Phía sau trang sách

Quả chuông ác mộng: Một dẫn nhập về cái chết

Published

on

Là câu chuyện về một nhà thơ cố gắng kết liễu đời mình được viết do chính một nhà thơ đã thực hiện hành vi này, tiểu thuyết Quả chuông ác mộng xuất bản tại Anh vào năm 1963 dưới bút danh khác của Sylvia Plath, một tháng trước khi bà tự sát. Phải chờ đến hơn một thập kỷ sau thì Mỹ mới xuất bản tác phẩm này và đến năm 1966 thì được tái xuất bản tại Anh dưới tên thật của tác giả. Một ghi chú về tiểu sử tác giả trong ấn bản hiện nay rõ ràng cho thấy những sự việc trong tiểu thuyết rất tương đồng với Sylvia Plath ở tuổi đôi mươi. Vì những lý do đó, hoàn toàn không thể trách người đọc tiếp cận quyển tiểu thuyết không được khách quan. Quả chuông ác mộng là tác phẩm hư cấu không thể thoát khỏi việc bị đọc như một phần hồi ký. Câu chuyện khởi đầu tại New York với chút tươi sáng nhợt nhạt, dần trở nên tăm tối hơn khi dời về Massachusetts, để rồi chìm vào sự điên loạn. Esther Greenwood, là một trong mười hai cô gái được chọn đến ở tại thành phố trong một tháng để làm thực tập sinh biên tập của tạp chí thời trang tuổi thiếu niên. Cô là thế hệ xuất phát từ một gia đình di dân Đức sống ở ngoại ô New England. Với thành tích “15 năm toàn điểm A”, cô có mối quan hệ chán chường với Buddy Willard – chàng sinh viên y khoa tẻ nhạt nhưng đẹp mã. Còn nhiều điều băn khoăn và có khao khát trở thành một nhà thơ, cô là kiểu người không biết nên gọi đồ uống gì, cũng không biết cần trả thêm tiền phục vụ cho tài xế taxi là bao nhiêu, nhưng lại chọn làm luận văn về chủ đề “song ảnh” trong Finnegans Wake, một tác phẩm cô vẫn chưa thể đọc hết. Trí tưởng tượng của cô phải đấu tranh giữa những nguyên tắc giáo điều của New England và vẻ giả tạo hào nhoáng của New York. Cô nhận thấy mình không thể là một phần trong biển đông những nữ sinh viên buộc phải nghỉ ngang việc học giữa chừng để kết hôn. Những cơn khủng hoảng về danh tính, tính dục và tồn sinh thật ảm đạm và thường khôi hài. Sự dí dỏm, óc châm biếm và trí thông minh cũng như nỗi buồn lánh đời bất khả biện giải đã khiến Esther xa cách bạn bè đồng trang lứa. Là người miễn cưỡng tìm kiếm chân lí, cô dùng khiếu châm biếm như một công cụ phán xét và trở thành nạn nhân chính của thói quen này. Không thể trải nghiệm lẫn biểu đạt cảm xúc, cô cảm thấy mình khiếm khuyết trong hình hài một con người. Khoảng cách giữa cô và thế giới ngày càng nới rộng: “Tôi chẳng thể nào phản ứng nổi trước bất cứ điều gì. Tôi cảm thấy cực kì tĩnh tại và cực kì trống rỗng.”… “Sự im lặng dìm tôi xuống vực sâu. Đó không phải là bản thân sự im lặng. Mà là sự im lặng của chính tôi.”… “Sáng hôm đó tôi đã cố tự treo cổ.”

Ảnh: Facebook Tao Đàn

Ngụy trang và bệnh tật đồng hành cùng nhau trong Quả chuông ác mộng; hơn nữa, căn bệnh thường được dùng để tháo bỏ hoặc xé toang vẻ ngoài giả tạo. Doreen, một thiên kim tiểu thư Esther hiển nhiên ngưỡng mộ, bắt đầu tiến trình ấy khi trở nên say xỉn. Hình ảnh chớp nhoáng cảnh tượng cô nằm đó, đầu ngập ngụa bên chính bãi nôn mửa của mình tại hành lang khách sạn tuy nhơ nhuốc nhưng cần thiết. Tiếp theo cơn ốm của cô là màn ngộ độc tập thể hóa chất ptomaine tại một buổi tiệc trưa “thời thượng”. Buddy bị bệnh lao và phải vào viện điều dưỡng. Esther đến thăm anh, bị gãy chân khi trượt tuyết. Lần đầu quan hệ tình dục với một chàng giáo sư Toán trẻ tình cờ quen, cô đã bị băng huyết. Được một bạn đồng tính nữ cho ở trọ, rồi sự kiện cuối cùng là nhập viện. Về sau, cô biết rằng người bạn ấy đã treo cổ tự sát. Phần tóm lược thuần túy các sự kiện diễn ra trong Quả chuông ác mộng như thế này có vẻ lố bịch khi nó không được đặt trong sự cân bằng của hai đối trọng giữa một bên là niềm tuyệt vọng khốn cùng và phía kia là sự hài hước mỉa mai quá rõ ràng. Bệnh tật và sự vạch trần là chìa khóa để giải mã Quả chuông ác mộng. Vào đêm cuối cùng ở New York, Esther trèo lên mái khách sạn và ném quần áo trong tủ qua lan can, từng mảnh từng mảnh một. Đến cuối tác phẩm, cô cố gắng tước đoạt mạng sống của chính mình, nhưng rồi sinh mệnh cô được trao trả lại bằng quá trình lột trần khác – tâm thần học. Sự thống khổ và cảnh đổ máu là chứng trạng đặc trưng trong Quả chuông ác mộng, thường được miêu tả khách quan, tự chế giễu, gần như bắt đầu theo kiểu hài hước. Được văn phong dẫn dắt (một phần ba đoạn đầu Quả chuông ác mộng giống như phiên bản chế giễu hài hước chua cay của Breakfast at Tiffany’s), người đọc bị dụ dỗ vào hang hùm, đó là căn phòng xi-măng vô trùng ở tầng hầm của nhà thương điên, nơi có cỗ máy sốc điện chực chờ những vị khách khiếp sợ.

