Phía sau trang sách

Rung cảm đầu đời: Tấm vé trở về tuổi thơ

Published

on

Tuổi thơ là một phần không thể thiếu trong trái tim của mỗi con người. Khi người lớn nhớ về tuổi thơ, một mặt vì nó chứa đựng nhiều khoảng trời đẹp đẽ, mặt khác là vì nhớ về sự đơn thuần, trong trẻo mà tự nhiên ban tặng cho mỗi đứa trẻ khi vừa đến với thế giới này. Tập thơ Rung cảm đầu đời cũng có thể được nhìn nhận như vậy. Trong tác phẩm, có những bài thơ tràn trề niềm vui thích, chan chứa tình thân hữu, và cũng có lúc bộc bạch cảm giác tủi thân, đau lòng của một cậu bé tuổi còn cắp sách đến trường. Tập thơ còn đặc biệt vì nó được ra đời qua chính lăng kính của cậu bé, lúc cậu lớp Ba, Bốn, Năm,…đến lớp Chín. Nhờ vậy mà chúng chẳng hề vướng bận gì những suy tư phức tạp của đời sống, chỉ có những cảm xúc đến-đi tự nhiên và chân phương.

Đây là tập thơ gồm 50 bài thơ do bé Lê Quốc Triều sáng tác chép tay khi em còn ngồi trên ghế nhà trường. Những bài thơ là tiếng lòng đôi khi suy tư, đôi khi trắc ẩn, mà cũng lắm lúc nghịch ngợm của em dành cho những gì đã diễn ra xung quanh cuộc sống hằng ngày của mình. Lê Quốc Triều là tên trước khi xuất gia của thiền sư Minh Niệm. Thông qua tập thơ, những ai dành sự quan tâm đến thầy, đã có thể tự hình dung về tuổi thơ của một vị thiền sư tương lai cũng như có thêm một mảnh ghép về cuộc đời tu hành của thầy. Lần này, thầy lan tỏa đến độc giả tinh thần sống sâu sắc, sống “thiền” bằng câu chuyện thiếu nhi của mình, khi mà còn chưa biết đến thiền là gì.

bánh cam giòn thơm phức
nhân đậu tráng nước đường
nhìn là thèm muốn chết
nước dãi kìm xém buông

đội bánh đi khắp xóm
trưa hè nắng rưng rưng
vừa rao hàng vừa hát
bà con thấy mà thương
bữa nọ mưa giội xuống
ôm rổ bánh phi mau
lạy trời cho khỏi ướt
thôi…còn gì nữa đâu

giọt đường thi nhau chảy
nước mắt cũng rơi theo
lấy tiền đâu đi học
có ai biết nhà nghèo
nửa đêm con ngủ mớ
rao sang sảng bánh cam
xuống nửa câu vọng cổ
… sá gì đời gian nan

(sáng tác năm lớp 5)

Những vần thơ bình dị đơn thuần chạm vào lòng người

Có lẽ người đọc phải bất ngờ vì ở độ tuổi thiếu nhi, bé Lê Quốc Triều lại có thể ngâm ra những bài thơ có vần có điệu, có văn phong tính cách, có thể biểu đạt một tâm hồn suy tư thú vị mà lại không cần trau chuốt, không hoa mỹ. Đó là sự hoạt ngôn, sáng tạo, là sự tài tình trong chọn lọc từ ngữ biểu đạt nhưng vẫn giữ được nét bình dị của văn hóa miền quê Nam Bộ. Có nhiều đoạn thấy sao mà văn thơ diễn đạt tốt đến vậy, “trăng lên cao nửa mảnh/bóng ngà đổ ra sân”, hay “sáng nay lòng sắt đá/chiều nay dạ thấm mềm”. Thể thơ đa dạng, từ thơ bốn chữ, thơ năm chữ, đến thơ lục bát, sáu chữ, tám chữ. Hầu như mọi bài thơ đều có mở bài, thân bài, kết bài kèm với dẫn dắt giúp độc giả hiểu được nội dung và bối cảnh câu chuyện. Chúng không phải là những lời tản mạn, bâng quơ. Chúng là những câu chuyện được kể bằng các khổ thơ. Một điểm sáng của Rung cảm đầu đời là được minh họa bởi những trang sách màu cuốn hút, hình ảnh được in tràn qua các bài thơ. Nhân vật cậu bé Lê Quốc Triều cùng với những người thân hữu cũng được phác họa nhiều sức sống, có biểu cảm riêng biệt được thể hiện trong từng mẩu chuyện.

Và có lẽ người đọc còn phải bất ngờ hơn vì ở độ tuổi thiếu nhi, bé Lê Quốc Triều lại có thể tiếp xúc sâu sắc với đời sống như vậy. Những bài thơ chạm vào lòng người vì những niềm vui nho nhỏ, những thắc mắc, hay nỗi niềm suy tư tưởng chừng như chẳng có gì đáng lưu tâm, lại được em nhận diện, gọi tên, truyền đi thật nhiều sức sống. Nhờ vậy mà một cách tình cờ, bài thơ như một lời nhắc nhở nho nhỏ rằng hãy thử quan tâm đến những cảm xúc cỏn con trong lòng mình xem, hóa ra chúng cũng thật sinh động và thi vị. 

