Phía sau trang sách

Như núi như mây: Nỗi đau đồng sàng dị mộng

“Sống trong cảnh đồng sàng dị mộng thật khổ tâm vô cùng, không chỉ cho mình mà còn cho người phải ở với mình nữa”.

Published

on

Thoáng qua

Những cơn gió cứ liên tục thổi bay mây, nhưng dẫu mây có bay đi ngàn năm rồi thì cũng về lại với núi.” – đó là câu nói mở đầu cho chuyện dài tưởng như bất tận của Như núi như mây. Khởi đầu bằng tình cảm thiếu thời của hai cô cậu học trò đương lúc Saigon vươn mình yên ả để rồi sau đó là những biến động năm 75, tiếp tục là sức ảnh hưởng to lớn của bóng ma tư tưởng ngộp thở,… tất cả khiến họ trở thành những đường mải miết không hề giao cắt. Bẵng một thời gian, số kiếp băng qua ngã rẽ của từng người một, đâm vào nghi hoặc, cuối cùng cũng gặp nhau, hàn gắn và rồi mất mát,… tất cả xoay vòng như một thân thế phù du trôi nổi giữa kiếp người này. Với một kết cấu rất dễ bắt gặp ở những tiểu thuyết thiên về tình cảm hiện đại, Nguyễn Đông Thức lầm lì nhấn phanh bơm đầy thứ hơi số phận tréo ngoe vào trong lớp vỏ tưởng như thường tình và phổ biến ấy, thổi chúng căng phồng, căng mãi, căng mãi, để rồi vỡ tung ra từng mảnh nhỏ. Soi chiếu từng mảnh đau thương bằng con mắt nhân quần sau những mỏi mệt đi dọc câu chuyện, dễ dàng ta thấy chìm ẩn đâu đó là những thân phận, là một thời đoạn đầy những bấp bênh dễ chừng lật nhào sau cơn bão lớn.

1. Cơn mộng thứ nhất – Vỏ bọc đẹp đẽ

Một cách trực quan và chiếm đa số thời lượng, Như núi như mây được Nguyễn Đông Thức xây dựng như cuộc rượt đuổi thân phận theo đúng tiến trình của một mô tuýp quen thuộc: mở đầu là những trùng hợp khó tin, tiếp sau là những cao trào nút thắt đi đến đỉnh điểm và cuối cùng là những thoái trào của cơn đè nén suốt chặng đường dài. Nguyễn Đông Thức biết cách giữ nhịp tiểu thuyết, khi luôn đưa ra những khúc quanh mới, để rồi phân chúng thành từng ngã nhỏ, đưa nhiều lựa chọn và hướng nhân vật vào khúc cua nghiệt ngã nhất. Ông dùng những diễn biến ngoại cảnh cùng tâm lí nhân vật như mạch nguồn nuôi sống những đường dây này. Đọc Như núi như mây, ta dễ bắt gặp những nét tương đồng với đầy rẫy tác phẩm ngoài kia: chuyện tình ngang trái một phần nào đó hình dáng Shakespeare, chênh lệch giai cấp cổ hủ gọi mời nhân ảnh Hồ Biểu Chánh, những gian khổ đấu tranh lại đầy rẫy hình bóng Enrique Maria Remarque,… tất cả tựu hình chung nổi bật lên tính phổ biến, một phần tạo nên sự tiếp cận ban đầu dễ chừng thân quen để rồi tăng đều lũy tiến; nhưng cũng đồng thời gây ra một sự nhàm chán đối với những ai yêu thích cái lạ. Thế nhưng một điểm nổi bật dễ nhận ra trong tiểu thuyết này là Nguyễn Đông Thức đã mang tất cả những cái chung chung ấy vào cùng một chỗ, để rồi đưa vào phông nền vô cùng địa phương, hay nói cách khác, gắn mác địa danh lên chính thành phẩm. Và chính yếu tố made in Vietnam này lại làm cho tác phẩm vượt lên theo một mặt khác.

Đọc Như núi như mây, ta thấy hiện lên một Saigon vẫn là nó nhất vào những ngày cuối cùng của một phế tích tráng lệ. Chưa khi nào người ta miêu tả Saigon bằng những lần xem phim ở tầng 2 rạp Eden hay vào La Pagode uống cà phê và nghe nhạc máy jukebox như Nguyễn Đông Thức; cũng chưa bao giờ thấy nhắc đến những vũ trường Catinat, những cục xà bông Cô Ba, thuốc lá Samit hay kem UB trong một tác phẩm văn chương của thời hiện đại. Nói một cách khác, Saigon vẫn luôn sống động trong mỗi câu chuyện của ông, nó là linh hồn chứa đựng những nét riêng biệt cho toàn tác phẩm, nhưng cũng đồng thời, tồn tại song song trong ký ức những người xưa cũ hay tạo lập lát cắt héo úa cho lớp người sau. Và bằng việc tạo cho Saigon một chỗ đứng riêng, Nguyễn Đông Thức cũng đồng thời tạo riêng cho câu chuyện mình một sự cuốn hút khó thể tách rời.

Một thuộc tính khác làm cho Như núi như mây trở nên riêng biệt trong khu rừng đầy những tương đồng đó là thời đoạn. Việc chọn Saigon những năm 70 đầy những đổi thay chính trị khi cao trào giữa quân Giải phóng và phía miền Nam đang lên cao trào một phần làm nên tính chất địa phương cho toàn tác phẩm, đồng thời như là đường dây vận động xuyên suốt của những diễn biến sau này. Việc đôi lứa lìa xa cũng từ chiến tranh loạn lạc, việc cả gia đình chạy về miền Tây cũng từ công cuộc thanh lọc toàn diện chế độ cũ, cho đến chi tiết vượt biên, gặp cướp biển, di cư sang Mỹ, Pol Pot… tất cả xảy ra trong một thời đoạn ắt hẳn phải thế. Việc tính toán chi ly suốt một quãng dài để rồi gặp nhau khi đất nước mở cửa được Nguyễn Đông Thức tính toán kỹ càng, một phần cho thấy câu chuyện đương thời phải thế nhưng cũng đồng thời phản ánh lịch sử một thời đoạn dài.

