Sáng tác

Truyện ngắn: Ngôn ngữ tình yêu (Nicolette Polek)

Published

on

Biba ngọ nguậy trên ghế máy bay, thả hồn theo điệu nhạc phát ra từ tai nghe. Cô không thể tránh khỏi cảm giác ngứa ngáy do vỏ bọc cọ vào tai và không khí mát mẻ len lỏi vào trong. Mỗi lần khỏi bất cứ nơi nào, Biba luôn thấy lòng mênh mang khó tả, cứ như thể cô sẽ vĩnh viễn rời xa nơi ấy.

Người hành khách ngồi cạnh Biba đeo một chuỗi hạt vàng to, rực rỡ và đang lầm rầm cầu nguyện. Cô cầu cho chuyến bay thượng lộ bình an và tiện thể, xin cho ông chồng cùng với gã nghệ sĩ dương cầm ngớ ngẩn đã dụ dỗ ông đi, đều sớm ngày… xuống lỗ. Trong khoảng thời gian tĩnh lặng hơn một chút của chuyến bay, cô quay ra phía ô cửa sổ bé xíu, thì thầm với những người ở dưới đất rằng họ sẽ sớm phải nếm mùi cay đắng.

Một tiếp viên trông có vẻ mũm mĩm và dễ chịu y như một cô bảo mẫu, hay một thanh xúc xích. Cô bước ra giữa lối đi để thông báo gì đó. Sự hỗn loạn trên chiếc máy bay chật chội khiến bụng của Biba đau nhói. Cô cần một viên thuốc an thần và một nụ hôn.

Cô tiếp viên thì thầm qua chiếc loa: “Chúng ta bay lạc rồi.” Câu nói đó quét qua khuôn mặt của tất cả mọi người nhiều biểu cảm khác nhau. Cô gái tiếp tục giải thích rằng phi công “chưa bao giờ nhìn thấy nơi này”, theo hệ thống định vị, chúng ta đang bay qua “một nơi mà hiện không còn ở đó nữa.”

Biba vươn vai ngó ra ngoài. Mây giăng đầy trời và đây đó có những mảng xám như mảnh vá. Cô nhún vai, nói với người phụ nữ đeo chuỗi hạt vàng:

– Tôi thấy có gì khác lạ đâu.

Lúc này, một số tiếp viên khác mặc đồng phục nghiêm trang, trông có vẻ không thoải mái như người ban nãy, đang đi khắp máy bay để nhắc nhở mọi người cách đeo mặt nạ dưỡng khí và tuyệt đối không nhìn ra cửa sổ.

Khung cảnh mây và núi trông thật đơn sơ và thân thuộc.

Giọng người phi công bắt đầu cất lên qua bộ truyền thanh. Anh cố kể vài câu chuyện tếu táo và hỏi han, gợi chuyện cho hành khách tám với nhau. “Anh chị thích ăn món gì?”, “Mọi người thích đi nghỉ ở nơi nào?” Biba thầm trả lời tất cả câu hỏi đó trong trí óc. Chúng làm đầu óc cô dịu lại. Cô cảm giác mình hoàn toàn có thể ra đi thanh thản như thế này. Người phụ nữ đeo chuỗi hạt vàng rít lên giận dữ với một gia đình ngồi ở băng ghế trên, sau đó, cô bắt đầu thở gấp. Bên ngoài, bầu trời dần ngả sang sắc đỏ rực rỡ và những đám mây biến thành những quả cầu bạc óng ánh. Dường như máy bay đang bay chậm lại, tựa hồ đang xuyên qua thứ gì đó dày đặc. Một cảm giác kỳ quặc lan tỏa khắp cabin như một cơn đau mình.

Sau một tiếng đồng hồ, giọng của những người tiếp viên the thé vang lên. Đôi mày của họ chau lại, lộ vẻ hãi hùng. Họ tụ tập ở đuôi máy bay, lôi những chai slivovitz ra từ sau tấm màn đen. Một người đàn ông nước mắt lưng tròng liền nhập hội. Người phụ nữ đeo chuỗi hạt vàng cũng nối gót theo sau. Vừa hớp rượu, họ vừa nhìn chằm chằm vào vùng đất mơ hồ và đáng sợ như địa ngục bên dưới. Cảm giác hoang mang tột độ trong mỗi người càng bị khích động. Miệng họ nguyền rủa liên hồi. Họ uống bạo đến mức những chiếc chai thủy tinh rỗng mau chóng rải rác khắp mặt sàn. Bên ngoài, trời tối sầm lại, mấy đám mây bừng lên ánh lửa. Một âm thanh rùng rợn quét qua máy bay.