Nếu diễn đạt theo lối tu học, thì em đang sống rất “thiền”, em có khả năng tiếp xúc sâu trong mỗi hoạt động của cuộc sống, có thể đơn thuần nhận diện mà gọi tên. Mọi trường lớp về thiền tập, có lẽ cũng chỉ mong muốn người lớn có thể sống sâu sắc đến vậy thôi. Vậy nên dù là ai trong tâm thế hối hả của guồng quay đời sống, thử ngồi xuống giở trang sách ra và từ khi nào không biết, ta thấy hơi thở của mình cũng chuyển động nhẹ nhàng, chậm rãi dõi theo từng nhịp thơ.

Cảm ơn đất trời đã ưu ái ban tặng cho tôi trái tim nhạy cảm để nhìn thấy được nhiều góc cạnh tuyệt vời của đời sống, và có khả năng lưu giữ tất cả chúng bằng những vần thơ. Cảm ơn quý vị đã bước vào khung trời tuổi thơ của tôi, để cùng được đánh thức những ký ức êm đềm và ngọt ngào của những ngày đầu tiên chúng ta đến với cuộc đời này.

Sống thuận theo dòng chảy yêu thương của đất trời

Nhìn sâu vào một quyển sách yêu thích như là cơ hội nhìn sâu vào chính mình. Có lẽ chúng ta chỉ ao ước phải chi cũng có thể từng nhận ra những điều sâu sắc tồn tại trong thời thơ ấu, để thấy rằng bản thân mình cũng có cái gì để nương tựa, để tin tưởng, để cắm rễ sâu mỗi khi chao đảo giữa đời sống. Nếu chọn sống thuận theo bản năng yêu thương tự nhiên ngay từ đầu, chúng ta sẽ nhận ra cũng có cả thế giới phong phú đáng quý bên trong mình chứ? Sự đáng quý ấy từ Rung Cảm Đầu Đời, là những đoạn thể hiện thái độ sống biết ơn, trân trọng cuộc đời cũng như tinh thần bình đẳng, bác ái giàu lòng trắc ẩn của bé Lê Quốc Triều. Em có lẽ cũng chỉ làm theo, học hỏi từ cha mẹ, từ anh em, bằng hữu, từ ông bà và từ những gì mà em quan sát được. Những dòng thơ phản ánh về em, là dù có cuộc sống không được sung túc về mặt vật chất, nhưng vẫn có thể làm chủ được mình và sống thật giàu tình cảm. Nếu mọi em bé đều có thể trưởng thành với lối sống kiên định như vậy, có lẽ xã hội người lớn sau này sẽ có thêm rất nhiều bình an.

vui sao trào nước mắt
khi để em vào thùng
thấy em cứ vẫy vùng
mà lòng anh tan nát

nhà anh nghèo xơ xác
cha kẹt chốn lao lung
thằng em nó gầy xương
anh Hai vào đời sớm
vừa bước qua rẫy mướp
biết em đã đớp mồi
anh đứng lặng một hồi
đâu còn đường nào khác

chắc là em chua chát
nguyền rủa anh cũng cam
ăn chay mà nhẫn tâm
biết nói sao em hiểu
kiếp này anh xin thiếu
đền trả lại kiếp sau
nếu không tìm thấy nhau
anh sẽ đền kẻ khác

ngày mai nhà khấm khá
có điều kiện ăn chay
anh không phải ra tay
gây oán cừu loài cá
(sáng tác năm lớp 4)

Một góc nhìn khác của Rung cảm đầu đời là người đọc có thể nắm bắt trọn mọi cảm xúc của những vần thơ vì sự đơn thuần và bản năng thấu hiểu đối với con trẻ. Đó cũng trở thành điều may mắn vì có vẻ ta sẽ học được bài học gì đó sau mỗi lần có cơ hội nhìn về tuổi thơ. Bài thơ Xin lỗi em cá lóc chứa rất nhiều cảm xúc và chúng tranh đấu, cắt cớ với nhau. Nó là lẽ tự nhiên mỗi khi con người ta buộc phải làm điều gì nhẫn tâm. Hãy nhìn qua từng đoạn và ta sẽ thấy nó được bộc bạch một cách tự nhiên như thế nào và nhờ vậy, những vần thơ chẳng có từ vựng chuyên môn, học thuật hay đạo đức đã giúp mình hiểu được tâm trạng của người chắp bút, rồi tự nhiên liên hệ đến những sự việc trong đời sống cá nhân và chạm vào hạt giống mang tên lòng trắc ẩn. Sức lan tỏa tự nhiên của quyển sách nằm ở đây.

