Trích đăng
Chương 1 “Đôi mắt trũng sâu” (Dean Koontz)

Trích đăng
Cùng Phạm Công Luận tâm tình về Đường sách Nguyễn Văn Bình

Trích từ: Với ngày như lá tháng như mây
Tác giả: Phạm Công Luận
Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book
Phát hành: tháng 01.2022
Nơi đầm ấm với sách và cà phê
Hơn ba mươi năm trước, đường Nguyễn hậu bên hông Bưu điện thành phố có quầy nhận bưu phẩm phát nhanh. Hàng tuần, tôi đến đó nhận đồ gửi từ Hà Nội vào, là một vali kẽm chứa những xấp giấy can để in báo, mà người trong cơ quan gọi là “hòm kẽm”. Con đường Nguyễn Hậu đó, sau này đổi tên thành đường Nguyễn Văn Bình, luôn ẩm ướt vào mùa mưa vì những tán cây bên lề đường đọng nhiều nước, thả xuống mặt đường. Mùa khô, đi xuyên đường này từ Bưu điện thành phố để qua phía Hai Bà Trưng, thấy có nhiều xe hơi đậu la liệt. Con đường như bị bỏ quên, dù nằm ngay trung tâm thành phố. Trên xe máy của tôi, cái vali kẽm nảy lên kêu lục cục vì mặt đường bị tróc nhựa nhiều chỗ, để lâu không tu sửa.
Khi con đường vắng vẻ này biến thành Đường Sách thành phố, tôi thầm phục những người khởi xướng đã có mắt xanh chọn đúng nơi chốn với vị trí trung tâm và sự biệt lập của nó. Nó đã lột xác để trở thành một con đường có sức quyến rũ với hai di sản kiến trúc đặc biệt bên cạnh, dù đôi lúc rất đông đúc và sôi động (điều gì có sức quyến rũ thì tất nhiên nhiều người tìm đến). Nếu đến sớm, khoảng 8 giờ sáng, đường còn vắng người đi dạo, chỉ có vài người nhàn tản ngồi uống cà phê ở hai quán đầu và cuối đường. Ban mai Sài Gòn xanh mát, nhìn góc nào trên con đường cũng đẹp với hàng sách có cửa kính, kệ sách, giỏ hoa lá và bảng trang trí. Thỉnh thoảng có những đợt gió thổi thả lá li ti xuống trông như mưa bụi.
Có lần trong quán café ở đây, tôi ngồi giữa nhóm người Sài Gòn cao tuổi sống ở nước ngoài. Họ nhắc chuyện góc đường Lê Lợi hồi trước 1975 có dãy sạp bán sách cũ, chuyện họa sĩ Ngy Cao Uyên mang tranh vào sân bay để đổi những thanh gỗ mang về xây trụ sở Hội Họa sĩ Trẻ hồi năm 1966 trên đường Gia Long (nay là Lý Tự Trọng). Một anh nhắc chuyện phòng trà Anh Vũ, nghe nói là phòng trà đầu tiên ở Sài Gòn, nhưng các anh chỉ có thể đến đó ăn cơm giá rẻ dàn cho học sinh sinh viên vào ban ngày, thèm thuồng nhìn các tấm áp phích giới thiệu chương trình ca nhạc buổi tối mà mơ có dịp đến một lần. Các anh bảo con đường này khiến họ có cảm hứng nhớ về ngày xưa khi còn trẻ, thích ngồi quán café vỉa hè vì lúc đó còn nhiều đường phố vắng vẻ, yên tĩnh. Các anh đồng ý là nếu về thăm quê hương, dù có đi du lịch ra Bắc ra Trung vẫn không thể thiếu chuyện ra Đường Sách uống cà phê tán gẫu, hẹn bạn bè và mua sách. Một anh họa sĩ từ Pháp về, bảo mỗi lần ra đây, anh có thể gặp ít nhất ba bốn người bạn quen trên facebook. Nhờ đó, anh cảm thấy không lẻ loi như mấy lần trước về chơi, quanh quẩn với gia đình và vài người bạn cũ.
Tôi mua được nhiều sách hay trên con đường này. Nhưng nhớ nhất, không phải là sách, mà là một bộ card postal dạy làm món ăn tây của Kim studio, một cơ sở sản xuất các bộ card dạy nấu ăn qua hình ảnh. Bộ ảnh mười hai tấm đựng trong một phong bì rất tinh tế, dạy cách làm các món bánh như croissant, bánh plum cake, bánh champagne, bánh lưỡi mèo. Nó đặc biệt vì nhà tôi đã từng làm cho các em ăn đủ món nhờ làm theo hướng dẫn từ đó, trong ngôi nhà thời thơ ấu của gia đình tôi.
Đường sách cung cấp tri thức, hẳn rồi, nhưng còn nhiều thứ khác nữa. Là nơi diễn thuyết công cộng, luôn nhiều tâm huyết và ít điệu đà trịnh trọng như trong vài salon. Là nơi đậm đà niềm vui, khi ngồi giữa bạn bè thanh cảnh thích đọc và thích sống nhẹ nhàng như mình. Là nơi nhìn người đẹp qua lại. Nơi thỉnh thoảng nhận ra vài người Sài Gòn xưa qua phong thái, giọng nói, cách trò chuyện và ăn mặc. Là nơi uống ly cà phêm ấm trong không khí lạnh buổi sáng, như ông cha ta trăm năm trước bên ly xây chừng ở chợ Cũ, quán cà phê Nguyễn Văn Đắc bên hông chợ Bến Thành hay trên vỉa hè khách sạn Continental.
Năm năm trôi qua, ở đây tôi đã có những ngày giáp Tết thật vui bên bạn bè. Đã cùng bạn Phúc Tiến đưa hai nhà văn Nhật Tiến và Đỗ Phương Khanh đi dạo, xem sách trong ánh nắng tháng Giêng chỉ vài năm trước khi ông bà mất. tôi may mắn có vài cuốn sách xuất bản trong thời gian này nên có vài buổi giới thiệu sách ở đây, bất ngờ gặp được những độc giả thích bộ sách Sài Gòn chuyện đời của phố và nhờ tác giả ký tên.
Đó là những kỷ niệm đẹp. Nhưng niềm vui lớn nhất, vẫn thường lặp lại, là mua được vài cuốn sách mình thích. Sau đó, nếu quán cà phê cuối đường còn chỗ trống, có thể ngồi nhấm nháp chất nước nâu sánh ở đó và giở vài trang, thả tâm trí vào những con chữ. Con đường dễ thương này chắc chắn đã từng và sẽ tiếp tục mang đến nhiều niềm vui nhẹ nhàng như vậy cho rất nhiều người.
Đường sách khiến tôi yêu và gắn bó thành phố này nhiều hơn.
Với Ngày Như Lá Tháng Như Mây
Tập tản văn Với ngày như lá tháng như mây tiếp nối mạch cảm hứng và tình yêu bền bỉ như nguồn nước không bao giờ cạn mà tác giả Phạm Công Luận dành cho mảnh đất Sài thành. Trải dài qua 30 bài viết, tập tản văn chứa đựng một cuộc du hành trong tâm tưởng của tác giả, đưa người đọc trôi về thời xa vắng của đất Sài Gòn – Gia Định trên dưới nửa thế kỷ trước.

