Trà chiều

Phép màu trong chất tưởng tượng văn chương của Miyazaki và Studio Ghibli

Luận bàn về chất liệu văn học phong phú của Studio Ghibli.

Published

on

“Tôi đã từ bỏ việc tạo ra một cái kết có hậu đúng nghĩa từ trước đây rất lâu rồi”, nhà sản xuất và đạo diễn phim hoạt hình người Nhật Hayao Miyazaki chia sẻ với tiểu thuyết gia Ryu Murakami vào năm 1988. Miyazaki, lúc đó mới chỉ 47 tuổi và vẫn còn trong giai đoạn đầu sự nghiệp tuyệt vời của mình với xưởng phim hoạt hình Studio Ghibli, không có ý nói rằng những bộ phim của ông đều có kết thúc ảm đạm hoặc buồn bã. Thực tế là một trong những bộ phim danh tiếng nhất của ông, Kiki’s Delivery Service (Dịch vụ chuyển phát của phù thủy Kiki), có kết thúc tương đối lạc quan. Ông đang đề cập đến tính phức tạp của cách thức kể chuyện và chuẩn mực đạo đức trong những bộ phim của ông, mà trong đó những định nghĩa về cái tốt, xấu, trai, gái, trẻ hay già đều trở nên mờ nhạt thay vì bị tách bạch một cách rõ ràng. Nhưng ông ấy cũng gián tiếp ám chỉ chất lượng văn chương của nhiều bộ phim của ông. Đây không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Những bộ phim của Studio Ghibli, cũng như các bộ phim thời tiền-Ghibli của các đạo diễn Ghibli – đáng chú ý nhất là Nausicaä of the Valley of the Wind (Nausicaä – Công chúa của thung lũng gió), Howl’s Moving Castle (Lâu đài bay của Howl), Castle in the Sky (Tòa lâu đài trên không), The Wind Rises (Gió nổi) của Miyazaki; Tales from Earthsea (Huyền thoại đất liền và đại dương) của con trai ông – Goro; The Tale of Princess Kaguya (Câu chuyện về công chúa Kaguya) của Isao Takahata – đều có lịch sử lâu dài trong việc chuyển thể đầy sáng tạo những tác phẩm văn học nổi tiếng lẫn vô danh thành những bộ phim chơi đùa với văn bản văn chương gốc. Các bộ phim của Ghibli diễn giải lại tất cả mọi thứ, từ những bài thơ của Paul Valery và Homer, đến Gulliver’s Travels (Gulliver du kí) của Jonathan Swift, và cả những câu chuyện kể Nhật Bản như là “Cổ tích nàng tiên tre” (The Tale of the Bamboo Cutter), “Người phụ nữ yêu côn trùng” (The Lady Who Loved Insects). Di sản của Ghibli là chủ đề của một triển lãm lớn ở Tokyo kết thúc vào tháng này, kỷ niệm 30 năm những bộ phim của Ghibli; tuy nhiên, tương đối ít nghiên cứu về hãng phim tập trung vào chất liệu văn học kết tinh bện chặt trong những bộ phim của họ.

Kiki’s Delivery Service
(Dịch vụ chuyển phát của phù thủy Kiki)

Việc chuyển thể trông qua rất phức tạp. Bộ phim chứa đựng cuốn sách, hay nói theo cách nào đó, cuốn sách phải chứa những hạt giống của bộ phim, giống như những vật thể trong gương của Borgesian. Tuy nhiên, tác giả của cuốn sách được chuyển thể phải được đối xử như thể họ không tồn tại. Hiện giờ, chính nhà phê bình-người sáng tạo, đạo diễn, cũng như là các diễn viên, nhà làm phim hoạt hình,…v.v. mới đang là người nắm quyền kiểm soát. Tác giả – Chúa Trời, như Roland Barthes đã nói, theo một cách nào đó, đã chết. Sau tất cả, một tác phẩm chuyển thể là một công trình mới, một mặt nào đó phản ánh lại công trình cũ, và điều này cũng không hẳn là quá khác biệt với bản thân việc viết lách, bởi hiểu theo cách nào đó thì viết lách luôn là hoạt động cần sự hợp tác, kể cả khi chúng ta viết một mình, vây xung quanh chỉ là những bóng ma. Để những tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết không trở nên quá sức dài dòng, bản chuyển thể thường lướt nhanh và cắt bỏ kha khá. (Ví dụ nổi tiếng nhất có lẽ là bộ phim lừng danh Greed năm 1924, phiên bản hiếm uncut kéo dài đến chín tiếng đồng hồ.) Ở mức độ tệ lậu nhất, chuyển thể là sao chép, là tạo ra một bản mô phỏng máy móc hoàn toàn không có sức sống; nhưng công cuộc chuyển thể xuất sắc nhất là tái tưởng tượng con đường mà nhà văn đã bước đi, qua khu vườn đan xen những đường ngang lối dọc, để rồi quyết định chọn lựa một con đường mới mẻ, mơ hồ giống mà lại rõ ràng chệch hướng khỏi phiên bản gốc. Miyazaki và Takahata là hai trong số những người tái-tưởng-tượng xuất sắc nhất hiện nay.

