Trích đăng

Truyện ngắn: Thằng Lùn – trích Xứ tháng Mười

Trích truyện ngắn “Thằng lùn” trong tuyển tập “Xứ tháng Mười” của Ray Bradbury.

Published

on

Trích từ: Xứ tháng Mười
Tác giả: Ray Bradbury
Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book
Phát hành: tháng 03.2022

THẰNG LÙN

Aimee ngắm bầu trời, lặng lẽ.

Đêm nay là một trong những đêm hè oi ả im lìm. Sân bến  tàu  bê-tông  vắng  bóng  người,  những  bóng  đèn  vàng, trắng, đỏ giăng mắc cháy sáng như bầy côn trùng lơ lửng bên trên khoảng không đông đặc. Những người quản lý đủ loại gian hàng trò chơi hội chợ đứng bất động, những xác ướp bằng sáp đang tan chảy, không nói năng, mắt nhìn đờ đẫn, không trừ một ai.

Hai khách đã đi qua đây từ một giờ trước. Hai kẻ lẻ loi ấy giờ đang ngồi trên tàu lượn cao tốc, la hét như điên khi đoàn tàu xé màn đêm chói lóa lao thẳng xuống, quay tròn, quay tròn những vòng vô nghĩa.

Aimee chầm chậm đi băng qua bãi biển, mấy vòng gỗ ném cọc bám nhớp nháp trong hai bàn tay. Cô dừng lại sau quầy bán vé trước cửa MÊ CUNG NHÀ KÍNH. Cô thấy bóng mình biến dạng  gớm  guốc  trong  ba  tấm  gương  dợn  sóng bên ngoài Mê Cung. Một ngàn bản sao mệt mỏi của bóng cô tan biến vào lối đi phía bên kia, những ảnh hình nóng hổi giữa vùng gương lạnh trong veo.

Cô bước vào trong quầy vé đứng nhìn hồi lâu cần cổ gầy guộc của Ralph Banghart. Hắn cắn giữa hai hàm răng dài ố vàng lởm chởm một điếu xì-gà chưa châm lửa trong khi bày bộ bài tơi tả ra chơi một mình trên kệ quầy.

Lúc  chiếc  tàu  lượn  quay  rú  lên  rồi  lại  lao  xuống  kinh động như núi lở, cô sực nhớ ra và lên tiếng.

“Loại người nào thích lên tàu lượn cao tốc?”

Ralph Banghart nhấm nhá điếu xì-gà cả ba mươi giây. “Những kẻ muốn chết. Tàu lượn là dễ chết nhất.” Hắn ngồi lắng nghe tiếng súng trường nổ mơ hồ vọng ra từ gian trò chơi bắn súng. “Cái nghề làm hội chợ chó chết này đúng là điên rồ. Chẳng hạn như thằng lùn kia. Cô gặp nó chưa? Tối nào cũng vậy, bỏ một đồng xu, chạy vào Mê Cung Nhà Kính ra tít đằng sau, tới buồng Khổng Lồ. Rồi cô sẽ thấy thằng lùn tịt này chạy thẳng tới đó cho coi. Thiệt tình!”

“Ờ, đúng,” Aimee thốt lên, cô đã nhớ ra. “Em luôn thắc mắc không biết làm người lùn thì cảm giác ra sao. Gặp người lùn nào em cũng thấy thương hại.”

“Tôi cứ muốn tóm lấy nó mà co kéo thun giãn chơi.” “Đừng nói thế chứ!”

“Trời đất,” Ralph đưa bàn tay rảnh rỗi vỗ đùi cô. “Lúc nào cô cũng có thái độ kỳ cục như vậy với những thằng cha thậm chí cô còn chưa gặp.” Hắn lắc đầu cười khúc khích.

“Nó với bí mật của nó. Chỉ có điều nó không biết là tôi biết đó nghe? Thế mới hay chứ!”

“Tối nay nóng.” Cô bồn chồn xóc xóc mấy vòng gỗ lớn trong những ngón tay ướt mồ hôi.

“Đừng  lái  qua  chuyện  khác.  Nó  sẽ  tới  đây,  dù  nắng hay mưa.”

Aimee dợm bước đi.

Ralph nắm lấy khuỷu tay cô. “Này! Cô khùng sao chứ? Không muốn thấy thằng lùn đó à? Suỵt!” Ralph quay lại. “Nó đến rồi kìa!”

Chỉ có mỗi bàn tay Thằng Lùn, đen đúa và lông lá, hiện ra với một đồng xu bạc khi cố với lên ô cửa quầy vé. “Một vé!” Một tiếng nói lanh lảnh như giọng trẻ con.

Bất giác, Aimee chồm tới.

Thằng Lùn ngước nhìn cô, rành rành một gã xấu xí, tóc đen, mắt đen bị lèn chặt trong máy ép, bị vắt nặn và nhồi nhét cho nhỏ choắt thêm, từng chút một, bẻ quặp lui tới, oằn oại ngược xuôi, cho đến khi chỉ còn một đống phẫn nộ nhợt nhạt, bộ mặt sưng húp không hình thù, bộ mặt mà ta phải mở căng mắt tỉnh thức lúc hai và ba và bốn giờ sáng, nằm bẹp trên giường, chỉ có cơ thể say ngủ.

Ralph xé chiếc vé màu vàng làm đôi. “Một vé!”

Dường như hoảng sợ vì cơn dông sắp đến, Thằng Lùn kéo chặt ve áo choàng đen quanh cổ rồi lắc lư hấp tấp bước đi. Một thoáng sau, mười ngàn thằng lùn lang thang lạc loài bò quằn quại giữa những mặt gương, như một đàn bọ hung đen cuống quýt, rồi biến mất.

“Mau!”

Ralph ôm cứng Aimee rồi lôi cô theo hành lang âm u đằng sau những tấm gương. Cô thấy tay hắn vỗ về cô suốt quãng đường đi ngược xuyên qua đường hầm dẫn tới một vách ngăn mỏng có lỗ nhỏ quan sát.

“Chuyện này hay,” hắn cười khúc khích. “Đó… nhìn đi.” Aimee ngần ngừ, rồi úp mặt vào vách ngăn.

“Cô… thấy… nó… không?” Ralph thì thào.

Aimee nghe tim mình đập dồn. Trọn một phút trôi qua. Trong  đó  Thằng  Lùn  đứng  giữa  căn  buồng  nhỏ  màu xanh. Mắt gã nhắm nghiền. Gã chưa sẵn sàng mở mắt nhìn. Giờ thì gã mở hai mi mắt lên rồi ngắm tấm gương lớn trước mặt. Và điều nhìn thấy được trong gương khiến gã mỉm cười. Gã nháy mắt, gã xoay tròn, gã đứng quay sang một bên, gã vẫy tay, gã cúi chào, gã lóng ngóng nhún nhảy khẽ khàng.

Và tấm gương lặp lại từng chuyển động với đôi cánh tay dài ngoằng, với một thân hình cao thêm, cao thêm, với cái nháy mắt to lớn và bóng hồi vọng khổng lồ của điệu múa, kết thúc bằng cái cúi chào vĩ đại!

“Tối nào cũng một trò đó,” Ralph thầm thì vào tai Aimee. “Hay thật đấy chứ?”

Aimee  quay  lại,  hướng  gương  mặt  bất  động  về  phía Ralph nhìn chăm chăm một hồi lâu, không nói năng gì. Rồi cứ như không tự kiềm chế được, cô từ từ quay đầu rất chậm, rất chậm trở lại lỗ quan sát căng mắt nhìn lần nữa. Cô nín thở. Cô thấy đôi mắt mình bắt đầu rướm lệ.

Ralph vừa huých nhẹ cô vừa thì thào.

“Này, thằng oắt lùn đó đang làm gì lúc này?

Nửa giờ sau, hai người cứ uống cà phê trong quầy vé mà chẳng ai nhìn ai khi Thằng Lùn từ trong những tấm gương đi ra. Gã bỏ mũ xuống và dợm bước tới quầy vé nhưng thấy Aimee lại hấp tấp bỏ đi.

“Anh ta muốn cái gì đó,” Aimee nói.

“Đúng.” Ralph dí nát điếu thuốc, vẻ bâng quơ. “Tôi còn biết nó muốn cái gì nữa kìa. Nhưng nó không dám hỏi. Có một đêm nó nói léo nhéo lí nhí, ‘Tôi chắc là mấy tấm gương đó đắt tiền lắm.’ Ôi, tôi giả ngu. Tôi nói, Ờ, đắt lắm. Coi bộ nó nhìn tôi như chờ đợi, rồi thấy tôi không nói gì nữa thì nó đi về, nhưng đêm sau nó lại hỏi. ‘Tôi chắc mấy tấm gương đó cũng phải đến cả năm chục, cả trăm đô?’ Chắc là thế, tôi nói vậy. Rồi tôi chia bài ra chơi một mình.”

“Ralph,” cô gọi.

Hắn ngước lên. “Sao cô nhìn tôi kỳ vậy?”

“Ralph,”  cô  nói,  “sao  không  bán  cho  anh  ta  một  tấm gương nào dư thừa của anh đi?”