Trích đăng
Truyện ngắn: Thằng Lùn – trích Xứ tháng Mười
Trích truyện ngắn “Thằng lùn” trong tuyển tập “Xứ tháng Mười” của Ray Bradbury.

Trích từ: Xứ tháng Mười
Tác giả: Ray Bradbury
Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book
Phát hành: tháng 03.2022
THẰNG LÙN
Aimee ngắm bầu trời, lặng lẽ.
Đêm nay là một trong những đêm hè oi ả im lìm. Sân bến tàu bê-tông vắng bóng người, những bóng đèn vàng, trắng, đỏ giăng mắc cháy sáng như bầy côn trùng lơ lửng bên trên khoảng không đông đặc. Những người quản lý đủ loại gian hàng trò chơi hội chợ đứng bất động, những xác ướp bằng sáp đang tan chảy, không nói năng, mắt nhìn đờ đẫn, không trừ một ai.
Hai khách đã đi qua đây từ một giờ trước. Hai kẻ lẻ loi ấy giờ đang ngồi trên tàu lượn cao tốc, la hét như điên khi đoàn tàu xé màn đêm chói lóa lao thẳng xuống, quay tròn, quay tròn những vòng vô nghĩa.
Aimee chầm chậm đi băng qua bãi biển, mấy vòng gỗ ném cọc bám nhớp nháp trong hai bàn tay. Cô dừng lại sau quầy bán vé trước cửa MÊ CUNG NHÀ KÍNH. Cô thấy bóng mình biến dạng gớm guốc trong ba tấm gương dợn sóng bên ngoài Mê Cung. Một ngàn bản sao mệt mỏi của bóng cô tan biến vào lối đi phía bên kia, những ảnh hình nóng hổi giữa vùng gương lạnh trong veo.
Cô bước vào trong quầy vé đứng nhìn hồi lâu cần cổ gầy guộc của Ralph Banghart. Hắn cắn giữa hai hàm răng dài ố vàng lởm chởm một điếu xì-gà chưa châm lửa trong khi bày bộ bài tơi tả ra chơi một mình trên kệ quầy.
Lúc chiếc tàu lượn quay rú lên rồi lại lao xuống kinh động như núi lở, cô sực nhớ ra và lên tiếng.
“Loại người nào thích lên tàu lượn cao tốc?”
Ralph Banghart nhấm nhá điếu xì-gà cả ba mươi giây. “Những kẻ muốn chết. Tàu lượn là dễ chết nhất.” Hắn ngồi lắng nghe tiếng súng trường nổ mơ hồ vọng ra từ gian trò chơi bắn súng. “Cái nghề làm hội chợ chó chết này đúng là điên rồ. Chẳng hạn như thằng lùn kia. Cô gặp nó chưa? Tối nào cũng vậy, bỏ một đồng xu, chạy vào Mê Cung Nhà Kính ra tít đằng sau, tới buồng Khổng Lồ. Rồi cô sẽ thấy thằng lùn tịt này chạy thẳng tới đó cho coi. Thiệt tình!”
“Ờ, đúng,” Aimee thốt lên, cô đã nhớ ra. “Em luôn thắc mắc không biết làm người lùn thì cảm giác ra sao. Gặp người lùn nào em cũng thấy thương hại.”
“Tôi cứ muốn tóm lấy nó mà co kéo thun giãn chơi.” “Đừng nói thế chứ!”
“Trời đất,” Ralph đưa bàn tay rảnh rỗi vỗ đùi cô. “Lúc nào cô cũng có thái độ kỳ cục như vậy với những thằng cha thậm chí cô còn chưa gặp.” Hắn lắc đầu cười khúc khích.
“Nó với bí mật của nó. Chỉ có điều nó không biết là tôi biết đó nghe? Thế mới hay chứ!”
“Tối nay nóng.” Cô bồn chồn xóc xóc mấy vòng gỗ lớn trong những ngón tay ướt mồ hôi.
“Đừng lái qua chuyện khác. Nó sẽ tới đây, dù nắng hay mưa.”
Aimee dợm bước đi.
Ralph nắm lấy khuỷu tay cô. “Này! Cô khùng sao chứ? Không muốn thấy thằng lùn đó à? Suỵt!” Ralph quay lại. “Nó đến rồi kìa!”
Chỉ có mỗi bàn tay Thằng Lùn, đen đúa và lông lá, hiện ra với một đồng xu bạc khi cố với lên ô cửa quầy vé. “Một vé!” Một tiếng nói lanh lảnh như giọng trẻ con.
Bất giác, Aimee chồm tới.
Thằng Lùn ngước nhìn cô, rành rành một gã xấu xí, tóc đen, mắt đen bị lèn chặt trong máy ép, bị vắt nặn và nhồi nhét cho nhỏ choắt thêm, từng chút một, bẻ quặp lui tới, oằn oại ngược xuôi, cho đến khi chỉ còn một đống phẫn nộ nhợt nhạt, bộ mặt sưng húp không hình thù, bộ mặt mà ta phải mở căng mắt tỉnh thức lúc hai và ba và bốn giờ sáng, nằm bẹp trên giường, chỉ có cơ thể say ngủ.
Ralph xé chiếc vé màu vàng làm đôi. “Một vé!”
Dường như hoảng sợ vì cơn dông sắp đến, Thằng Lùn kéo chặt ve áo choàng đen quanh cổ rồi lắc lư hấp tấp bước đi. Một thoáng sau, mười ngàn thằng lùn lang thang lạc loài bò quằn quại giữa những mặt gương, như một đàn bọ hung đen cuống quýt, rồi biến mất.
“Mau!”
Ralph ôm cứng Aimee rồi lôi cô theo hành lang âm u đằng sau những tấm gương. Cô thấy tay hắn vỗ về cô suốt quãng đường đi ngược xuyên qua đường hầm dẫn tới một vách ngăn mỏng có lỗ nhỏ quan sát.
“Chuyện này hay,” hắn cười khúc khích. “Đó… nhìn đi.” Aimee ngần ngừ, rồi úp mặt vào vách ngăn.
“Cô… thấy… nó… không?” Ralph thì thào.
Aimee nghe tim mình đập dồn. Trọn một phút trôi qua. Trong đó Thằng Lùn đứng giữa căn buồng nhỏ màu xanh. Mắt gã nhắm nghiền. Gã chưa sẵn sàng mở mắt nhìn. Giờ thì gã mở hai mi mắt lên rồi ngắm tấm gương lớn trước mặt. Và điều nhìn thấy được trong gương khiến gã mỉm cười. Gã nháy mắt, gã xoay tròn, gã đứng quay sang một bên, gã vẫy tay, gã cúi chào, gã lóng ngóng nhún nhảy khẽ khàng.
Và tấm gương lặp lại từng chuyển động với đôi cánh tay dài ngoằng, với một thân hình cao thêm, cao thêm, với cái nháy mắt to lớn và bóng hồi vọng khổng lồ của điệu múa, kết thúc bằng cái cúi chào vĩ đại!
“Tối nào cũng một trò đó,” Ralph thầm thì vào tai Aimee. “Hay thật đấy chứ?”
Aimee quay lại, hướng gương mặt bất động về phía Ralph nhìn chăm chăm một hồi lâu, không nói năng gì. Rồi cứ như không tự kiềm chế được, cô từ từ quay đầu rất chậm, rất chậm trở lại lỗ quan sát căng mắt nhìn lần nữa. Cô nín thở. Cô thấy đôi mắt mình bắt đầu rướm lệ.
