Chuyện người cầm bút

Những sự thật tự nhiên: Tinh thần Aldo Leopold

Published

on

Bảy mươi năm sau khi Niên lịch miền gió cát được xuất bản lần đầu, Aldo Leopold – “cha đỡ đầu của tư duy sinh thái học hiện đại” đã nói gì về sự tái tạo và đạo đức đất đai?

Ngày 21 tháng Tư năm 1948, Aldo Leopold qua đời vì một cơn đau tim trong khi đang giúp hàng xóm dập lửa lan trên cỏ đầu mùa không xa nơi “lán trại” nổi tiếng của ông bên ngoài Baraboo, Wisconsin. Lúc đó ông chỉ mới 61 tuổi. Một năm sau, cuốn sách nổi tiếng nhất của ông – Niên lịch miền gió cát được xuất bản. Được xem là tác phẩm kinh điển của thời đại với cách kể chuyện đầy hấp dẫn, cuốn sách đã nói lên một điều mà ngày nay chúng ta vẫn biết đến như là “đạo đức đất đai”.

Niên lịch miền gió cát ra đời thức thời hơn bao giờ hết, và có thể nói rằng công dân nào cũng nên đọc nó, dù cho họ sở hữu, phát triển, trồng trọt, chăn nuôi hay môi giới đất đai, hoặc chỉ vu vơ đi qua cánh đồng và sẵn sàng suy ngẫm về sợi dây liên hệ sâu sắc giữa mình với thiên nhiên. Tạp chí Mountain Journal đã có cuộc trò chuyện với nhà báo, nhà sử học, nhà bảo tồn Curt Meine, thành viên cao cấp của Quỹ Aldo Leopold và Trung tâm Con người và Tự nhiên; để thảo luận về ý tưởng của Leopold và suy ngẫm về ảnh hưởng lâu dài của cuốn sách nhân kỷ niệm 70 năm kể từ ngày xuất bản.

Meine gọi Leopold là người vừa theo chủ nghĩa thực dụng (pragmatist), vừa theo đuổi lý tưởng (idealist). Ông nói rằng trích dẫn ông yêu thích nhất của Leopold xuất phát từ bài tiểu luận “Đạo đức đất đai”: “Trong những điều từng được viết ra, không gì quan trọng bằng đạo đức… Nó phát triển trong tâm trí của một cộng đồng biết tư duy.” 

Khi viết ra các nhận định vào thời điểm những năm 1940, Aldo Leopold không hình dung được cuốn sách của mình sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến mức nào. Thế nhưng, cho đến nay, cuốn sách vẫn được ngày càng nhiều độc giả yêu thích, trở thành nguồn tư liệu quý giá, làm thay đổi phong trào môi trường và đóng vai trò nền tảng trong lĩnh vực chính sách, đạo đức và khoa học bảo tồn hiện đại.

*

Cuộc phỏng vấn của Mountain Journal với Curt Meine

Lần đầu tiên anh quan tâm đến Leopold diễn ra như thế nào?

Maine: Giống như rất nhiều người, lần đầu tiên tôi đọc Aldo Leopold là qua tác phẩm kinh điển Niên lịch miền gió cát. Tôi trưởng thành trong một gia đình yêu thích câu cá và cắm trại, và tôi cho rằng điều đó khiến tôi dễ bị hớp hồn bởi cuốn sách ấy. Tôi từng sống ở Chicago. Một người bạn cấp ba trở về từ Montana vào kỳ nghỉ đã đọc Leopold và tặng cho tôi một cuốn. Ngay sau đó tôi đã chuyển đến Madison, Wisconsin để học cao học tại Đại học Wisconsin – nơi Leopold từng dạy và cũng là nơi lưu trữ luận án nghiên cứu của ông. Điều này dẫn đến điều khác, cuối cùng tôi đã nghiên cứu và viết về Leopold trong luận án của mình. Nó được xuất bản năm 1988 với tựa đề Aldo Leopold: Cuộc đời và thành tựu, và là cuốn tiểu sử đầy đủ đầu tiên viết về Leopold.

Tuy nhiên, đằng sau tất cả những điều đó là cảm giác rằng chuyện đời Leopold đã cho tôi những kiến thức sâu sắc và bài học quan trọng để hiểu được gốc rễ của ngành bảo tồn và khoa học, chính trị và triết học môi trường. Đối với tôi, nó mang lại cơ hội để tạm xa rời những vấn đề khẩn thiết và cấp bách, để hiểu sâu hơn về nền móng và sự phát triển của phong trào bảo tồn cũng như vòng vận động của môi trường.

Mục đích của Quỹ Aldo Leopold là gì?

Maine: Quỹ Aldo Leopold được khởi lập bởi năm người con của Aldo và vợ Estella để tiếp tục cam kết với công cuộc bảo tồn thiên nhiên. Nền tảng của quỹ là tìm cách nâng cao đạo đức đất đai thông qua các chương trình giáo dục, đào tạo, truyền thông và quản lý đất đai. Điều này bao gồm nhiều hoạt động khác nhau, bao gồm công việc phục hồi đất đai địa phương, đào tạo các nhà lãnh đạo bảo tồn tương lai, các chương trình giáo dục với quy mô tiếp cận vượt xa căn cứ của chúng tôi gần Baraboo, Wisconsin.

Gia đình Leopold tại “lán trại” của họ ở Wisconsin. Nhiều ý tưởng cho cuốn Niên lịch miền gió cát và các bản vẽ từ nhiệm kỳ của ông ở Sở Lâm nghiệp Hoa Kỳ đã được mạ kẽm ở đây. Hàng sau, từ trái sang phải: Aldo Leopold, vợ Estella, các con trai: Luna và Starker. Hàng dưới, các con gái: Nina và Estella với chú chó của gia đình, Gus. 