Sự hời hợt với nỗi đau thể xác cho thấy Esther đã bị mất bản năng đồng cảm ngay từ đầu – với bản thân cũng như với người khác. Tuy cô nhận thức rất tinh tường những tác động lên các giác quan, nhưng cảm giác của cô chỉ dừng ở mức rung động. Cô sống bám vào những dây thần kinh của chính mình, nhưng hệ thống thần kinh đó đã tách biệt với thế giới chung. Một lớp kính mỏng ngăn cách cô với mọi người, và tiêu đề tác phẩm, tự thân cũng cấu thành từ kính, vốn được phát triển từ ý niệm của cô về sự mất kết nối: từng cái đầu của bệnh nhân tâm thần bị chụp kín trong một quả chuông thủy tinh, mắc nghẹn bởi chính hơi thở thối rữa của mình.

Ảnh: Facebook Tao Đàn

Bị giằng xé giữa hai vai trò đầy mâu thẫn, người tình-người vợ nội trợ-người mẹ và “cuộc đời nhà thơ,” mà không một cái nào mang đậm màu sắc thực tế với cô, Esther nhận thấy bản chất cuộc sống vốn nghiệt ngã. Sợ hãi bị biến dạng thành con người hãy còn xa lạ với cô, cô hóa thân biến dạng đến mức tột cùng – thành hư vô. Khi cô chìm vào hố sâu trầm cảm, cả thế giới như một chuỗi những tiếng vọng va đập trái khoáy: khuôn mặt mẹ cô như một lời kết tội mãn kiếp, tiếng rít của xe nôi bên dưới cửa sổ khiến cô điên tiết. Cô dần bị ý tưởng tự sát ám ảnh, một trong những thành tựu lớn nhất của Quả chuông ác mộng là tạo nên sự khác biệt tinh tế giữa cách nhìn đời bị biến dạng và sự biến dạng gắn liền với những gì được tri nhận. Những chuẩn mực truyền thống có lẽ đã góp phần tạo ra sự điên loạn của Esther, nhưng cô không bao giờ mất đi nhận thức về sự phi lí trong các chuẩn mực ấy. Chuyển sang Belsize, một khu vực trong bệnh viện tâm thần dành cho những bệnh nhân chuẩn bị hòa nhập lại thế giới, cô nhìn rõ mối liên hệ này:

“Có gì khác biệt giữa chúng tôi, những người ở Belsize, so với những cô gái chơi bài bridge, tán dóc và học ở trường đại học tôi sẽ quay về? Những cô gái đó cũng đang ngồi dưới một quả chuông.”

Những cụm từ như “điên rồ” và “tỉnh táo” càng trở nên mất cân xứng khi câu chuyện tiến triển. Esther thật sự bị “tâm thần” theo định nghĩa, nhưng định nghĩa đó chỉ là một cái nhãn: khi ta biết cô trở nên “tâm thần” như thế nào thì bản thân từ này cũng trở nên không còn quan trọng nữa. (Trong cương vị là một tác phẩm hư cấu, Quả chuông ác mộng dường như bổ sung cho lý thuyết lâm sàng của nhà phân tích người Scotland R.D. Laing.) Vì tác phẩm được viết từ góc nhìn của một người quan sát tuyệt vọng chứ không phải từ góc nhìn của người khác quan sát cô, nên có một quá trình tiếp diễn trong sự điên loạn của cô; đây không phải là tình trạng bất chợt ập đến thay thế cho cái trước nó mà là quá trình dần dần tiến triển.

Ảnh: Facebook Tao Đàn

Tự sát, một trò chơi u ám bộc phát của sợ hãi và tội lỗi, cũng gây nghiện như rượu và ma túy, ban đầu chỉ là sự thể nghiệm – nay vài giọt máu, mai một cơn nghẹt thở, chỉ cốt để xem cảm giác ấy ra sao. Nó nhanh chóng trở thành khát khao hủy diệt đầy choáng ngợp. Đến khi Esther leo vào khoảng trườn ở tầng hầm và nuốt cả một lọ thuốc ngủ – đến khi chúng ta đối diện với thực tế – sự kiện này, thay vì có vẻ ghê rợn, dường như lại giống một kết quả tự nhiên hơn. Khi cô chuẩn bị xuất viện sau một loạt chuỗi ngày dài điều trị, bác sĩ tâm lí dặn dò cô rằng hãy xem sự suy sụp này là “một cơn ác mộng”. Esther “được chắp vá, trở về và chấp thuận để lên đường.” Cô nghĩ “đối với người ở trong quả chuông thủy tinh, trống rỗng và ngưng đọng như một đứa bé chết non, bản thân thế giới là một cơn ác mộng.”

