Trà chiều

Đảo Của Dân Ngụ Cư – Nơi những mảnh đời lạc lõng tụ hội lại

Chúng ta thường chỉ chú ý đến những điều quan trọng khi mọi thứ đã quá trễ, khi ta đã mất nó.

Published

on

Tôi vừa đọc xong truyện Đảo Của Dân Ngụ Cư của nhà văn Đỗ Phước Tiến. Đây là tác phẩm gốc của bộ phim chuyển thể cùng tên do nữ diễn viên Hồng Ánh lần đầu tiên đảm nhận vai trò đạo diễn. Văn phong của truyện rất giàu hình ảnh, tính từ và mang đặc trưng riêng nhưng có lẽ vì bị ảnh hưởng từ việc xem phim trước mà tôi cảm thấy thích phim của chị hơn cả truyện gốc.

Phim Đảo Của Dân Ngụ Cư khiến tôi khá ngạc nhiên vì tôi để ý rằng những bộ phim của đạo diễn có xuất thân là diễn viên thường chú trọng vào diễn xuất, nhân vật hơn là hình ảnh so với những đạo diễn có xuất thân từ quay phim. Nhưng trong bộ phim đầu tay của mình, Hồng Ánh đã thực sự kể chuyện bằng hình ảnh, chị tạo được ngôn ngữ điện ảnh riêng, những qui tắc riêng trong phim với sự sắp xếp, cấu trúc hình ảnh rõ ràng. Đây là một phim nghệ thuật rất tốt. Tôi cảm động vì chị đã dũng cảm làm phim như vậy. Có lẽ đây là một trong những phim Việt Nam mà tôi thích nhất vài năm gần đây.

Bộ phim mở đầu bằng một hình ảnh rất mạnh: người xem nhìn thấy cánh tay của một người đàn ông nằm trên biển và một cô gái ở đằng xa. Cảnh này không có tiếng tạo ra một cảm giác kì lạ. Hình ảnh đầu tiên của phim đã rất lôi cuốn tôi bởi vì tôi không thể giải thích được, không thể xâu chuỗi hình ảnh hai hình ảnh đó thành một câu chuyện. Hình ảnh ấy khiến tôi suy nghĩ, phân vân liệu người đàn ông đó còn sống hay đã chết, tại sao người con gái kia cứ ngồi trên thuyền thúng và nhìn về người ấy. Sau đó, màn hình chuyển đen, tôi nghe thấy tiếng sóng biển. Và người xem lại nhìn thấy biển lần nữa nhưng lúc này là một thanh niên trẻ đi qua bãi biển. Thế rồi, chúng ta nghe những dòng độc thoại tự sự của anh. Lúc này, tôi bắt đầu có cảm giác lo sợ rằng phim của chị có khả năng trở thành hình ảnh minh họa cho truyện ngắn nguyên tác. Nhưng tôi vui vì điều mình lo lắng đã không thành sự thật. Trong vài phân cảnh đầu tiên, chị đã xây dựng được không khí, giọng điệu và phong cách kể chuyện rất rõ ràng. Một trong những điểm đặc trưng tạo không khí khác lạ là những cảnh quay với góc máy từ trên cao nhìn xuống. Tôi không biết người xem khác cảm thấy như thế nào, nhưng với tôi, việc sử dụng góc máy này một cách có ý thức đã tạo ra bầu không khí rất lạ. Bởi lẽ ở những đoạn cao trào trong một cảnh, người xem thường muốn tiếp cận nhân vật gần hơn để thấy rõ cảm xúc trên khuôn mặt họ, thấy hành động của họ chi tiết hơn; và từ đó, cảm nhận mình là một phần của bộ phim. Thông thường, đạo diễn cũng sẽ làm hài lòng nhu cầu này người xem. Nhưng ở một số cảnh trong Đảo Của Dân Ngụ Cư, Hồng Ánh lại cắt lên góc máy từ trên cao nhìn xuống ngay lúc cao trào của cảnh. Ví dụ: cảnh người vợ tắm cho chồng mình. Lúc người chồng mạnh bạo kéo bà vào bồn tắm, Hồng Ánh lại cắt lên góc cao và dừng ở đó một lúc. Với động tác này, tôi cảm giác chị muốn giữ người xem tiếp cận bộ phim bằng một góc nhìn khách quan, chị khiến họ nhận ra rằng họ chỉ là người xem trung lập, họ không phải là một phần của phim. Hơn nữa, góc máy cao cũng khiến tôi cảm thấy người vợ nhỏ bé và đáng thương. Tôi đã hiểu lầm rằng bà là một người hầu trong cảnh này. Một cảnh khác với cùng cách dựng đó là cảnh Phước và người Khmer đánh nhau. Tôi không nhớ rõ nhưng tôi nghĩ còn những cảnh khác nữa trong phim cũng có cách dựng như thế này.

