Trà chiều

Đừng nhờn với văn nhân!

Published

on

Vì khi những con người văn hay chữ tốt ấy nổi máu cục súc lên, tất cả những gì bạn có thể làm là im lặng nghe và chịu trận.

1. Bức thư nửa nạc nửa mỡ, khịa như không khịa của John Steinbeck

Tương truyền rằng, sau khi vở kịch Của chuột và người (do đạo diễn George Kaufman chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của John Steinbeck) chiến thắng giải thưởng của Hiệp hội Phê bình Kịch New York, Steinbeck đã gửi đi bức điện tín với nội dung lược dịch như sau (bản dịch giữ nguyên phong cách ngắt câu của ông):

Các quý ông thân mến: Tôi đây lúc nào cũng coi giới phê bình là kẻ thù tự nhiên của tác gia và giờ thì tôi cảm thấy hơi quan ngại khi phải hòa hợp với bầy sói sự nhiễu loạn cân bằng tự nhiên này sẽ tạo điều kiện cho một bầy biên kịch gia sinh sôi tôi rất chi là vinh hạnh khi đón nhận đánh giá tích cực của quý vị nhưng sự tự mãn của tôi đã tiêu tan bởi nỗi hoài nghi len lỏi rằng George Kaufman và dàn diễn viên mới là những người xứng đáng được khen ngợi hơn cả tôi. Tuy thế tôi vẫn đứng ra lãnh trách nhiệm nói lời cảm ơn quý vị.

John Steinbeck

*

Dĩ nhiên Hiệp hội Phê bình Kịch New York chẳng mấy vui vẻ gì. John Steinbeck lại hoàn toàn bất ngờ trước phản ứng này; ông phàn nàn với đại diện phát hành của mình rằng: Bức điện tín này có vấn đề gì sao? Tôi thấy nó ổn mà, tại sao các người lại cảm thấy ngượng mặt thay tôi vậy?

Chuyện còn chưa chấm dứt ở đó. Sau khi Chủ tịch Hiệp hội Phê bình Kịch New York gửi thư chúc mừng riêng kèm bằng khen chứng nhận, John Steinbeck bèn phúc đáp như sau:

“Một lần nữa tôi cảm ơn Hiệp hội. Tôi thích nghĩ rằng, mọi tình huống đều tồn tại một lối ứng xử lý tưởng. Tôi chưa bao giờ rơi vào trường hợp như thế này. Nhưng hẳn tôi còn nhớ bài diễn văn cảm kích do một tay đua phát biểu tại bữa ăn tối, khi anh ta vừa được trao một đôi cựa bạc cho chức vô địch giải xẻo tai và thiến bê. Đón nhận sự cổ vũ nồng nhiệt, tay đua ấy đứng lên, mặt đỏ dữ dội và phát biểu như sau – “Ow shit, mấy đứa ơi – Chúa ơi – ồ tại sao – chết tiệt – ôi! thôi bỏ mẹ nó đi,” và rồi ngồi xuống trước những tràng vỗ tay đầy phấn khích. Ngài đương nhiên nhận ra rằng, bố cục của bài diễn văn ngắn ngủi này chứa đầy đủ những yếu tố phi thường – mở bài, thân bài, kết bài, sự tự trào, chất lượng thăng hoa ở phần giữa và kết thúc không phải với sự hoài nghi hay chủ bại mà là nhận ra rằng anh ấy không có bất cứ ngôn từ nào để diễn tả đúng đắn tâm trạng của mình.

.

.

.

Tấm bằng chứng nhận đẹp đó, và tôi rất tự hào khi sở hữu nó.

Trân trọng,

John Steinbeck

2. Những lời “tâm tình” Dazai Osamu dành cho Kawabata Yasunari

Mối ân oán giữa hai văn hào Kawabata và Dazai Osamu bắt nguồn từ việc chọn tác giả để trao giải thưởng văn học Akutagawa lần đầu tiên vào năm 1935. Dazai Osamu rất kỳ vọng vào tác phẩm “Hoa hề” của mình nhưng giải thưởng lại được trao cho Ishikawa Tatsuzo 石川 達三 (1905-1985).

Kawabata phê phán Dazai là “Tác phẩm phảng phất cái mùi của một cuộc sống hạ đẳng do đó khiến tôi thấy tiếc cho tài năng tác giả không được phát huy một cách đúng đắn” làm cho Dazai nổi trận lôi đình. Dazai lập tức viết bài phản kích đăng trên tạp chí “Văn nghệ thông tín”, phê phán lại cách sống của Kawabata qua tác phẩm “Cầm thú” và “Cô vũ nữ xứ Izu”.

Nguyên văn bức thư Dazai gửi Kawabata được trích từ tác phẩm Trăng cười – Tuyển tập truyện ngắn hiện đại Nhật Bản với sự đồng ý của Phương Nam Book.

*

Trên tạp chí “Văn nghệ xuân thu” (文藝春秋) số tháng 9, ông đã viết về tôi với những lời ác ý “…Quả thực, tác phẩm “Hoa hề” (道化の華) chứa đầy quan niệm văn học và cuộc sống của tác giả. Thế nhưng theo ý kiến của tôi, tác phẩm phảng phất cái mùi của một cuộc sống hạ đẳng do đó khiến tôi thấy tiếc cho tài năng tác giả không được phát huy một cách đúng đắn”.

