Trong truyện ngắn được đăng tải trên tờ New Yorker số ra ngày 13.10.2014, Scheherazade, Murakami viết về quan hệ giữa một nhân vật nam bị cô lập trong nhà (anh tự nhận mình là “đảo hoang”) và một người phụ nữ trung niên bí ẩn được giao nhiệm vụ chăm sóc (hay giám hộ?) anh lồng ghép trong câu chuyện về tiền kiếp của cô như là một con cá mút đá và câu chuyện về tuổi thành niên rối bời bởi những tình cảm đầu đời, khao khát được quan tâm yêu thương, các tò mò giới tính, và sự kết nối mỏng manh như tơ của con người với nhau thấm đượm một cảm thức đạm tịch của đời.
Bằng vào các chi tiết được cung cấp khá đại lược trong truyện, chúng ta không cách nào xác định nhân thân của các nhân vật. Mơ hồ như danh tính và số phận của bất cứ ai trên thế gian này, thầm lặng sống và chết, như “thoáng cảnh qua một lỗ nhỏ” trên bức màn thời gian phù hư vô tận. Cũng không có cách nào biết được, vì sao nhân vật nam chính lại không ra khỏi nhà. Vì bị câu lưu, hay tự trừng phạt, hoặc tự rèn luyện trong kỉ luật của một loại công việc đặc thù? Murakami trả lời phỏng vấn: “Độc giả có thể tự đưa ra câu trả lời, tôi chỉ viết.”
“Đời thật lạ, nhỉ? Anh có thể hoàn toàn bị mê hoặc vì cái gì đó một phút, sẵn sàng hi sinh mọi thứ để khiến nó là của anh, nhưng rồi một thời gian ngắn trôi qua, hay phối cảnh của anh biến chuyển một chút, và thình lình mọi thứ sáng rực rỡ làm anh choáng váng thế đó bỗng mờ phai. Em đã tìm kiếm gì? chắc anh đang tự hỏi thế. Vậy đó, câu chuyện về giai đoạn ‘bẻ khóa và đột nhập’ của em.” Lời tự bạch ấy của Scheherazade, cùng các ảnh tượng hay thị kiến của cô về các tiền thân của mình, phác vẽ tổng quan một bức tranh huyền hoặc về kiếp mạng hư ảo của toàn bộ các sinh thể trên thế gian. Loài cá mút đá, nơi đáy hồ sâu quạnh hiu của chúng, có khi sẽ chẳng có cơ hội thấy một mống cá hồi nào, dù béo hay gầy, ngang qua. Chúng rồi sẽ bám chặt lấy các tảng đá đó, chết trong lạnh lẽo và vô danh. Viễn cảnh mất mát đầy hư vô đó, cũng như khả năng những người gần gũi bên ta đột ngột biến mất vào một lúc nào đó trong đời mình, như mặt trời chìm.
Bằng cách gì, chúng ta có thể thấy được hay tỉnh thức về định mệnh trêu ngươi: “tất cả chúng ta rồi sẽ chết!”–một cách nói khác của việc “sẽ hoàn toàn mất tự do” như Habara hình dung cuối truyện? Phải chăng, mọi dòng sinh mệnh hiện hữu trên thế gian, như ngàn đời vẫn thế, tự hiển lộ mình bằng cách vừa được ấp ủ trong một bên tay của thực tại tồn lưu cùng lúc phủ nhận triệt để thực tại tồn hiện đó bên một cánh tay khác? Như ai cũng biết đấy, đời người thật tột cùng huyễn giác, như móc sương, như bóng chớp. Nhưng có lẽ, một câu hỏi khác sẽ được âm thầm kí thác liền sau: “Vậy còn cái gì đáng trân quý hơn đời-sống-thực-tại-này chăng?”
***
Sau mỗi lần họ quan hệ, cô đều kể cho Habara nghe một câu chuyện lạ lùng và thú vị. Hệt như nữ hoàng Scheherazade trong “Ngàn lẻ một đêm.” Cho dù, dĩ nhiên, Habara chẳng giống vị vua, không có ý định chém đầu cô sáng hôm sau. (Gì đi nữa, cô đã chẳng bao giờ ở lại với anh đến sáng.) Cô kể cho Habara nghe các câu chuyện vì cô muốn thế, vì, anh đoán, cô thích cuộn mình trong giường và trò chuyện với một người đàn ông trong các khoảnh khắc thân mật, hoang hoải sau khi làm tình đó. Và chắc cũng, bởi cô đã mong Habara, người phải trải qua mọi ngày bị giam chân trong nhà, cảm thấy thư thái.
Bởi điều này, Habara đã đặt tên người đàn bà là Scheherazade. Anh không bao giờ dùng tên đó trước mặt cô, đó chỉ là cách anh ám chỉ đến cô trong cuốn nhật kí nhỏ mà anh giữ. “Scheherazade đến hôm nay,” anh chép bằng bút bi. Rồi anh ghi lại ý chính của câu chuyện hôm ấy với những mục từ khó hiểu, sơ lược để chắc chắn ngăn bất cứ ai có thể đọc cuốn nhật kí sau này.
Habara không biết các câu chuyện của cô là thật hay hư cấu, hoặc có phần thật và có phần hư cấu. Anh không có cách nào kể ra được. Thực tại và giả định, sự quan sát và phóng tưởng thuần túy dường như trộn lẫn vào nhau trong các tường thuật của cô. Bởi thế Habara thích thú chúng như một đứa trẻ có thể, mà không hỏi quá nhiều. Nói cho cùng, liệu có gì khác nhau về phía anh, nếu chúng là những lời nói dối hay sự thật, hoặc là một chắp vá phức hợp của cả hai chứ?
Trường hợp nào đi nữa, Scheherazade có năng khiếu kể các câu chuyện chạm đến con tim. Bất kể đó là loại chuyện gì, cô cũng đã khiến nó đặc biệt. Giọng nói, cách chọn thời điểm, nhịp kể của cô, tất cả đều không tì vết. Cô thu hút sự chú tâm của người nghe, dẫn dụ, thúc đẩy anh cân nhắc và suy xét, rồi cuối cùng, đưa ra chính xác điều anh tìm kiếm. Bị quyến hoặc, Habara có thể quên đi thực tại xung quanh mình, dù chỉ một chốc. Hệt như một bảng đen được chùi sạch với tấm vải ẩm, anh được xóa đi những lo âu, các kí ức khó chịu. Ai có thể đòi hỏi hơn thế nữa? Ở thời điểm này trong cuộc đời anh, kiểu lãng quên đó là điều Habara ước ao hơn bất cứ gì khác.
Scheherazade 35, nhiều hơn Habara bốn tuổi, và là một người nội trợ toàn thời gian với hai con đang học tiểu học (dù cô cũng là một y tá có chứng chỉ và có vẻ như được gọi đến cho công việc phụ động.) Chồng cô là một viên chức văn phòng điển hình. Nhà họ cách chỗ Habara 29 phút lái xe. Đây là tất cả (hay gần như tất cả) thông tin cá nhân cô đã tự nói. Habara chẳng có bất cứ cách gì để xác minh cả, nhưng anh không thể nghĩ ra lí do đặc biệt nào để nghi ngờ cô. Cô không bao giờ tiết lộ tên mình. “Anh chẳng có nhu cầu phải biết, đúng không?” Scheherazade hỏi. Cô cũng chẳng khi nào gọi Habara bằng tên anh, dù dĩ nhiên là cô biết. Cô khéo léo tránh xa danh tính, như thể hẳn sẽ không may mắn hay chẳng thích đáng nếu phải nói nó cách nào đó qua môi cô.
Điều này, xét ở bề ngoài, chí ít thì Scheherazade chẳng có gì chung với nữ hoàng xinh đẹp trong “Ngàn lẻ một đêm.” Cô đang ở tuổi trung niên và đã bước vào tình trạng nhão cơ, với hàm cằm hơi trễ và những nếp nhăn nơi đuôi mắt. Kiểu tóc, kiểu trang điểm và loại trang phục của cô không hẳn là bừa bãi, nhưng chúng cũng không thích hợp để nhận bất cứ lời khen ngợi nào. Ngoại hình cô không phải không hấp dẫn, nhưng khuôn mặt thiếu điểm nhấn, vì thế ấn tượng cô để lại cứ mờ ảo sao đó. Vậy nên, những ai đi cạnh cô trên phố, hoặc đứng chung thang máy, chắc sẽ để ý đến cô một chút. Mười năm trước, có thể cô đã là một phụ nữ trẻ xinh tươi và hấp dẫn, thậm chí có lẽ một vài cái đầu phải ngoái nhìn. Dù vậy, ở một thời điểm nào đó, tấm màn đã buông xuống phần đời đó của cô và dường như không hứa hẹn sẽ kéo lên lại.
Scheherazade đến gặp Habara hai lần một tuần. Những ngày đó không cố định, nhưng cô không bao giờ đến vào cuối tuần. Hẳn nhiên cô dùng thời gian đó với gia đình mình. Cô luôn gọi điện trước khi đến một giờ. Cô mua hàng ở siêu thị trong vùng và mang chúng cho anh bằng ô tô của mình, một chiếc Mazda màu xanh biển nhỏ đuôi lật. Một mẫu xưa, có một vết móp trên khung cản hậu và bánh xe đen bẩn bụi. Đậu nó vào khoảng trống dành riêng được ấn định trước nhà, cô sẽ mang các túi hàng đến trước cửa và nhấn chuông. Sau khi kiểm tra qua mắt cửa, Habara sẽ mở khóa, tháo móc xích, và để cô vào. Đến bếp, cô sẽ phân loại hàng đã mua và sắp chúng vào tủ lạnh. Rồi cô sẽ ghi một danh sách những thứ cần mua trong lần tới. Cô thực hiện các nhiệm vụ một cách khéo léo, hạn chế tối thiểu cử động thừa, và nói ít suốt trong lúc đó.