Anh mô tả quá trình tuần tự phát triển trong cách tư duy của Leopold như thế nào, và những gì đúc kết nên tư duy này?

Maine: Cách tiếp cận và hiểu biết về bảo tồn của Leopold đã phát triển liên tục trong suốt cuộc đời ông để đáp ứng những nhu cầu môi trường mới xuất hiện, sự thay đổi hoàn cảnh văn hóa – chính trị, sự phát triển khoa học cơ bản và phản ánh liên tục kinh nghiệm cá nhân của ông trong lĩnh vực này. Về cơ bản, Leopold nhận thấy rằng thành công trong bảo tồn không thể xác định bằng các biện pháp kinh tế đơn giản và ngắn hạn; mà bằng cách tạo ra các mối quan hệ lành mạnh hơn với tự nhiên. Nền móng cho kết luận này là ngành khoa học tân tiến về sinh thái học (mà ông là người đi tiên phong) cùng với những thay đổi mà ông chứng kiến trong các hệ thống kinh tế và xã hội của con người.

Năm 1940, Leopold đã viết rằng “Bảo tồn là sự phát triển chậm chạp và tốn nhiều công sức của một mối quan hệ mới giữa con người và đất đai.” Và đất đai vào thời điểm đó, Leopold cho rằng nó bao gồm đất, nước, động – thực vật và con người. Nghĩa là, bảo tồn không chỉ đơn thuần là cải tiến sản lượng bền vững của nhân tố này hoặc nhân tố kia từ đất. Nó cũng không chỉ liên quan đến việc bảo vệ các thành tố đặc biệt, hiếm hoi, đẹp đẽ hoặc có ý nghĩa kinh tế của lãnh thổ này. Nó liên quan đến cả hai điều trên và nhiều hơn nữa. Phần nhiều hơn nữa này chính là mối quan hệ đạo đức giữa chúng ta với đất đai cũng như công cuộc bảo vệ, thúc đẩy và khôi phục các phẩm chất của đất mà ông xác định là “năng lực tự tái sinh”.

Đây là những kết luận mà ông không ngừng suy ngẫm trong suốt sự nghiệp của mình. Trong quá trình đó, có rất nhiều tình tiết và trải nghiệm đặc biệt hình thành nên thế giới quan của ông – thời niên thiếu ở Iowa, sự giáo dục ở miền đông bắc, những năm tháng đầu sự nghiệp ở Cục Lâm nghiệp Hoa Kỳ, những cuộc du hành đến châu Âu, Canada và miền bắc Mexico, làm việc hàng ngày trong các cảnh quan hỗn độn của Wisconsin và vùng Trung Tây. Một trong những khía cạnh đáng chú ý của Leopold là khả năng điều chỉnh cái nhìn sâu sắc nhất từ hầu như mọi trải nghiệm mà ông có.

Leopold đã đưa ra một số quan sát sắc bén về sự tái tạo. Đúng là ông tin vào hiệu quả tái sinh của việc thông tri với thiên nhiên, nhưng cũng cảnh báo việc thương mại hóa, tiền tệ hóa và lạm dụng nó. Anh nghĩ gì về những mối quan tâm này?

Maine: Leopold hiểu và đánh giá sự cải tạo đất đai là một trong những cách chính mà người Mỹ hiện đại tương tác với đất đai và thế giới tự nhiên, thông qua đó chúng ta có thể phát triển đạo đức đất đại một cách cá nhân. Và vì vậy, ông đã dành thời gian đáng kể trong suốt sự nghiệp của mình để cung cấp cơ hội cải tạo thông qua bảo tồn động vật hoang dã, bảo vệ thiên nhiên hoang dã, phục hồi đất đai và các phương thức khác. Nhưng ông cũng hiểu rằng cải tạo có thể trở thành một biểu hiện tiêu dùng hiện đại khác – là việc lấy mọi thứ từ đất mà không quan tâm đến vẻ đẹp, sự đa dạng hay sức sống của nó.

Nói cách khác, mối liên kết giữa cải tạo và bảo tồn hầu như không được đảm bảo. Leopold từng viết rằng “Thêm nhiều sự cải tạo không phải là việc xây thêm những con đường lên mảnh đất đáng mến của ta, mà là xây sự tiếp thu vào tâm trí con người (vẫn còn chưa được đáng mến lắm).” Ông lo ngại về sự mất kết nối ngày càng tăng do sự phát triển của công nghệ và khả năng hạn hẹp của ta để nhìn nhận thứ mà ông gọi là “bí ẩn cuối cùng, những hoạt động nội tại trong lòng đất.” Leopold quan tâm trước nhất đến việc “đọc thấu đất”. Ông cố gắng tìm hiểu từng chức năng một. Ông tìm cách nhìn thấu đất trong từng chi tiết tinh tế cũng như trong một tổng thể thay đổi, để hiểu vị trí con người trong đó. Cải tạo có thể và nên là một trong những cách chính để khuyến khích những điều này trong chính chúng ta. Nhưng cải tạo hiện đại chỉ tách chúng ta ra, làm chúng ta mù quáng.

Tại sao Niên lịch miền gió cát vẫn còn sức sống cho đến ngày nay?

