Phía sau trang sách

Quả chuông ác mộng: Một dẫn nhập về cái chết

Published

on

Là câu chuyện về một nhà thơ cố gắng kết liễu đời mình được viết do chính một nhà thơ đã thực hiện hành vi này, tiểu thuyết Quả chuông ác mộng xuất bản tại Anh vào năm 1963 dưới bút danh khác của Sylvia Plath, một tháng trước khi bà tự sát. Phải chờ đến hơn một thập kỷ sau thì Mỹ mới xuất bản tác phẩm này và đến năm 1966 thì được tái xuất bản tại Anh dưới tên thật của tác giả. Một ghi chú về tiểu sử tác giả trong ấn bản hiện nay rõ ràng cho thấy những sự việc trong tiểu thuyết rất tương đồng với Sylvia Plath ở tuổi đôi mươi. Vì những lý do đó, hoàn toàn không thể trách người đọc tiếp cận quyển tiểu thuyết không được khách quan. Quả chuông ác mộng là tác phẩm hư cấu không thể thoát khỏi việc bị đọc như một phần hồi ký. Câu chuyện khởi đầu tại New York với chút tươi sáng nhợt nhạt, dần trở nên tăm tối hơn khi dời về Massachusetts, để rồi chìm vào sự điên loạn. Esther Greenwood, là một trong mười hai cô gái được chọn đến ở tại thành phố trong một tháng để làm thực tập sinh biên tập của tạp chí thời trang tuổi thiếu niên. Cô là thế hệ xuất phát từ một gia đình di dân Đức sống ở ngoại ô New England. Với thành tích “15 năm toàn điểm A”, cô có mối quan hệ chán chường với Buddy Willard – chàng sinh viên y khoa tẻ nhạt nhưng đẹp mã. Còn nhiều điều băn khoăn và có khao khát trở thành một nhà thơ, cô là kiểu người không biết nên gọi đồ uống gì, cũng không biết cần trả thêm tiền phục vụ cho tài xế taxi là bao nhiêu, nhưng lại chọn làm luận văn về chủ đề “song ảnh” trong Finnegans Wake, một tác phẩm cô vẫn chưa thể đọc hết. Trí tưởng tượng của cô phải đấu tranh giữa những nguyên tắc giáo điều của New England và vẻ giả tạo hào nhoáng của New York. Cô nhận thấy mình không thể là một phần trong biển đông những nữ sinh viên buộc phải nghỉ ngang việc học giữa chừng để kết hôn. Những cơn khủng hoảng về danh tính, tính dục và tồn sinh thật ảm đạm và thường khôi hài. Sự dí dỏm, óc châm biếm và trí thông minh cũng như nỗi buồn lánh đời bất khả biện giải đã khiến Esther xa cách bạn bè đồng trang lứa. Là người miễn cưỡng tìm kiếm chân lí, cô dùng khiếu châm biếm như một công cụ phán xét và trở thành nạn nhân chính của thói quen này. Không thể trải nghiệm lẫn biểu đạt cảm xúc, cô cảm thấy mình khiếm khuyết trong hình hài một con người. Khoảng cách giữa cô và thế giới ngày càng nới rộng: “Tôi chẳng thể nào phản ứng nổi trước bất cứ điều gì. Tôi cảm thấy cực kì tĩnh tại và cực kì trống rỗng.”… “Sự im lặng dìm tôi xuống vực sâu. Đó không phải là bản thân sự im lặng. Mà là sự im lặng của chính tôi.”… “Sáng hôm đó tôi đã cố tự treo cổ.”

Ảnh: Facebook Tao Đàn

Ngụy trang và bệnh tật đồng hành cùng nhau trong Quả chuông ác mộng; hơn nữa, căn bệnh thường được dùng để tháo bỏ hoặc xé toang vẻ ngoài giả tạo. Doreen, một thiên kim tiểu thư Esther hiển nhiên ngưỡng mộ, bắt đầu tiến trình ấy khi trở nên say xỉn. Hình ảnh chớp nhoáng cảnh tượng cô nằm đó, đầu ngập ngụa bên chính bãi nôn mửa của mình tại hành lang khách sạn tuy nhơ nhuốc nhưng cần thiết. Tiếp theo cơn ốm của cô là màn ngộ độc tập thể hóa chất ptomaine tại một buổi tiệc trưa “thời thượng”. Buddy bị bệnh lao và phải vào viện điều dưỡng. Esther đến thăm anh, bị gãy chân khi trượt tuyết. Lần đầu quan hệ tình dục với một chàng giáo sư Toán trẻ tình cờ quen, cô đã bị băng huyết. Được một bạn đồng tính nữ cho ở trọ, rồi sự kiện cuối cùng là nhập viện. Về sau, cô biết rằng người bạn ấy đã treo cổ tự sát. Phần tóm lược thuần túy các sự kiện diễn ra trong Quả chuông ác mộng như thế này có vẻ lố bịch khi nó không được đặt trong sự cân bằng của hai đối trọng giữa một bên là niềm tuyệt vọng khốn cùng và phía kia là sự hài hước mỉa mai quá rõ ràng. Bệnh tật và sự vạch trần là chìa khóa để giải mã Quả chuông ác mộng. Vào đêm cuối cùng ở New York, Esther trèo lên mái khách sạn và ném quần áo trong tủ qua lan can, từng mảnh từng mảnh một. Đến cuối tác phẩm, cô cố gắng tước đoạt mạng sống của chính mình, nhưng rồi sinh mệnh cô được trao trả lại bằng quá trình lột trần khác – tâm thần học. Sự thống khổ và cảnh đổ máu là chứng trạng đặc trưng trong Quả chuông ác mộng, thường được miêu tả khách quan, tự chế giễu, gần như bắt đầu theo kiểu hài hước. Được văn phong dẫn dắt (một phần ba đoạn đầu Quả chuông ác mộng giống như phiên bản chế giễu hài hước chua cay của Breakfast at Tiffany’s), người đọc bị dụ dỗ vào hang hùm, đó là căn phòng xi-măng vô trùng ở tầng hầm của nhà thương điên, nơi có cỗ máy sốc điện chực chờ những vị khách khiếp sợ.

