Chuyện người cầm bút

Tháng 3 Phụ Nữ, điểm mặt 6 tác giả nữ nổi bật

Published

on

Họ hiện đại, nhưng cũng nặng lòng với truyền thống. Họ làm việc toàn thời gian, nhưng cũng tận hưởng cuộc sống toàn thời gian. Nhân tháng 3 Phụ Nữ, Bookish.vn điểm lại những gương mặt tác giả nữ đã đồng hành cùng Phương Nam trong thời gian qua.

Đặng Nguyễn Đông Vy

Hãy tìm tôi giữa cánh đồng, Nếu biết trăm năm là hữu hạn, Những lối về ấu thơ

Với lối viết tinh tế, nhã nhặn, tác giả Đặng Nguyễn Đông Vy đã chia sẻ với người đọc những điều mình cảm nhận một cách sâu sắc về cuộc đời.

Với Hãy tìm tôi giữa cánh đồng, tất cả là ký ức nhưng chị nhìn qua đôi mắt đầy xao xuyến, trái tim đầy nhân hậu. Những khoảng đời dù rất riêng nhưng sao qua lời chị viết, trở nên thật gần gũi với những ai từng có một quê nhà để mà nhớ. Người ta có thể nhìn ra một góc tâm hồn tác giả, và có lẽ nhờ đã viết một cách chân thật với lòng mình, những câu chuyện gửi gắm có thể vượt qua cảm xúc riêng để biến thành cảm xúc của người đọc.

Tác giả Đặng Nguyễn Đông Vy

Hãy tìm tôi giữa cánh đồng là thuở ban đầu trong trẻo nhất trước khi được tiếp nối với những tâm tình trong Những lối về ấu thơ và giọng văn gần gũi, thẳng thắn hơn trong Nếu biết trăm năm là hữu hạn.

Bút danh Phạm Lữ Ân là sự kết hợp của hai nhà báo viết cho giới trẻ, cũng là một đôi vợ chồng Phạm Công Luận – Đặng Nguyễn Đông Vy. Nhờ sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cái nhìn trong trẻo, tinh tế và sắc sảo với sự từng trải, thương yêu và khoan dung, những bài viết chung của họ đã đưa ra được những kiến giải đầy thú vị và vô cùng sâu sắc về cuộc đời, không chỉ cho giới trẻ mà cho bất cứ ai trong chúng ta, ở bất kỳ lứa tuổi nào.

“Viết được một bài viết nhỏ để nói lên cảm xúc của mình, và được người đọc cảm nhận, có lẽ cũng là một điều hạnh phúc”, chị Đông Vy chia sẻ.

Nếu biết trăm năm là hữu hạn (ấn bản đặc biệt)

Trần Vân Anh

Hôm nay mẹ có vui không?

Tác giả Trần Vân Anh là một chuyên gia truyền thông với 18 năm kinh nghiệm, Editor-in-chief của Kilala – Tạp chí Nhật Bản dành cho người Việt, Content Manager tại Tập đoàn CMG.Asia, Senior Beauty Editor của Tạp chí ELLE Vietnam, F Fashion…

Nhưng bên cạnh những tittle đó, chị là một người mẹ. Quyển sách Hôm nay mẹ có vui không? là câu chuyện của tác giả về quá trình tìm lại chính mình, tự chữa lành, là con đường thoát khỏi trầm cảm, tìm lại niềm vui, sự cân bằng, thanh thản trong tâm hồn.

Và trong hành trình của chị Vân Anh, rất nhiều người tìm thấy chính mình trong đó, qua chị Vân Anh – người mẹ hay qua Gấu – Tôm, người con.

Tác giả Trần Vân Anh

Hôm nay mẹ có vui không? mang dáng dấp một cuốn nhật ký của cá nhân tác giả, nơi chị nhìn lại, suy ngẫm, và viết nên chính cuộc đời mình. Đó không đơn thuần là hành trình làm mẹ, đó còn là hành trình của người phụ nữ hiện đại, sai lầm rồi trưởng thành, sống vì con, vì gia đình, và vì cả chính mình.

Bởi lẽ không có công thức trong việc dạy con, không có phương pháp nào là đúng hay sai nhưng chắc chắn có nhiều con đường để trở thành một người mẹ tốt. Một trong những con đường đơn giản nhất đó là trở thành một người mẹ hạnh phúc.

“Vân Anh chia sẻ bản thân mình, như cách cô sống. Cô hạnh phúc, vui sướng khi được bày tỏ, mở rộng con người mình, bóc từng lớp tâm lý, đời sống của mình để tự hiểu mình nhiều hơn. Và người đọc cứ thế mà đi theo cô trong hành trình dẫn dắt đó. Có ai đó, bắt gặp mình trong cô, sẽ nhận về thêm những kinh nghiệm sống. Có ai đó hoàn toàn khác cô thì sẽ như có thêm biên độ mới để hiểu biết về những cuộc đời đi qua tổn thương và tự phục hồi”, trích lời Nhà thơ – nhà báo Khánh Chi.

Hôm nay mẹ có vui không?

Trần Vân Anh:

  • Chuyên gia truyền thông với 18 năm kinh nghiệm
  • Editor-in-chief: Kilala – Tạp chí Nhật Bản dành cho người Việt
  • Media Director: Kilala Communication
  • Content Manager: Tập đoàn CMG.Asia
  • Senior Beauty Editor: Tạp chí ELLE Vietnam, F Fashion

Lê Mai Anh

Your Brand Talks

Tác giả Lê Mai Anh là Thạc sĩ MBA về Truyền thông trong Quản trị Doanh nghiệp & Lãnh đạo năm 2018, Đại học Cumbria – Anh quốc; từng đoạt giải thưởng Diamond – ASEAN PR Excellence Awards năm 2019; hiện là Giám đốc quản lý kinh doanh của Hãng tin Reuters và Giám đốc Quốc gia PR Newswire tại Việt Nam.

Với hơn 15 năm kinh nghiệm trong mảng truyền thông và quan hệ báo chí, tác giả đã từng tư vấn và làm việc với nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước ở các mảng viễn thông, du lịch, khách sạn, F&B, công nghệ và start-up.