Ngoài ra, các cảnh sử dụng góc máy từ trên cao cũng khiến tôi tự hỏi đây là góc nhìn khách quan mà Hồng Ánh dùng để kể chuyện, hay là góc nhìn chủ quan của một nhân vật nào đó trong phim. Câu hỏi thú vị này kích thích tôi tiếp tục xem phim để tìm ra câu trả lời. Và tôi không phải chờ quá lâu, câu trả lời nằm ở cảnh nhà hàng đông đúc và có người nhìn thấy một cô gái ngồi ở lầu trên. Tôi nghĩ đó là lúc câu chuyện thật sự bắt đầu, những cảnh trước đó chỉ là để xây dựng lớp nền cho người xem. Cách Hồng Ánh sử dụng khá nhiều góc máy trên cao nhìn xuống từ đầu phim cũng khiến tôi liên tưởng đến một người đang âm thầm quan sát mọi hoạt động, một người đang trốn ở đâu đó. Vậy nên, khi tôi biết được sự tồn tại của Chu, mọi thứ trở nên hợp lý. Sau sự xuất hiện của Chu, vẫn có những cảnh với góc máy cao; trong đó, một số cảnh có thể từ góc nhìn của Chu, số còn lại có thể là góc nhìn khách quan. Nhưng tôi thích điều ấy. Tôi thích cảm giác lẫn lộn khi mình không biết góc nhìn đó là của ai. Tôi cũng để ý thấy đôi khi, góc máy cao đơn thuần chỉ là cách Hồng Ánh mở đầu hay kết thúc một cảnh.

Có vài cảnh trong Đảo Của Dân Ngụ Cư khiến tôi nhớ đến phong cách của Trần Anh Hùng. Tôi nhận thấy chị thường mở đầu cảnh bằng một shot đi theo nhân vật và chị không đổi góc nhiều trong một cảnh, mọi thứ diễn ra với nhịp điệu chậm rãi. Ví dụ: shot dolly từ cửa sổ nhà hàng qua đến người vợ ngồi trước cửa nhà vắng khách, cảnh người vợ lau chùi nhà hàng và người chồng bước ra…

Một điểm nữa tôi lưu ý khi xem Đảo Của Dân Ngụ Cư là việc Hồng Ánh sử dụng cảnh toàn, cảnh trung và trung cận nhiều hơn cảnh cận và đặc tả. Vì chị hạn chế sử dụng cảnh cận (đây chỉ là cảm nhận chủ quan của tôi, tôi không thật sự chắc chắn, có thể chị dùng cảnh toàn, cảnh trung, và cảnh cận cùng số lượng), nên khi cảnh cận xuất hiện, nó tạo hiệu ứng mạnh mẽ hơn. Tôi rất thích cảnh cận hình ảnh con gián chết với những con kiến bò xung quanh, lá khô rơi rụng khắp mọi nơi. Hình ảnh này thể hiện sự chết chóc rõ rệt và khiến tôi cảm nhận được tâm trạng chán chường của nhân vật khi anh nói rằng không muốn mình như một con gián, cố gắng sống sót trong cuộc đời. Cảnh này kết hợp với âm nhạc và sự hòa điệu từ cảnh trước đó đã nâng nỗi buồn lên trong tôi về sự sụp đổ, sự bất ngờ khi mọi thứ không diễn ra theo lẽ tự nhiên nữa. Cảnh trước đó là một cảnh khá hài hước, khi Phước và Miên chạy rượt theo con dê với cái lon cột ở đuôi. Rõ ràng, đó một cảnh hoàn toàn trái ngược với cảnh con gián chết ngay sau đó giữa một bên là sự sống sinh động, một bên là cái chết im lìm.