Đứa bé đó chỉ là một trong rất nhiều trường hợp trong “Quả chuông ác mộng”. Họ cười trong những trang tạp chí, họ ngồi như những xác thai nhi ngâm thuốc trong lọ thủy tinh được trưng bày ở khoa nhi tại bệnh viện của Buddy. Một “đứa bé nằm an trú trong tử cung người mẹ” dường như đang chờ Esther ở cuối đường trượt khi cô gặp tai nạn. Và theo tiến trình câu chuyện, cô chứng kiến một cuộc sinh nở. Thay cho luận văn về chủ đề “song ảnh” trong quyển Finnegans Wake mà cô không bao giờ hoàn thành, có thể là một bài luận về số lượng và những dạng trẻ em xuất hiện trong Quả chuông ác mộng. Ở phòng khám phụ khoa, khi nhìn một người mẹ âu yếm con, Esther tự hỏi tại sao mình lại cảm thấy quá tách biệt với thứ hạnh phúc dung dị này, với việc thực hiện bổn phận chức năng sinh học và xã hội đã được qui định ấy. Cô không muốn có con, bản thân cô là một đứa trẻ. Nhưng cô cũng là nhà văn tiềm năng. Cô muốn tự hoàn thiện bản thân mình, chứ không muốn được hoàn thiện. Với cô, đứa bé là Cái Bẫy và tình dục là mồi nhử. Nhưng cô quá thông minh đến nỗi không thể lờ đi sự thật rằng đứa bé không đại diện cho cuộc sống, chúng chính là cuộc sống, dù không hẳn là kiểu cuộc đời Esther muốn sống; đó là, trong trường hợp cô muốn sống. Cô bị mắc kẹt giữa những bào thai quái dị trưng bày trong khu của Buddy và cảnh nô lệ kinh khủng của việc mang thai có vẻ như kéo dài vô tận từ cô hàng xóm Dodo Conway lúc nào cũng đẩy xe nôi dưới cửa sổ phòng Esther, như một người điên trong khúc ca Hi Lạp. Đứa bé dẫn dụ Esther về phía tự sát bằng cách dẫn dụ cô về một cuộc sống đúng nghĩa là cô không thể chịu nổi. Dường như chỉ có hai cách giải quyết, mà cả hai đều vô hình: hoặc là tin tưởng vào đứa bé chưa ra đời, hoặc là trung thành với cái chết. Cuộc sống, hiện ra và hiển lộ quá đau đớn, đã đánh gục cô, cuối cùng, cô tự định đoạt số phận của mình. Ngoại trừ tình cảm vô vụ lợi của vị bác sĩ dành cho cô, tình yêu hoặc bị thiếu vắng hoặc không thể nhận ra trong Quả chuông ác mộng. Cảm xúc choáng ngợp là sự ghê tởm – sự ghê tởm chưa trở thành sự khinh miệt nên càng hủy hoại nhiều hơn.

Ảnh: Facebook Tao Đàn

Giữa lần xuất bản đầu tiên và lần thứ hai của Quả chuông ác mộng ở Anh, thi tuyển thứ hai của Sylvia Plath là Ariel được in sau khi bà chết. Một vài bài thơ đã xuất hiện trên tạp chí nhưng không ai ngờ đến ảnh hưởng cộng dồn của chúng. Những trải nghiệm hủy hoại nơi tâm trí và thể xác được rũ bỏ hết mọi phòng vệ, hoàn toàn bị phơi bày, khiến ta rợn người. Những bài thơ cho thấy rõ ngay lập tức người viết vốn đã được nhìn nhận là có thiên phú trước đây khả dĩ cũng là một thiên tài mà tác phẩm tạo ra có sự mãnh liệt, tinh tế, hoang dại, và thấu đời, không giống như bất kỳ ai trước đó. Tuy phẩm tính trác tuyệt trong những bài thơ khiến cái chết của bà càng ai oán hơn, nhưng chính cái chết đã khiến tác phẩm bà viết ngay lập tức có những giá trị nhất định mà lẽ ra có thể đã không được như thế nếu mọi sự khác đi. Cái chết khiến cho từng từ được viết xuống trang giấy không thể thay đổi; nhưng trong trường hợp này thì câu hỏi nhà thơ là ai và điều gì đã mất trở nên quá rõ ràng gần như cùng một lúc: như thể những bài thơ được sinh thành và nhà thơ qua đời trong cùng một hơi thở. Tiếp sau đó là sự bất tử đến tức thời. Sylvia Plath cũng trở thành một hình mẫu vượt ngoài phạm vi văn học đối với nhiều người, một nữ nhân đầy mâu thuẫn – một người đã đối diện với nỗi kinh hoàng và từ đó tạo tác ra một số giá trị nhưng đồng thời cũng bị chính nó hủy diệt. Tôi không nghĩ sự quyến rũ nhuốm màu bệnh hoạn khiến bà có vị trí đặc biệt. Năng lượng và sự bạo lực trong những bài thơ ở giai đoạn cuối đã được thực thi. Những mối đe dọa tác giả thể hiện trong thơ đã được bà thi hành và tác phẩm bà viết đạt đến cấp độ thượng thặng của sự thật. Mối liên hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống, quá thường chỉ là phép tu từ, giờ đây lại trở nên tuyệt đối rõ ràng. Bi kịch trớ trêu là trong một thế giới của những kẻ lừa bịp hành nghề PR thì Sylvia Plath có vẻ là người sống thật bằng chính hành động chấm dứt cuộc sống của mình.

