Phía sau trang sách
Trò chuyện trong quán La Catedral: Một Peru hỗn mang

Phía sau trang sách
Đôi mắt trũng sâu và những tiên đoán kỳ lạ

Trước khi Stephen King được khai thác bản quyền ồ ạt như hiện nay, thì một trong những “tiểu thuyết gia ly kỳ nổi tiếng” nổi tiếng nhất ở Việt Nam không ai khác ngoài Dean Koontz. Với hàng loạt tựa sách từ trinh thám đến kinh dị, dù là phái sinh từ cốt truyện có sẵn như Frankenstein hay tác phẩm hư cấu hoàn toàn mới, Koontz đều tạo nên dấu ấn bởi cốt truyện mới lạ, thu hút. Trong đó Đôi mắt trũng sâu gần đây được giới đọc sách quan tâm trở lại bởi có tính tiên tri kỳ lạ.
Tiểu thuyết là câu chuyện xoay quanh hành trình tìm con của Tina Evans khi cô nhận được những dấu hiệu kì lạ. Đó là tấm bảng đề hai chữ CHƯA CHẾT, những giấc mơ bí ẩn, hay sự chuyển động đột ngột của các luồng khí… mà tất cả đều quy về Danny – con trai cô – vốn đã qua đời với thể xác biến dạng đến nỗi không còn nhận diện được trong lần thực hiện chuyến điền dã nơi vùng núi sâu. Đứng trước những hiện tượng có phần “siêu nhiên”, Tina tin vào bản năng người mẹ và tìm cách giải cứu cậu bé, nhưng cô không bao giờ ngờ tới việc đang vướng vào một hệ thống rộng lớn hơn với các âm mưu quyền lực quốc tế.
Như Dean Koontz thừa nhận, Đôi mắt trũng sâu là một phép thử khi ông pha trộn nhiều thể loại trong tiểu thuyết: hành động, hồi hộp, lãng mạn và đôi chút huyền bí. Do đó, phần lớn nội dung tác phẩm không có tính dữ dội bùng phát, cũng không đủ thời lượng khắc họa chiều sâu; thêm nữa là sự phức tạp trong chủ đề đã được tối giản cũng như độ căng đã được nới lỏng. Tuy nhiên, chính những yếu tố đó lại khiến cuốn sách này không chỉ là một tác phẩm trinh thám – kinh dị thông thường khi khai thác được rất nhiều góc khuất, từ sự mất mát cá nhân cho đến lớn hơn là các vấn đề địa chính trị thế giới.
Tác phẩm có kết cấu như tàu lượn siêu tốc khi Koontz rất tập trung khai thác hạ tầng cơ sở. Thay vì viết theo kiểu “dọa ma” thông thường, ông cố gắng làm rõ chi tiết để tác phẩm có giá trị, không rẻ tiền, mà ngược lại vô cùng hợp lý. Đó là cách khai thác tâm lý tế vi, qua những mô tả về cơn sang chấn hậu tang lễ mà Tina gặp phải, song song với mặc cảm tội lỗi là nỗi cay đắng cùng quyết tâm dứt khoát muốn quên đi quá khứ đau buồn. Thế nhưng, cái chấp niệm Danny còn sống luôn dày vò cô, một biểu hiện cụ thể là việc thường xuyên nhìn thấy hình ảnh cậu bé trong những khuôn mặt khác. Koontz cũng đồng thời khắc họa bi kịch gia đình – vốn là nguồn cơn cũng như áp lực đổ hết lên đầu phụ nữ.

