Trà chiều

Noel không cần bon chen: Có 9 nhà sách tuyệt đẹp chờ bạn đến khám phá!

Published

on

Dịp cuối năm này, nếu bạn đã nhàm chán với những trung tâm thương mại đông đúc, những con phố đi bộ người người xếp lớp chen nhau và muốn “rẽ hướng” sang một lựa chọn thi vị khác, thì tại sao không hẹn một ngày đặc biệt để ghé thăm Nhà Sách Phương Nam – một điểm hẹn Giáng Sinh ẩn giấu những bí mật nho nhỏ trong từng cuốn sách, từng góc trang hoàng đợi bạn khám phá?

Trong từ điển đời sống của giới trẻ Việt, Nhà Sách Phương Nam không đơn thuần là một địa điểm để mua bán sách mà đã trở thành điểm hẹn văn hóa, là những “Wonderland” để người yêu sách đóng đô và tự hào gọi là nhà. Từ mô hình Thành phố sách rộng cả nghìn mét vuông đến những góc nhỏ nép giữa lòng đường sách – mỗi địa điểm gắn với cái tên Phương Nam luôn sở hữu một chất riêng, thể hiện trong cách sắp xếp và phân loại sách tỉ mỉ, dày công trang trí và sức sáng tạo mang đến những không gian ấn tượng và niềm vui cho khách hàng khi dạo chơi và chiêm ngưỡng.

Bất kể bạn đang “độc hành” hay đã có một người bạn đặc biệt để hẹn hò, Nhà Sách Phương Nam – cùng với rất nhiều những cuốn sách hay, khoác tấm áo Christmas xinh đẹp – đều chào đón bạn hòa chung trong không khí lễ hội cuối cùng của năm. Bookish xin giới thiệu 9 địa điểm Nhà Sách Phương Nam đặc biệt nổi bật từ Bắc chí Nam, cũng chính là 9 địa điểm vui chơi, hẹn hò độc đáo để bạn có một mùa yêu thương ấm áp và đáng nhớ.



“Thành phố Sách châu Âu giữa lòng Sài Gòn” 
Địa chỉ: Tầng 3 – Vạn Hạnh Mall, 11 Sư Vạn Hạnh, P.12, Q.10, TP. HCM.



Đối với rất nhiều người yêu sách đang sinh sống và làm việc tại Sài Gòn, Phương Nam Book City – Vạn Hạnh Mall là địa điểm phải-ghé mỗi dịp cuối tuần, để hâm nóng tình yêu đọc sách và tránh khỏi cái lạnh của guồng quay thường ngày.


Ra đời với hy vọng không chỉ cung cấp những đầu sách chất lượng mà còn là một nơi để những người yêu sách có thể thoải mái vẫy vùng trong một không gian thiết kế để đáp ứng sở thích của mình, “Thành phố Sách châu Âu giữa lòng Sài Gòn” có lối kiến trúc đậm chất thơ, lấy cảm hứng từ những công trình Châu Âu nổi tiếng; từng con đường, đại lộ, góc phố nổi tiếng trời Âu được đưa vào để tạo nên Thành phố sách lãng mạng nhất Việt Nam.

Giáng Sinh này, có thể nói Phương Nam Book City tại Vạn Hạnh Mall chính là tổng hòa những giá trị đẹp nhất mà chuỗi thương hiệu danh tiếng này đem lại: sự sang trọng, bắt mắt trong một không gian mời gọi người qua đường dừng chân, chậm rãi đọc sách và ghi lại những ký ức đẹp. Bên cạnh đó, nơi đây cũng tự hào mang đến những lựa chọn trang trí, phụ kiện Giáng Sinh phong phú và độc đáo để bạn có thể làm mới không gia nhà cửa, phòng ốc và nơi làm việc của mình.


Nét đẹp hiện đại giữa cố đô Huế, chẳng hề thua kém bất cứ một nhà sách nào tại Sài Thành
Địa chỉ: 131 – 133 Trần Hưng Đạo, P. Phú Hòa, TP. Huế.


Nhà Sách Phương Nam chẳng còn mấy xa lạ với các thế hệ học trò nhiều năm qua tại Huế. Nằm ở dưới chân cầu Trường Tiền, nơi đây là chốn tĩnh lặng để người bản địa cũng như khách du lịch dừng lại đọc sách, ngắm nhìn và cảm nhận không gian văn hóa – lịch sử Huế.


Vốn cổ điển như vậy, nhưng Giáng Sinh này, Nhà Sách Phương Nam tại cố đô không ngại làm mới mình, thêm chút cảm hứng Tây phương để tô điểm nên Giáng Sinh rộn ràng và hiện đại – không kém chi bất cứ một nhà sách nào ở Sài Gòn. Những chi tiết nhỏ làm nên một không gian nhà sách – tủ trưng bày, cầu thang, kệ sách – nay đều khoác lên một tấm áo Noel mới, nhuộm sắc bằng tông màu đỏ, trắng, xanh lấp lánh cả khung trời với những mô hình, tiểu cảnh đầu tư và sắp xếp tỉ mỉ. Dạo một vòng nơi đây, bạn sẽ tìm thấy rất nhiều nguồn cảm hứng để bắt tay mua sắm và làm mới không gian sống và làm việc của mình, đồng thời ghi lại những tấm ảnh đẹp và ấn tượng (điển hình là tại tủ-Giáng-Sinh trưng bày cạnh Book Café!).