Điều đáng nói thứ hai là Nguyễn Đông Thức đã một lần nữa không làm người đọc thất vọng bằng những điểm mạnh vốn có của mình. Nếu từng thân quen những chuyện học đường vô cùng ngờ nghệch trong Vĩnh biệt mùa hè hay khoảng thời gian thanh niên sôi nổi của Ngọc trong đá; thì với Như núi như mây ta lại như được sống dậy trong không khí ấy thêm một lần nữa. Nguyễn Đông Thức hiểu và biết cách xoay chuyển tình thế vô cùng nhịp nhàng khi lái câu chuyện vào vùng địa phận thân quen của mình. Ông từ tốn ở đó, từ tốn kể chuyện bằng những câu chữ chắc nịch, để đọc rồi lại thấm thía, rồi lại ước mơ. Từ những thân quen, ông chuyển câu chuyện theo một khía cạnh hoàn toàn khác lạ, dưới một góc nhìn không thể không có trong những tiểu thuyết tình yêu – những dục vọng thể xác. Những sự tiếp xúc về mặt thể xác trong văn ông không đóng một vai chủ chốt như Murakami hay Tanizaki (tuy về mức độ bạo dạn và dữ dội có thể đong đếm ngang ngửa) mà được thêm vào như cách biểu đạt tình yêu không hề che giấu, mà xét ở thời điểm tác phẩm ra đời, đã là một thay đổi đi sâu vào bản chất sự việc rất đáng ghi nhận. Cùng với Ma Văn Kháng ở mảng truyện ngắn; Nguyễn Đông Thức đã góp tên tuổi mình cùng Thuận, Đỗ Hoàng Diệu,… đi sâu khám phá bản thể con người.

2. Cơn mộng thứ hai – Nhát dao rách toạc

Như núi như mây hẳn nhiên như đã nói trên, mang trong mình một sự sóng đôi gần giống tựa đề của nó, khi vừa là một tiểu thuyết tình yêu, vừa là nỗi đau thân phận. Nếu Nguyễn Đông Thức chọn lớp vỏ tình yêu để làm phần nổi đẩy ra trước mắt người đọc, thì cái thấm thía về thân phận từ phía đằng sau như những nhát dao đâm lên lổm chổm. Cái hay là Nguyễn Đông Thức vừa không che giấu hoàn toàn phía sau để người đọc tự mình nhận ra, cũng không để nó lồ lộ trước mắt như những bài ca lịch sử; mà bằng lối viết xen kẽ, ông để hai yếu tố đan cài bổ sung cho nhau đầy tính hợp lí. Như núi như mây là bản trường ca dài từ số phận của người phụ nữ, mở rộng ra hơn là số phận của người di cư và rồi cuối cùng to lớn hơn, là số phận cả thời đoạn dông dài đầy đủ bất trắc.

Lấy hình ảnh những người phụ nữ làm nhân vật chính đi suốt câu chuyện, Nguyễn Đông Thức như muốn khởi đầu từ cái nhỏ nhất, từ sinh thể từ xưa đến nay vẫn luôn được coi là thành tố phụ. Những người phụ nữ trong tác phẩm này chịu nhiều đau thương, họ cùng có vẻ duy mĩ về sắc vóc nhưng cuộc đời lại bi thương đến không ngờ. Vân từ một thiếu nữ cái gì cũng có, muốn gì cũng được như bước ra từ trang viết của Hồ Biểu Chánh; lại sớm dằn vặt đau khổ trước những ngang trái yêu đương khi vẫn lại là vấn đề muôn thuở – giai cấp. Đến khi vùng mình thoát dậy, thời đoạn lịch sử lại nện cho cô những đòn đau điếng. Cuối cùng sau bao khó khăn tìm được bến đỗ, đời sống lại làm teo tóp dần đi khoảng thởi gian ấy. Hình ảnh Liên – một cô gái thanh niên xung phong bám víu vào tình yêu như một bản ngã, để rồi bị phản bội trong tâm tưởng, dằn vặt, học thích nghi và rồi tự mình phản bội. Khác với Dạ Ngân là một phụ nữ viết về phụ nữ vô cùng thành công trong Gia đình bé mọn, Nguyễn Đông Thức viết về những người phụ nữ trong đây với vẻ nâng niu cho một thân phận đã quá mỏi mệt. Tuy đôi khi những trúc trắc hay cách sắp xếp làm nên diễn tiến khiên cưỡng nhô mình vươn ra góc cạnh xù xì chưa được gọt giũa, nhưng nếu nhìn nhận dưới góc độ của một tâm hồn văn chương, thì đó là lời cứu vớt cho những thân phận quá ư chìm nổi. Để rồi sau này mượn một câu nói của Vân, ông viết như cách ta đồng thuận ngầm đầy vẻ cam chịu: “Cuộc sống là vậy, ai cũng phải gạt nước mắt đi tới chứ không thể cứ ngồi than khóc mãi chuyện quá khứ”.

Từ hành trình những người phụ nữ đi tìm tình yêu, Nguyễn Đông Thức hòa cơn bão nhỏ thành những trái ngang của một thời đoạn đầy những con người trong cơn bão lớn. Miền Nam thất thủ năm 75 như một cú sốc lớn cho phe Cộng hòa khi chỉ sau một đêm, từ một người có tất cả đã trở thành không có gì, báo hiệu cho một số phận bấp bênh hiện ra trước mặt. Để chạy trốn cuộc sống kham khổ trước khi Cách mạng ào vào Saigon, lớp tiểu tư sản chỉ còn duy cách vượt biên để rồi trở thành cánh buồm ngoài xa heo hút tâm hồn. Họ bỗng trở thành những người xa lạ, những người không có quê hương, những người chạy trốn vì chính lựa chọn đã gây ra kết cục cho họ thế này. Bị xếp vào hạng người tị nạn, họ vật vờ hiu hắt dáng hình phản chiếu dưới những cơn sóng, phía Tây là tổ quốc trước mặt nhưng không sao về được, rồi cướp biển, trấn lột, cưỡng hiếp… từ một ước mơ ban đầu khiến họ hóa điên. “Nhiều người trong số họ chấp nhận liều mạng đơn giản chỉ vì mong được đổi đời, có một cuộc sống khá hơn trên vùng đất hứa. Nhưng cũng có những người ra đi vì lý do khác. Họ có thể chấp nhận đói khổ, nhưng phải được đối xử công bằng. Họ vất vả cả đời, nhưng ít nhất họ phải còn niềm tin rằng con cái mình sẽ có cơ hội để được vươn lên bằng con người khác… Không có những điều đó, thì có chết họ cũng ra đi.” Thiếu nước ngọt làm họ hóa điên, chứng kiến gia đình tàn sát khiến họ hóa rồ, thần kinh của những người con thời đại này thật quá mong manh khi ánh chớp số phận vừa lóe lên chào.