Cuối cùng, một hành khách tình cờ mở được cửa hầm thoát hiểm nhỏ xíu. Hệt như một trò đùa. Nhưng dù sao đi nữa cũng có chỗ leo xuống. Các hành khách khác lần lượt thoát thân, từng người, từng người một.

Sau một lúc, khoang hành khách vắng tanh, chỉ còn lại anh phi công, Biba và từng cơn gió rít.

*

“Cô thích loại nhạc nào?” anh cất tiếng hỏi. Biba cảm thấy người sốt lên. Chàng phi công bật một bản nhạc của Strauss. Giai điệu du dương tràn qua loa phát thanh.

“Nếu được, ngay lúc này cô ước mình đang ngồi ở đâu?” anh lại hỏi.

“Nếu được trở thành một người trong thư viện, cô sẽ là ai?” chàng trai hỏi tiếp.

Biba ngắc ngứ trong miệng. Cô cũng muốn hỏi chuyện người phi công.

Anh lại cất tiếng: “Cô nghe tôi nói chứ?”

Biba ước gì cô có thể đứng dậy, bước tới và ngồi xuống bên cạnh người phi công. Nhưng cô không nhấc người lên nổi. Hình như anh ấy đang bước lại gần hơn nhưng rồi vĩnh viễn đứng yên một chỗ.

Liệu anh có cảm nhận rằng cô còn ngồi trong máy bay với anh? Rằng cô còn bị mắc kẹt đâu đó? Cô tự hỏi mỗi khi máy bay cất cánh, anh có nghĩ đến gia đình, đến Chúa hay người thương chăng. Rồi cô lại băn khoăn anh có nuôi thú cưng không, nó sẽ chào đón anh bằng niềm vui khôn tả. Và anh có luôn để cửa mở để chờ người đi xa trở về?

“Khi chúng ta hạ cánh thì sẽ thế nào nhỉ?”

Em sẽ nắm tay anh và chúng ta thoát khỏi chiếc máy bay này – Biba thầm nghĩ.

Ga cuối là một căn phòng trống hoác, có mùi tựa như một chiếc găng tay. Một cậu bé thiếp đi trên chiếc ghế đỏ. Chúng ta sẽ bước vào xe hơi của anh và lái đi giữa trời mưa tầm tã. Chúng ta ngồi bên nhau. Không ai nói một lời. Cũng chẳng cần nhìn nhau. Anh sẽ đỗ xe bên bờ biển. Đó là điều dịu dàng nhất trên thế gian này.

Cô dựa sâu vào ghế.

Lâu thật lâu, cô lại nghe thấy giọng anh. Thật nhẹ nhàng, và lần này, Biba còn nghe thấy tiếng bước chân.

Bên ngoài, một rừng cây chanh.

Hết.

Phương Hạ dịch.

Nguyên tác được thực hiện bởi Nicolette Polek, đăng tại Literary Hub.
Ảnh đầu bài: The Kiss, Gustav Klimt.

Câu chuyện “Love Language” (Tạm dịch Ngôn ngữ tình yêu) được trích từ tuyển tập Imaginary Museums của Nicolette Polek. Nicolette Polek là nhà văn người Cleveland, Ohio. Năm 2019, cô được nhận giải thưởng nhà văn của Rona Jaffe Foundation.

Sáng tác

Thơ: Lau nước mắt và lại đi… (Lavender So Blue)

Published

on

Em có biết không?
Tự do từ đâu mà có
Câu chuyện từ đâu mà được kể
Những bài báo vui buồn từ đâu mà viết ra
Em có biết không?
Niềm tin từ đâu mà có
Mảnh đất này còn bao sự diệu kỳ
Đâu phải chỉ có những xót xa
Lấy trời làm nhà
Đất làm chăn ấm
Gió gội mái đầu xanh và biển bạc tắm ướt đẫm da vàng
Chốn thị phi
Người cô độc than khóc
Kẻ lỡ làng đi tìm tri kỷ
Còn ta chỉ là người hay khóc
Lau nước mắt và lại đi…

Lavender So Blue

Đọc bài viết

Sáng tác

Truyện ngắn: Những chiếc lá zombie (Điển Tuyết)

Published

on

Tôi quyết định đổi nơi làm việc, dù Wyandotte là một nơi chốn vô cùng bình yên suốt 5 năm qua. Tôi không định nói lời chia tay đồng nghiệp. Bọn họ quá bận rộn để đọc và hồi đáp một email chia tay giữa mùa Covid. Ai cần tôi thì họ sẽ vẫn liên lạc thôi.