Tính lãng mạn cũng được tác giả khai thác khéo léo, khi xây dựng thân phận cựu điệp viên cho Elliot, hình tượng này gợi nhớ nhiều đến loạt truyện James Bond của Ian Fleming. Vẫn là motif người đàn ông hào hoa và mối tình cùng những giai nhân; kèm theo đó là các pha hành động kịch tích kích thích adrenaline – để làm được điều này, Koontz tạo ra một thế lực đối đầu có phần “biến thái” cùng hai con người đấu tranh cho chính nghĩa.
Trên hành trình cứu thoát Danny, hai người phát hiện ra Thảm kịch Sierra mà Danny vướng vào thực ra có nguồn cơn từ một dự án tên là Pandora – chính tên gọi này đã cho thấy tính bí mật của dự án với mạng lưới bảo vệ vô hình, các lực lượng ẩn danh được mô tả như những tổ chức nguy hiểm, quyền lực, vô pháp vô thiên. Từ thực tế này, Koontz đã xây dựng các thuyết âm mưu có tính tiên đoán, nhưng lạ thay lại trùng khớp với những vấn đề hiện nay.
Đó là vấn nạn tham nhũng trong bộ máy quyền lực khi chính phủ nuôi sống mạng lưới có phần “vô hình” chỉ để tư lợi. Việc này được thực hiện thông qua các cuộc dàn xếp bầu cử địa phương, với tài chính và các thế lực chính trị ủng hộ đằng sau. Hiện thực này không quá xa lạ, khi gần đây ta chứng kiến một nước Mỹ chia rẽ trong hai cuộc bầu cử liên tiếp. Đặc biệt hơn là những vấn đề chạy đua quyền lực cùng phát triển vũ khí sinh học. Loại virus cuối cùng mà Elliot cũng như Tina tìm được trùng hợp thay lại tên là Wuhan-400, có phần tương đồng với virus Corona.
Thế nhưng chính trong những giấc mơ hoang đường của tiến sĩ Tamaguchi, Koontz cũng gửi gắm một vài thông điệp nhân văn qua hình ảnh những kẻ hoang tưởng vĩ đại sản sinh ra sự bất tử và những công trình vĩ đại. Trong tập truyện Ngày mười tháng mười hai, George Saunders cũng có truyện ngắn Thoát khỏi đầu nhện, viết về chất hóa học VerbaluceTM có tác dụng chiếm hữu tâm trí – từ đó gây ra những tội ác không thể dung thứ. Hay Frank Herbert trong Xứ Cát cũng có Hương dược, và chẳng phải chính vì những thứ đó mà con người quay ra đối đầu với nhau?
*
Đôi mắt trũng sâu có thể nói là một tác phẩm mới lạ, thú vị. Do được kết cấu theo kiểu “tàu lượn siêu tốc” nên phần khởi đầu có đôi chút chậm chạp, thế nhưng khi vượt qua được đỉnh dốc ấy thì những pha hành động sẽ làm ta thót tim. Một lần nữa, tác phẩm này lại củng cố vị trí của một trong những nhà văn viết truyện ly kỳ nổi tiếng nhất nước Mỹ.
Hết.
minh.
Phía sau trang sách
Công bố danh sách rút gọn Giải Booker 2022: Phái nữ chiếm phần hơn

