Trà chiều

Cách Gudetama, một chiếc trứng lười có mông, trở thành hiện tượng văn hoá

Ôi, Gudetama! Ôi, loài người!

Published

on

Nhìn sơ qua thì khó có thể nhận ra, nhưng Gudetama là một chiếc lòng đỏ trứng có mông. Nó là nhân vật hư cấu: một nhân vật có tứ chi nhưng không có ngón tay hay ngón chân. Nó có miệng nhưng không có răng. Nó có đùi nhưng không thấy khớp, có đầu nhưng không có cổ. Đôi mắt nó trông giống như hai hạt vừng. Nó không có giới tính cụ thể.

Nhìn bằng mắt thường, chiếc trứng lười có thể bị nhầm thành một hạt đậu vàng, một hạt ngô, hay một giọt mật ong chẳng mấy bắt mắt. Nhưng Gudetama không phải là bất kì thứ gì trong số đó – bởi vì điều đó sẽ mang sức nặng quá lớn, đặc biệt khi đây là một câu chuyện thành công mà thoạt hình thì chẳng có ý nghĩa gì đặc biệt cả.

Gudetama là nhân vật được sinh sau đẻ muộn trong vũ trụ Sanrio – thế giới nhân vật hư cấu mà cho đến gần đây vẫn xoay quanh Hello Kitty. Những năm gần đây, Gudetama là nhân vật nổi tiếng nhất của Sanrio, mặc dù cái ngoại hình lõng bõng của nó đi ngược với định nghĩa của công ty về khái niệm “dễ thương”.

Nếu Hello Kitty và những nhân vật đồng hương như chú ếch Keroppi nổi tiếng với khả năng “hóa phép” các vật dụng như hộp cơm, hành lý, áo phông, bàn chải đánh răng,… thêm phần dễ thương và cuốn hút, đồng thời gợi lên sự ấm áp nơi những trái tim lạnh giá nhất; Gudetama – chào đời vào năm 2013 – lại được sinh ra trong một thế giới mà có lẽ nó sẽ muốn chối bỏ và trốn tránh.

Chú ếch Keroppi.

Gudetama trông giống như một thiết kế nhân vật dang dở, thế nhưng mọi người không thể ngừng yêu thích nó. Vẻ ngoài của Gudetama chỉ là một phần nhỏ trong sức hấp dẫn của nó. Điểm thu hút nhất chính là tính cách lãnh đạm và thờ ơ của nó. Gudetama có thể nói chuyện (bằng những câu ngắn), di chuyển (nhưng giống như ngọ nguậy hơn), thể hiện cảm xúc (chỉ có đau đớn) và thở (đặc biệt là khi nó ngủ). Mặc dù nó có thể làm những điều này và có tiềm năng làm nhiều thứ hơn thế, nhưng nó không muốn làm. Mỗi ngày mới là một cơ hội để Gudetama trải nghiệm cuộc sống với mức năng lượng thấp nhất, và điều khiến nó sung sướng nhất là không làm gì cả.

Thật kỳ lạ khi một quả trứng lười biếng lại có thể thu hút sự yêu mến rộng rãi như vậy. Sự yêu mến này bắt nguồn từ tính cách gần gũi của nhân vật, nhu cầu được chăm sóc của nó và cách nó thách thức ta, khiến ta phải suy nghĩ lại về những gì ta thường coi là dễ thương. Gudetama và sự nổi tiếng của nó là một phần của phong trào văn hoá mở rộng – đây là phản lực hướng tới cuộc sống vốn đã bị chọt thủng bởi sự nghi ngờ, sóng gió và phẫn nộ.

Sự ra đời của Gudetama: một sản phẩm “về nhì” nhưng vẫn cứ phát triển mạnh mẽ

Từ khoảnh khắc chào đời, Gudetama đã luôn là kẻ thua cuộc.

Năm 2013, Sanrio tổ chức cuộc thi sáng tạo nhân vật dựa trên thực phẩm. Những cuộc thi như vậy được tạo ra vì hai mục đích: giúp nhà thiết kế của công ty nghĩ ra ý tưởng để sáng tạo, và đóng vai trò như một cuộc thử nghiệm cho các gương mặt mới tiềm năng trước khi Sanrio đổ tiền vào hàng hoá tương ứng. Fan bỏ phiếu, và Gudetama đứng thứ hai, thua một miếng cá hồi phi lê vui vẻ tên là Kirimichan.

Lát cá hồi vui vẻ Kirimichan.

Dave Marchi, phó chủ tịch tiếp thị và quản lý thương hiệu của Sanrio chia sẻ với tôi rằng: “Ban đầu, chúng tôi ra mắt các sản phẩm dựa trên nhân vật cá hồi phi lê và bạn bè. Quả trứng lười Gudetama đứng thứ hai, nhưng chúng tôi [vẫn] phát hành những sản phẩm dựa trên Gudetama, và chúng thực sự, thực sự rất thành công.”

