Book trailer

Cuốn sách của Nàng Thơ: Sách phong cách sống ra đời giữa năm đại dịch

Published

on

Nicky Khánh Ngọc – Biên tập viên làm đẹp tạp chí ELLE Việt Nam, đồng thời là chủ nhân blog làm đẹp Nàng Thơ vừa cho ra mắt cuốn sách đầu tay mang tên Cuốn sách của Nàng Thơ. Ấn phẩm 168 trang viết về đời sống của người phụ nữ thành thị với các lát cắt khác nhau: tình yêu, đời sống, làm đẹp, thời trang và nơi chốn.

Văn phong vừa trữ tình vừa dí dỏm, cuốn sách được mong chờ sẽ trở thành người bạn tri kỷ của phụ nữ hiện đại, những người “vừa phù phiếm vừa trí tuệ” mải mê trên hành trình “self-love” yêu thương bản thân không có hồi kết. Chia sẻ vì sao lại cho ra mắt sách về phong cách sống trong thời điểm nhiều biến động vì đại dịch corona, tác giả Nicky Khánh Ngọc cho biết:

“Một phần của cuốn sách này đã được tôi viết từ trước và đăng rải rác trên các trang mạng xã hội của mình. Tuy nhiên năm 2020 với những biến cố mang tính biến đổi cả thế giới lẫn con người, tôi nhận thấy lúc này tinh thần self love, tự yêu thương bản thân là chìa khóa quan trọng của mọi người, nhất là phụ nữ. Tự yêu thương, tự chăm sóc, tự chiêm nghiệm để luôn có được sự tĩnh tâm cũng như phong cách sống đẹp, đó là cách để phụ nữ đứng vững trước tác động của tình yêu riêng tư hay biến cố lớn lao. Thế là tôi cố gắng hoàn thành cuốn sách này để đánh thức Nàng Thơ trong mỗi người”.

Trải dài trên các trang sách là những suy tưởng về các vấn đề khác nhau trong cuộc sống phái đẹp: làm sao để vượt qua đổ vỡ tình cảm, làm bạn với cô đơn, tìm được niềm tin giữa mất mát, cho đến việc làm sao để chọn được màu son đỏ đẹp, trang phục phù hợp để hẹn hò, cách để được yêu, và những cảm xúc trên các miền đất mà tác giả đã đi qua khắp thế giới.

Cuốn sách của Nàng Thơ cũng là một ấn phẩm được đầu tư sản xuất công phu với chất liệu và thiết kế theo chuẩn mực của sách phong cách sống quốc tế. Sách có sự minh họa từ ảnh và tranh nguyên bản của hai nghệ sĩ trẻ Hạnh Trần và Duy Thanh dưới bàn tay chỉ đạo mỹ thuật của Nguyễn Phan Thùy Dương – giám đốc sáng tạo tu nghiệp tại Milan.

Lời tác giả

Cuốn sách này có thể là rất nhiều thứ, cũng có thể không là gì cả – tùy vào việc rung động của tôi và bạn có gặp được nhau không. Cuốn sách này cũng không có mục đích nào ngoài việc kể cho bạn nghe những điều tôi đã trải qua, đã hiểu được, đã dũng cảm viết thành lời. Mong trên đường xa vạn dặm của bạn, có những khi cần một ai ở bên vỗ về, bạn sẽ nhớ đến Nàng Thơ.

Mỗi người đều là Nàng Thơ trong chính thế giới riêng tư nhỏ bé của mình. Mỗi khuyết điểm, mỗi sai lầm, mỗi vết cắt, từng mong chờ, yêu đương, run rẩy của mọi người phụ nữ đều khác biệt, đều diệu kỳ như những mảy bụi của sao trời. Có những trải nghiệm chỉ riêng mình biết, riêng mình cất giữ nhưng có sức mạnh hình thành và thay đổi một vũ trụ tâm hồn. 