Nguyễn Đông Thức miêu tả cuộc sống trên trại tị nạn Pulau Bidong thuộc Indonesia chân thực đến từng mảnh đời, tương tự như những trang viết ta từng bắt gặp trong những câu chuyện tị nạn của Pachinko (Min Jin Lee) hay Thoát đến phương Tây (Mohsin Hamid). Ở đó con người vật vờ tựa những ngọn cỏ đắm mình trong ánh hoàng hôn. Những người điên, người lờ đờ dở dở ương ương có mặt ở khắp mọi nơi. Những căn bệnh tâm lý trầm kha lại làm tăng thêm cái vẻ ảm đạm bọc ngoài tác phẩm. Nguyễn Đông Thức khoét sâu vào lòng vết thương, phơi ra hiện thực tưởng như đau đớn và cho ta thấy tâm lý con người có thể mỏng manh đến mức độ nào.

Từ những bước ngoặt lịch sử đó, Nguyễn Đông Thức lẳng lặng phác họa những nét chìm nổi về tính cách nhân quần dẫu cho có quá tiêu cực hay không, khi vào những dịp đặc biệt luôn được phơi bày một cách rõ ràng. Trước tin thắng trận năm 75 ông viết: “Những người lính thua trận vẫn còn lầm lũi đi về như những bóng ma, bên cạnh đoàn quân hôi của đang mệt lử đẩy về nhà những chuyến hàng cuối cùng”. Con người vẫn luôn là thể đa bào lạ lẫm với thâm tâm trong suốt, dường như tùy vào thời đoạn mà được nhuộm thứ màu nào vào trong những ô lưới nhỏ. Những câu chuyện vượt biên đi xa, chạy loạn về miền Tây khi Biên Hòa đang dần thất thủ… tất cả phản ánh nên một thế hệ con người sống động trong những ghì ép thời đoạn. Bên cạnh đó, thế hệ người-trong-bao sau độc lập tin tưởng quá mù quáng vào một lý tưởng hay những người Việt sau khi vượt biên thành công đến Mỹ định cư, dùng thủ đoạn phá giá để tự giết nhau, khiến người Mỹ vì không chịu được bầu không khí trở nên rẻ mạt ấy, đã nhường hết cho họ một phố quận Cam để rồi lẳng lặng ra đi, bước khỏi ngôi nhà của mình… tất cả được khắc họa rõ nét trong tác phẩm này thành một cõi nhân quần rất nhiều xáo trộn.

3. Tỉnh giấc

Như một tấm gương phản xạ những thứ song ánh, Như núi như mây của Nguyễn Đông Thức mang trong mình bộ mặt của một tiểu thuyết thân phận. Xuyên suốt chiều dài của cả tiểu thuyết là những cuộc rượt đuổi tưởng chừng mệt lử của số phận áp lên con người, khi nhu cầu cơ bản nhất của họ lâm vào ngõ cụt. Trong sáng, mưu mô, phản kháng, cam chịu,… đầy đủ các mặt sắc của đời sống tinh thần được thứ dịch xót xa của trúc trắc nuôi dưỡng và một kết cục dễ thấy biểu hiện thành hình. Có thể nói đây là một tiểu thuyết lãng mạn được gia công bởi một tay bút chắc tay, mang đậm dấu ấn thế hệ, dấu ấn Saigon. Nếu bỏ qua sự tham lam vài lần về những sắp xếp bố cục hay ôm đồm quá nhiều chi tiết vào trong, thì Như núi như mây là một tác phẩm vạch tung số phận con người, từ những phụ nữ đến người chạy loạn; từ người tị nạn đến cả nhân quần, tất cả xuất hiện và đứng vào hàng ngũ tiến hóa trên từng nấc thang nhân loại được Nguyễn Đông Thức sắp đặt và đưa vào canh gác từng vị trí trong mạch truyện mình.

Hết.

Ngô Thuận Phát


Đọc tất cả những bài viết của Ngô Thuật Phát.


Phía sau trang sách

Những thương hiệu quốc dân ‘vang bóng một thời’

Theo VnExpress – Xà bông Cô Ba, máy may Sinco, nước ngọt Con Cọp, kem đánh răng Hynos và Dạ Lan từng là những cái tên dẫn đầu thị trường, nhưng dần sa sút khi công ty chủ quản bỏ thương hiệu hoặc bán vốn cho đối tác.

Published

on

Xà bông Cô Ba là nhãn hiệu do ông Trương Văn Bền thành lập năm 1932 ở khu vực chợ hóa chất Kim Biên (quận 5, TP HCM).

Trong cuốn Sài Gòn tạp pín lù, học giả Vương Hồng Sển nói rằng hình ảnh in trên bao bì viên xà bông là cô Ba Thiệu, con thầy Thông Chánh, quê gốc Trà Vinh. Bà là người đăng quang cuộc thi hoa hậu đầu tiên tổ chức năm 1865 ở Sài Gòn. Tuy nhiên, cũng có thông tin khác cho rằng người phụ nữ này là vợ ông Trương Văn Bền. Ảnh: Sách Made in Sài Gòn/Phương Nam Book

Xà bông Cô Ba được ưa chuộng khắp miền Nam lúc bấy giờ nhờ chất lượng tốt, giá thành phải chăng. Theo lời học giả Vương Hồng Sển, xà bông "bán chạy vo vo", sản xuất đến đâu hết đến đó. Thương hiệu này có giai đoạn đánh bật sự độc quyền của Hãng xà bông Marseille (Pháp).

Đất nước thống nhất, công ty của ông Trương Văn Bền hoạt động theo mô hình doanh nghiệp nhà nước với tên gọi Nhà máy công tư hợp doanh xà bông Việt Nam, sau đó đổi tên thành Công ty Sản xuất và Thương mại Phương Đông. Sản phẩm xà bông Cô Ba dần vắng bóng khỏi thị trường. Ảnh: Sách Made in Sài Gòn/Phương Nam Book

Cuối năm 2017, Công ty Bất động sản An Dương Thảo Điền mua 48,68% cổ phần Công ty Phương Đông. Lãnh đạo công ty nói rằng Xà bông Cô Ba vẫn có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng nên sẽ khôi phục dây chuyền sản xuất với sản lượng ước tính vài chục tấn mỗi năm, chủ yếu để bảo tồn thương hiệu gần trăm tuổi.

