Book trailer

Con đường thủy vào Trung Hoa: Thước phim sống động về dòng Mê Kông quyến rũ

Published

on

Con đường thủy vào Trung Hoa của sử gia Milton Osborne – tác phẩm vừa được Phương Nam Book phát hành – là một bản tường thuật được nghiên cứu kỹ lưỡng từ chuyến đi của đoàn thám hiểm sông Mê Kông vào thế kỷ 19. 

Khi đặt mình vào vai trò độc giả, Milton Osborne cảm thấy các tài liệu đồ sộ của đoàn thám hiểm gồm sáu người Pháp khởi hành từ Sài Gòn lên thượng nguồn, khảo sát về dòng sông Mê Kông rất khó đọc “không chỉ vì ngôn ngữ mà còn ở cách viết, cách đặt vấn đề chưa được rõ ràng”. 

Chính vì thế, ông đã lược dẫn lại nhiều thông tin báo cáo, cộng thêm việc tự nghiên cứu, du khảo trong khoảng thời gian gần 10 năm. Từ đó, quyển sách Con đường thủy vào Trung Hoa đã ra đời nhằm giúp độc giả hiểu rõ mối quan tâm từ sớm của người Pháp về dòng sông Mê Kông với tham vọng tìm ra tuyến đường thủy nối liền Nam Kỳ và miền Nam Trung Hoa. Đồng thời, tác phẩm còn tái hiện một lát cắt sinh động về đời sống Đông Dương trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. 

Dòng Mê Kông vĩ đại – một ẩn số quyến rũ người phương Tây

Ở giai đoạn đầu lịch sử, những họa sư đã sử dụng bản đồ của người Bồ Đào Nha để ghi tên con sông bằng tiếng Thái: “Mecon, hay Mecom”, đôi khi là “Mekong”. Nếu dịch thoáng qua đầy lãng mạn thì nó mang hàm ý “mẹ của các dòng nước”. Thế nhưng, người dân Campuchia gọi nó là “Tonle Thom”, người Việt gọi nó là “sông Lớn”. Cả hai tên gọi đều mang ý nghĩa –  “Dòng sông vĩ đại”.

Mê Kông thực sự là một con sông vĩ đại. Dòng chảy của nó kéo dài khoảng 4350km với xuất phát từ cao nguyên Tibet (Tây Tạng), đi qua Trung Quốc, Lào, Campuchia, Việt Nam rồi đổ ra biển Đông. Giữa thế kỷ 19, dòng Mê Kông phân chia thành nhiều phân nhánh nhỏ, là tuyến đường thủy quan trọng trong việc đi lại và buôn bán của người dân xứ Đông Dương. Tuy vậy, sông Mê Kông vẫn là một ẩn số chưa tìm được lời giải. Từ xa xưa, ý tưởng con đường thủy vào Trung Hoa đã được các đế quốc Pháp, Anh, Bồ Đào Nha… bàn luận với mục đích tìm kiếm điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu thương mại trên dòng Mê Kông.

Năm 1837, Đại úy McLeod một sĩ quan quân đội Anh tại Myanmar đã thám hiểm sông Salween đế đến biên giới Trung Hoa. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc không cho phép đoàn thám hiểm đi qua lãnh thổ nước này, nên sứ mệnh của McLeod đã kết thúc sớm… Những năm 1860, giới thương nhân Pháp lẫn Anh luôn nghĩ rằng, hàng triệu người Trung Hoa đang chờ đợi cơ hội được mua hàng hóa nhập khẩu từ châu Âu. Nguồn tài nguyên trên mảnh đất màu mỡ này sẽ được các nhà công nghiệp nước ngoài khai thác. Sau năm 1863, một người Pháp ở Sài Gòn đã ghi lại trong tư liệu rằng: “Cuộc thám hiểm dòng sông Mê Kông nằm trong đầu tất cả mọi người. Nhưng vấn đề trước mắt là làm sao để biến ý tưởng này thành hiện thực”. 

Trong nỗ lực khai mở bí mật của dòng sông, sáu công dân Pháp đã lao vào một cuộc thám hiểm với niềm tin rằng tuyến đường thủy mà họ phát hiện sẽ dẫn vào lộ giới Trung Hoa, giúp việc buôn bán hàng hóa phát triển, gia tăng thêm sự giàu có từ đất nước đông dân này. Sau nhiều tháng ròng rã trôi qua, dù phải đối mặt với những cơn sốt rét, bệnh kiết lỵ, những nhà thám hiểm vẫn chậm chạp tiến bước. Tuy vậy, còn rất nhiều thử thách đang chờ họ phía trước trong hành trình truy tìm tuyến đường thủy thực tế dẫn vào Trung Hoa. 

Công trình khảo cứu đồ sộ về dòng Mê Kông trong bối cảnh văn hóa Đông Dương

Một cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm đã bắt đầu với 6 thành viên chính và 16 nhân sự phụ giúp: Doudart de Lagrée (trưởng đoàn), La Grandière (phó đoàn), Clovis Thorel (bác sĩ trong đoàn), Lucien Joubert (bác sĩ trong đoàn), Louis Delaporte (họa sĩ), Louis de Carné (thành viên nhỏ tuổi nhất trong đoàn)… Tất cả đều lên đường với sự hiếu kỳ cùng niềm tin rằng họ sẽ có lòng dũng cảm để đón nhận những tai họa trải dài suốt hành trình. 

