Phía sau trang sách

Mekong và nỗi ám ảnh của các nhà thám hiểm Pháp

Published

on

Qua Con đường thủy vào Trung Hoa, tác giả Milton Osborne đã tái hiện lại hành trình khám phá Mekong vô cùng sống động của các nhà thám hiểm người Pháp, từ đó làm rõ động cơ, mục đích cũng như là những hoài nghi vẫn còn tồn đọng nhiều thế kỷ qua.

Tình hình Mekong trước chuyến thám hiểm

Là sử gia nổi tiếng chuyên nghiên cứu về khu vực Đông Nam Á, bằng 10 năm đọc và nghiên cứu gián đoạn, cũng như những chuyến du khảo tại vùng Đông Dương từ năm 1959, Osborne thông qua tài liệu lưu trữ cũng như ghi chép cá nhân của phi hành đoàn, đã viết nên một cuốn sách hấp dẫn và lý thú như hành trình vào vùng huyền bí của giáo sư Challenger trong tác phẩm nổi tiếng của Sir Arthur Conan Doyle.

Cuốn sách xoay quanh cuộc thám hiểm sông Mekong trong hai năm 1866-1868, được chính quyền thực dân Pháp ở Nam Kỳ phát động. Xuất phát vào ngày 5.6 tại Sài Gòn, đoàn thám hiểm gồm 5 thành viên, do Đại úy Ernest Doudart de Lagrée làm trưởng đoàn, sau đó là Trung úy Francis Garnier (phó đoàn). Thành viên bao gồm Louis Delaporte – nhà sử học nghệ thuật, Louis de Carné – nhân viên Bộ Ngoại giao và hai trợ lý y tế: Eugene Joubert (kiêm nhà địa chất học) và Clovis Thorel (kiêm nhà thực vật học).

6 thành viên của đoàn thám hiểm đang nghỉ ngơi trên các bậc thang của ngôi đền Angkor. Từ trái qua phải họ là: Lagrée, de Carné, Thorel, Joubert, Delaporte và Garnier. Ảnh: Émile Gsell.

Một trong rất nhiều điểm sáng của cuốn sách này là Osborne đã đưa ra những nhận định có phần bất ngờ về động cơ của cuộc thám hiểm. Trái với suy nghĩ số đông rằng sự can thiệp vào vùng Mekong của đế quốc Pháp phần lớn phụ thuộc vào mong muốn bành trướng thuộc địa, thế nhưng qua tác phẩm này, tác giả đã chứng minh điều hoàn toàn ngược lại.

Ông viết “lịch sử bàn cờ chính trị Pháp từ đầu thế kỷ 19 thường xuyên cho thấy các chính phủ kế tiếp nhau không sẵn sàng góp sức phát triển các mô hình thương mại ở xa.” Vì vậy khi Louis Napoleon lên nắm quyền năm 1848, thì việc mở rộng phạm vi hoạt động ở phương Đông bắt nguồn từ nhiều lý do hơn là ý định của một quân vương cách xa ngàn dặm.

Đầu tiên là các giáo sĩ thừa sai muốn chính phủ bảo vệ tu sĩ và tín đồ của họ, trong khi cánh sĩ quan hải quân thì mãi luôn tin nước Pháp phải có được những thành công không thể thua kém Anh Quốc ở mảng thuộc địa. Còn với bộ phận thương gia, đặc biệt là dân Lyon và Bordeaux, thì họ bực dọc vì Pháp không có trong tay nơi nào sánh được với Singapore và Hồng Kông như của Anh Quốc.

Điều này cũng được khẳng định khi Osborne nhấn mạnh vào sự chần chừ của Thống soái Nam Kỳ để phê duyệt cho cuộc hành trình, vì không một ai có thể chắc chắn về mục đích cuối để khám phá Mekong. Vì vậy theo Osborne, chuyến đi tìm thượng nguồn sông Mekong chủ yếu bắt nguồn từ các cá nhân, mà cụ thể là Francis Garnier – phó đoàn – người mang tinh thần dân tộc đến mức cực đoan, với việc giơ cao lá cờ tam tài cho một thời đại của mission civilisatrice (sứ mệnh khai hóa văn minh).

Đoàn thám hiểm hạ trại trước một chuỗi ghềnh trên đất Lào. Tranh của Louis Delaporte.

Trước đó, Mekong cũng đã được nhiều nhà thám hiểm để mắt quan tâm. Trong khi nhà thám hiểm người Pháp Henri Mouhot phải dựa vào Anh để tìm ra được thành quách của Angkor Wat, thì sĩ quan quân đội người Anh McLeod cũng đã thám hiểm sông Salween dọc theo biên giới Thái Lan, được coi như là dấu hiệu cho sự cạnh tranh cũng như tham vọng của phía đối địch.

