Trà chiều

What Happened to Monday: Sự chật chội của một danh tính

Sẽ ra sao nếu trong một tương lai không xa, vì sự bùng nổ dân số, mỗi gia đình chỉ được phép có một đứa con và nếu sinh dư, những đứa còn lại bị chính phủ ép phải đưa vào buồng ngủ đông không biết khi nào mới được đánh thức?

Published

on

What Happened to Monday là một phim mà tôi chắc rằng khi đọc qua logline, bất kì nhà sản xuất hay khán giả đại chúng nào cũng thấy ngay sự mới mẻ, hấp dẫn của nó. Sẽ ra sao nếu trong một tương lai không xa, vì sự bùng nổ dân số, mỗi gia đình chỉ được phép có một đứa con và nếu sinh dư, những đứa còn lại bị chính phủ ép phải đưa vào buồng ngủ đông không biết khi nào mới được đánh thức? Thế thì, một gia đình có bảy chị em sẽ xoay sở ra sao để cùng nhau tồn tại? Hoặc ngắn gọn hơn nữa, ngay từ câu tagline của bộ phim cũng đã gợi nhiều suy ngẫm kích thích người xem: “Bảy chị em, một danh tính.”

Cái hay trong ý tưởng kịch bản phim nằm ở việc nó đồng thời vừa mới mẻ lại vừa gần gũi. Tình trạng dân số thế giới ngày càng gia tăng là vấn nạn có thật và ở những nước đông dân, người ta cũng đã quá quen với những khuyến nghị về việc hạn chế số lượng con trong mỗi hộ gia đình. What Happened to Monday chỉ đẩy chuyện này lên mức cực đoan để Max Botkin – tác giả kịch bản gốc trình bày những quan điểm của mình về con người và xã hội. Ý tưởng kịch bản phim phần nào đó có nét giống với truyện ngắn 2BR02B của Kurt Vonnegut. Cả hai đều đặt câu chuyện trong bối cảnh một xã hội kiểm soát dân số bằng những biện pháp ngặt nghèo, chỉ khác ở cách thức kiểm soát. Cách thức kiểm soát dân số trong What Happened to Monday đã được đề cập ở trên, còn cách thức kiểm soát dân số trong 2BR02B lại là: để một người được sinh ra, trước tiên phải có một người tình nguyện chết. Do đó, tuy có một chút trùng lặp với 2BR02B nhưng nhờ sự khác biệt trong cách thức kiểm soát, What Happened to Monday vẫn có thể xem là ý tưởng kịch bản độc đáo. Tôi nghĩ rằng có thể xếp kịch bản phim vào dạng high-concept – đây là miếng mồi ngon cho các nhà làm phim Hollywood. Kịch bản What Happened to Monday hoàn toàn có thể được viết lại với những nhân vật khác, tình tiết khác mà vẫn cho ra câu chuyện thú vị như cách các nhà làm phim đã xào nấu ý tưởng kịch bản Groundhog Day (1993) thành nhiều câu chuyện về vòng lặp thời gian ra đời sau này như: About Time (2013), Edge of Tomorrow (2014), Before I Fall (2017), hay bộ phim kinh dị sắp sửa ra mắt là Happy Death Day (Sinh nhật chết chóc).Có thể trong tương lai, nhiều bộ phim lấy tiền đề tương tự như What Happened to Monday cũng sẽ được ra đời.

Tuy nhiên, What Happened to Monday lại cócách triển khai câu chuyện quá cũ kĩ mặc dù tiền đề là một ý tưởng high-concept mới mẻ. What Happened to Monday được xếp vào thể loại dystopian sci-fi, thế nhưng tôi cảm thấy gần hai phần ba phim lại giống thể loại hành động hơn. Mọi tình tiết trong phim gần như được thúc đẩy bằng những cảnh hành động và cả cách nhân vật giải quyết vấn đề cũng khiến người xem dễ cảm thấy bạo lực là thứ chính yếu để chiến thắng. Tình trạng này khiến tôi nhớ đến phim In Time (2011). In Time cũng có một ý tưởng tiền đề rất hay đến mức tôi nghĩ ai đọc qua logline của phim hẳn đều sẽ muốn xem phim ngay. Thế nhưng, cách triển khai câu chuyện của In Time cũng lại qui về những cảnh hành động đậm chất Hollywood quen thuộc khiến bộ phim trở nên nhàm chán. Cả In Time lẫn What Happened to Monday đều thuộc thể loại sci-fi và đều mắc tình trạng rốt cuộc sci-fi chỉ để làm nền cho action. Trong một bộ phim sci-fi kể về thế giới dystopia (thế giới trở nên tồi tệ hơn chứ không phải tốt đẹp hơn ở thì tương lai) như What Happened to Monday, tôi nghĩ nếu câu chuyện được xử lí theo hướng thiên về tâm lí nhân vật như The Lobster (2015) thì có thể phim sẽ để lại ấn tượng sâu sắc hơn về mặt thông điệp khi đặt ra câu hỏi muôn thưở của Hamlet: “Tồn tại hay không tồn tại?” Còn ở bộ phim này, có lẽ câu hỏi chỉ dừng lại ở mức đơn giản là What Happened to Monday? như chính tiêu đề phim. Và do đó, chí ít ta cũng được hưởng chút thú vị của thể loại trinh thám – vốn là nơi hay đặt ra câu hỏi dạng này.  