Lê Mai Anh – tác giả Your Brand Talks

Your brand talks mang dáng dấp của một tư liệu giáo trình, khi các kiến thức được tác giả sắp xếp trình tự, logic. Bắt đầu từ định nghĩa, sau đó phân loại, rồi đi đến thực hành với các cách thức hiệu quả để xây dựng thương hiệu cá nhân. Song, điểm khác là chị Lê Mai Anh viết với tâm thế một người đồng hành, chứ không phải người thầy, người cô dẫn dắt bạn đi trên con đường định nghĩa bản thân ấy.

Nói như nhà báo Đào Hồng Hạnh là quyển sách “không có nhiều thuật ngữ chuyên ngành lấp lánh, không dạy đời”, mà ngược lại, như một lời tâm tình, sẻ chia từ chính những gì tác giả đã trải qua, nhẹ nhàng mà tinh tế.

Quyển Your Brand Talks được tác giả hi vọng “phần nào giúp bạn tìm ra các giá trị căn bản nhất của bản thân, biết được những nhân tố có thể xây dựng hình ảnh và thương hiệu cá nhân một cách hiệu quả. Và điều quan trọng cuối cùng là cuốn sách có thể truyền cảm hứng đến bạn ít nhiều bằng những câu chuyện hết sức đời thường nhưng biết đâu bạn có thể thấy mình ở trong đó.”

Lê Mai Anh:

  • Cử nhân chuyên ngành Kinh tế đối ngoại, trường Đại học Ngoại Thương, năm 2005
  • Thạc sĩ MBA về Truyền thông trong Quản trị Doanh nghiệp và Lãnh đạo năm 2018, Đại học Cumbria – Anh quốc
  • Giải thưởng Diamond – ASEAN PR Excellence Awards năm 2019 tại Kuching, Malaysia
  • Giám đốc quản lý kinh doanh của Hãng tin Reuters tại Việt Nam, phụ trách các thị trường: Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar và Philippines
  • Giám đốc Quốc gia PR Newswire tại Việt Nam
  • Hiện là đồng chủ tịch của Hiệp hội VNPR (mạng lưới những người làm nghề Quan hệ công chúng tại Việt Nam)
  • Giảng viên trường Đại học Nguyễn Tất Thành
  • Với hơn 15 năm kinh nghiệm trong mảng truyền thông và quan hệ báo chí, tác giả đã từng tư vấn và làm việc với nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước ở các mảng viễn thông, du lịch, khách sạn, F&B, công nghệ và start-up

Hồ Đắc Thiếu Anh

Mứt Việt, Món cuốn xanh, Bánh Việt truyền thống mùa lễ hội

Nghệ nhân Hồ Đắc Thiếu Anh có lẽ không là gương mặt quá xa lạ với bạn đọc Việt Nam. Cô được biết đến với nhiều tựa sách ẩm thực hay, đẹp mắt, và quan trọng nhất, thấm đẫm truyền thống, văn hóa quê hương.

“Nhà thơ ẩm thực” là cách bạn đọc vẫn hay gọi cô Thiếu Anh. Xuất phát là một nhà thơ, cô trở thành một nghệ nhân ẩm thực tài hoa bởi tình yêu to lớn đối với ẩm thực quê hương, kèm theo đó là tâm tư muốn lưu giữ, truyền bá trọn vẹn tinh hoa của ẩm thực dân tộc qua từng trang sách.

“Tốt nghiệp đại học kinh tế nhưng lại chọn thơ văn để lập nghiệp. Từng câu chữ trau chuốt là cách tôi yêu quê hương và tôn trọng độc giả. Rồi tôi lại đem thơ văn vào trong ẩm thực, dạy nấu ăn bằng cách kể về câu chuyện riêng của từng món. Ngay từ khi tôi còn trẻ, nhiều người đã gọi cách tôi theo đuổi đam mê là dấn thân bất chấp, còn tôi lại gọi là sống trọn”, nghệ nhân tâm sự trong cuộc phỏng vấn với báo Thanh Niên.

Hậu trường chụp ảnh quyển sách Món cuốn xanh.
Bánh Việt truyền thống mùa lễ hội

Cuốn sách mới nhất được giới thiệu, Bánh Việt truyền thống mùa lễ hội là công trình tâm huyết của cô Hồ Đắc Thiếu Anh, một người nặng lòng với ẩm thực cung đình Huế, tuyển lựa những công thức nấu nướng truyền thống nhất của dân tộc. Cuốn sách phù hợp để trưng bày trên bàn trà ngày Tết, là một kho tàng chuyện hay để người nhà kể cho nhau nghe dịp xuân về.

“Hy vọng Bánh Việt truyền thống mùa lễ hội không những giúp lan tỏa được phần nào nét đẹp truyền thống trong đời sống hiện đại để con cháu sau này biết đến các món bánh của ông bà ngày xưa; mà còn góp phần quảng bá nét văn hóa tinh túy của bánh Việt với bạn bè quốc tế”, tác giả chia sẻ.

Món cuốn xanh

Nghệ nhân Hồ Đắc Thiếu Anh

  • Quê quán: Thừa Thiên Huế
  • Hội viên chuyên ngành Văn hóa Ẩm thực Liên hiệp các Hiệp hội UNESCO VIệt Nam
  • Thành viên Ban cố vấn Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam

Nguyễn Hồ Tiếu Anh

  • Giám đốc Công ty Ẩm thực Ngon và Lành
  • Hội viên chuyên ngành Văn hóa Ẩm thực Liên hiệp các Hiệp hội UNESCO Việt Nam
  • Hội viên Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam

Lăng Vi

Nồi niêu xoong chảo

Tác giả Lăng Vi từng là biên tập viên tạp chí văn hóa Nhật Bản – Kilala, là người khởi tạo và xây dựng trang Fanpage Vợ Chồng Son với hơn 9.000 người yêu thích và theo dõi. Chính mẹ của chị là người đã truyền cảm hứng và nuôi dưỡng niềm yêu thích nấu nướng để chị thực hiện nên tập sách đặc biệt Nồi niêu xoong chảo. Đây cũng là lần đầu tiên một cuốn sách kỹ năng ẩm thực trẻ trung và bắt mắt ra đời do chính tác giả viết nội dung và vẽ minh họa.