Quả chuông ác mộng thiếu sự tráng lệ của những bài thơ sau đó. Có chút gì đó nữ tính trong cách trình bày của nhà tiểu thuyết nghiệp dư. Nhưng nói cho cùng thì bản thân tư liệu là thứ vượt xa giới hạn thông thường. Đây là một quyển sách đáng sợ. Và nếu nó kết thúc quá lạc quan về mặt hư cấu lẫn thực tế sau đó thì nỗi kinh hoàng thật sự nằm ở chỗ khác. Tuy chúng ta chia sẻ mọi cảm xúc dẫn đến việc Esther cố gắng tự sát nhưng không có một chút nội dung sâu sắc nào trong Quả chuông ác mộng hướng đến sự tự sát. Đó có lẽ là lý do khiến tác phẩm này có một thế đứng độc lập. Đọc nó, chúng ta đối diện trải nghiệm ác mộng nguyên thủy chứ không phải là sự phân tích hay hiểu về ác mộng.

The New Yorker
Howard Moss

Click to comment

Viết bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Phía sau trang sách

Có một thời ở Chợ Lớn: Những gam màu ký ức

Published

on

Có một thời ở Chợ Lớn là một trong hai tác phẩm mới nhất của nhà báo Phạm Công Luận do Phương Nam Book liên kết xuất bản dịp năm mới Ất Tỵ 2025. Chỉ một thời gian ngắn sau khi phát hành, sách sớm nhận được tình cảm của độc giả và lọt vào top sách bán chạy trong tuần tại Nhà Sách Phương Nam. Bên cạnh bản thân tác giả Phạm Công Luận, góp phần vào sự thành công của Có một thời ở Chợ Lớn không thể không kể đến họa sĩ Phạm Công Tâm với nhiều hình ảnh minh họa đẹp và đầy tinh tế, cũng như đội ngũ Phương Nam Book đã biên tập, thiết kế nhằm đưa tác phẩm đến tay độc giả theo cách chỉn chu nhất.

Chịu trách nhiệm thiết kế bìa và trình bày sách Có một thời ở Chợ Lớn là họa sĩ t.hờ. Trong bài phỏng vấn hôm nay, Bookish sẽ cùng anh t.hờ chia sẻ với bạn đọc về quá trình "lên đồ" cho Có một thời ở Chợ Lớn cũng như những câu chuyện bên lề thú vị trong quá trình sản xuất cuốn sách này.

  • Bookish: Anh có thể chia sẻ điều gì đã dẫn đến quyết định lựa chọn hình ảnh chùa Ôn Lăng và chợ Bình Tây làm ảnh bìa sách ở 2 phiên bản bìa mềm và bìa cứng?

Họa sĩ t.hờ: Nhắc đến Chợ Lớn, chắc hẳn 9 trên 10 người trong chúng ta sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh của chùa bà Ôn Lăng và chợ Bình Tây – hai công trình kiến trúc đặc trưng nhất của mảnh đất Chợ Lớn Sài Thành.

Đối với chùa bà Ôn Lăng, đây có thể coi là công trình mang đậm nét đặc trưng của kiến trúc Trung Hoa nhất giữa lòng Sài Gòn. Không chỉ là nơi chiêm bái của người dân địa phương và du khách gần xa, chùa bà Ôn Lăng còn là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa và tôn giáo như lễ hội Đoan Ngọ, lễ hội Trung Thu, lễ hội Thanh Minh, lễ hội Tết Nguyên Đán,… Chùa bà Ôn Lăng là một trong những ngôi chùa có ý nghĩa lịch sử và văn hóa quan trọng của Thành phố Hồ Chí Minh nói chung và mảnh đất Chợ Lớn nói riêng.

Còn về chợ Bình Tây, đây không chỉ là một ngôi chợ sở hữu lối kiến trúc độc đáo mang đậm dấu ấn văn hoá Á Đông của người châu Á ở đất Sài Thành, mà còn là nơi được biết tới là nơi trao đổi đồ cổ và buôn bán sỉ lớn nhất của người dân gốc Hoa ở Chợ Lớn. Dù hiện tại chợ Bình Tây đã có nhiều sự thay đổi về cơ sở hạ tầng nhưng những giá trị tinh thần, lịch sử và văn hoá vẫn còn được lưu giữ cho đến ngày nay.

Chính vì lẽ đó, chùa bà Ông Lăng và chợ Bình Tây đã được mình chọn lựa để đưa lên 2 phiên bản bìa của Có một thời ở Chợ Lớn.

  • 2 ấn bản bìa mềm và bìa cứng có sự khác biệt gì về hình ảnh minh họa trong sách không?