Tin chắc rằng nếu có thể ghi chép lại mọi thứ, thì mỗi người chúng ta đều có thể nhớ về mình như một bản thể phong phú như vậy. Vì đó là một điều hết sức tự nhiên của mỗi đứa trẻ khi đón nhận sự xoay chuyển đa dạng của vũ trụ. Lúc đó ta chỉ cần gọi tên, giống như bé Lê Quốc Triều soạn thơ, thay vì gắn mác, phớt lờ hay trốn tránh. Vậy thì ta sẽ giữ mãi được lăng kính không màu để nhìn đời, để sống thuận hòa và tri túc với những bản năng yêu thương mà đất trời ban tặng. Có nhiều bài thơ như lời nhắc nhở rằng hãy để trái tim đồng cảm của ta vận hành theo lối tự nhiên của nó. Hãy dừng lại một chút, im lặng, ghi nhận, để tình yêu thương không phân biệt của mình có cơ hội được hồi sinh và nảy nở.

Kết

Bên cạnh các quyển sách cung cấp thật nhiều kiến thức chữa lành, cũng có những quyển sách nhẹ nhàng đi vào bên trong chúng ta rồi đánh thức miền ký ức “rung cảm đầu đời” đang bị che lấp, giúp ta chợt nhớ thì ra bên trong mình cũng còn tồn tại các hạt giống tuổi thơ tươi đẹp, hạnh phúc và vẫn còn có khả năng đâm chồi nảy lộc dù thời gian đã trôi qua ít nhiều. Đối với người lớn, tác phẩm là chiếc bè chở họ về suối nguồn của hạnh phúc dung dị thuở ban sơ. Đối với trẻ con, quyển sách lại là một chiếc gương phản chiếu những điều đẹp đẽ quý giá vốn dĩ vẫn đang hiển hiện xung quanh quãng đời trưởng thành của chúng. Xin gửi lời tri ân vị tác gia, và lòng biết ơn vì thiên thời địa lợi nhân hòa để tác phẩm ra đời đúng vào dịp đại chúng phải trải qua nhiều dao động, thiên biến; vào giai đoạn trẻ nhỏ đang dần mất đi kết nối với tự nhiên, dễ thu mình lại với cái tôi ngày càng to lớn. 

Hết.

Anh Đào

Phía sau trang sách

Danh ca Elvis Phương ra mắt hồi ký mới, trải lòng nhiều chuyện hậu trường thú vị

Published

on

Ai đó đã từng nói rằng mỗi một nghệ sĩ đối với bản “hit” của mình luôn có những mối lương duyên đặc biệt. Với Elvis Phương điều đó rất đúng, khi suốt đời mình ông đã sống như một "chú ngựa hoang" với những vết thù mà mình mang theo. Hồi ký Dòng đời vừa mới ra mắt không chỉ mang đến những câu chuyện riêng phía sau hậu trường, mà còn cho thấy cả một thời đoạn âm nhạc liên tục thay đổi.

Trải qua gần 60 năm cuộc đời, Elvis Phương là một tượng đài giúp đưa dòng Rock’n’Roll và nhiều cách tân độc đáo vào âm nhạc Việt. Lấy tựa Dòng đời theo tên bài jazz nổi tiếng My Way, nam danh ca đã có những giãi bày riêng qua lời kể chân thành, từ đó tiết lộ rất nhiều câu chuyện, hình ảnh, tư liệu sống động mà trên ánh đèn sân khấu ít người biết đến.

Thời thơ ấu và tiếng gọi của âm nhạc

Được viết theo dòng thời gian từ khi sinh ra đến khi lớn lên, ở những chương đầu, Elvis Phương cho thấy được niềm đam mê âm nhạc ngay từ rất sớm. Như mối lương duyên đã được số phận sắp đặt, đó là việc ông thích phim ảnh và đã xem nhiều thể loại, thế nhưng tác phẩm để lại ấn tượng sâu nhất vẫn là bộ phim cao bồi O’Cangaceiro, nơi tiếng harmonica ở phần cuối phim vẫn luôn đọng lại. Từ chiếc harmonica ấy, ông dần sở hữu những “gia tài” khác, như chiếc radio, máy phát đĩa than, cây guitar bị hỏng dây… và cũng từ đó mà niềm khát khao đối với âm nhạc ngày càng đậm thêm.

Tại đây ông cũng tiết lộ một chuyện ít nhiều buồn thương, khi gia đình đã không ủng hộ ông theo con đường âm nhạc. Trong đó cha ông là người phản đối có phần quyết liệt, bởi tư tưởng cũ “xướng ca vô loài” cũng như mong muốn con mình nối nghiệp thầu khoán. Thế nhưng như một câu nói càng cấm càng làm, đam mê âm nhạc cứ thế lớn lên, cũng kèm theo đó là sự kình chống khó thể giảng hòa giữa ông và thân phụ mình.

Danh ca Elvis Phương hát cùng ban nhạc Vampires. Ảnh: NVCC.

