Trà chiều

Cách Gudetama, một chiếc trứng lười có mông, trở thành hiện tượng văn hoá

Ôi, Gudetama! Ôi, loài người!

Published

on

Nhìn sơ qua thì khó có thể nhận ra, nhưng Gudetama là một chiếc lòng đỏ trứng có mông. Nó là nhân vật hư cấu: một nhân vật có tứ chi nhưng không có ngón tay hay ngón chân. Nó có miệng nhưng không có răng. Nó có đùi nhưng không thấy khớp, có đầu nhưng không có cổ. Đôi mắt nó trông giống như hai hạt vừng. Nó không có giới tính cụ thể.

Nhìn bằng mắt thường, chiếc trứng lười có thể bị nhầm thành một hạt đậu vàng, một hạt ngô, hay một giọt mật ong chẳng mấy bắt mắt. Nhưng Gudetama không phải là bất kì thứ gì trong số đó – bởi vì điều đó sẽ mang sức nặng quá lớn, đặc biệt khi đây là một câu chuyện thành công mà thoạt hình thì chẳng có ý nghĩa gì đặc biệt cả.

Gudetama là nhân vật được sinh sau đẻ muộn trong vũ trụ Sanrio – thế giới nhân vật hư cấu mà cho đến gần đây vẫn xoay quanh Hello Kitty. Những năm gần đây, Gudetama là nhân vật nổi tiếng nhất của Sanrio, mặc dù cái ngoại hình lõng bõng của nó đi ngược với định nghĩa của công ty về khái niệm “dễ thương”.

Nếu Hello Kitty và những nhân vật đồng hương như chú ếch Keroppi nổi tiếng với khả năng “hóa phép” các vật dụng như hộp cơm, hành lý, áo phông, bàn chải đánh răng,… thêm phần dễ thương và cuốn hút, đồng thời gợi lên sự ấm áp nơi những trái tim lạnh giá nhất; Gudetama – chào đời vào năm 2013 – lại được sinh ra trong một thế giới mà có lẽ nó sẽ muốn chối bỏ và trốn tránh.

Chú ếch Keroppi.

Gudetama trông giống như một thiết kế nhân vật dang dở, thế nhưng mọi người không thể ngừng yêu thích nó. Vẻ ngoài của Gudetama chỉ là một phần nhỏ trong sức hấp dẫn của nó. Điểm thu hút nhất chính là tính cách lãnh đạm và thờ ơ của nó. Gudetama có thể nói chuyện (bằng những câu ngắn), di chuyển (nhưng giống như ngọ nguậy hơn), thể hiện cảm xúc (chỉ có đau đớn) và thở (đặc biệt là khi nó ngủ). Mặc dù nó có thể làm những điều này và có tiềm năng làm nhiều thứ hơn thế, nhưng nó không muốn làm. Mỗi ngày mới là một cơ hội để Gudetama trải nghiệm cuộc sống với mức năng lượng thấp nhất, và điều khiến nó sung sướng nhất là không làm gì cả.

Thật kỳ lạ khi một quả trứng lười biếng lại có thể thu hút sự yêu mến rộng rãi như vậy. Sự yêu mến này bắt nguồn từ tính cách gần gũi của nhân vật, nhu cầu được chăm sóc của nó và cách nó thách thức ta, khiến ta phải suy nghĩ lại về những gì ta thường coi là dễ thương. Gudetama và sự nổi tiếng của nó là một phần của phong trào văn hoá mở rộng – đây là phản lực hướng tới cuộc sống vốn đã bị chọt thủng bởi sự nghi ngờ, sóng gió và phẫn nộ.

Sự ra đời của Gudetama: một sản phẩm “về nhì” nhưng vẫn cứ phát triển mạnh mẽ

Từ khoảnh khắc chào đời, Gudetama đã luôn là kẻ thua cuộc.

Năm 2013, Sanrio tổ chức cuộc thi sáng tạo nhân vật dựa trên thực phẩm. Những cuộc thi như vậy được tạo ra vì hai mục đích: giúp nhà thiết kế của công ty nghĩ ra ý tưởng để sáng tạo, và đóng vai trò như một cuộc thử nghiệm cho các gương mặt mới tiềm năng trước khi Sanrio đổ tiền vào hàng hoá tương ứng. Fan bỏ phiếu, và Gudetama đứng thứ hai, thua một miếng cá hồi phi lê vui vẻ tên là Kirimichan.

