Chuyện người cầm bút

Chekhov: Cửa vào Vĩnh Cửu

Published

on

“Một trong những nhà văn ‘phá hoại, lật đổ’ sâu thẳm nhất từng có mặt trên cõi đời này”.

Rất ít người, ngay cả trong số những độc giả ái mộ Chekhov, đồng ý với nhận định trên của Simon Karlinsky, người tuyển chọn và bình luận một số thư từ của nhà văn Nga thường vẫn được coi là “hiền lành” này.[1]

Khác với tiểu thuyết của Dostoevsky – cơn lũ ma quái, của cái gọi là tâm lý con người – kịch và truyện của Chekhov là về những con người bình thường, với cuộc sống nhàm chán, vô vị của họ. Trong khi Tolstoy rao giảng chủ nghĩa vô chính phủ chống lại Nhà Thờ Nga và Nhà Nước, Anton Chekhov lặng lẽ làm một ông thầy thuốc nhà quê, một ông chủ trại nho nhỏ, cho tới khi tình trạng sức khoẻ bắt buộc ông phải lui về sống những mùa đông ở Yalta. Một cuộc sống tránh né mọi vấn nạn nóng hổi của thời đại, cuối cùng cho thấy sự thiếu vắng ý thức “dấn thân” như thế đó đã làm cho những gì ông viết ra đầy chất phá hoại (subversive). Ông “coi thường” rất nhiều những “tín lý” của xã hội hiện đại, về tiến bộ, tự do, đạo đức cá nhân và (không như Tolstoy), ông không tìm cách thay thế những gì mà ông huỷ diệt, bằng những “huyền thoại” riêng của mình.

Xã hội thời đó trông mong nhà văn như những người dẫn đường về ý thức hệ và đạo đức trong cuộc chiến chống lại vương quyền. Trong khi những nhà phê bình cấp tiến đề cao những nhà văn “hạng nhì” như Zlatovrasky và Gled Uspensky với những nhân vật đối nghịch: thầy tu, nhà buôn, sĩ quan (những nhân vật phản diện xấu xa) trong thế đối lập với những người dân quê và những con người trẻ tuổi lý tưởng (những nhân vật với trái tim trong trắng), Chekhov viết thư cho vị chủ báo bắt đầu in tác phẩm của mình: Tôi chẳng cấp tiến, chẳng bảo thủ, chẳng tu sĩ, chẳng dửng dưng. Tôi chỉ muốn là một nghệ sĩ tự do, và chẳng cần chi nữa. Thái độ đạo đức giả, sự ngu si đần độn, hành động hiếp đáp, cả vú lấp miệng em, bạo chúa… ngự trị không chỉ ở trong những gia đình con buôn, những trạm cảnh sát. Tôi thấy chúng ở trong khoa học, văn chương, thế hệ trẻ. Đó là lý do tại sao tôi chẳng trông mong gì ở đó. Điều thánh thiện nhất trong mọi điều thánh thiện, riêng với tôi, đó là thân thể người ta, sức khoẻ, sự thông minh, tài năng, hứng khởi, tình yêu và… tự do – thoát ra khỏi bạo lực và những điều dối trá – không cần biết hai thứ sau mang hình dáng nào.”

Lá thư, một tập hợp 12 truyện ngắn của Chekhov, mỗi truyện như một thước phim sinh động ghi lại cuộc sống của những người xung quanh ông.

Sự ghê tởm bạo lực và giọng ấm ớ đạo đức, Chekhov có rất sớm, ngày càng lộ rõ. Ông có lần nhận xét (nhân nói về thái độ lý tưởng của Tolstoy đối với dân quê Nga): “Tôi nhà quê ở trong máu, và tôi chẳng hề bị xúc động bởi những đức hạnh của họ.”

Ông sinh năm 1860, được một tuổi là bãi bỏ chế độ nông nô. Ông nội, ông ngoại là nông nô. Ông già trút được lốt nhà quê khi chen chân làm chủ một cửa tiệm tại thành phố Taganrog ở phía Nam nước Nga. Là con trai thứ ba trong sáu người, ông nhớ hoài nguồn gốc nông dân, chế độ gia trưởng tàn bạo của ông bố mà ông và hai người em trai là nạn nhân, chưa kể những giờ dài đằng đẵng quỳ trên đá lạnh, hát thánh ca tại nhà thờ dưới con mắt khắc nghiệt của ông thầy dậy nhạc. Mười sáu tuổi, bị bỏ lại ở Taganrog, tự lo thân khi ông bố khánh tận phải đem gia đình về Moscow tìm việc làm. Trong ba năm vừa học vừa lo kèm trẻ, ông làm được điều Tolstoy suốt đời mơ ước nhưng không sao thực hiện được: tái tạo ra chính mình, một con người như một toàn thể đạo đức, thoát ra khỏi những biến dạng bởi chế độ bạo chúa vốn đè nặng đời đời kiếp kiếp lên người dân Nga.

Ông trở thành đầu đàn trong gia đình; sự sống còn chỉ còn trông vào số tiền ông gửi về. Cùng thời gian, ông lo tự trau dồi bằng những giờ tại thư viện thành phố. Thành quả của những năm tháng cô đơn đó, chúng ta có thể nhìn ra, trong thư viết cho người em Nicolai: “để vượt lên khỏi những ngọn roi khốc liệt thuở ấu thời, (em) phải làm sao tạo được sự kính trọng của những con người có nhân cách; phải tự kiềm chế trước hành động nông nổi, liều lĩnh, và lừa dối; không được ngừng đọc, nghiền ngẫm sâu xa, trau dồi ý nguyện của mình. Mỗi giờ là một hiếm hoi, quý báu.” Vào năm ba mươi tuổi, ông đã chứng tỏ điều này, khi một nhà xuất bản coi ông là một nhà văn “vô nguyên tắc”: “Tôi chưa từng nịnh bợ, nói dối, sỉ nhục bất cứ một ai”, “chưa từng viết ra một dòng mà tôi cảm thấy nhục nhã vì nó.”