Để đảm bảo sự chính xác về thông tin của các bài viết thì phần hình ảnh và nội dung bên trong của 2 phiên bản không có gì thay đổi.

  • Liệu có ẩn ý nào phía sau việc sử dụng 2 tông màu nóng - lạnh cho 2 phiên bản bìa sách?

Nhắc đến Chợ Lớn, người ta sẽ nghĩ ngay đến những tone màu rực rỡ như chính sắc màu chủ đạo trong cuộc sống của người dân nơi này – màu đỏ rực của những chiếc đèn lồng gốc Hoa, màu đỏ thẫm của những lớp mái ngói vươn màu thời gian hay màu đỏ tươi của những chú lân trong các lễ hội,… Bên cạnh đó, ta không thể không nhắc tới sắc vàng của những bức tường vững chải chạy dọc các con phố, của những món đồ trang trí bóng bẩy mỗi dịp Tết đến xuân về.

Thế nhưng, không vì thế mà Chợ Lớn vắng đi những phút giây lắng đọng. Dạo quanh Chợ Lớn, người ta vẫn có thể dễ dàng bắt gặp những tòa chung cư lâu đời trên đại lộ Trần Hưng Đạo hay từ chính trong nét kiến trúc phương Đông được tạo nên từ kỹ thuật xây dựng của Tây phương trong lối kiến trúc độc đáo của ngôi chợ Bình Tây xuất hiện trên bản bìa mềm.

  • Có câu chuyện ngoài lề nào thú vị trong quá trình thiết kế cho cuốn sách này mà anh ấn tượng không?

Mình cho rằng đó là một “bài học” thú vị nhiều hơn.

Như các bạn cũng biết, trước khi “Có một thời ở Chợ Lớn” ra đời, tác giả Phạm Công Luận đã từng cho ra mắt một quyển sách cùng chủ đề đó là “Hồi ức Phú Nhuận”. Do cả 2 quyển một chủ đề nên với vai trò là người thiết kế bìa cho cả hai, mình mong muốn tạo được nét tương đồng trên bìa khi 2 quyển sách được đặt cạnh nhau để nhấn mạnh “tính chất văn hóa” của 2 quyển sách này. Chính vì vậy, mình đã chủ đích đem cái gần gũi, thân thương nhưng cũng mang trong mình những lắt cắt lịch sử mà mình từng thể hiện trong bìa của”Hồi ức Phú Nhuận” mang vào quyển “Có một thời ở Chợ Lớn” lần này.

Nhưng rồi mình nhận ra, mỗi vùng đất sẽ mang trong mình một vẻ đẹp riêng. Nếu như Phú Nhuận là mảnh đất của những ký ức tuổi thơ thân thương, của những giai kỳ hào nhoáng của một Sài Thành hoa lệ, thì Chợ Lớn sẽ là những đất của những khu mua sắm xa hoa, của những quán ăn nức tiếng, và của sự hào sảng, phóng khoáng của người dân Chợ Lớn Sài Gòn.

Vậy nên, mình cho rằng đó là bài học mình của bản thân mình: Để nhấn mạnh, nếu không thể tương-đồng thì chúng ta có thể chọn tương-phản.

Bookish xin cảm ơn họa sĩ t.hờ vì đã dành thời gian chia sẻ. Chúc anh nhiều sức khỏe và đạt được thành công trong năm mới Ất Tỵ 2025.

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Sứ đoàn Iwakura và những người phụ nữ đầu tiên rời khỏi Nhật Bản

Published

on

Sứ đoàn Iwakura là một phái đoàn ngoại giao quan trọng của Nhật Bản được thành lập vào năm 1871, nhằm mục đích tìm hiểu về các quốc gia phương Tây, thu thập kiến thức về công nghệ, khoa học, và hệ thống chính trị của các quốc gia này để áp dụng vào việc cải cách Nhật Bản.

Phái đoàn này được tổ chức dưới sự lãnh đạo của Iwakura Tomomi, một quan chức cao cấp của chính phủ Minh Trị. Được đánh giá là một trong những sự kiện lớn nhất của lịch sử châu Á cuối thế kỷ 19, sứ mệnh Iwakura chủ trương “Bunmei kaika” (văn minh khai sáng) đã chuyển sức mạnh của lưỡi gươm samurai sang năng lực của trí tuệ. Sứ đoàn gồm khoảng 100 thành viên, trong đó có nhiều nhân vật chính phủ cao cấp. Ngoài số kể trên còn có các du học sinh phục vụ cho việc thông dịch, thông tin. Họ đã đi thăm Hoa Kỳ và hàng chục các quốc gia châu Âu khác nhau như Anh, Pháp, Đức, Áo, Ý, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Thụy Điển và Nga.

Bản đồ quãng đường đã đi của sứ đoàn Iwakura. Ảnh: Digital museum of the history of Japanese in New York.

Đoàn cũng có nhiều nữ sinh trẻ tuổi theo du học, phục vụ cho việc giáo dục phụ nữ sau này. Trong số những người thuộc sứ đoàn có năm cô gái rất trẻ tham gia vào chuyến đi. Chuyến công du này đã thay đổi vận mệnh của từng người trong số họ nói riêng và cả dân tộc Nhật Bản nói chung.