Một khi cô xong việc, không nói lời nào hai người sẽ chuyển vào phòng ngủ, như thể chịu tác động bởi một dòng chảy vô hình ở đó. Scheherazade nhanh chóng cởi quần áo và, vẫn im lặng, kết hợp với Habara trong giường. Cô nói vừa đủ trong lúc họ làm tình, và cũng, thực hiện mỗi hành động như thể hoàn thành một trọng trách. Khi cô đang hành kinh, cô sẽ dùng tay để làm tròn kết thúc tương tự. Sự thuần thục, đúng hơn là kiểu đâu ra đấy của cô nhắc Habara rằng cô là một y tá được cấp phép.
Quan hệ xong, họ nằm trong giường và trò chuyện. Chính xác hơn là, cô nói và anh lắng nghe, đệm thêm một lời thích hợp chỗ này, hỏi một câu thỉnh thoảng chỗ nọ. Khi đồng hồ chỉ bốn giờ ba mươi, cô sẽ ngắt câu chuyện (bởi một lí do nào đó, nó dường như luôn luôn chỉ vừa đúng đến lúc cao trào), nhảy khỏi giường, nhặt quần áo của mình lên, và sẵn sàng rời đi. Cô phải về nhà, cô nói, để sửa soạn bữa tối.
Habara sẽ nhìn cô qua cửa, móc lại chốt xích, và trông qua các bức màn khi chiếc ô tô xanh biển nhỏ đầy bụi xa dần. Sáu giờ, anh làm một bữa tối đơn giản và ăn cùng chính mình. Anh từng có lần làm việc như một đầu bếp, nên việc thiết kế một bữa ăn không phải là cam go gì lắm. Anh chiêu Perrier [nước trái cây có ga của Pháp–ND] cùng bữa tối (anh không đời nào đụng đến chất cồn) và tiếp theo với một cốc cà phê, mà anh nhấm nháp lúc xem một DVD hay đọc sách. Anh thích những cuốn sách dài, đặc biệt những cuốn phải đọc vài lần mới hiểu. Không có nhiều thứ khác để làm. Anh không có ai để nói chuyện. Không ai để gọi điện. Không có máy tính, anh không có cách gì truy cập internet. Không báo nào được giao tới, và anh không bao giờ xem truyền hình. (Đã có một lí do hay ho về điều đó.) Chuyện đó đã đến mà không hề nói rằng anh không thể ra ngoài. Có thể các chuyến viếng thăm của Scheherazade sẽ tạm dừng bởi một lí do nào đó, anh ắt bị bỏ lại hoàn toàn đơn độc.
Habara không quá băn khoăn với viễn cảnh này. Nếu điều đó xảy ra, anh nghĩ, hẳn sẽ khó khăn, nhưng rồi mình sẽ lê qua được bằng cách này hay cách khác. Mình không bị kẹt trên một hoang đảo. Không, anh nghĩ, mình là một hoang đảo. Anh đã luôn luôn thấy thỏa mái với chính mình. Dù vậy, điều làm anh lo lắng là ý nghĩ về khả năng không còn được nói chuyện trong giường với Scheherazade nữa. Hay, chuẩn xác hơn, bỏ lỡ kì tiếp theo của câu chuyện cô kể. “Em đã là một con cá mút đá* ở một tiền kiếp,” Scheherazade có lần nói, khi họ nằm bên nhau trong giường. Một đánh giá thẳng tuột, đơn giản, tự nhiên như thể cô phát ngôn rằng Bắc Cực nằm xa về phía Bắc. Habara chẳng có manh mối gì về loài sinh vật là cá mút đá, hay loài nào đó trông giống ít nhiều. Nên anh không có ý kiến đặc biệt nào về vấn đề này.
“Anh có biết một con cá mút đá ăn một con cá hồi ra sao không?” cô hỏi.
Anh không biết. Thực ra, lần đầu tiên anh nghe rằng cá mút đá ăn thịt cá hồi.
“Cá mút đá không có hàm. Đó là cái khiến chúng xếp riêng ra với các loài lươn khác.”
“Hả? Lươn có hàm ư?”
“Anh chưa từng nhìn một con nào hẳn hòi sao?” cô nói, kinh ngạc.
“Thỉnh thoảng anh có ăn lươn, nhưng anh chưa khi nào có cơ hội để thấy chúng có hàm hay không.”
“Chà, lúc nào đó anh nên tìm hiểu xem. Đến một công viên thủy sinh hay chỗ nào đó như thế. Thông thường loài lươn có hàm với răng. Nhưng cá mút đá chỉ có các giác mút, mà chúng dùng để bám mình vào đá ở đáy sông hay hồ. Rồi chúng hệt như loài trôi nổi ở đó, uốn lượn tới lui, như các đám rong.”
Habara mường tượng một bầy cá mút đá đong đưa hệt như các đám rong ở đáy hồ. Cảnh tượng dường như cách biệt với thực tại sao đó, mặc dù thực tại, anh biết, nhiều lúc cũng có thể phi thực kinh khủng.
“Cá mút đá sống như thế, ẩn giữa những đám rong. Nằm chờ. Rồi, khi một con cá hồi băng qua trên đầu, chúng lao tới và ngoạm chặt con cá ấy với các giác mút của chúng. Bên trong các giác mút đó là những thứ giống như lưỡi với răng, tì xát tới lui lên bụng cá hồi đến khi một lỗ mở ra và chúng bắt đầu có thể nhấm nháp thịt cá hồi, từng miếng một.”
“Anh sẽ không thích là một con cá hồi,” Habara nói.
“Về thời La Mã, họ nuôi cá mút đá trong các ao. Những nô lệ cao ngạo bị quăng vào đó và lũ cá mút đá ăn sống họ.”
Habara nghĩ anh cũng chẳng hề thích thú làm một nô lệ La Mã.
“Lần đầu em nhìn thấy một con cá mút đá là lúc còn ở trường tiểu học, trong một chuyến tham quan của lớp tới công viên thủy sinh,” Scheherazade nói. “Khoảnh khắc em đọc bản mô tả về việc chúng sống ra sao, em biết rằng mình đã là một con cá mút đá ở một tiền kiếp. Em muốn nói, mình thật sự có thể nhớ được–việc bám chặt vào một hòn đá, đang đong đưa vô hình giữa các đám rong, nhìn con cá hồi béo múp đang bơi bên trên em.”
“Em có thể nhớ việc ăn thịt chúng chứ?”
“Không, em không thể.”
“Thật nhẹ cả người,” Habara nói. “Nhưng đó là mọi thứ em hồi tưởng được từ kiếp trước của em khi còn là một con cá mút đá–đang đong đưa qua lại ở đáy sông à?”
“Một tiền kiếp không thể được triệu hồi hệt như thế,” cô nói. “Nếu anh may mắn, anh đón được một tia chớp về cái gì tương tự vậy thôi. Giống như việc bắt gặp một cảnh thoáng hiện qua một lỗ nhỏ xíu trên tường. Anh có thể hồi tưởng bất cứ gì về các tiền kiếp của mình không?”
“Không, không một chút nào,” Haibara nói. Chính thực mà nói, anh chẳng đời nào cảm thấy thúc giục muốn thăm lại một tiền kiếp. Anh đã có trọn vẹn đôi tay với đời sống hiện tại.
“Tĩnh lặng, nó cảm nhận sự nguyên khiết xinh đẹp nơi đáy hồ. Lộn ngược với miệng mình bám chặt vào tảng đá, xem cá bơi trên đầu. Một lần em đã thấy một con rùa thực sự lớn bất thần, quá đỗi, một cái bóng đen khổng lồ lừng lững trôi qua, hệt như chiếc phi thuyền quỉ dị trong phim ‘Star Wars.’ Và những con chim trắng lớn với mỏ sắc, dài; từ bên dưới, chúng trông giống như các đám mây đang lướt qua bầu trời.”
“Và bây giờ em vẫn có thể thấy tất cả thứ này chăng?”
“Rõ như ban ngày,” Scheherazade nói. “Ánh sáng, lực đẩy của dòng chảy, mọi thứ. Thậm chí đôi lúc em có thể quay lại đó trong tâm trí mình.”
“Với những gì em đang nghĩ lúc đó ư?”
“Đúng rồi.”
“Bọn cá mút đá nghĩ về thứ gì thế?”
“Cá mút đá nghĩ tới các ý tưởng y hệt-cá-mút-đá. Về những chủ đề hệt-cá-mút-đá trong một phạm vi y hệt-cá-mút-đá. Chẳng có từ nào cho các ý tưởng đó. Chúng thuộc về thế giới nước. Hệt như khi chúng ta ở trong tử cung. Chúng ta nghĩ về mọi vật nơi đó, nhưng chúng ta không thể diễn đạt các ý tưởng đó bằng ngôn ngữ chúng ta tận dụng nơi đây. Đúng không?”
“Gượm một giây nào! Em có thể nhớ những cái hệt như trong tử cung sao?”
“Hẳn rồi,” Scheherazade nói, ngẩng đầu mình nhìn qua ngực anh. “Anh không thể ư?”
Không, anh đáp. Anh không thể.
“Rồi lúc nào em sẽ kể cho anh nghe. Về đời sống trong tử cung.”
“Scheherazade, Cá mút đá, Các tiền kiếp” là những từ Habara ghi lại trong nhật kí của mình hôm đó. Anh ngờ rằng bất cứ ai bắt gặp các từ này hẳn sẽ đoán ý nghĩa của chúng là gì.