Đến hẹn lại lên, cuộc đua không khoan nhượng để bình bầu ra “tác phẩm văn chương trác tuyệt nhất thế giới” (dĩ nhiên, với ràng buộc sách phải được dịch sang ngôn ngữ Anh) đã công bố sáu ứng cử viên — từ 153 đề cử — lọt vào danh sách rút gọn. Tác phẩm thắng cuộc sẽ nhận được khoản tiền mặt 50.000 bảng Anh (tương đương 1,49 tỉ Việt Nam đồng), được chia đều cho tác giả và dịch giả.
Hòa vào xu hướng đa dạng văn hóa và sắc tộc trong văn chương, sáu cái tên cạnh tranh Giải Booker năm nay đến từ sáu đất nước với sáu ngôn ngữ hoàn toàn khác biệt. Nhiều cái tên quen thuộc với độc giả Việt Nam như Olga Tokarczuk (chủ nhân giải Nobel Văn chương năm 2019) và Mieko Kawakami (tác giả của Ngực và trứng). Phái nữ chiếm ưu thế trong danh sách, với sự xuất hiện của năm tác giả và ba dịch giả nữ. Văn đàn đồng thời đổ dồn ánh nhìn vào bộ đôi Olga Tokarczuk và dịch giả Jennifer Croft – liệu hai người phụ nữ phi thường này có thể lặp lại chiến thắng của Bieguni, những người không ngừng chuyển động vào năm 2018 (Giải Man Booker International) không? Kết quả Giải Booker 2022 sẽ được công bố vào ngày 26 tháng Năm.
Một giải thưởng danh giá như Booker chưa bao giờ phù hợp với những chuyến cưỡi ngựa xem hoa, nhưng đọc hết cả sáu tác phẩm — bằng tiếng Anh — vẫn là nhiệm vụ tương đối khó nhằn. Thông qua bài viết giới thiệu này, với sự đa dạng trong chủ đề và cách viết của sáu đề cử năm nay, hy vọng bạn có thể lựa chọn một cuốn sách để đích thân đọc và cảm nhận.
*
1. The Books of Jacob: Công trình để đời của Olga Tokarczuk
Đặt bối cảnh vào giữa thế kỷ XVIII, The Books of Jacob viết về cuộc đời của đấng cứu thế tự xưng — chàng Jacob Frank trẻ tuổi, quyến rũ — người Do Thái du hành qua đế chế Hapsburg và Ottoman, vừa lôi kéo vừa khước từ sự chú ý của quần chúng và chính quyền.

Jacob, chàng là một gã lạ đời: vạm vỡ, cao ráo, má lúm đồng tiền. Bộ râu rậm rạp lóng lánh trong nắng trời. Duyên dáng như một chú nai đỏ. Vừa bí ẩn vừa phàm trần, không ngừng ngân nga những khúc ca có lời tục tĩu. Đám đông quay quanh chàng như hành tinh mắc kẹt trong sức hút của mặt trời: được phân tầng rõ ràng trên nấc thang thứ bậc là những người vợ, người tình, những ả lạc loài, những kẻ lăng xăng và các loại bám đuôi lì lợm. Dường như có một vầng hào quang gợi tình (đến mức lố bịch) choàng lên thân thể chàng.
“Frank Jacob” được xây dựng dựa trên một nhân vật lịch sử có thật; tác giả rõ ràng đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng. Tokarczuk bám sát những khúc ngoặt số phận Frank, khi anh cải đạo sang Hồi giáo, sau đó là Công giáo và – tiện đường – trở thành một người ủng hộ chủ nghĩa phục quốc Do Thái.
Tuy nhiên, The Books of Jacob không chỉ khắc họa chuyến lang bạt rối rắm của một tay lãnh tụ giáo phái. Đây là cuốn tiểu thuyết phóng túng, choáng ngợp và lập dị; tinh vi, lớp lang và tràn ngập tính dí dỏm mượn cảm hứng từ văn học dân gian. Cuốn sách cũng không ngần ngại khai thác những chủ đề tăm tối hơn. Người Do Thái bị săn lùng và truy đuổi khắp mọi nơi. Những hình mẫu sơ khai của cuộc diệt chủng Do Thái vẫn hiện diện. Tấn hài kịch trong tác phẩm pha trộn với bi kịch thuần túy, của tra tấn, bội phản, giam cầm, chết chóc.

The Books of Jacob, xuất bản bằng tiếng Ba Lan 2014, được Viện hàn lâm Thụy Điển đánh giá là “kiệt tác để đời” của Olga Tokarczuk. Với độ dài khổng lồ 1.000 trang, cuốn sách là “chuyến hành trình tuyệt vời qua bảy lãnh thổ, năm ngôn ngữ và ba tôn giáo lớn, chưa kể các giáo phái phụ”.
2. Heaven: Bức tranh tàn khốc về bạo lực học đường
So sánh với Ngực và trứng — bộ ba truyện ngắn biến đổi liên tục giữa các góc nhìn và tuyến thời gian để giải quyết mệnh đề nữ quyền và quyền tự chủ sinh sản của giới nữ, Heaven có cấu trúc và nội dung ít phức tạp hơn. Ở đây, nhân vật chính 14 tuổi chịu sự bắt nạt tàn bạo từ bạn cùng lớp. Trong chương đầu tiên, cậu bé bị đánh đập, chế nhạo, bị ép ăn phấn và nhốt vào tủ đựng đồ. Đau lòng thay, cậu bé dường như đã quen với những cực hình này. Bên dưới lớp mặt nạ kiên cường ấy, sự khổ sở của cậu thấm đẫm từng trang sách.

