Book trailer
Hôm nay mẹ có vui không? – Bởi hạnh phúc ở ngay thềm ngôi nhà đây thôi
Gấu cứ hay áp bàn tay nhỏ xíu lên má mẹ rồi hỏi “Hôm nay mẹ có vui không?”. Tôi lại dối lòng, dối Gấu là mẹ ổn cả, chỉ mệt thôi.
Book trailer
Mỗi phụ nữ phải tự tìm ra cách để mình hạnh phúc

Bởi vì, người phụ nữ không hạnh phúc thì không thể có mối quan hệ tốt đẹp với bất cứ ai, ngay cả với chính bản thân mình và con mình sinh ra. Đó là thông điệp mà tác giả Trần Vân Anh gửi gắm trong cuốn sách vừa phát hành Hôm nay mẹ có vui không?
Muốn hạnh phúc, phải biết tự chữa lành
Cuốn sách mở đầu với kí ức làm con của tác giả, trong đó là sự soi chiếu của đứa con nhỏ với tổ ấm và mối quan hệ với gia đình từ mỗi ngày lớn lên. Đâu đó, người đọc tìm thấy chính vấn đề của gia đình mình, từ sự đứt kết nối, từ âu lo, trầm cảm, đến sự phản kháng tức thì của tuổi nhỏ. Tập sách tìm kiếm câu chuyện ẩn bên trong mỗi đứa con, nơi cảm xúc phức tạp không thể bày tỏ thành lời và dần trở nên xa lạ trong chính tổ ấm của mình. Chứng thiếu hụt cảm xúc thời thơ ấu hình thành, khiến một đứa trẻ lớn lên, trưởng thành với khuyết tật cảm xúc. Có người vấp ngã trong đời sống cá nhân, người trầm cảm, lo âu và có người trượt dài trên suốt cuộc đời.
Thế nhưng, con người sinh ra vốn đã có bản năng mưu cầu hạnh phúc. Theo tác giả "Cố hạnh phúc không phải là hạnh phúc. Đã gọi là hạnh phúc thì sao lại phải cố? Hạnh phúc là cảm xúc thoả mãn tự nhiên như hơi thở. Khi tự gọt chân cho vừa giày, khi phải nhẫn nhịn cho qua, khi phải gồng mình kiềm chế, dù là tự nguyện, thì không thể nào gọi đó là hạnh phúc, có chăng cũng chỉ là phép thắng lợi tinh thần, tự huyễn hoặc bản thân mà thôi".
Trong Hôm nay mẹ có vui không?, tác giả đã đi tìm khái niệm tận cùng của hạnh phúc, từ đó tìm ra cách để trở nên hạnh phúc mà bước đầu tiên và quan trọng đó là phải biết tự chữa lành. Những tổn thương sâu kín nhất nếu được tìm thấy và sửa chữa kịp thời sẽ giúp người phụ nữ ngập tràn trong năng lượng tích cực, được sống đúng với bản thân mình, tự vui với những niềm vui chân thật. Đó chính là hạnh phúc trọn vẹn mà chúng ta đều mong mỏi tìm kiếm.
Thông qua từng trang sách, người đọc tìm thấy bản thân mình trong nhiều vấn đề từ khủng hoảng hôn nhân, hậu ly hôn và nuôi dạy con cái. Đồng thời học được từ tác giả quá trình tìm lại chính mình, tự chữa lành, là con đường thoát khỏi trầm cảm, tìm lại niềm vui, sự cân bằng, thanh thản trong tâm hồn, giải phóng khỏi những áp lực của hành trình làm mẹ và đồng hành cùng con vượt qua những khiếm khuyết không mong muốn.
Hôm nay mẹ có vui không?

Trong cuộc sống quá bận rộn vội vã hiện nay, phụ nữ chúng ta đôi khi không còn nhận ra niềm vui lấp lánh trong tim hoặc phớt lờ nỗi buồn phảng phất sâu kín. Trong khi, theo lẽ tự nhiên, những diễn biến cảm xúc vui buồn thường nhật ấy cần được mỗi cá nhân nhận ra và giải toả nó.