Thông tin tác giả

Nicky Khánh Ngọc Hiện đang là Senior Beauty Editor của tạp chí ELLE. Cô sở hữu blog cá nhân Nàng Thơ chuyên về làm đẹp được nhiều bạn đọc yêu thích. Những bí quyết làm đẹp mà Khánh Ngọc chia sẻ luôn mang đến nhiều hơn sự hữu ích. Đó còn là cách chia sẻ luôn hóm hỉnh và thú vị. Nicky không quá hướng đến vẻ hoàn mỹ trong việc làm đẹp mà dường như luôn có một khao khát mãnh liệt đánh thức “Nàng Thơ” trong mỗi cô gái. (Theo ELLE Network)

  • Facebook: https://www.facebook.com/nicky.k.ngoc
  • Instagram: https://www.instagram.com/nickykhanhngoc/
  • Blog: https://nangthonicky.com/

Trích dẫn sách

“Mỗi người đều là Nàng thơ trong chính thế giới riêng tư nhỏ bé của mình. Mỗi khuyết điểm, mỗi sai lầm, mỗi vết cắt, từng mong chờ, yêu đương, run rẩy của mọi người phụ nữ đều khác biệt, đều diệu kỳ như những mây bụi của sao trời.
Không có bông tuyết đầu mùa nào giống nhau. 
Hành trình của tôi có thể chẳng mấy đặc biệt. Hành trình của bạn có khi đáng để kể hơn. Tôi mong những ai cầm trên tay cuốn sách này sẽ luôn đẹp, thơm và được yêu.”

*

“Trong mỗi người đều tồn tại một đứa trẻ 5 tuổi thèm khát tình yêu và sự đoái hoài. Ấu thơ ấy, bạn đã làm gì để có được ai đó quan tâm cúi xuống ẵm bồng? Liệu bạn còn mang phản ứng đó theo mình đến tận ngày hôm nay không? Đứa trẻ 5 tuổi đó có khi đang chờ bạn một lần ngồi nghe nó kể nó đã từng sợ và vẫn luôn sợ như thế nào, dù mỗi ngày đều phải cười. Bạn ngồi chơi với Cơn Giận một chốc. Cơn Giận nói bạn nghe tên thật của em ấy là Buồn Đau.”

*

“Cho đến đâu để người nhận thấy quý? Trao tặng đến mức nào để không biến nhau thành gánh nặng? Yêu thương bảo bọc khác với cuộc sống ký sinh như thế nào? Ta đang yêu nhau hay ta đang nghiện tình yêu như nghiện một loại chất cấm? Ta muốn người đạt được ước mơ, một cách đường hoàng ngay thẳng – hay ta đang làm người yếu dần đi trong tình yêu này?”

*

“Tình yêu có lẽ là một cuộc hành hương: một hành trình dài đòi hỏi nhiều thời gian nhiều hy vọng ấp ủ có khi chẳng nhận được đáp đền từ ai, cả mồ hôi cả của cải, với trái tim trong trẻo nhất cất bước đi trên dặm đường dài gió bụi. Đường đi xa ngái, đôi khi chẳng gặp được người nhưng lại thấy rõ chính ta.”

*

“Bắt đầu tình yêu dạy cho tôi cách cho đi, nhưng kết thúc tình yêu dạy cho tôi cách quay về.”

*

“Nói ra thì tàn nhẫn nhưng quả thật, bạn không thể đem nhu cầu được yêu thương, được che chở, chiều chuộng, được thấy an toàn, được có đôi của bản thân đặt lên vai một người khác.”

*

“Một là thật yêu hai là thật ghét. Tình yêu, sao có thể dễ nắm bắt được?”

*

“Hương thơm luôn gắn liền với ký ức, giấc mơ và sự tưởng tượng. Mà ký ức thì không thể tách rời một người, một nơi chốn nào đó mà ta chỉ muốn giữ cho riêng mình.”

