Bản dịch tiếng Việt đặc biệt dành tặng Kodaki Adi.
1
“Bố chồng tôi đã bị tàu điện cán chết ba năm trước”, người đàn bà đang kể thì đột nhiên dừng lại.
Tôi không nói gì, chỉ nhìn thẳng vào mắt cô ta và gật gật đầu. Trong lúc tạm ngừng ấy, tôi liếc nhìn vào nửa tá bút chì đang đựng trong khay, thầm kiểm định xem chúng sắc nhọn đến đâu. Hệt như một tay golf thủ đang cân nhắc để chọn cho đúng câu lạc bộ, tôi cứ đắn đo xem phải chọn cây nào, cuối cùng tôi chọn lấy một cây không quá nhọn, cũng chẳng cùn, vừa đủ dùng thôi.
“Mọi chuyện trở nên rối tung beng lên”, người đàn bà lại kể.
Vẫn giữ quan điểm cho riêng mình, tôi đặt một tờ ghi nhớ ngay trước mặt và kiểm tra lại cây bút chì bằng cách viết ngày và tên của người đàn bà lên đó.
“Giờ thì chả còn mấy xe điện ở Tokyo nữa rồi”, cô ta vẫn thao thao bất tuyệt.
“Người ta đã chuyển sang đi xe buýt ở hầu hết mọi nơi cả. Những chiếc xe điện còn sót lại là di vật của quá khứ, tôi đồ là như vậy. Và rồi một trong những chiếc xe di vật ấy đã giết chết bố chồng tôi.” Cô thở dài khe khẽ. “Chuyện xảy ra vào đêm đầu tiên của tháng Mười, hồi cách đây ba năm trước ấy. Mọi sự chợt đổ ập xuống trong buổi tối ngày hôm đó.”
Tôi biên lại những điều cơ bản về chuyện của cô. Cha chồng, ba năm trước, xe điện, mưa to, ngày 1 tháng 10, buổi tối. Tôi muốn mình phải hết sức cẩn thận khi viết, thành thử phải mất một lúc lâu mới lưu lại hết những điều này.
“Bố chồng tôi đã say bí tỉ vào lúc ấy rồi. Nếu không thì rõ ràng là ông sẽ không lăn ra ngủ vạ vật ngay ngoài đường giữa một đêm mưa tầm tã như thế.”
Cô lại im lặng một lần nữa, đôi môi khép lại, ánh mắt cô nhìn tôi chăm chú. Có lẽ cô muốn tôi đồng ý với cô.
“Chắc là ông ấy có say đấy” tôi nói.
“Hẳn là vì say thì ông ấy mới gục như thế chứ.”
“Bố chồng của cô có thường uống nhiều không?”
“Ý ông là ông ấy có thường uống nhiều đến mức bất tỉnh nhân sự như thế không ư?”
Tôi gật đầu.
“Ông ấy thỉnh thoảng cũng có say rượu chứ,” cô thừa nhận. “Nhưng không phải lúc nào cũng thế, và cũng không bao giờ say đến nỗi phải lăn ra ngủ lăn quay trên đường.”
Người ta phải say đến thế nào mới có thể ngủ ngay trên đường ray tàu điện? Tôi tự thắc mắc. Lượng rượu mà ông ta đã uống mới là nguyên nhân chính à? Hay nó có liên quan gì đến lý do ông ta lại say rượu ở nơi đầu tiên?
“Cô nói là ông ấy vẫn thi thoảng vẫn say rượu, nhưng không phải lúc nào cũng say đến mức không biết trời trăng gì nhỉ?” Tôi hỏi.
“Tôi vẫn thấy thế mà,” cô ta đáp.
“Nếu không làm cô bận lòng thì tôi có thể hỏi quý cô đây bao nhiêu tuổi được không ạ?”
“Ông muốn biết tôi bao nhiêu tuổi ư?”
“Cô không phải trả lời nếu như cô không muốn, thưa cô.”
Người đàn bà đưa ngón tay trỏ lên cọ cọ sống mũi. Đó là một chiếc mũi thẳng tắp hoàn hảo và vô cùng dễ thương. Tôi đoán rằng cô ta vừa đi phẫu thuật thẩm mỹ mới gần đây. Ngày xưa tôi cũng đã từng cặp với một cô có cùng thói quen như thế. Cô ấy có đi phẫu thuật nâng sống mũi, và bất cứ khi nào cô phải nghĩ ngợi về một điều gì đó, cô lại đưa ngón cái lên cọ cọ sống mũi của mình. Cứ như thể cô đang đảm bảo rằng cái mũi mới của cô vẫn còn nguyên ở đó. Giờ nhìn người đàn bà đang ngồi trước mặt mình lúc này lại gợi cho tôi một thoáng cảm giác Deja Vu. Chuyện đó lần lượt gợi lên những ký ức mơ hồ về những lần làm tình bằng miệng.
“Tôi không cố gắng che giấu tuổi tác hay bất cứ điều gì,” người đàn bà nói. “Tôi ba mươi lăm tuổi.”
“Và bố chồng của cô qua đời năm bao nhiêu tuổi?”
“Sáu mươi tám.”
“Ông ấy làm gì? Ý tôi muốn nói là về công việc của ông ấy đấy.”
“Ông là một nhà tu hành.”
“Nhà tu hành? Ý cô là một nhà sư Phật giáo phải không ạ?”
“Đúng thế. Một tu sĩ Phật giáo. Thuộc giáo phái Jodo. Ông ấy là trụ trì một ngôi đền ở quận Toshima. “
“Chắc hẳn đó phải trở thành một cú chấn động thực sự”, tôi nói.
“Chuyện bố chồng tôi bị xe điện cán qua ư?”
“Vâng.”
“Tất nhiên đó phải là một cú sốc rồi. Đặc biệt là đối với chồng tôi, “người đàn bà trả lời.
Tôi ghi lại một số thứ khác trên mẩu giấy ghi nhớ của mình. Nhà sư, giáo phái Jodo, 68 tuổi.
Người đàn bà đang ngồi vào một đầu trên chiếc ghế bành đôi nhà tôi. Tôi thì ngồi ở ghế xoay phía sau bàn làm việc. Hai chiếu ngăn giữa chúng tôi. Cô vận một bộ trang phục màu xanh lá cây tinh xảo. Chân của cô rất đẹp, và đôi vớ của cô mang vô cùng xuyệt với đôi giày cao gót màu đen cô đi. Những chiếc gót nhọn nom giống như những món vũ khí nguy hiểm chết người.
“Vậy cô đến đây để hỏi tôi điều gì,” tôi nói, “Có liên quan đến người cha quá cố của chồng cô sao?”
“Không. Chả liên quan gì đến ông ấy “, cô ta đáp. Cô lắc đầu nhiều lần để nhấn mạnh sự phủ nhận. “Mà là về chồng tôi.”
“Anh ta cũng là một tu sĩ chứ?”
“Không phải, anh ấy làm việc ở Merrill Lynch.”
“Cái công ty đầu tư đó á?”
“Đúng rồi,” cô trả lời, rõ là hơi bị chạm nọc. Còn cái Merrill Lynch nào khác nữa chứ? Giọng cô ta đầy ngụ ý. “Anh ấy là một nhà môi giới chứng khoán.”
Tôi kiểm tra đầu bút chì xem thử nó đã mòn cỡ nào rồi, sau đó chờ cho cô nói tiếp.
“Chồng tôi là con trai độc nhất, và anh ấy luôn quan tâm đến việc kinh doanh chứng khoán hơn là Phật giáo, thế nên anh đã không kế tục bố trở thành vị trụ trì tiếp theo của đền thờ.”
Mà như thế mới hợp lý hợp tình chứ, ông có nghĩ như vậy không? Mắt cô nàng nói lên điều đó, nhưng vì tôi không có ý kiến nào về vấn đề Phật giáo hay kinh doanh chứng khoán, nên tôi đã không đáp lại. Thay vào đó, thông qua một biểu hiện trung lập tôi cho cô ta thấy là mình vẫn đang nghe rõ từng từ.