Năm cô gái đồng hành cùng Sứ đoàn Iwakura gồm: Tsuda Umeko, Nagai Shigeko, Yoshimasu Ryoko, Yamakawa Sutematsu và Ueda Teiko. Trong đó, nhỏ nhất là Tsuda Umeko, lúc đó chỉ mới 6 tuổi, lớn nhất là Ueda Teiko và Yoshimasu Ryoko, 14 tuổi. Trong chuyến công du này, họ không có quyền quyết định theo ý mình mà phải nghe theo sự sắp xếp của cha mẹ và gia đình để đến một vùng đất xa lạ, gánh trên vai trách nhiệm lớn lao với nước nhà.

Trước khi được đưa sang Mỹ, họ không được học tiếng Anh hay văn hóa để thích nghi với môi trường sống ở nước ngoài. Đặt chân lên đất khách, họ bị báo chí bủa vây và gọi là "những cô công chúa kỳ lạ đến từ phương Đông". Những cô gái trẻ cảm thấy lạc lõng, cô đơn và sợ hãi khi tiếp nhận nền văn minh mới. Tệ hơn, sau đó họ phải tách nhau ra và được gửi đến các nhà nuôi dưỡng khác nhau. Sau một thời gian, hai người chị lớn tuổi nhất dần không chịu được cuộc sống ở nơi đất khách quê người và được đưa trở lại về quê nhà. Ba cô gái còn lại bao gồm Yamakawa Sutematsu, Nagai Shigeko và Tsuda Umeko đã kiên cường trụ lại, chăm chỉ nỗ lực học tập và làm nên lịch sử. Họ chính là ba trong số năm người phụ nữ đầu tiên rời khỏi Nhật Bản và cũng là những người phụ nữ thành công nhất thời Minh Trị.

Tsuda Umeko

Tsuda Umeko sinh ra trong một gia đình quan chức và được cử tham gia vào Sứ đoàn Iwakura sang Mỹ du học vào năm 1871 khi chỉ mới 6 tuổi. Dù phải học cách tự lập khi còn quá nhỏ, bà đã nỗ lực không ngừng và tốt nghiệp Học viện Aarcher Institute. Bà về nước vào năm 1892 và làm giáo viên dạy tiếng Anh của trường chuyên dành cho các nữ quý tộc.

Umeko đã dành cả cuộc đời mình để cống hiến cho giáo dục, đặc biệt là giáo dục nữ giới. Năm 1900, với sự trợ giúp của hai người bạn, bà mở trường Joshi Eigaku Juku (Trường Anh ngữ cho nữ sinh), chính là tiền thân của Đại học Tsuda hiện nay. Những cống hiến lớn lao của bà đã được chính phủ Nhật Bản ghi nhận, hình ảnh của bà cũng được in trên tờ tiền 5000 yên phát hành vào năm 2024.

Nagai Shigeko

Nagai Shigeko sinh năm 1862 trong một gia đình quan chức Mạc phủ Tokugawa. Năm 1871, bà được đưa sang Mỹ sinh sống và học tập tại nhà của nhà sử học John Stevens Cabot Abbott. Năm 1878, bà nhập học trường Nghệ thuật tại Đại học Vassar và theo học chuyên ngành âm nhạc.

Khi trở về nước, bà kết hôn với Uryu Sotokichi và trở thành một trong những những giáo viên dạy piano đầu tiên ở Nhật Bản. Bà cũng là một trong những người sáng lập, dạy âm nhạc phương Tây tại Đại học Nghệ thuật Tokyo.

Yamakawa Sutematsu

Yamakawa Sutematsu sinh ra trong một gia đình Samurai truyền thống hỗ trợ Mạc phủ Tokugawa trong Chiến tranh Boshin. Gia đình bà ở phe thua trận trong cuộc nội chiến cuối cùng kết thúc thời kỳ Samurai của Nhật Bản và rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Để giảm bớt miệng ăn trong nhà, người anh trai đã tự ý quyết định đưa bà tới Mỹ mà không hỏi ý kiến của bà.

Ở Mỹ, bà đã cố gắng học tập và đạt thành tích xuất sắc, sau đó ghi danh lịch sử khi trở thành người phụ nữ có học vị cao nhất Nhật Bản lúc bấy giờ. Bà là người phụ nữ Nhật đầu tiên có bằng Đại học.

Sau khi tốt nghiệp, bà học thêm về nghiệp vụ y tá và trở về Nhật Bản vào tháng 10 năm 1882. Khi trở lại quê nhà, Sutematsu gặp khó khăn trong việc giao tiếp khi không thể đọc hoặc viết tiếng Nhật. Sau đó, bà kết hôn với Oyama Iwao. Khi chồng bà được thăng chức, bà được cũng thăng cấp theo và trở thành Công chúa Oyama vào năm 1905. Thuở ấy, bà là một người có địa vị cao trong xã hội. Bằng kiến thức của mình, Sutematsu đã tư vấn cho Hoàng hậu về các phong tục phương Tây. Bà cũng sử dụng vị trí xã hội của mình để kêu gọi, quyên góp cho giáo dục phụ nữ. Bà là người góp công lớn trong việc thành lập nên Đại học Tsuda cùng với hai người bạn Tsuda Umeko và Nagai Shigeko.