Một Thành phố Giáng Sinh ý nhị và tinh tế
Địa chỉ: 212 Nguyễn Trãi, P. Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP. HCM.


Tuy chỉ mới chính thức khai trương trong năm nay nhưng Phương Nam Book City Saigon Center có một lịch sử thú vị: thập niên 1970, nơi đây là rạp xi-nê Khải Hoàn, sau đó đổi thành Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch. Đến năm 2020, PNC chính thức cải tạo và xây dựng một thành phố sách mới trên nền kiến trúc Nhà hát xưa. Với khởi nguyên như vậy, chẳng hề ngạc nhiên khi Phương Nam Book City Saigon Center có một không khí rất khác với những người đi trước. Nơi đây sang trọng theo cách cổ điển, nghiêm cẩn mà ung dung, tự tại, đúng phong cách của một địa điểm đã trải qua nhiều đời nắng mưa.


Tháng Mười Hai này, nơi đây chào đón Giáng Sinh đầu tiên trong đời. Không quá sắc màu hoa lệ, không quá rộn ràng nhạc ca, Thành phố sách Phương Nam Saigon Center lựa chọn một tấm áo Christmas rất riêng, ý nhị mà tinh tế cho hợp với cái cốt thanh tao của mình. Dạo bước trong diện tích hơn 1.500 mét vuông, đây đó ta bắt gặp – nhấn nhá trong không gian tầng tầng lớp lớp – là những nét bút Tây phương xanh biếc, là dây tầm gửi xanh điểm bông tuyết men theo lan can cầu thang, là cây tùng vững chãi vươn lên giữa sân khấu một thời, những chú búp bê râu dài nho nhỏ ngồi nghỉ mệt trên kệ sách. Đặc biệt, bạn đừng bỏ lỡ “căn hầm Giáng Sinh” cất chứa một thế giới những phụ kiện, quà tặng, đồ chơi, như hòm châu bấu để bạn khám phá và gửi tặng đến người thân và bạn bè.


Một chút cảm hứng Bắc Âu tại thành phố biển
Địa chỉ: 17 Thái Nguyên, P. Phước Tân, TP. Nha Trang, Tỉnh Khánh Hòa.


Nằm trên con đường Thái Nguyên sầm uất ngay trung tâm Nha Trang, với view nhìn trực tiếp ra ga tàu hỏa, Nhà Sách Phương Nam không những là điểm đến yêu thích của các bậc phụ huynh, các bé thiếu nhi và các bạn học sinh, sinh viên trong thành phố mà còn là nơi ghé thăm, mua sắm đáng tin cậy của khách du lịch.


Và khi tiết trời tại Nha Trang đã lạnh xuống, bớt chút nắng và thêm chút mưa, Nhà Sách Phương cũng hòa vào không khí giao mùa mà mang chút cảm hứng Bắc Âu vào nhà sách, với những cây thông xanh nhiều kích cỡ – từ nhỏ nhắn “kawaii” đến đồ sộ – sắp xếp thành cánh rừng xinh nhón đầu ra khỏi khung cửa sổ kính sát đất, đến những hạt châu treo lơ lửng xen kẽ với búp bê ông già Tuyết, kết hợp với ánh đèn vàng, nơi đây thật giống như một không gian Bắc Âu xinh đẹp.


Không gian đọc sách với concept trẻ trung, hiện đại
Địa chỉ: Tầng 3 – Lotte Center, 54 Liễu Giai, P. Cống Vị, Q. Ba Đình, TP. Hà Nội.


Tọa lạc tại tầng 3 của trung tâm mua sắm Lotte Department Store, Phương Nam Book Lotte Center đánh dấu một cột mốc mới trong cộng đồng người đọc sách đang sinh sống và làm việc tại thủ đô. Thoát khỏi mô hình nhà sách truyền thống, Phương Nam được thiết kế linh hoạt đan xen nhiều tiện ích, concept trẻ trung hiện đại, không gian nội thất chủ yếu sử dụng gam màu trung tính và nền nã.


Ở một khía cạnh nào đó, Phương Nam Book Lotte Center đỏm dáng chẳng kém gì người anh em Book City Vạn Hạnh Mall ở miền Nam, cứ mỗi mùa hội hè là lại tinh tế điểm sắc thêm hương mà không hề phô trương. Chỉ còn vài ngày nữa là ngày Giáng Sinh, và hòa cùng không khí lễ hội khắp nơi, nhà sách cũng đã trang trí theo cách riêng của mình. Với tông màu chủ đạo là trắng, xanh, đỏ, vàng, cùng với cây thông và những phụ kiện trang trí,… nhà sách đã khoác thêm một tấm áo sắc màu lộng lẫy, để khách hàng không thể không ngắm nhìn.


Ốc đảo của phụ kiện, màu sắc và ánh sáng
Địa chỉ: Tầng 4 – Saigon Centre, 65 Lê Lợi, P. Bến Nghé, Q.1, TP. HCM.