Đời văn của Chekhov bắt đầu là để giúp đỡ gia đình khi ông được học bổng và rời thành phố quê hương tới Moscow làm sinh viên Đại học Y khoa. Trước tiên là những bài viết nho nhỏ, gửi cho những tuần báo. Thành công đến nỗi, sau khi tốt nghiệp y khoa, ông “đành” phải chia thời giờ ra làm hai, “giữa y học… người vợ hợp pháp, và văn chương… người tình (bà vợ bé), của tôi.”

Truyện ngắn của ông có một sắc thái riêng, đề tài đa dạng, trải dài toàn cảnh nước Nga với những con người của nó. Chưa tới ba mươi, ông đã là một nhà văn lớn. Năm 1887, vở Ivanov cho ông danh hiệu: người viết bi kịch. Nhờ nó, ông mua được căn nhà cho gia đình thuộc vùng ngoại vi Moscow. Trở thành nhân vật trung tâm của giới văn nghệ thủ đô và của phái đẹp; một số người tình (trước khi có vợ, vào năm bốn mươi) sau này trở thành bạn thân. Bạn trai cũng “mê” ông: họa sĩ Konstantin Korovin mô tả bạn mình “cực kỳ đẹp trai”, với đôi mắt dịu dàng, và một nụ cuời “e thẹn lạ chi đâu”, “toàn vẻ bề ngoài gây một sự tin cậy đặc biệt”. Niềm tin cậy đặc biệt này, là do tình nhân loại “chân trần”, luôn luôn bám vào đất của ông. Chính nó đem đến cho ông “một cái mũi rất nhọn” chuyên trị mùi ghê tởm, của “thói đời”.

Những nghiên cứu, ghi nhận riêng của ông, về “việc thiện”, các công trình nhân đạo, thật đáng nể. Cuốn sách của ông về đảo tù Sakhalin (The Island of Sakhalin, 1893, dựa trên số liệu từ những cuộc thanh tra tình trạng y tế ở đó) đã bầy ra cho cả nước Nga thấy sự khủng khiếp, ghê rợn của hệ thống nhà tù. Những cố gắng của ông trong việc cứu đói tại vùng ông vào năm 1891-1892, được kèm theo bằng những chuyến đi mệt nhoài, thường lội bộ suốt vùng băng giá, như một ông thầy thuốc không được trả lương có nhiệm vụ ngăn chặn một trận dịch, bên cạnh một trận đói. Ông đã chữa trị hàng ngàn dân quê tại y viện địa phương, hoạch định, tham gia việc xây cất trường lớp, thư viện, đóng góp tiền bạc cho những công trình phúc lợi, trong đó có việc cứu trợ một tờ báo y học bị khánh tận, mua ngựa phân phát cho dân chúng, làm phương tiện chuyên chở lúa gạo. Chính thái độ lăn xả vào cuộc sống hàng ngày đã khiến ông trở nên khinh khi những phương thuốc về một “ngày mai ca hát”, hay rõ hơn, một cuộc cứu đói toàn cầu: nhân một chuyến thăm Venice, ông đưa ra nhận xét, một trong những niềm vui của “Đến thăm Venice rồi hãy chết”: thành phố thiếu vắng hẳn những bộ mặt làm ra vẻ quan trọng của mấy ông Mác-xít. Khi đến thăm Hong Kong, ông nhận xét, so với người Nga, người Anh vậy mà đã nhiệt tình quan tâm tới những “người làm” (employees) của họ. Ông viết, tôi chẳng hề tin vào tầng lớp trí thức “en masse”; ông đặt để niềm hy vọng của mình ở nơi những cá nhân, bất kể trí thức hay nông dân, rải rác khắp nước Nga, chỉ có họ là đáng kể: chỉ với những hiểu biết, những cố gắng của họ mà xã hội từ từ biến đổi.

“Tôi có niềm tin vào sự tiến bộ, ngay khi còn là một đứa bé, nhưng chuyện đó chẳng giúp tôi, khi không tin vào nó, bởi vì sự khác biệt giữa thời kỳ thấm đòn và hết còn bị đòn thật là lớn lao.” Ông ngưỡng mộ thái độ lý tưởng của những người Nga cấp tiến, nhưng những lời hô hào của họ chỉ làm ông nhớ lại ấu thời: “Tôi quá ớn sự lạm dụng, bất kể nó nhắm vào ai.” Ông buộc tội tầng lớp trí thức, do không tưởng nên bỏ qua những thành quả của zemstva – Những Thay Đổi Lớn, The Great Reforms, hay là những định chế mà chính quyền đưa ra vào thập niên 1860 – nhằm canh tân xã hội Nga. Về những tiến bộ trong ngành giải phẫu tại Nga trên hai thập niên trước đó, ông có lần đưa ra nhận xét, “nếu phải chọn lựa giữa không tưởng cấp tiến, được miêu tả như trong tiểu thuyết của Nicolai Chernyshevsky, What Is to Be Done? nổi tiếng vào thập niên 1980, và bệnh viện tồi tệ nhất ‘zemstvo’, tôi chẳng do dự lấy một chút, khi ôm lấy bệnh viện.”

Đề tài trấn ngự cơ bản của nghệ thuật “Chekhovian” là từ cuộc chiến đấu đầu đời, cộng với những thực hành do nghề thầy thuốc mang lại: cuộc chiến đấu của những ước vọng con người, chống lại những hoàn cảnh “bất thuận lợi”. Những năm tháng ở Taganrog đã dạy ông một điều: những cuộc chiến đấu quan trọng nhất, mang tính đạo đức, “được hay thua” không phải vào thời điểm căng thẳng, bi đát, mà thông qua một quá trình những chọn lựa chẳng có gì đáng kể, rất cá nhân. Chúng ta có thể nhận ra dáng dấp của “người hùng Chekhovian” qua lời khuyên của ông gửi tới nhà xuất bản, và cũng là bạn, Aleksei Suvorin, khi ông này viết một bi hài kịch truyền thống: Bạn không thể kết thúc với những người theo chủ nghĩa hư vô. Với họ, chỉ có bão tố, hung bạo. Điều vở kịch của bạn cần là một kết cục êm ả, trữ tình, cảm động… Nếu nữ nhân vật của bạn, sau cùng nhận ra, những con người quanh cô đều làm tầm thường, vô dụng, xấu xa… điều này chẳng lẽ không “khủng khiếp” hơn cả chủ nghĩa hư vô hay sao?