Ông viết: “Tôi chắc chắn được một điều là mình rất mê âm nhạc, nghe tiếng nhạc tôi thấy yêu đời, thấy tâm hồn nhẹ nhõm lâng lâng. Lúc nào, giờ nào tôi cũng có thể nghe được, nhiều lúc còn mang cả radio vào trong toilet để nghe. Tiếng gọi của âm nhạc đến với tôi từ thời thơ ấu, nhìn lại những người thân trong họ hàng chung quanh, tôi nhận thấy mình chẳng hề chịu ảnh hưởng văn nghệ của bất kỳ ai, phải nói tôi nghĩ mình sinh ra đời để được ra phải được hát mà thôi”.

Dẫu vậy ông không hờn giận cha mình, mà khi ngày càng trưởng thành, ông nhận ra đó sẽ trở thành một “kim chỉ nam” để mặc cho sống giữa nhiều cám dỗ trong các vũ trường, những sân khấu ca nhạc… thì ông vẫn giữ được mình sao cho thuần chất. Có thể nói rằng những chia sẻ này là lời riêng tư và cảm xúc nhất mà Elvis Phương viết ra trong cuốn hồi ký, như lời tạ ơn cho vị thân sinh đã đưa "chú ngựa hoang dại" vào trong cánh đồng ca nhạc, dù bằng cách này hay cách khác.

Elvis Phương với Trung Lang Rockin' Star vào năm 1960. Ảnh: NVCC

"Ma lực" của Elvis Presley

Sau đó sẽ là quãng đời chạm ngõ bước vào trình diễn, khi ông gia nhập vào các ban nhạc nổi lên ở thời bấy giờ, từ Rockin’ Star, Les Vampire cho đến Phượng Hoàng cùng hai nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang và Lê Hựu Hà. Ở mỗi thời kỳ ông luôn biết cách tạo ra được sự đặc biệt để thu hút khán giả, và cũng phần nào khẳng định “Âm nhạc là mùa Xuân trong tôi, đang nở hoa rực rỡ, không thể nào để cho mùa Đông của sách vở, của văn bằng tận diệt dưới lớp đá băng lạnh lẽo”.

Điểm hay của thể loại hồi ký đó là tuy phản ánh góc nhìn cá nhân, thế nhưng bối cảnh mà nó làm nên thường mang được tính phổ quát khi là ký ức của rất nhiều người. Ở Dòng đời, qua những mô tả của Elvis Phương, lịch sử về sự du nhập âm nhạc cũng được trở lại theo từng thời kỳ phát triển của bản thân ông. Đó là những năm 1959 – 1969 với phong trào nhạc ngoại bắt đầu manh nha và các ban nhạc “kích động” chuyên trình bày nhạc ngoại quốc bắt đầu ra mắt. Cũng vào lúc này mà ông tìm thấy Elvis Presley – một cá tính có “sức lôi cuốn kỳ lạ, như có ma lực ghê gớm lôi kéo tôi vào thế giới của âm thanh đầy huyền hoặc”.

Elvis Phương tại nhà của Elvis Presley. Ảnh: NVCC

Ông cũng kể lại một thời thanh xuân thích sưu tầm những bài ca nước ngoài, chép lại trong một quyển tập được trang trí cẩn thận, với những hình ảnh được cắt từ báo ngoại quốc lúc đó vẫn còn hiếm hoi tại Việt Nam. Elvis Phương tiết lộ để có những hình ảnh ấy thì người ta phải nhờ người nhà ở nước ngoài gửi về, vì phải đến năm 1963 thì mới có các tạp chí ca nhạc Mỹ xuất hiện, khi quân đội Mỹ vào Việt Nam. Thời điểm này cũng đã đánh dấu nhạc Pháp thoái trào và sự thay đổi thành phần khán giả.

Theo đó nếu những năm trước người tham dự đa số là học sinh trường Pháp, thì thời kỳ này là sự góp mặt của nhiều “dân chơi” Sài Gòn và sự bành trướng của nhạc Anh, nhạc Mỹ với sự có mặt của những quân nhân Hoa Kỳ. Đó là làn sóng British Invasion, và cũng đánh dấu bước chuyển của thời kỳ ca hát tài tử để bắt đầu có sự kỳ kèo về giá cả của những hợp đồng ký kết.

Elvis Phương kể mình từng khiến tài tử Lưu Đức Hoa bất ngờ với việc thay trang phục sau mỗi tiết mục trình diễn. Ảnh: NVCC

Ban Phượng Hoàng và những cá tính

Bên cạnh bối cảnh được tái hiện lại, Dòng đời cũng là những cuộc gặp gỡ của Elvis Phương với những bạn nhạc đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời ông. Đó là huyền thoại cải lương Thanh Nga – người từng ngồi kề bên ông ở trường tiểu học Jean-Jacques Rousseau, là Khánh Ly – người đã thu âm cùng ông băng nhạc đầu tiên ở Mỹ, là cố nghệ sĩ Chí Tài – người đã sẵn lòng đầu tư cho ông dù chưa hề biết kết quả sẽ đi đến đâu… Ngoài ra còn là những gương mặt khác đã từng xuất hiện trong các ban nhạc kề cận quanh ông thuở mới vào nghề, cũng như trong nhiều tấm ảnh được đính kèm theo.