Maine: Điều đầu tiên và quan trọng nhất, Leopold là một người kể chuyện hay. Mặc dù một số tài liệu tham khảo của ông có thể lỗi thời, ông vẫn lôi cuốn độc giả với câu chuyện gần gũi về chim dẽ gà nhảy múa trên bầu trời hoặc những vòng tuổi của cây sồi già hay tiếng gọi của những con sếu. Qua quan sát của ông, chúng trở thành chứng nhân cho những thước phim mà ông thấy được. Tôi đã định nói rằng văn xuôi của ông không hề bị tác động bởi thời gian, nhưng có lẽ nó hoàn toàn ngược lại. Leopold đã thấm đẫm câu chuyện của mình với trải nghiệm cá nhân và vào trong lịch sử. Có một cảm nhận sâu sắc về thời gian xếp lớp trong những dòng chữ, và có lẽ trong thời đại thay đổi chóng mặt hiện nay, ta thấy mình được định hướng tốt hơn thông qua những con chữ của ông. Leopold cũng đặt ra những câu hỏi lớn lao mà chúng ta vẫn tự hỏi về mối quan hệ đúng đắn của mình với tự nhiên, với sự hoang dã và tự do; ngay cả khi bản thân chúng ta vẫn thường vật lộn tìm ra định nghĩa về những phẩm chất này. Và cuối cùng, tồn tại một vẻ đẹp thuần khiết trong văn xuôi của ông. Trong những đoạn văn mạnh mẽ nhất của mình, ông chạm đến chúng ta theo cách mà âm nhạc và thi ca vốn vẫn làm được.

Chúng ta đang sống trong thời đại thay đổi chóng mặt về mặt xã hội và sinh thái. Aldo Leopold nói gì với chúng ta về thời đại này?

Maine: Thẳng thắn mà nói, những ý tưởng, sách vở hay số liệu cốt lõi từ quá khứ mà chúng ta vẫn kiếm tìm để được truyền cảm hứng dường như ngày càng ít hữu ích hơn. Chúng ta đang sống trong một thời kỳ chưa từng có tiền lệ, một thời kỳ của những đổi thay bi thảm và hợp lực. Các điểm tham chiếu lịch sử rất xa vời (trong trường hợp khả quan nhất) và đáng nghi (trong trường hợp tồi tệ nhất). Nhưng lịch sử không hoạt động bằng cách cung cấp sự đảm bảo hoặc xác nhận đơn giản. Đối với tôi, lịch sử luôn là điều thiết yếu trong việc truy tìm quỹ đạo của sự thay đổi và làm tham chiếu nhìn nhận thách thức hiện đại. Leopold đã không, và không thể, dự đoán đầy đủ các giải pháp mang tính hệ thống mà chúng ta phải đưa ra để giải quyết các vấn đề xã hội và sinh thái có liên quan sâu sắc với nhau. Nhưng tôi nhận ra những ví dụ và hiểu biết sâu sắc của ông rất hữu ích trong việc xác định những căn cứ. Ông hiểu rằng, về mặt nền tảng, tất cả đều quy về giá trị con người.

Dạo gần đây, dường như tôi luôn đồng tình với một vài tuyên bố mà Leopold đã đưa ra. Trong một bản thảo chưa xuất bản, ông viết: “Có hai điều khiến tôi quan tâm: mối quan hệ giữa người với người, và mối quan hệ giữa con người với đất đai.” Để kết nối những địa hạt đó, Leopold giúp đặt nền móng cho hệ tư duy chặt chẽ mà chúng ta phải đạt được nếu muốn giải quyết hiệu quả các vấn đề biến đổi khí hậu, mất mát đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn nước, hệ thống nông nghiệp – thực phẩm, công bằng kinh tế và môi trường.

Trong thực tế, bảo tồn cuối cùng cũng đã coi trọng mối quan hệ cổ xưa đã được chứng minh giữa con người và đất đai. Chúng ta thấy điều này trong sự đánh giá ngày càng cao thế giới quan của người bản địa và kiến ​​thức sinh thái truyền thống trong bảo tồn và hơn thế nữa. Đặt chúng cùng nhau thì tất cả đều dẫn về việc điều chỉnh giá trị mối quan hệ giữa người và người, và giữa con người với đất đai. Chúng ta sống trong thời đại tồn tại những đổi thay và những nhu cầu sâu rộng. Tất cả chúng ta đều được giao nhiệm vụ mở rộng và củng cố nền tảng đạo đức của mình để đáp lại. Leopold là một trong số nhiều người đã đóng góp cho công việc đó. Trong tương lai, chúng ta sẽ cần mọi nguồn trí tuệ hữu ích mà chúng ta có thể tập hợp lại được.

Hết.

Ngô Thuận Phát lược dịch.

Bản gốc được thực hiện bởi Todd Wilkinson, đăng tại Mountain Journal.


Đọc tất cả bài viết của Ngô Thuật Phát.


Chuyện người cầm bút

Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi: Biến mất cũng có thể là một điều rất đẹp

Published

on

By

Nhà văn Nguyễn Hoàng Mai vừa ra mắt bạn đọc tập truyện ngắn Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi về chủ đề tình yêu và những nỗi trăn trở của người trẻ. Tác phẩm tạo nên sức hút riêng với lối văn trầm tĩnh, sâu lắng. Bookish đã có cuộc trò chuyện cùng nhà văn để giúp bạn đọc hiểu hơn về tác phẩm này.

