Trà chiều

Noel không cần bon chen: Có 9 nhà sách tuyệt đẹp chờ bạn đến khám phá!

Published

on

Dịp cuối năm này, nếu bạn đã nhàm chán với những trung tâm thương mại đông đúc, những con phố đi bộ người người xếp lớp chen nhau và muốn “rẽ hướng” sang một lựa chọn thi vị khác, thì tại sao không hẹn một ngày đặc biệt để ghé thăm Nhà Sách Phương Nam – một điểm hẹn Giáng Sinh ẩn giấu những bí mật nho nhỏ trong từng cuốn sách, từng góc trang hoàng đợi bạn khám phá?

Trong từ điển đời sống của giới trẻ Việt, Nhà Sách Phương Nam không đơn thuần là một địa điểm để mua bán sách mà đã trở thành điểm hẹn văn hóa, là những “Wonderland” để người yêu sách đóng đô và tự hào gọi là nhà. Từ mô hình Thành phố sách rộng cả nghìn mét vuông đến những góc nhỏ nép giữa lòng đường sách – mỗi địa điểm gắn với cái tên Phương Nam luôn sở hữu một chất riêng, thể hiện trong cách sắp xếp và phân loại sách tỉ mỉ, dày công trang trí và sức sáng tạo mang đến những không gian ấn tượng và niềm vui cho khách hàng khi dạo chơi và chiêm ngưỡng.

Bất kể bạn đang “độc hành” hay đã có một người bạn đặc biệt để hẹn hò, Nhà Sách Phương Nam – cùng với rất nhiều những cuốn sách hay, khoác tấm áo Christmas xinh đẹp – đều chào đón bạn hòa chung trong không khí lễ hội cuối cùng của năm. Bookish xin giới thiệu 9 địa điểm Nhà Sách Phương Nam đặc biệt nổi bật từ Bắc chí Nam, cũng chính là 9 địa điểm vui chơi, hẹn hò độc đáo để bạn có một mùa yêu thương ấm áp và đáng nhớ.



“Thành phố Sách châu Âu giữa lòng Sài Gòn” 
Địa chỉ: Tầng 3 – Vạn Hạnh Mall, 11 Sư Vạn Hạnh, P.12, Q.10, TP. HCM.



Đối với rất nhiều người yêu sách đang sinh sống và làm việc tại Sài Gòn, Phương Nam Book City – Vạn Hạnh Mall là địa điểm phải-ghé mỗi dịp cuối tuần, để hâm nóng tình yêu đọc sách và tránh khỏi cái lạnh của guồng quay thường ngày.


Ra đời với hy vọng không chỉ cung cấp những đầu sách chất lượng mà còn là một nơi để những người yêu sách có thể thoải mái vẫy vùng trong một không gian thiết kế để đáp ứng sở thích của mình, “Thành phố Sách châu Âu giữa lòng Sài Gòn” có lối kiến trúc đậm chất thơ, lấy cảm hứng từ những công trình Châu Âu nổi tiếng; từng con đường, đại lộ, góc phố nổi tiếng trời Âu được đưa vào để tạo nên Thành phố sách lãng mạng nhất Việt Nam.

Giáng Sinh này, có thể nói Phương Nam Book City tại Vạn Hạnh Mall chính là tổng hòa những giá trị đẹp nhất mà chuỗi thương hiệu danh tiếng này đem lại: sự sang trọng, bắt mắt trong một không gian mời gọi người qua đường dừng chân, chậm rãi đọc sách và ghi lại những ký ức đẹp. Bên cạnh đó, nơi đây cũng tự hào mang đến những lựa chọn trang trí, phụ kiện Giáng Sinh phong phú và độc đáo để bạn có thể làm mới không gia nhà cửa, phòng ốc và nơi làm việc của mình.


Nét đẹp hiện đại giữa cố đô Huế, chẳng hề thua kém bất cứ một nhà sách nào tại Sài Thành
Địa chỉ: 131 – 133 Trần Hưng Đạo, P. Phú Hòa, TP. Huế.


Nhà Sách Phương Nam chẳng còn mấy xa lạ với các thế hệ học trò nhiều năm qua tại Huế. Nằm ở dưới chân cầu Trường Tiền, nơi đây là chốn tĩnh lặng để người bản địa cũng như khách du lịch dừng lại đọc sách, ngắm nhìn và cảm nhận không gian văn hóa – lịch sử Huế.


Vốn cổ điển như vậy, nhưng Giáng Sinh này, Nhà Sách Phương Nam tại cố đô không ngại làm mới mình, thêm chút cảm hứng Tây phương để tô điểm nên Giáng Sinh rộn ràng và hiện đại – không kém chi bất cứ một nhà sách nào ở Sài Gòn. Những chi tiết nhỏ làm nên một không gian nhà sách – tủ trưng bày, cầu thang, kệ sách – nay đều khoác lên một tấm áo Noel mới, nhuộm sắc bằng tông màu đỏ, trắng, xanh lấp lánh cả khung trời với những mô hình, tiểu cảnh đầu tư và sắp xếp tỉ mỉ. Dạo một vòng nơi đây, bạn sẽ tìm thấy rất nhiều nguồn cảm hứng để bắt tay mua sắm và làm mới không gian sống và làm việc của mình, đồng thời ghi lại những tấm ảnh đẹp và ấn tượng (điển hình là tại tủ-Giáng-Sinh trưng bày cạnh Book Café!).


Một Thành phố Giáng Sinh ý nhị và tinh tế
Địa chỉ: 212 Nguyễn Trãi, P. Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP. HCM.