Osborne cũng đã khẳng định gần 300 năm từ khi giáo sĩ người Bồ Đào Nha Da Cruz lần đầu viết về Mekong, thì hiểu biết của châu Âu vẫn chẳng tiến bộ bao nhiêu. Ông cũng ví họ chỉ như “những vật ký sinh trên cơ thể chính trị của khu vực này.”

Vì vậy công cuộc thám hiểm vào năm 1866 chính là cơ hội phục thù cho những sự thiếu hiểu biết nói trên. Giờ đây mục tiêu tối hậu là việc trả lời câu hỏi về nguồn gốc con sông, cũng như tiềm năng của bản thân nó trong vấn đề kinh tế.

Để giải quyết được vấn đề này, chính phủ Pháp tại Nam Kỳ đã hướng các nhà thám hiểm đến và thâm nhập vào những vùng đất từng giàu có và thịnh vượng trong quá khứ, từ đó tạo mối nối kết thương mại có lợi giữa chúng với vùng thuộc địa mới thành lập gần cửa sông Mekong.

Mục tiêu chính của cuộc thám hiểm là thu thập các tài liệu khoa học, lập bản đồ, xúc tiến ngoại giao và đánh giá khả năng giao thông của dòng sông để liên kết các khu vực đồng bằng Nam Kỳ, cảng Sài Gòn với vùng Thượng Xiêm (ngày nay là Thái Lan) và miền nam Trung Quốc. Tham vọng của chính quyền Pháp là tạo dựng ra một trung tâm thương mại thành công ở Sài Gòn, tựa như người Anh đã thực hiện kiểm soát Thượng Hải ở cửa sông Dương Tử.

Bìa sách Con đường thủy vào Trung Hoa. Ảnh: Phương Nam Book

Hành trình sống động

Bằng các ghi chép và những thư từ của năm thành viên, Osborne đã dựng nên một câu chuyện có phần hấp dẫn như cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Corcoran. Trên đường đi, đón chờ đoàn thám hiểm là những thử thách tưởng như không thể vượt qua. Bằng các hình ảnh được họa lại bởi Louis Delaporte và ghi chép của Francis Garnier (mà mấy năm trước tác phẩm Hành trình thám hiểm Đông Dương đã được ra mắt độc giả Việt Nam), Osborne đã cho thấy được không khí ảm đạm, biệt lập của vùng Kratie – tiền đồn xứ Campuchia.

Liền ngay sau đó là các ghềnh thác liên tục trải dài, ngăn cản bước tiến của đoàn thám hiểm. Từ việc phải chèo ngược dòng trên thuyền độc mộc với quân số hậu cần và trang thiết bị quá lớn, đến việc gặp phải “thác Niagara” hình bậc thang Khone ở Nam Lào… tất cả càng làm cho tình thế của đoàn thêm khó khăn hơn.

Đoàn thám hiểm phải luân chuyển liên tục giữa thuyền độc mộc và phu thồ do mực nước chênh lệch. Tranh của Louis Delaporte.

Osborne cũng đào rất sâu vào sự kiềm chế trong các trang viết của từng thành viên để tạo nên một tác phẩm thật sự chân thực. Ông đã xoáy sâu vào các cáo buộc chống đối lẫn nhau giữa các nhà thám hiểm, để thấy đây cũng đồng thời là một nguyên nhân góp phần vào khó khăn chung.

Đó là tính cách có phần đối nghịch giữa trưởng đoàn Lagrée và phó đoàn Garnier, hay giữa Garnier và de Carné mới hơn 20 tuổi một chút. Cộng với những căn bệnh của miền nhiệt đới, vắt, đỉa, giày dép rách nát, thực vật dày đặc trên từng ngã đường… cũng đã bao phen làm họ nhụt chí.

Các loài lan bản địa do Louis Delaporte ghi lại. Tranh của Louis Delaporte
Pháo hoa tại Bassac khi đoàn thám hiểm đến đúng vào dịp Lễ hội Té nước. Tranh của Louis Delaporte.