“Này, Aimee, tôi có xía vào chuyện quản lý gian hàng ném vòng của cô không?”

“Mấy tấm gương đó bao nhiêu tiền?”

“Tôi có thể mua hàng xài rồi với giá ba mươi lăm đô.” “Thế sao anh không chỉ cho anh ta biết chỗ mua một tấm?”

“Aimee, cô khờ lắm.” Hắn đặt tay trên đầu gối cô. Cô nhích đầu gối ra. “Cho dù tôi chỉ nó chỗ mua thì cô tưởng nó sẽ mua sao? Không đời nào. Lý do? Nó mắc cỡ. Đấy, nó mà biết tôi thấy nó rửng mỡ trước tấm gương trong buồng Khổng Lồ thì nó sẽ không bao giờ quay lại đây đâu. Nó cứ làm bộ như đi vào Mê Cung cho lạc chơi, giống như mọi người. Vờ như nó chẳng quan tâm đến cái buồng đặc biệt ấy. Lúc nào cũng chờ dịp gian hàng này vắng khách, lúc tối khuya, để nó độc chiếm cái buồng cuối cùng đó. Những lúc gian hàng này đắt khách thì có trời mới biết đêm đêm nó giải khuây bằng cái trò gì. Không đâu, xin thưa, nó không dám mua gương ở bất kỳ đâu. Nó không hề có bạn bè, mà có đi chăng nữa nó cũng chẳng dám nhờ họ mua giúp một thứ như vậy. Sĩ diện mà, xin thề, sĩ diện. Lý do duy nhất khiến nó nói chuyện đó với tôi là vì tôi thực tế là người độc nhất mà nó quen biết. Hơn nữa, nhìn nó coi…, làm sao nó có đủ tiền mua tấm gương như vậy được. Nó có thể để dành, nhưng một thằng lùn thì làm đếch gì ra tiền mà để dành? Không ở trong gánh xiếc thì thứ như nó cả đống ngoài kia, đầy đường đầy chợ.

“Em thấy kỳ lạ. Em thấy buồn.” Aimee nhìn đăm đăm ra lối đi lót ván vắng ngắt. “Anh ta ở đâu vậy?”

“Dưới  khu  Flytrap  ngay  bờ  biển.  Ở  Ganghes  Arms. Mà sao?”

“Em si tình anh chàng đó mất rồi, nếu anh muốn biết.” Hắn ngoác miệng cười, răng vẫn cắn điếu xì-gà. “Aimee,”

Hắn nói. “Cô đúng là tiếu lâm hết sức.”

***

Một đêm ấm, một sáng nóng, rồi một trưa cháy bỏng. Mặt biển chói lóa kim tuyến và thủy tinh.

Aimee tản bộ tới, từ các lối đi chật hẹp trong hội chợ ra ngoài biển nóng, men theo bóng râm, tay ôm năm sáu tờ tạp chí bạc màu vì nắng. Cô mở cánh cửa bong tróc, gọi vọng vào vũng tối hầm hập. “Ralph?” Cô lần bước qua hành lang thâm u sau những tấm gương, gót giày nhấn xuống sàn gỗ. “Ralph?” Có người uể oải trở mình trên chiếc giường xếp vải bố.

“Aimee hả?”

Hắn ngồi dậy rồi vặn một bóng đèn tù mù vào đui đèn trên chiếc bàn có gương soi. Mắt nhắm mắt mở, hắn nheo nheo nhìn cô. “Kìa, trông cô hệt như con mèo vừa nuốt được con chim.”

“Ralph, em tới về chuyện gã tí hon!”

“Thằng lùn, Aimee, thằng lùn, cưng ơi. Tí hon là do tế bào, bẩm sinh đã vậy. Còn lùn dị dạng là do tuyến nội tiết…” “Ralph!  Em vừa biết được một chuyện tuyệt hay về anh ta!”

“Trời ơi là trời,” hắn nói với hai bàn tay đang chìa ra như làm chứng cho điều hắn không tin. “Cái cô này! Ai quan tâm cóc khô gì tới một thằng lùn xấu xí…”

“Ralph!” Cô chìa mấy tờ tạp chí ra, mắt sáng lên. “Anh ta là nhà văn! Ai mà nghĩ ra chứ!”

“Hôm nay nóng bức quá rồi, nghĩ ngợi làm chi.” Hắn lại ngả lưng ra rồi quan sát cô, miệng thoáng cười.

“Em tình cờ đi ngang qua Ganghes Arms, và gặp ông Greeley, ông quản lý. Ông ta bảo máy chữ gõ rào rào cả đêm trong phòng ông Lớn!”

“Thằng lùn đó mà tên là Lớn?” Ralph buột miệng cười rống lên.

“Viết truyện trinh thám đăng báo để sống qua ngày. Em tìm được một truyện của anh ta ở chỗ bán tạp chí cũ, và rồi, Ralph, biết gì không?

“Tôi đang mệt đây, Aimee.”

“Anh chàng nhỏ bé này có tâm hồn bao la như trời đất; anh ta có tất cả trong đầu!”

“Thế sao nó không viết cho các tạp chí lớn đi, cô nói tôi nghe coi?”

“Chắc là vì anh ta e ngại… Chắc anh ta không tự biết là có thể làm như thế. Chuyện thường tình. Người ta thường không tự tin vào bản thân. Nhưng nếu anh ta chỉ cần thử thôi, em dám cá anh ta có thể bán truyện ngắn cho bất kỳ đâu trên đời.”

“Thế sao nó không giàu có, tôi hỏi cô đấy?”

“Chắc là vì anh ta chưa nghĩ tới do cuộc sống khổ sở. Ai mà chẳng thế? Thân phận nhỏ nhoi thế kia? Em cho là khó lòng nghĩ tới bất cứ điều gì ngoài chuyện quá nhỏ nhoi và chuyện sống trong căn hộ một buồng rẻ tiền.”

“Xì!” Ralph cười nhạo. “Cô nói cứ như là bà trùm từ thiện.” Aimee  đưa  tờ  tạp  chí  lên.  “Để  em  đọc  anh  nghe  một đoạn truyện trinh thám của anh ta. Truyện có đủ súng ống và du côn, nhưng do một người lùn thuật lại. Em dám cá là mấy tay biên tập chẳng bao giờ đoán được tác giả này biết rõ mình đang viết cái gì. Ồ, xin anh đừng ngồi ì ra đó, Ralph! Nghe này.”

Và cô bắt đầu đọc to.

Tôi là một thằng lùn và tôi là kẻ giết người. Hai chuyện này không thể tách rời. Cái này là nguyên nhân của cái kia.

Kẻ  bị  tôi  giết  thường  chặn  tôi  giữa  đường  khi  tôi  hai mươi mốt tuổi, đưa hai tay nhấc bổng tôi lên, hôn trán tôi, hát ư ử loạn xạ những bài ru con, lôi tôi vào chợ, ném tôi lên mấy chiếc cân và quát tháo với ông hàng thịt “Cân cho đàng hoàng! Đừng có lấy ngón cái mà đè đĩa cân nghe chưa!”

Bạn có hiểu cuộc đời cả hai đã đi tới kết cục giết người ra sao không? Thằng ngu đó, kẻ hành hạ thân xác và tâm hồn tôi đó!

Còn thời thơ ấu của tôi: cha mẹ tôi đều nhỏ con, không hẳn là lùn, không hẳn. Của thừa kế của cha tôi đã cho cả gia đình sống trong một ngôi nhà búp bê, một thứ kỳ lạ giống như chiếc bánh cưới phủ kem xoắn ốc trắng tinh – những căn phòng nhỏ xíu, bàn ghế nhỏ xíu, tranh ảnh nhỏ xíu, cả đồ trang sức chạm đá, cả những miếng hổ phách có côn trùng mắc kẹt bên trong, tất cả đều tí tẹo, tí tẹo, tí tẹo! Thế giới Khổng Lồ xa vời quá, một tin đồn xấu xa bên kia bức tường vườn nhà. Tội nghiệp mẹ cha! Họ chỉ muốn những gì tốt đẹp nhất cho tôi. Họ giữ riết tôi như chiếc lọ sứ, nhỏ bé và quý báu, trong thế giới của kiến, trong những căn phòng tổ ong, trong thư viện li ti, trong mảnh đất có những cửa cái to bằng con bọ hung và cửa sổ to bằng con bướm mối. Mãi tới bây giờ tôi mới thấy được tầm vóc loạn tâm thần kỳ vĩ của cha mẹ tôi! Họ hẳn đã mơ tưởng sẽ sống đời đời, luôn giữ gìn tôi như con bướm khô trong hộp kính. Nhưng cha tôi chết trước, rồi một đám cháy nuốt chửng ngôi nhà tí hon, cái tổ ong bầu ấy, cùng mọi tấm gương soi bé bằng con tem và căn phòng bằng lọ muối bên trong. Mẹ cũng chết luôn! Và còn lại tôi một mình, nhìn tàn lửa rơi, bị quẳng ra ngoài thế giới của Quái Vật và Người Khổng Lồ, bị thực tế như trận đất lở cuốn phăng, quăng quật, lăn lóc, và nát bấy dưới chân vách núi!