Yamakawa Sutematsu, Nagai Shigeko và Tsuda Umeko đã mang kiến thức học được từ chuyến đi cùng Sứ đoàn Iwakura để truyền bá cho nữ giới ở quê nhà. Họ cùng nhau thực hiện một kế hoạch lớn lao, đó là mở trường học dành cho phụ nữ thuộc mọi tầng lớp trong xã hội. Dù ngay từ lúc bắt đầu đã gặp rất nhiều khó khăn, nhưng họ vô cùng quyết tâm và đã thành công. Họ là những người đã đặt nên nền móng để xây dựng nên nền giáo dục vì phụ nữ tại Nhật Bản, phất lên ngọn cờ chiến đấu vì nữ quyền, quyền được học tập làm việc, theo đuổi đam mê của bản thân.

Phỏng theo bài viết của Ái Thương trên Kilala.vn

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Patrick Hogan: “Những gì xảy ra ở Việt Nam sẽ không ở lại Việt Nam”

Published

on

By

Mockup_Mua_xuan_vang_lang_Mua_thu_chet_choc_cua_chien_tranh_VN

Patrick Hogan đóng quân tại miền Nam Việt Nam từ tháng 9.1966 đến tháng 6.1969 tại Cam Ranh (Khánh Hòa). Sau khi giải ngũ, ông được bổ nhiệm vào Sở cảnh sát Teaneck với tư cách là nhân viên thực thi pháp luật. Vào năm 2012, sau khi nghe bài phát biểu của cựu Tổng thống Barack Obama về chiến tranh Việt Nam, ông bỗng cảm thấy vô cùng cấp bách để điều tra về việc phơi nhiễm chất độc màu da cam và những hóa chất mà chính quyền Mỹ đã rải xuống Việt Nam trong giai đoạn này.

Khi bắt đầu nghiên cứu, ông chưa từng nghĩ mình sẽ chạm đến những bí mật khổng lồ về các loại hóa chất này. Nhưng sau cái chết của người bạn và cũng là cựu chiến binh Larry White, ý tưởng về Mùa xuân vắng lặng - Mùa thu chết chóc của Chiến tranh Việt Nam đã ra đời. Tác phẩm vừa được Phương Nam Books và NXB Thế giới ấn hành, qua việc chuyển ngữ của dịch giả Nguyễn Văn Minh. Cuộc phỏng vấn sau đây sẽ nói nhiều hơn về tác phẩm ông đã “thai nghén” trong nhiều năm qua.

- “Mùa xuân vắng lặng - Mùa thu chết chóc của Chiến tranh Việt Nam” nói về điều gì, thưa ông?

- Đây là câu chuyện về chiến tranh, câu chuyện về sự giận dữ và cuồng nộ, một cuốn biên niên sử được viết trong đau buồn và hy vọng. Đó là câu chuyện của vô số cựu binh từng phục vụ tại Việt Nam. Đó là một cuốn sách đi sâu vào các hóa chất chết người đã được sử dụng trong suốt cuộc chiến và ảnh hưởng của chúng lên các cựu binh. Nhiều trong số đó vẫn đang được sử dụng trên khắp nước Mỹ, thậm chí cho đến ngày nay. Đó là hành trình phơi bày mọi điều mà chính phủ Hoa Kỳ chưa từng và chưa bao giờ muốn phơi bày ra ánh sáng.

- Điều gì đã truyền cảm hứng cho ông viết về chiến tranh Việt Nam?

- Thực ra tôi chưa bao giờ nung nấu ý định trở thành nhà văn. Cuốn sách ra đời trong một hoàn cảnh gần như ngẫu nhiên. Điều tốt nhất tôi có thể làm gần nửa thế kỷ sau chiến tranh là viết lại “sự phản bội” mà chúng tôi nhận được khi bị buộc phải tiếp xúc với thuốc trừ sâu độc hại và những điều kiện khắc nghiệt của chiến tranh Việt Nam. Tất cả là nỗ lực đưa ra ánh sáng những gì đã xảy ra ở đó để chúng sẽ không bao giờ có khả năng lặp lại với các thế hệ quân nhân mới, với cả gia đình và con cháu họ, thậm chí là cả cháu chắt nữa.

Mùa Xuân Vắng Lặng - Mùa Thu Chết Chóc Của Chiến Tranh Việt Nam

Ban đầu, việc viết sách hay trở thành tác giả là điều xa vời trong tâm trí tôi. Tuy nhiên, ngay sau khi tôi từ Việt Nam trở về, cha tôi đã thúc giục tôi nộp đơn yêu cầu bồi thường khuyết tật lên Bộ Cựu chiến binh (DVA) vì những vấn đề y tế mà tôi gặp phải trong thời gian phục vụ quân ngũ. Tôi bắt đầu quá trình này không mấy nhiệt tình và nhanh chóng bị cuốn hút bởi cuộc sống dân sự mới.

Tôi không truy tầm lại chúng suốt nhiều thập kỷ, cho đến vào một ngày tháng 5 của năm 2012, sau khi xem Tổng thống Barack Obama phát biểu về sự khủng khiếp của Chiến tranh Việt Nam, thì điều gì đó trong con người tôi bất chợt “sống dậy”. Từ đó dấn thân nghiên cứu và điều tra mối liên hệ nhân quả giữa vô số vấn đề về sức khỏe và việc tôi bị phơi nhiễm chất độc màu da cam ở Việt Nam.