Habara gặp Scheherazade lần đầu bốn tháng trước. Anh đã chuyển đến ở nhà này, trong một thành phố tỉnh lẻ phía Bắc Tokyo, và cô được phân công như là “giao liên hỗ trợ” của anh. Bởi vì anh không thể ra ngoài, vai trò của cô là mua thực phẩm và các món khác mà anh yêu cầu và mang chúng tới nhà. Cô cũng lần tìm bất cứ cuốn sách hay tạp chí nào anh ước đọc, và bất kì CD nào anh muốn nghe. Thêm nữa, cô chọn ra một bảng phân loại các DVD–dù anh có một thời kì chật vật để chấp nhận tiêu chí tuyển tập của cô về mặt này.
Một tuần sau khi anh đến, như thể một bước kế tiếp hiển nhiên, Scheherazade đưa anh vào giường. Có sẵn các bao cao su ở bàn bên đầu giường khi anh đến. Habara đoán rằng tình dục cũng là một trong các trách nhiệm được phân công của cô–hay có lẽ “các hoạt động hỗ trợ” là mục từ họ sử dụng. Mục từ gì đi nữa, và động cơ của cô là gì chăng nữa, anh đã bước vào dòng và chấp thuận đề xuất của cô mà chẳng ngập ngừng.
Chính xác thì tình dục của họ không phải là gượng ép, nhưng cũng không thể nói rằng con tim họ giao kết hoàn toàn. Dường như cô luôn cảnh giác, hầu ngăn họ đến mức quá say đắm–y như một người dạy lái có lẽ không muốn học viên của mình trở nên quá hưng phấn trong việc cầm lái của họ. Tuy nhiên, trong lúc làm tình không có cái gọi là niềm đam mê, cũng không hoàn toàn là công việc. Điều đó có thể đã bắt đầu như một trong các bổn phận của cô (hay, chí ít, như cái gì đó bị thôi thúc mạnh mẽ), nhưng ở một thời điểm nhất định dường như cô đã tìm thấy một kiểu hài lòng trong ấy. Habara có thể kể điều này từ các cách thức vi tế nhất định trong đó cơ thể cô hưởng ứng, một hưởng ứng cũng làm anh khoái thích. Sau hết, anh không phải là một con thú hoang bị nhốt trong chuồng mà là một con người được trang bị với đủ các cung bậc xúc cảm, và tình dục chỉ thuần mục đích giải phóng có tính vật lí thì khó lòng thỏa mãn hết. Tuy nhiên Scheherazade xem quan hệ tình dục của họ như là một bổn phận của cô đến chừng mực nào, và nó thuộc về lĩnh vực đời sống cá nhân của cô đến đâu? Anh không thể nói được.
Điều này cũng đúng với những chuyện khác nữa. Habara thường thấy các ý hướng và cảm giác của Scheherazade là khó nhận biết. Chẳng hạn, phần lớn thời gian cô mặc những chiếc quần lót vải bông trơn giản dị. Kiểu quần lót anh hình dung các bà nội trợ lứa tuổi ba mươi thường mặc–dù điều này thuần túy là phỏng đoán, bởi vì anh chẳng có trải nghiệm nào với các bà nội trợ tuổi ấy. Tuy vậy, một số hôm, cô quay ra với những chiếc quần lót ren kiểu cách, đủ màu thay nhau. Tại sao cô xoay chuyển giữa hai kiểu đó thì anh không có manh mối nào.
Chuyện khác làm anh bối rối nữa là sự kiện rằng việc làm tình của họ và việc kể chuyện của cô liên kết rất chặt chẽ, khiến khó lòng kể được nơi nào cái này kết thúc và cái kia bắt đầu. Anh chưa bao giờ trải nghiệm bất cứ chuyện gì như thế này trước kia: mặc dù không yêu cô, và chuyện tình dục thì sơ sơ thôi, anh cũng đã chung đụng sít sao với cô về mặt vật lí. Mọi thứ khá là hoang mang.
“Em còn vị thành niên khi em bắt đầu đột nhập các căn nhà trống,” một hôm cô nói thế khi họ nằm trong giường.
Habara–như lệ thường khi cô kể các câu chuyện–thấy mình chẳng thể mở môi lời nào.
“Anh có bao giờ đột nhập nhà ai đó chưa?” cô hỏi.
“Anh không nghĩ vậy,” anh trả lời bằng giọng ráo hoảnh.
“Thử một lần đi và anh sẽ nghiện cho xem.”
“Nhưng thế là bất hợp pháp.”
“Khỉ thật. Nguy hiểm, nhưng anh vẫn chuồn được mà.”
Habara im lặng chờ cô tiếp tục.
“Chuyện ớn lạnh nhất về việc hiện diện trong nhà người khác khi không một ai ở đó,” Scheherazade nói, “là nó mới tịch mịch làm sao. Không một âm thanh. Hệt như một chốn im lìm nhất trên thế giới. Gì đi nữa, đó là cách cảm nhận của em. Khi ngồi trên sàn nhà và giữ yên lặng tuyệt đối, kiếp cá mút đá quay lại với em. Em đã bảo anh về chuyện em là một con cá mút đá ở tiền kiếp, đúng không?”
“Ừ, em đã.”
“Nó hệt như thế. Những giác mút của em bám dính một tảng đá dưới nước và cơ thể em uốn lượn tới lui trên đầu, như các đám rong quanh em. Mọi thứ quá im lìm. Dù có thể điều đó là bởi em không có tai. Vào những ngày nắng, ánh sáng chiếu xuống từ bề mặt như một mũi tên. Cá đủ màu và hình dạng lơ lửng bên trên. Và tâm trí em trống rỗng ý tưởng. Tức là, trừ ra các ý tưởng của cá mút đá. Những ý tưởng đó đầy mây nhưng rất thuần khiết. Thật là một nơi tuyệt diệu.”
Lần đầu tiên Scheherazade đột nhập nhà người khác, cô giải thích, cô là học sinh lớp mười một và mê như điếu đổ một cậu bạn cùng lớp. Dù không phải loại bạn có thể gọi là đẹp trai, cậu ấy cao ráo và sáng sủa, một học sinh giỏi chơi trong đội bóng đá, và cô bị cậu ấy thu hút mạnh mẽ. Nhưng hình như cậu ấy thích một bạn gái khác trong lớp và chẳng hề để ý đến Scheherazade. Thực ra, có khả năng là cậu ấy không nhận biết là cô có tồn tại. Tuy nhiên, cô không thể gạt cậu ấy ra khỏi tâm trí. Chỉ vừa thấy cậu đã khiến cô ngạt thở; đôi lúc cô cảm thấy như thể mình đang gần như muốn nôn. Nếu cô không làm gì đó với điều đó, cô nghĩ, mình có thể hóa rồ. Nhưng cô không thể hé răng để thổ lộ tình yêu của mình được.
Ngày nọ, Scheherazade không tới trường và đến nhà của cậu trai kia. Mất khoảng mười lăm phút đi bộ từ nơi cô ở. Cô đã điều nghiên hoàn cảnh gia đình cậu ấy từ trước. Mẹ cậu dạy tiếng Nhật tại một trường ở thị xã kế cận. Cha cậu, làm việc tại một công ty xi-măng, đã chết trong một tai nạn ô tô ít năm trước. Em gái cậu là học sinh cấp 2. Điều này có nghĩa là ngôi nhà sẽ trống rỗng suốt ngày.
Không ngạc nhiên, cửa trước đã khóa. Scheherazade kiểm tra dưới tấm thảm tìm một chìa khóa. Đúng thế thật, có một chiếc ở đó. Các cộng đồng dân cư yên tĩnh ở các thành phố tỉnh lẻ như họ ít có tội phạm, và một chìa khóa dự phòng thường được để dưới một tấm thảm hay một chậu cây.
Để an toàn, Scheherazade nhấn chuông, chờ để nắm chắc rằng không ai trả lời, quét mắt nhìn đường phố phòng trường hợp cô bị theo dõi, mở cửa, rồi lẻn vào. Cô khóa cửa lại từ bên trong. Tháo giày, cô đặt chúng trong túi xốp và bỏ vào ba lô đeo trên lưng. Rồi cô nhón chân rón rén lên cầu thang đến tầng hai.
Phòng cậu ấy đây rồi, như cô đã hình dung. Giường được dọn phẳng phiu. Trên kệ sách có một máy phát âm thanh nổi (stereo), với một vài đĩa CD. Trên tường, treo một cuốn lịch với một bức ảnh đội bóng Barcelona và, bên cạnh, thứ gì đó trông như một khẩu hiệu của đội, ngoài ra chẳng còn gì khác. Không áp phích, không tranh ảnh. Chỉ là một bức tường màu kem. Một bức màn trắng treo trên cửa sổ. Căn phòng ngăn nắp, mọi thứ nằm đúng chỗ. Không cuốn sách nào bày bừa, không quần áo nào vương vãi trên sàn. Căn phòng chứng tỏ tính cách tỉ mỉ của người ở. Hoặc là của một người mẹ giữ ngôi nhà mình hoàn hảo. Hay cả hai. Nó khiến Scheherazade bồn chồn. Nếu căn phòng bừa bộn hơn, sẽ không ai chú ý đến bất cứ xáo trộn nhỏ nào mà cô có thể gây ra. Tuy nhiên, cùng lúc, sự quá sạch sẽ và đơn sơ của căn phòng, trật tự hoàn hảo của nó, khiến cô vui sướng. Giống hệt cậu ấy.
Scheherazade hạ mình vào ghế bàn học và ngồi đó một lúc. Đây là nơi cậu ấy học mỗi đêm, cô nghĩ, tim đập thình thịch. Từng cái một, cô nhặt các dụng cụ trên bàn lên, xoay chúng giữa các ngón tay, ngửi chúng, giữ chúng trên môi mình. Những cây bút chì, kéo, thước, bấm kim–những đồ vật bình phàm nhất cách nào đó đã trở nên lung linh vì chúng thuộc về cậu.