Chia sẻ với VnExpress, lãnh đạo An Dương Thảo Điền từng nói: "Tham gia ngành hàng tiêu dùng nhanh là cuộc chơi đòi hỏi vốn lớn và nhiều rủi ro, trong khi đây không phải thế mạnh của chúng tôi nên phương án được ưu tiên là hợp tác với các nhà sản xuất, phân phối có kinh nghiệm. Chúng tôi sẽ đóng góp công thức, bản quyền thương hiệu... để thành lập một liên doanh khôi phục Xà bông Cô Ba".

Trong ảnh là tòa nhà từng là trụ sở của xà bông Cô Ba nằm ở số 20 đường Kim Biên, bên hông chợ Kim Biên.

Nước ngọt Con Cọp có mặt ở hầu hết hàng quán ăn uống trước năm 1975 do tập trung vào phân khúc tiêu dùng bình dân, trong khi Coca-Cola thời đó ở phân khúc cao hơn. Đây là sản phẩm của Usine Belgique, nhà máy sản xuất nước giải khát lớn nhất miền Nam, thuộc tập đoàn BGI (Pháp). Nhà máy này cũng là nơi ra đời của bia Lade trái thơm và bia 33 Export.

Tờ áp phích có dòng chữ "nước ngọt Con Cọp mỗi chai, là nguồn vui mạnh kéo dài tuổi xuân" quen thuộc với người tiêu dùng. Ảnh tư liệu

Hai năm sau ngày đất nước thống nhất, Tập đoàn BGI chuyển quyền sở hữu và bàn giao toàn bộ nhà máy cho nhà nước với tên gọi Nhà máy nước ngọt Chương Dương. Nhãn hiệu Con Cọp biến mất từ đó, thay bằng các dòng sản phẩm xá xị mang thương hiệu Chương Dương. Ảnh lật sau là vị trí Công ty nước ngọt BIG nay là trụ sở công ty nước giải khát Chương Dương, 606 Võ Văn Kiệt.

Máy may Sinco ban đầu được nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật Bản, sau đó có nhà máy lắp ráp và đặt trụ sở chính trên đường Trần Hưng Đạo (quận 1 ngày nay). Nơi đây từng là biểu tượng quen thuộc của người dân Sài Gòn với biểu tượng máy may bàn đạp trên nóc tòa nhà. Hiện nay, tòa nhà đang được sử dụng làm cơ sở cho một phòng khám. Ảnh: Lynn Roylance

Trước ngày đất nước thống nhất, Sinco có đại lý phân phối khắp nội thành Sài Gòn và các tỉnh. Trong các tờ rơi quảng cáo, thương hiệu này giới thiệu ưu điểm chính là "may khéo, thêu đẹp, sửa chữa miễn phí" và cam kết bảo hành 20 năm. Sinco nổi tiếng với độ bền cao, thao tác đơn giản nên được nhiều gia đình và xưởng dạy nghề may ưa dùng.

Sau giải phóng, Sinco được quốc hữu hóa và trở thành Xí nghiệp liên hiệp Máy may Sinco. Doanh nghiệp này được cổ phần hóa những năm đầu 2000 và chuyển hướng sản xuất máy móc phục vụ công nghiệp và nông nghiệp như dây chuyền giết mổ gia cầm, chế biến lúa gạo, tiêu… Trụ sở công ty cũng được dời về huyện Bến Lức, Long An. Ảnh tư liệu

Hynos là hãng kem đánh răng do một người Mỹ gốc Do Thái thành lập và chuyển giao cho ông Huỳnh Đạo Nghĩa sau khi về nước.

Ông chủ mới nhanh chóng cải tiến mẫu mã và đưa Hynos tới gần người tiêu dùng bằng phương thức tiếp thị độc lạ thời đó: phát nhạc quảng cáo ra rả trên loa phóng thanh gần các cửa hàng bách hóa và đặt biển quảng cáo ở những vị trí đắc địa của Sài Gòn.

"Nụ cười anh Bảy Chà" và đoạn quảng cáo "trồng lúa mới có gạo mà ăn, thế mà có người đã phải trồng răng mới có răng mà ăn" làm nên thời kỳ hoàng kim của Hynos vào những năm cuối thập niên 60. Ảnh: Sách Made in Sài Gòn/Phương Nam Book

Không chỉ nổi tiếng trong nước, Hynos còn được bán sang các nước trong khu vực Đông Nam Á và Hong Kong, trở thành một trong những biểu tượng thương mại đương thời.

Thực hiện chính sách quốc hữu hóa sau ngày giải phóng, Hynos được nhà nước tiếp quản và sáp nhập với một công ty cùng lĩnh vực thành Xí nghiệp Kem đánh răng Phong Lan, sau đó đổi tên thành Công ty Hóa phẩm P/S. Công ty có giai đoạn chiếm tới 60% thị phần kem đánh răng ở miền Nam. Ảnh: Bill Mullin

Giữa năm 1997, Tập đoàn Unilever đề nghị lập liên doanh trên tinh thần "win-win" với tổng vốn đầu tư hơn 17 triệu USD.

Trong thời gian hợp tác, Hóa phẩm P/S chỉ đảm nhận việc gia công vỏ hộp bằng nhôm mà không được sản xuất kem đánh răng như trước. Sáu năm sau ngày bắt tay, công ty bị đánh bật khỏi liên doanh kèm cam kết về sau không được sử dụng thương hiệu nổi tiếng bậc nhất lúc bấy giờ trên bất kỳ sản phẩm nào.

Đầu năm 2007, những lãnh đạo cũ thành lập Công ty cổ phần P/S để gầy dựng lại hoạt động kinh doanh. Công ty ban đầu gia công vỏ nhôm cho các doanh nghiệp dược phẩm, sau đó sản xuất kem đánh răng mang dòng chữ Hynos cùng hình ảnh quen thuộc "nụ cười anh Bảy Chà". Hàng hóa được tiêu thụ trong các khách sạn, resort và cũng xuất hiện rải rác trên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Tommy Japan/Flickr

Tương tự Hynos, kem đánh răng Dạ Lan cũng có một thời lừng lẫy đầu thập niên 90 khi chiếm tới 90% thị phần từ Đà Nẵng trở ra phía Bắc. Thương hiệu này từng có lợi nhuận vài lượng vàng mỗi ngày.

Ông Trịnh Thành Nhơn, người sáng lập Dạ Lan, tự nhận thương hiệu của mình thời đó "là con gái đang độ tuổi xuân sắc" nên được nhiều doanh nghiệp nước ngoài như Colgate, Unilever, P&G đặt vấn đề hợp tác.