Tôi phải mất một năm mới thích ứng được. Không thể nào nghĩ tới một nghề với chút công việc phụ thêm. Dường như đời này không có chỗ nào dành cho tôi. Và rồi, một tháng trước, Kẻ Khủng Bố đó bước vào đời tôi, ấn một cái mũ đàn bà lên mái đầu khờ khạo của tôi, và hét với đám bạn: “Tao muốn tụi bay xem con lùn này!”

Aimee ngừng đọc. Ánh mắt cô bồn chồn và tờ tạp chí run rẩy khi cô đưa cho Ralph. “Anh đọc hết đi. Phần còn lại là câu chuyện giết người. Viết được lắm. Anh thấy vậy không? Lùn mà hay! Lùn mà hay!”

Ralph quẳng tờ tạp chí qua một bên rồi uể oải châm điếu thuốc. “Tôi thích đọc truyện cao bồi hơn.”

“Ralph, anh phải đọc truyện này. Cần có người nói cho ông Lớn biết là anh ta viết tốt lắm và khuyến khích anh ta viết tiếp.”

Ralph nhìn cô, đầu nghiêng một bên. “Thế ai sẽ nói cho nó biết? Chà chà, chúng ta là cánh tay mặt của Đấng Cứu Thế đấy à?”

“Đừng nói cái giọng đó chứ!”

“Tỉnh lại đi, đồ khùng! Nếu tự nhiên cô ào ào nói ra điều đó, nó sẽ nghĩ cô đang bố thí lòng thương hại. Nó sẽ gào rống xua đuổi cô cút khỏi nhà nó.”

Aimee ngồi xuống, ngẫm nghĩ từ tốn lại, cố xoay trở vấn đề xem xét mọi góc cạnh. “Em không biết. Có lẽ anh đúng. Ồ, không phải lòng thương hại đâu, Ralph, thật đó. Nhưng có thể đối với anh ta thì giống như thế. Em phải cẩn thận hết sức.”

Hắn nắm vai cô lắc tới lắc lui, mấy ngón tay bấu nhẹ. “Trời, trời, mặc kệ nó đi, tôi chỉ yêu cầu cô điều đó; cô sẽ hao tâm tốn sức mà chỉ thêm rắc rối chứ chẳng được gì. Trời, Aimee, chưa hề thấy cô sốt sắng chuyện gì như chuyện này. Thôi, hôm nay nghỉ làm đi chơi, tôi với cô, đi ăn trưa, đổ ít xăng, rồi phóng xe dọc bờ biển đi xa hết cỡ, bơi lội, ăn chiều, xem phim gì hay hay ở thị trấn nhỏ đâu đó… bỏ mẹ cái hội chợ này đi, được không? Một ngày vui đã đời không lo toan. Tôi đã để dành được ít tiền đây rồi.”

“Đó là vì em thấy anh ta khác biệt,” cô nói, mắt nhìn sâu vào bóng tối. “Đó là vì anh ta là người đáng nể mà tụi mình không thể nào bằng được…, anh và em và tất cả lũ chúng ta ở bến tàu này. Ngộ thật, ngộ thật đó. Cuộc đời đã định cho anh ta chẳng được tích sự gì ngoài những gánh xiếc rong, thế mà anh ta lại ở cái xứ này. Và cuộc đời đã định cho tụi mình không phải làm trong gánh xiếc rong, nhưng tụi mình cũng lại ở đây, thế đấy, ở tít tận đây trên cái cầu tàu ngoài biển này. Nhiều lúc tưởng chừng xa bờ đến cả triệu dặm. Ralph, làm sao tụi mình có thân xác này nhưng anh ta lại có được trí óc và có thể nghĩ ra nhiều điều mà tụi mình thậm chí không bao giờ ngờ tới?”

“Nãy giờ tôi nói gì cô đâu có nghe!” Ralph nói.

Cô ngồi còn hắn đứng bên trên, tiếng nói xa vắng. Mắt cô khép hờ và hai bàn tay cô đặt trên đùi, run rẩy.

“Tôi không thích vẻ mặt tinh ranh của cô lúc này,” cuối cùng hắn lên tiếng.

Aimee từ từ mở ví lấy ra một cuộn giấy bạc rồi bắt đầu đếm. “Ba mươi lăm, bốn mươi đô la. Đủ. Em sẽ điện thoại cho Billie Fine nhờ ông ta gửi một tấm gương biến dạng loại cao tới nhà ông Lớn nhỏ con ở Ganghes Arms. Đấy, em sẽ làm thế!”

“Cái gì?”

“Thử nghĩ xem, Ralph, anh ta sẽ sung sướng biết bao khi có tấm gương đó trong phòng riêng bất cứ khi nào anh ta cần tới. Em mượn điện thoại anh nhé?”

“Cứ việc, đúng là khùng.”

Ralph quay lưng thật nhanh rồi bỏ đi về cuối đường hầm. Tiếng cửa đóng sầm.

Aimee chờ một lúc rồi đưa tay nhấc điện thoại, bắt đầu quay số, chậm chạp đến đau khổ. Cô ngừng lại giữa những con số, nín thở, nhắm mắt, tự hỏi thầm nếu trót mang phận nhỏ nhoi trên đời này, và nếu một ngày có người gửi cho một tấm gương đặc biệt thì sẽ như thế nào. Một tấm gương trong phòng riêng nơi ta có thể ẩn náu cùng chiếc bóng phản chiếu to lớn của bản thân, chói sáng, và viết hết truyện này đến truyện khác, không cần phải bước ra thế gian nếu không cần thiết. Khi đó, một mình, cùng ảo ảnh tuyệt diệu toàn vẹn hình hài trong căn phòng ấy thì sẽ như thế nào. Điều này sẽ khiến ta buồn hay vui, nó sẽ giúp ích hay là phá hoại chuyện văn chương? Cô hết ngẩng lại cúi đầu, suy nghĩ, suy nghĩ mãi. Ít ra thì như thế sẽ chẳng có ai khinh thường ta. Đêm đêm, có thể lén thức giấc lúc ba giờ sáng lạnh lẽo, ta có thể nháy mắt rồi nhảy múa vòng quanh rồi mỉm cười rồi vẫy tay với chính mình, vụt lớn, vụt lớn, cao đẹp ngời ngời trong tấm gương rực rỡ.

Tiếng nói vang trong điện thoại, “Billie Fine đây.” “Ôi, Billie!” cô thổn thức.

Đêm tràn lấp cầu tàu. Biển đen gầm gừ dưới những tấm ván. Ralph ngồi lạnh tái trong chiếc quan tài bằng kính của mình,  tay  chia  bài,  mắt  nhìn  đăm  đăm,  môi  mím  chặt.  Ở khuỷu tay hắn, một kim tự tháp tàn thuốc cứ cao dần. Khi Aimee đi men dưới hàng bóng đèn màu xanh và đỏ rực, tươi cười, vẫy chào, hắn vẫn cứ từ từ, chầm chậm đặt từng quân bài xuống. “Chào Ralph!” cô gọi.

“Chuyện tình ra sao rồi?” – Hắn vừa hỏi vừa uống nước đá lạnh trong chiếc cốc bẩn. “Các chàng minh tinh, tài tử thế nào?”

“Em vừa đi mua chiếc mũ mới,” cô mỉm cười đáp. “Ôi, em thấy sướng quá! Anh biết tại sao không? Ngày mai Billie Fine sẽ cho gửi một tấm gương đi! Ta mà thấy được nét mặt của anh chàng nhỏ bé đó thì hay phải biết!”

“Tôi không giỏi tưởng tượng đâu.”

“Ối trời, bộ anh tưởng em sẽ lấy anh ta làm chồng hay sao.”

“Sao lại không? Bỏ nó vào va-li xách đi khắp nơi. Thiên hạ sẽ hỏi, Chồng cô đâu? Cô chỉ cần mở nắp ra, la lên, Nó đây này! Giống cái kèn bằng bạc. Lôi nó ra khỏi hộp bất cứ lúc nào, thổi một bài, cất vô hộp trở lại. Kiếm cái xô đựng cát nhỏ đặt sau hiên nhà cho nó đứng.”

“Em đang thấy sướng quá,” cô nói.

“Phải nói là nhân đức mới đúng.” Ralph không nhìn cô, miệng hắn căng ra. “N-h-â-n-đức. Tôi chắc mọi chuyện đều do tôi theo dõi thằng đó qua lỗ ván nẻ để làm trò vui chứ gì? Đó là lý do cô mua cho nó tấm gương đó chớ gì? Những người như cô rảnh quá mà, toàn phá hoại niềm vui của kẻ khác.”

“Anh nói thế thì em sẽ không đến chỗ anh uống nước nữa. Em thà không chơi với ai còn hơn chơi với người hèn hạ.” Ralph thở hắt một hơi thật dài. “Aimee, Aimee. Cô không

hiểu là cô chẳng thể giúp ích gì cho thằng cha đó sao? Nó là thằng khùng. Và cái trò điên rồ của cô cũng chẳng khác gì cô nói với nó: Cứ khùng nữa đi, tôi sẽ giúp anh, anh bạn”.