Chúng ta đừng nói ra những lời dối trá tệ hại nữa. Khi đọc bài viết của ông ở nhà sách, tôi cực kỳ khó chịu. Những lời này khiến tôi nghĩ dường như ông đã tự mình quyết định giải thưởng Akutagawa nhưng đây không phải là văn chương của ông. Chắc chắn đây là thứ văn chương được viết bởi một người nào khác. Thậm chí ông còn nỗ lực để thể hiện ra điều đó.

“Hoa hề” là tác phẩm tôi viết cách đây ba năm vào mùa hè năm tôi hai mươi bốn tuổi. Chủ đề của tác phẩm là viết về biển. Tôi đã đưa cho bạn mình là Konkan Ichi, Ima Uhei đọc, khi ấy bản thảo hãy còn rất sơ sài so với bây giờ, hoàn toàn không có lời độc thoại của chàng trai là “tôi” trong đó. Tác phẩm thuần túy chỉ là một bản tóm lược mà thôi. Mùa thu năm đó, tôi mượn được quyển “Luận về Dostoyevsky” của Gide từ nhà thơ Akamatsu Gessen gần nhà để đọc. Quyển sách này gợi cho tôi nhiều suy nghĩ nên tôi đã mang tác phẩm “Biển” nguyên sơ chân chất đó chia nhỏ ra, để cho nhân vật nam là “tôi” xuất hiện tùy chỗ trong tác phẩm và ra uy với bạn bè rằng đây là tác phẩm Nhật Bản chưa từng có. Các bạn tôi như Nakamura Chihei, Kubo Ryuichiro rồi ngay cả tiên sinh Ibuse đều đọc qua tác phẩm và nhận xét rất hay. Ðược tiếp thêm sinh lực, tôi tiếp tục sửa chữa, xóa bỏ rồi viết thêm, viết lại sạch đẹp đến lần thứ năm tôi mới cẩn thận bỏ vào trong túi giấy cất cẩn thận nơi chỗ để chăn đệm. Vào dịp Tết năm nay bạn tôi là Dan Kazuo đọc được mới nói: “Cậu này, đây là kiệt tác đấy, thử mang gửi cho tạp chí văn học nào hay là mang thử đến chỗ ngài Kawabata Yasunari xem sao”. Cậu ấy nói nếu là ngài Kawabata chắc chắn sẽ hiểu được tác phẩm này đấy.

Lúc đó tôi đang bế tắc trong việc viết truyện, có thể nói là một cuộc hành trình với tâm thế sẵn sàng phơi thây ngoài nội cỏ vậy. Thế nên lời khích lệ đó làm tôi hơi phấn chấn.

Dù cho anh tôi la mắng thế nào mặc kệ, tôi chỉ muốn mượn năm trăm yên. Rồi quay trở về Tokyo với tâm niệm thử làm lại một lần nữa xem sao. Cũng nhờ bạn bè tận lực mà từ lúc này trở đi tôi nhận được của anh mình năm mươi yên mỗi tháng trong khoảng 2, đến 3 năm tới. Trong khi tôi cuống cuồng tìm nhà thuê thì cơn viêm ruột thừa phát tác phải nhập viện Shinohara ở Asahaya. Mủ tràn ra thành ruột, suýt chút nữa thì tiêu đời nhà ma. Tôi nhập viện vào ngày 4 tháng 4 năm nay. Nhà văn Nakatani Takao đến thăm nói tôi gia nhập trường phái lãng mạn Nhật Bản đi rồi thì hãy xuất bản “Hoa hề” như một món quà lưu niệm.

Chuyện là như thế. “Hoa hề” đến tay Dan Kazuo. Dan chủ trương là nên mang đến chỗ ngài Kawabata xem thử. Tôi đau đớn vì bụng mới mổ xong, không thể nhúc nhích được chút nào. Phổi tôi lại yếu đi. Tôi trải qua những ngày không tỉnh táo. Sau này vợ tôi nói lại với tôi là bác sĩ cũng không thể đảm đương trách nhiệm nữa rồi. Tôi nằm li bì trong bệnh viện cả tháng trời, ngay cả việc ngẩng đầu lên cũng phải gắng sức lắm mới được. Vào tháng năm tôi được chuyển sang bệnh viện nội khoa ở Kyodo, khu Setagaya. Tôi nằm ở đó hai tháng. Vào ngày một tháng bảy, cơ cấu bệnh viện thay đổi, toàn thể bác sĩ y tá bị thay thế, tất cả bệnh nhân phải rời đi. Anh tôi cùng với một người quen làm nghề thợ may tên là Kita Hoshiro bàn bạc và quyết định đưa tôi về Funabashi, tỉnh Chiba. Cả ngày tôi nằm dài mà ngủ trên chiếc ghế mây, buổi sáng và chiều thì đi dạo một chút. Cứ một tuần thì có bác sĩ từ Tokyo xuống khám một lần. Tình trạng đó kéo dài hai tháng, và đến cuối tháng 8 tôi đọc được tạp chí “Văn nghệ xuân thu” ở nhà sách, trong đó có bài viết của ông. Bài viết có những câu như “Tác giả phảng phất cái mùi của một cuộc sống hạ đẳng và vân vân…”. Sự thật là tôi vô cùng phẫn nộ. Mấy đêm liền không thể nào ngủ ngon giấc được cả.