Marchi đang khiêm tốn. Hãy nhìn cái góc nhỏ đáng buồn trên trang web của Sanrio – nơi mà Kirimichan và nụ cười bất diệt của nó tồn tại trong cô độc – khi chỉ có hai món đồ in hình Kirimichan được rao bán. Gudetama lại có tới 115 sản phẩm, bao gồm ván trượt, quạt bàn và hộp đựng khăn giấy biết nói, ngoài ra còn có nhiều trang phục thường ngày và thú nhung. Để so sánh thì Hello Kitty – nhân vật hàng đầu của Sanrio – có 226 sản phẩm.

Mặc dù Sanrio chưa tiết lộ doanh thu bán hàng chính xác, Marchi cũng nhận thấy rằng những khách hàng quan tâm đến Gudetama “chắc chắn thiên về nhóm người trưởng thành, nhưng cũng có những đứa trẻ 7 tuổi sở hữu một con thú nhung Gudetama bởi vì chúng nghĩ nó là một chiếc trứng dễ thương và vui nhộn.”

Khi cân nhắc về hình tượng Gudetama, chiến thắng từ tốn và lượng fan trưởng thành hoàn toàn dễ hiểu. Trong một cuộc thi thuần túy dựa trên sự “dễ thương”, Kirimichan giành chiến thắng vì đó là tất cả những gì Kirimichan có – một miếng cá hồi phi lê dễ thương, tươi cười và tự xưng là “ngôi sao trong thế giới thực phẩm thái lát”.

Nhưng Gudetama đại diện cho nhiều, nhiều điều hơn thế.

Sức hấp dẫn thực sự của Gudetama là tính cách của nó.

Điều khiến Gudetama khác biệt với các nhân vật còn lại của Sanrio là mối liên kết cá nhân mà nhiều người hâm mộ cảm thấy với nhân vật. Có thể bạn sẽ không hiểu được này nếu bạn mới chỉ nhìn thấy hình vẽ Gudetama. Kết nối đó đến từ các video của Gudetama, trong đó nó, chà, chẳng làm gì cả. Sanrio đã tạo một chuỗi video mà bạn có thể xem trên YouTube – gồm các đoạn ngắn ghi lại cuộc sống đáng chán của Gudetama. Các video cho thấy sự thiếu nhiệt tình của Gudetama theo những cách mà hình ảnh tĩnh không thể nắm bắt được.

“Tôi nghĩ đặc biệt với Gudetama và thái độ mà chúng ta thấy từ nó, nó có một chút khác biệt,” Marchi nói. “Nó hơi lười biếng, nó hơi u sầu, nó có một chút chả quan tâm, thái độ hơi mệt mỏi, buồn ngủ, lười biếng, sao cũng được, mà điều đó có thể được đồng cảm bởi nhiều người, cho dù là bạn 14 tuổi, 34 tuổi hay 50 tuổi.”

Cái tên “Gudetama” kết hợp cụm từ tiếng Nhật “gude gude”, có nghĩa là lười biếng, với “tama”, một dạng viết tắt của “tamago”, tiếng Nhật có nghĩa là trứng. Dùng từ “lười biếng” để miêu tả Gudetama có một chút nói giảm nói tránh, giống như việc dùng từ “mưa” mô tả một trận đại hồng thuỷ vậy.

Gudetama luôn mệt mỏi. Nó (theo Sanrio, Gudetama không được thụ tinh và không có giới tính) quá mệt mỏi để hắt hơi, quá mệt mỏi để bị ăn, quá mệt mỏi để bị rán lên, và rất nhiều lúc, rất mệt mỏi để chui ra khỏi vỏ trứng. Nó sử dụng một dải thịt xông khói làm chăn và dùng bít tết để làm gối. Nó luôn nói về việc trở về nhà, nhưng không bao giờ nói rõ nhà là đâu. Cuộc sống đối với Gudetama, chủ yếu là nằm trên đĩa, phần lớn là không thể chịu đựng được.

Dùng từ “lười biếng” để miêu tả Gudetama có một chút nói giảm nói tránh, giống như việc dùng từ “mưa” mô tả một trận đại hồng thuỷ vậy.

Bất kỳ nỗ lực nào cũng đồng nghĩa với đau đớn. Điều duy nhất tồi tệ hơn nỗ lực là nỗ lực cần thiết để phàn nàn về những nỗ lực trên. Bạn có thể lười trong mọi việc, chỉ cần bạn quyết tâm là được.

Trong sự không muốn làm bất cứ việc gì, Gudetama đã luyện thành một nhân cách từ chứng “suy nhược hành động”. Thái độ không có động lực này đã mang lại cho nó nhiều danh hiệu khác nhau, từ “Hello Kitty dành cho thế hệ Millennials” cho đến cái tên chung chung hơn là “anh hùng”.