Ralph vừa huých nhẹ cô vừa thì thào.
“Này, thằng oắt lùn đó đang làm gì lúc này?”
Nửa giờ sau, hai người cứ uống cà phê trong quầy vé mà chẳng ai nhìn ai khi Thằng Lùn từ trong những tấm gương đi ra. Gã bỏ mũ xuống và dợm bước tới quầy vé nhưng thấy Aimee lại hấp tấp bỏ đi.
“Anh ta muốn cái gì đó,” Aimee nói.
“Đúng.” Ralph dí nát điếu thuốc, vẻ bâng quơ. “Tôi còn biết nó muốn cái gì nữa kìa. Nhưng nó không dám hỏi. Có một đêm nó nói léo nhéo lí nhí, ‘Tôi chắc là mấy tấm gương đó đắt tiền lắm.’ Ôi, tôi giả ngu. Tôi nói, Ờ, đắt lắm. Coi bộ nó nhìn tôi như chờ đợi, rồi thấy tôi không nói gì nữa thì nó đi về, nhưng đêm sau nó lại hỏi. ‘Tôi chắc mấy tấm gương đó cũng phải đến cả năm chục, cả trăm đô?’ Chắc là thế, tôi nói vậy. Rồi tôi chia bài ra chơi một mình.”
“Ralph,” cô gọi.
Hắn ngước lên. “Sao cô nhìn tôi kỳ vậy?”
“Ralph,” cô nói, “sao không bán cho anh ta một tấm gương nào dư thừa của anh đi?”
“Này, Aimee, tôi có xía vào chuyện quản lý gian hàng ném vòng của cô không?”
“Mấy tấm gương đó bao nhiêu tiền?”
“Tôi có thể mua hàng xài rồi với giá ba mươi lăm đô.” “Thế sao anh không chỉ cho anh ta biết chỗ mua một tấm?”
“Aimee, cô khờ lắm.” Hắn đặt tay trên đầu gối cô. Cô nhích đầu gối ra. “Cho dù tôi chỉ nó chỗ mua thì cô tưởng nó sẽ mua sao? Không đời nào. Lý do? Nó mắc cỡ. Đấy, nó mà biết tôi thấy nó rửng mỡ trước tấm gương trong buồng Khổng Lồ thì nó sẽ không bao giờ quay lại đây đâu. Nó cứ làm bộ như đi vào Mê Cung cho lạc chơi, giống như mọi người. Vờ như nó chẳng quan tâm đến cái buồng đặc biệt ấy. Lúc nào cũng chờ dịp gian hàng này vắng khách, lúc tối khuya, để nó độc chiếm cái buồng cuối cùng đó. Những lúc gian hàng này đắt khách thì có trời mới biết đêm đêm nó giải khuây bằng cái trò gì. Không đâu, xin thưa, nó không dám mua gương ở bất kỳ đâu. Nó không hề có bạn bè, mà có đi chăng nữa nó cũng chẳng dám nhờ họ mua giúp một thứ như vậy. Sĩ diện mà, xin thề, sĩ diện. Lý do duy nhất khiến nó nói chuyện đó với tôi là vì tôi thực tế là người độc nhất mà nó quen biết. Hơn nữa, nhìn nó coi…, làm sao nó có đủ tiền mua tấm gương như vậy được. Nó có thể để dành, nhưng một thằng lùn thì làm đếch gì ra tiền mà để dành? Không ở trong gánh xiếc thì thứ như nó cả đống ngoài kia, đầy đường đầy chợ.
“Em thấy kỳ lạ. Em thấy buồn.” Aimee nhìn đăm đăm ra lối đi lót ván vắng ngắt. “Anh ta ở đâu vậy?”
“Dưới khu Flytrap ngay bờ biển. Ở Ganghes Arms. Mà sao?”
“Em si tình anh chàng đó mất rồi, nếu anh muốn biết.” Hắn ngoác miệng cười, răng vẫn cắn điếu xì-gà. “Aimee,”
Hắn nói. “Cô đúng là tiếu lâm hết sức.”
***
Một đêm ấm, một sáng nóng, rồi một trưa cháy bỏng. Mặt biển chói lóa kim tuyến và thủy tinh.
Aimee tản bộ tới, từ các lối đi chật hẹp trong hội chợ ra ngoài biển nóng, men theo bóng râm, tay ôm năm sáu tờ tạp chí bạc màu vì nắng. Cô mở cánh cửa bong tróc, gọi vọng vào vũng tối hầm hập. “Ralph?” Cô lần bước qua hành lang thâm u sau những tấm gương, gót giày nhấn xuống sàn gỗ. “Ralph?” Có người uể oải trở mình trên chiếc giường xếp vải bố.
“Aimee hả?”
Hắn ngồi dậy rồi vặn một bóng đèn tù mù vào đui đèn trên chiếc bàn có gương soi. Mắt nhắm mắt mở, hắn nheo nheo nhìn cô. “Kìa, trông cô hệt như con mèo vừa nuốt được con chim.”
“Ralph, em tới về chuyện gã tí hon!”
“Thằng lùn, Aimee, thằng lùn, cưng ơi. Tí hon là do tế bào, bẩm sinh đã vậy. Còn lùn dị dạng là do tuyến nội tiết…” “Ralph! Em vừa biết được một chuyện tuyệt hay về anh ta!”
“Trời ơi là trời,” hắn nói với hai bàn tay đang chìa ra như làm chứng cho điều hắn không tin. “Cái cô này! Ai quan tâm cóc khô gì tới một thằng lùn xấu xí…”
“Ralph!” Cô chìa mấy tờ tạp chí ra, mắt sáng lên. “Anh ta là nhà văn! Ai mà nghĩ ra chứ!”
“Hôm nay nóng bức quá rồi, nghĩ ngợi làm chi.” Hắn lại ngả lưng ra rồi quan sát cô, miệng thoáng cười.
“Em tình cờ đi ngang qua Ganghes Arms, và gặp ông Greeley, ông quản lý. Ông ta bảo máy chữ gõ rào rào cả đêm trong phòng ông Lớn!”
“Thằng lùn đó mà tên là Lớn?” Ralph buột miệng cười rống lên.
“Viết truyện trinh thám đăng báo để sống qua ngày. Em tìm được một truyện của anh ta ở chỗ bán tạp chí cũ, và rồi, Ralph, biết gì không?
“Tôi đang mệt đây, Aimee.”
“Anh chàng nhỏ bé này có tâm hồn bao la như trời đất; anh ta có tất cả trong đầu!”
“Thế sao nó không viết cho các tạp chí lớn đi, cô nói tôi nghe coi?”
“Chắc là vì anh ta e ngại… Chắc anh ta không tự biết là có thể làm như thế. Chuyện thường tình. Người ta thường không tự tin vào bản thân. Nhưng nếu anh ta chỉ cần thử thôi, em dám cá anh ta có thể bán truyện ngắn cho bất kỳ đâu trên đời.”
“Thế sao nó không giàu có, tôi hỏi cô đấy?”
“Chắc là vì anh ta chưa nghĩ tới do cuộc sống khổ sở. Ai mà chẳng thế? Thân phận nhỏ nhoi thế kia? Em cho là khó lòng nghĩ tới bất cứ điều gì ngoài chuyện quá nhỏ nhoi và chuyện sống trong căn hộ một buồng rẻ tiền.”