Sự hời hợt với nỗi đau thể xác cho thấy Esther đã bị mất bản năng đồng cảm ngay từ đầu – với bản thân cũng như với người khác. Tuy cô nhận thức rất tinh tường những tác động lên các giác quan, nhưng cảm giác của cô chỉ dừng ở mức rung động. Cô sống bám vào những dây thần kinh của chính mình, nhưng hệ thống thần kinh đó đã tách biệt với thế giới chung. Một lớp kính mỏng ngăn cách cô với mọi người, và tiêu đề tác phẩm, tự thân cũng cấu thành từ kính, vốn được phát triển từ ý niệm của cô về sự mất kết nối: từng cái đầu của bệnh nhân tâm thần bị chụp kín trong một quả chuông thủy tinh, mắc nghẹn bởi chính hơi thở thối rữa của mình.

Ảnh: Facebook Tao Đàn

Bị giằng xé giữa hai vai trò đầy mâu thẫn, người tình-người vợ nội trợ-người mẹ và “cuộc đời nhà thơ,” mà không một cái nào mang đậm màu sắc thực tế với cô, Esther nhận thấy bản chất cuộc sống vốn nghiệt ngã. Sợ hãi bị biến dạng thành con người hãy còn xa lạ với cô, cô hóa thân biến dạng đến mức tột cùng – thành hư vô. Khi cô chìm vào hố sâu trầm cảm, cả thế giới như một chuỗi những tiếng vọng va đập trái khoáy: khuôn mặt mẹ cô như một lời kết tội mãn kiếp, tiếng rít của xe nôi bên dưới cửa sổ khiến cô điên tiết. Cô dần bị ý tưởng tự sát ám ảnh, một trong những thành tựu lớn nhất của Quả chuông ác mộng là tạo nên sự khác biệt tinh tế giữa cách nhìn đời bị biến dạng và sự biến dạng gắn liền với những gì được tri nhận. Những chuẩn mực truyền thống có lẽ đã góp phần tạo ra sự điên loạn của Esther, nhưng cô không bao giờ mất đi nhận thức về sự phi lí trong các chuẩn mực ấy. Chuyển sang Belsize, một khu vực trong bệnh viện tâm thần dành cho những bệnh nhân chuẩn bị hòa nhập lại thế giới, cô nhìn rõ mối liên hệ này:

“Có gì khác biệt giữa chúng tôi, những người ở Belsize, so với những cô gái chơi bài bridge, tán dóc và học ở trường đại học tôi sẽ quay về? Những cô gái đó cũng đang ngồi dưới một quả chuông.”

Những cụm từ như “điên rồ” và “tỉnh táo” càng trở nên mất cân xứng khi câu chuyện tiến triển. Esther thật sự bị “tâm thần” theo định nghĩa, nhưng định nghĩa đó chỉ là một cái nhãn: khi ta biết cô trở nên “tâm thần” như thế nào thì bản thân từ này cũng trở nên không còn quan trọng nữa. (Trong cương vị là một tác phẩm hư cấu, Quả chuông ác mộng dường như bổ sung cho lý thuyết lâm sàng của nhà phân tích người Scotland R.D. Laing.) Vì tác phẩm được viết từ góc nhìn của một người quan sát tuyệt vọng chứ không phải từ góc nhìn của người khác quan sát cô, nên có một quá trình tiếp diễn trong sự điên loạn của cô; đây không phải là tình trạng bất chợt ập đến thay thế cho cái trước nó mà là quá trình dần dần tiến triển.

Ảnh: Facebook Tao Đàn

Tự sát, một trò chơi u ám bộc phát của sợ hãi và tội lỗi, cũng gây nghiện như rượu và ma túy, ban đầu chỉ là sự thể nghiệm – nay vài giọt máu, mai một cơn nghẹt thở, chỉ cốt để xem cảm giác ấy ra sao. Nó nhanh chóng trở thành khát khao hủy diệt đầy choáng ngợp. Đến khi Esther leo vào khoảng trườn ở tầng hầm và nuốt cả một lọ thuốc ngủ – đến khi chúng ta đối diện với thực tế – sự kiện này, thay vì có vẻ ghê rợn, dường như lại giống một kết quả tự nhiên hơn. Khi cô chuẩn bị xuất viện sau một loạt chuỗi ngày dài điều trị, bác sĩ tâm lí dặn dò cô rằng hãy xem sự suy sụp này là “một cơn ác mộng”. Esther “được chắp vá, trở về và chấp thuận để lên đường.” Cô nghĩ “đối với người ở trong quả chuông thủy tinh, trống rỗng và ngưng đọng như một đứa bé chết non, bản thân thế giới là một cơn ác mộng.”