Tôi cũng thích cách Hồng Ánh chèn những cảnh hoang tàn của nhà hàng vào giữa câu chuyện chính đang diễn ra. Từ đoạn đầu phim, chị cho người xem thấy cảnh nhà hàng bị tàn phá. Người xem biết trước cái kết của câu chuyện, nhưng khi họ gần như đã quên cái kết đó, chị lại nhắc họ về sự thật không thể thay đổi ấy, tựa như, sự tàn phá đó không chỉ ở đoạn cuối, có thể nó đã bắt đầu ngay từ khởi điểm hay đâu đó ở đoạn giữa – khi mọi thứ dường như đang phát triển theo hướng tốt hơn. Sự u sầu, mệt mỏi, không khí ngột ngạt dường như bao trùm lên cả căn nhà.

Cách Hồng Ánh sử dụng âm thanh trong phim cũng đặc biệt. Tôi thích cách sử dụng âm thanh trong cảnh mở đầu nhưng còn nhiều cảnh khác tôi cũng thích.

Thứ nhất, cảnh Phước bắt chước tiếng gà gáy. Đầu tiên, Phước gáy rất to và rồi nhận ra khi làm như thế có thể sẽ bị phát hiện nên Phước phải im lặng. Cảnh này thật sự rất dễ thương khiến tôi liên tưởng đến những cảnh lãng mạn trong phim Hàn Quốc.

Thứ hai, là cảnh Phước và Chu làm tình. Không cần sử dụng tiếng thở, hay những tiếng động khác, chỉ cần hình ảnh và nhạc, phim vẫn truyền tải được cảm xúc của họ trong đêm đầu tiên.

Thứ ba là cảnh Chu ném hai con chim đất nung qua cửa sổ. Tôi chờ tiếng vỡ khi hai con chim bị ném xuống đất, nhưng không có tiếng động gì cả. Âm thanh đó chỉ ở trong đầu người xem nếu họ muốn có một tiếng động nào đó tương tự như vậy. Cảnh này khiến tôi nhớ đến một cảnh trong Tony Takitani của Jun Ichikawa. Trong Tony Takitani, có cảnh Tony làm rơi chiếc đĩa xuống sàn, người xem có thể thấy mảnh đĩa vỡ tung nhưng họ không thể nghe âm thanh của nó. Hình ảnh ấy như dự đoán trước tương lai tối tăm của Tony. Nhưng trong phim Đảo Của Dân Ngụ Cư, Hồng Ánh sử dụng phương pháp này với mục đích và ý nghĩa khác. Chị không cho người xem thấy hình ảnh hai con chim vỡ, người xem chỉ thấy Chu ném hai con chim qua cửa sổ, rồi chị cắt qua hình ảnh bầu trời xanh, và cảnh này đã thật sự chạm đến cảm xúc của tôi, phần nào đó nó giúp tôi hiểu thêm về Chu để rồi cảm thấy thương Chu hơn. Trong suy nghĩ của cô gái ấy, hai con chim đất nung mà cô ném qua cửa sổ thật sự có thể bay, chúng không vỡ, chúng bay về phía bầu trời xanh ấy, chúng được tự do. Chu muốn được tự do như hai con chim đó, nhưng Chu không thể tự giải thoát mình, không thể mang tự do đến cho bản thân. Chu chết trong sự giam cầm, và có lẽ mẹ cô cũng vậy.

Tôi thích nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Duy Linh. Những bản nhạc được sử dụng ở nửa đầu phim chỉ có tiếng piano (tôi không chắc chắn, có lẽ vì piano là tiếng tôi nghe thấy rõ nhất), với rất ít nốt nhạc và thường có nhiều khoảng lặng dài giữa các nốt như thể âm thanh rải rác trong không gian ấy muốn mời gọi người xem bước vào câu chuyện. Sau đó, nhạc sĩ dần sử dụng nhiều nốt hơn, nhiều nhạc cụ hơn. Vì vậy, âm nhạc rất phù hợp với không khí phim, nó đi theo tiến triển câu chuyện.