Con đường thủy vào Trung Hoa mô phỏng lại toàn cảnh lưu vực sông Mê Kông cùng vùng nội địa Đông Dương và Nam Trung Hoa của hơn 150 năm về trước. Không gian và đời sống văn hóa của cộng đồng dân cư trong lưu vực sông Mê Kông đã được ghi chép lại sống động. Từ đây, độc giả sẽ có cái nhìn bao quát về dòng Mê Kông qua những sinh hoạt của từng cụm dân cư, và cách họ duy trì tập quán tổ chức các lễ hội dân gian, phong tục, tín ngưỡng đến văn hóa sinh hoạt, trang phục, ứng xử. Trong đó, có một số phong tục văn hóa bản địa được tác giả ghi chép kỹ lưỡng như: lễ hội đua ghe ngo, lễ hội té nước, lễ hội mùa ở Lào và Campuchia; khu chợ vải bản xứ ở Myanmar (Miến Điện); tập tục bó chân ở Trung Hoa… Ngoài ra, tác phẩm còn đề cập chi tiết buổi yến tiệc cùng vua Norodom tại cung điện hoàng gia Campuchia mà đoàn thám hiểm được tham dự, hay một đêm nghe nhạc xứ Lào, hay nghi lễ trong một ngôi nhà thuộc thị trấn ven sông Nong Khay… 

Ngoài việc chắt lọc thông tin từ những báo cáo chính của La Grandière, tác giả Milton Osborne còn kết hợp với nền tảng kiến thức sẵn có, tham khảo, đối chiếu từ nhiều nguồn khác nhau nhằm mang đến cho độc giả cái nhìn rõ nét về những nguy hiểm, những mâu thuẫn, những chán nản… của đoàn thám hiểm khi khảo sát dòng sông Mê Kông. 

Milton Osborne dẫn lược lại ghi chép của La Grandière rằng: “Tình trạng sức khỏe của đoàn tồi tệ. Những chặng cuối, chúng ta phải băng qua những cánh rừng, đồng ruộng, bị ướt đẫm bởi các cơn mưa đầu mùa. Điều đó khiến chúng tôi bị sốt rét, lở loét bàn chân khiến phân nửa đoàn nhiều ngày không thể nhấc mình khỏi chỗ nằm.” 

Khi đoàn vượt qua những rắc rối về giấy thông hành, thời tiết, dịch bệnh… thì họ đến được cửa ngõ Tư Mao (một quận nội thành thuộc địa cấp thị Phổ Nhĩ, tỉnh Vân Nam ngày nay). Vừa vào Trung Quốc, các nhà thám hiểm liền nhận ra, họ gây sự tò mò cho những ai chưa từng thấy người da trắng, “lũ trẻ con quan sát và bắt chước dáng đi của quân nhân và những cử chỉ lạ lùng của các nhà thám hiểm”. 

Dù có nhiều vất vả, khó khăn trong suốt chặng đường dài; thậm chí, đôi khi phải đối mặt với những thất bại cay đắng, các nhà thám hiểm vẫn kiên trì chịu đựng và nhanh chóng phục hồi. Quả ngọt cuối cùng mà họ nhận được là những phát hiện lịch sử mang tính khoa học về dòng sông vĩ đại mang tên Mê Kông. 

Con đường thủy vào Trung Hoa là một công trình khảo cứu đồ sộ, tóm lược toàn bộ thành quả mà phù sa sông Mê Kông kiến tạo trong suốt nhiều thế kỷ. Tác giả Milton Osborne đã trả lời các câu hỏi lịch sử thông qua việc nghiên cứu những văn bản báo cáo của Léon Garnier, với những hình ảnh minh họa in kèm. Ngoài ra, phần trích dẫn cuối sách còn bổ sung thêm một số tư liệu về cuộc thám hiểm dòng sông Mê Kông có liên hệ đến Việt Nam, nhằm giúp bạn đọc thuận tiện trong việc tra cứu. 

Tác phẩm Con đường thủy vào Trung Hoa của sử gia Milton Osborne giúp người đọc phần nào hình dung rõ hơn bức tranh toàn cảnh có tính đối sánh giữa các xứ Đông Dương trong tiến trình thuộc địa hóa đầy ảo vọng của người Pháp. Có thể nói, đây là một bản tường thuật được nghiên cứu kỹ lưỡng về chuyến đi vĩ đại của đoàn thám hiểm người Pháp với tham vọng tìm ra tuyến đường thủy nối liền Nam Kỳ và miền Nam Trung Hoa.

Trích đoạn

“Sau nhiều năm tranh luận, đoàn thám hiểm sông Mê Kông của Pháp rời Sài Gòn ngày 5/6/1866. Để trang trải trên đường, đoàn có các thỏi vàng, tiền đô la Mexico, tiền xu Thái, tổng giá trị tới 25.000 franc. Lương thực được đóng trong 150 thùng với hơn 500 kg khẩu phần dự trữ, bánh quy, bánh mì sấy, 300 kg bột mì, 700 lít rượu vang và 300 lít rượu brandy. Ngoài ra, 15 thùng hàng để trao đổi dọc đường đi và 1 thùng dụng cụ khoa học.”