Tọa lạc tại trung tâm mua sắm Saigon Centre (Takashimaya), Nhà Sách Phương Nam – Lê Lợi đã biến không gian có phần nhỏ nhắn của mình thành một “ốc đảo Giáng Sinh” rực rỡ khi chơi đùa với ba yếu tố quan trọng: phụ kiện, màu sắc và ánh sáng. Noel tràn vào lòng khi ta ngắm từng cụm dây đèn tí hon treo lơ lửng trên đầu như những chòm sao nhỏ, ánh sáng phản chiếu những cụm thông có chút hơi tuyết bám trên đầu ngọn cây, điểm tô vài quả châu trang trí cho thêm phần lung linh kì ảo.


Ngoài ra, nhà sách Phương Nam Saigon Centre còn có khu vực “Kids Corner” dành riêng cho độc giả nhí, được trang hoàng với những tông màu và băng rôn vui nhộn, là nơi để các bé thiếu nhi ghé chơi và chọn quà tặng Giáng Sinh năm nay.


Concept Giáng Sinh hiện đại tại Thành phố sách tiên phong ở Việt Nam
Địa chỉ: Tầng Trệt – Aeon Mall, 01 Đại lộ Bình Dương, Khu phố Bình Giao, P. Thuận Giao, TX. Thuận An, Tỉnh Bình Dương.


Là thành phố sách đầu tiên ra đời tại Việt Nam, Phương Nam Book City Aeon Bình Dương được thiết kế như một thành phố thu nhỏ với những góc riêng biệt: bàn ghế đọc sách dành cho độc giả, khu vực Book Café dành cho người muốn làm việc hoặc thư giãn với bạn bè, khu vực tổ chức giao lưu sách với giới văn nghệ sĩ, khu vực đồ chơi dành cho gia đình và trẻ em. Sự ra đời của thành phố sách Phương Nam tại nơi đây là bước chuyển để giới trẻ khẳng định rằng, ừ, ở Việt Nam ta cũng tự hào sở hữu Thành phố sách rộng và đẹp như ở xứ người!


Mùa Giáng Sinh này, khi chào đón mỗi khách hàng đến chơi, Thành phố sách Phương Nam hi vọng tạo ra một không gian Giáng Sinh hiện đại, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc và mang đến những trải nghiệm đẹp cùng gia đình và bạn bè.


Nhà sách gắn bó với biết bao thế hệ người Sài Gòn
Địa chỉ: 940 Ba Tháng Hai, P.15, Q.11, TP. HCM.


Là nhà sách đầu tiên và lâu đời nhất của thương hiệu Nhà Sách Phương Nam, nơi đây là điểm đến quen thuộc của người Sài Gòn trong gần 40 năm qua, là chốn sẻ chia tình yêu đọc sách, gắn kết tình cảm của nhiều thế hệ gia đình, học sinh và sinh viên tại Sài Gòn. Đồng thời, địa điểm này cũng là nơi có số lượng đầu sách quốc văn – ngoại văn, văn phòng phẩm và quà lưu niệm cùng đồ chơi lớn, đáp ứng nhu cầu khách hàng vào những thời điểm quan trọng trong năm như tân niên, mùa tựu trường và hẳn nhiên là có Giáng Sinh.


Vào trong mùa lễ năm nay, Nhà Sách Phương Nam – Phú Thọ cũng là một địa điểm hot tại quận 10 nói riêng và nội thành TP. HCM nói chung. Không chỉ có không gian trang trí rộn ràng, bắt mắt, nơi đây còn là địa chỉ để gia đình và các bạn trẻ đến chọn phụ kiện trang trí và quà tặng Giáng Sinh, với mẫu mã, chất liệu đa dạng và giá thành phù hợp với túi tiền. Đặc biệt, năm nay nhà sách nhập về những chậu tùng tươi đúng với xu hướng sống gần gũi với thiên nhiên – nếu bạn muốn thay đổi phong cách trang trí phòng.


Nhà sách có trang trí sáng tạo nhất!
Địa chỉ: 03 Nguyễn Oanh, P.10, Q. Gò Vấp, TP. HCM.


Nhà Sách Phương Nam tại số 03 Nguyễn Oanh là một trong những nhà sách uy tín và diện tích lớn nhất quận Gò Vấp. Và mùa Giáng Sinh này, nếu có giải “nhà sách sáng tạo nhất” thì nơi đây sẽ là ứng cử viên nặng ký, khi thỏa thích thể hiện cá tính qua những tiểu cảnh đầu tư và background tuyệt đối ăn hình: từ cây thông Noel được các bạn nhân viên dày công sắp xếp từ bộ truyện tranh “Lớp học Mật Ngữ”, đến mô hình ngôi hình nhà thờ tuyết lấp ló bên cửa sổ dưới giàn lồng đèn giấy xoay theo chiều gió, và đặc biệt nhất hẳn là tiểu cảnh hang đá Giáng Sinh được thiết kế và dàn dựng công phu. Không chỉ tạo không gian đọc sách, nghỉ chân mà còn thu hút nhiều bạn trẻ tới chụp những bức ảnh đậm chất “Instagram”.

*

Và còn nhiều Nhà Sách Phương Nam đã “lên đèn Giáng Sinh” theo phong cách riêng biệt của mình mà vẫn đảm bảo tiêu chí “đẹp rạng ngời mà chuẩn ấm áp”. Mời mọi người đến khám phá!

Phương Nam Book City – Hồng Bàng
Địa chỉ: Tầng 2 – The Garden Mall, 190 Hồng Bàng, P.12, Q.5, TP. HCM.