Nguyễn Hoàng Mai là tác giả của hai tác phẩm đầy cảm xúc về tuổi trẻ: Đung đưa trên những đám mây (tiểu thuyết, 2018), Bây giờ mình đi đâu (tập truyện ngắn, 2019). Bên cạnh đó, cô còn là đồng dịch giả của tác phẩm nghiên cứu Sứ đoàn Iwakura viết về chuyến du khảo nhằm canh tân Nhật Bản thời Minh Trị, vừa được Phương Nam Book phát hành trong năm 2023.

Năm 2023 vừa qua có vẻ là một năm bội thu trong lĩnh vực văn chương với Mai. Bạn vừa ra mắt tác phẩm đồng dịch thuật là Sứ đoàn Iwakura vào tháng 7 thì đến cuối năm lại ra mắt tập truyện ngắn Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi vào ngày có số đôi đặc biệt là 12.12. Được biết, công việc của Mai ở Nhật cũng rất bận rộn; vậy bạn thu xếp thời gian ra sao để vẫn có thể vừa làm việc vừa sáng tác với năng lượng dồi dào như thế?

Thật ra hai tác phẩm được ra mắt vào năm nay Sứ đoàn Iwakura và tập truyện ngắn Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi đều là quả muộn của quá trình viết lách từ rất nhiều năm về trước. Việc tác phẩm ra mắt vào ngày có số đôi 12.12 tuy ngẫu nhiên nhưng trở thành điểm trùng hợp khá thú vị. Trong thời gian tôi viết Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi có những cột mốc đều gắn với con gắn liền với con số 12. Sau này tìm hiểu thì tôi mới biết khái niệm về “con số thiên thần” (Angel Number) 1212 nhằm mục đích dẫn lối đến sự mạnh mẽ dấn thân, tiến tới sự trưởng thành trong tâm thức, để sau này khi đối mặt với những sóng gió kinh khủng nhất cũng không thể làm bản thân gục ngã.

Công việc và cuộc sống ở Nhật cũng khá nhanh và bận rộn nhưng tôi luôn tìm kiếm một khoảng trời riêng, để tự do viết nên thế giới qua những trải nghiệm của chính mình. Thực ra quá trình viết cũng là quá trình tôi tự đối mặt với cảm xúc của mình, tìm ra con đường hướng tới sự an lành, bình yên trong tâm trí.

Nhân vật Mimi đã biến mất trong tiểu thuyết Đung đưa trên những đám mây, và trong tập truyện ngắn Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi vừa ra mắt của bạn cũng có rất nhiều nhân vật biến mất. Tại sao Mai không cho họ hiện hữu lâu hơn?

Thời gian viết tập truyện, tôi đã gặp một cô gái – có thể gọi là nàng thơ cũng được – người lúc nào cũng nói về sự biến mất của chính mình. Điều đó làm tôi suy nghĩ, ngẫu nhiên cũng đã chạm vào những điều trong tâm tư của chính tôi. Một người lúc nào cũng suy nghĩ sự biến mất có lẽ luôn luôn chiêm nghiệm về sự tồn tại của mình. Có lẽ họ là những người mà đã nếm trải quá nhiều về sự vô thường trong kiếp người, và cảm giác mất mát lần lượt những thứ quan trọng trong đời.

Nhân vật người mẫu Mộc Anh mang nhiều mâu thuẫn, vừa dự cảm được vừa rất sợ sự biến mất. Nhân vật tôi đã cho cô ấy thấy biến mất cũng có thể rất đẹp, không cần phải quá sợ hãi, vì cô ấy luôn có người một người hiểu mình ở bên cạnh. Biến mất cũng có thể hiểu về cách hình dung đến cái chết. Hành trình sống của mỗi người là hành trình đi về cái chết. Nghe có vẻ bi quan nhưng có lẽ, ai cũng phải đối mặt với cái chết – sự thật này – dù sớm hay muộn. Suy nghĩ về thời gian sống còn lại, giúp người ta có thể sống một cách đam mê, dũng cảm, chân thành hơn.

Vì biết chắc một ngày nào đó, mình sẽ biến mất nên có thể sống một cách rực rỡ. Mộc Anh là một nhân vật luôn phải đấu tranh giữa những cám dỗ cuộc sống phồn hoa, nhưng một ngày cô ấy đã thức tỉnh tìm đến Tokyo – vùng đất mà cô tin mình có thể được chữa lành. Thời khắc những cánh hoa anh đào rơi trở thành điều kỳ diệu, một khoảnh khắc cũng có thể trở nên vĩnh hằng trong tâm trí những người trẻ mơ mộng ấy.

Những truyện ngắn trong Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi lấy bối cảnh trải dài khắp các tỉnh thành ở nước Nhật. Bạn đã thực sự đi qua hết những địa điểm đề cập trong sách hay có nơi nào bạn chưa kịp đến và chỉ viết dựa trên sự hứng thú, nghiên cứu về nơi đó không? Trong các địa danh được đề cập trong sách, đâu là những nơi để lại cho Mai nhiều ấn tượng và kỉ niệm sâu sắc nhất?

Nhật Bản là quốc đảo có hình thể trải dài từ Bắc xuống Nam, gần giống như dáng hình của đất nước Việt Nam mình. Mỗi tỉnh thành của xứ sở này lại có những đặc sản riêng, màu sắc thiên nhiên, văn hóa lễ hội riêng biệt. Mỗi tỉnh thành như một nét vẽ, mảng màu kỳ diệu, hài hòa trong bức tranh tổng thể. Khi viết Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi, tôi đã có một chút tham vọng, muốn độc giả chỉ qua những trang sách, những con chữ, vẫn có thể cảm nhận bằng giác quan, hình dung nên những câu chuyện, cảnh sắc, trải nghiệm về những nơi chốn tôi từng đặt chân đến.