“Sau khi bố chồng tôi qua đời, mẹ chồng tôi bèn chuyển đến một căn hộ trong chung cư của chúng tôi ở Shinagawa. Ở một khu khác trong cùng tòa nhà. Chồng tôi và tôi sống trên tầng 26, và mẹ chồng tôi ngụ ở tầng 24. Bà sống một mình. Đó giờ mẹ vốn sống cùng với bố trong đền thờ, nhưng sau khi một vị trụ trì khác đến tiếp quản thì bà phải chuyển đi nơi khác thôi. Bà đã sáu ba tuổi rồi. Còn chồng tôi, tôi nên nói thêm, thì bốn mươi tuổi. Anh ấy sẽ tròn bốn mốt vào tháng tới, nếu không có chuyện gì xảy ra với anh ấy, vậy đấy.”
Tôi tạo thêm một bản ghi nhớ về tất cả. Mẹ chồng 24, 63. Chồng, 40 tuổi, Merrill Lynch, tầng 26, Shinagawa. Người đàn bà vẫn kiên nhẫn chờ tôi viết hết.
“Sau khi bố chồng tôi qua đời, mẹ chồng tôi bắt đầu bị những cuộc hoảng loạn tâm lý tấn công. Bệnh đó có vẻ trở nên tồi tệ hơn khi trời mưa, có lẽ vì chồng bà đã qua đời vào một đêm mưa. Chuyện này cũng hay gặp thôi, tôi cho là thế.”
Tôi gật đầu.
“Khi các triệu chứng trở nên xấu đi, giống như có một cái ốc-vít đang long ra trong đầu bà. Bà vội gọi cho chúng tôi và chồng tôi liền đi xuống hai tầng dưới để chăm sóc cho mẹ ngay. Anh ấy sẽ cố trấn tĩnh bà, thuyết phục bà rằng mọi việc sẽ đỡ ngay thôi. Nếu chồng tôi không ở nhà, thì tôi sẽ đi. “
Cô lại dừng lại, chờ đợi phản ứng của tôi. Tôi giữ im lặng.
“Mẹ chồng tôi không phải là một người xấu-ác gì. Tôi không có bất kỳ cảm xúc tiêu cực với bà ấy cả. Chỉ là bà là một tuýp người thần kinh yếu, và luôn phải dựa dẫm quá nhiều vào những người khác. Ông có hiểu được trạng huống này không? “
“Tôi nghĩ là có,” tôi nói.
Cô vắt chéo chân, chờ tôi viết thứ gì đó mới trên bảng ghi nhớ của mình. Nhưng tôi đã không viết gì cả.
“Bà ấy có gọi cho chúng tôi vào lúc mười giờ sáng Chủ Nhật. Hai ngày Chủ Nhật – mười ngày – trước đây.”
Tôi liếc vào lịch làm việc của mình. “Chủ nhật thứ ba của tháng Chín?”
“Đúng rồi, ngày thứ ba. Mẹ chồng tôi đã gọi cho chúng tôi vào lúc mười giờ sáng, ” người đàn bà nói. Cô nhắm mắt lại như thể nhớ lại nó. Nếu như chúng tôi ở trong một bộ phim của Hitchcock, màn hình sẽ bắt đầu gợn sóng vào thời điểm này và cả hai liền trở lại trong một cảnh quay hồi tưởng. Nhưng đây không phải là một bộ phim, và cũng chẳng có màn hồi tưởng lại nào. Cô ta mở mắt ra và tiếp tục. “Chồng tôi đã trả lời điện thoại. Anh ấy định đi chơi Gôn, nhưng trời lại đổ mưa tầm tã kể từ lúc bình minh, nên anh ấy quyết định hủy. Giá như trời không đổ mưa, thì chuyện này sẽ không bao giờ xảy ra. Tôi biết là mình phải tự trách bản thân mãi thôi.”
Ngày 3 tháng 9, golf, mưa, hủy bỏ, mẹ chồng gọi điện thoại. Tôi viết tất vào.
“Mẹ chồng tôi nói rằng bà đang rất khó thở. Bà cảm thấy chóng mặt và không thể đứng lên được. Thế nên chồng tôi đã xỏ quần áo vào, thậm chí còn chưa cạo râu mà anh ấy đã vội đi xuống căn hộ của bà. Anh ấy nói với tôi rằng sẽ không mất nhiều thời gian đâu và còn dặn tôi chuẩn bị bữa sáng nữa. “
“Anh ta đã mặc gì thế?” Tôi hỏi.
Cô ta xoa mũi nhè nhẹ. “Quần tây và một chiếc áo polo cộc tay. Áo anh mặc có màu xám đen. Còn quần dài có màu kem. Cả hai món đó chúng tôi đều chọn mua từ quyển các-ta-lô của J.Crew đấy. Chồng tôi bị cận và lúc nào cũng đeo kính. Loại viền kim loại của Armanis ấy. Anh ấy đi một đôi New Balance xám, không đi tất. “
Tôi ghi lại tất cả các chi tiết.
“Ông có muốn biết cả chiều cao và cân nặng luôn không?”
“Điều đó hẳn sẽ giúp ích đấy,” tôi nói.
“Anh ấy cao hơn một thước bảy nhăm, và nặng khoảng bảy mươi mốt cân thì phải. Trước khi chúng tôi lấy nhau, anh ấy đã cỡ sáu mươi hai cân rồi, nhưng mà càng ngày anh ấy lại càng béo lên thêm. “
Tôi biên vào giấy thông tin này. Tôi kiểm tra lại đầu bút chì của mình và đổi qua một cây khác. Nắm chặt cây bút chì mới trong tay một lúc, để làm quen với cảm giác đó.
“Ông có bận tâm nếu tôi tiếp tục kể không, thưa ông?” Cô ta lại hỏi.
“Cứ tự nhiên, thưa cô,” tôi đáp.
Cô ta thả chân ra rồi lại vắt chân lên lại. “Lúc mẹ chồng gọi điện là tôi đang chuẩn bị sẵn sàng để làm bánh rồi. Sáng Chủ Nhật nào mà tôi chẳng làm bánh cho anh ấy ăn. Nếu chồng tôi mà không đi chơi gôn vào ngày Chủ Nhật thì anh ấy sẽ ăn rất nhiều bánh kếp. Lúc nào anh ấy cũng mê ăn bánh kếp kèm với mấy lát thịt xông khói để bên.”
Chả trách mà lão ta tăng vùn vụt lên hẳn hai chục cân, tôi tự nói trong đầu.
“Hai mươi nhăm phút sau là chồng tôi đã gọi cho tôi liền. Anh ấy nói rằng mẹ chồng đã đi nằm rồi và giờ anh ấy đang đi lên tầng trên. “Anh đói ngấu lên rồi đây này”, anh ấy nói với tôi thế. “Mau mau dọn sẵn bữa sáng ra, anh lên là đánh chén ngay nhé” Thế, tôi vội làm nóng chảo ngay rồi chiên bánh và chiên cả thịt xông khói nữa. Tôi cũng đun luôn cả nước xi-rô lá phong. Làm bánh kếp nào có khó khăn gì – thì tất cả chỉ có tốn thời gian với làm theo đúng trình tự là được thôi mà. Tôi cứ ngồi đó chờ rồi lại chờ mỏi mòn, nhưng anh ấy không hề về nhà. Mấy lát bánh kếp để trên đĩa ảnh càng lúc càng nguội ngắt đi. Tôi bèn gọi điện cho mẹ chồng tôi và hỏi bà ấy là liệu chồng tôi có còn ở đó không. Nhưng bà ấy lại nói là chồng tôi đã về từ lâu lắm rồi. “
Cô phủi phủi vạch vạch theo những đường kẻ tưởng tượng siêu hình trên sớ vải trên váy, ngay chỗ đầu gối mình.