Đó cũng còn chưa tính đến việc quay trở lại cũng như tách đoàn rất nhiều lần khi chưa có giấy phép để vào Trung Hoa. Ở Miến Điện, họ phải đối mặt với cơ chế chính trị không thật rõ ràng, khi các lực lượng thay nhau nắm quyền. Ở Trung Quốc, tình hình tương tự cũng đã xảy ra ngay tại Vân Nam với cuộc nổi dậy của người Hồi và nạn dịch tả, cùng cái lạnh ở Côn Minh, nạn thảo khấu ở Kiến Thủy…

Thế nhưng chính bằng tuyên ngôn “những điều chưa biết thật hấp dẫn không thể cưỡng lại được”, “quốc gia nào không có thuộc địa thì xem như chết rồi”, “chúng ta đang tiến hành giáo dục về chính trị và tinh thần cho một dân tộc được Thượng Đế giao phó”… thì họ đã dũng cảm ở lại và đạt được các kết quả ấn tượng trong việc ghi nhận dữ liệu về ngôn ngữ, tìm kiếm khoáng vật, cây cỏ, dược liệu cũng như tính chất Phật giáo. Đây được đánh giá là một trong những hồ sơ chi tiết nhất trong cuộc thám hiểm Đông Dương thế kỷ 19.

Mang góc nhìn Tây phương, thế nhưng Osborne cũng rất trung dung khi không áp đặt mang tính “bề trên” đối với vùng đất từng bị phương Tây khước từ. Trong tác phẩm này, ông vẫn thuật lại những sự mê mẩn của đoàn thám hiểm với Bassac trong mùa lễ hội đua ghe ngo, với pháo hoa, rượu và những người dân bản địa thân thiện.

Ở Luang Prabang thuộc Lào, ông cũng kể lại những nhà thám hiểm đã nhìn ra những “con người hoang dã cao quý” ở đây. Họ được đón nhận và tiếp đãi tương đối hồn hậu trong những mảnh đất vẫn còn đặt dưới sức ảnh hưởng của vua Norodom I của Thái Lan bấy giờ, tại các địa điểm như Bassac hay Ubon. Dẫu vậy là người ngoại quốc, họ cũng không thiếu những sự định kiến.

Chân dung nhóm thám hiểm còn sống sót cùng toán lính hộ tống tại Hán Khẩu (Trung Quốc) vào tháng 6-1968. Tranh của Louis Delaporte.

Cũng như trong cuốn Khoái khẩu và Khát vọng của Erica J. Peters, Osborne cho thấy những người ngoại quốc cũng nhìn vùng đất mới này với một nhãn quan thiếu sự đứng đắn. Thay vì tìm hiểu văn hóa, họ vẫn còn đó cách nhìn dâm dục đối với phụ nữ, lấy trộm sách thiêng ở chùa Wat Si Saket và biện hộ nó bằng sự nhân danh khoa học. Họ cũng châm biếm “vua” của các tiểu quốc hay là chư hầu với những bộ trang phục lộng lẫy. Họ cũng coi người bản xứ là lười biếng và không đáng tin… Thế nhưng cuối cùng thì đây lại là những người giúp đỡ họ trong hành trình.

Và tuy cuối cùng họ phải dừng lại ở Vân Nam, thế nhưng 4.000 dặm đường đất chưa từng khảo sát đã được ghi lại, cũng như dòng chảy Mekong đã được xác nhận, không còn kỳ bí. Bên cạnh đó nhờ Garnier, thì tiềm năng của sông Hồng trong việc kết nối với Trung Quốc cũng được nhìn thấy, dẫn đến hành động khiêu khích của Pháp tại Hà Nội vào năm 1873.

Tác giả Milton Osborne. Ảnh: Sydney Institute

Phần cuối tác phẩm, Osborne cũng viết về cái kết buồn của những con người mang nhiều lý tưởng, trong đó có cả bi kịch của Francis Garnier. Theo đó mẫu quốc tỏ ra thờ ơ với các kết quả của cuộc khảo sát Mekong, biên bản dày hơn ngàn trang chỉ bán được chưa đến 10 bộ cho các cơ quan chính phủ. Trong khi đó, Garnier chỉ được tôn vinh bằng một giải thưởng chung chung của Hội Địa Lý.

Quãng thời gian đó cũng chính là lúc chiến tranh Pháp – Phổ manh nha nổ ra, và uy tín của Garnier xuống cấp trầm trọng trong việc bị cho là giành danh tiếng của vị trưởng đoàn giờ đã qua đời. Cuối cùng ông đã trở lại Hà Nội lần nữa, và chờ đón ông chính là cái chết. Cho đến sau rốt, những người thám hiểm vẫn chỉ là những con chốt trên một bàn cờ chính trị, chịu sự lãnh đạm, bỏ mặc và quay lưng của mẫu quốc.