“Xì!” Ralph cười nhạo. “Cô nói cứ như là bà trùm từ thiện.” Aimee đưa tờ tạp chí lên. “Để em đọc anh nghe một đoạn truyện trinh thám của anh ta. Truyện có đủ súng ống và du côn, nhưng do một người lùn thuật lại. Em dám cá là mấy tay biên tập chẳng bao giờ đoán được tác giả này biết rõ mình đang viết cái gì. Ồ, xin anh đừng ngồi ì ra đó, Ralph! Nghe này.”
Và cô bắt đầu đọc to.
Tôi là một thằng lùn và tôi là kẻ giết người. Hai chuyện này không thể tách rời. Cái này là nguyên nhân của cái kia.
Kẻ bị tôi giết thường chặn tôi giữa đường khi tôi hai mươi mốt tuổi, đưa hai tay nhấc bổng tôi lên, hôn trán tôi, hát ư ử loạn xạ những bài ru con, lôi tôi vào chợ, ném tôi lên mấy chiếc cân và quát tháo với ông hàng thịt “Cân cho đàng hoàng! Đừng có lấy ngón cái mà đè đĩa cân nghe chưa!”
Bạn có hiểu cuộc đời cả hai đã đi tới kết cục giết người ra sao không? Thằng ngu đó, kẻ hành hạ thân xác và tâm hồn tôi đó!
Còn thời thơ ấu của tôi: cha mẹ tôi đều nhỏ con, không hẳn là lùn, không hẳn. Của thừa kế của cha tôi đã cho cả gia đình sống trong một ngôi nhà búp bê, một thứ kỳ lạ giống như chiếc bánh cưới phủ kem xoắn ốc trắng tinh – những căn phòng nhỏ xíu, bàn ghế nhỏ xíu, tranh ảnh nhỏ xíu, cả đồ trang sức chạm đá, cả những miếng hổ phách có côn trùng mắc kẹt bên trong, tất cả đều tí tẹo, tí tẹo, tí tẹo! Thế giới Khổng Lồ xa vời quá, một tin đồn xấu xa bên kia bức tường vườn nhà. Tội nghiệp mẹ cha! Họ chỉ muốn những gì tốt đẹp nhất cho tôi. Họ giữ riết tôi như chiếc lọ sứ, nhỏ bé và quý báu, trong thế giới của kiến, trong những căn phòng tổ ong, trong thư viện li ti, trong mảnh đất có những cửa cái to bằng con bọ hung và cửa sổ to bằng con bướm mối. Mãi tới bây giờ tôi mới thấy được tầm vóc loạn tâm thần kỳ vĩ của cha mẹ tôi! Họ hẳn đã mơ tưởng sẽ sống đời đời, luôn giữ gìn tôi như con bướm khô trong hộp kính. Nhưng cha tôi chết trước, rồi một đám cháy nuốt chửng ngôi nhà tí hon, cái tổ ong bầu ấy, cùng mọi tấm gương soi bé bằng con tem và căn phòng bằng lọ muối bên trong. Mẹ cũng chết luôn! Và còn lại tôi một mình, nhìn tàn lửa rơi, bị quẳng ra ngoài thế giới của Quái Vật và Người Khổng Lồ, bị thực tế như trận đất lở cuốn phăng, quăng quật, lăn lóc, và nát bấy dưới chân vách núi!
Tôi phải mất một năm mới thích ứng được. Không thể nào nghĩ tới một nghề với chút công việc phụ thêm. Dường như đời này không có chỗ nào dành cho tôi. Và rồi, một tháng trước, Kẻ Khủng Bố đó bước vào đời tôi, ấn một cái mũ đàn bà lên mái đầu khờ khạo của tôi, và hét với đám bạn: “Tao muốn tụi bay xem con lùn này!”
Aimee ngừng đọc. Ánh mắt cô bồn chồn và tờ tạp chí run rẩy khi cô đưa cho Ralph. “Anh đọc hết đi. Phần còn lại là câu chuyện giết người. Viết được lắm. Anh thấy vậy không? Lùn mà hay! Lùn mà hay!”
Ralph quẳng tờ tạp chí qua một bên rồi uể oải châm điếu thuốc. “Tôi thích đọc truyện cao bồi hơn.”
“Ralph, anh phải đọc truyện này. Cần có người nói cho ông Lớn biết là anh ta viết tốt lắm và khuyến khích anh ta viết tiếp.”
Ralph nhìn cô, đầu nghiêng một bên. “Thế ai sẽ nói cho nó biết? Chà chà, chúng ta là cánh tay mặt của Đấng Cứu Thế đấy à?”
“Đừng nói cái giọng đó chứ!”
“Tỉnh lại đi, đồ khùng! Nếu tự nhiên cô ào ào nói ra điều đó, nó sẽ nghĩ cô đang bố thí lòng thương hại. Nó sẽ gào rống xua đuổi cô cút khỏi nhà nó.”
Aimee ngồi xuống, ngẫm nghĩ từ tốn lại, cố xoay trở vấn đề xem xét mọi góc cạnh. “Em không biết. Có lẽ anh đúng. Ồ, không phải lòng thương hại đâu, Ralph, thật đó. Nhưng có thể đối với anh ta thì giống như thế. Em phải cẩn thận hết sức.”
Hắn nắm vai cô lắc tới lắc lui, mấy ngón tay bấu nhẹ. “Trời, trời, mặc kệ nó đi, tôi chỉ yêu cầu cô điều đó; cô sẽ hao tâm tốn sức mà chỉ thêm rắc rối chứ chẳng được gì. Trời, Aimee, chưa hề thấy cô sốt sắng chuyện gì như chuyện này. Thôi, hôm nay nghỉ làm đi chơi, tôi với cô, đi ăn trưa, đổ ít xăng, rồi phóng xe dọc bờ biển đi xa hết cỡ, bơi lội, ăn chiều, xem phim gì hay hay ở thị trấn nhỏ đâu đó… bỏ mẹ cái hội chợ này đi, được không? Một ngày vui đã đời không lo toan. Tôi đã để dành được ít tiền đây rồi.”
“Đó là vì em thấy anh ta khác biệt,” cô nói, mắt nhìn sâu vào bóng tối. “Đó là vì anh ta là người đáng nể mà tụi mình không thể nào bằng được…, anh và em và tất cả lũ chúng ta ở bến tàu này. Ngộ thật, ngộ thật đó. Cuộc đời đã định cho anh ta chẳng được tích sự gì ngoài những gánh xiếc rong, thế mà anh ta lại ở cái xứ này. Và cuộc đời đã định cho tụi mình không phải làm trong gánh xiếc rong, nhưng tụi mình cũng lại ở đây, thế đấy, ở tít tận đây trên cái cầu tàu ngoài biển này. Nhiều lúc tưởng chừng xa bờ đến cả triệu dặm. Ralph, làm sao tụi mình có thân xác này nhưng anh ta lại có được trí óc và có thể nghĩ ra nhiều điều mà tụi mình thậm chí không bao giờ ngờ tới?”
“Nãy giờ tôi nói gì cô đâu có nghe!” Ralph nói.
Cô ngồi còn hắn đứng bên trên, tiếng nói xa vắng. Mắt cô khép hờ và hai bàn tay cô đặt trên đùi, run rẩy.