Nuôi con chim nhỏ, đi xem ca múa thì cuộc sống cao sang quý phái à? Ðau lòng thì có, tôi nghĩ vậy. Ðại ác nhân. Nhưng lúc đó từ sâu thẳm trong mình tôi không ngừng cảm thấy một thứ tình yêu mạnh mẽ nóng bỏng mà cũ kỹ già nua của ông dành cho tôi như thể Nellie trong “Những kẻ tủi nhục” của Dostoyevski vậy. Không phải đâu. Không phải. Tôi lắc đầu. Tuy nhiên cái thứ tình ái quá khích và thác loạn kiểu Dostoyevski dù bên ngoài tỏ ra lạnh lùng của ông thiêu đốt cơ thể tôi. Và ông chẳng mảy may biết gì về điều đó.

Bây giờ tôi không muốn so sánh trí tuệ với ông làm gì. Trong bài viết của ông tôi cảm nhận được thế nào là “thế gian” và đã ngửi thấy cái mùi đau đớn của “quan hệ kim tiền”. Tôi chỉ muốn thông báo điều này cho hai, ba độc giả nhiệt thành mà thôi. Ðó là điều tôi phải nói. Chúng ta bắt đầu nghi ngờ vẻ đẹp đạo đức của sự nhẫn nhục phục tùng rồi nhỉ.

Tôi nghĩ đến quang cảnh Kikuchi Kan vừa mỉm cười nói “Thôi thế cũng tốt. Bình an vô sự là hay rồi” vừa lấy khăn tay mà lau mồ hôi trán mà cũng mỉm cười chơi thôi. Mọi chuyện như vậy biết đâu lại hay, tôi nghĩ thế. Tôi cũng cảm thấy hơi tội nghiệp cho Akutagawa Ryunosuke nhưng gì nhỉ, đây cũng là “thế gian”. Ông Ishikawa thì có cuộc sống nghiêm túc đàng hoàng rồi. Về điểm đó thì ông ta nỗ lực rất nghiêm túc và bền bỉ.

Chỉ có điều tôi cảm thấy đáng tiếc mà thôi. Kawabata đã cố gắng hết sức che đậy sự dối trá vô tình của mình nhưng vẫn bị phát hiện. Ðó là điều tôi không ngừng cảm thấy đáng tiếc. Cũng chẳng cần phải làm thế. Chắc chắn chẳng cần phải làm thế. Ông cần phải ý thức rõ ràng hơn nữa (trong cách cư xử) rằng một tác gia luôn luôn sống giữa sự ngu ngốc và bất toàn.

3. Mark Twain “bình” sách của Jane Austen

Trong lá thư gửi Joseph Twichell, ngày 13 tháng Chín năm 1898, Mark Twain viết:

“Tôi không có quyền chỉ trích sách, và tôi thường không làm như vậy trừ phi tôi ghét cay ghét đắng quyển sách kia. Tôi thường muốn chỉ trích sách của Jane Austen, nhưng sách của cô ta thường làm tôi tức đến mức tôi không thể che giấu cơn điên tiết này trước độc giả. Vậy nên mỗi lần cầm bút lên thì tôi lại phải thả xuống. Mỗi lần tôi đọc Kiêu hãnh và định kiến, tôi lại muốn đào cô ta lên từ dưới ba tấc đất, cầm xương ống chân của cô ta mà táng vào quả sọ.”

Từ một bài viết không đầy đủ của Twain, tiêu đề “Jane Austen”

“Mỗi khi tôi đọc Kiêu hãnh và định kiến hay Lí trí và tình cảm, tôi cảm thấy như một người bán hàng rong đang bước vào Cánh cổng Thiên đường. Ý tôi là, tôi đồng cảm với cảm giác khả dĩ của anh ta. Tôi khá chắc tôi biết anh ta cảm giác như thế nào – và ý nghĩ sâu xa trong lòng anh ta. Anh ta chắc chắn sẽ cong môi lên, trào phúng nhìn những vị trong Giáo hội Trưởng lão trong nhà thờ đang tự mãn đi ngang dọc ở Thiên đường. Bởi vì anh ta nghĩ mình tốt, khinh thường các vị Trưởng lão sao? Không hề. Chỉ đơn giản là anh ta không khoái loại người như họ. Vậy thôi.”

4. Charles Dickens thực sự rất, rất, rất ghét Hans Christian Andersen

Charles Dickens và Hans Christian Andersen lần đầu tiên gặp nhau tại một bữa tiệc vào mùa hè năm 1847. Lúc bấy giờ, Andersen chưa mấy nổi tiếng ở Anh (những tác phẩm của ông đang trong quá trình chuyển ngữ từ tiếng Đan Mạch sang tiếng Anh). Với đôi mắt lấp lánh, ông tự giới thiệu mình với Charles Dickens, ca tụng Dickens là “văn hào vĩ đại nhất của thời đại chúng ta”. Thật là tử tế. Có hơi lố, nhưng hẳn nhiên là tử tế.