Đứa bé đó chỉ là một trong rất nhiều trường hợp trong “Quả chuông ác mộng”. Họ cười trong những trang tạp chí, họ ngồi như những xác thai nhi ngâm thuốc trong lọ thủy tinh được trưng bày ở khoa nhi tại bệnh viện của Buddy. Một “đứa bé nằm an trú trong tử cung người mẹ” dường như đang chờ Esther ở cuối đường trượt khi cô gặp tai nạn. Và theo tiến trình câu chuyện, cô chứng kiến một cuộc sinh nở. Thay cho luận văn về chủ đề “song ảnh” trong quyển Finnegans Wake mà cô không bao giờ hoàn thành, có thể là một bài luận về số lượng và những dạng trẻ em xuất hiện trong Quả chuông ác mộng. Ở phòng khám phụ khoa, khi nhìn một người mẹ âu yếm con, Esther tự hỏi tại sao mình lại cảm thấy quá tách biệt với thứ hạnh phúc dung dị này, với việc thực hiện bổn phận chức năng sinh học và xã hội đã được qui định ấy. Cô không muốn có con, bản thân cô là một đứa trẻ. Nhưng cô cũng là nhà văn tiềm năng. Cô muốn tự hoàn thiện bản thân mình, chứ không muốn được hoàn thiện. Với cô, đứa bé là Cái Bẫy và tình dục là mồi nhử. Nhưng cô quá thông minh đến nỗi không thể lờ đi sự thật rằng đứa bé không đại diện cho cuộc sống, chúng chính là cuộc sống, dù không hẳn là kiểu cuộc đời Esther muốn sống; đó là, trong trường hợp cô muốn sống. Cô bị mắc kẹt giữa những bào thai quái dị trưng bày trong khu của Buddy và cảnh nô lệ kinh khủng của việc mang thai có vẻ như kéo dài vô tận từ cô hàng xóm Dodo Conway lúc nào cũng đẩy xe nôi dưới cửa sổ phòng Esther, như một người điên trong khúc ca Hi Lạp. Đứa bé dẫn dụ Esther về phía tự sát bằng cách dẫn dụ cô về một cuộc sống đúng nghĩa là cô không thể chịu nổi. Dường như chỉ có hai cách giải quyết, mà cả hai đều vô hình: hoặc là tin tưởng vào đứa bé chưa ra đời, hoặc là trung thành với cái chết. Cuộc sống, hiện ra và hiển lộ quá đau đớn, đã đánh gục cô, cuối cùng, cô tự định đoạt số phận của mình. Ngoại trừ tình cảm vô vụ lợi của vị bác sĩ dành cho cô, tình yêu hoặc bị thiếu vắng hoặc không thể nhận ra trong Quả chuông ác mộng. Cảm xúc choáng ngợp là sự ghê tởm – sự ghê tởm chưa trở thành sự khinh miệt nên càng hủy hoại nhiều hơn.

Ảnh: Facebook Tao Đàn

Giữa lần xuất bản đầu tiên và lần thứ hai của Quả chuông ác mộng ở Anh, thi tuyển thứ hai của Sylvia Plath là Ariel được in sau khi bà chết. Một vài bài thơ đã xuất hiện trên tạp chí nhưng không ai ngờ đến ảnh hưởng cộng dồn của chúng. Những trải nghiệm hủy hoại nơi tâm trí và thể xác được rũ bỏ hết mọi phòng vệ, hoàn toàn bị phơi bày, khiến ta rợn người. Những bài thơ cho thấy rõ ngay lập tức người viết vốn đã được nhìn nhận là có thiên phú trước đây khả dĩ cũng là một thiên tài mà tác phẩm tạo ra có sự mãnh liệt, tinh tế, hoang dại, và thấu đời, không giống như bất kỳ ai trước đó. Tuy phẩm tính trác tuyệt trong những bài thơ khiến cái chết của bà càng ai oán hơn, nhưng chính cái chết đã khiến tác phẩm bà viết ngay lập tức có những giá trị nhất định mà lẽ ra có thể đã không được như thế nếu mọi sự khác đi. Cái chết khiến cho từng từ được viết xuống trang giấy không thể thay đổi; nhưng trong trường hợp này thì câu hỏi nhà thơ là ai và điều gì đã mất trở nên quá rõ ràng gần như cùng một lúc: như thể những bài thơ được sinh thành và nhà thơ qua đời trong cùng một hơi thở. Tiếp sau đó là sự bất tử đến tức thời. Sylvia Plath cũng trở thành một hình mẫu vượt ngoài phạm vi văn học đối với nhiều người, một nữ nhân đầy mâu thuẫn – một người đã đối diện với nỗi kinh hoàng và từ đó tạo tác ra một số giá trị nhưng đồng thời cũng bị chính nó hủy diệt. Tôi không nghĩ sự quyến rũ nhuốm màu bệnh hoạn khiến bà có vị trí đặc biệt. Năng lượng và sự bạo lực trong những bài thơ ở giai đoạn cuối đã được thực thi. Những mối đe dọa tác giả thể hiện trong thơ đã được bà thi hành và tác phẩm bà viết đạt đến cấp độ thượng thặng của sự thật. Mối liên hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống, quá thường chỉ là phép tu từ, giờ đây lại trở nên tuyệt đối rõ ràng. Bi kịch trớ trêu là trong một thế giới của những kẻ lừa bịp hành nghề PR thì Sylvia Plath có vẻ là người sống thật bằng chính hành động chấm dứt cuộc sống của mình.