Trong những tỉnh thành đó, để lại ấn tượng sâu đậm nhất có lẽ là Tokyo và Kyoto, hai thành phố có vẻ đối lập như những tấm gương phản chiếu cho nhau về lịch sử, văn hóa, phong cảnh, tính cách con người. Nơi chứa đựng nhiều kỷ niệm mang màu sắc cá nhân nhất là Tokyo sôi động, nhiệt huyết, nơi tôi đã trải qua hơn 7 năm tuổi trẻ của chính mình. Nơi lưu giữ một phần trái tim, tâm hồn tôi lại là Kyoto trầm mặc, có khả năng thấm sâu vào lòng người như hơi rượu sake ngày mưa, như những trang sách tuyệt đẹp trong tiểu thuyết Cố Đô của Kawabata Yasunari.

Ở tập truyện ngắn lần này, Mai thể hiện sự trưởng thành khá rõ trong lối viết ở cách chọn bối cảnh và những nghiên cứu kĩ lưỡng về nghề nghiệp của nhân vật được thể hiện qua các chi tiết trong truyện. Bên cạnh đó, Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi còn có sự đa dạng về sắc thái tình yêu và những xu hướng tính dục khác nhau, không chỉ đơn thuần là tình yêu giữa hai người khác giới như nhiều tác phẩm khác trên thị trường hiện nay. Tại sao bạn lại có sự lựa chọn này?

Thông qua chủ đề khá nhạy cảm của giới trẻ là tình dục và giới tính, tôi đã muốn khắc họa sâu hơn gương mặt muôn vẻ của Tình yêu và Thanh Xuân Tuổi trẻ những ngọt ngào, mới mẻ, mơ mộng, đầy khát khao khám phá thế giới.

Về tình yêu, tôi đã luôn hiểu đó là khái niệm diệu kỳ bắt nguồn từ bên trong vẫn luôn ở đấy, nguồn sống bao trùm, tràn ngập thế giới này. Tình yêu luôn thuần khiết, mang năng lượng chữa lành vượt qua những ranh giới như: giới tính, vật chất, tuổi tác, khoảng cách địa lý v.v... Tôi đã nghĩ như vậy, muốn đem thông điệp đó vào tác phẩm của mình. Chúng ta luôn có vô vàn tình yêu trong trái tim mình. Chúng ta có bản năng yêu thương, có thể cho đi tình yêu vô điều kiện miễn là trước tiên chúng ta biết chấp nhận và yêu thương bản thân vô điều kiện. Sau khi trải qua những tháng năm tuổi trẻ ở cả Việt Nam và xứ sở Mặt Trời Mọc, tôi đã suy nghĩ, chiêm nghiệm như vậy.

Sau tập truyện ngắn Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi, trong năm 2024, Mai có ấp ủ những dự định sáng tác mới nào không?

Giai đoạn này, tôi vẫn đang dành thời gian lắng đọng, trau chuốt lại bản thảo tiểu thuyết viết từ năm 21 tuổi. Cùng với đó là dự án kết hợp cùng một ca sĩ nhạc sĩ Gen Z viết cuốn sách về âm nhạc đường phố với bối cảnh là những khu ổ chuột Sài Gòn, một câu chuyện rất thật, khắc họa những nhân vật trẻ, cá tính, nhiều vấp ngã nhưng luôn biết cách đứng lên đầy mạnh mẽ. Với tập truyện này tôi muốn thể nghiệm một chút thay đổi trong phong cách viết, gai góc, hài hước, gần gũi hơn nhưng nếu có thể chạm sâu vào trái tim những người trẻ, gieo trong họ một câu chuyện truyền cảm hứng về sự nỗ lực không ngừng nghỉ, rằng đừng bao giờ ngừng tin tưởng vào bản thân, đừng bao giờ dập tắt ngọn lửa đam mê khi còn trẻ.

Tận sâu trong tôi vẫn còn nhiều nguồn cảm hứng sáng tác, muốn viết thêm về Tokyo, kể những câu chuyện theo những cách khác nhau, nhưng có lẽ theo một tâm thế tỉnh thức hơn.

Cảm ơn Mai đã dành thời gian trò chuyện với Bookish, chúc bạn có một hành trình thật rực rỡ trong năm mới.

Đọc bài viết

Chuyện người cầm bút

Hạ Nhiên: Dịch “Trái tim thông tuệ” đã truyền cho tôi nhiều cảm hứng sống

Published

on

Trái tim thông tuệ (do Phương Nam Book phát hành) của tác giả Jack Kornfield là một tác phẩm đặc sắc khi ứng dụng tâm lý học Phật giáo để hướng dẫn người đọc cách tự chữa lành. Được nhiều bạn đọc đón nhận, tác phẩm đã tái bản lần thứ nhất vào năm 2023.

Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về Trái tim thông tuệ, Bookish đã có cuộc phỏng vấn với dịch giả Hạ Nhiên về quá trình chuyển ngữ tác phẩm này.

Trái tim thông tuệ là góc nhìn của Jack Kornfiled – một tác giả phương Tây nổi tiếng – về tâm lý học Phật giáo của phương Đông. Có quan điểm nào của tác giả khiến bạn thấy thú vị vì đó là góc nhìn của người phương Tây về phương Đông không?