*

“Có những vùng đất xa xôi đã trôi về miền ký ức nào, xa rồi nhưng không thể phai mờ hẳn bởi mùi hương không bao giờ cho ai được quyền lãng quên.”

*

“Có những ngày sau này, tôi thấy lòng buồn, lại nhớ về những đóa hoa hồng không vì ai mà cũng nở đó. Lại thấy trái tim mình như được lọc sạch.”

*

“Năm tháng có thể xóa nhòa nhiều thứ, nhưng mùi hương của người đó nắm giữ chìa khóa mở ra ký ức. Vòng tay ngày hôm qua vẫn còn đây, cùng với những quấn quýt, nồng say, và lặng im chỉ đôi ta biết.”

*

“Hành trình dù dài dù ngắn, dù là đêm sa mạc Sahara cát trắng thinh không hay tối đi nghe opera trong nhà thờ Peterskirche thành Vienna, thì quan trọng vẫn là khoảnh khắc đó đang ở bên ai, đang cảm thấy gì, đang hạnh phúc không.”

*

“Somewhere beyond right and wrong there’s a garden. I’ll meet you there” – Rumi
Rồi có ngày sẽ chẳng còn đúng sai, rồi có ngày sẽ chỉ còn yêu nhau thôi chẳng còn phán xét gì.”

Một số hình ảnh quyển sách

Cuốn sách của Nàng Thơ cũng là một ấn phẩm được đầu tư sản xuất công phu với chất liệu và thiết kế theo chuẩn mực của sách phong cách sống quốc tế.

“Mỗi người đều là Nàng thơ trong chính thế giới riêng tư nhỏ bé của mình. Mỗi khuyết điểm, mỗi sai lầm, mỗi vết cắt, từng mong chờ, yêu đương, run rẩy của mọi người phụ nữ đều khác biệt, đều diệu kỳ như những mây bụi của sao trời.”

“Có những ngày sau này, tôi thấy lòng buồn, lại nhớ về những đóa hoa hồng không vì ai mà cũng nở đó. Lại thấy trái tim mình như được lọc sạch.”

Mong trên đường xa vạn dặm của bạn, có những khi cần một ai ở bên vỗ về, bạn sẽ nhớ đến Nàng Thơ.

Click to comment

Viết bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Book trailer

Bi cảm cái đẹp và cái chết trong tiểu thuyết Người đẹp ngủ mê của văn hào Kawabata Yasunari

Published

on

Người đẹp ngủ mê – tiểu thuyết kinh điển của cố nhà văn Nhật Bản Kawabata Yasunari vừa được Phương Nam Book tái bản phát hành – khắc họa thái độ phản tỉnh của một người thực hành thiền định để đi đến giác ngộ về dục tính của chính mình và ý nghĩa của nhân sinh.

Người đẹp ngủ mê được Kawabata Yasunari viết và xuất bản vào năm 1961 khi ông 62 tuổi. Tác phẩm này dựa trên một kịch bản sân khấu kabuki với nhan đề Những mỹ nữ của Eguchi, công diễn khoảng thế kỷ 17 ở Nhật Bản.

Ông lão Eguchi 67 tuổi và nỗi lòng cô đơn trống trải

Tác phẩm kể về những lần ghé thăm của ông lão Eguchi, 67 tuổi, đến ngôi nhà đặc biệt với những trinh nữ xinh đẹp, tuổi chưa đến hai mươi, được gây mê bằng thuốc ngủ liều cao, hoàn toàn khỏa thân trong tình trạng ngủ say. “Nếu chỉ cần lay nhẹ mà cô gái đã thức dậy thì ngôi nhà này đâu còn gì bí ẩn nữa. Các vị khách đến đây ‘giống như ngủ với một ông Bụt vô hình’. Đối với các ông già, ngủ với một người đẹp không khi nào tỉnh thức là một mối cám dỗ, một cuộc phiêu lưu, một niềm vui thú mà họ tin mình còn thực hiện được.”