“Mong rằng cuốn sách này sẽ có thể truyền cảm hứng nấu nướng cho bạn, thôi thúc bạn mơ mộng về một căn bếp riêng, nơi bạn có thể hoàn toàn được là chính mình, và tận hưởng việc nấu nướng như một niềm vui trong cuộc sống”, tác giả chia sẻ về Nồi niêu xoong chảo.

Tác giả Lăng Vi

Nồi niêu xoong chảo ra đời để làm một người bạn đồng hành trong những bước đi đầu tiên với những ai mới tập tành nấu nướng. Quyển sách không chỉ tổng hợp các kiến thức cơ bản cần thiết mà còn chia sẻ những hướng dẫn rất cụ thể từ việc chọn mua dụng cụ, nguyên liệu thực phẩm, cách bày trí gian bếp, kỹ thuật trong thao tác nấu hoặc trang trí món ăn, kinh nghiệm xây dựng thực đơn và bảo quản thành phẩm…

Thông qua nó, bạn có thể hình dung một cách tổng quát về chuyện bếp núc để tự tin thử sức và khám phá.

Nồi niêu xoong chảo

Lăng Vi:

  • Sinh năm 1990
  • Cung Xử Nữ
  • Nhóm máu B
  • Thích ăn, nấu ăn, vẽ, nghe nhạc, bày bừa, sách, những gì xinh đẹp, dễ thương…
  • Trước đây làm biên tập viên tạp chí văn hóa Nhật Bản, hiện đang làm freelance tại Sài Gòn

Giang Vũ

30 món mứt ngon của người Việt

Là nhà báo chuyên viết về mảng ẩm thực và du lịch, tác giả Giang Vũ viết và chụp ảnh các món ăn ngon, di sản ẩm thực, và điểm du lịch trên khắp các miền đất nước. Chị đặc biệt tâm huyết với mảng sách “cook book” nên đã đầu tư nhiều thời gian để làm sách nhằm lưu giữ công thức các món ăn truyền thống, đồng thời tôn vinh vẻ đẹp của ẩm thực Việt.

Trong cuốn sách 30 món mứt ngon của người Việt, chị vừa là người soạn công thức, vừa là người trình bày và chụp ảnh từng món mứt, giúp bạn đọc có thể làm theo một cách dễ dàng. Đồng thời cho thấy tâm huyết to lớn của chị trong mỗi ấn phẩm được tạo ra, sao cho chỉn chu và truyền tải tốt nhất.

Tác giả Giang Vũ
30 món mứt ngon của người Việt (bìa cứng)

“Đã đến lúc, tôi cần phải ghi lại kiến thức đồ sộ của ẩm thực Việt, giữ gìn nó như một di sản phi vật thể cho muôn đời sau. Và tôi đã chọn cách ghi lại gia tài đó bằng một cuốn sách nấu ăn, bắt đầu con đường khám phá cách nấu món Việt dài lâu của mình trước tiên bằng 30 món mứt Việt. Có những món mứt ra đời ở Việt Nam, có những món mứt hình thành trong quá trình giao thoa văn hóa với các nước phương Tây. Mứt Việt rất đẹp, rất công phu và đòi hỏi sự khéo léo – thế mạnh của con người Việt Nam.

Những món mứt trong cuốn sách này được làm bằng tình yêu từ trái tim tôi đối với ẩm thực Việt. Hãy làm theo từng bước như đã hướng dẫn, chắc chắn bạn cũng sẽ vô cùng thích thú khi tạo ra các món mứt vừa ngon, vừa đẹp, vừa lành. Tôi hy vọng, dựa trên cuốn sách cơ bản này, bạn sẽ sáng tạo ra nhiều món mứt tuyệt vời và đẹp mắt hơn thế nữa”, tác giả Giang Vũ chia sẻ.

*

Nhân dịp Tháng 3 Phụ Nữ, Bookish.vn gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến những người viết nữ của Phương Nam, cũng như toàn thể phái đẹp của thế giới. Phụ nữ đẹp nhất khi là chính mình, và biết thương chính mình!

Hết.

Sách Phương Nam phải đọc nhân tháng Phụ Nữ

Chuyện người cầm bút

Nguyễn Hoàng Mai: “Sứ đoàn Iwakura” là duyên lành của tôi với Phương Nam Book

Khi dịch sách, tôi đã học hỏi được nhiều về sự dẫn dắt, sắp xếp bố cục logic của Ian Nish – một chuyên gia, nhà nghiên cứu lịch sử người Anh – người đã dành phần lớn cuộc đời mình để cống hiến cho việc nghiên cứu lịch sử quan hệ ngoại giao của Nhật Bản.

Published

on

By

Sứ đoàn Iwakura là tác phẩm nghiên cứu về chuyến du khảo nhằm canh tân Nhật Bản thời Minh Trị dưới góc nhìn của người phương Tây. Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về Sứ đoàn Iwakura, Bookish đã có cuộc phỏng vấn với nhà văn Nguyễn Hoàng Mai – đồng dịch giả của quyển sách.  

Nguyễn Hoàng Mai là tác giả của hai tác phẩm đầy cảm xúc về tuổi trẻ: Đung đưa trên những đám mây (tiểu thuyết, 2018), Bây giờ mình đi đâu (tập truyện ngắn, 2019). Hiện nay, cô đang sinh sống và làm việc tại Tokyo. Tuy đã xa Việt Nam nhiều năm, Hoàng Mai vẫn đọc và thường xuyên theo dõi tình hình văn chương nước nhà. Sứ đoàn Iwakura là tác phẩm dịch thuật đầu tiên của Nguyễn Hoàng Mai được Phương Nam Book xuất bản.

Những tác phẩm văn học của Nguyễn Hoàng Mai thường có chủ đề tập trung vào nỗi cô đơn, tình yêu, suy tư về cuộc đời của người trẻ; vậy nguyên nhân nào khiến bạn quyết định dịch tác phẩm Sứ đoàn Iwakura do học giả Ian Nish biên soạn – đặc biệt là khi tác phẩm sử học này lại có sự khác biệt khá xa với chủ đề bạn thường sáng tác trong văn học?