Cô mở các ngăn kéo bàn học và cẩn thận kiểm tra các thứ bên trong. Ngăn trên cùng được chia thành nhiều ô, mỗi phần chứa một ô nhỏ với một sự phân tán các đồ vật và quà lưu niệm. Ngăn thứ hai phần lớn bị choán chỗ bởi tập vở của các môn cậu đang học hiện giờ, trong khi ngăn đáy (ngăn dưới cùng) chứa đầy các trang giấy, các cuốn tập và bài kiểm tra cũ được phân loại. Gần như mọi thứ đều liên quan đến trường lớp hay đội bóng. Cô đã hi vọng bắt gặp một cái gì có tính cá nhân–một cuốn nhật kí, có lẽ, hay các bức thư–nhưng cái bàn không giữ thứ gì kiểu vậy. Thậm chí không một bức ảnh. Điều đó đập vào Scheherazade như là có chút không tự nhiên. Chẳng lẽ cậu ấy không có một đời sống nào ngoài trường học và đội bóng sao? Hay cậu đã cẩn thận giấu mọi thứ có tính chất riêng tư vào nơi sẽ không ai bắt gặp được nhỉ?
Tuy vậy, chỉ ngồi yên tại bàn học của cậu và đưa mắt nhìn lên chữ viết của cậu cũng kích thích Scheherazade khôn tả. Để trấn tĩnh mình, cô rời khỏi ghế và ngồi xuống sàn. Cô nhìn lên trần nhà. Sự im lìm quanh cô là tuyệt đối. Bằng cách này, cô quay lại với thế giới cá mút đá.
“Vậy mọi thứ em làm,” Habara hỏi, “là vào phòng, soát kĩ đồ đạc của cậu ấy, và ngồi trên sàn nhà ư?”
“Không,” Scheherazade nói. “Hơn thế. Em muốn cái gì đó của cậu ấy để mang về nhà. Cái gì đó cậu ấy cầm nắm mỗi ngày hay gắn bó với thân thể cậu. Nhưng không thể là bất cứ cái gì quan trọng mà cậu ấy sẽ thấy vắng. Nên em đã lén lấy một trong số các cây bút chì của cậu ấy.”
“Chỉ một cây bút chì sao?”
“Vâng. Một cây cậu ấy đang dùng. Nhưng trộm thôi thì không đủ. Điều đó sẽ khiến việc trở thành một vụ đào ngạch hẳn hòi. Sự kiện rằng em đã làm nó bị mất. Sau rốt, em đã là Kẻ Trộm Tình.”
“Vậy nên em quyết định lưu lại một cái gì vào chỗ ấy, một kiểu dấu hiệu nào đấy. Như bằng chứng là em đã ở đó. Một tuyên bố rằng đây là một trao đổi, không phải là một vụ trộm đơn giản. Nhưng nên là cái gì đây? Chẳng có gì nảy ra trong đầu em. Em tìm trong ba lô và túi của mình, nhưng chả thấy thứ gì phù hợp. Em tự trách mình đã không có ý tưởng mang theo cái gì đó tương ứng. Cuối cùng, em quyết định để lại một băng vệ sinh. Dĩ nhiên, một cái chưa dùng, còn nguyên trong gói xốp. Kì của em đã dứt, nên em mang theo chỉ để phòng hờ. Em giấu nó rất sâu trong ngăn đáy, nơi hẳn sẽ khó tìm thấy. Điều đó thực sự đã kích động em. Sự kiện rằng một băng vệ sinh của em được cất kĩ trong ngăn bàn cậu ấy. Có thể chính bởi em đã quá kích động nên kì của em gần như bắt đầu ngay sau đó.”
Một băng vệ sinh đổi một bút chì, Habara nghĩ. Có lẽ đó là thứ anh sẽ viết trong nhật kí hôm ấy: “Kẻ Trộm Tình, Bút chì, Băng vệ sinh.” Anh thật muốn thấy cái gì chúng sẽ gây ra về điều đó!
“Em ở đó trong nhà cậu ấy chỉ mười lăm phút hay gần gần vậy. Em không thể lưu lại lâu hơn thế: đó là trải nghiệm đầu tiên của em về việc thâm nhập một căn nhà, và em sợ rằng ai đó sẽ quay lại trong lúc em ở đó. Em kiểm tra đường phố để chắc chắn là không có gì trở ngại, lách qua cửa, bóp khóa, và để chìa khóa lại dưới tấm thảm. Rồi em đến trường. Mang theo chiếc bút chì quý giá của cậu ấy.”
Scheherazade chìm vào im lặng. Xem ra, cô đã quay ngược thời gian và đang hình dung nhiều chuyện khác nhau đã xảy ra kế đó, từng thứ một.
“Tuần đó là những ngày hạnh phúc nhất đời em,” cô nói sau một khoảng lặng dài. “Em viết vội nhiều thứ ngẫu hứng vào vở với bút chì của cậu ấy. Em hít hà, hôn, áp vào má, xoay nó giữa các ngón tay mình. Đôi lúc em còn đút vào miệng và mút nó. Dĩ nhiên, em đau khổ vì càng viết nó càng ngắn đi, nhưng em không thể cứu giúp mình. Nếu nó trở nên quá ngắn, em nghĩ, mình luôn có thể quay lại và lấy một cây khác. Có một bó toàn bút chì đã qua sử dụng trông hộp đựng bút trên bàn cậu ấy. Cậu ấy hẳn sẽ chẳng hay nếu một cái bị thiếu. Và chắc cậu vẫn chưa tìm thấy băng vệ sinh bị cất kĩ trong ngăn bàn mình. ý tưởng đó kích thích em không cùng–cho em một cảm giác chao đảo lạ lùng tận bên dưới. Nó không quấy nhiễu em rằng trong thế giới thực cậu ấy chẳng đời nào để mắt đến hay thậm chí tỏ ra rằng cậu ấy nhận thấy sự tồn tại của em nữa. Bởi vì em đã bí mật sở hữu cái gì đó của cậu ấy–một phần của cậu, như đã vậy.”
Mười ngày sau, Scheherazade lại bỏ trường và có một chuyến thăm thứ hai đến nhà cậu trai. Khoảng mười một giờ sáng. Như lần trước, cô lần tìm chìa khóa dưới tấm thảm và mở cửa. Như cũ, phòng cậu ở trong trật tự không tì vết. Đầu tiên, cô chọn một cây bút chì còn sử dụng được nhiều và cẩn thận đặt nó vào hộp bút của mình. Rồi cô rón rén nằm xuống giường cậu, hai tay đan lại để trên ngực, và nhìn lên trần nhà. Đây là chiếc giường nơi cậu ấy ngủ mỗi đêm. ý nghĩ này làm trái tim cô đập nhanh hơn, và cô thấy khó khăn để thở được bình thường. Phổi cô không đủ dưỡng khí và cổ họng khô như một khúc xương, khiến mỗi hơi thở đau rát.
Scheherazade rời khỏi giường, vuốt thẳng ga giường, và ngồi xuống sàn, như cô đã làm ở chuyến đầu tiên. Cô nhìn lại lên trần nhà. Mình chưa hoàn toàn sẵn sàng với giường của cậu, cô tự nhủ. Hãy còn quá nhiều thứ để xử lí.
Lần này, Scheherazade trải qua nửa giờ trong ngôi nhà. Cô rút các cuốn tập của cậu ấy từ ngăn kéo và lướt mắt qua chúng. Cô tìm thấy một bài tường thuật sách và đọc nó. Nói về “Kokoro,” một tiểu thuyết của Soseki Natsume, nhiệm vụ đọc của mùa hè đó. Chữ cậu viết đẹp, như người ta có thể mong đợi từ một học sinh hạng A ngay thẳng, không một lỗi hay một thiếu sót ở bất cứ đâu. Đánh giá về nó là Xuất sắc. Còn có thể là gì khác chứ? Bất cứ giáo viên nào đứng trước cách viết hoàn hảo đó hẳn sẽ tự động cho nó một điểm Xuất sắc, dù cho ông có bị phiền phải đọc một tuyến đơn điệu hay không.
Scheherazade chuyển sang tủ đựng quần áo nhiều ngăn [tủ com-mốt], dò xét các đồ đạc có trật tự trong đó. Quần lót và vớ của cậu. Áo sơ mi và quần tây. Đồng phục đội bóng. Tất cả đều được gấp gọn ghẽ. Không có gì bị ố màu hay mòn xước. Có phải cậu ấy gấp không nhỉ? Hay, đúng hơn, mẹ cậu ấy gấp cho không nhỉ? Cô cảm thấy một cơn đau nhói vì ghen tị với người mẹ, người có thể làm những điều này cho cậu suốt mọi ngày.
Scheherazade cúi người và hít hà các trang phục trong các ngăn kéo. Tất cả đều mang mùi giặt tươi mát và thơm nắng. Cô lấy ra một chiếc áo phông thuần màu xám, trải ra, và áp nó vào mặt mình. Chẳng lẽ không còn một thoáng hơi mồ hôi nào của cậu dưới nách áo ư? Nhưng không có gì cả. Tuy nhiên, cô vẫn để nó đấy một lúc, hít lấy mùi qua mũi. Cô muốn giữ chiếc áo cho riêng mình. Nhưng thế là quá mạo hiểm. Quần áo của cậu được sắp xếp và bảo quản hết sức chỉn chu. Cậu (hay mẹ cậu) chắc hẳn biết chính xác số áo phông trong ngăn kéo. Nếu một cái biến mất, hẳn sẽ loạn hết cả lên. Scheherazade cẩn thận gấp lại chiếc áo phông và trả nó vào đúng chỗ. Thay cho nó, cô lấy một huy hiệu nhỏ, có hình như một quả bóng, mà cô tìm thấy trong các ngăn kéo bàn học. Dường như nó đánh dấu ngày tháng với một đội bóng từ những năm trung học. Cô e rằng cậu sẽ nhớ nó. Ít nhất, hẳn mất một thời gian trước khi cậu chú ý rằng nó đã mất. Trong lúc ở đó, cô đã kiểm tra băng vệ sinh ở ngăn kéo dưới cùng của bàn học. Nó vẫn còn đó.
