Chuyện người cầm bút
Nhật Chiêu: Truyện tuyệt ngắn không dễ viết

Bookish Best
Nguyễn Hoàng Mai: Tôi muốn viết về những vấn đề gai góc nhất của tuổi trẻ

Nguyễn Hoàng Mai là tác giả của hai tác phẩm đầy cảm xúc về tuổi trẻ: Đung đưa trên những đám mây (tiểu thuyết, 2018), Bây giờ mình đi đâu (tập truyện ngắn, 2019). Hiện nay, cô đang sinh sống và làm việc tại Tokyo. Tuy đã xa Việt Nam nhiều năm, Hoàng Mai vẫn đọc và thường xuyên theo dõi tình hình văn chương nước nhà. Trong khuôn khổ của giải thưởng Bookist Best 2022, Ban Tổ chức đã có cuộc trò chuyện với Hoàng Mai xoay quanh việc đọc và sáng tác văn chương.
Chào Nguyễn Hoàng Mai. Cảm ơn Mai vì đã nhận lời phỏng vấn của Bookish về những tác phẩm bạn đã đọc năm 2022 nhân dịp mùa giải Bookish Best lần II đang diễn ra. Bạn nghĩ gì về giải thưởng Bookish Best?
Được biết Bookish Best là một giải thưởng văn học mới được thành lập tròn một năm nhưng mang nhiều ý nghĩa đặc biệt đi cùng với cộng đồng – hầu hết là những bạn trẻ thực sự yêu, dành nhiều tâm huyết với sách vở. Bookish Squad có hơn 13.000 thành viên mà tôi cũng “nằm vùng” trong số đó. Ở giải thưởng này, độc giả những người trực tiếp thưởng thức văn học được cất lên tiếng nói, tự tay bình chọn cho những tác phẩm gần với trái tim của mình nhất.
Là một người viết trẻ, tôi mong sẽ có nhiều sân chơi hơn nữa, để thị trường sách Việt Nam thêm sắc màu, sôi động, gần hơn với độc giả trẻ tuổi, và dòng chảy xã hội.
Năm nay, Mai có theo dõi tình hình xuất bản trong nước không? Có cuốn sách của tác giả Việt Nam nào khiến bạn ấn tượng không?
Do sống học tập ở Nhật nhiều năm, tôi đã không có cơ hội đọc văn học trong nước trong một khoảng thời gian dài. Sau này khi có dịp tiếp xúc trò chuyện, với những cây bút trẻ có tiếng như chị Nguyễn Dương Quỳnh, Huỳnh Trọng Khang, Thái Cường, Phát Dương… Ở họ, tôi đều cảm nhận sự nghiêm túc, trăn trở với nghề. Những bạn văn tôi được tiếp xúc đều sáng tạo, nghị lực, khiến tôi học hỏi nhiều.
Về văn học trong nước đã đọc gần đây tôi ấn tượng với tập truyện Chuyến Bay Tháng Ba của tác giả Lê Khải Việt, Chopin biến mất của Hiền Trang. Và đặc biệt tôi quá yêu mến Đà Lạt bàng bạc, ẩn hiện trong cuốn Thành phố những lục địa bay của tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên.

Là một người viết, khi đọc tác phẩm Thành phố những lục địa bay, bạn có học hỏi được gì về kĩ năng viết không?
Như đã nói, tôi thích chất thơ man mác lạnh như sương mù trên đỉnh núi, phảng phất trong từng câu văn, nhịp điệu của cuốn sách này.
Từng câu chữ không hề nhắc đến danh từ Đà Lạt, nhưng thành phố ấy vẫn hiện ra trong từng lát cắt mỏng, rồi nhẹ nhàng len lỏi vào lòng người như những hơi thở nhẹ. Vì tôi luôn nghĩ cuốn sách đẹp nhất, ý nghĩa nhất không phải nằm im lìm trên những ngôn từ trang giấy, mà sẽ không ngừng sinh sôi nảy nở trong tâm trí người đọc theo trải nghiệm của cá nhân nên rất ấn tượng với tập truyện mỏng của anh Nguyễn Vĩnh Nguyên.