Năm 2018, tôi vẫn là nghiên cứu sinh thuộc trường Đại học Soka (Soka University, Tokyo, Nhật Bản) khi đó vừa hoàn thành xong tập truyện mới, đang trong giai đoạn “giải lao”. Thời điểm ấy, tôi đã may mắn được một biên tập viên của Phương Nam Book mời tham gia dịch thử những cuốn sách sẽ ra mắt trong đợt kỷ niệm Minh Trị Duy Tân 150 năm.

Trong những cuốn sách tôi được giới thiệu, có tác phẩm Sứ đoàn Iwakura do học giả Ian Nish biên soạn. Thật trùng hợp, tôi cũng đang nghiên cứu về văn học thời kỳ Minh Trị, có tìm hiểu về Sứ đoàn Iwakura. Về chuyến đi lịch sử này, vốn được xem như dấu mốc quan trọng trong công cuộc Duy Tân Minh Trị, thường được ví như chuyến du hành của Columbus hay “Tây du ký” thời hiện đại để tìm hiểu, quan sát thế giới mới. Những nhà tri thức tiêu biểu thời Minh Trị đã vượt biển ra đi với sứ mệnh vẽ nên Nhật Bản, cùng vận mệnh Châu Á tương lai. Sau khi tìm hiểu, tham khảo ý kiến từ các giáo sư ở trường đang học, tôi càng chắc hơn về những giá trị đặc biệt cuốn sách sẽ mang lại cho độc giả Việt Nam.

Là một người viết trẻ, tôi vẫn đi trên con đường sáng tác tiểu thuyết, truyện ngắn hư cấu riêng. Nhưng thời điểm ấy, với những lý do như vậy, tôi đã cố gắng để không bỏ lỡ “duyên lành” được góp phần chuyển ngữ cuốn sách đặc biệt như thế.

Hoàng Mai dịch Sứ đoàn Iwakura từ tiếng Anh hay tiếng Nhật? Mai có thể chia sẻ một chút về quá trình dịch và hoàn thành cuốn sách để độc giả hiểu hơn được không?

Sứ đoàn Iwakura dịch từ nguyên tác tiếng Anh The Iwakura Mission in America & Europe: A New Assessment của học giả người Anh Ian Nish, với đóng góp của các học giả khác. Tôi cùng Nguyên Tâm chuyển ngữ từ tiếng Anh, đồng thời tham khảo các nguồn tài liệu từ tiếng Nhật. Trong quá trình dịch, đôi lúc tôi gặp khó khăn, thiếu tự tin, bởi những từ ngữ mang tính học thuật, khi đó tôi đã cố gắng đối chiếu giữa cả bản tiếng Anh lẫn tiếng Nhật, tham khảo thêm lời giải đáp từ những giáo sư trong trường, cũng như tham khảo thêm tài liệu từ những nguồn khác để tìm được cách dịch phù hợp. Tôi và đồng dịch giả đã trao đổi, thống nhất những thuật ngữ, để bảo đảm nội dung cuốn sách được mạch lạc.

Vì dịch covid, việc ra mắt sách chậm đến 3 năm nhưng cũng vừa hay đúng vào dịp Nhật Bản –  Việt Nam kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao và 150 năm chuyến đi của Sứ đoàn Iwakura. Trộm nghĩ, cũng giống như cái duyên, cái kết đẹp cho quá trình cố gắng nỗ lực của nhiều người tâm huyết với lịch sử thời Minh Trị vậy. Qua đây tôi cũng cảm ơn các biên tập viên giàu kinh nghiệm của Phương Nam Book, đặc biệt là anh Huỳnh Duy Lộc, đã góp phần đưa cuốn sách đến tay bạn đọc một cách chỉn chu nhất.

Sau khi dịch Sứ đoàn Iwakura, với những hiểu biết cặn kẽ hơn về thời Minh Trị, Mai có hứng thú sáng tác thể loại văn học dã sử nói chung, cũng như về thời Minh Trị nói riêng không?

Tôi thích lịch sử Nhật Bản cũng như lịch sử Việt Nam, thế giới nói chung. Nghiên cứu về lịch sử là tìm về những bài học, những giá trị phục vụ cho hiện tại, vẽ nên tương lai.

Lịch sử nước Nhật nói chung và lịch sử thời Minh Trị nói riêng còn nhiều điều để lật lại, để khai thác. Lịch sử Việt Nam cũng có những câu chuyện rất hay. Từ nhỏ, tôi đã thích những câu chuyện dã sử có đan xen những yếu tố huyền ảo, không chỉ về tình yêu mà còn mang lại ý nghĩa thời đại sâu sắc. Sau khi dịch cuốn Sứ đoàn Iwakura, tôi vẫn suy nghĩ, tìm hiểu về đề tài ấy.

Sứ đoàn Iwakura là tác phẩm đầu tiên mà Mai thực hiện công việc chuyển ngữ sau một thời gian dài sáng tác văn học. Từ việc dịch, bạn có suy tư gì về việc viết trong quá trình làm việc với tác phẩm này không? 

Tôi nghĩ, sáng tác văn học là một công việc cô đơn, cần sự đào sâu vào bản ngã, thế giới của chính mình, còn làm một dịch giả thì không thể thỏa mãn bản ngã của người dịch mà cần sự chuẩn xác, tính cẩn trọng cao. Tuy nhiên, viết văn, dịch sách lại gặp nhau ở điểm chung: cần sự uyển chuyển trong câu từ tiếng Việt. Để có được điều này, dịch giả phải không ngừng học hỏi, bổ sung vốn từ vựng, trong quá trình chuyển ngữ phải lựa chọn được những từ ngữ sao cho phù hợp nhất.

Khi dịch sách, tôi đã học hỏi được nhiều về sự dẫn dắt, sắp xếp bố cục logic của Ian Nish – một chuyên gia, nhà nghiên cứu lịch sử người Anh – người đã dành phần lớn cuộc đời mình để cống hiến cho việc nghiên cứu lịch sử quan hệ ngoại giao của Nhật Bản.