“Chồng tôi đã biến mất. Anh ấy đã bốc hơi giữa làn khí mỏng này. Và tôi chẳng nghe ngóng được tin tức gì của anh kể từ lúc đó. Anh đã tan biến ở đâu đó giữa tầng hai bốn và hai sáu mất rồi. “
“Thế cô đã báo với cảnh sát chưa?”
“Đương nhiên là tôi đã làm thế,” cô nói, đôi môi hơi dẩu ra một chút vì bực tức. “Một tiếng sau vẫn không thấy anh ấy quay trở lại, tôi lập tức gọi cho cảnh sát liền. Nhưng mấy người ấy chả có chút gì là cố gắng đi tìm anh ấy cả. Có một tay tuần tra từ sở cảnh sát địa phương có đến, nhưng khi không thấy có dấu hiệu của chuyện đâm chém bạo lực nào thì hắn bắt đầu chả muốn nấn ná thêm nữa. “Nếu anh ấy không trở lại trong hai ngày sau,” tay đó nói, “Chị làm ơn đi đến cơ quan chức năng và đệ đơn trình báo người mất tích nhé.” Cảnh sát dường như đã nghĩ rằng chồng tôi chỉ đi đâu đó trong chốc lát, như thể anh ấy đã phát chán ngán với cuộc sống của mình và chỉ cần xa chạy cao bay khỏi đây thôi. Nhưng thế thì dấm dớ quá thể. Ý tôi là, ông cứ thử nghĩ mà xem. Chồng tôi đi xuống tầng dưới nhà mẹ với hai bàn tay trống – không ví tiền, không bằng lái, không thẻ tín dụng, cũng chả đeo đồng hồ luôn. Mà ơn Giời, chính râu anh ấy còn chưa kịp cạo kia kìa. Và chính ảnh cũng đã gọi cho tôi, bảo tôi làm bánh kếp sẵn trước đi. Nếu ai đó đang sắp tẩu thoát khỏi nhà thì sẽ chả phôn cho ông rồi bảo ông làm bánh cho người đó ăn, đúng chưa? “
“Cô nói đúng cả,” tôi đồng ý. “Nhưng xin cô kể lại tôi nghe xem, khi chồng cô xuống tầng hai mươi bốn, anh ta có đợi thang không?”
“Anh ấy không bao giờ đi thang máy. Anh ấy ghét thang máy lắm. Anh ấy nói là mình không thích bị mắc kẹt trong một không gian kín như vậy. “
“Thế mà nhà cô vẫn chọn sống trên tầng hai mươi tư của một tòa bin-đinh cao tầng?”
“Phải. Nhưng anh ấy luôn dùng cầu thang bộ. Mà anh ấy dường như cũng không bận tâm gì cho lắm – anh nói đó là một bài tập thể dục tốt giúp anh giảm cân được. Tất nhiên là nó vẫn ngốn lắm thời gian. “
Bánh kếp, hai mươi cân, cầu thang, thang máy, tôi lại ghi chú trên mảnh ghi nhớ của mình.
“Đó là tình hình chung”, cô nói. “Ông sẽ nhận vụ này chứ?”
Chả cần phải suy nghĩ nhiều. Đây chính xác là một vụ mà tôi luôn mong đợi. Tôi bèn hí hoáy kiểm tra lại lịch trình của mình và giả vờ lục lọi lại mấy món đồ xung quanh. Nếu anh đồng ý nhận vụ này ngay tắp lự, khách hàng có thể nghi ngờ anh đang có một động cơ thầm kín nào đó.
“Cũng may là tôi rảnh cho đến cuối buổi chiều nay” tôi nói, phóng về phía đồng hồ đeo tay một cái liếc nhìn. Đã mười một giờ ba mươi lăm. “Nếu như quý cô không bận lòng, bây giờ cô có thể đưa tôi đến tòa nhà của cô không? Tôi muốn tận mắt xem xét địa điểm cuối cùng cô nhìn thấy chồng mình. “
“Tôi rất sẵn lòng, thưa ông” người đàn bà nói. Rồi cô chợt cau mày. “Nhưng điều này có nghĩa là ông đã nhận vụ này?”
“Chính xác thưa cô,” tôi trả lời.
“Nhưng chúng ta vẫn chưa nói gì về phí điều tra mà.”
“Tôi không cần tiền, thưa cô.”
“Sao cơ ạ?” Cô ta thốt lên, nhìn tôi chằm chằm.
“Tôi không tính phí bất cứ điều gì,” tôi giải thích, và mỉm cười.
“Nhưng đây không phải là nghề của ông sao?”
“Không, không hẳn vậy. Đây không phải là nghề của tôi. Tôi chỉ là một tình nguyện viên, thế nên tôi không nhận tiền công đâu. “
“Một tình nguyện viên ấy à?”
“Chính xác rồi.”
“Thế nhưng ông cũng phải cần tiền để trả cho các chi phí khác chứ…”
“Không cần chi phí gì cả. Tôi hoàn toàn là tình nguyện viên, thế nên tôi không thể chấp nhận thanh toán dưới bất kỳ hình thức nào. “
Người đàn bà trông vẫn còn lúng túng.
“Hên là tôi có một nguồn thu nhập khác nuôi đủ để sống,” tôi giải thích. “Tôi không làm việc này vì tiền. Tôi chỉ quan tâm đến việc đi tìm những người đã biến mất. Hoặc nói chính xác hơn, những người đã biến mất theo một cách rõ ràng nào đó. Tôi sẽ không đào sâu vào chuyện đó – nó sẽ chỉ làm bung bét hết mọi thứ lên thôi. Nhưng tôi khá thính trong những chuyện như thế này đấy.”
“Ông nói xem, liệu có phải có giáo phái hay nhóm New Age nào đứng sau giật dây những vụ này không?” Cô ta bồn chồn hỏi.
“Không có ai cả. Tôi không có quan hệ với bất kỳ giáo phái hay nhóm New Age nào hết. “
Người đàn bà liếc nhanh xuống đôi giày của mình, có lẽ cô ta đang tính cách làm thế nào – để nếu như mọi thứ bỗng trở nên quái gở thực sự – thì cô ta có thể dùng luôn gót giày cao gót phang lại tôi.
“Chồng tôi luôn nói với tôi rằng không nên tin vào bất cứ thứ gì miễn phí cả,” người đàn bà nói. “Tôi biết nói ra chuyện này là rất bất lịch sự, nhưng anh ấy vẫn luôn nhấn mạnh rằng có thể há miệng thì sẽ mắc quai.”
“Trong đa số mọi trường hợp, tôi luôn đồng ý với anh ta,” tôi nói. “Trong cái thế giới tư bản giai đoạn cuối của chúng ta, quả thật rất khó để tin tưởng bất cứ điều gì được cho không biếu không. Tuy nhiên, tôi vẫn hy vọng là cô sẽ tin tưởng vào tôi. Cô phải tin tôi, nếu chúng ta muốn hợp tác lâu dài.”
Cô ta vươn tay tới chiếc xắc Louis Vuitton, mở nó bằng một chiếc khóa bấm đầy tinh xảo, và lấy ra một chiếc phong bì dày cộp. Tôi không đoán được có bao nhiêu tiền ở trong đó, nhưng nó có vẻ rất nhiều.
“Tôi đem theo chút đỉnh dành cho các khoản chi phí,” cô nói.
Tôi lắc đầu nguầy nguậy. “Tôi không chấp nhận bất kỳ khoản phí, quà tặng, hoặc thanh toán của bất cứ dạng nào. Đó là luật. Nếu tôi chấp nhận một khoản phí hoặc một món quà, những hành động tôi làm sẽ không còn ý nghĩa gì nữa. Nếu quý cô có quá nhiều tiền và cảm thấy không thoải mái khi không phải trả lệ phí, tôi xin đề nghị cô đóng góp cho một tổ chức từ thiện-Tổ chức Nhân đạo, Quỹ cưu mang nạn nhân của nạn buôn người, hoặc bất cứ hội nhóm nào mà quý cô thích. Nếu làm chuyện đó khiến cho cô cảm thấy tốt hơn.”