Lát cá hồi vui vẻ Kirimichan.

Dave Marchi, phó chủ tịch tiếp thị và quản lý thương hiệu của Sanrio chia sẻ với tôi rằng: “Ban đầu, chúng tôi ra mắt các sản phẩm dựa trên nhân vật cá hồi phi lê và bạn bè. Quả trứng lười Gudetama đứng thứ hai, nhưng chúng tôi [vẫn] phát hành những sản phẩm dựa trên Gudetama, và chúng thực sự, thực sự rất thành công.”

Marchi đang khiêm tốn. Hãy nhìn cái góc nhỏ đáng buồn trên trang web của Sanrio – nơi mà Kirimichan và nụ cười bất diệt của nó tồn tại trong cô độc – khi chỉ có hai món đồ in hình Kirimichan được rao bán. Gudetama lại có tới 115 sản phẩm, bao gồm ván trượt, quạt bàn và hộp đựng khăn giấy biết nói, ngoài ra còn có nhiều trang phục thường ngày và thú nhung. Để so sánh thì Hello Kitty – nhân vật hàng đầu của Sanrio – có 226 sản phẩm.

Mặc dù Sanrio chưa tiết lộ doanh thu bán hàng chính xác, Marchi cũng nhận thấy rằng những khách hàng quan tâm đến Gudetama “chắc chắn thiên về nhóm người trưởng thành, nhưng cũng có những đứa trẻ 7 tuổi sở hữu một con thú nhung Gudetama bởi vì chúng nghĩ nó là một chiếc trứng dễ thương và vui nhộn.”

Khi cân nhắc về hình tượng Gudetama, chiến thắng từ tốn và lượng fan trưởng thành hoàn toàn dễ hiểu. Trong một cuộc thi thuần túy dựa trên sự “dễ thương”, Kirimichan giành chiến thắng vì đó là tất cả những gì Kirimichan có – một miếng cá hồi phi lê dễ thương, tươi cười và tự xưng là “ngôi sao trong thế giới thực phẩm thái lát”.

Nhưng Gudetama đại diện cho nhiều, nhiều điều hơn thế.

Sức hấp dẫn thực sự của Gudetama là tính cách của nó.

Điều khiến Gudetama khác biệt với các nhân vật còn lại của Sanrio là mối liên kết cá nhân mà nhiều người hâm mộ cảm thấy với nhân vật. Có thể bạn sẽ không hiểu được này nếu bạn mới chỉ nhìn thấy hình vẽ Gudetama. Kết nối đó đến từ các video của Gudetama, trong đó nó, chà, chẳng làm gì cả. Sanrio đã tạo một chuỗi video mà bạn có thể xem trên YouTube – gồm các đoạn ngắn ghi lại cuộc sống đáng chán của Gudetama. Các video cho thấy sự thiếu nhiệt tình của Gudetama theo những cách mà hình ảnh tĩnh không thể nắm bắt được.

“Tôi nghĩ đặc biệt với Gudetama và thái độ mà chúng ta thấy từ nó, nó có một chút khác biệt,” Marchi nói. “Nó hơi lười biếng, nó hơi u sầu, nó có một chút chả quan tâm, thái độ hơi mệt mỏi, buồn ngủ, lười biếng, sao cũng được, mà điều đó có thể được đồng cảm bởi nhiều người, cho dù là bạn 14 tuổi, 34 tuổi hay 50 tuổi.”

Cái tên “Gudetama” kết hợp cụm từ tiếng Nhật “gude gude”, có nghĩa là lười biếng, với “tama”, một dạng viết tắt của “tamago”, tiếng Nhật có nghĩa là trứng. Dùng từ “lười biếng” để miêu tả Gudetama có một chút nói giảm nói tránh, giống như việc dùng từ “mưa” mô tả một trận đại hồng thuỷ vậy.