Điều kỳ lạ ở cái bình thường; thảm kịch của điều “chẳng có gì bi thảm”, đó là đề tài kịch Chekhov, cùng với nó là cuộc cách mạng kịch nghệ Nga vào thập niên cuối đời ông. Vở kịch lớn đầu tay, Ivanov, vẫn còn giữ những yếu tố bi kịch truyền thống, đã được đón nhận khá nồng nhiệt; vở kế, The Seagull (trong đó, ông đưa ra kỹ thuật của mình, bỏ đi những “mưu đồ” kịch mang tính ước lệ) là một thất bại thê thảm ngay đêm đầu được trình diễn vào tháng Mười 1896; nhưng lần trình diễn thứ nhì, tại Moscow vào năm 1898, đã được nồng nhiệt đón nhận, cũng như những vở kế tiếp: Uncle Vanya, Three Sisters, và vào tháng Giêng 1904, The Cherry Orchard. Sự kiện “chẳng có gì xảy ra” ở trong kịch Chekhov đã trở thành “dấu ấn” của ông, nhưng giới phê bình lại coi đây là khả năng tạo nên không khí, trạng thái kịch, chúng thường được cắt nghĩa như những gợi nhớ u buồn về một nước Nga tranh tối tranh sáng, khi những bậc trưởng thượng, đại diện cho giai cấp đang hấp hối, “nhìn ngắm những cuộc đời thừa thãi của họ.”

Richard Gilman, trong Kịch Chekhov: Cửa vào Vĩnh cửu[2], đả phá những nhận định “bản kẽm” như thế. Ảnh hưởng Francis Ferguson, khi coi The Cherry Orchard là “thơ-kịch của nỗi khổ đau, do tang thương dâu bể”, Gilamn tiếp cận kịch Chekhov: “một điều giả dụ như là không-bi đát”; “miêu tả, không phải một hành động, nhưng một điều kiện”; nỗi thống khổ ở đây là do cảm nghĩ của chúng ta – những con người sinh tử lão bệnh – về thế gian; chúng ta: mồi ngon của thời gian, và của đổi dời. Khả năng của Chekhov – khi “bi đát hóa” nỗi “không-bi đát”, thảm kịch của điều vô ích, của chuyện thường ngày – thật mãnh liệt, ở Three Sisters, trong đó, bước đi thời gian xói mòn dần mọi hy vọng về tương lai vẹn toàn, qua chuyến về thành phố, nơi đồng nhất với quá khứ lý tưởng của họ. “Nó đâu mất rồi? Đâu? Đâu? Chúng ta sẽ chẳng bao giờ trở về được Moscow, chẳng bao giờ… giờ này, tôi thấy rõ điều đó.”

Như Gilman chỉ ra, rất nhiều nhân vật của Chekhov mong ước trở thành một người nào khác, ở một nơi chốn nào khác, “kịch” bắt họ trở về nơi chốn, con người, là họ hiện giờ. Nhưng ở đây không có vấn đề “số mệnh, căn phần”. Diễn tiến đơn tuyến, ước lệ đưa đến nút mở chót, được thay thế bằng điều mà Gilman gọi là “trường bi kịch” (dramatic field): chuỗi phản ứng đưa đến cảm nhận về sự mất mát. Chúng ta chỉ nhìn thấy những nhân vật, một khi bị giam cứng vào vùng ao tù đóng váng, họ chẳng còn chi để mà vui đùa, giải trí, ngoại trừ những câu nói dấm dẳn, những mẩu chuyện nhát gừng, đong đưa giữa hoài nhớ và nhận thức, được đánh dấu bằng những trống vắng, bằng đột biến, từ khôi hài qua nghiêm trọng. Như Karlinsky chỉ ra, một trong những tư tưởng “chìa khóa” của Chekhov là trong bản tự thuật tóm tắt (resumé), theo đó, tác giả khẳng định nghề y của ông đã có một ảnh hưởng quan trọng đến sáng tác văn học. Ông nhấn mạnh, nhà văn phải trung thành với thực tại thực nghiệm, với thế giới, hành vi cư xử của con người; và đưa ra những nhân vật, với những cái nhìn “khách quan tuyệt hảo”. Khi một truyện ngắn của ông bị coi là không có một thái độ rõ ràng về chủ nghĩa bi quan, ông trả lời: công việc của nhà văn không phải là giải quyết những vấn đề như là Thượng Đế, bi quan… nhưng ghi nhận, ai, trong điều kiện nào, đã nói hay đã nghĩ thế này thế nọ về Thượng Đế, về bi quan.

Trên tờ TLS, July 18, 97, John Stokes, khi điểm cuốn Anton Chekhov: A Life, đã cho rằng chủ nghĩa nhân bản Chekhovian, vốn nhập thân vào những nhân vật thầy thuốc, mãnh liệt, vì nó kính trọng “tiếng hát nhân ngư” từ cõi tư riêng (the siren-songs of privacy), từ nỗi bầm rập, té lên té xuống của con người. Những đức hạnh của con người, “chân thật nhất, hướng thượng nhất, nhưng cũng khó khăn nhất”, có cội rễ ở từ “Sod”, tên con mongoose, hay mangu, của Chekhov. Ông nói, những đặc tính của con vật, là “can đảm, tò mò, và rất mến con người”. Con vật Sod tội nghiệp có cơ hội là bỏ chạy, cuối cùng chấm dứt cuộc đời, tại Sở Thú Moscow. Chủ của nó cũng chia sẻ với con vật thân yêu của ông, “đặc tính” chạy trốn đó, nhất là khi có đàn bà dính vào! Rayfield cho biết Chekhov sợ tình dục như sợ bệnh nghiền; nếu ông đầu hàng, nó sẽ tiêu huỷ tự do và tài năng sáng tạo của ông. Thù Zola, khi miêu tả những cuộc tình “nhà nghề, thô bỉ”, ông đã viết về một gái điếm Nhật, “nghề riêng ăn đứt” đến nỗi “bạn cảm thấy không phải đang tình tự, mà là tham dự một lớp cao học, về nghệ thuật cưỡi ngựa.” Tuy đẹp trai, nhưng qua cuốn tiểu sử của Rayfield, chúng ta thấy đây là một con người với những cuộc tình “bỏ đi”. Thê thảm nhất là cuộc tình với “Lika” Mizinova, một người đẹp nghệ sĩ. Trong nhiều năm họ chia sẻ hoan lạc, hiến dâng và sự lạnh lùng, dửng dưng.