Bằng các tài liệu vô cùng thú vị cũng như xác đáng, Milton Osborne đã tạo nên một cuốn sách ấn tượng, cuốn hút như khi đang đọc một cuốn tiểu thuyết. Từ đó tình hình chính trị – xã hội ở các nước dọc bờ Mekong, cũng như tham vọng chính trị của đế quốc Pháp cũng được vén màn. Nhưng quan trọng nhất đó là hào quang sẽ luôn đi kèm cùng với bi kịch, và đây chính là áng văn dùng để ngợi ca những nỗ lực ấy.

Nguồn: Người Đô Thị | Minh Anh

Phía sau trang sách

Cánh cửa mở vào nội tâm của Maupassant

Published

on

By

Cùng với Chekhov, Guy de Maupassant từ lâu đã được suy tôn là “bậc thầy của thể loại truyện ngắn”. Điều này không chỉ bởi văn phong độc đáo, mà còn nằm ở sự đa dạng về thể loại. Trong đó Horla và những truyện ngắn khác ra mắt gần đây chính là minh chứng cho nhận định này.

Tuy chỉ viết trong vỏn vẹn có 4 thập kỷ, nhưng những di sản mà Maupassant để lại là tương đối lớn. Ông nổi tiếng nhất với các tiểu thuyết cũng như truyện ngắn mang tính hiện thực, hài hước, lãng mạn, như những tập truyện Sáng trăng, Nơi nhà người bạn

Nhà văn nổi tiếng Guy de Maupassant

Nhưng ít người biết ông cũng bén duyên với thể loại kinh dị, và nó cũng truyền cảm hứng cho nhiều tác giả sau này, trong đó có H.P.Lovecraft với Lời hiệu triệu của Cthulhu. Vừa mới ra mắt trong thời gian qua, Horla và những truyện ngắn khác tập hợp 5 tác phẩm có màu sắc kinh dị, siêu nhiên, được Maupassant viết trải dài từ năm 1875 – 1890.

Trí tưởng tượng phong phú

Trong tập truyện Horla và những truyện ngắn khác, bạn đọc có thể thấy rõ 2 giai đoạn mà Maupassant tiến hành tiếp cận thể loại kinh dị. Trong 3 truyện ngắn được viết sớm nhất là Bàn tay bị lột da (1875), Hắn? (1883) và Nỗi sợ (1884), ta đơn thuần thấy đây là một tác phẩm ẩn chứa yếu tố siêu nhiên mà vị tác giả cố gắng khai thác.

Chúng đơn giản xoay quanh những nỗi ám ảnh mà các cá nhân yếu bóng vía hay là nhạy cảm thường cảm nhận được. Chẳng hạn như trong truyện Hắn?, một người đàn ông vì bị ám ảnh bởi một bóng ma trong căn phòng của mình mà đã cưới lấy một người vợ mới, hay ở Nỗi sợ, chỉ vì trên tuyến tàu lửa khi nhìn thấy có 2 người đàn ông xuất hiện trong khu rừng vắng, mà nhân vật chính bỗng dưng cảm thấy trong mình trỗi dậy nỗi sợ chỉ vì không thể lý giải được động cơ của câu chuyện ấy…

Horla và những truyện ngắn khác là tác phẩm mới từ Maupassant

Đây đều là các nhân vật hoàn toàn tỉnh táo, họ nhận thức được những gì xảy ra và khó có thể nói họ có vấn đề riêng về tâm lý. Và vì tính hiện thực đó, Maupassant qua các tác phẩm cũng gửi gắm được bài học của mình. Chẳng hạn trong truyện Bàn tay bị lột da, thông qua nhân vật Pierre B. – một sinh viên trường luật, người xuất thân từ một trong những gia đình danh giá nhất xứ Normandie – ông đã cho thấy chỉ vì chính thói hư vinh cũng như trưởng giả mà y đã mạo phạm đến một phần thân thể của vị phù thủy, từ đó phải chịu cái chết có phần đau đớn.

Hay trong Nỗi sợ, Maupassant cũng khẳng định “cùng với những điều siêu nhiên, nỗi sợ hãi đích thực đã biến mất khỏi hành tinh này, bởi con người ta chỉ thực sự sợ những gì nằm ngoài tầm hiểu biết của mình”. Câu nói này như đại diện cho tất cả những gì ông muốn nhắm tới, về sự nhỏ bé và đầy mông muội của con người với những kỳ bí chưa được lý giải.

Như vậy những tác phẩm này đều được viết bởi một Maupassant khách quan, đứng ở bên ngoài, từ đó đưa ra những lời lý giải hoàn toàn hợp lý. Thế nhưng ở 2 truyện sau là Horla viết năm 1887 và Ai mà biết được? viết năm 1890, thì ta lại thấy có phần ngược lại, khi chính nhà văn dường như không thể thoát được cái bóng của bản thân mình.