Hôm nay mẹ có vui không cũng chính là hôm nay mình có vui không? Ý thức được hôm nay mình có vui không, vì sao mình vui chính là một bước để hiểu bản thân, từ đó người phụ nữ sẽ tự biết yêu bản thân đúng cách, chăm sóc những phần cảm xúc sâu kín nhất bên trong và đạt tới hạnh phúc trọn vẹn. Người đọc nhận ra rằng yêu bản thân không phải là ích kỉ, và một phụ nữ dám hạnh phúc sẽ biết cách làm cho mình hạnh phúc, từ đó các mối quan hệ xung quanh họ cũng dần trở nên tốt đẹp hơn.
Chân dung người phụ nữ hiện đại hiện ra rất rõ ràng trong trang sách. Cô ấy biết rõ mình muốn gì, độc lập tài chính, nuôi dưỡng đam mê, không ngừng học hỏi. Cô ấy dám đấu tranh với chính mình để đạt tự do thực sự về tư tưởng. Cô ấy rạch ròi giữa thấu cảm và chấp nhận trong mối quan hệ với bố mẹ và mạnh mẽ bước ra khỏi cuộc hôn nhân không khiến mình hạnh phúc như một cách tự sửa chữa sai lầm của bản thân và giải thoát khỏi các định kiến.
Cũng theo tác giả Trần Vân Anh: "Mẹ vui hay buồn có ảnh hưởng rất nhiều đến hành trình làm mẹ và tâm lý đứa con. Mẹ dịu dàng hay gắt gỏng, nóng nảy hay kiên nhẫn đều tác động đến hành vi và suy nghĩ của con mình. Khi mẹ hạnh phúc, mẹ trở nên nhẹ nhàng, bao dung, đứa con sẽ lớn lên bình an, vượt qua khiếm khuyết, tự tìm cho mình lẽ sống. Khi mẹ hạnh phúc, mối quan hệ mẹ con sẽ tự nhiên trở nên khăng khít, mẹ chỉ cần đốt đuốc lên, con sẽ tự tìm ra lối đi cho riêng mình".
Trong một xã hội quá nhiều định kiến khắc nghiệt với phụ nữ như Việt Nam, nếu không tự mình dám hạnh phúc thì phụ nữ không bao giờ hạnh phúc thật sự. "Hôm nay mẹ có vui không?" cũng chính là thông điệp về hạnh phúc, bắt đầu từ một điều rất nhỏ nhoi là cảm nhận niềm vui, ngay hôm nay. Người phụ nữ - người mẹ dám hạnh phúc sẽ lan toả năng lượng đó cho con mình và những người xung quanh.
Mẹ "lười" dạy con trai
Một phần khá thú vị của tập sách chính là câu chuyện làm mẹ "chín ép" của tác giả. Một người mẹ như sống giữa hai thế giới tâm lý trái ngược: Một bé học giỏi nhưng sợ giao tiếp vì chứng tự kỉ chức năng cao, một bé hoạt ngôn, nhạy cảm nhưng có vấn đề về học tập và bị chứng tăng động giảm chú ý.
Như tác giả viết "Tôi không nuôi dạy những đứa trẻ nhiều khiếm khuyết, tôi đang đồng hành cùng hai con người trưởng thành có khiếm khuyết - giống như chính bản thân tôi. Chúng tôi giúp nhau hoàn thiện mình". Cách tác giả dạy con nấu ăn làm việc nhà, tiêu tiền, tự chơi với nhau hay cách chị giải thích cho con việc bố mẹ ly hôn, chuyện mẹ sẽ có người yêu mới, nói với con trai về sinh lí, tình dục tuổi dậy thì... được kể chân thật, gần gũi và lôi cuốn. Tác giả chủ trương giảm áp lực hết mức có thể cho những đứa con của mình bằng cách trở thành bà mẹ hạnh phúc, không hy sinh cả cuộc đời cho con, không bắt con phải gánh lấy giấc mơ của mình và tôn trọng tối đa tính cách riêng của mỗi đứa.