Hayao Miyazaki
Nguồn ảnh: The Japan Times

*

Bản thân Anime thường được định nghĩa đơn giản là phim hoạt hình được thực hiện ở Nhật Bản, thường được cho là bắt đầu vào năm 1963 với loạt phim đột phá của Osamu Tezuka, Astro Boy. Tuy nhiên, nói một cách chính xác, hoạt hình Nhật Bản xuất hiện từ những thập niên đầu thế kỉ XX. Hoạt hình phương Tây được phát sóng lần đầu tiên tại Nhật Bản vào khoảng năm 1912, và hoạt hình được thực hiện bởi các họa sĩ Nhật Bản như Junichi Kouichi và Seitarou Kitayama cũng xuất hiện vào khoảng thời gian đó. Những đoạn phim câm này thường có một benshi đóng vai trò là người dẫn chuyện đọc to các tiêu đề trên màn hình, giả giọng và mô tả hành động. Cả truyện tranh phương Tây như Little Nemo in Slumberland của Winson McCay hay là tranh khắc gỗ Nhật Bản đều có ảnh hưởng sâu sắc đến những bước đi đầu tiên của hoạt hình Nhật Bản. Thật không may, hầu hết các tác phẩm tiên phong này đã thất lạc trong vụ Đại động đất Kanto tàn phá Tokyo vào năm 1923, và hoạt hình vẫn còn là một thị trường tương đối tiêu điều ở Nhật Bản cạnh các bộ phim live-action, cho đến khi Astro Boy phóng lên màn ảnh với đôi mắt to tròn biểu tượng – chịu ảnh hưởng bởi Bambi và Betty Boop – yếu tố cuối cùng sẽ định hình phương thức truyền thông này. Năm 1985, Miyazaki, Takahata, và Toshio Suzuki thành lập Studio Ghibli, nơi sớm trở thành một trong những hãng phim hoạt hình nổi tiếng nhất thế giới.

Ghibli có một lịch sử lâu dài trong việc kết hợp các yếu tố từ văn học hoặc trực tiếp chuyển thể các tác phẩm văn học lên màn ảnh. Thật vậy, khi Miyazaki lần đầu tiên muốn tạo ra Nausicaä – Công chúa của thung lũng gió, đề xuất của ông đã bị từ chối bởi không có truyện tranh nào để ghép đôi với nó, bởi lẽ chuẩn mực thời bấy giờ – và ít nhiều vẫn là chuẩn mực hiện nay – là phải có một bộ truyện tranh hoặc light novel đi kèm với một sản phẩm hoạt hình. (Vì thế Miyazaki đã tạo ra một phiên bản truyện tranh 1000 trang của Nausicaä). Nhiều bộ phim Ghibli hàm chứa một cảm giác ma thuật, trong đó các nhân vật có thể biến hình thành những thứ khác, giống như Ovid, Homer và truyện cổ tích Nhật Bản, điển hình là cảnh phim nổi tiếng trong Spirited Away (Vùng đất linh hồn), có cảnh cha mẹ của Chihiro biến thành lợn bởi vì sự tham lam của họ, giống như phép thuật của Circe trong Odyssey. Những bộ phim Ghibli khác lại chứa đựng một cảm giác kỳ diệu gợi lại những cuốn tiểu thuyết của Jose Saramago, Kenji Miyazawa, hay là Gabriel Garcia Marquez. Con trai của Miyazaki, Goro, đã cố gắng chuyển thể Huyền thoại đất liền và đại dương của Ursula Le Guin thành một bộ phim cùng tên, dù cho phiên bản của Goro nhận về đa số là lời chê bai và hoàn toàn khác biệt với bản gốc của Le Guin.

Spirited Away
(Vùng đất linh hồn)

Nhiều bộ phim hoạt hình không phải của Ghibli cũng có mối liên kết với văn học. Ví dụ điển hình là Hellsing, là phần tiếp theo và bản sửa đổi từ Dracula của Bram Stoker, có âm hưởng mạnh mẽ và bị tác động của Thế chiến thứ hai. Gulliver du kí thì được chuyển thể hơn một lần thành phim hoạt hình khoa học viễn tưởng. Galaxy Express 999 rõ ràng dựa trên một tiểu thuyết huyền ảo, nổi bật năm 1934 của Miyazawa – Chuyến tàu đêm trên dải ngân hà. Bộ phim đột phá năm 1988 là Akira được chuyển thể từ bộ truyện tranh dài hơi hơn nhiều bằng việc cắt bỏ những phân đoạn lớn, đến mức khó có thể không cho rằng phim và truyện là hai ngữ cảnh tách rời. Giống như bất kì loại hình nghệ thuật nào, phim hoạt hình có thể được khơi gợi cảm hứng từ những kho tàng văn học, lịch sử, chính trị và triết học sâu sắc. Dù thành phẩm cuối cùng không phải lúc nào cũng giống như phiên bản tiền nhiệm, tôi phát hiện mình phải lòng với cách thức chúng khác biệt. Sau tất cả, sự chuyển thể tốt nhất là làm cho bản gốc trông như mới lại một lần nữa.

*

The Castle of Cagliostro
(Lâu đài Cagliostro)

Ngay cả trước khi Ghibli khai sinh, Miyazaki đã chuyển thể văn viết thành phim điện ảnh. Bộ phim đầu tiên của ông là The Castle of Cagliostro (Lâu đài Cagliostro), dựa trên bộ truyện tranh nổi tiếng – và tai tiếng – là Lupin III, tái hiện lại gia phả của tên trộm hư cấu Arsène Lupin mà nhà văn Maurice Leblanc đã tạo ra vào 62 năm trước, một phần như mảnh ghép đối nghịch với Sherlock Holmes. Miyazaki quyết định nêm nếm thêm lòng tốt và tinh tế trong mặt tính cách – yếu tố xuất hiện xuyên suốt trong các bộ phim sau này tại vũ trụ của Lupin, và điều đó vẽ ra một bức chân dung nhân vật đáng cảm thông hơn là tên trộm vô nhân đạo Arsène Lupin trong truyện tranh. Cả hai Lupin đều là những tên trộm bậc thầy kênh kiệu, tuy nhiên Lupin trong truyện thường tàn nhẫn và bạo lực, thậm chí là cưỡng hiếp những phụ nữ từ chối hành vi tán tỉnh của anh ta, trong khi phiên bản của Miyazaki thực tế là một quý ông với tấm lòng dịu dàng, muốn cứu một người phụ nữ bị ép buộc vào một cuộc hôn nhân chính trị. Sự thay đổi này của Miyazaki đã gây nên sự chia rẽ giữa các fan hâm mộ truyện tranh. Mặc dù Cagliostro là bộ phim có ranh giới giữa thiện và ác, giữa các khuôn mẫu về chuẩn mực giới tính rạch ròi nhất của Miyazaki, ngay cả các anh hùng và nhân vật phản diện cũng như các nhân vật nam và nữ của ông cuối cùng cũng chứa một chút của mọi thứ: tốt, xấu, mạnh, yếu. Những khuôn mẫu biếm họa rằng một giới tính phải “mạnh”, giới tính còn lại cần được giải cứu, và nhân vật đó là anh hùng trong khi người còn lại là kẻ xấu đều được lật đổ một cách tinh tế trong phim, thổi một linh hồn mới vào văn bản được chọn để tái diễn giải. Bộ phim của Miyazaki đặt ra câu hỏi: Lupin của ông ấy có giống như Lupin gốc không? Liệu có bất cứ nhân vật nào giống như bản gốc? Câu trả lời là cả có và không, và chẳng có chi sai trái với câu trả lời này cả. Bản gốc vẫn là bản gốc – và đôi khi, biến thể lại tốt hơn.