Bi kịch của Maupassant

Hai truyện ngắn này có được điểm chung khi nhân vật chính đều là người đàn ông rơi vào loạn trí. Nhân vật chính này đã từng không dưới một lần thừa nhận chính mình như có đến 2 bản thể cùng nhau tồn tại. Một bên kêu gào giữ lại lý trí, trong khi phía còn lại đòi hỏi rất nhiều hành động mang tính tàn phá.

Sự chia đôi này gợi ta nhớ đến trường hợp của bác sĩ Jekyll và ông Hyde tương đối kinh điển trong tác phẩm nổi tiếng của Stevenson. Như vậy chủ đề của Maupassant đã chuyển từ những nỗi sợ tương đối hữu hình thành ra vô hình và khó lý giải, khi được bao bọc bởi những vấn đề có liên quan đến thần kinh cũng như tinh thần.

Tình tiết của những câu chuyện cũng khó nắm bắt. Ở Ai mà biết được?, đó là một người gần như điên loạn bởi sự xuất hiện và rồi biến mất của những vật dụng ngay trong nhà mình một cách liên tục. Còn ở Horla, đó là một sinh vật gần như trong suốt, thứ được nuôi sống bằng sữa và nước, luôn luôn theo dõi vật chủ mà nó bám theo, từ đó khiến họ “sống không bằng chết”.

Maupassant và những ám ảnh tâm trí của bản thân mình

Theo Charlotte Mandell – dịch giả của truyện ngắn này cho nhà xuất bản Melville House, thì “horla” là từ ghép của “hors” (“bên ngoài”), và “la” (“ở đó”). Vì vậy “horla” có nghĩa là “người ngoài cuộc”, “người bên ngoài”, và có thể được dịch theo nghĩa đen là “cái gì ở ngoài đó”. Thế nhưng cũng có những lý giải khác, khi nhiều người xem đây là một sự kết hợp của cụm “hors-la-loi” (tức “ngoài vòng pháp luật”) và “horsain” (có nghĩa là “thứ lạ lùng”).

Thế nhưng dù có là gì, thì Maupassant như đang cảm nhận những nỗi ám ảnh đến từ sâu hơn và khó lý giải hơn. Xét về bối cảnh của chính tác giả, thì những truyện này tương đối trùng khớp với thời kỳ mà ông có những dấu hiệu đầu tiên của chứng điên loạn, khi ông xuất hiện nhân cách kép và ngày càng gặp nhiều ảo giác do bệnh giang mai. Một năm sau đó, vào năm 1891, ông có dấu hiệu của chứng hoang tưởng.

Có thể là bởi xuất phát từ những trải nghiệm chính ông kinh qua, nên 2 truyện này trở nên chân thật và đầy ám ảnh đối với người đọc. Nếu được viết từ một người tỉnh táo, thì đây chính là tài năng của sự tưởng tượng. Nhưng với Maupassant thì đó là nỗi đau và sự sợ hãi mà bản thân ông mong muốn giải bày thông qua việc viết.

Như vậy đi từ mục đích sáng tạo ở buổi ban đầu, Maupassant dần dần chuyển sang hành động kể lại điều đã trải qua, và làm sáng tỏ chứng bệnh tâm lý mà thời kỳ đó còn bị che khuất bởi những định kiến mà những quan điểm mang tính thủ cựu. Có thể nói Horla và những truyện ngắn khác không chỉ mở ra cánh cửa khám phá một Maupassant rất khác, mà có thể nói cũng đã góp phần giúp ta hiểu được những gì đã từng xảy đến với một trong những nhà văn lớn của nhân loại.

Anh Đoàn

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Tư duy tích cực tạo thành công: Chìa khóa dẫn đến sự thịnh vượng

Published

on

Tác phẩm Tư duy tích cực tạo thành công của Napoleon Hill và William Clement Stone là một cẩm nang hữu ích cho bất kỳ ai muốn đạt được thành công trong cuộc sống. Cuốn sách không chỉ cung cấp những nguyên tắc và chiến lược hiệu quả để phát triển bản thân mà còn truyền cảm hứng giúp người đọc có một thái độ tích cực hơn trong cuộc sống.