“Dù gì cũng là chuyện ngàn năm một thuở, có sai lầm cũng tốt nếu mình nghĩ việc làm này sẽ giúp người khác vui sướng,” cô nói.

“Cầu  Chúa  cứu  vớt  tôi  thoát  khỏi  những  kẻ  thiện tâm, Aimee.”

“Im đi! Im đi!” cô la lên, rồi không nói thêm gì nữa.

Hắn để cho im lặng đọng lại hồi lâu, rồi đứng dậy, đặt chiếc cốc dính đầy dấu tay qua một bên.

“Trông quầy vé cho tôi được chớ?”

“Được. Nhưng sao vậy?”

Cô thấy mười ngàn bóng hình trắng lạnh của hắn khệnh khạng  đi  theo  các  hành  lang  thủy  tinh,  giữa  những  mặt gương, môi hắn mím chặt và những ngón tay múa máy.

Cô ngồi trong quầy vé cả phút rồi bất chợt rùng mình. Một chiếc đồng hồ nhỏ kêu tích tắc trong quầy và cô lật bộ bài ra, từng lá một, đợi chờ. Cô nghe tiếng búa, gõ, nện, gõ, nện, văng vẳng trong Mê Cung; một lúc im lìm, một lúc chờ đợi thêm, rồi mười ngàn bóng hình gấp lại, mở ra, và tan rã, Ralph vừa sải bước vừa nhìn mười ngàn bóng hình cô ngồi trong quầy vé hồi vọng hai bên lối ra. Cô nghe tiếng cười khẽ khi hắn đi xuống đường dốc.

“Này, có gì mà anh cao hứng thế?” Cô ngờ vực hỏi. “Aimee,” hắn nói thản nhiên, “tụi mình không nên cãi nhau. Cô bảo ngày mai Billie sẽ gửi tấm gương đó tới cho ông Lớn à?”

“Anh không định làm trò quái quỷ gì đấy chứ?”

“Tôi ấy à?” Hắn thế chỗ cô trong quầy vé và vớ lấy bộ bài, miệng ậm ừ, mắt bừng sáng. “Không đời nào, ối trời, không đời nào.” Hắn không nhìn cô mà liền chia bài phành phạch. Cô đứng sau lưng hắn. Mi mắt phải của cô hơi máy. Cô hết khoanh tay rồi lại buông thõng xuống. Một phút trôi qua. Âm thanh duy nhất là tiếng sóng biển dưới gầm cầu ván tăm tối, tiếng Ralph hít thở trong bầu khí nóng, tiếng sột soạt khe khẽ của những lá bài. Bầu trời trên cầu tàu oi bức, dày đặc mây. Ngoài khơi xa, những ánh chớp lờ mờ vụt lóe lên.

“Ralph,” cuối cùng cô lên tiếng. “Thoải mái đi, Aimee,” hắn nói.

“Về chuyện anh muốn đi chơi biển ở miệt dưới…” “Ngày mai,” hắn nói. “Có thể tháng sau. Có thể năm sau.

Thằng Ralph Banghart này là người kiên nhẫn. Tôi không lo đâu, Aimee. Hiểu chưa?” Hắn giơ một bàn tay lên. “Tôi bình thản lắm.”

Cô chờ cho một đợt sóng ngoài biển tan biến.

“Em không muốn làm anh nổi khùng đâu, vậy thôi. Em không muốn chuyện gì xấu xảy ra, hứa với em đi.”

Gió  lúc  nóng  lúc  lạnh  thổi  qua  cầu  tàu.  Có  mùi  mưa trong gió. Đồng hồ kêu tích tắc. Aimee bắt đầu toát mồ hôi khi nhìn những lá bài xê dịch, xê dịch. Xa xa vọng về tiếng những tấm bia trúng đạn và tiếng nổ ở gian hàng trò chơi bắn súng.

Và rồi, gã ta kìa.

Đang lắc lư đi qua cổng chính vắng tanh của khu hội chợ, dưới những bóng đèn như côn trùng, gương mặt méo mó  và  u  ám,  mỗi  chuyển  động  là  một  gắng  gượng.  Gã  đi suốt đoạn đường dài ra cầu tàu trong lúc Aimee quan sát. Cô muốn nói với gã, Đây là đêm cuối cùng của anh, lần cuối cùng anh sẽ tự làm mình xấu hổ vì phải tới đây, lần cuối cùng anh phải chịu đựng con mắt theo dõi của Ralph, dù là lén lút. Cô ước gì mình có thể la lên và cười to và nói điều đó ngay trước mặt Ralph. Nhưng cô lặng thinh.

“Xin chào, xin chào!” Ralph rống lên. “Tối nay miễn phí, gian hàng mời! Đặc biệt dành cho khách quen!”

Thằng Lùn ngước lên, giật mình, đôi mắt đen bắn ra một khối bối rối bềnh bồng. Miệng gã nặn không nên lời cám ơn rồi gã quay lưng, một tay đưa lên cổ kéo chặt hai ve áo nhỏ tí quanh cuống họng co thắt, tay kia thầm ghì xiết đồng xu bạc. Ngoái lại, gã khẽ gật đầu, và rồi hàng trăm gương mặt thống khổ, giày vò, ám màu âm u kỳ lạ dưới ánh đèn, bước lang thang qua những hành lang thủy tinh.

“Ralph,” Aimee kéo khuỷu tay hắn. “Có chuyện gì thế?” Hắn ngoác miệng cười. “Tôi cũng đang nhân đức đây,

Aimee, nhân đức.” “Ralph,” cô kêu lên.

“Suỵt,” hắn nói. “Nghe đi.”

Trong quầy vé, họ chờ đợi giữa im lặng oi bức lê thê. Rồi, từ rất xa, văng vẳng, một tiếng rú.

“Raph!” Aimee kêu lên.

“Nghe đi, nghe đi!” Hắn nói.

Một tiếng rú nữa, lại rú và lại rú, rồi tiếng va đập rồi tiếng  quăng  quật  rồi  tiếng  đổ  vỡ,  âm  thanh  cuống  cuồng vọng khắp mê cung. Kìa, kìa, dội ngược và đối chọi loạn xạ, từ mặt gương này sang mặt gương khác, vừa la thét điên loạn vừa nức nở khóc, mặt đẫm lệ, miệng há hốc, ông Lớn xuất hiện. Gã nhào ra bầu trời đêm hầm hập, cuống cuồng nhìn quanh, rên rỉ, rồi chạy mất hút xuống bến tàu.

“Ralph, có chuyện gì thế?”

Ralph ngồi vừa cười ầm vừa vỗ đùi. Cô tát vào mặt hắn. “Anh đã làm gì?”

Hắn cố nín cười nhưng không được. “Theo tôi. Tôi sẽ cho cô thấy!”

Và  rồi  cô  vào  mê  cung,  hấp  tấp  chạy  qua  những  tấm gương trắng lóa, vết son môi đỏ rực như lửa phản chiếu cả ngàn lần trong cái hang động sáng bạc hừng hực nơi những người đàn bà điên loạn dị kỳ như cô đuổi theo một tên đàn ông tươi cười, đang chạy phăng phăng.

“Theo tôi!” hắn la to. Và họ lao tới căn buồng tí xíu sặc mùi bụi bặm.

“Ralph!”

Họ đứng ở ngưỡng cửa căn buồng nhỏ nơi Thằng Lùn đêm nào cũng đến cả năm nay. Cả hai đứng ở nơi Thằng Lùn đứng đêm đêm, trước khi gã mở mắt nhìn hình tượng thần kỳ trước mặt.

Aimee chầm chậm lê chân, một bàn tay đưa ra trước, bước vào căn buồng lờ mờ tối.

Tấm gương đã bị đổi.

Tấm  gương  mới  khiến  ngay  cả  những  người  bình thường cũng bé, bé, bé thêm; nó khiến ngay cả những kẻ cao lớn cũng thành nhỏ nhoi, tối tăm, dị dạng thấp kém hơn khi lại gần.

Aimee đứng trước tấm gương ấy, một ý nghĩ phản chiếu, nếu gương này biến người lớn thành nhỏ, khi đứng đây, trời ơi, thì sẽ như thế nào với một gã lùn, gã lùn tí hon, gã lùn u ám, gã lùn cô đơn và kinh hoảng?

Cô quay lưng và suýt vấp ngã. Ralph đang đứng nhìn cô. “Ralph,” cô thốt lên. “Trời ơi, sao anh lại làm thế?”

“Aimee, trở lại đây!”

Cô  băng  qua  những  tấm  gương,  vừa  chạy  vừa  khóc. Căng mắt nhìn qua màn lệ thật khó tìm đường, nhưng cô đã lần được lối ra. Cô đứng chớp mắt nhìn cầu tàu vắng lặng, rồi dợm chạy theo một hướng, đổi hướng khác, không biết về đâu, rồi thôi. Ralph chạy tới sau lưng cô, nói gì đó, một giọng nói xa xăm và khác lạ, như đang loáng thoáng sau một bức tường đêm khuya.