- Ông có thể chia sẻ về quá trình nghiên cứu của mình không? Đâu là khía cạnh thú vị nhất?

- Nghiên cứu của tôi kéo dài vài năm vì sự phức tạp của tất cả các hóa chất độc hại mà chúng tôi đã tiếp xúc và tương tác. Càng điều tra, tôi càng nhìn lại và cân nhắc tất cả những sinh mạng đã bị rút ngắn một cách không cần thiết - bị lấy đi, bị hủy diệt và chết dần mòn do việc sử dụng tràn lan thuốc trừ sâu. Tôi tức giận và quyết tâm hoàn thành cuốn sách.

Chúng tôi không chỉ bị phơi nhiễm chất độc màu da cam mà còn vô số hóa chất độc hại chết người. Thật đáng xấu hổ khi có biết bao nhiêu sinh mạng đã thiệt mạng trong nửa thế kỷ qua mà không ai biết sự thật về chúng. Một trong những điều hối tiếc lớn nhất của tôi là đã mất quá nhiều thời gian để thức tỉnh và viết cuốn sách này.

- Ông là một cựu trung sĩ. Điều này đã ảnh hưởng đến việc viết như thế nào?

- Việc là một sĩ quan cảnh sát và điều tra viên đã nghỉ hưu thực sự có ích trong giai đoạn nghiên cứu và viết nó ra. Thực ra, tất cả kinh nghiệm sống của tôi đều được phát huy trong quá trình viết sách.

- Về thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ được sử dụng trong giai đoạn ấy, ông có nghĩ rằng tác động của chúng đã dần giảm đi trong những năm qua?

- Cuốn sách không chỉ thảo luận về các hóa chất đã được sử dụng ở Việt Nam mà còn về tất cả các loại thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu độc hại được dùng trong chiến tranh nói chung. Thật không may, ngày nay hầu hết mọi người đều tin rằng chất độc màu da cam là loại thuốc trừ sâu duy nhất mà chúng ta bị phơi nhiễm. Sự thật là chiến tranh Việt Nam đã bị chính phủ biến thành một chiến dịch truyền thông sai lệch nhằm hạ thấp hoặc phớt lờ tất cả các hóa chất khác mà chúng ta đã tiếp xúc ở đó.

- Ông cũng trích dẫn nhiều thông điệp tích cực từ “Kinh Thánh”. Vì sao trong một nghiên cứu đầy cuồng nộ vẫn có những niềm hy vọng như thế?

- Đối với tôi, ở cả thời điểm này, tôi vẫn khó có thể hiểu được động cơ của tội ác ấy, cũng như sự vụ che giấu trong nhiều thập kỷ. Nhưng dù thế nào thì vẫn có ánh sáng trong ngày tăm tối. Hy vọng trong tương lai những hồ sơ này sẽ được tiết lộ, và tội ác sẽ không xảy ra thêm lần nào nữa với thế hệ quân nhân khác.

- Xin ông chia sẻ khía cạnh thách thức nhất khi viết cuốn sách này là gì?

- Đó là nỗi buồn cá nhân khi viết câu chuyện của Larry – bạn tôi, và quay lại khoảng thời gian tôi ở Việt Nam cũng như rất nhiều căn bệnh mà tôi đã mắc trong những năm qua.

Patrick Hogan

Hồ sơ chính thức của chính phủ Hoa Kỳ ghi nhận hơn 58.280 quân nhân Hoa Kỳ đã chết ở Việt Nam. Đó là thương vong cuối cùng của cuộc chiến đó. Ngoài ra, có trên 300.000 quân nhân được ghi nhận là bị thương và tàn phế. Tuy nhiên, những số liệu thống kê nghiêm túc đó lại không ghi nhận hàng chục nghìn binh sĩ, thủy quân lục chiến và thủy thủ đã thiệt mạng, bị thương và bị thương tật do thuốc trừ sâu sử dụng ở Việt Nam. Ai sẽ ghi lại sự hy sinh và cái chết của họ? Mặc dù tôi không mong đợi cuốn sách của mình sẽ thay đổi những số liệu thống kê, nhưng tôi hy vọng có thể giúp ích một phần nào đó cho thế hệ tương lai.

- Ông có bao giờ rơi vào tình trạng bị bí ý tưởng?

- Không. Bản thảo ban đầu của cuốn sách dài khoảng 400 trang, ngoại trừ câu chuyện của Larry và việc hồi tưởng lại thời gian tôi ở Việt Nam thì mọi việc diễn ra suôn sẻ.

- Ông có phải là một tác giả có kỷ luật hay có lịch trình cụ thể không?

- Tôi tự coi mình là một tác giả có kỷ luật, nhưng ngay cả vậy tôi cũng thường mang theo tập giấy và bút vì sẽ có những cảm hứng sẽ đến bất chợt. Đặc biệt là sau sự tương tác căng thẳng của tôi với Bộ Cựu chiến binh (DVA) và vòng xoay hành chính.

Đọc thêm nội dung sách: tại đây!

Đọc bài viết

Cafe sáng