Mỗi chương truyện là những lần ông lão Eguchi ghé thăm ngôi nhà đặc biệt này. Mỗi lần, ông lại ngủ với những cô gái khác nhau. Màn đêm tối buông xuống, hơi thở êm dịu của những cô gái, gió thỉnh thoảng thổi qua mái nhà, tiếng sóng biển ầm ầm đập vào vách đá, Eguchi có những hồi tưởng, những hoài niệm khắc khoải khác nhau về những người đàn bà đã đi qua đời ông. Một ẩn dụ rõ ràng về sự tiếc nuối những văn hóa, những vẻ đẹp xưa kia ở Nhật Bản chỉ có thể gợi nhớ lại qua những khung cảnh, những hình ảnh tương tự, gần giống như thế.

Việc ngủ cạnh những cô gái trong ngôi nhà đặc biệt đã khiến tâm tưởng ông lão Eguchi tìm ra những cung bậc cảm xúc hết sức khác thường trong khi vẫn tôn trọng quy định của ngôi nhà. “Nàng ngủ, nàng không nói, nàng chẳng thấy khuôn mặt ông, chẳng nghe giọng nói ông... Và số phận ông nàng cũng chẳng mảy may biết đến”. Hơn hết, nhân vật chính cô đơn trong chính tâm thức của mình. “Một nỗi cô đơn buồn bã trào lên. Nhưng hơn cả nỗi cô đơn hay nỗi buồn rầu, chính là nỗi cô chiếc tuyệt vọng của tuổi già như thể đông lạnh hẳn trong ông”.

Điểm cốt lõi của tiểu thuyết Người đẹp ngủ mê bắt nguồn từ nhân vật chính tự chiêm nghiệm về chính con người thực sự của mình. Ở hành trình đó, tác giả Kawabata Yasunari đã tạo ra các cuộc gặp gỡ, sự quan sát của ông lão Eguchi về vẻ đẹp thể xác của các cô gái. Tác phẩm không chỉ đơn thuần tràn ngập những mỹ từ như “bàn tay mịn và đẹp, mái tóc trinh trắng, đôi má ửng đỏ, cổ và vai trông tươi và trẻ…”, mà là sự suy tưởng về quy luật của thời gian, sự sống và cái chết, nỗi hoài niệm quá khứ, khao khát tương lai, lãng quên cuộc sống hiện tại. Phải chăng, hình ảnh của một đời sống xã hội đầy tổn thương khiến con người ta dễ rơi vào tâm trạng cô đơn, nỗi tiếc nhớ xót xa những tháng ngày chưa sống mà đã qua đi.

Bi cảm cái đẹp và cái chết

Càng về sau, tác giả Kawabata Yasunari đi sâu vào bản thể và ký ức xa xăm nhất của nhân vật chính, Eguchi tìm lại được những cảm xúc tinh thần thuần túy. Ông lão tin rằng, ở trong ngôi nhà đặc biệt này, chắc có những lão già không những buồn rầu nhìn lại thời trai trẻ nay đã xa xưa mà còn tìm cách lãng quên những điều xấu xa, những việc độc ác đã làm dọc theo chiều dài cuộc đời họ. Nhìn từ khía cạnh này, Eguchi nhiều lần xuất hiện cảm giác rằng những người đẹp ngủ mê phải chăng là sự hiện thân của một vị Bụt nào đó, trong các truyền thuyết xưa cũ.

Cũng trong tác phẩm này, Kawabata nhận định: “Trên thế gian không có gì cao quý bằng con người. Trong loài người không có gì vinh dự bằng thân thể trong trắng của người nữ. Tuy nhiên, để chiếm đoạt, sở hữu nó người ta phải phá hủy sự trinh khiết đó”Người đẹp ngủ mê chính là thứ cảm giác không thể nhầm lẫn mách bảo ta rằng Kawabata đã khéo léo sử dụng vẻ đẹp của ngôn từ cần thiết cho tác phẩm. Đỉnh điểm, ông đã khắc họa thành công cái đẹp của tấm thân trần – nó dường như trở thành biểu tượng cao quý của tính nữ vĩnh hằng, dù có được sở hữu trong tay thì vẫn muôn đời là bí mật.