Scheherazade cố mường tượng điều gì sẽ xảy ra nếu mẹ cậu phát hiện ra thứ ấy. Bà sẽ nghĩ gì nhỉ? Liệu bà có yêu cầu cậu giải thích một băng vệ sinh trời ơi đất hỡi làm thứ gì trong bàn của con mình? Hay bà sẽ âm thầm giữ kín phát hiện của mình, trở đi trở lại những nghi ngờ đen tối trong tâm trí mình? Scheherazade chẳng nghĩ được ý nào. Nhưng cô quyết định để băng vệ sinh lại chỗ cũ. Sau hết, nó là dấu hiệu đầu tiên của cô.
Để kỉ niệm chuyến thăm thứ hai, Scheherazade lưu lại ba sợi tóc của mình. Đêm trước, cô đã nhổ chúng, gói trong giấy kính, và niêm chúng trong một phong bì nhỏ xíu. Bấy giờ cô lấy phong bì này ra từ ba lô và luồn nó vào một trong các cuốn vở toán cũ trong ngăn kéo của cậu. Ba sợi tóc nuột và đen, không quá dài cũng không quá ngắn. Không ai có thể biết chúng là của ai trừ khi có một xét nghiệm DNA, dù rõ ràng chúng là của một cô gái.
Cô rời nhà của cậu và thẳng một mạch tới trường, đến lớp đúng giờ học đầu tiên buổi chiều. Lần nữa, cô đã thỏa mãn trong khoảng mười ngày. Cô cảm thấy rằng cậu trở nên thuộc về cô nhiều hơn. Nhưng, như có thể đoán được, chuỗi sự kiện này sẽ không kết thúc mà không có sự cố. Bởi, như Scheherazade đã nói, lẻn vào nơi ở của người khác gây nghiện cao.
Ngang điểm này của câu chuyện Scheherazade liếc nhìn đồng hồ bên cạnh và thấy rằng đã 4:32 chiều. “Đến lúc phải đi rồi,” cô nói, như thể với chính mình. Cô trèo ra khỏi giường và mặc lên chiếc quần lót trắng trơn, luồn chân vào quần jean, và tròng chiếc áo nỉ hiệu Nike xanh thẫm qua đầu. Rồi cô cọ rửa tay trong phòng tắm, chải qua một lượt mái tóc, và lái đi trong chiếc Mazda xanh biển của mình.
Còn một mình mà không có gì đặc biệt để làm, Habara nằm trong giường và nghiền ngẫm câu chuyện cô vừa kể cho anh, nhấm nháp từng chút một, hệt như một chú bò nhai lại. Đâu là đầu mối? anh tự hỏi. Với tất cả câu chuyện cô kể, anh chẳng thể dò ra tí gì. Anh thấy thật khó hình dung Scheherazade khi còn là học sinh trung học. Lúc đó cô có mảnh mai, không bị tình trạng nhão cơ cô đang mang bây giờ chăng? Đồng phục trường, vớ trắng, tóc thắt bím ư?
Cũng không thấy đói mấy, nên anh bỏ qua việc chuẩn bị bữa tối và trở lại với cuốn sách đang đọc, chỉ để thấy rằng mình không thể tập trung được. Hình ảnh Scheherazade lẻn vào phòng người bạn cùng lớp và vùi mặt cô vào áo cậu ấy còn quá mới mẻ trong tâm trí anh. Anh thấy thiếu kiên nhẫn để chờ nghe những gì xảy ra tiếp theo.
Chuyến thăm kế tiếp của Scheherazade đến nhà anh là ba hôm sau, khi cuối tuần đã qua. Như thường lệ, cô mang theo các túi giấy chất đầy đồ dự trữ. Cô xem qua thức ăn trong tủ lạnh, thay mọi thứ đã hết hạn dùng, kiểm tra các thực phẩm đóng hộp và đóng chai trong chạn bếp, rà soát lượng sử dụng của các thứ gia vị để xem có gì còn ít, và liệt kê một danh sách mua sắm. Cô đặt một số chai Perrier vào ngăn mát tủ lạnh. Cuối cùng, cô chồng các cuốn sách và đĩa DVD mới cô mang theo mình lên bàn.
“Anh có cần hay muốn thứ gì nữa không?”
“Không nghĩ ra thứ gì cả,” Habara đáp.
Rồi, như mọi lần, hai người đến giường và giao hợp. Sau một khúc dạo đầu phù hợp, anh mang bao cao su, đi vào cô, và, sau một khoảng thời gian phù hợp, xuất tinh. Sau khi đưa một cái nhìn chuyên nghiệp lên lượng dịch trong bao cao su của anh, Scheherazade bắt đầu phần mới nhất về câu chuyện của mình.
Như lần trước, cô cảm thấy sung sướng và thỏa mãn suốt mười ngày sau lần đột nhập thứ nhì. Cô cất kĩ huy hiệu đội bóng trong hộp bút chì của mình và hết lần này đến lần khác mân mê nó trong lớp. Cô gặm nhấm chiếc bút cô đã lấy và liếm láp đầu bút. Suốt ngày cô nghĩ đến phòng cậu. Cô nghĩ tới bàn cậu học, giường cậu ngủ, tủ cậu đựng quần áo, chiếc quần cộc trắng tươi của cậu, và băng vệ sinh cùng ba sợi tóc giấu trong ngăn bàn cậu của mình.
Cô mất hết mọi hứng thú với việc học. Ở lớp, cô hoặc vẩn vơ nghịch chiếc huy hiệu và cây bút chì hoặc rơi vào mơ màng. Khi về nhà, cô chẳng có chút tâm trạng nào để xử lí bài tập về nhà của mình.
Điểm số của Scheherazade chẳng bao giờ là một vấn đề. Cô không phải là một học sinh ở tốp đầu, nhưng là một nữ sinh luôn luôn làm các nhiệm vụ của mình. Nên khi cô được giáo viên gọi tên trong lớp và không thể đưa ra một câu trả lời đúng, ông ấy bối rối hơn là tức giận. Rốt cuộc, ông triệu tập cô lên phòng giáo viên trong giờ nghỉ trưa. “Có chuyện gì thế?” ông hỏi cô. “Có bất cứ thứ gì rắc rối với em không?” Cô chỉ có thể lí nhí cái gì đó đại loại là cảm thấy không tốt lắm. Bí mật của cô quá nặng nề và đen tối để tiết lộ cho bất cứ ai–cô phải gánh lấy một mình thôi.
“Em phải tiếp tục đột nhập nhà cậu ấy,” Scrheherazade nói. “Em buộc phải thế. Như anh có thể tưởng tượng đấy, đó là một việc quá liều lĩnh. Thậm chí em cũng thấy thế. Sớm hay muộn, ai đó sẽ tìm thấy em ở đó, và sẽ báo cảnh sát. ý nghĩ đó làm em sợ muốn chết. Nhưng, một khi quả bóng đã lăn, em chẳng có cách gì dừng nó được. Mười ngày sau ‘chuyến thăm’ thứ nhì, em tới đó lần nữa. Em không có lựa chọn nào khác. Em đã cảm thấy rằng nếu không làm thế em hẳn sẽ đi tới kết thúc bi thảm. Nhìn lại, em nghĩ mình thật đã là một gái nhỏ rồ dại.”
“Nó có gây ra các vấn đề ở trường với em không, việc bỏ lớp quá thường như vậy?” Habara hỏi.
“Bố mẹ em có công việc riêng, nên họ quá bận rộn để hướng sự chú ý nhiều đến em. Em chưa bao giờ gây ra bất cứ vấn đề gì cho đến lúc đó, chưa bao giờ thách thức quyền lực của họ. Nên họ tính toán một tiếp cận rảnh-tay là tốt nhất. Giả mạo các ghi chú ở trường là dễ như ăn bánh. Em giải thích cho giáo viên chủ nhiệm rằng mình có một vấn đề y tế yêu cầu em thỉnh thoảng trải qua nửa ngày tại bệnh viện. Bởi vì các giáo viên đang bận vắt óc họ để lo cho các đứa trẻ không đến trường trong lứa tuổi đó, họ không quá quan tâm về việc em đôi lúc biến mất nửa ngày.”
Scheherazade lia nhanh mắt vào đồng hồ cạnh giường trước khi tiếp tục.
“Em lấy chìa khóa dưới tấm thảm và vào ngôi nhà lần thứ ba. Vẫn im lìm như trước–không, vì lí do nào đó, thậm chí còn im lìm hơn. Nó khiến em hồi hộp khi tủ lạnh tự bật nguồn–nghe hệt như một tiếng thở dài của một con quái vật khổng lồ. Điện thoại reo khi em ở đó. Tiếng reo lớn và lảnh lói đến mức em nghĩ tim mình muốn ngừng đập. Người em mướt mồ hôi. Không ai bắt máy, dĩ nhiên, và điện thoại ngừng đổ sau khoảng mười lượt reo. Lúc đó, căn nhà càng rơi vào im lìm hơn.