Quả chuông ác mộng thiếu sự tráng lệ của những bài thơ sau đó. Có chút gì đó nữ tính trong cách trình bày của nhà tiểu thuyết nghiệp dư. Nhưng nói cho cùng thì bản thân tư liệu là thứ vượt xa giới hạn thông thường. Đây là một quyển sách đáng sợ. Và nếu nó kết thúc quá lạc quan về mặt hư cấu lẫn thực tế sau đó thì nỗi kinh hoàng thật sự nằm ở chỗ khác. Tuy chúng ta chia sẻ mọi cảm xúc dẫn đến việc Esther cố gắng tự sát nhưng không có một chút nội dung sâu sắc nào trong Quả chuông ác mộng hướng đến sự tự sát. Đó có lẽ là lý do khiến tác phẩm này có một thế đứng độc lập. Đọc nó, chúng ta đối diện trải nghiệm ác mộng nguyên thủy chứ không phải là sự phân tích hay hiểu về ác mộng.

The New Yorker
Howard Moss

Click to comment

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Phía sau trang sách

Trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình với Metahuman – Siêu nhân loại

Published

on

By

Những khi nhìn lại chính bản thân mình, những điều đã hoàn thành lẫn những điều còn dở dang, nếu đâu đó trong bạn xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực về chính mình, có lẽ tác phẩm Metahuman – Siêu nhân loại của bác sĩ Deepak Chopra sẽ giúp bạn điều chỉnh lại suy nghĩ ấy, để thấy rằng tiềm năng của con người là vô hạn.

Có bao giờ bạn tự hỏi, tại sao những phim hài lãng mạn dù lặp lại các kiểu mô típ quen thuộc về câu chuyện, nhân vật thường vẫn dễ dàng thu phục được công chúng? Trong Metahuman – Siêu nhân loại, Deepak Chopra – tác giả người Ấn Độ từng được tạp chí Time vinh danh là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất ở thế kỉ 20 – đã có cách lí giải vô cùng thuyết phục dựa trên cơ chế tâm lí, ý thức về hiện thực của con người.

Dòng phim hài lãng mạn thường kể câu chuyện về một anh chàng hay cãi nhau với một cô nàng, để rồi cuối phim anh mới nhận ra cô chính là tình yêu đích thực của đời mình. Chopra cho rằng tất cả chúng ta đều yêu thích khoảnh khắc giác ngộ của nhân vật trong phim: “Giờ tôi đã hiểu rồi. Đó là người tôi yêu.”

Chính vì thực tại ta đang sống là một thứ khó hiểu, khó nắm bắt nên ta lại càng tìm được nhiều niềm vui khi chứng kiến nhân vật có thể hiểu được một vấn đề nan giải, thấy được sự thật bấy lâu nay cứ chìm khuất trong lớp sương mờ trước mắt anh hay cô ta. Và tác phẩm Metahuman – Siêu nhân loại cũng có thể mang đến cho người đọc niềm vui tương tự khi lần lượt giải mã nhiều vấn đề về hiện thực ta đang sống.

Những giới hạn của bản thân không phải là điều tiêu cực như bạn nghĩ

Deepak Chopra

Chúng ta vẫn thường quen thuộc với quan niệm thế giới chia làm hai phần gồm: vật chất và ý thức. Từ đây, hình thành hai trường phái triết học chủ đạo là duy vật và duy lí. Nhưng trong Metahuman – Siêu nhân loại, Deepak Chopra đã định nghĩa lại về thế giới. Ông cho rằng thế giới chỉ có duy nhất một thứ là ý thức, và vật chất cũng là do ý thức tạo nên. Vật chất, hay những gì chúng ta nghĩ là rắn chắc, bền vững, khó thay đổi – bao gồm cả cơ thể, tâm trí và những tiềm năng của chúng ta – kì thực đều là do ý thức quyết định. Vì thế, chừng nào ý thức còn muốn tiếp tục điều chỉnh, chừng đó tiềm năng của con người còn vô hạn và có thể mở rộng đến khôn cùng.

Nhưng trong cuộc sống hằng ngày, giới hạn an toàn lại là thứ khiến chúng ta thấy thoải mái, đồng thời đây cũng là cơ chế để bảo vệ con người. Chopra lấy ví dụ nếu một người muốn trở thành họa sĩ, anh tham dự một lớp học mĩ thuật. Giả sử lớp học đó có thể cho anh xem hết tất thảy mọi bức tranh đã được vẽ trong lịch sử nhân loại, cảm thấu được vẻ đẹp của từng bức thì khả năng cao là sau khi học xong, anh sẽ không thể vẽ được nữa. Ở đây, chính giới hạn về hiểu biết mĩ thuật có thể lại là động lực khiến người họa sĩ muốn sáng tạo.