Về nhân vật, tôi rất thích vai diễn Xiếm Hoa của diễn viên Ngọc Hiệp. Cô không xuất hiện nhiều nhưng để lại ấn tượng mạnh mẽ trong các cảnh cô tham gia. Cô diễn vai một người vợ không hạnh phúc, một người mẹ hiền lành. Giọng cười không chút run sợ của cô khi chồng phát hiện bí mật khiến tôi thật sự ngạc nhiên. Tôi cũng thích cách Hồng Ánh kết cảnh với hình ảnh tay cô nắm lấy con dao. Tôi nghĩ cô sẽ cố gắng lấy hết sức để rút con dao, để đấu tranh lại, để đâm người chồng. Thế nhưng cảnh này lại kết thúc với cảnh cận cho thấy bàn tay đầy máu nắm con dao. Hình ảnh ấy như muốn nói cô muốn đấu tranh lại, nhưng sự đấu tranh đó không thành công. Cuối cùng, có lẽ cô cũng là người chịu nhiều đau khổ nhất. Một trong những điều tôi nhớ nhất về Xiếm Hoa là hình ảnh cô treo đèn lồng đỏ trước cửa nhà hàng. Theo tôi nhớ, có hai cảnh như vậy. Cảnh đầu là lúc mọi thứ đang yên ổn, nhà hàng còn đông khách. Cảnh thứ hai là khi cơn bão tới, nhà hàng hầu như không có khách và trông cô rất buồn. Ở lần thứ hai ấy, tôi cảm thấy rất thương cô. Lúc đầu, tôi không để ý lắm khi cô treo đèn lồng đỏ mỗi đêm. Nhưng khi cảnh đó lặp lại lần thứ hai ở gần cuối phim, với cơn bão đang đến, nhiều lá rơi rụng hơn, vắng khách hơn, với cảnh trung cận để thấy cô run rẩy trong cơn lạnh, tôi thật sự thấy buồn. Hình ảnh đèn lồng đỏ cũng khiến tôi nhớ đến phim Đèn lồng đỏ treo cao của Trương Nghệ Mưu.

Ngoài ra, tôi cũng thích cách Hồng Ánh bỏ một vài cảnh để đẩy nhanh câu chuyện của phim. Ví dụ: chị chỉ cho thấy cảnh Phước trèo lên và ngắm Chu, sau đó, người xem có thể thấy họ đã khá thân thiết với nhau. Không có cảnh lần đầu gặp gỡ với những câu hỏi căn bản như tên tuổi, hay những câu tương tự như thế. Tôi nghĩ đó là sự lựa chọn đúng. Và chị cũng không cho thấy những cảnh khá quan trọng ở một số phân đoạn, đặc biệt là phân đoạn cuối: cảnh Chu chết như thế nào. Người xem chỉ nghe thấy tiếng hét của bà vợ. Sau đó, người xem thấy cảnh khủng khiếp ấy qua góc nhìn của Phước. Và cuối cùng là góc cận khuôn mặt chết của Chu. Tôi rất thích cách xử lí này. Khi người xem không thấy toàn bộ diễn biến của câu chuyện, họ sẽ ngạc nhiên hơn vì họ không biết chuyện gì đã xảy ra, và sẽ diễn ra. Người xem chỉ có thể thấy kết quả. Điều ấy khiến tôi nhớ đến cuộc sống của chúng ta. Chúng ta thường chỉ chú ý đến những điều quan trọng khi mọi thứ đã quá trễ, khi ta đã mất nó. Cảnh này cũng vậy. Mọi người thường nhận ra vấn đề khi đã quá muộn, và cuối cùng, họ mất những gì quan trọng đối với họ.

Kodaki

Click to comment

Viết bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Trà chiều

Sứ Đoàn Iwakura đạt Giải thưởng sách Quốc Gia 2024

Published

on

Giải thưởng Sách Quốc gia là giải thưởng do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức hàng năm, trao giải cho những cuốn sách (bộ sách) có giá trị nổi bật về nội dung tư tưởng, tri thức, thẩm mỹ nhằm tôn vinh tác giả, dịch giả, nhà khoa học và người làm công tác xuất bản.

Tối ngày 29.11.2024 tại lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần VII, tác phẩm Sứ Đoàn Iwakura - Chuyến Tây Du Khảo Cứu Nhằm Canh Tân Nhật Bản Thời Minh Trị (Ian Nish biên soạn, Nguyễn Hoàng Mai - Nguyên Tâm dịch) hân hạnh được vinh danh giải Khuyến khích.