“Tin tưởng vào Chúa, một chuyện quá dễ dàng. Đám ‘mật vụ’ nhà thờ người Tây Ban Nha (inquisitors) tin vào Chúa. Không, bạn phải tin vào con người! Niềm tin này, chỉ có thể khả hữu, ở một số rất ít những con người hiểu và cảm thấy Christ.”, một truyện ngắn Giáng Sinh của Chekhov đã kết thúc như vậy, nhưng đã bị kiểm duyệt đục bỏ.

Hết.

Chú thích:

  1. Anton Chekhov’s Life and Thought: Selected Letters and Commentary, Michael Henry Heim và Simon Karlinsky dịch từ tiếng Nga, 494 trang, nhà xb Northwestern University Press, 1997.
  2. Yale University Press, 261 trang, 1997.

Nguyễn Quốc Trụ

Theo bài viết Chekhov, the Subversive của Aileen Kelly, NYR Nov 6, 1997; và The Human Virtues của John Stokes TLS July 18, 1997.

Click to comment

Viết bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Chuyện người cầm bút

Băng: Hành trình lạc lối trong thế giới hậu tận thế

Published

on

By

Tiểu thuyết Băng của tác giả Anna Kavan là một câu chuyện giả tưởng độc đáo, kể về mối tình tay ba tuyệt vọng đan xen với bối cảnh hậu tận thế ảm đạm do thảm họa sinh thái và chính trị gây ra.

Băng không tuân theo lối kể chuyện truyền thống. Thay vào đó, Kavan sử dụng nhiều hình ảnh ẩn dụ và biểu tượng để dẫn dắt người đọc vào thế giới nội tâm của các nhân vật. Cuốn sách mang đến cho người đọc trải nghiệm đầy ám ảnh, khơi gợi những suy tư về bản chất con người và tương lai của thế giới. Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về Băng, Bookish đã có cuộc phỏng vấn với Tâm Anh – dịch giả của quyển sách. 

Băng là một tác phẩm không viết theo lối tuyến tính thông thường. Điều này có khiến bạn gặp phải khó khăn nào trong quá trình dịch tác phẩm sang tiếng Việt không? Nếu có thì bạn đã vượt qua được bằng cách nào?

Khó khăn lớn nhất là ban đầu chính mình cũng thấy tương đối hoang mang, không nắm bắt được câu chuyện. Đến khoảng một phần ba sách rồi nhưng mình không thực sự hiểu tác giả muốn nói về điều gì. Thật tình cờ, khoảng thời gian ấy mình tham dự một buổi giao lưu trực tuyến với dịch giả Trần Nguyên của tác phẩm Bà Dalloway. Trong phần thảo luận, dịch giả An Lý đặt một câu hỏi liên quan đến bút pháp unreliable narrator, tạm dịch là người kể chuyện không đáng tin cậy. Lần đầu tiên mình nghe thấy khái niệm này, nhưng không cần viện đến định nghĩa hay tra cứu thêm, ngay khoảnh khắc đó trong đầu mình như reo vang “Eureka!” Đây chính là cách mình tiếp cận phần còn lại của tác phẩm. Mình không còn quá áp lực chú tâm vào việc lần theo một cốt truyện mạch lạc, mà tự đặt mình vào vị trí người lắng nghe một câu chuyện mơ hồ, đứt quãng, không nhân quả, không đầu cuối của nhân vật tường thuật dường như đã đạt đến đỉnh cao của thuật thao túng tâm lý ở chỗ anh ta đánh lừa được cả chính bản thân. Từ đây, mình đọc hiểu tác phẩm dễ dàng hơn và cảm giác thoải mái hơn với việc chuyển ngữ sang tiếng Việt. Dĩ nhiên đây chỉ là cách tiếp cận tác phẩm của riêng mình, và mình chắc chắn rằng còn rất nhiều cách phân tích Băng khác không chỉ của các nhà phê bình, nghiên cứu mà của từng độc giả. Nhưng điều mình đúc kết được là người dịch cần hiểu và có cảm giác thân thuộc với tác phẩm. 

Trong bức tranh hậu tận thế mà tác giả đã khắc họa, điều gì khiến bạn cảm thấy ấn tượng nhất? Đồng thời, có điều gì khiến bạn cảm thấy gần gũi với bối cảnh hiện đại ngày nay và lo sợ rằng viễn cảnh trong Băng cũng sẽ sớm xảy đến với nhân loại không?

Mình rất thích những đoạn mô tả “băng” trong tác phẩm, đây dường như là một nhân vật còn sinh động hơn “cô gái”. Tuy nhiên hiện tượng băng tràn đi khắp nơi có lẽ trái ngược với biến đổi khí hậu ngày nay – ấm lên toàn cầu dẫn đến băng tan. Dẫu vậy, mình nghĩ chi tiết này trong sách và tình trạng biến đổi khí hậu thực tế chia sẻ nhiều điểm chung: tác động quy mô toàn cầu và sức ảnh hưởng đến mọi người, không ai tránh được, song chịu thiệt thòi nhất sẽ là những nhóm người yếu thế. Mình nghĩ tác giả cố tình chọn chi tiết ngược với thực tế để câu chuyện không bị trói buộc trong lớp nghĩa duy nhất về biến đổi khí hậu mà đa tầng nghĩa, giàu tính khái quát hơn.