***

“Giữ vai trò trung tâm của mọi cuộc tranh luận, sau khi tất cả các yếu tố khác đã được xem xét, Mê Kông vẫn là một con sông vĩ đại, lớn thứ mười hai trên thế giới về chiều dài, lớn thứ sáu về lượng nước đổ ra biển. Nó vẫn cầm giữ những bí ẩn.”

***

“Người ta tổ chức cuộc đua ghe ngo để đánh dấu việc kết thúc mùa mưa và mực nước sông hạ nhanh. Các con thuyền độc mộc cỡ lớn, dài tới 30 mét, có đến sáu mươi tay chèo. Họ cùng đua trước sự chứng kiến của những người đứng đầu địa phương và toàn thể cư dân.”

Nhận xét của báo chí thế giới

Con đường thủy dẫn Trung Hoa một bản tường thuật hấp dẫn được nghiên cứu kỹ lưỡng, khắc họa cuộc phiêu lưu được ca ngợi là một trong những chuyến thám hiểm vĩ đại nhất thế kỷ 19.”

Washington Post

“Milton Osborne đã hoàn tất một công việc nghiên cứu tuyệt vời.”

Spectator

“Ngoài những chi tiết thú vị, cuốn sách còn có đầy đủ những sự kiện quá khứ cần thiết của một tác phẩm lịch sử: Tầm quan trọng, sự thú vị và tính chân thật.”

Sử gia Robin W. Winks,
Đại học Yale

Về tác giả

Milton Osborne là sử gia nổi tiếng, chuyên nghiên cứu về khu vực Đông Nam Á. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sydney (Úc), ông làm việc cho Đại sứ quán Úc tại Phnom Penh (Campuchia) trong khoảng thời gian từ năm 1959 1961. Từ những kinh nghiệm trong công việc, ông tiếp tục lấy bằng Tiến sĩ Lịch sử Đông Nam Á tại Đại học Cornell (New York, Mỹ).

Sau khi đảm nhiệm nhiều chức vị hàn lâm tại Úc, Anh và Hoa Kỳ, Tiến sĩ Osborne trở thành Giám đốc Viện Nghiên cứu Anh quốc ở Đông Nam Á tại Singapore. Năm 1980 1981, ông tham gia cố vấn cho Liên Hợp Quốc về vấn đề người tỵ nạn Campuchia. Trong năm 1982, ông quay về Úc làm Giám đốc Chi nhánh châu Á của Văn phòng Thẩm định Quốc gia.

Tiến sĩ Osborne là tác giả của nhiều cuốn sách lịch sử về đề tài châu Á, kể từ 1993, ông là tác giả toàn thời gian kiêm người cố vấn về khu vực này.

Năm 2021, Milton Osborne được trao tặng Huân chương nước Úc vì những đóng góp và cống hiến của ông trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử.

Giới thiệu sách

Giữa mùi nồng rượu nếp, một mâm cỗ chay thanh tịnh – Tết Đoan Ngọ trong góc nhìn hiện đại

Published

on

Mỗi độ đầu hè, khi mận đỏ rộ chợ và rượu nếp thoảng mùi men, chiếc bánh tro giản dị lại xuất hiện trong căn bếp gia đình. Tết Đoan Ngọ trở về - không ồn ào, không phô trương - như một thói quen đẹp lặng thầm gắn bó với người Việt từ bao đời.

Trong guồng quay hiện đại, khi lối sống xanh và những giá trị nuôi dưỡng đời sống tinh thần dần trở thành lựa chọn phổ biến, nhiều người bắt đầu tự hỏi: liệu mâm cỗ ngày 5 tháng 5 âm lịch có thể “chuyển mình” theo cách nhẹ nhàng hơn - từ rượu nếp nồng đượm sang một mâm chay thanh đạm - mà vẫn giữ trọn tinh thần văn hóa của ngày Tết truyền thống?

Các cuốn sách ẩm thực Việt như Thanh Tịnh Mâm Cỗ Việt - 30 Món Chay Lành Xưa Và Nay (Hồ Đắc Thiếu Anh, Nguyễn Hồ Tiếu Anh) hay Ăn Xanh Sống Lành - 33 Món Chay Thực Dưỡng Thuần Việt (Trần Lê Thanh Thiện), Thơm Thảo Xôi Chè - 30 Thức Quà Ngọt Ngào Hương Đồng Gió Nội (Trần Thị Hiền Minh) và thêm nhiều cuốn sách cùng chủ đề khác ra đời như một lời gợi ý: truyền thống có thể được gìn giữ, nhưng dưới một hơi thở mới - chậm rãi hơn, lành mạnh hơn, và chan chứa hơn tình thương với cơ thể, con người và tự nhiên.

Từ rượu nếp đến bánh tro - Khi ẩm thực là phương thuốc dân gian

Truyền thống Tết Đoan Ngọ thực chất bắt nguồn từ tư duy nông nghiệp và y học dân gian: thời điểm giao mùa, sâu bọ sinh sôi trong cơ thể con người cũng như ngoài đồng ruộng. Do đó, người Việt từ xưa tin rằng ăn rượu nếp lên men, trái cây đầu mùa chua, chát và bánh tro,... chính là cách “giết sâu bọ”, thanh lọc cơ thể.