Tối hôm ấy, hai người đã có một cuộc trò chuyện thân thiện. Andersen viết một lá thư gửi đến bạn mình ở Đan Mạch, ngây ngất vì Dickens hoàn toàn giống với kỳ vọng của ông. Rõ ràng Andersen cũng gây ấn tượng tốt với Dickens, bởi vì vài tuần sau, Dickens gửi cho đối phương một kiện quà gồm sách của Dickens, kèm một bức thư nhắn riêng.

Được khích lệ bởi nghĩa cử trên, Andersen liên tục gửi thư cho Dickens trong suốt chín năm sau đó. Bực mình vì bị quấy rầy, năm 1856, trong một lá thư gửi đến Andersen (chứa đầy những lời tâng bốc kỳ quặc, che giấu sự xấu tính nhỏ nhen), Dickens mời Andersen ở tại nhà mình nếu ông có dịp thăm lại Anh Quốc. Một lời mời cộc lốc và không chút chân thành nào từ Dickens.

Nhưng vào tháng Ba năm 1857, Andersen tha thiết viết thư báo rằng mình thật sự sắp đến Anh, sẽ lưu lại không quá hai tuần, và ông đáp ứng lời mời của Dickens. Cứ thế, vào tháng Sáu năm đó, Andersen xuất hiện ở điền trang Gad’s Hill ở Higham, sẵn sàng để sống chung với “văn hào vĩ đại nhất” trong lòng ông. Andersen viết: “Chuyến thăm của tôi chỉ dành cho một mình ngài”; “Hơn tất cả, hãy để lại cho tôi một góc nhỏ trong trái tim ngài”.

Andersen — vụng về trong giao tiếp, không giỏi nắm bắt ám hiệu xã hội và không có khả năng duy trì phong thái cư xử đạo mạo — bằng cách này hay cách khác đòi hỏi bản thân phải là trung tâm của sự chú ý. Khi đến nơi, ông yêu cầu một trong những người con trai của Dickens phải giúp ông cạo râu hàng ngày, giải thích đây là phong tục tiếp đón nam khách quý ở Đan Mạch. Đáp lại, Dickens dẫn ông đến một tiệm cắt tóc gần đó.

Còn đêm nọ, trong bữa tiệc tối, khi Dickens đưa tay mời một quý cô, Anderson lăng xăng chạy tới và chộp lấy tay ông, đường hoàng khoác tay Dickens bước vào phòng ăn. Đó là chưa kể chuyện Andersen ở lại lâu hơn ba tuần so với dự định ban đầu.

Dickens oán thán rất nhiều về vị khách (nói theo lẽ nào đó là không mời) trong các bức thư, soi mói từng thói quen lập dị vô hại của Andersen. Là người nhà quê mới lên, Andersen quan ngại mình sẽ bị móc túi khi đi thăm thú trong thành phố. Dickens châm chọc kể rằng, có lần, khi tài xế taxi đi tuyến tường lạ qua London, Andersen hoảng sợ kết luận mình sắp bị cướp và thủ tiêu, vì thế ông nhét tất cả đồ đạc vào ủng (bao gồm đồng hồ, tiền, bảng giờ tàu, “một cuốn sách bỏ túi, một chiếc kéo, một con dao” cùng vài vật dụng khác, bao gồm hai cuốn sách nhỏ).

Lời vu khống tồi tệ nhất nhằm vào khả năng viết và nói của Andersen. Dickens nói với một người bạn: “Có lẽ Hans Christian Andersen đang ngồi cùng chúng ta, nhưng anh chẳng cần để tâm tới ông ta đâu – đặc biệt là khi ông ta chả nói được thứ ngôn ngữ nào ngoài tiếng Đan Mạch mẹ đẻ, và thậm chí còn bị nghi ngờ là đến thứ tiếng ấy còn chẳng rành.”

Dickens còn phàn nàn, “Ông ta thậm chí còn không thể phát âm tên cuốn sách do chính mình viết The Improvisatore, bằng tiếng Ý”. Và, “Ông ta phát âm tiếng Pháp như Cậu Bé Hoang Dã Peter và nói tiếng Anh như Trường Học Dành Cho Học Sinh Câm Và Điếc.”

Chậc, xấu tính thế.

Sau khi Andersen rời đi (ông cảm thấy mình không còn được chào đón nữa, và khóc rất nhiều khi chia ly), ông gửi đi một lá thư xin lỗi, van nài: “Xin hãy quên đi những hình ảnh không thiện chí của tôi trong thời gian chúng ta sống chung.” Còn Dickens dán một dòng ghi chú trên gương phòng khách: “Hans Andersen ngủ trong căn phòng này chỉ năm tuần — mà dường như với gia đình tôi là HÀNG THẾ KỈ TRỜI!”

Hết.

Mèo Heo lược dịch và tổng hợp.

Trà chiều

Vũ Đằng kết đôi cùng “nàng Kiều” Trình Mỹ Duyên trong Chợ Tết Tình Quê

Published

on

By

Nam diễn viên Vũ Đằng sẽ sánh đôi cùng “nàng Kiều” Trình Mỹ Duyên trong bộ phim phát sóng vào ngày mùng một Tết nguyên đán Ất Tỵ.