Heaven, cuốn sách thứ hai của Mieko Kawakami được dịch sang tiếng Anh, mở đầu với một tờ giấy nhắn nhét bên trong hộp bút chì: “Chúng mình nên làm bạn với nhau”. Thoạt tiên, nhân vật chính — người bị các học sinh khác gọi là Con Mắt vì cậu mắc chứng nhược thị (mắt lười) — cho rằng tờ giấy trên chỉ là trò đùa ác ý của băng bắt nạt. Nhưng tin nhắn ấy đến từ Kojima, cô học sinh cũng bị bắt nạt vì lười tắm rửa, dơ hầy. Hai đứa trẻ cùng khổ tạo thành một liên minh bí mật.
Con Mắt và Kojima dường như đang cùng sống trong một thực tại tàn nhẫn, một hoàn cảnh và số phận bi đát tương đồng (thậm chí, nếu Heaven là một tiểu thuyết young adult khác, Kojima hiển nhiên sẽ trở thành mối tình đầu của Con Mắt). Nhưng đi sâu hơn, Mieko Kawakami phơi bày những mệnh đề triết học phản chiếu và đối lập, giữa quyền lựa chọn và bị ép buộc, giữa chấp nhận và phản kháng.
Được Sam Bett và David Boyd chuyển ngữ một cách hoàn hảo, cuốn sách chứa đầy những tình tiết bạo lực được dàn dựng công phu, những phân cảnh bắt nạt vô nghĩa được mô tả rõ mồn một, đến mức bản thân độc giả cũng cảm nhận được nỗi đau của Con Mắt. Những kẻ hành hạ cậu gần như không có diện mạo; bạo lực nằm trong DNA của chúng: từ khi chúng chào đời, hẳn chúng đã biết cách đánh đập người khác mà không để lại dấu vết, tra tấn đồng bạn mà không bị tóm tận tay.
Khi Con Mắt, khập khiễng và lắp bắp, hỏi một người bạn học về lý do bắt nạt mình, đứa trẻ kia đã phát biểu cả một đoạn độc thoại. “Địa ngục không tồn tại. Tất cả đều là dựng chuyện. Kẻ yếu không dám đối mặt với thực tế. Chúng nó không thể đối mặt với nỗi đau hay nỗi buồn, chứ đừng nói đến tiếp thu sự thật hiển nhiên rằng không có gì trên đời thực sự có ý nghĩa cả”. Kẻ bắt nạt là Nietzsche còn Kojima là Lão Tử. Triết học không bao giờ được đề cập trực tiếp, nhưng nó mang lại cảm giác thuần khiết, cấp bách hơn cả — thông qua phương thức truyền đạt rõ ràng của một thiếu niên.

Cái kết của Heaven không phải là một kết thúc có hậu, nhưng lần đầu tiên, Kawakami cho phép một chút ánh sáng le lói hiển hiện trên trang sách. Những chương cuối cùng an ủi tâm hồn độc giả, nhưng không hề thay đổi sự thật tàn khốc. Nó hứa hẹn với ta rằng, một ngày nào đó, cậu bé 14 tuổi ấy sẽ có một tương lai, cái tương lai mà — không lâu trước đó — cả bản thân cậu và người đọc đều lo sợ rằng cậu bé không thể sống sót và đón nhận.
3. Elena Knows: Quyền lựa chọn của phụ nữ
Chẳng ai nghĩ rằng bà già Elena — 63 tuổi và đang bị bệnh Parkinson — có thể làm thám tử. Nhưng sau khi thi thể cô con gái sùng đạo, Rita, được phát hiện trong tư thế treo cổ trên tháp chuông nhà thờ mà cô thường đi lễ, các nhà chức trách vội vàng thông báo đây là một vụ tự tử. Elena, một người không có đức tin, từ chối chấp nhận kết luận này.
Được một số người ca ngợi là “Hitchcock của River Plate”, Claudia Piñeiro là nhà văn trinh thám tội phạm nổi tiếng ở quê hương Argentina và trên thế giới. Tuy nhiên, dù sách của bà bán chạy toàn cầu cùng bốn cuốn tiểu thuyết được xuất bản ở Anh Quốc, nhiều độc giả nói tiếng Anh vẫn chưa mấy quen thuộc với tên tuổi của bà.