Ở góc nhìn hiện đại, chúng ta nhận ra đây chính là một “liệu pháp thanh lọc tự nhiên”, thông qua các thực phẩm lên men, dễ tiêu và giàu enzyme. Câu chuyện của rượu nếp hay bánh tro cũng nhờ thế mà không còn đơn giản chỉ là một món ăn, mà còn là biểu tượng của mối quan hệ hài hòa giữa con người - tự nhiên - thân thể.

Mâm cỗ mới - Thanh tịnh từ tâm, lành mạnh từ món

Khi ngày càng nhiều người Việt lựa chọn lối sống thuần chay, đề cao sức khỏe và sự tỉnh thức trong ăn uống, mâm cơm ngày Đoan Ngọ cũng đang dần được “chuyển mình”. Không chỉ là chuyện thay thịt cá bằng rau củ, một mâm cỗ chay dịp này còn gói ghém tinh thần biết ơn, gắn bó với mẹ thiên nhiên, và quan tâm đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.

Lật giở từng trang sách của Ăn Xanh Sống Lành - 33 Món Chay Thực Dưỡng Thuần Việt, người đọc như được tham gia vào một cuộc chu du xuyên Việt khám phá ẩm thực kéo dài từ Bắc chí Nam. Dẫn dắt người đọc qua hành trình ẩm thực từ tàu hủ ky sốt mận Hà Giang đậm đà, cao lầu chay Hội An thanh nhẹ, đến chè thốt nốt An Giang ngọt ngào làm say lòng người, tác giả Trần Lê Thanh Thiện không chỉ giới thiệu hơn 30 món chay bổ dưỡng, mà còn gửi gắm cả sự tinh tế và tình cảm qua từng công thức, từng nguyên liệu mang đậm dấu ấn vùng miền. Cuốn sách là một bản giao hòa giữa tri thức ẩm thực phương Đông và tinh thần bản địa Việt. Tác giả khởi nguồn đi từ lòng biết ơn thiên nhiên với những sản vật quen thuộc như tiêu xanh Phú Quốc, khoai mỡ Long An, cơm dừa non Bến Tre, muốn Bạc Liêu, tỏi đen Lý Sơn,... để tạo nên những món ăn dung dị mà đầy tính chữa lành.

Trong khi đó, Ahimsa – Ăn Chay Cho Tâm Thân An Lạc mang lại một cái nhìn nhẹ nhàng về ẩm thực chay như một lựa chọn chăm sóc đời sống tinh thần. Sách được biên soạn bởi các đầu bếp giàu kinh nghiệm, với nhiều gợi ý món ăn thanh đạm nhưng vẫn hài hòa sắc - hương - vị. Điều đặc biệt ở đây không phải kỹ thuật nấu ăn cầu kỳ, mà là thái độ sống chậm, sống an.

Thơm Thảo Xôi Chè lại đem đến một hướng tiếp cận đậm chất truyền thống mà vẫn không thiếu nét sáng tạo. Xôi và chè - hai món thường hiện diện trong cúng lễ Đoan Ngọ - được tác giả giới thiệu như những biểu tượng của sự đoàn viên và lòng thành. Với phong cách viết nhẹ nhàng, đầy chất thơ, cuốn sách như một nhịp cầu đưa người đọc trở về với căn bếp Việt trong những ngày lễ xưa, nơi từng hạt nếp, hạt đậu đều gửi gắm tình thân và văn hóa.

Cuối cùng, Thanh Tịnh Mâm Cỗ Việt – 30 Món Chay Lành Xưa Và Nay không chỉ đơn thuần là tuyển tập các công thức món chay mà còn là lời mời gọi trở về với nếp nhà truyền thống qua từng mâm cỗ cúng. Xuất phát từ tinh thần tri ân cội nguồn, cuốn sách đan cài kỷ niệm, bài học gia đình và những nguyên tắc bài trí mâm cỗ theo đúng lối xưa, từ đó gợi mở cách gìn giữ vẻ trang nghiêm, thanh tịnh nhưng vẫn ấm áp, gần gũi trong đời sống Việt hiện đại.

Truyền thống không cũ - Chỉ cần được thở theo nhịp mới

Việc chuyển từ mâm mặn sang mâm chay trong ngày Tết Đoan Ngọ không có nghĩa là bỏ đi truyền thống. Trái lại, đó là cách tiếp nối tinh thần nguyên bản: ăn những gì hợp mùa, có lợi cho cơ thể và dành không gian cho sự tĩnh lặng nội tâm. Một mâm cỗ Đoan Ngọ chay có thể không nhiều món, không đậm đà thịt cá, nhưng lại là lời nhắc nhở dịu dàng về cách sống chậm, lành và yên.