Gudetama cho thấy văn hoá “kawaii” của Nhật Bản đã trở nên phức tạp – đối lập với định nghĩa “dễ thương” của người Mỹ

Để hiểu Gudetama, bạn phải hiểu rằng khái niệm “dễ thương” của người Mỹ rất đơn giản. Ở Mỹ, những gì bạn thấy, về cơ bản, là những gì bạn có.

Theo lời Aya Kakeda, một chuyên gia hoạt hình và giảng viên tại trường Visual Arts (Nghệ thuật thị giác) tại New York: “Văn hoá nhân vật tại Mỹ và phương Tây vẫn rất trắng đen rõ ràng. Vai ác là vai ác, và anh hùng là anh hùng. Nhân vật dễ thương là biểu tượng của sự ngọt ngào và những điều tốt lành. Bạn có thể nhận thấy điều đó thông qua diện mạo của họ. Điều đó cũng tương tự với các nhân vật ‘ác’.”

Ví dụ kinh điển: hầu hết các bộ phim cũ của Disney. Có thể dễ dàng phân biệt được đâu là nhân vật phản diện vì họ thường xấu xí (Evil Queen trong Bạch Tuyết và 7 chú lùn), kinh tởm (Phù thuỷ biển Ursula của Nàng tiên cá), và/hoặc hoà mình với bóng đêm và những gam màu tối (Scar trong The Lion King). Những kẻ “xấu” trong phim Disney được xem là kẻ ác, lúc nào cũng xấu xa, và không bao giờ dễ thương.

Nhân vật phù thủy biển – đại diện cho cái “xấu” và tàn ác, mưu mẹo và Ariel – đại diện cho sự “đáng yêu”, tốt bụng trong phim hoạt hình Disney Nàng tiên cá (1989).

Nhưng ở Nhật Bản, khái niệm dễ thương có nhiều vùng xám hơn, và nó chậm rãi phát triển trong nhiều năm. Khi thảo luận về sự dễ thương ở Nhật Bản, cụm từ được mọi người sử dụng là “kawaii”, một thuật ngữ xuất hiện vào những năm 1970 (theo Sharon Kinsella thuộc Đại học Manchester).

Nguyên lí cơ bản của kawaii là cảm giác dễ thương như trẻ con. Alissa Freedman, giáo sư về văn học và điện ảnh Nhật Bản tại Đại học Oregon nói với tôi rằng: “Kawaii không chỉ là một kiểu dễ thương. Đó là một kiểu dễ thương rất mong manh. Kiểu như là, bạn quá dễ thương nên mọi người muốn chăm sóc bạn. Nó khiến chúng ta muốn quan tâm đến họ.”

Gần đây, theo Kakeda, khái niệm kawaii đã trở nên rời rạc hơn, dẫn đến việc phân mảnh thành nhiều nhóm kawaii khác nhau. “Ví dụ như, kimo-kawaii [đôi khi còn gọi là gro-kawaii] – kimo có nghĩa là kì cục. Có điều gì đó đáng sợ và kỳ lạ về [một nhân vật kimo-kawaii], nhưng đồng thời nó cũng mang vẻ kawaii tương tự.”

Một nhân vật kimo-kawaii của văn hóa Mỹ mà Kakeda đưa ra là Spongebob Squarepants, với đôi mắt lồi và làn da đầy lỗ. Kakeda cũng đưa ra các nhân vật của Nhật gọi là “Kobito Zukan”, trông giống như những người lùn hay thần lùn. Nhân vật này, theo như trang web chính thức của Kobitos thì thích hút đường từ những quả đào.

Kakeda chỉ ra rằng: Khái niệm kimo-kawaii không chỉ xoay quanh ngoại hình. Một trong những nhân vật kimo-kawaii nổi tiếng hơn cả ở Nhật Bản là “Gloomy Bear”. Được tạo ra bởi nghệ sĩ Mori Chack, ngoại hình Gloomy Bear giống bạn bè của Hello Kitty và các nhân vật còn lại của vũ trụ Sanrio. Nhưng khi nhìn vào bộ móng vuốt đẫm máu của nó, bạn sẽ nhận ra rằng nhân vật này rất bạo lực, mà đích nhắm của sự bạo lực thường là chủ của nó, một cậu bé tên Pitty.

Nhân vật kimo-kawaii Gloomy Bear.

Sự kết hợp giữa đẫm máu và dễ thương của Gloomy Bear là những gì Kakeda nhận ra được khi cô miêu tả những gì còn thiếu sót trong văn hoá nhân vật Mỹ, nơi những sinh vật dễ thương thường không có khả năng trở thành bất cứ điều gì ngoài tốt bụng và sinh vật xấu xí thì, dĩ nhiên, phải đi cùng với sự xấu xa. Nó cũng cho thấy mức độ rộng và hẹp xen kẽ nhau của văn hoá kawaii như thế nào.