Chợ Tết Tình Quê là câu chuyện tình cảm của một đôi bạn trẻ diễn ra trong những ngày giáp Tết Ất Tỵ ở cù lao An Bình (tỉnh Vĩnh Long). Gia Bảo (Vũ Đằng đóng) là một chàng công tử chính hiệu, chán chường cuộc sống xa hoa, xô bồ nơi phố thị cũng như muốn thoát khỏi sự kìm kẹp của mẹ, Bảo bỏ nhà đi bụi vào một buổi chiều tháng chạp. Anh xuôi về miền Tây sông nước, nơi có làng nghề gốm đỏ, làm nhang, trồng trái cây, hoa kiểng để tìm lại những ký ức thời thơ ấu, khi gia đình còn trọn vẹn. Tình cờ gặp được Vũ Nghi (Trình Mỹ Duyên), Bảo choáng váng và thậm chí ghét bỏ, nhiều lần cản trở, gây tai họa cho cô vì hiểu lầm cô là người thực dụng, lợi dụng tình nghĩa của bà con dưới quê để kiếm danh.

Vũ Nghi vốn là người sinh ra ở cù lao An Bình. Cô mồ côi cha mẹ, sống với người cậu từ bé nên tính cách cứng cỏi, đạt giải một hoa khôi nhưng từ chối mọi sự săn đón của các đại gia mà muốn đi lên từ thực lực. Vũ Nghi hoạt động như một hot streamer trên mạng xã hội, sở hữu những trang cá nhân có lượt theo dõi khủng. Chương trình thực tế 100 nghề của cô nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng, trong đó có những tập quảng bá về ngành nghề truyền thống cũng như du lịch sinh thái ở quê hương Vĩnh Long. Hoàn cảnh đưa đẩy cả hai thành cặp đôi “oan gia ngõ hẹn”, ban đầu là ghét nhau, sau dần dần cảm mến rồi tiến tới tình yêu.

Bên cạnh chuyện tình của cặp trai tài gái sắc Gia Bảo – Vũ Nghi, đạo diễn Quách Khoa Nam và biên kịch Phan Ngọc Diễm Hân còn dẫn dắt khán giả màn ảnh nhỏ tham quan cù lao An Bình cũng như những miền quê xinh đẹp, trù phú của tỉnh Vĩnh Long. Người xem sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp bình dị của làng nghề gốm đỏ, làm nhang, những làng hoa Tết sum suê, vườn trái cây trĩu quả… Không khí của phim diễn ra trong những ngày giáp Tết, thời khắc mùa Xuân hiện hữu đẹp nhất với những màu sắc, mùi vị đặc trưng của xứ Nam Bộ.

Khi nhận được kịch bản Chợ Tết Tình Quê, diễn viên Vũ Đằng  cảm thấy rất lo lắng vì nhân vật không có chút gì giống mình ở ngoài đời. “Với một thanh niên 28 tuổi thì ai lại không muốn thành công và được nhiều cô gái vây quanh nhưng Gia Bảo thì ngược lại, anh trốn tránh hết tất cả. Tuy nhiên, tôi đọc kỹ kịch bản, tìm cách thấu hiểu và cảm thông với nhân vật. Tôi đặt ra những câu hỏi “Tại sao?” và tìm cách giải đáp để làm dày lý lịch  để khi ra bối cảnh không còn khúc mắc với nhân vật” – anh chia sẻ. Tuy nhiên, đây không phải là điều làm khó Vũ Đằng mà chính việc hóa trang mới tạo cho anh nhiều trở ngại nhất trong quá trình thực hiện phim. Trước đó ít lâu, anh vừa hoàn thành một phim cổ trang, phải cạo đầu ba vá cho phù hợp nên sang Chợ Tết Tình Quê, Vũ Đằng không kịp để tóc trở lại bình thường, vậy nên ekip thực hiện quyết định cho anh đội tóc giả. Việc hóa trang tóc cho anh trước khi vào cảnh quay mất hơn một giờ, thêm nữa, thời tiết cũng khá nóng nên Vũ Đằng cũng không thực sự thoải mái với bộ tóc khi diễn. “Nó có thể rớt ra bất cứ lúc nào hoặc sai phom dáng nếu mình xoay đầu quá nhiều. Có một số cảnh nặng về tâm lý hay cần động tác hình thể nhiều thì buộc mình phải quên đi chuyện đội tóc giả để nhập tâm hơn. Nếu đội quá lâu thì bộ tóc cũng làm tôi cảm thấy đau đầu. Khi diễn những cảnh cuối cùng của phim, tôi thực sự thở phào nhẹ nhõm vì… được cởi hẳn và tạm biệt bộ tóc giả từ đây!”- anh dí dỏm.

Ngoài ra, phim còn có sự tham gia của các diễn viên: Quang Thái, Hoài An, Thanh Bình, Lê Trang…

Bộ phim do PNF sản xuất kéo dài 20 tập, phát sóng lúc 20h từ thứ hai đến thứ bảy hàng tuần trên kênh THVL1, khởi chiếu từ mùng 1 Tết nguyên đán Ất Tỵ (tức 29.01.2025)

Đọc bài viết

Trà chiều

“Hành trình Anh Hùng” ẩn trong Xứ Cát

Published

on

    Dựa trên công trình nổi tiếng Người hùng mang ngàn khuôn mặt của Joseph Campbell và các tương đồng trong lĩnh vực tâm lý học của Jung và Freud, tác giả Christopher Vogler đã cho độc giả một cái nhìn khác về cấu trúc tương đồng của hàng triệu câu chuyện từ cổ chí kim qua cuốn Hành trình người viết vừa được ra mắt.