Tết Đoan Ngọ hôm nay - Nhẹ nhàng nhưng vẫn đậm hương sắc

Trong nhịp sống hiện đại dễ cuốn ta đi quá nhanh, Tết Đoan Ngọ nay không chỉ còn là dịp “diệt sâu bọ” mà còn trở thành một khoảng lặng để ta trở về - với ký ức, với tự nhiên, và với chính mình. Mỗi món ăn chay trên mâm cỗ hôm ấy là một sự lựa chọn tỉnh thức: nuôi tâm, dưỡng thân, giữ gìn môi trường, và tiếp nối một truyền thống sống hòa với tự nhiên.

Giữa mùa mận chín, bên chén cơm nếp lành, chiếc bánh tro thơm mộc mạc có thể chính là sợi chỉ kết nối ta với quá khứ - không phải bằng nghi thức rườm rà, mà bằng những gì gần gũi và chân thật nhất. Truyền thống không mất đi, chỉ cần được lắng nghe và thở theo nhịp sống hôm nay.

Ngữ Yên

Đọc bài viết

Giới thiệu sách

Nhật Bản 365 Ngày: Khi mỗi ngày là một mảnh ghép văn hóa

Published

on

Việc thể hiện tình cảm đối với thiên nhiên và cuộc sống từ lâu đã là một nét đẹp văn hóa trong lòng người Nhật. Dù đó chỉ là một hoạt động thường nhật hay một cánh hoa anh đào rơi xuống bên lề đường, thì trong con mắt tinh tế của mình, người Nhật luôn nhận ra những ý nghĩa sâu sắc ẩn sau những điều bình thường.

Qua những kinh nghiệm tích lũy từ nhiều năm nghiên cứu về văn hóa Nhật, tác giả Lê Thị Kim Oanh cùng họa sĩ minh họa Lăng Vi mang đến cho người đọc một cuốn sách mang đậm chất triết lý của con người và tự nhiên tại xứ sở mặt trời mọc, đó là Nhật Bản 365 ngày – Thông điệp kết nối thiên nhiên và cuộc sống.

Giao thoa giữa nét văn hóa truyền thống và cuộc sống hiện đại

Ở thời cổ đại, Nhật Bản tiếp thu nền văn hóa của Trung Hoa, nên hầu như mọi sinh hoạt thường ngày hay mọi hoạt động đều dựa trên hệ thống lịch âm. Nhưng kể từ khi bước vào thời đại Meiji (1868 -1912), xã hội Nhật Bản đã tiếp thu văn minh của người phương Tây và điều này thay đổi cuộc sống của người Nhật trên mọi phương diện.

Đến năm 1873 (năm Minh Trị thứ sáu), Nhật Bản chính thức loại bỏ hệ lịch âm truyền thống (lịch Thiên Bảo) và chuyển sang dùng lịch dương theo phương Tây. Quyết định này đã đánh dấu một bước chuyển mình vô cùng lớn trong công cuộc hiện đại hóa đất nước. Tuy đã thay đổi hệ lịch nhưng người Nhật vẫn giữ gìn sâu sắc những giá trị truyền thống trước đây của họ. Cho đến nay, ở đâu đó trong cuộc sống hiện đại của nước Nhật vẫn xuất hiện những khái niệm thời gian liên quan đến âm lịch như Ngũ tiết, và cùng với các khái niệm về dương lịch như 24 tiết khí. Tất cả đều hài hòa và xuất hiện theo một cách tự nhiên như vốn là một nét văn hóa truyền thống.

Tinh thần truyền thống của nước Nhật ở đây được thể hiện thông qua tình yêu đối với thiên nhiên, sự nhạy cảm với thời khắc giao mùa của vạn vật, sự tôn kính dành cho thần linh và sự trân trọng từng khoảnh khắc của cuộc sống. Tất cả vẫn còn được lưu giữ và trở thành một nếp sống không thể thiếu của người Nhật. Bởi thế, sự giao thoa giữa cái cũ và cái mới đã trở thành một bản sắc riêng biệt của Nhật Bản mà không phải quốc gia Á Đông nào cũng duy trì được trọn vẹn.

Càng đọc sách, càng hiểu về văn hóa của người Nhật

Nhật Bản 365 ngày là một cuốn sách độc đáo vì được trình bày như một cuốn lịch. Mỗi trang sách viết về một ngày trong năm, không phải để xem ngày tháng mà là để độc giả được chiêm nghiệm về văn hóa cũng như lối sống của người Nhật theo từng ngày.

Ngoài những ngày lễ trong năm, cuốn sách còn gợi mở cho người đọc về các khoảnh khắc đáng quý của những ngày tưởng chừng như rất đỗi bình thường. Dưới góc nhìn tinh tế của người Nhật, mỗi ngày với họ đều có ý nghĩa, thậm chí mang nặng chiều sâu văn hóa. Lật giở từng trang sách, bạn có thể tìm thấy một ngày dành riêng để trân trọng một loài hoa, điểm lại một nghi thức tôn giáo, hay một ngày chỉ nói về thời tiết hoặc lối sống thường nhật của con người tại xứ sở hoa anh đào.

Chẳng hạn, khi đọc đến trang về ngày 14 tháng 1, người đọc sẽ hiểu biết về người Nhật có niềm tin trong nghi lễ đốt trừ tà (hay còn gọi là “Sagicho”) có thể giải trừ bệnh tật và tai ương trong dịp năm mới. Hay đọc đến ngày 12 tháng 4, nội dung xoay quanh nguồn gốc chiếc bánh mì nhân đậu đỏ có tên gọi Anpan, là món ăn phổ biến trong cuộc sống bận rộn của người Nhật.