Năm 1995, Dạ Lan ký hợp đồng liên doanh với Colgate - thương vụ mà ông Nhơn gọi là "sai lầm lớn nhất cuộc đời". Thương hiệu khi đó được định giá 3,2 triệu USD và ông nắm 30%, đồng thời giữ chức phó tổng giám đốc trong công ty liên doanh.

Chưa đầy một năm hợp tác, Colgate bảo Dạ Lan càng kinh doanh càng lỗ nên cần nhường chỗ cho sản phẩm mang nhãn hiệu của họ. Colgate sau đó thông báo đã dùng hết vốn góp và vay ngân hàng. Khi ông Nhơn đồng ý góp thêm 10 triệu USD với điều kiện được làm tổng giám đốc, có toàn quyền điều hành, đối tác bác bỏ và khơi mào việc phá sản. Ảnh: Ông Trịnh Thành Nhơn cung cấp

Sau vài lần đàm phán căng thẳng, Colgate mua lại cổ phần của ông Nhơn với giá 5 triệu USD kèm điều kiện ông không được tham gia ngành hàng này trong 5 năm tiếp theo.

Ông Nhơn nỗ lực vực dậy thương hiệu Dạ Lan từ khoảng 2016, nhưng tự thừa nhận khoảng cách với những đơn vị dẫn đầu như P/S hay Colgate còn rất xa.

Ông cho biết mỗi ngày đều cố gắng phát triển lại Dạ Lan để bàn giao cho thế hệ sau này. "Tôi không can tâm nhìn con cái tiếp quản một công ty thua lỗ triền miên do mình gây nên. Khi tiền bạc bây giờ không phải là ưu tiên hàng đầu, tôi có một điều bất di bất dịch là không được để mất thương hiệu Dạ Lan bằng bất cứ giá nào", ông nói. Ảnh: Anh Nguyên

Phương Đông - Quỳnh Trần (Theo VnExpress)

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Thế giới nội tâm u uẩn của những người phụ nữ dưới ngòi bút Dazai Osamu

Published

on

Thường người ta vẫn nghĩ rằng có phụ nữ mới hiểu nhau. Ít khi nào mà một người đàn ông có thể hiểu rõ chân tơ kẽ tóc người phụ nữ, đặc biệt là những rung động thầm kín tế vi hay những khát khao mãnh liệt. Trong chừng mực nào đó, một Don Juan hay Casanova có thể trở thành bậc thầy trong việc am hiểu tâm lý người phụ nữ để chinh phục, ghi dấu tình trường. Nhưng đặt mình vào thế đứng, vị trí của những người phụ nữ để cùng họ đồng cảm, đấu tranh vượt lên trên số phận đến mức viết được những tác phẩm kinh điển thì những văn hào đó chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ta có thể kể đến Nguyễn Du khi sáng tác “Đoạn trường tân thanh” (Truyện Kiều), Tào Tuyết Cần viết “Hồng lâu mộng”, Gustave Flaubert viết “Bà Bovary”, Tolstoy viết “Anna Karenina” và Dazai Osamu khi viết “Tà dương” hay “Nữ sinh”.

Dazai Osamu (1909-1948) là một nhà văn nổi tiếng của văn học Nhật Bản hiện đại. Kiệt tác “Thất lạc cõi người” của ông đã trở thành tác phẩm bán chạy nhất trong lịch sử văn học Nhật Bản với hơn mười triệu bản in. Tuy cuộc đời 39 năm ngắn ngủi của Dazai trải qua nhiều nỗi bi kịch với năm lần tự sát, nghiện thuốc giảm đau, ly dị vợ…nhưng tác phẩm của ông luôn chan chứa cái nhìn ấm áp trân trọng về những người phụ nữ. Những tác phẩm xuất sắc của Dazai như “Thất lạc cõi người”, “Tà dương”, “Người vợ Villon” mà chúng tôi dịch là “Vợ gã hoang đàng” đều được dựng thành phim. Trong đó “Nhân gian thất cách” (Thất lạc cõi người) đã được nhiều lần chuyển thể điện ảnh. Vì đây là tiểu thuyết tự thuật về cuộc đời Dazai nên thường cuộc đời Dazai được lồng ghép vào trong phim. Mới đây nhất bộ phim “Nhân gian thất cách và 3 người đàn bà trong cuộc đời Dazai” (人間失格 太宰治と3人の女たち) do nam diễn viên Oguri Shun đóng vai chính mới được công chiếu vào tháng 9 năm 2019 đã gây một làn sóng đồng cảm với Dazai trên toàn cõi Á Châu.

Như chúng tôi đã nhận định trong bài “Mưa trên thánh giá” (Lời tựa cho “Nữ sinh” lần tái bản thứ sáu, Nxb Hội nhà văn và Công ty Sách Phương Nam, trang 9):

“Con chim trước khi bay vào khu rừng sâu âm u hoang phế trong ánh chiều tà sắp tắt còn để lại một tiếng kêu thương ngân dài. Dazai đúng là như vậy. Từ mảnh tàn dư của văn chương vô mệnh (“Độc tiểu thanh ký” của Nguyễn Du “chi phấn hữu thần liên tử hậu, văn chương vô mệnh lụy phần dư”), cả một thế giới nội tâm u uẩn hiện ra không riêng gì Dazai mà của cả tinh thần Nhật Bản. Những người phụ nữ trong tác phẩm của ông từ thiếu nữ mười bốn tuổi nhẫn nhục cam chịu rồi phản kháng đến những người phụ nữ trung niên vẫy vùng giữa buổi tà dương đều không thoát ly khỏi dòng lịch sử với những buộc ràng thân phận gần như đến mức phi nhân. Với chính bản thân Dazai nữa, công cuộc sinh tồn đã là một trường đấu tranh mà để sống còn được đã là một chiến công hiển hách. Nhưng niềm trân trọng cùng sự xót xa thương cảm của Dazai đưa vào văn chương đã làm cho những dáng hình bé nhỏ kia và chính mình trở nên bất tử. Đó cũng chính là ân sủng của đau thương dành cho một đời văn ngắn ngủi. Nỗ lực âm thầm và đầy đau đớn của Dazai đã làm chúng ta nhận ra cả tiếng dế hắt hiu vọng lên từ xương cốt, những tiếng thét gào nhẫn nhục trong đêm câm, những giọt rượu mềm môi chát đắng và những giọt lệ nhỏ trên máu xương đều là lời ru ngọt của đoạn trường”.