Tác phẩm Người đẹp ngủ mê đã giúp cho tác giả Kawabata Yasunari trở thành tiểu thuyết gia người Nhật đầu tiên và người châu Á thứ ba đoạt giải Nobel Văn học năm 1968 với lời ca ngợi của Viện Hàn Lâm Thụy Điển rằng: “Ông là người tôn vinh cái đẹp hư ảo và hình ảnh u uất của hiện hữu trong đời sống thiên nhiên và trong định mệnh con người”.

Một điểm đặc biệt, ở chương cuối, ông lão Eguchi trong cơn mộng mị nửa tỉnh nửa mê đã gợi nhớ về hình ảnh người mẹ của mình. Người đàn bà đầu tiên: “Mẹ”. Ý nghĩ này bất ngờ xẹt qua đầu ông như tia chớp. “Không phải mẹ thì ai vào đấy nữa”. Ý thức và lý trí ông đã tê liệt, và hình như nước mắt ứa ra từ khóe mắt già nua. Ông chỉ còn nhớ được đã mò mẫm tìm vú mẹ rồi lăn ra ngủ những ngày thơ ấu. Cũng giống như ông lão Eguchi nhớ về mẹ, đứa con dù lớn vẫn là con của mẹ. Có lẽ, cảm thức cô đơn trong chính tác phẩm văn chương của Kawabata thường phản ánh từ chính cuộc sống thời thơ ấu mồ côi từ năm 2 tuổi và cái tuổi trẻ thấm đẫm nước mắt của chính tác giả.

Sau tất cả, tiểu thuyết Người đẹp ngủ mê đem lại những cảm xúc thẩm mỹ độc đáo, đồng thời để lại nhiều khoảng trống, nhiều băn khoăn để độc giả tự khám phá bằng trình độ thưởng thức của mình. Người đẹp ngủ mê chứa đựng nhiều đối cực: tuổi già – tuổi trẻ, cái đẹp – cái chết, tội lỗi – trong sạch, tha hoá – nguyên sơ… Vì vậy, Kawabata Yasunari dẫn dắt độc giả qua tầng tầng lớp lớp ngữ nghĩa vận động không ngừng, tạo nên sự khác biệt trong cảm nhận khi đọc tác phẩm.

Nếu một vài độc giả cảm thức tác phẩm thanh hay tục đều xuất phát từ hình tượng nghệ thuật phức tạp, ngôn từ đa nghĩa. Đôi khi, độc giả sẽ có những cảm xúc kinh hãi vì những suy nghĩ xấu xa của ông già Eguchi. Hay bạn sẽ thương xót cho vẻ đẹp của thân xác những người đẹp ngủ mê đang bị làm ô uế… Song dù sao, người đọc cần một trí tuệ sáng suốt, thấy đúng, thấy rõ những sai lầm của nhân vật chính để từ đấy lĩnh hội được các giá trị đích thực chân – thiện – mỹ của tác phẩm.

Trích đoạn

“Ngay vào thời điểm này trong năm, hai hay ba hoa mẫu đơn mùa đông nở dưới mặt trời ấm áp bên chân hàng rào cao bằng đá của một tu viện cổ ở Yamato. Những đóa trà hoa trắng nở trong vườn gần mái hiên ngôi nhà Shisendo. Vào mùa xuân, ra đời những chùm hoa đậu tía, những đóa đỗ quyên trắng ở thành phố Nara và ở Đền Trà Hoa ở Kyoto, những cánh hoa trà rụng đầy vườn.”