Tuy chỉ mới chính thức khai trương trong năm nay nhưng Phương Nam Book City Saigon Center có một lịch sử thú vị: thập niên 1970, nơi đây là rạp xi-nê Khải Hoàn, sau đó đổi thành Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch. Đến năm 2020, PNC chính thức cải tạo và xây dựng một thành phố sách mới trên nền kiến trúc Nhà hát xưa. Với khởi nguyên như vậy, chẳng hề ngạc nhiên khi Phương Nam Book City Saigon Center có một không khí rất khác với những người đi trước. Nơi đây sang trọng theo cách cổ điển, nghiêm cẩn mà ung dung, tự tại, đúng phong cách của một địa điểm đã trải qua nhiều đời nắng mưa.


Tháng Mười Hai này, nơi đây chào đón Giáng Sinh đầu tiên trong đời. Không quá sắc màu hoa lệ, không quá rộn ràng nhạc ca, Thành phố sách Phương Nam Saigon Center lựa chọn một tấm áo Christmas rất riêng, ý nhị mà tinh tế cho hợp với cái cốt thanh tao của mình. Dạo bước trong diện tích hơn 1.500 mét vuông, đây đó ta bắt gặp – nhấn nhá trong không gian tầng tầng lớp lớp – là những nét bút Tây phương xanh biếc, là dây tầm gửi xanh điểm bông tuyết men theo lan can cầu thang, là cây tùng vững chãi vươn lên giữa sân khấu một thời, những chú búp bê râu dài nho nhỏ ngồi nghỉ mệt trên kệ sách. Đặc biệt, bạn đừng bỏ lỡ “căn hầm Giáng Sinh” cất chứa một thế giới những phụ kiện, quà tặng, đồ chơi, như hòm châu bấu để bạn khám phá và gửi tặng đến người thân và bạn bè.


Một chút cảm hứng Bắc Âu tại thành phố biển
Địa chỉ: 17 Thái Nguyên, P. Phước Tân, TP. Nha Trang, Tỉnh Khánh Hòa.


Nằm trên con đường Thái Nguyên sầm uất ngay trung tâm Nha Trang, với view nhìn trực tiếp ra ga tàu hỏa, Nhà Sách Phương Nam không những là điểm đến yêu thích của các bậc phụ huynh, các bé thiếu nhi và các bạn học sinh, sinh viên trong thành phố mà còn là nơi ghé thăm, mua sắm đáng tin cậy của khách du lịch.


Và khi tiết trời tại Nha Trang đã lạnh xuống, bớt chút nắng và thêm chút mưa, Nhà Sách Phương cũng hòa vào không khí giao mùa mà mang chút cảm hứng Bắc Âu vào nhà sách, với những cây thông xanh nhiều kích cỡ – từ nhỏ nhắn “kawaii” đến đồ sộ – sắp xếp thành cánh rừng xinh nhón đầu ra khỏi khung cửa sổ kính sát đất, đến những hạt châu treo lơ lửng xen kẽ với búp bê ông già Tuyết, kết hợp với ánh đèn vàng, nơi đây thật giống như một không gian Bắc Âu xinh đẹp.


Không gian đọc sách với concept trẻ trung, hiện đại
Địa chỉ: Tầng 3 – Lotte Center, 54 Liễu Giai, P. Cống Vị, Q. Ba Đình, TP. Hà Nội.


Tọa lạc tại tầng 3 của trung tâm mua sắm Lotte Department Store, Phương Nam Book Lotte Center đánh dấu một cột mốc mới trong cộng đồng người đọc sách đang sinh sống và làm việc tại thủ đô. Thoát khỏi mô hình nhà sách truyền thống, Phương Nam được thiết kế linh hoạt đan xen nhiều tiện ích, concept trẻ trung hiện đại, không gian nội thất chủ yếu sử dụng gam màu trung tính và nền nã.


Ở một khía cạnh nào đó, Phương Nam Book Lotte Center đỏm dáng chẳng kém gì người anh em Book City Vạn Hạnh Mall ở miền Nam, cứ mỗi mùa hội hè là lại tinh tế điểm sắc thêm hương mà không hề phô trương. Chỉ còn vài ngày nữa là ngày Giáng Sinh, và hòa cùng không khí lễ hội khắp nơi, nhà sách cũng đã trang trí theo cách riêng của mình. Với tông màu chủ đạo là trắng, xanh, đỏ, vàng, cùng với cây thông và những phụ kiện trang trí,… nhà sách đã khoác thêm một tấm áo sắc màu lộng lẫy, để khách hàng không thể không ngắm nhìn.


Ốc đảo của phụ kiện, màu sắc và ánh sáng
Địa chỉ: Tầng 4 – Saigon Centre, 65 Lê Lợi, P. Bến Nghé, Q.1, TP. HCM.


Tọa lạc tại trung tâm mua sắm Saigon Centre (Takashimaya), Nhà Sách Phương Nam – Lê Lợi đã biến không gian có phần nhỏ nhắn của mình thành một “ốc đảo Giáng Sinh” rực rỡ khi chơi đùa với ba yếu tố quan trọng: phụ kiện, màu sắc và ánh sáng. Noel tràn vào lòng khi ta ngắm từng cụm dây đèn tí hon treo lơ lửng trên đầu như những chòm sao nhỏ, ánh sáng phản chiếu những cụm thông có chút hơi tuyết bám trên đầu ngọn cây, điểm tô vài quả châu trang trí cho thêm phần lung linh kì ảo.


Ngoài ra, nhà sách Phương Nam Saigon Centre còn có khu vực “Kids Corner” dành riêng cho độc giả nhí, được trang hoàng với những tông màu và băng rôn vui nhộn, là nơi để các bé thiếu nhi ghé chơi và chọn quà tặng Giáng Sinh năm nay.