Thời gian tới, Mai có dự định tiếp tục dịch sách không? Mai có thể chia sẻ những dự định sắp tới của mình trên con đường viết lách?

Sau khi thử sức với đề tài nghiên cứu lịch sử, thì tiếp theo tôi mong muốn được dịch những cuốn sách thể loại sở trường của mình là: tiểu thuyết, truyện ngắn, mong được giới thiệu những tác phẩm đoạt giải thưởng uy tín của văn học Nhật như giải Akutagawa, Naoki… đến với độc giả.

Tôi cũng đang trong quá trình tự trau dồi vốn ngoại ngữ, tiếp thu nhiều nguồn tác phẩm, tư liệu văn học nước ngoài để có thể viết những cuốn sách hay nhất trong khả năng mình. Hiện tại tôi đang viết một cuốn sách với chủ đề âm nhạc đường phố cùng với một người bạn thuộc thế hệ Gen Z cũng là ca sĩ nhạc sĩ, và một cuốn sách về chữa lành tâm trí. Hy vọng những dự án này sẽ hoàn thành tốt đẹp, có duyên được ra mắt bạn đọc trong thời gian tới.

Cảm ơn Mai đã dành thời gian trò chuyện với Bookish, chúc bạn sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai.

Đọc bài viết

Chuyện người cầm bút

Jon Fosse: “Bản thân văn học biết nhiều thứ hơn lý thuyết văn học”

Published

on

By

Jon Fosse

Jon Fosse, 64 tuổi, đã trở thành chủ nhân mới nhất của giải Nobel Văn chương vì “những vở kịch và các áng văn giúp cất lên tiếng nói cho những điều không thể nói ra”. Cuộc phỏng vấn sau đây được đăng trên The New Yorker vào năm 2022, xoay quanh các cuốn tiểu thuyết, những tác phẩm kịch và công việc dịch thuật của nhà văn người Na Uy.

Giải Nobel Văn học 2023 đã được trao cho nhà văn người Na Uy Jon Fosse.

Dễ thấy yếu tố tôn giáo tràn ngập trong các tác phẩm của ông. Điều đó và văn học đã gặp được nhau như thế nào?

Tôi đã có một bước ngoặt lớn trong cuộc đời mình liên quan đến việc bước vào những điều chưa thể biết trước. Tôi là người vô thần, nhưng tôi không thể giải thích điều gì xảy ra khi mà tôi viết, hoặc là điều gì khiến nó xảy ra, nó đến từ đâu? Tôi không thể biết. Ta luôn có thể giải thích não bộ một cách khoa học, nhưng lại bất khả để hiểu động cơ, tinh thần của nó. Đó là một cái gì đó khác. Bản thân văn học biết nhiều thứ hơn lý thuyết văn học.

Asle trong bộ 7 cuốn Septology của tôi cũng nghĩ điều tương tự thế về Chúa: “Bởi vì Chúa vừa là sự vắng mặt rất xa, vâng, là thế đấy, và, vừa là một sự hiện diện rất gần.”

Ngay cả khi Septology hoàn toàn không phải tự truyện, thì vẫn có những suy nghĩ cũng như đặc điểm giống hệt với tôi, chẳng hạn như là vẻ ngoài với tóc hoa râm. Tôi quyết định biến nó thành tự truyện bằng cách làm cho Asle trông giống như tôi, để trước là phù hợp hơn với thể loại này, và sau đó là viết nó theo cách thức của tôi, như một nhà văn. Nhưng có những suy nghĩ, đặc biệt là ở những phần mang tính tiểu luận, sẽ là rất gần với lối suy nghĩ của tôi. Chẳng hạn, ý tưởng cho rằng Chúa ở gần đến mức mà ta không thể trải nghiệm, nhưng Ngài cũng xa đến mức ta không nghĩ đến. 

Có sự tiếp nối với con người ông trước bước ngoặt kia không? Hay chỉ đơn thuần là sự rạn nứt?

Ồ, vâng, có sự liên tục trong các tác phẩm. Tất cả những điều mà tôi nói đến đều “ở bên ngoài”. Việc viết là một cái gì đó khác. Người viết văn trong tôi, anh ấy luôn luôn kiên định. Tôi không chắc anh ấy có tỉnh táo hay không, nhưng anh ấy vẫn luôn như thế.

Ân sủng có ý nghĩa gì với ông?

Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về khái niệm đó.

Nó quan trọng với tôi.

Và tôi cũng vậy. Đó là một khái niệm quan trọng. Đôi khi viết được, tôi coi đó như là một món quà, như một ân huệ. Tôi không xứng đáng theo cách nào đó để có được nó. Khi ta ngồi đây với nhau - tôi không cảm thấy rằng mình xứng đáng để có điều này. Cả khi những vở kịch tôi viết được đưa lên sân khấu lớn, thì mỗi một lần đều tốn rất nhiều công sức để các diễn viên phải học lời thoại, làm quen phối cảnh cũng như mọi thứ. Tôi khiến cho rất nhiều người bỏ công bỏ sức, và tôi nghĩ mình không xứng đáng với điều đó. Nó còn nhiều hơn những gì tôi xứng đáng có.

Biết viết và viết được hay đó là ân sủng. Và tôi nghĩ có lẽ cuộc sống tự nó đã là một loại ân sủng. Tôi hoàn toàn có thể hiểu được những người quyết định rời bỏ cuộc đời. Đó là một nơi khủng khiếp theo rất nhiều cách. Cũng có thể coi cái chết như một ân sủng. Ở đây mọi lúc mọi nơi chắc là khủng khiếp lắm.

Các tác phẩm của Jon Fosse. Ảnh The New York Times.

Nó liên quan đến sự đau khổ?

Trong thế giới sa ngã này, theo Kitô giáo, cuộc sống là một loại quà tặng và cũng đồng thời chính là ân sủng. Nhưng rồi mọi chuyện trở nên nghịch lý. Mọi thứ đối với tôi, theo một cách nào đó, đều sẽ kết thúc trong sự nghịch lý. Và đôi khi tôi thấy mình chứa đầy những sự mâu thuẫn đến nỗi khó có thể hiểu được làm cách nào mà tôi-bên-ngoài và tôi-văn-chương có thể ở kề cạnh nhau, và trở thành một.