Gudetama luôn mệt mỏi. Nó (theo Sanrio, Gudetama không được thụ tinh và không có giới tính) quá mệt mỏi để hắt hơi, quá mệt mỏi để bị ăn, quá mệt mỏi để bị rán lên, và rất nhiều lúc, rất mệt mỏi để chui ra khỏi vỏ trứng. Nó sử dụng một dải thịt xông khói làm chăn và dùng bít tết để làm gối. Nó luôn nói về việc trở về nhà, nhưng không bao giờ nói rõ nhà là đâu. Cuộc sống đối với Gudetama, chủ yếu là nằm trên đĩa, phần lớn là không thể chịu đựng được.

Dùng từ “lười biếng” để miêu tả Gudetama có một chút nói giảm nói tránh, giống như việc dùng từ “mưa” mô tả một trận đại hồng thuỷ vậy.

Bất kỳ nỗ lực nào cũng đồng nghĩa với đau đớn. Điều duy nhất tồi tệ hơn nỗ lực là nỗ lực cần thiết để phàn nàn về những nỗ lực trên. Bạn có thể lười trong mọi việc, chỉ cần bạn quyết tâm là được.

Trong sự không muốn làm bất cứ việc gì, Gudetama đã luyện thành một nhân cách từ chứng “suy nhược hành động”. Thái độ không có động lực này đã mang lại cho nó nhiều danh hiệu khác nhau, từ “Hello Kitty dành cho thế hệ Millennials” cho đến cái tên chung chung hơn là “anh hùng”.

Gudetama cho thấy văn hoá “kawaii” của Nhật Bản đã trở nên phức tạp – đối lập với định nghĩa “dễ thương” của người Mỹ

Để hiểu Gudetama, bạn phải hiểu rằng khái niệm “dễ thương” của người Mỹ rất đơn giản. Ở Mỹ, những gì bạn thấy, về cơ bản, là những gì bạn có.

Theo lời Aya Kakeda, một chuyên gia hoạt hình và giảng viên tại trường Visual Arts (Nghệ thuật thị giác) tại New York: “Văn hoá nhân vật tại Mỹ và phương Tây vẫn rất trắng đen rõ ràng. Vai ác là vai ác, và anh hùng là anh hùng. Nhân vật dễ thương là biểu tượng của sự ngọt ngào và những điều tốt lành. Bạn có thể nhận thấy điều đó thông qua diện mạo của họ. Điều đó cũng tương tự với các nhân vật ‘ác’.”

Ví dụ kinh điển: hầu hết các bộ phim cũ của Disney. Có thể dễ dàng phân biệt được đâu là nhân vật phản diện vì họ thường xấu xí (Evil Queen trong Bạch Tuyết và 7 chú lùn), kinh tởm (Phù thuỷ biển Ursula của Nàng tiên cá), và/hoặc hoà mình với bóng đêm và những gam màu tối (Scar trong The Lion King). Những kẻ “xấu” trong phim Disney được xem là kẻ ác, lúc nào cũng xấu xa, và không bao giờ dễ thương.

Nhân vật phù thủy biển – đại diện cho cái “xấu” và tàn ác, mưu mẹo và Ariel – đại diện cho sự “đáng yêu”, tốt bụng trong phim hoạt hình Disney Nàng tiên cá (1989).

Nhưng ở Nhật Bản, khái niệm dễ thương có nhiều vùng xám hơn, và nó chậm rãi phát triển trong nhiều năm. Khi thảo luận về sự dễ thương ở Nhật Bản, cụm từ được mọi người sử dụng là “kawaii”, một thuật ngữ xuất hiện vào những năm 1970 (theo Sharon Kinsella thuộc Đại học Manchester).

Nguyên lí cơ bản của kawaii là cảm giác dễ thương như trẻ con. Alissa Freedman, giáo sư về văn học và điện ảnh Nhật Bản tại Đại học Oregon nói với tôi rằng: “Kawaii không chỉ là một kiểu dễ thương. Đó là một kiểu dễ thương rất mong manh. Kiểu như là, bạn quá dễ thương nên mọi người muốn chăm sóc bạn. Nó khiến chúng ta muốn quan tâm đến họ.”