Concept Giáng Sinh hiện đại tại Thành phố sách tiên phong ở Việt Nam
Địa chỉ: Tầng Trệt – Aeon Mall, 01 Đại lộ Bình Dương, Khu phố Bình Giao, P. Thuận Giao, TX. Thuận An, Tỉnh Bình Dương.


Là thành phố sách đầu tiên ra đời tại Việt Nam, Phương Nam Book City Aeon Bình Dương được thiết kế như một thành phố thu nhỏ với những góc riêng biệt: bàn ghế đọc sách dành cho độc giả, khu vực Book Café dành cho người muốn làm việc hoặc thư giãn với bạn bè, khu vực tổ chức giao lưu sách với giới văn nghệ sĩ, khu vực đồ chơi dành cho gia đình và trẻ em. Sự ra đời của thành phố sách Phương Nam tại nơi đây là bước chuyển để giới trẻ khẳng định rằng, ừ, ở Việt Nam ta cũng tự hào sở hữu Thành phố sách rộng và đẹp như ở xứ người!


Mùa Giáng Sinh này, khi chào đón mỗi khách hàng đến chơi, Thành phố sách Phương Nam hi vọng tạo ra một không gian Giáng Sinh hiện đại, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc và mang đến những trải nghiệm đẹp cùng gia đình và bạn bè.


Nhà sách gắn bó với biết bao thế hệ người Sài Gòn
Địa chỉ: 940 Ba Tháng Hai, P.15, Q.11, TP. HCM.


Là nhà sách đầu tiên và lâu đời nhất của thương hiệu Nhà Sách Phương Nam, nơi đây là điểm đến quen thuộc của người Sài Gòn trong gần 40 năm qua, là chốn sẻ chia tình yêu đọc sách, gắn kết tình cảm của nhiều thế hệ gia đình, học sinh và sinh viên tại Sài Gòn. Đồng thời, địa điểm này cũng là nơi có số lượng đầu sách quốc văn – ngoại văn, văn phòng phẩm và quà lưu niệm cùng đồ chơi lớn, đáp ứng nhu cầu khách hàng vào những thời điểm quan trọng trong năm như tân niên, mùa tựu trường và hẳn nhiên là có Giáng Sinh.


Vào trong mùa lễ năm nay, Nhà Sách Phương Nam – Phú Thọ cũng là một địa điểm hot tại quận 10 nói riêng và nội thành TP. HCM nói chung. Không chỉ có không gian trang trí rộn ràng, bắt mắt, nơi đây còn là địa chỉ để gia đình và các bạn trẻ đến chọn phụ kiện trang trí và quà tặng Giáng Sinh, với mẫu mã, chất liệu đa dạng và giá thành phù hợp với túi tiền. Đặc biệt, năm nay nhà sách nhập về những chậu tùng tươi đúng với xu hướng sống gần gũi với thiên nhiên – nếu bạn muốn thay đổi phong cách trang trí phòng.


Nhà sách có trang trí sáng tạo nhất!
Địa chỉ: 03 Nguyễn Oanh, P.10, Q. Gò Vấp, TP. HCM.


Nhà Sách Phương Nam tại số 03 Nguyễn Oanh là một trong những nhà sách uy tín và diện tích lớn nhất quận Gò Vấp. Và mùa Giáng Sinh này, nếu có giải “nhà sách sáng tạo nhất” thì nơi đây sẽ là ứng cử viên nặng ký, khi thỏa thích thể hiện cá tính qua những tiểu cảnh đầu tư và background tuyệt đối ăn hình: từ cây thông Noel được các bạn nhân viên dày công sắp xếp từ bộ truyện tranh “Lớp học Mật Ngữ”, đến mô hình ngôi hình nhà thờ tuyết lấp ló bên cửa sổ dưới giàn lồng đèn giấy xoay theo chiều gió, và đặc biệt nhất hẳn là tiểu cảnh hang đá Giáng Sinh được thiết kế và dàn dựng công phu. Không chỉ tạo không gian đọc sách, nghỉ chân mà còn thu hút nhiều bạn trẻ tới chụp những bức ảnh đậm chất “Instagram”.

*

Và còn nhiều Nhà Sách Phương Nam đã “lên đèn Giáng Sinh” theo phong cách riêng biệt của mình mà vẫn đảm bảo tiêu chí “đẹp rạng ngời mà chuẩn ấm áp”. Mời mọi người đến khám phá!

Phương Nam Book City – Hồng Bàng
Địa chỉ: Tầng 2 – The Garden Mall, 190 Hồng Bàng, P.12, Q.5, TP. HCM.

Nhà Sách Phương Nam – Estella Place
Địa chỉ: Tầng 4 – Estella Place, 88 Song Hành, P. An Phú, Q.2, TP. HCM.

Nhà Sách Phương Nam – Vincom Quang Trung
Địa chỉ: Tầng B2 – Vincom Plaza, 190 Quang Trung, P.10 , Q. Gò Vấp, TP. HCM.

Nhà Sách Phương Nam – SC Vivo City
Địa chỉ: Tầng 3 – SC VivoCity, 1058 Đại Lộ Nguyễn Văn Linh, P. Tân Phong, Q.7, TP. HCM.

Nhà Sách Phương Nam – Đại Thế Giới 
Địa chỉ: 105 Trần Hưng Đạo B, P.6, Q.5, TP. HCM.

Nhà Sách Phương Nam – Crescent Mall
Địa chỉ: Tầng 4 – Crescent Mall, 101 Tôn Dật Tiên, P. Tân Phú, Q.7, TP. HCM.