Nausicaä of the Valley of the Wind
(Nausicaä – Công chúa của thung lũng gió)

Nausicaä – Công chúa của thung lũng gió là bộ phim lớn đầu tiên và cũng là cuối cùng của Miyazaki trước khi thành lập Ghibli, với đặc trưng hình thành từ một tập hợp các tác phẩm văn học. Đây là câu chuyện sử thi lần theo dấu chân công chúa Nausicaä xuyên qua một thế giới nơi chiến tranh đã tàn phá hành tinh, và hậu quả để lại là những khu rừng thiêng nước độc với nhiều loại côn trùng khổng lồ, văn minh nhân loại chỉ còn là những tàn tích nhỏ lẻ. Trong một lời bạt cho truyện tranh Nausicaä của mình, Miyazaki tuyên bố rằng nhân vật chính – cũng tên là Nausicaä là sự pha trộn của nhân vật cùng tên từ Odyssey của Homer và nàng công chúa lập dị từ một câu chuyện cổ tích thế kỉ XII của Nhật Bản, “Người phụ nữ yêu côn trùng”. Tuy nhiên, Nausicaä của Miyazaki không hẳn chỉ từ Homer. Thật ra, ông tiết lộ rằng lần đầu tiên ông đọc về cô ấy là ở trong cuốn Handbook of Greek Mythology (Cẩm nang Thần thoại Hy Lạp) của Bernard Evslin, nơi cô ấy được định nghĩa một cách kì lạ như là một “người tình của thiên nhiên”, và đó là phiên bản của Nausicaä mà đạo diễn yêu thích. Sau đó, khi Miyazaki đọc Odyssey, ông ấy đã thất vọng khi nhận thấy rằng phiên bản của Homer ít giống với của Evslin, và ông ấy quyết định rằng nhân vật của Evslin mới là Nausicaä thật sự – trong cả thơ và phim. Trong phim, cô ấy chắc chắn là một người yêu thiên nhiên, và cô ấy rõ ràng cũng là một người yêu côn trùng như trong câu chuyện cổ tích Nhật Bản. Tuy nhiên, phiên bản công chúa của Miyazaki là một người phụ nữ đáng yêu, mạnh mẽ và tốt bụng, trong khi nhân vật chính của câu chuyện thế kỉ XII là một người bị xa lánh bởi sự bất chấp các chuẩn mực văn hóa của cô: cô không nhuộm đen răng như phong tục, và có tình bạn thân thiết với những con côn trùng hơn là với những người truyền thống xung quanh cô. Đây là một nhân vật được tái tưởng tượng dựa trên một nhân vật được tái tưởng tượng. Nausicaä đặt ra câu hỏi về mức độ mà bất cứ nhân vật nào có thể tồn tại cố định trong một câu chuyện.

Laputa: Castle in the Sky (Laputa: Lâu đài trên không), bộ phim đầu tiên của Ghibli và là một trong những tâm điểm của buổi triển lãm năm 2016 tại Tokyo, là sự tái hiện đáng kinh ngạc của Phần III Gulliver du kí, ở đó, người kể chuyện cùng tên – một người đàn ông bị ám ảnh du lịch tên là Gulliver – mạo hiểm đến một hòn đảo bí ẩn được gọi là Laputa. Có lẽ khá phù hợp khi mà phần này của Swift được đặt tên là “Hành trình đến Laputa… và đến Nhật Bản”; vừa ngay khi Gulliver dừng chân ngắn ngủi tại Nhật, đạo diễn người Nhật Bản cũng dừng chân, theo một cách nào đó, ở Laputa. Đây không phải là ngẫu nhiên. Miyazaki cho biết trong một cuộc phỏng vấn từ năm 1997, hòn đảo nổi trong bộ phim chính là “hòn đảo lơ lửng giữa bầu trời trong phần ba truyện Gulliver du kí của Jonathan Swift”. Sự thật là Lâu đài trên không là nỗ lực thứ hai của Miyazaki trong việc tái tưởng tượng Gulliver du kí, vì ông đã làm việc ở vị trí trợ lí trong một bản làm lại từ năm 1965 có tên là Gulliver’s Travels Beyond the Moon (Gulliver du kí phía bên kia mặt trăng) với mức độ sáng tạo tương đối, đặc biết là cái kết của nó.

Castle in the Sky
(Tòa lâu đài trên không)