Gần đây, theo Kakeda, khái niệm kawaii đã trở nên rời rạc hơn, dẫn đến việc phân mảnh thành nhiều nhóm kawaii khác nhau. “Ví dụ như, kimo-kawaii [đôi khi còn gọi là gro-kawaii] – kimo có nghĩa là kì cục. Có điều gì đó đáng sợ và kỳ lạ về [một nhân vật kimo-kawaii], nhưng đồng thời nó cũng mang vẻ kawaii tương tự.”

Một nhân vật kimo-kawaii của văn hóa Mỹ mà Kakeda đưa ra là Spongebob Squarepants, với đôi mắt lồi và làn da đầy lỗ. Kakeda cũng đưa ra các nhân vật của Nhật gọi là “Kobito Zukan”, trông giống như những người lùn hay thần lùn. Nhân vật này, theo như trang web chính thức của Kobitos thì thích hút đường từ những quả đào.

Kakeda chỉ ra rằng: Khái niệm kimo-kawaii không chỉ xoay quanh ngoại hình. Một trong những nhân vật kimo-kawaii nổi tiếng hơn cả ở Nhật Bản là “Gloomy Bear”. Được tạo ra bởi nghệ sĩ Mori Chack, ngoại hình Gloomy Bear giống bạn bè của Hello Kitty và các nhân vật còn lại của vũ trụ Sanrio. Nhưng khi nhìn vào bộ móng vuốt đẫm máu của nó, bạn sẽ nhận ra rằng nhân vật này rất bạo lực, mà đích nhắm của sự bạo lực thường là chủ của nó, một cậu bé tên Pitty.

Nhân vật kimo-kawaii Gloomy Bear.

Sự kết hợp giữa đẫm máu và dễ thương của Gloomy Bear là những gì Kakeda nhận ra được khi cô miêu tả những gì còn thiếu sót trong văn hoá nhân vật Mỹ, nơi những sinh vật dễ thương thường không có khả năng trở thành bất cứ điều gì ngoài tốt bụng và sinh vật xấu xí thì, dĩ nhiên, phải đi cùng với sự xấu xa. Nó cũng cho thấy mức độ rộng và hẹp xen kẽ nhau của văn hoá kawaii như thế nào.

Gudetama thể hiện các yếu tố của kimo-kawaii. Nó không dễ thương theo kiểu truyền thống, và vẻ bề ngoài của nó nghiêng về Spongebob hơn là Hello Kitty. Thái độ của nó không giống như trẻ con và cũng không được vui vẻ lắm. Ngoài ra, Gudetama còn thể hiện những đặc điểm của một nhóm kawaii nhỏ khác là yuru-kawaii.

Theo Kakeda, “Yuru có nghĩa là buông thả, thoải mái và bình tĩnh, thể loại này trở nên nổi tiếng vì cuộc sống căng thẳng trong xã hội hiện đại. Mọi người luôn tìm kiếm điều gì đó để khiến họ bình tĩnh và thư giãn. Ở Mỹ, có lẽ mọi người sẽ đi tìm kiếm các tiệm spa hay các lớp học thiền. Ở Nhật Bản, có những nhân vật Yuru khiến bạn bình tĩnh và thư giãn chỉ bằng cách nhìn vào chúng.”

Điển hình của yuru-kawaii là một chú gấu được biết đến với cái tên Rilakkuma, một nhân vật được do công ty đối thủ của Sanrio – công ty văn phòng phẩm San-X tạo ra. Tên của Rilakkuma có nghĩa là “có tâm trạng thoải mái” và nhân vật này có một cuộc sống không căng thẳng.

Nhân vậy yuru-kawaii Rilakkuma.

Hình ảnh không nói dối. Tôi chỉ mất khoảng 14 giây để phải lòng cái sự đáng yêu này. Nhịp tim của tôi chậm hơn. Hơi thở của tôi sâu hơn. Tôi quên mất việc giặt giũ và rửa chén của mình. Tôi trút bỏ sự lo lắng liên quan đến công việc của mình. Tôi tưởng tượng mình là chú chim nhỏ màu vàng, mặc bộ quần áo nhỏ xíu, đi chơi với hai người bạn gấu của tôi và tận hưởng một cuộc sống ấm cúng. Nhìn chằm chằm vào con gấu này khiến tôi dễ chịu hơn.