Ngoài tiểu viết tiểu thuyết tự thuật (tư tiểu thuyết – 私小説) miêu tả trải nghiệm cá nhân, Dazai còn nổi tiếng về những tác phẩm xuất sắc miêu tả tâm lý và khắc họa tâm tình thời đại của người phụ nữ, từ một cô bé nữ sinh đến một người vợ đảm của nhà thơ nghèo. Tất nhiên không có một tác phẩm hư cấu nào gây đồng cảm và kinh ngạc cho độc giả mà không dựa vào trải nghiệm có thật. Như tác phẩm “Nữ sinh” được sáng tác dựa trên nhật ký của một độc giả nữ tên là Ariake Shizu (lúc bấy giờ 19 tuổi) gửi cho Dazai vào tháng 9 năm 1938, Dazai đã viết lại thành một truyện vừa nói về biến chuyển nội tâm của một nữ sinh 14 tuổi gói gọn trong vòng một ngày từ lúc thức dậy đến khi đi ngủ. Tâm lý bi quan trầm uất của một thiếu nữ tuổi dậy thì được ngòi bút xuất sắc của Dazai khắc họa bằng một văn phong vô cùng tinh tế. Ngay cả văn hào Kawabata Yasunari (người được giải thưởng Nobel văn chương đầu tiên của Nhật Bản với các kiệt tác “Xứ tuyết”, “Ngàn cánh hạc”, “Cố đô”…) cũng không tiếc lời khen ngợi. Và chính nhật ký của Ariake cũng đã trở thành một tư liệu văn học quý và được trưng bày tại bảo tàng văn học cận đại Aomori vào tháng 2 năm 2000. Cô bé nữ sinh trong tác phẩm vẫn mơ ước sống một cuộc đời đẹp đẽ mặc dù bắt đầu dần dần nhận thấy cuộc đời có nhiều cảnh trái ngang. “Cái lối giáo dục đạo đức ở trường lớp với những luật lệ của cuộc đời này vốn khác nhau quá xa, mà tôi biết rằng dần dần sự khác biệt này còn trở nên rộng lớn hơn nữa. Nếu như tuyệt đối tuân thủ theo những bài học đạo đức ở trường người đó sẽ bị xem là kẻ ngu ngốc lập dị, không thể thành đạt và trở nên bần cùng…Tôi muốn cái thứ đạo đức này nhanh chóng thay đổi. Nếu được vậy thì tôi sẽ không còn phải đê tiện và sống nhỏ giọt từ ngày này qua tháng khác không phải vì mình mà để chiều lòng người”…Đến tận bây giờ câu nói này vẫn gợi cho chúng ta suy ngẫm nhiều điều về giáo dục, nơi cách biệt giữa giáo điều và thực tiễn ngày càng sâu xa hơn.

Tà dương” được bình chọn là tác phẩm hay nhất của văn học Nhật Bản viết về thời hậu chiến nói về một gia đình quý tộc sa sút và sự can đảm đấu tranh để sống còn. Người mẹ quý tộc chết đi như chấm dứt tất cả sự đẹp đẽ của thời vàng son dĩ vãng. Chỉ còn lại Naoji ngập ngụa trong sự tự hủy lưu đày để cố gắng xóa nhòa đi cốt cách quý tộc nơi mình nhưng cuối cùng cũng phải tự sát vì “cuối cùng em vẫn là quý tộc”. Chỉ riêng Kazuko khi thức tỉnh rằng “con người được sinh ra vì tình yêu và cách mạng” mới quyết tâm sinh con với nhà văn Uehara, can đảm sống tiếp dù chỉ là một “nạn nhân” trong thời đại mới. Trong bức thư cuối cùng gửi Uehara, Kazuko đã viết: “Cuối cùng em đã hiểu tại sao có hòa bình, chiến tranh, các nghiệp đoàn, thương mại, chính trị trong cuộc đời này. Chắc là ông không biết đâu, phải không? Vì thế mà ông cứ bất hạnh mãi. Để em nói cho ông biết nhé. Đó là vì phụ nữ đẻ ra những đứa con ngoan”.

(Tất cả những trích dẫn được lấy từ tác phẩm “Tà dương” và “Nữ sinh” của Dazai Osamu, Hoàng Long dịch, nxb Phương Nam tái bản năm 2023 và 2024.)

Những đứa con ngoan đó chăm chỉ học hành trở thành những người con ưu tú của gia đình và dân tộc. Chính người con ngoan đó mới trở thành chính trị gia, nhà kinh doanh lỗi lạc và rồi từ đó chiến tranh, các cuộc chiến thương mại châm ngòi cho máu xương và hoang tàn đổ nát trên mặt đất này. Từ đó mặt đất chỉ còn đầy “nạn nhân”. Những người như Uehara tuy phóng đãng mà vô hại. Một đứa con ngoan nào đó có thể trở thành tội đồ cho cả nhân gian. Biết làm sao mà nói. Cuối cùng như nữ nhà văn Kakuta Mitsuyo trong bài cảm nhận về tác phẩm “Tà dương” đã phải thở than “đúng là cuộc đời này không có đạo lý nào cả”. Câu nói của Kazuko thật táng đởm kinh hồn, đủ khiến cho bao nhiêu tư tưởng gia phải ôm đầu xiểng liểng. Cái niềm kiêu hãnh ngất trời đó thật đúng là một bài ca nữ quyền chói lọi.

Bộ phim “Tà dương” với nữ diễn viên Miyamoto Mayu đóng vai Kazuko

Độc giả lúc mới đọc tác phẩm của Dazai thường cảm thấy sự suy sụp tự hủy và nhu nhược ủy mị. Có lẽ vì cái bóng quá lớn của đời tư được phản ánh trong “Thất lạc cõi người” đã khiến chúng ta trở nên thiên kiến. Nhưng khi đã đủ trải nghiệm cuộc đời để bình tâm đọc lại chúng ta sẽ nhận ra được hai điều cốt tủy.

Thứ nhất là tuy cuộc đời đầy đau thương và nhiều lần tìm đến cái chết nhưng tác phẩm của Dazai luôn mạnh mẽ đến mức ngạc nhiên. Như nhà văn Kakuta Mitsuyo đã nhận ra lúc mới đọc thì thấy có vẻ ủy mị yếu đuối nhưng khi đã từng trải đọc lại đều thấy tê người. Như câu kết truyện “Vợ gã hoang đàng”: “Nửa người nửa ngợm cũng không sao. Miễn mình còn sống là được rồi anh ạ”*. Câu nói này phải chăng hàm nghĩa dù bị đày đọa đau thương, dù nhân gian chối bỏ thì cuối cùng sự sống còn luôn là một chiến công hiển hách, đầy kiêu hãnh phẩm giá mà những con người yếu đuối tuyệt đối không thể hình dung.