Scheherazade dành một lúc lâu nằm duỗi thẳng người trên giường cậu hôm ấy. Lần này tim cô không đập dữ dội nữa, và cô đã có thể thở bình thường. Cô có thể tưởng tượng thấy cậu đang ngủ bình an bên cạnh, thậm chí cảm thấy như thể cô đang canh giấc cho cậu. Cô cảm thấy rằng, nếu cô vươn tay ra, cô có thể chạm tới cánh tay rắn chắc của cậu. Dĩ nhiên, cậu chẳng có đó bên cô. Chỉ là cô lạc vào một đám mù sương những giấc mộng huyễn.
Cô cảm thấy một thôi thúc áp đảo được ngửi mùi cậu. Dậy khỏi giường, cô dạo qua tủ đựng quần áo của cậu, mở từng ngăn, và kiểm soát các áo phông trong đó. Tất cả được giặt và gấp gọn gàng. Chúng trắng tươi, và không vương chút nào mùi cậu, hệt như trước.
Rồi một ý tưởng đập vào cô. Cô chạy ra cầu thang xuống tầng trệt. Ở đó, bên bồn tắm trong phòng, cô tìm thấy giỏ đồ chưa giặt và mở nắp. Lẫn vào nhau là quần áo bẩn của ba thành viên trong gia đình–mẹ, con gái và con trai. Một ngày xứng đáng, xét về mặt này. Scheherazade tách lấy một cái đồ nam. Một chiếc áo phông cổ thuyền trắng. Cô hít một hơi. Thứ mùi không nhầm đâu được của một người nam trẻ trung. Một mùi ngây ngái cô từng ngửi thấy trước đây, khi các bạn trai cùng lớp đứng sát cô. Không phải là một mùi tinh nhã, hẳn rồi. Nhưng sự kiện rằng đây là mùi của cậu ấy mang đến cho Scheherazade nguồn vui vô biên. Khi đặt mũi mình dưới nách áo và hít vào, cô cảm thấy như thể mình đang ở trong vòng tay cậu, đôi tay ấy vững chãi bảo bọc cô.
Áo phông trong tay, Scheherazade trèo lên cầu thang tầng hai và nằm xuống giường cậu lần nữa. Cô vùi mặt mình trong chiếc áo và hít lấy hít để. Giờ cô có thể cảm thấy một cảm giác hoang hoải ở phần dưới cơ thể mình. Đôi núm vú cô cũng trở nên săn cứng. Liệu có phải sắp đến kì của cô? Không, quá sớm. Đây là khao khát tính dục chăng? Nếu vậy, rồi cô có thể làm gì với nó chứ? Cô không có ý tưởng nào. Duy có một điều chắc chắn là, chẳng làm được gì trong hoàn cảnh này. Không phải ở đây, trong phòng cậu, trên giường cậu.
Kết cuộc, Scheherazade quyết định đem chiếc áo về nhà cùng cô. Mạo hiểm, chắc rồi. Mẹ cậu hiển nhiên sẽ tính ra rằng một chiếc áo đã bị thiếu. Ngay cả nếu không nhận ra là nó bị trộm, hẳn bà vẫn sẽ tự hỏi rằng nó đã biến đâu mất. Bất kì phụ nữ nào giữ nhà mình tuyệt không vết bẩn hẳn gần với một kẻ lập dị gọn gàng bậc nhất. Khi một thứ gì vắng thiếu, bà ấy hẳn sẽ lùng sục ngôi nhà từ trên xuống dưới, hệt như một chú chó cảnh sát, cho đến lúc tìm thấy nó. Không nghi ngờ gì nữa, bà sẽ phát hiện ra các dấu vết của Scheherazade trong phòng cậu quý tử. Nhưng, cả khi Scheherazade đã hiểu điều này, cô vẫn không muốn phân li với chiếc áo. Trí não bất lực khi thuyết phục trái tim cô.
Thay vào đó, cô bắt đầu nghĩ đến việc sẽ lưu lại cái gì. Quần lót của cô dường như là lựa chọn tốt nhất. Nó thuộc loại bình thường, đơn giản, tương đối mới, và sạch vào sáng hôm ấy. Cô có thể giấu nó sâu trong tủ đồ của cậu. Còn gì có thể thích hợp hơn để lưu lại trong cuộc trao đổi chứ? Nhưng, khi cô cởi nó ra, đáy quần bị ẩm. Mình đoán điều này xuất phát từ khao khát, quá độ, cô nghĩ. Thật khó lưu lại cái gì đã bị nhiễm ô bởi dục vọng của cô trong phòng cậu. Cô sẽ chỉ hạ thấp mình mà thôi. Cô kéo nó lên trở lại và bắt đầu nghĩ xem có cái gì khác để lưu lại không.
Scheherazade ngắt ngang câu chuyện. Một lúc lâu, cô không nói một lời. Cô nằm đó lặng lẽ thở với đôi mắt khép. Bên cạnh cô, Habara cũng làm theo, chờ cô tiếp tục.
Rốt cục, cô mở mắt và nói. “Này, Ngài Habara,” cô nói. Lần đầu tiên cô gọi thẳng bằng tên anh.
Habara nhìn sang cô.
“Anh nghĩ chúng ta có thể làm thêm lần nữa không?”
“Anh nghĩ anh có thể xử lí được,” anh nói.
Vậy nên họ lại làm tình. Dù vậy, lần này, rất khác với lần trước. Bạo liệt, mê đắm, và rút kiệt. Đỉnh điểm của cô lúc kết thúc là không thể nhầm được. Một loạt các cơn co thắt mạnh mẽ để lại cô trong cơn run rẩy. Thậm chí mặt cô cũng bị biến dạng. Với Habara, điều đó hệt như việc bắt gặp một thoáng hiện gói gọn về Scheherazade thời trẻ: người đàn bà trong vòng tay anh bây giờ là một cô gái mười bảy tuổi rối bời thế nào đó đã trở nên bị mắc kẹt trong thân thể một bà nội trợ ba mươi lăm tuổi. Habara có thể cảm nhận cô ở đó, đôi mắt khép, thân thể lẩy bẩy, ngây thơ hít lấy thứ mùi trong chiếc áo vương mồ hôi của một cậu trai.
Lần này, Scheherazade không kể chuyện cho anh sau khi quan hệ. Cũng chẳng kiểm tra lượng dịch trong bao cao su. Họ lặng lẽ nằm đó bên nhau. Mắt cô mở rộng, và chăm chăm nhìn lên trần nhà. Hệt như một con cá mút đá nhìn chong chong lên mặt nước tươi sáng. Sẽ thật tuyệt vời biết mấy, Habara nghĩ, nếu anh cũng, có thể sống trong một thời gian hay không gian khác–bỏ lại một con người được xác định rõ, đơn độc mang tên Nobukata Habara và trở thành một con cá mút đá vô danh. Anh hình dung mình và Scheherazade sát bên nhau, giác mút của họ bám chặt vào một phiến đá, thân thể họ uốn lượn theo dòng chảy, nhìn lên mặt nước khi họ chờ một con cá hồi béo múp đầy vẻ tự mãn bơi qua.
“Vậy em đã lưu lại món gì để trao đổi với chiếc áo phông thế?” Habara phá vỡ sự im lặng.
Cô không đáp ngay tức thì.
“Không gì hết,” cuối cùng cô nói. “Không gì em mang theo có thể suýt soát với chiếc áo đó với mùi của cậu ấy. Nên em chỉ lấy nó và lẻn ra. Đó chính là lúc em trở thành một kẻ trộm, thuần túy và đơn giản.”
Mười hai ngày sau, khi Scheherazade quay lại nhà cậu trai lần thứ tư, đã có một ổ khóa mới ở cửa trước. Màu vàng của nó lấp lánh trong ánh mặt trời giữa trưa, như thể tự kiêu với sự kiên cố tuyệt vời của mình. Và không có chìa khóa giấu dưới tấm thảm. Rõ ràng, sự nghi ngờ của mẹ cậu đã được khuấy động bởi chiếc áo bị mất. Bà hẳn đã lùng sục mọi xó xỉnh, bắt gặp nhiều dấu hiệu khác kể ra một cái gì lạ lùng đang diễn ra trong nhà mình. Bản năng bà đã không sai lầm, phản ứng bà lẹ làng.
Scheherazade, dĩ nhiên, thất vọng bởi sự tiến triển này, nhưng đồng thời cô cũng cảm thấy nhẹ nhõm. Như thể ai đó đã bước đến sau lưng và gỡ một gánh nặng lớn lao khỏi vai cô. Điều này nghĩa là mình không phải tiếp tục đột nhập nhà cậu ấy nữa, cô nghĩ. Không nghi ngờ gì, nếu ổ khóa không được thay, các cuộc xâm lăng của cô hẳn sẽ diễn tiến vô định. Cũng chẳng hề hoài nghi rằng các hành động của cô hẳn sẽ leo thang với mỗi lần viếng thăm. Rồi đáo cùng, một thành viên trong gia đình sẽ hiện ra lúc cô đang ở tầng hai. Sẽ chẳng có lối thoát nào cả. Không có cách gì biện minh được cho tình huống gay go của cô. Đây là tương lai đang dành sẵn cho cô, sớm muộn thôi, và kết quả hẳn là tàn tệ. Giờ thì cô đã tránh được nó. Có lẽ cô nên cảm ơn mẹ cậu–dù chưa bao giờ cô gặp người đàn bà ấy–vì bà có đôi mắt hệt như một con diều hâu.
Scheherazade hít mùi trong chiếc áo phông của cậu ấy mỗi đêm trước khi cô vào giường. Cô ngủ với nó bên cạnh mình. Cô sẽ gói bằng giấy và giấu nó trước khi cô đến trường buổi sáng. Rồi, sau giờ cơm tối, cô sẽ mở nó ra để ve vuốt và hít hà. Cô lo rằng mùi hương có thể phai dần khi nhiều ngày trôi qua, nhưng điều đó đã không xảy ra. Mùi mồ hôi của cậu đã thẩm thấu tốt vào chiếc áo.