Người đàn bà cau mày, hít một hơi thật sâu, và cất phong bì lại vào xắc. Cô ta đặt chiếc xắc, nom tươi tắn và đã phồng lên lại, về nơi đã để nó vào trước đó. Cô lại cọ cọ mũi và nhìn tôi, giống như một chú cún cưng đã sẵn sàng nhảy về phía trước bắt lấy cây gậy.
“Vậy cứ làm theo những gì ông đã giao kèo.” Cô ta nói, bằng một giọng lạnh lùng.
Tôi gật đầu và trả lại mẩu bút chì đã mòn lên khay.
2
Người đàn bà đi đôi cao gót nhọn đưa tôi đến tòa nhà nơi cô ở. Cô ta chỉ cho tôi cánh cửa vào căn hộ của mình (số 2609) và cửa nhà bà mẹ chồng (số 2417). Một chiếc cầu thang rộng nối giữa hai tầng, và tôi thấy được là ngay cả khi có nhẩn nha dạo chơi giữa chúng thì cũng không tốn quá năm phút.
“Một trong những lý do khiến chồng tôi mua căn hộ này là cầu thang rộng và sáng”, cô ta nói. “Hầu hết các căn hộ cao tầng đều rất hiếm xây cầu thang. Cầu thang to chiếm quá nhiều diện tích không gian, và ngoài ra hầu hết mọi người đều chỉ thích đi thang máy. Mấy nhà xây dựng căn hộ chỉ muốn đầu tư tiền của họ vào những nơi thu hút sự chú ý – thư viện, hay một tiền sảnh lát đá cẩm thạch chẳng hạn. Nhưng mà dù có vậy thì chồng tôi vẫn hay nhấn mạnh rằng cầu thang chính là một yếu tố quan trọng – là xương sống của một tòa nhà, anh ấy thường thích nói như vậy.”
Có điều tôi phải thừa nhận, đấy thực sự là một chiếc cầu thang đáng nhớ. Trên chiếu nghỉ giữa tầng hai lăm và hai sáu, bên cạnh khung cửa sổ phân ô, là một chiếc ghế nệm sofa, một tấm gương dài treo trên tường, một cái gạt tàn đứng và một chậu cây. Qua ô cửa sổ, có thể nhìn thấy bầu trời tươi sáng và dăm đám mây lững lờ trôi. Cửa sổ đã bị chốt chặt và không thể mở được.
“Có không gian như thế này trên mỗi tầng không?” Tôi hỏi.
“Không. Cứ mỗi năm tầng sẽ có một sảnh tiếp khách nhỏ, chứ mỗi tầng thì không có”, cô nói. “Ông có muốn đến xem căn hộ của vợ chồng tôi và mẹ chồng tôi không?”
“Không phải lúc này.”
“Từ khi chồng tôi biến mất, thần kinh của mẹ chồng tôi ngày càng trở nên tệ hơn”, cô nói. Cô vẫy vẫy tay. “Quả là một cú sốc lớn cho bà, tôi nghĩ là ông có thể tưởng tượng ra.”
“Dĩ nhiên rồi,” tôi đồng tình. “Tôi không nghĩ là mình sẽ phải làm phiền đến bà ấy đâu.”
“Tôi thật sự biết ơn vì điều đó. Và tôi cũng mong ông sẽ giữ bí mật chuyện này với mấy người hàng xóm hộ tôi luôn. Tôi không hề nói với bất cứ ai rằng chồng tôi đã biến mất cả. “
“Hiểu rồi,” tôi đáp “Cô có thường đi bằng cầu thang này không?”
“Không hề,” cô ta đáp, nhướn mày lên, như thể cô ta vừa bị xỉa xói một cách vô lý. “Bình thường tôi vẫn đi thang máy thôi. Khi chồng tôi và tôi ra ngoài cùng nhau, anh ấy sẽ đi trước bằng thang bộ và tôi bắt thang máy đi sau và gặp nhau ở sảnh. Còn khi chúng tôi về nhà, tôi tự đi thang máy lên. Sẽ rất nguy hiểm khi cố gắng leo lên hết những bậc thang này với giày cao gót, hao sức lắm”.
“Tôi cũng đoán thế.”
Tôi muốn tự điều tra mọi thứ, thế nên tôi đã nhờ cô ta đi báo với người quản lý chung cư một tiếng. “Cô đi nói với ông ta rằng có một người đàn ông đang đi lang thang quanh tầng hai bốn và hai sáu để làm một cuộc khảo sát bảo hiểm”, tôi chỉ cho cô nói. “Nếu có ai đó nghĩ tôi là một kẻ đang rình mò chôm chỉa ở khu này mà báo cho cảnh sát, thì tôi sẽ bị soi mói mất. Tôi không có lý do chính đáng nào để loay hoay ở khu này.”
“Tôi sẽ báo với ông ta ngay,” người đàn bà nói. Rồi bóng cô mất hút trên cầu thang. Âm thanh phát ra từ đôi giày gót nhọn cô mang như thể tiếng dập móng trước một bản tuyên án bất tường, rồi dần dần biến mất trong im lặng. Tôi bị bỏ lại một mình.
Việc đầu tiên tôi làm là đi xuống cầu thang từ tầng hai sáu xuống tầng hai bốn và quay trở lại tổng cộng ba lần. Lần đầu tiên, tôi đi với một tốc độ bình thường, hai lần tiếp theo thì chậm hơn nhiều, còn kỹ càng quan sát mọi thứ xung quanh. Tôi cố gắng tập trung cao độ để không bỏ lỡ bất kỳ chi tiết nào. Đến nỗi còn hiếm khi chớp mắt. Mỗi sự kiện đều để lại dấu vết, và công việc của tôi là tìm cho ra được những dấu vết ấy. Vấn đề là cầu thang đã được chùi dọn kỹ lưỡng. Thậm chí một cọng rác cũng đỏ mắt tìm không ra. Không có cả một vết bẩn duy nhất hay một vết xước nào, ngay cả những mẩu đầu lọc bỏ trong gạt tàn cũng không. Trống trơn.
Lên xuống cầu thang không ngừng nghỉ làm tôi cảm thấy mệt mỏi, nên tôi đành ngồi xuống ghế sofa nghỉ một lát. Ấy là một chiếc ghế bọc nhựa vinyl, và chả phải thứ hàng có thể gọi là cao cấp gì cho cam. Nhưng người ta hẳn phải phục sát đất ban quản lý tòa nhà, vì đã có một tầm nhìn xa trông rộng mà cho đặt một chiếc ghế sofa ở đó, nơi có thể sẽ có vài người thật sự sử dụng nó. Đối diện chiếc sofa là gương. Bề mặt của nó không có gì đặc biệt, và nó được đặt ở một góc hoàn hảo để ánh sáng chiếu vào cửa sổ. Tôi ngồi đó một lúc, nhìn chằm chằm vào bóng phản chiếu của mình. Có thể Chủ Nhật hôm đó chồng của người đàn bà kia, tức anh chàng môi giới chứng khoán nọ, đã nghỉ giải lao ở đây, và nhìn vào bóng phản chiếu của chính anh. Vào khuôn mặt vẫn chưa cạo râu của mình.
Tôi đã cạo râu, dĩ nhiên rồi, nhưng tóc tôi lại có chút dài. Tóc gáy sau tai tôi cong lại, nom hệt như bộ lông của một con chó săn lông dài vừa băng qua một con sông. Tôi đã viết lại lưu ý để đến tiệm hớt tóc rồi. Và tôi cũng nhận thấy màu sắc chiếc quần tây tôi mặc không hề phù hợp với đôi giày tôi mang. Tôi cũng chả có may mắn được xỏ chân vào một đôi bít-tất xuyệt tông với bộ quần áo của mình. Sẽ chẳng có ai nghĩ rằng nó kỳ quặc nếu cuối cùng tôi có vò chúng lại với nhau và ném vào tiệm giặt ủi. Mặt khác thì, dù sao, chiếc bóng phản chiếu của tôi vẫn chỉ như vậy – vẫn là một tôi trước giờ thế thôi. Một gã cử nhân bốn mươi lăm tuổi không quan tâm đến chuyện cổ phiếu hay Phật giáo ra sao.