Cách tác giả đồng hành cùng con vượt qua các nhược điểm để cả ba mẹ con có một cuộc sống nhẹ nhàng vui vẻ là những gợi ý hữu ích cho nhiều bậc cha mẹ trong hành trình nuôi dạy con.
"Hôm nay mẹ có vui không?" có lối viết giản dị, chân thật và rất đời, không triết lý nhưng sâu sắc, không hoa mỹ trong ngôn từ nhưng đủ chạm đến trái tim của người đọc. Đây là một cuốn sách đẹp cả về nội dung và hình thức mà phụ nữ nào cũng nên có, nhất là trong tháng 3 - tháng của phụ nữ này. Sách do nhà xuất bản Phụ Nữ và Phương Nam book phát hành. Đang có bán tại hệ thống nhà sách trên toàn quốc.
*
Book trailer
Tháo gỡ phép màu: Một biên niên ký tuyệt đẹp

Julie Yip-Williams (1976 - 2018) là một phụ nữ Việt Nam gốc Hoa, theo gia đình sang Mỹ từ nhỏ. Cô bị khiếm thị bẩm sinh nhưng đã vượt khó, rồi sống một cuộc đời phi thường.
Quyển sách Tháo gỡ phép màu - Hồi ký về một cuộc đời phi thường từ sự sống đến cái chết là cách Julie Yip-Williams kể lại câu chuyện cuộc đời mình, từ một bé gái bị khiếm thị bẩm sinh và suýt chết dưới tay người thân, một luật sư thành công trên đất Mỹ, rồi cuối cùng trở thành một người vợ, người mẹ với nghị lực phi thường khi đối mặt và chống chọi với căn bệnh ung thư.
“Câu chuyện này bắt đầu ở điểm cuối. Nghĩa là nếu bạn đang đọc những dòng này, thì tôi đã không còn nữa. Nhưng không sao cả... Ở đây, tôi bắt đầu viết ra trải nghiệm của mình cả về cuộc đời tôi đã sống và những gian nan tôi đã chịu - cả hai đều không toàn diện, song cũng đủ để bạn thấy rõ quãng đường mà tôi đã đi và thế giới mà tôi đã tạo dựng suốt đời mình. Và thứ vốn ban đầu chỉ để ghi lại cái chết yểu chực chờ đã trở thành điều gì đó có ý nghĩa hơn nhiều: lời cổ vũ cho các bạn, những người vẫn đang sống.”
--
Cuộc đời đánh thức những phép màu
--
Julie Yip-Williams sinh tháng 1 năm 1976 tại Tam Kỳ, trước khi đất nước thống nhất. Cô bị khiếm thị bẩm sinh, và suýt bị tước đi mạng sống lúc 2 tháng tuổi bởi chính bà ruột của mình, coi cô như dị tật và ra lệnh giết cô.
Julie viết trong cuốn sách: “Tôi đã suy sụp. Tôi là gánh nặng và sự xấu hổ của gia đình.”
Cha mẹ đưa cô đến một thầy thuốc đông y ở Đà Nẵng, cho ông ta những thỏi vàng để đứa con ra đi bình yên. Họ mặc cho cô bộ quần áo sơ sinh ố màu vì không muốn lãng phí bộ đồ sạch sẽ cho một đứa bé sớm sẽ không còn trên thế gian.
"Đó thực sự là điều bạn muốn làm?" - thầy thuốc hỏi. Cha mẹ Julie trả lời bằng cách nhìn chằm chằm vào sàn nhà, rồi ông thầy thuốc từ chối họ. Khi gia đình 3 người trở về nhà, bà ngoại cuối cùng cũng mủi lòng, và Julie sống sót.
Cuộc đời của Julie sau đó là một biên sử, theo nghĩa đen nhất.