Một điểm thú vị khác có thể kể đến là ngôn ngữ Nhật Bản vốn nổi tiếng với khả năng chơi chữ và có thể tạo ra nhiều tầng nghĩa thông qua các ký tự. Điều này cũng thể hiện trong cuốn sách, khi các tên gọi của ngày tháng trong tiếng Nhật đều ẩn chứa những ý nghĩa đặc biệt và thú vị.

Chắc hẳn ai cũng đều biết chiếc bánh rán Dorayaki là món ăn khoái khẩu của chú mèo máy Doraemon, và khi đọc Nhất Bản 365 ngày, độc giả sẽ thích thú khi được biết người Nhật thường chọn ăn loại bánh này vào ngày 4 tháng 4 hằng năm. Theo quan niệm của họ, ăn loại bánh này sẽ mang đến sự hạnh phúc. Trong tiếng Nhật, khi gộp hai số 4 trong ngày tháng lại với nhau sẽ tạo nên âm chữ là “Shi-awase”, đồng âm với “Shiawase” có nghĩa là hạnh phúc. Cách chơi chữ đơn giản mà giàu ý nghĩa này rất phổ biến đối với người Nhật.

Càng đọc sâu từng trang sách là càng hiểu thêm về nét đẹp trong văn hóa của Nhật Bản và những thông điệp sâu sắc mà người đọc có thể chưa biết hoặc chưa để ý đến trước đây.

Thông điệp đơn giản mà chạm đến người đọc

Đúng như lời gửi gắm của tác giả Kim Oanh đã viết trong cuốn sách: “Thay vì đợi chờ, chúng ta hãy tận hưởng từng thời khắc, từng ngày, từng tháng, từ mùa nắng gắt cho đến mùa giá lạnh, để rồi thu mình lại và chuẩn bị sự trỗi dậy của vạn vật, cùng bước vào một mùa ấm áp mới.” Có thể nói, thông điệp đến từ cuốn sách Nhật Bản 365 ngày sẽ giúp độc giả sống chậm lại, tận hưởng cuộc sống hơn theo cách của người Nhật. Tinh thần chung của người dân đất nước này vốn là coi trọng từng khoảnh khắc trong cuộc sống, vậy nên học cách sống chậm nghĩa là là tập dần quan sát và cảm nhận từng giây từng phút trôi qua. Đây là lối sống lành mạnh, giúp mỗi người tìm thấy được sự an nhiên trong tâm hồn.

Thông điệp chính mang đúng tinh thần của cuốn sách nhất vẫn là sự kết nối con người với thiên nhiên. Với người Nhật, thiên nhiên không chỉ là bối cảnh sinh hoạt mà còn là nơi để con người tập dần cách sống thuận theo dòng chảy của thời gian, học cách lắng nghe bản thân và chuyển mình trước sự biến đổi giữa vạn vật tự nhiên. Người đọc sẽ cảm nhận rõ về cách người Nhật đã hòa nhịp cùng với thiên nhiên như thế nào qua các tiết khí, mùa hoa, hay những ngày lễ hội gắn với mùa vụ, tất cả đều được trình bày ngắn gọn mà không kém phần đặc sắc trong cuốn sách này.

Cuối cùng, cuốn sách còn khẳng định tầm quan trọng của việc giữ gìn truyền thống giữa dòng chảy hiện đại. Dù đã bỏ lịch âm, người Nhật vẫn giữ nhiều tập tục lâu đời như một cách gìn giữ cội nguồn trong một thế giới ngày càng hiện đại hóa. Trong vai trò người đọc, đặc biệt là người trẻ, cuốn sách sẽ mang cho họ góc nhìn sâu sắc hơn về sự cân bằng giữa cái mới và cũ trong cuộc sống.

Quý Nghĩa

Đọc bài viết

Giới thiệu sách

Đường xưa mây trắng: Bản giao hưởng giữa văn thơ và thiền quán

Published

on

Tháng Tư âm lịch, mùa sen nở, mùa người ta thường tìm về với sự tĩnh lặng. Đây cũng là lúc những trang sách mang hương thiền và tinh thần tỉnh thức trở nên gần gũi hơn bao giờ hết. Giữa dòng sách Phật học vốn phong phú và đôi khi hàn lâm, Đường Xưa Mây Trắng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh nổi lên như một dòng suối lặng, nhẹ nhàng và đầy sức lay động. Không ồn ào giáo lý, không ngôn từ thuyết pháp, cuốn sách là một cuộc gặp gỡ kỳ diệu giữa người đọc và Đức Phật - không phải trong điện thờ, mà trong một không gian đời thường, chan chứa từ bi và thấm đẫm trí tuệ. Nhân Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak 2025, đây là lúc nên ngồi lại, dành thời gian lật giở từng trang trong tác phẩm kinh điển này của Thiền sư Thích Nhất Hạnh để bước vào nơi giao thoa giữa tâm linh, lịch sử và nghệ thuật kể chuyện.