Nhà Sách Phương Nam – Estella Place
Địa chỉ: Tầng 4 – Estella Place, 88 Song Hành, P. An Phú, Q.2, TP. HCM.

Nhà Sách Phương Nam – Vincom Quang Trung
Địa chỉ: Tầng B2 – Vincom Plaza, 190 Quang Trung, P.10 , Q. Gò Vấp, TP. HCM.

Nhà Sách Phương Nam – SC Vivo City
Địa chỉ: Tầng 3 – SC VivoCity, 1058 Đại Lộ Nguyễn Văn Linh, P. Tân Phong, Q.7, TP. HCM.

Nhà Sách Phương Nam – Đại Thế Giới 
Địa chỉ: 105 Trần Hưng Đạo B, P.6, Q.5, TP. HCM.

Nhà Sách Phương Nam – Crescent Mall
Địa chỉ: Tầng 4 – Crescent Mall, 101 Tôn Dật Tiên, P. Tân Phú, Q.7, TP. HCM.

Nhà Sách Phương Nam – Siêu Thị An Phú
Địa chỉ: Tầng 1 – Siêu Thị An Phú, 36 Thảo Điền, P. Thảo Điền, Q.2, TP. HCM.

Nhà Sách Phương Nam – Vincom Đồng Khởi
Địa chỉ: Tầng B2 – Vincom Center, 72 Lê Thánh Tôn, P. Bến Nghé, Q.1, TP. HCM.

Nhà Sách Phương Nam – Đường sách TP. HCM
Địa chỉ: Gian M06-07 Nguyễn Văn Bình, P. Bến Nghé, Q.1, TP. HCM.

Nhà Sách Phương Nam – Cần Thơ
Địa chỉ: 06 Hòa Bình, P. An Cư, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ.

Nhà Sách Phương Nam – Kon Tum
Địa chỉ: 135 Lê Hồng Phong, P. Quyết Thắng, TP. Kon Tum.

Nhà Sách Phương Nam – Phố Sách Hà Nội
Địa chỉ: Phố 19/12, P. Trần Hưng Đạo, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Nhà Sách Phương Nam -The Garden
Địa chỉ: Tầng 3 – The Garden Shopping Center, Đường Mễ Trì, P. Mỹ Đình 1, Q. Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội.

*

Có một “ốc đảo Giáng Sinh” cực Tây tại Nhà Sách Phương Nam

Trà chiều

Sài Gòn – Hồi sinh từ ký ức, vươn mình đến tương lai

Từ ngày 1/7/2025, cái tên “Sài Gòn” chính thức trở lại trên bản đồ hành chính Việt Nam. Đây không phải là tên thành phố, mà là tên của một phường trung tâm thuộc TPHCM. Một sự thay đổi tưởng chừng kỹ thuật, hành chính, nhưng lại gợi lên những suy tư lớn hơn: về ký ức đô thị, về cách chúng ta gọi tên một vùng đất và về hướng đi của tương lai giữa dòng chảy đổi mới.

Published

on

Từ nay, người dân sẽ phải làm quen với những tên gọi mới, địa giới mới và cả cách quản lý mới. Nhưng giữa tất cả những đổi thay ấy, cái tên “Sài Gòn” không trở lại như một nỗi hoài niệm, mà như một sợi chỉ đỏ âm thầm nối liền ký ức và hiện tại: bền bỉ, lặng lẽ nhưng chưa từng đứt đoạn. Một cái tên chưa bao giờ mất đi trong tâm thức người dân, nay được trả về đúng vị trí của nó: chính danh và được ghi nhận.

Tên cũ hồi sinh, đô thị vươn mình

Không chỉ hiện diện trong ký ức của hàng triệu người dân, Sài Gòn còn là mạch nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều thế hệ người viết, người sáng tác. Trong đó, có thể kể đến tác giả Phạm Công Luận - một cây bút gắn bó lâu năm với Phương Nam Book và được xem là người dành trọn tâm huyết để viết về Sài Gòn. Gần như mỗi năm, ông lại cho ra đời một tác phẩm mới, nhưng điều đặc biệt là dù đã viết rất nhiều năm, rất nhiều sách, ông vẫn luôn tìm ra được những góc nhìn mới, tinh tế và giàu cảm xúc về vùng đất này.

Từ Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm, Hồi ức Phú Nhuận,đến Có một thời ở Chợ LớnMade in Sài Gòn - hai tác phẩm vừa được phát hành đầu năm nay, những trang viết của ông như một hành trình gom nhặt lại những ký ức xưa cũ về Sài Gòn. Chính những tác phẩm ấy là bằng chứng cho thấy: Sài Gòn không chỉ tồn tại trên bản đồ, mà sống động trong văn hóa, tâm tưởng và cả trong từng chi tiết đời sống hàng ngày của người dân.

Bởi vậy, khi cái tên “Sài Gòn” trở lại trong một vị trí hành chính cụ thể, đó không đơn thuần là sự phục dựng danh xưng, mà là sự thừa nhận giá trị văn hóa, tinh thần mà vùng đất này đã và đang mang trong mình. Nhưng câu chuyện không chỉ dừng ở ký ức hay bản sắc. Việc sáp nhập, thay đổi đơn vị hành chính lần này còn là một phần trong chiến lược cải tổ toàn diện, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, tinh gọn bộ máy và hướng đến một đô thị hiện đại.