“Tôi không muốn nghe nữa,” cô nói.

Có ai đang chạy lên cầu tàu. Đó là Kelly, chủ gian hàng bắn súng. “Này, mấy người có thấy một thằng lùn mới chạy qua không? Thằng lùn đó giật một khẩu súng ở chỗ tôi, đã nạp đạn, rồi chạy mất tiêu, tôi không kịp bắt lại. Mấy người giúp tôi tìm nó với?”

Rồi Kelly đi luôn, vừa chạy hết tốc lực vừa quay đầu qua lại tìm kiếm giữa các căn lều bạt, khuất xa dần dưới những hàng bóng đèn giăng mắc rực đỏ rực vàng rực xanh.

Aimee ngần ngừ một lúc rồi cất bước. “Aimee, cô đi đâu?”

Cô nhìn Ralph như thể hai kẻ vừa rẽ qua một góc đường, hai người xa lạ, tình cờ chạm mặt và lướt qua nhau. “Chắc là…,” cô nói, “Tôi sẽ giúp mọi người đi tìm.”

“Cô chẳng làm gì được đâu.”

“Dù sao cũng phải thử. Ôi, Ralph, lỗi tại tôi cả! Lẽ ra tôi đừng điện thoại cho Billie Fine! Lẽ ra tôi đừng đặt mua tấm gương và khiến anh nổi khùng tới mức làm như thế! Lẽ ra chính tôi phải đi gặp ông Lớn, chứ không phải mua cái thứ điên khùng đó gửi tới! Tôi phải đi tìm người đó, dù có chết cũng phải đi tìm.”

Chầm  chập  xoay  người  lại,  hai  má  ướt  đẫm,  cô  nhìn những tấm gương dựng trước Mê Cung, trên một tấm gương là bóng phản chiếu của Ralph. Cô không thể rời mắt khỏi hình ảnh ấy; nó thu hút cô đứng sững, miệng há hốc, toàn thân run lẩy bẩy buốt lạnh.

“Aimee, sao vậy? Cô làm sao…?”

Hắn nhận ra hướng cô đang nhìn và quay ngoắt lại xem chuyện gì. Hắn sửng sốt.

Hắn quắc mắt nhìn tấm gương sáng rực đó.

Một con người kinh tởm, xấu xa, nhỏ mọn, cao chỉ chừng sáu tấc, bộ mặt bị bóp dẹp dưới vành mũ rơm kiểu xưa, đang

quắc mắt nhìn đáp trả. Ralph đứng đó trừng trừng nhìn bóng mình, hai bàn tay chống nạnh.

Aimee từ từ bước đi rồi bắt đầu nhanh chân và bắt đầu chạy. Cô chạy xuống bến tàu vắng lặng và cơn gió nóng phun những hạt mưa lớn bỏng rát trên trời dội xuống đầu trong lúc cô chạy thật xa.

Ảnh: Joseph Mugnaini

Hết.

Trích đăng

Sứ đoàn Iwakura – Chuyến Tây du khảo cứu nhằm canh tân dưới thời Duy Tân Minh Trị

Published

on

Trích từ: Sứ đoàn Iwakura
Tác giả: Ian Nish
Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book

Phát hành: tháng 11.2023

Nhắc đến Duy Tân Minh Trị, không gì ý nghĩa hơn khi lật lại trang sử về Sứ mệnh Iwakura vì tính khai sáng như Columbus đi tìm Tân thế giới. Họ đem Văn minh khai sáng về trồng trên mảnh đất Phù Tang, để mãi mãi là di sản chung của châu Á. 

Minh Trị Duy Tân có tác động cách mạng không chỉ cho Nhật Bản, mà cho cả châu Á trong tiến trình phát triển và tìm lại mình, với đầy những kịch tính. 

Chuyến công du Iwakura với khẩu hiệu nước giàu quân mạnh và độc lập dân tộc

Cải cách Minh Trị tôn Hoàng đế Minh Trị lên ngôi năm 1868 (lúc đó ông mới 16 tuổi), xoá bỏ chế độ Mạc Phủ, xoá bỏ các bất bình đẳng giữa các đẳng cấp xã hội, thành lập chính truyền trung ương, tái lập mối quan hệ hàng dọc và hàng ngang trong xã hội, người Nhật tạo điều kiện cho cuộc thay đổi một cách triệt để và hệ thống trong việc xây dựng một nhà nước hiện đại và một nền khoa học công nghệ hiện đại. Khẩu hiệu chính của họ là Fukoku kyohei (Nước giàu quân mạnh), và độc lập dân tộc, từng bước ngang bằng với các cường quốc phương Tây.

Iwakura Tomoki (người mặc trang phục truyền thống Nhật Bản) bên cạnh 4 phó sứ, từ trái sang phải, Kido Takayoshi, Yamaguchi Masuka, Ito Hirobumi và Okubo Toshimichi. Hình ảnh được Ishiguro Keisho sưu tầm).

Họ bắt đầu bằng Sứ mệnh Iwakura do công tước Iwakura Tomomi (1835-1883) dẫn đầu với khoảng 50 thành viên gồm nhiều nhân vật chính phủ cao cấp, trong đó có Ito Hirobumi, lúc đó mới 30 tuổi và là Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, chưa tính khoảng 60 du học sinh phục vụ việc thông dịch, thông tin. Họ đi thăm Hoa Kỳ và hàng chục các quốc gia châu Âu, như Anh, Pháp, Đức, Áo, Ý, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Nga. Chuyến đi được thực hiện chỉ ba năm sau cuộc cách mạng Minh Trị, giữa lúc một cuộc khủng hoảng chính trị nổ ra tại quê nhà về bán đảo Triều Tiên.

Để động viên các sứ thần, Nhật hoàng Minh Trị đã đọc một bài diễn văn:

“Sau khi nghiên cứu và quan sát kỹ, “trẫm” có ấn tượng sâu sắc và tin rằng các quốc gia hùng mạnh và khai sáng nhất của thế giới là những quốc gia đã có những nỗ lực cần cù để vun xới trí tuệ, và tìm cách phát triển đất nước họ một cách đầy đủ và hoàn hảo... Nếu muốn ứng dụng khoa học, các kỹ xảo và những điều kiện của xã hội đang thịnh hành tại các quốc gia khai sáng, chúng ta hoặc phải tự học hỏi, hoặc gửi một đoàn nghiên cứu gồm những quan sát viên có óc thực tế đến các nước khác, tiếp thu những gì nhân dân đang thiếu để làm lợi cho quốc gia.”

Rõ ràng đây là trọng tâm của chuyến công du. Họ sẽ đi thăm từ nhà máy, công xưởng, đến trường học, đại học, bệnh viện, bảo tàng, thư viện, toà án; nghiên cứu đời sống tính tình dân chúng, làng xã, thành thị, đặc thù của mỗi quốc gia, sự phồn vinh thời Victoria của Anh quốc, các thể chế chính trị khác nhau, các cơ quan chính trị, quân sự. Họ gặp tất cả đại diện giới thương mại, công nghiệp, thượng lưu, cầm quyền, chính khách, quân sự, vua chúa, Tổng thống Grant của Hoa Kỳ (người hùng trong cuộc chiến tranh Nam Bắc dưới thời Tổng thống A. Lincoln), Nữ hoàng Victoria của Anh, Vua Wilhelm I và Thủ tướng Bismarck của Phố (Đức), Tổng thống Thiers của Pháp... Họ xuất hiện trong những bộ Âu phục quý phái. 

Họ muốn làm rõ nền tảng của “văn minh khai sáng”, các nguồn gốc sức mạnh và sự phồn vinh của phương Tây. Trong giáo dục, một lĩnh vực hết sức quan trọng, họ muốn học hỏi các mô hình tổ chức giáo dục tiểu học, trung học và đại học. Đó là chuyến công du lịch sử đi tìm khai sáng (khai minh) cho Nhật Bản.

Nhật Bản cởi mở chấp nhận những giá trị phương Tây

Sau chuyến công du kết thúc các nhà lãnh đạo Nhật Bản nhận định rằng, nguy cơ trực tiếp cho nền độc lập Nhật Bản không cấp bách như họ nghĩ. Sự ưu việt của phương Tây chưa lâu, và Nhật Bản có thể đuổi kịp. Kume chỉ ra trong nhật ký hành trình: “Của cải và sự phồn vinh ở mức độ đáng kể mà người ta nhìn thấy tại châu Âu xuất hiện sau 1800... Năm 1830, tàu thủy hơi nước và xe lửa mới xuất hiện. Đó là sự thay đổi đột ngột trong nền thương mại châu Âu, và người Anh là người đầu tiên dồn hết năng lượng đầu tư vào sự đổi mới.”