Một bản giao hưởng giữa tiểu sử và thiền truyện

Không phải ngẫu nhiên mà Đường Xưa Mây Trắng được xem là tác phẩm kinh điển nhập môn cho bất kỳ ai muốn bước chân vào đạo Bụt bằng cánh cửa văn chương. Cuốn sách là tiểu sử của Đức Phật Thích Ca, nhưng không được kể bằng giọng văn sử thi hay ngôn ngữ Phật pháp. Thay vào đó, Thiền sư Thích Nhất Hạnh - một người kể chuyện và bậc thầy chánh niệm - đã tái hiện cuộc đời Đức Phật bằng văn xuôi dung dị, giàu nhạc tính, pha chất thơ và chất thiền.

Điều đặc biệt là câu chuyện được kể lại từ góc nhìn của chú bé chăn trâu Svasti, sau trở thành đệ tử của Đức Phật. Nhờ vào ống kính trong trẻo ấy, Đức Phật hiện lên không phải là một nhân vật siêu hình, mà là một con người trọn vẹn: biết yêu thương, biết đau, biết trăn trở, biết chọn con đường từ bỏ để đi đến giác ngộ. Chính sự gần gũi, chân thực này khiến người đọc không chỉ ngưỡng vọng Đức Phật, mà còn thấy được bóng dáng của mình - một người đang đi, đang tìm, và đôi khi lạc lối - trong từng bước chân của Ngài.

Triết lý ẩn tàng trong từng câu văn

Một trong những thành tựu lớn của Đường Xưa Mây Trắng là khả năng đưa những giáo lý cốt lõi của đạo Bụt - từ Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, đến duyên sinh, vô ngã - vào mạch truyện một cách tự nhiên và mềm mại. Không rao giảng. Không giáo điều. Chỉ là những cuộc đối thoại, những câu hỏi tưởng như rất ngây thơ mà thấm đẫm trí tuệ, những tình huống đời thường nhưng ẩn chứa cả vũ trụ quan Phật giáo:

Sa môn, ông có thấy một cô gái mới chạy ngang qua đây không? Bụt hỏi lại:

Các bạn tìm cô gái ấy để làm gì?

Này các bạn, trong giờ phút này các bạn nên đi tìm cô gái hay là nên đi tìm chính các bạn?

Bạch sa môn, có lẽ chúng con nên đi tìm chúng con trước.

(Trích Chương 25 - "Đỉnh cao của nghệ thuật")

Nhiều người đọc lần đầu có thể không nhận ra rằng họ vừa đi qua một bài giảng Phật học. Họ chỉ cảm được một điều: lòng mình chậm lại, ánh nhìn dịu xuống, một suy nghĩ nào đó dường như vừa được tháo gỡ. Và chính trong khoảnh khắc ấy, chánh niệm bắt đầu khởi sinh. Chỉ với một đoạn văn ngắn nhưng có thể mở ra một cánh cửa lớn trong tâm hồn người đọc:

Trong đạo lý giác ngộ, thương yêu phải đi đôi với hiểu biết. Thương yêu chính là hiểu biết. Nếu không hiểu biết thì không thể thương yêu.”

(Trích Chương 42 - "Không hiểu biết thì không thể thương yêu")

Đây không chỉ là một lời dạy của Bụt, mà là nguyên lý sống có thể ứng dụng trong mọi mối quan hệ hiện đại - từ tình thân, tình yêu đến quan hệ xã hội. Thấu cảm là nền tảng của yêu thương. Yêu thương không có hiểu biết chỉ dẫn đến ràng buộc, khổ đau. Đọc đến đây, người đọc không cần phải theo đạo mới thấy lòng mình mở ra.

Bút pháp tài hoa của một vị Thiền sư

Thiền sư Thích Nhất Hạnh không chỉ là một hành giả. Ông là một nhà văn đích thực, với ngôn ngữ trong sáng, tiết chế, gợi mở. Có lúc ông viết như một nhà thơ, có lúc như một người thầy, có lúc như một người bạn đường. Dù ở vai nào, văn phong ấy luôn mang một đặc điểm nhất quán: không hấp dẫn theo kiểu kích thích giác quan, mà lan tỏa bằng sự tĩnh tại.

Trăng, sao, sông núi, ánh sáng mặt trời, tiếng chim hót, tiếng suối reo... tất cả những biểu hiện đó của vũ trụ đều mầu nhiệm, đều đẹp đẽ, đều có thể cho ta những nguồn vui bất tận.”

(Trích Chương 23 - "Những giọt nước cam lộ")

Chất thơ thấm trong từng câu chữ, nhưng không để phô diễn. Nó là kết tinh của một đời sống tu tập sâu lắng. Và chính điều đó khiến Đường Xưa Mây Trắng không lỗi thời mà càng đọc lại càng thấm nhuần.

Mỗi chương sách Đường Xưa Mây Trắng chính là một mảnh ghép kể về hành trình tìm cầu chân lý, sự giác ngộ, và quá trình hoằng pháp của Đức Phật. Ở đó, Phật không phải là huyền thoại xa vời, mà là một con người biết thương, biết khổ, biết tu tập. Thiền sư đã cởi bỏ lớp sương mù huyền bí để đưa Đức Phật trở về với đúng nghĩa của Ngài – một con người giác ngộ, với trái tim từ bi và trí tuệ lớn lao, nhưng rất gần gũi, biết lắng nghe, biết cảm thông, và không xa rời cuộc sống trần thế.