Bởi vậy, mô hình hành chính mới không đơn thuần là tinh gọn bộ máy, mà còn là cơ hội để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, hiện đại hóa quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ công và cuộc sống người dân. Đây là một phần trong chiến lược phát triển bền vững, toàn diện và hội nhập sâu rộng mà Việt Nam đang theo đuổi. Và để chiến lược đó đi vào thực tế, không thể thiếu sự góp sức của mỗi cá nhân - những người đang sống, làm việc, học tập và trực tiếp cảm nhận từng thay đổi nhỏ nhất trong đời sống hàng ngày.

Đổi mới không chỉ đến từ chính sách, mà bắt đầu từ chính chúng ta - những người kiến tạo nên diện mạo mới cho đô thị mỗi ngày.

Thế hệ trẻ giữ vai trò tiên phong trong hành trình đổi mới

Đổi mới không phải là khẩu hiệu treo tường, mà là từng hành động cụ thể mỗi ngày: một sinh viên chọn học thêm kỹ năng mềm; một kỹ sư chủ động cập nhật công nghệ mới; một giáo viên thay đổi cách giảng dạy để học sinh dễ tiếp cận tri thức hơn. Con đường học vấn không chỉ là hành trang cá nhân, mà còn là cách mỗi người góp phần xây dựng quốc gia trong thời đại tri thức. Như lời Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói: “Mỗi ngày làm việc là một ngày kiến tạo”. Và với người trẻ hôm nay, sự kiến tạo ấy chính là học tập, là tư duy phản biện, là sự dấn thân vào hành trình đổi mới - không chỉ để thay đổi bản thân, mà còn để thay đổi xã hội.

Những thay đổi ấy đang diễn ra ở khắp nơi: từ miền núi, hải đảo xa xôi đến các đô thị trung tâm hay những vùng sáp nhập mới. Và câu chuyện của Sài Gòn hôm nay - một địa danh cũ trở lại trong hình hài hành chính mới chỉ là một lát cắt trong bức tranh cải tổ rộng lớn mà cả nước đang cùng nhau vẽ nên.

Tên gọi có thể đổi. Địa giới có thể gộp. Nhưng khát vọng vươn lên, ý chí tự cường và tinh thần làm chủ vận mệnh thì vẫn còn nguyên vẹn, thậm chí mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Sài Gòn hôm nay đang bước vào một hành trình mới: hành trình của hiện đại, của tinh gọn, của đổi mới. Nhưng trên hết, đó là hành trình mà trong đó, người dân không chỉ là đối tượng của thay đổi, mà là chủ thể kiến tạo.

Một cái tên trở lại. Và cả một thời đại mới - bắt đầu.

Thùy Dương

Đọc bài viết

Trà chiều

Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam có gì khác các nước đồng văn?

Published

on

Mỗi năm vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch, Việt Nam và các nước đồng văn như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản lại cùng nhau chào đón một dịp lễ truyền thống mang đậm dấu ấn văn hóa phương Đông: Tết Đoan Ngọ. Dù tên gọi và nghi lễ có phần khác biệt, ngày lễ này đều gắn liền với ý nghĩa thanh lọc cơ thể, xua đuổi bệnh tật và bảo vệ sức khỏe trong thời khắc giao mùa quan trọng của năm. Từ bữa cơm "diệt sâu bọ" của người Việt, tục uống rượu hùng hoàng ở Trung Quốc, đến gội đầu và xông hơi bằng thảo dược ở Hàn Quốc; Tết Đoan Ngọ không chỉ phản ánh đời sống tâm linh mà còn cho thấy sự giao thoa và phát triển đa dạng của các nền văn hóa Á Đông.

Nguồn gốc và tục lệ Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam

Ở nước ta, Tết Đoan Ngọ được dân gian gọi bằng một cái tên dân dã: Tết diệt sâu bọ vì người ta tin rằng khi ăn món đầu tiên trong ngày này thì sâu bọ, giun sán trong người sẽ bị chết hết. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trần Ngọc Thêm, ngày Tết này của Việt Nam có nguồn gốc chung với các dân tộc Bách Việt sinh sống ở khu vực Nam Trung Hoa và Bắc Đông Dương. Đây là vùng canh tác lúa nước lâu đời, nơi khí hậu mùa hè nóng bức ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, nhờ vào kinh nghiệm quan sát thời tiết để canh tác, người dân nơi đây đã hình thành nên Tết Đoan Ngọ như một nghi lễ nhằm thích ứng và tận dụng quy luật tự nhiên trong chu kỳ khí hậu hàng năm. 

Đặc biệt hơn, đây còn là ngày mang tính biểu tượng của ngày giỗ Quốc Mẫu Âu Cơ - ngày vô cùng quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh của mỗi người dân Việt. Ca dao ông cha ta có câu: Tháng Năm ngày tết Đoan Dương/ Là ngày giỗ Mẹ Việt Thường Văn Lang.  