Tư duy tích cực tạo thành công là một tác phẩm kinh điển về chủ đề phát triển bản thân, đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên khắp thế giới kể từ khi xuất bản lần đầu tiên vào năm 1959, khẳng định vị trí là một trong những tác phẩm self-help bán chạy nhất mọi thời đại. Cuốn sách vén màn bí mật về sức mạnh của tư duy tích cực, giúp người đọc khai phá tiềm năng bản thân và đạt được những thành tựu phi thường trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Tìm kiếm hình mẫu thành công làm ngọn đuốc soi sáng

Để có thêm động lực và định hướng rõ ràng cho bản thân, tác giả gợi ý rằng người đọc có thể xây dựng cho riêng mình một hình mẫu thành công từ những câu chuyện về người thật, việc thật trong sách báo. Khi dành thời gian tìm hiểu về hành trình của họ, những khó khăn họ đã trải qua và cách họ vượt qua những thử thách đó, ta sẽ có thể biến kinh nghiệm của họ trở thành ngọn đuốc soi sáng cho con đường của chính mình.

Bên cạnh đó, người đọc còn có thể chọn một bức ảnh có ý nghĩa đặc biệt với mình để đặt câu hỏi khi nhìn bức ảnh đó rồi lắng nghe câu trả lời từ chính tâm thức bật ra. Bức ảnh ấy có thể là hình ảnh về mục tiêu ta muốn đạt được, về một giá trị sống mà ta trân trọng, hoặc đơn giản là một khoảnh khắc đẹp trong cuộc sống. Chẳng hạn, nếu người đọc muốn mua nhà nhưng chưa có đủ tài chính thì có thể chọn bức ảnh về một mái ấm khang trang để ngắm nhìn và tự đặt câu hỏi rằng mình phải làm gì để đạt được số tiền sở hữu căn nhà đó. Không phải lúc nào câu trả lời cũng đến ngay lập tức, nhưng việc cụ thể hóa mục tiêu bằng một hình ảnh rõ ràng sẽ giúp người đọc tăng cường ý chí nỗ lực.

Ngoài ra, niềm tin chính là nguồn động lực mạnh mẽ giúp mỗi người vượt qua mọi khó khăn và chinh phục mục tiêu. Trong Tư duy tích cực tạo thành công, có một công thức thường được lặp lại nhiều lần để người đọc ghi nhớ là: “Khi con người người nghĩ đến và tin tưởng vào điều gì, họ sẽ có thể đạt được điều đó với thái độ tích cực.” Đây cũng là một biện pháp tự truyền cảm hứng.

Hai mặt của tình thế bức bách: Thành công hay tội ác?

Tư duy tích cực tạo thành công nhấn mạnh tầm quan trọng của tính lương thiện trong hành trình chinh phục thành công. Cuốn sách khẳng định rằng thành công đích thực không chỉ dựa trên kết quả mà còn phải dựa trên phương tiện đạt được kết quả đó. Một người có thể đạt được thành công bằng mưu mô, thủ đoạn, nhưng đó chỉ là thành công giả tạo, thiếu bền vững và không mang lại hạnh phúc thực sự.

Ngoài ra, tác giả cũng bàn về vai trò của tình thế bức bách: nó như một con dao hai lưỡi, có thể đưa con người đến đỉnh cao thành công hoặc vực sâu tội ác. Tình thế bức bách là phép thử cho bản lĩnh, đạo đức và thái độ của mỗi cá nhân. Khi đó, thành công hay thất bại đều tùy thuộc vào thái độ:

Thái độ tích cực: Khi đối mặt với nghịch cảnh, người có thái độ tích cực sẽ biến nó thành cơ hội để học hỏi, rèn luyện và phát triển bản thân. Họ kiên trì nỗ lực, tìm kiếm giải pháp sáng tạo và không bao giờ bỏ cuộc. Nhờ vậy, họ có thể vượt qua mọi khó khăn và gặt hái thành công.

Thái độ tiêu cực: Ngược lại, người có thái độ tiêu cực sẽ dễ dàng gục ngã trước nghịch cảnh. Họ chìm trong lo âu, sợ hãi, nghi ngờ bản thân và tìm kiếm lối thoát bằng những hành vi sai trái. Hậu quả là họ đánh mất bản thân, vướng vào vòng xoáy tội ác và tự hủy hoại cuộc đời.

Từ đó, cuốn sách đưa ra hai công thức đơn giản nhưng đầy ý nghĩa:

Tình thế bức bách + Thái độ tích cực = Thành công
Tình thế bức bách + Thái độ tiêu cực = Tội ác.

Cân bằng cảm xúc, rèn luyện tư duy và đặt mục tiêu hiệu quả

Cảm xúc và lý trí đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống, mỗi người cần học cách cân bằng hai yếu tố này để đưa ra những quyết định sáng suốt. Đôi khi, ta cũng nên lắng nghe tiếng nói con tim và hành động theo những gì mình mong muốn. Chẳng hạn, khi phải lựa chọn giữa một công việc ổn định và theo đuổi đam mê, ta cần cân nhắc kỹ lưỡng cả hai yếu tố cảm xúc và lý trí: ta thường dùng lý trí để đánh giá khả năng thực tế của bản thân, nhưng cũng đừng quên lắng nghe tiếng nói con tim.