Trong căn hộ này, mỗi một inch đều chất chứa nhiều kỉ niệm, kỉ niệm của tôi những năm tháng hậu chia tay Stovall. Lúc này là vào cuối đông, nhưng cây phong ngoài cửa sổ vẫn còn nguyên những chiếc lá khô cong như hồi cuối thu. Gió vùng này thổi rất mạnh, nhưng lạ lùng làm sao, những chiếc lá phong khô héo, chết lâu ngày kia vẫn không chịu lìa cành. Cứ như thể chúng vẫn đang sống, sống đời zombie của giống loài thực vật. Màu nâu, màu nâu cong, là màu mới của sự sinh tồn chăng?

Căn hộ của tôi chất đầy thùng các tông để mở. Thật khó quyết định những gì cần mang theo đến nơi ở mới. Mất cả tuần liền, tôi chỉ ngồi phân loại mọi thứ ra thành hai loại: cần và rất cần. Thật, có thứ gì trong căn hộ này mà tôi không cần đâu?

Soạn mãi soạn mãi, rồi không rõ thế nào mà tôi vớ phải tập ảnh Stovall chụp khi chúng tôi còn chung sống. Mới chừng hai chục năm trước đây thôi. Có một tấm tôi mỉm cười với khuôn miệng rộng, gương mặt rạng rỡ, phía sau là vườn mai vàng lộng lẫy. Lúc đó, chúng tôi vừa cưới xong, đang bắt tay vào trang trí căn nhà đầu tiên của cả hai. Stovall chụp lại mọi thứ trong nhà, kể cả những vật dụng bình thường nhất, chẳng hạn như chiếc bàn chải đánh răng bằng gỗ tre của tôi. Cảm giác hạnh phúc chầm chậm dâng lên trong tôi, Stovall luôn luôn đáng tin cậy, luôn luôn hết lòng yêu thương tôi. Làm sao tôi có thể bỏ đi kỉ niệm đầu tiên êm ấm này? Đã bao lần, tôi đã định bỏ tập ảnh nhưng...

Năm năm trước, chúng tôi ly hôn. Stovall hỏi tôi liệu có cách nào khác không vì chuyện đâu có đến nỗi nào, tình yêu của chúng tôi chỉ nhạt đi như bất kỳ đôi lứa nào, rồi sẽ ấm áp lại nhanh thôi mà.

Tôi nhìn sâu vào mắt anh, trả lời: “Em biết điều anh muốn là gì.” Và tôi dọn ra khỏi nhà, mặc cho Stovall ôm đầu đau khổ. Anh vẫn gọi cho tôi thường xuyên trong năm đầu tiên, cố thuyết phục tôi quay trở lại, ngay cả khi biết tôi đã có mối quan hệ mới. Anh thôi làm chuyện vô vọng khi tôi qua lại đến người đàn ông thứ ba. Dù vậy, mỗi khi cần nhau tư vấn về thiết kế mĩ thuật, chúng tôi vẫn ôm điện thoại sôi nổi như không hề có bất kỳ xáo trộn gì trong đời sống tình cảm. Chúng tôi rất hòa hợp với nhau trong nghề nghiệp. À, kỳ thực là trong hầu như tất cả mọi mặt, ngoại trừ việc tôi không thể...

Stovall vừa lấy vợ hồi năm ngoái. Họ kết hôn khi bé Hermes vừa chập chững bước đi. Tôi đã bật khóc như mưa khi biết tin anh yêu Ariana, một người bạn thân thiết của cả hai. Tôi thấy tim mình đau đớn đến không khóc được khi Hermes ra đời, và phải nói là tận cùng của sụp đổ khi nhận được thiệp cưới của hai người họ.

Rất nhanh, tôi chúc mừng Stovall. Anh và Ariana không thể tìm thấy người bạn nào tốt hơn tôi nữa, tôi chứng minh cho cả thế giới thấy mình là một người cũ văn minh. Tôi thậm chí còn tay trong tay với Greg, người tình thứ 6, thứ 7 gì đó, đến dự đám cưới của Stovall và vẽ các họa tiết trên váy cưới giúp Ariana.