Nhà Sách Phương Nam – Siêu Thị An Phú
Địa chỉ: Tầng 1 – Siêu Thị An Phú, 36 Thảo Điền, P. Thảo Điền, Q.2, TP. HCM.

Nhà Sách Phương Nam – Vincom Đồng Khởi
Địa chỉ: Tầng B2 – Vincom Center, 72 Lê Thánh Tôn, P. Bến Nghé, Q.1, TP. HCM.

Nhà Sách Phương Nam – Đường sách TP. HCM
Địa chỉ: Gian M06-07 Nguyễn Văn Bình, P. Bến Nghé, Q.1, TP. HCM.

Nhà Sách Phương Nam – Cần Thơ
Địa chỉ: 06 Hòa Bình, P. An Cư, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ.

Nhà Sách Phương Nam – Kon Tum
Địa chỉ: 135 Lê Hồng Phong, P. Quyết Thắng, TP. Kon Tum.

Nhà Sách Phương Nam – Phố Sách Hà Nội
Địa chỉ: Phố 19/12, P. Trần Hưng Đạo, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Nhà Sách Phương Nam -The Garden
Địa chỉ: Tầng 3 – The Garden Shopping Center, Đường Mễ Trì, P. Mỹ Đình 1, Q. Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội.

*

Có một “ốc đảo Giáng Sinh” cực Tây tại Nhà Sách Phương Nam

Trà chiều

Phía sau Ngày của Mẹ: Câu chuyện lịch sử bị lãng quên

Published

on

Ít ai biết rằng, Ngày của Mẹ khởi nguồn như một phong trào của những người phụ nữ mong muốn mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân Mỹ. Nguồn gốc bị lãng quên ấy xuất phát từ hai nhà hoạt động suốt đời cống hiến những nỗ lực cải thiện y tế, phúc lợi và hòa bình. Hiểu về lịch sử Ngày của Mẹ - để thêm trân trọng và tìm thấy cảm hứng từ đó.

Ai là người sáng lập ra Ngày của Mẹ?

Việc tạo ra một ngày lễ quốc gia dành riêng cho mẹ phần lớn là công lao của ba người phụ nữ: Julia Ward Howe, Ann Reeves Jarvis, và con gái của Ann - Anna M. Jarvis.

Ann Reeves Jarvis

Được nhiều người gọi trìu mến là “Mẹ Jarvis”, Ann Reeves Jarvis là một người nội trợ trẻ sống ở vùng núi Appalachian, từng giảng dạy trong lớp học Kinh Thánh mỗi Chủ nhật. Nhưng bên cạnh đó, bà còn là một nhà hoạt động xã hội suốt đời. Vào giữa thế kỷ 19, bà đã tổ chức các “Câu lạc bộ hành động của những người Mẹ” (“Mothers’ Day Work Clubs”) tại West Virginia nhằm chống lại điều kiện sống mất vệ sinh nghiêm trọng lúc bấy giờ. Mẹ Jarvis lo lắng trước tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong quá cao - thậm chí trở nên tràn lan tại khu vực này, đồng thời mong muốn hỗ trợ và giáo dục các bà mẹ đang gặp khó khăn nhất.

Trong thời kì nội chiến Hoa Kỳ, bà tiếp tục tổ chức các đoàn phụ nữ, khuyến khích họ cùng giúp đỡ, bất kể chồng con họ đang đứng về phe nào. Sau chiến tranh, bà đề xuất tổ chức một “Ngày tình thân của những người Mẹ” (Mothers’ Friendship Day) - với hy vọng hàn gắn những rạn nứt giữa các gia đình từng đứng ở hai chiến tuyến: Liên minh miền Nam và Liên bang miền Bắc.

Julia Ward Howe

Julia Ward Howe là một nhà thơ và nhà cải cách nổi tiếng. Trong thời kỳ Nội chiến, bà tình nguyện làm việc cho Ủy ban Vệ sinh Hoa Kỳ, góp phần mang lại môi trường sạch sẽ cho các bệnh viện và đảm bảo điều kiện vệ sinh trong việc chăm sóc thương binh, bệnh binh. Năm 1861, bà sáng tác bài thánh ca nổi tiếng của thời Nội chiến – “The Battle Hymn of the Republic”, lần đầu được phát rộng rãi vào tháng 2 năm 1862. 

Khoảng năm 1870, Julia đã kêu gọi tổ chức riêng một “Ngày của Mẹ vì hòa bình” (“Mother’s Day for Peace”) để tôn vinh hòa bình và chấm dứt chiến tranh. Trong bản “Tuyên ngôn Ngày của Mẹ” (“Mother’s Day Proclamation”) do bà viết, Julia cảm thấy rằng chính những người mẹ - những người phải gánh chịu và thấu hiểu cái giá phải trả của chiến tranh - cần phải cùng nhau lên tiếng chống lại sự tàn khốc và sự phí hoài cuộc sống vì súng gươm. 

“Ngày của Mẹ” theo góc nhìn của Julia từng được tổ chức tại Boston và một vài nơi khác trong khoảng 30 năm nhưng nhanh chóng biến mất vào những năm trước Thế chiến thứ nhất.

Không có gì mới mẻ diễn ra trong phong trào này cho đến năm 1907, khi cô Anna M. Jarvis ở Philadelphia tiếp tục giương cao ngọn cờ ấy. 