Một cuốn sách quan trọng

       Cấu trúc nói trên xuất hiện từ các truyện cổ dân gian đến tiểu thuyết hiện đại, từ những bài đồng dao quen thuộc đến các bộ phim “làm mưa làm gió” tại Hollywood… Hành trình người viết không chỉ là một cuốn sách giúp ta nhận ra những rường mối quan trọng của nghệ thuật kể chuyện, mà song song đó còn là bài học để mỗi độc giả có được khả năng là một người viết.

       Vốn là một người tư vấn cốt truyện của Hollywood và đã kinh qua hàng nghìn kịch bản trong cuộc đời mình, Vogler có khả năng nhìn thấy những mối liên kết cũng như những điểm suy yếu trong các tác phẩm. Từ những đúc rút và kho kinh nghiệm bản thân có được, ông đã tạo nên cuốn sách vô cùng hấp dẫn. Để kiếm chứng điều đó, hãy thử lần ngược siêu phẩm Xứ cát chuyển thể tiểu thuyết khoa học viễn tưởng cùng tên của Frank Herbert do đạo diễn Denis Villeneuve thực hiện và so nó với những gì được tổng kết lại, để xem hành trình anh hùng của Vogler có giao điểm nào với Paul Atreides – người thanh niên đã làm nên những khoảnh khắc vô cùng chói lọi.

       Theo Vogler, nói thật gọn ghẽ thì hành trình anh hùng bắt đầu khi nhân vật chính được giới thiệu ở THẾ GIỚI BÌNH PHÀM nhận được TIẾNG GỌI PHIÊU LƯU. Ban đầu họ MIỄN CƯỠNG, thậm chí buông lời TỪ CHỐI, nhưng do nhận được sự khích lệ từ SƯ PHỤ để VƯỢT QUA RÀO CẢN ĐẦU TIÊN, mà họ đã tiến vào Thế Giới Đặc Biệt - nơi họ sẽ gặp các KHẢO THÍ, ĐỒNG MINH VÀ KẺ THÙ. Sau đó họ TIẾP CẬN HANG ĐỘNG TRONG CÙNG, vượt qua rào cản thứ hai, nơi phải chịu đựng KHỔ HÌNH. Họ vượt qua, chiếm lĩnh PHẦN THƯỞNG và bị truy đuổi trên ĐƯỜNG VỀ với Thế Giới Bình Phàm. Không dừng ở đó, họ vượt qua rào cản thứ ba, trải nghiệm HỒI SINH và được chính trải nghiệm đó biến đổi. Cuối cùng họ TRỞ VỀ CÙNG THẦN DƯỢC, cùng lợi ích hoặc kho báu có lợi cho Thế Giới Bình Phàm.

Hành trình người viết không chỉ là một cuốn sách giúp ta nhận ra những rường mối quan trọng của nghệ thuật kể chuyện, mà song song đó còn là bài học để mỗi độc giả có được khả năng là một người viết. Ảnh: N.M.

Chặng đường phân tích      

       Áp vào Xứ cát, THẾ GIỚI BÌNH PHÀM của chuỗi phim này bắt đầu ở một hành tinh cách xa Trái Đất - nơi mà mọi thứ đều như không tưởng với những tiến bộ liên hành tinh và những thực thể vô cùng kỳ dị. Ở đó Công tước Leto của Gia tộc Atreides – người cai trị hành tinh đại dương Caladan - là nhân vật chính và nổi bật nhất. Nơi ông cai trị là phiên bản khác của một Trái Đất ngay bây giờ đây, với cây xanh bao phủ tươi tốt, với biển cả vỗ sóng và bầu không khí vô cùng trong lành. Về mặt chính trị, nhà Atreides được cư dân vô cùng ủng hộ vì mang đến sự bình yên và cân bằng. Sơ lược qua những nét này, có thể thấy Herbert (và cả Villeneuve) đã làm rất tốt trong việc xây dựng bối cảnh có tính đối lập liền ngay sau đó, để nhân vật chính bước vào hành trình của bản thân mình.

THẾ GIỚI BÌNH PHÀM của chuỗi phim này bắt đầu ở một hành tinh cách xa Trái Đất, nơi mọi thứ tươi tốt bất ngờ. Ảnh: Screen Rant

       Như đã nói trên, TIẾNG GỌI PHIÊU LƯU nhanh chóng xuất hiện khi Hoàng đế Shaddam của toàn đế chế nhanh chóng bí mật liên minh với nhà Harkonnen nhằm tránh khỏi sự uy hiếp mà rất có thể trong tương lai gần Leto sẽ tự đạt được. Vậy là một cuộc tàn sát được lên kế hoạch. Thoạt nhìn, có thể thấy Herbert dùng một motif vô cùng thân quen trong các sử thi từ cổ chí kim, khi đó là tranh giành quyền lực, đấu đá lẫn nhau. Và để tạo ra 2 phe kình chống, ông cho một bên lăng kính tích cực, còn phía còn lại tiến hành liên minh, và cũng vì thế mà thế trận ấy nhanh chóng cân bằng. Ta thấy điều này trong rất nhiều nơi, từ Tam quốc diễn nghĩa đến Con ngựa thành Troy, từ bộ Shogun đến bộ Taiko…Một điểm chung khác là sự báo hiệu cho câu chuyện dịch chuyển, khi người cha Leto nhanh chóng mất mạng để Paul Atreides – người con trai cả - sẽ thay bản thân bảo vệ gia đình, trả thù cho điều đã mất. Do đó mà Paul quyết định lên đường.