Nhật Bản do đó chưa phải là tuyệt vọng. Tuy nhiên, phải nhanh chóng thay đổi toàn diện. Sự đối đầu quân sự chưa phải lúc, mà phải chấn hưng đất nước trước (như Phan Châu Trinh sau này). Đoàn có mang theo một số người bảo thủ, để cho họ thấy, phải cải cách đất nước trước, và một số người quá khích để họ thấy đối đầu quân sự là vô vọng. Những năm 1863-1864, dưới thời Hoàng đế Komei, bố của Minh Trị, người rất thù ghét phương Tây, Nhật Bản đã gây chiến với hải quân các nước Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Hà Lan, nhưng đại bại, và phải bồi thường $3.000.000, một bài học đắt giá. Khác với những chuyến công du khác trong lịch sử có đích đến là Trung Hoa, chuyến đi này hướng về phương Tây.

Đoàn cũng nhận ra sâu sắc rằng, không có sự tham gia của nhân dân vào các định chế đại nghị thì không thể có sự đồng thuận cho các hành động của chính quyền. Kido dẫn kinh nghiệm của Ba Lan để chứng minh rằng, thiếu vắng sự tham gia của dân chúng sẽ là tai họa cho nền độc lập quốc gia. Ông cho rằng Năm điều thề ước năm 1868 chính là nền tảng của Hiến pháp cho phép mọi người tham gia; rằng (điều 2) “tất cả các giai cấp, cao cũng như thấp, sẽ hợp lại thực hiện mạnh mẽ chương trình của chính quyền; (điều 3) “tất cả các giai cấp được quyền thực hiện những hoài bão của họ mà không gặp phải khó khăn nào”.

Họ hiểu và tỏ ra kính trọng hơn giá trị của tôn giáo trong đời sống công dân cũng như chính trị. Khi trở về họ đã bỏ lệnh cấm hành đạo Kitô giáo.

Nhật Bản sẽ chấp nhận những giá trị phương Tây: tham gia, cạnh tranh và luôn luôn mở rộng ảnh hưởng. Chỉ có phát triển nội lực mới bảo đảm sự tồn tại của mình. Nhật Bản chấp nhận cuộc chơi mới. Giáo dục là then chốt. Trong khoảng 1868-1902, Nhật Bản đã cấp 11.148 visa du học. Đó là đợt thủy triều du học đầu tiên từ châu Á. Tư nhân tự nỗ lực cho con du học rất nhiều. Bản thân Iwakura và Kido cũng có con trai du học tại Mỹ (ở Rutgers) trong thời gian công du của đoàn.

Năm nữ sinh được gửi đi du học theo Sứ tiết Iwakura, từ trái sang phải: Nagai Shigeko, Ueda Teiko, Yoshimasu Ryoko, Tsuda Umeko và Yamakawa Sutematsu.

Sau chuyến đi, phái đoàn Iwakura thuê ngay hai chuyên gia quan trọng: Giáo sư David Murray của Đại học Rutgers cho lĩnh vực giáo dục tổng quát; Kỹ sư Henry Dyer của Đại học Glasgow làm cố vấn quan trọng cho Nhật Bản về việc xây dựng Kobu Daigakko (Đại học Kỹ thuật).

Chuyến đi mở màn làn sóng thuê chuyên viên nước ngoài toàn diện và ồ ạt. Năm 1875 Nhật đã thuê tổng cộng 500-600 chuyên viên nước ngoài về làm việc cho chính phủ. Tính đến năm 1890 Nhật đã thuê khoảng 3.000 chuyên viên tư vấn thường xuyên làm việc tại Nhật, đủ mọi lĩnh vực, ngành nghề. Riêng trong giáo dục, trong vòng 50 năm Bộ Giáo dục Nhật Bản đã thuê khoảng 400 thầy giáo nước ngoài từ các quốc gia phương Tây để dạy ở các đại học và các tổ chức học thuật khác. Năm 1873, Bộ Giáo dục phải trả một số tiền bằng khoảng 14% ngân quỹ cho giáo viên nước ngoài. Năm 1877 một phần ba ngân quỹ của Đại học Tokyo là dành cho người nước ngoài. Nhật Bản lần lượt thực hiện hai cuộc cách mạng công nghiệp trọng tâm, thứ nhất là công nghiệp nhẹ, thứ hai là công nghiệp nặng. 

Sứ đoàn Iwakura thực hiện đúng điều thứ 5 trong Năm điều thề ước của Hoàng đế Minh Trị và các nhà lãnh đạo trẻ xung quanh ông, rằng: “Tri thức phải được tìm kiếm khắp nơi trên thế giới, để mở rộng và tăng cường quyền lực của đế chế”. 

Chuyến công du Iwakura là một bài học kinh điển cho công cuộc đi tìm mô hình phát triển từ các quốc gia phương Tây. Chưa có dân tộc nào có năng lực quan sát trung thực và đưa ra những ý tưởng dự phóng, cũng như đủ quyết tâm theo đuổi đến khi thành công như họ.

Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.

Đọc bài viết

Trích đăng

Sứ đoàn Iwakura và bí mật từ chuyến Tây du lịch sử khiến nước Nhật phát triển thần kỳ

Published

on

Sứ đoàn Iwakura

Nhắc đến Minh Trị Duy Tân, không gì ý nghĩa hơn khi lật lại trang sử về Sứ mệnh Iwakura vì tính khai sáng như Columbus đi tìm Tân thế giới. Họ đem văn minh khai sáng “về trồng” trên mảnh đất Phù Tang, để mãi mãi là di sản chung của châu Á. 

Cải cách Minh Trị tôn Hoàng đế Minh Trị lên ngôi năm 1868 (lúc đó ông mới 16 tuổi), xoá bỏ chế độ Mạc Phủ, xoá bỏ các bất bình đẳng giữa các đẳng cấp xã hội, thành lập chính truyền trung ương, tái lập mối quan hệ hàng dọc và hàng ngang trong xã hội, người Nhật tạo điều kiện cho cuộc thay đổi một cách triệt để và hệ thống trong việc xây dựng một nhà nước hiện đại và một nền khoa học công nghệ hiện đại. Khẩu hiệu chính của họ là Fukoku kyohei (Nước giàu quân mạnh) và độc lập dân tộc, từng bước ngang bằng với các cường quốc phương Tây. 

Chuyến hải hành khám phá Hoa Kỳ và các nước châu Âu của sứ đoàn Iwakura kéo dài 1 năm 10 tháng (1871 - 1873), với một phái đoàn hùng hậu, gồm khoảng 100 người. Đoàn cũng có nhiều nữ sinh trẻ tuổi theo du học, phục vụ cho việc giáo dục phụ nữ sau này. 

Quyển sách Sứ đoàn Iwakura, tác giả Ian Nish biên soạn.

Ban đầu, họ lên kế hoạch đi thăm từ nhà máy, công xưởng, đến trường học, đại học, bệnh viện, bảo tàng, thư viện, toà án; nghiên cứu đời sống tính tình dân chúng, làng xã, thành thị, đặc thù của mỗi quốc gia, sự phồn vinh thời Victoria của Anh quốc, các thể chế chính trị khác nhau, các cơ quan chính trị, quân sự. Họ gặp tất cả đại diện giới thương mại, công nghiệp, thượng lưu, cầm quyền, chính khách, quân sự, vua chúa, Tổng thống Grant của Hoa Kỳ (người hùng trong cuộc chiến tranh Nam Bắc dưới thời Tổng thống A. Lincoln), Nữ hoàng Victoria của Anh, Vua Wilhelm I và Thủ tướng Bismarck của Phổ (Đức), Tổng thống Thiers của Pháp... Họ xuất hiện trong những bộ Âu phục quý phái.

Sứ đoàn Iwakura muốn làm rõ nền tảng của “văn minh khai sáng”, các nguồn gốc sức mạnh và sự phồn vinh của phương Tây. Trong giáo dục, một lĩnh vực hết sức quan trọng, họ muốn học hỏi các mô hình tổ chức giáo dục tiểu học, trung học và đại học. Đó là chuyến công du lịch sử đi tìm khai sáng (khai minh) cho Nhật Bản.

Nhà sử học Kume Kunitake nhìn thấy ở các viện bảo tàng Hoa Kỳ bản ghi chép về quá trình khai sáng, ông ý thức được rằng: “Nếu ý chí của con người không mạnh, họ không thể mở rộng quyền lực vươn ra khoảng cách lớn. Sự hưng vong của các quốc gia liên quan đến ý chí con người (dân tộc). Kỹ năng và sự giàu có, những điều này chỉ là thứ hai”.

Iwakura Tomomi (người mặc trang phục truyền thống) cùng 4 phó sứ (từ trái sang) Kido Takayoshi, Yamaguchi Masuka, Ito Hirobumi và Okubo Toshimichi. Ảnh: Ishiguro Keisho sưu tầm

Đối với phó sứ Kido không gì tạo ấn tượng cho ông bằng giáo dục ở Hoa Kỳ. Ông viết: “Không có gì khẩn trương đối với chúng ta hơn là các trường học, trừ khi chúng ta tạo được một nền tảng quốc gia vững vàng không lay chuyển được, chúng ta không thể nào nâng cao thanh thế đất nước trong nghìn năm tới... Dân tộc chúng ta không khác với các dân tộc Mỹ và châu Âu ngày nay; đó là vấn đề của giáo dục, hay sự thiếu hụt giáo dục”.