Khi Kakeda giải thích sự khác biệt giữa Rilakkuma và Gudetama, cô ấy sử dụng từ “tiêu cực” để phân biệt hai nhân vật. Đó là một đặc điểm phân biệt phù hợp. Rilakkuma là thư giãn theo mặt tích cực. Gudetama không nghiêng nhiều về sự thư giãn mà là về sự khó chịu đối với thế giới xung quanh nó. Gudetama, màu vàng và mang bộ dạng trần trụi, tự nghi ngờ về ý nghĩa cuộc sống.

Gudetama hỏi: “Nếu nhàn rỗi là hạnh phúc thật sự, thì làm những gì khác chẳng phải là đau khổ sao?”

Sự ra đời của thế hệ nhân vật sau này – một thế hệ giống Gudetama hơn là Hello Kitty

Có một sự khác biệt lớn giữa Gudetama và Hello Kitty: Hello Kitty vừa dễ thương hơn Gudetama – theo phong cách cũ – nhưng đồng thời cũng vô cảm – Hello Kitty thậm chí còn không có miệng để cười hay cau mày. Điều này khiến nó trông như một bức phông trống: Hello Kitty có thể là bất cứ điều gì mà chúng ta muốn cô nàng trở thành. Nhưng nhiều người đặc biệt cảm thấy kết nối với Gudetama vì tính cách của nó.

Và Sanrio bắt đầu tận dụng sự nổi tiếng này.

Năm ngoái, công ty đã giới thiệu Aggretsuko – từ “agrressive” (hung hăng) kết hợp với tên riêng là Retsuko – hướng đến khách hàng quốc tế (những người nói tiếng Anh). Aggretsuko là một cô gấu trúc đỏ làm việc trong văn phòng toàn những đồng nghiệp phiền phức. Để thư giãn, cô dành cả đêm để uống rượu và hát nhạc death metal tại quán karaoke.

Nhân vật Aggretsuko.

Theo Freedman, Aggretsuko hay ở chỗ, cô là một là một dạng parody nhẹ nhàng của nhóm phụ nữ Nhật “OL”, hay “office lady” (phụ nữ văn phòng), họ xuất hiện vào những những năm 80. OL là những nhân viên nữ làm việc trong những ngành nghề thiên hướng “nữ tính”, hoặc những công viêc dịch vụ với phong cách mặc định là lịch sự, đoan trang. Aggretsuko đã xoá bỏ định kiến đó, cho chúng ta thấy cô không chỉ biết “lịch sự”. Thật vậy, cô hoàn toàn thành thật về mức độ khó khăn của công việc, khi mà cô phải chịu đựng những người đồng nghiệp khó ưa của mình.

Nếu chuyện Aggretsko đang thách thức cái hình tượng ngoan ngoãn, hoài cổ của phụ nữ Nhật là một vấn đề xa lạ với người Mỹ, thì những nỗi bức bối của cô và sự khác biệt giữa cái tôi nơi công sở và cái tôi thật lại là vấn đề chung toàn thế giới.

Mặc dù tính cách của cô không giống Gudetama, Aggretsuko cũng thuộc một nhóm nhân vật kì lạ nhưng mang ý nghĩa quan trọng. Chiếc trứng lười có mông kia đã thay đổi khái niệm dễ thương của Sanrio, cũng như phản ứng của mọi người đối với nó.

Dễ thương không chỉ là vẻ bề ngoài. Nó có sức mạnh để thay đổi chúng ta, là cứu cánh cho những nỗi bức bối và sợ hãi lớn nhất của chúng ta, và có lẽ cho chúng ta thấy điều gì đó trong bản thân mà chúng ta không biết là mình cần – đặc biệt nếu cái tôi thật của bạn là một quả trứng có mông và chán ghét cuộc sống.

Hết.

Alex Abad-Santos
Lalijade lược dịch.

Bài viết gốc How Gudetama, a lazy egg yolk with a butt, became an unstoppable cultural phenomenon đăng tại Vox.