Gia đình Julie rời Việt Nam vào những năm 1970, đến Hong Kong trên một chiếc thuyền đánh cá. Việc gia đình Yip đến được Hong Kong một cách an toàn, chứ chưa nói đến Mỹ, đã là một điều kì diệu.
Sinh ra với căn bệnh đục thủy tinh thể nghiêm trọng ở một đất nước đang có chiến tranh, vượt biên đến Mỹ, chữa bệnh, và leo lên đỉnh cao của xã hội xứ cờ hoa. Cô đã sống sót sau sự đe dọa của cái chết ngay từ khi mới sinh ra, tất cả với cô như một phép lạ. Tác giả sau đó tốt nghiệp ngành Luật tại đại học Harvard, làm việc ở một văn phòng luật danh tiếng và có một gia đình nhỏ hạnh phúc. Cô sống cùng người chồng luật sư và hai con gái tại Brooklyn.
Khi cuộc sống dần viên mãn, ở tuổi 37, cô bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư đại tràng, khiến cuộc sống của cô hoàn toàn thay đổi. Julie Yip-Williams đối mặt với căn bệnh ung thư giai đoạn cuối với quyết tâm không để nó định đoạt cuộc đời mình. Nhưng phép màu không lần nữa xảy đến. Julie qua đời vào tháng 3 năm 2018 sau một thời gian chống chọi với căn bệnh.
--

Tháo gỡ phép màu bắt đầu như một trang blog, gồm các bài viết dành cho các con cô, phòng khi Julie sẽ ra đi trước khi cô kịp nói tất cả với chúng. Dần dần, đây trở thành cuốn nhật ký của riêng tác giả, nơi phản ánh hành trình cuộc đời với đầy đủ những cảm xúc trung thực, sâu sắc, và cả cái nhìn thẳng thắn của cô về sự sống – cái chết.
Cuốn hồi ký của Julie Yip-Williams về cái chết vì ung thư chân thực đến mức tàn nhẫn. Cô kể về tất cả mọi thứ, từ nỗi lo lắng và đau lòng khi bỏ lại hai đứa con cho đến những mô tả về các chức năng cơ thể dần suy giảm. Tác giả ghi lại đầy đủ những cảm xúc xấu xí do căn bệnh ung thư gây ra, cả những niềm vui đáng ngạc nhiên mà một góc nhìn tích cực về cái chết có thể mang lại.
Cách kể chuyện khéo léo, chân thành nhưng cũng rất mạnh mẽ của Julie mang đến nhiều cảm hứng, khơi gợi nơi người đọc sự tự chiêm nghiệm để cảm thấy trân quý cuộc sống hơn. Julie viết bằng ngôn ngữ tự tin, viết không để gây ấn tượng với bất kỳ ai, song có một thông điệp nhất định phải truyền tải.
Tháo gỡ phép màu được viết như một bức thư cho chồng và các con gái Mia và Isabelle. Nhưng, nó là cuốn sách dành cho tất cả chúng ta. Julie Yip-Williams đã tạo ra một tác phẩm tồn tại lâu hơn sự tồn tại của chính cô. Tháo gỡ phép màu là một cuốn sách về cái chết, nhưng hơn cả, nó còn là một cuốn sách về cách trân trọng sự sống.
- “Tôi đã sống ngay cả khi tôi đang chết, và ở đó ẩn chứa một vẻ đẹp kì diệu.”
- "Hãy sống khi bạn còn đang sống, bạn nhé. Từ lúc phép màu khởi đầu, đến khi phép màu tháo gỡ."
- "Hãy sống một cuộc đời đáng sống. Sống hết mình và trọn vẹn, một cách chin chắn, biết ơn, can đảm và thông thái. Hãy sống!"
Dù sao thì cái chết vẫn đợi ở đó, vì vậy, Hãy sống khi bạn còn đang sống.
Nhật xét về quyển sách:
“Tất cả những thứ đáng để chúng ta thấu hiểu và ôm giữ thật chặt đều nằm trong cuốn sách này... Đây thật sự là một phép màu.”