Trong đó hai người nổi bật không thể không nhắc là hai thành viên của ban Phượng Hoàng. Elvis Phương không chỉ kể lại những chuyện thân tình mà còn đánh giá ảnh hưởng của họ lên sự nghiệp và cuộc đời mình. Ông viết: “Hai tâm hồn, hai tư tưởng, hai nghệ sĩ, hai khuynh hướng sáng tác khác nhau, nhưng khi kết hợp lại đã mang đến sự quân bình tuyệt diệu của nhân sinh quan cũng như nghệ thuật. Tôi không coi họ là những thiên tài, mà tôi coi họ như những nạn nhân của tuổi trẻ, người nói lên được những cảm nghĩ sâu xa của một tuổi trẻ bị xâu xé vì chiến tranh, bị giằng co giữa cái đẹp và cái xấu trong bối cảnh xã hội lúc đó”.

Ban Phượng Hoàng (từ trái qua): Elvis Phương, Trung Vinh, Nguyễn Trung Cang, Châu và Lê Hựu Hà. Ảnh NVCC.

Ở đó có một Lê Hựu Hà lạc quan với lòng yêu thiên nhiên, yêu người, yêu đời, còn Nguyễn Trung Cang thì sống trong sự bi quan, dằn vặt, nhìn cuộc đời này bằng một màu đen tang tóc, ảm đạm. Và chính sự quân bình ấy đã tạo nên ban Phượng Hoàng như tên tuổi lớn của một giai đoạn nhạc trẻ Việt Nam bắt đầu thành hình. Và không chỉ có cơ may được hợp tác cùng và làm việc với những yếu nhân, mà bản thân ông cũng là một người hướng mình đến sự hoàn hảo, để đáp lại lòng thương yêu của khán giả dành cho mình.

Ông kể về những lần mua sắm rất nhiều trang phục ở các kinh đô thời trang khác nhau với những nhà thiết kế nổi tiếng, không chỉ vì thích mặc đẹp mà còn vì để tôn trọng khán giả. Ông cũng nói về nỗ lực của mình trong việc tìm ra một lối đi mới, trong việc tiên phong hát các liên khúc, phối trộn chất liệu dân gian cũng như cách hát bày tỏ cảm xúc khác biệt… Chính những điều đó làm nên một Elvis Phương của ngày hiện tại, rằng dẫu chìm nổi theo dòng thời gian ở nhiều bối cảnh khác nhau, thì ông vẫn luôn thích nghi và tìm thấy được lối riêng cho bản thân mình.

Bìa cuốn hồi ký Dòng đời. Ảnh: Phương Nam Books

Xuyên suốt tác phẩm ông đã ví mình như chú ngựa hoang “phóng vào đồng cỏ mênh mông, bát ngát để khám phá biết bao điều mới lạ, được nhìn thấy đủ muôn mặt của cuộc đời này, từ những khuôn mặt khả ố đến những khuôn mặt đẹp đẽ dễ thương, từ những khuôn mặt tính toán thâm hiểm cho đến những khuôn mặt đầy bao dung và nhân hậu…”

Và sau 60 năm vùng vẫy vẫn chưa thấm mệt, cho đến giờ đây, ông vẫn là một tượng đài trong âm nhạc Việt Nam không chỉ trong quá trình làm nghề, mà còn là thái độ sống và lòng bao dung với cuộc đời này. Dòng đời chính là những trải lòng ấy, để "ngựa hoang" giờ đã tìm thấy tình yêu cũng như chính mình.

Nguồn: Người Đô Thị | Minh Anh

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Từ câu chuyện quạ và bình nước đến giải mã bí mật bộ não thiên tài của loài chim

Quyển sách Chim chóc chưa bao giờ ngốc, tác giả sách, nhà nghiên cứu Jennifer Ackerman giúp độc giả hiểu biết thêm vô vàn năng lực kỳ diệu, đời sống hoang dã đầy thú vị của loài chim. 

Published

on

Bạn có biết, loài chim đã tồn tại hơn 100 triệu năm? Chúng thường sử dụng tập quán xây tổ, sử dụng điệu múa… để thu hút bạn tình. Hay chim sáo, vẹt có khả năng bắt chước nói tiếng người, bồ câu đưa thư hoặc những loài chim di cư định vị được chúng đang ở đâu.

Trí thông minh của loài chim trở thành nguồn cảm hứng bất tận để các nhà khoa học thực hiện hàng loạt thí nghiệm. Và trong quyển sách Chim chóc chưa bao giờ ngốc, tác giả sách, nhà nghiên cứu Jennifer Ackerman giúp độc giả hiểu biết thêm vô vàn năng lực kỳ diệu, đời sống hoang dã đầy thú vị của loài chim. 

Vì sao loài chim có trí thông minh vượt bậc?

Trong Chim chóc chưa bao giờ ngốc (Phương Nam Book & NXB Thế giới), nhà nghiên cứu Jennifer Ackerman đã không ngần ngại gọi các đối tượng chim bằng cụm từ “thiên tài”. Vì sao ư? Khi đi sâu nghiên cứu, ghi chép, Jennifer Ackerman nhận định, chim chóc xứng đáng với cái tên đó.