Có lẽ viễn cảnh trong Băng sẽ không xảy ra, ít nhất là trong tương lai gần. Nhưng mình lo lắng rằng chúng ta sẽ không hành động kịp thời để ngăn chặn các thảm họa khí hậu mà khoa học đã cảnh báo nhiều thập kỷ qua.

Bạn tâm đắc nhất điều gì về văn phong của Anna Kavan, cũng như cách tác giả xây dựng câu chuyện?

Mình có cảm giác gắn bó và kết nối kỳ lạ với “cô gái” – nhân vật nữ được kể từ góc nhìn của người nam. Mình nghĩ ngôi kể và góc nhìn này đã khắc họa rất tốt cái theo mình cảm nhận là tính nam độc hại. Không khí vô định mất phương hướng ban đầu khiến mình chật vật về sau khi nghĩ lại, chính là điểm khiến cho tác phẩm hấp dẫn đối với mình – chỉ trong những lần đọc đi đọc lại và suy ngẫm về sau, mình mới càng hiểu hơn những điều mà trước đó chưa mảy may thoáng qua tâm trí mình.

Dịch giả Tâm Anh

Việc câu chuyện này không có một nhân vật nào được đặt tên mang lại cho bạn cảm giác gì khi dịch?

Cũng như lối kể không tuyến tính, đó là cảm giác mơ hồ mất định hướng. Và mình nghĩ đây là chủ đích của tác giả. Một người bạn của mình gần đây đọc sách cũng nói đến điểm này, và rằng bạn ấy cảm nhận như thể có hai nhân vật hóa ra chính là một (các bạn đọc sẽ rõ mình sợ tiết lộ mất).

Bạn có gặp phải những từ hoặc cụm từ nào trong bản gốc khiến bạn cân nhắc rất kỹ lưỡng khi dịch không? Ví dụ, có cụm từ hay câu văn nào có thể hiểu theo nhiều nghĩa hay không?

Có một điểm là xuyên suốt cuốn sách tác giả dùng rất nhiều tính từ “white” – trắng, tuy nhiên nếu chỉ dịch đơn thuần là “trắng” trong tiếng Việt thì đôi khi vừa không nhịp nhàng, thuận tai, lại vừa như thiếu đi nét nghĩa nào đó. Do đó trong một số trường hợp mình có cân nhắc và mượn đến một số sắc thái trắng trong tiếng Việt mà mình nghĩ là phù hợp để dịch tính từ “white”. Còn về cụm từ làm khó mình thì cũng có kha khá, đa số mình đều tham khảo nhiều từ điển Anh-Anh lẫn Anh-Việt để tìm nét nghĩa tương đương nhất. Rất nhiều chỗ tra theo từng từ đơn lẻ sẽ bị sai nghĩa, vì phải tra cứu đúng cả cụm từ (ngữ) mới ra nghĩa chính xác.

Một chia sẻ thực lòng là dịch cuốn này mình còn rất non tay nên bản dịch sau cuối trên tay độc giả hiện nay cũng có sự trợ giúp biên tập, hiệu đính của một dịch giả uy tín. Bản thân mình trong quá trình dịch đã tự học được rất nhiều và khi đối chiếu với bản thảo dịch đã biên tập lại càng học thêm được nhiều điều hơn. Mình hy vọng nhờ được biên tập kỹ lưỡng như vậy nên cuốn sách xuất bản là một bản dịch trọn vẹn, hoàn thiện, cho độc giả một trải nghiệm đọc xứng đáng.

Bạn có lời nhắn nhủ nào cho những ai muốn đọc/ sắp sửa đọc tác phẩm này không? Chẳng hạn như, trước khi đọc cần phải chuẩn bị một tâm thế ra sao để việc thưởng thức tác phẩm được diễn ra trọn vẹn nhất?

Mình nghĩ với hầu hết các tác phẩm chứ không riêng gì Băng, ta có thể cứ thế bắt đầu đọc và thả mình theo câu chuyện, nếu cần tra cứu thông tin bổ trợ thì tìm kiếm thêm sau. Tuy nhiên nếu cảm giác đọc mà hoang mang không hiểu, không nắm bắt được, mình thường sẽ tìm đến các bài viết, thường là các bình luận trên The New Yorker, The New York Times hoặc một trang gần gũi hơn, tổng hợp nhiều ý kiến như Goodreads, đọc qua một số ý chính về cách tiếp cận tác phẩm, sau đó thử áp dụng vào cuốn sách mình đang đọc. Với riêng Băng, mình nghĩ các bạn đừng quá chú trọng đến cốt truyện hay một thông điệp nào. Mình cảm giác chỉ đến khi đọc xong và ngẫm lại, đọc đi đọc lại nhiều lần nữa, trong mình mới ngờ ngợ được những gì tác giả muốn nói (với một độc giả là mình, còn với người khác có lẽ bà lại nói điều khác).

Cảm ơn Tâm Anh vì đã mang đến cho Bookish một buổi trò chuyện ý nghĩa. Chúc bạn luôn thành công và gặt hái nhiều thành tựu trong tương lai.

Đọc bài viết

Chuyện người cầm bút

Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi: Biến mất cũng có thể là một điều rất đẹp

Published

on

By

Nhà văn Nguyễn Hoàng Mai vừa ra mắt bạn đọc tập truyện ngắn Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi về chủ đề tình yêu và những nỗi trăn trở của người trẻ. Tác phẩm tạo nên sức hút riêng với lối văn trầm tĩnh, sâu lắng. Bookish đã có cuộc trò chuyện cùng nhà văn để giúp bạn đọc hiểu hơn về tác phẩm này.

Nguyễn Hoàng Mai là tác giả của hai tác phẩm đầy cảm xúc về tuổi trẻ: Đung đưa trên những đám mây (tiểu thuyết, 2018), Bây giờ mình đi đâu (tập truyện ngắn, 2019). Bên cạnh đó, cô còn là đồng dịch giả của tác phẩm nghiên cứu Sứ đoàn Iwakura viết về chuyến du khảo nhằm canh tân Nhật Bản thời Minh Trị, vừa được Phương Nam Book phát hành trong năm 2023.