Gudetama thể hiện các yếu tố của kimo-kawaii. Nó không dễ thương theo kiểu truyền thống, và vẻ bề ngoài của nó nghiêng về Spongebob hơn là Hello Kitty. Thái độ của nó không giống như trẻ con và cũng không được vui vẻ lắm. Ngoài ra, Gudetama còn thể hiện những đặc điểm của một nhóm kawaii nhỏ khác là yuru-kawaii.

Theo Kakeda, “Yuru có nghĩa là buông thả, thoải mái và bình tĩnh, thể loại này trở nên nổi tiếng vì cuộc sống căng thẳng trong xã hội hiện đại. Mọi người luôn tìm kiếm điều gì đó để khiến họ bình tĩnh và thư giãn. Ở Mỹ, có lẽ mọi người sẽ đi tìm kiếm các tiệm spa hay các lớp học thiền. Ở Nhật Bản, có những nhân vật Yuru khiến bạn bình tĩnh và thư giãn chỉ bằng cách nhìn vào chúng.”

Điển hình của yuru-kawaii là một chú gấu được biết đến với cái tên Rilakkuma, một nhân vật được do công ty đối thủ của Sanrio – công ty văn phòng phẩm San-X tạo ra. Tên của Rilakkuma có nghĩa là “có tâm trạng thoải mái” và nhân vật này có một cuộc sống không căng thẳng.

Nhân vậy yuru-kawaii Rilakkuma.

Hình ảnh không nói dối. Tôi chỉ mất khoảng 14 giây để phải lòng cái sự đáng yêu này. Nhịp tim của tôi chậm hơn. Hơi thở của tôi sâu hơn. Tôi quên mất việc giặt giũ và rửa chén của mình. Tôi trút bỏ sự lo lắng liên quan đến công việc của mình. Tôi tưởng tượng mình là chú chim nhỏ màu vàng, mặc bộ quần áo nhỏ xíu, đi chơi với hai người bạn gấu của tôi và tận hưởng một cuộc sống ấm cúng. Nhìn chằm chằm vào con gấu này khiến tôi dễ chịu hơn.

Khi Kakeda giải thích sự khác biệt giữa Rilakkuma và Gudetama, cô ấy sử dụng từ “tiêu cực” để phân biệt hai nhân vật. Đó là một đặc điểm phân biệt phù hợp. Rilakkuma là thư giãn theo mặt tích cực. Gudetama không nghiêng nhiều về sự thư giãn mà là về sự khó chịu đối với thế giới xung quanh nó. Gudetama, màu vàng và mang bộ dạng trần trụi, tự nghi ngờ về ý nghĩa cuộc sống.

Gudetama hỏi: “Nếu nhàn rỗi là hạnh phúc thật sự, thì làm những gì khác chẳng phải là đau khổ sao?”

Sự ra đời của thế hệ nhân vật sau này – một thế hệ giống Gudetama hơn là Hello Kitty

Có một sự khác biệt lớn giữa Gudetama và Hello Kitty: Hello Kitty vừa dễ thương hơn Gudetama – theo phong cách cũ – nhưng đồng thời cũng vô cảm – Hello Kitty thậm chí còn không có miệng để cười hay cau mày. Điều này khiến nó trông như một bức phông trống: Hello Kitty có thể là bất cứ điều gì mà chúng ta muốn cô nàng trở thành. Nhưng nhiều người đặc biệt cảm thấy kết nối với Gudetama vì tính cách của nó.

Và Sanrio bắt đầu tận dụng sự nổi tiếng này.

Năm ngoái, công ty đã giới thiệu Aggretsuko – từ “agrressive” (hung hăng) kết hợp với tên riêng là Retsuko – hướng đến khách hàng quốc tế (những người nói tiếng Anh). Aggretsuko là một cô gấu trúc đỏ làm việc trong văn phòng toàn những đồng nghiệp phiền phức. Để thư giãn, cô dành cả đêm để uống rượu và hát nhạc death metal tại quán karaoke.

Nhân vật Aggretsuko.

Theo Freedman, Aggretsuko hay ở chỗ, cô là một là một dạng parody nhẹ nhàng của nhóm phụ nữ Nhật “OL”, hay “office lady” (phụ nữ văn phòng), họ xuất hiện vào những những năm 80. OL là những nhân viên nữ làm việc trong những ngành nghề thiên hướng “nữ tính”, hoặc những công viêc dịch vụ với phong cách mặc định là lịch sự, đoan trang. Aggretsuko đã xoá bỏ định kiến đó, cho chúng ta thấy cô không chỉ biết “lịch sự”. Thật vậy, cô hoàn toàn thành thật về mức độ khó khăn của công việc, khi mà cô phải chịu đựng những người đồng nghiệp khó ưa của mình.

Nếu chuyện Aggretsko đang thách thức cái hình tượng ngoan ngoãn, hoài cổ của phụ nữ Nhật là một vấn đề xa lạ với người Mỹ, thì những nỗi bức bối của cô và sự khác biệt giữa cái tôi nơi công sở và cái tôi thật lại là vấn đề chung toàn thế giới.