“Tôi không thích vẻ mặt tinh ranh của cô lúc này,” cuối cùng hắn lên tiếng.
Aimee từ từ mở ví lấy ra một cuộn giấy bạc rồi bắt đầu đếm. “Ba mươi lăm, bốn mươi đô la. Đủ. Em sẽ điện thoại cho Billie Fine nhờ ông ta gửi một tấm gương biến dạng loại cao tới nhà ông Lớn nhỏ con ở Ganghes Arms. Đấy, em sẽ làm thế!”
“Cái gì?”
“Thử nghĩ xem, Ralph, anh ta sẽ sung sướng biết bao khi có tấm gương đó trong phòng riêng bất cứ khi nào anh ta cần tới. Em mượn điện thoại anh nhé?”
“Cứ việc, đúng là khùng.”
Ralph quay lưng thật nhanh rồi bỏ đi về cuối đường hầm. Tiếng cửa đóng sầm.
Aimee chờ một lúc rồi đưa tay nhấc điện thoại, bắt đầu quay số, chậm chạp đến đau khổ. Cô ngừng lại giữa những con số, nín thở, nhắm mắt, tự hỏi thầm nếu trót mang phận nhỏ nhoi trên đời này, và nếu một ngày có người gửi cho một tấm gương đặc biệt thì sẽ như thế nào. Một tấm gương trong phòng riêng nơi ta có thể ẩn náu cùng chiếc bóng phản chiếu to lớn của bản thân, chói sáng, và viết hết truyện này đến truyện khác, không cần phải bước ra thế gian nếu không cần thiết. Khi đó, một mình, cùng ảo ảnh tuyệt diệu toàn vẹn hình hài trong căn phòng ấy thì sẽ như thế nào. Điều này sẽ khiến ta buồn hay vui, nó sẽ giúp ích hay là phá hoại chuyện văn chương? Cô hết ngẩng lại cúi đầu, suy nghĩ, suy nghĩ mãi. Ít ra thì như thế sẽ chẳng có ai khinh thường ta. Đêm đêm, có thể lén thức giấc lúc ba giờ sáng lạnh lẽo, ta có thể nháy mắt rồi nhảy múa vòng quanh rồi mỉm cười rồi vẫy tay với chính mình, vụt lớn, vụt lớn, cao đẹp ngời ngời trong tấm gương rực rỡ.
Tiếng nói vang trong điện thoại, “Billie Fine đây.” “Ôi, Billie!” cô thổn thức.
Đêm tràn lấp cầu tàu. Biển đen gầm gừ dưới những tấm ván. Ralph ngồi lạnh tái trong chiếc quan tài bằng kính của mình, tay chia bài, mắt nhìn đăm đăm, môi mím chặt. Ở khuỷu tay hắn, một kim tự tháp tàn thuốc cứ cao dần. Khi Aimee đi men dưới hàng bóng đèn màu xanh và đỏ rực, tươi cười, vẫy chào, hắn vẫn cứ từ từ, chầm chậm đặt từng quân bài xuống. “Chào Ralph!” cô gọi.
“Chuyện tình ra sao rồi?” – Hắn vừa hỏi vừa uống nước đá lạnh trong chiếc cốc bẩn. “Các chàng minh tinh, tài tử thế nào?”
“Em vừa đi mua chiếc mũ mới,” cô mỉm cười đáp. “Ôi, em thấy sướng quá! Anh biết tại sao không? Ngày mai Billie Fine sẽ cho gửi một tấm gương đi! Ta mà thấy được nét mặt của anh chàng nhỏ bé đó thì hay phải biết!”
“Tôi không giỏi tưởng tượng đâu.”
“Ối trời, bộ anh tưởng em sẽ lấy anh ta làm chồng hay sao.”
“Sao lại không? Bỏ nó vào va-li xách đi khắp nơi. Thiên hạ sẽ hỏi, Chồng cô đâu? Cô chỉ cần mở nắp ra, la lên, Nó đây này! Giống cái kèn bằng bạc. Lôi nó ra khỏi hộp bất cứ lúc nào, thổi một bài, cất vô hộp trở lại. Kiếm cái xô đựng cát nhỏ đặt sau hiên nhà cho nó đứng.”
“Em đang thấy sướng quá,” cô nói.
“Phải nói là nhân đức mới đúng.” Ralph không nhìn cô, miệng hắn căng ra. “N-h-â-n-đức. Tôi chắc mọi chuyện đều do tôi theo dõi thằng đó qua lỗ ván nẻ để làm trò vui chứ gì? Đó là lý do cô mua cho nó tấm gương đó chớ gì? Những người như cô rảnh quá mà, toàn phá hoại niềm vui của kẻ khác.”
“Anh nói thế thì em sẽ không đến chỗ anh uống nước nữa. Em thà không chơi với ai còn hơn chơi với người hèn hạ.” Ralph thở hắt một hơi thật dài. “Aimee, Aimee. Cô không
hiểu là cô chẳng thể giúp ích gì cho thằng cha đó sao? Nó là thằng khùng. Và cái trò điên rồ của cô cũng chẳng khác gì cô nói với nó: Cứ khùng nữa đi, tôi sẽ giúp anh, anh bạn”.
“Dù gì cũng là chuyện ngàn năm một thuở, có sai lầm cũng tốt nếu mình nghĩ việc làm này sẽ giúp người khác vui sướng,” cô nói.
“Cầu Chúa cứu vớt tôi thoát khỏi những kẻ thiện tâm, Aimee.”
“Im đi! Im đi!” cô la lên, rồi không nói thêm gì nữa.
Hắn để cho im lặng đọng lại hồi lâu, rồi đứng dậy, đặt chiếc cốc dính đầy dấu tay qua một bên.
“Trông quầy vé cho tôi được chớ?”
“Được. Nhưng sao vậy?”
Cô thấy mười ngàn bóng hình trắng lạnh của hắn khệnh khạng đi theo các hành lang thủy tinh, giữa những mặt gương, môi hắn mím chặt và những ngón tay múa máy.
Cô ngồi trong quầy vé cả phút rồi bất chợt rùng mình. Một chiếc đồng hồ nhỏ kêu tích tắc trong quầy và cô lật bộ bài ra, từng lá một, đợi chờ. Cô nghe tiếng búa, gõ, nện, gõ, nện, văng vẳng trong Mê Cung; một lúc im lìm, một lúc chờ đợi thêm, rồi mười ngàn bóng hình gấp lại, mở ra, và tan rã, Ralph vừa sải bước vừa nhìn mười ngàn bóng hình cô ngồi trong quầy vé hồi vọng hai bên lối ra. Cô nghe tiếng cười khẽ khi hắn đi xuống đường dốc.
“Này, có gì mà anh cao hứng thế?” Cô ngờ vực hỏi. “Aimee,” hắn nói thản nhiên, “tụi mình không nên cãi nhau. Cô bảo ngày mai Billie sẽ gửi tấm gương đó tới cho ông Lớn à?”
“Anh không định làm trò quái quỷ gì đấy chứ?”