Năm 2023 vừa qua có vẻ là một năm bội thu trong lĩnh vực văn chương với Mai. Bạn vừa ra mắt tác phẩm đồng dịch thuật là Sứ đoàn Iwakura vào tháng 7 thì đến cuối năm lại ra mắt tập truyện ngắn Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi vào ngày có số đôi đặc biệt là 12.12. Được biết, công việc của Mai ở Nhật cũng rất bận rộn; vậy bạn thu xếp thời gian ra sao để vẫn có thể vừa làm việc vừa sáng tác với năng lượng dồi dào như thế?

Thật ra hai tác phẩm được ra mắt vào năm nay Sứ đoàn Iwakura và tập truyện ngắn Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi đều là quả muộn của quá trình viết lách từ rất nhiều năm về trước. Việc tác phẩm ra mắt vào ngày có số đôi 12.12 tuy ngẫu nhiên nhưng trở thành điểm trùng hợp khá thú vị. Trong thời gian tôi viết Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi có những cột mốc đều gắn với con gắn liền với con số 12. Sau này tìm hiểu thì tôi mới biết khái niệm về “con số thiên thần” (Angel Number) 1212 nhằm mục đích dẫn lối đến sự mạnh mẽ dấn thân, tiến tới sự trưởng thành trong tâm thức, để sau này khi đối mặt với những sóng gió kinh khủng nhất cũng không thể làm bản thân gục ngã.

Công việc và cuộc sống ở Nhật cũng khá nhanh và bận rộn nhưng tôi luôn tìm kiếm một khoảng trời riêng, để tự do viết nên thế giới qua những trải nghiệm của chính mình. Thực ra quá trình viết cũng là quá trình tôi tự đối mặt với cảm xúc của mình, tìm ra con đường hướng tới sự an lành, bình yên trong tâm trí.

Nhân vật Mimi đã biến mất trong tiểu thuyết Đung đưa trên những đám mây, và trong tập truyện ngắn Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi vừa ra mắt của bạn cũng có rất nhiều nhân vật biến mất. Tại sao Mai không cho họ hiện hữu lâu hơn?

Thời gian viết tập truyện, tôi đã gặp một cô gái – có thể gọi là nàng thơ cũng được – người lúc nào cũng nói về sự biến mất của chính mình. Điều đó làm tôi suy nghĩ, ngẫu nhiên cũng đã chạm vào những điều trong tâm tư của chính tôi. Một người lúc nào cũng suy nghĩ sự biến mất có lẽ luôn luôn chiêm nghiệm về sự tồn tại của mình. Có lẽ họ là những người mà đã nếm trải quá nhiều về sự vô thường trong kiếp người, và cảm giác mất mát lần lượt những thứ quan trọng trong đời.

Nhân vật người mẫu Mộc Anh mang nhiều mâu thuẫn, vừa dự cảm được vừa rất sợ sự biến mất. Nhân vật tôi đã cho cô ấy thấy biến mất cũng có thể rất đẹp, không cần phải quá sợ hãi, vì cô ấy luôn có người một người hiểu mình ở bên cạnh. Biến mất cũng có thể hiểu về cách hình dung đến cái chết. Hành trình sống của mỗi người là hành trình đi về cái chết. Nghe có vẻ bi quan nhưng có lẽ, ai cũng phải đối mặt với cái chết – sự thật này – dù sớm hay muộn. Suy nghĩ về thời gian sống còn lại, giúp người ta có thể sống một cách đam mê, dũng cảm, chân thành hơn.

Vì biết chắc một ngày nào đó, mình sẽ biến mất nên có thể sống một cách rực rỡ. Mộc Anh là một nhân vật luôn phải đấu tranh giữa những cám dỗ cuộc sống phồn hoa, nhưng một ngày cô ấy đã thức tỉnh tìm đến Tokyo – vùng đất mà cô tin mình có thể được chữa lành. Thời khắc những cánh hoa anh đào rơi trở thành điều kỳ diệu, một khoảnh khắc cũng có thể trở nên vĩnh hằng trong tâm trí những người trẻ mơ mộng ấy.

Những truyện ngắn trong Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi lấy bối cảnh trải dài khắp các tỉnh thành ở nước Nhật. Bạn đã thực sự đi qua hết những địa điểm đề cập trong sách hay có nơi nào bạn chưa kịp đến và chỉ viết dựa trên sự hứng thú, nghiên cứu về nơi đó không? Trong các địa danh được đề cập trong sách, đâu là những nơi để lại cho Mai nhiều ấn tượng và kỉ niệm sâu sắc nhất?

Nhật Bản là quốc đảo có hình thể trải dài từ Bắc xuống Nam, gần giống như dáng hình của đất nước Việt Nam mình. Mỗi tỉnh thành của xứ sở này lại có những đặc sản riêng, màu sắc thiên nhiên, văn hóa lễ hội riêng biệt. Mỗi tỉnh thành như một nét vẽ, mảng màu kỳ diệu, hài hòa trong bức tranh tổng thể. Khi viết Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi, tôi đã có một chút tham vọng, muốn độc giả chỉ qua những trang sách, những con chữ, vẫn có thể cảm nhận bằng giác quan, hình dung nên những câu chuyện, cảnh sắc, trải nghiệm về những nơi chốn tôi từng đặt chân đến.

Trong những tỉnh thành đó, để lại ấn tượng sâu đậm nhất có lẽ là Tokyo và Kyoto, hai thành phố có vẻ đối lập như những tấm gương phản chiếu cho nhau về lịch sử, văn hóa, phong cảnh, tính cách con người. Nơi chứa đựng nhiều kỷ niệm mang màu sắc cá nhân nhất là Tokyo sôi động, nhiệt huyết, nơi tôi đã trải qua hơn 7 năm tuổi trẻ của chính mình. Nơi lưu giữ một phần trái tim, tâm hồn tôi lại là Kyoto trầm mặc, có khả năng thấm sâu vào lòng người như hơi rượu sake ngày mưa, như những trang sách tuyệt đẹp trong tiểu thuyết Cố Đô của Kawabata Yasunari.