Tôi đứng bật dậy từ chiếc ghế sofa, và khi bước lên cầu thang một lần nữa, tôi bắt đầu suy nghĩ về khái niệm làm những mẻ bánh mới. Tôi tập trung cao độ hết sức có thể và cố gắng vẽ ra cảnh: Anh là một nhà môi giới chứng khoán bốn mươi tuổi, đó là buổi sáng Chủ Nhật, bên ngoài trời mưa tầm tã, và anh đang trên đường trở về nhà để xơi một chồng bánh kếp áp chảo nóng hôi hổi. Càng nghĩ về chuyện đó, nó lại càng làm tôi thèm ăn. Mà tôi chỉ mới lót dạ với một quả táo bé tí hin từ sáng.
Có lẽ tôi nên tạt qua tiệm Denny’s và ngấu nghiến đẫy dăm chồng bánh kếp, ấy là tôi nghĩ thế. Tôi đã bắt gặp vài bảng hiệu của tiệm Denny’s trên đường lái xe đến đây. Có lẽ nó cũng khá gần, đủ để cuốc bộ được. Không phải tiệm Denny’s có thể làm ra những mẻ bánh ngon nghẻ gì – bơ và xi-rô không đạt tiêu chuẩn của tôi – nhưng họ vẫn cứ giữ nguyên như thế. Kỳ thực mà nói, tôi là một fan bự của bánh kếp đấy. Nước bọt bắt đầu ứa đầy miệng tôi. Nhưng tôi lắc lắc đầu và gắng sức đá văng hết tất cả các ý nghĩ về bánh trái trong thời gian này. Tôi cố thổi bay tất cả những đám mây ảo tưởng trôi ra xa. Lưu lại vụ bánh trái sau đi, tôi tự cảnh báo bản thân mình. Mày vẫn phải làm việc tiếp đấy.
“Đáng nhẽ mình nên hỏi cô ta là chồng cô có sở thích nào không,” tôi tự bảo với bản thân mình. “Có khi tay ấy thực sự là một gã mê hội họa cũng nên.”
Nhưng điều đó cũng chả hợp nhẽ gì cả – bất cứ gã đàn ông nào mê vẽ tranh đến mức bỏ mặc được gia đình cũng không thể là một người ưa đi đánh gôn vào mỗi sáng Chủ Nhật. Ai có thể tưởng tượng được các ông Gauguin hay Van Gogh hay Picasso mà lại mặc trang phục và đi giày đánh gôn, quỳ xuống mặt cỏ thứ mười, trong lúc loay hoay cố gắng đếm lỗ gôn chứ? Tôi thì không rồi đấy.
Tôi ngồi lại xuống ghế sofa lần nữa và nhìn đồng hồ đeo tay. Ba rưỡi rồi. Tôi nhắm mắt lại và tập trung dồn vào một chỗ trong đầu. Với tâm trí hoàn toàn trống rỗng, tôi tự thả mình vào dòng cát thời gian và để cho dòng chảy đưa tôi đến bất cứ đâu nó muốn. Rồi tôi mở mắt ra và nhìn đồng hồ. Ba giờ năm mươi bảy phút. Hai mươi lăm phút đã trôi đi mất ở đâu đó. Không tệ, tôi tự nhủ. Một cách vô nghĩa để giết thời gian. Chả tệ lắm.
Tôi lại nhìn vào gương và nhìn thấy cái-thằng-tôi-vẫn-thường-thấy ở đó. Tôi giơ tay phải lên, và bóng phản chiếu của tôi đang giơ tay trái. Tôi lại giơ tay trái và chiếc bóng giơ tay phải. Tôi làm như thể đang hạ thấp cánh tay phải của mình, sau đó vội vàng rụt tay trái xuống; cái bóng phản chiếu của tôi lại hành động như thể đang hạ tay trái của nó, sau đó nó nhanh chóng rụt tay phải xuống. Đúng là phải như thế. Tôi đứng dậy khỏi ghế sofa và bước hai mươi nhăm bậc xuống đến hành lang.
3
Mỗi ngày tôi đều rảo quanh tòa nhà vào khoảng mười một giờ khuya. Tay quản lý tòa nhà và tôi khá thân thiện với nhau (những hộp sôcôla mà tôi mang đến biếu cho gã không hề khó xơi), và tôi liền được phép đi dạo trong tòa nhà theo ý muốn. Như đã kể rồi đấy, tôi đã thực hiện khoảng hai trăm chuyến đi vòng giữa các tầng hai bốn và hai sáu. Khi thấm mệt, tôi lại ngồi nghỉ trên ghế sofa, nhìn ra bầu trời bên ngoài cửa sổ, kiểm tra cái bóng phản chiếu của tôi trong gương. Tôi cũng đã đi đến tiệm cắt tóc và cắt tỉa cẩn thận, giặt ủi tất cả quần áo của mình, và có thể xỏ vào những chiếc quần dài kèm bít-tất ăn rơ với nhau, làm giảm đi rất nhiều cơ hội để thiên hạ có thể ngồi lê đôi mách sau lưng mình.
Nhưng dù tôi có cố gắng cật lực đến nhường nào đi chăng nữa, tôi vẫn không thể phát hiện ra được gợi ý nào dù chỉ một, nhưng tôi không nản chí. Tìm ra một gợi ý quan trọng giống như việc thuần hóa một loài vật bất hợp tác. Nó đòi hỏi sự kiên nhẫn và tập trung. Không chỉ đề cập đến trực giác.
Vì đến tòa nhà chung cư mỗi ngày, nên tôi phát hiện ra rằng đã có những người khác sử dụng cầu thang bộ. Tôi tìm thấy những vỏ bao bánh kẹo ở trên sàn, một mẩu Marlboro trong cái gạt tàn, một tờ báo bị vứt đi.
Một chiều Chủ Nhật, tôi đi ngang qua một người đang chạy bộ lên cầu thang. Một người đàn ông hơi thấp ở độ tuổi ba mươi, với cái nhìn nghiêm túc, trong bộ quần áo chạy bộ màu xanh lục và giày chạy bộ của Asics. Anh ta đeo một chiếc đồng hồ lớn hiệu Casio.
“Chào anh,” tôi mở lời. “Anh có thể cho tôi một phút chứ?”
“Chắc chắn rồi,” người đàn ông nói, và ấn cái nút trên đồng hồ của mình. Anh ta hít một hơi thật sâu. Chiếc áo may-ô hiệu Nike của anh thấm đầy mồ hôi ở ngực.
“Anh vẫn luôn chạy lên chạy xuống cầu thang này phải không?” Tôi hỏi.
“Đúng rồi. Tôi thường chạy lên đến tầng ba mươi hai. Còn khi xuống thì dùng thang máy. Rất nguy hiểm khi chạy bộ xuống cầu thang. “
“Ngày nào anh cũng chạy à?”
“Không, tôi bận bù đầu với mớ công việc ấy chứ. Tôi chỉ đánh vài tua quanh các ngày cuối tuần được thôi. Còn nếu tôi đi làm sớm thì thi thoảng tôi cũng sẽ chạy trong tuần. “
“Anh sống trong tòa nhà này à?”
“Hẳn rồi,” người chạy bộ nói. “Ở tầng mười bảy ấy.”
“Tôi tự phân vân rằng liệu anh có biết anh Kurumizawa không, cái người sống ở tầng hai mươi sáu ấy?”