Sứ Đoàn Iwakura là tác phẩm nghiên cứu tập hợp nhiều tư liệu giá trị, giúp độc giả hiểu rõ hơn về chuyến du khảo nhằm canh tân Nhật Bản thời Minh Trị dưới góc nhìn của người phương Tây. Để có một đường lối phát triển đất nước hoàn toàn mới, người Nhật đã khởi động chuyến công du gọi là Sứ mệnh Iwakura thăm Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu. Đây là một chuyến đi lịch sử có tầm quan trọng đến mức khi nhắc về Minh Trị Duy Tân, người ta lập tức nhớ đến chuyến đi này.

Sách dày 427 trang, gồm 11 chương tổng hợp các bài viết của Ian Nish và 12 chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ quốc tế khu vực Nhật Bản và Đông Á. Tám chương đầu, độc giả sẽ cùng phái đoàn đi qua tám cường quốc từ Mỹ, Anh, Pháp, Bỉ, Đức, Nga, Thụy Điển và Italy. Bản ghi chép của những học giả góp phần tái hiện hành trình tìm kiếm “văn minh khai sáng” của sứ đoàn Iwakura tại trời Âu dưới góc nhìn của người phương Tây. Ba phần còn lại trong ấn phẩm là bài phân tích, nhận định của chuyên gia lịch sử, đánh giá tình hình nước Nhật sau chuyến công du.

Để hiểu thêm về một lát cắt lịch sử quan trọng của Nhật Bản, cũng như đọc thêm về chuyến đi được mệnh danh là “Chuyến công du lịch sử thay đổi nước Nhật”, mời bạn tìm đọc sách tại đây hoặc tại hệ thống các nhà sách Phương Nam trên toàn quốc.

Đọc bài viết

Trà chiều

Nhà Sách Phương Nam đồng hành cùng các bạn học sinh tham gia cuộc thi ‘F1 in Schools’

Published

on

F1 in Schools là một giải đấu mang tính giáo dục, cạnh tranh toàn cầu do Formula One kết hợp với chương trình quốc tế STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học). Giải đấu được tổ chức hàng năm dành cho học sinh trung học với mục đích giới thiệu kỹ thuật cho những người trẻ tuổi trong một môi trường thú vị. Mỗi đội thi (từ 3 - 6 học sinh) phải thiết kế và chế tạo một chiếc xe đua Công thức 1 cỡ nhỏ từ Khối mô hình F1 chính thức bằng các công cụ thiết kế CAD/CAM.

Năm 2024, ADUA Racing - đội bao gồm các học sinh cấp 2 của trường British International School Ho Chi Minh City đã vinh hạnh giành được cơ hội tham gia vòng chung kết cuộc thi F1 in Schools ở Dubai, Ả Rập Saudi. Đây là đội duy nhất đại diện Việt Nam tham gia vòng chung kết năm nay.

Những nỗ lực rèn luyện, khả năng sáng tạo, tư duy học tập đáng ngưỡng mộ của các em học sinh trong giải đấu này phù hợp với định hướng và giá trị cốt lõi mà Nhà Sách Phương Nam luôn muốn đem lại cho các bạn đọc và khách hàng trên toàn quốc.

Vì vậy, Nhà Sách Phương Nam hân hạnh trở thành nhà tài trợ đồng hành cùng đội thi ADUA Racing trên hành trình vươn ra thế giới. Nhà Sách Phương Nam hy vọng nỗ lực này sẽ góp phần ươm mầm cho những tài năng tương lai, khuyến khích người trẻ phát triển tư duy độc lập, sáng tạo.

Nhà Sách Phương Nam luôn chú trọng hỗ trợ, khuyến khích thế hệ trẻ phát huy tối đa tiềm năng của bản thân. Bên cạnh đó, hệ thống Nhà Sách Phương Nam vẫn luôn nỗ lực trên hành trình kết nối bạn đọc đến với thế giới tri thức thông qua những cuốn sách hay và các hoạt động ý nghĩa.

Cảm ơn sự ủng hộ của các độc giả và khách hàng đã tạo điều kiện để Nhà Sách Phương Nam tiếp tục đồng hành cùng thế hệ trẻ trên những chặng đường đầy ý nghĩa trong tương lai.