Cũng theo Charles Darwin - nhà bác học, nhà tự nhiên học vĩ đại người Anh, “cha đẻ” của thuyết tiến hóa, từng nói: “Động vật và con người có sức mạnh trí tuệ chỉ khác nhau ở mức độ chứ không phải ở giống loài”. Trong thực tế, bạn từng nhìn thấy chú chim sẻ đang nhặt hạt thóc mang về tổ hay một con chim sáo lục túi rác tìm thực phẩm sót lại. Điều này giúp bạn nhận ra, loài chim học được cách tìm kiếm thức ăn mới. Dấu hiệu cho thấy sự thông minh vượt bậc của loài chim. 

Gần gũi hơn với tuổi thơ chúng ta, câu chuyện ngụ ngôn quạ và bình nước là tiền đề để các nhà khoa học thực hiện các thí nghiệm trên loài quạ. Năm 2014, nghiên cứu về quạ và bình nước tái hiện lại dưới góc nhìn các nhà khoa học ở ĐH Cambridge (Anh) và ĐH Auckland (New Zealand).

Ảnh minh họa

Với nhiều phương án, giống quạ New Caledonian được thí nghiệm ưu tiên chọn đá để thả vào bình thay vì cát, chọn vật rắn chìm dưới nước thay vì vật rỗng nổi trên mặt. Quạ thả vào bình có mực nước cao hơn thay vì bình có mực nước thấp hơn. Từ những hành vi đó, các nhà khoa học kết luận rằng, loài quạ cực kỳ thông minh, nó biết cách sử dụng công cụ lao động theo ý muốn. 

Cũng trong nghiên cứu trên Tạp chí Thần kinh học So sánh (Mỹ), tháng 1/2022, các nhà khoa học so sánh não bộ chim họ quạ với não của gà, chim bồ câu và đà điểu. Họ phát hiện rằng não họ quạ có các tế bào thần kinh dày đặc với hơn 200 đến 300 triệu tế bào thần kinh trên mỗi bán cầu. Điều này cho phép việc giao tiếp hiệu quả giữa các tế bào não của quạ. 

Trong khi đó, loài chim luôn bị nỗi oan ngu ngốc, con người mắng là lũ não ngắn, đồ... não chim. Theo một nghiên cứu năm 2020, tạp chí Science, công bố, não chim không hề ngắn một chút nào. Cụ thể, quạ và các loài chim khác “biết chúng muốn gì và có thể suy ngẫm các ý tưởng trong tâm trí”. Theo tạp chí Current Opinion in Behavioral Sciences, xuất bản năm 2017, nhận định, trí thông minh của quạ có thể ngang bằng với một số loài khỉ và gần với loài vượn lớn (khỉ đột).

Cũng theo nghiên cứu của Viện Khoa học Hàn lâm Quốc gia (Mỹ), các nhà khoa học phát hiện ra rằng, bộ não bé nhỏ của loài chim chứa nhiều tế bào não hơn đa số các loài thú hiện nay. Cụ thể, các chuyên gia đã xét nghiệm tế bào não của 32 loài chim khác nhau, gồm cả quạ, vẹt, đà điểu và cú. Họ sử dụng hệ thống đếm neuron thần kinh. Kết quả thu được, não chim có số lượng tế bào não lớn hơn hẳn các loài thú khác. Ví dụ, loài chim sẻ - trọng lượng bằng 1/9 loài chuột, nhưng tỷ lệ tế bào não nhiều gấp 2,3 lần.

Tuyệt chiêu ‘tỏ tình” sáng tạo của loài chim 

Từ việc quan sát hành vi sống của loài quạ có thể chế tạo công cụ để lấy thức ăn - những thứ chỉ từng nhìn thấy ở các loài vượn lớn. Hay nguyên nhân tuyệt diệt của chim dodo, tác giả sách, nhà nghiên cứu Jennifer Ackerman đi tìm lời giải đáp về thang đo chung trí tuệ của các loài chim. 

Với Chim chóc chưa bao giờ ngốc, Jennifer Ackerman cung cấp kiến thức đời sống hoang dã lý thú đến người đọc. Tác giả trình bày chi tiết những phát hiện, minh chứng, nghiên cứu cũng như kết quả về trí thông minh của loài chim. Việc bộ não loài chim có kích thước nhỏ không tương đồng một cách hoàn toàn với trí thông minh của chúng.

Hơn hết, Jennifer Ackerman dùng các học thuyết riêng biệt để giúp chúng ta hiểu thêm về trí thông minh của loài chim. 8 chương sách là 8 mảnh ghép làm nên những điều mới mẻ về các loài chim. Trong đó, hai chương sách bàn luận về học thuyết tâm trí giao phối. Tác giả đưa ra những lý giải thú vị về các hành vi một vài loài chim mái tìm bạn tình dựa trên cách xây dựng tổ cũng như điệu múa đẹp từ chim trống. 