“Cô gái ngủ mê man như chết nhưng thời gian sinh tồn của nàng đâu có ngưng chảy, vậy nàng có giữ được thời gian đó không hay là nó chảy tuột vào một vực sâu không đáy? Nàng không phải là một búp bê sống, vì không thể có búp bê sống trên thế gian này; nàng được biến thành một đồ chơi sống, để các cụ già đã mất năng lực đàn ông không bị cảm thấy xấu hổ. Không, không phải một đồ chơi: đối với các cụ, nàng chính là cuộc sống. Một cuộc sống người ta có thể sờ mó được, một cách tự tin”.

“Dù say ngủ, nàng vẫn sống, nói cách khác, ý thức nàng bị vùi sâu trong giấc ngủ đậm đặc nhưng thân xác nàng vẫn sinh động trong nữ tính của mình.”

Về tác giả

Chân dung văn hào Nhật Bản Kawabata Yasunari năm 1969

Kawabata Yasunari (1899–1972) sinh ra ở Osaka, mồ côi năm lên 2 tuổi. Từ đó, ông và chị sống lần lượt cùng ông bà ngoại và gia đình người dì. Kawabata Yasunari là tiểu thuyết gia người Nhật đầu tiên và người châu Á thứ ba đoạt giải Nobel Văn học (năm 1968).

Những sáng tác văn chương, những tiểu luận mỹ học và phê bình văn học của Kawabata Yasunari, qua thời gian vẫn luôn đem lại hấp lực mạnh mẽ đối với nhiều nhà phương Đông học trên khắp các châu lục, có sức lôi cuốn rộng rãi độc giả trên thế giới, phản ánh nhiều phương diện của văn hóa Nhật cũng như những rung cảm đầy đam mê mà tinh tế của tâm hồn Nhật.

Đọc bài viết

Giới thiệu sách

Lớn lên trên đảo vắng – Cuộc phiêu lưu kịch tính của gia đình Robinson

Published

on

Lớn lên trên đảo vắng

Trên đường sang châu Mỹ lập nghiệp, gia đình Robinson không may bị đắm tàu và trôi dạt vào một hoang đảo. Tại đây, họ đã phải bắt đầu một cuộc sống mới đầy gian khó, khi phải tự làm nhà, săn bắn, trồng trọt, thuần hóa thú hoang… Mỗi ngày với họ đều là một chuyến phiêu lưu kỳ thú nhưng cũng không kém phần nguy hiểm. Với sự ưu đãi của thiên nhiên và tinh thần kiên cường vượt qua nghịch cảnh, gia đình Robinson không chỉ sống sót mà sau nhiều năm lưu lạc trên đảo vắng, họ còn xây dựng được cho mình một cơ ngơi đáng kể.

Dưới ngòi bút miêu tả chân thực của tác giả Johann David Wyss, Lớn lên trên đảo vắng không chỉ bày ra trước mắt độc giả vẻ đẹp của một thế giới tự nhiên hoang sơ, trù phú mà còn là lời ca ngợi những đức tính tuyệt vời của con người. Đó là tinh thần phiêu lưu dũng cảm, sự thông minh tài trí, tính cần cù chăm chỉ và lòng tốt, sự quan tâm giữa các thành viên trong gia đình với nhau. Nhờ vậy mà đây đã trở thành một trong những tác phẩm được yêu thích nhất của trẻ em trên toàn thế giới, còn nhiều lần được dựng thành phim cũng như chuyển thể thành truyện tranh và trò chơi điện tử.

Johann David Wyss (28/5/1743 - 11/1/1818) sinh ra ở Bern, Thụy Sĩ. Ông vốn là mục sư nhưng sau này đã trở thành một tác giả nổi tiếng. Được truyền cảm hứng từ tác phẩm Robinson Crusoe của Daniel Defoe, nhưng Wyss muốn viết một câu chuyện chứa đựng những bài học thú vị, bổ ích về cuộc sống thiên nhiên hoang dã dành riêng cho trẻ em, nên đã cho ra đời tiểu thuyết Lớn lên trên đảo vắng. Tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên bằng tiếng Đức năm 1812, và sau đó hai năm, đã được dịch sang tiếng Anh, rồi lần lượt là nhiều thứ tiếng khác.