Elena Knows, cuốn tiểu thuyết ngắn gọn và phong cách được Frances Riddle dịch sang tiếng Anh, là cách thức lý tưởng để làm quen với Piñeiro. Thoạt nhìn, đây là hành trình giải mã bí ẩn chặt chẽ và súc tích, với nhân vật chính quyết đoán và bướng bỉnh. Nhưng đồng thời, tác phẩm chứa những lời bình sắc nhọn về mối quan hệ giữa mẹ và con gái, sự phẫn nộ nhắm đến bộ máy quan liêu, hệ thống y tế và những gánh nặng giáo điều mà tôn giáo đặt lên vai người phụ nữ. Quyền lựa chọn phá thai trong một xã hội Công giáo bảo thủ sâu sắc chính là chìa khóa quan trọng để gỡ nút thắt câu chuyện này.
Cuốn sách được chia thành ba phần, tiêu đề lần lượt là “Buổi sáng”, “Buổi trưa” và “Buổi chiều” — bám sát lịch uống thuốc của Elena mà bà buộc phải tuân thủ, để kiểm soát được “kẻ thù” sống bên trong cơ thể mình. Elena không phải là một bà lão ngọt ngào và tử tế. Cha Juan, linh mục của con gái bà, từng cáo buộc Elena tội “kiêu căng và ngạo mạn, khi nghĩ rằng bà biết tất thảy mọi chuyện, ngay cả khi sự thật cho thấy điều ngược lại”. Ông nói không sai; Elena đầy thiếu sót, nhưng Piñeiro vẫn có thể khiến độc giả ủng hộ bà – nhân vật chính có tính nết khó ưa.

Khi Elena bước về điểm cuối cuộc hành trình, những tiết lộ thật tàn bạo xuất hiện. “‘Không bao giờ’ không phải là một từ áp dụng cho giống loài chúng ta,” Isabel nói. “Có rất nhiều điều chúng ta nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ làm nhưng khi bị đặt vào tình huống nhất định, chúng ta sẽ làm thế”.
Những tác phẩm khác lọt vào danh sách rút gọn Giải Booker 2022
Cursed Bunny là tuyển tập truyện ngắn của tác giả người Hàn Quốc Bora Chung. Từ chối bị đóng khung trong một thể loại nhất định, tác phẩm xóa nhòa ranh giới giữa chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, kinh dị và khoa học viễn tưởng. Bora Chung kết hợp tài tình các yếu tố kỳ ảo và siêu thực để khắc họa thực trạng kinh hoàng và tàn nhẫn của chế độ phụ quyền và chủ nghĩa tư bản trong xã hội hiện đại. Tác phẩm do Antor Hur dịch sang tiếng Anh.

Tomb of Sand của Geetanjali Shree, được Daisy Rockwell dịch từ tiếng Hindi, kể về cuộc hành trình của một phụ nữ Ấn Độ 80 tuổi tới Pakistan sau khi chồng bà qua đời. Chủ đề nghe qua có vẻ sầu thảm, nhưng cuốn sách ngược lại – rất hài hước, sâu lắng, tràn đầy cảm hứng tự do và hiện đại.