Hòn đảo lơ lửng của Swift và công nghệ cung cấp năng lượng cho nó tạo thành cốt lõi của Lâu đài trên không. Bàn về cốt truyện, bộ phim chỉ có những liên kết lỏng lẻo với tiểu thuyết của Swift; nó giống như chúng ta nhìn thế giới của Laputa nhiều thế kỉ sau khi Gulliver thấy. Gulliver thám hiểm Laputa sau khi con tàu của anh ta lệch khỏi hành trình bởi một cơn bão, bị cướp biển tấn công, và anh ta buộc phải chèo thuyền đến một tảng đá bỏ hoang, từ đấy anh ta nhìn thấy thế giới trên không. Còn trong Lâu đài trên không, cha của Pazu lần đầu tiên thấy Laputa từ trong một chiếc khinh khí cầu cũng bị đánh bay bởi một cơn bão. Cách thức kể chuyện về một người anh hùng theo kiểu Sinbad của Swift cũng có đôi chút vang vọng trong trong chàng trai trẻ thích phiêu lưu Pazu và nữ anh hùng dũng cảm Sheeta – là những nhân vật chính của bộ phim. Cả hai đều đi tìm kiếm chính mình qua những cuộc phiêu lưu, giống như Gulliver, và cả hai đều chỉ gặp Laputa sau khi gặp phải những tên cướp biển – một băng trên biển và một băng trên không. Các bộ phim của Miyazaki đều được biết đến với những nhân vật nữ chính mạnh mẽ, và trong khi câu chuyện của Swift thì có tay thuyền trưởng Hà Lan vô cảm dẫn dắt những tên cướp biển phục kích Gulliver, thay vào đó Lâu đài trên không tạo ra Dola, một nữ thuyền trưởng vừa độc đoán mà vừa từ mẫu. Cả hai thế giới Laputa đều được phân lớp: Swift có “một vài tầng cầu thang cùng với các phòng trưng bày”, và phiên bản của Miyazaki, với ảnh hưởng nghệ thuật từ Fritz Lang hay Bruegel the Elder, có vẻ ngoài lý tưởng kiểu utopia, nhưng vẫn chứa đựng những bí mật đen tối bên trong. Gulliver du kí Lâu đài trên không đều có những góc nhìn chính trị rõ ràng. Thật vậy, phân đoạn Laputa của Swift nổi tiếng là đã bị rút gọn khi mà Swift quyết định thêm vào một phân đoạn giống như một lời khẩn cầu ẩn dụ tới những người Ai-len thuộc địa để nổi dậy chống lại người Anh, xuất hiện dưới dạng hòn đảo lơ lửng dần dần hạ xuống Lidalino – một thành phố trên hòn đảo giữa biển, giống như những thực dân giáng xuống người Ai-len, và cư dân Lidalino khéo léo sử dụng công nghệ của họ để đẩy lùi người Laputa. Tương tự như vậy, phim của Miyazaki cũng như nhiều tác phẩm của ông, công kích vào lòng tham và cuộc chiến tranh công nghiệp hóa.

The Tale of Princess Kaguya
(Câu chuyện về công chúa Kaguya)

Có lẽ bản chuyển thể Ghibli chân phương nhất đến từ Isao Takahata, người đã có một bộ phim vừa đẹp đẽ vừa đau thương – Công chúa Kaguya – rõ ràng là một bản dựng lại của “Chuyện cổ tích nàng tiên tre”, một tác phẩm văn xuôi lâu đời nhất của Nhật Bản hay còn gọi là monogatari, kể về một người đốn tre và vợ của anh ta, cùng với một cô công chúa lớn nhanh như thổi sinh ra từ gốc tre họ tìm thấy. Cả truyện và phim hầu như đều có cùng cốt truyện và nhân vật. Nhưng trong khi câu chuyện (không rõ năm sáng tác, nhưng các nhà phê bình tin rằng ít nhất là vào thế kỉ X) tương đối sơ lược và ngắn gọn, bộ phim của Takahata đã phản chiếu lại nét mộc mạc trong lời văn thông qua phong cách hoạt họa màu nước, giản đơn, đẹp lạ thường và trường tồn cùng năm tháng, đồng thời ông thêm vào các nhân vật và lấp đầy các khoảng trống với chủ nghĩa hiện thực sâu sắc. So với bản gốc, Takahata dành nhiều thời gian hơn để khắc họa quá trình Kaguya bừng nở thành một thiếu nữ, biến câu chuyện thành một cuốn bildungsroman1 chi tiết. Kaguya, tương tự Benjamin Button hay là những chuyện cổ tích viết lại của Angela Carter trong The Bloody Chamber, là một trong những bộ phim chuyển thể một văn bản ngắn và lấp đầy vào những nỗi đau và bạo lực ẩn dưới bề mặt của bản gốc. Xem lại Kaguya là điều khó khăn đối với tôi, kể cả khi tôi có thể đọc lại câu chuyện, bởi vì bộ phim thật sự rất đau lòng.

Howl’s Moving Castle
(Lâu đài bay của Howl)

Lâu đài bay của Howl có thể là tác phẩm chuyển thể văn học dễ nhận biết nhất của Ghibli sau Kaguya, tái hiện lại tiểu thuyết cùng tên của Diana Wynne Jones từ năm 1986. Bộ phim đã gần như không bao giờ hoàn thành. Được Ghibli công bố lần đầu vào năm 2001 như là một bộ phim của đạo diễn Mamoru Hosada, hãng phim đã buộc phải hoãn dự án trong sáu tháng sau khi Mamoru và Ghibli quyết định rằng hai bên có những tầm nhìn quá khác biệt. Miyazaki, theo như tin đồn, là người đầu tiên đề nghị làm phim sau chuyến đi đến chợ Strasbourg Christmas, tiếp nhận vai trò đạo diễn. Jones không hề ngạc nhiên khi Miyazaki muốn chuyển thể cuốn tiểu thuyết của cô. Văn xuôi trong cuốn tiểu thuyết của cô thật kỳ diệu, huyền bí mà lại vừa thực tế, gợi nhớ đến tác phẩm của Angela Carter và C. S. Lewis trongNarnia; đó là chủ nghĩa hiện thực kì ảo nhất, và dù tôi không thích thuật ngữ này, đây rõ ràng là từ mô tả phong cách phần lớn các tác phẩm của Miyazaki. Thật vậy, sau khi biết Miyazaki mong muốn được đưa cuốn sách của mình lên màn ảnh, Jones nói “Tôi tưởng tượng rằng Miyazaki có thể gần như ngay lập tức bắt đầu nghĩ về cách vẽ và làm một con quỷ lửa hoạt hình.” Bộ phim có cốt truyện đơn giản hơn nhiều so với cuốn tiểu thuyết của Jones. Và, tương tự như với Lâu đài của Cagliostro, Miyazaki đã làm dịu đi những khía cạnh khắc nghiệt của hầu hết mọi nhân vật và khiến cho, lấy ví dụ một trong những nhân vật biểu tượng là quỷ lửa Calcifer trở nên dễ thông cảm và ít phán xét hơn. Howl cũng vậy, tử tế hơn. Trong cả cuốn sách và bộ phim, người dân thị trấn đều tưởng tượng Howl gớm guốc và trăng hoa – trong tiểu thuyết, anh ta bị so sánh với Bluebeard2 bởi những người buôn chuyện và bị buộc tội bắt cóc các cô gái để “hút cạn linh hồn của họ” – nhưng ngay khi Howl xuất hiện trong phim, không như trong tiểu thuyết, anh ấy cứu Sophie khỏi những kẻ trăng hoa đích thực: đám lính tráng phóng đãng. Một trong những người lính đã gọi Sophie là “chuột”. Trong cuốn sách, chính Howl – đang cải trang – là người gọi Sophie như vậy lần đầu tiên anh ta xuất hiện. Nhìn chung, bầu không khí của bộ phim nhẹ nhàng hơn và đỡ chua chát hơn tiểu thuyết, kể cả khi bộ phim dành nhiều thời gian hơn để phê phán chiến tranh (đây cũng là lý do đám lính đầu tiên tiếp cận Sophie như đám săn mồi). Mặc dù có thể dễ dàng nhận ra bản gốc của Jones trong phim, bộ phim của Miyazaki vẫn đủ khác biệt để nó có thể tự mình đứng vững, giống như lâu đài bay của nó, riêng biệt.