Nhật Bản sẽ chấp nhận những giá trị phương Tây: tham gia, cạnh tranh và luôn luôn mở rộng ảnh hưởng. Chỉ có phát triển nội lực mới bảo đảm sự tồn tại của mình. Nhật Bản chấp nhận cuộc chơi mới. Giáo dục là then chốt. Trong khoảng 1868-1902, Nhật Bản đã cấp 11.148 visa du học. Đó là đợt thủy triều du học đầu tiên từ châu Á. Tư nhân tự nỗ lực cho con du học rất nhiều. Bản thân Iwakura và Kido cũng có con trai du học tại Mỹ (ở Rutgers) trong thời gian công du của đoàn.

Sau chuyến đi, phái đoàn Iwakura thuê ngay hai chuyên gia quan trọng: Giáo sư David Murray của Đại học Rutgers cho lĩnh vực giáo dục tổng quát; Kỹ sư Henry Dyer của Đại học Glasgow làm cố vấn quan trọng cho Nhật Bản về việc xây dựng Kobu Daigakko (Đại học Kỹ thuật).

Chuyến đi mở màn làn sóng thuê chuyên viên nước ngoài toàn diện và ồ ạt. Năm 1875 Nhật đã thuê tổng cộng 500-600 chuyên viên nước ngoài về làm việc cho chính phủ. Tính đến năm 1890 Nhật đã thuê khoảng 3.000 chuyên viên tư vấn thường xuyên làm việc tại Nhật, đủ mọi lĩnh vực ngành nghề. Riêng trong giáo dục, trong vòng 50 năm Bộ giáo dục Nhật Bản đã thuê khoảng 400 thầy giáo nước ngoài từ các quốc gia phương Tây để dạy ở các trường đại học và các tổ chức học thuật khác. 

Hình ảnh đoàn cấp cao do nhà quý tộc Iwakura Tomomi dẫn đầu đến thăm Hoa Kỳ và các nước phương Tây vào năm 1871 với sứ mệnh Iwakura. Nguồn ảnh Kameda Kinuko.

Chuyến công du Iwakura là một bài học kinh điển cho công cuộc đi tìm mô hình phát triển từ các quốc gia phương Tây. Cuộc canh tân Nhật Bản theo mô hình phương Tây, như thực tế là con đường nhanh nhất. Năm 1895, Nhật Bản đã đánh thắng quân đội nhà Thanh của Trung Hoa. Cùng lúc, các quốc gia phương Tây chính thức chấp nhận các hiệp ước thương mại bình đẳng như giữa họ với nhau, có hiệu lực năm 1899, thay cho hiệp ước cũ bất bình đẳng. Điều đó mặc nhiên công nhận Nhật Bản bước vào “câu lạc bộ” các quốc gia phát triển. Chỉ vỏn vẹn sau 30 năm! Nhật Bản đã sao chép thành công mô hình xã hội phương Tây và cuộc công nghiệp hóa chỉ trong vòng ba thập niên mà không có mô hình phát triển nào trước đó làm tiền đề, quả thật là điều thần kỳ. 

Một trong những nhật báo, Kokunim Shimbun, hãnh diện đăng đàn rằng: “Như hệ quả của cuộc chiến (Trung - Nhật), vị thế của Nhật Bản trên thế giới đã thay đổi với sự lộ diện của ba đặc tính cơ bản của người Nhật. Trước hết, Nhật Bản vượt trội thế giới ở lòng ái quốc. Thứ hai, ở năng lực có một không hai là hấp thụ, sử dụng và ứng dụng nền văn minh hiện đại. Thứ ba, là bản chất hay tính khí mạnh mẽ và vững chắc”.

Nhắc đến Minh Trị Duy Tân, không gì ý nghĩa hơn khi lật lại trang sử về Sứ mệnh Iwakura vì tính khai sáng như Columbus đi tìm Tân thế giới. Họ đem Văn minh khai sáng về trồng trên mảnh đất Phù Tang, để mãi mãi là di sản chung của châu Á. Minh Trị Duy Tân có tác động cách mạng không chỉ cho Nhật Bản, mà cho cả châu Á trong tiến trình phát triển và tìm lại mình, với đầy những kịch tính. 

Năm 1878, biên bản hành trình của Kume Kunitake được xuất bản thành một bộ sách năm tập có tên Beio Kairan Jikki, gọi tắt là Kairan Jikki, được in lại nhiều lần từ năm 1977, có giá trị như bộ sử của chính phương Tây công nghiệp hóa thế kỷ XIX dưới cái nhìn sắc sảo của các lãnh đạo Nhật Bản. Đây là một bộ sách kinh điển rất đáng được tham khảo, nhất là cho những quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Những bài học năm xưa đọc lại vẫn thấy còn nóng hổi.

Trích đoạn

Không có sự phồn vinh, văn hóa của nhân dân không thể phát triển. Để cho lòng ái quốc tăng trưởng, nó phải phục vụ việc tạo ra của cải. Người ta nói, chúng ta phải bảo vệ đất nước, nhưng ích lợi gì nếu đất nước chỉ là mảnh đất cằn cỗi?

Chính sách quốc gia của Nhật Bản "mở cửa đất nước" không chỉ là một hành động mang tính ngoại giao. Nhiều quốc gia trên thế giới mở rộng cửa nhưng vẫn tiếp tục thực hành các tập quán man di, và bất lực trong cải cách, cũng như tu chỉnh các tập quán đó để có thể tiến lên trình độ văn minh", Ito Hirobumi - Thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản.

***

"Chuyến đi có hai mục tiêu, thứ nhất là muốn giới thiệu với phương Tây về những gương mặt lãnh đạo mới của Nhật Bản và thương thảo lại các hiệp ước bất bình đẳng. Thứ hai là quan sát và đánh giá sự phát triển của phương Tây trong mọi lĩnh vực, từ chính trị, quân sự, văn hóa đến khoa học, công nghệ, sản xuất, thương mai, giáo dục và cách tổ chức quốc gia. Qua đó, tìm một mô hình khả thi phù hợp cho Nhật Bản nhằm chuyển đổi xã hội phong kiến lâu đời sang một quốc gia hiện đại, điều chưa có tiền lệ ngoài khu vực phương Tây. Nói đến Minh Trị Duy Tân, người ta không thể không nhắc đến chuyến đi lịch sử có tầm quan trọng chiến lược này", trích đoạn từ sách Sứ đoàn Iwakura, Ian Nish.

Về tác giả

Ian Nish (1926 – 2022) là học giả người Anh, nhà nghiên cứu Nhật Bản học, Giáo sư danh dự về Lịch sử Quốc tế tại Học viện Kinh tế và Chính trị London.

Đọc bài viết

Trích đăng

Tiếng đờn ca ở tiệm hớt tóc

Published

on

Hồi ức Phú Nhuận

Đầu thập niên 1960, dân cư quanh khu Bàn Cờ thấy có một tiệm hớt tóc được mở ra ở số 405B đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu - TP.HCM), đoạn giữa chợ Vườn Chuối và đường Cao Thắng. Tiệm có tên Đời Mới, bảng hiệu vẽ ba đầu tóc đàn ông chải bồng kiểu tăng gô không khác gì những mái tóc của kép Dũng Thanh Lâm, kép Minh Phụng sau này. Tiệm không có gì đặc biệt, bề ngang chỉ 2,2m, nhưng ai nấy đều chú ý vì ở đó thỉnh thoảng lại có tiếng đờn ca cổ...

Ban đờn ca tài tử này, tuy lúc rảnh mới tụ lại với nhau mà tồn tại hơn chục năm. Dấu ấn của nó sâu đậm tới mức đến giờ người vùng Bàn Cờ còn nhắc, dù đã hơn 40 năm và các nhân vật trong câu chuyện này hầu như không còn mấy ai.

Ông Tư Triều, chủ tiệm hớt tóc Đời Mới vốn dân gốc ở quận Củ Chi, tỉnh Hậu Nghĩa. Về Sài Gòn lập nghiệp giữa thập niên 1950 sau khi gãy đổ cuộc hôn nhân đầu, ông cưới vợ lần nữa và mở tiệm hớt tóc khi vừa có đứa con gái.

Tiệm cũng là nhà ở, ông sống cùng hai người thợ. Vì có máu văn nghệ, thích ca cổ lại có nghề làm nhạc cụ, ông biến tiệm hớt tóc của mình thành nơi đờn ca tài tử những lúc rảnh. Từ hồi trai trẻ, ông đã mê cải lương, đờn ca cổ nhạc bên cạnh những thú vui khác như đá gà, đua ngựa...

Bạn thân ông đều là người thích tiếng hát, tiếng đờn như bác Năm Trèo ở Hóc Môn, cha của nghệ sĩ cải lương Hoài Thanh. Trước khi có tiệm hớt tóc, giữa thập niên 50, ông chơi thân với nghệ sĩ tài danh Hữu Phước và danh hài Văn Hường. Lúc đó họ chưa nổi tiếng, ông gọi Hữu Phước là Ri vì ông này quốc tịch Pháp có tên Henry và nghệ danh Hữu Phước chưa xuất hiện.