Click to comment

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trà chiều

Review đèn Trung Thu bằng gỗ tự lắp và tô màu

Published

on

By

Chỉ còn vài ngày nữa là đến Trung Thu nên bài viết tiếp theo cho series "Nhà Sách Có Gì Ngoài Sách" của mình sẽ chia sẻ và review về trải nghiệm tô màu và lắp ráp đèn lồng Hằng Nga bằng gỗ. Hi vọng bài viết của mình sẽ hữu ích cho các bạn đang tìm kiếm quà tặng Trung Thu cho bé hoặc đang muốn tìm món đồ để kết nối gia đình nhân ngày Tết Đoàn Viên thì có thể tham khảo, và nếu cảm thấy thú vị bạn có thể đến ngay hệ thống Nhà Sách Phương Nam để xem thêm nhé!

Hộp đựng của đèn lồng Trung Thu Hằng Nga

Mời xem thêm video trải nghiệm tại đây
Xem thêm: Review bộ màu vẽ lên kính Amos Glass Deco Review hộp bút họa tiết trang trí dễ thương

Thông tin chung về sản phẩm

Bộ sản phẩm này gồm có:

- 2 miếng gỗ hình Hằng Nga bay trên mây, 5 miếng gỗ nhỏ ráp đèn, 1 miếng gỗ vừa làm kệ đặt nến và 1 tay cầm gỗ.
- 1 vỉ 6 màu, 1 cọ, 1 dây gai, 1 viên nến và 2 miếng nhỏ keo 2 mặt.

Sau khi khui hộp
Các miếng gỗ để bạn lắp và hoàn thiện
Chi tiết gỗ để ráp đèn

Đèn này dùng để làm gì?

- Để bé đem theo đi rước đèn cùng bè bạn
- Dùng trang trí mọi góc trong nhà mùa Trung Thu.
- Khơi gợi trí sáng tạo của bé và giúp gia đình kết nối với nhau hơn khi cùng lắp ráp và tô màu.
- Là món quà DIY hữu ích cho bé nhân dịp Trung Thu.

Điều yêu thích ở sản phẩm này
- Dễ lắp ráp, chất liệu gỗ thân thiện môi trường, tô dễ dàng.
- Màu sắc kèm theo hộp sản phẩm tươi sáng, pha trộn cũng rất dễ và nhanh khô cực kỳ.
- Hộp đựng dễ thương, mang đi tặng quà rất thích hợp.

Chia sẻ công thức đơn giản phối màu
- Tô màu áo hằng Nga: mình pha màu đỏ và màu trắng để ra được màu hồng ngọt ngào.
- Tô màu cho cối mà Thỏ ngọc đang giã: mình pha màu đen và màu vàng để ra màu nâu.

Pha màu hồng bằng màu trắng và màu đỏ
Pha màu nâu bằng màu đen và màu vàng

Chút lưu ý rút ra khi sử dụng
- Trước khi tô bạn nên chuẩn bị: 1 hũ nước để rửa cọ ngay sau mỗi lần đổi màu khác.
- Bạn phải dùng giấy lót phía dưới sàn rồi hẵn đặt gỗ lên tô vì màu nước lúc tô sẽ bắn xuống sàn, bất tiện cho lau dọn. - Sau khi tô xong, bạn nên để ở chỗ thoáng để nhanh khô và tránh đụng tay vào lúc màu tô trên gỗ còn ướt.

Đèn sau khi đã tô màu và lắp ráp xong
Màu lên gỗ rất nhanh khô

Tóm lại là với những ai thích DIY sẽ rất yêu thích sản phẩm này. Và chắc chắn rằng khi bé nào nhận món quà Đèn Lồng Trung Thu này đều sẽ rất thích, nhất là các bé gái vì sẽ được tô màu cho Hằng Nga. Ở Nhà Sách Phương nam còn có đèn lồng gỗ hình các con vật nữa, bạn có thể đến tham khảo thêm cho bé trai.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian xem bài, để lại bình luận nếu bạn cần thêm thông tin nhé!

Chúc bạn và gia đình đón Trung Thu vui vẻ và ấm áp nhé!

Đọc bài viết

Trà chiều

Review bộ màu vẽ lên kính Amos Glass Deco

Published

on

By

Tiếp tục series "Nhà sách có gì ngoài sách" hôm nay mình muốn chia sẻ về bộ màu vẽ trang trí Amos Glass Deco - Dino, sản phẩm nhập khẩu từ Hàn Quốc dùng để vẽ lên kính, gương. Sản phẩm rất hợp để khơi gợi trí sáng tạo cho bé hoặc nếu bạn là người lớn yêu thích đồ chơi sáng tạo cũng có thể trải nghiệm để giải trí sau những giờ học, làm việc căng thẳng.