Anna M. Jarvis

Sau khi mẹ qua đời vào năm 1905, cô Anna M. Jarvis ở Philadelphia đã ấp ủ ước nguyện tưởng nhớ cuộc đời đầy cống hiến của mẹ mình. Cô bắt đầu vận động một ngày lễ toàn quốc nhằm tôn vinh tất cả những người mẹ. “Tôi hy vọng và cầu nguyện rằng rồi sẽ có ai đó, vào một lúc nào đó, lập nên một ngày tôn vinh mẹ - để ghi nhận những cống hiến vĩ đại mẹ dành cho nhân loại trong mọi khía cạnh của cuộc sống,” Anna từng khẳng định - “Mẹ xứng đáng với điều đó.” 

Ý tưởng của Anna không xoay quanh những công việc xã hội như mẹ cô từng theo đuổi, mà thiên về việc tôn vinh vai trò thiêng liêng của người mẹ và những hy sinh thầm lặng trong mái ấm gia đình. Cô không ngừng gửi điện tín, thư từ, và gặp gỡ trực tiếp các nhân vật có tầm ảnh hưởng cũng như các tổ chức xã hội để thuyết phục họ ủng hộ. Dù tổ chức lớn hay nhỏ, cô đều kiên trì gửi thư trình bày ý tưởng của mình. Bằng chính tiền túi, Anna viết, in và phát hành hàng loạt tập sách ca ngợi Ngày của Mẹ.

Vì sao Ngày của Mẹ ở Mỹ lại rơi vào tháng 5?

Tháng 5 năm 1907, Anna tổ chức buổi lễ tưởng niệm để tưởng nhớ hành trình hoạt động không ngơi nghỉ của mẹ tại nhà thờ Giám Lý ở Grafton, West Virginia – nơi bà từng giảng dạy. Một năm sau, vào ngày 10 tháng 5, một buổi lễ chính thức nhân Ngày của Mẹ được tổ chức tại chính nhà thờ đó, lần này để vinh danh tất cả những người mẹ. Từ đây, ý tưởng dành riêng Chủ nhật thứ hai của tháng 5 để tôn vinh mọi người mẹ - dù còn sống hay đã khuất - bắt đầu hình thành.

Nỗ lực của Anna dần gây được sự chú ý. Thị trưởng Philadelphia là người đầu tiên tuyên bố tổ chức Ngày của Mẹ tại địa phương. Từ đó, Anna tiếp tục hành trình vận động ở thủ đô Washington, D.C. Các chính trị gia ở đây nhanh chóng nhận thấy đây là một đề xuất đáng giá và bày tỏ sự ủng hộ công khai.

West Virginia là bang đầu tiên chính thức công nhận ngày này. Sau đó, nhiều bang khác cũng làm theo. Việc các bang liên tiếp đưa ra tuyên bố công nhận Ngày của Mẹ đã dẫn đến việc Hạ nghị sĩ J. Thomas Heflin (bang Alabama) và Thượng nghị sĩ Morris Sheppard (bang Texas) cùng đệ trình một nghị quyết lên Quốc hội nhằm công nhận Ngày của Mẹ là ngày lễ trên toàn quốc. Cả hai viện của Quốc hội đều thông qua nghị quyết.

Đến năm 1914, Tổng thống Woodrow Wilson đã ký ban hành đạo luật chính thức công nhận Chủ nhật thứ hai của tháng 5 là ngày lễ quốc gia với tên gọi “Ngày của Mẹ” - dành riêng cho “người mẹ tuyệt vời nhất trên đời: mẹ của bạn.”

Trong những năm đầu tiên, Ngày của Mẹ được tổ chức một cách mộc mạc và đầy thành kính - thường là qua các buổi lễ nhà thờ để tưởng nhớ và vinh danh các bà mẹ, dù còn sống hay đã qua đời.

Ngọt ngào xen lẫn đắng cay khi kế thừa Ngày của Mẹ

Theo nhiều tài liệu, điều duy nhất mà Anna mong muốn là tưởng nhớ mẹ mình - người mà cô tin là người khởi xướng thực sự của Ngày của Mẹ. Nhưng khi ngày lễ trở nên phổ biến, Anna dần cảm thấy thất vọng khi nó bị thương mại hóa: người ta gửi thiệp, tặng hoa một cách máy móc. Thậm chí cô không đồng tình khi các tổ chức phụ nữ hay hội từ thiện dùng Ngày của Mẹ để gây quỹ - điều khá mâu thuẫn nếu nhìn vào lý tưởng y tế cộng đồng mà mẹ cô từng theo đuổi.

Năm 1948, Anna Jarvis qua đời tại một viện dưỡng lão trong tình trạng sa sút trí tuệ.

Ngày của Mẹ hiện nay

Ngày của Mẹ vẫn bền bỉ tồn tại và không ngừng phát triển. Cũng giống như khởi nguồn ngày lễ bắt đầu từ sự sáng tạo của nhiều người phụ nữ, Ngày của Mẹ trong thời đại hiện nay tôn vinh sự đa dạng trong vai trò của người mẹ hiện đại. Chúng ta nhớ ơn những người mẹ đã đấu tranh để cải thiện cuộc sống của con cái bằng nhiều cách - từ phúc lợi xã hội đến lý tưởng phi bạo lực. Và hơn hết, chúng ta thấu hiểu, trân trọng tinh thần dũng cảm cùng đức hy sinh quý giá vô ngần dành cho con trẻ từ lúc chúng mới lọt lòng.

Hà Nhi dịch từ Almanac

Đọc bài viết

Trà chiều

Văn hóa đọc tại Việt Nam: Hành trình tỉnh thức trong thời đại mất tập trung

Khi cả thế giới đang quay cuồng trong cơn lốc của tốc độ, của công nghệ số và mạng xã hội, văn hóa đọc – vốn là một hoạt động tĩnh tại, cô độc và đòi hỏi sự kiên nhẫn – bỗng trở thành hiện tượng lạ giữa đời sống hiện đại.