Bây giờ các cuộc đột nhập đó là không cần thắc mắc nữa, tâm trạng của Scheherazade dần dần bắt đầu trở lại bình thường. Cô ít mơ màng trong lớp hơn, và lời giảng của giáo viên bắt đầu được ghi lại. Tuy nhiên, tiêu điểm chính của cô không nhắm vào tiếng của giáo viên mà là hành vi của người bạn cùng lớp. Cô kín đáo giữ mắt mình dõi vào cậu, cố dò ra một biến đổi, bất cứ biểu lộ nhỏ nhoi nào về một chuyện gì đấy có thể làm cậu bồn chồn. Nhưng cậu luôn luôn hành động chính xác y hệt nhau. Cậu ngoảnh đầu lại và cười to như chẳng hề bị kích động bao giờ, và trả lời kịp thời khi bị gọi lên. Cậu hét to lúc tập bóng và cũng đổ mồ hôi. Cô không thể thấy bất cứ gì không bình thường–chỉ là một thanh niên nghiêm túc, đang trải qua một hiện diện dường như không bợn mây mờ.
Tuy vậy, Scheherazade biết có một bóng đổ lơ lửng bên trên cậu. Hay cái gì đó gần như thế. Rất có khả năng, chẳng một ai khác biết. Chỉ có cô (và, nghĩ kĩ ra thì, có thể cả mẹ cậu nữa). Vào lần đột nhập thứ ba, cô đã bắt gặp một số tạp chí khiêu dâm được giấu khéo léo ở các hốc xa nhất trong tủ quần áo của cậu. Chúng đầy rẫy các bức hình phụ nữ trần truồng, giang rộng chân và cung cấp những góc nhìn hào phóng về các bộ phận sinh dục của họ. Một số bức miêu tả hành động tính dục: những người đàn ông đặt các dương vật như những cây gậy vào cơ thể đàn bà trong nhiều tư thế phi tự nhiên nhất. Scheherazade chưa bao giờ lướt mắt qua những bức ảnh như thế trước đây. Cô ngồi nơi bàn học cậu và chậm rãi giở hết các quyển tạp chí, nghiên cứu từng bức ảnh với hứng thú cao độ. Cô đoán rằng cậu đã thủ dâm trong lúc xem chúng. Nhưng ý tưởng này đập vào cô không đặc biệt đáng ghét. Cô chấp nhận thủ dâm như là một hoạt động hoàn toàn bình thường. Tất cả tinh dịch đó phải đi một nơi nào đó, cũng như các cô gái phải có các kì kinh. Nói cách khác, cậu là một người vị thành niên điển hình. Không phải anh hùng cũng chẳng phải thánh. Cô thấy biết thêm gì đó về một sự giải khuây.
“Khi các cuộc đột nhập dừng lại, sự say mê của em dành cho cậu ấy bắt đầu nguội lạnh. Dần dà, hệt như thủy triều rút đi từ một bãi cát thoải, dài. Bằng cách này hay khác, em thấy mình ngửi chiếc áo của cậu ít thường xuyên hơn và ít dành thời gian hơn cho việc ve vuốt chiếc bút chì và huy hiệu. Cơn sốt đang qua. Những gì em đã nhiễm mắc không phải một cái gì giống như bệnh tật mà là một điều có thật. Hễ nó còn kéo dài, em không thể nghĩ cho thẳng thớm được. Có lẽ mọi người đều đi qua một giai đoạn điên rồ như thế lúc này hay lúc khác. Hoặc có lẽ nó là cái gì đó đã xảy ra chỉ với riêng em. Anh thì sao? Anh từng có một trải nghiệm như thế bao giờ chưa?” Habara cố nhớ, nhưng chỉ trống trơn. “Không, chẳng có gì đến mức cực hạn, anh không nghĩ ra,” anh nói.
Scheherazade xem chừng có phần thất vọng bởi câu trả lời của anh.
“Sao đi nữa, em đã quên mọi thứ về cậu ấy khi em tốt nghiệp. Quá nhanh chóng và dễ dàng, thật kì quái. Điều gì ở cậu ấy đã làm tuổi mười bảy của em rơi vào khó khăn đến vậy? Cố thử mọi hướng có thể, em vẫn không thể nhớ nổi. Đời thật lạ, nhỉ? Anh có thể hoàn toàn bị mê hoặc vì cái gì đó một phút, sẵn sàng hi sinh mọi thứ để khiến nó là của anh, nhưng rồi một thời gian ngắn trôi qua, hay phối cảnh của anh biến chuyển một chút, và thình lình mọi thứ sáng rực rỡ làm anh choáng váng thế đó bỗng mờ phai. Em đã tìm kiếm gì? chắc anh đang tự hỏi thế. Vậy đó là câu chuyện về giai đoạn ‘bẻ khóa và đột nhập’ của em.
Cô làm nó nghe như Thời kì Xanh của Picasso**, Habara nghĩ. Nhưng anh hiểu những gì cô đang cố truyền đạt.
Cô liếc nhìn đồng hồ cạnh giường. Gần như đã đến giờ cô phải rời đi.
“Thật lòng mà kể,” cuối cùng cô nói, “câu chuyện không kết thúc ở đó. Một vài năm sau, khi em học năm hai trường y tá, một đòn đánh số phận lạ lùng đã mang chúng tôi lại với nhau lần nữa. Mẹ cậu ấy đóng một vai lớn trong đó; thực ra, có cái gì đó quỷ mị xung quanh mọi chuyện–hệt như một trong các câu chuyện ma xưa kia. Đúng hơn là các sự kiện diễn tiến theo một chiều hướng không thể tin được. Anh có thích nghe về điều đó không?”
“Anh phải lòng rồi,” Habara nói.
“Tốt hơn là chờ đến chuyến thăm kế tới của em,” Scheherazade nói. “Đang trễ rồi. Em phải về nhà và sửa soạn bữa tối.”
Cô rời giường và mặc quần áo–quần lót, vớ, yếm hai dây, và, cuối cùng, váy rồi áo bờ-lu. Habara tình cờ nhìn động tác của cô từ giường. Điều đó đập vào anh rằng cách phụ nữ mặc quần áo thậm chí có thể còn thu hút hơn cách họ cởi bỏ chúng.
“Có bất kì cuốn sách nào anh đặc biệt thích em lựa mang tới không?” cô hỏi, trên đường ra cửa.
“Không, anh chẳng thể nghĩ ra thứ gì hết,” anh đáp. Điều anh thực sự muốn, anh nghĩ, là chờ cô kể cho anh nghe phần còn lại của câu chuyện, nhưng anh không thể diễn tả điều đó thành lời. Làm vậy có thể gây nguy hiểm cho các cơ hội trong việc có bao giờ được nghe nó.”
Habara vào giường sớm tối đó và nghĩ đến Scheherazade. Có lẽ anh sẽ chẳng bao giờ còn gặp lại cô. Điều đó khiến anh lo lắng. Khả năng đó đúng là rất thật. Không một thứ gì có tính chất thiết thân– không thệ nguyện, chẳng hiểu ngầm–níu giữ họ với nhau cả. Những gì họ có là một liên hệ ngẫu nhiên do ai đó khác tạo ra, và có thể chấm dứt dựa trên ý muốn bất chợt của người đó. Nói khác đi, họ được gắn kết bằng một sợi chỉ mỏng mảnh. Có vẻ như–không, chắc chắn–là sợi chỉ ấy đáo cùng sẽ bị đứt và hết thảy những truyện cô đã kể hẳn sẽ khuất dạng với anh. Thắc mắc duy nhất là khi nào mà thôi.
Có thể rằng, đến một lúc nào đó, anh sẽ bị tước đoạt toàn bộ tự do của mình, trong trường hợp đó không chỉ Scheherazade mà hết thảy phụ nữ hẳn sẽ biến mất khỏi đời anh. Hẳn là anh sẽ chẳng bao giờ lại có thể nhập vào chốn ướt êm ấm áp trong thân thể họ nữa. Hẳn là anh sẽ không khi nào lại cảm thấy họ rẩy run hưởng ứng nữa. Tuy nhiên, có lẽ một viễn cảnh thậm chí còn quặn thốn hơn cả sự dứt nghỉ hoạt động tình dục với Habara, là sự mất mát những khoảnh khắc mật thiết sẻ san. Một mặt, điều mà thời gian trải qua cùng những người phụ nữ đưa đến là cơ hội để được ấp ôm bởi thực tại, trong khi đang phủ nhận nó toàn triệt ở một mặt khác. Đó là một cái gì Scheherazade đã chu cấp một cách phong phú–thực tế, tặng phẩm của cô là vô tận. Viễn cảnh mất mát đó làm anh thấy buồn tiếc hơn hết.
Habara nhắm mắt và thôi nghĩ về Scheherazade. Thay vì vậy, anh nghĩ về đám cá mút đá. Về bọn cá mút đá không hàm bám chặt vào các tảng đá, giấu mình trong những đám cỏ thủy sinh, đang đong đưa tới lui trong dòng chảy. Anh mường tượng mình là một trong số chúng, đang chờ một con cá hồi béo múp xuất hiện. Nhưng không hề có cá hồi ngang qua, bất kể anh chờ bao lâu. Không phải một con béo, không phải một con gầy, chẳng một mống cá hồi nào cả. Đáo cùng mặt trời chìm, và thế giới của anh bị bao trùm trong bóng tối.