Như vậy, bản thân sự giới hạn không phải là một điều tiêu cực. Nó chỉ tiêu cực khi bị cố định trong một cái khuôn. Ngược lại, nếu ta biết được giới hạn nhưng vẫn có nhận thức rằng biên độ của giới hạn có thể thay đổi thì tiềm năng của con người sẽ không ngừng mở rộng.

Không chỉ quá khứ, tương lai; hiện tại cũng là thứ không thể nắm bắt

Phần lớn chúng ta có một quan niệm phổ biến rằng: “Tương lai, quá khứ là thứ chúng ta không thể nắm bắt. Tương lai thì chưa đến. Quá khứ thì đã qua. Chỉ có hiện tại là thứ duy nhất ta có thể nắm bắt được.” Quan niệm này có lẽ hợp lí đến nỗi không nhiều người trong chúng ta đặt nghi vấn về tính đúng đắn của nó, hay thử tự một lần phản biện lại.

Tuy nhiên, Deepak Chopra lại có suy nghĩ hoàn toàn khác biệt về vấn đề này. Ông cho rằng không chỉ tương lai và quá khứ, ngay cả hiện tại – mà ta nghĩ là mình đang sống trong nó – cũng là thứ khó nắm bắt. Bởi lẽ, hiện tại cũng giống như sự im lặng. Khi bạn cất lời, sự im lặng biến mất; tương tự, khi bạn có nhận thức về hiện tại dù là dưới dạng hình ảnh, cảm xúc, hay suy nghĩ, nó cũng đã biến mất ở khoảnh khắc ấy, nhường chỗ cho một hiện tại khác ở ngay sau đó. Vì vậy, nếu nói rằng thực tại là thứ có thể nắm bắt thì chẳng khác nào nói là bạn có thể biết trước suy nghĩ tiếp theo của mình.

Phản biện này có lẽ cũng là tư duy nền tảng cho khái niệm về thực tế ảo được trình bày trong sách. Thực tế mà chúng ta đang sống, ta nghĩ rằng đó là một thực tế vững chắc, được kết cấu dựa trên những nhu cầu đầu tiên về vật chất, sau đó là tinh thần – thực tế ấy, hóa ra lại không vững chắc như ta nghĩ. Rất có thể, đó chỉ là một thực tế do ý thức, nhu cầu của chúng ta tạo ra, thứ mà Chopra gọi rằng đó là thực tế ảo. Để vươn đến tầm vóc siêu nhân loại, ta phải học cách vượt qua thực tế ảo ấy, hướng đến một thực tế thật – đó chính là thứ thực tế mà tác giả gọi là siêu hiện thực.

Trong Metahuman – Siêu nhân loại, Deepak Chopra không cố gắng áp đặt độc giả phải đồng thuận quan điểm của mình. Ông luôn đưa ra nhiều ý kiến, quan điểm đối lập từ những học giả, các nguồn kiến thức khác nhau về cùng một vấn đề để người đọc có thể rộng đường tư duy, tiếp nhận nhiều luồng tư tưởng, tự lựa chọn đáp án cho những câu hỏi cá nhân của chính mình. Thông qua đó, Deepak Chopra cung cấp một cách nhìn khác về hiện thực, giúp mỗi người chúng ta xua tan lớp sương ảo ảnh do tự thân tạo ra từ những định kiến, trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.

Nguồn: L'Officiel

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Thành phố những lục địa bay: Khi Đà Lạt không là Đà Lạt

Published

on

By

Đà Lạt luôn là điểm dừng chân lí tưởng cho những tâm hồn yêu cái lạnh. Nếu không thể đến Đà Lạt ngay lúc này, quyển sách Thành phố những lục địa bay – tác phẩm viết về Đà Lạt mới nhất của nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo để người đọc tận hưởng không khí Đà Lạt ngay tại nhà.

Dù tuổi thơ gắn liền với quê hương Ninh Thuận và chỉ đến Đà Lạt khi trở thành sinh viên Văn khoa Đại học Đà Lạt, Nguyễn Vĩnh Nguyên đã dành cho Đà Lạt một tình yêu tha thiết với nhiều tác phẩm ghi dấu trong lòng bạn đọc như: Đà Lạt, một thời hương xa; Đà Lạt, bên dưới sương mù; Với Đà Lạt, ai cũng là lữ khách Lần này trở lại với Thành phố những lục địa bay, anh tiếp tục viết về Đà Lạt với nhiều khám phá, tìm tòi mới trong nghệ thuật kể chuyện.