Mặc dù tính cách của cô không giống Gudetama, Aggretsuko cũng thuộc một nhóm nhân vật kì lạ nhưng mang ý nghĩa quan trọng. Chiếc trứng lười có mông kia đã thay đổi khái niệm dễ thương của Sanrio, cũng như phản ứng của mọi người đối với nó.

Dễ thương không chỉ là vẻ bề ngoài. Nó có sức mạnh để thay đổi chúng ta, là cứu cánh cho những nỗi bức bối và sợ hãi lớn nhất của chúng ta, và có lẽ cho chúng ta thấy điều gì đó trong bản thân mà chúng ta không biết là mình cần – đặc biệt nếu cái tôi thật của bạn là một quả trứng có mông và chán ghét cuộc sống.

Hết.

Alex Abad-Santos
Lalijade lược dịch.

Bài viết gốc How Gudetama, a lazy egg yolk with a butt, became an unstoppable cultural phenomenon đăng tại Vox.

Click to comment

Viết bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Trà chiều

“Hành trình Anh Hùng” ẩn trong Xứ Cát

Published

on

    Dựa trên công trình nổi tiếng Người hùng mang ngàn khuôn mặt của Joseph Campbell và các tương đồng trong lĩnh vực tâm lý học của Jung và Freud, tác giả Christopher Vogler đã cho độc giả một cái nhìn khác về cấu trúc tương đồng của hàng triệu câu chuyện từ cổ chí kim qua cuốn Hành trình người viết vừa được ra mắt.

Một cuốn sách quan trọng

       Cấu trúc nói trên xuất hiện từ các truyện cổ dân gian đến tiểu thuyết hiện đại, từ những bài đồng dao quen thuộc đến các bộ phim “làm mưa làm gió” tại Hollywood… Hành trình người viết không chỉ là một cuốn sách giúp ta nhận ra những rường mối quan trọng của nghệ thuật kể chuyện, mà song song đó còn là bài học để mỗi độc giả có được khả năng là một người viết.

       Vốn là một người tư vấn cốt truyện của Hollywood và đã kinh qua hàng nghìn kịch bản trong cuộc đời mình, Vogler có khả năng nhìn thấy những mối liên kết cũng như những điểm suy yếu trong các tác phẩm. Từ những đúc rút và kho kinh nghiệm bản thân có được, ông đã tạo nên cuốn sách vô cùng hấp dẫn. Để kiếm chứng điều đó, hãy thử lần ngược siêu phẩm Xứ cát chuyển thể tiểu thuyết khoa học viễn tưởng cùng tên của Frank Herbert do đạo diễn Denis Villeneuve thực hiện và so nó với những gì được tổng kết lại, để xem hành trình anh hùng của Vogler có giao điểm nào với Paul Atreides – người thanh niên đã làm nên những khoảnh khắc vô cùng chói lọi.

       Theo Vogler, nói thật gọn ghẽ thì hành trình anh hùng bắt đầu khi nhân vật chính được giới thiệu ở THẾ GIỚI BÌNH PHÀM nhận được TIẾNG GỌI PHIÊU LƯU. Ban đầu họ MIỄN CƯỠNG, thậm chí buông lời TỪ CHỐI, nhưng do nhận được sự khích lệ từ SƯ PHỤ để VƯỢT QUA RÀO CẢN ĐẦU TIÊN, mà họ đã tiến vào Thế Giới Đặc Biệt - nơi họ sẽ gặp các KHẢO THÍ, ĐỒNG MINH VÀ KẺ THÙ. Sau đó họ TIẾP CẬN HANG ĐỘNG TRONG CÙNG, vượt qua rào cản thứ hai, nơi phải chịu đựng KHỔ HÌNH. Họ vượt qua, chiếm lĩnh PHẦN THƯỞNG và bị truy đuổi trên ĐƯỜNG VỀ với Thế Giới Bình Phàm. Không dừng ở đó, họ vượt qua rào cản thứ ba, trải nghiệm HỒI SINH và được chính trải nghiệm đó biến đổi. Cuối cùng họ TRỞ VỀ CÙNG THẦN DƯỢC, cùng lợi ích hoặc kho báu có lợi cho Thế Giới Bình Phàm.

Hành trình người viết không chỉ là một cuốn sách giúp ta nhận ra những rường mối quan trọng của nghệ thuật kể chuyện, mà song song đó còn là bài học để mỗi độc giả có được khả năng là một người viết. Ảnh: N.M.