Như Lôi dịch từ bản tiếng Anh của Ted Goossen
***
Chú thích:
(*) Cá mút đá (lampreys hay lamprey eels) là một bộ cá gồm các họ cá không hàm, sống kí sinh, có thân hình ống dài 15-100cm, còn gọi là “lươn chín mắt” (gồm một mắt to, một lỗ mũi chính giữa, một dãy 7 lỗ mang xếp liên tiếp mỗi bên lườn thân) phân bố chủ yếu ở các vùng ôn đới, được cho là loài gây hại vì sự xâm lấn của chúng, đặc biệt ở vùng Ngũ Đại Hồ ở Bắc Mĩ.
(**) Thời kì Xanh (Picasso’s Blue Period): giai đoạn sáng tác từ năm 1901-1904 của Picasso, với các bức tranh đượm sầu gần như đơn sắc với nhiều cấp độ của màu xanh với chủ đề về gái mại dâm, những người say rượu và ăn xin, vẽ từ sau ám ảnh với cái chết của Carlos Casagemas (1881-1901).
Em có biết không? Tự do từ đâu mà có Câu chuyện từ đâu mà được kể Những bài báo vui buồn từ đâu mà viết ra Em có biết không? Niềm tin từ đâu mà có Mảnh đất này còn bao sự diệu kỳ Đâu phải chỉ có những xót xa Lấy trời làm nhà Đất làm chăn ấm Gió gội mái đầu xanh và biển bạc tắm ướt đẫm da vàng Chốn thị phi Người cô độc than khóc Kẻ lỡ làng đi tìm tri kỷ Còn ta chỉ là người hay khóc Lau nước mắt và lại đi…
Tôi quyết định đổi nơi làm việc, dù Wyandotte là một nơi chốn vô cùng bình yên suốt 5 năm qua. Tôi không định nói lời chia tay đồng nghiệp. Bọn họ quá bận rộn để đọc và hồi đáp một email chia tay giữa mùa Covid. Ai cần tôi thì họ sẽ vẫn liên lạc thôi.
Trong căn hộ này, mỗi một inch đều chất chứa nhiều kỉ niệm, kỉ niệm của tôi những năm tháng hậu chia tay Stovall. Lúc này là vào cuối đông, nhưng cây phong ngoài cửa sổ vẫn còn nguyên những chiếc lá khô cong như hồi cuối thu. Gió vùng này thổi rất mạnh, nhưng lạ lùng làm sao, những chiếc lá phong khô héo, chết lâu ngày kia vẫn không chịu lìa cành. Cứ như thể chúng vẫn đang sống, sống đời zombie của giống loài thực vật. Màu nâu, màu nâu cong, là màu mới của sự sinh tồn chăng?
Căn hộ của tôi chất đầy thùng các tông để mở. Thật khó quyết định những gì cần mang theo đến nơi ở mới. Mất cả tuần liền, tôi chỉ ngồi phân loại mọi thứ ra thành hai loại: cần và rất cần. Thật, có thứ gì trong căn hộ này mà tôi không cần đâu?
Soạn mãi soạn mãi, rồi không rõ thế nào mà tôi vớ phải tập ảnh Stovall chụp khi chúng tôi còn chung sống. Mới chừng hai chục năm trước đây thôi. Có một tấm tôi mỉm cười với khuôn miệng rộng, gương mặt rạng rỡ, phía sau là vườn mai vàng lộng lẫy. Lúc đó, chúng tôi vừa cưới xong, đang bắt tay vào trang trí căn nhà đầu tiên của cả hai. Stovall chụp lại mọi thứ trong nhà, kể cả những vật dụng bình thường nhất, chẳng hạn như chiếc bàn chải đánh răng bằng gỗ tre của tôi. Cảm giác hạnh phúc chầm chậm dâng lên trong tôi, Stovall luôn luôn đáng tin cậy, luôn luôn hết lòng yêu thương tôi. Làm sao tôi có thể bỏ đi kỉ niệm đầu tiên êm ấm này? Đã bao lần, tôi đã định bỏ tập ảnh nhưng...
Năm năm trước, chúng tôi ly hôn. Stovall hỏi tôi liệu có cách nào khác không vì chuyện đâu có đến nỗi nào, tình yêu của chúng tôi chỉ nhạt đi như bất kỳ đôi lứa nào, rồi sẽ ấm áp lại nhanh thôi mà.
Tôi nhìn sâu vào mắt anh, trả lời: “Em biết điều anh muốn là gì.” Và tôi dọn ra khỏi nhà, mặc cho Stovall ôm đầu đau khổ. Anh vẫn gọi cho tôi thường xuyên trong năm đầu tiên, cố thuyết phục tôi quay trở lại, ngay cả khi biết tôi đã có mối quan hệ mới. Anh thôi làm chuyện vô vọng khi tôi qua lại đến người đàn ông thứ ba. Dù vậy, mỗi khi cần nhau tư vấn về thiết kế mĩ thuật, chúng tôi vẫn ôm điện thoại sôi nổi như không hề có bất kỳ xáo trộn gì trong đời sống tình cảm. Chúng tôi rất hòa hợp với nhau trong nghề nghiệp. À, kỳ thực là trong hầu như tất cả mọi mặt, ngoại trừ việc tôi không thể...
Stovall vừa lấy vợ hồi năm ngoái. Họ kết hôn khi bé Hermes vừa chập chững bước đi. Tôi đã bật khóc như mưa khi biết tin anh yêu Ariana, một người bạn thân thiết của cả hai. Tôi thấy tim mình đau đớn đến không khóc được khi Hermes ra đời, và phải nói là tận cùng của sụp đổ khi nhận được thiệp cưới của hai người họ.
Rất nhanh, tôi chúc mừng Stovall. Anh và Ariana không thể tìm thấy người bạn nào tốt hơn tôi nữa, tôi chứng minh cho cả thế giới thấy mình là một người cũ văn minh. Tôi thậm chí còn tay trong tay với Greg, người tình thứ 6, thứ 7 gì đó, đến dự đám cưới của Stovall và vẽ các họa tiết trên váy cưới giúp Ariana.
Tập ảnh này là thứ duy nhất còn sót lại về cuộc hôn nhân đầu tiên và duy nhất của tôi. Chỉ cần bỏ nó vào trong đống lửa dưới sân chung cư thì tôi có thể thực sự kết thúc cơn đau kéo dài suốt 20 năm của mình rồi.
Nhưng không, không, Stovall và tôi của ngày xưa không có tội tình gì để bị đốt cháy thành than tro như vậy cả. Ký ức đó vẫn có đời sống riêng của nó, như những chiếc lá phong khô đét trên cành kia, tuy khô tàn héo rũ nhưng thượng đế vẫn xót thương gìn giữ chúng bình yên xuyên suốt mùa đông dập dìu mưa tuyết và gió bão. Vào mùa thu, bằng một phép màu nào đó, những chiếc lá sẽ lại xanh tươi, sẽ lại đỏ rực trên cành. Chỉ là không biết những chiếc lá nâu khô cong kia sẽ biến đi đâu và biến đi vào lúc nào mà thôi.
Khi dọn đến nơi ở mới, Boize, tôi tìm mãi không thấy tập ảnh cũ của Stovall, dù đã lục tung tất cả các thùng các-tông và cẩn thận bài trí lại mọi thứ y nguyên như trong căn hộ cũ ở Wyandotte.
Bằng một phép màu nào đó, tập ảnh đã không cánh mà bay. Tôi chắc chắn mình không vì say khướt mà ném nó vào đống lửa ngoài sân. Chỉ nhớ mang máng vào buổi chiều cuối cùng tôi đã ngồi tựa đầu vào cây phong lộng gió rất lâu. Với tập ảnh trong tay.
Đôi mắt của Hắc Ám không rõ đang buồn hay đang vui. Bầu trời từ từ sầm tối. Âm nhạc của những buổi chiều muộn nhân lên nỗi niềm trong cô. Những thước phim buồn trong đời chiếu lại trong tâm trí. Cuộc đời nhiều phút bất ngờ quá, và lòng người, như ngàn năm vẫn vậy, là thứ ẩn tiềm nhiều bất trắc.
Một cuộc gọi. Phía đầu dây bên kia là một khách hàng cần sự giúp đỡ.
“Cảm ơn cô! Không có cô tôi không biết làm sao!” Người khách hàng trẻ tuổi nói sau khi xong việc.
Hắc Ám vui nhẹ, tạm quên những đau đớn hằn sâu trong lòng. Tình người của những năm tháng này xa xôi như vậy đó, xa như một ngọn nến leo lét cháy trong đêm mịt mù, chỉ nhoi nhói lên chút hy vọng.
Một cuộc gọi khác. Phía đầu dây bên kia là một người quen cần nói một điều gì đó. Những lời nói như cứa vào lòng Hắc Ám, khiến cô toàn thân run rẩy. Cô bấm nút tắt, chặn và không quên xóa luôn số của người ta.
Danh bạ của cô bây giờ chỉ còn những cuộc gọi của khách hàng và những số điện thoại tiếp thị. Cô đã đến tình trạng bất kỳ lời nói chớm trách hờn, chớm mỉa mai, chớm châm chọc nào cũng làm cho bản thân thấy phẫn uất.
“Sao ngươi ghét người quá vậy?” Ai đó hiện ra trong giấc mơ.
“Ừ! Kệ đi!” Hắc Ám buồn rầu.
Nếu sự im lặng có tác dụng làm cho ai đó đỡ phải ngại ngùng mở lời hoặc đỡ phải ngượng ngùng nhận sai, nó có tác dụng hủy diệt đi tình thương và niềm tin của Hắc Ám – người phải chịu đựng sự im lặng phi lý và đôi khi, cả những lời lẽ không thể tàn nhẫn hơn mà con người đã dành cho nhau.
Điều khủng khiếp nhất chưa dừng lại đó. Hắc Ám của những năm tháng về sau này cũng lấy phương thức tệ hại đó để áp dụng với người khác. Còn tàn nhẫn hơn.