(*Nguyên văn “人非人でもいいじゃないの。私たちは、生きていさえすればいいのよ”. Từ “nhân phi nhân” (人非人) nghĩa là tuy mang hình dáng con người nhưng đi chệch khỏi con đường làm người, nửa người nửa ngợm, không có phẩm giá con người)

Phim “Vợ gã hoang đàng” với nữ diễn viên Takako Matsu đóng vai chính

Như câu thơ của Ibaraki Noriko, một nhà thơ nữ Nhật Bản:

Cho dù vấp ngã bao lần

Tôi cũng phải tiếp tục sống

Dù không biết vì sao

Nhưng sống mới có thể bênh vực loài đang sống

この失敗にもかかわらず
私もまた生きてゆかねばならない
なぜかは知らず
生きている以上 生きものの味方をして

Thứ hai là tác phẩm của Dazai luôn khắc họa vẻ đẹp tâm hồn những người phụ nữ Nhật Bản với lòng trân trọng cảm thông. Điều lạ lùng là tất cả những nhân vật nhà thơ, họa sĩ, nhà văn trong tác phẩm Dazai vốn là những kẻ được trời ban cho khả năng thiên phú tìm kiếm cái đẹp và sống vì nó thì lại hết sức tầm thường dung tục, ham luyến hư danh còn những người phụ nữ của họ thì lại vô cùng đẹp đẽ dù trong hoàn cảnh giản dị hay cao sang. Trong “Tà dương” Naoji đã nhìn thấy nét đẹp dịu dàng đời thường của vị phu nhân họa sĩ “Bầu trời chiều mùa đông Tokyo xanh ngắt, nàng ôm con gái ngồi bên cửa sổ như chẳng để làm gì. Cái gương mặt nghiêng nghiêng đoan chính với những đường nét thanh tú nổi bật lên nền trời, đẹp như một bức tranh chân dung thời Phục Hưng”. Ngoài ra cung cách hành xử của người vợ của nhà thơ Otani trong truyện “Vợ gã hoang đàng” lúc nghe tin chủ quán rượu đến đòi nợ, khi đút khoai cho con ăn nơi chiếc ghế đá sứt mẻ bên bờ ao công viên Inokashira cho đến khi trả hết nợ và chờ chồng mình trở về hay phu nhân của nhà văn trong tác phẩm “Một ngày trọng đại”, vợ của ký giả trong truyện “Người vợ”…đều được khắc họa cao quý vô song. Đặc biệt là người vợ họa sĩ trong tác phẩm “Tiếng dế nỉ non” đã không chịu nổi sự thay đổi biến chất vì hư vinh của chồng mình đã quyết tâm chia tay “Vì em cảm thấy rằng tự sát chính là thứ tội lỗi ghê gớm nhất cho nên em nghĩ sau khi chia tay anh mình sẽ cố gắng sống thử cách sống mà mình cho là đúng đắn một thời gian xem sao. Anh làm cho em hãi sợ. Có lẽ trên thế gian này, cách sống của anh là đúng đắn đấy. Tuy nhiên em không thể nào tiếp tục sống như vậy được nữa”.

Tại sao những người phụ nữ trong tác phẩm của Dazai lại đẹp đến thế? Có lẽ vì trong sâu thẳm tim mình họ luôn có một thứ ánh sáng dù hiu hắt chiếu soi, trong tâm tư mình có một tiếng lòng đẹp đẽ không bao giờ tắt đi bất chấp hoàn cảnh, thời đại. Như câu kết của tác phẩm “Tiếng dế nỉ non”:

Khi em tắt đèn nằm ngửa nhìn lên trần nhà thì nghe dưới lưng em có tiếng dế kêu rền rĩ. Tiếng dế kêu ở dưới hành lang bên ngoài nhưng nghe vang vọng ngay từ dưới lưng em khiến em cảm thấy tiếng dế như nỉ non từ trong xương sống của em vậy. Em định sẽ sống cả đời với tiếng kêu hiu hắt nhỏ bé kia cất giữ mãi trong xương cốt. Có lẽ trên thế gian này, anh đã làm đúng còn em mới là người sai chăng? Thế nhưng em lại không biết mình sai ở đâu, sai như thế nào và tại sao mình sai nữa”.

Có lẽ cuộc đời này không có đúng sai. Chỉ có những gã đàn ông dung tục, những đứa con ngoan và những người phụ nữ đẹp đẽ đang cùng nhau tranh đấu và sống theo kiểu của riêng mình thôi chăng? Không có một đáp án chung cho tất cả mọi người. Như thế chúng ta phải dùng chính đôi mắt của mình để phân biệt giá trị xem điều gì là phù hợp hay không phù hợp. Từ đó mà tiếp tục hiên ngang sống. Sự mạnh mẽ quyết đoán đó ngạc nhiên thay lại toát ra từ những con người nhỏ bé, yếu đuối, “dù biết thua cuộc nhưng vẫn không ngừng đấu tranh”.

Đó có lẽ là điều Dazai Osamu muốn gửi gắm qua tác phẩm.

Và độc giả chúng ta cũng cần đọc kỹ để tìm ra những câu văn ngời sáng chứa đựng tiếng lòng đẹp đẽ của những người phụ nữ nói riêng và thân phận con người nói chung để khích lệ chính mình bước tiếp. Ý chí sống truyền đời đó sẽ không bao giờ tắt nghỉ và chỉ duy nhất văn chương mới có thể gọi tên. Ngay cả trong thời đại công nghệ thay đổi chóng mặt, thách thức và cải hoán các giá trị cũ hôm nay, khi con thuyền cuộc đời chới với biển sâu thì chúng ta vẫn luôn có thể tìm thấy ánh sáng niềm tin nơi ngọn hải đăng từ những tác phẩm văn học chân chính.

Sài Gòn, ngày 6/3/2025

Hoàng Long

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Có một thời ở Chợ Lớn: Những gam màu ký ức

Published

on

Có một thời ở Chợ Lớn là một trong hai tác phẩm mới nhất của nhà báo Phạm Công Luận do Phương Nam Book liên kết xuất bản dịp năm mới Ất Tỵ 2025. Chỉ một thời gian ngắn sau khi phát hành, sách sớm nhận được tình cảm của độc giả và lọt vào top sách bán chạy trong tuần tại Nhà Sách Phương Nam. Bên cạnh bản thân tác giả Phạm Công Luận, góp phần vào sự thành công của Có một thời ở Chợ Lớn không thể không kể đến họa sĩ Phạm Công Tâm với nhiều hình ảnh minh họa đẹp và đầy tinh tế, cũng như đội ngũ Phương Nam Book đã biên tập, thiết kế nhằm đưa tác phẩm đến tay độc giả theo cách chỉn chu nhất.