“Anh Kurumizawa ấy à? “
“Anh ấy là một nhà môi giới chứng khoán, đeo kính Armani viền khung bằng kim loại, và lúc nào cũng đi cầu thang bộ. Cao hơn thước bảy, trạc bốn mươi tuổi. “
Người chạy bộ nói lên vài suy nghĩ. “À, tôi biết anh chàng đó rồi. Tôi có nói chuyện với anh ta một lần. Thỉnh thoảng tôi lại chạy lướt qua anh ấy trên cầu thang. Tôi từng nhìn thấy anh ta ngồi trên ghế sofa nữa. Anh ta là một trong số những người sử dụng cầu thang bộ vì ghét đi thang máy, phải không nhỉ? “
“Là anh chàng đấy đấy,” tôi đáp. “Ngoài anh ta ra, còn có nhiều người dùng cầu thang bộ hàng ngày nữa không?”
“Ờ, cũng có đấy,” anh ta nói. “Nhiều thì không hẳn, nhưng có một vài người có thể gọi là thường xuyên. Những người đó không thích đi thang máy. Và có hai người khác tôi đã nhìn thấy họ cũng chạy lên cầu thang như tôi. Ở đây không có đường nào chạy bộ ổn ổn được, vì vậy chúng tôi đành dùng cầu thang thôi. Cũng có vài ba người đi lên cầu thang để tập thể dục. Tôi đồ là có lắm người sử dụng những bậc thang này nhiều hơn hết các tòa chung cư khác – chúng được bật đèn sáng sủa, rộng rãi và sạch sẽ nữa cơ mà. “
“Anh có biết tên của những người ấy không?”
“Tôi e là không”, người chạy bộ nói. “Tôi chỉ biết mặt họ. Chúng tôi có chào nhau khi chạy lướt qua nhau, nhưng tôi không biết tên họ là gì. Đây là một tòa nhà khổng lồ mà. “
“Tôi hiểu rồi. Ô kê, cảm ơn vì thời gian quý báu của anh,” tôi nói. “Xin lỗi vì đã níu anh lại. Và chúc may mắn với môn chạy bộ này nhé. “
Người đàn ông ấn nút trên đồng hồ bấm giờ và tiếp tục chạy đi.
4
Vào thứ Ba, khi tôi đang ngồi trên ghế sofa, thì có một ông lão bước xuống cầu thang. Ông trạc tuổi bảy mươi, tôi đoán vậy, với mái đầu màu muối tiêu và cặp kính đeo trên mắt. Chân ông đi dép quai hậu, mặc quần dài màu xám, người khoác áo sơ mi dài tay. Quần áo ông mặc trên người sạch như li như lau, được ủi một cách tỉ mỉ. Dáng người ông cao to và có một phong thái rất đĩnh đạc. Tôi nom ông trông như một hiệu trưởng trường tiểu học mới về hưu gần đây.
“Chào chú em,” ông cất tiếng nói.
“Cháu chào ông,” tôi đáp lại lời ông.
“Chú em có phiền không nếu như tôi hút thuốc ở đây?”
“Không sao đâu ạ,” tôi nói. “Ông cứ việc tự nhiên.”
Ông cụ ngồi xuống bên cạnh tôi và lấy ra một gói Seven Stars từ túi quần. Ông đánh một que diêm, châm điếu thuốc của mình, rồi thở ra một làn khói và đặt điếu thuốc vào gạt tàn.
“Tôi sống ở tầng hai mươi sáu,” ông nói, chầm chậm nhả khói. “Với thằng con trai tôi và bà vợ. Hai người ấy luôn càm ràm chuyện nhà cửa mù mịt khói, thành thử mỗi khi thèm hút thuốc tôi vẫn luôn đi đến đây. Chú em có hút thuốc không?”
“Cháu đã bỏ cách đây mười hai năm rồi ạ”, tôi nói với ông ấy.
“Tôi cũng nên bỏ đi thôi,” ông lão nói. “Tôi chỉ hút ngày một hai điếu nên cũng không quá khó khăn gì. Nhưng chú em biết đấy, mình đi đến cửa hàng để mua thuốc lá, rồi đi xuống đây mà hút thuốc – cũng đủ giúp mình vượt qua cả ối thời gian. Nó khiến tôi tỉnh táo, năng hoạt động hơn và chả cần phải nghĩ ngợi gì quá nhiều. “
“Ý ông đang nói là việc hút thuốc có lợi cho sức khỏe của ông ạ?” tôi hỏi.
“Chính xác,” ông cụ nói với vẻ nghiêm túc.
“Ông nói ông đang sống ở tầng hai mươi sáu phải không ạ?”
“Đúng thế.”
“Thế ông có biết anh Kurumizawa ở nhà số 2609 không ạ?”
“Có chứ. Cậu ta đeo một cặp mục kỉnh và làm việc trong cái nhà băng “Huynh đệ Salomons” chứ gì, phải không nhỉ? “
“Là Merrill Lynch,” Tôi sửa lại lại lời ông.
“À đúng vậy – Merrill Lynch,” ông cụ nói. “Tôi đã từng nói chuyện với cậu ấy ở đây. Cậu ấy đôi khi lại ngồi trên ghế sofa này. “
“Anh ấy làm gì ở đây ạ?”
“Tôi không rõ lắm. Cậu ta cứ ngồi đây, nhìn chằm chằm vào khoảng trống trước mặt. Tôi không tin là cậu ta hút thuốc đâu. “
“Anh ấy có vẻ như đang nghĩ ngợi về cái gì đó ư?”
“Tôi không dám chắc là mình có thể nói lên được sự khác biệt đó – chỉ cần nhìn chằm chằm vào khoảng trống và suy nghĩ. Chúng ta luôn luôn suy nghĩ, phải không nào? Không phải là chúng ta đang sống để suy nghĩ, nhưng ngược lại cũng không đúng – chúng ta nghĩ để sống. Tôi thì tôi tin rằng, trái với cái ông Descartes ấy, đôi khi chúng ta tư duy chả phải để tồn tại hay gì. Cứ đăm đắm nhìn vào khoảng không thực chất sẽ vô tình tạo ra hiệu ứng ngược. Dù sao đi nữa, đó cũng là một câu hỏi khó. “
Ông cụ lại rít một hơi thuốc.
“Anh Kurumizawa đã bao giờ đề cập đến bất kỳ vấn đề nào về công việc hoặc chuyện trong nhà chưa ạ?” Tôi hỏi.
Ông cụ lắc lắc đầu và bỏ điếu thuốc vào gạt tàn. “Như tôi dám chắc là chú em cũng biết, nước luôn luôn chọn con đường ngắn nhất để chảy xuống. Mặc dù lắm khi con đường ngắn nhất đó thật sự được hình thành bởi nước. Quá trình tư duy của con người rất giống như vậy. Ít nhất thì đó là ấn tượng của tôi. Nhưng tôi không thể trả lời câu hỏi của chú em. Cậu Kurumizawa và tôi chưa bao giờ nói về những điều sâu sắc như vậy. Chúng tôi chỉ trò chuyện – về thời tiết, quy định của ban quản lý tòa nhà chung cư, những thứ từa tựa thế. “
“Cháu hiểu rồi. Xin lỗi vì đã làm mất thời gian của ông ạ,” tôi nói.
“Đôi khi chúng ta không cần đến từ ngữ,” ông cụ nói, như thể ông đã không hề nghe tôi nói. “Thay vào đó, là ngôn từ cần đến chúng ta. Nếu chúng ta không còn ở đây nữa, thì những từ ngữ sẽ mất sạch toàn bộ chức năng của nó. Chú em không nghĩ vậy sao? Nó sẽ kết thúc bằng những từ chúng ta không bao giờ nói, và những từ không được nói thì không còn là từ nữa. “
“Chính xác,” tôi đáp. “Nghe giống như một công án của Thiền.”
“Được rồi,” ông cụ bảo, gật gật đầu, và đứng lên để trở về căn hộ của mình. “Giờ thì bảo trọng nhé,” ông nói.
“Tạm biệt ông,” tôi đáp lại.