A New Name: Septology VI-VII do Jon Fosse - một nhà văn và nhà viết kịch người Na Uy rất nổi tiếng tại quê nhà - chắp bút. Được dịch bởi Damion Searls, cuốn sách là ấn phẩm cuối cùng trong loạt truyện kể về cuộc đời Asle, người họa sĩ già sống cô độc bên bờ đại dương trong những năm tháng cuối đời.

Hết.
Mèo Heo lược dịch từ tạp chí New York Times và NPR.
Phía sau trang sách
Phúc lành của đất: Cõi người hồn nhiên như cây cỏ

Là một trong những tác phẩm quan trọng giúp nhà văn Na Uy Knut Hamsun đoạt giải Nobel Văn Chương 1920, Phúc lành của đất mang người đọc đến những điều kỳ diệu thật sự, khi nhận ra thiên nhiên có thể tuyệt đẹp thế nào, con người hiền lành ra sao, cũng như những chuyện khinh suất có thể nhỏ nhặt đến mức độ nào. Với tác phẩm này, tuổi trẻ, tình yêu đã được Knut Hamsun bơm vào trong mạch máu già cỗi, để người đọc lại một phần nữa thêm yêu quãng đời hiện tại.
Kể về người nông dân Isak và hành trình làm nên điền trang Sellarnaa trên núi cao của mình, Phúc lành của đất lướt qua hành trình từ hai bàn tay trắng đến khi thành đạt của người lao động cần cù, chăm chỉ và hết lòng với việc điền nông. Ở mảnh đất được thiên nhiên ban tặng, sự giao hòa giữa con người và tự nhiên đã cộng hưởng để tạo nên được những xung động lớn, mà như Thoreau hay Rachel Carson, ta như dạo bước trong những ân điển của Knut Hamsun.
Nội dung dưới đây tiết lộ các tình tiết quan trọng trong tác phẩm Phúc lành của đất.

