nghĩ lớn và tiến từng bước nhỏ mỗi ngày

Với 7 chương trình bày về 6 vấn đề then chốt trong hành trình nghĩ lớn, Think Big như một cuốn sách “vỡ lòng” về việc tận dụng những thay đổi khiêm tốn để đạt được những mục tiêu vĩ đại. Tiến sĩ Grace Lordan sẽ đưa ra một lộ trình hết sức rõ ràng và đầy thuyết phục, chỉ ra những ngả đường hướng tới việc giúp người đọc hiện thực hóa giấc mơ sự nghiệp viên mãn.

Trong vai trò là giáo sư chuyên ngành khoa học hành vi của Trường Kinh tế London, khi giảng dạy cho học viên hay trò chuyện với những người trong ngành, Tiến sĩ Grace Lordan luôn hướng người nghe nhận thức được rằng: Những nghiên cứu của bà về hành vi con người giúp giải thích nguyên nhân tại sao điều họ mong muốn lại không thành hiện thực.

Với Think Big, Tiến sĩ Grace Lordan cũng thực hiện nhiệm vụ tương tự như khi giảng dạy. Bà giải thích lý do tại sao kết quả mà người đọc đang nỗ lực hướng tới chưa thể thành hiện thực, đồng thời chỉ cách vượt qua những trở ngại đó. Tác giả dùng những hiểu biết của bản thân kết hợp với những nghiên cứu mới nhất của khoa học hành vi, cùng kiến thức từ các lĩnh vực kinh tế, tâm lý học và quản trị để giúp người đọc xây dựng sự nghiệp mong muốn. Mặc dù bà đã thay đổi thông tin cá nhân của các nhân vật được nhắc đến trong sách, nhưng trải nghiệm của họ vẫn hoàn toàn là thật. Người đọc thậm chí có thể nhìn thấy bản thân mình trong chính câu chuyện của nhân vật.

Sáu chiếc chìa khóa giúp thay đổi cuộc đời

Bất kể người đọc đang ở vai trò, ngành nghề hay giai đoạn nào trong sự nghiệp, cũng đều sẽ có thể tìm thấy những bài học quý giá trong Think Big. Tác phẩm giúp người đọc nghĩ lớn về tương lai của mình và hình dung ra mục tiêu tương ứng với suy nghĩ ấy.

Để giúp người đọc đạt được mục tiêu, Think Big tập trung vào việc xác định các bước nhỏ cần thực hiện thường xuyên để đạt được hoài bão. Và một điều quan trọng không kém là, những kiến thức khoa học hành vi sẽ giúp người đọc kiên trì thực hiện từng bước đi đó, vượt qua các thiên kiến hoặc trở ngại cản lối trên hành trình “nghĩ lớn”.

Những chiếc chìa khóa giúp người đọc “sang số” cuộc đời, được đề cập trong Think Big là:

• Mục tiêu
• Thời gian
• Nhận thức bên trong
• Nhận thức bên ngoài
• Môi trường
• Sức bật tinh thần

Sáu vấn đề trên chính là nội dung cốt lõi của sáu chương trong Think Big. Lồng ghép trong mỗi chương là một loạt kiến thức khoa học hành vi. Từng phần kiến thức ấy sẽ giúp nâng cao khả năng thành công của người đọc trong việc hiện thực hóa mục tiêu nghĩ lớn bằng cách thực hiện đều đặn từng bước nhỏ, bắt đầu từ hôm nay. Tuy nhiên, những gì hiệu quả với người này có thể lại không hiệu quả với người khác. Điều cốt yếu là người đọc biết được đâu là phương pháp phù hợp với mình qua việc thử áp dụng các hướng dẫn trong sách vào trải nghiệm bản thân. Bên cạnh đó, kiến thức khoa học hành vi trong mỗi chương đều xứng đáng được xem xét. Khi đã hiểu rõ về hành vi của chính mình, người đọc sẽ có thể định hình tư duy nghĩ lớn dễ dàng hơn.

Trích đoạn

“Hầu như mỗi ngày trên khắp thế giới, mọi người đều quyết định rằng họ cần phải làm một cuộc cách mạng trong công việc. Các bạn muốn làm một điều gì đó tốt hơn những gì đang làm hiện tại. Mỗi người đều có định nghĩa riêng về ‘điều tốt hơn’ , nhưng điều đó không có nghĩa là các nguyên tắc để đạt được chúng lại khác nhau.”

***

“Dù đang bập bẹ kinh doanh, hay sắp đóng cửa một doanh nghiệp; hân hoan bước vào giảng đường đại học, hay nghĩ đến việc bỏ học ngang chừng; cạnh tranh gay gắt để được thăng chức, hay mơ mộng chuyển sang một bộ phận khác trong công ty, thì bạn vẫn là một trong số rất nhiều người đang chán nản với công việc của mình và cần thay đổi.”

***

“Phấn đấu đến vạch đích cụ thể nào đó là một hành trình mệt mỏi, tuy nhiên mọi thứ sẽ còn tồi tệ hơn nếu bạn làm việc chăm chỉ nhưng không có phương hướng hoặc mục tiêu trong đầu. Để thành công, nhiều người trong chúng ta hy sinh cả việc chăm lo cho bản thân. Chúng ta bỏ lỡ các sự kiện gia đình, lờ đi các buổi khám sức khỏe, quên béng các dịp đặc biệt và nhiều điều khác nữa. Nếu chấp nhận đánh liều với sức khỏe và hạnh phúc, vậy chắc hẳn chúng ta phải được khen thưởng tương xứng với tầm ảnh hưởng, kỹ năng, năng lực và tài năng của mình chứ? Nếu không, những rủi ro mà chúng ta đang gánh đâu có được đền bù xứng đáng.”