“Tôi ấy à?” Hắn thế chỗ cô trong quầy vé và vớ lấy bộ bài, miệng ậm ừ, mắt bừng sáng. “Không đời nào, ối trời, không đời nào.” Hắn không nhìn cô mà liền chia bài phành phạch. Cô đứng sau lưng hắn. Mi mắt phải của cô hơi máy. Cô hết khoanh tay rồi lại buông thõng xuống. Một phút trôi qua. Âm thanh duy nhất là tiếng sóng biển dưới gầm cầu ván tăm tối, tiếng Ralph hít thở trong bầu khí nóng, tiếng sột soạt khe khẽ của những lá bài. Bầu trời trên cầu tàu oi bức, dày đặc mây. Ngoài khơi xa, những ánh chớp lờ mờ vụt lóe lên.
“Ralph,” cuối cùng cô lên tiếng. “Thoải mái đi, Aimee,” hắn nói.
“Về chuyện anh muốn đi chơi biển ở miệt dưới…” “Ngày mai,” hắn nói. “Có thể tháng sau. Có thể năm sau.
Thằng Ralph Banghart này là người kiên nhẫn. Tôi không lo đâu, Aimee. Hiểu chưa?” Hắn giơ một bàn tay lên. “Tôi bình thản lắm.”
Cô chờ cho một đợt sóng ngoài biển tan biến.
“Em không muốn làm anh nổi khùng đâu, vậy thôi. Em không muốn chuyện gì xấu xảy ra, hứa với em đi.”
Gió lúc nóng lúc lạnh thổi qua cầu tàu. Có mùi mưa trong gió. Đồng hồ kêu tích tắc. Aimee bắt đầu toát mồ hôi khi nhìn những lá bài xê dịch, xê dịch. Xa xa vọng về tiếng những tấm bia trúng đạn và tiếng nổ ở gian hàng trò chơi bắn súng.
Và rồi, gã ta kìa.
Đang lắc lư đi qua cổng chính vắng tanh của khu hội chợ, dưới những bóng đèn như côn trùng, gương mặt méo mó và u ám, mỗi chuyển động là một gắng gượng. Gã đi suốt đoạn đường dài ra cầu tàu trong lúc Aimee quan sát. Cô muốn nói với gã, Đây là đêm cuối cùng của anh, lần cuối cùng anh sẽ tự làm mình xấu hổ vì phải tới đây, lần cuối cùng anh phải chịu đựng con mắt theo dõi của Ralph, dù là lén lút. Cô ước gì mình có thể la lên và cười to và nói điều đó ngay trước mặt Ralph. Nhưng cô lặng thinh.
“Xin chào, xin chào!” Ralph rống lên. “Tối nay miễn phí, gian hàng mời! Đặc biệt dành cho khách quen!”
Thằng Lùn ngước lên, giật mình, đôi mắt đen bắn ra một khối bối rối bềnh bồng. Miệng gã nặn không nên lời cám ơn rồi gã quay lưng, một tay đưa lên cổ kéo chặt hai ve áo nhỏ tí quanh cuống họng co thắt, tay kia thầm ghì xiết đồng xu bạc. Ngoái lại, gã khẽ gật đầu, và rồi hàng trăm gương mặt thống khổ, giày vò, ám màu âm u kỳ lạ dưới ánh đèn, bước lang thang qua những hành lang thủy tinh.
“Ralph,” Aimee kéo khuỷu tay hắn. “Có chuyện gì thế?” Hắn ngoác miệng cười. “Tôi cũng đang nhân đức đây,
Aimee, nhân đức.” “Ralph,” cô kêu lên.
“Suỵt,” hắn nói. “Nghe đi.”
Trong quầy vé, họ chờ đợi giữa im lặng oi bức lê thê. Rồi, từ rất xa, văng vẳng, một tiếng rú.
“Raph!” Aimee kêu lên.
“Nghe đi, nghe đi!” Hắn nói.
Một tiếng rú nữa, lại rú và lại rú, rồi tiếng va đập rồi tiếng quăng quật rồi tiếng đổ vỡ, âm thanh cuống cuồng vọng khắp mê cung. Kìa, kìa, dội ngược và đối chọi loạn xạ, từ mặt gương này sang mặt gương khác, vừa la thét điên loạn vừa nức nở khóc, mặt đẫm lệ, miệng há hốc, ông Lớn xuất hiện. Gã nhào ra bầu trời đêm hầm hập, cuống cuồng nhìn quanh, rên rỉ, rồi chạy mất hút xuống bến tàu.
“Ralph, có chuyện gì thế?”
Ralph ngồi vừa cười ầm vừa vỗ đùi. Cô tát vào mặt hắn. “Anh đã làm gì?”
Hắn cố nín cười nhưng không được. “Theo tôi. Tôi sẽ cho cô thấy!”
Và rồi cô vào mê cung, hấp tấp chạy qua những tấm gương trắng lóa, vết son môi đỏ rực như lửa phản chiếu cả ngàn lần trong cái hang động sáng bạc hừng hực nơi những người đàn bà điên loạn dị kỳ như cô đuổi theo một tên đàn ông tươi cười, đang chạy phăng phăng.
“Theo tôi!” hắn la to. Và họ lao tới căn buồng tí xíu sặc mùi bụi bặm.
“Ralph!”
Họ đứng ở ngưỡng cửa căn buồng nhỏ nơi Thằng Lùn đêm nào cũng đến cả năm nay. Cả hai đứng ở nơi Thằng Lùn đứng đêm đêm, trước khi gã mở mắt nhìn hình tượng thần kỳ trước mặt.
Aimee chầm chậm lê chân, một bàn tay đưa ra trước, bước vào căn buồng lờ mờ tối.
Tấm gương đã bị đổi.
Tấm gương mới khiến ngay cả những người bình thường cũng bé, bé, bé thêm; nó khiến ngay cả những kẻ cao lớn cũng thành nhỏ nhoi, tối tăm, dị dạng thấp kém hơn khi lại gần.
Aimee đứng trước tấm gương ấy, một ý nghĩ phản chiếu, nếu gương này biến người lớn thành nhỏ, khi đứng đây, trời ơi, thì sẽ như thế nào với một gã lùn, gã lùn tí hon, gã lùn u ám, gã lùn cô đơn và kinh hoảng?
Cô quay lưng và suýt vấp ngã. Ralph đang đứng nhìn cô. “Ralph,” cô thốt lên. “Trời ơi, sao anh lại làm thế?”
“Aimee, trở lại đây!”
Cô băng qua những tấm gương, vừa chạy vừa khóc. Căng mắt nhìn qua màn lệ thật khó tìm đường, nhưng cô đã lần được lối ra. Cô đứng chớp mắt nhìn cầu tàu vắng lặng, rồi dợm chạy theo một hướng, đổi hướng khác, không biết về đâu, rồi thôi. Ralph chạy tới sau lưng cô, nói gì đó, một giọng nói xa xăm và khác lạ, như đang loáng thoáng sau một bức tường đêm khuya.
“Tôi không muốn nghe nữa,” cô nói.
Có ai đang chạy lên cầu tàu. Đó là Kelly, chủ gian hàng bắn súng. “Này, mấy người có thấy một thằng lùn mới chạy qua không? Thằng lùn đó giật một khẩu súng ở chỗ tôi, đã nạp đạn, rồi chạy mất tiêu, tôi không kịp bắt lại. Mấy người giúp tôi tìm nó với?”
Rồi Kelly đi luôn, vừa chạy hết tốc lực vừa quay đầu qua lại tìm kiếm giữa các căn lều bạt, khuất xa dần dưới những hàng bóng đèn giăng mắc rực đỏ rực vàng rực xanh.