Vẻ đẹp thành phố sương mù hiện ra trong sự mơ hồ của chữ “và”

Trong lối tường thuật của Thành phố những lục địa bay, Nguyễn Vĩnh Nguyên đặt rất nhiều ý nghĩa trong chữ “và”. “Và” không chỉ là sự bao hàm giữa cái này và cái kia. “Và” còn có thể vừa mang ý nghĩa liệt kê, vừa mang ý nghĩa đồng thời. Chính vì vậy, những chi tiết nối liền bằng “và” theo cách Nguyễn Vĩnh Nguyên sử dụng cho người đọc cảm giác chúng có thể lần lượt xuất hiện, hoặc song song tồn tại. Sương mù hay chính bản thân Đà Lạt dường như đã trở thành một câu văn có cấu trúc gắn kết bởi chữ “và”. Ngay từ lời ghi chú ngắn ở đầu truyện, tác giả đã dụng công viết những câu văn có sự xuất hiện của nhiều chữ “và” để tạo ra cảm giác mơ hồ về ranh giới. Ta hãy thử khảo sát một vài trường hợp.

Có khi “và” đảm nhận nhiệm vụ liệt kê hai chức năng đồng thời tồn tại:
“Mặt nước cất giữ trong nó những bí mật bị vùi chôn và trang sức cho thành phố một vẻ mơ màng hư ảo. 

Có khi “và” là một trạng thái ở giữa như cách tác giả mô tả tầm nhìn của một người khi quan sát hồ nước chìm trong sương mù.
“Hồ, vì thế nằm giữa cái thấy và không thấy.”

Đôi khi, “và” còn mang nghĩa không hẳn là “cái này”, cũng không hẳn là “cái kia” như trong câu văn sau đây:
“Còn thi sĩ, anh là kẻ đã đến đây vào Thời đại Buồn nôn với sự thơ mộng và giả thơ mộng được vẽ vời và phóng đại.”

Như vậy ở đây, Đà Lạt hiện ra là một thành phố vừa thơ mộng, vừa không hẳn thơ mộng. Chính vì không có tính chất nào vẹn toàn thuộc về chủ thể – chủ thể ở đây có thể hiểu là cả một thành phố –  nên mới cần có nhiều chữ “và”. “Và” như một phương thức để khẳng định thành phố luôn mang trong mình từng tính chất đã được liệt kê, nhưng đồng thời cũng không hoàn toàn nắm giữ trọn vẹn bất kì tính chất nào. Chính vì lẽ đó, tác giả đã đưa ra nhận định chung về hình ảnh Đà Lạt được tái hiện trong Thành phố những lục địa bay là: “Đà Lạt chính là Đà Lạt. Nhưng Đà Lạt cũng không là Đà Lạt.”  

Trò chơi giữa có và không khiến người đọc say mê

Những chuỗi truyện trong Thành phố những lục địa bay cho người đọc thấy một điều rằng: Sự thật và giai thoại luôn đan xen lẫn nhau về cùng một đối tượng. Ở tác phẩm này, hồ nước chính là khởi nguồn cho mọi sự nhòa lẫn, bất phân định về ranh giới.

Có lẽ, tác giả chọn hồ làm đối tượng để khởi đầu tác phẩm cũng vì hồ là thứ có thể phản chiếu như gương, tạo ra phiên bản thứ hai của thế giới, tạo ra lằn ranh giữa thực và ảo. Hiểu theo cách đó, ta có thể thấy rằng hồ cũng có nhiệm vụ tương tự như chức năng ngữ pháp của chữ “và” trong cấu trúc câu. Nếu “và” là cầu nối trên câu chữ thì “hồ” chính là một phóng chiếu sang hình ảnh của “và”, là sự gắn kết giữa những miền “thực” và “ảo” trong tác phẩm. Và vì vậy, với tác giả, hồ là: “Một thứ nước đôi, không chắc hư cấu, cũng chẳng hiện thực.” 

Hầu hết những con người xuất hiện trong tác phẩm đều vô danh, họ chỉ được gọi bằng các chức danh nghề nghiệp như: thi sĩ, nhà nhân học, quy hoạch gia, chàng nhạc sĩ, nhà thám hiểm, ngài khâm sứ, đan sĩ, hoàng đế, nhà biên khảo, nhà văn… Bằng cách đó, con người hòa vào những địa danh vốn cũng không được đặt tên riêng trong tác phẩm như: Hồ, Suối, Thác, Đồi, con đập…

Giữa những mơ hồ về thân phận của con người và nơi chốn, nước – một “nhân vật” vô danh khác trong tác phẩm – lại nổi lên như một đối tượng dẫn lối cho tất cả mọi thứ. “Nước đã xuyên qua vách ngăn của da thịt, để con người trở nên trong suốt và tự do.” Có lẽ vì thẩm thấu được mọi thứ nên nước dường như là phương tiện duy nhất có thể xuyên qua vách ngăn phân định giữa thực và ảo được tạo ra bởi những lớp sương mù – vốn cũng là thứ thoát thai từ nước mà thành.

Và theo dòng chảy của nước, trò chơi giữa có và không trong Thành phố những lục địa bay cứ thế diễn ra khoan thai, chậm rãi, nhưng nhiều day dứt. Tuy nhiên, dẫu có nhiều màn sương mơ hồ được giăng ra, người đọc cũng sẽ khó mà hoặc thậm chí là không muốn thoát ra khỏi thứ khiến mình đang băn khoăn ấy. Bởi lẽ, bằng chính việc không chối bỏ sự mơ hồ, dần dần ta sẽ nhìn rõ được mọi thứ. Thành phố những lục địa bay chính là một cái nhìn thấu suốt về Đà Lạt giống như thế.