The Wind Rises
(Gió nổi)

Bộ phim cuối cùng của Miyazaki, Gió nổi, có thể xem như là phiên bản chuyển thể Nhật Bản từ bài thơ của Paul Valery năm 1922, “Nghĩa trang bên bờ biển”, mà bộ phim lấy tựa đề từ nó, và cả tiểu thuyết The Wind Has Risen của Hori Tatsuo (cũng lấy tựa đề từ Valery). Mặc dù rõ ràng đây phần nào là phim tiểu sử của Jiro Horikoshi – một kỹ sư thiết kế máy bay chiến đấu Zero nổi tiếng, Gió nổi đồng thời là những suy tư về chủ đề của bài thơ. Người kể chuyện trong bài thơ của Valery, ngồi trầm ngâm trong một nghĩa trang, ban đầu tưởng tượng một cách buồn bã rằng cái chết là không thể tránh khỏi; nhưng sau đó, anh quyết định chọn sự sống, được biểu tượng bằng việc gió nổi lên, thay vì suy nghĩ về cái chết bất động. Đây là thông điệp cốt lõi của bộ phim, với việc Jiro chiến đấu chống lại sự suy sụp sau thất bại sản xuất máy bay chiến đấu. Thật thế, câu thoại cuối cùng của Naoko – người Jiro yêu – được lấy gần như trực tiếp từ Valery: cô ấy nói với Jiro rằng, anh phải chọn cố gắng để sống, giống như lời kể của bài thơ, ngay sau nửa dòng đặt tựa đề cho bộ phim, rằng “chúng ta phải cố gắng mà sống!”.

Tuy nhiên, các phi công trong những chiếc máy bay của Jiro vẫn sống cuộc đời riêng họ trong một nghĩa địa, cũng như các cỗ máy phi thường của anh ấy. Tương tự như việc tiểu thuyết của Tatsuo là một câu chuyện tình yêu có bối cảnh trong bệnh viện lao, Naoko tìm kiếm tình yêu trong khi đấu tranh với bệnh tật. Bộ phim cuối cùng của Miyazaki bảo rằng chúng ta cần phải chọn cuộc sống – dẫu nó bảo vậy khi bản thân mình đang bị bao vây bởi cái chết.

*

Miyazaki nói vào năm 2005, “Khái niệm khắc họa cái ác để rồi tiêu diệt nó, tôi biết điều này được coi là chính thống nhưng tôi nghĩ rằng nó đã bị mục nát rồi.” Có lẽ đây là điều tổng kết lại điểm nhấn văn chương khi lí giải những bộ phim của các đạo diễn Ghibli: tác phẩm của họ rất phức tạp và độc đáo, tương tự những tác phẩm văn học họ chọn để chuyển thể.

Và tất cả những điều này phản ánh một sự thật rộng lớn hơn: các hình thức nghệ thuật luôn kết nối với nhau. Một bộ phim không chỉ là một bộ phim, cũng như một cuốn sách không đơn thuần là một cuốn sách; chúng là những tấm thảm có hoa văn phức tạp, và thường nát bươm những lớp xếp chồng của quá khứ. Những bộ phim của Ghibli và những văn bản được chuyển thế đã làm giàu thế giới tuổi thơ và người lớn của tôi – và tôi rất yêu chúng, như một người bạn hiện giờ cách xa nhưng vào khoảnh khắc ta gặp lại, không hề có cảm giác từng chia lìa.

Hết.

Natsukashii Ame dịch.

Bản gốc được thực hiện bởi Gabrielle Bellot, đăng tại tại Literary Hub.

Chú thích:

  1. Bildungsroman là một từ tiếng Đức mô tả một tiểu thuyết trong đó diễn ra quá trình hình thành và phát triển tâm lý, nhân cách của một nhân vật trung tâm.
  2. Bluebeard (Lão râu xanh) là một nhân vật trong tác phẩm Những câu chuyện của Mẹ Ngỗng của Charles Perrault. Bluebeard là một nhà quý tộc hung bạo với một bộ râu xanh gớm ghiếc, đồng thời cũng là một tên sát nhân không gớm tay.

Có thể bạn sẽ thích?



6 Comments

6 Bình luận

Viết bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Trà chiều

“Hành trình Anh Hùng” ẩn trong Xứ Cát

Published

on

    Dựa trên công trình nổi tiếng Người hùng mang ngàn khuôn mặt của Joseph Campbell và các tương đồng trong lĩnh vực tâm lý học của Jung và Freud, tác giả Christopher Vogler đã cho độc giả một cái nhìn khác về cấu trúc tương đồng của hàng triệu câu chuyện từ cổ chí kim qua cuốn Hành trình người viết vừa được ra mắt.