5
Sau hai giờ chiều ngày thứ Sáu kế tiếp, khi tôi đặt chân đến sảnh nghỉ giữa tầng hai mươi nhăm và hai mươi sáu, tôi nhìn thấy một cô bé đang vừa ngồi trên ghế sofa vừa nhìn chằm chằm vào gương trong lúc nghêu ngao hát một khúc nhạc. Cô bé trông vừa đủ lớn để bắt đầu vào tiểu học. Bé mặc một chiếc áo phông màu hồng và quần soóc vải denim, với một chiếc ba-lô màu xanh lá trên lưng và một cái mũ nằm gọn trong lòng.
“Xin chào cô bạn nhỏ,” tôi mở lời.
“Cháu chào chú,” cô bé đáp lại, và thôi hát.
Tôi muốn ngồi xuống ghế sofa cạnh cô bé, nhưng nếu có ai đó đi ngang qua và nhìn thấy chúng tôi, họ có thể nghĩ rằng có điều gì đó kỳ lạ ở đây, vậy nên tôi tựa lưng vào thành cửa sổ, giữ khoảng cách giữa hai người.
“Bé vừa tan trường à?” Tôi hỏi.
“Cháu không muốn nói gì đến chuyện “trường lớp” đâu,” cô bé nói với vẻ nghi ngờ.
“Thế thì chúng ta sẽ không nói đến chuyện đó nữa nhé”, tôi nói. “Cháu có sống trong tòa nhà này không?”
“Có ạ,” cô bé nói. “Nhà cháu ở tầng hai mươi bảy.”
“Không phải cháu đã đi bộ đến đây đấy chứ?”
“Thang máy hôi rình ấy à,” cô bé nói. “Cái thang máy ấy hôi lắm, thế nên cháu đã đi bộ lên tầng hai mươi bảy”. Cô bé nhìn mình trong gương và gật đầu. “Không phải lúc nào cháu cũng thế, nhưng thi thoảng cháu lại đi bộ.”
“Bé không thấy mệt sao?”
Cô bé không đáp lời. “Chú biết gì không? Trong tất cả các tấm gương treo ở cầu thang, cái gương này là phản chiếu tốt nhất đấy. Nó không giống như những tấm gương trong căn hộ của nhà cháu.”
“Ý bé là sao?”
“Chú tự xem đi,” cô bé nói.
Tôi tiến một bước về phía trước, đối diện với tấm gương, và nhìn chằm chằm vào bóng phản chiếu của mình một lúc. Và, đủ để dám chắc, hình ảnh của tôi phản chiếu trong gương đã được che đi vài mức độ những gì tôi từng trông thấy. Tôi trong gương trông đầy đặn và vui sướng hơn. Như thể tôi chỉ mới vừa đánh chén xong một chồng bánh kếp nóng.
“Nhà chú có nuôi em cún nào không?” Cô bé hỏi.
“Không, nhà chú không có nuôi em cún nào cả. Chú chỉ nuôi vài bạn cá nhiệt đới thôi. “
“Hừm,” cô bé cảm thán. Sự quan tâm của bé đối với các bạn cá nhiệt đới dường như không tồn tại.
“Thế cháu có thích các em cún không?” Tôi hỏi.
Cô bé không trả lời, nhưng thay vào đó lại hỏi một câu khác. “Chú có em bé không?”
“Không, chú chưa có em bé,” tôi trả lời.
Cô bé nhìn tôi đầy nghi ngờ. “Mẹ cháu dặn là không bao giờ được nói chuyện với những người đàn ông không có em bé. Mẹ nói mấy người đó có thể rất kỳ cục.”
“Không hẳn là thế đâu,” tôi nói, “Mặc dù chú cũng tán thành với mẹ của cháu là cháu phải cẩn thận khi nói chuyện với những người lạ không quen biết.”
“Nhưng cháu không nghĩ là chú lạ lắm.”
“Chú cũng không nghĩ thế.”
“Chú sẽ không khoe cho cháu thấy “cây lạp xưởng” của chú, đúng không ạ?”
“Không.”
“Và chú cũng không đi sưu tập quần lót của các bạn gái nhỏ phải không?”
“Không đời nào.”
“Thế chú có sưu tập gì không ạ?”
Tôi phải suy nghĩ về điều này. Tôi đã sưu tập những ấn bản đầu tiên của thơ hiện đại, nhưng có mang nó lên đây thì cũng chả đi đến đâu. “Không, chú không thực sự sưu tập bất cứ thứ gì cả. Còn cháu thì sao?”
Cô bé suy nghĩ một chốc, và lắc lắc đầu. “Cháu cũng chả sưu tập được gì cả.”
Chúng tôi im lặng trong giây lát.
“Chú ơi, chú thích bánh rán vòng nào nhất ở tiệm “Quý ngài Donut”?”
“Loại cổ điển,” tôi đáp ngay.
“Cháu không biết cái đó,” cô bé nói. “Chú biết cháu thích loại nào không? Cháu mê bánh trăng tròn và bánh thỏ kem. “
“Chú chưa bao giờ nghe đến mấy món đó.”
“Bánh đó là có nhân hoa quả hay đậu ngào mật bên trong. Ngon mê ly luôn. Nhưng mẹ cháu nói nếu cháu mà ăn đồ ngọt suốt cả ngày thì cháu sẽ bị ngốc nghếch đi, vì vậy mẹ cháu không mua nhiều bánh cho cháu đâu. “
“Nghe ngon lành quá,” tôi nói.
“Chú đang làm gì ở đây? Cháu đã nhìn thấy chú hôm qua, “cô bé hỏi.
“Chú đang đi tìm cái gì đó.”
“Nó là cái gì?”
“Chú cũng không biết nữa,” tôi thừa nhận. “Chú mường tượng ra nó giống như một cánh cửa.”
“Một cánh cửa ấy ạ?” Cô bé lặp lại. “Loại cửa như thế nào nhỉ? Có tất cả các hình dạng và màu sắc của cửa ra vào không chú?”
Tôi nghĩ về điều này. Hình dạng và màu sắc ư? Hãy nghĩ đến nó nào, tôi chưa bao giờ nghĩ về hình dáng và màu sắc của cửa ra vào. “Chú không biết. Chú cũng tự hỏi hình dạng và màu sắc của nó có thể là gì. Thậm chí có khi nó cũng không phải là một cánh cửa nữa. “
“Ý chú là có lẽ đó là cái ô hay cái gì đó ạ?”
“Một cái ô à?” Tôi nói. “Hừm. Cũng không có lý do gì để nó không phải là một cái ô cả, chú cho là thế “.
“Nhưng cái ô và cửa ra vào có hình dáng và kích cỡ khác nhau, và cách dùng của chúng cũng khác nhau nốt.”
“Đúng thế. Nhưng chú chắc chắn là chú sẽ nhận ra nó khi chú nhìn thấy nó. Giống như kiểu, “Ơ-rê-ka, mày đây rồi! “Dù đó là ô, cửa, hay thậm chí là cả bánh rán vòng.”
“Hưmmm,” cô bé cảm thán. “Chú đã tìm kiếm nó lâu chưa hả chú?”
“Lâu lắm rồi. Xưa xửa xừa xưa, kể từ lúc cháu còn sinh ra đời cơ. “
“Thế cơ ạ?” Cô bé thốt lên, nhìn chằm chằm vào lòng bàn tay mình trong một lúc. “Làm sao để cháu giúp chú tìm thấy nó được bây giờ?”
“Chú thực sự cảm mến điều này đấy,” tôi nói.
“Thế nên cháu nên tìm một cái gì đó, dù cháu không biết nó là gì, nhưng nó có thể là một cánh cửa, một cái ô, hay một chiếc bánh rán vòng hoặc một con voi ạ?”
“Chính xác,” tôi nói. “Nhưng khi cháu nhìn thấy nó, cháu sẽ biết chính ấy chính là nó đây rồi.”
“Nghe có vẻ hay quá chú ạ,” cô bé nói. “Nhưng bây giờ cháu phải về nhà rồi. Cháu có một buổi học ba-lê ạ. “
“Hẹn gặp lại cô bé nhé,” tôi nói. “Cảm ơn bé vì đã tán gẫu với chú.”