Ông viết rất hay về tuổi thơ. Tuổi thơ có phải là thời gian không có nghịch lý?

Tôi phải nói vì nó rất quan trọng đối với riêng tôi: lúc 7 tuổi, tôi đã cận kề cái chết trong một tai nạn. Và rồi, từ ở ngoài kia [chỉ về phía xa], tôi có thể thấy mình đang ngồi đây - tôi thấy mình như thế. Và mọi thứ đều yên bình, tôi nhìn những ngôi nhà và thấy khá chắc mình đã thấy chúng vào lần cuối cùng đi khám bác sĩ. Mọi thứ lung linh và rất yên bình, một trạng thái hạnh phúc, giống như đám mây đầy hạt ánh sáng vậy. Trải nghiệm này là quan trọng nhất trong thời thơ ấu. Và nó đã tạo nên tôi với tư cách là một con người, có cả mặt tốt cũng như mặt xấu, và cũng đã tạo ra tôi như một nghệ sĩ.

Đầu tiên tôi đọc tất cả tiểu thuyết của ông, sau đó tôi đọc tất cả các vở kịch của ông. Và điều thú vị với tôi về các vở kịch là chúng thường miêu tả những cảnh ghen tuông một cách dồn nén và rất đau đớn. Điều này lại ít thấy hơn trong các tiểu thuyết. Vì sao lại thế?

Chủ đề hay nhất cho một vở kịch là sự ghen tuông. Đó là “chuyện thường ngày ở huyện” đã có từ thời cổ đại: chỉ đặt 2 người lên trên sân khấu và rồi để người thứ ba bước vào. Sau đó bạn sẽ có được kịch tính ngay lập tức. Thậm chí có thể tạo ra chỉ giữa 2 người, như tôi đã làm trong một số vở kịch của mình.

Đó là một điều khá đau đớn đối với tôi khi đọc.

Vâng, nó hơi giống Tennessee Williams [1] Nhưng đó cũng là lý do vì sao tôi thấy mệt mỏi với việc viết kịch - bởi nó dễ dàng tạo ra cảm giác ghen tuông. Khi tồn tại thứ ấy, tôi thường nghĩ rằng, theo ngôn ngữ thầm lặng của vở kịch, sẽ có cái chết.

Với ông loại tình yêu nào thì đáng tin cậy trong một thế giới sa ngã?

Tôi nghĩ là các vở kịch đều đang nói điều gì đó về tình yêu. Không phải tôi biết câu trả lời đâu. Nhưng tôi cảm giác những gì tôi viết đều đúng ở khía cạnh nào đó. Đó không phải chủ nghĩa hiện thực, và cũng không phải hoàn toàn chỉ là hư cấu.

Và đó là cách mà tôi có thể đưa ra câu trả lời khôn ngoan. Trong sáng tạo của tôi. Chúng khôn ngoan hơn và biết nhiều hơn người viết ra nó đứng dưới tư cách của một con người. Nó lớn hơn thế. Tôi nghĩ đó là món quà của mọi nền văn học vĩ đại. Đối với tôi, tình yêu là thứ gì đó vô cùng độc đáo, nhưng lại đồng thời cũng rất phổ quát. Nhưng để biến sự độc đáo của tình yêu thành văn học đích thực, cần phải tạo ra một cái gì đó xứng đáng hơn.

Mối quan hệ giữa kịch và tiểu thuyết của ông đôi khi là về nhịp điệu - một sự xen lẫn âm thanh rất có chủ ý, ngắt quãng giữa lời nói và suy nghĩ?

Đúng rồi. Theo một cách nào đó, tất cả đều là về nhịp điệu, ngay cả trong một bức tranh. Có nhịp điệu giữa các yếu tố hoặc mối quan hệ giữa chúng. Nhịp điệu thì rất dễ nói, nhưng lại rất khó để biết chính xác nó là cái gì hoặc đang làm gì. Tất cả những khái niệm này - như sự duyên dáng, tình yêu, nhịp điệu - chúng rất dễ dùng nhưng lại khó hiểu theo cách thực tế. Nhưng nó cũng rất hiển nhiên có mặt ở đó. Khi có nhịp điệu, bạn biết điều đó. Khi có tình yêu, bạn cảm nhận được. Và đối với tôi, cả Chúa cũng vậy. Tôi khá chắc Chúa cũng hiện diện. Tuy nhiên, tôi thường không thấy như vậy.

Được biết ông đang dịch cuốn The Plains của Gerald Murnane[2]?

Tôi không biết làm sao mà tôi lại đọc Murnane. Trước đây ông chưa từng được dịch sang tiếng Na Uy. Tôi đã đọc về ông ở đâu đó và cảm thấy ông là một nhà văn thú vị. The Plains là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng và được dịch nhiều nhất của Murnane. Nó cũng đã được dịch sang tiếng Thụy Điển và tiếng Đan Mạch. Về văn học, tôi có thể đọc tiếng Đức và tiếng Anh, nhưng tôi thích đọc bằng tiếng Scandinavi hơn. Vì vậy, tôi đã đọc nó bằng tiếng Thụy Điển và tôi thực sự thấy thích. Sau đó tôi đã quyết định tự chuyển ngữ nó.

Biết rằng ông đang dịch Murnane làm tôi nhớ đến cây vĩ cầm Hardanger[3], với hai lớp dây nằm song song nhau. Có vẻ như ông và Murnane có chung một số suy nghĩ?

Đó là một hình tượng đẹp. Thật hiếm khi gặp được một giọng văn có ý nghĩa. Nó giống như là tình bạn mới vậy, và không xảy ra một cách thường xuyên.

Làm thế nào để ông dịch The Plains sang tiếng Nynorsk[4]?

Tôi sống ở Áo, nơi có phong cảnh bằng phẳng rộng lớn được gọi là Đồng bằng Pannonia. Nó trông hơi giống phong cảnh nước Úc.