*
Có thể nói xuyên suốt Phúc lành của đất đều là vẻ đẹp, hy vọng và sự thứ tha hướng theo những điều tích cực. Từ không có gì, Isak kết đôi cùng Inger – một người phụ nữ sứt môi, để xây dựng nên thế giới của mình, như Adam và Eva từ Vườn địa đàng rơi xuống mặt đất đầu tiên. Hai con người ấy như sự giao hòa âm dương, cùng sở hữu những mất mát và khiếm khuyết, nhưng họ dựa dẫm vào nhau, làm thành một thể để tạo nên mái ấm tròn đầy. Knut Hamsun ca ngợi sự bất toàn, chúng hoàn toàn có thể khớp nối để thành hoàn hảo, và cặp vợ chồng Isak – Inger là một ví dụ như thế. Nhưng hẳn nhiên, chuyện không dễ dàng.
Từng bước họ dựng nên nhà bằng việc Isak đốn gỗ, lột vỏ bạch dương, bán máng nước… để đổi lấy thú chăn thả, các loại dụng cụ cũng như những đồ vật khác làm nên cuộc sống; trong khi Inger nghiêng về thêu thùa, khung cửi cũng như một hôm dắt về chú bò cái đầu tiên của lãnh địa Sellarnaa. Nếu Isak khù khờ như gã khổng lồ một tay làm nên cơ đồ, thì Inger hoàn toàn ngược lại, là tiếng nói của văn minh, khi mọi thứ ùa vào hoang dã, và dĩ nhiên, là cả bản án đến 8 năm tù.
Trong lần vượt cạn sinh ra bé gái không may cũng bị sứt môi, Inger đã giết con mình. Knut Hamsun không mô tả rõ ràng hành động đó, nhưng ông cho độc giả một ngõ hầu để đồng cảm với nhân vật này, những điều tiếng và đàm tiếu mà một người khiếm khuyết phải chịu đựng. Gần như hoang dã, Inger với bộ óc hướng vào hoang dã đã làm nên ngôi mộ nhỏ cho con gái mình, với những nghĩ suy đơn giản đúc kết từ những trải nghiệm đã qua.
Oline – người đàn bà đánh hơi mọi chuyện trên đời, đã đoán và gián tiếp tạo nên bản án có phần khắc nghiệt đó. Chính tính ích kỷ sản sinh từ sự đói ăn của bầy con đông đúc đã đẩy người đàn bà ấy vào con đường sâu bọ, khi bất cứ nơi nào cũng đánh hơi thấy một mối lợi nào đó. Nhưng một mặt khác, Isak và Inger dường như phớt lờ bà. Trong họ chưa từng tồn tại một sự căm phẫn, họ hiền như đất của mình, có thể đấu tranh nhưng liền sau đó vẫn là những cư xử rất người. Isak chấp nhận Oline vào nhà như người giúp việc để chăm nom hai cậu con trai và làm việc nhà đổi lấy cái ăn, trong khi Inger sau cơn điên loạn chấp nhận những gì mình đã phạm phải.
Chính trong tám năm Inger tiếp xúc với thành thị, cũng là khi Sellarnaa đón nhận những sự đổi khác. Giờ đây thị dân nối nhau lên đồi, dựng trại, chăn gia súc và sinh sống ổn định. Với vỉa đồng phong phú, vị quan chức bị phế truất Geissler đã sớm nhìn thấy tiềm năng, và mua lại được từ Isak trong hành động rút ngắn thời gian ngồi khám của Inger bằng sự tình cờ may rủi nhìn thấy sai trái. Ngay cả trong cuộc đổi chác kim tiền này, Knut Hamsun cũng cho thấy được cái sâu xa hơn ngoài những mưu mô giới tư bản, bởi nhẽ như người hành hương không màng sự đời, vị Geissler với vỉa đồng ấy chỉ như một màn phản pháo cho những gì ông phải chịu đựng bởi chính quyền quan liêu có phần ngu dốt. Ông không qua mặt Isak, ông chỉ đơn thuần trở về nguyên bản như một trao đổi ngang giá.
Cùng lúc Geissler thương lượng mua những mỏ đồng, cũng là khi Inger học được lề thói thành thị. Về vùng đồi núi vắng vẻ, cô độc; cô liền lập tức thay đổi tâm tính. Ngay cả ở đây, là một người chất phác có phần khù khờ, Isak hiền lành như đất vẫn chịu đựng vợ. Khi văn minh ùa vào, những người khai mỏ đến, mặc cho Inger có thể rung động trước những chàng thợ mỏ đẹp mã biết thổi khẩu cầm, Isak cũng coi đó như một sự chếnh choáng thoáng qua. Trong anh có sự phân tích, nhưng không hẳn là cơn ghen, anh im lặng và tìm hiểu những gì vợ mình đang thiếu và muốn trải qua. Ở Inger, từ khi nổi loạn cho đến lúc nhận thức được thực tại, Knut Hamsun cũng coi đó như một điều tự nhiên, khi chỉ bằng một cái nhẫn hay cái ôm ghì siết, cũng có thể khiến người ta nhận ra bản chất thật sự.
Và đó cũng là khi đứa con trai lớn Eleseus, người sớm nhiễm những lề thói của xã hội đương thời, có cơ hội được vào thị trấn giúp việc. Thay vì công việc nặng nhọc cần đến sức người làm nông như cậu em Sivert, cậu ta chểnh mảng kinh doanh và lo bảo vệ danh tiếng, sợ rằng mang danh nhỏ nhen, ích kỷ; cậu thà bán chịu, buôn bán thua lỗ thay vì tìm cách cải thiện. Cuối cùng cậu trai rời bỏ Staburg và chuyển sang Mỹ, không thấy đường về.
Ở đây Knut Hamsun cũng họa được nên tình yêu vô cùng thầm kín của Isak với con trai mình, dẫu biết đứa bé sẽ không khởi sự thành công hay có ngày trở về; nhưng cũng thuần khiết như đất, ông cho cậu hết những thứ cậu muốn, vì ông hiểu những đứa con là những mảnh đất có biên giới riêng biệt, không thể thúc ép hay bắt giam chúng.
Những kẻ coi khinh đất đai, coi đó chỉ như nền móng cho những món lợi cũng được Knut Hamsun khắc họa, và hẳn nhiên, hậu vị mặn chát là những thứ mà họ được hưởng. Brede – kẻ coi khinh đất đai, chạy theo đường dây điện thoại và những mỏ đồng đến cuối cùng thì vẫn phải ở nhờ gia sản của Axel; trong khi Aronsen – tên thương gia thức thời chạy theo doanh thu của những lao động ở nơi khai mỏ, cuối cùng cũng đã tan hoang khi việc khai thác không thành hiện thực và nơi chốn ấy không ai sinh sống.
Mỗi người sống với đất đai dường như hình thành một nguồn rễ rắn chắc, và bất cứ ai coi đất chỉ như một món hời to, đều sẽ tan tác giữa cơn bão cuộc đời, nhưng ngay cả khi ấy Knut Hamsun cũng làm dịu bớt bi kịch đời họ, khi Brede giờ đây đủ sống với món kinh doanh nhà trọ, Oline được chết trên giường đàng hoàng còn Eleseus thì không đề cập đến cái kết thành bại sau cùng.
Việc chia tác phẩm thành ra hai phần có sự tương đồng nhất định trong nội dung cũng cho thấy một sự so sánh của Knut Hamsun với những cư dân đất đai. Nếu Isak và Inger gắn liền với đất như cặp vợ chồng có chung tình yêu với nhau, với đất; thì Axel và Barbro hoàn toàn ngược lại – bị ngăn cách bởi vai trò riêng biệt, là cỗ máy rút tiền hay người giúp việc? Cũng như giờ đây với văn minh ùa vào, việc giết con không còn mục đích chính đáng mà rủi thay đó là bỏ đi đứa trẻ vô tội trong những trò ma mãnh của chính con người, để rồi không bị ám ảnh bởi bất cứ điều gì, dẫu cho là dằn vặt hay chỉ một chút khổ đau. Phiên tòa xử án Barbro như chính thực tại của nền văn minh đánh mất nhân tính, với sự trá hình, khai man; cũng như dứt bỏ con người khỏi gốc rễ của mình, với sự chất phác, đất đai khi họ hồn nhiên như cây như cỏ.