Chặng đường phân tích      

       Áp vào Xứ cát, THẾ GIỚI BÌNH PHÀM của chuỗi phim này bắt đầu ở một hành tinh cách xa Trái Đất - nơi mà mọi thứ đều như không tưởng với những tiến bộ liên hành tinh và những thực thể vô cùng kỳ dị. Ở đó Công tước Leto của Gia tộc Atreides – người cai trị hành tinh đại dương Caladan - là nhân vật chính và nổi bật nhất. Nơi ông cai trị là phiên bản khác của một Trái Đất ngay bây giờ đây, với cây xanh bao phủ tươi tốt, với biển cả vỗ sóng và bầu không khí vô cùng trong lành. Về mặt chính trị, nhà Atreides được cư dân vô cùng ủng hộ vì mang đến sự bình yên và cân bằng. Sơ lược qua những nét này, có thể thấy Herbert (và cả Villeneuve) đã làm rất tốt trong việc xây dựng bối cảnh có tính đối lập liền ngay sau đó, để nhân vật chính bước vào hành trình của bản thân mình.

THẾ GIỚI BÌNH PHÀM của chuỗi phim này bắt đầu ở một hành tinh cách xa Trái Đất, nơi mọi thứ tươi tốt bất ngờ. Ảnh: Screen Rant

       Như đã nói trên, TIẾNG GỌI PHIÊU LƯU nhanh chóng xuất hiện khi Hoàng đế Shaddam của toàn đế chế nhanh chóng bí mật liên minh với nhà Harkonnen nhằm tránh khỏi sự uy hiếp mà rất có thể trong tương lai gần Leto sẽ tự đạt được. Vậy là một cuộc tàn sát được lên kế hoạch. Thoạt nhìn, có thể thấy Herbert dùng một motif vô cùng thân quen trong các sử thi từ cổ chí kim, khi đó là tranh giành quyền lực, đấu đá lẫn nhau. Và để tạo ra 2 phe kình chống, ông cho một bên lăng kính tích cực, còn phía còn lại tiến hành liên minh, và cũng vì thế mà thế trận ấy nhanh chóng cân bằng. Ta thấy điều này trong rất nhiều nơi, từ Tam quốc diễn nghĩa đến Con ngựa thành Troy, từ bộ Shogun đến bộ Taiko…Một điểm chung khác là sự báo hiệu cho câu chuyện dịch chuyển, khi người cha Leto nhanh chóng mất mạng để Paul Atreides – người con trai cả - sẽ thay bản thân bảo vệ gia đình, trả thù cho điều đã mất. Do đó mà Paul quyết định lên đường.

Herbert dùng một motif vô cùng thân quen trong các sử thi từ cổ chí kim, khi đó là tranh giành quyền lực, đấu đá lẫn nhau. Ảnh: LA Times

       Ở đây ta có thể thấy có những cổ mẫu vô cùng truyền thống được Herbert sử dụng. Trong đó Paul là anh hùng bị động – một người được đặt vào tình thế không thể khác hơn, và suốt hành trình sau đó từng bước học hỏi sẽ khiến cho anh dần dần chủ động. Đối diện trước trọng trách đặt lên bản thân, Paul dường như không có được động lực nào – một điều cũng là một chặng đường khác trên hành trình anh hùng. Rất may mẹ anh – Lệnh bà Jessica – người vừa là SƯ PHỤ, vừa là ĐỒNG MINH nhưng cũng có khi là kẻ ĐEO MẶT NẠ và cả BÓNG ĐÊM đã nâng đỡ anh và hướng anh theo con đường đúng đắn. Quê nhà tan tác trong khi bản thân thì bị truy sát, anh sớm VƯỢT QUA RÀO CẢN ĐẦU TIÊN để giữ được mạng sống nhờ vào những cận thần trung thành với mình. Hành trình này dễ thấy không quá phức tạp, và Herbert sẽ lại dồn nhiều sức hơn ở phía sau.

Paul và mẹ mình, thoạt nhìn, chính là 2 cổ mẫu anh hùng và sư phụ theo cấu trúc của Vogler. Ảnh: Den of Geek

       Chính khi bước vào THẾ GIỚI ĐẶC BIỆT - ở chiều rộng hơn là một cuộc sống không còn uy quyền của cha, không còn hành tinh Caladan mình vốn quen thuộc, anh đã gặp được những người bản địa Arrakis - những chiến binh thiện nghệ sống nơi sa mạc gọi là Fremen. Như vậy kể từ lúc này thì chặng thứ 2 của hành trình anh hùng chính thức bắt đầu. Cả Herbert và Villeneuve đều dành rất nhiều thời lượng cho giai đoạn này, để khắc ghi một hành tinh mới với loài sâu cát và quy luật sinh tồn ở thế giới mới, với các chi tiết như dịch nhầy sâu, với hương dược, với cách tạo nước và những con người mắt xanh biêng biếc có kỹ năng phi thường… Trong chương đoạn này, những cuộc KHẢO THÍ mà ĐỒNG MINH và KẺ THÙ liên tục xuất hiện cũng được diễn ra. Chẳng hạn KHẢO THÍ nằm ở chi tiết Paul phải chiến đấu với một người Fremen để chứng minh mình thuộc về nơi này trước khi được họ cứu giúp. Đối với những người bản địa, anh vừa là ĐỒNG MINH nhưng cũng là KẺ THÙ khi đã giết chết một trong số họ để mà bước tiếp.