Tôi cảm thấy Murnane có giọng văn và cách nhìn khá độc đáo. Tôi chưa bao giờ đọc bất cứ thứ gì như cuốn sách này, nhưng nó giống với văn bản của tôi - cảm giác xa cách nhưng cũng gần gũi. Chúng tôi đang viết theo những cách khác nhau, nhưng có thể nói có một cách nhìn tương tự ẩn đằng sau nó.

Có lẽ là tính kỷ luật hoặc sự tập trung?

Khi tôi viết, mọi thứ cần phải chính xác cũng như chuẩn xác. Tôi không chấp nhận ngay cả nếu sai dấu phẩy. Tôi biết điều đó. Nếu tôi thay đổi điều gì đó ở trang 4, thì tôi sẽ phải thay đổi thêm điều gì khác ở nơi nào khác. Tôi không biết mình có thể tạo ra bao nhiêu mối liên hệ như vậy. Khi bước vào một vũ trụ theo một cách nào đó, bạn đã tách ra khỏi thế giới thực. Khi bạn tạo nên vũ trụ của mình, thì nó sẽ không còn là của bạn.

Có một logic nào đó trong điều đó ư?

Với tư cách là một nhà văn, tôi thấy nó rất cần thiết - một việc phải làm chính xác hoặc như thế này hoặc thế kia. Là một độc giả, khi đọc, bạn sẽ thấy nó logic.

Tôi có thể nói rằng viết mà không cần thiết thì chẳng để làm gì cả. Và đó là sức mạnh của nó. Tôi nghĩ là có hàng nghìn quy tắc tôi phải tuân theo khi viết tiểu thuyết. Hầu hết chúng sẽ nói không với điều này hoặc là nói có đối với điều kia. Để tuân thủ những quy tắc này và lắng nghe chúng, đòi hỏi phải có trí nhớ cũng như năng lực tinh thần mà tôi nghĩ mình không có khả năng sở hữu trong tư cách của một con người. Nhưng tôi nghĩ chúng ta còn nhiều khả năng hơn cả những gì mà chúng ta biết. Con người có khả năng làm những điều kỳ lạ.

Trong đó có cả khả năng, hoặc cũng có thể là sự hiểu biết, để sắp xếp các phần thành một tổng thể?

Vâng, đó là tất cả về tổng thể, về cảm giác trọn vẹn. Và chính sự trọn vẹn đó là linh hồn của văn bản. Thông điệp sẽ đến từ sự trọn vẹn của nó, từ ngôn ngữ thầm lặng của nó. Chính cái toàn thể vẫn sẽ im lặng và khăng khăng đòi im lặng. Và để tạo nên sự trọn vẹn này, mọi bộ phận đều phải khớp nối và hướng về nó. Và đây là điều mà một con người theo nghĩa bình thường không bao giờ có thể đạt được một cách có ý thức.

Đó là lý do tại sao tôi không muốn lên kế hoạch gì cả, không muốn biết trước bất cứ điều gì hết. Tôi chỉ tin tưởng vào việc viết thôi. Khi tôi sáng tác, có thể là 1, 5, 10 trang, nhưng theo một cách nào đó, mọi thứ đều đã có sẵn ở đó. Cho đến lúc đó, ít nhiều nó đã được xác định.

Lược dịch từ bài phỏng vấn Merve Emre, đăng trên The New Yorker ngày 13.11.2022


Một số chú thích diễn giải thêm cho bạn đọc:

[1] Tennessee Williams là một nhà viết kịch người Mỹ. Ông được coi là một trong ba nhà viết kịch xuất sắc nhất của kịch nói Mỹ trong thế kỷ XX. Một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông là Chuyến tàu mang tên dục vọng.

[2] Nhà văn nổi tiếng người Úc. Năm nay ông đứng thứ 3 trong danh sách đặt cược cho giải Nobel Văn chương, sau Tàn Tuyết và Jon Fosse.

[3] Một loại nhạc cụ đặc trưng của Na Uy, giống violin nhưng có tận 2 lớp dây.

[4] Một trong hai loại ngôn ngữ chính được dùng ở Na Uy, nhưng kém phổ biến hơn loại còn lại. Jon Fosse nổi tiếng về việc sử dụng thứ phương ngữ này.

Đọc bài viết

Chuyện người cầm bút

Phạm Công Luận và những tâm tình về “Hồi ức Phú Nhuận”

Cho dù “Hồi ức Phú Nhuận” không phải là sách biên khảo nhưng cũng cần được sắp xếp tương đối mạch lạc theo từng nhóm nội dung để độc giả dễ theo dõi, để có cái nhìn từ khái quát đến từng lãnh vực, sau đó đọng lại là những tâm tình của người sống ở đó.

Published

on

By

Hồi ức Phú Nhuận tập hợp những bài viết của nhà báo Phạm Công Luận về dòng chảy thời gian đi qua một vùng đất bằng việc sưu tầm và ghi lại những hồi ức tản mạn không chỉ của riêng tác giả – một người sinh ra, lớn lên và gắn bó với Phú Nhuận, mà còn từ lời kể của nhiều cư dân nơi đây qua các thế hệ.

Trong bài phỏng vấn này, Bookish sẽ giúp bạn đọc khám phá quá trình nhà báo Phạm Công Luận đã tái hiện một Phú Nhuận từ cổ chí kim qua từng trang sách trong Hồi ức Phú Nhuận diễn ra như thế nào, cũng như những khó khăn mà anh phải đối mặt. Hãy cùng tìm hiểu bạn nhé.

Trong quá trình thực hiện Hồi ức Phú Nhuận, anh có gặp phải những khó khăn nào khi tìm ý tưởng, nguồn tư liệu, hay nhân vật để phỏng vấn không? Nếu có, anh đã vượt qua những khó khăn đó bằng cách nào?

Viết sách tư liệu luôn có những thách thức từ việc ý tưởng tổ chức cho đến tập hợp tài liệu, cuốn Hồi ức Phú Nhuận cũng vậy. Cần có những ý tưởng cốt lõi từ cách tổ chức các chương mục cho đến thể hiện từng bài. Ở từng đề tài, nếu không tìm ra nhân chứng để phỏng vấn hoặc tài liệu hay thì dễ đi vào bế tắc. Khi gặp trường hợp đó, tôi xếp lại, khai triển một bài viết khác và lúc nào đó sẽ quay lại đề tài cũ khi thấy đã có những thứ cần thiết để viết nó ra.    