(Kelly Corrigan, tác giả của The Middle Place và Tell Me More)
“Một biên niên ký cảm động, tuyệt đẹp, đáng đọc và đáng được nhiều người say mê.” (Siddhartha Mukherjee, tác giả đoạt giải Pulitzer với The Emperor of All Maladies)
“Julie Yip-Williams đã sống một cuộc đời được định nghĩa bởi sự nỗ lực và tự lực phi thường. Nhưng trong cuốn hồi ký cảm động đến nao lòng này, nơi chất chứa một cuộc đời mỗì lúc một dễ tổn thương, cô ấy đã cởi bỏ lớp vỏ bọc bên ngoài và định nghĩa lại về chiến thắng. Tác phẩm không chỉ xoáy sâu vào khiếm khuyết và bệnh tật của cô ấy, mà còn thể hiện tình yêu, sự chân thật, niềm hy vọng, sự ích kỷ, thậm chí là cơn giận dữ. Tôi không quen biết Julie, nhưng qua những trang viết này, tôi đã dần yêu mến cô ấy.”
(Lucy Kalanithi)
Book trailer
Chinh phục cơn hoảng loạn: Bách khoa toàn thư để doanh nghiệp vượt qua nguy cơ thời Covid

Nhận thấy những cái “cơ” trong cái “nguy” ngay tại thời điểm khủng hoảng dịch bệnh COVID-19, Mã Thanh Danh - Phó Tổng Giám đốc tập đoàn KIDO đồng thời là Mentor của Shark Tank Việt Nam - đã phát hành cuốn sách Chinh phục cơn hoảng loạn. Và như cái tên, toàn bộ những cách chinh phục cơn hoảng loạn trong mùa đại dịch sẽ nằm trọn trong cuốn sách này.
Sự lây lan rộng rãi của COVID-19 và những bất ổn về kinh tế đã mang đến nhiều thách thức cho xã hội. COVID-19 đang nhanh chóng gây ra những gián đoạn trong kinh doanh và ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp không chỉ ở riêng các khu vực tồn tại dịch bệnh mà còn lan ra toàn cầu. Đây là một cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ trong 100 năm qua.
Đại dịch được nhìn nhận như một nguy cơ kéo dài. Nên hiểu chữ “nguy cơ” như thế nào? Tại thời khắc này, điều những doanh nghiệp cần làm là nhìn rõ cái “cơ hội” trong cái “nguy hiểm”, “nguy hại”. Từ đó sẽ xác định những cơ hội mới để vượt qua nguy cơ. Đây là một cuộc chạy đua về khả năng thích nghi với trạng thái “Bình Thường Mới” của toàn xã hội.
Nhìn thấy những cái “cơ” trong cái “nguy” của cuộc khủng hoảng đặc biệt này, Mã Thanh Danh đã phát hành cuốn sách Chinh phục cơn hoảng loạn với thông điệp chủ chốt muốn gửi tới người đọc: “Sự thay đổi không quan trọng. Quan trọng là thái độ của chúng ta trước sự thay đổi.” Trong cuốn sách, tác giả Mã Thanh Danh làm rõ rằng, nếu bình tĩnh xem xét tình hình thì các doanh nghiệp có thể tự tạo ra cho mình những cơ hội tốt trong tình hình khủng hoảng do đại dịch.
Tác giả Mã Thanh Danh là Phó Tổng Giám đốc tập đoàn KIDO, chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn quốc tế CIB, đồng thời là Mentor của hai chương trình Blue Venture Việt Nam và Shark Tank Việt Nam. Ông có hơn 15 năm kinh nghiệm trong quản lý chiến lược kinh doanh, tư vấn quản lý thương hiệu, Mua bán và Sáp nhập (M&A). Ngoài ra, ông Danh còn là Chuyên gia tư vấn và trực tiếp thực hiện Chuyển đổi số (Digital Transformation) cho nhiều doanh nghiệp quy mô SME và Tập đoàn. Hiện tại, ông là một trong những diễn giả uy tín nhất về start up tại Việt Nam.