Nếu bạn đang đặt câu hỏi "Mua quà trung thu gì cho bé?" thì bộ màu này là một gợi ý hay cho quà trung thu đó nhé!

Mời xem thêm video trải nghiệm tại đây
Xem thêm: Review hộp bút họa tiết trang trí dễ thương

Hộp đựng bộ màu vẽ trang trí

Thông tin chung về sản phẩm

Bộ màu vẽ trang trí Amos Glass Deco - Dino gồm có:
- 6 suncatcher khủng long dễ thương
- 6 bút màu tô vẽ lên kính 10.5 ml như sau:
1. Vàng lấp lánh
2. Xanh lấp lánh
3. Trắng
4. Xanh biển
5. Cam
6. Tím

6 bút màu tươi sáng

Bộ màu vẽ này dùng để làm gì?
- Khơi gợi tính sáng tạo của bé khi phối màu, tô màu lên suncatcher.
- Giúp bé làm quen với màu sắc, các con vật khủng long kèm theo.
- Các suncatcher dùng trang trí trong nhà như treo lên cửa, không gian bàn học hoặc dùng làm móc khóa.

Điều yêu thích ở sản phẩm này


- Kiểu dáng dễ thương, dễ sử dụng.
- Thỏa sức phối màu theo ý thích mà không sợ bị lem khi tô các bút màu gần nhau.
- Hộp đựng đẹp mắt và các chú khủng long suncatcher được làm tỉ mỉ.

Chia sẻ công thức đơn giản phối màu


Thay vì chỉ tô mỗi chú khủng long một màu, bạn có thể kết hợp các màu với nhau để chú khủng long trông thú vị hơn. Cùng xem một vài công thức tô của mình bên dưới nhé.

Các bạn khủng long khi được phối màu trông sẽ vui nhộn hơn.
Phối màu lấp lánh với màu trơn.
Phối màu trơn với nhau
Phối màu lấp lánh với màu trơn

Chút lưu ý rút ra khi sử dụng


- Nhớ lót giấy phía dưới trước khi đặt suncatcher lên bàn ngồi tô.
- Trước khi tô màu nào, mình đều lắc đều để màu đều hơn.
- Sau khi tô xong, bạn để trên mặt phẳng 8 tiếng là suncatcher sẽ khô lại và lên màu rất đẹp.
- Bút màu này thích hợp cho các bé trên 3 tuổi vì các món đồ trong đây đa số nhỏ bé, phía sau hộp màu mình thấy có ghi ở mục Warning.
- Bạn nhớ tránh tiếp xúc màu lên da, miệng, mắt và phải rửa ngay bằng nước thật kỹ khi bị dính.
- Bảo quản nơi khô thoáng để giữ màu và suncatcher bền đẹp nhé.

6 bạn khủng long đã được mình tô xong.
Đây là các mẫu mình thấy đang có mặt tại Nhà Sách Phương Nam Phú Thọ

Tóm lại là với giá 254.000đ cho một bộ đồ chơi sáng tạo như vậy mình thấy cũng hợp lý, vì sau khi tô xong còn giữ lại trang trí được khắp nơi. Nếu bạn đang tìm một món quà tặng bé hoặc đang tìm đồ chơi cho các bé thích tô vẽ thì đây sẽ là một lựa chọn hay. Và nếu như đọc đến đây mà bạn đặt câu hỏi: Mua bộ tô màu lên kính ở đâu? thì mình xin chia sẻ luôn là Nhà Sách Phương Nam Phú Thọ hay còn gọi là Nhà Sách Phú Thọ theo thói quen của thế hệ 8x, 9x ở Sài Gòn.

Cảm ơn bạn đã xem bài, nhớ để lại bình luận nếu bạn cần thêm thông tin nhé!

Đọc bài viết

Trà chiều

Review hộp bút họa tiết trang trí dễ thương

Published

on

By

Xin chào bạn đọc Bookish.vn, mình mở ra series Nhà sách có gì ngoài sách với các bài viết chia sẻ, review những món đồ thú vị có mặt tại Nhà Sách Phương Nam. Hi vọng các bài viết trong series này sẽ mang đến cho bạn những thông tin vui vẻ và hữu ích.