Vào mùa giao phối, chim trống lượm nhặt, thậm chí giành giật nhiều đồ vật bỏ rơi đủ màu sắc để trang trí nơi ở của mình để thu hút chim mái. Khi đối tượng đến, chim trống nhảy nhót, hót mừng mời vào tổ tham quan. Tổ càng đẹp con mái sẽ càng dễ xiêu lòng hơn. Hoặc có những loài chim khác lại chọn sự đồng điệu thông qua tiếng hót… Hành vi kết đôi thú vị này diễn ra trong thế giới tự nhiên giúp chúng ta thấu hiểu, loài chim cũng rất sáng tạo trong việc tán tỉnh nhau.

Điều đặc biệt của Chim chóc chưa bao giờ ngốc còn nằm ở sự pha trộn tài tình giữa những kiến thức thú vị về cuộc sống của loài chim. Óc quan sát tinh tế, sự ghi chép tỉ mẩn, dày công nghiên cứu về loài chim của tác giả Jennifer Ackerman gói gọn trong hơn 400 trang viết.

Thông điệp từ tình yêu thiên nhiên

Chim chóc chưa bao giờ ngốc còn góp phần giúp độc giả nhí lẫn người lớn hiểu thêm thực tế môi trường sống đang dần biến đổi. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống con người và sự tiến hóa của loài chim. 

Jennifer Ackerman diễn giải cho chúng ta thấy, các chú chim di cư giờ đây phải đối mặt với việc thức ăn trên biển của mình không đúng mùa. Nhiệt độ môi trường tăng lên, thời gian sinh trưởng của các trật tự sinh học khác đảo loạn. Dẫn đến nhiều loài chim phải chết giữa đường do không tìm được thức ăn. Trong rừng rậm sâu, những con chim mẹ cũng phải đẻ trứng ngược với chu trình ngàn đời tự nhiên, nhằm đảm bảo nguồn sâu phong phú để nuôi nấng thế hệ sau của mình… 

Thông qua Chim chóc chưa bao giờ ngốc, tác giả Jennifer Ackerman mong muốn gửi gắm thông điệp về tình yêu thiên nhiên, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề bảo tồn sự đa dạng sinh học của loài chim nói riêng, cũng như đời sống loài động vật hoang dã khác trước thềm tuyệt chủng.

“Não chim có lẽ nhỏ, nhưng rõ ràng là có võ… Chim chóc đã tồn tại trong hơn 100 triệu năm. Chúng là một trong những câu chuyện thành công vĩ đại nhất của tự nhiên…”, Jennifer Ackerman viết.

Bà Trần Nhật Hoàng Phương - Giám đốc Marketing Phương Nam Books - cho biết, nếu như thời gian trước, các dòng sách đa dạng, phong phú theo chiều rộng, thì trong năm 2023, nhiều chủ đề sách sẽ mang tính chiều sâu hơn. Theo đó, Chim chóc chưa bao giờ ngốc - giải mã bộ não thiên tài của loài chim, được trình bày với giọng văn mạch lạc. Từ đó, độc giả sẽ bước vào cuộc phiêu lưu trên từng trang sách.

Tóm lại, Chim chóc chưa bao giờ ngốc - một cuốn sách tuyệt vời dành cho bạn đọc yêu động vật, tò mò khám phá về đời sống tự nhiên. Bởi có quá nhiều điều thú vị sẽ giữ chân bạn lại lâu hơn, để tìm hiểu, để khám phá và yêu hơn những loài chim - một trong những sinh vật có trí thông minh vượt bậc nhất thế giới. 

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Sự hoàn hảo và hạnh phúc: Điều gì quan trọng hơn?

Bạn và tôi cũng chỉ là những cô gái nhỏ trên hành trình tự chữa lành tâm hồn, yêu thương chính mình.

Published

on

phu-nu-dung-kiet-suc-vi-su-hoan-hao

Gửi cậu - cô gái luôn nghĩ mình chưa đủ tốt. 

Dạo gần đây, mình lướt mạng xã hội thấy được rất nhiều những cô gái xinh đẹp, giỏi giang và tràn đầy năng lượng tích cực, mình ngưỡng mộ lắm! Nhưng mình bỗng lặng đi một chút, hàng vạn câu hỏi xuất hiện trong đầu mình: Tại sao bản thân lại không được xinh đẹp, sao bản thân mình toàn chất chứa những tiêu cực, sao mình lại không đủ tốt cơ chứ! Bạn đã từng bị những suy nghĩ ấy bủa vây chưa? Nếu câu trả lời là có, hãy để mình dành cho bạn một cái ôm thật dịu dàng nhé! 