Thành phố những lục địa bay là một thực hành của nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên về việc phá vỡ ranh giới những thể loại, bất phân giữa hư cấu và phi hư cấu. Mai nghĩ gì về thực hành này? Bạn có cảm hứng muốn thực hành thủ pháp này cho những truyện sắp tới của mình không? Nếu có thì đâu sẽ là địa danh được bạn chọn lựa?
Tôi cảm nhận Thành phố những lục địa bay là cuốn sách rất đặc biệt bởi lẽ nó đã phá vỡ ranh giới của các thể loại. Độc giả khi lần đầu bước vào thế giới trong sách sẽ đầy nghi hoặc: Truyện ngắn? Tất nhiên không rồi. Hư cấu? Không hẳn, cũng không phải tản văn hay phi hư cấu. Những nhà nghiên cứu sẽ không gọi đó là Haiku hay truyện cực ngắn dù rất gần trong bản chất.
Và đáp án dành cho mỗi người có lẽ là, thực ra không cần phải quá chú trọng vào ranh giới giữa các thể loại văn học. Giữ trí tưởng tượng của chúng ta vượt qua những khuôn khổ, vượt qua những giới hạn, biết đâu đó là vùng đất văn chương thực sự?
Tôi được tác giả tặng tập truyện này trong một chuyến về Việt Nam chơi, khi đang ấp ủ viết cuốn truyện mới về thành phố tôi đang sống – Tokyo. Đó là tuổi trẻ hoang hoải đầy rực rỡ và cũng nhiều vấp ngã tôi đã trải qua, và vẫn muốn khám phá thêm. Giống như một cái Duyên vậy, nên tôi cũng muốn học hỏi một chút thôi vào tập truyện mới của mình. Không, tôi sẽ không phân tích bút pháp cụ thể để cố “bắt chước” cho giống đâu, mà muốn mình học tập từ trong vô thức khi đã gấp sách lại, để thời gian lắng xuống. Tập truyện mới về Tokyo của tôi sẽ đi giữa vùng đất của những địa danh hiện thực và trí tưởng tượng.

Mai có thường xuyên theo dõi tình hình xuất bản ở Nhật không? Nếu có thì năm vừa qua, có cuốn sách nào mới xuất bản khiến bạn ấn tượng không? Bạn có nhận thấy thị trường sách ở Nhật có điểm nào hay mà thị trường Việt còn đang thiếu không?
Tôi rất thích không gian của những chuỗi nhà sách lớn, lâu đời của Nhật như Maruzen, Kinokuniya, Junkudo… Mỗi khi đến đó tôi đều cảm nhận được văn hóa đọc, niềm say mê với sách của người Nhật không thể diễn tả thành lời. Nhà sách là nơi những cuốn sách ấy thực sự sống, theo kịp với những thay đổi của xã hội theo đúng nghĩa đen.
Vì yêu sách nên mỗi năm tôi đều theo dõi hai giải thưởng văn học uy tín, lớn nhất của Nhật Bản cũng đồng thời tượng trưng cho hai trường phái văn học Nghệ Thuật và Đại Chúng là: Giải thưởng Akutagawa và Naoki.
Tôi thích hầu hết những tác phẩm bước ra từ giải thưởng này như: Hibana (2015, tác giả Naoki Matayoshi), Konbini ningen (2016, tác giả Sayaka Murata)… nhưng gần đây, đặc biệt ấn tượng cuốn tiểu thuyết tâm lý ngắn Oishigohan ga taberaremasu youni (tạm dịch: Để thưởng thức được thức ăn ngon) của nữ tác giả 34 tuổi Junko Takase, vừa mới đoạt giải Akutagawa năm 2022. Tôi nghĩ sự phức tạp của tính cách và mối quan hệ chân thành, vừa đối nghịch vừa gắn bó giữa bộ ba nhân vật, được miêu tả tinh tế thông qua những món ăn trong cuốn sách này sẽ chạm đến trái tim của nhiều độc giả trẻ tuổi.

Được biết bạn đang viết một tập truyện ngắn xoay quanh đời sống du học sinh ở Nhật và có dự định xuất bản thời gian sắp tới. Bạn có thể chia sẻ một chút điều mình tâm đắc về tác phẩm này không?