Đúng là Nhà sách có rất nhiều sách, nhưng ngoài sách ra thì có rất nhiều món đồ khác mà mỗi lần đến nhà sách mình cứ như đi lạc vào xứ sở dễ thương vậy. Vừa rồi, mình có dịp được trải nghiệm nhanh một món đồ thú vị muốn chia sẻ đến các bạn, đó là hộp bút họa tiết xinh xắn đang có mặt tại Nhà Sách Phương Nam, thích trang trí và yêu màu sắc chắc chắn bạn sẽ thích món đồ này đó.

Mời xem thêm video trải nghiệm tại đây

Lần đầu viết review một món đồ không phải sách trên Bookish.vn - một trang chuyên viết về sách có điều gì thiếu xót hay cần thêm thông tin gì mời bạn để lại bình luận để mình ghi nhớ và phản hồi nhé!

Hộp bút trang trí họa tiết trưng bày ở Nhà Sách Phương Nam

Thông tin chung về sản phẩm

Mỗi hộp bút sẽ có 6 bút như sau:

1. Đường cong - Màu Xanh táo
2. Hoa - Màu Hồng xinh xắn
3. Gạch nối - Màu Vàng dứa thơm
4. Ngôi sao - Màu đỏ dưa hấu
5. Đường ngang nối - Màu Xanh dương Berry
6. Trái tim - Màu tím măng cụt

Combo 6 bút với 6 màu và họa tiết xinh xắn

Bút này dùng để làm gì?

- Đánh dấu nội dung bạn cần lưu ý lại mấy lúc đi học, đi làm.
- Trang trí ghi chú cá nhân của bạn, làm đẹp tựa bài, lưu bút hay nhật ký mỗi ngày.
- Sáng tạo tranh vui vẻ giải trí sau giờ học, giờ làm với các họa tiết có sẵn của bút.

Cùng xem họa tiết được vẽ ra trên giấy nhé

Điều yêu thích ở bút này

- Hữu ích trong việc làm nổi bật nội dung quan trọng, khi đánh dấu sẽ tìm lại dễ dàng.
- Bút dễ dùng, kích thước nhỏ gọn như bút bi nên dễ đem đi học, đi làm.
- Kiểu dáng bút đẹp mắt, cầm nhẹ tay, dễ viết.
- Giá cả hợp lý, vừa túi tiền. Nếu mua tại nhà sách Phương Nam thì giá là 50.000đ/hộp 6 bút.

Một vài lưu ý rút ra khi sử dụng bút

Trong lúc trải nghiệm sản phẩm, mình thấy có một vài mẹo để bút đáp ứng được tốt nhất nhu cầu của mình, chia sẻ ở đây cho bạn nào đang quan tâm nhé

- Mỗi lần viết, nhớ lắc đều bút - như uống sữa phải lắc đều vậy :D Như vậy, bút sẽ ra màu đều và đẹp.
- Ba bút: đường cong, gạch nối, đường ngang nối khi viết nên cầm bút thẳng lên, họa tiết sẽ ra đẹp và thẳng hàng hơn đó bạn.
- Ba bút: hoa, ngôi sao, trái tim thì nên cầm nghiêng khi viết, như vậy họa tiết sẽ tròn vành và đều màu.

Tóm lại là ở góc nhìn của mình thì sản phẩm dễ dùng và đạt được các mục đích trang trí đơn giản, có bền hay không thì tùy vào trải nghiệm và cách dùng của mỗi người. Kích thước và hình dáng sản phẩm rất dễ thương nên mình nghĩ rất thích hợp để làm quà tặng các dịp đặc biệt cho bạn bè, đồng nghiệp, gia đình,... món quà mừng năm học mới cho con gái, món quà sinh nhật cho đồng nghiệp hay món quà chúc mừng bạn thân thi đậu IELTS điểm cao.

Cám ơn bạn đã dành thời gian đọc bài review của mình và hi vọng nó sẽ hữu ích với bạn!

Đọc bài viết

Cafe sáng