Một cuốn sách quan trọng

       Cấu trúc nói trên xuất hiện từ các truyện cổ dân gian đến tiểu thuyết hiện đại, từ những bài đồng dao quen thuộc đến các bộ phim “làm mưa làm gió” tại Hollywood… Hành trình người viết không chỉ là một cuốn sách giúp ta nhận ra những rường mối quan trọng của nghệ thuật kể chuyện, mà song song đó còn là bài học để mỗi độc giả có được khả năng là một người viết.

       Vốn là một người tư vấn cốt truyện của Hollywood và đã kinh qua hàng nghìn kịch bản trong cuộc đời mình, Vogler có khả năng nhìn thấy những mối liên kết cũng như những điểm suy yếu trong các tác phẩm. Từ những đúc rút và kho kinh nghiệm bản thân có được, ông đã tạo nên cuốn sách vô cùng hấp dẫn. Để kiếm chứng điều đó, hãy thử lần ngược siêu phẩm Xứ cát chuyển thể tiểu thuyết khoa học viễn tưởng cùng tên của Frank Herbert do đạo diễn Denis Villeneuve thực hiện và so nó với những gì được tổng kết lại, để xem hành trình anh hùng của Vogler có giao điểm nào với Paul Atreides – người thanh niên đã làm nên những khoảnh khắc vô cùng chói lọi.

       Theo Vogler, nói thật gọn ghẽ thì hành trình anh hùng bắt đầu khi nhân vật chính được giới thiệu ở THẾ GIỚI BÌNH PHÀM nhận được TIẾNG GỌI PHIÊU LƯU. Ban đầu họ MIỄN CƯỠNG, thậm chí buông lời TỪ CHỐI, nhưng do nhận được sự khích lệ từ SƯ PHỤ để VƯỢT QUA RÀO CẢN ĐẦU TIÊN, mà họ đã tiến vào Thế Giới Đặc Biệt - nơi họ sẽ gặp các KHẢO THÍ, ĐỒNG MINH VÀ KẺ THÙ. Sau đó họ TIẾP CẬN HANG ĐỘNG TRONG CÙNG, vượt qua rào cản thứ hai, nơi phải chịu đựng KHỔ HÌNH. Họ vượt qua, chiếm lĩnh PHẦN THƯỞNG và bị truy đuổi trên ĐƯỜNG VỀ với Thế Giới Bình Phàm. Không dừng ở đó, họ vượt qua rào cản thứ ba, trải nghiệm HỒI SINH và được chính trải nghiệm đó biến đổi. Cuối cùng họ TRỞ VỀ CÙNG THẦN DƯỢC, cùng lợi ích hoặc kho báu có lợi cho Thế Giới Bình Phàm.

Hành trình người viết không chỉ là một cuốn sách giúp ta nhận ra những rường mối quan trọng của nghệ thuật kể chuyện, mà song song đó còn là bài học để mỗi độc giả có được khả năng là một người viết. Ảnh: N.M.

Chặng đường phân tích      

       Áp vào Xứ cát, THẾ GIỚI BÌNH PHÀM của chuỗi phim này bắt đầu ở một hành tinh cách xa Trái Đất - nơi mà mọi thứ đều như không tưởng với những tiến bộ liên hành tinh và những thực thể vô cùng kỳ dị. Ở đó Công tước Leto của Gia tộc Atreides – người cai trị hành tinh đại dương Caladan - là nhân vật chính và nổi bật nhất. Nơi ông cai trị là phiên bản khác của một Trái Đất ngay bây giờ đây, với cây xanh bao phủ tươi tốt, với biển cả vỗ sóng và bầu không khí vô cùng trong lành. Về mặt chính trị, nhà Atreides được cư dân vô cùng ủng hộ vì mang đến sự bình yên và cân bằng. Sơ lược qua những nét này, có thể thấy Herbert (và cả Villeneuve) đã làm rất tốt trong việc xây dựng bối cảnh có tính đối lập liền ngay sau đó, để nhân vật chính bước vào hành trình của bản thân mình.

THẾ GIỚI BÌNH PHÀM của chuỗi phim này bắt đầu ở một hành tinh cách xa Trái Đất, nơi mọi thứ tươi tốt bất ngờ. Ảnh: Screen Rant

       Như đã nói trên, TIẾNG GỌI PHIÊU LƯU nhanh chóng xuất hiện khi Hoàng đế Shaddam của toàn đế chế nhanh chóng bí mật liên minh với nhà Harkonnen nhằm tránh khỏi sự uy hiếp mà rất có thể trong tương lai gần Leto sẽ tự đạt được. Vậy là một cuộc tàn sát được lên kế hoạch. Thoạt nhìn, có thể thấy Herbert dùng một motif vô cùng thân quen trong các sử thi từ cổ chí kim, khi đó là tranh giành quyền lực, đấu đá lẫn nhau. Và để tạo ra 2 phe kình chống, ông cho một bên lăng kính tích cực, còn phía còn lại tiến hành liên minh, và cũng vì thế mà thế trận ấy nhanh chóng cân bằng. Ta thấy điều này trong rất nhiều nơi, từ Tam quốc diễn nghĩa đến Con ngựa thành Troy, từ bộ Shogun đến bộ Taiko…Một điểm chung khác là sự báo hiệu cho câu chuyện dịch chuyển, khi người cha Leto nhanh chóng mất mạng để Paul Atreides – người con trai cả - sẽ thay bản thân bảo vệ gia đình, trả thù cho điều đã mất. Do đó mà Paul quyết định lên đường.