*
Knut Hamsun viết nên Phúc lành của đất bằng sự ngây thơ, trong sáng và cái thuần khiết đến vô cùng tận. Dễ thấy trong bất cứ một bi kịch cá nhân nào, độc giả cũng thấy được cái nhìn bao dung, dễ chịu; cũng như là sự hy vọng vào tương lai gần. Knut Hamsun như mạch suối nguồn của thông tuệ, tốt đẹp và minh triết; chảy suốt mảnh đất văn minh khô cạn, bị đầu độc và đã không còn gốc rễ vững chắc. Một tác phẩm hay, dịu nhẹ, đưa con người về lại chính mình.
Hết.
minh.
-
KOMOaudio3 năm ago
10 cuốn sách xanh biếc về môi trường và thiên nhiên
-
Cafe sáng2 năm ago
Khai trương Phương Nam Book City Saigon Center, điểm hẹn văn hóa mới của người Sài Thành
-
Trà chiều2 năm ago
Truyện cổ tích và sự khác biệt trong cách các nền văn hóa nhìn nhận thế giới
-
Phía sau trang sách3 năm ago
Rừng Na Uy, về Murakami và những kẻ cứ nghĩ là mình cô đơn lắm
-
Phía sau trang sách1 năm ago
Khi các nhà văn đá xéo nhau: Tận cùng của sự đanh đá (phần 1)
-
Cafe sáng2 năm ago
Học Chất Hết Nấc với Lớp học Mật Ngữ: Tập đẹp, ba lô xinh và phụ kiện cá tính
-
Trà chiều3 năm ago
Tại sao ta không nên đọc mọi thứ và không nên tin mọi thứ ta đọc?
-
Book trailer3 năm ago
Đồi gió hú: Một tình yêu đi ngược với chuẩn mực đạo đức đương thời