Đọc bài viết

Giới thiệu sách

Năm tuần trên khinh khí cầu – Chuyến du lịch độc đáo xuyên qua châu Phi hoang dã

Published

on

Năm tuần trên khinh khí cầu

Năm tuần trên khinh khí cầu kể câu chuyện về ba người Anh với tham vọng băng qua châu Phi, từ Đông sang Tây, trên một chiếc khinh khí cầu. Tiến sĩ Samuel Fergusson, nhà khoa học thông tuệ, là trưởng đoàn, đồng hành cùng ông có người hầu cận trung thành Joe và anh bạn thợ săn thiện xạ Dick Kennedy. Bộ ba dấn thân vào biết bao cuộc phiêu lưu hấp dẫn và không kém phần kỳ lạ: chạm trán với người bản địa và những loài động vật nguy hiểm, gặp sự cố với khinh khí cầu, đồng thời phải vật lộn với những bất lợi về thời tiết. 

Xuyên suốt cuốn sách Năm tuần trên khinh khí cầu, tác giả Jules Verne đã mô tả một cách sinh động những đặc điểm về hệ thực vật, động vật, địa lý và con người châu Phi qua con mắt của thế kỷ XIX. Được xuất bản lần đầu vào năm 1863, Năm tuần trên khinh khí cầu là sự kết hợp tuyệt vời của các yếu tố như nhân vật thông minh, sáng tạo, những kiến thức khoa học và công nghệ đi trước thời đại, đặc biệt là cốt truyện đầy hấp dẫn hé lộ viễn cảnh về một thế giới chưa được biết tới, tất cả đã làm nên chất phiêu lưu đặc trưng và tạo tiền đề cho những tác phẩm sau này của Jules Verne.

Tác phẩm văn học Năm tuần trên khinh khí cầu. Ảnh: Đinh Tị Books

Ngày 31/1/1863, Năm tuần trên khinh khí cầu chính thức ra mắt và ngay lập tức nổi tiếng khắp nước Pháp và sau đó là toàn thế giới. Mọi người đều hết sức kinh ngạc khi độc giả có cảm giác được trải nghiệm thực tế những điều trong sách. Một độc giả còn gửi thư tới nhà xuất bản để hỏi: “Tôi rất mong nhận được một câu trả lời từ ngài, Tiến sĩ Samuel Fergusson thật sự có thể ngồi trên khinh khí cầu để bay xuyên qua châu Phi ư…”

Năm tuần trên khinh khí cầu do Đinh Tị Books phát hành. Bản dịch đầy đủ từ dịch giả Ngụy Thanh Tuyên giúp truyền tải trọn vẹn tinh thần của bản gốc. Bởi, dịch giả Ngụy Thanh Tuyên đã có kinh nghiệm chuyển ngữ thành công rất nhiều tác phẩm cả kinh điển, trong số đó có thể kể đến Hai vạn dặm dưới đáy biển 80 ngày vòng quanh thế giới.

Trích đoạn

“Samuel thân mến ạ!” Người thợ săn nói. “Dự án gì đó của anh thật điên rồ! Nó không khả thi! Nó chẳng có vẻ gì là nghiêm túc hay thực tế hết!”

“Tại sao lại không?”

“Chà, vì rủi ro, vì trở ngại đủ kiểu.”

“Về chuyện trở ngại,” Fergusson nghiêm giọng nói. “Trở ngại tồn tại là để ta vượt qua. Còn rủi ro và nguy hiểm ư? Ai dám tự vỗ ngực tuyên bố ta đây chẳng bao giờ gặp nguy? Chúng ta chỉ nên thấy hiện tại qua tương lai mà thôi, vì tương lai chẳng qua chỉ là hiện tại xa hơn một chút.”

Đọc bài viết

Cafe sáng