Herbert dùng một motif vô cùng thân quen trong các sử thi từ cổ chí kim, khi đó là tranh giành quyền lực, đấu đá lẫn nhau. Ảnh: LA Times

       Ở đây ta có thể thấy có những cổ mẫu vô cùng truyền thống được Herbert sử dụng. Trong đó Paul là anh hùng bị động – một người được đặt vào tình thế không thể khác hơn, và suốt hành trình sau đó từng bước học hỏi sẽ khiến cho anh dần dần chủ động. Đối diện trước trọng trách đặt lên bản thân, Paul dường như không có được động lực nào – một điều cũng là một chặng đường khác trên hành trình anh hùng. Rất may mẹ anh – Lệnh bà Jessica – người vừa là SƯ PHỤ, vừa là ĐỒNG MINH nhưng cũng có khi là kẻ ĐEO MẶT NẠ và cả BÓNG ĐÊM đã nâng đỡ anh và hướng anh theo con đường đúng đắn. Quê nhà tan tác trong khi bản thân thì bị truy sát, anh sớm VƯỢT QUA RÀO CẢN ĐẦU TIÊN để giữ được mạng sống nhờ vào những cận thần trung thành với mình. Hành trình này dễ thấy không quá phức tạp, và Herbert sẽ lại dồn nhiều sức hơn ở phía sau.

Paul và mẹ mình, thoạt nhìn, chính là 2 cổ mẫu anh hùng và sư phụ theo cấu trúc của Vogler. Ảnh: Den of Geek

       Chính khi bước vào THẾ GIỚI ĐẶC BIỆT - ở chiều rộng hơn là một cuộc sống không còn uy quyền của cha, không còn hành tinh Caladan mình vốn quen thuộc, anh đã gặp được những người bản địa Arrakis - những chiến binh thiện nghệ sống nơi sa mạc gọi là Fremen. Như vậy kể từ lúc này thì chặng thứ 2 của hành trình anh hùng chính thức bắt đầu. Cả Herbert và Villeneuve đều dành rất nhiều thời lượng cho giai đoạn này, để khắc ghi một hành tinh mới với loài sâu cát và quy luật sinh tồn ở thế giới mới, với các chi tiết như dịch nhầy sâu, với hương dược, với cách tạo nước và những con người mắt xanh biêng biếc có kỹ năng phi thường… Trong chương đoạn này, những cuộc KHẢO THÍ mà ĐỒNG MINH và KẺ THÙ liên tục xuất hiện cũng được diễn ra. Chẳng hạn KHẢO THÍ nằm ở chi tiết Paul phải chiến đấu với một người Fremen để chứng minh mình thuộc về nơi này trước khi được họ cứu giúp. Đối với những người bản địa, anh vừa là ĐỒNG MINH nhưng cũng là KẺ THÙ khi đã giết chết một trong số họ để mà bước tiếp.

Trận chiến của Paul trước một chiến binh Fremen chính là một cuộc KHẢO THÍ. Ảnh: Screen Rant

Những vòng lặp kép      

       Thế nhưng KHẢO THÍ không dừng ở đó, mà sau đấy liên tục là những bài học để cưỡi sâu cát, những trận oanh tạc vì phát hiện ra căn cứ bên dưới lòng đất của người Fremen… Chúng liên tục xuất hiện để thử thách Paul, để rồi cuối cùng anh được mọi người nhận ra chính là vị Thánh ghi trong sử sách toàn cõi ngân hà. Đa số thời lượng của phần 2 tương ứng với HANG ĐỘNG TRONG CÙNG – nơi anh chứng minh bản thân và giành được quyền vươn lên dẫn đầu. Ta thấy ở đây Herbert rất tài tình khi song song với những bước tiến về mặt quyền lực, thì cõi lòng Paul cũng chịu tra tấn trong những thay đổi của bản thân mình. Có thể nói tuy chặng đầu tiên của HÀNH TRÌNH ANH HÙNG đã gần hoàn thành xong với nhân vật này ở phía bên ngoài, nhưng thật ra một HÀNH TRÌNH ANH HÙNG khác cũng đang mở ra trong nội tâm anh, khi phải chứng kiến mục đích thật sự của mẹ anh – Lệnh bà Jessica, cuộc hôn phối với Công chúa của vua Shaddam và những biến động bên trong Chani.