Nhận xét của báo chí thế giới

“Kiến thức khoa học hành vi đang được áp dụng khắp toàn cầu với nhiều mục đích khác nhau, nhưng đến nay vẫn chưa được ứng dụng trong việc xây dựng sự nghiệp – điều mà Grace Lordan đã xem xét một cách có hệ thống, dẫn chứng hùng hồn, và dẫn dắt tự nhiên trong Nghĩ lớn.”

- Robert Cialdini,
tác giả cuốn InfluencePre-Suasion

“Đây là cuốn sách hiếm hoi về phát triển bản thân được diễn giải bởi những dẫn chứng thực tế. Dựa trên kiến thức tâm lý học và kinh tế học hành vi của mình, Grace Lordan đã chia sẻ một loạt những thông tin thiết thực, dễ hiểu để bạn có thể thoát khỏi lối mòn và dần tiến đến mục tiêu nghề nghiệp của mình.”

- Adam Grant, tác giả sách bán chạy của New York Times với hai tác phẩm Think AgainOriginals,
kiêm người dẫn chương trình podcast WorkLife của TED

“Bạn muốn thăng tiến nhanh chóng trong sự nghiệp mà không làm tổn hại đến hạnh phúc cá nhân? Nghĩ lớn sẽ giúp bạn. Quyển sách đưa ra một khuôn khổ tiện dụng, theo định hướng khoa học phù hợp với cuộc sống của những người bận rộn nhất.”

- Jonah Berger,
giáo sư Trường Wharton và là tác giả sách bán chạy The Catalyst

“Trên hành trình nghĩ lớn – về bản thân và về thế giới – Grace Lordan chính là người dẫn dắt thông tuệ và lôi cuốn. Cô đã viết nên một quyển sách ‘vỡ lòng’ về việc tận dụng những thay đổi khiêm tốn nhất để đạt được những mục tiêu vĩ đại.”

- Daniel H. Pink,
tác giả cuốn When, DriveTo Sell is Human

“Tiến sĩ Grace Lordan đã viết nên một trong những cuốn sách thiết yếu mà bất kỳ ai cũng có thể đọc để nâng cao đời sống làm việc của mình. Với kiến thức khoa học hành vi sâu rộng của mình, tác giả đã chỉ rõ làm thế nào chúng ta có thể đạt được khát vọng và xua tan những lo lắng cũng như cảm giác ngờ vực bản thân.”

- Bruce Daisley,
tác giả The Joy of Work

“Trong cuốn sách nhất-định-phải-đọc này, Grace sẽ trang bị cho bạn những bí quyết cần thiết để đưa sự nghiệp của mình lên một tầm cao mới. Cuốn sách này không chỉ truyền cảm hứng để bạn nghĩ lớn, mà còn khiến bạn phải hành động ngay lập tức để biến ước mơ thành hiện thực. Khi bạn nghĩ lớn và bắt đầu thực hiện từng bước nhỏ, kiên định tiến về phía trước mỗi ngày, mọi thứ đều trở nên khả thị!”

Simon Alexander Ong

“Nếu bạn biết đã đến lúc phải nhắm đến mục tiêu cao hơn trong sự nghiệp của mình, Nghĩ lớn sẽ mang lại bộ công cụ khoa học hành vi rõ ràng và thú vị để giúp bạn hiện thực hóa mục tiêu và thay thế thực tại của bạn bằng điều gì đó lớn lao hơn, tốt đẹp hơn, và thú vị hơn.”

- Dorie Clark, tác giả Reinventing You kiêm giảng viên khoa giáo dục điều hành,
Trường Kinh doanh Fuqua thuộc Đại học Duke

“Lôi cuốn, thực tế và sâu sắc. Nghĩ lớn là một huấn luyện viên rành rẽ về vấn đề hiệu suất công việc ngay trong đầu bạn, giúp bạn điều chỉnh con đường hướng tới sự nghiệp mà bạn thực sự khao khát.”

- Graham Allcott,
nhà sáng lập tổ chức tư vấn Think Productive

Về tác giả

Tiến sĩ Grace Lordan là giám đốc điều hành kiêm người sáng lập chương trình đào tạo Sáng kiến Hòa nhập (The Inclusion Initiative), giám đốc chương trình đào tạo thạc sĩ chuyên ngành khoa học hành vi, và giáo sư dự bị bộ môn khoa học hành vi tại Trường Kinh tế London. Xuất thân là một nhà kinh tế học, nghiên cứu của cô tập trung vào việc tìm hiểu lý do tại sao một số cá nhân thành công trong cuộc sống còn số khác thì không. Cô là chuyên gia về các vấn đề như tác động của thiên kiến vô thức, sự phân biệt đối xử, và những thay đổi công nghệ. Grace còn là chuyên gia cố vấn cho chính phủ Anh, đồng thời cô cũng là thành viên hội đồng đánh giá kỹ năng và năng suất chính phủ. Các bài viết học thuật của cô xuất hiện trên nhiều tạp chí khoa học quốc tế hàng đầu về kinh tế và các ngành khoa học xã hội mở rộng. Tác phẩm này là cuốn sách đầu tiên của cô.

Đọc bài viết

Cafe sáng