Thực ra, cuốn sách là sự kết hợp góc nhìn của cả Đông lẫn Tây. Jack Kornfield là tiến sĩ chuyên ngành tâm lý học và phương pháp trị liệu phương Tây. Đồng thời, nhiều năm tu tập ở các tu viện châu Á đã giúp ông thấm nhuần những giáo lý Phật giáo căn bản và thu về những trải nghiệm tâm linh quý giá. Ông cố gắng giải thích những kinh điển nhà Phật cho người dân phương Tây bằng cách thức gần gũi, dễ hiểu; dùng những quan điểm và thực hành Phật giáo này để khắc phục hạn chế của tâm lý học lâm sàng vốn tập trung vào bệnh lý và chữa trị bằng thuốc men, giúp chúng ta nhìn xuyên qua lớp vỏ tối tăm bên ngoài của những triệu chứng và tìm về bản chất thiêng liêng, cao đẹp của mình, bằng cách nâng cao hiểu biết, thực hành và rèn luyện nội tâm. Sự kết hợp ấy không chỉ giải quyết nhu cầu giúp người gặp khó khăn tâm lý trở lại bình thường, mà còn hơn cả thế, giúp họ thấu hiểu và nuôi dưỡng tiềm năng phát triển cao nhất của mình và góp phần thay đổi cuộc sống xung quanh.

Hạ Nhiên

Phân đoạn nào khiến bạn tâm đắc nhất khi dịch Trái tim thông tuệ? Bạn có thể chia sẻ lí do tại sao bạn thích phân đoạn đó không?

Có một câu trong sách mình rất thích và từng in ra dán ở bàn làm việc một thời gian dài. Đó là câu Ta thấy ngươi, Mara (nguyên văn: I see you, Mara). Ở đầu chương 14, tác giả kể lại quá trình học cách thấu hiểu, làm lành với nỗi sợ hãi và cơn giận của mình, những nỗi đau đã tích tụ trong ông suốt thời thơ ấu sống với người cha bạo hành. Từ trải nghiệm cá nhân sâu sắc ấy, ông viết:

“Tôi khám phá ra rằng tất cả chúng ta đều có bên trong mình một ngài thẩm phán và bồi thẩm đoàn nội tâm, Bức Màn Sắt và cảnh sát. Bên trong chúng ta cũng có Taliban và những chốn lưu vong. Đôi khi tôi cảm thấy mình như Đức Phật ngồi dưới gốc cây bồ đề, khi Ngài đối mặt với ma quỷ bên trong chính mình trong hình dạng của Mara.”

Tiếp đó, Jack Kornfield kể lại tích Đức Phật chiến thắng Mara trước khi thành đạo. Để ngăn cản Đức Phật thực hiện mục tiêu này, Mara đã lần lượt mang đến các thử thách cho Ngài, từ những người phụ nữ xinh đẹp nhất đến đội quân ma quỷ hung tợn. Mỗi lần như thế, Đức Phật chỉ ngồi im bất động, an trú trong tình yêu thương và lòng từ bi sâu sắc. Ngài nói “Ta thấy ngươi, Mara”, và mọi gươm đao biến thành cánh hoa rơi rụng dưới chân Ngài.

“Cuối cùng, Mara tấn công Đức Phật bằng sự nghi ngờ: ‘Ngươi nghĩ ngươi là ai? Ngươi có quyền gì để ngồi đây và tìm về giác ngộ?’. Lúc này, Đức Phật đặt một tay lên mặt đất và nói, ‘Đất là chứng nhân của ta’. Và với cử chỉ này của Ngài, nữ thần đất đã xuất hiện và làm chứng cho sự kiên nhẫn, cống hiến, tính trung thực, lòng từ bi, sự rộng lượng và trí huệ mà Đức Phật đã chuẩn bị nhiều đời kiếp để giác ngộ vào đêm nay. Từ mái tóc của nàng tuôn ra cơn lũ lụt cuốn trôi đi quân đội của Mara.”

Khi dịch nội dung này mình đã rất xúc động, đồng cảm và được truyền cảm hứng. Mình nhìn thấy bản thân trong đó, từng yếu ớt, bối rối trong sợ hãi và buồn giận, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn một năng lực vô cùng mạnh mẽ – quyền tự do lựa chọn để vượt lên ngoại cảnh và đạt được bình yên trong tâm hồn.   

Hạ Nhiên

Trong quá trình dịch tác phẩm Trái tim thông tuệ, bạn có gặp phải khó khăn nào khi chuyển ngữ không? Bạn đã vượt qua bằng cách nào?

Vào thời điểm đó, Trái tim thông tuệ là cuốn sách nặng ký với mình, vì sách dày và đề tài tâm linh xa lạ đối với một người trẻ. Do đó, mình đã gặp không ít khó khăn trong việc tra cứu, diễn đạt và theo dõi xuyên suốt cả tác phẩm để đảm bảo tính thống nhất. Mình đã làm việc tập trung, nhiều giờ liền mỗi ngày. May mắn sao, nội dung sách lôi cuốn khiến mình quên đi mệt mỏi. Một điều đặc biệt nữa là mình đã thực hành rất nhiều bài tập trong sách. Việc này giúp mình hiểu sâu hơn tinh thần, thông điệp mà tác giả gửi gắm, cũng như tự kiểm chứng hiệu quả của các bài thực hành. Nó thật sự có hiệu quả đối với mình.

Mỗi người sẽ có một định nghĩa khác nhau về “trái tim thông tuệ”. Định nghĩa về “trái tim thông tuệ” của bạn là như thế nào? Định nghĩa đó có thay đổi gì so với trước và sau khi bạn dịch xong Trái tim thông tuệ không?