Theo truyền thống của dân tộc Việt, người dân ăn tết Đoan Ngọ bằng sự cúng lễ. Tại các làng xã có lễ thần tại đình, đền; ở thôn, xóm có cúng tại miếu còn trong mỗi gia đình, mâm cỗ được dâng lên tổ tiên. Vì đây là thời điểm tiết trời nắng gắt nhất trong năm (Cực Âm – tiết Hạ chí), nên các món ăn thường là đồ nguội, mát mang tính hàn. Những món không thể thiếu trong mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ ở khắp 3 miền là rượu nếp (cơm rượu) và trái cây. Trái cây được chọn có hình tròn như vải, mận (miền Nam gọi là mận bắc), hạt sen (làm chè). 

Ngoài ra, ẩm thực Tết Đoan Ngọ cũng có nhiều điểm khác nhau ở 3 miền. Miền Bắc thường có bánh gio trên bàn cúng, từ Thanh Hóa vào đến Huế thường nấu xôi ăn với thịt vịt. Người dân từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi thường cho trẻ nhỏ vào vườn hái quả ăn, một số ít gia đình nấu xôi chè cúng lễ. Trong khi đó, người nông dân miền Nam thường đúc bánh lọt, nấu chè trôi nước và xôi gấc cúng tổ tiên rồi cả nhà quây quần cùng nhau ăn. Với tư duy tiếp biến làm mới cách chế biến, trang trí, phong vị các món chay truyền thống cùng mong muốn giao thoa ẩm thực 3 miền, bạn có thể tham khảo công thức món chè trôi nước tam sắc trong cuốn Thanh tịnh mâm cỗ Việt của hai tác giả Hồ Đắc Thiếu Anh Nguyễn Hồ Tiếu Anh.

Nguồn gốc và tục lệ Tết Đoan Ngọ ở Trung Quốc 

Khác với Việt Nam, ý nghĩa ngày tết Đoan Ngọ của người Trung Hoa gắn với tích về ông Khuất Nguyên nước Sở cuối thời chiến quốc. Là một nhà thơ và chính trị gia nước Sở, ông nổi tiếng vì lòng yêu nước và tài văn chương. Sau khi bị vu cáo và thất sủng, ông sống trong đau khổ và sáng tác thiên "Ly Tao" thể hiện nỗi lòng. Những ngày cuối đời, ông bị đày đến Giang Nam, rồi trong tuyệt vọng, đã tự vẫn bằng cách ôm đá nhảy xuống sông Mịch La. Theo truyền thuyết ấy, hàng năm người ta tổ chức ngày mồng 5 tháng 5 là ngày Tết Đoan Ngọ để tưởng nhớ ông. 

Cũng theo tích trên, sau khi Khuất Nguyên trầm mình xuống sông Mịch La, người dân Trung Quốc xưa đã tổ chức chèo thuyền ra cứu ông nhưng không thành. Từ đó, truyền thống đua thuyền rồng vào ngày Tết Đoan Ngọ ra đời để tưởng niệm ông. Ngoài ra, người Trung Quốc còn giữ nhiều phong tục đặc trưng trong dịp lễ này như đeo túi thơm để xua đuổi tà ma, hái thuốc, hái trà và tổ chức lễ hội rước rồng ở một số vùng dân tộc thiểu số như người Mèo.

Hoạt động đua thuyền rồng trong ngày Tết Đoan Ngọ

Về ẩm thực, người Trung Quốc ăn bánh ú (zongzi) với nhiều loại nhân tùy vùng như thịt, đậu xanh, long nhãn, trứng muối hay bột dẻ…và uống rượu hùng hoàng - một loại rượu có pha khoáng chất màu vàng, được tin là có thể xua đuổi sâu bọ và tà khí.

Nguồn gốc và tục lệ ở Hàn Quốc 

Còn tại xứ sở kim chi, ngày Tết Đoan Ngọ được biết đến với tên gọi Dano (단오) hay Surinal (수릿날). Ở đây, “Suri” có nghĩa là “Thần”, là “cao”, tức là vị thần tối cao, ám chỉ mặt trời. Tết Đoan Ngọ báo cho mọi người biết ánh nắng chói chang của mùa hè sắp lan tỏa khắp nơi, cây cối hoa màu cũng sắp tới thời điểm sinh trưởng tốt tươi nhất trong năm. Người ta tổ chức các hoạt động ăn chơi nhằm tượng trưng cho sức mạnh và sự cường tráng, cầu nguyện cho mùa màng bội thu không bị sâu bệnh phá hoại.

Phong tục tập quán truyền thống tiêu biểu nhất của Hàn Quốc trong ngày Tết Đoan Ngọ là đấu vật truyền thống Ssireum. Trước kia, người giành chiến thắng trên sân đấu vật thường được thưởng một con bê. Vào ngày Tết Đoan Ngọ xa xưa, phụ nữ thường kéo nhau ra suối gội đầu bằng nước lá cỏ Thạch Dương Bồ, rồi chơi đánh đu. Đến cả các cô gái đài các giới thượng lưu ngày thường chỉ quanh quẩn trong dinh thự, nhưng tới Tết Đoan Ngọ cũng được cha mẹ cho phép ra ngoài ngắm cảnh.

Bánh Suritteok và Yaktteok là hai loại bánh truyền thống làm từ gạo, các loại hạt và lá cây được người Hàn thưởng thức trong ngày 5/5 này. Nếu như bánh Suritteok chỉ đơn giản là chiếc bánh ngải cứu hình bánh xe thì những chiếc bánh Yaktteok đa dạng hơn khá nhiều. Cũng được làm từ gạo không dính nấu chín nhưng không phải với lá ngải cứu mà với các loại hạt khác nhau và tạo thành những hình dáng phong phú.