Aimee ngần ngừ một lúc rồi cất bước. “Aimee, cô đi đâu?”
Cô nhìn Ralph như thể hai kẻ vừa rẽ qua một góc đường, hai người xa lạ, tình cờ chạm mặt và lướt qua nhau. “Chắc là…,” cô nói, “Tôi sẽ giúp mọi người đi tìm.”
“Cô chẳng làm gì được đâu.”
“Dù sao cũng phải thử. Ôi, Ralph, lỗi tại tôi cả! Lẽ ra tôi đừng điện thoại cho Billie Fine! Lẽ ra tôi đừng đặt mua tấm gương và khiến anh nổi khùng tới mức làm như thế! Lẽ ra chính tôi phải đi gặp ông Lớn, chứ không phải mua cái thứ điên khùng đó gửi tới! Tôi phải đi tìm người đó, dù có chết cũng phải đi tìm.”
Chầm chập xoay người lại, hai má ướt đẫm, cô nhìn những tấm gương dựng trước Mê Cung, trên một tấm gương là bóng phản chiếu của Ralph. Cô không thể rời mắt khỏi hình ảnh ấy; nó thu hút cô đứng sững, miệng há hốc, toàn thân run lẩy bẩy buốt lạnh.
“Aimee, sao vậy? Cô làm sao…?”
Hắn nhận ra hướng cô đang nhìn và quay ngoắt lại xem chuyện gì. Hắn sửng sốt.
Hắn quắc mắt nhìn tấm gương sáng rực đó.
Một con người kinh tởm, xấu xa, nhỏ mọn, cao chỉ chừng sáu tấc, bộ mặt bị bóp dẹp dưới vành mũ rơm kiểu xưa, đang
quắc mắt nhìn đáp trả. Ralph đứng đó trừng trừng nhìn bóng mình, hai bàn tay chống nạnh.
Aimee từ từ bước đi rồi bắt đầu nhanh chân và bắt đầu chạy. Cô chạy xuống bến tàu vắng lặng và cơn gió nóng phun những hạt mưa lớn bỏng rát trên trời dội xuống đầu trong lúc cô chạy thật xa.

Hết.
Trích đăng
Hoài niệm mùi hương Sài Gòn – trích đoạn “Với ngày như lá tháng như mây”
Tập tản văn tiếp nối mạch cảm hứng và tình yêu bền bỉ mà tác giả Phạm Công Luận dành cho mảnh đất Sài thành.

Trích từ: Với ngày như lá tháng như mây
Tác giả: Phạm Công Luận
Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book
Phát hành: tháng 01.2022
Bạn đọc Việt Nam đã quen thuộc với nhà báo, tác giả Phạm Công Luận qua những tựa sách gây tiếng vang và được tái bản nhiều lần như Nếu biết trăm năm là hữu hạn, Những lối về ấu thơ, Chú bé Thất Sơn. Không chỉ nổi bật trong thể loại tản văn, ông còn là một cây bút gạo cội sở hữu sức viết dồi dào, mang đến cho độc giả nhiều tập sách chuyên khảo, hồi ký về Sài Gòn giàu giá trị như Sài Gòn – Chuyện đời của phố (5 tập), Phong vị báo xuân xưa, Sài Gòn – Ngoảnh lại trăm năm…
Tập tản văn Với ngày như lá tháng như mây tiếp nối mạch cảm hứng và tình yêu bền bỉ như nguồn nước không bao giờ cạn mà tác giả Phạm Công Luận dành cho mảnh đất Sài thành. Trải dài qua 30 bài viết, tập tản văn chứa đựng một cuộc du hành trong tâm tưởng của tác giả, đưa người đọc trôi về thời xa vắng của đất Sài Gòn – Gia Định trên dưới nửa thế kỷ trước.
MÙI HƯƠNG CŨ
Chuyện giữa những người trung niên từng học chung lớp ở trường phổ thông hồi mới lớn, quanh đi quẩn lại cũng quay về bạn cũ, thầy cô xưa. Một người nhắc lại hồi năm lớp Tám, ở góc bàn của cô bạn trong lớp luôn tỏa ra mùi thơm nhẹ. Ai đến gần mới cảm thấy nhưng không rõ từ đâu. Sau có người kể là mỗi buổi sáng đi học, bạn ấy luôn mang theo một nhánh bông dạ lý hương ngắt từ vườn nhà và bỏ vào hộc bàn.
Câu chuyện dễ thương ấy bỗng dưng kéo cả đám sồn sồn gần tuổi sáu mươi về lại hơn bốn mươi năm trước. Từ câu chuyện trên, những hồi tưởng về mùi hương mở rộng ra. Họ nhắc lại mùi nước hoa thoảng nhẹ của cô giáo dạy Anh văn, mùi ban mai tinh khiết ở khu lớp phía sau sân trường, bên cạnh mấy cây cổ thụ. Một anh bảo có ai nhớ mùi sâm đại hành hồi học trường Nguyễn Thượng Hiền không, nó the the cay cay, nhất là khi lén bứt đọt non đưa lên mũi ngửi. Một anh bảo: Tao nhớ mùi tóc… mấy đứa con gái. Đi tập văn nghệ, mình ôm đàn đánh cho mấy nhỏ đó hát, tóc đứa nào cũng thơm. Tóc con gái miệt Bà Quẹo thơm mùi bồ kết, tóc con gái khu Ông Tạ xài xà bông Trầm, Lux thơm nức.
Những mùi hương cũ, sao có thể buộc ta nhớ nhiều đến vậy! Chúng đánh thức ký ức và những mộng tưởng đã mất, kéo ta về thời tuổi trẻ thần thánh không bao giờ quay lại.
Người ta cho rằng khứu giác cũng quan trọng như tất cả các giác quan nhìn, nghe, nếm và chạm. Nhưng đối với nhiều người, khứu giác quan trọng hơn cả, vì nó dựa vào tiềm thức để tồn tại, có thể dẫn chúng ta đến những điều từng không hiểu rõ, thậm chí được cho là không đáng quan tâm. Nó có thể mang lại niềm hạnh phúc, cũng có thể mang đến ký ức về một điều nguy hiểm đã từng xảy ra.
Trong tâm trí tôi, có một mùi clo trong nước hồ bơi công cộng tỏa ra vào những ngày hè ở hồ bơi Nhà văn hóa Lao động thập niên 1990. Nắng thời tuổi trẻ lung linh vàng lóa dưới mặt nước và những cô gái mặc áo tắm đi qua gợi cảm giác vui thú và nhàn tản của một mùa hè rong chơi. Cảm giác về mùi clo ấy tưởng chừng như không hề có trong tiềm thức, chợt đến đột ngột khi tôi quay lại chính hồ bơi ngày xưa lúc vừa thay nước.
Mùi nước hoa Pháp là mùi hương sâu đậm nhất về má tôi trong những ngày Tết, không phải từ mùi nhang trầm thắp đêm Giao thừa. Những sáng mùng Một, má diện áo dài màu ruốc nhạt hay nhung đen, xức chút nước hoa sau gáy, trên cườm tay… đi chùa cùng bà bạn hàng xóm, sau đó là đi chúc Tết. Tôi thường trông lúc má đứng trước gương chải lại mái tóc trước khi đi, để được ôm bà, cảm nhận mùi nước hoa với mùi vải áo dài.