Chani cũng là một nhân vật có hành trình anh hùng song song khác. Ảnh: Collider

       Khép lại 2 phần phim của Villeneuve, hiện Paul và Xứ cát đang dừng trước “trận đánh” quyết định để mang về PHẦN THƯỞNG và dần tiến đến HÀNH TRÌNH TRỞ VỀ. Tuy khép lại tại đây nhưng có thể thấy Xứ cát là bộ tác phẩm đậm tính sử thi mà mỗi nhân vật lại tự sở hữu một HÀNH TRÌNH ANH HÙNG riêng biệt. Ta thấy nó trong Chani mà “con đường” cô đi chính là tình cảm với Paul và trách nhiệm với cộng đồng Fremen của mình. Ta thấy nó trong Lệnh bà Jessica và tham vọng của bà với nhóm tôn giáo Bene Gesserit. Trong khi đó một nhân vật mới – em gái của Paul – cũng sắp xuất hiện. Và tuy chỉ mới nằm trong bụng mẹ nhưng nó cũng đang dần có những HÀNH TRÌNH ANH HÙNG nhất định, trong việc nhất tề chi phối và biến các nhân vật xung quanh mình trở nên phức tạp.

Ở phần 2, Lệnh bà Jessica là một nhân vật vô cùng bí hiểm. Ảnh: Screen Rant

       Ngoài điều đó ra, Herbert cũng rất thành công trong việc “đeo mặt nạ” cho các nhân vật, để ta không thể lường trước đường đi nước bước của bản thân họ. Chẳng hạn phút trước Paul và Chani còn rất mặn mà, nhưng ngay sau đó mọi chuyện đổi khác khi anh chấp nhận lấy Công chúa như đại diện cho chiến thắng của mình. Lệnh bà Jessica cũng nằm trong “ngã ba” ấy, khi không ai biết một cách rõ ràng bà đang từng bước leo lên theo quyền lực của con trai mình, hay chính bà mới là kẻ thao túng tất cả, trả thù cho điều đã mất? Và nếu điều ấy là thật, hóa ra cổ mẫu anh hùng mà ta xác định ngay từ ban đầu đã đổi bản chất. Paul từ mẫu bị động chuyển sang chủ động với chính những gì mà mình học hỏi, nhưng nếu vai trò của mẹ anh lớn hơn, thì hóa ra Paul chỉ là một kiểu anh hùng xúc tác – người có vị trí là bàn đạp cho hình tượng khác bước lên vũ đài danh vọng. Áp chính lý thuyết của Vogler vào Xứ cát bản phim của Villeneuve, ta thấy vì sao mà tác phẩm này thành công vang dội trong các năm qua. Dù biết một cách khái quát đó là trùng trùng lớp lớp âm mưu, nhưng khi được phân tích dưới cổ mẫu và những điểm nút quan trọng của hành trình anh hùng, ta sẽ lại thấy những chi tiết này hiện ra phức tạp, gắn kết ra sao.

Ngô Minh

Đọc bài viết

Trà chiều

Sứ Đoàn Iwakura đạt Giải thưởng sách Quốc Gia 2024

Published

on

Giải thưởng Sách Quốc gia là giải thưởng do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức hàng năm, trao giải cho những cuốn sách (bộ sách) có giá trị nổi bật về nội dung tư tưởng, tri thức, thẩm mỹ nhằm tôn vinh tác giả, dịch giả, nhà khoa học và người làm công tác xuất bản.

Tối ngày 29.11.2024 tại lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần VII, tác phẩm Sứ Đoàn Iwakura - Chuyến Tây Du Khảo Cứu Nhằm Canh Tân Nhật Bản Thời Minh Trị (Ian Nish biên soạn, Nguyễn Hoàng Mai - Nguyên Tâm dịch) hân hạnh được vinh danh giải Khuyến khích.

Sứ Đoàn Iwakura là tác phẩm nghiên cứu tập hợp nhiều tư liệu giá trị, giúp độc giả hiểu rõ hơn về chuyến du khảo nhằm canh tân Nhật Bản thời Minh Trị dưới góc nhìn của người phương Tây. Để có một đường lối phát triển đất nước hoàn toàn mới, người Nhật đã khởi động chuyến công du gọi là Sứ mệnh Iwakura thăm Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu. Đây là một chuyến đi lịch sử có tầm quan trọng đến mức khi nhắc về Minh Trị Duy Tân, người ta lập tức nhớ đến chuyến đi này.

Sách dày 427 trang, gồm 11 chương tổng hợp các bài viết của Ian Nish và 12 chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ quốc tế khu vực Nhật Bản và Đông Á. Tám chương đầu, độc giả sẽ cùng phái đoàn đi qua tám cường quốc từ Mỹ, Anh, Pháp, Bỉ, Đức, Nga, Thụy Điển và Italy. Bản ghi chép của những học giả góp phần tái hiện hành trình tìm kiếm “văn minh khai sáng” của sứ đoàn Iwakura tại trời Âu dưới góc nhìn của người phương Tây. Ba phần còn lại trong ấn phẩm là bài phân tích, nhận định của chuyên gia lịch sử, đánh giá tình hình nước Nhật sau chuyến công du.

Để hiểu thêm về một lát cắt lịch sử quan trọng của Nhật Bản, cũng như đọc thêm về chuyến đi được mệnh danh là “Chuyến công du lịch sử thay đổi nước Nhật”, mời bạn tìm đọc sách tại đây hoặc tại hệ thống các nhà sách Phương Nam trên toàn quốc.

Đọc bài viết

Cafe sáng