Điểm đánh giá: 6.5/10

Kodaki

Click to comment

Viết bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Trà chiều

Sứ Đoàn Iwakura đạt Giải thưởng sách Quốc Gia 2024

Published

on

Giải thưởng Sách Quốc gia là giải thưởng do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức hàng năm, trao giải cho những cuốn sách (bộ sách) có giá trị nổi bật về nội dung tư tưởng, tri thức, thẩm mỹ nhằm tôn vinh tác giả, dịch giả, nhà khoa học và người làm công tác xuất bản.

Tối ngày 29.11.2024 tại lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần VII, tác phẩm Sứ Đoàn Iwakura - Chuyến Tây Du Khảo Cứu Nhằm Canh Tân Nhật Bản Thời Minh Trị (Ian Nish biên soạn, Nguyễn Hoàng Mai - Nguyên Tâm dịch) hân hạnh được vinh danh giải Khuyến khích.

Sứ Đoàn Iwakura là tác phẩm nghiên cứu tập hợp nhiều tư liệu giá trị, giúp độc giả hiểu rõ hơn về chuyến du khảo nhằm canh tân Nhật Bản thời Minh Trị dưới góc nhìn của người phương Tây. Để có một đường lối phát triển đất nước hoàn toàn mới, người Nhật đã khởi động chuyến công du gọi là Sứ mệnh Iwakura thăm Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu. Đây là một chuyến đi lịch sử có tầm quan trọng đến mức khi nhắc về Minh Trị Duy Tân, người ta lập tức nhớ đến chuyến đi này.

Sách dày 427 trang, gồm 11 chương tổng hợp các bài viết của Ian Nish và 12 chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ quốc tế khu vực Nhật Bản và Đông Á. Tám chương đầu, độc giả sẽ cùng phái đoàn đi qua tám cường quốc từ Mỹ, Anh, Pháp, Bỉ, Đức, Nga, Thụy Điển và Italy. Bản ghi chép của những học giả góp phần tái hiện hành trình tìm kiếm “văn minh khai sáng” của sứ đoàn Iwakura tại trời Âu dưới góc nhìn của người phương Tây. Ba phần còn lại trong ấn phẩm là bài phân tích, nhận định của chuyên gia lịch sử, đánh giá tình hình nước Nhật sau chuyến công du.

Để hiểu thêm về một lát cắt lịch sử quan trọng của Nhật Bản, cũng như đọc thêm về chuyến đi được mệnh danh là “Chuyến công du lịch sử thay đổi nước Nhật”, mời bạn tìm đọc sách tại đây hoặc tại hệ thống các nhà sách Phương Nam trên toàn quốc.

Đọc bài viết

Trà chiều

Nhà Sách Phương Nam đồng hành cùng các bạn học sinh tham gia cuộc thi ‘F1 in Schools’

Published

on

F1 in Schools là một giải đấu mang tính giáo dục, cạnh tranh toàn cầu do Formula One kết hợp với chương trình quốc tế STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học). Giải đấu được tổ chức hàng năm dành cho học sinh trung học với mục đích giới thiệu kỹ thuật cho những người trẻ tuổi trong một môi trường thú vị. Mỗi đội thi (từ 3 - 6 học sinh) phải thiết kế và chế tạo một chiếc xe đua Công thức 1 cỡ nhỏ từ Khối mô hình F1 chính thức bằng các công cụ thiết kế CAD/CAM.

Năm 2024, ADUA Racing - đội bao gồm các học sinh cấp 2 của trường British International School Ho Chi Minh City đã vinh hạnh giành được cơ hội tham gia vòng chung kết cuộc thi F1 in Schools ở Dubai, Ả Rập Saudi. Đây là đội duy nhất đại diện Việt Nam tham gia vòng chung kết năm nay.

Những nỗ lực rèn luyện, khả năng sáng tạo, tư duy học tập đáng ngưỡng mộ của các em học sinh trong giải đấu này phù hợp với định hướng và giá trị cốt lõi mà Nhà Sách Phương Nam luôn muốn đem lại cho các bạn đọc và khách hàng trên toàn quốc.

Vì vậy, Nhà Sách Phương Nam hân hạnh trở thành nhà tài trợ đồng hành cùng đội thi ADUA Racing trên hành trình vươn ra thế giới. Nhà Sách Phương Nam hy vọng nỗ lực này sẽ góp phần ươm mầm cho những tài năng tương lai, khuyến khích người trẻ phát triển tư duy độc lập, sáng tạo.