Herbert dùng một motif vô cùng thân quen trong các sử thi từ cổ chí kim, khi đó là tranh giành quyền lực, đấu đá lẫn nhau. Ảnh: LA Times

       Ở đây ta có thể thấy có những cổ mẫu vô cùng truyền thống được Herbert sử dụng. Trong đó Paul là anh hùng bị động – một người được đặt vào tình thế không thể khác hơn, và suốt hành trình sau đó từng bước học hỏi sẽ khiến cho anh dần dần chủ động. Đối diện trước trọng trách đặt lên bản thân, Paul dường như không có được động lực nào – một điều cũng là một chặng đường khác trên hành trình anh hùng. Rất may mẹ anh – Lệnh bà Jessica – người vừa là SƯ PHỤ, vừa là ĐỒNG MINH nhưng cũng có khi là kẻ ĐEO MẶT NẠ và cả BÓNG ĐÊM đã nâng đỡ anh và hướng anh theo con đường đúng đắn. Quê nhà tan tác trong khi bản thân thì bị truy sát, anh sớm VƯỢT QUA RÀO CẢN ĐẦU TIÊN để giữ được mạng sống nhờ vào những cận thần trung thành với mình. Hành trình này dễ thấy không quá phức tạp, và Herbert sẽ lại dồn nhiều sức hơn ở phía sau.

Paul và mẹ mình, thoạt nhìn, chính là 2 cổ mẫu anh hùng và sư phụ theo cấu trúc của Vogler. Ảnh: Den of Geek

       Chính khi bước vào THẾ GIỚI ĐẶC BIỆT - ở chiều rộng hơn là một cuộc sống không còn uy quyền của cha, không còn hành tinh Caladan mình vốn quen thuộc, anh đã gặp được những người bản địa Arrakis - những chiến binh thiện nghệ sống nơi sa mạc gọi là Fremen. Như vậy kể từ lúc này thì chặng thứ 2 của hành trình anh hùng chính thức bắt đầu. Cả Herbert và Villeneuve đều dành rất nhiều thời lượng cho giai đoạn này, để khắc ghi một hành tinh mới với loài sâu cát và quy luật sinh tồn ở thế giới mới, với các chi tiết như dịch nhầy sâu, với hương dược, với cách tạo nước và những con người mắt xanh biêng biếc có kỹ năng phi thường… Trong chương đoạn này, những cuộc KHẢO THÍ mà ĐỒNG MINH và KẺ THÙ liên tục xuất hiện cũng được diễn ra. Chẳng hạn KHẢO THÍ nằm ở chi tiết Paul phải chiến đấu với một người Fremen để chứng minh mình thuộc về nơi này trước khi được họ cứu giúp. Đối với những người bản địa, anh vừa là ĐỒNG MINH nhưng cũng là KẺ THÙ khi đã giết chết một trong số họ để mà bước tiếp.

Trận chiến của Paul trước một chiến binh Fremen chính là một cuộc KHẢO THÍ. Ảnh: Screen Rant

Những vòng lặp kép      

       Thế nhưng KHẢO THÍ không dừng ở đó, mà sau đấy liên tục là những bài học để cưỡi sâu cát, những trận oanh tạc vì phát hiện ra căn cứ bên dưới lòng đất của người Fremen… Chúng liên tục xuất hiện để thử thách Paul, để rồi cuối cùng anh được mọi người nhận ra chính là vị Thánh ghi trong sử sách toàn cõi ngân hà. Đa số thời lượng của phần 2 tương ứng với HANG ĐỘNG TRONG CÙNG – nơi anh chứng minh bản thân và giành được quyền vươn lên dẫn đầu. Ta thấy ở đây Herbert rất tài tình khi song song với những bước tiến về mặt quyền lực, thì cõi lòng Paul cũng chịu tra tấn trong những thay đổi của bản thân mình. Có thể nói tuy chặng đầu tiên của HÀNH TRÌNH ANH HÙNG đã gần hoàn thành xong với nhân vật này ở phía bên ngoài, nhưng thật ra một HÀNH TRÌNH ANH HÙNG khác cũng đang mở ra trong nội tâm anh, khi phải chứng kiến mục đích thật sự của mẹ anh – Lệnh bà Jessica, cuộc hôn phối với Công chúa của vua Shaddam và những biến động bên trong Chani.

Chani cũng là một nhân vật có hành trình anh hùng song song khác. Ảnh: Collider

       Khép lại 2 phần phim của Villeneuve, hiện Paul và Xứ cát đang dừng trước “trận đánh” quyết định để mang về PHẦN THƯỞNG và dần tiến đến HÀNH TRÌNH TRỞ VỀ. Tuy khép lại tại đây nhưng có thể thấy Xứ cát là bộ tác phẩm đậm tính sử thi mà mỗi nhân vật lại tự sở hữu một HÀNH TRÌNH ANH HÙNG riêng biệt. Ta thấy nó trong Chani mà “con đường” cô đi chính là tình cảm với Paul và trách nhiệm với cộng đồng Fremen của mình. Ta thấy nó trong Lệnh bà Jessica và tham vọng của bà với nhóm tôn giáo Bene Gesserit. Trong khi đó một nhân vật mới – em gái của Paul – cũng sắp xuất hiện. Và tuy chỉ mới nằm trong bụng mẹ nhưng nó cũng đang dần có những HÀNH TRÌNH ANH HÙNG nhất định, trong việc nhất tề chi phối và biến các nhân vật xung quanh mình trở nên phức tạp.