Published

on

Một cú chạm màn hình có thể đưa bạn tới bất kỳ đâu: từ buổi hòa nhạc ở Vienna đến một bữa ăn đường phố ở Bangkok, từ những khoảnh khắc riêng tư của người xa lạ đến bản tin thời sự lúc rạng đông. Nhưng càng dễ dàng kết nối, chúng ta lại càng khó khăn trong việc lắng nghe chính mình. 

Và trong cuộc hành trình ấy, đọc sách - hành động tưởng như đã cũ kỹ, đang âm thầm trở lại như một nơi trú ẩn cuối cùng của tâm hồn hiện đại.

Văn hóa đọc không chỉ là việc “đọc sách”

Văn hóa đọc không nên được định nghĩa đơn giản chỉ là hành vi tiếp nhận văn bản in ấn, cần phải nhìn nó như là một cấu trúc hệ giá trị, nơi người đọc không chỉ tiêu thụ thông tin, mà còn tương tác với tri thức, phản tư, và từ đó tạo ra tầng sâu văn hóa cá nhân. Nên hiểu đọc là một hành vi văn hóa, không chỉ là kỹ năng.

Thế nhưng, tại Việt Nam, hành vi đọc nhiều khi bị giản lược thành “hoạt động học thuộc”. Cái gốc của việc đọc để hiểu mình và hiểu thế giới vẫn còn mờ nhạt trong đời sống học đường lẫn đời sống đô thị.

Chúng ta từng được dạy rằng đọc là để biết nhiều hơn. Nhưng biết không đồng nghĩa với hiểu. “Biết” là quá trình tiếp nhận và lưu trữ dữ liệu dưới dạng thông tin. “Hiểu” vượt lên trên điều đó - nó đòi hỏi sự tham gia của trải nghiệm cá nhân, khả năng phân tích, đồng cảm và cả những va chạm nội tâm. Một tác phẩm có giá trị không chỉ cung cấp tri thức ngoại tại, mà còn tạo điều kiện cho chủ thể tiếp nhận được soi chiếu, phản tỉnh từ đó nhận diện những lớp ẩn sâu của bản thể qua hình ảnh của người khác trong trang sách. 

Khi một đứa trẻ đọc Những tấm lòng cao cả, em sẽ không chỉ học đạo đức, mà bắt đầu cảm nhận được trái tim nhân loại. Khi một thiếu niên lần đầu đọc Người xa lạ của Camus, cậu ấy có thể không lý giải nổi thế giới, nhưng sẽ bắt đầu đặt câu hỏi về nó và về chính mình.

Vấn đề không nằm ở việc thiếu sách, mà thiếu “thái độ văn hóa” với sách

Mặc dù Việt Nam có hơn 30.000 đầu sách xuất bản mỗi năm (theo Cục Xuất bản), thế nhưng lượng sách bán ra tập trung chủ yếu ở thể loại giải trí, ngôn tình, self-help, còn các dòng sách triết học, văn hóa, nhân văn… chiếm tỷ lệ nhỏ hơn. Ta không thiếu sách, ta thiếu một nền tảng thẩm mỹ và nhân văn để lựa chọn sách một cách có chủ đích.

Nguyên nhân không chỉ nằm ở thời đại số làm thay đổi thói quen tiếp nhận thông tin, mà còn nằm ở cách giáo dục về đọc sách. Tại nhiều trường học, việc đọc vẫn gắn liền với hình thức kiểm tra, chấm điểm, làm bài văn nghị luận sách giáo khoa - điều khiến đọc sách trở thành một “nghĩa vụ” hơn là một hành trình khám phá. Gia đình, các bậc phụ huynh còn chưa thực sự nghiên cứu và đặt mối quan tâm lớn lao cho việc giáo dục con trẻ dẫn đến việc các em phụ thuộc quá nhiều vào các thiết bị công nghệ. 

Nhưng tín hiệu đáng mừng là trong những năm gần đây, chúng ta chứng kiến sự nở rộ của các phong trào đọc sách tự phát, không phải từ chỉ đạo hành chính, mà từ những con người đang đi tìm lại bản thân giữa cơn hỗn loạn của thông tin.

Đáng chú ý, sự phát triển của nền tảng số cũng không còn là lực cản, mà đang dần trở thành đòn bẩy cho việc tiếp cận sách: audio book, book podcast, nền tảng chia sẻ tóm tắt sách hay các cộng đồng đọc sách online đang lan tỏa mạnh mẽ. Sách không còn là một vật thể bất động mà trở thành dòng chảy đồng hành với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, âm thanh và cảm xúc.

Tất cả đang làm sống lại một giá trị xưa cũ: sự tĩnh lặng nội tâm. Đọc sách giờ đây không chỉ là tiếp nhận thông tin, mà là một hành động phản kháng với sự phân tán, ồn ào, và tiêu dùng giải trí mang tính chất "mì ăn liền".

Văn hóa đọc trong thời đại “siêu dữ liệu”

Thách thức lớn nhất với văn hóa đọc trong thời đại kỹ thuật số không phải là sự biến mất của sách giấy, mà là sự thoái hóa khả năng tập trung, năng lực phản tư và thái độ nghiêm túc của con người với tri thức. Chúng ta sống trong thời đại mà nội dung có thể bị tiêu thụ như thức ăn nhanh, nơi mọi người “đọc để phản ứng”, thay vì “đọc để cảm nghiệm”. Bởi vậy, chọn đọc - nhất là đọc sâu, đọc chậm giờ đây không chỉ là một lựa chọn mang tính trí tuệ, mà còn là một cách gìn giữ bản thân trước sự xao nhãng của thế giới hiện đại.