Như đã đề cập ở trên, tập truyện ngắn tôi đang viết mang tên Tokyo, khi những cánh hoa anh đào rơi. Tôi đã muốn khai thác sâu hơn những vùng đất mới mẻ, đầy thách thức chưa nhiều người tìm đến, những vấn đề gai góc nhất của tuổi trẻ như: tình một đêm, xăm mình…
Tập truyện này gồm 10 truyện ngắn nhỏ, về cuộc sống, tình yêu, tâm tình của những người trẻ ở Nhật Bản. Ở đó, tôi đã muốn khắc họa một thế giới nơi tuổi trẻ có những niềm đau, cô đơn nỗi sợ hãi, nhưng cũng sẽ tràn đầy tình yêu, sự tươi sáng, ấm áp trên nền thành phố nổi tiếng của Nhật Bản như: Tokyo, Fukuoka, Kyoto.
Cảm ơn Mai đã dành thời gian để tham gia cuộc trò chuyện với Bookish Best.
Chuyện người cầm bút
Nhà văn Nhật Chiêu: Văn học nước ngoài nên được dạy như văn học Việt Nam

Những tác phẩm văn học nước ngoài (VHNN) được đưa vào sách giáo khoa như một phần học chính thức bên cạnh văn học Việt Nam (VHVN). Thế nhưng, vì trong đề thi tốt nghiệp, đại học, đa phần tập trung vào VHVN nên việc giảng dạy VHNN trong nhà trường còn nhiều bất cập. Nhiều trường vì chạy đua theo thành tích nên đã không giảng dạy VHNN mà dành giờ học đó để tập trung ôn thi cho VHVN. Trước thực trạng trên, Bookish đã có cuộc trao đổi với nhà văn, nhà giáo Nhật Chiêu - người có nhiều công trình nghiên cứu về văn học của các nước trên thế giới.
Thầy nghĩ sao về việc hiện nay nhiều trường không giảng dạy VHNN hoặc dạy rất sơ sài?
Đối với tôi, điều này không có gì là lạ cả. Đó là do các phần kiến thức thuộc về VHNN ít khi được đưa vào đề thi nên mới xảy ra tình trạng như thế. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ nếu đã đưa VHNN vào chương trình giảng dạy thì phải làm sao cho đồng nhất việc dạy ở tất cả các trường. Còn nếu có trường dạy, trường không vì chỉ học cho biết thêm thì đừng nên đưa vào chương trình.
Theo quan điểm của thầy thì có nên cho giờ học VHNN bằng với giờ học VHVN không?
Tôi không bức xúc về chuyện hiện nay VHNN chỉ được dạy như một kiến thức phụ trong môn Văn ở trường nhưng đúng là nếu để giờ học VHNN bằng với giờ học VHVN thì sẽ tốt hơn rất nhiều. Đây là một việc nên làm. Cũng giống như khi ta học Toán, đó là một sự tổng hợp từ nhiều nền Toán học trên thế giới. Ta đâu có phân biệt, hay nói là đang học “Toán học Việt Nam”. Tương tự như vậy, tôi muốn môn Văn học cũng được nhìn nhận như thế. Càng học được từ nhiều nước khác nhau, ta càng có cái nhìn toàn diện và quan điểm đúng đắn hơn.
Theo thầy, việc học VHNN ngày xưa và bây giờ có gì khác nhau?
Ngày xưa, vào thời tôi thậm chí còn không có môn VHNN. Môn Văn được gọi bằng những cái tên như: “Việt Văn”, “Quốc Văn”, “Văn học Hán-Nôm”, “Văn học Việt-Hán”. Như vậy là ngay cái tên môn học cũng đã xác định rất rõ là chỉ dạy VHVN. Việc đặt tên môn Văn học như chương trình bây giờ là chính xác hơn.
Nếu là vậy thì ngày xưa thầy học VHNN từ những nguồn nào, bắt đầu từ khi nào mà thầy có ý thức nên học VHNN?
Từ bé đến nay, tôi chưa học VHNN một giờ nào theo nghĩa đến trường học. Tôi tự học chủ yếu qua sách báo, những tác phẩm nghiên cứu dịch thuật. Tôi bắt đầu có ý thức về việc này từ năm lớp 6. Tuy vậy, tôi vẫn nghĩ nếu VHNN được dạy một cách đàng hoàng, chính thức trong nhà trường thì vẫn vui hơn. Điều này cũng giống như khi bạn yêu mến một bản nhạc nào đó. Bạn có thể tự nghe nó một mình ở nhà cũng được nhưng cảm giác đến nhà hát nghe nhạc sống vẫn thích hơn phải không nào?