Chịu trách nhiệm thiết kế bìa và trình bày sách Có một thời ở Chợ Lớn là họa sĩ t.hờ. Trong bài phỏng vấn hôm nay, Bookish sẽ cùng anh t.hờ chia sẻ với bạn đọc về quá trình "lên đồ" cho Có một thời ở Chợ Lớn cũng như những câu chuyện bên lề thú vị trong quá trình sản xuất cuốn sách này.

  • Bookish: Anh có thể chia sẻ điều gì đã dẫn đến quyết định lựa chọn hình ảnh chùa Ôn Lăng và chợ Bình Tây làm ảnh bìa sách ở 2 phiên bản bìa mềm và bìa cứng?

Họa sĩ t.hờ: Nhắc đến Chợ Lớn, chắc hẳn 9 trên 10 người trong chúng ta sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh của chùa bà Ôn Lăng và chợ Bình Tây – hai công trình kiến trúc đặc trưng nhất của mảnh đất Chợ Lớn Sài Thành.

Đối với chùa bà Ôn Lăng, đây có thể coi là công trình mang đậm nét đặc trưng của kiến trúc Trung Hoa nhất giữa lòng Sài Gòn. Không chỉ là nơi chiêm bái của người dân địa phương và du khách gần xa, chùa bà Ôn Lăng còn là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa và tôn giáo như lễ hội Đoan Ngọ, lễ hội Trung Thu, lễ hội Thanh Minh, lễ hội Tết Nguyên Đán,… Chùa bà Ôn Lăng là một trong những ngôi chùa có ý nghĩa lịch sử và văn hóa quan trọng của Thành phố Hồ Chí Minh nói chung và mảnh đất Chợ Lớn nói riêng.

Còn về chợ Bình Tây, đây không chỉ là một ngôi chợ sở hữu lối kiến trúc độc đáo mang đậm dấu ấn văn hoá Á Đông của người châu Á ở đất Sài Thành, mà còn là nơi được biết tới là nơi trao đổi đồ cổ và buôn bán sỉ lớn nhất của người dân gốc Hoa ở Chợ Lớn. Dù hiện tại chợ Bình Tây đã có nhiều sự thay đổi về cơ sở hạ tầng nhưng những giá trị tinh thần, lịch sử và văn hoá vẫn còn được lưu giữ cho đến ngày nay.

Chính vì lẽ đó, chùa bà Ông Lăng và chợ Bình Tây đã được mình chọn lựa để đưa lên 2 phiên bản bìa của Có một thời ở Chợ Lớn.

  • 2 ấn bản bìa mềm và bìa cứng có sự khác biệt gì về hình ảnh minh họa trong sách không?

Để đảm bảo sự chính xác về thông tin của các bài viết thì phần hình ảnh và nội dung bên trong của 2 phiên bản không có gì thay đổi.

  • Liệu có ẩn ý nào phía sau việc sử dụng 2 tông màu nóng - lạnh cho 2 phiên bản bìa sách?

Nhắc đến Chợ Lớn, người ta sẽ nghĩ ngay đến những tone màu rực rỡ như chính sắc màu chủ đạo trong cuộc sống của người dân nơi này – màu đỏ rực của những chiếc đèn lồng gốc Hoa, màu đỏ thẫm của những lớp mái ngói vươn màu thời gian hay màu đỏ tươi của những chú lân trong các lễ hội,… Bên cạnh đó, ta không thể không nhắc tới sắc vàng của những bức tường vững chải chạy dọc các con phố, của những món đồ trang trí bóng bẩy mỗi dịp Tết đến xuân về.

Thế nhưng, không vì thế mà Chợ Lớn vắng đi những phút giây lắng đọng. Dạo quanh Chợ Lớn, người ta vẫn có thể dễ dàng bắt gặp những tòa chung cư lâu đời trên đại lộ Trần Hưng Đạo hay từ chính trong nét kiến trúc phương Đông được tạo nên từ kỹ thuật xây dựng của Tây phương trong lối kiến trúc độc đáo của ngôi chợ Bình Tây xuất hiện trên bản bìa mềm.

  • Có câu chuyện ngoài lề nào thú vị trong quá trình thiết kế cho cuốn sách này mà anh ấn tượng không?

Mình cho rằng đó là một “bài học” thú vị nhiều hơn.

Như các bạn cũng biết, trước khi “Có một thời ở Chợ Lớn” ra đời, tác giả Phạm Công Luận đã từng cho ra mắt một quyển sách cùng chủ đề đó là “Hồi ức Phú Nhuận”. Do cả 2 quyển một chủ đề nên với vai trò là người thiết kế bìa cho cả hai, mình mong muốn tạo được nét tương đồng trên bìa khi 2 quyển sách được đặt cạnh nhau để nhấn mạnh “tính chất văn hóa” của 2 quyển sách này. Chính vì vậy, mình đã chủ đích đem cái gần gũi, thân thương nhưng cũng mang trong mình những lắt cắt lịch sử mà mình từng thể hiện trong bìa của”Hồi ức Phú Nhuận” mang vào quyển “Có một thời ở Chợ Lớn” lần này.

Nhưng rồi mình nhận ra, mỗi vùng đất sẽ mang trong mình một vẻ đẹp riêng. Nếu như Phú Nhuận là mảnh đất của những ký ức tuổi thơ thân thương, của những giai kỳ hào nhoáng của một Sài Thành hoa lệ, thì Chợ Lớn sẽ là những đất của những khu mua sắm xa hoa, của những quán ăn nức tiếng, và của sự hào sảng, phóng khoáng của người dân Chợ Lớn Sài Gòn.

Vậy nên, mình cho rằng đó là bài học mình của bản thân mình: Để nhấn mạnh, nếu không thể tương-đồng thì chúng ta có thể chọn tương-phản.

Bookish xin cảm ơn họa sĩ t.hờ vì đã dành thời gian chia sẻ. Chúc anh nhiều sức khỏe và đạt được thành công trong năm mới Ất Tỵ 2025.

Đọc bài viết

Cafe sáng