Tập ảnh này là thứ duy nhất còn sót lại về cuộc hôn nhân đầu tiên và duy nhất của tôi. Chỉ cần bỏ nó vào trong đống lửa dưới sân chung cư thì tôi có thể thực sự kết thúc cơn đau kéo dài suốt 20 năm của mình rồi.

Nhưng không, không, Stovall và tôi của ngày xưa không có tội tình gì để bị đốt cháy thành than tro như vậy cả. Ký ức đó vẫn có đời sống riêng của nó, như những chiếc lá phong khô đét trên cành kia, tuy khô tàn héo rũ nhưng thượng đế vẫn xót thương gìn giữ chúng bình yên xuyên suốt mùa đông dập dìu mưa tuyết và gió bão. Vào mùa thu, bằng một phép màu nào đó, những chiếc lá sẽ lại xanh tươi, sẽ lại đỏ rực trên cành. Chỉ là không biết những chiếc lá nâu khô cong kia sẽ biến đi đâu và biến đi vào lúc nào mà thôi.

Khi dọn đến nơi ở mới, Boize, tôi tìm mãi không thấy tập ảnh cũ của Stovall, dù đã lục tung tất cả các thùng các-tông và cẩn thận bài trí lại mọi thứ y nguyên như trong căn hộ cũ ở Wyandotte.

Bằng một phép màu nào đó, tập ảnh đã không cánh mà bay. Tôi chắc chắn mình không vì say khướt mà ném nó vào đống lửa ngoài sân. Chỉ nhớ mang máng vào buổi chiều cuối cùng tôi đã ngồi tựa đầu vào cây phong lộng gió rất lâu. Với tập ảnh trong tay.

Điển Tuyết

Đọc bài viết

Sáng tác

Truyện ngắn: Hồi ức (Điển Tuyết)

Published

on

Đôi mắt của Hắc Ám không rõ đang buồn hay đang vui. Bầu trời từ từ sầm tối. Âm nhạc của những buổi chiều muộn nhân lên nỗi niềm trong cô. Những thước phim buồn trong đời chiếu lại trong tâm trí. Cuộc đời nhiều phút bất ngờ quá, và lòng người, như ngàn năm vẫn vậy, là thứ ẩn tiềm nhiều bất trắc.

Một cuộc gọi. Phía đầu dây bên kia là một khách hàng cần sự giúp đỡ.

“Cảm ơn cô! Không có cô tôi không biết làm sao!” Người khách hàng trẻ tuổi nói sau khi xong việc.

Hắc Ám vui nhẹ, tạm quên những đau đớn hằn sâu trong lòng. Tình người của những năm tháng này xa xôi như vậy đó, xa như một ngọn nến leo lét cháy trong đêm mịt mù, chỉ nhoi nhói lên chút hy vọng.

Một cuộc gọi khác. Phía đầu dây bên kia là một người quen cần nói một điều gì đó. Những lời nói như cứa vào lòng Hắc Ám, khiến cô toàn thân run rẩy. Cô bấm nút tắt, chặn và không quên xóa luôn số của người ta.

Danh bạ của cô bây giờ chỉ còn những cuộc gọi của khách hàng và những số điện thoại tiếp thị. Cô đã đến tình trạng bất kỳ lời nói chớm trách hờn, chớm mỉa mai, chớm châm chọc nào cũng làm cho bản thân thấy phẫn uất.

“Sao ngươi ghét người quá vậy?” Ai đó hiện ra trong giấc mơ.

“Ừ! Kệ đi!” Hắc Ám buồn rầu.

Nếu sự im lặng có tác dụng làm cho ai đó đỡ phải ngại ngùng mở lời hoặc đỡ phải ngượng ngùng nhận sai, nó có tác dụng hủy diệt đi tình thương và niềm tin của Hắc Ám – người phải chịu đựng sự im lặng phi lý và đôi khi, cả những lời lẽ không thể tàn nhẫn hơn mà con người đã dành cho nhau.

Điều khủng khiếp nhất chưa dừng lại đó. Hắc Ám của những năm tháng về sau này cũng lấy phương thức tệ hại đó để áp dụng với người khác. Còn tàn nhẫn hơn.

Điển Tuyết

Đọc bài viết

Cafe sáng