Trước khi dịch Trái tim thông tuệ, dù chưa có một khái niệm cụ thể nào, mình vẫn luôn cảm nhận được tiếng nói của trái tim. Trái tim là người bạn tốt, cổ động viên nhiệt thành và người tư vấn thông thái cho mình khi cần. Cuốn sách đã giúp mình củng cố cảm nhận này và đúc kết được rằng, trái tim thông tuệ là một trái tim hiền hòa, sáng tỏ về bản thân, cuộc sống và tràn đầy yêu thương. Mang trong mình một trái tim thông tuệ không có nghĩa là bạn yếu đuối, mà ngược lại, vô cùng mạnh mẽ, cởi mở và tự do. 

Khi biết tin Trái tim thông tuệ được tái bản, bạn có những suy nghĩ và cảm xúc như thế nào?

Mình rất hạnh phúc, biết ơn bạn đọc đã yêu quý tác phẩm. Đồng thời, mình cũng cảm ơn đội ngũ Phương Nam đã nỗ lực để cuốn sách tiếp tục được lưu hành. Trái tim thông tuệ đã giúp ích cho mình rất nhiều, và mình mong rằng nó cũng sẽ mang lại lợi lạc cho những ai đang cần đến.  

Thời gian tới, Hạ Nhiên có dự định tiếp tục dịch sách không? Bạn có thể chia sẻ những dự định sắp tới của mình trên con đường dịch thuật không?

Dịch thuật là một công việc ý nghĩa, đòi hỏi cả tâm lẫn tầm. Mình muốn dành thời gian để đọc và trau dồi nhiều hơn, để có thể mang lại những bản dịch giá trị cho mọi người trong tương lai.

Cảm ơn Hạ Nhiên vì đã dành thời gian cho một cuộc chia sẻ sâu với Bookish. Chúc bạn luôn có thật nhiều sức khỏe, thành công, hạnh phúc trên con đường tương lai.

Đọc bài viết

Chuyện người cầm bút

Nguyễn Hoàng Mai: “Sứ đoàn Iwakura” là duyên lành của tôi với Phương Nam Book

Khi dịch sách, tôi đã học hỏi được nhiều về sự dẫn dắt, sắp xếp bố cục logic của Ian Nish – một chuyên gia, nhà nghiên cứu lịch sử người Anh – người đã dành phần lớn cuộc đời mình để cống hiến cho việc nghiên cứu lịch sử quan hệ ngoại giao của Nhật Bản.

Published

on

By

Sứ đoàn Iwakura là tác phẩm nghiên cứu về chuyến du khảo nhằm canh tân Nhật Bản thời Minh Trị dưới góc nhìn của người phương Tây. Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về Sứ đoàn Iwakura, Bookish đã có cuộc phỏng vấn với nhà văn Nguyễn Hoàng Mai – đồng dịch giả của quyển sách.  

Nguyễn Hoàng Mai là tác giả của hai tác phẩm đầy cảm xúc về tuổi trẻ: Đung đưa trên những đám mây (tiểu thuyết, 2018), Bây giờ mình đi đâu (tập truyện ngắn, 2019). Hiện nay, cô đang sinh sống và làm việc tại Tokyo. Tuy đã xa Việt Nam nhiều năm, Hoàng Mai vẫn đọc và thường xuyên theo dõi tình hình văn chương nước nhà. Sứ đoàn Iwakura là tác phẩm dịch thuật đầu tiên của Nguyễn Hoàng Mai được Phương Nam Book xuất bản.

Những tác phẩm văn học của Nguyễn Hoàng Mai thường có chủ đề tập trung vào nỗi cô đơn, tình yêu, suy tư về cuộc đời của người trẻ; vậy nguyên nhân nào khiến bạn quyết định dịch tác phẩm Sứ đoàn Iwakura do học giả Ian Nish biên soạn – đặc biệt là khi tác phẩm sử học này lại có sự khác biệt khá xa với chủ đề bạn thường sáng tác trong văn học?

Năm 2018, tôi vẫn là nghiên cứu sinh thuộc trường Đại học Soka (Soka University, Tokyo, Nhật Bản) khi đó vừa hoàn thành xong tập truyện mới, đang trong giai đoạn “giải lao”. Thời điểm ấy, tôi đã may mắn được một biên tập viên của Phương Nam Book mời tham gia dịch thử những cuốn sách sẽ ra mắt trong đợt kỷ niệm Minh Trị Duy Tân 150 năm.

Trong những cuốn sách tôi được giới thiệu, có tác phẩm Sứ đoàn Iwakura do học giả Ian Nish biên soạn. Thật trùng hợp, tôi cũng đang nghiên cứu về văn học thời kỳ Minh Trị, có tìm hiểu về Sứ đoàn Iwakura. Về chuyến đi lịch sử này, vốn được xem như dấu mốc quan trọng trong công cuộc Duy Tân Minh Trị, thường được ví như chuyến du hành của Columbus hay “Tây du ký” thời hiện đại để tìm hiểu, quan sát thế giới mới. Những nhà tri thức tiêu biểu thời Minh Trị đã vượt biển ra đi với sứ mệnh vẽ nên Nhật Bản, cùng vận mệnh Châu Á tương lai. Sau khi tìm hiểu, tham khảo ý kiến từ các giáo sư ở trường đang học, tôi càng chắc hơn về những giá trị đặc biệt cuốn sách sẽ mang lại cho độc giả Việt Nam.

Là một người viết trẻ, tôi vẫn đi trên con đường sáng tác tiểu thuyết, truyện ngắn hư cấu riêng. Nhưng thời điểm ấy, với những lý do như vậy, tôi đã cố gắng để không bỏ lỡ “duyên lành” được góp phần chuyển ngữ cuốn sách đặc biệt như thế.