Thầy nghĩ như thế nào khi có người nói rằng việc học VHNN quá nhiều sẽ làm ảnh hưởng đến suy nghĩ của học sinh. Cụ thể là các em sẽ suy nghĩ và viết văn theo cách của người phương Tây, của nước ngoài, không còn là của người Việt Nam nữa?
Đối với bản thân tôi, những chuyện khi tôi viết văn là những chuyện có thể xảy ra ở bất cứ quốc gia nào. Và tôi thích văn chương như thế hơn là phải tự bó buộc mình khi viết với suy nghĩ rằng: “Tôi là người Việt Nam. Tôi chỉ viết những chuyện thuộc về Việt Nam.” Chẳng hạn như một trong những truyện cực ngắn mới nhất của tôi có câu như thế này: “Là người cuối cùng được phóng vào vũ trụ, anh nhìn thấy trái đất nổ tan.” Đó là chuyện có thể xảy ra ở bất cứ đâu mà cũng có thể chẳng xảy ra ở đâu cả. Nó chỉ nói về cảm giác của một con người cô đơn, lạc loài nói chung. Tôi muốn nhắn với các bạn như thế này: “Cứ viết những gì mình thích, những gì mình nghĩ.”
Ảnh: Ông Đồ Nghệ
Bài viết: Kodaki
Chuyện người cầm bút
Haruki Murakami rất “pretentious”!

Haruki Murakami rất “pretentious”! Bạn tôi nói với tôi như vậy. Nhân vật của ông thường luôn là những gã trai ngầu lạnh và luôn mồm nói về nhạc jazz. “Pretentious” không có từ tương đương trong tiếng Việt, dịch sát nghĩa là “cố tỏ ra hoặc nghe có vẻ quan trọng hay khôn khéo hơn bạn thực sự là, đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật và văn chương.”
Bạn tôi học guitar từ nhỏ, chơi đàn hay và ca tình cảm nhưng chưa bao giờ chê bai gu nhạc thị trường của tôi. Nhưng đọc truyện Murakami có vài lần tôi thấy xấu hổ thật, vì giống như ông đang trỏ tay vào mặt tôi và lêu lêu: “Mi không biết chi về âm nhạc cả, cái đồ tầm thường.” Thế là tôi cũng cảm thấy ông Murakami có chút gì đó pretentious thật.
Tôi chột dạ nhìn lại bản thân, vì thấy mình cũng pretentious, nhất là khi nghe ai đó đã qua tuổi teen mà vẫn khen 50 sắc thái với Chạng vạng là tôi bĩu môi trong lòng. Nhưng giờ thì chỉ nói với họ là nếu có cơ hội đọc nhiều hơn, họ sẽ thấy một thế giới khác đẹp hơn thế giới trong những cuốn sách thành công về mặt thương mại nhưng có rất ít giá trị văn chương.
Từ khi nhận ra mình pretentious, tôi thấy nó tràn lan khắp nơi. Tôi vừa đọc một bài phỏng vấn một nhà văn trẻ, trong bài bạn kể tên một loạt nhà văn bạn từng đọc và yêu thích như: Marcel Proust, James Joyce, Nabokov, Oscar Wilde, Shakespeare… Nabokov, Oscar Wilde, Shakespeare là những cái tên quen thuộc nhưng Proust và Joyce là đô hạng nặng. Hai ông không phải là tác giả dành cho số đông. Người ta hay đùa với nhau: “Cuộc đời thì quá ngắn còn Proust thì quá dài.” Thế nên nếu ai đó nói họ đã đọc Proust và Joyce trong tiếng Anh thì tôi xin kính họ một lạy (vì tôi được biết cuốn sách In Search of Lost Time 4.215 trang của Proust mới được dịch sang tiếng Việt một phần nhỏ, còn cuốn nổi tiếng nhất của Joyce là Ulysse thì chắc còn khuya).