Ông Tư Triều cắt tóc cho một người khách ái mộ cải lương (ảnh tư liệu gia đình ông Tư Triều)

Khách đến hớt tóc có đủ loại người, già trẻ lớn bé, từ người trong giới bình dân, trí thức, luật sư, cảnh sát, hoặc phục vụ trong quân đội Sài Gòn, có cả một vị bộ trưởng. Ông Tư Triều là người từng trải, lịch duyệt lại có máu nghệ sĩ nên giỏi ăn nói, rành chuyện cải lương, rành nhạc cụ cổ nhạc. Ông còn biết sửa chữa nhạc cụ. Thoạt đầu, ông mua đờn cũ mang về chỉnh sửa theo ý mình rồi đưa cho bạn bè trong nhóm đờn ca dùng thử. Đến khi cứng tay nghề, ông đến xưởng gỗ bên Chánh Hưng (quận 8) đặt từng thanh gỗ để làm cần đờn, mặt đờn.

Về nhà, ông tiếp tục gọt giũa từng chi tiết rất công phu. Ông tự chế keo dán gỗ, mua dây đàn nhập từ Tây Đức... Khi đờn hình thành, ông đem đi cẩn ốc xà cừ. Ông cầu kỳ đến mức mua đờn tranh, thấy 16 “con nhạn”(miếng gỗ kê dây đờn) không đẹp, đặt luôn những miếng gỗ hình tam giác mang về gọt giũa thành những “con nhạn” mới.

Từ khi nhóm đờn ca tài tử của ông bắt đầu tụ lại, khách đến đông thêm. Những người thường ghé chơi là mấy thầy dạy bên trường Quốc gia âm nhạc như bác Hai Khuê, bác giáo Thinh và bác Bảy Hàm, có nhạc sĩ Vĩnh Bảo, nghệ sĩ tiền phong Duy Lân, bác Mười Phú, chú Mười Hoa (nhạc phụ nghệ sĩ Viễn Sơn), nhạc sĩ nổi tiếng Văn Giỏi, anh Minh Hữu nghệ sĩ đờn kìm, bác Tư Tuất (nghệ sĩ đờn cò một thời của gánh Hương Mùa Thu, thân phụ các nghệ sĩ Hoài Dung, Hoài Mỹ)...

Trong số đó, ông Tư Triều thương anh Minh Hữu vì anh có tài và khiêm tốn, luôn nho nhã với sơ mi trắng và đeo kính cận. Sau này, khi gánh hát Phụng Hảo của nghệ sĩ Phùng Há lên tivi, bà mời anh Minh Hữu chơi đờn kìm cho tuồng của bà và ông Tư Triều rất sung sướng khi nhìn thấy cây đờn kìm ông làm được Minh Hữu dùng biểu diễn trên truyền hình.

Hầu hết họ đều là các nghệ sĩ đánh đờn, chỉ có vài giọng ca là anh Biện (hay Biền) to cao nhưng hiền lành. Một giọng khác là anh Ngọc, đẹp trai còn hơn nghệ sĩ với mái tóc chải ép, ca rất hay. Ngày đó không dễ gì liên lạc nhau nhưng không hiểu sao mấy nghệ sĩ tài tử này "đụng" nhau thường xuyên ở tiệm Đời Mới như đã hẹn hò từ trước. Mỗi tuần ông Tư Triều đều dành một buổi chơi đờn hay hòa đờn với nhau. Lâu lâu vào buổi tối ông mời bạn bè lên gác hát xướng, hòa điệu cho đến khuya.

Bà Tư niềm nở hiếu khách nên bạn bè ông Tư không ngại. Khách đến chơi, hứng thú khi nhìn chung quanh tiệm treo đầy những cây đờn. Ở nhà sau treo trên hai bên vách hơn 30 loại nhạc cụ (kìm, cò, tranh, sến, guitar, gáo, đoản...), có cây vĩ cầm trong chiếc hộp gỗ thiệt đẹp, bên trong lót vải nhung đỏ rực. Đó là tất cả gia tài và niềm đam mê của ông Tư Triều.

Chú bé Tâm, con trai út của ông Tư Triều nay đã ở tuổi năm mươi, sinh sống tại Đức còn nhớ những ngày vui đầu thập niên 1970 khi mới lên bảy. Lúc đó, cuộc sống còn dễ thở, khách đến đông và giới đờn ca tài tử thường xuyên đến góp vui. Mỗi lần tụ họp thường từ 9, 10 giờ sáng đến quá trưa rồi ai về nhà nấy. Khách qua đường thường đứng lại nghe đờn. Nếu có người ca thì người xem đông hơn.

Có chị hàng xóm dắt con đến cắt tóc, cũng xin ngồi vào ca vài bài, rất đúng nhịp trong khi đợi cậu con trai. Các chú các anh ít khi ca bài vọng cổ mà thường ca những bài cổ, khó hơn như Tây Thi, Lưu Thủy Trường, Xàng Xê, Tứ Đại Oán... Anh Ngọc, giọng ca chính có bài ca Phù Đổng Thiên Vương cách thể hiện rất hào hùng. Ông Tư Triều thỉnh thoảng cũng góp giọng, dù làn hơi yếu nhưng điệu ca lạ tai, vững nhịp.

Nhóm đờn ca tài tử ở tiệm hớt tóc Đời Mới (ảnh tư liệu gia đình ông Tư Triều)

Tâm còn nhớ nghệ sĩ Duy Lân thường chở cô học trò cưng Ngọc Hoa (bây giờ là nghệ sĩ Thoại Miêu) đến chơi. Thầy bảo hát gì là chị răm rắp nghe lời. Có lần, tàn cuộc thầy dắt chiếc xe Mobylette ra về, đạp hoài không nổ. Thầy bảo: “Phụ thầy đẩy đi con” là chị lập tức cột hai vạt áo dài trắng tinh, cong lưng đẩy ngay. Một lần Tâm chứng kiến ông Tư Triều đồng ý bán cây đờn do ông chế tác.

Số là trong số khách đến hớt tóc có trung tá X., luôn đi bằng xe Jeep. Anh này thích tiếng của cây đờn tranh, có mướn thầy về dạy riêng ở nhà. Anh kính mến ông Tư, nhiều khi tóc chưa dài cũng ghé cắt, chỉ để nói chuyện với ông. Anh mê một cây đờn tranh cẩn xà cừ rất đẹp của ông và sau nhiều lần thuyết phục, anh được ông Tư đồng ý đổi chiếc đờn lấy một tivi Sanyo 17 inch mới toanh, giá lúc ấy 90.000 đồng. Hẳn ông rất quý anh bạn trẻ và cũng muốn có tivi cho vợ con xem cải lương nên chấp nhận cho cây đờn ra đi.

Từ năm 1973, tiệm hớt tóc Đời Mới dần vắng khách. Kinh tế lúc đó bắt đầu đi xuống do người Mỹ rút đi. Chính quyền đặt ra loại thuế T.V.A (trị giá gia tăng), ngoài thuế môn bài. Tất cả cửa tiệm kinh doanh đều phải kê khai từ ngày thành lập cho đến thời điểm hiện tại và phải đóng một số tiền khổng lồ, nếu không thì dẹp. Ông Tư Triều quyết định đóng cửa tiệm lui về Củ Chi trồng rau nuôi gà và cắt tóc cho dân quanh vùng mưu sinh, cuối tuần lại về Sài Gòn thăm vợ con.

Mấy mươi năm theo tiếng đờn ca của những ban nhạc tài tử, ông gặp đủ loại người. Nhưng không bao giờ gặp lại những bạn bè cùng đi hát trên xe vespa từ khi họ nổi danh, thậm chí còn không nhận ra ông là người quen. Đó là lý do ông không thích đến rạp hát nữa. Nhóm đờn ca tài tử, nơi quy tụ những người cùng ngân nga những bài ca cổ đề cao nhân hiếu tiết nghĩa, cũng là nơi lui tới của những người “vui đâu chầu đó”, điều đó không có gì lạ.

Năm 1979, Tâm gặp lại anh trung tá năm xưa mua cây đờn tranh. Biết tin ông Tư đã về Củ Chi, anh buồn buồn chia tay. Sau đó vài năm, ông Tư Triều mất vì tai biến lúc Tâm đã ra nước ngoài.

Ông Tư Triều và ban đờn ca tài tử của ông chỉ là một mảnh nhỏ xíu trong đời sống văn hóa người Sài Gòn - Gia Định. Họ có thể vô danh hay hữu danh, yêu lời ca tiếng nhạc bằng tâm hồn rộng mở, hồn nhiên và tình cờ góp phần tạo nên mạch ngầm chảy âm ỉ nhưng đủ sức nuôi dưỡng vốn cổ văn hóa của ông bà, từ thời mở cõi vô Nam.

Hồi ức Phú Nhuận | Phạm Công Luận

Đọc bài viết

Cafe sáng