Chinh phục cơn hoảng loạn là bản tin chân thực nhất về tình hình đại dịch COVID-19, những hình ảnh, câu chuyện và cảm xúc khiến người đọc phải tự nghiền ngẫm và đúc rút ra cho mình một tâm thế vững vàng nhất trong tình hình đại dịch. Đồng thời, cuốn sách cũng mang những suy nghĩ, trăn trở của tác giả về một tương lai tốt đẹp hơn, nơi mà không ai bị bỏ lại phía sau.
Điều khiến Chinh phục cơn hoảng loạn khác biệt so với những cuốn sách khác là tính thời sự và cấp thiết của nội dung. Cuốn sách được hoàn thành với cái nhìn của một chuyên gia quản trị rủi ro có kinh nghiệm nhiều năm, với những số liệu toàn cầu được tổng hợp và cập nhật mới. Bên cạnh đó, thiết kế sáng tạo và tiện lợi của bookmark móc cài đính kèm cuốn sách sẽ hoàn toàn hướng đến nhu cầu tiện lợi và dễ sử dụng cho bạn đọc.
Chinh phục cơn hoảng loạn cung cấp cho người đọc - đặc biệt là những thủ lĩnh, thuyền trưởng của các doanh nghiệp - cái nhìn tổng quát nhất về đại dịch COVID-19, tâm thế đúng đắn khi đứng trước đại dịch này, giả định một thế giới lý tưởng để chúng ta hướng đến và cuối cùng là những giải pháp, lời khuyên,… từ chính Mã Thanh Danh. Cuốn sách sẽ là một người bạn đồng hành vững chãi giúp các doanh nghiệp bình tĩnh đối mặt với cuộc khủng hoảng toàn cầu này.
Như đã được đề cập ở trên, thông điệp bao trùm của cuốn sách là: “Sự thay đổi không quan trọng. Quan trọng là thái độ của chúng ta trước sự thay đổi.” Trong thời điểm khủng hoảng, chúng ta càng phải bình tĩnh hơn bao giờ hết. Đây chính là thông điệp kim chỉ nam dành cho mọi người đi đầu, mọi người lãnh đạo, mọi người thuyền trưởng đang ra sức thích nghi với sự thay đổi để giữ vững tay chèo trên chính con thuyền của mình.

Chinh phục cơn hoảng loạn đã nhận được rất nhiều sự đón nhận và ủng hộ đến từ các chuyên gia, các CEO, các Founder nổi tiếng. Kết thúc cuốn sách, điều đọng lại rõ nhất trong tâm trí của người đọc sẽ là hai câu hỏi: “Bạn đã học được gì?” và “Bạn sẽ thích nghi như thế nào?” Những bài học trong cuốn sách này sẽ không chỉ có giá trị trong thời điểm hiện tại mà còn có giá trị trong mọi cơn khủng hoảng loài người phải đối mặt trong tương lai.
Hết.
-
Cafe sáng7 tháng ago
Khai trương Phương Nam Book City Saigon Center, điểm hẹn văn hóa mới của người Sài Thành
-
Trà chiều1 năm ago
Truyện cổ tích và sự khác biệt trong cách các nền văn hóa nhìn nhận thế giới
-
Top sách hay2 năm ago
10 cuốn sách xanh biếc về môi trường và thiên nhiên
-
Phía sau trang sách2 năm ago
Rừng Na Uy, về Murakami và những kẻ cứ nghĩ là mình cô đơn lắm
-
Cafe sáng10 tháng ago
Học Chất Hết Nấc với Lớp học Mật Ngữ: Tập đẹp, ba lô xinh và phụ kiện cá tính
-
Trà chiều2 năm ago
Tại sao ta không nên đọc mọi thứ và không nên tin mọi thứ ta đọc?
-
Phía sau trang sách4 ngày ago
Khi các nhà văn đá xéo nhau: Tận cùng của sự đanh đá (phần 1)
-
Trà chiều10 tháng ago
Thật tâm mà nói, cổ tích là một dạng tiểu thuyết trinh thám