Ở tập truyện ngắn lần này, Mai thể hiện sự trưởng thành khá rõ trong lối viết ở cách chọn bối cảnh và những nghiên cứu kĩ lưỡng về nghề nghiệp của nhân vật được thể hiện qua các chi tiết trong truyện. Bên cạnh đó, Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi còn có sự đa dạng về sắc thái tình yêu và những xu hướng tính dục khác nhau, không chỉ đơn thuần là tình yêu giữa hai người khác giới như nhiều tác phẩm khác trên thị trường hiện nay. Tại sao bạn lại có sự lựa chọn này?

Thông qua chủ đề khá nhạy cảm của giới trẻ là tình dục và giới tính, tôi đã muốn khắc họa sâu hơn gương mặt muôn vẻ của Tình yêu và Thanh Xuân Tuổi trẻ những ngọt ngào, mới mẻ, mơ mộng, đầy khát khao khám phá thế giới.

Về tình yêu, tôi đã luôn hiểu đó là khái niệm diệu kỳ bắt nguồn từ bên trong vẫn luôn ở đấy, nguồn sống bao trùm, tràn ngập thế giới này. Tình yêu luôn thuần khiết, mang năng lượng chữa lành vượt qua những ranh giới như: giới tính, vật chất, tuổi tác, khoảng cách địa lý v.v... Tôi đã nghĩ như vậy, muốn đem thông điệp đó vào tác phẩm của mình. Chúng ta luôn có vô vàn tình yêu trong trái tim mình. Chúng ta có bản năng yêu thương, có thể cho đi tình yêu vô điều kiện miễn là trước tiên chúng ta biết chấp nhận và yêu thương bản thân vô điều kiện. Sau khi trải qua những tháng năm tuổi trẻ ở cả Việt Nam và xứ sở Mặt Trời Mọc, tôi đã suy nghĩ, chiêm nghiệm như vậy.

Sau tập truyện ngắn Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi, trong năm 2024, Mai có ấp ủ những dự định sáng tác mới nào không?

Giai đoạn này, tôi vẫn đang dành thời gian lắng đọng, trau chuốt lại bản thảo tiểu thuyết viết từ năm 21 tuổi. Cùng với đó là dự án kết hợp cùng một ca sĩ nhạc sĩ Gen Z viết cuốn sách về âm nhạc đường phố với bối cảnh là những khu ổ chuột Sài Gòn, một câu chuyện rất thật, khắc họa những nhân vật trẻ, cá tính, nhiều vấp ngã nhưng luôn biết cách đứng lên đầy mạnh mẽ. Với tập truyện này tôi muốn thể nghiệm một chút thay đổi trong phong cách viết, gai góc, hài hước, gần gũi hơn nhưng nếu có thể chạm sâu vào trái tim những người trẻ, gieo trong họ một câu chuyện truyền cảm hứng về sự nỗ lực không ngừng nghỉ, rằng đừng bao giờ ngừng tin tưởng vào bản thân, đừng bao giờ dập tắt ngọn lửa đam mê khi còn trẻ.

Tận sâu trong tôi vẫn còn nhiều nguồn cảm hứng sáng tác, muốn viết thêm về Tokyo, kể những câu chuyện theo những cách khác nhau, nhưng có lẽ theo một tâm thế tỉnh thức hơn.

Cảm ơn Mai đã dành thời gian trò chuyện với Bookish, chúc bạn có một hành trình thật rực rỡ trong năm mới.

Đọc bài viết

Chuyện người cầm bút

Hạ Nhiên: Dịch “Trái tim thông tuệ” đã truyền cho tôi nhiều cảm hứng sống

Published

on

Trái tim thông tuệ (do Phương Nam Book phát hành) của tác giả Jack Kornfield là một tác phẩm đặc sắc khi ứng dụng tâm lý học Phật giáo để hướng dẫn người đọc cách tự chữa lành. Được nhiều bạn đọc đón nhận, tác phẩm đã tái bản lần thứ nhất vào năm 2023.

Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về Trái tim thông tuệ, Bookish đã có cuộc phỏng vấn với dịch giả Hạ Nhiên về quá trình chuyển ngữ tác phẩm này.

Trái tim thông tuệ là góc nhìn của Jack Kornfiled – một tác giả phương Tây nổi tiếng – về tâm lý học Phật giáo của phương Đông. Có quan điểm nào của tác giả khiến bạn thấy thú vị vì đó là góc nhìn của người phương Tây về phương Đông không?

Thực ra, cuốn sách là sự kết hợp góc nhìn của cả Đông lẫn Tây. Jack Kornfield là tiến sĩ chuyên ngành tâm lý học và phương pháp trị liệu phương Tây. Đồng thời, nhiều năm tu tập ở các tu viện châu Á đã giúp ông thấm nhuần những giáo lý Phật giáo căn bản và thu về những trải nghiệm tâm linh quý giá. Ông cố gắng giải thích những kinh điển nhà Phật cho người dân phương Tây bằng cách thức gần gũi, dễ hiểu; dùng những quan điểm và thực hành Phật giáo này để khắc phục hạn chế của tâm lý học lâm sàng vốn tập trung vào bệnh lý và chữa trị bằng thuốc men, giúp chúng ta nhìn xuyên qua lớp vỏ tối tăm bên ngoài của những triệu chứng và tìm về bản chất thiêng liêng, cao đẹp của mình, bằng cách nâng cao hiểu biết, thực hành và rèn luyện nội tâm. Sự kết hợp ấy không chỉ giải quyết nhu cầu giúp người gặp khó khăn tâm lý trở lại bình thường, mà còn hơn cả thế, giúp họ thấu hiểu và nuôi dưỡng tiềm năng phát triển cao nhất của mình và góp phần thay đổi cuộc sống xung quanh.

Hạ Nhiên

Phân đoạn nào khiến bạn tâm đắc nhất khi dịch Trái tim thông tuệ? Bạn có thể chia sẻ lí do tại sao bạn thích phân đoạn đó không?