Đọc bài viết

Trà chiều

Sự kiện giao lưu & ký tặng: Bước Qua Nước Mắt, Tự Khắc Trưởng Thành

Published

on

Nhân dịp ra mắt tác phẩm mới Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành, Nhà Sách Phương Nam và Phương Nam Book phối hợp cùng tác giả Anh Khang tổ chức sự kiện giao lưu và ký tặng vào lúc 16g00, thứ Bảy ngày 16.11.2024 tại sân khấu A – Đường sách TP. Hồ Chí Minh (Nguyễn Văn Bình, P. Bến Nghé, Q.1, TP. HCM).

Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành là tác phẩm kỷ niệm hơn một thập kỷ viết văn của tác giả Anh Khang. Anh gọi đây là một “cuốn sách làm lành” – thay vì “chữa lành” như cách gọi thường thấy trong xã hội hiện đại. Tác phẩm được chia làm hai phần, mở đầu bằng “Độc thoại” với những dòng tư lự đơn lẻ như tự trấn an “đứa trẻ bên trong đang ăn vạ trên đường trưởng thành”, rồi sang đến “Đối thoại” là những lời tâm can san sẻ cùng Gen Z lẫn Gen Z(à) để tìm sự ủi an. Mỗi câu, mỗi lời tâm tình thủ thỉ đều quá đỗi chân thành, như chính lời tác giả tự nhận thì đây “chính là những ghi chép trong lúc ‘khóc một trận đã đời’, rồi từ nay, chỉ nhìn về phía trước”.

Kể từ khi xuất bản tác phẩm đầu tay Ngày trôi về phía cũ… vào năm 2012, đến nay Anh Khang đã trở thành “tác giả triệu bản” với nhiều tác phẩm nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả. Anh còn được bạn đọc thương tặng tên gọi “nhà văn của những nỗi buồn tuổi trẻ” vì những chia sẻ sâu sắc và đầy cảm thông trong từng trang sách. Sách Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành đánh dấu sự trở lại của Anh Khang sau 4 năm tạm vắng mặt trên văn đàn, đồng thời cũng là món quà tri ân dành tặng cho thế hệ độc giả đã trưởng thành cùng những bài viết của anh.

Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành – tác phẩm mới nhất của tác giả Anh Khang do Phương Nam Book liên kết xuất bản.

Đến với sự kiện giao lưu và ký tặng, độc giả sẽ có cơ hội trò chuyện cùng nhà văn Anh Khang và lắng nghe anh chia sẻ về những thăng trầm trong quá trình sáng tác cuốn Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành. Đặc biệt, sự kiện còn chào đón sự góp mặt của ca sĩ - nhà văn Hamlet Trương.

Giao Lưu & Ký Tặng: Bước Qua Nước Mắt, Tự Khắc Trưởng Thành

  • Thời gian: 16:00 – Thứ bảy, ngày 16.11.2024
  • Địa điểm: Sân khấu A – Đường sách TP. Hồ Chí Minh (Nguyễn Văn Bình, P. Bến Nghé, Q.1, TP. HCM)
  • Vào cửa tự do

Về tác giả: Quách Lê Anh Khang

  • Công việc chính là làm báo, công việc phụ là làm mệt mình bằng những cảm xúc đa mang. Mọi nghề nghiệp đã và đang làm như phóng viên, biên tập viên, PR, MC... đều có vẻ khá nghiệp dư, nhưng lại rất chuyên nghiệp trong vai trò làm “người độc thân nhạy cảm”.
  • Ngày sinh: 11/8
  • Cung Hoàng đạo: Sư Tử (Leo)
  • Cử nhân khoa Báo chí & Truyền thông – Đại học KHXH&NV TP.HCM
  • Sách đã xuất bản:
    • Ngày trôi về phía cũ... (2012)
    • Đường hai ngả, người thương thành lạ (2013)
    • Buồn làm sao buông (2014)
    • Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và... Em (2015)
    • Thương mấy cũng là người dưng (2016)
    • Trời vẫn còn xanh, em vẫn còn anh (2017)
    • Người xưa đã quên ngày xưa (2018)
    • Những năm tháng đó, có tôi yêu người (2019)
    • Thả thính chân kinh (2020)
    • Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành (mới xuất bản – năm 2024)
Đọc bài viết

Cafe sáng