Như vậy, không chỉ là dịp đánh dấu bước chuyển quan trọng trong chu kỳ mùa vụ và thời tiết, Tết Đoan ngọ còn là tấm gương phản chiếu bản sắc văn hóa riêng của các quốc gia Á Đông. Dù cùng chung cội nguồn từ nền văn minh nông nghiệp lúa nước và chịu ảnh hưởng của triết lý phương Đông, mỗi dân tộc lại sáng tạo nên những phong tục, nghi lễ mang màu sắc riêng. Việc tiếp nối và gìn giữ các giá trị này không chỉ giúp mỗi dân tộc lưu giữ ký ức văn hóa truyền thống, mà còn góp phần tạo nên sự đa dạng và sâu sắc trong di sản tinh thần chung của khu vực.

Hà Nhi

Đọc bài viết

Trà chiều

Phía sau Ngày của Mẹ: Câu chuyện lịch sử bị lãng quên

Published

on

Ít ai biết rằng, Ngày của Mẹ khởi nguồn như một phong trào của những người phụ nữ mong muốn mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân Mỹ. Nguồn gốc bị lãng quên ấy xuất phát từ hai nhà hoạt động suốt đời cống hiến những nỗ lực cải thiện y tế, phúc lợi và hòa bình. Hiểu về lịch sử Ngày của Mẹ - để thêm trân trọng và tìm thấy cảm hứng từ đó.

Ai là người sáng lập ra Ngày của Mẹ?

Việc tạo ra một ngày lễ quốc gia dành riêng cho mẹ phần lớn là công lao của ba người phụ nữ: Julia Ward Howe, Ann Reeves Jarvis, và con gái của Ann - Anna M. Jarvis.

Ann Reeves Jarvis

Được nhiều người gọi trìu mến là “Mẹ Jarvis”, Ann Reeves Jarvis là một người nội trợ trẻ sống ở vùng núi Appalachian, từng giảng dạy trong lớp học Kinh Thánh mỗi Chủ nhật. Nhưng bên cạnh đó, bà còn là một nhà hoạt động xã hội suốt đời. Vào giữa thế kỷ 19, bà đã tổ chức các “Câu lạc bộ hành động của những người Mẹ” (“Mothers’ Day Work Clubs”) tại West Virginia nhằm chống lại điều kiện sống mất vệ sinh nghiêm trọng lúc bấy giờ. Mẹ Jarvis lo lắng trước tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong quá cao - thậm chí trở nên tràn lan tại khu vực này, đồng thời mong muốn hỗ trợ và giáo dục các bà mẹ đang gặp khó khăn nhất.

Trong thời kì nội chiến Hoa Kỳ, bà tiếp tục tổ chức các đoàn phụ nữ, khuyến khích họ cùng giúp đỡ, bất kể chồng con họ đang đứng về phe nào. Sau chiến tranh, bà đề xuất tổ chức một “Ngày tình thân của những người Mẹ” (Mothers’ Friendship Day) - với hy vọng hàn gắn những rạn nứt giữa các gia đình từng đứng ở hai chiến tuyến: Liên minh miền Nam và Liên bang miền Bắc.

Julia Ward Howe

Julia Ward Howe là một nhà thơ và nhà cải cách nổi tiếng. Trong thời kỳ Nội chiến, bà tình nguyện làm việc cho Ủy ban Vệ sinh Hoa Kỳ, góp phần mang lại môi trường sạch sẽ cho các bệnh viện và đảm bảo điều kiện vệ sinh trong việc chăm sóc thương binh, bệnh binh. Năm 1861, bà sáng tác bài thánh ca nổi tiếng của thời Nội chiến – “The Battle Hymn of the Republic”, lần đầu được phát rộng rãi vào tháng 2 năm 1862. 

Khoảng năm 1870, Julia đã kêu gọi tổ chức riêng một “Ngày của Mẹ vì hòa bình” (“Mother’s Day for Peace”) để tôn vinh hòa bình và chấm dứt chiến tranh. Trong bản “Tuyên ngôn Ngày của Mẹ” (“Mother’s Day Proclamation”) do bà viết, Julia cảm thấy rằng chính những người mẹ - những người phải gánh chịu và thấu hiểu cái giá phải trả của chiến tranh - cần phải cùng nhau lên tiếng chống lại sự tàn khốc và sự phí hoài cuộc sống vì súng gươm. 

“Ngày của Mẹ” theo góc nhìn của Julia từng được tổ chức tại Boston và một vài nơi khác trong khoảng 30 năm nhưng nhanh chóng biến mất vào những năm trước Thế chiến thứ nhất.

Không có gì mới mẻ diễn ra trong phong trào này cho đến năm 1907, khi cô Anna M. Jarvis ở Philadelphia tiếp tục giương cao ngọn cờ ấy. 