Đọc là kháng cự lại tốc độ. Là từ chối cái dễ. Là chọn cái sâu - dù biết nó chậm.

Văn hóa đọc giờ đây không chỉ là sách, mà còn là cách ta sống. Không chỉ là hành động cá nhân. Nó phản ánh cả một văn hóa. Một đất nước biết trân trọng sách là một đất nước không dễ bị lãng quên ký ức. Một thế hệ đọc sách là một thế hệ có nội lực.

Ở Việt Nam, từng có một thế kỷ mà sách được đọc bằng ánh đèn dầu, được chép tay, được truyền tay như những báu vật. Sách đi qua chiến tranh, qua đói nghèo, qua đạn bom, nhưng vẫn sống. Vấn đề của hôm nay không phải là thiếu sách, mà là quá nhiều thứ giành giật tâm trí ta khỏi sách.

Vấn đề sâu xa hơn: ta không còn coi đọc là một phần của việc sống đẹp. Thế giới đang dần lãng quên sự im lặng, sự chậm rãi, sự suy tư. Trong truyền thống tư tưởng phương Đông, đọc không phải là phương tiện để đạt được cái bên ngoài, mà là trở về với cái bên trong. Từ thời Lão - Trang, việc học, việc đọc vốn gắn liền với sự tĩnh tại của tâm. Đọc là tu thân. Đọc là dưỡng khí. Đọc là hành động đi ngược lại với sự xao động của đời sống, để khơi mở “minh tâm kiến tánh”, thấy lại chân diện mục của chính mình. 

Ngày xưa, các nho sĩ khi đọc sách thường đặt một bát nước trong veo bên cạnh, để “nếu tâm xao động thì nước đục” như một cách tự phản tỉnh. Người đọc không chỉ là kẻ truy cầu tri thức, mà còn là người gìn giữ đạo lý, tiết tháo và sự lặng thầm bền bỉ của văn hóa.

Trong thời đại siêu kết nối hiện nay, nghịch lý lớn nhất là con người càng lúc càng rỗng hơn giữa vô số dữ liệu. Chúng ta “biết” rất nhiều thứ nhưng lại hiểu rất ít điều, và càng ít sống sâu. Văn hóa đọc nếu được xem là một hệ sinh thái văn hóa bền vững - chính là cơ chế tự phòng vệ của trí tuệ trước sự tha hóa của thị hiếu và tốc độ.

Bởi vì đọc không chỉ là để “biết”, mà để nghi ngờ cái mình biết. Không chỉ để “giỏi lên”, mà để hiểu mình và hiểu người hơn. Và không chỉ để có tri thức, mà để trở nên người hơn trong thế giới ngày càng thiếu vắng chất người. 

Đọc - tự bản thân nó là một hành động kháng cự lại sự lãng quên, sự cạn mỏng và cả sự dễ dãi. Nó khơi mở lại điều tưởng như đã mất: một chiều sâu văn hóa không thể số hóa, không thể sao chép, thứ văn hóa được chưng cất từ mỗi lần lật trang, từ mỗi khoảnh khắc im lặng tự đối diện chính mình. Để được sống với một trái tim có lớp lang. 

Và nếu phải chọn một hành động lặng lẽ nào đó để định nghĩa tinh thần của một dân tộc đang muốn trở mình từ bên trong, thì đó hẳn phải là: đọc sách.

Ngọc Trâm

Đọc bài viết

Trà chiều

Vẻ đẹp từ những cuộc đời bình thường

Không cần phải nổi bật, bạn vẫn có thể sống một đời ý nghĩa.

Published

on

Làm người bình thường giờ đây bị ngầm hiểu là một thất bại trong một thế giới say mê những con người xuất chúng. Từ những giải vàng trong các trường tiểu học đến danh hiệu “nhân viên xuất sắc của tháng”; từ những tấm hình, thước phim được chọn lựa kĩ càng để đăng trên Instagram đến cuộc đua trở thành “phiên bản rực rỡ nhất của chính mình”, văn hóa của chúng ta không ngừng nâng cao chuẩn mực cho những tính từ “thành công”, “xứng đáng” hoặc thậm chí là “đủ”. Nhưng liên tục chạy đua để trở thành người xuất chúng liệu có khiến chúng ta hạnh phúc hơn hay chỉ đang gieo thêm lo âu, mặc cảm và đứt gãy trong kết nối giữa người với người?

Ẩn giấu trong những cuộc đời không mấy nổi bật vẫn tồn tại sự bình yên sâu lắng, đích đến đáng quý, thậm chí là vẻ đẹp đáng tôn vinh. Có lẽ đã đến lúc ta nên giành lại chân lý ấy - rằng không cần rực rỡ để sống một đời đáng sống.

Những chuẩn mực ngày càng leo cao

Ngay cả trẻ con giờ đây cũng không thoát khỏi chuỗi dài những kì vọng từ gia đình và xã hội. Trước kia, thời chúng ta đi học, “trung bình” được coi là nền tảng để phấn đấu, không có gì đáng xấu hổ. Nhưng nhìn xem, lũ trẻ bây giờ đang bị áp lực phải trở thành những người có thành tựu từ khi còn chưa học được cách chơi đùa vô tư. Giành được điểm A vẫn bị coi là chưa đủ tốt nếu chúng không mang thêm giải thưởng, tham gia hoạt động ngoại khóa và trong vai những người dẫn dắt, lãnh đạo đội nhóm. Những rào chắn vô hình không ngừng cao lên, vì thế chẳng ngạc nhiên khi những sinh viên mới bước vào ngưỡng cửa đại học hay thị trường lao động đã kiệt sức thay vì hạnh phúc. 