Trận chiến của Paul trước một chiến binh Fremen chính là một cuộc KHẢO THÍ. Ảnh: Screen Rant

Những vòng lặp kép      

       Thế nhưng KHẢO THÍ không dừng ở đó, mà sau đấy liên tục là những bài học để cưỡi sâu cát, những trận oanh tạc vì phát hiện ra căn cứ bên dưới lòng đất của người Fremen… Chúng liên tục xuất hiện để thử thách Paul, để rồi cuối cùng anh được mọi người nhận ra chính là vị Thánh ghi trong sử sách toàn cõi ngân hà. Đa số thời lượng của phần 2 tương ứng với HANG ĐỘNG TRONG CÙNG – nơi anh chứng minh bản thân và giành được quyền vươn lên dẫn đầu. Ta thấy ở đây Herbert rất tài tình khi song song với những bước tiến về mặt quyền lực, thì cõi lòng Paul cũng chịu tra tấn trong những thay đổi của bản thân mình. Có thể nói tuy chặng đầu tiên của HÀNH TRÌNH ANH HÙNG đã gần hoàn thành xong với nhân vật này ở phía bên ngoài, nhưng thật ra một HÀNH TRÌNH ANH HÙNG khác cũng đang mở ra trong nội tâm anh, khi phải chứng kiến mục đích thật sự của mẹ anh – Lệnh bà Jessica, cuộc hôn phối với Công chúa của vua Shaddam và những biến động bên trong Chani.

Chani cũng là một nhân vật có hành trình anh hùng song song khác. Ảnh: Collider

       Khép lại 2 phần phim của Villeneuve, hiện Paul và Xứ cát đang dừng trước “trận đánh” quyết định để mang về PHẦN THƯỞNG và dần tiến đến HÀNH TRÌNH TRỞ VỀ. Tuy khép lại tại đây nhưng có thể thấy Xứ cát là bộ tác phẩm đậm tính sử thi mà mỗi nhân vật lại tự sở hữu một HÀNH TRÌNH ANH HÙNG riêng biệt. Ta thấy nó trong Chani mà “con đường” cô đi chính là tình cảm với Paul và trách nhiệm với cộng đồng Fremen của mình. Ta thấy nó trong Lệnh bà Jessica và tham vọng của bà với nhóm tôn giáo Bene Gesserit. Trong khi đó một nhân vật mới – em gái của Paul – cũng sắp xuất hiện. Và tuy chỉ mới nằm trong bụng mẹ nhưng nó cũng đang dần có những HÀNH TRÌNH ANH HÙNG nhất định, trong việc nhất tề chi phối và biến các nhân vật xung quanh mình trở nên phức tạp.

Ở phần 2, Lệnh bà Jessica là một nhân vật vô cùng bí hiểm. Ảnh: Screen Rant

       Ngoài điều đó ra, Herbert cũng rất thành công trong việc “đeo mặt nạ” cho các nhân vật, để ta không thể lường trước đường đi nước bước của bản thân họ. Chẳng hạn phút trước Paul và Chani còn rất mặn mà, nhưng ngay sau đó mọi chuyện đổi khác khi anh chấp nhận lấy Công chúa như đại diện cho chiến thắng của mình. Lệnh bà Jessica cũng nằm trong “ngã ba” ấy, khi không ai biết một cách rõ ràng bà đang từng bước leo lên theo quyền lực của con trai mình, hay chính bà mới là kẻ thao túng tất cả, trả thù cho điều đã mất? Và nếu điều ấy là thật, hóa ra cổ mẫu anh hùng mà ta xác định ngay từ ban đầu đã đổi bản chất. Paul từ mẫu bị động chuyển sang chủ động với chính những gì mà mình học hỏi, nhưng nếu vai trò của mẹ anh lớn hơn, thì hóa ra Paul chỉ là một kiểu anh hùng xúc tác – người có vị trí là bàn đạp cho hình tượng khác bước lên vũ đài danh vọng. Áp chính lý thuyết của Vogler vào Xứ cát bản phim của Villeneuve, ta thấy vì sao mà tác phẩm này thành công vang dội trong các năm qua. Dù biết một cách khái quát đó là trùng trùng lớp lớp âm mưu, nhưng khi được phân tích dưới cổ mẫu và những điểm nút quan trọng của hành trình anh hùng, ta sẽ lại thấy những chi tiết này hiện ra phức tạp, gắn kết ra sao.

Ngô Minh

Đọc bài viết

Trà chiều

Sứ Đoàn Iwakura đạt Giải thưởng sách Quốc Gia 2024

Published

on

Giải thưởng Sách Quốc gia là giải thưởng do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức hàng năm, trao giải cho những cuốn sách (bộ sách) có giá trị nổi bật về nội dung tư tưởng, tri thức, thẩm mỹ nhằm tôn vinh tác giả, dịch giả, nhà khoa học và người làm công tác xuất bản.