Anna M. Jarvis

Sau khi mẹ qua đời vào năm 1905, cô Anna M. Jarvis ở Philadelphia đã ấp ủ ước nguyện tưởng nhớ cuộc đời đầy cống hiến của mẹ mình. Cô bắt đầu vận động một ngày lễ toàn quốc nhằm tôn vinh tất cả những người mẹ. “Tôi hy vọng và cầu nguyện rằng rồi sẽ có ai đó, vào một lúc nào đó, lập nên một ngày tôn vinh mẹ - để ghi nhận những cống hiến vĩ đại mẹ dành cho nhân loại trong mọi khía cạnh của cuộc sống,” Anna từng khẳng định - “Mẹ xứng đáng với điều đó.” 

Ý tưởng của Anna không xoay quanh những công việc xã hội như mẹ cô từng theo đuổi, mà thiên về việc tôn vinh vai trò thiêng liêng của người mẹ và những hy sinh thầm lặng trong mái ấm gia đình. Cô không ngừng gửi điện tín, thư từ, và gặp gỡ trực tiếp các nhân vật có tầm ảnh hưởng cũng như các tổ chức xã hội để thuyết phục họ ủng hộ. Dù tổ chức lớn hay nhỏ, cô đều kiên trì gửi thư trình bày ý tưởng của mình. Bằng chính tiền túi, Anna viết, in và phát hành hàng loạt tập sách ca ngợi Ngày của Mẹ.

Vì sao Ngày của Mẹ ở Mỹ lại rơi vào tháng 5?

Tháng 5 năm 1907, Anna tổ chức buổi lễ tưởng niệm để tưởng nhớ hành trình hoạt động không ngơi nghỉ của mẹ tại nhà thờ Giám Lý ở Grafton, West Virginia – nơi bà từng giảng dạy. Một năm sau, vào ngày 10 tháng 5, một buổi lễ chính thức nhân Ngày của Mẹ được tổ chức tại chính nhà thờ đó, lần này để vinh danh tất cả những người mẹ. Từ đây, ý tưởng dành riêng Chủ nhật thứ hai của tháng 5 để tôn vinh mọi người mẹ - dù còn sống hay đã khuất - bắt đầu hình thành.

Nỗ lực của Anna dần gây được sự chú ý. Thị trưởng Philadelphia là người đầu tiên tuyên bố tổ chức Ngày của Mẹ tại địa phương. Từ đó, Anna tiếp tục hành trình vận động ở thủ đô Washington, D.C. Các chính trị gia ở đây nhanh chóng nhận thấy đây là một đề xuất đáng giá và bày tỏ sự ủng hộ công khai.

West Virginia là bang đầu tiên chính thức công nhận ngày này. Sau đó, nhiều bang khác cũng làm theo. Việc các bang liên tiếp đưa ra tuyên bố công nhận Ngày của Mẹ đã dẫn đến việc Hạ nghị sĩ J. Thomas Heflin (bang Alabama) và Thượng nghị sĩ Morris Sheppard (bang Texas) cùng đệ trình một nghị quyết lên Quốc hội nhằm công nhận Ngày của Mẹ là ngày lễ trên toàn quốc. Cả hai viện của Quốc hội đều thông qua nghị quyết.

Đến năm 1914, Tổng thống Woodrow Wilson đã ký ban hành đạo luật chính thức công nhận Chủ nhật thứ hai của tháng 5 là ngày lễ quốc gia với tên gọi “Ngày của Mẹ” - dành riêng cho “người mẹ tuyệt vời nhất trên đời: mẹ của bạn.”

Trong những năm đầu tiên, Ngày của Mẹ được tổ chức một cách mộc mạc và đầy thành kính - thường là qua các buổi lễ nhà thờ để tưởng nhớ và vinh danh các bà mẹ, dù còn sống hay đã qua đời.

Ngọt ngào xen lẫn đắng cay khi kế thừa Ngày của Mẹ

Theo nhiều tài liệu, điều duy nhất mà Anna mong muốn là tưởng nhớ mẹ mình - người mà cô tin là người khởi xướng thực sự của Ngày của Mẹ. Nhưng khi ngày lễ trở nên phổ biến, Anna dần cảm thấy thất vọng khi nó bị thương mại hóa: người ta gửi thiệp, tặng hoa một cách máy móc. Thậm chí cô không đồng tình khi các tổ chức phụ nữ hay hội từ thiện dùng Ngày của Mẹ để gây quỹ - điều khá mâu thuẫn nếu nhìn vào lý tưởng y tế cộng đồng mà mẹ cô từng theo đuổi.

Năm 1948, Anna Jarvis qua đời tại một viện dưỡng lão trong tình trạng sa sút trí tuệ.

Ngày của Mẹ hiện nay

Ngày của Mẹ vẫn bền bỉ tồn tại và không ngừng phát triển. Cũng giống như khởi nguồn ngày lễ bắt đầu từ sự sáng tạo của nhiều người phụ nữ, Ngày của Mẹ trong thời đại hiện nay tôn vinh sự đa dạng trong vai trò của người mẹ hiện đại. Chúng ta nhớ ơn những người mẹ đã đấu tranh để cải thiện cuộc sống của con cái bằng nhiều cách - từ phúc lợi xã hội đến lý tưởng phi bạo lực. Và hơn hết, chúng ta thấu hiểu, trân trọng tinh thần dũng cảm cùng đức hy sinh quý giá vô ngần dành cho con trẻ từ lúc chúng mới lọt lòng.

Hà Nhi dịch từ Almanac

Đọc bài viết

Cafe sáng