Xuyên suốt tác phẩm là lời mời gọi sống trong chánh niệm: thở trong chánh niệm, bước đi trong chánh niệm, nói năng, ăn uống, suy nghĩ cũng trong chánh niệm. Đó là nền tảng giúp con người tiếp xúc được với sự sống sâu sắc trong từng khoảnh khắc, thay vì chạy theo ảo tưởng và khổ đau. Đồng thời, “Không có hiểu biết, sẽ không thể có thương yêu chân thật.” Chánh pháp không nhằm giáo điều hóa, mà để giúp con người hiểu sâu vào bản chất của khổ đau, từ đó mới có thể thương yêu, tha thứ và chuyển hóa. Đặc biệt, không chỉ trong thiền viện, mà giữa chợ đời, giữa những mối quan hệ, bất hòa, giận dữ, người ta vẫn có thể thực hành Phật pháp. Đức Phật trong sách không dạy đệ tử rời bỏ cuộc đời, mà mời họ quay về sống đời chánh hạnh giữa cuộc đời đầy thử thách. Tác phẩm cho thấy rõ: con đường của Phật không phải là đi tìm một nơi bình an tách biệt, mà là quán chiếu để hiểu rõ bản chất của khổ đau, từ đó không còn sợ hãi. Bình an là kết quả của sự nhìn sâu, không phải của sự né tránh.

Đọc để sống sâu hơn

Những độc giả mới tiếp xúc với Đường Xưa Mây Trắng có thể cảm thấy bối rối về thể loại sách khi tác phẩm là tổng hòa giữa sách truyện, tiểu sử, tôn giáo. Có lẽ sẽ dễ hơn khi hình dung đây là một thiên tình sử nhẹ nhàng, sâu lắng, mang giá trị bền vững theo thời gian. Không để học thuộc. Không để ghi nhớ. Mà để đọc khi lòng hoang mang. Đọc khi thấy mất phương hướng. Đọc khi muốn trở về.

Cuốn sách giống như một người bạn hiền không lên tiếng khi bạn vội vã, nhưng luôn ở đó khi bạn cần một điểm tựa. Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói: “Khi chúng ta đi trong chánh niệm thì chân chúng ta trở thành chân Bụt.” Đọc Đường Xưa Mây Trắng cũng là một hành trình đi trong chánh niệm - từng dòng chữ là một bước chân, từng trang sách là một hơi thở.

Ấn bản mới nhất của Đường Xưa Mây Trắng do Phương Nam Book liên kết xuất bản với thiết kế bìa cứng trang nhã là món quà tinh thần đầy thiền vị trong dịp lễ Phật Đản năm nay. Nhưng giá trị thật sự của cuốn sách không nằm ở hình thức. Nó nằm ở sự rung động âm thầm mà người đọc có thể cảm nhận được khi ngồi xuống, mở sách, và để cho từng câu chữ dắt mình đi.

Không cần đợi đến khi khổ đau mới tìm về những lời dạy của Bụt. Không cần phải hiểu hết Phật pháp mới bước chân vào thế giới của Đường Xưa Mây Trắng. Chỉ cần một lòng muốn sống sâu hơn. Bắt đầu bằng một hơi thở. Một trang sách. Một ý nguyện trở về.

Nhân dịp Đại lễ Vesak 2025, tìm về tủ sách Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Với hơn 100 đầu sách được xuất bản bằng nhiều ngôn ngữ trong đó có tiếng Việt, Tủ sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh trải rộng xuyên suốt nhiều thể loại khác nhau: thiền hành, thiền tọa, chữa lành cảm xúc, nuôi dưỡng tình thương, giáo dục thanh thiếu niên và cả hoạt động xã hội. Những tựa sách nổi bật, được tái bản đều đặn mỗi năm như: Phép lạ của sự tỉnh thức, Giận, Thương yêu theo phương pháp Bụt dạy, Bước tới thảnh thơi, Rong chơi trời phương ngoại, Nói với tuổi hai mươi, Làng Mai nhìn núi Thứu, Hạnh phúc mộng và thực... Đặc biệt, bộ sách Nhật tụng Thiền môn giảng giải - Công phu nở đóa sen ngàn cánh gồm 4 tập (Công phu từ ngày thứ Hai đến thứ Năm) là một đóng góp đặc biệt cho đời sống tu học hằng ngày. Mỗi bài tụng, mỗi lời giảng đều như giọt nước tưới tẩm hạt giống tỉnh thức trong tâm hồn người đọc.

Trong kỷ nguyên công nghệ, khi các dòng tin tức chảy tràn, những xao động tâm lý ngày một phổ biến, thì sự hiện diện của tủ sách Thiền sư Thích Nhất Hạnh chính là một “nơi nương tựa” về tinh thần. Mỗi cuốn sách không chỉ là văn bản in trên giấy, mà còn là pháp thoại, là tiếng chuông tỉnh thức, là bàn tay dắt người đọc trở về với chính mình.

Nguyệt Vũ

Đọc bài viết

Cafe sáng