Ở phần 2, Lệnh bà Jessica là một nhân vật vô cùng bí hiểm. Ảnh: Screen Rant

       Ngoài điều đó ra, Herbert cũng rất thành công trong việc “đeo mặt nạ” cho các nhân vật, để ta không thể lường trước đường đi nước bước của bản thân họ. Chẳng hạn phút trước Paul và Chani còn rất mặn mà, nhưng ngay sau đó mọi chuyện đổi khác khi anh chấp nhận lấy Công chúa như đại diện cho chiến thắng của mình. Lệnh bà Jessica cũng nằm trong “ngã ba” ấy, khi không ai biết một cách rõ ràng bà đang từng bước leo lên theo quyền lực của con trai mình, hay chính bà mới là kẻ thao túng tất cả, trả thù cho điều đã mất? Và nếu điều ấy là thật, hóa ra cổ mẫu anh hùng mà ta xác định ngay từ ban đầu đã đổi bản chất. Paul từ mẫu bị động chuyển sang chủ động với chính những gì mà mình học hỏi, nhưng nếu vai trò của mẹ anh lớn hơn, thì hóa ra Paul chỉ là một kiểu anh hùng xúc tác – người có vị trí là bàn đạp cho hình tượng khác bước lên vũ đài danh vọng. Áp chính lý thuyết của Vogler vào Xứ cát bản phim của Villeneuve, ta thấy vì sao mà tác phẩm này thành công vang dội trong các năm qua. Dù biết một cách khái quát đó là trùng trùng lớp lớp âm mưu, nhưng khi được phân tích dưới cổ mẫu và những điểm nút quan trọng của hành trình anh hùng, ta sẽ lại thấy những chi tiết này hiện ra phức tạp, gắn kết ra sao.

Ngô Minh

Đọc bài viết

Trà chiều

Sứ Đoàn Iwakura đạt Giải thưởng sách Quốc Gia 2024

Published

on

Giải thưởng Sách Quốc gia là giải thưởng do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức hàng năm, trao giải cho những cuốn sách (bộ sách) có giá trị nổi bật về nội dung tư tưởng, tri thức, thẩm mỹ nhằm tôn vinh tác giả, dịch giả, nhà khoa học và người làm công tác xuất bản.

Tối ngày 29.11.2024 tại lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần VII, tác phẩm Sứ Đoàn Iwakura - Chuyến Tây Du Khảo Cứu Nhằm Canh Tân Nhật Bản Thời Minh Trị (Ian Nish biên soạn, Nguyễn Hoàng Mai - Nguyên Tâm dịch) hân hạnh được vinh danh giải Khuyến khích.

Sứ Đoàn Iwakura là tác phẩm nghiên cứu tập hợp nhiều tư liệu giá trị, giúp độc giả hiểu rõ hơn về chuyến du khảo nhằm canh tân Nhật Bản thời Minh Trị dưới góc nhìn của người phương Tây. Để có một đường lối phát triển đất nước hoàn toàn mới, người Nhật đã khởi động chuyến công du gọi là Sứ mệnh Iwakura thăm Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu. Đây là một chuyến đi lịch sử có tầm quan trọng đến mức khi nhắc về Minh Trị Duy Tân, người ta lập tức nhớ đến chuyến đi này.

Sách dày 427 trang, gồm 11 chương tổng hợp các bài viết của Ian Nish và 12 chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ quốc tế khu vực Nhật Bản và Đông Á. Tám chương đầu, độc giả sẽ cùng phái đoàn đi qua tám cường quốc từ Mỹ, Anh, Pháp, Bỉ, Đức, Nga, Thụy Điển và Italy. Bản ghi chép của những học giả góp phần tái hiện hành trình tìm kiếm “văn minh khai sáng” của sứ đoàn Iwakura tại trời Âu dưới góc nhìn của người phương Tây. Ba phần còn lại trong ấn phẩm là bài phân tích, nhận định của chuyên gia lịch sử, đánh giá tình hình nước Nhật sau chuyến công du.

Để hiểu thêm về một lát cắt lịch sử quan trọng của Nhật Bản, cũng như đọc thêm về chuyến đi được mệnh danh là “Chuyến công du lịch sử thay đổi nước Nhật”, mời bạn tìm đọc sách tại đây hoặc tại hệ thống các nhà sách Phương Nam trên toàn quốc.

Đọc bài viết

Trà chiều

Nhà Sách Phương Nam đồng hành cùng các bạn học sinh tham gia cuộc thi ‘F1 in Schools’

Published

on

F1 in Schools là một giải đấu mang tính giáo dục, cạnh tranh toàn cầu do Formula One kết hợp với chương trình quốc tế STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học). Giải đấu được tổ chức hàng năm dành cho học sinh trung học với mục đích giới thiệu kỹ thuật cho những người trẻ tuổi trong một môi trường thú vị. Mỗi đội thi (từ 3 - 6 học sinh) phải thiết kế và chế tạo một chiếc xe đua Công thức 1 cỡ nhỏ từ Khối mô hình F1 chính thức bằng các công cụ thiết kế CAD/CAM.

Năm 2024, ADUA Racing - đội bao gồm các học sinh cấp 2 của trường British International School Ho Chi Minh City đã vinh hạnh giành được cơ hội tham gia vòng chung kết cuộc thi F1 in Schools ở Dubai, Ả Rập Saudi. Đây là đội duy nhất đại diện Việt Nam tham gia vòng chung kết năm nay.

Những nỗ lực rèn luyện, khả năng sáng tạo, tư duy học tập đáng ngưỡng mộ của các em học sinh trong giải đấu này phù hợp với định hướng và giá trị cốt lõi mà Nhà Sách Phương Nam luôn muốn đem lại cho các bạn đọc và khách hàng trên toàn quốc.

Vì vậy, Nhà Sách Phương Nam hân hạnh trở thành nhà tài trợ đồng hành cùng đội thi ADUA Racing trên hành trình vươn ra thế giới. Nhà Sách Phương Nam hy vọng nỗ lực này sẽ góp phần ươm mầm cho những tài năng tương lai, khuyến khích người trẻ phát triển tư duy độc lập, sáng tạo.

Nhà Sách Phương Nam luôn chú trọng hỗ trợ, khuyến khích thế hệ trẻ phát huy tối đa tiềm năng của bản thân. Bên cạnh đó, hệ thống Nhà Sách Phương Nam vẫn luôn nỗ lực trên hành trình kết nối bạn đọc đến với thế giới tri thức thông qua những cuốn sách hay và các hoạt động ý nghĩa.

Cảm ơn sự ủng hộ của các độc giả và khách hàng đã tạo điều kiện để Nhà Sách Phương Nam tiếp tục đồng hành cùng thế hệ trẻ trên những chặng đường đầy ý nghĩa trong tương lai.

Đọc bài viết

Cafe sáng