Sau này, khi nhớ về người mẹ đã khuất, tôi nhớ thêm mùi hương khác, không dễ chịu cho lắm, là mùi dấm chua ngai ngái thấm vào cục bột nhão mà má nắm lấy để lăn trên lưng cho tôi khi đang trong cơn sốt. Trong cơn mệt mỏi của đứa trẻ bảy tuổi, tôi biết có giọt nước mắt má nhỏ xuống lưng mình.
Lần đầu tiên ra nước ngoài hơn hai mươi năm trước, tôi ở Nhật cả tháng trời và mùi hương tôi nhớ nhất là mùi… khoai tây chiên tỏa ra từ các trung tâm thương mại. Sau này, món khoai tây chiên ở đâu cũng có, nhưng khi trở lại Nhật, tôi nhận ra đó là một mùi rất riêng biệt. Đó là mùi thành phố của nước Nhật, có khi chỉ mình tôi nghĩ vậy. Chắc chắn mỗi thành phố, mỗi khu phố đều có một mùi riêng. Mùi của vài con phố ở Hà Nội là mùi dấm tỏi trong món phở và mùi chả cá. Mùi của Chợ Lớn là mùi thuốc Bắc khi quẹo khúc cua trên đường Hải Thượng Lãn Ông. Mùi của xóm tôi một thời là mùi bông nguyệt quế ban đêm. Mùi của ngôi nhà thời ấu thơ là mùi thuốc tẩu của ba và mùi sơn dầu của ông anh trước cái giá vẽ. Mùi của khu đường rầy xe lửa cổng số 8 cắt ngang đường Nguyễn Minh Chiếu là mùi bò nhúng dấm cộng với mùi bia tỏa ra từ quán Ánh Hồng của ông bà Tư Khá. Mùi của nhà hàng xóm sát bên là mùi chuối nếp nướng chuẩn bị cho buổi bán chiều.
Khi nhớ đến những mùi hương thoảng qua đời mình như vậy, tôi nhận lại nhiều ký ức lung linh. Những ký ức đó đẹp vì diễn ra trong thời thơ ấu, lúc không vướng bận những trách nhiệm và lo toan của tuổi trưởng thành. Có thể khi nhớ lại, chúng ta lý tưởng hóa chúng dù trải nghiệm thật sự không dễ chịu. Dầu biết vậy, tôi cảm thấy điều đó thật tốt cho một “người lớn” sau này, khi luôn trong trạng thái đối diện với cuộc sống trần trụi.
Tôi đọc được đâu đó là ở nước Mỹ, những người sinh trước năm 1930 có xu hướng nhớ lại những mùi liên quan đến thiên nhiên nhiều hơn những người sinh ra trong những thập kỷ sau đó. Điều này có thể phản ánh sự đô thị hóa ngày càng tăng sau những năm 1930 ở nước Mỹ. Ở Việt Nam, thế hệ nào còn nhớ nhiều nhất những mùi hương của thiên nhiên?
“Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình”, “Để tưởng nhớmùihương”, “Mùi của ký ức”,… những câu thơ, tên sách, tên truyện đậm cảm xúc về một mùi hương xa xưa. Những mùi hương một thuở ấy, có thể vô can vô cớ đến với ta lúc bất ngờ nhất, có thể khiến một người chai sạn mùi đời ngẩn ngơ và thả nỗi nhung nhớ đi rất xa. Tôi đọc một đoạn văn trong cuốn sách Sống và viết với, có bài phỏng vấn nhà văn Nguyễn Hiến Lê của tác giả Nguyễn Ngu Í.
Ông Nguyễn Hiến Lê giữa thập niên 1960 sống trên đường Huỳnh Tịnh Của. Một lần đi bộ đến cuối đường Pasteur gần đó, ông bắt gặp một mùi hương nhẹ khiến ông cảm thấy như “lạc vào một thế giới khác”. Đó là mùi hương của cây sao. Khi nhắc đến câu chuyện đó với nhà báo, ông kể chuyện làng Ngọc Hà ngoài Hà Nội khi ông còn nhỏ và cảnh phố Hàng Đường gần chợ Đồng Xuân những ngày rằm và mồng Một. Ngày đó người ta quý bông ngọc lan hay hoàng lan, chỉ ngắt từng đóa chứ ít khi bẻ trọn cành để chưng hay để bán. Một xu được năm sáu bông quế hay hồng, lan, sói, móng rồng,… Tất cả gói trong lá chuối, mang về chưng trong đĩa sứ. Khi vào sống ở Sài Gòn, ông trồng hoàng lan trong góc sân. Khi ngồi viết, hương hoa thoang thoảng khiến ông có cảm tưởng mùi hương đến thăm ông, an ủi hay nhắc nhở, cười cợt,… tùy lúc. Ông nói: “Sắc thì ta phải đi tìm nó để thưởng nó, hương thì nó tìm ta để làm dịu hồn ta. Nó âm thầm, kín đáo, tế nhị, chỉ cho thôi chứ không cần đáp. Nó bỗng tới rồi bỗng đi, nó phảng phất, nó phiêu diêu…”. Nguyễn Hiến Lê tự nhận mình là người không lãng mạn, nhưng khi nói lên điều này, ông thể hiện tâm hồn lãng mạn và yêu thiên nhiên sâu sắc.
Nhớ mấy chục năm trước, sau hai tháng đi công tác xa, tôi về tới nhà vào buổi tối và chìm ngay vào giấc ngủ. Sáng sớm, thoang thoảng hương cà phê lan tỏa từ cái phòng nhỏ bên cạnh bếp, nơi ba tôi ngồi pha cà phê uống mỗi sáng sớm. Lúc đó, cảm giác bình yên ập tới khiến tôi thấy yêu gia đình biết bao nhiêu. Mùi cà phê quen thuộc giúp tôi định vị được cái ổ an toàn và thân thuộc từ hồi tấm bé của mình. Sau này, khi lập gia đình, loại mùi hương quan trọng với tôi đó là mùi thịt nướng dưới bếp, mùi xoài chín từ Cam Ranh gửi vào, mùi nắng trên sân thượng ấm nồng trên chồng quần áo vừa khô… và mùi hương tóc, hương da thân thuộc của những người thân yêu trong gia đình nhỏ.
- Còn tiếp -
-
Cafe sáng2 tuần ago
Du Xuân trong không gian văn hóa cùng Phương Nam
-
Cafe sáng1 tháng ago
Đón Lễ Hội – Nhạc Reo Vang
-
Cafe sáng1 tháng ago
Những điều bạn không nên bỏ lỡ khi đến Nhà Sách Phương Nam mùa Giáng Sinh này
-
Cafe sáng4 tuần ago
Không khí mua sắm cuối năm rộn ràng tại Nhà sách Phương Nam
-
Cafe sáng2 tháng ago
Đường sách Thành phố Cao Lãnh và những hứa hẹn
-
Cafe sáng3 tháng ago
Sự kiện tháng 11: Mừng sinh nhật Lotte Mart 14 tuổi
-
Cafe sáng1 tháng ago
RE-OPENING: Phương Nam Book Bình Dương Canary có gì mới?
-
Cafe sáng2 tuần ago
Nhà sách Phương Nam: Lịch hoạt động Tết Quý Mão 2023