Hoàng Mai dịch Sứ đoàn Iwakura từ tiếng Anh hay tiếng Nhật? Mai có thể chia sẻ một chút về quá trình dịch và hoàn thành cuốn sách để độc giả hiểu hơn được không?

Sứ đoàn Iwakura dịch từ nguyên tác tiếng Anh The Iwakura Mission in America & Europe: A New Assessment của học giả người Anh Ian Nish, với đóng góp của các học giả khác. Tôi cùng Nguyên Tâm chuyển ngữ từ tiếng Anh, đồng thời tham khảo các nguồn tài liệu từ tiếng Nhật. Trong quá trình dịch, đôi lúc tôi gặp khó khăn, thiếu tự tin, bởi những từ ngữ mang tính học thuật, khi đó tôi đã cố gắng đối chiếu giữa cả bản tiếng Anh lẫn tiếng Nhật, tham khảo thêm lời giải đáp từ những giáo sư trong trường, cũng như tham khảo thêm tài liệu từ những nguồn khác để tìm được cách dịch phù hợp. Tôi và đồng dịch giả đã trao đổi, thống nhất những thuật ngữ, để bảo đảm nội dung cuốn sách được mạch lạc.

Vì dịch covid, việc ra mắt sách chậm đến 3 năm nhưng cũng vừa hay đúng vào dịp Nhật Bản –  Việt Nam kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao và 150 năm chuyến đi của Sứ đoàn Iwakura. Trộm nghĩ, cũng giống như cái duyên, cái kết đẹp cho quá trình cố gắng nỗ lực của nhiều người tâm huyết với lịch sử thời Minh Trị vậy. Qua đây tôi cũng cảm ơn các biên tập viên giàu kinh nghiệm của Phương Nam Book, đặc biệt là anh Huỳnh Duy Lộc, đã góp phần đưa cuốn sách đến tay bạn đọc một cách chỉn chu nhất.

Sau khi dịch Sứ đoàn Iwakura, với những hiểu biết cặn kẽ hơn về thời Minh Trị, Mai có hứng thú sáng tác thể loại văn học dã sử nói chung, cũng như về thời Minh Trị nói riêng không?

Tôi thích lịch sử Nhật Bản cũng như lịch sử Việt Nam, thế giới nói chung. Nghiên cứu về lịch sử là tìm về những bài học, những giá trị phục vụ cho hiện tại, vẽ nên tương lai.

Lịch sử nước Nhật nói chung và lịch sử thời Minh Trị nói riêng còn nhiều điều để lật lại, để khai thác. Lịch sử Việt Nam cũng có những câu chuyện rất hay. Từ nhỏ, tôi đã thích những câu chuyện dã sử có đan xen những yếu tố huyền ảo, không chỉ về tình yêu mà còn mang lại ý nghĩa thời đại sâu sắc. Sau khi dịch cuốn Sứ đoàn Iwakura, tôi vẫn suy nghĩ, tìm hiểu về đề tài ấy.

Sứ đoàn Iwakura là tác phẩm đầu tiên mà Mai thực hiện công việc chuyển ngữ sau một thời gian dài sáng tác văn học. Từ việc dịch, bạn có suy tư gì về việc viết trong quá trình làm việc với tác phẩm này không? 

Tôi nghĩ, sáng tác văn học là một công việc cô đơn, cần sự đào sâu vào bản ngã, thế giới của chính mình, còn làm một dịch giả thì không thể thỏa mãn bản ngã của người dịch mà cần sự chuẩn xác, tính cẩn trọng cao. Tuy nhiên, viết văn, dịch sách lại gặp nhau ở điểm chung: cần sự uyển chuyển trong câu từ tiếng Việt. Để có được điều này, dịch giả phải không ngừng học hỏi, bổ sung vốn từ vựng, trong quá trình chuyển ngữ phải lựa chọn được những từ ngữ sao cho phù hợp nhất.

Khi dịch sách, tôi đã học hỏi được nhiều về sự dẫn dắt, sắp xếp bố cục logic của Ian Nish – một chuyên gia, nhà nghiên cứu lịch sử người Anh – người đã dành phần lớn cuộc đời mình để cống hiến cho việc nghiên cứu lịch sử quan hệ ngoại giao của Nhật Bản.

Thời gian tới, Mai có dự định tiếp tục dịch sách không? Mai có thể chia sẻ những dự định sắp tới của mình trên con đường viết lách?

Sau khi thử sức với đề tài nghiên cứu lịch sử, thì tiếp theo tôi mong muốn được dịch những cuốn sách thể loại sở trường của mình là: tiểu thuyết, truyện ngắn, mong được giới thiệu những tác phẩm đoạt giải thưởng uy tín của văn học Nhật như giải Akutagawa, Naoki… đến với độc giả.

Tôi cũng đang trong quá trình tự trau dồi vốn ngoại ngữ, tiếp thu nhiều nguồn tác phẩm, tư liệu văn học nước ngoài để có thể viết những cuốn sách hay nhất trong khả năng mình. Hiện tại tôi đang viết một cuốn sách với chủ đề âm nhạc đường phố cùng với một người bạn thuộc thế hệ Gen Z cũng là ca sĩ nhạc sĩ, và một cuốn sách về chữa lành tâm trí. Hy vọng những dự án này sẽ hoàn thành tốt đẹp, có duyên được ra mắt bạn đọc trong thời gian tới.

Cảm ơn Mai đã dành thời gian trò chuyện với Bookish, chúc bạn sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai.

Đọc bài viết

Cafe sáng