Nhà Sách Phương Nam luôn chú trọng hỗ trợ, khuyến khích thế hệ trẻ phát huy tối đa tiềm năng của bản thân. Bên cạnh đó, hệ thống Nhà Sách Phương Nam vẫn luôn nỗ lực trên hành trình kết nối bạn đọc đến với thế giới tri thức thông qua những cuốn sách hay và các hoạt động ý nghĩa.

Cảm ơn sự ủng hộ của các độc giả và khách hàng đã tạo điều kiện để Nhà Sách Phương Nam tiếp tục đồng hành cùng thế hệ trẻ trên những chặng đường đầy ý nghĩa trong tương lai.

Đọc bài viết

Trà chiều

Sự kiện giao lưu & ký tặng: Bước Qua Nước Mắt, Tự Khắc Trưởng Thành

Published

on

Nhân dịp ra mắt tác phẩm mới Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành, Nhà Sách Phương Nam và Phương Nam Book phối hợp cùng tác giả Anh Khang tổ chức sự kiện giao lưu và ký tặng vào lúc 16g00, thứ Bảy ngày 16.11.2024 tại sân khấu A – Đường sách TP. Hồ Chí Minh (Nguyễn Văn Bình, P. Bến Nghé, Q.1, TP. HCM).

Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành là tác phẩm kỷ niệm hơn một thập kỷ viết văn của tác giả Anh Khang. Anh gọi đây là một “cuốn sách làm lành” – thay vì “chữa lành” như cách gọi thường thấy trong xã hội hiện đại. Tác phẩm được chia làm hai phần, mở đầu bằng “Độc thoại” với những dòng tư lự đơn lẻ như tự trấn an “đứa trẻ bên trong đang ăn vạ trên đường trưởng thành”, rồi sang đến “Đối thoại” là những lời tâm can san sẻ cùng Gen Z lẫn Gen Z(à) để tìm sự ủi an. Mỗi câu, mỗi lời tâm tình thủ thỉ đều quá đỗi chân thành, như chính lời tác giả tự nhận thì đây “chính là những ghi chép trong lúc ‘khóc một trận đã đời’, rồi từ nay, chỉ nhìn về phía trước”.

Kể từ khi xuất bản tác phẩm đầu tay Ngày trôi về phía cũ… vào năm 2012, đến nay Anh Khang đã trở thành “tác giả triệu bản” với nhiều tác phẩm nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả. Anh còn được bạn đọc thương tặng tên gọi “nhà văn của những nỗi buồn tuổi trẻ” vì những chia sẻ sâu sắc và đầy cảm thông trong từng trang sách. Sách Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành đánh dấu sự trở lại của Anh Khang sau 4 năm tạm vắng mặt trên văn đàn, đồng thời cũng là món quà tri ân dành tặng cho thế hệ độc giả đã trưởng thành cùng những bài viết của anh.

Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành – tác phẩm mới nhất của tác giả Anh Khang do Phương Nam Book liên kết xuất bản.

Đến với sự kiện giao lưu và ký tặng, độc giả sẽ có cơ hội trò chuyện cùng nhà văn Anh Khang và lắng nghe anh chia sẻ về những thăng trầm trong quá trình sáng tác cuốn Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành. Đặc biệt, sự kiện còn chào đón sự góp mặt của ca sĩ - nhà văn Hamlet Trương.

Giao Lưu & Ký Tặng: Bước Qua Nước Mắt, Tự Khắc Trưởng Thành

  • Thời gian: 16:00 – Thứ bảy, ngày 16.11.2024
  • Địa điểm: Sân khấu A – Đường sách TP. Hồ Chí Minh (Nguyễn Văn Bình, P. Bến Nghé, Q.1, TP. HCM)
  • Vào cửa tự do

Về tác giả: Quách Lê Anh Khang

  • Công việc chính là làm báo, công việc phụ là làm mệt mình bằng những cảm xúc đa mang. Mọi nghề nghiệp đã và đang làm như phóng viên, biên tập viên, PR, MC... đều có vẻ khá nghiệp dư, nhưng lại rất chuyên nghiệp trong vai trò làm “người độc thân nhạy cảm”.
  • Ngày sinh: 11/8
  • Cung Hoàng đạo: Sư Tử (Leo)
  • Cử nhân khoa Báo chí & Truyền thông – Đại học KHXH&NV TP.HCM
  • Sách đã xuất bản:
    • Ngày trôi về phía cũ... (2012)
    • Đường hai ngả, người thương thành lạ (2013)
    • Buồn làm sao buông (2014)
    • Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và... Em (2015)
    • Thương mấy cũng là người dưng (2016)
    • Trời vẫn còn xanh, em vẫn còn anh (2017)
    • Người xưa đã quên ngày xưa (2018)
    • Những năm tháng đó, có tôi yêu người (2019)
    • Thả thính chân kinh (2020)
    • Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành (mới xuất bản – năm 2024)
Đọc bài viết

Cafe sáng