Tối ngày 29.11.2024 tại lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần VII, tác phẩm Sứ Đoàn Iwakura - Chuyến Tây Du Khảo Cứu Nhằm Canh Tân Nhật Bản Thời Minh Trị (Ian Nish biên soạn, Nguyễn Hoàng Mai - Nguyên Tâm dịch) hân hạnh được vinh danh giải Khuyến khích.

Sứ Đoàn Iwakura là tác phẩm nghiên cứu tập hợp nhiều tư liệu giá trị, giúp độc giả hiểu rõ hơn về chuyến du khảo nhằm canh tân Nhật Bản thời Minh Trị dưới góc nhìn của người phương Tây. Để có một đường lối phát triển đất nước hoàn toàn mới, người Nhật đã khởi động chuyến công du gọi là Sứ mệnh Iwakura thăm Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu. Đây là một chuyến đi lịch sử có tầm quan trọng đến mức khi nhắc về Minh Trị Duy Tân, người ta lập tức nhớ đến chuyến đi này.

Sách dày 427 trang, gồm 11 chương tổng hợp các bài viết của Ian Nish và 12 chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ quốc tế khu vực Nhật Bản và Đông Á. Tám chương đầu, độc giả sẽ cùng phái đoàn đi qua tám cường quốc từ Mỹ, Anh, Pháp, Bỉ, Đức, Nga, Thụy Điển và Italy. Bản ghi chép của những học giả góp phần tái hiện hành trình tìm kiếm “văn minh khai sáng” của sứ đoàn Iwakura tại trời Âu dưới góc nhìn của người phương Tây. Ba phần còn lại trong ấn phẩm là bài phân tích, nhận định của chuyên gia lịch sử, đánh giá tình hình nước Nhật sau chuyến công du.

Để hiểu thêm về một lát cắt lịch sử quan trọng của Nhật Bản, cũng như đọc thêm về chuyến đi được mệnh danh là “Chuyến công du lịch sử thay đổi nước Nhật”, mời bạn tìm đọc sách tại đây hoặc tại hệ thống các nhà sách Phương Nam trên toàn quốc.

Đọc bài viết

Trà chiều

Nhà Sách Phương Nam đồng hành cùng các bạn học sinh tham gia cuộc thi ‘F1 in Schools’

Published

on

F1 in Schools là một giải đấu mang tính giáo dục, cạnh tranh toàn cầu do Formula One kết hợp với chương trình quốc tế STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học). Giải đấu được tổ chức hàng năm dành cho học sinh trung học với mục đích giới thiệu kỹ thuật cho những người trẻ tuổi trong một môi trường thú vị. Mỗi đội thi (từ 3 - 6 học sinh) phải thiết kế và chế tạo một chiếc xe đua Công thức 1 cỡ nhỏ từ Khối mô hình F1 chính thức bằng các công cụ thiết kế CAD/CAM.

Năm 2024, ADUA Racing - đội bao gồm các học sinh cấp 2 của trường British International School Ho Chi Minh City đã vinh hạnh giành được cơ hội tham gia vòng chung kết cuộc thi F1 in Schools ở Dubai, Ả Rập Saudi. Đây là đội duy nhất đại diện Việt Nam tham gia vòng chung kết năm nay.

Những nỗ lực rèn luyện, khả năng sáng tạo, tư duy học tập đáng ngưỡng mộ của các em học sinh trong giải đấu này phù hợp với định hướng và giá trị cốt lõi mà Nhà Sách Phương Nam luôn muốn đem lại cho các bạn đọc và khách hàng trên toàn quốc.

Vì vậy, Nhà Sách Phương Nam hân hạnh trở thành nhà tài trợ đồng hành cùng đội thi ADUA Racing trên hành trình vươn ra thế giới. Nhà Sách Phương Nam hy vọng nỗ lực này sẽ góp phần ươm mầm cho những tài năng tương lai, khuyến khích người trẻ phát triển tư duy độc lập, sáng tạo.

Nhà Sách Phương Nam luôn chú trọng hỗ trợ, khuyến khích thế hệ trẻ phát huy tối đa tiềm năng của bản thân. Bên cạnh đó, hệ thống Nhà Sách Phương Nam vẫn luôn nỗ lực trên hành trình kết nối bạn đọc đến với thế giới tri thức thông qua những cuốn sách hay và các hoạt động ý nghĩa.

Cảm ơn sự ủng hộ của các độc giả và khách hàng đã tạo điều kiện để Nhà Sách Phương Nam tiếp tục đồng hành cùng thế hệ trẻ trên những chặng đường đầy ý nghĩa trong tương lai.

Đọc bài viết

Cafe sáng