“Chú nói lại cho cháu biết tên loại bánh rán vòng mà chú thích đi chú?”
“Là loại cổ điển.”
Vừa cau mày, cô bé vừa lặp đi lặp lại những từ “cổ điển” hết lần này đến lần nọ. Rồi bé đứng dậy và trèo lên cầu thang, ngân nga hát trong suốt thời gian đó. Tôi nhắm mắt lại, tiếp tục buông lơi bản thân mình cuốn theo dòng chảy, để cho thời gian vô ích trôi xa.
6
Một buổi sáng thứ Bảy, tôi nhận được cuộc gọi từ khách hàng của mình.
“Chồng tôi được tìm thấy rồi,” cô ta vào đề ngay, bỏ qua lời chào hỏi. “Tôi đã liên lạc với cảnh sát vào giữa trưa hôm qua. Họ đã tìm thấy anh ấy ngủ trên băng ghế trong một phòng chờ ở ga Sendai. Anh ấy không có bất cứ đồng nào trên người, cả thẻ chứng minh thư nữa, nhưng một khoảng lâu sau anh ấy đã nhớ ra tên, địa chỉ nhà và cả số điện thoại. Tôi liền bay đến Sendai ngay. Tốt rồi, đó chính là chồng tôi. “
“Nhưng tại sao anh ta lại ở Sendai?” Tôi hỏi cô ấy.
“Anh ấy cũng không biết mình đến đó như thế nào. Chỉ đến khi có nhân viên đường sắt đến lay mạnh vai thì anh ấy mới ngơ ngác thức dậy trên một băng ghế ở ga Sendai. Làm thế nào mà anh ấy đi đến được Sendai khi không có một xu dính túi, anh ấy đã ăn uống gì trong suốt hai mươi ngày qua – anh ấy không hề nhớ được gì cả. “
“Anh ta ăn mặc như thế nào?”
“Vẫn mặc bộ quần áo y như lúc rời khỏi căn hộ của chúng tôi. Râu anh ấy mọc xồm xoàm và tụt hẳn hai mươi cân. Anh ấy cũng làm mất kính ở đâu đó rồi. Giờ tôi đang đứng gọi từ một bệnh viện ở Sendai đây này. Người ta đang cho làm một số xét nghiệm. Chụp cắt lớp, chụp X-quang, khám thần kinh luôn. Nhưng tâm trí của anh ấy dường như hoàn toàn ổn định cả, và thể chất cũng không có gì bị ảnh hưởng. Có điều trí nhớ của anh ấy đã bốc hơi mất. Anh ấy nhớ là vừa đi ra khỏi nơi ở của mẹ mình và bước lên cầu thang, nhưng sau đó, mọi thứ trở nên trắng xóa. Dù sao thì, chúng tôi sẽ có thể trở lại Tokyo vào ngày mai. “
“Quả là một tin tốt lành”
“Tôi thực sự đánh giá cao tất cả những gì ông đã làm để tìm được anh ất, thực tâm là như vậy. Nhưng bây giờ mọi thứ đã biến thành theo cách này, nên tôi không cần ông tiếp tục điều tra nữa.”
“Tôi cũng đoán là không,” tôi nói.
“Toàn bộ mọi chuyện đã quá điên rồ và không thể hiểu nổi, nhưng ít nhất tôi đã có được chồng mình trở về an toàn và yên ổn, và tất cả những điều đó là đủ ý nghĩa rồi.”
“Dĩ nhiên rồi,” tôi nói. “Đó là điều quan trọng nhất mà.”
“Ông có chắc chắn là bây giờ ông vẫn sẽ không chấp nhận bất cứ khoản phí gì cho những dịch vụ của ông không?”
“Như tôi đã nói với quý cô lần đầu tiên chúng ta gặp nhau rồi, tôi không thể chấp nhận bất kỳ khoản thanh toán nào. Vì vậy, xin cô cứ vui lòng, đừng bị ngại ngùng gì vì nó. Tôi rất cảm kích lòng thành của cô.”
Im lặng. Một sự im lặng thoải mái hàm ý rằng chúng tôi đã đạt đến mức độ thấu hiểu lẫn nhau. Tôi làm tròn vai của mình khi cổ xúy điều này, cảm kích sự tĩnh lặng.
“Vậy xin ông giữ sức khỏe nhé,” người đàn bà cuối cùng cũng lên tiếng và gác máy, giọng cô mang theo một chút đồng cảm.
Tôi gác máy. Tôi cứ ngồi ở đó trong một lúc, chầm chậm xoay một cây bút chì mới, nhìn chằm chằm vào tấm giấy ghi nhớ trống trước mặt mình. Thếp giấy trắng gợi cho tôi nhớ về một tấm chăn sạch sẽ thơm tho vừa mới lấy về từ tiệm giặt ủi. Mảnh ghi chú khiến tôi nghĩ đến một chú mèo tam thể con đang nằm xoài ra trên nó để đánh một giấc ngon lành. Hình ảnh đó – về một chú mèo nằm ngủ trên chiếc khăn mới giặt sạch – đã giúp tôi thư giãn. Tôi bắt đầu lục lọi trí nhớ của mình, và cẩn thận viết trên bảng ghi chú, từng điều một, tất cả những điểm nổi bật mà người đàn bà đã nói: Nhà ga Sendai, tầm trưa thứ Sáu, điện thoại, sút hai mươi cân, quần áo như cũ, mất kính, ký ức của hai mươi ngày đã bốc hơi.
Ký ức của hai mươi ngày đã biến mất.
Tôi đặt mẩu bút chì lên bàn, dựa lưng vào ghế, và nhìn chằm chằm lên trần nhà. Các tấm lợp trần đã xuất hiện những vết nứt ở đây và ở kia nữa, và nếu tôi nheo mắt lại, trông nó sẽ giống như một tấm biểu đồ vũ trụ. Tôi nhìn chăm chú vào cái đêm đầy sao tưởng tượng ấy và tự hỏi mình có nên bắt đầu hút thuốc trở lại không – vì sức khoẻ của chính mình. Tâm trí tôi đã bị lấp đầy bởi những tiếng gõ từ đôi giày cao gót người đàn bà đi trên cầu thang.
“Quý ngài Kurumizawa”, tôi to giọng nói với lên một góc của trần nhà. “Chào mừng ông trở lại với thế giới thực. Trở lại với ba mặt của thế giới có hình tam giác tuyệt đẹp này – với bà mẹ mắc chứng rối loạn hoảng loạn của ông, với cô vợ ông, với gót giày cao gót, và với cả cái nhà băng Merrill Lynch máu mặt đó nữa.”
Tôi tưởng tượng cuộc tìm kiếm của tôi sẽ tiếp tục – ở một nơi nào đó. Một cuộc tìm kiếm thứ gì đó có thể rất giống với hình dạng như một cánh cửa. Hoặc cũng có khi là một thứ gì gần với một chiếc ô, hoặc một cái bánh rán vòng. Hay cả một con voi. Một cuộc tìm kiếm mà, tôi hy vọng, sẽ đưa tôi đến được nơi dường như tôi có thể tìm thấy.
Hết.
(*) Descartes: Triết gia, nhà khoa học, toán học nổi tiếng người Pháp, được xem là cha đẻ của triết học hiện đại. Ông nổi tiếng với câu nói “Cogito, Ergo Sum” (Tôi tư duy, nên tôi tồn tại).
Truyện ngắn Nơi dường như có thể tìm thấy (Doko de are sore ga mitsukarisō na basho de) được in lần đầu trong tuyển tập truyện ngắn Hợp tuyển bí ẩn Tokyo (Tokyo kitanshu) xuất bản năm 2005. Sau đó được Phillip Gabriel chuyển ngữ và đưa vào tuyển tập truyện ngắn Cây liễu mù và cô gái ngủ (Blind Willow, Sleeping Woman) được nhà xuất bản Vintage cho ra mắt năm 2006.
Nguyễn Thảo Trang
dịch từ bản tiếng Anh của Phillip Gabriel