Nguồn: L'Officiel

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Tiếng Kiều đồng vọng: Thế giới như một khoảng không chật hẹp

Published

on

By

Sự tổn thương sẽ mang lại những tia lấp lánh cho con người trưởng thành dường như chưa bao giờ là bài học cũ kĩ. Tiểu thuyết Tiếng Kiều đồng vọng (tên cũ Mưa ở kiếp sau) của Đoàn Minh Phượng chính là tiếng vọng đến từ một cuộc đời như thế.

Tiếng Kiều đồng vọng kể về cuộc đời của Mai. Mai sinh ra và lớn lên với mẹ Liên ở Hà Nội. Từ nhỏ, cô không biết cha mình là ai và luôn mong muốn được gặp cha. Cơ hội cuối cùng cũng đến khi dì Lan – em gái của Liên từ Huế vào Hà Nội thăm hai mẹ con đã tiết lộ cho Mai địa chỉ của cha Mai ở Sài Gòn. Từ đây, Mai phải lựa chọn rời xa tổ ấm để lên nơi phồn hoa đô thị nhiều cạm bẫy dối trá với ước vọng được đón nhận tình yêu thương từ cha mà bấy lâu cô thiếu thốn.

Trưởng thành từ sự tổn thương

Ảnh: Facebook Tao Đàn

Thông qua hành trình tìm cha của Mai, ta còn thấy xuất hiện một hành trình khác, cũng quan trọng không kém: hành trình tìm lại bản ngã của chính cô - một người luôn bị mắc kẹt trong những câu hỏi thuộc về quá khứ. Có lẽ, khi người ta bắt đầu học cách đưa ra câu trả lời cho những nghi vấn trớ trêu mà số phận đặt ra, dù tiếng vọng cuối cùng chưa hẳn là một đáp án tiệm cận nhất với sự thật thì rốt cuộc, ta cũng dần tiến đến sự trưởng thành bản ngã - thời khắc cái tôi cá nhân phải tự phá vỡ vỏ trứng bảo bọc an toàn tưởng chừng vững chắc như một thành trì nhưng hóa ra lại chỉ mong manh như một làn sương dệt từ những mơ hồ bất quyết. Chỉ khi thành trì ấy sụp đổ, làn sương ấy lùi lại phía sau con người vừa bước ra từ sự tổn thương, chính khi ấy ta mới có thể nhìn rõ hơn thế giới với trọn vẹn hương sắc của nó. Tiếng Kiều đồng vọng chính là tiếng vọng đến từ một cuộc đời như thế. Sự tổn thương sẽ mang lại những tia lấp lánh cho con người trưởng thành dường như chưa bao giờ là bài học cũ kĩ.

Nội dung cơ bản của Tiếng Kiều đồng vọng có nhiều yếu tố tương tự với bộ phim Hạt mưa rơi bao lâu do Đoàn Minh Phượng làm đạo diễn và biên kịch, sản xuất năm 2005. Cả hai người con trong tác phẩm này đều không rõ cha mình là ai, đều tự thân tìm hiểu câu chuyện quá khứ vì cùng có người mẹ trung thành tuyệt đối với sự im lặng. “Những kỷ niệm khác nằm trong niềm im lặng của mẹ tôi, niềm im lặng dài hai mươi hai năm, dài bằng đời tôi và nửa đời của mẹ.” Mai đã từng cảm thán như thế về sự im lặng của mẹ. Im lặng là một từ khóa quan trọng, được lặp lại nhiều lần trong Tiếng Kiều đồng vọng. Bản thân Hạt mưa rơi bao lâu cũng có tên phim trong tiếng Anh là Bride of Silence. Như vậy, có thể thấy rằng, sự im lặng hay thân phận của người phụ nữ bị mất tiếng nói trong xã hội là chủ đề có sức ám ảnh lớn với tác giả Đoàn Minh Phượng. Khi những người con sống dưới cái bóng im lặng của người mẹ, họ càng có thôi thúc mạnh mẽ hơn trong việc đi tìm câu trả lời cho một quá khứ bất minh. Thoát khỏi sự im lặng, tự cất lên tiếng nói cho chính mình – đó là một trong những bước đầu tiên để trưởng thành, như cách Mai đã dứt khoát nói với mẹ vào ngày cô rời đi rằng: "Con hai mươi hai tuổi, con trưởng thành đã bốn năm rồi mẹ."

Nước bao bọc kí ức để tiếng nói được cất lên

Ảnh: Facebook Tao Đàn

Mưa ở kiếp sau (tên cũ của Tiếng Kiều đồng vọng) là một tiêu đề gợi hình; trong khi đó, Tiếng Kiều đồng vọng lại là một tiêu đề gợi âm. Thử tìm cách lí giải sự thay đổi này, ta sẽ nhận ra một số điều thú vị.

Ở phần mở đầu tác phẩm, Đoàn Minh Phượng có trích dẫn lời bài hát Within you, Without you của nhóm The Beatles do George Harrison sáng tác với phần lời như sau:

“Ngày sẽ đến khi em nhận ra chúng ta đều là nước.
Cuộc đời trôi bên trong em và bên ngoài em...”