Có một câu trong sách mình rất thích và từng in ra dán ở bàn làm việc một thời gian dài. Đó là câu Ta thấy ngươi, Mara (nguyên văn: I see you, Mara). Ở đầu chương 14, tác giả kể lại quá trình học cách thấu hiểu, làm lành với nỗi sợ hãi và cơn giận của mình, những nỗi đau đã tích tụ trong ông suốt thời thơ ấu sống với người cha bạo hành. Từ trải nghiệm cá nhân sâu sắc ấy, ông viết:

“Tôi khám phá ra rằng tất cả chúng ta đều có bên trong mình một ngài thẩm phán và bồi thẩm đoàn nội tâm, Bức Màn Sắt và cảnh sát. Bên trong chúng ta cũng có Taliban và những chốn lưu vong. Đôi khi tôi cảm thấy mình như Đức Phật ngồi dưới gốc cây bồ đề, khi Ngài đối mặt với ma quỷ bên trong chính mình trong hình dạng của Mara.”

Tiếp đó, Jack Kornfield kể lại tích Đức Phật chiến thắng Mara trước khi thành đạo. Để ngăn cản Đức Phật thực hiện mục tiêu này, Mara đã lần lượt mang đến các thử thách cho Ngài, từ những người phụ nữ xinh đẹp nhất đến đội quân ma quỷ hung tợn. Mỗi lần như thế, Đức Phật chỉ ngồi im bất động, an trú trong tình yêu thương và lòng từ bi sâu sắc. Ngài nói “Ta thấy ngươi, Mara”, và mọi gươm đao biến thành cánh hoa rơi rụng dưới chân Ngài.

“Cuối cùng, Mara tấn công Đức Phật bằng sự nghi ngờ: ‘Ngươi nghĩ ngươi là ai? Ngươi có quyền gì để ngồi đây và tìm về giác ngộ?’. Lúc này, Đức Phật đặt một tay lên mặt đất và nói, ‘Đất là chứng nhân của ta’. Và với cử chỉ này của Ngài, nữ thần đất đã xuất hiện và làm chứng cho sự kiên nhẫn, cống hiến, tính trung thực, lòng từ bi, sự rộng lượng và trí huệ mà Đức Phật đã chuẩn bị nhiều đời kiếp để giác ngộ vào đêm nay. Từ mái tóc của nàng tuôn ra cơn lũ lụt cuốn trôi đi quân đội của Mara.”

Khi dịch nội dung này mình đã rất xúc động, đồng cảm và được truyền cảm hứng. Mình nhìn thấy bản thân trong đó, từng yếu ớt, bối rối trong sợ hãi và buồn giận, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn một năng lực vô cùng mạnh mẽ – quyền tự do lựa chọn để vượt lên ngoại cảnh và đạt được bình yên trong tâm hồn.   

Hạ Nhiên

Trong quá trình dịch tác phẩm Trái tim thông tuệ, bạn có gặp phải khó khăn nào khi chuyển ngữ không? Bạn đã vượt qua bằng cách nào?

Vào thời điểm đó, Trái tim thông tuệ là cuốn sách nặng ký với mình, vì sách dày và đề tài tâm linh xa lạ đối với một người trẻ. Do đó, mình đã gặp không ít khó khăn trong việc tra cứu, diễn đạt và theo dõi xuyên suốt cả tác phẩm để đảm bảo tính thống nhất. Mình đã làm việc tập trung, nhiều giờ liền mỗi ngày. May mắn sao, nội dung sách lôi cuốn khiến mình quên đi mệt mỏi. Một điều đặc biệt nữa là mình đã thực hành rất nhiều bài tập trong sách. Việc này giúp mình hiểu sâu hơn tinh thần, thông điệp mà tác giả gửi gắm, cũng như tự kiểm chứng hiệu quả của các bài thực hành. Nó thật sự có hiệu quả đối với mình.

Mỗi người sẽ có một định nghĩa khác nhau về “trái tim thông tuệ”. Định nghĩa về “trái tim thông tuệ” của bạn là như thế nào? Định nghĩa đó có thay đổi gì so với trước và sau khi bạn dịch xong Trái tim thông tuệ không?

Trước khi dịch Trái tim thông tuệ, dù chưa có một khái niệm cụ thể nào, mình vẫn luôn cảm nhận được tiếng nói của trái tim. Trái tim là người bạn tốt, cổ động viên nhiệt thành và người tư vấn thông thái cho mình khi cần. Cuốn sách đã giúp mình củng cố cảm nhận này và đúc kết được rằng, trái tim thông tuệ là một trái tim hiền hòa, sáng tỏ về bản thân, cuộc sống và tràn đầy yêu thương. Mang trong mình một trái tim thông tuệ không có nghĩa là bạn yếu đuối, mà ngược lại, vô cùng mạnh mẽ, cởi mở và tự do. 

Khi biết tin Trái tim thông tuệ được tái bản, bạn có những suy nghĩ và cảm xúc như thế nào?

Mình rất hạnh phúc, biết ơn bạn đọc đã yêu quý tác phẩm. Đồng thời, mình cũng cảm ơn đội ngũ Phương Nam đã nỗ lực để cuốn sách tiếp tục được lưu hành. Trái tim thông tuệ đã giúp ích cho mình rất nhiều, và mình mong rằng nó cũng sẽ mang lại lợi lạc cho những ai đang cần đến.  

Thời gian tới, Hạ Nhiên có dự định tiếp tục dịch sách không? Bạn có thể chia sẻ những dự định sắp tới của mình trên con đường dịch thuật không?

Dịch thuật là một công việc ý nghĩa, đòi hỏi cả tâm lẫn tầm. Mình muốn dành thời gian để đọc và trau dồi nhiều hơn, để có thể mang lại những bản dịch giá trị cho mọi người trong tương lai.

Cảm ơn Hạ Nhiên vì đã dành thời gian cho một cuộc chia sẻ sâu với Bookish. Chúc bạn luôn có thật nhiều sức khỏe, thành công, hạnh phúc trên con đường tương lai.

Đọc bài viết

Cafe sáng