Bên cạnh đó, tác giả cho rằng mỗi ngày, chúng ta chỉ cần dành 1% thời gian để nghiên cứu, suy nghĩ, lập kế hoạch là đã có nhiều cơ may tạo ra sự khác biệt để vươn đến thành công. Theo ước tính, một ngày có 1440 phút, 1% sẽ tương ứng với 14 phút. Trong 14 phút đó, nếu ta chú tâm suy nghĩ kế hoạch cho những gì mình muốn làm, ta sẽ dần hình thành được thói quen có thể suy nghĩ sáng tạo mọi lúc, mọi nơi: khi rửa chén, lúc ngồi trên xe bus, hay thậm chí là khi đang tắm.

Ngoài ra, đặt mục tiêu là bước đầu tiên và quan trọng nhất trên kế hoạch chinh phục thành công. Mục tiêu rõ ràng sẽ giúp bạn tập trung nỗ lực, đưa ra quyết định sáng suốt và duy trì động lực để đạt được ước mơ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách đặt mục tiêu hiệu quả. Dưới đây là bốn điều quan trọng cần ghi nhớ khi đặt mục tiêu:

1. Viết mục tiêu ra giấy: Khi viết mục tiêu ra giấy, bạn sẽ buộc bản thân phải suy nghĩ cẩn thận về những gì mình muốn đạt được. Việc này giúp bạn tập trung và ghi nhớ mục tiêu tốt hơn.

2. Đặt mốc thời gian: Mốc thời gian giúp bạn chia mục tiêu lớn thành những mục tiêu nhỏ hơn, dễ quản lý hơn. Việc này giúp bạn có động lực để hoàn thành từng bước và tiến đến mục tiêu cuối cùng.

3. Đặt tiêu chuẩn thật cao: Khi đặt tiêu chuẩn cao, bạn sẽ buộc bản thân phải nỗ lực hết mình và phát huy tiềm năng tối đa.

4. Đặt mục tiêu cao: Mục tiêu cao sẽ giúp bạn có tầm nhìn xa và thúc đẩy bạn không ngừng phát triển.

Nhìn chung, Tư duy tích cực tạo thành công đã mang đến cho người đọc những bài học quý giá về sức mạnh của tư duy tích cực trong việc gặt hái thành công và hạnh phúc. Hãy nhớ rằng, thành công không phải là đích đến mà là hành trình. Hành trình chinh phục thành công bắt đầu từ việc nuôi dưỡng tư duy tích cực. Ta cần tin tưởng vào bản thân và những điều kỳ diệu mà cuộc sống có thể mang lại. Từ đó, ước mơ sẽ thành hiện thực bằng chính những hành động mà ta lựa chọn ngay từ hôm nay.

Hoàng Đức Nhiên

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Tình yêu đích thực từ góc nhìn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Published

on

Trong vô vàn những định nghĩa về tình yêu, quan điểm của Thiền sư Thích Nhất Hạnh về “tình yêu đích thực” được trình bày trong cuốn tiểu luận True Love đã mang đến một sự giản dị, mộc mạc nhưng lại ẩn chứa sức mạnh lay động tâm hồn sâu sắc.

Tình yêu là một trong những chủ đề muôn thuở của nhân loại, luôn ẩn chứa sức hút mãnh liệt và khơi gợi những cảm xúc dạt dào. Nhưng không phải ai cũng hiểu được bản chất của tình yêu. Trong True Love, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã kể lại câu chuyện Thiếu phụ Nam Xương, rồi từ đó rút ra một kết luận mà thoạt nghe sẽ có vẻ vô cùng đơn giản nhưng càng ngẫm nghĩ thì ta càng thấy sự đơn giản ấy chính là vẻ đẹp của minh triết.

Thông điệp ý nghĩa từ ba câu khẳng định trong tình yêu

Đối với thầy, câu chuyện Thiếu phụ Nam Xương có kết cuộc đau lòng là vì người chồng đã không chịu lắng nghe người vợ, anh cứ gạt phăng lời vợ nói, cơn nóng giận đã che mờ tình yêu và cả lí trí. Vợ anh cũng đã không cố gắng hơn để giải thích rõ ràng cho anh hiểu. Chính vì vậy, cả hai người đều không thực sự hiện diện khi ở trước mặt đối phương, họ ở đó nhưng không thực sự ở đó, mà ở trong khoảnh khắc khác, trong những chiều không gian khác. Bi kịch của họ đơn giản chỉ là như thế.