Mạng xã hội chỉ đổ thêm dầu vào lửa, đốt cháy cuộc đua kì vọng ấy hơn. Không dừng lại ở việc lướt xem những khoảnh khắc rực rỡ của người khác, chúng ta bắt đầu so sánh với cuộc đời chưa được đánh bóng của bản thân. Đọc được câu chuyện về những bạn trẻ 22 tuổi khởi nghiệp, đi du lịch vòng quanh thế giới, tự sắm nhà riêng - ta cảm thấy mình tụt lại vì mỗi ngày chỉ dậy đi làm và thanh toán hóa đơn. Những điều ấy trước kia từng được coi là phi thường, nay bỗng hóa tiêu chuẩn tối thiểu.

Ngay cả trong đời sống riêng, áp lực vẫn len lỏi. Ta phải là những người yêu lý tưởng, cha mẹ dịu dàng, giỏi chăm sóc bản thân và công dân đầy chánh niệm - tốt nhất là xong hết trước 9 giờ sáng. Người ta truyền nhau một quan niệm hiện đại, rằng: bạn đang lãng phí tiềm năng nếu không tối ưu từng giây phút của cuộc đời mình.

Nhưng nếu tiềm năng không phải là một chiếc thang để leo, mà là một không gian để ta an trú thì sao?

Phẩm giá ẩn sau lựa chọn một đời an yên

Hãy đổi cách ta kể câu chuyện. Sẽ ra sao nếu một cuộc sống “tầm trung” lại chính là một công việc đủ nuôi sống bản thân, những mối quan hệ đầy yêu thương, và một mái nhà rộn tiếng cười xen lẫn tiếng bát đũa? Không phải thứ để ta trốn chạy khi nhắc đến, mà là điều đáng để gìn giữ và trân trọng đúng không?

Thật tuyệt khi bạn xuất hiện trên mạng xã hội với những khoảnh khắc như vậy, dù cho chẳng có lời tán dương nào. Chúng ta vẫn luôn cần một người bạn chân thành, một người lạ biết cảm thông, và một đồng nghiệp đáng tin cậy. Những vai trò ấy hiếm khi xuất hiện trên mạng xã hội, nhưng chúng là sợi chỉ âm thầm dệt nên kết cấu bền chặt của xã hội -  điều mà danh vọng và tiền bạc đôi khi không thể làm được.

Hãy nghĩ về những giáo viên, lao công, y tá, tài xế, đầu bếp, điều dưỡng - những con người mà công việc thầm lặng của họ vẫn đang giữ cho thế giới vận hành. Họ có thể không bao giờ được gọi tên rộng rãi, nhưng công sức của họ chạm đến cuộc sống của biết bao người. Những tên gọi nghề nghiệp nghe có vẻ “bình thường”, nhưng những gì họ làm được thì không hề nhỏ bé.

Bình thường không có nghĩa là tầm thường. Đó là sự biết đủ với những gì bạn có, thay vì liên tục đem so với những cuộc đời khác. Đó là việc bạn hiểu rằng mình không thất bại chỉ vì không xuất chúng - chỉ cần là một con người đã luôn là điều đặc biệt. 

Những đánh đổi phía sau niềm tin phải trở nên xuất chúng

Bị cuốn vào cuộc đua theo đuổi sự vĩ đại thường dẫn ta đến tình trạng kiệt sức, lo âu và cô đơn. Chủ nghĩa cầu toàn gây ra chứng tê liệt cảm xúc, còn việc so sánh khiến ta đánh mất niềm vui. Ai cũng có thể “trên mức trung bình” - rõ ràng về mặt thống kê quan niệm này sai. Ấy vậy mà xã hội vẫn tiếp tục bán giấc mơ ấy, và ta vẫn tiếp tục mua nó, rồi cảm thấy mình chưa bao giờ đủ.

Ở một góc độ khác, việc tôn vinh thành công thái quá cũng hình thành một tâm thức thiếu hoàn thiện: nếu chỉ có một vài người ở đỉnh cao, thì phần còn lại ắt phải là kẻ thua cuộc. Nhưng cuộc sống đâu phải là một bảng xếp hạng, nó là bức tranh khảm đầy những niềm vui nhỏ bé, những khoảnh khắc yên tĩnh, và những kết nối thành thật giữa con người với nhau.

Ta chỉ thực sự sống trong hiện tại khi ngừng đuổi theo những cột mốc tiếp theo. Ta có thể tìm thấy sự đủ đầy, không phải trong việc trở nên khác biệt, mà trong cảm giác được thuộc về gia đình, cộng đồng và chính bản thân mình.

Viết lại định nghĩa “cuộc đời ý nghĩa”

Định hình lại những gì là cốt lõi của cuộc sống đòi hỏi sự can đảm - nhất là trong nền văn hóa đầy rẫy phô trương. Nó đồng nghĩa với việc khước từ lối sống "cày cuốc", chọn thầm lặng thay vì tiếng tăm, chọn sống sâu thay vì sống gấp, chọn sống đúng với hệ giá trị riêng của bản thân thay vì đứng trên những tiếng vỗ tay hào nhoáng.

Một cuộc đời ý nghĩa không được xây nên từ giải thưởng hay thuật toán mà được dệt từ những cuộc trò chuyện chân thật, những thói quen bồi đắp nên chúng ta, những bữa cơm trong gian bếp, những bước đi chậm rãi, những cử chỉ tử tế nhỏ nhoi - và nghỉ ngơi mà không mang theo cảm giác tội lỗi.

Hà Nhi dịch từ Psychology Today

Đọc bài viết

Cafe sáng