Câu gốc bài này trong tiếng Anh là:

“And the time will come when you see we're all one.
And life flows on within you and without you.”

Thông qua đó, có thể thấy tác giả đã có dụng ý khi thay “one” bằng “nước”. Nước rõ ràng là một hình ảnh rất quan trọng với Đoàn Minh Phượng trong tác phẩm này vì bản thân “mưa” ở tiêu đề cũ cũng là một yếu tố thuộc nước. Vậy dưới ngòi bút của tác giả, nước mang ý nghĩa gì?

“Một câu chuyện không có lời giống như một cơn mưa không có giọt nước từ trời. Tôi sẽ đi tìm lời cho những gì tôi biết.”

Như vậy, nước trong tác phẩm này tượng trưng cho “lời,” cho kí ức – là điều Mai luôn tìm kiếm, đồng thời cũng là điều bao bọc Mai như cách cô ví von: “Tôi còn là loài cá đầu to nằm còng queo trong lòng đại dương chật hẹp, trong bụng của người mẹ chửa hoang.” Vì “sự im lặng” của mẹ Mai là nguồn cơn khởi phát cho hành trình của Mai nên có thể xem như “nước” – một  hiện thân của “lời” – chính là đích đến, đồng thời là phương tiện để Mai hiện thực hóa mục tiêu của mình.

Do đó, so với Mưa ở kiếp sau, Tiếng Kiều đồng vọng là một tiêu đề thể hiện sự chuyển biến tích cực. Mai không còn chờ “mưa”/ “lời giải đáp” ở kiếp sau nữa, cô tìm nó ngay trong kiếp này để cất lên thành một tiếng vọng, phá tan sự im lặng của mẹ cô, của những phận nữ nhi bị mất đi tiếng nói ở thế hệ trước.

Một giọng văn mềm mại nhưng ngầm cuộn sóng bên trong

Tiếng Kiều đồng vọng vẫn kể chuyện theo lối tuyến tính, nhưng khi trình bày các sự kiện diễn ra trong cái khuôn đó, Đoàn Minh Phượng vẫn cho phép dòng tự sự của nhân vật chảy miên man tự do, đi đi về về giữa quá khứ và hiện tại. Chính vì thế, dòng chảy tâm thức của nhân vật tuy được giọng văn mềm mại dẫn dắt nhưng vẫn ngầm cuộn sóng bên trong bởi lẽ chỉ cần rẽ qua một bước ngoặt nhỏ, sự kiện đau lòng nào đó trong quá khứ lại đột ngột ập đến; hoặc ngược lại, khi đang đắm chìm trong hồi tưởng êm đềm, bất thình lình hiện thực phũ phàng xâm chiếm và hủy hoại ta. Người đọc như bước đi trong mê cung, chỉ có thể tri nhận thế giới như một khoảng không chật hẹp trước mắt, không thể biết điều gì sẽ chờ đợi mình trong ngã rẽ kế tiếp.

Ở một thế giới mơ hồ thì những cái tên - vốn dĩ là phép định danh chống lại sự mơ hồ - càng được Đoàn Minh Phượng dụng công để có thể hòa quyện trong bầu không khí hư ảo. Ta có thể thấy tác giả không vội vàng giới thiệu tên họ, lai lịch đầy đủ của nhân vật ngay từ đầu theo lối kể chuyện tiểu sử quen thuộc. Nhân vật hiện lên thoạt tiên với những tâm tư, cuộc sống ập ngay trước mắt độc giả. Những thông tin bên lề sẽ đến sau. Mãi đến chương bốn, trong đoạn đối thoại với mẹ, người đọc mới biết nhân vật chính tên Mai. Nếu để ý kĩ, ta sẽ thấy hầu như những nhân vật trong truyện đều có tên gắn với một loài hoa: Mai, Liên, Lan, Quỳnh... Và Chi - một nhân vật đặc biệt trong tác phẩm này thì tên cô lại có nghĩa là “cành”, không phải là loài hoa đích thực mà có thể là cành cho bất cứ loài hoa nào.  

Những giấc mơ cũng là một yếu tố quan trọng trong Tiếng Kiều đồng vọng. Thông qua đó, Đoàn Minh Phượng xây dựng một thế giới tổn thương, quái lạ với những buổi tiệc kì dị của giới nhà giàu, có phần nào đó mang không khí tương đồng buổi tiệc của hội kín quí tộc mà Stanley Kubrick đã đặc tả rất kĩ lưỡng trong phim Eye Wide Shut (1999).

Sống trong thế giới hiện đại, những cô Kiều dưới ánh sáng thị thành dường như không còn giữ nổi tâm trí tỉnh táo. Họ hồ như đều có chung một dòng máu điên loạn và chỉ biết lặng nhìn dòng chảy ấy trôi qua nhiều kiếp người. Vì vậy, tiếng kêu của họ có thể không đứt ruột như người xưa do nỗ lực chôn vùi cảm xúc, nhưng lại trở thành những tiếng vọng được cộng hưởng vào nhau nên còn mãi ngân nga rất lâu sau khi Tiếng Kiều đồng vọng đã kết thúc.

Đọc bài viết

Cafe sáng