Từ đó, Thiền sư Thích Nhất Hạnh rút ra kết luận là tình yêu thực sự chỉ đơn giản nằm gói gọn trong ba câu sau đây: “Anh ở đây. Em ở đây. Và anh ở đây vì em.” (I’m here. You’re here. And I’m here for you.)

Câu khẳng định đầu tiên mang hàm ý rằng anh đang ở đây ngay giây phút này khi đối diện với em, bằng trăm phần trăm con người anh, không hề có sự tản mác, phân mảnh đi bất cứ nơi đâu. Một điều tưởng chừng đơn giản nhưng thực ra trong cuộc sống bộn bề lo toan này, việc một người có thể tập trung hoàn toàn tinh lực của mình khi đối diện trước một người mà không bị vướng bận tâm trí bởi điều gì khác cũng thật khó khăn.

Câu khẳng định thứ hai là sự tiếp nối ý từ câu đầu tiên. Anh ở đây, và em cũng đang ở đây. Anh ghi nhận sự tồn tại của em, em ghi nhận sự tồn tại của anh. Vì em cũng đang ở đây cùng anh trong giây phút này nên em không cô đơn, em không tản mác, em không phân mảnh.

Câu khẳng định cuối cùng là một sự quả quyết mạnh mẽ: Anh ở đây, anh dành hết trăm phần trăm sự tồn tại của mình ở đây là vì chính em, không vì ai khác cả. Vậy nên, em có thể yên tâm mà thổ lộ tất cả mọi điều với anh, vì trong giây phút này, hai ta đều cùng hiện diện.

Thông qua đó, ba câu khẳng định này có thể diễn dịch lại thành thông điệp phổ quát như sau:

“I’m here”: Khẳng định sự hiện diện trọn vẹn của bản thân, tập trung toàn bộ sự chú ý và tinh thần vào người mình yêu thương. Trong cuộc sống bận rộn, việc dành trọn vẹn tâm trí cho đối phương là điều không dễ dàng, nhưng lại vô cùng quan trọng để xây dựng một mối quan hệ bền vững.

“You’re here”: Ghi nhận sự tồn tại của đối phương, trân trọng và thấu hiểu cảm xúc, suy nghĩ của họ. Khi cả hai cùng “ở đây”, họ sẽ cảm nhận được sự kết nối sâu sắc, chia sẻ và đồng hành trong từng khoảnh khắc.

“And I’m here for you”: Thể hiện sự cam kết, dành trọn vẹn tình yêu và sự quan tâm cho người mình yêu thương. Lời khẳng định này mang đến sự an toàn, tin tưởng và là động lực để cả hai cùng vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.

Ba câu khẳng định tưởng chừng đơn giản nhưng lại là chìa khóa cho một tình yêu đích thực. Khi cả hai cùng thực hiện được điều này, họ sẽ tạo dựng được một mối quan hệ bền chặt, hạnh phúc và viên mãn.

Chìa khóa cho một mối quan hệ tốt đẹp

Để thực sự “ở đây”, mỗi người cần học cách chánh niệm, tập trung vào hiện tại, gạt bỏ những lo toan, phiền muộn và dành trọn vẹn sự chú ý cho đối phương. Khi ta thực sự “ở đây”, ta sẽ cảm nhận được trọn vẹn vẻ đẹp của người mình yêu thương, thấu hiểu những cảm xúc và suy nghĩ của họ. Tình yêu đích thực không chỉ là những khoảnh khắc lãng mạn, mà còn là sự cam kết và hy sinh cho nhau. Khi yêu thương ai đó, ta sẵn sàng dành thời gian, tâm sức và cả những hy sinh để cùng nhau xây dựng hạnh phúc.

Giao tiếp là yếu tố quan trọng trong bất kỳ mối quan hệ nào. Lắng nghe cởi mở và thấu hiểu là cách để hai người kết nối tâm hồn, chia sẻ những cảm xúc, suy nghĩ và vun đắp tình cảm ngày càng sâu sắc.

Tình yêu đích thực không phải là điều viển vông hay khó kiếm tìm. Nó ẩn chứa trong chính những khoảnh khắc bình dị của cuộc sống, chỉ cần ta biết trân trọng và gìn giữ. Ba câu khẳng định của Thiền sư Thích Nhất Hạnh là lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng sâu sắc về cách để vun đắp và nuôi dưỡng một tình yêu thương bền chặt, viên mãn.

Hoàng Đức Nhiên

Đọc bài viết

Cafe sáng