Thế nên sau khi kính bạn nhà văn này một lạy, tôi vào tìm Facebook của bạn và thấy rất nhiều bài viết bình về văn, thơ, nhạc, phim. Trong một bài viết bình phim, tôi đếm được 20 tên đạo diễn bạn liệt kê, trong đó có 18 vị tôi không biết tên vì tôi không xem phim nhiều. Những bài viết ngôn từ rất êm và mượt nhưng tôi không hiểu mô tê gì. Trong tôi lại trào lên cảm giác khi đọc truyện nhạc jazz của ông Murakami. Phía dưới rất nhiều like, rất nhiều share, rất nhiều comment.

Tôi nghĩ chẳng lẽ thơ ca phim ảnh (nghệ thuật nói chung) có thể cao vời đến mức nó chỉ là đặc quyền của một nhóm người để bình và hiểu? Rằng những người như tôi (ngoại đạo nhưng có một mức cảm thụ nghệ thuật trung bình) không thể nào cảm nổi? Tôi không tin. Khoa học, triết học - khó cảm hơn nghệ thuật gấp nhiều lần - vẫn có thể được dịch ra ngôn ngữ bình dị (như cuốn triết học Thế giới của Sophie hay những bài giải thích về vũ trụ của nhà vật lý Brian Greene). Tôi tin người ta không cần trang sức cho văn chương và nghệ thuật với lớp xiêm y ngôn từ bóng bẩy, để chúng nghe có vẻ “văn chương” và “nghệ thuật”. Tôi có cảm tưởng, bạn nhà văn – dù sở hữu kiến thức dày (với những cái tên nổi tiếng bạn dẫn ra và những bài viết thâm hậu của bạn) – có chút gì đó pretentious.
Đó cũng là lý do tôi không thích bài viết của các KOL trên mạng, vì bài viết của đa số họ, dù là chia sẻ cá nhân, vẫn mang vẻ không thực thà. Giống như họ đang cố phô ra tất cả những gì họ có (và lắm lúc phô hơn những gì họ có) cho đám đông của họ. Họ pretentious. Tôi tin khởi phát, trong lòng một người viết thực thà (hay người vẽ, người làm thơ…) có một nỗi niềm cần được giãi bày và họ chuyển hóa nó thành con chữ, thành hình vẽ, thành câu thơ. Sau khi tác phẩm hoàn thành, họ có nhu cầu chia sẻ cho công chúng. Nhưng nhu cầu chia sẻ là nhu cầu đến sau nhu cầu giãi bày. Thông thường chỉ những người làm marketing mới luôn giữ trong đầu một target audience (khách hàng mục tiêu). Họ viết cho target audience và cố làm mọi cách để gây ấn tượng với những người đó. Ở trong nghề marketing, tôi biết những người làm nghề này có thể pretentious đến mức nào.
Tôi nghĩ cuộc đời sẽ đẹp hơn khi nó thực thà và không diêm dúa. Nên văn chương và nghệ thuật hay những gì liên quan đến văn chương và nghệ thuật – vốn dĩ xuất phát từ cuộc đời – cũng nên thực thà và giản dị vậy. Hãy để văn chương và nghệ thuật tồn tại trước hết vì bản thân chúng và người sáng tạo ra chúng, hơn là vì ai đó ngoài kia. Như bạn tôi, một người chơi đàn hay và ca tình cảm, thường đàn hát một mình trong phòng và thi thoảng lắm mới đàn cho người khác cùng nghe.
Ưm, xin lỗi, nếu tôi có lỡ nghe pretentious.
Nguyễn Bích Trâm
-
Cafe sáng2 tuần ago
Du Xuân trong không gian văn hóa cùng Phương Nam
-
Cafe sáng1 tháng ago
Đón Lễ Hội – Nhạc Reo Vang
-
Cafe sáng1 tháng ago
Những điều bạn không nên bỏ lỡ khi đến Nhà Sách Phương Nam mùa Giáng Sinh này
-
Cafe sáng4 tuần ago
Không khí mua sắm cuối năm rộn ràng tại Nhà sách Phương Nam
-
Cafe sáng2 tháng ago
Đường sách Thành phố Cao Lãnh và những hứa hẹn
-
Cafe sáng3 tháng ago
Sự kiện tháng 11: Mừng sinh nhật Lotte Mart 14 tuổi
-
Cafe sáng1 tháng ago
RE-OPENING: Phương Nam Book Bình Dương Canary có gì mới?
-
Cafe sáng2 tuần ago
Nhà sách Phương Nam: Lịch hoạt động Tết Quý Mão 2023