Bài viết nào trong Hồi ức Phú Nhuận khiến anh tâm đắc nhất? Anh có thể chia sẻ lí do tại sao không?

Có hai dạng bài tôi cảm thấy tâm đắc trong cuốn này.

Một là những bài tôi tìm được tư liệu hay, viết được những đề tài hầu như không ai viết về, mà lâu nay bản thân tôi luôn thắc mắc: bài viết về gốc gác của chợ Ga, về nhà hàng bò bảy món Ánh Hồng nổi tiếng khắp Sài thành một thời, về xóm cô đầu ở Phú Nhuận trước 1945, về đất Phán Hùng trong đường Cô Giang v.v...   

Hai là những bài được viết với nhiều cảm xúc, hầu hết nằm trong phần ôn chuyện xưa, về ẩm thực và về những con hẻm.  

Hồi ức Phú Nhuận được chia thành 9 phần (8 phần nội dung chính và 1 phần phụ lục) để bao quát những khía cạnh khác nhau trong đời sống Phú Nhuận. Từ khi bắt đầu viết sách, anh có hình dung trước là sách sẽ có 9 phần với các chủ đề như thế để lên kế hoạch viết không hay anh viết bài trước rồi trong quá trình tập hợp lại bài viết cho cuốn sách, anh mới chia bài viết theo chủ đề? Theo anh, phương pháp nào đem lại nhiều hiệu quả hơn?

Cuốn sách này, cho dù không phải là sách biên khảo nhưng cũng cần được sắp xếp tương đối mạch lạc theo từng nhóm nội dung để độc giả dễ theo dõi, để có cái nhìn từ khái quát đến từng lãnh vực, sau đó đọng lại là những tâm tình của người sống ở đó. Dù ban đầu đã có ý định sắp xếp một cách tương đối, khi viết tôi chọn những đề tài mình có hứng thú hoặc có tư liệu hay để viết trước. Sau một thời gian, tôi rà soát lại từng phần nội dung và tiến hành bù đắp những chỗ còn thiếu bằng những bài khác. Có thể cách của tôi không đúng bài bản nhưng ít ra nó giúp tôi duy trì được cảm hứng để viết một cuốn sách khá “lắm chuyện” như vầy.     

Trong Hồi ức Phú Nhuận, có những bài viết kể về các con đường, quán ăn và tiệm cà phê hiện đã không còn tồn tại. Vậy anh tìm kiếm và ghi lại những thông tin này bằng cách nào? Làm sao để anh cân bằng tính trung thực và chi tiết khi tái hiện những ký ức trong Hồi ức Phú Nhuận?

Tôi sống ở Phú Nhuận từ nhỏ đến nay nên không quá khó khăn để nhận diện những gì từng tồn tại và mất đi trong hơn nửa thế kỷ qua. Bên cạnh đó, còn có những nhân chứng chung quanh tôi, họ có thể kể về những quán xá họ từng lui tới, ăn uống ở đó hay về những gì đã xảy ra từ rất lâu trên một con đường. Trang “Phú Nhuận ngày xưa” trên Facebook do tôi lập ra, là nơi tập hợp những người từng hay đang gắn bó với vùng đất này cũng góp phần cung cấp cho tôi tư liệu về các quán, các nhà hàng trong quận, bên cạnh những câu chuyện ở lãnh vực khác.

Đã là hồi ức thì có “nhớ nhớ, quên quên” không tránh khỏi thiếu sót, tôi hạn chế tối đa điều đó bằng cách đối chiếu với các ý kiến khác nhau trên trang “Phú Nhuận ngày xưa” về một sự kiện, đưa ra trước cộng đồng để hỏi ý kiến và gửi bản thảo cho một số người quen nhờ xem giúp và phát hiện lỗi nếu có. Sau khi ra sách, tôi vẫn tiếp tục theo dõi dư luận để nếu cần thì đính chính hay chỉnh sửa sau.    

Hồi ức Phú Nhuận vừa có hình ảnh tư liệu, vừa có tranh minh họa của họa sĩ Phạm Công Tâm. Đâu là tiêu chí để anh quyết định lựa chọn giữa hình ảnh hay tranh minh họa cho một bài viết?

Việc chọn tranh hay ảnh minh họa cho phù hợp bài vở nằm trong góc nhìn từ nghề báo của tôi. Hầu hết bài trong sách được minh họa bằng ảnh, nhất là bài tài liệu. Bên cạnh đó có một số bài được minh họa bằng tranh màu nước, do không có ảnh đủ thể hiện được nội dung và còn giúp trang sách mềm mại hơn, đẹp hơn.

Sau Hồi ức Phú Nhuận, kế hoạch sáng tác tiếp theo của anh là gì? Anh có dự định viết thêm về Phú Nhuận hoặc những quận khác không?

Cho dù Phú Nhuận vẫn còn nhiều điều hay để khám phá và chia sẻ, tôi chưa có ý định viết tiếp ở dạng một cuốn sách mà sẽ dành thời gian cho những đề tài khác.

Tôi vừa viết xong bản thảo cuốn sách về Chợ Lớn, một khu vực đô thị không nhiều người phía Sài Gòn có điều kiện tiếp cận theo chiều sâu. Cuộc sống ở đó, với đa số là di dân người Hoa có những đặc thù riêng, rất thú vị để tìm hiểu. Qua cuốn này, tôi mong có thể phản ánh được một phần nhỏ đời sống, tâm tình, sinh hoạt của vài thế hệ người sống trong Chợ Lớn trong gần trăm năm qua. Đó là một nơi mà một số nhà văn, ký giả nước ngoài như Gontran de Poncins, Georges Ribon hay Kermendec... đã đến và ở lại một thời gian để viết những bài báo và cuốn sách thật lý thú.    

Cảm ơn tác giả Phạm Công Luận vì đã dành thời gian cho một cuộc chia sẻ sâu với Bookish. Chúc anh luôn thành công với những dự án trong tương lai.

Đọc bài viết

Cafe sáng