Chỉ cần quan tâm cảm xúc bản thân một chút, bạn sẽ thấy tinh thần tốt hơn. Nguồn ảnh: @Unsplash

Phải là một cô gái đoan trang, một người vợ tào khang, một người mẹ giỏi giang - những tiêu chuẩn hoàn hảo, những áp lực vô hình ấy đã gắn lên người phụ nữ qua bao thế hệ. Ở đây, mình không phủ nhận những tiêu chuẩn ấy là sai trái, mình chỉ nói đến việc phụ nữ chúng mình luôn trong tình trạng thấy quá tải và kiệt sức với mọi việc mình phải làm, nhưng vẫn cứ lo là mình làm chưa “đủ” và luôn trong trạng thái "sức cùng lực kiệt". 

Mình cũng chỉ là cô gái nhỏ trên hành trình tự chữa lành tâm hồn, yêu thương chính mình để thoát khỏi "peer pressure" (Áp lực đồng trang lứa) hay "burn out" (luôn cảm thấy bản thân mình mệt mỏi và vô cùng áp lực). Người bạn đồng hành cùng mình ở hành trình này chính là quyển sách Phụ nữ đừng kiệt sức vì sự hoàn hảo (Emily Nagoski, PhD và Amelia Nagoski Peterson, DMA)

Quyển sách Phụ nữ đừng kiệt sức vì sự hoàn hảo - tác giả Emily Nagoski, PhD và Amelia Nagoski Peterson, DMA

Quyển sách cung cấp độc giả những thông tin khoa học về sức khỏe tâm lý, vừa là người bạn cùng san sẻ những vấn đề xung quanh "cuộc sống phải hoàn hảo" của người phụ nữ. Và chắc chắn bạn sẽ như mình khi bắt gặp chính mình trong quyển sách qua những câu chuyện về cuộc đời, những nỗi đau tâm lý và những lần ngã gục của những người phụ nữ. 

Ba phần của quyển sách Phụ nữ đừng kiệt sức vì sự hoàn hảo tương ứng với ba giai đoạn của sự chữa lành: 

  • Phần 1 - Những điều bạn mang theo: Với mình, đây là chương sách mình phải chạnh lòng và nghiền ngẫm lâu nhất, khi mình phải tự đối mặt với những đám mây tiêu cực - những vấn đề vẫn hằng đeo bám tâm trí người phụ nữ: sự căng thẳng, cạn kiệt cảm xúc, nhìn nhận sai về "ý nghĩa cuộc sống"... qua góc nhìn tâm lý học và khoa học xã hội. Nhưng mình chắc chắn rằng chúng sẽ không hề khô khan mà lại dễ hiểu và gần gũi qua cách dẫn chuyện lôi cuốn của tác giả. 
  • Phần 2 - Kẻ thù thật sự: Phần hai của quyển sách đào sâu vào "chế độ phụ quyền", “hội-chứng-người-biết-cho-đi” và "vẻ đẹp lý tưởng" - vạch trần những kẻ thù đã gây ra những thương tổn trong tâm lý người phụ nữ. Mình cũng rất thích cách tác giả lồng ghép bộ phim Gaslight một cách đầy tinh tế để dẫn chuyện. Cùng với đó, tư tưởng của tác giả không lý thuyết suông rằng kêu gọi phụ nữ hãy yêu thương và chấp nhận bản thân, mà là "kiên nhẫn với cơ thể cũng như cảm giác của bạn về cơ thể mình."
  • Phần 3 - Những điều cần làm: Phần này sẽ trang bị cho bạn những kiến thức để đánh bại "những kẻ thù thật sự", để bạn ngày một trở nên mạnh mẽ hơn và chiến thắng được chúng. Bạn sẽ bất ngờ nhận ra đó là những việc bạn có thể thực hiện hằng ngày, để bạn kết nối, tin tưởng, nghỉ ngơi và bao dung với bản thân mình hơn. 

Cuối mỗi chương, nhóm tác giả đều có tóm tắt ngắn gọn nội dung, giúp mình thống kê lại kiến thức và các "bài tập" thực hành. Khép lại quyển sách chưa đầy 400 trang, mình đã xóa đi được những góc nhìn đầy phiến diện về cuộc sống và cả về chính mình nữa.

Khi ta từ bỏ sự áp lực hoàn hảo là ta đang hạnh phúc. Nguồn ảnh: @Unsplash

Mình không dám nói rằng mình trưởng thành hơn hay hoàn thành chữa lành sau khi đọc xong quyển sách. Nhưng mình đã tự mở ra cho mình một lăng kính mới, một cánh cửa mới cho chiếc tủ eo hẹp nơi tâm trí. Lăng kính của sự tự do và cánh cửa của sự bao dung cho bản thân. Bất cứ sự trưởng thành nào cũng phải đánh đổi bằng tổn thương. Điều quan trọng, cách ta chiến đấu và chữa lành cho đứa trẻ bên trong sau cuộc chiến hay để những đớn đau ấy mãi tuần hoàn.

"Hãy tin tưởng cơ thể của bạn. 
Hãy tử tế với chính mình. 
Bạn như hiện tại là đủ. 
Niềm vui của bạn là quan trọng. 
Hãy nói cho mọi người mà bạn biết."
Mỗi cô gái đều là phiên bản độc nhất và xứng đáng được yêu thương!"

Đọc bài viết

Cafe sáng